Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 05/10/2019

Saturday, October 5, 2019 7:01:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 05/10/2019

Trump gọi TNS Cộng hòa

là ‘thằng hợm hĩnh’ vì chỉ trích vụ Ukraine

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy gọi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mitt Romney là “thằng hợm hĩnh” sau khi ông này chỉ trích sắc bén việc tổng thống thúc giục các nước khác điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một đối thủ chính trị Đảng Dân chủ.
“Mitt Romney chả bao giờ biết cách thắng cử. Ông ta là một ‘thằng’ hợm hĩnh chống đối tôi ngay từ đầu,” ông Trump viết về vị nghị sĩ đồng Đảng Cộng hòa của ông trên Twitter.
Ông Trump một lần nữa biện hộ cho cuộc điệm đàm vào tháng 7 giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, vốn đã kích hoạt một cuộc điều tra luận tội của Hạ viện, và nói rằng lời kêu gọi Trung Quốc điều tra ông Biden và con trai Hunter liên quan tới tham nhũng chứ không phải vì động cơ chính trị.
“Nếu Mitt dồn sức vào Obama như thế này thì lẽ ra ông có thể đã thắng. Đáng buồn là ông ta tịt ngòi!” ông Trump viết. “Ông ta quá tệ cho phe Cộng hòa.”
Ông Romney từng là ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa thất bại trước Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Hôm thứ Sáu, ông Romney nói những hành động của ông Trump liên quan đến ông Biden là “sai trái và tồi tệ.”
“Khi một công dân Mỹ duy nhất mà Tổng thống Trump nêu đích danh cho Trung Quốc điều tra là đối thủ chính trị của mình giữa quá trình đề cử của Đảng Dân chủ, khó mà tin được việc này có bất cứ động cơ nào khác ngoài động cơ chính trị,” ông Romney nói trên Twitter. “Với những gì đang hiển hiện, hành động trơ tráo và chưa từng có của tổng thống kêu gọi Trung Quốc và Ukraine điều tra Joe Biden là sai trái và tồi tệ.”
https://www.voatiengviet.com/a/trump-goi-thuong-nghi-si-cong-hoa-la-thang-hom-hinh-vi-chi-trich-vu-ukraine/5111879.html

