Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 15/11/2019

Friday, November 15, 2019 7:25:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 15/11/2019

Bộ trưởng QP Hoa Kỳ

‘tìm phương thức hợp tác mới’ với Việt Nam

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết trong chuyến thăm Hà Nội trong vài ngày tới ông sẽ “tìm phương thức mới” trong hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
“Tại Việt Nam, ông Esper sẽ tìm cách hợp tác mới với quốc gia này để thúc đẩy hòa bình ở Đông Nam Á”, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm 13/11.
“Mối quan hệ [giữa Hoa Kỳ] với Việt Nam còn khá mới mẻ, chỉ được nối lại vào những năm 1990 và ngày càng khăng khít hơn”, thông cáo cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đang thực hiện chuyến công du thứ hai tới vùng Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương khi Washington đang tìm cách tái khẳng định cam kết với khu vực và gây áp lực với Trung Quốc, trang South China Morning Post (SCMP) cho biết hôm 15/11.
Chuyến công du của ông Esper bắt đầu bằng chuyến thăm Hàn Quốc chiều ngày 14/11, và sẽ bao gồm các điểm dừng ở hai quốc gia đồng minh khác là Thái Lan và Philippines – “cũng như Việt Nam, hiện đang ngày càng gần Mỹ”, trang SCMP viết tiếp.
“Hoa Kỳ đã xóa lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vào năm 2014, và sự cải thiện trong quan hệ này đã được nhân cách hóa bằng chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson vào năm 2018”, tuyên bố của Lầu Năm Góc viết.
Tại Việt Nam, ông Esper dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Hãng tin AP cho rằng chuyến công du bốn nước châu Á này sẽ minh họa cho điểm mới trong trọng tâm chiến lược quốc phòng của Mỹ: tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa đối với sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 12/11 bình luận trên trang Defense.gov rằng chiến lược của Lầu Năm Góc dựa trên sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, trong đó Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa lớn nhất.
Theo AP, Việt Nam, quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông, đang ngày càng kỳ vọng Hoa Kỳ như một đối tác an ninh, bất chấp những khác biệt về chính trị.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-qp-hoa-ky-tim-phuong-thuc-hop-tac-moi-voi-vietnam/5167527.html

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm châu Á:

Nỗ lực chống lại sức mạnh TQ

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhằm tái khẳng định cam kết khu vực, đồng thời gây áp lực với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang thực hiện chuyến công du thứ hai tới Ấn Độ-Thái Bình Dương kể từ khi nhận nhiệm vụ tại Lầu Năm Góc vào tháng 8. Chuyến công du của ông Mark Esper bắt đầu bằng chuyến thăm Hàn Quốc hôm 14/11, và điểm đến tiếp theo là Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Lầu Năm Góc cho biết ông Mark Esper sẽ lắng nghe những quốc gia này và khẳng định lại cam kết hợp tác của Mỹ, cho rằng không nơi nào quan trọng hơn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực ưu tiên của quân đội Mỹ.
Chuyến thăm của ông Mark Esper diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á tại Bangkok, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm thất vọng một số đồng minh khu vực khi chỉ cử Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, tới tham dự sự kiện.
Yuanzhe, Giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm của ông Esper phản ánh sự lo lắng ở Washington rằng có ít tiến bộ trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.
“Chính quyền Trump đưa ra những thông điệp mâu thuẫn về chính sách Đông Nam Á – họ nói rằng các quốc gia này rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương trong khi không thực sự dành đủ nguồn lực, hoặc thậm chí dành sự quan tâm đến khu vực này”, ông Yuanzhe nói. “Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đang cố gắng thúc đẩy các đồng minh gây áp lực với Trung Quốc nhiều hơn”.
Trong tuyên bố trước chuyến thăm của ông Esper, Lầu Năm Góc đề cập Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn so với Nga và cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thảo luận với các đồng minh và đối tác về yêu sách của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.
Mỹ thời gian gần đây liên tục thách thức các yêu sách chủ quyền trên biển phi lý của Trung Quốc bằng cách gửi tàu và máy bay chiến đấu tuần tra ở các vùng biển trong khu vực. Tuy nhiên, những hoạt động này đem lại nhiều rủi ro cho Mỹ. Vì thế, chuyến đi của ông Mark Esper sẽ nhằm tìm kiếm những hướng đi mới cho Mỹ trong hợp tác với các đối tác ở khu vực.
Tháng 8, Mỹ rút khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987, thời điểm đó ông Mark Esper cho biết, Mỹ hy vọng sẽ triển khai các tên lửa bị cấm theo hiệp ước trước đây trong khu vực. Ông Esper được cho là đã yêu cầu Nhật Bản và Australia – hai đồng minh lâu năm của Mỹ – đặt tên lửa trên lãnh thổ của họ, và ông Mark Esper Esper có thể sẽ nêu vấn đề này với Thái Lan và Philippines.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31532-bo-truong-quoc-phong-my-tham-chau-a-no-luc-chong-lai-suc-manh-tq.html

Mỹ đòi Seoul tăng gấp 5 tiền chi ra

để chia sẻ gánh nặng quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm 15/11 bênh vực lập luận của Washington, hối thúc đồng minh lâu năm Hàn quốc phải chi ra nhiều tiền hơn để thanh toán kinh phí cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Hàn Quốc, hãng tin AP và CNN cho biết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc, ông Jeong Kyeong-doo, ông Esper nói:
“Liên minh của chúng ta rất mạnh, nhưng Hàn Quốc là một nước giàu, có khả năng và nên chi ra nhiều hơn để bù đắp vào chi phí quốc phòng.”
Ông Esper nói trong khi Hàn Quốc trong quá khứ đã cung cấp “những hỗ trợ đáng kể”, điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết số tiền đó vẫn nằm ở đây trên đất nước này – dễ có đến hơn 90% số tiền đó vẫn trụ lại tại Hàn Quốc, chứ không được đưa sang Hoa Kỳ.”
Số tiền mà Hàn Quốc chi trả cho sự hiện diện của khoảng 28.000 binh sĩ Mỹ thay đổi qua nhiều năm. Năm nay số tiền đó lên tới gần 1 tỷ đô la.
Các bản tin của Hàn Quốc cho biết chính quyền của TT Trump đã đòi Hàn Quốc tăng phần đóng góp của mình lên gấp năm lần cho năm tới, 2020, lên tới khoảng 4,7 tỷ đô la, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận con số vừa nêu. Ông nói đất nước ông sẵn sàng chi ra “một món tiền công bằng và hợp lý”.
Trao đổi với các phóng viên hôm thứ Tư khi ông bay tới Seoul, ông Esper không trích dẫn một con số rõ rệt, nhưng cho biết chính quyền Trump đã yêu cầu phải tăng đáng kể các khoản đóng góp của Hàn Quốc.
Đài CNN trích lời một phụ tá tại quốc hội và một giới chức trong chính phủ Mỹ, cho biết chính phủ TT Trump đã đòi Seoul tăng phần đóng góp của mình lên gần 400% cho năm 2020, khiến Seoul đặt lại nghi vấn về liên minh hai nước.
Đòi hỏi này, theo CNN, đã gây giận dữ và bất an tại Seoul, trong khi các nhà lãnh đạo đặt nghi vấn về sự cam kết của Hoa Kỳ đối với liên minh, và tự hỏi liệu ông Trump có triệt thoái binh sĩ Mỹ về nước, nếu Seoul không tuân thủ.
Mặt khác, đòi hỏi của TT Trump cũng làm các quan chức Ngũ Giác Đài bực dọc, và gây quan ngại sâu xa cho các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.
Tại cuộc họp báo hôm Thứ Sáu 15/11, ông Esper nói không chỉ có Hàn Quốc được yêu cầu chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng sao cho công bằng hơn, mà đòi hỏi đó cũng sẽ được áp dụng cho tất cả các đồng minh và đối tác khác của Mỹ trên toàn cầu.
Tổng thống Trump từ lâu đã cáo buộc các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á là các ‘ngư ông hưởng lợi’, ông hỏi tại sao Hoa Kỳ vẫn phải chi tiền ra để bảo vệ các nước đó?
https://www.voatiengviet.com/a/my-doi-seoul-tang-gap-5-tien-dong-gop-de-chia-ganh-nang-quoc-phong/5167442.html

Những động thái mới của Mỹliên quan vấn đề Biển Đông

Liên tiếp trong những ngày qua, Mỹ tỏ thái độ gay gắt với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, cao nhất là ở cấp Phó Tổng thống. Các quan chức cao cấp của Mỹ cũng đã có những phát biểu mạnh mẽ trước và ngay tại diễn đàn ASEAN. Đáng chú ý nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo lên án thẳng thừng “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Các hội nghị liên quan trong khuôn khổ cấp cao ASEAN lần thứ 35 vừa kết thúc tại Bangkok, Thái Lan ngày 04/11/2019. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề được quan tâm tại các hội nghị. Mỹ là nước có những phát biểu công khai thể hiện thái độ gay gắt nhất với các hành vi gây hấn, bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông của Trung Quốc.
Ngày 4/11/2019, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien – người được Tổng thống D. Trump ủy quyền tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan cho biết ông đã thảo luận với lãnh đạo các nước ASEAN về tranh chấp trên Biển Đông; Mỹ coi Biển Đông là “một vấn đề quan trọng đối với Mỹ”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien nhấn mạnh Mỹ không tán thành hành động “đe dọa” của lực lượng dân quân biển, hải quân và hải cảnh của Trung Quốc nhắm vào những nước khác trong khu vực. Ông Robert O’Brien nhấn mạnh “Chúng tôi cho rằng các quốc gia cần hòa hợp với nhau. Họ cần sử dụng con đường tài phán nếu có vấn đề nảy sinh”. Ông đề cập đến vụ kiện Biển Đông của Philippines thông qua Tòa trọng tài nhằm bác bỏ bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi Việt Nam tham khảo hành động của Philippines.
Tháng 8/2019, khi nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc có các hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn các quốc gia trong khu vực tiếp cận nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỷ USD tại Biển Đông; lên án các hành động quấy rối của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam.
Phản ứng trước những phát biểu mạnh mẽ của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien về Biển Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yu Cheng) cho rằng, một số quốc gia bên ngoài đang “can thiệp” vào vấn đề của khu vực; đổ lỗi cho Mỹ “làm mọi cách tạo sóng” ở Biển Đông.
Sau phát biểu của ông Lạc Ngọc Thành, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ O’Brien cho rằng Mỹ không gây rối nhưng vẫn là một “nhân tố then chốt trong khu vực”; đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi không nghĩ chúng tôi đang xen vào chuyện của người khác”; “Chúng tôi chỉ tới khi được mời chứ không như những quốc gia khác”. Cách nói của ông O’Brien nhẹ nhàng nhưng rất thâm túy bởi lẽ chính Trung Quốc là kẻ không mời mà đến khi liên tiếp đưa tàu vào hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của các nước ven Biển Đông bấp chấp sự phản đối của các nước và cộng đồng quốc tế.
Một số nhà bình luận cho rằng phát biểu của Mỹ về Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua ở Bangkok là còn mạnh mẽ hơn cả các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông vì phát biểu
của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien về Biển Đông không những chỉ đích danh Trung Quốc mà còn với lời lẽ hết sức gay gắt.
Cũng trong ngày 04/11/2019, khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan, Bộ Ngoại giao Mỹ còn công bố một bản Báo cáo với tiêu đề “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” dài 30 trang. Báo cáo tập trung điểm lại quá trình 2 năm phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm triển khai chiến lược mới của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã được tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố nhân dịp Diễn đàn cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Phần nói về hợp tác “Bảo đảm hòa bình và an ninh”, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải, đặc biệt tại Biển Đông và đã phản đối mạnh mẽ yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo viết: “Yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc, thể hiện qua “đường 9 đoạn” mập mờ mang tính chất vô căn cứ, phi pháp và phi lý (unfounded, unlawful, and unreasonable). Các yêu sách không có giá trị pháp lý, lịch sử và địa lý này đã gây ra những tổn thất thực sự cho các nước khác. Thông qua những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt “đường 9 đoạn”, Bắc Kinh đã ngăn không cho các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la, đồng thời góp phần tạo nên bất ổn định và rủi ro xung đột.”
Trong phần “Dấn thân cùng các đối tác và định chế” của Báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ còn xác nhận rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.Báo cáo viết: “Ở Đông Nam Á, chúng tôi ủng hộ Thái Lan trong vai trò chủ tịch ASEAN (năm 2019) và tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Khu vực sông Mêkông bao gồm Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ”.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ “chưa từng có” để chỉ trích tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những động thái mạnh mẽ này của Mỹ cho thấy Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Trước đây, Mỹ đã nhiều lần nói Biển Đông là một nội dung quan trọng trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở. Việc Bộ Ngoại giao đưa nội dung phản đối yêu sách “đường chín đoạn” vào Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” là lần đầu tiên Mỹ chính thức hóa quan điểm này vào một văn bản gắn kết vấn đề Biển Đông với chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở.
Với việc các nước lãnh đạo ASEAN thông qua “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 hồi tháng 6/2019 và lần này Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa vấn đề Biển Đông vào Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” là một dấu hiệu cho thấy, trong thời gian tới Mỹ sẽ tích cực phối hợp cùng các nước khác trong “Bộ tứ” (Mỹ, Nhật, Ấn Độ) trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/31524-nhung-dong-thai-moi-cua-my-lien-quan-van-de-bien-dong.html

Đề xuất cắt quy chế kinh tế đặc biệt của Hong Kong

nếu TQ đưa quân can thiệp

Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung (USCC) cho rằng quốc hội Mỹ nên đình chỉ quy chế kinh tế đặc biệt dành cho Hong Kong nếu Trung Quốc đưa binh lính đến dập tắt biểu tình tại đại lục.
Hãng tin Kyodo News của Nhật ngày 14-11 dẫn báo cáo của USCC cho rằng quốc hội Mỹ nên kích hoạt luật nhằm đình chỉ tất cả điều khoản và quy chế đặc biệt về kinh tế với Hong Kong trong Đạo luật chính sách Mỹ – Hong Kong 1992 nếu Bắc Kinh can thiệp vũ trang tại Hong Kong.
Đạo luật cho phép Hong Kong được hưởng quy chế đặc biệt, về thuế và visa, với Mỹ.
Việc đình chỉ quy chế đặc biệt của Hong Kong có thể ngăn Bắc Kinh có hành động cứng rắn hơn với đặc khu vốn là đầu mối quan trọng của Bắc Kinh để kết nối với thị trường tài chính thế giới.
Đánh giá của USCC đưa ra trong bối cảnh biểu tình tiếp diễn căng thẳng tại Hong Kong. Trung Quốc trước đó đã doạ sẽ có động thái cứng rắn với làn sóng biểu tình, bao gồm khả năng triển khai quân đến đặc khu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14-11 tuyên bố việc quan trọng nhất đối với Hong Kong hiện tại là tái lập trật tự và chấm dứt bạo lực.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết ông Tập nói Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) để đặt ra các chính sách phù hợp với pháp luật và trừng phạt “những kẻ nổi loạn”.
Ông cũng cho biết Trung Quốc phản đối bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào tình hình tại Hong Kong, cũng như khẳng định quyết tâm thực hiện nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” là không thể lay chuyển.
Global Times, tờ báo thuộc quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 14-11 đã đăng lên Twitter thông tin chính quyền Hong Kong có thể sẽ tuyên bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần. Tuy nhiên, sau đó Global Times đã gỡ nội dung này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31530-de-xuat-cat-quy-che-kinh-te-dac-biet-cua-hong-kong-neu-tq-dua-quan-can-thiep.html

