Tin Việt Nam – 28/10/2019
Monday, October 28, 2019
7:38:00 PM
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Xét xử sơ thẩm vụ hiệu trưởng
xâm hại tình dục 7 nam sinh vào ngày 29/10/19
Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ dự kiến vào ngày 29/10/19 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh Bằng My, cựu Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Thanh Sơn với tội danh bị cáo buộc xâm hại tình dục 7 nam sinh. Phiên tòa này được thông báo sẽ được tiến hành xử kín.Truyền thông trong nước, vào ngày 28 tháng 10 dẫn nguồn từ Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Thọ cho biết thông tin vừa nêu.
Theo đó, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bị cáo Đinh Bằng My, sinh năm 1961 về tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi” và tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Theo cáo trạng, bị cáo Đinh Bằng My trong thời gian từ 2016 đến tháng 12 năm 2018 đã nhiều lần gọi 7 nam sinh học các lớp 7,8 và của trường lên phòng làm việc với lý do nhắc nhở vi phạm, hỏi thăm tình hình học tập nhưng lại có hành vi dâm ô tình dục với 7 nam sinh này. Sau mỗi lần như vậy, bị cáo Đinh Bằng My cho tiền các nạn nhân nam sinh từ 20 ngàn đến 50 ngàn đồng và dặn không được nói với ai.
Công an huyện Thanh Sơn, hồi ngày 15/12/18 đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My. Tuy nhiên, sau đó, ông My lại được cho tại ngoại tại địa phương cư trú.
Đến ngày 22/08/18, VKSND tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bổ sung và bắt giam bị cáo Đinh Bằng My.
Đại diện của VKSND tỉnh Phú Thọ, vào ngày 28/10 được báo giới dẫn lời cho biết thêm rằng phiên tòa sẽ xử kín là theo quy định vì các nạn nhân đều là trẻ em, chứ không phải là đề nghị của bị hại.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/close-trial-against-the-dean-sexual-abused-7-male-pupils-10282019091316.html
Đinh Ngọc Hệ tức “Út trọc” tiếp tục bị khởi tố
Bộ Công an vào ngày 27/10 đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, lệnh bắt tạm giam 6 bị can trong vụ Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương6 bị can bị khởi tố gồm: Dương Tuấn Minh nguyên tổng giám đốc, Dương Thị Trâm Anh nguyên phó tổng giám đốc, Nguyễn Thu Trang nguyên phó phòng đầu tư và quản lý đấu thầu tổng công ty Cửu Long và Tạ Đức Minh, Phạm Tấn Hoàng, Đinh Thị Chung đều là nhân viên công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh.
Các bị cáo trên bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu nghiêm trọng” theo Bộ luật hình sự 2015.
Cơ quan điều tra cũng quyết định khởi tố 3 bị can khác gồm ông Đinh Ngọc Hệ tức “Út trọc” cựu Chủ tịch hội quản trị, cựu Tổng giám đốc công ty Thái Sơn; Phạm Văn Diệt giám đốc điều hành và Vũ Thị Hoan tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh về tội “ vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và hiện cả 3 bị can đang bị tạm giam trong một vụ án khác liên quan đến “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước theo luật định.
Do dính líu đến Đinh Ngọc Hệ, mà nguyên thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến vừa bị khởi tố, cách chức.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dinh-ngoc-he-continues-to-be-prosecuted-10282019085118.html
Vụ 39 người chết:
Anh – Việt ‘đang chắp nối thông tin’
Ngoại giao Việt Nam xác nhận nhà chức trách Anh gửi một số hồ sơ nạn nhân để xác định danh tính.Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với phóng viên sáng 28/10 rằng bộ này “đang thực hiện các phần việc cụ thể”.Ông Sơn được báo Thanh Niên dẫn lời cho biết cảnh sát Anh đã lập được hồ sơ 4 trường hợp trong số 39 nạn nhân tử vong trong chiếc container.
“Dù chưa phải đã xác định danh tính những nạn nhân này nhưng phía Anh cũng đã đưa hồ sơ 4 nạn nhân đầu tiên được lập sang đây cho phía Việt Nam để chắp nối các thông tin nhằm xác định nhân thân mỗi trường hợp,” Thứ trưởng Sơn nói. “Chuyển hồ sơ 4 trường hợp đầu tiên cho phía Việt Nam có nghĩa phía bạn cũng có nghi ngờ về nguồn gốc các nạn nhân nên phải phối hợp trao đổi giữa hai bên để xác minh cụ thể”.
Bên hành lang Quốc hội, nhà ngoại giao Việt Nam cũng mô tả phía Anh không chấp nhận việc nhận diện nạn nhân mà nhất thiết phải dựa trên kết quả xét nghiệm ADN và rằng theo kế hoạch, mỗi ngày cảnh sát Anh sẽ hoàn thành được việc lập hồ sơ 5 – 6 trường hợp.
Tuy nhiên Thứ trưởng Sơn cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng “chưa cầm được 4 hồ sơ nói trên” và “Cơ quan đại diện của Việt Nam sẽ gặp Đại sứ Anh tại Hà Nội nội trong hôm 28/10 để trao đổi thông tin và nếu có căn cứ sẽ xác định danh tính những trường hợp đã được gửi hồ sơ ngay”.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nói với các phóng viên hôm 28/10 rằng Sở Ngoại vụ và chính quyền được giao nhiệm vụ giải quyết và hỗ trợ công dân.
“Đây là sự việc rất đáng tiếc. Trước mắt tỉnh tập trung hỗ trợ công dân nếu có, để xác minh thông tin để xem có công dân Việt Nam là người Nghệ An nằm trong số người bị nạn hay không. Nếu có người bị nạn là người Việt Nam thì có biện pháp hỗ trợ,” ông Vinh nói với các phóng viên bên hành lang Quốc hội.
