Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 10/12/2019

Tuesday, December 10, 2019 6:26:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 10/12/2019

Sẽ ra sao nếu Mỹ không đáp ứng đòi hỏi

của Triều Tiên trước năm mới?

Khả năng cao là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không nhận được điều mong muốn từ Tổng thống Donald Trump trước Giáng Sinh này. Vậy thì “con đường mới” ông Kim sẽ đi là con đường nào?
Hôm 3-12, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song cáo buộc Mỹ tìm cách “câu giờ” thay vì đưa ra những nhượng bộ thật sự. Ông tuyên bố: “Làm gì kế tiếp là lựa chọn của Mỹ và chuyện Mỹ nhận được quà Giáng sinh gì hoàn toàn tùy thuộc nước này lựa chọn”.
Trước đó, lãnh đạo Kim Jong Un đã ra hạn chót cuối năm nay để Mỹ cho thấy “sự linh hoạt trong lập trường”. Ông Kim bóng gió “sẽ tìm một con đường mới” nếu Mỹ tiếp tục cấm vận và gây sức ép lên Triều Tiên.
Điều ai cũng muốn biết bây giờ là “con đường mới” của Triều Tiên trông ra sao. Thực sự đến giờ không có thông tin nào từ giới lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng lọt ra ngoài, trừ việc truyền thông nhà nước Triều Tiên cứ lặp đi lặp lại rằng “đừng xem thường hạn chót”.
Hãng tin Reuters phỏng vấn một số chuyên gia thế giới và họ đưa ra một số dự báo như sau:
Ông ARTYOM LUKIN, giáo sư Đại học Viễn đông liên bang, Vladivostok, Nga:
Tôi nhớ một cuộc trò chuyện hồi tháng 6 với một quan chức Triều Tiên đến thăm. Người này muốn biết phản ứng của Nga ra sao nếu Triều Tiên không được Mỹ gỡ cấm vận và phản ứng bằng “một hành động mạnh”.
Tôi trả lời rằng Matxcơva phản ứng giống Trung Quốc, bây giờ tôi vẫn cho là như thế. Câu hỏi gây tò mò là liệu Bình Nhưỡng có được Bắc Kinh đồng ý để chơi mạnh với Mỹ? Chúng ta không thể biết được.
Tôi đoán Bắc Kinh sẽ không phật lòng nếu ông Kim phóng một quả tên lửa tầm xa. Thử hạt nhân lại là vấn đề khác – tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ vui nếu Triều Tiên tiếp tục cho nổ hạt nhân.
Ông CHRISTOPHER GREEN, giảng viên Đại học Leiden, Hà Lan:
Nhiều khả năng là một bước rẽ sang vũ lực, nhưng nó cũng tùy tình hình diễn biến ra sao từ đây đến cuối năm. Cuộc họp của đảng lãnh đạo ở Triều Tiên cuối tháng này có thể quyết định dồn tài nguyên trở lại cho phát triển quân sự.
Mặt khác, nếu có chuyển động trong đàm phán với Mỹ, họ cũng có thể tìm lý do để lật lại tối hậu thư. Hiện tại – nhưng không còn được lâu nữa – nghị trình cuộc họp vẫn còn thay đổi được.
Bà JENNY TOWN, quản lý biên tập trang web 38 NORTH của Trung tâm Stimson:
Sẽ không ngạc nhiên nếu xuất hiện một thứ gì đó lớn, ví dụ như một quả tên lửa xuyên lục địa ICBM, hoặc một vụ phóng vệ tinh thậm chí trước cuối năm.
Mặt khác, Triều Tiên cũng gặp rủi ro mất đi sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga nếu họ hành động quá khiêu khích, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế.
Vậy nên, tùy vào cách họ hiểu lằn ranh đỏ của Bắc Kinh và Matxcơva, họ có thể không dám thử những thứ như vũ khí hạt nhân để bảo toàn các mối quan hệ đó.
Ông Kim Jong Un thời gian gần đây phát đi nhiều tín hiệu về một sự thay đổi trong chính sách của Triều Tiên
Ông EVANS REVERE, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ với Triều Tiên:
Chúng ta chưa thể loại trừ khả năng một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, dù cả hai thứ này đều bị Mỹ và thế giới xem là quá khiêu khích và nguy hiểm.
Tôi đoán Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ “phóng vệ tinh” hoặc một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung qua không phận Nhật Bản nhắm vào Bắc Thái Bình Dương.
Ông Kim Jong Un có thể tin rằng Mỹ sẽ không phản ứng gì trong trường hợp này giống như các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây.
Bà RACHEL MINYOUNG LEE, nhà phân tích của trang NK NEWS:
Ông Kim Jong Un có thể công bố một sự thay đổi trong chính sách tại hội nghị sắp tới của đảng Lao động Triều Tiên. Họ có thể thử vũ khí trong những ngày đó thể biểu hiện sự quyết tâm, bắt đầu từ tên lửa tầm trung, vệ tinh… rồi tăng dần trong năm sau.
Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ quay lại chính sách byungjin – vừa phát triển quân sự, vừa phát triển kinh tế – hoặc một thứ gì đó tương tự.
Ông YANG XIYU, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc:
“Con đường mới” này là con đường tự lực, tự phát triển kinh tế mà không lệ thuộc vào nước ngoài. Phần còn lại là tiếp tục phát triển tên lửa. Các vụ phóng liên tục gần đây có thể là lời cảnh báo.
Trước đó, Triều Tiên nói họ sẽ đàm phán để dỡ cấm vận rồi phát triển kinh tế. Nhưng bây giờ không còn hi vọng gì vào khả năng dỡ cấm vận, vậy nên mọi thứ quay lại bằng tự lực.
Ông CHO TAE-YONG, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc:
Có 3 khả năng chính: thử hạt nhân, thử tên lửa và khiêu khích. Thử hạt nhân và tên lửa ICBM mang rủi ro cao vì ông Trump khi đó không còn khoe thành tích “Triều Tiên không thử vũ khí lớn” được nữa. Nó có thể dẫn đến một nghị quyết khác của Liên Hiệp Quốc hoặc bị Trung Quốc phản ứng.
Họ có thể tiến hành khiêu khích quân sự Hàn Quốc ở vùng biển tây, nhưng cách này không tác dụng với ông Trump. Vậy thì Triều Tiên nhiều khả năng sẽ thử tên lửa, có thể là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa ngụy trang như một vụ phóng vệ tinh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32014-se-ra-sao-neu-my-khong-dap-ung-doi-hoi-cua-trieu-tien-truoc-nam-moi.html

Quan sát Cuộc sống Đó đây

Hồ sơ Đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều

đứng trước nguy cơ mất “tất cả”

Đàm phán hạt nhân bế tắc, Triều Tiên đã liên tiếp chuyển tới Mỹ những thông điệp cảnh báo “cứng rắn” trong nhiều tháng qua.
Mới nhất, cuối tuần qua, nước này đã thử nghiệm thành công vụ thử “rất quan trọng” tại bãi phóng Sohae, đồng thời tuyên bố đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ. Đáp lại, phía Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên có nguy cơ mất “mọi thứ” nếu nối lại các hành vi thù địch. Hiện cánh cửa đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều đang ngày càng hẹp lại.
Đáng chú ý, vụ thử mới nhất của Triều Tiên được tiến hành tại bãi phóng Sohae – một cơ sở thử nghiệm tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên mà quan chức Mỹ từng khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã cam kết đóng cửa. Thêm vào đó, kết quả vụ thử này được giới chức Triều Tiên nhận định là sẽ giúp thay đổi vị thế chiến lược của Bình Nhưỡng trong tương lai gần.
Đi kèm với vụ thử được đánh giá “quan trọng” này, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song cũng đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc tiến hành một cuộc đối thoại bền vững và ổn định, đồng thời khẳng định rằng, sự phi hạt nhân hóa đề xuất bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn trên bàn đàm phán. Theo ông, những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết.
Những tuyên bố “không thể xem nhẹ” này của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Mỹ để thay đổi lập trường về phi hạt nhân hóa đơn phương và nhượng bộ về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, sắp kết thúc.
Đáp lại những thông điệp từ Triều Tiên, 2 ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hơn 2 lần phải nhắc lại mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un; đồng thời cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng có các hành động mang tính chất thù địch: “Tôi có mối quan hệ tốt với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tôi sẽ rất ngạc nhiên, nếu Triều Tiên có những hành động thù địch. Tôi nghĩ cả 2 đều muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp này. Ông Kim Jong-un biết chúng tôi có cuộc bầu cử sắp tới, nhưng tôi không nghĩ ông muốn can thiệp. Bất chấp mối quan hệ giữa hai bên rất  tốt nhưng thực tế chúng tôi vẫn có sự khác biệt nhất định.”
Hôm 8/12, trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thẳng thắn cảnh báo rằng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ mất “mọi thứ” nếu ông quay lại thái độ thù địch và đất nước có tiềm năng kinh tế lớn tại Đông Bắc Á này ông phải được phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng khẳng định, Washington vẫn luôn mở cửa cho đối thoại với Bình Nhưỡng, song cũng sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết.
“Tôi sẽ không bình luận về các giả thuyết. Công việc của tôi là đảm bảo rằng Mỹ luôn sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng nếu cần thiết. Tôi tin rằng, ngay trong lúc này, chúng tôi đang ở trạng thái sẵn sàng cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ 2 của tôi cũng là tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao. Các cuộc đàm phán luôn mở. Không chỉ Ngoại trưởng Mike Pompeo, mà cả Tổng thống nhiều lần nói rằng, chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống và muốn đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên.”
Hạn chót Triều Tiên đưa ra cho Mỹ đang cận kề, cùng với đó là những tuyên bố cứng rắn “không chịu nhượng bộ” từ cả 2 bên, đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều đang đứng thách thức hơn bao giờ hết.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32017-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-dam-phan-hat-nhan-my-trieu-dung-truoc-nguy-co-mat-tat-ca.html

Mỹ và Australia

hợp tác ngăn chặn TQ thâu tóm vịnh Subic

Quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Cerberus Capital Management và công ty đóng tàu Australia Austal đã hợp tác thuê lại xưởng đóng tàu lớn nhất trong vịnh Subic của Philippines, không để nó thuộc về tay người Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia Review, quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Cerberus Capital Management và công ty đóng tàu Australia Austal đã hợp tác, chính thức gửi đề nghị đấu thầu cho nhà máy đóng tàu lớn nhất của Philippines ở vịnh Subic. Đề nghị vẫn cần phải đàm phán với các chủ nợ của nhà máy đóng tàu, sau khi đơn vị sở hữu nó là là tập đoàn Công nghiệp Nặng Hanjin của Hàn Quốc không thể trả khoản nợ lên tới 1,3 tỷ USD. Lời đề nghị ban đầu đã được xác nhận trong tháng này và tiến trình đàm phán đang diễn ra thuận lợi. Theo Nikkei Asia Review, mọi thứ được hy vọng sẽ hoàn thành vào đầu năm tới. Trong khi các điều khoản chi tiết của thoả thuận vẫn chưa được tiết lộ, đề nghị đấu thầu chính thức của hai công ty Mỹ và Australia sẽ mang lại những hy vọng về việc hồi sinh nhà máy đóng tàu rộng 300 ha, nằm ở khu vực từng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, và nằm ở khu vực trung tâm của Biển Đông, nơi có tầm quan trọng chiến lược về mặt quốc phòng.
Phó Đô đốc Hải quân Philippines Robert Empedrad cho biết Austal-Cerberus sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội và hải quân kiên quyết phản đối bất cứ sự tiếp quản nào của Trung Quốc đối với nhà máy đóng tàu này dựa trên cơ sở an ninh quốc gia; đồng thời nhấn mạnh “Mỹ và Australia là những người bạn tốt của đất nước chúng tôi. Họ là đồng minh của chúng tôi. Tôi có mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu hải quân Mỹ và người đứng đầu hải quân Australia”. Trước đó, Thượng nghị sĩ Grace Poe đã kêu gọi một cuộc điều tra để xác định sự cần thiết của việc thiết lập các pháp lý và quy định đối với quyền sở hữu nước ngoài đối với một tài sản quốc gia chiến lược ở Vịnh Subic. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana gần đây cho biết rằng ông đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte để thảo
luận về triển vọng Hải quân Philippines mua lại doanh nghiệp đóng tàu này. Theo ông Lorenzana, các công ty từ Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm. Quan chức này cho rằng Manila cũng có thể cho thuê phần lớn cổ phần cho một thực thể bên ngoài trong khi vẫn giữ cổ phần thiểu số.
Vịnh Subic ăn sâu vào đường bờ phía Tây Nam đảo Luzon của Philippines theo trục Bắc-Nam khoảng 8 hải lý (15 km) và có chiều rộng khoảng 3,5 hải lý (6,5 km). Về phía biển, vịnh được giới hạn bởi mũi Sampaloc và mũi Mayagao cách nhau gần 6 hải lý (11 km) theo trục Bắc Đông Bắc – Nam Tây Nam. Đường bờ biển phía Tây của vịnh tương đối thẳng, định hình rõ với địa hình cao ở phía sau trong khi đường bờ phía Đông thì thấp và rậm rạp cây cối. Độ sâu của vịnh giảm dần từ 60 m (cửa vịnh) đến 13,7 m (gần đầu vịnh). Từ tháng 10 đến tháng 4, vịnh chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc với tốc độ gió trong ngày từ 7,7 đến 10,3 m/s. Đảo Grande chia đường vào vịnh thành hai luồng riêng biệt, trong đó chỉ có luồng phía Tây đảo là dành cho tàu thuyền lưu thông. Với địa hình như vậy vịnh Subic cho phép mọi loại tàu mặt nước kể cả tàu sân bay cũng như tàu ngầm có thể neo đậu. Trong khi đó, cảng Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Đây là khu vực tranh chấp giữa Philipinnes và Trung Quốc trên Biển Đông và hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Với lực lượng hải quân mạnh đồn trú ở Subic, Mỹ có thể hoàn toàn kiểm soát mọi động tĩnh của Trung Quốc trên biển Đông. Trên thực tế, cảng Subic gồm hai bộ phận, cảng thương mại và quân cảng. Hiện tại, phần cảng khai thác thương mại do công ty Hanjin Heavy Industries & Construction Philippines quản lý. Đây là công ty liên doanh giữa Philippines và Hàn Quốc, còn phần diện tích quân cảng không được tập trung đầu tư hiện đại. Công ty này đã tuyên bố phá sản hồi đầu tháng này sau khi không thể thanh toán khoản nợ hơn 400 triệu USD từ các ngân hàng Philippines, trở thành một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước này.
Cảng Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở khu vực những năm 90 thế kỷ trước. Sau đó, các căn cứ này bị đóng cửa và Philippines chuyển vùng cảng này trở thành một đặc khu kinh tế. Hiện tại, các tàu chiến của Mỹ vẫn đang qua lại khu vực này một cách thường xuyên. Năm 2015, thậm chí đã có những ý kiến cho rằng Washington và Manila đã tiến rất gần đến thỏa thuận tái thiết lập căn cứ quân đội Mỹ. Tuy nhiên sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, mọi kế hoạch đã bị thay đổi toàn bộ. Ông Duterte được cho là người có quan điểm thân thiết với chính quyền Bắc Kinh hơn. Tổng thống này theo đuổi chiến lược “xây dựng, xây dựng, đại xây dựng” áp dụng với cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Bản thân ông Duterte đã có những thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh mà tổng giá trị khoản vay và tài trợ lên tới 24 tỷ USD từ năm 2016. Song các khoản giải ngân của Trung Quốc vẫn được cho là nhỏ giọt và kế hoạch đại công trường của ông Duterte vẫn đang dậm chân tại chỗ. Tháng 11/2018, Philippines vẫn tiến hành hàng loạt những hoạt động thân thiết với Trung Quốc nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư, giải ngân mới mẻ hơn. Thực chất, chính sách thân thiết với Trung Quốc này của ông Duterte không được lòng quan chức Manila, đặc biệt là các tướng lĩnh quân sự. Họ lo ngại Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế của mình làm bàn đạp thao túng Manila và tìm kiếm các cơ hội xâm phạm chủ quyền biển đảo của quốc gia này. Do đó, việc Trung Quốc có khả năng thâu tóm Subic sẽ càng khiến cho mâu thuẫn của giới chức Philippines với Tổng thống Duterte sâu sắc hơn. Thậm chí, những lo ngại về việc ông Duterte sẽ có những tác động nhằm giúp các tập đoàn Bắc Kinh thuận lợi trong việc thâu tóm cảng Subic.
Trong khi đó, dược niêm yết tại Australia với mức vốn hoá trên thị trường vào khoảng 1 tỷ USD, Austal có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân Mỹ và từng giành được nhiều hợp đồng đóng tàu quan trọng. Công ty này cũng đang chạy đua để giành được hợp đồng trị giá 600 triệu USD USD nhằm đóng 6 tàu tuần tra cho hải quân Philippines, với sự đảm bảo về mặt tài chính của chính phủ Australia. Trong khi đó, Cerberus là quỹ đầu tư quản lý số tài sản lên tới 30 tỷ USD, với chủ tịch là cựu phó tổng thống Mỹ Dan Quayle. Các tài sản nằm dưới sự quản lý của Cerberus có cả DynCorp, một trong những nhà thầu quốc phòng tư nhân lớn nhất ở Mỹ.
http://biendong.net/bien-dong/32028-my-va-australia-hop-tac-ngan-chan-tq-thau-tom-vinh-subic.html

