Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 21/12/2019

Saturday, December 21, 2019 3:44:00 PM // ,

Đọc báo Pháp  – 21/12/2019

The Economist:

Quốc gia nổi bật năm 2019 là… Uzbekistan!

Mai Vân
Nhân dịp cuối năm, các tạp chí có thông lệ ra số đặc biệt, tập trung trên các chủ đề phi thời sự hay tổng kết năm cũ, dự báo năm mới. Đây là trường hợp của Le Point, L’Obs và The Economist, đều đã ra số kép, trong lúc Courrier International thì nhập ba số làm một.
Trong lúc L’Obs nhìn về tương lai, phác họa chân dung của những nhân vật sẽ làm nên năm 2020, Le Point đã lùi sâu về quá khứ, nêu bật những điều chưa được biết đến về nguồn gốc loài người.
The Economist như thường lệ đã ra số kép cuối năm với những bài “đặc biệt Giáng Sinh” nhưng không liên quan gì nhiều đến ngày lễ cuối năm này, còn Courrier International thì chú ý đến quan hệ tương thông giữa cây cối với con người.
Riêng tuần báo Pháp L’Express vẫn ra số đơn bình thường, nhưng dành hồ sơ đặc biệt 30 trang cho người Anh và đất nước Anh.
The Economist và danh hiệu “Quốc Gia tiêu biểu trong năm”
Nhân dịp cuối năm, điều được độc giả The Economist trông đợi nhất là tuần báo Anh sẽ bình chọn nước nào làm quốc gia nổi bật trong năm sắp kết thúc, danh hiệu được tờ báo gọi là “Country of the Year”. Trong một bài xã luận với tựa đề: “Quốc gia nào tiến bộ nhất trong năm 2019”, The Economist đã đưa ra câu trả lời khá bất ngờ: đó là Uzbekistan, một nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, chỉ mới tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Về toàn cảnh thế giới năm 2019, The Economist ghi nhận một xu hướng đáng ngại: Đó là chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến. Ấn Độ thì tước bỏ quyền của cư dân Hồi Giáo, Trung Quốc thì nhốt người Hồi Giáo trong các trại, Mỹ thì đánh mạnh vào các tổ chức toàn cầu.
Á quân 1: New Zealand
Trong toàn cảnh đó, tạp chí Anh cho rằng thật là nhẹ nhõm khi thấy rằng vẫn có một số quốc gia đi theo hướng khác. New Zealand chẳng hạn, đáng được trân trọng nhờ phản ứng trước một vụ thảm sát tại một đền thờ Hồi Giáo mà thủ phạm là một người dân tộc chủ nghĩa da trắng. Bà thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sau đó đã đội khăn trùm đầu và tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào người Hồi Giáo là tấn công vào tất cả người dân New Zealand. Chính phủ của bà đã ra lệnh cấm các loại vũ khí bán tự động và mua lại hàng ngàn khẩu súng lưu hành trong dân chúng.
Á quân 2: Bắc Macedonia
Ấn tượng hơn nữa, theo The Economist, là nước Bắc Macedonia, đã đổi tên nước để thúc đẩy hòa bình với nước láng giềng Hy Lạp, vốn đã cực lực phản đối tên Macedonia đơn thuần. Việc các nhà lập pháp Macedonia nhún nhường thông qua việc đổi tên đất nước của họ đã góp phần cải thiện quan hệ với Hy Lạp, xóa bỏ được một nguyên nhân gây bất hòa tại một khu vực rất dễ bùng nổ.
Chỉ tiếc là nước Pháp, quốc gia được The Economist bình chọn thành nước tiêu biểu của năm 2017, lại đang ngăn chặn đường vào Liên Hiệp Châu Âu của Bắc Macedonia vì “sợ rằng việc đón thêm một quốc gia Balkan vào Liên Âu sẽ làm phiền cử tri Pháp”.
Á quân 3: Sudan
Đối với tạp chí Anh, có một nước khác cũng đáng được vinh danh là quốc gia tiêu biểu của năm 2019 trong việc xóa bỏ chế độ độc tài. Đó là trường hợp của Sudan, nơi mà các cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc tổng thống Omar al-Bashir, một trong những bạo chúa tàn bạo nhất thế giới phải ra đi. Chế độ Hồi Giáo của Bashir đã sát hại và nô lệ hóa nhiều người châu Phi da đen đến nỗi mà một phần ba đất nước đã ly khai để thành lập nước Nam Sudan vào năm 2011.
Ông Bashir đã bị một tòa án Sudan kết án về tội tham nhũng ngày 14/12 vừa qua, nhưng dường như không thể bị dẫn độ để trả lời về việc giám sát cuộc diệt chủng ở vùng Darfur. Một chính phủ hòa giải đã lên nắm quyền và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử trong vòng ba năm tới đây, đã có một số cải cách tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ là những phần tử côn đồ của chế độ cũ có thể phá hoại tiến trình cải cách dân chủ ở Sudan.
Quốc gia tiêu biểu nhất: Uzbekistan
So với 3 nước trên, Uzbekistan có phần trội hơn. Ba năm trước đây, nước này còn là một chế độ độc tài hậu Xô Viết lỗi thời, một xã hội khép kín do một guồng máy đặc biệt tàn bạo và bất tài điều hành. Thế nhưng, từ hơn một năm nay, tình hình đã được cải thiện rõ nét.
Chế độ Uzbekistan bị cáo buộc là đã hành hạ dã man những người bất đồng chính kiến và chắc chắn là đã cưỡng bức cả quân đoàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em ra lao động trên các cánh đồng bông vải vào thời điểm thu hoạch.
Khi nhà độc tài Islam Karimov, cầm quyền trong suốt 27 năm, qua đời vào năm 2016, người lên thay là thủ tướng Shavkat Mirziyoyev. Lúc đầu, có rất ít thay đổi, nhưng từ khi loại bỏ được người đứng đầu các lực lượng an ninh vào năm 2018, ông Mirziyoyev bắt đầu tăng tốc độ cải cách. Chính phủ của ông đã xóa bỏ phần lớn tình trạng cưỡng bức lao động, trại tù khét tiếng nhất của nước này đã bị đóng cửa, các nhà báo nước ngoài được phép vào Uzbekistan.
Các quan chức bị cấm sách nhiễu các các doanh nghiệp nhỏ, điều mà họ đã làm liên tục trước đây, để đòi hối lộ. Nhiều cửa khẩu biên giới đã được mở ra, giúp cho các gia đình bị chia cắt bởi các đường biên giới điên rồ của vùng Trung Á được đoàn tụ với nhau. Các nhà kỹ trị nước ngoài đã được mời đến để giúp cải tổ kinh tế trên quy mô lớn.
Uzbekistan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội trước năm mới. Mặc dù còn khác xa một nền dân chủ – tất cả các đảng đều ủng hộ ông Mirziyoyev và một số nhà đối lập vẫn còn ở trong tù – thế nhưng, nhiều ứng cử viên đã có thể chỉ trích chính phủ một cách nhẹ nhàng, điều mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Người dân bình thường cũng vậy, cảm thấy được tự do hơn khi phàn nàn về chiến dịch tranh cử hay tầng lớp chính trị, mà không sợ bị an ninh đến nhà bắt đi vào giữa đêm.
The Economist kết luận: Uzbekistan vẫn còn một chặng đường dài để đi, nhưng không có quốc gia nào tiến xa hơn nước này vào năm 2019.