Tuy nhiên ông Vinh nói rằng “mất liên lạc có thể do nhiều nguyên nhân nên cần xác minh, tránh khiến cho dân hoang mang”.
Mất liên lạc có thể do nhiều nguyên nhân nên cần xác minh, tránh khiến cho dân hoang mang Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
Trong khi đó Vnxpress đưa tin về việc gia tăng số gia đình trình báo với chính quyền địa phương trong bối cảnh không liên lạc được với người nhà nghi là nạn nhân trong vụ việc 39 người chết trong xe thùng tại Anh.
“Tính đến chiều 27/10, chính quyền tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xác nhận tổng số 24 trường hợp đang có con mất tích ở châu Âu và Anh và công an hai tỉnh cho hay đã tới nhà các gia đình trình báo có con mất tích lấy mẫu tóc, móng tay của bố, mẹ để xác định họ có thuộc danh sách 39 thi thể trong container ở Anh hay không,” theo báo điện tử này.
“Công an tỉnh đang nắm bắt tình hình, song chưa có căn cứ nào để khẳng định những trường hợp này có liên quan tới vụ phát hiện 39 thi thể trong container tại Anh hay không”, đại diện Công an Nghệ An được dẫn lời.
Sở Ngoại vụ Nghệ An nói nếu có nạn nhân là công dân của tỉnh thì sẵn sàng hỗ trợ người thân ở quê nhà thực hiện các thủ tục pháp lý tuy tới nay chưa nhận được yêu cầu nào từ các gia đình nghi có con mất liên lạc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50205171
Vụ 39 người chết:
Nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt Nam
Jonathan HeadPhóng viên Đông Nam ÁNỗi tuyệt vọng dâng trào trong ngôi nhà nhỏ khiêm tốn của anh Lê Văn Hà, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, khi người thân ngày càng phải chấp nhận điều mà họ không muốn tin là sự thật, rằng Hà có thể là một trong 39 thi thể tìm thấy trong container ở Essex.
Bà của Hà thẫn thờ nhìn vào khoảng không, dấu mặt vào đôi bàn tay. Còn vợ anh, ngồi lặng yên, nhất định không ăn thứ gì, mặc mọi lời nài nỉ. Cha anh, ông Lê Minh Tuấn, ôm người cháu trai còn rất nhỏ, và chỉ khóc trong nỗi tuyệt vọng.
Vụ 39 người chết ở Anh: Nhiều gia đình Việt lo lắng
Thêm thông tin về vụ 39 người chết trong xe tải
Phát hiện 39 thi thể trong xe thùng ở Anh Quốc
Chuyện của Hà là câu chuyện điển hình của một chàng trai trẻ, từ một vùng quê nghèo làm nông nghiệp ở Việt Nam.
Hà cũng như hàng ngàn người lao động khác, đã quyết định tìm đường ra nước ngoài mưu sinh, với giấc mơ có thể kiếm được một công việc khá lương. Anh ra đi ba tháng trước, với đích đến là châu Âu, ngay trước ngày đứa con trai thứ hai của anh chào đời.
Chuyến đi ấy sẽ phải mất 20 ngàn bảng Anh (tức khoảng 25 ngàn đôla) trả cho đường dây đưa người ra nước ngoài. Đây là một khoản tiền không nhỏ, mà gia đình họ phải cầm thế hai lô đất mới vay được.
Tất cả dồn hết cho một hy vọng, rằng Hà sẽ kiếm được một công việc tốt, và sau đó, dành dụm trả nợ. Nhưng tất cả những hy vọng ấy nay tan tành hết cả.
“Hà để lại cho chúng tôi một khoản nợ khổng lồ,” ông Tuấn nói. “Tôi chẳng biết đến khi nào chúng tôi mới có thể trả hết nợ. Tôi thì bây giờ đã già, sức khỏe kém, và từ giờ, tôi sẽ còn phải giúp nuôi dạy mấy đứa cháu.”
Ông Tuấn đoan chắc rằng con trai mình đã qua đời. Ông nhận được một tin nhắn của con trên Facebook ngay trước thời điểm mà anh Hà nói rằng đang chuẩn bị vào Anh.
Nhiều người cho rằng, rất nhiều trong số các nạn nhân trên chiếc container định mệnh ấy đến từ cùng một huyện – huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Trong khi đó, tại nhà của chị Bùi Thị Nhung, cũng ở Nghệ An, bà con láng giềng đến giúp đỡ, chia buồn và thắp nhang trước bàn thờ có bức ảnh của người mất tích. Đó là bức chân dung tươi cười của Nhung, 19 tuổi. Gia đình Nhung vẫn đang khấn nguyện cho một hy vọng rằng, Nhung không ở trong chiếc container định mệnh đó.
Chị gái của Nhung, Bùi Thị Loan cho biết, chị đã nhận được tin nhắn ngắn của Nhung trên Facebook vào ngày 21/10 viết rằng, Nhung đang ở ‘trong kho.’
“Chưa thông tin nào được xác minh,” chị Loan nói. “Chỉ có những thông tin trên internet và mạng xã hội, nên chúng tôi vẫn chưa nguôi hy vọng.”
“Chúng tôi biết rằng, có ba chiếc xe tải khác nhau sẽ đến Anh vào cùng thời điểm đó. Bởi vậy, chúng tôi vẫn hy vọng vào một phép lạ nào đó, rằng Nhung hoá ra đang ở trên một chiếc xe tải khác.”
Chị Loan cho biết, Nhung là người thông minh nhất trong số bốn anh chị em. Bạn bè Nhung, rất nhiều người đã giúp cô gom tiền chuẩn bị cho cuộc hành trình. Bởi vậy, gia đình Nhung không phải thế chấp nhà hay bán bất cứ thứ gì.