Luật sư của hai đảng điều trần

tại ủy ban tư pháp Hạ Viện

Tin Washington DC – Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện vào thứ Hai, 9 tháng 12, đã nghe tranh luận từ các luật sư của cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về các kết luận từ cuộc điều tra của Ủy Ban Tình Báo, liên quan đến cáo buộc cho rằng Tổng Thống Donald Trump đã giữ lại ngân sách viện trợ Ukraine, nhằm gây áp lực buộc Kiev phải điều tra cựu Phó Tổng Thống Joe Biden.
Những người ra điều trần hôm thứ Hai gồm luật sư của Ủy Ban Tình Báo Daniel Goldmand, luật sư của Ủy Ban Tư Pháp Barry Berke, và luật sư của đảng Cộng Hòa Steve Castor. Luật Sư Goldmand của Ủy Ban Tình Báo đã nhắc lại lập luận của phe Dân Chủ, rằng việc để Tổng Thống Trump tiếp tục nắm quyền sẽ gây tổn hại thêm cho quyền bầu cử tự do và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Luật Sư Castor của phe Cộng Hòa cho rằng cuộc điện đàm giữa ông Trump và tổng thống Ukraine là một cuộc trò chuyện rất bình thường, và phe Dân Chủ đang cố gắng làm lớn chuyện để phục vụ cho kế hoạch luận tội. Trước đó, các thành viên Cộng Hòa của Ủy Ban Tư Pháp đã yêu cầu Dân Biểu Dân Chủ Adam Schiff, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo, tham dự phiên điều trần. Tuy nhiên, vị dân biểu này từ chối và gởi Luật Sư Goldman đi thay, dẫn đến nhiều sự chỉ trích từ phe đối lập.
Luật Sư Goldmand đã có nhiều tranh cãi nảy lửa với đảng Cộng Hòa, khi từ chối không tiết lộ cách Ủy Ban Tình Báo thu thập nội dung nhiều cuộc điện thoại của các dân biểu Cộng Hòa với các ký giả, và cả các cuộc điện đàm của Luật sư riêng của tổng thống là ông Rudy Giuliani. Phe Cộng Hòa nói rằng Luật Sư Goldmand không dám tiết lộ cách thức họ thu thập thông tin điện thoại, vì điều này sẽ cho thấy Chủ Tịch Schiff và các nhân viên của ông đã phạm tội hình sự.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/luat-su-cua-hai-dang-dieu-tran-tai-uy-ban-tu-phap-ha-vien/

FBI ‘không thiên vị chính trị’

khi điều tra chiến dịch tranh cử của Trump

Một cơ quan giám sát của Mỹ cho biết không tìm thấy bằng chứng về sự thiên vị chính trị khi FBI điều tra về chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016, dù có sự “thất bại nghiêm trọng về hiệu suất”.
Báo cáo của Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Hoa Kỳ kết luận rằng cơ quan FBI có “mục đích được ủy quyền” để mở cuộc điều tra.
Nhưng báo cáo cho biết Bộ tư pháp phát hiện là đơn nộp lên Tòa giám sát tình báo nước ngoài xin cài ứng dụng theo dõi một trợ lý của Trump có “sự thiếu chính xác và thiếu sót đáng kể”.
Bản báo cáo 476 trang có tin tốt cho cả các nhà chỉ trích lẫn người ủng hộ Trump.
Ý kiến bênh và chống việc luận tội Trump
Hạ viện Mỹ soạn điều khoản luận tội Donald Trump
Chứng cứ luận tội Trump quá choáng ngợp – báo cáo của Hạ viện
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz đánh giá nguyên nhân việc giám sát của FBI đối với Carter Page, một cựu cố vấn chiến dịch của Trump, người đã sống và làm việc ở Nga.
Báo cáo chỉ trích FBI ở điểm nào?
Tổng thanh tra xác định 17 điểm “thiếu chính xác hoặc thiếu sót đáng kể” khi FBI nộp đơn lên Tòa giám sát tình báo nước ngoài (Fisa) để được giám sát, theo dõi mọi sự giao tiếp của ông Page.
Ông Horowitz viết rằng các lỗi dẫn đến “các đơn xin tạo ra ấn tượng là thông tin hỗ trợ nguyên nhân của sự nghi ngờ nghiêm trọng hơn thực tế”.
Cơ quan giám sát cũng phát hiện ra rằng một luật sư FBI được chỉ định cho vụ án ở Nga đã giả một email gửi từ CIA cho đồng nghiệp. Email này được sử dụng trong một đơn từ văn phòng để xin theo dõi ông Page.
Báo cáo cho biết luật sư này “đã sửa đổi một email mà cơ quan chính phủ Hoa Kỳ khác đã gửi” khiến “email nói không chính xác rằng Page không phải là ‘nguồn’ cho cơ quan khác”.
Cơ quan giám sát cũng nhận thấy nhân viên FBI “không thực hiện chính sách đảm bảo tất cả các tuyên bố trong đơn xin theo dõi phải ‘chính xác một cách nghiêm túc’ của FBI “.
Báo cáo cho biết “rất nhiều lỗi cơ bản… đã đặt ra nghi vấn liên quan đến chuỗi quản lý và giám sát của FBI về quy trình Theo dõi Tình báo Nước ngoài (Fisa)”.
Báo cáo bảo vệ FBI ở điểm nào?
Tổng thanh tra không tìm thấy cơ sở nào cho những tuyên bố bảo thủ rằng sự thù địch đối với ông Trump đã ảnh hưởng đến cuộc điều tra của cục.
“Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng tài liệu nào chứng minh cho sự thiên vị chính trị hoặc động lực không đúng đắn đã ảnh hưởng đến các quyết định mở bốn cuộc điều tra cá nhân”, ông nói.
Ông Horowitz cũng không thấy rằng những sai lầm của FBI là cố ý.
Cuộc điều tra “tuân thủ các chính sách của bộ và FBI”, báo cáo cho biết.
Ông Horowitz cũng nhận thấy việc sử dụng thông tin bí mật của FBI tuân thủ các quy tắc của cơ quan.
Thế còn ‘hồ sơ Steele’?
Cơ quan giám sát đã bắt lỗi cách FBI trình bày công việc của cựu điệp viên tình báo Anh Christopher Steele, người đã tạo ra cái gọi là hồ sơ Steele – một loạt các cáo buộc chủ yếu không có căn cứ về ông Trump.
Ông Steele được thuê để thực hiện nghiên cứu thông qua một công ty luật thay mặt cho các đối thủ chính trị của ông Trump, bao gồm cả chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Ông Horowitz nói rằng FBI “nói quá tầm quan trọng” về công việc trước đây của ông Steele.
Cơ quan giám sát cũng cho biết FBI đã bỏ qua thông tin liên quan về một trong những nguồn tin của ông Steele, người mà chính ông Steele đã gọi là “kẻ khoe khoang” có xu hướng “tôn tạo”.
Báo cáo lưu ý rằng chính CIA đã xem hồ sơ Steele như chỉ hơn tin đồn trên internet” một chút.
Nhưng cơ quan giám sát cho biết cựu Giám đốc FBI James Comey và cựu cấp phó của ông, Andrew McCabe, lập luận rằng hồ sơ Steele không nên bị bác bỏ.
Nhân viên FBI có thiên vị không?
Trong khi ông Trump thường nói về cái gọi là âm mưu của ‘nhà nước ngầm’ nhằm làm suy yếu vị trí tổng thống của ông, báo cáo của cơ quan giám sát hôm thứ Hai cũng cho thấy rõ một số nhân viên FBI đã ăn mừng việc ông thắng Hillary Clinton.
Một đặc vụ FBI nói trong một tin nhắn rằng ông “rất phấn khởi với cuộc bầu cử” và ví chuyện tường trình truyền hình trực tiếp như “sự trở lại của Super Bowl”.
Một nhân viên khác đã gửi đi một tin nhắn buổi sáng sau cuộc bầu cử với nội dung: “Trump!” Đồng nghiệp của anh trả lời: “Hahaha.” “LOL,” nhân viên tình báo trả lời.
Ông Trump thường trích dẫn các tin nhắn được gửi qua điện thoại công giữa hai nhân viên FBI, Peter Strzok và Lisa Page, mà ông Horowitz trước đó chưa phát hiện
Các thông điệp bày tỏ sự “thù địch với ứng cử viên Trump lúc đó”, cơ quan giám sát ghi nhận.
Nhưng cơ quan giám sát không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc điều tra của ông Strzok hoặc bà Page bị ảnh hưởng bởi ý kiến chính trị của bản thân họ.
Tình trạng hỗn loạn tại FBI
Phân tích của Tara McKelvey, BBC News, Washington
Các nhân viên FBI được cho là không quan tâm tới chính trị, nhưng giờ họ đang ở trung tâm của một cuộc cãi vã. Đối với những người ở FBI, đó là một cơn ác mộng.
“G-men”, những người đàn ông trong chính phủ được biết đến với biệt hiệu này vào thập niên 1930, từng được thế giới Hollywood miêu tả là những người tốt.
Nhìn chung, các nhân viên FBI thường là da trắng, nam giới và bảo thủ hơn so với dân chúng Mỹ và họ được biết đến trong quá khứ vì các chiến dịch chống lại cộng sản.
Nhưng bây giờ Trump gọi những người này là ‘nhà nước ngầm’, những quan chức tìm cách làm suy yếu vị trí tổng thống của ông vì những điều được cho là dân chủ.
G-men thường thích tránh xa thị phi, nhưng họ đã bị cuốn vào bộ phim nhiều kỳ nóng nhất hiện nay: Trump Show.
Các bên phản ứng thế nào?
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump nói về những phát hiện của báo cáo: “Những gì đã xảy ra là một sự ô nhục “.
“Đây là một nỗ lực lật đổ và rất nhiều người tham gia vào đó, và họ đã bị phát hiện”, ông nói thêm.
Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr bác bỏ kết luận của tổng thanh tra rằng có đủ bằng chứng để FBI mở cuộc điều tra về chiến dịch tranh cử của Trump.
Ông cho biết cuộc điều tra của FBI, mà ông giám sát, đã được tiến hành “với những nghi ngờ nhỏ nhất, theo quan điểm của tôi, là không đủ để biện minh cho các hành động đã được thực hiện”.
John Durham, một công tố viên liên bang được tổng chưởng lý chọn để tiến hành một cuộc điều tra hình sự riêng biệt về nguồn gốc của cuộc điều tra Nga, cho biết ông không đồng ý với một số kết luận của ông Horowitz.
Đảng Dân chủ cho biết bản báo cáo đã gạch bỏ tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Trump rằng ông là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy”.
“Đó chưa bao giờ là một cuộc săn phù thủy”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner nói trên Twitter. “Đó là người của cơ quan thực thi pháp luật liên bang làm công việc của họ.”
Điểm lại bối cảnh
Ông Horowitz đã xem xét hơn một triệu hồ sơ và thực hiện hơn 170 cuộc phỏng vấn sau khi khởi động cuộc điều tra vào tháng 3 năm ngoái.
Ông xem xét kỹ lưỡng quá trình FBI mở cuộc điều tra năm 2016, được gọi là Chiến dịch ”Crossfire Hurricane”, để tìm kiếm bất kỳ sự thông đồng nào giữa chiến dịch tranh cử của Trump và chính phủ Nga trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cuộc điều tra của FBI cuối cùng đã được cố vấn đặc biệt Robert Mueller tiếp quản.
Cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của chính ông Mueller kết thúc vào tháng 4 năm nay, không có đủ bằng chứng để kết luận chiến dịch tranh cử của Trump đã ‘đi đêm’ với Kremlin để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50724612