Courrier International:

Cây cối cũng có “trí thông minh”

Như nói ở trên, tạp chí Pháp Courrier International đã đặt trọng tâm trên vấn đề môi trường trong số báo cuối năm, với tựa lớn trang bìa “Điều mà cây cối có thể nói với chúng ta”, giới thiệu một hồ sơ 12 trang, cho thấy rằng cây cối cũng biết “liên lạc” với nhau, giúp con người chữa bệnh, là tài sản chung của nhân loại.
Tạp chí giải thích sự chọn lựa chủ đề về môi trường này: “Những vụ cháy rừng kinh hồn năm nay ở Amazonia, rồi ở California, Bolivia, Úc… đã nhắc nhở chúng ta rằng rừng là tài sản chung mà chúng ta rất gắn bó. Chúng tôi muốn dành hồ sơ đặc biệt này trong số cuối năm để nói về sự gắn bó này đối với rừng, với cây cối, hơn là nói về vấn đề phá rừng và hậu quả môi trường đã từng nhiều lần nói đến”.
Tạp chí Courrier International xem hồ sơ đặc biệt này là hành động bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tính “khôn ngoan của cây cối”, như lời của nhà văn người Peru Jaime Bayly. Ông đã nhận thấy những loài cây như “cây minh quyết, cây sồi hay cây đậu tán, những loại cây trăm tuổi đã nhìn thấy người ta qua lại, thấy người ta thay đổi, giận nhau, gây nhau, hòa với nhau, thấy người ta chết đi. Ngược lại thì chúng không chết, không mệt, không suy sụp. Chúng dường như bất tử”.
Dường như nước nào cũng có một loại cây thiêng liêng của mình. Courrier International trích nhật báo Indonesia Kompas, nói đến cây “chọc trời hariara”, mà người dân Indonesia gọi là “cây của linh hồn”.
Tạp chí cũng trích lời những nhân chứng mà cây cối đã giúp chữa được những chấn thương, như một cựu chiến binh Mỹ ở Afghanistan đã kể lại trên tờ The New Republic.
Nhưng lý thú nhất trong hồ sơ này là những công trình khoa học gần đây, như của bà Suzanne Simard, người Canada, mà Courrier International cho là đã thay đổi cái nhìn của chúng ta về cây cối, khi cho thấy thế giới thực vật cũng có trí thông minh.
Trong bài phỏng vấn, nhà khoa học mà trang mạng nautil.us đã thực hiện và tạp chí đã đăng lại, bà Simard đã giải thích cách thức cây cối trao đổi với nhau. Theo bà, “bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi có được về ý thức ở cây cối là nhận thức về liên hệ gia đình. Những cây già nhìn những cây non sinh ra từ hạt giống của họ”.
Courrier International còn trích dẫn báo cáo của giới khoa học Anh Quốc, cũng trong xu hướng nghiên cứu của bà Simard và đã thắc mắc, trên báo The Times, về xu hướng chính trị trong trao đổi giữa các cây với nhau trong cái mà họ gọi là “Internet của rừng”: Rốt cuộc cây cối theo cánh tả hay cánh hữu ?