Ba ủy ban Hạ viện ra trát buộc Nhà Trắng

giao nộp tài liệu vụ Trump-Ukraine

Phe Dân chủ trong Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã ra trát buộc Nhà Trắng giao nộp các tài liệu mà họ muốn xem như một phần trong cuộc điều tra luận tội của họ nhắm vào Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch của ba ủy ban Hạ viện cho biết họ muốn các tài liệu liên quan đến cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vốn là tâm điểm của cuộc điều tra.
Cả ba người nói họ buộc phải ra trát sau khi Nhà Trắng không xuất trình những tài liệu mà họ yêu cầu trong một lá thư vào ngày 9 tháng 9.
“Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc là Tổng thống Trump đã đặt chúng tôi – và quốc gia – vào tình thế này, nhưng những hành động của ông ấy khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác phải ra trát bắt buộc,” Dân biểu Elijah Cummings của Ủy ban Giám sát, Adam Schiff của Ủy ban Tình báo, và Eliot Engel của Ủy ban Đối ngoại nói.
Họ cho Nhà Trắng đến ngày 18 tháng 10 để cung cấp thông tin, bao gồm thông tin về những người nào khác ngoài ông Trump nghe cuộc gọi điện thoại với Zelenskiy.
“Trát này không thay đổi cả – chỉ là yêu cầu thêm tài liệu, lãng phí thời gian và tiền thuế của người dân mà cuối cùng sẽ cho thấy Tổng thống không làm gì sai trái,” phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham nói trong một phát biểu.
Reuters dẫn một nguồn tin nắm rõ sự việc cho biết các luật sư của Nhà Trắng tin rằng ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, có thể phớt lờ các yêu cầu của các nhà lập pháp, cho đến khi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát tổ chức một cuộc biểu quyết toàn viện để chính thức chấp thuận một cuộc điều tra luận tội.
Trước đó, các ủy ban đã yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence giao nộp các tài liệu liên quan đến cuộc hội kiến mà ông tổ chức với ông Zelenskiy và cuộc gọi giữa ông Zelenskiy và ông Trump.
Họ cho ông Pence đến ngày 15 tháng 10 để xuất trình bất kì văn kiện nào liên quan đến cuộc gọi vào tháng 7 và một cuộc gặp gỡ giữa ông và ông Zelenskiy vào ngày 1 tháng 9.
Theo bản ghi chép một phần cuộc điện đàm, ông Trump đã nhờ Zelenskiy “giúp” điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên hàng đầu tranh đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2020, và con trai ông, Hunter Biden, người từng phục vụ trong hội đồng quản trị của Công ty khí đốt Burisma của Ukraine.
Vào thời điểm đó, chính quyền Trump đang ghim lại hàng trăm triệu đôla viện trợ cho Ukraine và phe Dân chủ nói họ nghi ngờ ông Trump đang dùng chính sách đối ngoại của Mỹ và tiền của người đóng thuế để phục vụ cho lợi ích chính trị cá nhân của mình. Ông Trump đang vận động tái tranh cử.
Nội dung cuộc gọi của ông Trump với ông Zelenskiy được tiết lộ bởi một thành viên của cộng đồng tình báo ẩn danh và người này đã đệ đơn tố giác chính thức. Ông Trump đã nói ông muốn biết danh tính của người tố giác.
Một quan chức tình báo thứ hai, người nắm nhiều thông tin trực tiếp về những tương tác của ông Trump với Ukraine hơn là người tố giác đầu tiên, cũng đang xem xét đệ đơn tố giác, báo The New York Times đưa tin, dẫn lời hai người được cho biết về việc này.
Quan chức thứ hai nằm trong số những người đã được tổng thanh tra của cộng đồng tình báo phỏng vấn để chứng thực các cáo buộc của người tố giác đầu tiên, một trong những nguồn tin cho biết, theo tờ Times.
Tổng thanh tra, Michael Atkinson, đã ra khai chứng trong một phiên điều trần kín của Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm thứ Sáu.
Cuộc điều tra có thể dẫn đến việc chấp thuận các cáo trạng luận tội chính thức chống lại ông Trump trong Hạ viện. Một phiên xét xử về việc có truất quyền ông hay không sẽ được tổ chức tại Thượng viện Hoa Kỳ. Những nghị sĩ Cộng hòa kiểm soát Thượng viện đã tỏ ý cho thấy họ không mặn mà với việc truất quyền ông Trump.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, Mitt Romney, hôm thứ Sáu nói rằng việc ông Trump hối thúc các nước khác khác điều tra ông Biden là “sai trái và tồi tệ.”
“Khi một công dân Mỹ duy nhất mà Tổng thống Trump nêu đích danh cho Trung Quốc điều tra là đối thủ chính trị của mình giữa quá trình đề cử của Đảng Dân chủ, khó mà tin được việc này có bất cứ động cơ nào khác ngoài động cơ chính trị,” ông Romney nói trên Twitter.
https://www.voatiengviet.com/a/ba-uy-ban-ha-vien-ra-trat-buoc-nha-trang-giao-nop-tai-lieu-vu-trump-ukraine/5111731.html

