Tin Việt Nam – 06/12/2019
Friday, December 6, 2019
7:07:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Bắt giữ nhóm người Đài Loan
cất giấu lô ma tuý trị giá 6 triệu Mỹ kim
Tin từ Sài Gòn: Vào cuối tháng 11, lực lượng công an đã đột kích nhiều nhà kho ở thành phố Sài Gòn và phát hiện nhóm người Đài Loan cất giấu 446 bánh heroin trị giá khoảng 6 triệu Mỹ kim.Dẫn nguồn tin từ Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (Bộ công an cộng sản), báo Tuổi Trẻ cho biết nhóm tội phạm này liên quan đến chuyên án thu giữ 895 bánh heroin trước đó. Việc khám xét là kết quả của chuyên án phối hợp với Cảnh sát Đài Loan.
Đến nay, cảnh sát từ 2 nước đã bắt giữ nhiều nghi phạm người Đài Loan liên quan đến vụ án.
Ban chuyên án bước đầu xác định nhóm này có mối liên hệ với đường dây vận chuyển 895 bánh heroin, bị cảnh sát triệt phá hồi tháng 3 tại Sài Gòn hồi tháng 3. Quá trình mở rộng điều tra, công an đã thu được 1.340 bánh heroin.
Xin nhắc lại là vào ngày 27/3, công an Sài Gòn phát hiện xe bán tải lưu thông trên quốc lộ 22 chở 5 thùng carton chứa 895 gói ma túy. Mở rộng điều tra, cảnh sát xác định nhóm người Đài Loan đã thuê một nhà kho ở thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương để chứa hàng cấm. Sau khi nhập ma túy từ Tam Giác Vàng, điểm đến tiếp theo là một nhà xưởng ở Hóc Môn. Chúng thuê người Việt sản xuất băng keo dính. Tên cầm đầu đường dây này từng kinh doanh phế liệu vào Việt Nam, bị xử tù 6 tháng nhưng trốn thi hành án.
Việt Nam bị xem là trung tâm trung chuyển ma tuý từ Tam Giác Vàng đi Philippines, Úc và nhiều nơi khác trên thế giới, và là nơi hàng nghìn tội phạm đến từ Trung Cộng và Đài Loan hoạt động mà ít khi bị trừng trị vì lực lượng công an dễ bị mua chuộc. Hơn thế nữa, chế độ cộng sản Hà Nội trục xuất luôn người Trung Cộng phạm tội mà không qua xét xử, khiến dân Trung Cộng không sợ bị trừng trị.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/bat-giu-nhom-nguoi-dai-loan-cat-giau-lo-ma-tuy-tri-gia-6-trieu-my-kim/
Người giao sách Nhà xuất bản Tự Do
‘muốn kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn’
Ben NgoMột tuần sau khi đăng tải bản tuyên bố đề nghị công an TP.HCM “hãy chấm dứt việc khủng bố gia đình tôi”, người giao sách của Nhà xuất bản Tự Do nói với Đài Á Châu Tự Do rằng việc này “có hiệu quả” và ông “chỉ muốn kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn”.
Ông Vũ Huy Hoàng, một tài xế taxi ở TP.HCM, từng được biết đến qua khi giơ biểu ngữ phản đối tăng giá xăng vài năm trước. Gần đây, hôm 15/10/2019, ông bị bắt vào công an phường 6 quận 3. Ông cho biết mình đã “bị đánh, bị câu lưu suốt 12 tiếng đồng hồ vì đi giao sách cho Nhà xuất bản Tự Do”.
Nhà xuất bản Tự Do là nơi xuất bản những cuốn sách của nhà báo Phạm Đoan Trang như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lực. Nhà báo Phạm Đoan Trang là người vừa được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao giải Tự do Báo Chí, hạng mục Tầm ảnh hưởng. Cô là người có tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chính quyền và chính vì vậy cô thường xuyên bị công an theo dõi, sách nhiễu, thậm chí đánh đập đến thương tích.
Hôm 30/11, ông Vũ Huy Hoàng viết trên trang cá nhân: “… Phía sau tôi là một gia đình với vợ và hai đứa con nhỏ. Nhận thấy sự chẳng lành sẽ xảy đến với gia đình mình nên sau đó tôi đã rời khỏi nhà, tạm gọi là đi “lánh nạn” với hy vọng vợ con ở nhà sẽ được yên thân. Nhưng không, suốt từ hôm đó đến nay, công an liên tục đến nhà sách nhiễu vợ con tôi, gửi giấy mời yêu cầu vợ tôi lên công an làm việc…”
Hôm 6/12, trong lúc đang tạm lánh tại một nơi không được tiết lộ vì lý do an toàn, ông Vũ Huy Hoàng giải thích với RFA về việc tại sao ông phải lên tiếng đề nghị công an TP.HCM “hãy chấm dứt việc khủng bố gia đình tôi”:
“Thực ra là mình cũng rất nhiều lần làm việc với cơ quan an ninh nên cũng khá hiểu tâm lý của họ. Tức là khi thấy những người mà họ gọi là ‘đối tượng’ có vẻ hiền thì họ sẽ lấn át và làm tới. Và khi mình biết âm mưu họ định làm gì, mình làm trước thì ít nhất là họ chùn tay, không dám làm, hoặc họ sẽ tìm cách khác.”
Ông Vũ Huy Hoàng nói là việc ông ra tuyên bố với công an “có hiệu quả như mình mong muốn, công an không dám khủng bố tinh thần đối với vợ con tôi nữa, ít nhất là cho tới thời điểm này, không có động thái nào cho thấy là họ muốn lấn tới.”
Ông Vũ Huy Hoàng cho biết thêm về bản thân:
“Thực ra là tôi chưa bao giờ xem mình là nhà hoạt động. Tôi nghĩ mình chỉ đóng góp một phần rất là nhỏ bé, để làm sao cho xã hội được tốt đẹp hơn. Chứ tôi không dám nhận mình là nhà hoạt động.”
“Họ đang cố bắt tôi phải thừa nhận mình làm việc cho Nhà xuất bản Tự Do. Họ tìm mọi cách ép buộc tôi phải thừa nhận. Đó là mục đích của họ. Như dư luận cũng biết, trong thời gian vừa qua, Nhà xuất bản Tự Do làm công việc truyền bá tri thức cho độc giả và tôi nghĩ là nhà cầm quyền không muốn độc giả, cũng như là người dân tìm hiểu tri thức mà Nhà xuất bản Tự Do đang lan tỏa.”
Ông Vũ Huy Hoàng cũng nói rằng việc đi giao sách “chỉ là một trong những công việc tôi làm”. Ông giải thích vụ việc xảy ra hôm 15/10/2019 là do an ninh “lấy điện thoại của người nhận sách, khống chế để bẫy tôi”.