Phe Dân chủ Hạ viện

công bố hai điều khoản luận tội TT Trump

Sáng 10/12, phe Dân chủ của Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, bao gồm lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội, khiến ông trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội.
Toàn bộ Hạ viện dự kiến tuần tới sẽ biểu quyết về hai điều khoản luận tội này. Hạ viện do phe Dân chủ nắm thế đa số theo hầu như chắc chắn sẽ biểu quyết tiến hành luận tội tổng thống của Ðảng Cộng hòa, đặt ra cho Thượng viện do Ðảng Cộng hòa kiểm soát một phiên xử đầy kịch tính có thể bắt đầu vào tháng 1 năm tới.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler nói rằng ông Trump gây nguy hại cho Hiến pháp Hoa Kỳ, làm tổn hại tính toàn vẹn của cuộc bầu cử năm 2020 và đe dọa an ninh quốc gia.
Ông Nadler nói: “không một ai, kể cả tổng thống, được đứng trên luật phát.”
Từ trước đến nay, ông Trump luôn phủ nhận mọi hành vi sai trái và gọi cuộc điều tra này là một trò lừa bịp. Nhà Trắng đã từ chối tham gia các phiên điều trần tại Hạ viện vì cho rằng các phiên này không công bằng.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-dan-chu-ha-vien-cong-bo-hai-dieu-khoan-luan-toi-tt-trump/5200161.html

Đảng Dân chủ cáo buộc

TT Trump vi phạm lời tuyên thệ

Người đứng đầu ủy ban của quốc hội Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump hôm 9/12 cáo buộc ông đặt bản thân trên đất nước và vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức.
Theo Reuters, trong một tuyên bố khởi động phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ nhằm cân nhắc các bằng chứng chống lại ông Trump, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler nói rằng có nhiều bằng chứng về việc làm sai trái của ông.
“Các bằng chứng cho thấy ông Donald J. Trump, tổng thống Hoa Kỳ, đã đặt bản thân mình trên đất nước. Ông đã vi phạm trách nhiệm cơ bản nhất của mình đối với người dân. Ông đã phá vỡ lời tuyên thệ của mình là ‘Tôi sẽ giữ lời hứa’”, Reuters dẫn lời ông Nad Nadler nói.
Phiên điều trần vào ngày 9/12 là một bước quan trọng trước khi xác định các cáo buộc, được gọi là điều khoản luận tội, mà toàn bộ Hạ viện nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu trước Giáng sinh.
Trọng tâm của vấn đề là liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực hay không bằng cách gây áp lực với Ukraine trong việc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một đối thủ chính trị đang tranh quyền đề cử của đảng Dân chủ để đối mặt với tổng thống của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Trump phủ nhận mọi hành vi sai trái.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-tt-trump-vi-ph%E1%BA%A1m-l%E1%BB%9Di-tuy%C3%AAn-th%E1%BB%87/5198997.html

Hạt Burleigh, North Dakota có thể trở thành

nơi đầu tiên tại Hoa Kỳ cấm người tị nạn

Tin từ North Dakota.–  Ông Reuben Panchol, 38 tuổi, buộc phải rời khỏi Sudan khi còn là một đứa trẻ và tìm đến Hoa Kỳ để tị nạn. Vào thứ hai (ngày 9 tháng 12), ông hy vọng có thể chia sẻ câu chuyện của mình  với các thành viên của một ủy ban địa phương, những người sẽ bỏ phiếu về việc liệu Hạt Burleigh, North Dakota, sẽ ngừng nhận người tị nạn hay không.
Nếu họ bỏ phiếu cấm người tị nạn, Hạt Burleigh – nơi sinh sống của khoảng 95,000 người và là nơi tọa lạc của thủ đô Bismarck – có thể trở thành chính quyền địa phương đầu tiên tại Hoa Kỳ cấm người tị nạn kể từ khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh hành pháp cho phép điều này. Hạt Burleigh đã hoãn một cuộc bỏ phiếu tuần trước khi hơn 100 người xuất hiện tại phòng họp của ủy ban. Cuộc họp vào tối thứ hai sẽ được tổ chức tại một quán ăn ở trường trung học để đáp ứng sự quan tâm của công chúng. Vào mùa thu vừa qua, Tổng Thống Trump đã ban hành một lệnh hành pháp nhằm cắt giảm số người tị nạn vào năm tới ở mức thấp nhất kể từ khi Quốc hội thông qua Đạo Luật Tị Nạn vào năm 1980. Tổng Thống tuyên bố rằng những người tị nạn chỉ nên được tái định cư ở những nơi mà chính quyền tiểu bang và các quận cho phép. Kể từ đó, nhiều thống đốc và các quận trên khắp đất nước đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục nhận người tị nạn. Thống đốc Cộng hòa Doug Burgum hồi tháng trước cho biết North Dakota  sẽ tiếp tục chấp nhận những người tị nạn nơi các cơ quan địa phương đồng ý.
Nhưng ý tưởng này đã nhanh chóng bị phản đối ở quận Burleigh bảo thủ hơn. Dân Biểu Rick Becker đã sử dụng mạng xã hội để chỉ trích Đạo Luật Tị Nạn 1980, cho rằng là người tị nạn sẽ gây ảnh hưởng đến các chương trình dịch vụ xã hội, trường học và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, hạt Burleigh cho biết không có tài liệu cho thấy người tị nạn có bất kỳ mối liên kết trực tiếp nào đến các vấn đề nói trên.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hat-burleigh-north-dakota-co-the-tro-thanh-noi-dau-tien-tai-hoa-ky-cam-nguoi-ti-nan/

Hội đồng Bảo an sắp họp về Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thứ Tư tuần này sẽ họp, theo đề nghị của Mỹ, bàn về các đợt phóng thử phi đạn của Triều Tiên và khả năng có thể xảy ra một hành động khiêu khích leo thang sau khi Bình Nhưỡng tiến hành điều mà họ khoe là cuộc thử nghiệm trọng yếu tại một địa điểm phóng vệ tinh.
Cuộc họp tuần này diễn ra giữa căng thẳng tăng cao và các cuộc đàm phán Mỹ-Triều đang bị bế tắc. Mỹ kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới việc Triều Tiên từ bỏ các chương trình phi đạn và hạt nhân trong khi Bình Nhưỡng ra thời hạn chót cho Mỹ tới cuối năm nay phải có bước nhượng bộ.
Ít nhất 8 trong số 15 nước thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thúc đẩy mở một cuộc họp vào thứ Ba bàn về vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng đe dọa sẽ trả đũa mạnh tay và sẽ xem hành động này là khiêu khích nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Mỹ, nước đang giữ ghế chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 12 này, quyết định triệu tập cuộc họp vào thứ Tư tập trung vào mối đe dọa leo thang từ Triều Tiên thay vì bàn chuyện nhân quyền, các nhà ngoại giao cho biết.
Đại sứ Triều Tiên hôm thứ Bảy vừa qua tuyên bố chuyện phi hạt nhân hóa đã ra khỏi bàn thương lượng và không cần các cuộc đàm phán dài dòng với Washington. Sau đó, Bình Nhưỡng loan báo đã thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm vô cùng quan trọng tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae.
https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an-s%E1%BA%AFp-h%E1%BB%8Dp-v%E1%BB%81-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn/5199729.html

EU thống nhất chuẩn bị Đạo luật Magnitsky

về nhân quyền

Liên minh Châu Âu (EU) hôm 9/12 đã tiến gần hơn đến việc thông qua một đạo luận giống Đạo luật Magnitsky của Mỹ, nhắm vào việc trừng phạt những quan chức chính phủ các quốc gia có vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói với báo giới ở Brussels hôm 9/12 rằng các nước trong khối đã “đồng ý bắt đầu công việc chuẩn bị cho một cơ chế cấm vận toàn cầu nhắm vào các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tương tự như Đạo luật Magnitsky của Mỹ.
Ông nói thêm “đây là bước đi cụ thể tái khẳng định vai trò toàn cầu của EU trong vấn đề nhân quyền”.
Wall Street Journal trích lời các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết quyết định cuối cùng về đạo luật sẽ được các nước thành viên EU đưa ra sau khi bộ khung đạo luật được hoàn tất, và quá trình này có thể sẽ mất vài tháng vì có một số nước còn lo ngại cho mối quan hệ của họ với các nước như Nga và Trung Quốc.
Đạo luật Magnitsky đã được Tổng thống Mỹ ký thành luật vào năm 2012, với mục đích ban đầu là nhắm vào các quan chức Nga vi phạm nhân quyền. Tên của đạo luật được đặt theo tên luật sư người Nga Sergei Magnitsky, người đã bỏ mạng trong nhà tù ở Moscow.
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã có tổng cộng 170 cá nhân và tổ chức bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì vi phạm đạo luật này.
Dù EU chưa đưa ra khoảng thời gian cho việc đệ trình bộ khung đạo luật mới nhưng các nhà ngoại giao EU nói với báo giới rằng có khả năng bộ khung này sẽ được đưa ra để duyệt lần cuối sớm nhất vào năm sau. Hiện chưa rõ tên Magnitsky có được gắn vào luật của EU hay không.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/eu-getting-closer-to-us-modeled-magnitsky-act-12102019082231.html

Đảng Xanh yêu cầu Nghị viện Châu Âu

hoãn phê chuẩn EVFTA khi điều tra vi phạm

của báo cáo viên EVFTA Zahradil

Đảng Xanh, đảng lớn thứ tư trong Nghị viện Châu Âu, hôm 9 tháng 12 gửi thư yêu cầu Chủ tịch Nghị viện xem xét tư cách của báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), dân biểu Nghị viện là ông Jan Zahradil với cáo buộc ông này đã vi phạm các quy tắc đạo đức của Nghị viện. Đảng Xanh cũng đồng thời yêu cầu hoãn việc xem xét hồ sơ EVFTA khi điều tra vi phạm của ông Zahradil.
Bức thư được gửi đi sau khi có một bài báo từ trang tin EU Observer, cáo buộc ông Zahradil đã vi phạm nguyên tắc “xung đột lợi ích” khi đồng thời nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban tư vấn cho Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu, một tổ chức thân tín với chính phủ Việt Nam. Ông Zahradil đã không thông báo với Nghị viện về vai trò của mình ở trong tổ chức người Việt này bất chấp quy định bắt buộc ông Zahradil phải thông báo dù ông có được trả tiền cho nhiệm vụ đó hay không.
Đây là điều đáng lo ngại khi vai trò của ông ta (Zahradil) là báo cáo viên trong thủ tục xem xét phê chuẩn EVFTA ở Nghị viện”, bức thư có đoạn viết.
Đảng Xanh cũng cáo buộc dân biểu người Séc Zahradil đã không “công bố mối quan hệ của ông với Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu trước các cơ quan thuộc Nghị viện như ủy ban Thương mại quốc tế”, và điều này dường như không phù hợp với các quy định trong bộ quy tắc đạo đức.
Với những cáo buộc như trên, đảng Xanh yêu cầu Nghị viện Châu Âu đưa vấn đề này lên Ủy ban Tư vấn về quy tắc đạo đức để đánh giá việc vi phạm và xung đột lợi ích của ông Zahradil. Đồng thời đảng Xanh cũng yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn lại việc xem xét phê chuẩn EVFTA khi điều tra tư cách của ông Zahradil.
Việt Nam và EU chính thức ký kết hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, đã có một số tiếng nói trong nước và một số dân biểu Châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Hôm 21/11, Việt Nam đã bắt giữ Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đã lên tiếng yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn hai hiệp định vừa ký vì những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam thời gian qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/green-group-demands-parliament-consider-breach-code-of-conduct-of-zahradil-12102019081519.html