Gordon Sondland -Đại Sứ Hoa Kỳ tại EU-

sẽ ra làm chứng tại Hạ Viện

Tin từ Washington, D.C. – Vào tối Thứ Sáu (4 tháng 10), các chủ tịch của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện và Ủy Ban Quan Hệ Quốc Tế Hạ Viện đã viết thư cho Tòa Bạch Ốc, yêu cầu họ công bố một loạt các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Trump.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên minh Châu Âu Gordon Sondland cũng sẽ xuất hiện để đưa ra lời khai vào Thứ Ba (ngày 8 tháng 10). Ông là cá nhân thứ hai làm chứng trong cuộc điều tra luận tội của Hạ Viện, sau khi cựu đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine Kurt Volker.
Theo các văn bản do ông Volker đệ trình trước Quốc hội vào Thứ Năm (ngày 3 tháng 10), ông Volker và ông Sondland đã thảo luận về nội dung cho bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Zelensky, để tuyên bố cam kết của ông về việc chống tham nhũng và mở một cuộc điều tra về Burisma, công ty năng lượng Ukraine mà ông Hunter Biden là thành viên hội đồng quản trị.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Sen Ron Johnson cho biết ông Sondland đã nói với ông vào mùa hè rằng, tiền viện trợ cho Ukraine gắn liền với việc điều tra Hunter Biden cũng như cha ông là Joe Biden.
Hiện tại, ý nghĩa chính trị của cuộc điều tra luận tội đang là chủ đề của các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Tòa Bạch Ốc. Đài CBS dẫn lời một viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết rằng một số người cho rằng có những “điểm tốt” trong cuộc điều tra luận tội. Một số người cho rằng việc luận tội sẽ thu hút được sự chú ý của các cử tri để ủng hộ Tổng Thống Trump. Một số người khác lại cho rằng “không ai có thể dự đoán được tác động của luận tội”. Nhóm này nhận thức được rằng không có tổng thống nào từng đứng ra tái tranh cử sau khi bị luận tội. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/gordon-sondland-dai-su-hoa-ky-tai-eu-se-ra-lam-chung-tai-ha-vien/

Tin tặc Iran tấn công

chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

Tin từ Washington, D.C. – Vào hôm Thứ Sáu (ngày 4 tháng 10), Microsoft cho biết một nhóm tin tặc có liên kết với chính phủ Iran đã tấn cộng chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, các mục tiêu truyền thông, và người Iran tỵ nạn nổi tiếng.
Mircrosoft cho biết nhóm tin tặc đã cố gắng xâm nhập vào 241 tài khoản, trong đó có bốn vụ thành công, mặc dù những tài khoản bị xâm nhập không có liên quan đến với các chiến dịch tranh cử của tổng thống hoặc các viên chức hoặc cựu viên chức Hoa Kỳ.
Tin tức về những vụ tấn công là dấu hiệu mới nhất cho thấy các chính phủ ngoại quốc đang tìm cách phá hoại cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Các viên chức tình báo Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro của những vụ tấn công mạng trong nhiều tháng qua.
Việc tin tặc Nga xâm nhập vào Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, cũng như các vụ rò rỉ email sau đó trong cuộc bầu cử năm 2016 đã làm rung chuyển DNC, gây bất lợi cho chiến dịch của bà Clinton, và là đầu mối trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Tin tặc ngoại quốc từ lâu đã nhắm mục tiêu vào chính phủ và chính trị gia Hoa Kỳ mà không hề báo trước. Nhưng sự gián đoạn gây ra bởi cuộc tấn công của Nga đã nâng cao nhận thức, và khiến nhiều người lo ngại rằng các quốc gia khác sẽ cố gắng làm theo Nga.
Đặc biệt, Iran có thể sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận nguyên tử và đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Bộ Nội An Hoa Kỳ cho biết họ đang hợp tác với Microsoft để “đánh giá và giảm thiểu tác động” của các cuộc tấn công. Ông Chris Krebs, giám đốc Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng của Bộ, cho biết phần lớn các cuộc tấn công có khả năng là hoạt động “hoàn toàn bình thường” của cơ quan tình báo ngoại quốc. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tin-tac-iran-tan-cong-chien-dich-tranh-cu-tong-thong-hoa-ky/