Le Point: Những điều chưa được biết

về thủy tổ loài người

Trong số cuối cùng năm 2019, một số đôi dày cả 236 trang, Le Point trở lại với nguồn gốc con người, và dành gần 100 trang – chính xác là 95 trang – để nói về “Lịch sử mới của con người” và khẳng định trên trang bìa: “Cha ông chúng ta chưa nói hết cho chúng ta”.
Le Point dựa trên những khám phá mới và giải thích của những nhà khảo cổ nổi tiếng mà tạp chí đã mời, để điều chỉnh lại những gì đã được viết và biết về lịch sử loài người.
Một ví dụ: khám phá mới đây về một hang động có tranh vẽ trên vách ở đảo Sulawesi, Indonesia. Tranh ước tính được vẽ cách đây 44.000 năm, đẩy lùi đến 10.000 năm thời kỳ con người biết vẽ trên vách được ghi nhận.
Tạp chí L’Obs trên trang bìa chú ý đến: “Những người sẽ làm nên 2020”, tựa đập mắt với một loạt tên, từ nữ diễn viên Pháp Blanche Gardin – chiếm ảnh trang bìa – cho đến các chính khách: tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu tổng thống Pháp François Hollande, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hay là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Pháp Didier Deschamps…
2020 và thập niên 20, đã làm cho tạp chí Pháp nhớ lại thế kỷ trước đây và nêu câu hỏi là phải chăng những Năm Điên Cuồng – Les Années Folles – những năm mà phụ nữ đấu tranh cho bình quyền, phụ nữ Mỹ và Anh, đã giành quyền được bỏ phiếu và không ngần ngại đốt phá cơ sở chính quyền hay đặt bom để đòi quyền bình đẳng, sẽ trở lại và người ta sẽ thấy một nửa nhân loại lại có một bước nhảy vọt mới? Phong trào tố cáo nạn bạo hành đối với phụ nữ trên thế giới hiện nay, theo tạp chí, có lẽ là giai đoạn đầu của sự chuyển biến đã bị gác lại quá lâu.
Đó là trên bình diện xã hội. Còn trong địa hạt chính trị, năm 2020 đánh dấu một khúc quanh cho cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, với câu hỏi: Liệu Donald Trump nóng nẩy có được bầu trở lại hay không?
L’Obs trích nhận định của cựu tổng thống Pháp François Hollande, cho là “Điều sẽ được quyết định là hòa bình trên thế giới, tương lai của hành tinh và cả của nền dân chủ”. L’Obs không quên những người chống ông Trump và ứng viên Joe Biden.
Không chỉ ở Mỹ, L’Obs nhìn sang Châu Âu cũng cho là 2020 là năm thử thách to lớn đối với ê kíp lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu.

L’Express và đất nước và con người Anh

Nói đến sân khấu chính trị 2020, không thể quên Anh Quốc, trên nguyên tắc, sẽ chính thức rời Liên Âu, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 30 trang trong, giới thiệu vương quốc này từ thủ tướng, nữ hoàng, cho đến các vùng Scotland, Bắc Ireland…
Riêng về cá nhân thủ tướng Anh Boris Johnson, L’Express chú ý trước tiên đến tính cách ưa tự chế giễu mình, và đây là sức mạnh của chính khách Johnson, rất giỏi thu hút những kẻ thích đùa ủng hộ ông.
Chính vì cá tính này mà nhiều người hay cho rằng ông Johnson là một tay hề. Nhưng tạp chí Le Point – vốn đã dành 6 trang cho nhân vật này – ngược lại đã nhận ra một người “bảo thủ có xu hướng xã hội, rất gắn bó với nhà nước phúc lợi xã hội, với tính chất đa văn hóa và với nhập cư”.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191221-the-economist-qu%C3%B4%CC%81c-gia-n%C3%B4%CC%89i-b%C3%A2%CC%A3t-n%C4%83m-2019-la%CC%80-uzbekistan