Nghị sĩ Mỹ đề xuất luật mới

nhằm đối phó với sự trỗi dậy của TQ

“Lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ, Mỹ đối đầu với một đối thủ gần-ngang-hàng trên trường quốc tế”, Rubio nói trong thông cáo.
Các Thượng nghị sĩ Mỹ chuẩn bị giới thiệu một điều luật, đòi hỏi chính quyền Mỹ phải thường xuyên vạch ra chiến lược an ninh kinh tế toàn cầu của mình, trong một nỗ lực nhằm đối phó với mối đe dọa kinh tế từ “đối thủ gần-ngang-hàng” Trung Quốc, SCMP đưa tin.
Có tên Luật Chiến lược An ninh Kinh tế Toàn cầu, điều luật này do các Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, Todd Young và các Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley, Chris Coons.
Theo luật này, Tổng thống Mỹ phải đưa ra một báo cáo về tính cạnh tranh kinh tế của Mỹ, các mối đe dọa đối với an ninh kinh tế của Mỹ và các cách để xử lý.
Mặc dù dự luật nhằm mục đích thúc đẩy “các mối quan hệ kinh tế tương hỗ tự do, công bằng” với tất cả các đối tác kinh tế của Mỹ nhưng các thượng nghị sĩ đặc biệt tập trung vào mối đe dọa Trung Quốc.
“Lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ, Mỹ đối đầu với một đối thủ gần-ngang-hàng trên trường quốc tế”, Rubio nói trong thông cáo, “Chúng ta phải chiến đấu với các nguyên tắc kinh tế mang tính lợi dụng của Trung Quốc bằng cách hợp tác với các đối tác cùng tư tưởng và các đồng minh khắp thế giới”, Young đăng trên Twitter.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các chính trị gia Mỹ đang tăng cường áp lực lên Trung Quốc, vốn được coi là mối đe dọa đối với việc làm và an ninh Mỹ, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông tiến rất gần tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh.
Mới đây, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã có bài phát biểu ở trung tâm New American Security về mối đe dọa của Trung Quốc đối với việc làm và an ninh quốc gia Mỹ.
“Trung Quốc đang xây đắp sức mạnh kinh tế và chính trị của mình dựa trên tầng lớp lao động của chúng ta”, Hawley đổ lỗi cho Trung Quốc vì phá hoại việc làm sản xuất của Mỹ.
Đương đầu với Trung Quốc ở châu Á là “đặc biệt quan trọng” đối với thương mại, việc làm và phúc lợi quốc gia, Hawley nói.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31500-nghi-si-my-de-xuat-luat-moi-nham-doi-pho-voi-su-troi-day-cua-tq.html

Toby Nacfarlane bị kết án 6 tháng tù

trong vụ bê bối tuyển sinh đại học

Vào thứ tư (ngày 13 tháng 11), một thẩm phán kết án ông Toby MacFarlane, cựu giám đốc điều hành của Công ty bảo hiểm quyền WFG National Title, sáu tháng tù vì đã trả 450,000 mỹ kim để đưa hai đứa con của ông vào Đại học University of Southern California. Ông MacFarlane đã nhận tội đối với một tội danh lừa đảo bằng thư từ, nhưng Thẩm phán  Nathaniel Gorton cho biết ông coi đây là hành vi hối lộ. Ngoài sáu tháng tù giam, ông MacFarlane còn phải chịu hai năm quản chế, 200 giờ phục vụ cộng đồng và trả khoản tiền phạt 150,000 mỹ kim.
Theo CBS News, ông Gorton đã gọi ông MacFarlane là “một tên trộm” và “không khác gì một tên tội phạm”. Ông Gorton là một thẩm phán mới trong vụ bê bối tuyển sinh đại học, và được xem là cứng rắn hơn một số người khác đã chủ trì các trường hợp trước đây. Vị thẩm phán được dự kiến sẽ kết án bốn phụ huynh khác vào đầu năm 2020, những người đã thay đổi lời nhận tội khi họ phải đối mặt với tội danh hối lộ. CBS cho biết ông MacFarlane sẽ vào tù vào ngày 2 tháng 1, và ông đã yêu cầu được giam giữ một cơ sở an ninh thấp ở Nam California.
Theo các công tố viên, ông MacFarlane đã trả 200,000 mỹ kim cho ông William “Rick” Singer, người chủ mưu của kế hoạch gian lận tuyển sinh đại học, vào năm 2014 để đưa con gái của ông được nhận vào học tại USC với tư cách là một thành viên đội túc cầu. Sau đó, ông MacFarlane đã trả 250,000 mỹ kim để con trai ọng  được vào USC theo cách tương tự, nhưng lần này ông đã trả thêm 50,000 mỹ kim cho cựu viên chức thể dục USC Donna Heinel. Cũng trong ngày thứ tư, quản trị viên gor Dvorskiy đã nhận tội với một tội danh lừa đảo. Ông Dvorskiy đã nhận được gần 200,000 mỹ kim từ ông Singer trong giai đoạn 2017 đến năm 2019 để điều hành một trang web gian lận các kỳ kiểm tra. Ông Dvorskiy sẽ bị kết án vào ngày 7 tháng 2. (BBT)
https://www.sbtn.tv/toby-nacfarlane-bi-ket-an-6-thang-tu-trong-vu-be-boi-tuyen-sinh-dai-hoc/

Ông Ken cuccinelli được bổ nhiệm

vào vị trí Phó Bộ trưởng Bộ Nội An

Ông Ken Cuccinelli, một người có quan điểm di dân cứng rắn và nhiều lần ủng hộ các chính sách đàn áp di dân bất hợp pháp của Tổng Thống Trump, đã được nhận vào vị trí Phó Bộ Trưởng Bộ Nội An.
Ông Cuccinelli, người đã lãnh đạo Cơ Quan Di Dân và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) kể từ tháng 6, được bổ nhiệm làm Phó Bộ Trưởng trong bối cảnh Bộ Nội An đang là trung tâm của chương trình di dân theo đường lối cứng rắn của chính quyền Tỏng Thống Trump. Trong một email gửi cho nhân viên cơ quan, Quyền Bộ Trưởng Bộ Nội An Chad Wolf, người vừa nhậm chức vào thứ tư (ngày 13 tháng 11), đã ca ngợi ông Cuccinelli.
Ông David Pekoske, Phó Bộ Trưởng Bộ Nội An trước đây, sẽ trở thành quản trị viên của Cơ Quan An ninh Giao thông Vận Tải (TSA). Trong vai trò mới, ông Cuccinelli sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng Thống Trump được thiết kế để ngăn chặn di dân bất hợp pháp tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico và hạn chế di dân bất hợp pháp một cách nghiêm ngặt. Kể từ khi ông gia nhập chính quyền vào tháng 6, ông Cuccinelli đã trở thành một phát ngôn viên cho USCIS, thường xuyên ủng hộ chương trình nghị sự di dân của Tổng Thống Trump và lặp lại một số tuyên bố gây tranh cãi của Tổng Thống trên truyền hình và Twitter.
Là người đứng đầu USCIS, Cuccinelli đã đưa ra quy tắc “gánh nặng công cộng” giúp các viên chức có thể dễ dàng từ chối thẻ xanh và visa cho những người di dân có thu nhập thấp sử dụng food stamps và các chương trình nhà ở được chính phủ trợ cấp. Vào tháng 9, ông Cuccinelli cũng đã ra lệnh cho USCIS đóng cửa một chương trình cho phép hoãn trục xuất đối với những người di dân đang phải đối mặt với các căn bệnh đe dọa đến tính mạng hoặc các tình huống nhân đạo khác. Sau khi gặp phải sự phản đối của công chúng, Quyền Bộ Trưởng Bộ Nội An lúc bấy giờ là ông Kevin McAleenan đã hủy bỏ lệnh này và chương trình đã được khôi phục. (BBT)
https://www.sbtn.tv/ong-ken-cuccinelli-duoc-bo-nhiem-vao-vi-tri-pho-bo-truong-bo-noi-an/

California: Xả súng nơi học đường, ít nhất 2 người chết

Một học sinh trung học ở bang California, Mỹ, rút súng lục bán tự động bắn bạn học vào đầu giờ lên lớp, khiến 2 người chết và 3 người khác bị thương.
Hung thủ để dành viên đạn cuối cùng cho mình trong ngày sinh nhật thứ 16.
Tay súng tuổi teen tự bắn vào đầu nhưng không chết. Giới hữu trách cho hay hung thủ đang trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát đang điều tra động cơ vụ xả súng tại trường trung học Saugus ở Santa Clarita, cách thành phố Los Angeles 65 cây số về hướng Bắc.
Hung thủ chưa được xác định danh tính. Cảnh sát cho biết cậu ta người châu Á và ra tay một mình.
Hai học sinh thiệt mạng gồm một nữ sinh 16 tuổi và một nam sinh 14 tuổi. Hai nữ sinh khác, tuổi 14 và 15, bị thương cùng với một nam sinh 14 tuổi.
Sự việc này ghi dấu thêm một vụ thảm sát hàng loạt tại Mỹ trong những năm gần đây, hâm nóng cuộc tranh cãi về kiểm soát súng ống và quyền hiến định cho phép công dân Mỹ được sở hữu súng.
Đây ít nhất là vụ nổ súng lần thứ 85 trên học đường trong năm nay, theo tổ chức Everytown chuyên vận động siết chặt luật kiểm soát súng ống.
https://www.voatiengviet.com/a/california-x%E1%BA%A3-s%C3%BAng-n%C6%A1i-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C3%ADt-nh%E1%BA%A5t-2-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt/5166593.html

Luận tội TT Mỹ : Nancy Pelosi tố

Donald Trump “nhũng lạm quyền thế”

Tú Anh
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ khẳng định tổng thống Donald Trump đã có hành vi « nhũng lạm quyền thế » trong nghi án Ukraina. Tham ô, nhũng lạm quyền thế là những tội danh nghiêm trọng, nếu được xác nhận, có thể đưa đến quyết định « Impeachment ».
Một ngày sau cuộc điều trần công khai đầu tiên trong không khổ cuộc điều tra để truất phế chủ nhân Nhà Trắng do lập pháp tiến hành, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố « tổng thống Donald Trump đã phạm một trong những tội nghiêm trọng : nhũng lạm quyền thế».
Theo lập luận của bà Nancy Pelosi, hành vi nhũng lạm quyền thế là « cấp viện trợ hay đình hoãn viện trợ để đánh đổi với một lời tuyên bố công khai có liên quan đến một cuộc điều tra dàn dựng về một cuộc bầu cử ».
Cũng theo chủ tịch Hạ Viện, những hành động bị kết án của tổng thống Richard Nixon trong vụ Watergate « chẳng có ý nghĩa gì » so với những bê bối của ông Donald Trump hiện nay.
Nhận định về những tuyên bố này, Reuters cho là có thể suy đoán kịch bản mà phe Dân Chủ chuẩn bị để tấn công tổng thống Donald Trump. Trong cuộc họp báo, chủ tịch Ha Viện tố giác chính quyền Trump « cản trở công việc của Quốc Hội », cấm không cho nhiều nhân chứng ra điều trần.
Trong số ba viên chức tiết lộ áp lực của Donald Trump bắt chẹt tổng thống Ukraina, cựu đại sứ William Taylor, nay là đại biện tại Kiev và George Kent, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Châu Âu, đã tham gia điều trần hôm thứ Tư. Ngày thứ Sáu, đến lượt bà Marie Yovanovitch, đại sứ bị Donald Trump cách chức, ra trước tiểu ban tình báo Hạ Viện.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191115-luan-toi-tt-my-nancy-pelosi-to-donald-trump-nhung-lam-quyen-the

Jeffrey Hawkins: “Các nhà ngoại giao Mỹ

là nạn nhân của chính quyền Trump”