Điều tra Trump-Ukraine: Đảng Dân chủ

yêu cầu Nhà Trắng trình tài liệu

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ đã yêu cầu Nhà Trắng trình các tài liệu như một phần của cuộc điều tra luận tội của họ về Tổng thống Donald Trump.
Các tài liệu liên quan đến cuộc gọi giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 25/7/2019.
Trong cuộc gọi, ông Trump đã thúc đẩy ông Zelensky điều tra đối thủ chính trị dân chủ hàng đầu của mình, Joe Biden.
Trump kêu gọi Trung Quốc điều tra cha con Biden
Quốc hội và quyền lực nghị viện – cái nhìn từ Anh qua Mỹ tới Việt Nam
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump
Chúng tôi vô cùng tiếc vì Tổng thống Trump đã đặt chúng tôi – và cả quốc gia – vào vị trí này, nhưng hành động của ông đã khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra trát đòi hầu tòa nàyCác nghị sỹ Dân chủ
Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Dư luận ủng hộ điều tra luận tội Trump”
Cuộc điều tra luận tội bắt nguồn từ cuộc điện đàm, được một người tố giác nêu ra vào tháng Tám.
Người tố cáo cáo buộc rằng ông Trump đã sử dụng gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu đô la cho Ukraine, vốn đã bị đình chỉ trước đó vào tháng Bảy, như một đòn bẩy để thuyết phục ông Zelensky. Nhà Trắng đã cung cấp gói viện trợ vào tháng Chín.
Ông Trump đã bác bỏ mọi hành vi sai trái, cáo buộc các đối thủ chính trị của ông là một “cuộc săn phù thủy”.
Nhưng trong một động thái để tăng áp lực lên tổng thống, ba ủy ban Hạ viện dẫn đầu cuộc điều tra đã cho ông Trump thời hạn đến ngày 18 tháng Mười để bàn giao các tài liệu.
“Chúng tôi vô cùng tiếc vì Tổng thống Trump đã đặt chúng tôi – và cả quốc gia – vào vị trí này, nhưng hành động của ông đã khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra trát đòi hầu tòa này”, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ viết trong thư gửi Nhà Trắng.
Trát hầu tòa – một mệnh lệnh yêu cầu trao bằng chứng – đã được các vị chủ tịch của các ủy ban giám sát, tình báo và đối ngoại đưa ra vào hôm thứ Sáu, 04/10/2019.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của trát đòi hầu tòa này, nói rằng nó “không tạo ra thay đổi gì”.
Một yêu cầu riêng về hồ sơ cũng đã được gửi tới Phó Tổng thống Mike Pence, trong đó đảng Dân chủ yêu cầu ông làm rõ “bất kỳ vai trò nào mà ông có thể đóng” trong cuộc điều tra về ông Trump với Ukraine.
Chúng ta biết gì về cáo buộc tham nhũng Biden-Ukraine
Nếu đảng Dân chủ đi đến được việc luận tội ông Trump – bằng cách bỏ phiếu tại Hạ viện – một phiên bỏ phiếu sẽ được tổ chức tại Thượng viện.
Các thượng nghị sĩ sẽ phải bỏ phiếu để kết tội ông Trump với đa số 2/3 để loại ông khỏi chức vụ.
Nhưng kết quả đó được coi là không chắc chắn khi các đảng Cộng hòa của tổng thống kiểm soát Thượng viện.
Đảng Dân chủ đòi tài liệu gì?
Trong bức thư gửi Nhà Trắng, các ủy ban đã cáo buộc ông Trump “ngăn chặn” nhiều yêu cầu về các hồ sơ liên quan cuộc gọi ngày 25/7 của ông với ông Zelensky.
Bằng cách từ chối tự nguyện phát hành các tài liệu, đảng Dân chủ cho biết ông Trump đã “chọn con đường thách thức, cản trở và che đậy”.