Tin đọc nhanh

(AFP)« Sự can thiệp của Mỹ tác động đến lợi ích của Trung Quốc »
Theo Tân Hoa Xã ngày 20/12/2019, chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo như trên với tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm, đồng thời nhấn mạnh : « Thái độ của Hoa Kỳ » đối với « công việc nội bộ của Trung Quốc », như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng, « làm tổn hại đến lòng tin và hợp tác song phương ». Trong khi đó, tổng thống Mỹ lại nhắc đến « một cuộc thảo luận tốt đẹp » về thương mại với đồng nhiệm Tập Cận Bình, đặc biệt là « Trung Quốc mua nông phẩm và nhiều mặt hàng khác với khối lượng lớn ».
(AFP) – Bình Nhưỡng đả kích Mỹ về các phát biểu về nhân quyền. 
Ngày 21/12/2019, Bắc Triều Tiên chỉ trích Hoa Kỳ về việc Washington nghi ngờ là Bình Nhưỡng không tôn trọng nhân quyền. Theo Bình Nhưỡng, « những phát ngôn ác ý » của Washington chỉ càng làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo hãng tin nhà nước KCNA của Bắc Triều Tiên, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cảnh cáo Mỹ có thể sẽ phải « trả giá đắt ».
(AFP) – Thêm 5 người chết vì biểu tình chống luật quốc tịch ở miền bắc Ấn Độ. 
Theo cảnh sát địa phương ngày 21/12/2019, bốn người chết vì bị bắn trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, nạn nhân thứ năm là một em bé 8 tuổi, chết vì giẫm đạp trong một cuộc tuần hành ở thành phố thánh Varasani. Như vậy, đã có đến 20 người chết vì biểu tình chống luật quốc tịch, được thông qua ngày 11/12. Phe đối lập lên án « chính sách trấn áp dã man » của phe cầm quyền, cũng như những quyết định giới nghiêm, đóng cửa các cửa hàng cửa hiệu, chặn internet để dập tắt phong trào phản kháng.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ : Tuần hành ở Istanbul, phản đối Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Cuộc tuần hành diễn ra ngày 20/12/2019, quy tụ khoảng 1.000 đến 2.000 người, theo lời kêu gọi của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo Thổ Nhĩ Kỳ (IHH). Đoàn tuần hành xuất phát từ đến Fatih (phía châu Âu của Istanbul) cho đến quảng trưởng Beyazit. Một số người biểu tình đốt cờ Trung Quốc, cùng với những biểu ngữ « Đóng cửa các trại tập trung ! ». Có rất ít lãnh đạo các nước Hồi Giáo chỉ trích Bắc Kinh về chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trừ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
(RFI) – Nhà ly khai Tây Ban Nha Carles Puigdemont trở thành nghị sĩ châu Âu. 
Từ nhà ly khai, sống tị nạn ở Bruxelles, cựu chủ tịch vùng Catalunya, chính thức trở thành nghị sĩ châu Âu ngay từ tháng 01/2020 sau quyết định ngày 19/12/2019 của Tòa án Công lý châu Âu. Quyết định trên cho phép Nghị Viện Châu Âu dỡ bỏ những biện pháp không chấp nhận hai ông Carles Puigdemont và Toni Comín. Hai nhà ly khai vùng Catalunya được chủ tịch Nghị Viện Châu Âu ủng hộ. Quyết định của Tòa Công Lý Châu Âu là cú tát đối với các chính đảng Tây Ban Nha. Madrid vẫn giữ im lặng.
(AFP) – Twitter chặn hơn 88.000 tài khoản do Ả Rập Xê Út giật dây. 
Đa số những tài khoản trên được viết bằng tiếng Ả Rập và đăng những « thông điệp có lợi cho chính quyền Ả Rập Xê Út », nhưng cũng có nhiều tài khoản bằng tiếng Anh, nhắm đến công luận phương Tây, được khéo léo chia sẻ với những nội dung không mang tính chính trị. Trong thông báo ngày 20/12/2019, Twitter khẳng định sau các cuộc điều tra, có bằng chứng cho thấy những tài khoản này « liên kết với một chiến dịch tuyên truyền quan trọng trên Twitter từ Ả Rập Xê Út ».
(AFP) – Chilê : Đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình. 
Các cuộc đụng độ xảy ra ở trung tâm thủ đô Santiago ngày 20/12/2019 và dữ dội nhất ở xung quanh khu vực quảng trường Plaza Italia, nơi thường tập trung đông người biểu tình nhất kể từ khi nổ ra phong trào phản kháng xã hội kéo dài suốt hai tháng nay. Cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi phun nước và hơi cay để giải tán những người biểu tình, nhất là thanh niên.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191221-tin-%C4%91%E1%BB%8Dc-nhanh