Minh Anh
Thủ tục luận tội và phế truất tổng thống Donald Trump chuyển sang một bước ngoặt quan trọng mới. Lần đầu tiên, Hạ Viện Mỹ mở một cuộc điều trần công khai cho phép người dân Mỹ theo dõi trực tiếp việc lấy lời chứng.
Hai viên chức cao cấp ngành ngoại giao Mỹ, William Taylor – đại biện Mỹ tại Ukraina – và ông George Kent, một chuyên gia về Ukraina tại bộ Ngoại Giao là những người khai màn đầu tiên.
Kênh ngoại giao “song song”
Ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện do phe Dân Chủ chiếm đa số nhắc rõ khuôn khổ của cuộc điều tra là làm sáng tỏ các câu hỏi: Liệu ông Trump có “xúi giục” Ukraina can dự vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay không? Liệu tổng thống Donald Trump có lạm quyền hay không? Theo AFP, từ đây đến ngày 20/11 có khoảng hơn một chục cuộc điều trần công khai như vậy.
Tuy nhiên, ngay trong buổi điều trần hôm 13/11/2019, kéo dài gần năm tiếng rưỡi đồng hồ, những tiết lộ của ông Taylor cho thấy sự hiện hữu của một kênh ngoại giao riêng do tổng thống Trump thiết lập với chính quyền Ukraina. Mục đích là để phục vụ cho các lợi ích chính trị của cá nhân ông Trump.
Theo báo Le Monde, luật sư riêng của tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu – ông Gordon Sondland, là những mắt xích chủ chốt trong mạng lưới ngoại giao “bất thường” này theo như cách gọi của đại biện William Taylor trong buổi điều trần.
Ngay từ đầu ông Giuliani đã chủ trương gây sức ép với Kiev, yêu cầu mở các cuộc điều tra nhằm làm suy yếu đảng Dân Chủ. Để thực hiện được ý đồ này, nhóm cố vấn của ông Trump cần phải đánh bật nữ đại sứ Mỹ tại Kiev, bà Marie Yovanovitch, được xem như là một rào cản cho kênh ngoại giao “song song”.
Một khi bà Marie Yovanovitch ra đi, ông William Taylor lên thay, hình thức của một cuộc mặc cả với tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky cũng được định rõ: Một chương trình trợ giúp của Mỹ bất thình lình bị Nhà Trắng ngăn chận, và điều kiện để được dỡ bỏ lệnh cấm này là mở các cuộc điều tra nhắm vào Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Mỹ, Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ – được cho là có khả năng trở thành đối thủ của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Theo nhiều nhân chứng, chương trình “mặc cả” này do chính ông Gordon Sondland, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu trình bày với các cố vấn của tổng thống Ukraina tại Washington trước sự hãi hùng của một bộ phận cố vấn chính quyền Trump, trong đó có John Bolton. Vị cựu cố vấn an ninh quốc gia lên án các cuộc mặc cả này chẳng khác gì một “giao dịch mua bán thuốc phiện” và xem ông Rudy Giuliani là “ngòi thuốc nổ có thể làm nổ tung mọi thứ”. Vẫn theo báo Le Monde, trong kênh ngoại giao bất thường này còn phải kể đến đặc sứ Mỹ phụ trách Ukraina, Kurt Volker, nay đã từ chức và đang chờ được lấy lời chứng công khai.
Ngành ngoại giao hứng mũi chịu sào
Sự việc cũng cho thấy “các nhà ngoại giao Mỹ còn là những nạn nhân hàng đầu của chính quyền Donald Trump”, như lời nhận xét của Jeffrey Hawskin, cựu đại sứ Mỹ ở Bangui, hiện là nhà nghiên cứu cho Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) tại Pháp trên báo Le Monde.
Mối lo này không chỉ của mỗi riêng ông Hawskin. Tháng 10/2019, trong một thư ngỏ gởi đến các nhà ngoại giao, ông Eric Rubin – lãnh đạo nghiệp đoàn các nhà ngoại giao Mỹ (American Foreign Service Association) đã kêu gọi các đồng nghiệp không nên từ nhiệm. Ông viết: “Đây không phải là một thời điểm dễ dàng, nhưng nếu có thể xin các ngài hãy ở lại”.
Trong lá thư đăng trên trang mạng của bộ, Eric Rubin nhìn nhận bộ Ngoại Giao Mỹ là một trong những nạn nhân chính của chính quyền Donald Trump và điều kiện làm việc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng ông Rubin cho rằng cần phải kháng cự lại mọi cám dỗ “đóng sập cửa”. Ông viết: “Nước Mỹ cần những kiểm soát không lưu, các thanh tra an toàn thực phẩm, những người gác rừng, các nhân viên tình báo FBI nhưng cũng cần đến các nhà ngoại giao thực thụ”.
Khi trích lại những lời lẽ tha thiết trên của ông Rubin, cựu đại sứ Mỹ ở Bangui, Jeffrey Hawskin nhận thấy rằng chưa có lúc nào nền ngoại giao Mỹ lại bị chao đảo mạnh mẽ như dưới thời tổng thống Trump và sẽ phải khó khăn vực dậy sau khi ông Trump rời chức vụ.
Nhà ngoại giao thực thụ, những kẻ bên lề
Jeffrey Hawskin ghi nhận các viên chức ngoại giao Mỹ đang hứng chịu một sức ép lớn chưa từng có từ ông Donald Trump và nhóm cố vấn của ông: Từ việc có ý định muốn “dẹp bỏ” các viên chức ngoại giao; Cố tình “đi tắt” không tuân thủ quy trình quyết định truyền thống trên phương diện quan hệ quốc tế mà vụ “Ukrainagate” là một ví dụ điển hình; Nghi kỵ các nhà ngoại giao được đào tạo đúng bài bản; Gây áp lực buộc các viên chức ngoại giao phải thể hiện lòng trung thành với tổng thống… Và nhất là chưa có lúc nào, một “bầu không khí thù nghịch” lại ngự trị mạnh mẽ tại bộ Ngoại Giao Mỹ như lúc này, giữa những thuộc cấp không tỏ ra ủng hộ Donald Trump và các cấp điều hành.
Jeffrey Hawskin đặc biệt chỉ trích hai lãnh đạo bộ Ngoại Giao Mỹ trong nhiệm kỳ Trump đã không làm gì để dàn xếp mọi việc. Người thứ nhất, Rex Tillerson, theo ông, thật sự là một thảm họa cho ngành ngoại giao Mỹ. Vị cựu chủ tịch tập đoàn Exxon, dường như nghĩ rằng ông có thể làm hài lòng một số “cổ đông” khi loại bỏ một vài vị trí và giảm bớt ngân sách của bộ.
Thế nhưng, ông Tillerson đã không hiểu rằng ở Washington, đô la và số nhân sự là thước đo quyền lực. Tổng thống đã thật sự không lắng nghe ông và ngay cả Quốc Hội, vốn do đảng Cộng Hòa kiểm soát cũng không chấp nhận giảm bớt 30% ngân sách như ông đề nghị.
Người thứ hai là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện nay. Khi ông mới nhậm chức vào năm 2018, giới ngoại giao Mỹ cảm thấy có chút hy vọng. Bởi vì, ông Pompeo ít nhiều cũng hiểu rõ “tầng lớp Washington” và từng tuyên bố trao lại “niềm tin” cho bộ. Chỉ có điều “lời nói gió bay”. Mọi việc cũng chẳng khá hơn. Pompeo tuân thủ một cách trung thành đường lối của tổng thống Trump. Ông không tác động đến những định hướng đôi khi “kỳ ngoặc” mà tổng thống Mỹ đưa ra trên phương diện đối ngoại. Và ông còn yêu cầu các cộng sự phải thể hiện sự trung thành tuyệt đối với nguyên thủ Mỹ.
Cuối cùng là bản thân các chính sách của ông Donald Trump. Jeffrey Hawskin thừa nhận mỗi một đời tổng thống có một đường lối đối ngoại riêng. Nhưng các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên buộc phải phản đối những quan điểm đưa ra được cho khó thể lý giải hay xa rời với những giá trị truyền thống của Mỹ. Mà việc bỏ rơi đồng minh Kurdistan tại Syria là một ví dụ mới nhất.
Cựu đại sứ Mỹ tại Bangui mỉa mai kết luận : Trong thời buổi khó khăn này, một nhà ngoại giao Mỹ rất có thể sẽ phải tự hỏi làm thế nào đổi nghề chuyển sang làm kiểm soát không lưu!
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191115-jeffrey-hawkins-ngoai-giao-my-nan-nhan-chinh-quyen-trump

Bolivia: Tân chính phủ

đối thoại với đảng của cựu TT Morales

Mai Vân
Ngày 14/11/2019, quyền tổng thống Bolivia, bà Jeanine Añez tuyên bố chính phủ của bà đã nối lại đối thoại với đảng của cựu tổng thống Evo Morales, nhưng kiên quyết từ chối mọi đơn xin ứng cử của ông Morales hiện lưu vong tại Mêhicô.
Theo lời chánh văn phòng phủ tổng thống Jerjes Justiniano, các cuộc hội đàm giữa đại diện tân chính phủ với Phong Trào Tiến Lên Chủ Nghĩa Xã Hội MAS, đảng của ông Morales đã bắt đầu từ trưa ngày 14/11, và hai bên đã thành lập một cơ chế đối thoại. Nhưng theo hãng tin Pháp AFP, thông tin này chưa được Phong Trào MAS xác nhận.
Trước đó, tân lãnh đạo Bolivia, Jeanine Añez đã khẳng định: “Evo Morales không đủ điều kiện ra ứng cử một nhiệm kỳ thứ tư”, do đó không thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới đây mà ngày giờ chưa được ấn định. Tuy nhiên, đảng của cựu tổng thống “có quyền tham gia tổng tuyển cử”, và bà Añez khuyên phong trào này “tìm kiếm một ứng cử viên”.
Cũng trong ngày 14/11, cả ngàn người biểu tình ủng hộ cựu tổng thống lại tổ chức tuần hành đi từ thị trấn El Alto gần thủ đô đến trung tâm La Paz vào giữa buổi trưa. Lần này, cuộc biểu tình đã diễn ra êm thắm, trái với một hôm trước đó, xô xát đã nổ ra giữa lực lượng an ninh với người biểu tình, không chỉ tại thủ đô, mà cả tại nhiều nơi khác trong nước.
Tuy nhiên, phát biểu của cựu tổng thống Morales từ nơi tị nạn ở Mêhicô, lên án một “cuộc đảo chính” và tuyên bố sẵn sàng về nước để “làm dịu” tình hình đã khiến tân chính quyền tại Bolivia bất bình.
Chính phủ mới tại La Paz tuyên bố sẽ gởi công hàm phản đối chính quyền Mêhicô vì không được quyền để cho một chính khách lưu vong đưa ra những tuyên bố chính trị như vậy.
Chính phủ Mêhicô đã lập tức đáp trả, cho rằng quyền tự do ngôn luận cho người xin tị nạn không thể bị hạn chế.
Sau Hoa Kỳ vốn đã công nhận bà Añez là tổng thống của Bolivia, đến phiên Nga cũng mặc nhiên công nhận lãnh đạo mới của quốc gia Nam Mỹ, cho dù vẫn tiếp tục tố cáo một “cuộc đảo chính” ở đất nước này.
Quyết định đối ngoại đầu tiên của bà Añez là công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido làm tổng thống Venezuela, qua đó phủ nhận hoàn toàn liên minh giữa Evo Morales và tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191115-bolivia-tan-chi%CC%81nh-phu%CC%89-do%CC%81i-thoa%CC%A3i-da%CC%89ng-cu%CC%A3u-tt-morales

Một ủy ban LHQ tố cáo Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền

Mai Vân
Ngày 14/11/2019, Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền trên quy mô rộng lớn.
Ủy ban còn yêu cầu quốc gia này giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc trong thời gian trước đây. Đại diện Bình Nhưỡng đã cực lực phản đối.
Với sự ủng hộ của 60 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Hoa Kỳ, văn kiện do Liên Hiệp Châu Âu đề nghị đã được đồng thuận thông qua. Theo nghị quyết này thì 10,9 triệu người ở Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, trong khi hành vi vi phạm nhân quyền diễn ra ở quy mô lớn, với những vụ tra tấn, giam giữ trong các trại, những hành vi từng bị một ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc đồng hóa với tội ác chống nhân loại.
Văn kiện cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên giải quyết trong thời hạn ngắn nhất vấn đề người nước ngoài bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc, cung cấp thông tin cho gia đình họ, đồng thời cho những người này hồi hương ngay.
Hồ sơ này liên quan đến các công dân Nhật Bản. Phó đại diện thường trực của Nhật tại Liên Hiệp Quốc, Yasuhisa Kawamura, đã tuyên bố trước ủy ban là những người Nhật bị bắt cóc đã chờ đợi hơn 40 năm để được giải cứu và được hồi hương.
Đại diện Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song đã tố cáo một nghị quyết dối trá tệ hại trước khi dập cửa bỏ đi.
Nỗi đau của các gia đình Nhật có thân nhân bị Bình Nhưỡng bắt cóc
Tại Nhật Bản thì ngày thứ Sáu hôm nay cũng là ngày đồng nghĩa với đau buồn và tức giận, vì đúng ngày này cách đây 42 năm, hôm 15/11/1977, một thiếu nữ Nhật Megumi Yokota bị bắt cóc. Cô đã bị ép làm việc cho tình báo Bắc Triều Tiên, dậy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho những điệp viên được phái sang dọ thám ở Nhật. Trong các thập niên 70 và 80, có nhiều người Nhật đã bị bắt cóc như Megumi. Gia đình họ vẫn không có tin tức gì cả.
Thông tín viên RFI tại Nhật Bản Bruno Duval đã gặp được gia đình cô Megumi :
Takuya YOKOTA chỉ mới 9 tuổi khi người chị bị bắt cóc. Ông thuật lại : Megumi bị bắt lúc 13 tuổi. Một buổi tối sau khi đi học về, người ta đã bắt cóc Megumi, vứt vào một khoang trong hầm tàu và chở đến Bắc Triều Tiên. Megumi là mặt trời của gia đình chúng tôi. Bình Nhưỡng đã cướp đi mặt trời này của chúng tôi 42 năm rồi. Không thể chấp nhận được. Cha mẹ chúng tôi đã già yếu, sức khỏe không tốt, nếu họ chết mà không gặp được con gái thì thật là thảm kịch. Đối với tất cả những người bị bắt cóc có cha mẹ già đi thì quả thật là vấn đề trở nên khẩn cấp.
Cảnh sát Nhật đã liệt kê 881 vụ mất tích đáng ngờ giữa 1977 và 1983, có thể là do bị bắt cóc như trường hợp Megumi.
Đến giờ chỉ mới có 5 người là được thả ra, như ông Kaoru Hasuike, bị bắt cóc năm 1978, một buổi tối mùa hè khi ở trên bãi biển. Kaoru đã phải làm việc suốt 24 năm cho tình báo Bắc Triều Tiên. Ông nói:
Trong suốt những năm đó ở Bắc Triều Tiên, không lúc nào tôi cảm thấy được tự do. Rất khủng khiếp. Tôi luôn bị theo dõi, canh chừng. Ví dụ, khi tôi ra ngoài, chỉ đi đến cửa hàng ở đầu phố, là có 2 người đi theo tôi ngay cho đến khi tôi về đến nhà.
Kaoru Hasuike được trả tự do năm 2002. Kể từ lúc ấy, Bình Nhưỡng đã không trả tự do cho một người Nhật nào khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191115-mot-uy-ban-lhq-btt-vi-pham-nhan-quyen

Thảm nạn Rohingya :

Tòa Hình sự Quốc tế thụ lý điều tra tội ác

Tú Anh
Tòa Hình sự Quốc tế CPI ở La Haye, Hà Lan, bật đèn xanh tiến hành điều tra về các hành vi bạo lực đàn áp sắc dân thiểu số Rohingya tại Miến Điện. Năm 2017, gần 750.000 nạn nhân chạy qua Bangladesh tị nạn. Hồi đầu tuần, Gambia, với sự ủy nhiệm của 57 quốc gia Hồi Giáo, đệ đơn kiện Miến Điện.
Theo AFP, thứ Năm 14/11/2019, các thẩm phán của Tòa Hình sự Quốc tế, đặc trách xem xét các vụ phạm tội ác khủng khiếp trên thế giới, cho phép công tố viên Fatou Bensouda, một luật gia giàu kinh nghiệm, điều tra về nguyên nhân làm cho sắc dân thiểu số theo đạo Hồi phải bỏ làng đi tị nạn.
Vào tháng 8/2017, quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa nhóm du kích Hồi giáo tấn công vào một số đồn biên giới. Bị quân đội chính phủ và dân quân Phật tử đàn áp, từng đoàn người Rohingya bỏ làng chạy qua Bangladesh lánh nạn, sống chen chúc nhau trong các trại tạm cư do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thiện nguyện quản lý.
Theo nữ công tố viên Fatou Bensouda, đèn xanh của Tòa CPI là tín hiệu khích lệ đối với nạn nhân bị áp bức. Bà cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra một cách khách quan và độc lập cho đến khi sự thật được phơi bày.
Hai đơn kiện cùng lúc
Quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế được loan báo một tuần sau khi một đơn kiện tương tự được đệ trình một Tòa án ở Buenos Aires, thủ đô Achentina, nhân danh công lý phổ quát, không biên giới .
Đơn kiện chống các hành vi bạo lực, tra tấn, cưỡng hiếp mà nạn nhân là người Rohingya, nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hòa Bình 1991. Với chức vụ « cố vấn nhà nước » Miến Điện, thần tượng của phong trào dân chủ ngày trước, có thẩm quyền của một thủ tướng chính phủ.
Thẩm phán Maria Servini có kinh nghiệm thụ lý hai hồ sơ lớn : tội ác trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha (1936-1939) và trong chế độ độc tài Franco từ năm 1939 đến 1975.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191115-tham-nan-rohingya-toa-hinh-su-quoc-te-thu-ly-dieu-tra-toi-ac