Ông Vũ Huy Hoàng giải thích vì sao ông quan tâm và muốn lên tiếng về các vấn đề thời sự xã hội:
“Do đặc thù công việc tài xế taxi, hàng ngày, tôi tiếp xúc với rất nhiều người trong mọi tầng lớp xã hội. Và tôi nhận thấy xã hội mình đang sống có nhiều bất công, oan trái. Tôi suy nghĩ và thấy mình có trách nhiệm phải làm mọi cách để thế hệ sau nói chung và con cái tôi nói riêng sẽ được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn. Bằng cách này hay cách khác, tôi hành động để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Chế độ độc tài toàn trị thì họ không muốn cho người dân hiểu nhiều về giá trị tự do dân chủ, nhân quyền. Họ muốn giữ thế độc tôn của họ để cai trị người dân.”
Đề cập về hoàn cảnh đang phải tạm lánh, ông Vũ Huy Hoàng nói ông “chưa xác định thời gian này là bao lâu, mọi phán đoán của mình còn tùy thuộc vào động thái tiếp theo của nhà cầm quyền”.
Ông nói mình “rất lo cho sự an toàn của vợ con ở nhà, nhưng rất may có nhiều anh em trong giới đấu tranh dân chủ thường xuyên qua lại giúp đỡ vợ con tôi”.
Ân Xá Quốc Tế hôm 27/11 ra thông cáo báo chí kêu gọi giới chức chính quyền Việt Nam phải ngay lập tức ngừng việc leo thang đàn áp Nhà xuất bản Tự Do, nơi phát hành những cuốn sách về chính trị và chính sách công vốn không được chính quyền Hà Nội chấp nhận.
Theo Ân Xá Quốc Tế, kể từ đầu tháng 10 đến nay, hàng chục người trên cả nước đã bị công an sách nhiễu và đe dọa vì có liên quan đến nhà xuất bản Tự Do. Ít nhất một người bị thương và bị đánh đập khi bị công an tạm giữ.
“Việc đàn áp đã gửi ra một thông điệp đáng ngại cho những người muốn tự do thực hành quyền bày tỏ ý kiến và tiếp xúc thông tin, quan điểm, đồng thời là một dấu hiệu cho thấy việc chính quyền không chấp nhận sự bất đồng quan điểm ôn hòa”, thông cáo của Ân Xá Quốc tế viết.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/liberated-publisher-s-shipper-wants-to-create-a-better-society-12062019082903.html
Đến mộ liệt sĩ cũng giả để ăn tiền!
Thanh TrúcBên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn chỉ toàn đất với đá khi được khai quật để giám định ADN thể theo yêu cầu của thân nhân, là thông tin gây sốc không chỉ đối với gia đình mà còn đối với nhiều người Việt Nam trong những ngày này.
Ủy Ban Nhân Dân địa phương đã xác nhận về 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt, không cả tiểu sành là vật dụng tùy táng bắt buộc mà chỉ có những túi nylon đựng đất đá không thôi. Việc khai quật được Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh tiến hành với sự chứng kiến của thân nhân những người quá cố được mời đến lấy mẫu để so sánh.
Đây là 13 liệt sĩ, còn được gọi là chiến sĩ thanh niên xung phong, hy sinh khi đang thi hành nhiệm vụ trong tai nạn vỡ đập tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hồi năm 1968.
Thế thì trách nhiệm ở ai? Ở Nhà Nước, ở Bộ Lao Động-Thương Binh- Xã Hội, ở Cục Chính Sách. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ nói liệt sĩ nhiều quá, không đủ ngân sách, thực chất nó là như vậy.
-Cựu chiến binh Trần Bang
Sau 3 lần qui tập nhưng không thể xác định danh tính, hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong được đưa về chôn tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ tỉnh Bắc Kạn.
Cựu chiến binh, nhà báo Võ Văn Tạo, đang theo sát vụ việc, giải thích :
“Khái niệm liệt sĩ của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 trở đi bao hàm chủ yếu là lực lượng vũ trang hy sinh trong chiến đấu, trong công tác phục vụ chiến đấu. Sau đó thêm các thành phần khác nữa gồm các thanh niên xung phong, các cán bộ Nhà Nước đi làm nhiệm vụ mà bị tử nạn được công nhận là liệt sĩ. Đây là qui định của Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau này là Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kế thừa”
Việc khai quật một lúc 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn xảy ra có thể do những thông tin không hay đã bị rò rĩ dù 50 năm đã trôi qua, nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp:
“Câu chuyện gian lận ấy nó đã rò rỉ, âm ỉ lâu nay. Tâm lý người Việt Nam mình thì ai cũng muốn người thân trong gia đình, tử nạn ở xa, chôn cất ở xa, nếu không có điều kiện thì chịu chứ có điều kiện thì cũng cố gắng gom về quê hương xứ sở để tiện thăm nom mồ mả . Người ta đưa ra yêu cầu phải giám định AND để xác định đúng đấy là xương cốt của thân nhân chứ không phải người khác. Đó là cái tâm lý bình thường, theo tôi cảm nhận thì cái tâm lý đó ở miền Bắc nó nặng nề hơn”.
Ông Lê Phú Khải, cựu phóng viên VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, cho rằng đây là một vụ việc rất tiêu cực:
“Đài báo có nói về vụ này mà. Không có hài cốt mà họ cứ xây lên để lấy kinh phí, dứt khoát đó là có tiêu cực, vụ lợi chứ không có lý do gì khác. Mà chuyện này xảy ra trong thời kỳ chiến tranh, thời kỳ còn khó khăn, thế thì có thể giải thích được là tiêu cực, thế thôi”.
Điểm rất đáng tiếc trong vụ việc này, nhà báo Lê Phú Khải nói tiếp, ngoài nỗi đau của thân nhân và sự ngỡ ngàng của dư luận thì còn có sự nghi ngờ rằng những nơi chôn cất hay cải táng liệt sĩ tại các địa phương đâu đó trên cả nước thực sự có điều gì như 13 ngôi mộ không hài cốt ở Bắc Kạn hay không.
Được biết để có căn cứ báo cáo lên bộ trưởng, Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đề nghị Cục Người Có Công phối hợp cùng Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Bắc Kạn tiến hành xác minh, làm rõ sự việc trong thời gian sớm nhất, có nghĩa là trước 4 giờ chiều ngày 4 tháng Mười Hai.
Trách nhiệm ở ai là câu hỏi của cựu chiến binh Trần Bang, hiện mà một nhà hoạt động xã hội trong nước:
“Có thể là bên Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, hoặc Phòng Chính Sách của tỉnh đội hoặc tỉnh đội, dưới Cục Chính Sách của Bộ Quốc Phòng. Nó gian dối ở khâu những người làm hồ sơ liệt sĩ mà không có hài cốt. Bây giờ không kiểm tra chứ kiểm tra thì tôi nghĩ chắc còn nhiều bởi vì có sự gian dối của những người thực hiện công tác thương binh xã hội. công tác tìm hài cốt rồi qui tập liệt sĩ”
Biết không có hài cốt mà vẫn cứ lên danh sách để lấy tiền công vận chuyển, xây mộ đủ thứ …gọi là dự án khống, lấy tiền từ ngân sách để chia nhau bỏ túi. Hiện tượng này là có.