Tin tức ngày 21.12.2019

Cập nhật tranh cử
Phải thưa ngay với quý độc giả, vâng cuộc chạy đua tranh cử tổng thống vẫn tiếp tục bên đảng DC chứ chưa vãn tuồng. Và tối thứ Năm vừa qua, cũng đã có thêm một cuộc tranh luận trên TV, mà hình như chỉ có ba người theo dõi trên cả nước. Kẻ này không theo dõi nên chẳng biết chuyện gì xẩy ra. Quý độc giả cũng chẳng ai cần biết nên diễn đàn miễn báo cáo về tuồng cải lương Ấn Độ này. Ngoài một chuyện duy nhất đáng nói: đó là lời ‘kêu gọi’ của ông ứng cử viên gốc Chú Ba, Andrew Yang, khi ông này kêu gọi các đồng chí DC nên bớt bị ám ảnh bởi chuyện đàn hặc, mà nên chú tâm hơn vào việc tại sao ông Trump này đắc cử tổng thống thì mới mong hạ ông trong lần bầu cử tới được.
Sở dĩ quý vị ít nghe tới chỉ vì chuyện này đã bị vụ đàn hặc lấn át trọn vẹn, lấn sân chơi, dành hết cả các trang báo và chương trình TV. Cũng lại là một sai lầm chiến lược khổng lồ của đảng DC.
Đại khái, cuộc chạy đua bên CH coi như đã chấm dứt hoàn toàn. Trong 3 ông chính khách nhẩy ra chống TT Trump, thì một ông đã dẹp tiệm, còn hai ông kia thì đã trở thành những người tàng hình. Các thăm dò cho thấy cả hai ông đều được hậu thuẫn của đâu 2% cử tri CH. Vài tiểu bang đang cứu xét việc hủy bỏ bầu sơ bộ trong đảng CH vì chỉ mất công và mất tiền toi.
Bên DC thì tình hình có vẻ ổn định trong tình trạng rối mù mà chẳng ai thấy gì rõ rệt hết. Trên căn bản, khối các ứng cử viên có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm top gồm bốn vị: ba cụ khủng long Biden, Sanders
và Warren, và ‘chị’ Buttigieg. Nhóm hạng nhì gồm những vị được chừng khoảng trên dưới 5% hậu thuẫn, với các bà Klobuchar và Gabbard, cùng với các ông Bloomberg, Steyer, Booker, Yang. Nhóm thứ ba gồm những vị có trên dưới 1% hậu thuẫn vẫn còn có tên nhưng chẳng ai hiểu để làm gì ngoài hy vọng xa vời là được cho ghế phó, gồm các ông Castro, Patrick,…
Nhìn vào tình trạng hậu thuẫn, theo những thăm dò mới, các ngôi sao mới nổi Warren và Buttigieg dường như đang … từ từ lặn, vì vẫn chẳng có gì hấp dẫn, không bành trướng hậu thuẫn ra ngoài khối cử tri đang hậu thuẫn họ. Các chương trình của bà Warren càng ngày càng bị coi như những chương trình mỵ dân không tưởng, không bao giờ thực hiện được vì chi phí trên trời, trong khi ‘chị’ Buttigieg thì đang bị tố đã bị tài phiệt mua chuộc, trước đây đã từng ‘làm ăn’ với các tài phiệt qua đại tập đoàn tư vấn McKinsey, trong khi bây giờ thì lo đi Wall Street xin tiền của giới này.
Để rồi nhiều người dự đoán cuối cùng thì chắc cử tri DC đành phải chấp nhận một người tương đối khá hơn hết nhưng cũng chán phèo nhất, là … cụ Biden.
Người ta có cảm tưởng cuộc chạy đua bên DC đã bắt đầu quá sớm, quá hăng, để rồi bây giờ, dù chưa có một cuộc bầu sơ bộ nào, thiên hạ đã cảm thấy mệt mỏi, chán chường với cả vạn cái bánh vẽ được tặng cho thiên hạ bốn phương tám hướng. Có lẽ phải đợi tới khi có những cuộc bầu sơ bộ thật thì thiên hạ mới chú tâm vào cuộc chạy đua lại.
Mối lo lớn của đảng DC là nhìn đi nhìn lại, hình như vẫn chẳng có ai có tầm vóc lên võ đài cùng ông thần Trump được, chưa kể đàn hặc đã và sẽ khích động khối cử tri của TT Trump hăng hái đi bầu cho ông.
Chuyện lạ bốn phương: TT Obama tuyên bố đại khái “nếu nhìn kỹ các vấn nạn của thế giới thì sẽ thấy những người già, thường là những ông già, đã là kỳ đà cản mũi”. Hình như TT Obama quên mất các cụ đồng chí khủng long Biden, Sanders và Warren đang là những ngôi sao sáng chói nhất trong đảng DC của Obama. Hay là ông cố ý nhắc nhở khối cử tri DC?