Còn bây giờ, họ bám vào hy vọng rằng tin tốt lành sẽ đến. Hay trong trường hợp có tin xấu nhất, họ sẽ được giúp đỡ để đưa thi thể của Nhung về Việt Nam.
Những ngôi nhà mới xây tại huyện Yên Thành là bằng chứng cho những khoản tiền được người lao động làm việc ở nước ngoài tiết kiệm gửi về. Anh quốc dường như là một điểm đến rất được ưa thích. Một số người khác làm việc một thời gian ở Nga hoặc Romania nói rằng, ở đó rất khó tìm được việc làm lương cao.
Họ cũng mô tả là phải vất vả như thế nào ở Pháp do cảnh sát liên tục truy quét vì tình trạng cư trú và lao động bất hợp pháp. Nhưng ở Anh, đã hình thành một cộng đồng người Việt khá lớn, thêm vào đó, có nhiều việc như làm ở các tiệm nail (làm móng), làm trong nhà hàng hoặc làm nghề nông nghiệp.
Kẻ môi giới đưa họ ra nước ngoài là một phần trong thế giới ngầm của một mạng lưới toàn cầu. Những kẻ này đã thu của họ một khoản tiền rất lớn để đưa người qua biên giới một cách bất hợp pháp. Họ phải trả những số tiền khác nhau, dao động từ khoảng 10 ngàn bảng đến hơn 30 ngàn bảng. Số tiền cao hơn được cho là dành cho “dịch vụ VIP.”
Những người Việt liều chết để vào Anh
Hành trình người Việt sang Anh, thiên đường hay địa ngục?
Vụ 39 tử thi: Các câu hỏi chưa có trả lời
Nhiều người trong số họ ra khỏi Việt Nam qua ngả Trung Quốc. Nhưng khi đến English Channel (eo biển Manche), cho dù mức phí là bao nhiêu chăng nữa, thì con đường duy nhất vào Anh vẫn là phải trốn vào các container, để tìm cách vượt biên lậu.
Sau thảm kịch ở Essex, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu điều tra về các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhưng từ lâu nay, buôn người đã là một vấn đề nghiêm trọng, thường liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Năm nay, Việt Nam đã bị hạ xuống bậc thứ hai, trên Danh sách các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, trong hệ thống ba bậc của phúc trình thường niên về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam bị hạ xuống bậc này kể từ năm 2012.
Bất chấp những nỗ lực mà chính phủ Việt Nam đang có, khoản tiền khổng lồ kiếm được từ việc buôn người khiến nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở và đang tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50204761
Anh chuyển những hồ sơ nạn nhân đầu tiên
cho Việt Nam
Anh Quốc chuyển cho Việt Nam hồ sơ 4 nạn nhân đầu tiên được lập trong vụ 39 người được phát hiện chết trong xe tải đông lạnh ở Essex gây chấn động dư luận trong những ngày qua.Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn, cho biết như vừa nêu vào ngày 28 tháng 10. Ông này nói rằng Anh Quốc chuyển hồ sơ của 4 trường hợp đầu tiên cho phía Việt Nam có nghĩa London có nghi ngờ về nguồn gốc các nạn nhân nên phải phối hợp trao đổi giữa hai bên để xác minh cụ thể.
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết trong ngày 28 tháng 10, cơ quan đại diện Việt Nam gặp Đại sứ Anh tại Hà Nội để trao đổi thông tin và nếu có căn cứ sẽ xác định danh tính những trường hợp đã được gửi hồ sơ ngay.
Theo thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang thực hiện các phần việc cụ thể, trước mắt là giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại London túc trực ở hiện trường, bám sát hoạt động của Cảnh sát Hạt Essex ở ngoại thành London để chờ đợi thông tin.
Liên quan đến tin tức có những nạn nhân chết trong xe tải ở Essex, London là người dân Nghệ An, ông Nguyễn Đắc Vinh, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, lên tiếng với báo giới bên hành lang Quốc Hội, rằng đây là một sự việc đáng tiếc.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết Sở Ngoại Vụ tỉnh là cơ quan liên lạc với Cục Lãnh Sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam để cung cấp những thông tin cần thiết cho phía Anh Quốc để xác lập thông tin. Phía Công an tỉnh Nghệ An cũng đang rà soát, kiểm tra lại các vấn đề liên quan.
Ngoài thông tin có ngưởi dân tỉnh Nghệ An nằm trong số 39 người chết trong xe tải ở Essex, Anh Quốc, cũng có tin nói rõ trong số đó có người dân huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Liên quan tình hình này, lãnh đạo huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được dẫn lời rằng chưa thể công bố thông tin gì thêm vì về nguyên tắc để xác minh thân nhân phải giám định AND hoặc vân tay.
Trong khi đó, vào ngày 27 tháng 10, Công an Hà Tĩnh tiến hành lấy mẫu tóc, mẫu máu của các gia đình có trình báo thân nhân mất tích để giám định ADN.
Mạng báo Tổ Quốc trong ngày 28 tháng 10 dẫn phát biểu của Ông Trần Đức Lân, bí thư đảng ủy xã Cương Gián, tỉnh Hà Tĩnh, rằng Công an tỉnh vừa về địa phương để xác minh thông tin một thiếu niên mất tích khi sang Anh Quốc.
Chính quyền địa phương cho biết người anh trai của nạn nhân có tên N.H.H., 15, tuổi xác nhận em trai mất tích khi trên đường xuất ngoại sang Anh Quốc.
Truyền thông trong nước hôm 27/10 trích lời các giới chức hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cho biết đã có ít nhất 24 gia đình thông báo có con mất tích tại châu Âu và Anh tính đến chiều cùng ngày.
Tại Nghệ An, đến lúc này đã có 14 người được gia đình xác nhận có con mất tích bao gồm 5 người ở huyện Yên thành và thành phố Vinh đã được trình báo với chính quyền hôm 26/10.