Nghị viên châu Âu từ chức sau khi bị cáo buộc

Một thành viên nghị viện châu Âu hôm 10/12 đệ đơn từ chức báo cáo viên cho các cuộc đàm phán thương mại của EU với Việt Nam sau khi bị cáo buộc không tiết lộ các liên hệ của ông với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà có thể vi phạm Bộ quy tắc ứng xử của Nghị viện châu Âu.
Một bài báo được xuất bản gần đây của EU Observer cáo buộc ông Jan Zahradil về một sự “xung đột lợi ích” tiềm năng sau khi tiết lộ rằng ông Zahradil đã không cho biết ông là chủ tịch của Hội đồng tư vấn cho Liên đoàn các hiệp hội người Việt hải ngoại ở châu Âu (FOVAE).
Ông Philippe Lamberts, một trong những đồng chủ tịch của Nhóm Liên minh Tự do Đảng Xanh/Châu Âu, đã trích dẫn bài báo này để gửi lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu và đề nghị xem xét “khả năng vi phạm” luật của nghị viện của ông Zahradil.
Ông Zahradil, trong một phần đăng tải hôm 10/12 trên Twitter cá nhân, “mạnh mẽ phủ nhận” các cáo buộc về bất kỳ “xung đột lợi ích” nào trong một bức thư gửi cho các thành viên nghị viện châu Âu trong đó có Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU, ông Bernd Lange, người thường xuyên đến Việt Nam để thảo luận về hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng trong bức thư này ông Zahradil “quyết định thôi chức vụ là báo cáo viên thường trực” về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho Việt Nam.
EU Observer, trong một bản tin ra hôm 9/12, cho biết ông Zahradil được chỉ định làm chủ tịch của FOVAE năm 2016. Thành viên Nghị viện châu Âu đến từ Czech hiện là phó chủ tịch của ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện.
Ông Lamberts nói trong bức thư gửi Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Maria Sassoli ngày 9/12 rằng dựa trên những thông tin của EU Observer, ông Zahradil đã “không công khai về sự dính líu của ông đối với (FOVAE) khi thông báo về các lợi ích tài chính mặc dù ông có nghĩa vụ phải làm như vậy theo điều 4.2 (d) của Bộ Quy tắc Ứng xử.”
“Hiệp hội này (FOVAE) dường như có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam và giới lãnh đạo chính phủ,” ông Lamberts nói trong bức thư dựa trên những thông tin từ bài báo của EU Observer, trong đó nói rằng người lãnh đạo FOVAE, ông Hoàng Đình Thắng – một nhân vật được biết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hồi cuối tháng 10 vừa qua “được tặng bằng khen xuất sắc” cho những nổ lực đóng góp của ông cho Hiệp hội Việt Nam ở Cộng hòa Czech, thuộc FOVAE. Tờ báo mạng này nhận định rằng “những giải thưởng như vậy chỉ do Đảng Cộng sản cấp cho những người xuất sắc trong một vị trí trong nhiều năm liên tiếp.”
Theo tờ báo mạng của châu Âu, ông Zahradil nói rằng ông “không phải thông báo về vai trò của ông trong một nhóm có liên hệ với chế độ nhà nước cộng sản đàn áp – bất chấp các luật lệ của Nghị viện châu Âu.”
Đồng chủ tịch nhóm Đảng Xanh/Châu Âu, ông Lamberts, đề nghị chủ tịch Nghị viện châu Âu “đánh giá khả năng vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử và xung đột lợi ích, và sự cần thiết có nên tiến hành các biện pháp để sử đổi tình trạng này.”
Bà Saskia Bricmont, một thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu – người vào tháng trước kêu gọi khối này tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền ở đây được cải thiện – hôm 9/12 kêu gọi Nghị viện châu Âu mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
Trong phần đăng tải trên Twitter hôm 10/12, mặc dù từ chức nhưng ông Zahradil cho rằng những cáo buộc đó là lý do để “những người phản đối thương mại tự do để giết chết thủ tục chấp thuận EVFTA và EVIPA.”
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đều đã được Việt Nam và các đối tác EU ký kết. Tuy nhiên, các thỏa thuận này phải được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn tại phiên họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 thì mới có hiệu lực.
Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dân chủ khẳng định hồ sơ nhân quyền của Việt Nam phải được cải thiện trước khi EU tiến hành phê chuẩn các hiệp định này.
https://www.voatiengviet.com/a/uy-vien-nghi-vien-chau-au-bi-nghi-co-lien-he-voi-dang-cong-san-viet-nam/5200056.html

Thương mại: Đáp trả Trung Quốc,

Liên Hiệp Châu Âu cải cách luật cạnh tranh

Tú Anh
Lo ngại làn sóng hàng hóa của Trung Quốc và các tập đoàn công nghệ tin học Mỹ, Bruxelles chuẩn bị biện pháp trả đũa : tăng cường luật cạnh tranh nhưng không đi xa hơn như mong muốn của Đức và Pháp.
Trong cuộc họp với các luật gia thương mại ngày 09/12/2019 tại Bruxelles, tân phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Margrethe Vestager, đưa ra nhiều nhận định được AFP mô tả là « rất đáng khâm phục ». Nhà chính trị Đan Mạch có tiếng là khắc tinh của Silicon Valley California tuyên bố « đã đến lúc phải cập nhật hóa luật chơi cạnh tranh » cũng như không thể bỏ qua các thương vụ « mua công ty » mà các tập đoàn nước ngoài có thể khai thác để tiêu diệt doanh nghiệp châu Âu.
Nhận định này nhắm vào phương thức làm ăn của các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số của Mỹ như Google với dịch vụ miễn phí có thể một ngày nào đó « độc chiếm khách hàng ».
Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire và đồng nhiệm Đức Peter Altmaier khen ngợi tân phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có ý thức làm thay đổi chính sách của Liên Hiệp Châu Âu về cạnh tranh để đối phó với Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo AFP, Margrethe Vestager dường như không triệt để như hai bộ trưởng Pháp, Đức. Bà chỉ đề nghị « cập nhật hóa các chỉ đạo » năm 1997 về thị trường. Trong khi Đức và Pháp muốn Bruxelles ban hành một biện pháp « kháng cáo » cho phép Hội Đồng Châu Âu (28 nước) xét lại một quyết định của Ủy Ban Châu Âu không cho hai tập đoàn Đức, Pháp là Siemens và Altom sáp nhập để cạnh tranh với nước ngoài.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191210-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3-trung-qu%E1%BB%91c-lhca-c%E1%BA%A3i-c%C3%A1ch-lu%E1%BA%ADt-c%E1%BA%A1nh-tranh

Pháp: Tiếp tục đình công

chống cải cách chế độ hưu bổng

Thanh Hà
Phong trào đình công tại Pháp liên tục làm tê liệt một phần các hoạt động trên toàn quốc trong sáu ngày liên tiếp. Giới công đoàn kêu gọi huy động toàn lực trong ngày 10/12/2019 để gây sức ép với chính phủ trước khi thủ tướng Edouard Philippe thông báo kế hoạch cải tổ hệ thống hưu bổng.
Trên đường phố, các phương tiện chuyên chở công cộng tại nhiều thành phố lớn hoạt động cầm chừng. Mười trong số 14 đường xe điện ngầm metro tại Paris hoàn toàn đóng cửa. Nhiều nhà ga chỉ hoạt động vào giờ cao điểm. 20% xe lửa cao tốc TGV hoạt động. Nhiều chuyến bay nội địa bị hủy. Các nghiệp đoàn báo trước, tình trạng tê liệt này sẽ kéo dài ít nhất cho đến hết thứ Năm 12/12 và thậm chí là cho đến cuối tuần.
Vào lúc người đi làm không có phương tiện di chuyển nào khác ngoài xe đạp, xe máy hay xe hơi, thì công đoàn GGT thông báo đã phong tỏa 7 trong số 8 nhà máy lọc dầu tại Pháp vào trưa nay. Nếu tình trạng này kéo dài, các trạm xăng có nguy cơ phải tạm đóng cửa.
Ngoài các phương tiện chuyên chở, một số các thầy cô giáo cũng đình công bảo vệ chế độ hưu bổng. Giới sinh viên y khoa nội trú cũng vừa nhập cuộc. Ngành tài xế xe tải, xây dựng cũng bãi công vì mục tiêu đòi cải thiện điều kiện lao động hay chống biện pháp tăng thuế xăng dầu…
Về phía chính phủ, ngày 11/12, thủ tướng Edouard Philippe chính thức thông báo kế hoạch cải tổ. Tối 10/12, tổng thống Macron triệu tập thủ tướng và nhiều bộ trưởng liên quan đến điện Elysée để phối hợp trong cách xử lý hồ sơ nhậy cảm này. Một số nguồn tin thông thạo cho biết chính quyền có thể sẽ đưa ra một số thông báo mang tính “thỏa hiệp”, có thể liên quan đến thời hạn áp dụng các biện pháp cải tổ hệ thống hưu bổng tại Pháp.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191210-ph%C3%A1p-nguy-c%C6%A1-b%E1%BB%8B-t%C3%AA-li%E1%BB%87t-c%E1%BA%A3i-c%C3%A1ch-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-h%C6%B0u-b%E1%BB%95ng

Bà Sanna Marin, 34 tuổi,

sẽ là thủ tướng đương nhiệm trẻ nhất thế giới

Bà Sanna Marin, 34 tuổi, Bộ trưởng Giao thông Phần Lan, đã được đảng Dân chủ Xã hội chọn đề cử làm Thủ tướng sau khi lãnh đạo đảng này, ông Antti Rinne thôi chức. Bà sẽ là thủ tướng trẻ nhất trong số các thủ tướng đương chức hiện nay.
Jacinda Ardern khác hẳn các lãnh đạo APEC
Thế kỷ của những phụ nữ mở đường trong chính trị Hoa Kỳ
Bà Sanna Marin sẽ tuyên thệ nhậm chức trong tuần này.
Bà sẽ lãnh đạo một chính phủ liên minh trung tả với bốn đảng khác, tất cả đều do phụ nữ đứng đầu. Đặc biệt hơn, ba trong số bốn người này đều dưới 35 tuổi.
Ông Rinne đã từ chức sau khi đánh mất niềm tin của một đảng thành viên trong liên minh cầm quyền do cách ông xử lý vụ biểu tình của nhân viên ngành bưu chính.
Khi nhậm chức, bà Marin sẽ là thủ tướng trẻ nhất thế giới.
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, hiện 39 tuổi; còn Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk năm nay 35 tuổi.
Bà Marin sẽ là nữ thủ tướng thứ ba ở khu vực Bắc Âu.
Trong quá khứ các nước châu Âu khác như Pháp, Ba Lan và Anh đều từng có các thủ tướng lên cầm quyền ở tuổi khá trẻ nhưng đều là nam giới.
William Pitt từng lên làm thủ tướng Anh ở tuổi 24 vào năm 1783.
Năm 1984, Laurent Fabius lên làm thủ tướng Pháp ở tuổi 37.
Năm 1992, Waldemar Pawlak ở Ba Lan lên làm thủ tướng khi mới 33.
Gia cảnh của bà Marin
Cha mẹ của bà Sanna Marin chia tay khi bà hãy còn rất nhỏ và những năm đầu, mẹ của bà phải một mình nuôi con.
Gia đình bà đối mặt với khó khăn về tài chính.
Trong một blog, bà Marin kể rằng năm 15 tuổi, bà đã đi làm cho một tiệm bánh và giao báo để có tiền tiêu vặt khi học trung học.
Trong một cuộc phỏng vấn cho trang web Menaiset vào năm 2015, bà cũng kể về sự kỳ thị mà bà gặp phải khi mẹ của bà có mối quan hệ đồng giới.
Bà nói rằng khi ấy bà thấy mình như “vô hình” vì bà không thể nói chuyện cởi mở về gia đình mình.
Nhưng bà cũng nói rằng, mẹ của bà luôn ủng hộ và khiến bà tin rằng, bà có thể làm bất cứ điều gì bà ấy muốn.
Bà là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học.
Bà tham gia chính trị từ năm 20 tuổi và đã thăng tiến rất nhanh trong hàng ngũ của Đảng Dân chủ Xã hội, đứng đầu chính quyền thành phố Tampere ở tuổi 27 và trở thành nghị sĩ vào năm 2015.
Bà là Bộ trưởng Giao thông vận tải từ tháng Sáu.
Bà có một con gái mới 22 tháng tuổi.
Khi các nữ chính trị gia nổi lên
Các nhà phân tích cho rằng, đây có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Phần Lan hiện có một nữ thủ tướng và có tới bốn nhà lãnh đạo đảng trong liên minh cầm quyền đều là nữ.
Tuy bình đẳng giới vẫn là một vấn đề lớn ở Phần Lan, nhưng trong nền chính trị Phần Lan, từ lâu đã có nhiều nữ chính trị gia.
Reetta Siukola, Giám đốc phát triển tại Trung tâm Thông tin về Bình đẳng giới, nói với BBC rằng, từ một vài thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, nhiều phụ nữ trẻ đã nắm các vị trí chủ chốt, thứ hai hoặc thứ ba trong các đảng phái chính trị nước này.
Tính chung cả thế kỷ này, nước này từng có hai nữ thủ tướng, nhưng thời gian nắm quyền của cả hai đều khá ngắn.
Phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ, luôn hoạt động tích cực trong nền chính trị Phần Lan. Và trong những năm gần đây, công chúng đã kỳ vọng sẽ có tới 40% hoặc thậm chí nhiều hơn số bộ trưởng trong chính phủ là nữ.
Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 2015, khi chính phủ trung hữu, với đa phần là nam giới của ông Juha Sipila lên nắm quyền, với chỉ 36% bộ trưởng là nữ.
Cùng với sự phát triển của phong trào #MeToo trên toàn thế giới, đây là một lời cảnh tỉnh với những người ủng hộ bình đẳng giới, và từ đó, thúc đẩy một cuộc thảo luận xã hội dân sự rất tích cực, bà Siukola nói.
Chính sách của bà Marin sẽ như thế nào?
Khả năng có bất kỳ sự thay đổi nào lớn trong chính sách gần như bằng không, vì liên minh cầm quyền đã thống nhất chương trình hoạt động ngay từ khi nắm quyền.
Tuy nhiên, bà Marin, người đã được bầu làm thủ tướng với một biên tế hẹp, nói với các phóng viên rằng sẽ có rất nhiều việc phải làm để xây dựng lại niềm tin.
Bà gạt đi những câu hỏi về tuổi tác của mình và nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tuổi tác hay giới tính của mình. Tôi nghĩ đến những lý do khiến tôi tham gia hoạt động chính trị và về những gì khiến chúng tôi được cử tri tin tưởng.”
Đảng Dân chủ Xã hội hiện nổi lên như một đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Tư. Đảng này do đó có thể bổ nhiệm thủ tướng để lãnh đạo một chính phủ liên minh.
Ông Rinne đã từ chức sau khi kế hoạch cắt giảm lương của hàng trăm nhân viên bưu điện đã khiến các cuộc đình công lan rộng. Một thành viên của liên minh cầm quyền, Đảng Trung tâm, nói rằng đảng này đã mất niềm tin vào ông.
Tuy nhiên, ông vẫn là lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội.
Trong khi đó, Đảng Trung tâm cho biết, ông Katri Kulmuni sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Người đàn ông 32 tuổi này đã đảm nhận vị trí thủ lĩnh của đảng này vào tháng Chín.
Ba nhà lãnh đạo khác là các bộ trưởng trong chính phủ của ông Rinne và dự kiến sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ của họ gồm Li Andersson của Đảng Liên minh Cánh tả làm Bộ trưởng Giáo dục; nhà Lãnh đạo Đảng Xanh Maria Ohisalo làm Bộ trưởng Nội vụ; và Anna-Maja Henriksson của Đảng Nhân dân Thụy Điển làm Bộ trưởng Tư pháp.
Tính ra, chính phủ mới sẽ có tới 12 bộ trưởng nữ và chỉ có 7 nam. Đây là tỉ lệ phụ nữ trong chính phủ khá cao, ngay cả đối với một quốc gia mà vào năm 1907 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phụ nữ được bầu vào quốc hội.
Phần Lan hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu và các nghị sĩ có thể sẽ phê chuẩn chính phủ mới trước hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Brussels vào ngày 12/12 tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50724144