Một thăm dò mới của báo USA Today khiến đảng DC đã bật đèn đỏ báo động. Cách đây nửa năm, hầu hết các thăm dò đều cho thấy TT Trump sẽ thua tất cả các ứng cử viên DC. Bây giờ, sau khi các ứng cử viên DC ‘xì khói’ vận động tranh cử thì oái ăm thay, theo USA Today, TT Trump HẠ HẾT tất cả các ứng cử viên DC, từ cụ Biden (3 điểm) đến hai cụ xã nghĩa Sanders (5 điểm) và Warren (8 điểm), và ‘chị’ Buttigieg (10 điểm) luôn. Hậu quả rõ rệt nhất của đàn hặc?
Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy từ ngày đàn hặc bắt đầu, hậu thuẫn của TT Trump đã tăng vọt 6 điểm, từ 39% lên tới 45%. Gallup là cơ quan thăm dò với tỷ lệ hậu thuẫn Trump thấp nhất trong hầu hết các cơ quan thăm dò.
FBI bị rắc rối to
Bà Rosemary Collyer, chánh án tòa Foreign Intelligence Surveillance Court –Presiding judge FISC- là tòa đặc biệt đặc trách các vụ gián điệp của nước ngoài, là nơi mà FBI dưới thời TT Obama đã xin trát để theo dõi Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump, khi đó bị FBI nghi ngờ đã thông đồng với Nga, đã chính thức ra trát tố cáo FBI cung cấp tin sai lầm cho tòa và giấu đi những tin quan trọng không thuận lợi cho việc FBI xin 4 trát tòa FISC để theo dõi công dân Carter Page, tức là đã ‘lừa’ –mislead- tòa FISC (nguyên văn: “… personnel of the Federal Bureau of Investigation (FBI) provided false information to the National Security Division (NSD) of the Department of Justice, and withheld material information from NSD which was detrimental to the FBI’s case, in connection with four applications to the Foreign Intelligence Surveillance Court (FISC) for authority to conduct electronic surveillance of a U.S. citizen named Carter W. Page. When FBI personnel mislead NSD in the ways described above, they equally mislead the FISC). Bà Collyer yêu cầu FBI giải thích cho rõ, đồng thời ra lệnh nộp báo cáo hữu thệ cho tòa biết những biện pháp nào đã được lấy để tránh việc này có thể xẩy ra nữa.
Đây là lời kết án chẳng những chưa từng thấy từ một quan tòa, mà còn nặng nề nhất mà không ai chối cãi được về hành động hiển nhiên phi pháp của cựu giám đốc FBI James Comey. Bà Collyer cũng như tất cả 11 quan tòa FISC đều do chánh án Tối Cao Pháp Viện John Roberts bổ nhiệm. Dưới đây là link vào trát của bà Collyer bắt FBI giải thích:
https://hannity.com/wp-content/uploads/2019/12/MIsc-19-02-191217.pdf
Trước đó, ông Comey, được chất vấn trên TV đã nhìn nhận -nhưng không xin lỗi- ông đã phạm nhiều sai lầm trong vụ FBI trình dữ kiện để xin trát tòa FISA theo dõi ban vận động của ông Trump. Theo ông Comey, những sai lầm đó xẩy ra do ông quá tự tin, cho rằng những dữ kiện ông có đã quá đầy đủ để có thể xin trát tòa.
Tổng thanh tra bộ Tư Pháp trong báo cáo về cuộc điều tra của ông, đã xác nhận FBI đã phạm rất nhiều sai lầm, vi phạm rất nhiều thủ tục điều tra, trên căn bản đã quá dễ dãi trong việc xin trát tòa đi theo dõi ban vận động của ông Trump. Đại cương, FBI đã dựa trên những dữ kiện lỏng lẻo mà không chịu điều tra thêm để có bằng chứng cụ thể hay để xác nhận tính chính xác của các dữ kiện FBI trình cho tòa. Dù vậy, ông tổng thanh tra cũng không đề nghị truy tố bất cứ ai vì theo ông, FBI phạm sai lầm nhưng không có gian ý muốn hại ông Trump hay giúp bà Hillary.
Gian ý hay không thì chỉ có ông Comey biết thôi. Ông tổng thanh tra đã nhận định dựa trên quan điểm cá nhân trong khi những sai lầm của FBI quá thô bạo, đáng lẽ ra phải có biện pháp trừng trị người chịu trách nhiệm là ông Comey, nếu không phải là tội phe đảng lộ liễu thì ít nhất cũng là tội tắc trách.