Việc không tuân thủ trát đòi hầu tòa sẽ dẫn đến “bằng chứng cản trở”, đây cũng là một hành vi phạm tội không thể chối cãi, các ủy ban cảnh báo.
Phản ứng mới nhất là gì?
Hôm thứ Sáu, 04/10, ông Trump nói rằng đảng Dân chủ “thật đáng tiếc đã có lá phiếu” để luận tội ông, nhưng dự đoán ông sẽ giành chiến thắng trong một phiên tại Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo.
Hầu hết những người Cộng hòa đang đứng sau lưng ông Trump, mặc dù hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng chống lại tổng thống.
Mitt Romney của Utah đã gọi hành động của tổng thống là “kinh hoàng” vào hôm thứ Sáu.
Phát biểu của ông được đưa ra một ngày sau khi ông Trump công khai kêu gọi Ukraine và Trung Quốc điều tra ông Biden và con trai ông, Hunter.
Không có bằng chứng về hành vi sai trái của Hunter Biden, người từng phục vụ trong hội đồng quản trị của công ty khí đốt Burisma của Ukraine cho đến đầu năm nay.
Cùng ngày, các tin nhắn văn bản do đảng Dân chủ Quốc hội công bố cho thấy các quan chức Mỹ làm việc như thế nào để thúc đẩy tổng thống Ukraine mở cuộc điều tra công khai về ông Biden.
Có thể có người tố giác thứ hai?
Khi cuộc điều tra diễn ra nhanh chóng về ông Trump leo thang, có nhiều tin tức nói về một quan chức tình báo thứ hai đang xem xét việc khiếu nại chống lại tổng thống.
Rudy Giuliani là ai?
Tờ Thời báo New York nói quan chức giấu tên này có “nhiều thông tin trực tiếp hơn” về các sự kiện xung quanh cuộc gọi điện thoại của ông Trump với ông Zelensky.
Michael Atkinson, tổng thanh tra của cộng đồng tình báo, đã phỏng vấn quan chức này để chứng thực các cáo buộc của người tố giác ban đầu, tờ báo đưa tin.
Với người tố giác ban đầu, được đưa tin là một quan chức CIA, không trực tiếp chứng kiến cuộc gọi, lời khai của một quan chức thứ hai có thể chứng minh giá trị đối với cuộc điều tra của đảng Dân chủ.
Bốn câu hỏi nhanh về vụ Trump-Ukraine:
Vì sao ông Trump bị điều tra?
Ông Trump chẳng làm gì sai cả – một công dân Mỹ nói
Một người tố giác cáo buộc ông ta đã sử dụng “quyền lực chức vụ của mình để thu hút sự can thiệp từ một quốc gia nước ngoài trong cuộc bầu cử năm 2020 của Hoa Kỳ”, bằng cách yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính của mình, Joe Biden.
Đây có phải là bất hợp pháp?
Nếu đây là những gì ông đã chứng minh là đã làm, thì đúng vậy: việc yêu cầu các thực thể nước ngoài giúp đỡ để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ là bất hợp pháp. Ông Trump nói rằng đó là một cuộc săn phù thủy, bới lông tìm vết và ông không làm gì sai.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Nếu Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát bỏ phiếu luận tội ông Trump, sẽ có một phiên tòa tại Thượng viện.
Ông Trump có thể bị phế truất?
Một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện cần đa số 2/3 để kết án, nhưng đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát Thượng viện nên điều đó khó xảy ra. Và cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller nói rõ rằng bạn không thể buộc tội một đương kim tổng thống phạm tội.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49945451