Cho đến lúc này cảnh sát hạt Essex, Anh, nơi phát hiện container, vẫn rất thận trọng trong việc đưa ra các suy đoán về quốc tịch của các nạn nhân. Chánh thanh tra cảnh sát Anh Martin Pasmore hôm 26/10 kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng người Việt tại Anh để đẩy nhanh việc nhận diện thi thể. Ông cũng kêu gọi các gia đình tại Việt Nam đang lo lắng rằng người thân của họ có thể nằm trong số 39 nạn nhân, lên ngay lập tức liên lạc với nhà chức trách Anh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-says-britain-seeks-help-to-identify-four-truck-victims-10282019085413.html
Khả năng ông Trọng sẽ nghỉ hay tại vị
ở Đại hội đảng 13 ‘là 50-50′
Ben NgoChỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 10, khả năng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến công du đến Mỹ “trong tháng 10/2019” như dự báo trong thời gian qua xem như không còn nữa. Bàn về khả năng ông Trọng nghỉ hay tiếp tục tại vị ở Đại hội 13, một nhà quan sát nhận định với Đài Á Châu Tự Do rằng: “Bây giờ hãy còn hơi sớm để đưa ra nhận định cuối cùng nhưng mà theo tôi hiểu, thì khả năng vẫn là 50-50 vì chưa có sự thống nhất ở các cấp cao về vấn đề này”.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng được các báo nhà nước dẫn lời phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ hôm 15/10: “Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân.”
Tình hình sức khỏe của ông Trọng được cho là yếu tố chính quyết định khả năng ông có thực hiện chuyến công du Mỹ trong thời gian tới hay không và đây cũng là ẩn số cho việc ông tiếp tục vị trí người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam hay rời ghế.
Trả lời RFA, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính trường Việt Nam, từ Singapore, nói:
“Tôi nghĩ rằng là nếu như theo đúng quy định thông thường thì Đại hội 13 năm 2021 thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải nghỉ hưu. Vì bên cạnh vấn đề tuổi tác đã quá giới hạn, ông đã là trường hợp đặc biệt kể từ Đại hội 12. Như chúng ta đã biết, sự cố sức khỏe của ông vừa rồi lại càng đưa thêm lý do khác để ông Trọng có thể nghỉ hưu ở đại hội đảng sắp tới. Tuy nhiên, theo tôi hiểu là hiện tại, vấn đề này chưa được quyết định chính thức. Vẫn còn có ý kiến ủng hộ ông Trọng có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ, hoặc là ít nhất nửa nhiệm kỳ nữa để mà giúp củng cố bộ máy nhân sự trong nhiệm kỳ tới, và đặc biệt là tạo ra thế hệ lãnh đạo tiếp theo duy trì được sự ổn định trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Việt Nam.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đột ngột ngã bệnh và phải đi cấp cứu ở bệnh viện nhân chuyến thăm Kiên Giang hồi tháng 4 vừa qua. Ông Trọng sau đó đã vắng mặt trên chính trường nhiều tuần lễ để điều trị bệnh.
Ông Lê Hồng Hiệp giải thích rằng đang có những vấn đề mà nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đang cần thảo luận thêm như nếu ông Trọng nghỉ thì ai sẽ là người thay thế để duy trì mô hình tam trụ hiện tại hay quay lại mô hình tứ trụ trước đây. Ông nói tiếp:
“Tất cả những vấn đề này vẫn đang được thỏa thuận và nếu như tam trụ hay tứ trụ thì ai sẽ là những người sẽ được điền vào các vị trí đó thì chưa có câu trả lời. Và phương án cho các kịch bản đó vẫn xoay quanh cái việc ông Trọng có ở lại hay không, và nếu ông không ở lại thì ông sẽ ủng hộ ai để đảm nhận vị trí đấy. Tôi nghĩ bây giờ hãy còn hơi sớm để đưa ra nhận định cuối cùng nhưng mà theo tôi hiểu, thì khả năng vẫn là 50-50. Tức là có khả năng ông Trọng sẽ nghỉ và có khả năng khác là ông có thể sẽ vẫn ở lại, do chưa có sự thống nhất ở các cấp cao về vấn đề này.”
Việt Nam trước đây vẫn duy trì mô hình tứ trụ là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 9 năm 2018, ông Trọng đã kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng và Việt Nam có tram trụ thay vì tứ trụ như trước kia.
Cùng thời điểm, trả lời RFA, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói:
“Ông Nguyễn Phú Trọng thì người ta bình luận rằng ông nửa muốn đi nửa muốn ở. Nhưng mà tôi xem tình hình, thấy ông ấy hơn 75 tuổi rồi, sức yếu như thế. Mà nếu ông cố tình ở lại thêm nữa thì ông ấy vi phạm hai điều, mà chắc là không dám.”
“Điều thứ nhất là có chỗ nào đấy quy định tổng bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ. Cái điều ấy chưa được sửa. Thế thì ông Trọng cũng không dám vi phạm. Nếu ông vi phạm thì phải vận động sửa cái điều ấy đã. Nhưng đến bây giờ tôi chưa thấy có ý tưởng nào như thế.”
Ông Nguyễn Đình Cống được cho là một trong những trí thức bất đồng từ khi ông thông báo từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 3/2/2016. Ông nói thêm:
“Cái thứ hai là ông ấy tỏ ra là yếu rồi, bệnh tật rồi. Ông ấy tham dự chỗ này chỗ kia chứ không thấy có sinh khí. Nhiều cái không thấy ông ấy tham gia. Ví dụ như tôi theo dõi việc đi vào viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông ấy không đi, chỉ thấy ông Phúc, bà Ngân thôi.”