Thượng đỉnh Nga-Ukraina :

Bất đồng còn nhiều, đối thoại tiếp tục

Tú Anh
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Paris, ngày 09/12/2019, tổng thống Nga và Ukraina đồng thuận trên một loạt biện pháp để vực dậy tiến trình hòa bình trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk 2015. Tuy nhiên, hồ sơ chính trị vẫn là điểm bất đồng lớn nhất và hai bên hẹn gặp lại trong 4 tháng tới để đàm phán tiếp.
Trong khuôn khổ hội nghị được Pháp, Đức bảo trợ, ba điểm tiến bộ được ghi nhận là từ nay đến cuối năm, hai bên trao trả hết tù nhân còn giam giữ, cam kết triệt thoái ở ba khu chiến tuyến trước cuối tháng 03/2020 và tiếp tục đối thoại rà soát tình hình để giải tỏa bất đồng.
Theo AFP, trong cuộc họp báo chung của lãnh đạo bốn nước, tổng thống Ukraina không che dấu thất vọng : kết quả quá ít ỏi. Nga không đồng ý để Ukraina tái lập kiểm soát biên giới và giải thể các nhóm vũ trang « bất hợp pháp » trước khi tổ chức bầu cử.
Trong khi đó, chủ nhân điện Kremlin với tư thế mạnh, cho biết « rất lạc quan » và tin chắc « quan hệ hai bên sẽ được cải thiện ».
Tại Ukraina, thượng đỉnh Paris đã gây nhiều lo ngại. Đa số công luận e rằng tổng thống Volodymyr Zelensky non tay « đầu hàng » trước một Vladimir Putin cáo già. Thái độ cứng rắn của lãnh đạo Ukraina làm mọi người nhẹ nhõm nhưng vẫn không giảm bớt áp lực.
Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert giải thích :
« Ông ấy không vượt làn ranh đỏ, chúng ta có thể đi về ». Sau khi theo dõi cuộc họp báo của tổng thống Volodymyr Zelensky ở Paris qua màn ảnh lớn đặt trước phủ tổng thống Ukraina, hàng trăm cựu chiến binh Ukraina và thành viên phong trào dân tộc tỏ ra hài lòng.
Ngoài một số tiến triển kỹ thuật, tại vòng đàm phán Paris, tổng thống Ukraina không những từ chối nói đến mô hình liên bang mà còn khẳng định với Vladimir Putin là bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập, là lãnh thổ của Ukraina.
Tuy bằng lòng, nhưng những người Ukraina chống Nga vẫn thận trọng do lo ngại có một thỏa thuận bí mật nào đó. Họ cho biết sẽ tiếp tục biểu tình gây sức ép trong suốt quá trình thương thuyết.
Nếu tổng thống Zelensky làm hài lòng phe dân tộc chủ nghĩa thì trái lại, có lẽ ông gây thất vọng cho 20% cử tri, những người mong muốn có một nền hoà bình thật sự và hòa giải với Matxcơva. Thành phần cử tri này cũng mong chờ có thỏa thuận mua khí đốt của Nga để giảm bớt phần nào hóa đơn sưởi đốt.
Chính tổng thống Ukraina cũng tuyên bố : kết quả đạt được tại thượng đỉnh chưa đầy đủ. Đối với người dân Ukraina, ủng hộ Zelensky hay không, đây chỉ là một giai đoạn, con đường trước mặt còn dài.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191210-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-nga-ukraina-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-c%C3%B2n-nhi%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c

Afghanistan : Mỹ che giấu sự thật bi quan

về cuộc chiến chống Taliban

Tú Anh
Các chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2002 đều tuyên bố đạt được thành quả trên chiến trường Afghanistan nhưng thú nhận ngược lại trong các bản báo cáo riêng. Nhật báo Washington Post cho biết như trên hôm 09/12/2019, dựa trên kết quả xem xét gần 2.000 hồ sơ của Cơ quan thanh tra đặc biệt.
Cơ quan này được thành lập vào năm 2008 để điều tra về các vụ lạm dụng tiền viện trợ trong các công trình xây dựng, thẩm vấn các viên chức có trách nhiệm trong cuộc chiến cho thấy nạn tham nhũng lan tràn tại quốc gia thiếu một chính phủ mạnh, gây bất mãn cho dân chúng và đẩy họ về phía Taliban.
Một tài liệu năm 2015, ghi lại một nhận xét hoài nghi của tướng Michael Flynn như sau: Từ đại sứ cho đến sĩ quan trên trận địa, ai cũng nói là chúng ta tiến bộ một cách tuyệt vời. Thế thì tại sao chúng ta có cảm tưởng đang thua ?
Thiệt hại của quân đội Mỹ tính đến 2015 là 2.400 quân nhân tử thương.
Một viên chức khác nhìn nhận là công việc tái thiết đất nước đưa đến những hệ quả tiêu cực. Trong một bản báo cáo do Đại học Brown khảo sát, chiến tranh và tái thiết đã làm Hoa Kỳ hao tổn từ 934 tỷ đến 978 tỷ đô la.
Một thành tích mỉa mai khác là về kinh tế. Trong khi Afghanistan là quốc gia trồng ma túy đứng đầu thế giới, nguồn kinh tài của Taliban, thì các báo cáo chính thức khen ngợi thành công tiêu diệt cây á phiện. Mục tiêu của Mỹ giúp cho Afghanistan xây dựng một nền kinh tế thị trường, cuối cùng chỉ có thị trường my túy là khởi sắc, theo nhận định của Douglas Lute, đặc trách Irak và Afghanistan trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ từ năm 2007 đến 2014.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191210-afghanistan-m%E1%BB%B9-che-gi%E1%BA%A5u-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-bi-quan-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-taliban

Nhật Bản đang cải tiến tàu khu trục

thành siêu tàu sân bay để đối phó với TQ

Nội các Nhật Bản đã chấp thuận chuyển đổi hai khu trục hạm mang trực thăng 27.000 tấn lớp Izumo thành tàu sân bay có khả năng vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35B nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc ở Hoa Đông.
Theo thông tin trên, Nội các Nhật Bản (12/2018) đã chấp thuận chuyển đổi hai khu trục hạm mang trực thăng 27.000 tấn lớp Izumo thành tàu sân bay có khả năng vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35B. Tàu sân bay lớp Izumo của Nhật bản dài 248 m, rộng 38 m, vận tốc tối đa đạt 56km/h, thủy thủ trên tàu gồm 500 người và có lượng giãn nước tối đa 27.000 tấn, lớn hơn các loại tàu sân bay hạng nhẹ của châu Âu, chỉ thua kém tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ, Nga và Pháp. Tàu có thể chở 14 trực thăng được thiết kế để chống các loại tàu ngầm hoặc ngư lôi, và khi yêu cầu cần kíp nó có thể mang tới 28 chiếc trực thăng, hoặc với vài chuyển đổi nó còn có thể mang tiêm kích tàng hình F-35B trên hạm. Tàu lớp Izumo có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 rà phá thủy lôi cải tiến. chiến hạm này còn được thiết kế để trong trường hợp cần huy động sẽ mang theo tối đa 7 chiếc SH-60K và 7 chiếc MCH-101. Trực thăng trên tàu có nhiệm vụ chính như chống tàu ngầm, chống thuỷ chiến, giám sát, cảnh giới và vận chuyển cứu nạn. Đáng chú ý, Izumo có boong tàu lớn và 5 bàn cất- hạ cánh nên có khả năng cất và hạ cánh đồng thời 5 máy bay một lúc và chỉ cần một vài sửa đổi cần thiết tàu chiến lớp Izumo có khả năng triển khai tới 15 máy bay tàng hình F-35B. Việc mang được tới 15 chiếc F-35B sẽ khiến tàu chiến lớp Izumo “vượt mặt” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc khi vừa có thể tác chiến giống tàu sân bay thực sự lại có thể làm nhiệm vụ của tàu đổ bộ tấn công. Với năng lực đó, chiến hạm lớp Izumo sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, đồng thời thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến đổ bộ quy mô lớn. Hệ thống vũ khí trên tàu Izumo được trang bị tên lửa RIM-16, pháo bắn nhanh Phalanx, ngư lôi Mark 46…
Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có hai tàu sân bay trên 60.000 tấn và có thể mang theo mỗi chiếc từ 45 đến 55 máy bay J-15 (nhiều gấp đôi số lượng khoảng 20 máy bay F-35B của một chiếc lớp Izumo). Không những vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng mới thêm 2 tàu sân bay trong tương lai, biến số lượng tàu sân bay của nước này lên con số 4.
Có thể thấy việc chuyển đổi các tàu lớp Izumo thể hiện sự gia tăng năng lực tác chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), nhưng rõ ràng Trung Quốc đang đi trước Nhật Bản vài năm, không chỉ về số lượng, mà còn về kinh nghiệm vận hành tàu sân bay. Nhật Bản có thể sẽ không phải đối tượng cạnh tranh trực tiếp của Hải quân Trung Quốc, nhưng ưu thế quân sự trên biển của Trung Quốc dường như ảnh hưởng đến các kế hoạch tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã mua 43 máy bay F-35B STOVL (biến thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và đang nỗ lực nâng cấp các khu trục hạm trực thăng lớp Izumo để phù hợp với loại máy bay này. Có vẻ như Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tính tới khả năng này ngay từ khi đóng mới lớp tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai và công việc được cho là khá dễ dàng.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không tiết lộ căn cứ đóng quân và thời điểm đưa các chiến hạm mới vào biên chế. Ngoài ra, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032. Theo Asia Times, nhằm tăng cường hoạt động tuần tra và bảo vệ lãnh hải trên vùng biển Hoa Đông, xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang lên kế hoạch đưa vào trang bị hàng loạt các tàu tuần tra thế hệ mới, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Dựa theo kế hoạch trên ba tàu đầu tiên của lớp tuần tra mới của Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ bắt đầu được khởi đóng trong năm tài khóa 2020, trong vòng 10 năm sẽ đưa 12 tàu vào biên chế. Đây được xem là bước đi đúng đắn của Tokyo, nếu như nước này muốn “giải phóng” các tàu khu trục luôn
phải túc trực ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này cũng ít nhiều nói lên hạn chế của Phòng vệ Biển Nhật Bản khi họ sở hữu khá nhiều tàu tuần tra nhưng không phải tàu nào cũng có thể hoạt động ở biển Hoa Đông. Và theo nhiều nhận định, khả năng lớn lớp tàu tuần tra mới của Nhật Bản sẽ thay thế cho các tàu tuần tra mang tên lửa lớp Hayabusa đang hoạt động trong hạm đội nước.
Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong những năm gần đây, Hải quân, không quân Trung Quốc nhiều lần điều tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay các loại áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải triển khai lực lượng giám sát và ngăn chặn với tần suất ngày càng tăng. Sức ép tăng lên sau khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, việc Nhật Bản quyết định nâng cấp sức mạnh quân sự, nhất là việc thông qua quyết định cải tạo tàu khu trục thành tàu sân bay trực thăng sẽ là quyết định sáng suốt để đối phó với các mối đe dọa an ninh, chủ quyền lãnh thổ từ Bắc Kinh.
http://biendong.net/bien-dong/32030-nhat-ban-dang-cai-tien-tau-khu-truc-thanh-sieu-tau-san-bay-de-doi-pho-voi-tq.html

Triều Tiên xác nhận thực hiện một vụ thử thành công

 tại bãi phóng Sohae

Ngày 8-12, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử “rất quan trọng” tại bãi phóng Sohae.
Trong tuyên bố được đăng trên KCNA, người phát ngôn của Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ vụ thử này đã được tiến hành tại bãi phóng Sohae vào ngày 7-12 vừa qua. Quan chức này khẳng định kết quả của vụ thử thành công đã được trình lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Tuyên bố nhấn mạnh kết quả này đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên trong tương lai gần.
Trước đó, theo Đài Phát thanh và Truyền hình KBS của Hàn Quốc, công ty cung cấp dịch vụ hình ảnh vệ tinh Planet Labs ngày 5-12 đã chụp được những hình ảnh Triều Tiên chuẩn bị tái khởi động việc thử nghiệm động cơ tên lửa ở Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một container hàng hóa cỡ lớn chưa từng xuất hiện ở bãi thử tên lửa trên. Bãi thử này là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn, một trong những thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái.
Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan hình ảnh chụp từ vệ tinh nói trên của Công ty Planet Labs. Trong khi đó, đài CNN nhận định dường như đây là thông điệp Triều Tiên muốn gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump như lời cảnh cáo trước đó liên quan tới thời hạn cuối năm Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington. Nhiều cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã diễn ra trong năm 2018 và 2019, cùng với đó là việc Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Liên quan đến cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song vừa bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc tiến hành một cuộc đối thoại bền vững và ổn định, đồng thời khẳng định rằng, sự phi hạt nhân hóa đề xuất bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không còn trên bàn đàm phán. “Chúng tôi không cần cuộc đối thoại kéo dài với Mỹ và sự phi hạt nhân hóa theo cách của Washington đã ra khỏi bàn đàm phán. Những lời kêu gọi đối thoại của Mỹ chỉ là cách kéo dài thời gian cho vấn đề phi hạt nhân hóa ra sau kỳ bầu cử tổng thống”, ông Kim Song cho hay.
Tên lửa đẩy Unha-3 rời khỏi bệ phóng trong một cuộc thử nghiệm tại bãi thử Sohae thuộc tỉnh Dongchang-ri của Triều Tiên tháng 12-2012.
http://biendong.net/bi-n-nong/32019-trieu-tien-xac-nhan-thuc-hien-mot-vu-thu-thanh-cong-tai-bai-phong-sohae.html