Hoa Kỳ: Đảng Dân Chủ

gia tăng áp lực lên Donald Trump

Minh Anh
Tiến trình luận tội tổng thống Mỹ của phe Dân Chủ tiến thêm một bước mới. Ngày 04/10/2019, lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Hạ Viện đã chính thức yêu cầu Nhà Trắng từ đây đến ngày 18/10/2019 phải cung cấp các tài liệu cần thiết cho cuộc điều tra.
Theo tường thuật của thông tín viên Anne Corpet, quyết định này được đưa ra sau khi phát hiện nhiều tin nhắn SMS trao đổi giữa những người thân cận của tổng thống Trump với các quan chức cao cấp Ukraina.
Những tin nhắn đáng ngờ
Hạ Viện Mỹ hôm thứ Sáu 04/10/2019 đã thẩm vấn kín ông Michael Atkinson, thanh tra cơ quan tình báo. Chính ông là người đầu tiên báo cáo với Quốc Hội về thư báo động của một nhân viên tình báo liên quan đến cuộc trao đổi điện thoại giữa Donald Trump với đồng nhiệm Ukraina.
Trước đó một hôm, cuộc điều trần của ông Kurt Volker, cựu đặc sứ Mỹ tại Ukraina tại Hạ Viện cho phép phát hiện nhiều bằng chứng mới chống lại chính quyền Trump như các tin nhắn trao đổi giữa các nhà ngoại giao Mỹ với chính quyền Kiev. Những tin nhắn này cho thấy rõ chính quyền Donald Trump đã gây áp lực với Ukraina.
Những tin nhắn đặc biệt đáng lo ngại. Chẳng hạn như tin nhắn đầu tiên của ông Kurt Volker gởi đến một cố vấn của tổng thống Ukraina ngay sau cuộc trao đổi điện thoại đáng ngờ giữa hai nguyên thủ có đoạn ghi : “Đương nhiên Nhà Trắng đồng ý. Nếu tổng thống Zelensky thuyết phục ông Trump rằng ông ấy sẽ tiến hành điều tra, chúng ta sẽ tìm một ngày nào đó cho cuộc gặp tại Washington ».
Trong một tin nhắn khác ngày 01/09, Bill Taylor, phụ trách hồ sơ Ukraina hỏi : « Liệu chúng ta có nên nói là hỗ trợ quân sự cho Ukraina và cuộc gặp ở Nhà Trắng là điều kiện để mở điều tra hay không ? » Một tuần sau đó, trong một tin nhắn khác gởi đến đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, ông lo lắng : « Tôi nghĩ là thật là điên rồ khi đặt điều kiện hỗ trợ quân sự để đổi lấy một sự giúp đỡ cho chiến dịch tranh cử ».
Những tin nhắn trao đổi giữa các nhà ngoại giao Mỹ cũng cho thấy rõ có sự can dự của ông Rudolf Giuliani, luật sư riêng của tổng thống Mỹ trong việc gây áp lực với Ukraina. Theo New York Times, hai nhân vật thân cận do tổng thống Mỹ gởi đến Ukraina còn soạn thảo một tuyên bố cho tổng thống Zelensky sau cuộc trao đổi điện đàm giữa hai nguyên thủ. Theo đó, văn bản này sẽ thúc giục Ukraina tiếp tục các cuộc điều tra được yêu cầu về các đối thủ chính trị của ông Donald Trump.
Donald Trump không nao núng
Trước những tiết lộ này, tổng thống Mỹ dường như tỏ ra không nao núng và khẳng định đã nhờ cậy đến các thế lực nước ngoài. Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích thêm :
« Donald Trump khẳng định ông làm như thế là để chống tham nhũng chứ không nhằm làm hại đối thủ chính trị Joe Biden. Ông nói: “Tôi không quan tâm đến chính trị, tôi chẳng màng đến chiến dịch của Biden. Nhưng tôi có bổn phận, nghĩa vụ chống tham nhũng”.
Tổng thống Mỹ ngay từ đầu tiến trình luận tội đã khẳng khái cho rằng các cuộc trao đổi của ông với đồng nhiệm Ukraina chẳng có gì đáng chê trách. Nguyên thủ Mỹ biết rằng ông có thể trông cậy vào đảng Cộng Hòa, chiếm đa số ở Thượng Viện để ngăn cản thủ tục phế truất nếu cần thiết.
Hơn nữa, ông còn kêu gọi các đồng minh thống nhất thành một khối nếu việc luận tội ông phải đưa đến Thượng Viện. Hiện tại, ông Donald Trump vẫn nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ đảng Cộng Hòa dù là khá kín đáo.
Uy tín của tổng thống Mỹ vẫn nguyên vẹn trong lòng các cử tri ủng hộ ông. Chỉ có một nghị sĩ đảng Cộng Hòa duy nhất là lên tiếng tố cáo mạnh mẽ các hành động của tổng thống Mỹ: Mitt Romney, nhưng đó chỉ là một người hay gièm pha Donald Trump. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191005-hoa-ky-dang-dan-chu-gia-tang-ap-luc-len-donald-trump