Vụ MH17: Thêm bằng chứng về quan hệ mật thiết

giữa Nga và các nghi can

Trọng Thành
Cuộc điều tra truy tìm thủ phạm vụ chuyến bay MH17 trên không phận Ukraina, hồi tháng 7/2014, bị trúng tên lửa, vừa có thêm một bước tiến mới. Hôm 14/11/2019, các nhà điều tra đã công bố nội dung ghi âm một số trao đổi qua điện thoại, giữa chính quyền Nga và phe nổi dậy miền đông Ukraina trong khoảng thời gian này.
Nhóm điều tra quốc tế về vụ chuyến bay MH-17 bị bắn rơi, do Hà Lan đứng đầu, ngày càng tin tưởng là Matxcơva đã vai trò tích cực trong việc phe nổi dậy miền đông Ukraina bắn rơi phi cơ dân dụng nói trên. Các nhà điều tra quốc tế ghi nhận các trao đổi diễn ra gần như hàng ngày, giữa các lãnh đạo của nước cộng hòa tự phong Donetsk và một số giới chức Nga, đặc biệt là ông Vladislav Sourkov, cố vấn của tổng thống Nga, phụ trách Ukraina.
Ví dụ như, theo một trong các trích đoạn nội dung đàm thoại được công bố, một thành viên phong trào nổi dậy thân Nga thông báo với đối tác Nga, hồi tháng 7/2014, là người của bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergueï Shoïgu sẽ tới Donetsk để thay thế các chỉ huy quân sự địa phương.
Các nhà điều tra khẳng định : ”Các liên hệ, dường như là mật thiết, giữa các lãnh đạo nước Cộng Hòa Donetsk và một số thành viên chính quyền Nga, đặt ra câu hỏi về khả năng phía Nga can dự vào việc triển khai tên lửa, đã được dùng để bắn hạ chuyến bay MH17”. Nhóm điều tra quốc tế cũng kêu gọi thêm các nhân chứng mới.
Trên thực tế, thông báo của nhóm điều tra quốc tế đã đặt ra nhiều vấn đề hiện chưa có câu trả lời như : Cố vấn của tổng thống Nga phụ trách Ukraina, ông Vladislav Sourkov, và bộ trưởng Quốc Phòng Sergueï Shoïgu đóng vai trò gì trong các hoạt động quân sự tại miền đông Ukraina, mùa hè năm 2014 ? Những người này có tham gia vào việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không BUK hay không ?
Phiên tòa liên quan đến vụ tấn công MH17 sẽ mở ra ngày 09/03 tới tại một địa điểm gần Amsterdam. Tòa sẽ xét xử khiếm diện ba nghi phạm Nga và một người Ukraina.
Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines, trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, ngày 17/07/2014, trên đường bay qua Ukraina, bị trúng tên lửa bắn lên từ vùng Donestk. Không có ai trong số 298 hành khách vào phi hành đoàn sống sót.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191115-vu-mh17-bang-chung-quan-he-mat-thiet-nga-nghi-can

Đức, Pháp và Anh lên án Triều Tiên thử nghiệm tên lửa

Đức, Pháp và Anh hôm thứ Tư (13/11) đã lên án mạnh mẽ hàng chục vụ thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng kể từ tháng 5, thúc giục chính quyền Kim Jong Un tham gia “các cuộc thương thảo có ý nghĩa” với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
3 quốc gia châu Âu nói rằng, các cuộc thử nghiệm, bao gồm “cả những gì dường như là tên lửa tầm trung được phóng từ dưới nước” – đã làm suy yếu an ninh khu vực và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Tuyên bố chung được đưa ra sau khi Đại sứ Liên Hợp quốc của Đức, Christoph Heusgen, thông báo với Hội đồng sau cánh cửa đóng kín về việc thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên. Ba quốc gia thúc giục Triều Tiên thực hiện “các bước cụ thể” trong các cuộc đàm phán mới với Mỹ “với một quan điểm hoàn toàn từ bỏ tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt và các chương trình tên lửa đạn đạo, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Tuyên bố của Đức, Pháp, và Anh cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc “nghiêm chỉnh thi hành” các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Các thành viên Khối Liên Âu nhấn mạnh, điều này bao gồm hồi hương tất cả những người Bắc Hàn đang đi kiếm tiền ở nước ngoài không muộn hơn ngày 22/12, theo yêu cầu của một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã thông qua vào ngày 22/12/2017.
Tuyên bố chung nhắc lại rằng tình hình nhân đạo ở Triều Tiên “là kết quả của việc phân bổ sai nguồn lực và năng lực hạn chế” của những nhân viên về nhân quyền và quan chức chính phủ Bình Nhưỡng. Tuyên bố cũng kêu gọi chính phủ Kim Jong Un giải quyết tình trạng thiếu lương thực bằng cách “ưu tiên cho sự thịnh vượng của người dân của họ” hơn là phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã tăng cường các vụ thử nghiệm tên lửa, và các chuyên gia nói rằng các vụ phóng có thể tiếp diễn như một cách gây áp lực buộc Washington phải đáp ứng các yêu cầu của Bình Nhưỡng về những đề nghị mới hồi sinh “ngoại giao hạt nhân” vào cuối tháng 12. Các nỗ lực ngoại giao phần lớn vẫn bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ tháng 2 năm ngoái. Tuần này, Triều Tiên đã phản đối kế hoạch diễn tập quân sự của Mỹ – Hàn Quốc, điều mà Bình Nhưỡng gọi là tập dượt cho một cuộc xâm lược.
http://biendong.net/bi-n-nong/31483-duc-phap-va-anh-len-an-trieu-tien-thu-nghiem-ten-lua.html

Bánh burger “chay” ra mắt thực khách châu Âu

Tuấn Thảo
Thường thì giới mê burger chỉ thích ăn loại bánh mì kẹp thịt bò nướng (thịt băm hay xay nhuyễn) nhưng kể từ hôm 13/11/2019, loại burger chay đã được bán tại 2.500 cửa hàng châu Âu. Đây là món ăn mới trên thực đơn của chuỗi nhà hàng Burger King, cạnh tranh trực tiếp với hai hiệu khác là McDonald’s và Buffalo Grill.
Với loại burger chay, tập đoàn chuyên bán thức ăn nhanh Burger King muốn nhắm vào đối tượng khách hàng vì một lý do nào đó không thích ăn thịt (bảo vệ động vật, môi trường hay đơn thuần ăn chay). Còn các thực khách khác vẫn có thể gọi món Whopper, loại burger đắt khách, tương đương với món bánh mì kẹp thịt hai tầng Big Mac của các cửa hàng McDonald’s.
Sau một thời gian thử nghiệm tại Hoa Kỳ và Thụy Điển, món burger chay (tên gọi chính xác là Impossible Whopper) cuối cùng đã được tung ra cùng lúc tại 25 quốc gia trên khắp châu Âu. Tại Anh cũng như tại Pháp, loại burger không thịt này sẽ được cho ra mắt muộn hơn một chút, theo dự kiến là vào đầu năm tới.
Burger chay gồm những thành phần gì ?
Thế nhưng, loại burger này lấy gì để thay thế cho thịt bò (các món burger khác gồm có gà rán và cá chiên) ? Bánh burger chay chủ yếu bao gồm protein đậu nành trộn với khoai tây, một chút dầu dừa trộn với dầu hạt hướng dương, cộng thêm hợp chất hóa học ‘‘hem’’, giàu chất sắt để tạo thêm màu đỏ giống như thịt bò. Còn về khẩu vị, thì hẳn chắc giới chuyên gia nông thực phẩm cần phải chế biến thêm nhiều thứ khác để giúp cho protein đậu nành có được gu thịt bò.
Không phải ngẫu nhiên mà Burger King ráo riết chuẩn bị tung sản phẩm mới của mình ra thị trường châu Âu trong giai đoạn này, ít ra là trước những ngày lễ cuối năm. Trong cuộc chạy đua để giành lấy thị phần, tập đoàn này tranh đua cùng với các đối thủ khác là Yum Brand và Kentucky Fried Chicken
(KFC), đã muốn đi trước McDonald’s một bước. Sau khi hợp tác với Nestlé để thử nghiệm vào tháng 04/2019 món Big Vegan (bánh burger không thịt) ở Đức, McDonald’s đã bán thử kể từ cuối tháng 09/2019, một loại bánh cheeseburger không thịt ở Canada, tuy nhiên cả hai món này vẫn chưa được bán ở quy mô lớn.
Điều đó đã khiến cho các thương hiệu khác lao ngay vào việc khai thác loại burger chay, gọi nôm na là ‘‘vegan burger’’, cho dù trong phong trào vegan có rất nhiều xu hướng và mức độ khác nhau, có người không những kiêng ăn thịt mà còn cử luôn cả các thức ăn có nguồn gốc động vật như sữa, trứng, phô mai hay các thức ăn trong quá trình sản xuất hay chế biến có khai thác động vật.
Cuộc chạy đua tìm giải pháp thay thế cho thịt
Thị trường vegan đang phát triển rất nhanh. Ngành công nghiệp nông thực phẩm ngày càng đầu tư nhiều vào thị trường protein thực vật, từ các loại đậu, ngũ cốc hay rong biển có khả năng thay thế các loại thịt. Theo dự báo của công ty JP Morgan, thị trường protein thực vật có thể đạt tới 90 tỷ euro trong 10 năm nữa, phần lớn cũng vì vấn đề chăn nuôi là một trong những nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu. Các nhà tỷ phú như Richard Branson đã đầu tư vào công ty ‘‘Impossible Foods’’ để đi tìm những giải pháp thay thế, nhà tỷ phú Bill Gates thì tài trợ cho dự án nghiên cứu ‘‘Beyond Meat’’ cũng với mục đích tương tự.
Phía Burger King thì mua protein thực vật từ công ty Hà Lan ‘‘The Vegetarian Butcher’’ thuộc tập đoàn Unilever, trong khi Nestlé đã cho bày bán tại các siêu thị Hoa ỳ và châu Âu kể từ cuối tháng 09/2019 loại ‘‘thịt nướng’’ theo kiểu steak gồm toàn là protein đậu nành và bột mì. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Deloitte, thị trường châu Âu về protein thực vật (tương đương với 40% thị trường thế giới) sẽ đạt tới mức 2,4 tỷ euro trong 5 năm nữa, so với 1,5 tỷ vào năm 2018.
Các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh,cũng như ngành công nghiệp nông thực phẩm đang cạnh tranh nhau để giành lấy ưu thế trên lãnh vực các loại protein thay thế cho thịt và qua đó thu hút nhiều người tiêu dùng thích ăn chay. Thế nhưng, theo mạng thông tin ConsoGlobe, một burger chay chưa chắc gì đã ‘‘bổ’’ hơn so với loại burger thông thường. Loại burger chay cho dù không có nhiều chất mở và muối nhưng lại phải cho thêm nhiều chất điều vị, hạt nêm để tăng thêm mùi hấp dẫn, có thể sẽ hợp với khẩu vị của đa số thực khách, nhưng có bổ cho sức khoẻ hay chăng thì lại là một chuyện khác.
http://vi.rfi.fr/phap/20191114-banh-burger-chay-ra-mat-thuc-khach-chau-au

Bắc Hàn từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ

về cuộc đàm phán tháng 12


Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Năm (14/11), Bắc Hàn tuyên bố họ từ chối đề nghị của Hoa Kỳ về một cuộc gặp gỡ mới, chỉ với một mục tiêu duy nhất là tìm cách xoa dịu  Bình Nhưỡng  trước thời hạn cuối năm mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington, để thể hiện “sự linh hoạt” trong các cuộc đàm phán.
Theo Reuters, trong một bài báo được truyền thông nhà nước đưa tin, ông Kim Myong Gil, nhà đàm phán nguyên tử của Bắc Hàn, cho biết rằng ông Stephen Biegun, người đồng cấp cùng chủ trì những cuộc họp giải trừ nguyên tử thất bại ở Stockholm hồi tháng trước, đề nghị gặp lại thông qua một nước thứ ba. Hồi tháng trước, ông Kim và ông Biegun gặp nhau tại thủ đô của Thụy Điển lần đầu tiên, kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đồng ý vào tháng 6 để mở lại các cuộc đàm phán bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh thất bại tại Hà Nội vào tháng Hai.
Trong thời gian qua, Bắc Hàn tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng Hoa Kỳ yêu cầu ông Kim Jong Un phải dỡ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử của ông trước.
Tuyên bố của Bắc Hàn được đưa ra sau khi Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng “toàn bộ” khả năng của họ để bảo vệ Nam Hàn khỏi mọi cuộc tấn công từ Bắc Hàn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-han-tu-choi-loi-de-nghi-cua-hoa-ky-ve-cuoc-dam-phan-thang-12/

Đài Loan cấm bán 3 mẫu điện thoại Huawei

vì ghi ‘Đài Loan, TQ’

Đài Loan đã ngưng bán 3 mẫu điện thoại của Hãng Huawei, sau khi phát hiện các mẫu điện thoại này sử dụng cụm ‘Đài Loan, Trung Quốc’ cho múi giờ và danh bạ – một điều nhạy cảm với những người Đài Loan có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Ủy ban truyền thông Đài Loan (NCC) cho biết: bắt đầu từ hôm nay (14-11), vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ cấm bán ba mẫu điện thoại của Huawei là P30, P30 Pro và Nova 5T cho đến khi nào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này có những điều chỉnh với hệ điều hành của họ.
Theo Hãng tin AFP, cách thức mô tả Đài Loan ra sao hiện là một vấn đề chính trị cực kỳ nhạy cảm. Do đó, cũng dễ hiểu chuyện Đài Loan phản ứng mạnh khi các mẫu điện thoại trên sử dụng cụm “Đài Loan, Trung Quốc”, tức thể hiện Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
“Việc gắn mác như vậy trong những mẫu điện thoại này không phản ánh sự thật và thậm chí xúc phạm lòng tự tôn của Đài Loan” – NCC nêu trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm họ đã “thực hiện các biện pháp nghiêm khắc để duy trì lòng tự tôn của Đài Loan”.
NCC cũng cảnh báo sẽ cấm bán vĩnh viễn 3 mẫu điện thoại trên nếu Huawei không chịu thay đổi cách liệt kê trên các điện thoại này cho phù hợp. Xunwei Technologies, nhà phân phối địa phương, cho biết họ đang liên lạc với phía Huawei về vấn đề này.
Trước đây, Huawei, nhà sản xuất smartphone số 2 của thế giới, từng bị người dân tại Trung Quốc đại lục chỉ trích vì không liệt kê các thành phố Đài Bắc (Đài Loan), Hong Kong và Macau là một phần của Trung Quốc trong một số phần cài đặt ngôn ngữ.
Không chỉ Huawei, nhiều thương hiệu quốc tế cũng thường xuyên dính vào câu chuyện nhạy cảm liên quan tới Đài Loan. Trước áp lực của Trung Quốc đại lục, một thị trường lớn hơn nhiều so với Đài Loan, nhiều thương hiệu đã chọn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh.
Tháng trước, hãng xe thể thao sang trọng Maserati của Ý phải cắt các quan hệ tài trợ với giải thưởng điện ảnh Kim Mã của Đài Loan. Hay hãng thời trang Christian Dior của Pháp buộc phải lên tiếng xin lỗi sau khi sử dụng bản đồ Trung Quốc không bao gồm vùng lãnh thổ Đài Loan cho một bài thuyết trình tại công ty.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ phương án vũ lực để thống nhất hòn đảo này. Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn – người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh – luôn bác bỏ các tuyên bố như vậy.
Trước áp lực và những hứa hẹn của Bắc Kinh, nhiều quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Theo Hãng tin AP, hiện chỉ 15 quốc gia, hầu hết là các nước nhỏ và nghèo, công nhận Đài Loan là “quốc gia độc lập”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31531-dai-loan-cam-ban-3-mau-dien-thoai-huawei-vi-ghi-dai-loan-tq.html

