Công ty tân trang điện thoại phá sản, công nhân đập nát cả nghìn chiếc iPhone mỗi ngày để trả thù
Cafef
Bảo Nam
18/12/2019
iPhone tân trang được lấy ra để trải thành hàng trước cửa nhà máy chờ bị nghiền nát.
Mỗi ngày, 1.000 chiếc iPhone được xếp như gạch lát trước cửa nhà máy rồi sau đó bị nghiền nát bởi một chiếc xe nâng hàng.
Cảnh tượng "đau đớn" này đang xảy ra tại một công ty sửa chữa điện thoại di động ở Poissy, Pháp. Nhân viên của công ty đã chọn sử dụng phương pháp này để phản đối việc trả lương thấp cũng như từ chối khoản trợ cấp thôi việc của công ty.
Theo AFP, công ty sửa chữa điện thoại di động có tên Remade này đã làm thủ tục phá sản vào cuối tháng 9 năm nay, nhưng các cổ đông đã từ chối thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho những nhân viên sắp hoặc đã mất việc. Do đó kể từ ngày 12/12, công đoàn công ty đã tổ chức các nhân viên lại để biểu tình phản đối và bảo vệ quyền lợi của họ, bằng cách... phá hủy điện thoại di động, những sản phẩm do chính tay họ làm ra.
"Các nhân viên không có giá trị gì và điều duy nhất ban giám đốc quan tâm chỉ là cổ phần trong tay. Trong trường hợp này, khi cuộc sống đã bị phá hủy, chúng ta chỉ có thể lựa chọn cách ăn miếng trả miếng", đại diện công nhân cho biết.
Cũng trong ngày 12/12, nhóm công nhân đã sử dụng một tài khoản Facebook để đăng thông báo "tuyên chiến" với ban quản lý và các cổ đông của công ty, đe dọa sẽ "phá hủy 1.000 chiếc iPhone mỗi ngày" cho đến khi công ty đáp ứng yêu cầu của nhân viên.
Sau đó, hàng trăm nhân viên đã tập trung trước nhà máy, giơ cao biển hiệu phản đối. Họ lát iPhone đã qua sử dụng, đã và đang chờ tân trang như gạch trên đường phố và từ từ nghiền nát chúng bằng xe nâng.
Theo báo cáo, Remade được thành lập vào năm 2014, chuyên kinh doanh tái chế và sửa chữa điện thoại di động. Công ty hiện có 25.000 đến 33.000 iPhone trong kho, tất cả đều là điện thoại cũ được tái chế và sẽ được đưa ra thị trường sau khi sửa chữa.
Sau khi tiến hành các thủ tục về phá sản vào cuối tháng 9 vừa qua, công ty con chính của Remade vẫn tiếp tục hoạt động cho tới ngày 28/11. Kế hoạch mà ban quản lý đưa ra là đề xuất công ty đối tác sẽ bỏ ra khoảng 500.000 euro để sở hữu lại tất cả hàng tồn kho điện thoại di động và khoảng 100 nhân viên. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc 240-300 người còn lại có nguy cơ thất nghiệp. Do phía công ty không còn tiền nên các kế hoạch để hỗ trợ các nhân viên này tìm việc mới hay trợ cấp thất nghiệp cũng không được nhắc tới. Đây cũng là lý do khiến các cuộc phản đối và việc phá hủy hàng tồn kho nổ ra.
Mỗi ngày, 1.000 chiếc điện thoại bị tiêu hủy để gây áp lực với ban giám đốc.
Đây là những chiếc iPhone đã được tân trang, luôn sẵn sàng để chờ bán ra thị trường.
Tuy nhiên tất cả đã vỡ nát dưới bánh xe nâng.
Được biết, phía tòa án thương mại địa phương đã phải xem xét đề nghị mua lại công ty này vào lúc 10h sáng nay, 17/12, bao gồm cả số điện thoại di động tồn kho và các vấn đề nhân sự. Về phía công đoàn, đại diện của họ cho biết không chấp nhận việc mua lại này.
"Bây giờ hàng trăm sinh kế của người lao động Pháp đang bị đe dọa, nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn không quan tâm. Chúng tôi chỉ có thể bắt đầu ở nơi họ quan tâm nhất. Thời gian trôi qua, đã đến lúc ban quản lý phản hồi và hành động", một tuyên bố cho biết.
iPhone sau khi nghiền nát được chất đống ngay bên cạnh công ty.
Cách đây vài năm, việc kinh doanh của Remade khá suôn sẻ. Các mẫu iPhone tân trang của Remade thường có giá bán thấp hơn khoảng 30 đến 40% so với một chiếc iPhone "đập hộp". Và tất nhiên là các thiết bị của Remade cũng có giá bán thấp hơn so với iPhone tân trang do chính Apple cung cấp. Sở dĩ chúng có mức giá rẻ là vì công ty đã mua những chiếc iPhone cũ với số lượng lớn từ các nhà máy tái chế. Sau đó, họ tháo rời các thiết bị này, tráo đổi pin và các bộ phận bị hỏng rồi thay thế chúng bằng các linh kiện mới được chế tạo theo tiêu chuẩn kỹ thuật như Apple. Không chỉ vậy, các mẫu iPhone tân trang được tạo ra Remade còn đi kèm với rất nhiều tùy chọn màu sắc bắt mắt, chưa từng xuất hiện trước đó trên các sản phẩm của Apple.
Ban đầu, các dịch vụ của Remade chỉ có sẵn ở Pháp, nhưng sau đó công ty đã mở một nhà máy ở Miami trong nỗ lực mở rộng thị trường sang Mỹ. Trong vài năm, công ty đã thuê hàng trăm nhân viên và mở chi nhánh trên khắp nước Pháp. Đáng tiếc rằng khi quy mô ngày càng lớn, bộ máy quản lý lại không thích ứng kịp cùng với các chiến lược kinh doanh, sử dụng vốn sai lầm khiến cả công ty lao dốc.
Theo Bảo Nam
0 comments