Trump không cho nhập cư Mỹ

nếu không trả được chi phí y tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu kí một tuyên bố đình chỉ cho nhập cảnh những người nhập cư không có bảo hiểm y tế trong vòng 30 ngày kể từ khi vào Mỹ hoặc không có phương tiện để tự trả chi phí chăm sóc y tế của mình.
Tuyên bố, do Nhà Trắng phát đi, cho biết nó sẽ không ảnh hưởng đến điều kiện xin bảo hộ tị nạn hay tư cách người tị nạn của bất kì cá nhân nào. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 3 tháng 11, tuyên bố nói.
Ông Trump đã đưa việc cắt giảm di trú hợp pháp và bất hợp pháp vào làm trọng tâm của nhiệm quyền tổng thống của ông. Chính quyền Trump cho biết hồi tháng trước rằng họ dự định chỉ cho phép 18.000 người tị nạn tái định cư tại Mỹ trong năm tài chính 2020, con số thấp nhất trong lịch sử của chương trình người tị nạn hiện đại.
“Trong khi hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta chật vật với những thách thức gây ra bởi tình trạng chăm sóc y tế không được bù đắp, Chính phủ Hoa Kỳ đang làm cho vấn đề trầm trọng hơn bằng cách tiếp nhận hàng ngàn người nước ngoài mà không cho thấy họ có bất kì khả năng nào để trả chi phí chăm sóc y tế của mình,” ông Trump nói.
Ông nói rằng việc đình chỉ chỉ áp dụng cho những người tìm cách nhập cảnh Mỹ bằng visa nhập cư.
Văn kiện liệt kê các loại bảo hiểm được chấp thuận, chẳng hạn như các kế hoạch do chủ lao động tài trợ và chương trình Medicare dành cho người cao tuổi.
Nhưng sắc lệnh nói đối với những người trên 18 tuổi, bảo hiểm theo chương trình Medicaid dành cho người nghèo sẽ không được chấp thuận.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-khong-cho-nhap-cu-my-neu-khong-tra-duoc-chi-phi-y-te/5111832.html