-Cựu chiến binh Võ Văn Tạo
“Nói chung chỗ nào có chi ngân sách là chổ ấy có gian dối, xây ra đấy thì chẳng hạn tổng cộng tất cả các khâu từ tìm kiếm đến đào đến vận chuyển đếm mua các dụng cụ như tiểu sành này khác…. Tức là cứ dự toán 5 triệu hay 10 triệu một ngôi mộ. Không tìm được nhưng bảo có tìm được, người ta vẽ ra để tíình tiền, xây kim tĩnh phía bên trên thì ăn bớt phía bên dưới. Đây là cách “ăn” mộ phần liệt sĩ gọi là tán tận lương tâm”
Không chỉ liệt sĩ thật nhưng mộ giả, cựu chiến binh Trần Bang kể tiếp, thương binh giả cũng đang là vấn đề:
“Vừa rồi người ta tìm ra số thương binh giả ở một số tình thành cũng lên đến mấy ngàn chẳng hạn. Năm 2014 tôi đã có bài thơ Trâu Đỏ, Trâu Đỏ là ăn cả mộ phần liệt sĩ . Thương binh giả được thì liệt sĩ thật nhưng mộ giả cũng có thôi, có mộ giả thì có tiền. Người ta không có sự trung thực, người ta coi thường người đã chết, đã khuất. Thế thì trách nhiệm ở ai? Ở Nhà Nước, ở Bộ Lao Động-Thương Binh_ Xã Hội, ở Cục Chính Sách. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ nói liệt sĩ nhiều quá, không đủ ngân sách, thực chất nó là như vậy”.
Trở lại chuyện phải 3 lần qui tập hài cốt 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, tử nạn khi đập Bắc Kạn bị vỡ nhưng mộ phần của họ chỉ toàn đất với đá, cựu chiến binh Võ Văn Tạo giải thích thêm:
“Mộ liệt sĩ mà thực chất không có hài cốt của liệt sĩ không phải là hiếm. Bộ đội tử nạn trong chiến tranh không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà cả Lào và Kampuchia cho nên việc là gom hài cốt ở các nghĩa trang rồi đưa về gia đình cũng có nhiều sai sót, luộm thuộm”.
“Ngay cả địa phương chúng tôi là tỉnh Khánh Hòa, huyện Diên Khánh, cách đây hơn chục năm cũng đã vở lở một vụ liệt sĩ bộ đội có tên có tuổi nhưng không có hài cốt” .
“Thứ nhất là do số liệt sĩ hy sinh quá nhiều, trong thời gian quá dài ở một địa bàn rất rộng, Nhà Nước thì để quá chậm mới tiến hành qui tập. Tôi nhớ chủ trương qui tập một cách rộng rãi và mạnh mẽ cũng phải sau chiến tranh 15 năm, khoảng 90s trở đi. Để lâu như thế thì việc quản lý hồ sơ và địa hình địa vật thay đổi rất nhiều. Trong đơn vị chúng tôi chứng kiến đồng đội chết được chôn xuống rồi lại bị bom pháo cày lên, lại nhặt lại rồi chôn xuống. Lúc ấy không biết thịt đấy xương đấy là của ai nữa,chỉ biết chôn anh em xuống cho đỡ tội nghiệp và đỡ ô nhiễm môi trường thôi. Mộ thì nông và bia thì mỏng, chỉ cần 3 mùa mưa là trôi hết. Quá trình qui tập chủ yêu là những vùng rừng núi, từ đó vận chuyển về những khu vực tập trung là có sự sai lệch, cho nên hiện tượng mộ giả, mộ có tên có tuổi mà không có hài cốt như trường hợp vừa rồi của Bắc Kạn không phải là quá hiếm, rất nhiều nơi bị cái hiện tượng đó”
Thực trạng phơi bày, mà nhà báo Võ Văn Tạo dùng từ “khốn nạn” để mô tả, chính là:
“Biết không có hài cốt mà vẫn cứ lên danh sách để lấy tiền công vận chuyển, xây mộ đủ thứ …gọi là dự án khống, lấy tiền từ ngân sách để chia nhau bỏ túi. Hiện tượng này là có.
Tính đến lúc này mọi liên lạc của chúng tôi đến thẩm quyền Bắc Kạn đều không thể thực hiện được. Báo chí trong nước đưa tin là lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan việc qui tập hài cốt liệt sĩ của 13 thanh niên xung phong hy sinh tại hồ Minh Tân 50 năm về trước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-human-remains-in-mia-tombs-in-the-north-12052019121050.html
Dân Đồng Tâm cảnh giác việc mạo danh quân đội
xây tường trên đất tranh chấp
Hôm ngày 4 tháng 12 năm 2019, trên mạng xã hội xuất hiện thông báo của một đại diện người dân Đồng Tâm rằng trong một vài ngày tới phía Bộ Quốc Phòng sẽ xây dựng tường bao trên đất của Quốc Phòng diện tích 47,36 hecta không đụng chạm đến khu đất nông nghiệp liền kề của nhân dân xã Đồng Tâm.Đa số người dân xã Đồng Tâm cho biết họ nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn Bộ Quốc Phòng đã ủng hộ lẽ phải và ủng hộ nhân dân xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, họ lại nêu lo ngại vì vào thời điểm Bộ Quốc Phòng xây dựng trên diện tích 47,36 ha thì có một nhóm người ăn mặc quần áo quân đội vào khu 59 ha đất nông nghiệp của nhân dân Đồng Tâm, mạo danh là Quốc Phòng dự định xây dựng tường bao.
nếu bọn lợi ích nhóm mà lợi dụng việc này để xây trên đất của dân thì sẽ bùng nổ tranh đấu, tôi khẳng định là nhân dân Đồng Tâm sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
-Lê Đình Công
Ông Lê Đình Công một trong những người dân khiếu kiện ở Đồng Tâm, khi trao đổi với RFA hôm 5/12, cho biết:
“Mấy ngày hôm nay vẫn có một nhóm người cứ đi qua đi lại chỉ trỏ khu đất của chúng tôi. Trong khi chúng tôi nói chuyện với bên quân đội thì họ nói chúng tôi chỉ xây trên đất quốc phòng chứ không đụng chạm đất của dân, cái đó là chắc chắn. Nếu như vậy thì nhân dân chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ. Nhưng nếu bọn lợi ích nhóm mà lợi dụng việc này để xây trên đất của dân thì sẽ bùng nổ tranh đấu, tôi khẳng định là nhân dân Đồng Tâm sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Theo ông Lê Đình Công, sẽ không có chuyện bắt người như sự kiện 15/4/2017, mà sẽ chiến đấu ngay lập tức nếu những người mạo danh này cố tình động vào đất của nhân dân Đồng Tâm.
Vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành; một sự kiện xảy ra gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, đó là việc dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. Biện pháp này được thực hiện sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.
Căng thẳng chấm dứt vào ngày 22/4 sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về đối thoại với người dân và người dân thả toàn bộ những con tin bị bắt giữ.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội lúc đó đã viết một bản cam kết “trực tiếp tham gia đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao đoàn thanh tra làm đúng sự thật, khách quan và đúng pháp luật”. Ông cũng hứa sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự của toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm sau vụ bắt giữ con tin.
Trả lời RFA hôm 5/12, một người dân ở xã Đồng Tâm, cho biết ông và gia đình không lo ngại việc Bộ quốc phòng xây tường rào ở khu vực 47,36 hecta, ở sân bay Miếu Môn. Nhưng theo ông, nếu chính quyền xây tường vào khu vực 59 hecta đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm thì chắc chắn sẽ có phản đối, sẽ có xảy ra xung đột. Ông nói tiếp:
“Họ chỉ khoảng 10 hay nhiều lắm là 20 người, nhưng khi có bà con thì họ lại lẩn, lại chạy đi. Họ không muốn gặp trực tiếp bà con. Khi bà con muốn gặp họ thì họ đều nói đây là chúng tôi chỉ về làm nhiệm vụ chứ chúng tôi không về đây để làm gì cả.”
Để xác nhận thông tin vừa nêu, Đài Á Châu Tự Do hôm 5/12 cũng đã liên lạc ông Lê Trường Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, tại số điện thoại 098xxx2886, tuy nhiên sau khi kết nối được và nghe chúng tôi trình bày thì ông Huy đã ngắt máy đột ngột. Chúng tôi tiếp tục liên lạc lại nhưng ông đã tắt máy.
Hôm 5/12, cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã Đông Tâm, cũng là người đại diện tinh thần của người dân xã Đồng Tâm, cho RFA biết thêm thông tin liên quan việc này:
“Xây tường bao thì hồi 31/3/2018 thì họ đã tổ chức đào móng xây tường phạm vi 47,36 hecta, bây giờ họ đang chuẩn bị xây nhưng chưa xây. Ông Nguyễn Đức Chung thì cứ nói quốc phòng buông lỏng quản lý, còn nhân dân Đồng Tâm thì lấn chiếm, nhưng thật ra quốc phòng họ vẫn quản lý chặt chẽ từ xưa đến nay, và nhân dân không hề lấn chiếm. Hiện nay tôi thấy bộ đội đang làm nhà bạc các thứ để chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho bộ đội xây tường, còn vật liệu thì vẫn chưa mang về. Còn chỗ 59 hecta thì vừa rồi huyện Mỹ Đức cũng cho quan về chặt cây cối, dỡ những cái nhà trong khu đất nông nghiệp.”
Theo cụ Lê Đình Kình, đất quốc phòng thuộc sân bay Miếu Môn chỉ có 47,36 hecta, nhưng chính quyền lại nói là 64 hecta, còn 59 hecta đất nông nghiệp của dân thì chính quyền lại nói khu vực sân bay Miếu Môn chỉ có đất quốc phòng chứ không có đất nông nghiệp.
Họ chỉ khoảng 10 hay nhiều lắm là 20 người, nhưng khi có bà con thì họ lại lẩn, lại chạy đi. Họ không muốn gặp trực tiếp bà con. Khi bà con muốn gặp họ thì họ đều nói đây là chúng tôi chỉ về làm nhiệm vụ chứ chúng tôi không về đây để làm gì cả.-
Người dân Đồng Tâm
Theo cổng thông tin chính phủ, vào ngày 19/7/2017, Thanh tra thành phố ban hành Kết luận thanh tra số 2346 về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Trong đó, nội dung chính là khẳng định: Toàn bộ 238ha đất thuộc địa bàn 3 xã Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi, giao cho quân đội từ năm 1980 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Sau khi công bố Kết luận thanh tra 2346, vì người dân Đồng Tâm không đồng tình, Thanh tra Chính phủ đã quyết định tiến hành rà soát kết luận thanh tra 2346.
Đến ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo số 611, công bố kết quả rà soát kết luận 2346 thanh tra đất đai Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, và khẳng định toàn bộ khu đất ở sân bay Miếu Môn hơn 239 ha đều thuộc đất Quốc Phòng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm, sau khi có kết luận thanh tra vào tháng tư năm 2019, khi trả lời RFA trước đây cho biết, ông và người dân Đồng Tâm không đồng tình với thông báo 611 vừa nêu, vì đây là thông báo đơn phương từ phía chính quyền. Người dân Đồng Tâm sẽ kiên trì yêu cầu đề nghị chính quyền đối thoại với người dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dong-tam-people-are-concerned-about-impersonating-the-army-to-build-a-wall-on-disputed-land-12052019125943.html
Hai cựu chủ tịch Đà Nẵng
sẽ ra tòa vào đầu tháng 1 cùng Vũ ‘nhôm’
Hai cựu chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cùng Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, và 18 người khác sẽ phải hầu hòa tại Hà Nội từ ngày 2 đến 15 tháng 1 tới đây.Tin từ truyền thông trong nước cho biết như vừa nêu vào ngày 6 tháng 12. Phiên xử dự kiến được tiến hành trong cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Chủ tọa phiên tòa là Lưu Ngọc Cảnh.
Hai ông cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bị truy tố về hai tội danh là ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ theo khoản 3 điều 219 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam; khung hình phạt từ 10 đến 20 năm; và tội ‘vi phạm cá qui định về quản lý đất đai’ theo khoản 3 điều 229, khung hình phạt từ 5 đến 12 năm tù giam.
Cùng bị truy tố với hai tội danh vừa nêu trong vụ án còn có các ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ’ Nhôm’- cựu thượng tá tình báo công an; ông Nguyễn Ngọc Tuấn- cựu giám đốc Sở Xây Dựng, cựu phó chủ tịch Đà Nẵng; ông Phan Xuân Ít-cựu phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Đà Nẵng; ông Nguyễn Quang Thành-cựu giám đốc Công ty Minh Hoàng Phát; ông Phan Minh Cương-cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng 79, giám đốc Công ty TNHH I.V.C.