Biểu tình Hong Kong:

Một người chết sau khi bị ‘vật cứng’ đập vào đầu

Một người đàn ông 70 tuổi đã chết ở Hong Kong sau khi bị đánh vào đầu trong cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và người biểu tình.
Các quan chức cho biết người đàn ông đang trong giờ nghỉ trưa tại sở, nơi ông là một nhân viên dọn dẹp, khi bị đánh vào đầu bởi “những vật cứng do những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ tấn công”.
Sự kiện này xảy ra khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết hệ thống “một quốc gia, hai hệ thống” đang bị “thách thức”.
Bất ổn chính trị vì biểu tình tại Hong Kong đã kéo dài hơn 5 tháng.
Chưa đầy một tuần trước, Alex Chow, một sinh viên 22 tuổi, đã chết sau khi rơi xuống từ một tòa nhà trong một hoạt động của cảnh sát.
Chuyện gì đã xảy đến với ông?
Người làm công việc dọn dẹp 70 tuổi bị đánh vào đầu trong cuộc biểu tình hôm thứ Tư tại thị trấn Sheung Shui ở biên giới Hong Kong.
Video được cho là ghi lại sự việc cho thấy hai nhóm ném gạch vào nhau trước khi người đàn ông ngã xuống đất sau khi bị đánh vào đầu.
Một cảnh sát viên nói với hãng tin SCMP rằng ông ta không tham gia vào cuộc biểu tình, nhưng “chỉ chụp ảnh tại hiện trường”.
Ông đã qua đời trong bệnh viện hôm thứ Năm.
Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm (FEHD) cho biết người đàn ông này là một công nhân được mướn từ bên ngoài vào, và đang trong giờ nghỉ trưa.
Hong Kong: Cảnh sát bắn một người biểu tình
Hong Kong kêu gọi tổng biểu tình sau cái chết của một sinh viên
Biểu tình Hong Kong: Những chiếc mặt nạ qua ống kính
FEHD cũng lên án những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ, gọi những người này là “cực kỳ nguy hiểm”.
“[Họ] đã có các hành vi bạo lực ở nhiều quận khác nhau trong ba ngày liên tiếp, nơi họ cố tình tấn công các thành viên khác của công chúng”, tuyên bố nói thêm. “Các hành vi thái quá.”
Bạo động tại Hong Kong đã leo thang trong tuần này, với những trận chiến đường phố căng thẳng, đụng độ dữ dội tại các trường đại học và các nhóm đông vào giờ ăn trưa.
Hôm thứ Hai, một sĩ cảnh sát đã bắn thẳng vào người một nhà hoạt động bằng một viên đạn thật, và một người đàn ông đã bốc cháy trong khi tranh cãi với những người biểu tình chống chính phủ.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói gì?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong lúc đang phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS ở Brazil, đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ với người biểu tình.
Ông nói rằng “các hoạt vi bạo động cực đoan” trong thành phố đã “thách thức nghiêm trọng [nguyên tắc]” một quốc gia, hai hệ thống “.
Theo báo nhà nước Thời báo Hoàn cầu, ông Tập cho biết “ưu tiên cấp bách nhất của Hong Kong là chấm dứt bạo lực, hỗn loạn và vãn hồi trật tự”.
Ông cũng bày tỏ “sự hỗ trợ vững chắc” của mình cho lực lượng cảnh sát Hong Kong.
Tại sao Hong Kong có biểu tình?
Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng là một thuộc địa cũ của Anh, khu vực này có một số quyền tự trị và người ở đây cũng có nhiều quyền hơn.
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu chống lại dự luật cho phép dẫn độ về Trung Quốc – điều mà nhiều người lo ngại sẽ làm suy yếu các quyền tự do của Hong Kong
Dự luật đã được rút vào tháng 9 nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và hiện đang kêu gọi dân chủ toàn diện và một cuộc điều tra về hành vi của cảnh sát.
Đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động trở nên ngày càng dữ dội và vào tháng 10, Hong Kong đã cấm các loại mặt nạ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50429393

Trường đại học Trung Quốc ở Hong Kong nói sẽ kêu gọi

trợ giúp từ chính phủ nếu người biểu tình không giải tán

Giám đốc trường đại học Trung Quốc ở Hong Kong, Rocky Tuan, hôm 15/11 đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi những người biểu tình từ bên ngoài rời khỏi khuôn viên của trường đại học, nếu không trường sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của chính phủ.
Theo Reuters, khuôn viên trường đại học đã bị những người biểu tình chống chính phủ biến thành một pháo đài với bom xăng, nỏ và mũi tên.
Khu vực của trường là cảnh tượng của những vụ đụng độ bạo lực giữa những người biểu tình đòi dân chủ với cảnh sát.
Theo Reuters, các sinh viên và người biểu tình đã cố thủ ở ít nhất 5 giảng đường trường đại học sau 4 ngày bạo lực được coi là tội tệ nhất ở Hong Kong, nơi từng là thuộc địa của Anh trong nhiều thập kỷ, trước khi được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trong bức thư ngỏ, ông Rocky Tuan viết: “Trường đại học là nơi để học tập, không phải để giải quyết các tranh chấp chính trị, hoặc thậm chí là chiến trường để tạo vũ khí và sử dụng vũ lực…Nếu trường đại học không được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cơ bản của mình, thì chúng tôi phải tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan chính phủ liên quan để giải tỏa khủng hoảng hiện thời”.
Trong khi đó, cảnh sát Hong Kong nói rằng trường đại học Trung Quốc đang bị biến thành con tin.
Những cuộc biểu tình đòi dân chủ của người Hong Kong đã diễn ra từ khoảng đầu tháng 6 đến nay và đã có lúc thu hút hơn 1 triệu người tham gia. Những người biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong, và phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào Hong Kong. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc can thiệp vào chuyện nội bộ của Hong Kong và đổ lỗi cho các nước phương Tây đang gây bất ổn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/university-tells-non-students-to-go-now-as-hong-kong-campus-showdown-loom-11152019082212.html

Sinh viên Hong Kong chuẩn bị cố thủ,

biến đại học thành pháo đài

Sinh viên Hong Kong đã xây một pháo đài tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU), cách căn cứ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có 50 mét, theo đài CNN.
Sinh viên mặc trang phục màu đen, đeo mặt nạ, thay phiên nhau canh gác những bức tường quanh khuôn viên trường tại Hung Hom, ở trung tâm của Kowloon. Một số nhìn chăm chăm vào các ống nhòm, một số khác trang bị với cung và tên.
Đài CNN tường thuật rằng nhiều rào chắn xây vội vã bằng gạch và xi măng thô sơ đã được dựng lên trên những con đường dẫn tới nhà trường, và một đống lớn các bao nhụa chứa rác đã được tẩm xăng, đã sẵn sàng để được đốt nếu cảnh sát tới gần.
Một sinh viên đeo mặt nạ đứng canh ở cổng trường nói:
“Chúng tôi sẽ ở đây để bảo vệ nhà trường nếu cảnh sát tới.”
Sau 5 tháng bất ổn chính trị, giao thông đình trệ và bạo động ngày càng tăng, rốt cuộc các trường đại học trên khắp Hong Kong đã trở thành những bãi chiến trường mới nhất.
Những người biểu tình, đa số là sinh viên, đã trở lại chiếm quyền kiểm soát các khuôn viên đại học và biến các trường này thành những pháo đài cho sinh viên biểu tình tụ tập, đầy đủ với những kho vũ khí thô sơ và lương thực.
Chiều thứ Sáu 15/11 giờ Hong Kong, không khí bên ngoài cổng trường Đại học Bách khoa rất căng thẳng, nhiều sinh viên đã sẵn sàng với bom xăng tự chế trên tay. Sinh viên tại đây lo ngại cảnh sát có thể ra tay bất cứ lúc nào. Ngày hôm trước, cảnh sát đã bắn hơi cay gần nhà trường sau khi người biểu tình ném rác xuống một con đường gần đó để chặn giao thông.
Sinh viên ra vào bị kiểm soát túi xách vì những người biểu tình sợ nội gián, hoặc công an cảnh sát trà trộn.
Cuộc chiếm đóng Đại học Bách Khoa khởi sự sau những vụ đụng độ dữ dội nhất từng xảy ra tại Hong Kong từ khi biểu tình nổ ra hồi tháng 6 năm nay.
Ở vùng Đông-Bắc New Territories tại Đại học Hong Kong (CUHK), hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã ném hơn 1.567 can hơi cay vào đám biểu tình hôm 12/11. Cảnh sát gọi các trường đại học bị sinh viên chiếm đóng là những cái “nôi của những kẻ tội phạm và phản loạn” và “nhà máy làm vũ khí”.
Trong khi sinh viên thì cho rằng hành động trấn áp của cảnh sát là một sự xâm phạm không cần thiết, đe dọa tự do học thuật, với ý đồ chiếm đóng các trường đại học nổi tiếng, như Đại học Bách Khoa. Họ tố cáo cảnh sát là có kề hoạch phong tỏa trường đại học.
Nhưng tin tức nói rằng cho tới chiều thứ Sáu 15/11, lực lượng cảnh sát chưa có động thài nào tiến gần tới các trường, mặc dù vào chiếu tối thứ Sáu, những người biểu tình tiếp tục ngăn chặn giao thông ở các đường xung quanh để chuẩn bị cho thêm một cuộc đối đầu khác nữa với chính quyền.
Sinh viên Hong Kong vẫn khẳng định là phong trào chống đối của họ không có lãnh đạo, nhưng theo đài CNN, thì mức độ phối hợp hành động tại các trường đại học Hong Kong có thể nói là “chuyên nghiệp.”
Một sinh viên biểu tình nói:
“Chúng tôi không có một kế hoạch cho những gì diễn ra vào ngày mai. Nhưng ngay bây giờ, thì chúng tôi hiểu là chúng tôi sẽ ở đây để bảo vệ nơi này.”
https://www.voatiengviet.com/a/sinh-vien-hong-kong-chuan-bi-co-thu-bien-dai-hoc-thanh-phao-dai/5167692.html

Hồng Kông hiện đại chiến đấu

bằng vũ khí thời Trung Cổ

Thụy My
Giàn ná khổng lồ bằng gỗ, những phi tiễn đỏ rực được bắn đi bằng cung, bom xăng tự tạo, bàn chông bằng tre chắn đường…Để đối phó với cảnh sát, người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông phối hợp giữa các chiến thuật thời hiện đại và thời Trung Cổ.
Từ đầu tuần, rất nhiều đường phố, ngã tư và đại lộ ở trung tâm tài chính nổi tiếng này đã bị phong tỏa bằng nhiều bàn chông tre và những rào chắn thô sơ, theo kiểu đã dùng trong những cuộc chiến cách đây nhiều thế kỷ.
Các trường đại học trở thành tâm chấn của phong trào, và trong những ngày qua, một số trường đã thành bãi chiến trường thật sự. Những vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra trong nhiều tiếng đồng hồ ngay trong khuôn viên nhà trường.
Sinh viên khẳng định phải bảo vệ trường đại học đang bị cảnh sát đe dọa. Họ được tăng cường bởi những người biểu tình tích cực nhất mặc trang phục màu đen, đây là lực lượng xung kích chuyên đối đầu với cảnh sát. Cùng với thời gian, kho vũ khí lâu nay chủ yếu là gạch đá và bom xăng đã được nhóm xung kích đã bổ sung vào đủ loại khó thể tưởng tượng.
Đứng hàng đầu là dụng cụ thể thao : những ngọn lao, cung và tên lấy được trong kho của nhà trường. Những cây vợt tennis được dùng để đánh trả lại những quả banh cao su do cảnh sát bắn ra. Với những chiếc ghế và các tấm nệm trong phòng ký túc xá, họ dựng lên những rào chắn để tự vệ trước những viên đạn cao su.
Tại một trong những thành phố hiện đại nhất châu Á, dưới chân những tòa nhà chọc trời, người biểu tình vốn hàng ngày cầu viện đến công nghệ mới để tổ chức phong trào, cũng sáng tạo ra các kỹ thuật xứng tầm…Trung Cổ.
Họ chế ra những chiếc ná bằng gỗ khổng lồ để bắn đi các chai bom xăng tự tạo. Bên cạnh đó là những bẫy rập bằng kim loại trong có chứa các ống nhựa và đinh, cùng với vô số viên gạch đặt rải rác trên mặt đường để cản trở không cho cảnh sát tiến lên. Khoảng một ngàn người biểu tình sẵn sàng chiến đấu tại trường đại học Bách Khoa Hồng Kông, đề phòng cảnh sát tấn công.
Xưởng vũ khí
Khu đại học này nằm gần đường hầm Cross Harbour Tunnel, đường ống ngầm dưới biển, một trong những con đường nối đảo  Hồng Kông với Hoa lục. Người biểu tình tối thứ Tư đã phong tỏa tuyến đường huyết mạch này, bố trí một chiếc máy bắn đá thô sơ để làm cảnh sát thối chí, không muốn vượt qua rào cản của họ. Một thanh niên 23 tuổi xưng tên là Ah Fai cảnh cáo : « Nếu cảnh sát tới, chúng tôi sẽ đón tiếp bằng gạch, bom xăng, phi tiễn ».
Các bức ảnh của AFP cho thấy một phi tiễn được một người biểu tình bắn đi. Trong một video trên mạng xã hội, những người biểu tình vui mừng sau khi phóng thành công những mũi tên rực lửa bằng chiếc máy bắn thô sơ.
Sau hơn năm tháng trời đấu tranh, phong trào không thủ lãnh vẫn duy trì các đặc thù : tinh thần sáng tạo và tính tập thể. Trước một chính quyền nhất quyết không nhượng bộ và lực lượng cảnh sát có nhiều hành động thô bạo, người biểu tình cũng ngày càng bạo lực hơn.
Hôm thứ Năm, các sinh viên đại học Bách Khoa Hồng Kông đã lập ra một « hàng rào hải quan », khám xét tất cả những ai muốn vào, kể cả các nhà báo. Michael, một sinh viên 23 tuổi giải thích : « Đó là để ngăn cảnh sát chìm trà trộn. Tôi không biết sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng dù sao có còn hơn không ».
Cảnh sát cáo buộc người biểu tình biến khuôn viên của trường đại học Trung Văn của Hồng Kông vốn danh giá, thành một bãi chiến trường, thành xưởng vũ khí. Trước báo chí, phát ngôn viên cảnh sát tố cáo « những kẻ nổi dậy » quăng bom xăng, bắn những mũi tên lửa vào một đội tuần tra. Về phía cảnh sát thì sử dụng dùi cui, đạn cao su, hơi cay, vòi rồng và súng lục. Hôm thứ Hai đầu tuần, một thanh niên tay không bị cảnh sát bắn thẳng vào bụng, gây phẫn nộ cho người dân Hồng Kông.
Màu sắc Trung Cổ có lẽ là một trong những bất ngờ của phong trào đấu tranh ở thành phố hiện đại Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191115-hong-kong-hien-dai-chien-dau-bang-vu-khi-thoi-trung-co