“Hay ví dụ có những điều quan trọng thì ông ấy ra nói cũng thều thào lắm rồi. Thế thì sức khỏe chắc không bảo đảm. Vì thế tôi chắc rằng ông ấy cũng phải tự nguyện thôi thôi, không dám làm thêm nhiệm
kỳ nữa đâu. Nếu ông Trọng mà làm thêm nhiệm kỳ nữa thì nó lộ rõ cái tệ hại. Tại vì ông muốn làm thêm nhiệm kỳ nữa thì phải thay đổi được quy định rằng tổng bí thư không được làm quá nhiệm kỳ.”
Vào đầu năm 2021, tức là còn hơn một năm nữa thì đảng Cộng sản Việt Nam mới tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ XIII để bầu các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư.
Nhưng ngay từ cuối tháng 6/2019, tại cuộc họp của Bộ chính trị dưới sự điều hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026.
Toàn bộ ủy viên trung ương của đảng CSVN khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026 đã được quyết định trước khi Đại hội toàn quốc của đảng CSVN diễn ra vào đầu năm 2021.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trong-s-got-a-50-50-chance-of-staying-or-leaving-at-13th-national-party-congress-10282019095220.html
Quốc Hội họp kín về tình hình đối ngoại
Sáng 28/10 Quốc hội họp riêng từ 10h30 sáng đến trưa để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.Theo truyền thông trong nước, tại phiên họp, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề bãi Tư Chính dù nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 24/10.
Báo Người Đồng Hành trích dẫn đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, “Phiên họp này rất quan trọng. Không chỉ tôi mà nhiều đại biểu đều mong đợi có thông tin cập nhật, chính xác về vấn đề này để nắm bắt tình hình và báo cáo lại cử tri”.
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu, “Giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng tôi mong muốn Quốc hội thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông”.
Trong khi trước đó, vào ngày 21/10 thay mặt Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Cũng trong buổi báo cáo công khai này, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những diễn biến phức tạp ở biển Đông, trong đó có nhắc đến những vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam.
Từ đầu tháng 7/2019, Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam, thế nhưng trong suốt thời gian đó, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng không hề lên tiếng.
Tuy nhiên, tại buổi khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 11 sáng 7/10/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp. Đây được xem là phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam sau hơn 3 tháng đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về luật biển 1982.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/national-assembly-holds-closed-door-meeting-on-foreign-issues-10282019083238.html
Chất vấn các bộ trưởng
về những vấn đề “nóng” vào ngày 6 & 8/11
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa gửi phiếu đề nghị các Đại biểu Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề để chất vấn vào ngày 6 và 8 tháng 11. Đáng chú ý trong các nhóm vấn đế là về việc bổ nhiệm cán bộ, mạng xã hội, xử lý tham nhũng.Theo đó, các nhóm vấn đề chính lần lượt sẽ được chất vấn gồm: nhóm vấn đề thứ nhất trong phiếu đề nghị là về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Trách nhiệm trả lời chính cho nhóm vấn đề này thuộc về Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực Công thương, liên quan quản lý, điều tiết điện, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và kinh tế số, công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng…
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính cho nhóm 2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Khoa học Côn nghệ, Thông tin Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng trả lời.
Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Thanh tra như công tác thanh tra, xử lý tham nhũng… Trách nhiệm trả lời chính là Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ. Nội dung là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Nhóm vấn đề cuối cùng thuộc lĩnh vực Thông tin Truyền thông như công tác quản lý báo chí, công tác quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội… Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/issues-proposed-for-ministers-s-clarification-at-national-congress-meeting-10282019093507.html
CSVN dự định thành lập
trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh bảo vệ chế độ
Tin từ Hà Nội, ngày 28/10/2019: Bộ công an cộng sản Việt Nam dự định thành lập trung đoàn không quân và trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh, cùng nhiều kế hoạch tăng cường sức mạnh của các đơn vị hiện có để bảo vệ chế độ cộng sản trước sự bất mãn ngày càng gia tăng của dân chúng.Báo nhà nước cộng sản đưa tin công an đề nghị xây dựng dựng dự luật cảnh sát cơ động, nhằm luật hoá những biện pháp mạnh mà lực lượng cảnh sát có thể sử dụng để trấn áp người dân. Trong khi cộ công an cố tình trì hoãn xây dựng và trình quốc hội bù nhìn dự luật biểu tình, nhằm ngăn cản quyền hiến định của nhân dân.
Cùng với việc tăng cường sỹ quan được đào tạo chính quy về tận cấp xã, bộ công an còn đề nghị trang bị vũ khí như tiểu liên cho lực lượng cảnh sát giao thông, một đơn vị vốn nổi danh về ăn hối lộ từ tài xế.
Trong khi tìm cách tăng cường quyền hạn cho lực lượng công an để trấn áp nhân dân, chế độ cộng sản Việt Nam lại tỏ ra vô hại với tội phạm đến từ Trung Cộng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an bắt giữ hàng trăm tội phạm có quốc tịch Trung Cộng nhưng không xét xử mà chuyển giao cho Bắc Kinh, vi phạm chủ quyền quốc gia một cách có hệ thống.
Nhiều sỹ quan công an vi phạm pháp luật và bảo kê hay câu kết với tội phạm. Hàng chục sỹ quan cao cấp của lực lượng công an, bao gồm khoảng 15 sỹ quan cấp tướng đã bắt và truy tố trong vài năm gần đây nhưng đây cũng chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Nhiều sỹ quan bị trừng phạt với bản án nhẹ hơn so với tội chúng đã phạm trong thực tế.
Cho dù ngốn nhiều tiền ngân sách, lực lượng công an không đảm bảo an ninh trật tự. Trái lại, tình hình trị an trên cả nước ngày càng lộn xộn và người dân bình thường ngày càng đối mặt với hiểm nguy ở khắp mọi nơi.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-du-dinh-thanh-lap-trung-doan-canh-sat-co-dong-ky-binh-bao-ve-che-do/
Kiến nghị hoãn xuất cảnh
người có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng
Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn việc người đó chạy trốn.Đó là kiến nghị bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh báo cáo trong phiên giải trình Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam chiều 28/10.
Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết các kiến nghị bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc dựa trên cơ sở các ý kiến Đại biểu Quốc hội và căn cứ tình hình thực tiễn để quy định chi tiết trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vì lý do quốc phòng, an ninh.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; và người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Liên quan đến trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài và bị trao trả về nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tiến hành cấp giấy tờ nhập cảnh để đưa công dân về nước. Tuy nhiên, đối với trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ đề nghị giao cho Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đối với từng cá nhân cụ thể và không quy định chi tiết trong Luật này.
Bộ Công an cũng vừa công bố số liệu sơ bộ về tình hình vi phạm pháp luật trong tháng 10 (từ ngày 15/9/2019 đến 14/10/2019) cho biết cơ quan chức năng đã bắt giữ 542 đối tượng bị truy nã, trong đó có 137 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Theo Bộ Công an, đã có hơn 4100 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội xảy ra toàn quốc trong tháng 10.
Quy định cấm xuất cảnh với lý do an ninh lâu nay cũng áp dụng cho một số nhà hoạt động được nhiều người biết đến tại Việt Nam. Biện pháp này bị cho là tùy tiện vì cơ quan chức năng không thể cung cấp bất cứ bằng chứng nào về việc gây nguy hại đến an ninh quốc gia; nhưng vẫn có những nhà hoạt động liên quan không được xuất cảnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-to-postpone-exit-of-a-person-with-a-particularly-serious-violation-10282019085852.html
Người Việt đi ngoại quốc khó như thế nào?
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 28 tháng 10 năm 2019 loan tin, trong khi công dân của nhiều nước đến Việt Nam rất dễ dàng vì được nhà cầm quyền Việt Nam miễn thị thực, thì công dân Việt Nam xin nhập cảnh vào một số nước trong nhóm này lại rất khó.Người Việt muốn đến các quốc gia phát triển như Mỹ phải đạt các yêu cầu như: có tài chính thuộc dạng khá, một khoản tiết kiệm, một lịch trình hợp lý, kèm theo rất nhiều giấy tờ từ các cơ quan, đoàn thể liên quan, hoặc được một pháp nhân ở ngoại quốc bảo lãnh. Tuy nhiên, dù tất cả các yêu cầu trên đã đáp ứng nhưng chưa chắc người Việt đã xin được visa vào các nước phát triển.
Báo Vietnamnet lấy thí dụ về trường hợp của một người phụ nữ Việt Nam có chồng làm việc tại cộng hoà Séc hơn 10 năm, chị này đã quyết định xin nghỉ việc 3 tháng không lương để sang Sec thăm chồng. Dù có công việc ổn định ở Việt Nam, tài chính minh bạch và các tiêu chuẩn khác, tuy nhiên, Đại sứ quán Séc đã từ chối cấp visa cho chị này sang thăm chồng. Nguyên nhân được Đại sứ quán Séc đưa ra là chị này không thể chứng minh được bản thân chị sau khi sang thăm chồng xong thì có chắc chắn sẽ rời khỏi Séc hay không.
Người phụ nữ này chỉ là một trường hợp điển hình trong rất nhiều công dân Việt Nam bị từ chối xin visa sang các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha và một số nước khác.
Theo báo Vietnamnet, tình trạng người Việt vi phạm luật pháp ở nước sở tại đã góp phần làm cho cơ hội xin visa của những người trong nước ngày càng khó khăn. Nhiều người Việt đi du lịch rồi trốn ở lại nước sở tại, hay đi xuất cảng lao động nhưng bỏ việc để đi làm chui, đi du học nhưng bị trả về nước vì vi phạm luật pháp… Hầu hết các sinh viên đi du học đều mong muốn ở lại nước ngoài. Đây là những vấn đề rất phổ biến của người Việt.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-di-ngoai-quoc-kho-nhu-the-nao/
Tập đoàn Trung Cộng muốn mở tuyến container biển
tại cảng Vũng Áng Hà Tĩnh
Tin Vietnam.- Báo Vietnamfinance loan tin, ngày 27 tháng 10 năm 2019, tập đoàn Cảng Hạ Môn của Trung Cộng đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung của buổi làm việc là phía tập đoàn Cảng Hạ Môn muốn mở tuyến container từ cảng Hạ Môn, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Cộng sang cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh.Ông Chen Zhiping, Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạng tập đoàn Cảng Hạ Môn nói với Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh rằng, ông mong muốn nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cùng các sở, ngành liên quan để tập đoàn được hợp tác, đầu tư trên lĩnh vực cảng biển, hậu cần.
Đáp lại, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này đang tập trung kêu gọi và thu hút các dự án về cảng biển, trung tâm hậu cần, ngành công nghiệp hậu thép vào khu kinh tế Vũng Áng. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn Cảng Hạ Môn khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào dự án mà tập đoàn này đề nghị.
Thông tin này đã khiến dư luận Việt Nam bất mãn, vì họ lo lắng ngày càng có quá nhiều công ty của Trung Cộng được đầu tư vào những khu vực có địa hình quan trọng ở Việt Nam. Mặt khác, Trung Cộng đang thực hiện nhiều hành động xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam. Vì vậy, nhiều người lo ngại về vấn đề chủ quyền khi nhà cầm quyền CSVN đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho các công ty Trung Cộng đầu tư, xây dựng cơ sở kinh tế trên khắp cả nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tap-doan-trung-cong-muon-mo-tuyen-container-bien-tai-cang-vung-ang-ha-tinh/
Bao giờ nước mắt thôi rơi?!