Bảy người bị truy tố tội ‘vi phạm các qui định về quản lý đất đai’ gồm ông Nguyễn Điểu-cựu giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường; ông Trần Văn Toán-cựu phó giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường; ông Lê Cảnh Dương-cựu phó giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng; ông Nguyễn Văn Cán- cựu chánh văn phòng UBND Đà Nẵng; ông Đào Tấn Bằng-cựu phó chánh văn phòng UBND Đà Nẵng; ông Nguyễn Viết Vĩnh- cựu trưởng phòng Quản lý Đô Thị; ông Nguyễn Đình Thống- cựu giám đốc Công ty Quản lýt & Khai thác đất Đà Nẵng.
Bảy người khác bị truy tố tội ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ gồm ông Nguyễn Thanh Sang- cựu phó Giám đốc Sở Tài Chính Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Thu Hà- cựu giám đốc Sở Tài Chính Tp Đà Nẵng; ông Nguyễn Công Lang- cựu giám đốc Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng; ông Huỳnh Tấn Lộc-cựu tổng giám đốc Công ty Công Nghệ phẩm Đà Nẵng; ông Phạm Ngọc Thạch- cựu tổng Giám đốc Công ty Du lịch Đà Nẵng; ông Trần Phi- cựu tổng Giám đốc Công ty Xuất Nhập Khẩu Đà Nẵng; ông Lê Anh Tuấn- nguyên tổng giám đốc Công ty Cung ứng Tàu Biển Đà Nẵng.
Trong số 21 bị can vừa nêu, hiện có 18 người đang được tại ngoại. Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân Dân Tối Cao công bố hồi tháng 10 vừa qua nêu rằng hai cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng cùng 18 bị can đã giúp Phan Văn Anh Vũ trục lợi hơn 22 ngàn tỷ đồng.
Kỳ xử sắp đến là vụ án thứ 4 đối với Phan Văn Anh Vũ. Vào tháng 11 năm 2018, Phan Văn Anh Vũ bị TAND Cấp cao Hà Nội tuyên 8 năm tù về tội ‘cố ý làm lộ bí mật Nhà nước’; vào ngày 7 tháng 6 năm nay, Phan Văn Anh Vũ tiếp tục bị TAND Cấp cao TP HCM tuyên 17 năm tù về tội ‘lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’; đến ngày 13 tháng 6 bị TAND Cấp cao Hà Nội tuyên 15 năm tù về tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Vụ xử mới đối với Phan Văn Anh Vũ, hai cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng cùng 18 người như vừa nêu nằm trong kế hoạch của Việt Nam xử sơ thẩm một số vụ án phức tạp, có tính chất nghiêm trọng mà dư luận đặc biệt quan tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-former-da-nang-chairmen-to-be-put-on-trial-next-month-12062019073909.html
Tướng CA: ‘Tổ chức phản động
cung cấp nhà đất miễn phí’, dân oan ‘không tin’
Khánh An VOANgày 5/12, Tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trong báo cáo về tình hình an ninh trật tự của thủ đô năm 2019 nói rằng các tổ chức phản động đã sử dụng phương thức cấp đất, cấp nhà miễn phí để lừa bịp, lôi kéo và chiêu dụ người dân. Tuy nhiên, một nạn nhân mất đất của Hà Nội khẳng định với VOA rằng anh chưa từng biết và cũng không tin rằng chiêu thức “cấp đất, cấp nhà” này sẽ có hiệu quả lôi kéo người dân chống lại chính quyền, mà chính tự bản thân Đảng Cộng sản đã làm cho người dân nhận thức ra vấn đề.
Phát biểu của Trung tướng Đoàn Duy Khương được đưa ra khi ông trả lời phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào chiều 5/12.
Theo tướng Khương, tình hình an ninh trật tự ở Hà Nội trong năm nay “nổi lên một số diễn biến mới”. Theo đó, mặc dù “âm mưu cơ bản chiến lược” của các thế lực thù địch phản động và đối tượng chính trị cực đoan trong nước tuy không thay đổi phương thức thủ đoạn, nhưng “hoạt động chống phá tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm hơn”, trong đó bao gồm việc tổ chức tuần hành trái pháp luật, tung tin trên mạng ề “chương trình cấp đất, cấp nhà miễn phí” để “lừa bịp, lôi kéo, tuyển lựa lực lượng tham gia”, theo Vietnamnet.
Tuy nhiên, một “dân oan” mất đất ở Hà Nội, anh Trịnh Bá Tư, nằm trong số các hộ dân bị mất đất ở Dương Nội, cho VOA biết trong nhiều năm đi khiếu kiện và tham gia biểu tình đòi bồi thường đất đai, anh chưa từng biết đến có một tổ chức nào đưa ra chương trình cung cấp nhà, đất miễn phí cho người dân để chiêu dụ họ.
“Nhận định của tướng Khương như vậy là không đúng. Thực tế khi dân oan đi khiếu kiện đất đai thì cũng có sự trợ giúp từ những người hoạt động xã hội, các tổ chức xã hội dân sự. Nhưng tuyệt đối, với những hiểu biết và những gì tôi đã trải qua, thì không có một hội nhóm hay cá nhân nào dùng kinh tế, mà như ông Khương nói là dùng đất đai, để mà chiêu dụ hay mời gọi người dân vào một đảng phái nào đó để chống phá Đảng Cộng sản”, Trịnh Bá Tư nói thêm với VOA.
Không những cho rằng nhận định của Trung tướng Đoàn Duy Khương là không chính xác, Trịnh Bá Tư còn cho rằng phát biểu của Giám đốc Công an Hà Nội là “không thực tế”. Anh giải thích thêm:
“Bởi vì tâm lý của người dân là rất đề phòng. Trên thực tế, chính người dân hiện nay đang tự họ nhận thấy Đảng Cộng sản là một đảng độc tài và tham nhũng, và họ bắt đầu có tâm lý phản kháng, chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản. Cái đó xuất phát từ (điều kiện) tự nhiên thôi”.
Khiếu kiện đất đai đang trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất mãn của người dân đối với chính quyền sở tại. Không ít “dân oan” sau một thời gian dài đi khiếu kiện đòi đất đã trở thành “nhà hoạt động” với những kinh nghiệm và vốn kiến thức pháp lý mà họ bất đắc dĩ phải tìm hiểu và có được.
Trong những năm gần đây, rất nhiều vụ cưỡng chế đất đai đã dẫn đến xung đột dữ dội giữa người dân và lực lượng chức năng trên khắp cả nước như vụ Cồn Dầu, Đồng Tâm, Dương Nội, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng…
Trong một báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam vào năm ngoái, tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng thay vì để cho người dân biểu đạt ý kiến và giải quyết vấn đề cho họ, chính quyền Việt Nam lại gia tăng đàn áp người dân chỉ đơn giản thực hành các quyền cơ bản của họ, trong đó có quyền tụ họp và phản kháng ôn hòa.