Hồng Kông:

Giới tranh đấu chuyển sang chiến thuật ”du kích”

Trọng Thành
Từ đầu tuần đến nay, 5 ngày liên tiếp Hồng Kông rơi vào trạng thái gần như tê liệt. Những người phản kháng chuyển sang chiến thuật ”đánh du kích”, với tên gọi chính thức là ”Hoa Nở Khắp Nơi” (Bian Di Kai Hua).
Sau hơn 5 tháng biểu tình ôn hòa, với sự tham gia của đông đảo dân chúng, không gặt hái thành công, chính quyền thân Bắc Kinh tiếp tục bịt tai nhắm mắt trước các yêu sách đòi dân chủ, giới tranh đấu đặc khu Hồng Kông quyết định chọn chiến thuật mới. Cụ thể là, các nhóm nhỏ, chủ yếu là sinh viên, bất ngờ tổ chức các hoạt động phản kháng ở quy mô nhỏ, phong tỏa giao thông, gây khó khăn tối đa cho cảnh sát.
Ngày 14/11/2019, các trục đường chính của thành phố bị ngăn chặn bằng nhiều hàng rào bằng tre, bằng gạch, hay đủ mọi loại phương tiện khác. Hệ quả là một trong ba xa lộ ngầm chủ yếu của thành phố bị đóng cửa, nhiều trạm xe điện ngầm, tuyến xe buýt bị hủy bỏ. Toàn bộ thành phố 7,5 triệu dân gần như tê liệt. Rất nhiều trường phổ thông và đại học bị đóng cửa. Tại nhiều bệnh viện, chỉ có bộ phận cấp cứu là còn hoạt động. Buôn bán giao thương bị đình trệ.
Chính quyền Hồng Kông buộc phải yêu cầu các công ty đối xử nhẹ nhàng với các nhân viên không thể đến nơi làm việc do tình trạng giao thông công cộng bị tắc nghẽn. Cựu thuộc địa Anh Quốc đang sống trong tình trạng khủng hoảng chưa từng có, kể từ năm 1997, tức từ khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh.
Đặc khu hành chính này dường như như rơi vào tình trạng bế tắc cao độ, với thái độ cương quyết của cả hai bên. Người biểu tình cảm nhận là đang bị chính quyền đẩy vào chân tường, với việc các quyền tự do dân chủ đang bị hủy diệt dần mòn và họ quyết kháng cự đến cùng. Phía chính quyền đặc khu và chính quyền trung ương cũng tỏ ra sẽ không nhân nhượng trước ”áp lực của đường phố”.
Đụng độ trong tuần qua gia tăng về cường độ. Theo một số nhà quan sát, cảnh sát Hồng Kông, thông thường vốn rất hiệu quả, trong việc kiểm soát an ninh trên các tuyến đường metro, giờ đây tỏ ra quá tải. Riêng ngày 13/11, theo chính quyền, 70 người phải nhập viện, trong đó có hai người trong tình trạng nguy ngập. Một trong hai người hôm nay đã qua đời tại bệnh viện. Nạn nhân là một người đàn ông qua đường 70 tuổi, bị trúng gạch vào đầu, trong một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Không khí đặc biệt căng thẳng tại các trường đại học. Cảnh sát tố cáo sinh viên biến Đại học Trung Văn nổi tiếng Hồng Kông thành nơi ”sản xuất vũ khí”. Trên thực tế, nhiều trường đại học biến thành ”các đại bản doanh”, thành những công trường chế vũ khí thô sơ, như thời Trung Cổ, nơi giới trẻ tập hợp chế tạo tên tẩm dầu lửa, máy bắn gạch, bắn bom xăng…
Cảnh sát cáo buộc ”những kẻ bạo động” bắn tên vào lực lượng cảnh sát tuần tra gần Đại học Bách Khoa Hồng Kông. Hôm 14/11/2019, sinh viên Đại học Bách Khoa phong tỏa trường học, bất cứ ai vào trường cũng bị kiểm soát, kể cả các nhà báo. Các sinh viên hy vọng cảnh sát mặc thường phục không trà trộn được vào hàng ngũ sinh viên.
Căng thẳng tăng thêm một nấc vào trưa hôm thứ Năm 14/11, khi nhật báo Global Times, thân cận với chính quyền Bắc Kinh, khẳng định chính quyền đặc khu sẽ thiết quân luật trong dịp nghỉ cuối tuần này, để ngăn chặn bạo động. Tuy nhiên, một nửa giờ sau, thông tin này bất ngờ bị xóa bỏ. Chính quyền Hồng Kông không đưa ra bình luận về việc thông tin trên.
Giới tranh đấu Hồng Kông dường như tiến hành chiến thuật du kích trên nhiều mặt trận. Một mặt, với các hành động bạo lực ở quy mô nhỏ, như đã nói ở trên. Mặt khác, dường như họ cũng để cho chính quyền một cơ hội trong đàm phán. Theo thông tín viên RFI Florence de Changy, có mặt tại chỗ, hôm 15/11, những người biểu tình đã chấp nhận mở lại một trong các xa lộ quan trọng nhất. Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ. Họ đe dọa sẽ đóng cửa xa lộ này, nếu lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga không giữ lời hứa sẽ tiến hành bầu cử cấp quận, như dự kiến trong một tuần nữa.
Không khí căng thẳng dường như đang dâng đến đỉnh điểm. Ứng xử của chính quyền đặc khu và phong trào phản kháng trong hai ngày cuối tuần này sẽ là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng Hồng Kông sẽ đi về đâu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191115-hong-kong-gioi-tranh-dau-chuyen-sang-chien-thuat-du-kich

Lãnh đạo tư pháp Hồng Kông

bị người đòi dân chủ ”tấn công”

Trọng Thành
Thêm một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng Hồng Kông trầm trọng hơn. Tối hôm qua, 14/11/2019, lãnh đạo ngành tư pháp Hồng Kông, trong chuyến công du Anh, tại Luân Đôn, đã bị hàng chục người đòi dân chủ la ó phản đối. Trong không khí hỗn loạn, bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) bị ngã.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên án một vụ ”hành hung dã man”.
Theo AFP, một số đoạn video ngắn quay lại cảnh người phụ trách tư pháp Hồng Kông ngã xuống đất, trong không khí gào thét phẫn nộ vang động. Hiện không rõ có phải bà Trịnh Nhược Hoa bị những người phản đối trực tiếp xô ngã hay không. Sau khi bị ngã, lãnh đạo ngành tư pháp Hồng Kông đã đứng dậy và được các nhân viên bảo vệ đưa đi. Lãnh đạo Hồng Kông khẳng định bà Trịnh Nhược Hoa ”bị thương nặng”.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngay lập tức lên án Luân Đôn ”rót dầu vào lửa”, ”gieo rắc bất đồng” và ”kích động” bầu không khí hỗn loạn.
Theo giới quan sát, kể từ khi phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc từ đầu mùa hè đến nay, chưa bao giờ một thành viên của chính quyền Hồng Kông lại bị những người đòi dân chủ tấn công một cách dữ dội như vậy.
Lãnh đạo tư pháp Hồng Kông bị người biểu tình lên án là ”kẻ giết người”. Bà Trịnh Nhược Hoa là một trong các thành viên chính phủ bị căm ghét nhất tại Hồng Kông. Bà bị coi là một trong những người chủ trì dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc, được coi là tia lửa làm bùng lên phong trào phản kháng từ nhiều tháng qua, khiến đặc khu Hồng Kông lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Chính quyền Hồng Kông sau đó đã phải hủy bỏ dự luật nhưng vẫn không khiến cho phong trào lắng xuống. Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát diễn ra gần như hàng ngày. Hôm qua, một người đàn ông 70 tuổi qua đời tại bệnh viện sau khi bị gạch ném vào đầu, trong một cuộc xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.
Cơ quan tư pháp do bà Trịnh Nhược Hoa chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ hàng nghìn người biểu tình bị bắt giữ, kể từ tháng 6/2019.
Hàng ngàn người xuống đường bất chấp đe dọa của Bắc Kinh
Về tình hình tại chỗ, hôm nay là ngày thứ năm liên tiếp, hàng ngàn người đòi dân chủ tiếp tục xuống đường bất chấp đe dọa, của chủ tịch Trung Quốc, rút lại quy chế tự trị dành cho đặc khu.
Đa số người tham gia tuần hành hôm nay là các nhân viên văn phòng. Họ hát vang bài ca ”Stand with Hongkong” (Đoàn kết với Hồng Kông). Những người biểu tình giơ cao bàn tay với năm ngón mở rộng, tượng trưng cho năm yêu sách của phong trào đòi dân chủ, trong đó có yêu sách người dân bầu chọn trực tiếp lãnh đạo đặc khu.
Kể từ thứ Hai, những người tranh đấu Hồng Kông thay đổi chiến thuật, khởi sự chiến dịch gọi là ”Hoa Nở Khắp Nơi” (Bian Di Kai Hua), cụ thể là tổ chức các cuộc phản pháng ở mọi nơi mọi chỗ, làm tê liệt tối đa các hoạt động tại thành phố, khiến cảnh sát trở tay không kịp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191115-lanh-dao-tu-phap-hong-kong-nguoi-doi-dan-chu-tan-cong

Trung Quốc lên án vụ tấn công bà Teresa Cheng ở London

Trung Quốc lên án việc người biểu tình ở London tấn công người đứng đầu cơ quan tư pháp Hong Kong vào chiều tối thứ Năm.
Một người chết vì bị đập vào đầu trong cuộc biểu tình Hong Kong
Biểu tình HK ảnh hưởng xấu Cathay Pacific
Bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) bị ngã, nhập viện vì bị thương ở cánh tay, sau khi 30 bị người biểu tình bao vây.
Người phát ngôn của Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói một số người ở Anh “đã ủng hộ hành vi bạo lực gây ra hỗn loạn” ở Hong Kong.
Năm tháng qua đã chứng kiến biểu tình liên tục tại đặc khu hành chính Hong Kong thuộc Trung Quốc.
Bà Teresa Cheng , giữ chức đứng đầu ngành tư pháp Hong Kong (Justice Secretary) có mặt ở khu Camden, bắc London để quảng bá Hong Kong là trung tâm giúp giải quyết tranh chấp thương mại.
Video quay lại cho thấy khi bà chuẩn bị đi vào Viện Trọng tài Quốc tế thì người biểu tình bao vây bà.
Một số người cầm biểu ngữ, hét “kẻ giết người”, và trong lúc xô đẩy, bà Teresa Cheng ngã xuống đất.
Cảnh sát London nói chưa bắt ai nhưng đang điều tra cáo buộc hành hung.
Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc, nói vụ tấn công “liên hệ trực tiếp tới một số chính trị gia Anh nhầm lẫn về Hong Kong, và sự ủng hộ của họ dành cho hành vi bạo lực”.
Ông nói nếu Anh không thay đổi thái độ, “tiếp tục đổ dầu vào lửa, gây bất hòa”, thì Anh sẽ “tự mang họa vào thân”.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố “hành vi hoang dã” đã xâm phạm chuẩn mực xã hội văn minh.
Văn phòng bà Teresa Cheng thì nói bà “trách đám đông bạo lực ở London làm bà bị đau nghiêm trọng”.
Người biểu tình nói bà Cheng đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy dự luật dẫn độ.
Biểu tình kéo dài
Tất cả các trường học Hong Kong đóng cửa hôm thứ Năm 14/11, khi vùng lãnh thổ này đối mặt với một ngày bạo loạn leo thang.
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu, phản đối dự luật chống dẫn độ về Trung Quốc đại lục, điều mà nhiều người lo sợ sẽ hủy hoại các quyền tự do của Hong Kong.
Một người đàn ông 70 tuổi đã chết ở Hong Kong sau khi bị đánh vào đầu trong cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và người biểu tình.
Các quan chức cho biết người đàn ông đang trong giờ nghỉ trưa tại sở, nơi ông là một nhân viên dọn dẹp, khi bị đánh vào đầu bởi “những vật cứng do những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ tấn công”.
Sự kiện này xảy ra khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết hệ thống “một quốc gia, hai hệ thống” đang bị “thách thức”.
Chưa đầy một tuần trước, Alex Chow, một sinh viên 22 tuổi, đã chết sau khi rơi xuống từ một tòa nhà trong một hoạt động của cảnh sát.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói gì?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong lúc đang phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS ở Brazil, đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ với người biểu tình.
Ông nói rằng “các hoạt vi bạo động cực đoan” trong thành phố đã “thách thức nghiêm trọng [nguyên tắc]” một quốc gia, hai hệ thống “.
Theo Thời báo Hoàn cầu của nhà nước TQ, ông Tập cho biết “ưu tiên cấp bách nhất của Hong Kong là chấm dứt bạo lực, hỗn loạn và vãn hồi trật tự”.
Ông Tập cũng bày tỏ “sự hỗ trợ vững chắc” cho lực lượng cảnh sát Hong Kong.
Số liệu công bố hôm 15/11/2019 cho hay sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, kinh tế Hong Kong lần đầu rơi vào suy thoái sau một thập niên.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50422030