Viết từ Sài Gòn“Khi đất nước tôi thanh bình… Tôi sẽ đi thăm… Hà Nội vô Nam, Sài Gòn ra Trung… Khi đất nước tôi thành bình… Tôi sẽ đi thăm…”. Thú thực là tôi không yêu con người chính trị cực kì hổ lốn của Trịnh Công Sơn, nhưng tấm lòng của ông, ước mơ của ông và mối cảm hoài về quê hương, đất nước của ông trải ra trên tác phẩm khiến cho không ít người nghe, qua đó mà chiêm nghiệm, trở nên sâu sắc và biết suy tư về thân phận chiến tranh, thân phận dân tộc và thân phận con người. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, trong lúc này, khi mà thông tin cho rằng rất có thể 39 người bị chết cóng trong container đông lạnh ở Anh là người Việt. Tự dưng, tôi lại nhớ đến những câu này, và hoài nghi hai chữ “thanh bình” trong ca khúc của ông. Đất nước đã có ngày nào thanh bình chưa? Và đến bao giờ nước mắt thôi rơi?
Đất nước thống nhất hai miền, vĩ tuyến 17 trở thành kỉ niệm của một thời, và người ta có thể ra Bắc, vào Nam mà không cần phải chờ “giờ nhân ái” hay “giờ đình chiến” của bất kì chính thể đối lập nào. Người miền Bắc có thể vào thăm Cà Mau, thăm Cần Thơ, thăm chợ nổi Cái Răng hay xuống Đầm Dơi, Đất Mũi để hiểu rằng rừng ngập mặn Đất Mũi cũng có sú, vẹt, đước giống rừng ngập mặn ở Ninh Bình nhưng ngoài ra, tôm sú và tôm đất ở Cà Mau khác xa Ninh Bình và Cà Mau có nhiều thứ Ninh Bình không có, cũng như Ninh Bình chưa biết rừng dừa nước hay rừng đước giống như cà Mau.
Và có hàng ngàn câu chuyện để biết nhiều hơn, đi nhiều hơn giữa hai đầu đất nước, hàng ngàn người trong Nam ra Bắc tham quan, thăm thú, để biết thế nào là chùa Thầy hay lăng tẩm hoàng cung, cột cờ Hà Nội, hồ Gươm, hồ Tây hay hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc… Và người đồng bào thiểu số miền Nam cũng tìm về thăm đồng bào thiểu số miền Bắc, nơi mà rất lâu gia tộc họ đã li tán vì một điều gì đó. Còn người có thể đi khắp mọi miền đất nước và nhìn ra bao điều mới lạ, nhưng có một điều, qua hai thời kỳ, qua bao đau thương, dường như không hề thay đổi, đó là nước mắt, tiếng khóc quê hương vẫn còn chất nặng niềm đau!
Người Bắc có thể vào Nam đi tham quan, du lịch mà không cần xin phép qua cửa khẩu nào, vĩ tuyến nào. Và người Bắc biết thêm được chợ nổi là gì, Đầm Dơi là gì, Thất sơn là gì… hay dinh Độc Lập ở đâu, sao lại gọi Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông… Nhưng người Bắc cũng không thể không nhìn thấy những cô gái trên bến Ninh Kiều, trên đường Huyền Trân Công Chúa hay đường Bạch Đằng… và hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cô gái miền sông nước đang rải rác khắp đất nước với nghề phục vụ karaoke, massage, gội đầu, tiếp thị bia…
Và, người miền Nam có cơ hội ra miền Bắc để thăm thú, lên tận những bản làng xa xôi như Phiêng Đéng, Bắc Kạn, Hoàng Thu Phố, Simacai, Lào Cai hay Hà Giang với những địa danh gần như chỉ biết trong sách vở như cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng, các bản làng nơi cao nguyên đá Đồng Văn hay cột cờ Phai Vệ, cầu Kỳ Cùng, núi Mẫu Sơn, ải Chi Lăng, Lạng Sơn… Những địa danh ấy, khi đi rồi mới hiểu đất nước dài, rộng và đẹp nhường nào, người Việt làm lụng vất vả, yêu quê hương, yêu con người ra sao. Và cũng chỉ khi đi rồi mới hiểu rằng nếu như các cô gái miền Tây Nam Bộ đổ xô khắp ba miền đất nước để kiếm cơm thì các chàng trai, cô gái xứ Bắc cũng lang thang khắp nơi, thậm chí bôn tẩu xứ người với thân phận chui nhủi, bất hợp pháp để kiếm từng đồng trả nợ cho đường dây đưa người vượt biên và nuôi hi vọng đổi đời.
Câu chuyện gần đây nhất, mới vài hôm trở lại đây, nói về thân phận 39 người bị chết cóng trong thùng đông lạnh trên đường vượt biên vào Anh để làm thuê (theo đồn đoán là họ trồng cần sa thuê) lại nhắc biết bao nhiêu chuyện khác xoay quanh vấn đề vượt biên ở miền Bắc. Có một điều đặc biệt mà ít ai nhắc tới là người miền Bắc vượt biên nhiều hơn người miền Nam. Trừ các thuyền nhân đã vượt biển có dính đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa kể từ mốc 30 tháng 4 năm 1975, thì hầu hết người vượt biên tìm chân trời mới không phải vì nguyên nhân lý lịch ở miền Nam sẽ rất ít so với miền Bắc. Bắt đầu từ Bắc vĩ tuyến 17 ra đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, số lượng người vượt biên có thể lên đến hàng chục triệu. Và hầu hết họ vượt biên sang các nước châu Âu, trong đó nước Anh là chính. Vì họ vượt biên theo con đường lao động chui, đường làm thuê và không có giấy tờ nên họ tuyệt nhiên không có cơ hội thành Việt Kiều và cũng rất khó để thống kê về họ.