Trong buổi báo cáo ngày 5/12, tướng Đoàn Duy Khương cũng thừa nhận về tình trạng khiếu kiện đất đai của người dân và cho rằng tình trạng này “tiềm ẩn phức tạp” và dẫn đến việc “hình thành nhóm tổ chức cầm đầu khiếu kiện, chỉ đạo kích động tập trung đông người” để phản đối chủ đầu tư và chống đối lực lượng chức năng.
https://www.voatiengviet.com/a/t%C6%B0%E1%BB%9Bng-ca-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%99ng-cung-c%E1%BA%A5p-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BA%A5t-mi%E1%BB%85n-ph%C3%AD-d%C3%A2n-oan-kh%C3%B4ng-tin-/5194408.html
Trung tá công an
tự viết thêm vào biên bản hỏi cung bị khởi tố
Trung tá công an, điều tra viên Nguyễn Việt Cường thuộc Công an Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao khởi tố vì tự viết thêm nhiều nội dung có tính chất buộc tội đối với nhiều bị can.Ông Nguyễn Việt Cường bị khởi tố về cáo buộc “làm sai lệch hồ sơ vụ án” quy định tại khoản 2, Điều 375 của Bộ luật Hình sự với mức án tù từ 5 đến 10 năm. Trước đó, ông này bị đình chỉ chức vụ trường công an phường Phú Thạnh và bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Theo truyền thông trong nước, kết quả điều tra ban đầu xác định trong quá trình điều tra lại vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy tại Phú Yên, Tuy Hòa từ năm 2012 đến 2014, VKSND Thành phố Tuy Hòa phát hiện khi thụ lý hồ sơ, điều tra viên Nguyễn Việt Cường tự viết thêm nhiều nội dung có tính chất buộc tội đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh vào các biên bản hỏi cung bị can của Từ Phạm Quang Vinh, Nguyễn Hồng Ngọc Anh, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đại diện VKSND Thành phố Tuy Hòa đã đề nghị giám định các biên bản hỏi cung này.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam thẩm tra báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2019 được truyền thông trong nước loan tin hôm 4 tháng 11 cho hay, trong năm 2019, đã có 6 trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố oan dẫn đến tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên vô tội; và 88 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án nhân dân sơ thẩm phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh viện kiểm sát nhân dân đã truy tố.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-police-officer-added-his-own-comments-to-the-interrogation-document-prosecuted-12062019072453.html
Vụ ‘can thiệp xử lý xe vi phạm’ ở Đồng Nai:
Đình chỉ 2 trung tá CSGT
Hai lãnh đạo Cảnh sát Giao thông (CSGT) tỉnh Đồng Nai bị cấp dưới tố can thiệp vào quy trình xử lý xe vi phạm, vừa bị Giám đốc Công an Đồng Nai ra quyết định tạm đình chỉ.Truyền thông trong nước loan tin 6/12 cho biết Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai về việc tạm đình chỉ công tác trong 2 tháng đối với Trung tá Phạm Hải Cảng – Đội trưởng Đội CSGT số 2 và Trung tá Phan Cẩn Tú – Đội phó Đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT Công an Đồng Nai. Lý do tạm đình chỉ 2 cán bộ cảnh sát này để làm rõ việc can thiệp vào quy trình xử lý xe vi phạm.
Trung tá Phạm Hải Cảng và Trung tá Phan Cẩn Tú bị điều chuyển về Phòng Cảnh sát cơ động Công an Đồng Nai.
Tin cho biết, trước đó, Trung tá Cảng bị 2 cán bộ cấp dưới tố cáo đã can thiệp vào việc tổ tuần tra xử lý một xe tải vi phạm chở quá tải trọng trên QL20. Trung tá Tú cũng liên quan đến việc gọi điện xin thả xe vi phạm.
Hai vị lãnh đạo này lý giải cho rằng, trên đường đi kiểm tra trên tuyến tình cờ phát hiện xe tải tải đậu đỗ lâu bên đường nên gọi điện hỏi tổ tuần tra. Trung tá Tú thì xác nhận cũng từ mối quan hệ xã hội nên có gọi điện xin cho anh em chứ không vụ lợi.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã lập đoàn thanh tra vụ việc này. Bước đầu, Trung tá Cảng và Trung tá Tú đã xác nhận giọng nói (trong các đoạn ghi âm) can thiệp cho thả xe quá tải là của mình.
Người tham gia giao thông tại Việt Nam lâu nay than phiền nhiều về tình trạng bị lực lượng ảnh sát phụ trách lĩnh vực này nhũng nhiễu, vòi tiền …trong khi thực trạng tai nạn giao thông, kẹt xe ngày một trầm trọng thêm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-case-of-police-boss-interfering-with-handling-of-infringing-cars-in-dong-nai-suspended-2-lieutenant-colonel-12062019090810.html
Công an Việt Nam lên tiếng về các vụ vận chuyển
và mua bán ma túy xuyên quốc gia
Bộ Công An Việt Nam vào ngày 6 tháng 12 thông tin chính thức về cống tác phá án một số vụ vận chuyển, mua bán ma túy lớn bị phát hiện gần đây tại Việt Nam.Theo đó thì từ vụ việc phát hiện chiếc xe tải chở 900 bánh heroin tại vòng xoay An Sương, quận 12 hồi cuối tháng 3 năm nay, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an Việt Nam đã phá được được đường dây buôn bán và vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, bắt giữ 3 người và truy nã 1 người quốc tịch Đài Loan, thu giữ gần 1400 bánh heroin.
Vào ngày 5/12, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04) đã tiến hành kiểm tra một nhà kho tại khu vực TPHCM phát hiện và thu giữ gần 450 bánh heroin với giá trị hơn 6 triệu USD. Trước đó, ngày 18/10 cảnh sát Đài Loan bắt giữ container chứa 400 bao tải trong đó có 56 bánh heroin giấu trong 11 bao được vận chuyển từ thành phố HCM đến Đài Loan.
Đến nay, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an Việt Nam cùng Lực lượng Cảnh sát Đài loan đã bắt giữ 3 nghi phạm người Đài Loan, quyết định truy nã 1 người và thu giữ gần 1400 bánh heroin.
Cũng tin liên quan, vào ngày 6/12 lực lượng cảnh sát hình sự công an thành phố Hải Phòng vừa tiến hành kiểm tra và bắt giữ đường dây vận chuyển mua bán ma túy với số lượng rất lớn từ trước đến nay tại Hải Phòng. Bắt giữ ông Nguyễn Văn Nhã sinh năm 1955 được cho là cầm đầu đường dây vận chuyển và mua bán này thu giữ được 44 bánh heroin cùng nhiều tang vật liên quan khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-public-security-seized-a-huge-cross-country-drug-line-12062019071721.html
Việt Nam đang xác minh
sự việc nhân viên lãnh sự CSVN tại Nhật nhận hối lộ
Lê Thu Hằng (Ảnh: Thanh Niên)Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 5 tháng 12 năm 2019 loan tin, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam cho biết, nhà cầm quyền đang xác minh thông tin một nhân viên Tổng lãnh sự quán Cộng sản Việt Nam tại thành phố Fukuoka của Nhật đã nhiều lần nhận hối lộ.