Về vấn đề Biển Đông TQ lại nói ngược

Ngày 13-11, trả lời câu hỏi liên quan đến phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 8-11 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-11-2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này.
“Vừa ăn cướp vừa la làng”
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong phát biểu đưa ra ngày 8-11 vừa qua đã một lần nữa tuyên bố sai trái rằng “Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc”. Ông Cảnh Sảng còn ngang nhiên “đổi trắng thay then” lên giọng với hàm ý đe dọa rằng “Việt Nam chớ làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông”.
Đây không phải lần đầu tiên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra tuyên bố hoàn toàn sai trái về vấn đề Biển Đông cũng như chủ quyền trên vùng biển chiến lược này. Đặc biệt, trong suốt thời gian từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10 vừa qua, khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát
Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở bãi Tư Chính, ông Cảnh Sảng đã nhiều lần ngạo ngược tương tự như vậy.
Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, song Trung Quốc lại “đổi trắng thay đen” khi biến “thủ phạm” thành “nạn nhân” và ngược lại, lớn tiếng cho rằng Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính (phía Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) để từ đó “đòi” Việt Nam phải chấm dứt việc “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Ông Cảnh Sảng đã liên tục lặp đi lặp lại kể từ khi phía Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu vũ trang hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10-2019.
Trong những lần “lên giọng” như vậy, ông Cảnh Sảng thường lặp đi lặp lại rằng, Trung Quốc “có chủ quyền tại quần đảo Nam Sa và các quyền lợi tương ứng đối với các vùng biển xung quanh quần đảo này”. Thậm chí, ông Cảnh Sảng còn cáo buộc, Việt Nam vi phạm các văn bản quốc tế song phương và đa phương đã ký kết với Trung Quốc như: Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982”. Có thể thấy, Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông mà còn giở trò “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Kẻ hung hăng, đe dọa ở Biển Đông
Việt Nam đã công bố những bằng chứng, lập luận dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982 để chứng minh và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển thuộc vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của mình. Điều này đã được dư luận và cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Về vị trí địa lý, khu vực Tư Chính cách bờ biển Vũng Tàu của Việt Nam khoảng 160 hải lý, cách các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988 khoảng 230 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 600 hải lý. Trong khi đó, theo Công ước UNCLOS 1982, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Theo Điều 56 của Công ước UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó.
Cũng theo Công ước UNCLOS 1982, thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Điều 76 của công ước này quy định rất rõ ràng là thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý), nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m.
Điều 77 của Công ước UNCLOS 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Đáng chú ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Như vậy, căn cứ theo Công ước UNCLOS 1982, khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) hoàn toàn nằm ngoài bất cứ vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa hợp pháp nào của Trung Quốc được công nhận theo Công ước UNCLOS 1982.
Không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để ráo riết tiến hành quân sự hóa các đảo và thực thể chiếm đóng trái phép ở trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lấy đó làm căn cứ quân sự, làm bàn đạp để hiện thực hóa tham vọng “độc chiếm” Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đã bị bác bỏ bởi luật pháp quốc tế. Những hành vi hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã đe dọa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; đồng thời làm căng thẳng tình hình Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Ủng hộ lập trường và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Trong phát biểu ngày 13-11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc.
Lập trường kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông bằng tất cả những biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời coi trọng quan hệ với Trung Quốc cũng như coi trọng duy hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhất là ở khu vực, và dư luận thế giới ủng hộ, đánh giá cao. Việc Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường đàm phán hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực đã được các quốc gia khu vực và thế giới đồng tình, coi đó là giải pháp đúng đắn duy nhất hiện nay.
Trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã liên tục chỉ trích các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác. Ngay tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra đầu tháng 11 tại Thái Lan, Cố vấn An ninh quốc gia kiêm Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, Robert O’Brien đã chỉ trích đích danh Trung Quốc đang “hăm dọa” và “cản trở” các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành hoạt động hợp pháp khai thác nguồn dầu khí trên Biển Đông.
Báo mạng “Thế giới đa cực” của Nga mới đây đã có bài viết “Các nước ASEAN điều chỉnh cách tiếp cận ở Biển Đông” cho biết, nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác trong ASEAN, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông. Bên cạnh đó, theo bài báo, nhiều chuyên gia, học giả từ các quốc gia ở khu vực này cũng ủng hộ lập trường của Việt Nam và chỉ trích các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam đã thể hiện một lập trường rõ ràng, hợp lý và nhất quán, luôn cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
http://biendong.net/dam-luan/31529-ve-van-de-bien-dong-tq-lai-noi-nguoc.html

TQ là ‘nhà nước độc tài hàng đầu’ về giám sát và kiểm duyệt

Giám đốc công nghệ Hoa Kỳ (CTO) Michael Kratsios nhận định chính quyền Bắc Kinh đã xây dựng “một nhà nước độc tài hàng đầu” trên thế giới về giám sát và kiểm duyệt, theo Epoch Times.
Hiện là phó trợ lý cho Tổng thống tại Văn phòng Nhà trắng về Chính sách Công nghệ và Khoa học, ông Kratsios cũng cảnh báo các nước không nên “chào đón” các công ty Trung Quốc cho các dự án hạ tầng then chốt như công nghệ mạng 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong bài phát biểu quốc tế quan trọng đầu tiên của mình tại Hội nghị mạng cấp cao Toàn cầu 2019 ở Lisbon, Bồ Đào Nha hôm 7/11/2019, ông Kratsios đã trình bày về những nỗ lực của chính quyền Trump, nhằm dẫn đầu trong các công nghệ mới nổi. Ông thúc giục nếu Mỹ không hành động ngay bây giờ, thì sự ảnh hưởng và kiểm soát về công nghệ của chính quyền Trung Quốc, sẽ không chỉ làm suy yếu các quyền tự do của công dân Trung Quốc, mà còn của mọi công dân trên thế giới.
Theo Epoch Times, phần lớn bài phát biểu của ông Kratsios được dành cho việc thúc giục Mỹ và châu Âu hợp tác trong việc nắm lấy đổi mới công nghệ, để bảo vệ hệ thống tự do chung, chống lại kẻ thù của mình, kẻ đang tìm cách làm suy yếu các giá trị chung Âu-Mỹ.
Tại Hội nghị, ông Kratsios đã chỉ ra tập đoàn khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc là một ví dụ về việc chính quyền Trung Quốc “mở rộng chủ nghĩa độc tài ra nước ngoài”.
“Nếu chúng ta cho phép Bắc Kinh có được mức độ tiếp cận và ảnh hưởng sâu sắc như vậy trong hệ thống công nghệ của mình, chúng ta sẽ có rủi ro lặp lại những sai lầm tương tự mà các nhà lãnh đạo của đất nước chúng ta, đã gây ra gần 20 năm trước. Năm 2001, các nhà lãnh đạo của chúng ta đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hy vọng rằng khi chúng ta mở cửa nền kinh tế của mình với họ, đất nước Trung Quốc sẽ tự do hóa về chính trị và kinh tế. Nhưng thay vào đó, Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta. Họ buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao những công nghệ có giá trị, để được tiếp cận vào thị trường của họ, và bây giờ, họ yêu cầu quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu, thông tin và bí mật có trên bất kỳ máy chủ nào ở Trung Quốc”, ông Kratsios nhấn mạnh.
Ông Kratsios lưu ý theo luật pháp Trung Quốc, Huawei và tất cả các công ty Trung Quốc khác, phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh Trung Quốc, bất kể việc công ty thực sự hoạt động ở đâu, trong nước hay ở nước ngoài.
Chính quyền Trump: Thảm họa nhân quyền Trung Quốc là ‘vết nhơ thế kỷ’
Ông Kratsios cũng đề cập đến các báo cáo về việc các thiết bị Huawei được lắp đặt tại các trụ sở chính của Liên minh châu Phi, với hệ thống máy tính của Liên minh, sau đó bị tin tặc tấn công, và dữ liệu bị chuyển đến các máy chủ ở Thượng Hải. Điều này đã xảy ra “mỗi đêm trong 5 năm”, ông Kratsios nhấn mạnh.
Phát biểu với tờ Epoch Times gần đây, ông Charity Wright, cố vấn tình báo không gian mạng tại IntSights với 15 năm kinh nghiệm với Quân đội và Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ, nhận định chính quyền Trung Quốc có đại diện ở hầu hết các công ty lớn ở Trung Quốc, có nghĩa là tất cả họ đều có cùng mục đích trong việc thực hiện các mục tiêu của nhà nước Trung Quốc.
Phản ứng trước phát biểu của ông Kratsios, công ty Huawei đã đưa ra một tuyên bố hôm 7/11, bác bỏ các khẳng định của ông Kratsios.
Tự khẳng định là “một công ty tư nhân 100%, thuộc sở hữu hoàn toàn của các nhân viên công ty”, Huawei tuyên bố họ không kiểm soát hoặc truy cập dữ liệu trong trụ sở của Liên minh châu Phi, biện bạch rằng nó được quản lý và vận hành bởi các nhân viên công nghệ thông tin của Liên Minh.
Theo ông Kratsios, Mỹ đã bị “buộc phải thực hiện các biện pháp” để ngăn chặn sự xâm nhập của cơ sở hạ tầng công nghệ, đánh cắp nghiên cứu và đổi mới của Mỹ, và sử dụng công nghệ có được để vi phạm nhân quyền. Trung Quốc là thủ phạm hoạt động gián điệp kinh tế tích cực nhất ở Mỹ, theo báo cáo về Chính sách Thương mại và Sản xuất của Nhà Trắng.
“Chúng ta có ý định đưa ra những lựa chọn đúng đắn vào lúc này, và có can đảm để thực hiện những lời nói của mình bằng hành động. Chính phủ Mỹ có lập trường vững chắc, và chúng ta không thể làm điều này nếu không có châu Âu và các đồng minh trên khắp thế giới”, ông Kratsios nhận xét.
Hồi tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, cho phép chính quyền Mỹ ngăn chặn việc mua thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất, được coi là rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ. Chính quyền Trump cũng đã vận động các quốc gia khác, chống lại việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei.
Bài phát biểu của ông Kratsios được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Ajit Pai, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, đưa ra những nhận xét tương tự về mục đích và ngôn từ, tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận.
Ông Pai coi ưu thế của Huawei trong 5G, là “một mối quan tâm lớn” đối với Mỹ, khi nó có thể mở ra cánh cửa cho các hoạt động giám sát, gián điệp và các mối nguy hiểm khác.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31486-tq-la-nha-nuoc-doc-tai-hang-dau-ve-giam-sat-va-kiem-duyet.html

TQ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt gia cầm Mỹ

Bắc Kinh ngày 14/11 dỡ bỏ lệnh cấm gần 5 năm nay đối với việc nhập khẩu thịt gia cầm từ Mỹ, một động thái mà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói sẽ mở đường cho các chuyến hàng thường niên tới Trung Quốc trị giá 1 tỷ đô la.
Quyết định của Trung Quốc được đưa ra giữa lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách chung quyết một thỏa thuận thương mại chừng mực.
Quyết định này cũng bắt nguồn từ việc khan hiếm thịt ở Trung Quốc sau dịch bệnh cúm lợn Châu Phi làm chết đi hàng triệu con lợn trong năm qua tại xứ sở yêu thích thịt heo.
Trung Quốc, nhà tiêu thụ thịt heo hàng đầu thế giới, có phần chắc sẽ mua tất cả các loại gà, gà Tây, và vịt của Mỹ để bù trừ vào tình trạng khan hiếm thịt lợn, ông Jim Sumner, chủ tịch Hội đồng xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ, một nhóm công nghiệp, cho biết.
Loan báo của Trung Quốc khiến cổ phần các hãng sản xuất gia cầm Mỹ tăng lên.
Bắc Kinh cấm nhập trứng và thịt gia cầm Mỹ từ đầu năm 2015 vì dịch cúm gia cầm bùng phát, đóng cửa thị trường từng tiêu thụ sản phẩm gia cầm từ Mỹ vào năm 2013 trị giá 500 triệu đô la, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Bắc Kinh áp thuế quan khoảng 25% lên hàng gia cầm Mỹ từ trước lệnh cấm, ông Sumner cho biết.
Trung Quốc trước đây từng là nhà nhập khẩu lớn về sản phẩm chân gà, cánh gà, cung cấp thị trường béo bở cho các phần thịt gà mà người Mỹ thường không ăn.
“Trung Quốc là một thị trường quan trọng cho sản phẩm thịt gia cầm trong quá khứ và chúng tôi mong cơ hội xuất khẩu mới sẽ đơm hoa kết trái từ việc mở cửa này,” nhà sản xuất Tyson Foods cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-b%E1%BB%8F-l%E1%BB%87nh-c%E1%BA%A5m-nh%E1%BA%ADp-kh%E1%BA%A9u-th%E1%BB%8Bt-gia-c%E1%BA%A7m-m%E1%BB%B9/5166602.html

Cambodia trả tự do cho hơn 70 nhà hoạt động đối lập


Tin từ Phnom Penh, Cambodia – Hôm thứ năm (14/11), thủ tướng Cambodia Hun Sen cho biết, ông ra lệnh trả tự do cho hơn 70 nhà hoạt động đối lập.
Những người này bị bắt giữ trong những tuần gần đây, và bị cáo buộc có âm mưu lật đổ chính phủ. Ông Hun Sen phải chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng về việc cải thiện hồ sơ nhân quyền của ông. Liên minh châu Âu đe dọa rút các lợi ích thương mại quan trọng của nước này. Trong một bài phát biểu tại một nhà máy xi măng, ông Hun Sen yêu cầu các cơ quan tư pháp nhanh chóng trả tự do các nhà hoạt động trên.
Vào Thứ Bảy tuần trước (9/11), Cambodia bắt giữ hàng chục người trong một cuộc tranh cử. Tại thời điểm đó, ông Sam Rainsy, một nhân vật đối lập kỳ cựu nói rằng, ông sẽ trở về từ nơi lưu đày để biểu tình phản đối ông Hun Sen. Tuy nhiên, ông đã không quay trở về Cambodia do bị chặn lại ở Paris trước khi lên chuyến bay đến Thái Lan.
Bà Mu Sochua, phó chủ tịch đảng Cứu Quốc gia Cambodia lên tiếng rằng, việc thả các nhà đối lập trên là một mưu mẹo. Bà cho biết, đây là một chiến thuật nhượng bộ khác của ông Hun Sen để chia rẽ và chinh phục.
Trước đó, hôm thứ năm (7/11), ông Sam Rainsy nói với các phóng viên rằng, trong chuyến đi của ông đến Indonesia, ông sẽ gặp các thành viên quốc hội nước này và hy vọng sẽ sớm trở lại Cambodia. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cambodia-tra-tu-do-cho-hon-70-nha-hoat-dong-doi-lap/