Bán đảo Triều Tiên: Seoul kêu gọi

Bình Nhưỡng ngưng hành động khiêu khích

Tú Anh
Vào lúc Hội Đồng Bảo An, theo yêu cầu của Hoa Kỳ,chuẩn bị thảo luận về nguy cơ Bắc Triều Tiên « leo thang khiêu khích qua các vụ phóng tên lửa », bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc một mặt, xác định Bình Nhưỡng đã thử nghiệm động cơ hỏa tiễn hôm 08/12, mặt khác, kêu gọi chính quyền phương bắc ngưng ngay các hành động khiêu khích, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều căng thẳng.
Ngày 10/12/2019, trong khuôn khổ cuộc họp 2+2 tại Sydney, gồm bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Hàn-Úc tại Sydney, bộ trưởng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo cho biết Bắc Triều Tiên thử « động cơ tên lửa » hôm Chủ Nhật 08/12 tại trung tâm phóng vệ tinh Sohae và được Bình Nhưỡng mô tả là « một cuộc thử nghiệm quan trọng ».
Theo giới chuyên gia, Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ với nhiên liệu lỏng, có thể để phóng vệ tinh hay tên lửa liên lục điạ.
Theo hãng tin Yonhap, đây là lần đầu tiên một viên chức chính phủ Hàn Quốc xác nhận Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm gì tại căn cứ Sohae. Hàn Quốc và Úc cùng bày tỏ lo ngại về « các vụ phóng tên lửa liên tiếp » của Bình Nhưỡng, yêu cầu « ngưng ngay các hành động khiêu khích làm tăng thêm căng thẳng quân sự » .
Thông báo của Hàn Quốc và Úc sử dụng những cụm từ mà Hoa Kỳ sử dụng để biện giải cho quyết định đưa vấn đề « khiêu khích của Bắc Triều Tiên » ra Hội Đồng Bảo An, hiện do Washington làm chủ tịch luân lưu.
Theo AFP, vấn đề này sẽ được 15 thành viên thảo luận vào ngày 11/12 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191210-seoul-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng-ng%C6%B0ng-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-khi%C3%AAu-kh%C3%ADch

Cuộc Biểu Tình Cuối Tuần Tại Hong Kong

Diễn Ra Ôn Hòa, Nhưng Vẫn Có Một Số Vụ Phá Hoại

Tin Hong Kong City – Cảnh sát Hong Kong vào thứ Hai, 9 tháng 12, cho biết cuộc biểu tình tại đặc khu vào cuối tuần qua nói chung đã diễn ra khá ôn hòa, tuy vẫn có một số vụ gây rối như việc người biểu tình đốt lửa bên ngoài trụ sở tòa án, ném bom xăng, và xịt sơn lên nhiều tòa nhà chính phủ. Cũng vào thứ Hai, nhiều người biểu tình đã kêu gọi đình công trên toàn thành phố.
Tuy nhiên, hầu hết các tuyến xe lửa và các xe vận chuyển công cộng đều vận hành bình thường trong giờ cao điểm, và không có báo cáo về việc giao thông bị cản trở. Trước đó vào Chủ Nhật, những người biểu tình mặc áo đen đã tràn xuống các con đường ở Hong Kong, trong cuộc tuần hành chống chính phủ lớn nhất kể từ sau cuộc bầu cử địa phương vào tháng trước, với chiến thắng áp đảo của phe ủng hộ dân chủ. Tuy cuộc tuần hành nói chung diễn ra khá ôn hòa, nhưng nhà chức trách cho biết thành phố vẫn có một số thiệt hại sau khi sự kiện kết thúc. Theo lời cảnh sát, người biểu tình đã xịt sơn lên tường và đốt lửa bên ngoài Tòa Thượng Thẩm Hong Kong, đồng thời phá hoại tài sản công cộng, cùng một số cửa tiệm và ngân hàng tại Vịnh Causeway và khu Wan Chai. Nhà chức trách cho biết những kẻ phóng hỏa và phá hoại sẽ bị đưa ra trước pháp luật.
Ban tổ chức biểu tình cho biết khoảng 800,000 người đã tham gia tuần hành, trong khi cảnh sát nói rằng con số này chỉ là 183,000 người. Sau cuộc tuần hành cuối tuần, cảnh sát đã bắt 42 người vì các tội gây bạo loạn, tàng trữ vũ khí, và nhiều tội trạng khác.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuoc-bieu-tinh-cuoi-tuan-tai-hong-kong-dien-ra-on-hoa-nhung-van-co-mot-so-vu-pha-hoai/

Hậu biểu tình,

Hong Kong đối diện làn sóng đóng cửa tiệm

Có hơn 1 trong số 10 nhà bán lẻ ở Hong Kong có thể phải đóng cửa trong sáu tháng tới vì tình trạng bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình đôi khi kèm bạo lực đang ngăn cản khách du lịch, đe dọa đến sự sống còn của các nhà khai thác dịch vụ nhỏ, Reuters dẫn nguồn tin từ tập đoàn bán lẻ chính của đặc khu cho biết hôm 9/12.
Khoảng 7.000 cơ sở bán lẻ được cấp phép trong số 64.000 cơ sở tại trung tâm tài chính châu Á cho biết họ buộc phải đóng cửa trong sáu tháng tới, Hiệp hội quản lý bán lẻ Hong Kong (HKRMA) cho biết sau khi khảo sát các thành viên.
Cuộc khảo sát cho thấy tương lai thê thảm của các nhà bán lẻ sau nhiều tháng biểu tình chống Bắc Kinh, khi Hong Kong vốn là điểm đến mua sắm hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc.
Doanh số bán lẻ giảm một phần tư trong tháng 10 so với một năm trước đó. Đây là mức giảm kỷ lục thấp nhất, trong khi lượng khách du lịch giảm 43,7% trong cùng tháng, gây khó khăn cho các trung tâm mua sắm và nhà hàng.
Chính phủ cam kết đưa ra tổng cộng 25 tỷ đô la Hong Kong (3,2 tỷ USD) trong các biện pháp hỗ trợ kinh tế nhưng vẫn xem liệu nó có đủ để giúp cho nền kinh tế và các nhà bán lẻ vượt qua cơn giông bão hay không.
HKRMA cho biết khoảng 97% số người tham gia khảo sát ghi nhận đã bị lỗ lã kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu vào tháng 6.
Trong số đó, 30% cho biết họ sẽ buộc phải cho nhân viên nghỉ việc trong sáu tháng tới, mức trung bình là giảm 10% nhân viên hay tổng cộng hơn 5.600 người.
Cuộc khảo sát, bao gồm các chuỗi cửa hàng và các nhà bán lẻ nhỏ, được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 29/10 đến 22/11 và ghi lại tình hình của 176 công ty và 4.310 cửa hàng.
HKRMA thúc giục phải có nhiều biện pháp hỗ trợ và cứu trợ hơn nữa từ chính quyền, đồng thời khuyến khích các chủ nhà giảm giá thuê địa điểm để giúp cho các nhà bán lẻ.
https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BA%ADu-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-hong-kong-%C4%91%E1%BB%91i-di%E1%BB%87n-l%C3%A0n-s%C3%B3ng-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-ti%E1%BB%87m/5198984.html

Hồng Kông : Từ « Cảng nữ » thành « đả nữ »

Thụy My
Chris Wong, nữ sinh viên 19 tuổi, là một trong số hàng ngàn cô gái Hồng Kông tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ, và không ngần ngại đương đầu với cảnh sát. Cô giải thích với AFP : « Đó là cuộc chiến đấu của tất cả mọi người, dù là nam hay nữ ».
Sinh ra trong một gia đình công nhân không quan tâm đến chính trị, Chris Wong dần dần đã sáng mắt ra cùng với cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Hồng Kông từ sáu tháng qua.
Trường hợp của cô chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ, trong những cuộc biểu tình diễn ra hầu như hàng ngày kể từ tháng Sáu, kể cả trên tuyến đầu mỗi khi nổ ra các cuộc đụng độ với cảnh sát. Phụ nữ chiếm trên 25% trong số 5.900 người bị bắt từ tháng 6/2019, và có tỉ lệ tương tự trong tổng số người nhập viện, khoảng 28%.
Trong những vụ đối đầu với cảnh sát xảy ra thường xuyên lúc gần đây, các cô thiếu nữ hiện diện khá nhiều trong số lực lượng xung kích chuyên tác chiến ở tiền phương. Mặc trang phục toàn màu đen giống như các đồng đội nam, các cô cũng tung bom xăng và ném gạch đá vào cảnh sát, và bị đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Chris Wong tự mô tả là một người sống nội tâm. Trước khi nổ ra phong trào phản kháng, cô chẳng bao giờ dám qua đường khi đèn đỏ, hay phát biểu trước lớp. Tuy tham gia phong trào dân chủ rất sớm, nhưng cô tránh đi hàng đầu trong những cuộc biểu tình, mà chỉ giúp thực hiện các tờ rơi hay tổ chức những cuộc tập họp.
Thiếu dân chủ, thế hệ chúng tôi không thấy tương lai
Đến tháng Tám cô trở nên cứng rắn hơn, khi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình, và cảnh sát gia tăng đàn áp. Một hôm, giữa hơi cay mịt mù, cô bất lực nhìn thấy một người bị bắt một cách thô bạo. Chris nhớ lại : « Lúc đó tôi cảm thấy mình thật vô dụng, không thể cứu được ai cả. Thế là tôi bắt đầu tập luyện ».
Giữa tháng 11, tại đại học Bách Khoa (PolyU), cô nằm trong số hàng trăm người biểu tình kiên cường nhất, tham gia trận đối đầu dữ dội và kéo dài với cảnh sát. Động cơ duy nhất : cô tin rằng Bắc Kinh đang siết dần các quyền tự do mà người Hồng Kông đang có được. « Thành phố đang trong tình trạng tệ hại, không có tương lai nào cho thế hệ chúng tôi nếu không chiến đấu ».
Các diễn đàn trên mạng được phong trào dân chủ sử dụng tràn ngập các cuộc thảo luận liên quan đến sự tham gia của phụ nữ. Nhiều người ủng hộ, cho rằng việc nữ giới tham gia sẽ giúp phá vỡ hình ảnh của « gong nui » (« Cảng nữ », tức các cô gái Hồng Kông) phi chính trị, hời hợt, chỉ thích đăng lên Instagram hình ảnh những món ăn ưa thích hay đi du lịch ngoại quốc.
Tuy vậy một số lời bình trên các diễn đàn tỏ ra phân biệt giới tính. Và trên các bích chương, tờ rơi của người biểu tình, chịu ảnh hưởng của manga, các cô gái thường có khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt to tròn, cần được sự che chở của các nam thanh niên đấu tranh. Hoặc được diễn đạt bằng hình ảnh các nữ chiến binh sexy.
« Phái yếu » đôi khi là ưu thế
Cô sinh viên Chris Wong khẳng định trong những cuộc biểu tình, cô khám phá rằng không có giới hạn nào cả. « Tôi chưa bao giờ có cảm giác là con gái không nên làm điều này hay điều nọ, và tôi chẳng quan tâm trong xã hội người ta nói gì ».
Quan niệm « phái yếu » thậm chí có thể trở thành ưu thế. Cô nói : « Điều này giúp tôi có thể dễ dàng thay đổi vai trò, chẳng hạn từ xung kích tiến công thành một người qua đường bình thường, nhưng thực chất là nhằm trinh sát những nơi cảnh sát đặt rào cản ».
Susan Choi, giảng viên trường đại học Trung Văn ở Hồng Kông, đã nghiên cứu sự tham gia của nữ giới trong các cuộc biểu tình. Bà nói với AFP : « Tính chất không lãnh tụ và phi tập trung của phong trào giúp cho phụ nữ – và nói chung là tất cả mọi người – đóng một vai trò tùy theo quyết tâm và khả năng của mình ».
Tuy vậy bà không nghĩ rằng các cuộc biểu tình có thể tạo ra được phong trào nữ quyền trong xã hội Hồng Kông vốn bảo thủ. Bà tỏ ý tiếc: « Nhiều người tham gia có khuynh hướng coi sự bất bình đẳng trong các cuộc biểu tình là chuyện bình thường ».
Chris Wong cho biết, cô cũng như nhiều thiếu nữ đi biểu tình khác đều lo sợ bị tấn công tình dục. Trong một vụ được lan truyền rộng rãi trên internet, một thiếu nữ khẳng định đã bị buộc phá thai sau khi bị các cảnh sát hãm hiếp tập thể trong đồn hồi tháng Chín. Cảnh sát nói rằng đang điều tra vụ này.
Hiệp hội đấu tranh chống bạo lực tình dục với nữ giới tuyên bố, đã tập hợp đầy đủ bằng chứng về các trường hợp quấy rối tình dục, tấn công và hãm hiếp trong các đợt biểu tình.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191210-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-t%E1%BB%AB-c%E1%BA%A3ng-n%E1%BB%AF-th%C3%A0nh-%C4%91%E1%BA%A3-n%E1%BB%AF

Lãnh đạo Hồng Kông loại trừ mọi nhân nhượng mới

với phong trào đòi dân chủ

Trọng Thành
Lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông ngày 10/12/2019 khẳng định sẽ không có thêm bất cứ nhân nhượng nào, trước các đòi hỏi của phong trào đòi dân chủ, bất chấp thảm bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, và cuộc biểu tình ôn hòa với gần một triệu người tham dự hôm Chủ Nhật 08/12.
Theo AFP, trong cuộc trả lời họp báo hàng tuần hôm 10/12, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), nhấn mạnh là ngoài việc hủy bỏ dự luật dẫn độ, một trong các yêu sách chính của người biểu tình, chính quyền đặc khu sẽ không đáp ứng bất cứ một đòi hỏi nào đi ngược lại với luật pháp. Cụ thể là, theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sẽ không thể có chuyện ân xá cho hơn 6.000 người bị bắt, từ tháng 6/2019 đến nay, bởi điều này hoàn toàn phản lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Theo lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, điều kiện tiên quyết cho các đối thoại xây dựng là không khí phải bình yên trở lại. Bên cạnh đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng khẳng định luôn luôn sẵn sàng xem xét giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể, nhằm giảm nhẹ những bất bình của dân chúng.
Căng thẳng tại Hồng Kông, kể từ cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, tạm lắng dịu, với số lượng các đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, theo giới quan sát, có rất nhiều nguy cơ bạo lực tái diễn.
Tối 09/12, cảnh sát Hồng Kông thông báo vô hiệu hóa hai trái bom tự tạo tại một trường học, và đã mở điều tra để xác định các vũ khí này có liên hệ hay không với khủng hoảng chính trị hiện tại.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191210-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-lo%E1%BA%A1i-tr%E1%BB%AB-m%E1%BB%8Di-nh%C3%A2n-nh%C6%B0%E1%BB%A3ng-m%E1%BB%9Bi-v%E1%BB%9Bi-phong-tr%C3%A0o-%C4%91%C3%B2i-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7