Quan điểm này của ông tổng thanh tra đã bị bộ trưởng Tư Pháp chỉ trích.
Câu chuyện chưa chấm dứt vì công tố đặc biệt John Durham đang điều tra tại sao và từ đâu xẩy ra việc tố cáo ông Trump thông đồng với Nga, đưa đến việc FBI xin trát tòa cũng như việc bộ Tư Pháp bổ nhiệm công tố đặc biệt Mueller điều tra TT Trump cả hai năm trời tốn mấy chục triệu đô để đi đến kết luận chẳng ai thông đồng gì hết. Ông Durham chẳng những điều tra FBI, mà còn điều tra luôn cả CIA và bộ An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama.
Obamacare lâm nguy
Một tòa phá án liên bang tại Texas đã phán Obamacare đã trở thành bất hợp hiến, phải thu hồi. Trước đây, Obamacare được Tối Cao Pháp Viện phán hợp hiến vì trong đó có điều lệ nếu không mua bảo hiểm sẽ bị phạt tiền. TCPV định nghĩa tiền phạt đó là một loại thuế, và vì là thuế nên chính quyền liên bang có quyền áp đặt lên cả nước.
Bây giờ điều lệ phạt đó đã bị thu hồi, nghĩa là không còn thuế nữa, do đó, chính quyền liên bang không còn có quyền áp đặt lên cả nước nữa, mà có áp đặt thì là vi phạm Hiến Pháp, vi phạm quyền tự trị của các tiểu bang trong vấn đề y tế này.
Dĩ nhiên, câu chuyện chưa chấm dứt vì chắc chắn sẽ thưa kiện lên tới TCPV. Ta chờ xem. Nếu TCPV phán vi Hiến thì Obamacare sẽ phải thu hồi và quốc hội sẽ phải ‘sáng chế’ ra một loại bảo hiểm y tế mới. Sẽ không dễ dàng gì khi một đảng nắm Thượng Viện, một đảng nắm Hạ Viện.
Thị trường chưng khoán leo thang
Thị trường chứng khoán Mỹ, qua các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P tiếp tục leo thang không mệt.
Tuần qua, cả ba chỉ số đều đã đạt mức kỷ lục cao nhất chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh Mỹ. Hôm thứ Sáu vừa qua, Dow Jones lên tới 28.455 điểm.
Từ ngày Hạ Viện bắt đầu đàn hặc đầu tháng Mười, Dow Jones đã tăng gần 2.500 điểm, từ 26.078 điểm lên tới 28.455 điểm ngày 20/12 (+9%). Trong suốt tuần đàn hặc qua, leo lên kỷ lục mới gần như mỗi
ngày.
Từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống, Dow Jones đã tăng hơn 10.500 điểm, từ 17.890 điểm ngày 4/11/2016 lên tới hơn 28.455 điểm (+60%).
Diễn dịch cho các cụ cuồng chống Trump hiểu: giới kinh doanh và tài chánh hình như không đọc báo hay coi TV, nên không biết TT Trump đang bị đàn hặc, hay họ coi vụ đàn hặc như chuyện… ruồi bu, vớ vẩn không đáng quan tâm vì chẳng có hậu quả gì hết. Ông Trump vẫn là tổng thống, chính sách kinh tế với chủ trương củng cố tăng trưởng, bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục.
Đây là bình luận của trang mạng Market Watch:
https://www.marketwatch.com/story/stock-index-futures-flat-as-investors-continue-to-brush-off-impeachment-2019-12-19
Cái nguy hại hơn nữa là đàn hặc đã trở thành … mỏ vàng cho ban vận động của TT Trump. Ngày ông bị đàn hặc, ông đã nhận được 5 triệu đô yểm trợ, trong khi ông đã nhận được hơn 20 triệu trong tháng 11, hầu hết là những số tiền nhỏ của người dân bình thường.
Tin kinh tế mới nhất:
-       Hãng xe Ford sẽ đầu tư 1,45 tỷ mở hai xưởng ráp xe tại Detroit, mang lại hơn 3.000 việc làm cho dân lao động tại đây. Tiếp tục đà này thì đảng DC sẽ nguy to.
-       Một ngày sau khi đàn hặc TT Trump, Hạ Viện thông qua thỏa ước Mỹ-Mễ-Canada thay thế NAFTA, để lấy điểm với thiên hạ, chứng mình cũng có thiện chí lo chuyện đất nước chứ không phải chỉ lo đảo chánh Trump.
CNN công bố thăm dò mới của họ, cho thấy hai chuyện đang khiến đảng DC đau đầu:
-       thứ nhất so với thăm dò tháng 10 vừa qua, hậu thuẫn của TT Trump tăng lên so với hậu thuẫn của tất cả các ứng cử viên DC, tuy TT Trump vẫn thua  ba ứng cử viên chính, tuy thua ít hơn, trong vòng xác xuất thống kê, không nghĩa lý gì. Khoảng cách giữa các ứng cử viên DC và TT Trump đều giảm mạnh.
-       Thứ nhì, dân chúng rất mãn nguyện về tình hình kinh tế chung, khác rất xa những năm của Obama.
Tin di dân
Trung Tâm Nghiên Cứu Di Dân –Center For Immigration Studies- cho biết đã có hơn 72.000 trẻ con ‘mỏ neo’ –anchor babies- ra đời tại Mỹ trong năm qua. Đây là những trẻ em ra đời trên đất Mỹ trong khi mẹ đang ở Mỹ hợp pháp với tư cách sinh viên du học hay đang làm việc hay đang là khách du lịch. Ngoài ra, bản nghiên cứu ước lượng có khoảng 300.000 trẻ em ‘mỏ neo’ mà mẹ là di dân bất hợp pháp.
Trẻ em ‘mỏ neo’ được định nghiã như các trẻ em được các bà mẹ cố tình tìm cách cho ra đời trên đất Mỹ để được tự động là công dân Mỹ, giúp bố mẹ có thể vào Mỹ sống hợp pháp.
Ai cũng biết Trung Cộng công khai có dịch vụ ‘du lịch đẻ’, đưa các bà gần đập bầu qua Mỹ để đập bầu.
Nghiên cứu trên cho biết hiện nay có hơn 4,5 triệu trẻ em mỏ neo đang sống trên khắp nước Mỹ, trong đó một phần tư sống tại tiểu bang Cali. Chính phủ Mỹ tốn mỗi năm 2,4 tỷ tiền sanh đẻ, nhà thương cho những đứa trẻ này khi ra đời.
TT Trump đã cho biết ông đang nghiên cứu hủy bỏ thông lệ cứ sanh ở Mỹ là công dân Mỹ. Trong vấn đề này, đang có tranh cãi lớn mà không ai biết rõ ai đúng ai sai. Có khuynh hướng cho rằng việc đương nhiên có quốc tịch đã có trong Hiến Pháp Mỹ, qua Tu Chánh Án 14, trong khi nhiều người khác bác bỏ quan điểm này, cho rằng đó chỉ là chuyện thông lệ thôi, chứ Tu Chánh Án 14 không có ghi rõ có luật tự động có quốc tịch như vậy. Theo họ, Tu Chánh Án này ra đời để bảo đảm dân da đen sanh ra tại Mỹ được đầy đủ quyền công dân, không còn là nô lệ, chứ không phải để nhận trẻ con mỏ neo từ khắp thế giới.
Những người chống TT Trump đã mau mắn tố Trump kỳ thị mà quên mất trên thế giới hiện nay, chỉ có hai nước là cấp quyền công dân cho những đứa trẻ sanh trên đất mình, là Mỹ và Canada. Có lẽ tại cả thế giới đều kỳ thị hết.
Ngân sách thâm thủng nặng
Ngân sách Mỹ đạt mức thâm thủng kỷ lục trong hai tháng đầu của tài khóa 2020, tức là hai tháng 10-11 vừa qua, lên tới 342 tỷ đô.
Số thu gia tăng mạnh cho dù giảm thuế, chứng tỏ việc giảm thuế suất đã bắt đầu giúp tăng thu thuế nhờ nhiều hãng xưởng phát triển cũng như nhờ nhiều người có việc làm, có thể đóng thuế lợi tức. Số thu lên tới 471 tỷ, gần gấp hai lần số thu 269 tỷ trong hai tháng đầu của năm đầu của TT Obama. Nhưng bù lại, số chi đã lên tới 814 tỷ so với 566 tỷ của Obama.
Thâm thủng ngày càng nặng do gia tăng của 3 tiết mục chi tiêu lớn: Obamacare (chi phí dịch vụ y tế trong Obamacare gia tăng tự động theo luật Obamacare trong khi nhiều người lại bỏ Obamacare), bảo hiểm Medicare, Medicaid, và tiền già (trợ cấp tăng do tự động điều chỉnh và số người vào tuổi hưu và Medicare tăng mạnh), và quốc phòng (cả hai đảng đều ủng hộ gia tăng chi phí quốc phòng, một phần để đối phó với hai địch thủ Nga và Trung Cộng, một phần vì cả hai đảng đều bị các đại công ty quốc phòng áp lực hay mua chuộc trong khi giá thầu tăng vô hạn; kỹ nghệ quốc phòng là ổ tham nhũng lớn nhất nước từ hồi nào đến giờ).
Đã vậy, tại Hạ Viện trong tuần qua, hai phe DC và CH đã đồng ý biểu quyết một ngân sách mới trong đó dự chi sẽ là gần… 1.500 tỷ. Tiền của dân chứ có phải của các dân biểu đâu mà họ phải lo.
Diển Đàn Trái Chiều của Vũ Linh
http://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-tuc_20.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.