Trước đó, hãng tin NHK của Nhật đã loan tin về một phụ nữ Việt Nam tên Duong Thi The, 34 tuổi, sống tại khu Nagata ở thành phố Kobe đã bị cảnh sát Nhật bắt vì đưa tiền mặt cho nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam. Mục đích đưa tiền hối lộ là để cho 5 người Việt khác sống ở Nhật để tạo điều kiện lấy tư cách cư trú vĩnh viễn tại đây.
Thông tin trên BBC cho biết, kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy, từ tháng 5 năm 2016, người phụ nữ trên đã thực hiện 200 lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đứng tên của nhân viên lãnh sự với số tiền khoảng 4 triệu Yên, tương đương 36,800 Mỹ kim.
Hành vi này đã vi phạt luật Phòng chống Cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản, cấm hối lộ công chức ngoại quốc. Một cảnh sát của Nhật nói trên báo Asahi cho rằng: “đây là hành vi tội phạm có thể dẫn tới việc giả hôn nhân cho mục đích có tư cách vĩnh trú tại Nhật”.
Theo đó, 5 người trên có thể bị phạt tù 5 năm, hoặc bị phạt 5 triệu yên, hoặc bị phạt cả hai. Điều đáng buồn là luật này không áp dụng cho viên chức ngoại quốc. Dù chưa tiết lộ danh tánh của nhân viên lãnh sự quán nhận hối lộ, nhưng phía Cảnh sát Nhật cho biết, người này 38 tuổi và đã rời khỏi Nhật từ tháng 7 năm 2019, nên Cảnh sát chưa thể thẩm vấn được người này.
Trước sự việc này, Tổng lãnh sự quán Cộng sản Việt Nam tại thành phố Fukuoka chưa trả lời phỏng vấn của truyền thông Nhật.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-nam-dang-xac-minh-su-viec-nhan-vien-lanh-su-csvn-tai-nhat-nhan-hoi-lo/
Số lượng khách du lịch vào Việt Nam
được ngành du lịch báo cáo sai
Ông Phạm Trung Lương (Ảnh: Infonet)Tin Vietnam.- Báo Infonet ngày 6 tháng 12 năm 2019 loan tin, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương, cựu Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho biết, số lượng khách du lịch vào Việt Nam đã được thống kê sai. Theo ông Lương, vấn đề thống kê là điều rất quan trọng, và rất khó của du lịch Việt Nam.
Trên thực tế, bất kì người ngoại quốc nào vào Việt Nam được đóng dấu trên sổ thông hành đều được báo cáo là khách du lịch. Mặc dù có thể là họ đi lao động, hoặc đi du học. Trong đó, có rất nhiều lao động là người Trung Cộng đã vào Việt Nam lao động tại các dự án, hoặc công ty do người Trung Cộng thực hiện, làm chủ. Những người này cũng được xếp vào danh sách khách du lịch.
Theo ông Lương, số người lao động vào Việt Nam lên đến hàng triệu chứ không phải là ít. Và nhiều người này có thể ra vào Việt Nam nhiều lần trong một năm.
Ngoài ra, có những con số được phía nhà chức trách làm giảm đi, và có những con số lại được làm tăng lên. Vì bệnh thành tích đã ăn sâu vào máu của viên chức Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, nhóm ông Lương đã nhờ cộng đồng châu Âu có dự án để chuyển giao thống kê ngành du lịch theo “tài khoản vệ tinh” đúng với thông lệ quốc tế cho Việt Nam, như vậy thống kê của ngành du lịch Việt Nam mới được chuẩn.
Trước đó, vào ngày 30 tháng 9 năm 2019, Tổng cơ quan Du lịch Cộng sản Việt Nam thông báo, trong 9 tháng năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,870,506 lượt khách, tăng 10,8% so với cùng thời kỳ năm 2018. Đặc biệt, trong tháng 10 năm 2019, lượng khách ngoại quốc đến Việt Nam là 1,62 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng thời kỳ năm 2018. Đây là con số được ngành du lịch đánh giá là cao kỷ lục từ trước đến nay.
Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều tội phạm truy nã Trung Cộng đến Việt Nam để trốn, có lẽ họ cũng được báo cáo là khách du lịch.
https://www.sbtn.tv/so-luong-khach-du-lich-vao-viet-nam-duoc-nganh-du-lich-bao-cao-sai/
Hủy án Hồ Duy Hải: nổi sóng cung đình tiền đại hội?
Gió BấcOan án Hồ Duy Hải kéo dài đã 12 năm. Người thân, giới luật sư, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế kêu oan, đặc biệt hai chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có văn bản đề nghị xem xét lại hồ sơ. Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội trực tiếp giám sát vụ án ghi nhận nhiều vi phạm tố tụng nhưng Chánh án Tòa tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) thời điểm ấy đều không chấp nhận kiến nghị giám đốc thẩm. Hẳn phải có một áp lực rất lớn che lấp sự thật trong vụ án này đến mức quyền lực của lãnh đạo tối cao của đất nước cũng không soi sáng được.
Không loại trừ cạnh tranh chính trị
Gần đây, khi tổ chức Ân xá Na Uy lên tiếng kêu oan, qua bài viết “Hồ Duy Hải: cơ hội cuối cùng của Nguyễn Phú Trọng” chúng tôi chỉ dám đặt hy vọng người đốt lò có chút lòng nhân ra quyết định ân xá cho Hồ Duy Hải mà không đụng chạm đến quyền lợi một ai, nhưng thật bất ngờ, sự việc lại đột biến chuyển sang tình huống mới rất sáng sủa và tích cực cho nền tố tụng Việt Nam.
Ngày 30/11/2019, VKSNDTC ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, thu hồi quyết định không kháng nghị trước đó, đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Nội dung ngôn từ của quyết định này rất mạnh mẽ chỉ ra hàng loạt sai phạm của các cơ quan tố tụng.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, giải thích ý nghĩa quan trọng của kháng nghị này:
”Quyết định của VKSNDTC tuy chưa kết luận điều gì, nhưng có thể nói có ý nghĩa mang tính bản lề và chuyển biến sau 12 năm gia đình mòn mỏi kêu oan, tố giác và chờ đợi. Cụ thể là mở ra cơ hội để điều tra lại, và có thể là sẽ truy tố và xét xử lại (nếu cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam vẫn xác định Hồ Duy Hải là nghi phạm gây án). Đây cũng chính là cơ hội để gia đình và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, hướng đến mục tiêu giải oan, trắng án cho Hải.”