Trung Quốc: Người Uighurs ‘được tự do’

sau khi ‘tốt nghiệp’

Một quan chức cấp cao người Trung Quốc cho biết toàn bộ những người bị giam giữ ở các trại tập trung ở vùng phía tây Tân Cương hiện đã được thả.
‘Dự luật của Mỹ về Tân Cương vi phạm luật pháp quốc tế’
Mỹ: Hạ viện thông qua dự luật trừng phạt quan chức TQ
Mỹ liệt 28 tổ chức TQ vào danh sách đen vì người Uighur
Chủ tịch Nhân dân Khu tự trị Uighur Tân Cương, ông Shohrat Zakir nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng những người bị giam tại nơi mà Bắc Kinh gọi là “trại cải tạo” hiện đã tốt nghiệp.
Không thể xác minh một cách độc lập khẳng định của ông Zakir.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng các trại này thực tế là các nhà tù được canh gác nghiêm ngặt, giam giữ hàng ngàn người Hồi giáo.
Bắc Kinh luôn phủ nhận điều này, bất chấp sự hiện diện dày đặc của các phương tiện an ninh, như tháp canh, hàng rào kẽm gai, và các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ những người ở bên trong các trung tâm này bị giam giữ, giáo huấn và trừng phạt.
Bắc Kinh nói gì?
Ông Zakir nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm thứ Hai rằng tất cả người tại trung tâm này đã hoàn thành các khóa học – với “sự trợ giúp của chính phủ” – đã lao động ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.”
Ông Zakir nói rằng, trong tương lai, đào tạo sẽ dựa vào “ý chí cá nhân” và mọi người sẽ có quyền “tự do đến và đi”.
Phóng viên John Sudworth của BBC gặp bố mẹ của các trẻ Uighur ở Thổ Nhĩ Kỳ – những người nói rằng con họ mất tích ở Trung Quốc
Phóng viên của BBC News Tiếng Trung John Sudworth cho hay không thể xác minh các khẳng định nói trên, bởi vì việc tiếp cận của phóng viên tại khu vực này bị siết chặt, và rằng không thể liên lạc với dân địa phương mà không đặt họ vào nguy cơ bị giam giữ.
Trong những tháng qua, các báo cáo độc lập cho hay rằng một số người trong các trại này đang được thả, chỉ để đối mặt với việc bị giam tại gia, bị hạn chế đi lại, hoặc bị bắt làm việc tại các nhà máy.
Điều gì phía sau động thái này?
Áp lực ngày càng gia tăng lên Bắc Kinh trong những tháng gần đây.
Hàng loạt báo cáo truyền thông quan trọng dựa trên các thông tin rò rỉ cho New York Times và Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho thấy những gì đang xảy ra tại các trung tâm này, nơi được tin là đang giam giữ hơn một triệu người, chủ yếu là người Hồi giáo Uighur và các dân tộc thiểu số khác.
Cuối tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật để phản đối cái gọi là “giam giữ tùy tiện, tra tấn và quấy rối” người Uighur, và kêu gọi “trừng phạt có mục tiêu” các thành viên của chính phủ Trung Quốc – và đã đề xuất người đầu tiên bị trừng phạt là Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại vùng tự trị Tân Cương, ông Chen Quanguo.
Dự luật này vẫn cần được Thượng viện và Tổng thống Donald Trump thông qua.
Tuy nhiên, ông Zakir đã dùng cuộc họp báo ở Bắc Kinh để bác bỏ con số người giam giữ, gọi đó là “sự bịa đặt thuần túy”, nhắc lại luận điệu của Bắc Kinh rằng các trung tâm này cần thiết để chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan bạo lực.
“Một dùi cui điện đập sau gáy,” một cựu tù nhân mô tả điều kiện sống tại một trại tập trung bí mật với BBC
“Khi cuộc sống của tất cả các nhóm người thiểu số ở Tân Cương bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa khủng bố, Mỹ không bận tâm,” ông Zakir nói tại cuộc họp báo.
“Bây giờ khi xã hội Tân Cương đang phát triển ổn định và người dân thuộc mọi sắc tộc đang sống và làm việc yên bình, Mỹ lại cảm thấy khó chịu, và tấn công, và bôi nhọ Tâm Cương.”
Tài liệu bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc tẩy não người Uighurs ở Tân Cương
Điều gì đang diễn ra ở Tân Cương?
Các báo cáo về các trại tập trung đang được mở rộng bắt đầu xuất hiện năm 2018, khi một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được cho hay rằng có những cáo buộc đáng tin về việc Trung Quốc đã “biến vùng tự trị Tân Cương thành một nơi giống một trại giam giữ khổng lồ”.
Các nhóm nhân quyền cũng cho hay đã có nhiều bằng chứng về các giám sát cưỡng bức đối với người dân sống trong vùng.
Giới chức Trung Quốc nói rằng “các trung tâm đào tạo nghề” này được sử dụng để chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan bạo lực. Tuy nhiên các chứng cứ chỉ ra rằng nhiều người bị giam giữ chỉ đơn giản do họ thể hiện đức tin của mình, bằng cách cầu nguyện hoặc che mạng, hoặc có các mối quan hệ với những người ở nước ngoài, như ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tài liệu mà BBC được xem cho thấy Trung Quốc đã cố tình tách trẻ Hồi giáo khỏi cha mẹ.
Đây là một nỗ lực để “nuôi dưỡng một thế hệ mới cắt bỏ hoàn toàn với nguồn gốc của họ, niềm tin tôn giáo cũng như ngôn ngữ riêng của họ,” Giáo sư Adrian Zenz, một nhà người cứu người Đức, nói với BBC vào đầu năm nay.
“Tôi tin rằng các chứng cứ này cho thấy cái mà chúng ta phải gọi là diệt chủng văn hóa.”
Đại sứ Trung Quốc tại Anh nói các cáo buộc này là “dối trá”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50723772

Nhìn nhận về khả năng TQ sử dụng vũ lực

giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Trong xu thế hiện nay, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai gần là khá thấp nhưng chúng ta cần có những đối sách phù hợp, tránh bị động, bất ngờ nhằm gìn giữ hoà bình ở Biển Đông.
Vì sao Trung Quốc không chịu từ bỏ độc chiếm Biển Đông
Xét về yếu tố địa chính trị, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Muốn vậy, Trung Quốc cần phải mở rộng không gian sinh tồn. Tuy nhiên, nếu mở rộng lên phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt, đối mặt với Nga, một siêu cường về quân sự; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới nhưng lại có một vùng biển “màu mỡ”, đầy tiềm năng, do đó chỉ có phát triển xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông, sẽ mở rộng được “không gian sinh tồn”, vì vậy Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân hùng mạnh.
Giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí. Tuy nhiên, phần lớn các nguồn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc ở khu vực này đều đi qua Biển Đông, chi phí vận chuyển lớn, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải phức tạp… Trong khi đó, Biển Đông được đánh giá là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, với trữ lượng dầu mỏ ước tính lên đến hàng trăm tỉ thùng. Do đó, nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm chủ được nguồn tài nguyên quý giá đó, đáp ứng “cơn khát” năng lượng hiện tại và tương lai của Trung Quốc. Ước tính tổng giá trị hàng hoá được vận chuyển qua vùng biển này mỗi năm lên tới 5.000 tỷ USD và có tới 11 tỷ thùng dầu thô cùng 190.000 tỷ mét khối khí ga tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông đang chờ được khai thác. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có những lợi ích rất lớn ở Biển Đông và do đó, mọi tranh chấp trên vùng biển này đều có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang nếu không được quản trị một cách khéo léo.
Không những vậy, giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngoài ra, khống chế, làm chủ được Biển Đông là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để Trung Quốc thực hiện được tham vọng nước lớn, hiện thực hóa giấc mơ Đại Trung Hoa. Ngược lại, nếu mất quyền kiểm soát Biển Đông, bị phong tỏa các tuyến giao thông huyết mạch qua Biển Đông, nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc bị gián đoạn, nền kinh tế, xã hội của Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã, đang nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông bằng nhiều biện pháp.
Vấn đề Biển Đông tác động chiến lược biển của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động lớn đến môi trường hòa bình ổn định của khu vực, chủ quyền và lợi ích của nhiều nước.
Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược hướng biển để duy trì sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Nghiên cứu chiến lược biển được Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là chiến lược khai thác phát triển Biển Đông. Trung Quốc coi khống chế được Biển Đông tức là khống chế được cả vùng Đông Nam Á và con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Giành được vị thế ở Biển Đông sẽ giúp nước này giành được thế chủ động để vươn ra các vùng biển khác, đồng thời giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực. Chiến lược biển của Trung Quốc phải bảo đảm ba yếu tố: Các lợi ích chung về biển của Trung Quốc; Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc; Xây dựng một “xã hội hòa hợp” về biển, trong đó công nhận sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển đang tăng lên. Không những vậy, các nhiệm vụ chính về biển của Trung Quốc trong tương lai gồm: bảo vệ nguồn lực về biển của Trung Quốc đối với “các vùng nước liên quan”; phát triển kinh tế biển; tăng cường việc sử dụng biển và quản lý các đảo; duy trì môi trường biển; phát triển các ngành công nghiệp biển và khoa học về biển; nâng cao sự đóng góp của Trung Quốc vào hải dương học toàn cầu. Ngoài ra, Chiến lược biển của Trung Quốc đã thay đổi theo hướng “chủ động, tích cực” hơn, biểu thị rõ ràng thái độ kiên quyết không từ bỏ cái mà họ coi là quyền lợi “chính đáng”.
Do đó, trong các bên có tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc có lập trường cứng rắn nhất và cũng là nước có sức mạnh vượt trội nhất cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Việt Nam sẽ chịu thiệt hại lớn nếu chiến tranh xảy ra và do đó, đánh giá chính xác khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và tìm các phương sách để bảo vệ hoà bình ở Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của các Ngoại giao Việt Nam tại thời điểm này.
Khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông
Việc Trung Quốc có sử dụng vũ lực ở Biển Đông hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào giá trị của vùng biển này đối với họ. Rõ ràng, với vị trí là cửa ngõ yết hầu ở Đông Nam Á cùng các tài nguyên ở đây, toàn bộ khu vực Biển Đông và các đảo, bãi đá và bãi cạn đều có giá trị rất lớn đối với Trung Quốc về mặt an ninh, chiến lược, kinh tế và chính trị. Tuy Trung Quốc đã nhiều lần thoả hiệp trong các tranh chấp lãnh thổ trước đây, nhưng vì Biển Đông có giá trị quá lớn về mọi mặt nên Trung Quốc sẽ khó lòng nhượng bộ trừ khi họ không còn cách nào khác, tức khi họ đã suy yếu đến mức không thể duy trì yêu sách chủ quyền của mình.
Trung Quốc sẽ cảm thấy cần sử dụng vũ lực khi vị thế đàm phán của họ bị suy yếu rõ rệt và họ đứng trước nguy cơ mất toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, tới thời điểm này, vị thế đàm phán của Trung Quốc vẫn tương đối vững vàng và ổn định. Nhiều khả năng vị thế này sẽ còn mạnh lên trong thời gian trước mắt do họ đang nhanh chóng củng cố khả năng kiểm soát các đảo ở Biển Đông đã chiếm trái phép bằng việc xây dựng các căn cứ quân sự và hiện đại hoá hải quân. Hơn nữa, cho đến giờ, các bên còn lại trong cuộc tranh chấp như Việt Nam và Philippines vẫn còn khá mềm mỏng với Trung Quốc và luôn cố gắng tránh các động thái có thể khiêu khích hay đột ngột làm suy yếu vị thế đàm phán của Bắc Kinh.
Khi Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc đã lập tức tẩy chay phán quyết, trong khi các nước được hưởng lợi từ phán quyết như Philippines hay Việt Nam vẫn hành xử tương đối kiềm chế cũng như chưa sử dụng phán quyết để gây sức ép lên Trung Quốc. Chính vì vậy, phán quyết chưa ảnh hưởng quá
nhiều đến vị thế đàm phán của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là khi sức mạnh của họ trên thực địa không hề bị giảm sút.
Cuối cùng, khi có nhiều vấn đề nội bộ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ muốn hướng sự chú ý của người dân ra bên ngoài. Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể chưa phải đối mặt với nhiều mối đe doạ an ninh từ bên ngoài, mà chính là thách thức an ninh tiềm tàng ở trong nước. Mặc dù vậy, những vấn đề nội bộ Trung Quốc đã có từ lâu và trừ khi có một diễn biến quá bất ngờ thì mới có khả năng bùng phát thành một cuộc khủng hoảng quy mô lớn.
Dựa vào ba nhận định trên, có thể kết luận rằng khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp trong thời gian tới là tương đối thấp. Họ sẽ giữ vững lập trường không thoả hiệp và không hợp tác nhưng khi vị thế của họ vẫn vững vàng và tình hình đối nội Trung Quốc chưa có gì biến động mạnh, thì chưa có lý do gì buộc họ phải sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Đối sách nào cho Việt Nam
Để bảo vệ hoà bình ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng cần theo đuổi một chính sách ngoại giao mềm mỏng nhưng vững vàng và toàn diện để vừa hạn chế các hành động đơn phương của Trung Quốc vừa trấn an nước này đồng thời nâng cao năng lực phòng vệ của bản thân, từ đó góp phần tăng khả năng ngăn ngừa chiến tranh nổ ra ở Biển Đông.
Thứ nhất, các quốc gia có liên quan tới tranh chấp Biển Đông nói chung và Việt Nam nói riêng cần tránh ở mức độ tối đa việc đưa ra những thay đổi đột ngột trong chính sách an ninh, quân sự và ngoại giao, nhất là những chính sách liên quan trực tiếp tới Biển Đông để Trung Quốc không cảm thấy vị thế đàm phán của họ bị suy yếu một cách đột ngột bởi điều này có thể khiến Bắc Kinh kết luận rằng dùng vũ lực là biện pháp cuối cùng của họ để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thứ hai, về mặt quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục hiện đại hoá quân đội và đầu tư trang bị các loại vũ khí tối tân cho lực lượng hải quân, nhằm gia tăng sức mạnh phòng vệ của mình. Cụ thể, chúng ta cần tăng cường đầu tư tàu ngầm và các hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển để tối đa hoá chi phí và tổn thất cho bất kì quốc gia nào quyết định sử dụng vũ lực để chiếm đảo của chúng ta ở Biển Đông. Khi biết rõ không thể giành được chiến thắng một cách nhanh chóng với chi phí thấp trên biển, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực sẽ thấp hơn.
Thứ ba, Việt Nam cần duy trì các chính sách ngoại giao hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện, trong đó có hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Mỹ, Nhật, Philippines và Ấn Độ. Chỉ cần chúng ta kiềm chế được khuynh hướng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và tối đa hoá chi phí, tổn thất mà họ sẽ phải trả cho bất kỳ xung đột vũ trang nào ở Biển Đông, sớm muộn ít nhất Trung Quốc cũng sẽ phải thoả hiệp.
Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh vai trò của mình trong ASEAN và thúc đẩy việc cải cách ASEAN. ASEAN là cầu nối hết sức quan trọng giữa các quốc gia trong khu vực và khi các quốc gia này đoàn kết, khả năng kiềm chế tham vọng của Trung Quốc sẽ tăng lên.
Nhìn chung, tuy khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai gần là khá thấp, song đây là một mối hiểm họa chưa thể loại trừ và chúng ta cần phải có những đối sách phù hợp nhằm gìn giữ hoà bình ở Biển Đông. Đối với Việt Nam, chính sách phù hợp nhất hiện tại để vừa giảm thiểu khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông, là một chính sách ngoại giao linh hoạt nhưng vững vàng, khuyến khích mặt hợp tác và từng bước khiến Trung Quốc cư xử phù hợp với luật pháp quốc tế trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/32033-nhin-nhan-ve-kha-nang-tq-su-dung-vu-luc-giai-quyet-tranh-chap-o-bien-dong.html