Nhưng nhà cầm quyền địa phương biết họ vượt biên, vì chính sách quản lý người của chính quyền Cộng sản từ cấp địa phương đến cấp tỉnh rất gắt gao, con muỗi cũng khó lọt. Nhưng vì cái “chung”, cái “vĩ mô” những người vượt biên này mang về quê hương một lượng tiền không hề nhỏ, thậm chí rất lớn, nó giúp cho kinh tế địa phương thay đổi đáng kể và đó cũng là cơ hội để giới chức địa phương gây khó dễ, vòi vĩnh kiếm ăn. Chính vì vậy số lượng người vượt biên sang Anh ở Lệ Thủy, Quảng Bình và ở các huyện ven biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là nhiều vô kể. Đi vào bất kì khu dân cư nào, thấy nhà cửa xây cất bề thế, cửa ngõ khóa cẩn thận và trong làng chỉ có người già thì đích thị đó là khu “vượt biên”. Mà số lượng những khu “vượt biên” này thì nhiều vô kể!
Đó là chuyện đã diễn ra gần hai chục năm nay, còn chuyện mới đây, kể từ khi biến cố biển nhiễm độc do Formosa xả thải thì cấp độ vượt biên của người Bắc miền Trung còn kinh khủng và tội nghiệp hơn nữa. Nghĩa là trước đây còn mơ tưởng chuyện sang Anh và các nước châu Âu, tệ một chút thì sang Trung Quốc, Đài Loan để lao động chui. Còn hiện tại, sau khi biển chết, sau khi rừng bị tàn phá và thiên nhiên đổi màu, lại có thêm hàng ngàn gia đình ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh tìm cách sang Lào, thậm chí nhiều trẻ em bỏ học trốn sang Lào theo các đường dây lao động chui để kiếm sống. Có thể nói rằng số lượng người vượt biên ở miền Bắc vượt rất xa so với miền Nam. Và đáng thương, đáng tội hơn cho họ là họ cũng có chung ước mơ đổi đời, có ước mơ tìm đến xứ sở tự do để sinh sống giống như hàng triệu người miền Nam nhưng họ lại mang lý lịch trái ngược với người miền Nam nên cơ hội làm công dân xứ sở tự do của họ là hoàn toàn không có. Người miền Nam có lý do tị nạn, để qua đó, có thể được các tổ chức nhân đạo cứu giúp, người vượt biên miền Bắc không có lý do nào để được các tồ chức này cứu giúp.
Có chăng, những người được cứu giúp ở miền Bắc là người bị lừa bán sang Trung Quốc (các bạn hãy thử lên các bản làng Tây Bắc, Đông Bắc tìm hiểu, có thể khẳng định rằng Không có bản làng nào là không có người bị lừa bán sang Trung Quốc!) và cơ hội được cứu của nạn nhân là gần như không có. Thế mới hay rằng ước mơ đất nước thanh bình, không còn chiến tranh, để người người được vô Nam hay ra Bắc dường như mãi mãi là một giấc mơ dang dở. Bởi sau chiến tranh mấy mươi năm vẫn chưa thấy thanh bình hay no ấm.
Bởi mới đó, tưởng như thanh bình, thống nhất thì có hàng vạn người phải vào trại cải tạo, sống chết với rừng thiêng nước độc, hàng triệu con người bỏ mạng trên biển, đau đớn trên đường đi tìm tự do, tìm sự sống. Hàng triệu gia đình bị xua ra khỏi nhà và mất trắng mọi thứ, thời kì của nhòm ngó, theo dõi, đấu tố, trừng phạt, trả thù, tịch thu… Thời kì của ba lát sắn cõng một hạt gạo, nói chuyện với nhau chỉ nghe toàn tiếng ợ và mùi sắn khô, mùi hạt kê, hạt bắp đã di chuyển từ kho làng tới kho xã, kho huyện, kho trung ương rồi phân phối quay ngược trở về các kho. Bụng người, thân phận người, suy nghĩ người cũng vòng vèo như chính đường đi của hạt bắp, lát sắn hay hạt kê…!
Và con đường vòng vèo với hạt gạo, hạt lúa, miếng ăn ấy cứ kéo dài mãi cho đến nay, niềm đau kèm theo cũng vòng vèo và lớn dần theo năm tháng, chưa bao giờ nguôi! Nước mắt của những gia đình có con bỏ mạng nơi xứ người bây giờ không phải là riêng nước mắt của người mẹ miền Nam khóc con bỏ mình trên biển, không phải là riêng nước mắt của người mẹ miền Nam khóc con bỏ mạng nơi trại giam… mà là nước mắt của cả người mẹ miền Bắc, của nhiều người mẹ miền Bắc khóc con bỏ mình nơi xứ người vì chén cơm manh áo, vì ước mơ vượt thoát cái nghèo hay đổi đời, nhìn thấy thiên đường. Hay nói khác đi là cái ước mơ mà trước đây hơn nửa thế kỉ, những người mẹ miền Bắc cũng đã từng khóc hết nước mắt, thậm chị quị ngã vì nghe tin con mình không trở về, đã bỏ mạng nơi chiến trường miền Nam, cho công cuộc “cách mạng thần thánh”. Để rồi sau bao nhiêu năm, sau cuộc cách mạng thần thánh ấy, nước mắt lại chảy thêm lần nữa vì những đứa con bỏ mình cho cuộc cách mạng áo cơm, đổi đời!
Đất nước này chưa bao giờ được thanh bình dù đã im tiếng súng. Nhưng tiếng súng nơi lòng người vẫn cứ nổ hằng đêm, và những viên đạn vô hình ấy đang giết dần sinh mệnh, nhân phẩm, lòng yêu thương, tự do và cả tương lai của một dân tộc có số phận vốn dĩ rất buồn!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-will-tear-stop-10272019194404.html
0 comments