Người Singapore khuyên người Philippines

nên làm gì để giữ chủ quyền ở Biển Đông

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2016, ông Rodrigo Duterte nhẽ ra phải tận dụng và phát huy thành quả có lợi mà chính quyền tiền nhiệm của nước này giành được nhờ vào phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật biển (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa này nhằm bảo vệ chủ quyền chính đáng của Philippines ở Biển Đông. Nhưng ông Duterte lại chọn con đường “cầu thân” với Trung Quốc, lảng tránh việc bảo vệ, đòi hỏi chủ quyền; tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong thăm dò, khai thác tài nguyên tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chính Philippines. Những tưởng, hành động “làm lợi” cho Trung Quốc như vậy thì người dân Philippines sẽ được yên thân làm ăn trên vùng biển của nước mình. Nào ngờ, tháng 6/2018, ngư dân Philippines đánh cá ở gần bãi cạn Scarborough đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc cướp hết số cá đánh được. Gần đây hơn, ngày 09/06/2019, tàu cá Trung Quốc lại đâm chìm tàu cá của ngư dân Philipines đang neo đậu ở vùng biển gần bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc họ bị nạn trên biển. Quan sát 2 cách thức hành xử của chính quyền Philippines và Trung Quốc như vậy, tờ The Straits Times ngày 26/08/2019 đã “lo lắng” thay cho người Philippines mà có bài phân tích và “khuyên” người Philippines nên làm gì để giữ chủ quyền ở Biển Đông. Dưới đây xin tóm lược những ý chính của lời “khuyên” đó:
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8/2019, chuyến thăm lần thứ 5 kể từ khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Duterte đã nêu lại phán quyết ngày 12/07/2016 của PCA, vốn có lợi cho Philippines, nhưng Trung Quốc vẫn không thay đổi lập trường trong vấn đề này. Thực ra, đây chỉ là nỗ lực tượng trưng của ông Duterte nhằm xoa dịu các phe phái trong nước vì họ không hài lòng với cách tiếp cận nhượng bộ của ông với Trung Quốc thời gian gần đây. Trước đó, hồi tháng 4/2019, khi tham dự diễn đàn “Vành đai và con đường” tại Trung Quốc, ông Duterte đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại rằng, Bắc Kinh không công nhận phán quyết của PCA, vì vậy Manila cũng không mặn mà thúc đẩy sâu vấn đề này. Nhiều quan chức hàng đầu của Manila cho rằng, việc Bắc Kinh dường như sẵn sàng nhất trí về một thỏa thuận phát triển dầu khí là ngầm chấp nhận
Philippines có quyền chủ quyền duy nhất tại EEZ của nước này. Thỏa thuận này được xây dựng như một hợp đồng dịch vụ, với việc một công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ và Philippines chi trả cho phần công việc được thực hiện.
Nếu Bắc Kinh ký giao kèo về “đường chín đoạn”, hiệp định có thể đem lại một mô hình cho các nước ven biển khác, trong đó có Việt Nam, nỗ lực ký kết các thỏa thuận có thể đảm bảo rằng, các nước ven biển thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong EEZ của họ với sự hỗ trợ hay ít nhất là sự ngầm thừa nhận của Trung Quốc. Đây có thể là sự đảo ngược đáng kể từ cách tiếp cận hiện nay của Bắc Kinh. Hiện, Trung Quốc thường cản trở và thậm chí xâm phạm các quyền kinh tế mà các nước ven biển được hưởng trong EEZ của họ.
Tuy nhiên, sự phát triển trong chính sách đối ngoại của Philippines gần đây nhìn chung đã và đang gặp nhiều rắc rối. Tổng thống Duterte đã giải thích sự kiện ngày 09/06/2019 bằng lời khẳng định rằng, năm 2016 ông đã đồng ý trên lời nói là Trung Quốc có quyền đánh cá trong EEZ của Philippines. Việc làm này của ông đã củng cố sự khẳng định của Trung Quốc rằng, họ có quyền đánh cá trong EEZ của Philippines, gây phương hại cho Philippines và ngư dân nước này.
Những diễn biến trên đã làm tổn thương Philippines và người dân Philippines, những người mà ông Duterte cam kết sẽ cải thiện cuộc sống của họ. Chúng cũng gây bất lợi cho trật tự dựa trên nguyên tắc củng cố hòa bình và ổn định cho tất cả các nước.
Sự xói mòn trật tự này có nghĩa là, trong trường hợp tốt đẹp nhất thì nó kiềm chế quyền tự do hành động của các nước yếu hơn, còn trong trường hợp tồi tệ nhất thì có thể dẫn đến tình trạng bất ổn và chiến tranh. Ông Duterte đã theo đuổi một cách đúng đắn quyết tâm của mình là tránh chiến tranh, nhưng cách hành xử của ông với Trung Quốc lại mắc sai lầm, vì ít nhất 3 lý do sau: (1) Philippines đã không cân nhắc một cách phù hợp rằng, khi một trật tự dựa trên nguyên tắc bị sụp đổ, thì những bức tường thành chống lại xung đột công khai cũng sụp đổ theo. Trong trường hợp đó, những nước yếu hơn như Philippines chắc chắn sẽ chịu tác động tồi tệ nhất. (2) Cách tiếp cận của ông Duterte hạn chế một cách sai lầm những sự lựa chọn của Philippines trước Trung Quốc. (3) Chiến tranh là không có khả năng xảy ra. Trung Quốc không có khả năng tung ra cú đấm đầu tiên. Khả năng chiến tranh chưa bao giờ được nhắc đến.
Cần phải thấy, có 2 vấn đề đặt ra đối với Philippines:
Thứ nhất, Manila đã không bảo vệ được các quyền mà khó khăn lắm họ mới giành được.
Philippines đã có được phán quyết của PCA, điều này chứng tỏ luật pháp quốc tế ủng hộ họ. Thế nhưng Manila đã không bảo vệ được những quyền pháp lý mà khó khăn lắm họ mới giành được. “Xếp xó” phán quyết này là một chuyện, nhưng Tổng thống Duterte đã khiến mọi người ngạc nhiên khi ông giải thích sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc trong EEZ của Philippines bằng lời khẳng định rằng, năm 2016 ông đã đồng ý trên lời nói với Trung Quốc là Trung Quốc có quyền đánh cá trong EEZ của Philippines.
Bất kỳ thỏa thuận nào như vậy có nghĩa là Philippines đã phá vỡ nghĩa vụ của mình trong việc bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sống của nước này. Mặc dù Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có tính đến tình huống một nước ven biển cho phép các nước khác được tiếp cận các nguồn tài nguyên cá của mình, nhưng điều đó phải bao hàm yếu tố nước ven biển này đã thiết lập được một hệ thống để điều tiết việc đánh bắt cá trong EEZ của mình nhằm đảm bảo các nguồn tài nguyên sống không bị khai thác quá mức và do vậy rơi vào tình trạng nguy hiểm. Hệ thống đó sẽ đòi hỏi việc xác định lượng cá có thể được phép khai thác nhằm đảm bảo việc đánh bắt bền vững, đồng thời xác định sản lượng mà Philippines được thu hoạch. Chỉ khi công suất không khai thác được hết lượng cá cho phép thì nước ven biển mới cho phép các nước khác tiếp cận đánh bắt phần dư thừa. Tuy nhiên, không có hệ thống nào như vậy tồn tại ở Philippines, và cho dù nếu có thì cũng không thể có lượng cá dư thừa để nước khác khai thác do nhu cầu của một đất nước có dân số hơn 100 triệu người như Philippines. Hơn nữa, UNCLOS 1982 cũng đã đưa ra danh sách các nhân tố cần được xem xét để quyết định xem nước nào sẽ được hưởng lợi từ lượng cá dư thừa của một nước ven biển. Điều rõ ràng là Trung Quốc khó đáp ứng đủ tiêu chuẩn hơn so với các nước khác.
Thứ hai, Philippines phải giữ vững lập trường để bảo vệ các lợi ích của mình trên biển.
Và họ có thể làm gì để giữ vững lập trường của mình, trừ phi xảy ra chiến tranh?
Một là, ông Duterte cần phải làm rõ rằng, thỏa thuận miệng năm 2016 của ông chỉ liên quan đến việc đánh bắt cá trong vùng lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough. Điều này có thể phù hợp với phán quyết của PCA rằng tất cả ngư dân của Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều có quyền đánh cá truyền thống ở bãi cạn Scarborough và trong vùng lãnh hải xung quanh nó.
Quyền đánh cá truyền thống, được trao cho các cộng đồng đánh bắt cá chứ không phải nhà nước, là một ngoại lệ có giới hạn đối với chủ quyền lãnh hải của một nước ven biển và bắt nguồn từ sự quan tâm muốn tránh gây khó khăn cho ngư dân, những người chỉ đánh cá truyền thống trên biển.
Trong khi phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc công nhận rằng, các ngư dân nước ngoài có thể được hưởng các quyền đánh cá truyền thống trong vùng lãnh hải 12 hải lý của nước ven biển, nó bác bỏ tính hợp pháp của bất kỳ đòi hỏi quyền lịch sử nào, kể cả quyền đánh cá truyền thống trong EEZ.
Hai là, việc bảo vệ các quyền là rất quan trọng, bởi vậy phải thận trọng khi nói về những điều đó. Ông Duterte đã phát biểu trong Thông điệp quốc gia đầu năm rằng, ông đã yêu cầu Trung Quốc “cho phép” ngư dân Philippines đánh cá trong EEZ của Philippines. Thật nực cười, một nước ven biển có chủ quyền lại phải yêu cầu một nước ở xa không có chủ quyền cho phép ngư dân nước mình được đánh cá trong chính EEZ của mình.
Ba là, Philippines cần phải lên tiếng về những hành vi đáng lên án. Những hành vi đó có thể bao gồm không chỉ việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong EEZ của Philippines, hay bác bỏ quyền đánh bắt cá của ngư dân nước này, mà còn là việc tiến hành nhiều hoạt động gần các cấu trúc địa hình mà Philippines chiếm giữ nhằm mục đích hăm dọa. Trong những trường hợp như vậy, Manila cần phái lực lượng bảo vệ bờ biển của mình để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Việc lên án những hành vi đáng phê phán hay phái tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển không phải là hành động cực đoan. Đây cũng không phải là những hành vi khơi mào cuộc chiến. Indonesia đã trừng phạt việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong EEZ của nước này bằng việc đốt cháy hoặc đánh chìm tàu vi phạm, kể cả các tàu của Trung Quốc. Với xuồng ca nô bảo vệ bờ biển được Nhật Bản trang bị và năng lực vệ tinh ngày càng tăng, khả năng giám sát và tuần tra EEZ của Manila sẽ tăng lên. Họ cần phải sử dụng những năng lực này để làm sáng tỏ hành vi phi pháp và hăm dọa của Trung Quốc.
Bốn là, Philippines cần phải tăng cường quan hệ với Mỹ. Tháng 3/2019, sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana yêu cầu đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines (MDT) năm 1951, Washington đã chỉ rõ rằng khi Mỹ đề cập đến Thái Bình Dương trong MDT có nghĩa là bao gồm cả Biển Đông.
Manila và Washington cần phải hợp tác để đẩy nhanh Thỏa thuận hợp tác phòng thủ tăng cường (EDCA) năm 2014, bởi thỏa thuận này cho phép Quân đội Mỹ xây dựng cơ sở, đặt sẵn vào đó các phương tiện phòng thủ và triển khai quân trên cơ sở luân phiên ở 5 căn cứ quân sự của Philippines, nhưng đến nay, mới chỉ có một cơ sở được mở theo EDCA, đó là Trung tâm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở căn cứ không quân Cesar Basa tại Pampanga.
Năm là, Philippines cần phải xem xét một cách nghiêm túc cách thức đối phó nếu Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough một cấu trúc địa hình chỉ cách thủ đô Manila hơn 200 dặm. Nhiều nhà phân tích ở Manila nhận định, Bắc Kinh đang tính toán rằng họ có cơ hội 3 năm để củng cố vị trí của Trung Quốc với một Tổng thống Philippines thân thiện với Bắc Kinh, đồng thời đang tìm cách đẩy nhanh tốc độ kiểm soát Philippines và Biển Tây Philippines (Biển Đông), cố gắng “ăn sâu bén rễ” trong khu vực để hất cẳng Mỹ. Nếu đánh giá này là đúng thì có khả năng Trung Quốc sẽ tiến tới xây dựng căn cứ trên bãi cạn Scarborough trong vòng 3 năm tới.
Manila đã có sự sáng tạo trong việc giữ quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa năm 1999, khi họ chủ ý để lại 1 tàu vận tải hải quân cũ mắc cạn ở đó. Sự sáng tạo này cần phải được áp dụng để tăng cường phòng thủ chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở trên bãi cạn Scarborough. Manila phải tạo ra những sự lựa chọn nếu họ muốn có bất kỳ hy vọng nào ngăn chặn được sự xâm lấn hơn nữa của Trung Quốc.
Sáu là, Manila phải nhấn mạnh với chính quyền Donald Trump tầm quan trọng của việc thông tin cho phía Trung Quốc biết rằng, việc xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ là hành động vượt qua giới hạn đỏ. Chính quyền Obama trước đây đã thực hiện điều này trong những lần thông tin mang tính cá nhân. Nay, chính quyền Trump cần phải nhắc lại quan điểm này cả về mặt cá nhân lẫn công khai.
Một căn cứ của Trung Quốc xuất hiện trên bãi cạn Scarborough sẽ làm tổn thương những lợi ích của Mỹ, vì khi làm được điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã thiết lập được góc thứ ba trong tam giác an ninh ở Biển Đông, ngoài các thực thể đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Bảy là, Philippines cần phải khôi phục phán quyết năm 2016 của PCA, khẳng định một cách rõ ràng rằng, các nước ven biển ở Biển Đông, trong đó có Philippines, được hưởng EEZ mà không bị cản trở bởi “đường chín đoạn” của Trung Quốc hay được hưởng bất kỳ EEZ được tuyên bố chủ quyền nào từ
các cấu trúc địa hình ở quần đảo Trường Sa. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines hồi đầu tháng 8/2019 là một bước đi đúng hướng. Trích dẫn UNCLOS 1982 và phán quyết năm 2016 của PCA, Bộ Quốc phòng Philippines chỉ rõ: “Philippines có 2 tài liệu hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của mình, trong khi Trung Quốc không có chứng cứ nào”.
Một khía cạnh quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong phán quyết của PCA là nó xác định rõ ràng rằng, Philippines có chủ quyền đối với bãi cạn Mischief Reef (Đá Vành Khăn), bởi nó là bãi nổi khi thủy triều xuống nằm trong EEZ của Philippines.
Tám là, Philippines phải chỉ ra mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Bắc Kinh. Các tàu chiến của Trung Quốc liên tục đi qua lãnh hải Philippines, ví dụ trong tháng 7 và 8/2019 đi qua eo biển Sibutu, mà không báo trước và cũng không được phép, trong khi Bắc Kinh liên tục yêu cầu các tàu chiến nước ngoài phải được phép trước khi thực hiện việc đi qua vô hại bên trong lãnh hải của Trung Quốc. Theo UNCLOS 1982, tất cả các tàu, kể cả tàu chiến, có quyền đi qua vô hại bên trong vùng lãnh hải của nước ven biển mà không cần phải thông báo trước hay phải được phép.
Được biết, The Straits Times là tờ báo lâu đời nhất ở Singapore, có doanh số bán cao nhất nước, trong đó ấn bản chủ nhật Sunday Times có lượng lưu hành đến gần 365.000 bản.Như vậy là người Singapore không giấu diếm những lo ngại của họ và công khai “khuyên” người Philippines những biện pháp để giữ chủ quyền ở Biển Đông. Những khuyến nghị mà tờ báo trên đề cập chưa thể làm thay đổi “cuộc chơi”, nhưng chúng có thể giúp Philippines giữ vững lập trường. Hiện, Manila đang có cơ hội để bảo vệ chủ quyền của mình do Chính quyền Donald Trump tỏ ra sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đối với Trung Quốc và đã làm sáng tỏ MDT theo hướng có lợi cho Philippines. Trong khi tại thời điểm này, cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nơi mà các nước lớn như Australia, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh đã khẳng định quyền tự do hàng hải. Philippines mong muốn cải thiện mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, nhất là khi họ có nhu cầu mở cửa để phát triển kinh tế hơn nữa. Nhưng Manila cũng nên nhớ rằng, hòa bình và thịnh vượng lâu dài phụ thuộc vào quyền tự do và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nước có chủ quyền, cũng như trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc. Trong lời nói và hành động, Philippines cần phải giữ vững lập trường để bảo vệ những nguyên tắc quan trọng này.
http://biendong.net/bien-dong/31523-nguoi-singapore-khuyen-nguoi-philippines-nen-lam-gi-de-giu-chu-quyen-o-bien-dong.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.