Nghe theo TQ,

Philippines không sợ bị theo dõi ở Biển Đông

Bất chấp việc Trung Quốc đưa khinh khí cầu ra đá Vành Khăn để theo dõi, thu thập tin tình báo và giám sát phi pháp ở Biển Đông, giới chức Philippines tiếp tục thể hiện thái độ bàng quan và không lo sợ bị ảnh hưởng.
Công ty ImageSat International (ISI, Israel) đưa lên Twitter ảnh chụp vệ tinh ngày 18/11 cho thấy một vật thể có hình dạng giống khí cầu đang bay lơ lửng trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. ISI nhận định, “khinh khí cầu trong ảnh khả năng cao được sử dụng cho mục đích thu thập
thông tin tình báo quân sự. Việc sử dụng khí cầu giúp cho Trung Quốc tiếp tục có được nhận diện liên tục về tình hình ở khu vực giàu tài nguyên này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (4/12) cho rằng vụ Trung Quốc đưa khí cầu trang bị radar tới đá Vành Khăn không phải là “mối quan ngại lớn” đối với nước này vì tầm hoạt động của radar bị hạn chế và “chỉ có thể theo dõi các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trong khu vực”; nhấn mạnh khí cầu “có thể có bán kính hoạt động từ 25-30 km. Có thể họ muốn theo dõi các đảo nhân tạo, nhưng đó không phải là quan ngại lớn đối với chúng tôi”. Theo một báo cáo từ quân đội Philippines, trong cuộc tuần tra biển hôm 1.12, lực lượng này “không thấy” radar của khí cầu trên đá Vành Khăn. Tuy nhiên, họ phát hiện có một khinh hạm và 3 tàu khác ở phía bắc của bãi đá này. Khi được hỏi Philippines làm cách nào để tránh vệ tinh của Trung Quốc, ông Lorenzana trả lời: “Tôi nghĩ cách duy nhất để tự bảo vệ mình khỏi tầm giám sát của họ là bắn hạ các vệ tinh, nhưng chúng tôi không đủ khả năng làm điều đó”.
Theo tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dùng khí cầu kể từ năm 2017. Các khí cầu lớn gắn radar mảng pha có thể phát hiện máy bay bay thấp đang đến gần. Khí cầu có thể duy trì độ cao ổn định trong thời gian dài, quan sát khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi không thể triển khai máy bay do thám. Khi kết hợp với hệ thống radar dưới mặt đất, vệ tinh và máy bay cảnh báo sớm, khí cầu có thể tạo thành mạng lưới giám sát mục tiêu trên không và dưới mặt đất trong phạm vi bán kính 300 km. Trung Quốc đang triển khai khí cầu tại một số vị trí như biên giới giữa nước này với Triều Tiên và eo biển Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trước việc Trung Quốc đưa khinh khí cầu trái phép ra đá Vành Khăn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (5/9) nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết “các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 . Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định của UNCLOS và các quy định liên quan của Việt Nam”.
http://biendong.net/bien-dong/32031-nghe-theo-tq-philippines-khong-so-bi-theo-doi-o-bien-dong.html

Campuchia phản bác lệnh trừng phạt của Mỹ

về tham nhũng, lâm tặc

Hôm 10/12, Chính phủ Campuchia đã mạnh mẽ phản bác quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về việc trừng phạt hai doanh nhân bị nghi ngờ tham nhũng và khai thác gỗ bất hợp pháp, theo AP.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết các lệnh trừng phạt này dựa trên những cáo buộc vô căn cứ.
“Lệnh trừng phạt này là một cuộc phục kích chống lại những nỗ lực liên tục nhằm khôi phục niềm tin giữa Campuchia và Hoa Kỳ,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia nói.
Bộ này lên tiếng bảo vệ các doanh nhân bị ảnh hưởng và các cựu quan chức Campuchia bị phía Hoa Kỳ trừng phạt, theo đó Washington đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ và cấm công dân Mỹ giao dịch kinh doanh với họ.
XEM THÊM:
Mỹ phạt các hãng dùng Campuchia để trốn thuế của TT Trump đánh vào TQ
Trước đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết đã liệt ông Try Pheap và 11 công ty thuộc sở hữu hoặc do ông kiểm soát vào diện bị xử phạt vì cáo buộc hối lộ và khai thác gỗ bất hợp pháp. Các công ty này tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác nhau bao gồm du lịch, bất động sản và năng lượng.
Ông Pheap, người từng làm cố vấn cho Thủ tướng Hun Sen, đã xây dựng một mạng lưới khai thác gỗ bất hợp pháp rộng lớn, đút lót các quan chức chính phủ và quân đội, xuất khẩu gỗ khai thác lậu sang Việt Nam, Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu.
Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt cựu tướng Kun Kim, kể cả ba người thân của ông và các doanh nghiệp gia đình của họ vào diện bị trừng phạt với cáo buộc tham nhũng và khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.
Ông Kim là một cộng sự và là người ủng hộ lâu năm của ông Hun Sen và hiện là bộ trưởng cao cấp thuộc Bộ Cựu Chiến binh Campuchia.
https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-phan-ban-lenh-trung-phat-cua-my-ve-tham-nhung-lam-tac/5200204.html

Ra điều trần về vụ diệt chủng người Rohingya,

Aung San Suu Kyi đánh cược uy tín của mình?

Trọng Thành
Ngày 10/12/2019, thế giới chứng kiến một sự kiện hy hữu. Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, vốn được ngưỡng mộ như biểu tượng cho tranh đấu bất bạo động, ra trước một tòa án quốc tế để trả lời về các cáo buộc ”diệt chủng”.
Aung San Suu Kyi sẽ bảo vệ giới quân sự trước các cáo buộc quốc tế, hay sử dụng cơ hội này để hóa giải hồ sơ Rohingya, xoay chuyển theo hướng có lợi cho tiến trình dân chủ hóa và xây dựng quốc gia – dân tộc Miến Điện?
Theo nhiều nhà quan sát, việc lãnh đạo chính phủ Miến Điện Aung San Suu Kyi, khi đích thân đến trước Tòa Công Lý Quốc Tế (CIJ), ở La Haye, để trả lời về vụ kiện của Gambia, đại diện cho 57 quốc gia thành viên Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo, cáo buộc chính quyền Miến Điện diệt chủng người thiểu số Rohingya, đã tự đặt chính bà vào một tình thế hết sức chông chênh, xét trên nhiều phương diện.
Ngây thơ, bất cẩn hay đứng về phía độc tài ?
Trả lời AFP, nữ giáo sư luật quốc tế Cecily Rose, Đại học Leiden, khẳng định đây là một hành động ”đầy bất cẩn” và mạo hiểm, Aung San Suu Kyi vốn ”không có bất cứ đào tạo về pháp lý nào”, và bà ”sẽ dễ dàng mất phương hướng trước Tòa”. Một chuyên gia luật khác, ông David Mathieson, nêu nhận định : Aung San Suu Kyi rất có khả năng sẽ tiếp tục thách thức toàn thế giới, bảo vệ tập đoàn quân sự bằng mọi giá, và điều này sẽ chỉ đưa cuộc khủng hoảng Rohingya dấn sâu hơn vào ngõ cụt. Thực tế cho thấy, cho đến nay, rất nhiều người tại phương Tây cũng như trong thế giới Hồi Giáo ngày càng trở nên thất vọng với con người từng được coi là ngôi sao của cuộc chiến bất bạo động vì dân chủ.
Aung San Suu Kyi có phải là một chính trị gia ngây thơ, hay một người chấp nhận làm công cụ cho giới quân sự vẫn còn rất hùng mạnh tại Miến Điện? Cho đến nay, trong công luận quốc tế có một ấn tượng phổ biến là giải Nobel Hòa bình khăng khăng bảo vệ giới tướng lãnh, mà bà vốn thường có các quan hệ nước đôi, phủ nhận toàn bộ các cáo buộc bạo lực nhắm vào ”Tamadaw” (tức quân đội Miến Điện), theo một điều tra của Liên Hiệp Quốc hồi 2018.
Bầu cử 2020 : Đông đảo dân Miến thù nghịch với người Rohingya
Le Monde có bài phân tích của nhà báo Bruno Philip, nhấn mạnh đến một lý do sâu xa hơn, ”trên thực tế, Aung San Suu Kyi quan tâm trước hết đến hình ảnh của bà ở trong nước”, nơi bà vẫn được đông đảo dân chúng người Miến, tộc người đa số tại Miến Điện, ngưỡng mộ. Mà đông đảo người Miến lại có thái độ thù địch với cộng đồng thiểu số người Rohingya.
Theo một quan điểm phổ biến tại Miến Điện, ”người Rohingya” thực chất là dân Bengali, nguồn gốc Bangladesh và mới chỉ di cư đông đảo sang Miến Điện kể từ thời thực dân Anh. Những hành động đàn áp tàn khốc nhắm vào cộng đồng dân cư này, khiến gần một triệu người phải chạy ra nước ngoài, hàng chục nghìn người bị tàn sát, không phải là mối bận tâm của nhiều người Miến Điện.
Đích ngắm trước hết của chính trị gia Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ cầm quyền hiện nay là giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội mùa thu 2020, trong bối cảnh phe quân đội và các thế lực Phật Giáo cực đoan, bài ngoại, chống Hồi Giáo, có ảnh hưởng lớn trong dân chúng.
Nhìn từ góc độ này, quyết định đầy mạo hiểm của Aung San Suu Kyi đến Tòa án quốc tế có thể xem như là một chiến thuật hiệu quả nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, như nhận định của nhà báo Aung Zaw, tổng biên tập báo mạng Irrawaddy, từng là cơ quan phát ngôn của đối lập lưu vong thời chế độ độc tài quân sự. Theo tổng biên tập Irrawaddy, với chuyến đi La Haye này, Aung San Suu Kyi đã nhận thêm được ”sự ủng hộ vô điều kiện” của đông đảo người dân Miến Điện.
”Người bảo đảm” cho tiến trình Miến Điện chuyển hóa
Cùng một hướng nhìn nhận nói trên, nhưng đi sâu hơn, trả lời La Croix, nhà nghiên cứu lịch sử chính trị David Camroux (Học viện Chính Trị Paris, thành viên hội đồng khoa học Quỹ Á – Âu ở Singapore) nhấn mạnh : Việc Aung San Suu Kyi đi La Haye là ”lô-gíc”. Nhờ có bà, mà Miến Điện không còn là một chế độ bị cộng đồng quốc tế xa lánh, bà là gương mặt chấp nhận được của chế độ chính trị đặc biệt tại Miến Điện, nửa dân sự, nửa độc tài quân sự, nơi quân đội vẫn tồn tại gần như là một Nhà nước trong một Nhà nước, với việc nắm giữ ba bộ chủ chốt (Quốc Phòng, An Ninh và Biên Phòng). Chính trong cương vị này mà chính trị gia 74 tuổi nói trên có thể là ”người bảo đảm” cho tiến trình quá độ đầy khó khăn của Miến Điện sang một xã hội mở.
Nhà chính trị học dự báo với nhiều lạc quan : Aung San Suu Kyi sẽ yêu cầu cộng đồng quốc tế kiên nhẫn, sẽ thông báo với thế giới về tình trạng vô cùng phức tạp hiện nay tại đất nước Miến Điện đa sắc tộc và tiến trình xây dựng một quốc gia – dân tộc đang diễn ra. Và bên cạnh đó, lãnh đạo chính phủ Miến Điện sẽ bảo đảm để người Rohingya có thể trở về nước, tuy sẽ rất thận trọng không sử dụng tên gọi này, để không chọc giận sắc tộc đa số người Miến.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191210-rohingya-nobel-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-ra-t%C3%B2a-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%A1-%C4%91%E1%BA%A1n-cho-gi%E1%BB%9Bi-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-l%C4%A9nh

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.