Trả lời về nguyên nhân của bước chuyển biến đột phá này, Luật sư Trần Hồng Phong cho rằng “việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân: trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) – mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của VKSNDTC thực sự là một tin vui”. {1}
Liệu suy đoán về sự cạnh tranh chính trị trong Kiến nghị giám đốc thẩm này có đi xa quá không khi đây chỉ là một vụ án hình sự với can phạm chỉ là một thanh niên mới ra trường? Ai cạnh tranh với ai, ai được lợi và ai bất lợi nếu sự thật vụ án này được lôi ra ánh sáng công lý?
Vi phạm tố tụng đến mức phạm pháp
Như đã dẫn ở phần trên, tuy chỉ là vụ án hình sự nhưng do sự oan trái quá lộ liễu, quá nghiệt ngã với số phận một thanh niên vừa tốt nghiệp ra trường phải mang án tử hình. Nó thu hút sự chú ý của nhiều người từ Chủ tịch nước đến người dân và từ trong nước đến dư luận quốc tế nên chắc hẳn khi sự thật được làm rõ, chắc chắn những người làm ra, bao che cho oan án phải chịu một trách nhiệm nào đó tương xứng với vi phạm của mình. Theo luật pháp, sai phạm ấy đã thành hành vi phạm tội, người vi phạm dù ở vị trí quan trọng đến mức nào cũng có thể bị xem là tội phạm.
LS Trần Hồng Phong cho rằng: “Đúng từ mà nói, thì đó là sự “vi phạm” và “sai phạm” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Nói “thiếu sót” là quá nhẹ và không đúng về bản chất. Bản thân gia đình Hồ Duy Hải và tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự”.{1}
Theo ý kiến của luật sư Hồng Phong thì có rất nhiều quan chức trong ngành tố tụng các cấp phải chịu trách nhiệm về sai phạm trong đó có ít nhất hai vị Ủy viên trung ương đảng đứng đầu hai ngành tố tụng.
Phó Thủ tướng đương nhiệm đầu têu sai phạm
Người chịu trách nhiệm cao nhất và cũng là người tích cực nhất thoái thác các đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, ân xá cho Hồ Duy Hải chính là Phó Thủ tướng thường trực phụ trách nội chính Trương Hòa Bình hiện nay. Toàn bộ diễn biến vụ án và tiến trình xét xử diễn ra trong thời kỳ Trương Hòa Bình là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Cá nhân Trương Hòa Bình trực tiếp có nhiều hành vi mang tính quyết định về pháp lý trong vụ án như sau:
Ngày 24.5.2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải _{2}
Sáng ngày 13 tháng 3 năm 2015, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa 13, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình cho rằng không có căn cứ kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải. Ông còn cho biết Hồ Duy Hải từng có đơn xin được thi hành án tử hình sớm {3}
Ngày 20 tháng 3 năm 2015, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam khóa 13, Phó trưởng Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13, đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải. Bà là người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án và cho rằng có đủ bốn căn cứ để kháng nghị, đó là :1) Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 2) kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 3) có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử; 4) có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự
Sau đó, ngày10-4-2015, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời vụ này chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình. Sau khi Chủ tịch nước yêu cầu, liên ngành đã xem xét lại và xác định chưa thấy căn cứ để kháng nghị. “Chúng tôi sẽ họp lại một lần nữa để có kết luận cuối cùng. Nếu không có căn cứ kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn thì tới đây giải quyết thế nào? Theo quy định của pháp luật đến đây là hết rồi, không thể giải quyết gì khác” {3}
Tiến sĩ luật Trương Hòa Bình không thể không nhận ra những vi phạm tố tụng, những oan sai trong vụ án mà giới luật sư và ngay cả Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã vạch ra nhưng ông Chánh Án tối cao vẫn đẩy Hồ Duy Hải vào cái chết
Viện trưởng đương nhiệm sửa sai tiền nhiệm
“Đồng phạm” với Trương Hòa Bình là nguyên Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, đương nhiệm là Chánh án TANDTC. Ngày 24 tháng 10 năm 2011, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới[2].
Từ hai quyết định của hai Bình, ngày 17 tháng 5 năm 2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Trước những kiến nghị kêu oan của gia đình, luật sư và Ủy Ban Tư Pháp, lẽ ra với thẩm quyền và trách nhiệm giám sát kiểm tra các hoạt động tư pháp, Nguyễn Hòa Bình phải chỉ đạo xem xét, ra kháng nghị bản án vi phạm pháp luật này nhưng ông ta hoàn toàn im lặng.
Ngày 6 tháng 7 năm 2017, Viện trưởng Nguyễn Minh Trí kế nhiệm Nguyễn Hòa Bình có Thông báo số 151/TB-VKSTC yêu cầu VKS cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan điều tra (Cục 1) thuộc VKSTC, và Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) thuộc VKSTC kiểm tra, báo cáo những điểm mâu thuẫn trong vụ án Hồ Duy Hải. {4}
Kháng nghị giám đốc thẩm mới đây của Viện trưởng Nguyễn Minh Trí có lẽ là kết quả của cuộc kiểm tra này. Đây là quyết định dũng cảm hiếm có mạnh mẽ vạch ra những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Hồ Duy Hải và nhất là chạm đến một ủy viên trung ương đồng cấp Nguyễn Hòa Bình và Bí Thư trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trưc phụ trách nội chính, tức là cấp trên trực tiếp. Liệu một mình ông Trí có đủ lực để bật lại áp lưc vô hình nào đó
Trong thời điểm cuộc đua vào nhà đỏ đại hội 13 đang đi vào nước rút, các yếu nhân luôn cẩn trọng đến từng hơi thở, chắc hẳn Viện trưởng Nguyễn Minh Trí không đến nỗi khinh xuất ra tay khi chưa chắc thắng, chưa có điểm tựa nào khả dĩ mạnh hơn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đang là nhân vật có nhiều ưu thế để chen vào tứ trụ.
Trong cuộc đua, người dẫn đầu chẳng ai thích hơi thở từ sau gáy? Cụ Tổng cần thêm củi lớn vào lò….?
1- https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50655276
2-https://thanhnien.vn/thoi-su/ky-an-tu-tu-ho-duy-hai-vi-sao-vien-ksnd-toi-cao-khang-nghi-dieu-tra-lai-1154523.html
3-https://plo.vn/thoi-su/quoc-hoi-yeu-cau-khong-de-xay-ra-oan-sai-545268.html
4-https://tuoitre.vn/chua-co-can-cu-khang-nghi-vu-ho-duy-hai-719948.htm
5-https://dantri.com.vn/phap-luat/vien-ksnd-toi-cao-yeu-cau-lam-ro-vu-ho-duy-hai-20170706121440021.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hai-storm-before-the-party-congress-12062019090139.html
0 comments