Ngày Nhà giáo Quốc tế 5/10

Kể từ năm 1994, mỗi năm vào ngày 5/10, hơn 100 nước trên thế giới tổ chức Ngày Nhà giáo Quốc tế, kỷ niệm bản “Khuyến nghị về Cương vị giáo viên” được Hội nghị Liên chính phủ tại Paris thông qua vào năm 1966.
Ngày Nhà giáo Quốc tế nhằm ghi nhận công ơn của các nhà giáo và đánh giá lại tình trạng giáo dục trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp để các giáo viên và học sinh suy ngẫm về vai trò của các nhà giáo và nghiên cứu cách thức tiếp tục tạo cảm hứng cho học sinh trong lớp học mỗi ngày.
Tại Mỹ, nhà trường cũng như phụ huynh học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của Ngày Nhà giáo Quốc tế nên ít nơi tổ chức ghi ơn các thầy cô vào dịp này.
“Ngày này rất mới, mới 25 năm nay, nên chưa trở thành một truyền thống. Đa phần các em ở Mỹ nhớ ơn thầy là vào dịp Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) và Christmas (Giáng Sinh),” thầy Bạch Xuân Khỏe hiện đang giảng dạy môn hóa tại trường Trung học Mira Loma ở Sacramento, bang California, nói với VOA Việt ngữ.
Cô Diệu Quyên dạy Toán và Tiếng Việt tại một trường Trung học miền nam California cho biết Ngày Nhà giáo Quốc tế chưa được kỷ niệm tại các trường học ở vùng này, nhưng Ngày Giáo viên (Teacher’s Day) thường được tổ chức vào ngày thứ Ba, tuần đầu tiên của tháng 5.
“Ở bên Mỹ này thì em thấy khoảng tháng 5 thôi, còn tháng 10 em không nghe nhắc tới gì nhiều hết. Khoảng 10/5 thì các em làm món quà nho nhỏ hoặc tấm thiệp nho nhỏ trang trí trên đó rồi đưa cho các thầy cô giáo. Còn ngày 5/10 thì thật sự đây là lần đầu tiên em để ý tới tại vì em không nghĩ mình có ngày này.”
Nghề giáo viên tại Mỹ có thu nhập khiêm tốn và lương bổng chênh lệch tùy theo bằng cấp.
Giáo sư Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn, nguyên Hiệu trưởng Trường Kỹ sư, Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết giáo sư đại học lương cao hơn rõ rệt so với giáo viên từ trung học trở xuống vì có bằng Tiến sĩ.
“Vì sự chênh lệch về bằng cấp, nên lương của giáo sư khi nào cũng cao hơn các giáo viên. Các giáo sư mới ra đi làm có bằng Tiến sĩ có khoảng 85.000 đô la một năm nhưng làm giáo viên có thể là 60.000 hay 50.000 mà thôi. Như vậy cũng thấp lắm. Theo tôi thấy ngành giáo viên làm việc rất là cực, cực hơn những ngành khác. Bởi thế, chính phủ Mỹ cần phải làm sao cải tạo hệ thống để trả lương nhiều nhất trong ngành STEM về khoa học, kỹ sư và toán, thì mới qui tụ được tầng lớp giáo viên giỏi. Không thôi họ sẽ đi làm cho các hãng lớn và mình không đủ giáo viên. Đây là vấn đề rất lớn ở nước Mỹ.”
Tuy nhiên, lương bổng không phải là vấn đề chính mà giáo viên tại Mỹ phải đối mặt, theo thầy Bạch Xuân Khỏe.
“Issue (vấn đề) lớn là vấn đề học sinh càng ngày càng đa dạng. Thứ nhứt là mấy em đến trường học có những mong cầu khác nhau. Bây giờ các electronic device (máy móc điện tử) có thể gọi là một tệ nạn, các em bị ghiền,” thầy Khỏe chia sẻ và cho hay trong số những vấn đề gây quan ngại cho giáo viên còn có nạn bạo lực, súng ống học đường và áp lực từ môi trường bè bạn khiến học sinh tự tử.
“Tùy theo tiểu bang, có tiểu bang bắt mỗi năm giáo viên phải được huấn luyện về cách bảo vệ mình, bảo vệ học sinh trong trường hợp có người vô trường nổ súng. Luật bây giờ bắt buộc giáo viên phải được huấn luyện. Tuy nhiên, không có huấn luyện nào chủ động để mình thay đổi môi trường về vấn đề tự tử. Đa phần rất là thụ động trong vấn đề đó. Cũng như vấn đề ‘mass school shooting’ (xả súng nơi học đường). Mỗi lần mình có ‘training’ (huấn luyện) thì cần phải thêm không gian, thời gian và tiền bạc, nhưng bây giờ ngân khoản dành cho giáo dục càng ngày càng thấp đi,” ông trăn trở.
Thầy Khỏe cho biết các nghiệp đoàn trong môi trường sư phạm ở Mỹ hoạt động rất tích cực, hỗ trợ rất nhiều trong việc cải thiện cuộc sống giáo viên.
“Những người trong công đoàn có đấu tranh nên lương bổng của họ tốt hơn và họ có những quyền lợi cụ thể hơn, chẳng hạn như sanh con hay đau ốm được nghỉ một thời gian. Những người không có trong công đoàn không được hưởng những quyền lợi như vậy.”
Về vấn đề ‘tôn sư trọng đạo’, Giáo sư Cường cho biết: “Từ đầu tôi đi dạy tôi nghĩ là các sinh viên ở Mỹ không có lòng kính trọng thầy như ở Việt Nam, nhưng thật ra cũng có. Cách trả ơn thầy khác. Việt Nam mình thường thường kính trọng hàng ngày, vào lớp chào thầy. Ở Mỹ cũng có, nhất là các trường Công Giáo cũng có nề nếp như vậy.”
Cô giáo Diệu Quyên thuộc học khu Garden Grove, Nam California, kể rằng khoảng 20 năm trước khi cô dạy những lớp thấp, cũng có những chuyện xảy ra như học trò đánh nhau, cãi nhau, ăn uống trong lớp hoặc hỗn hào với thầy cô. Tuy nhiên, tình trạng này khác hẳn khi cô dạy các lớp cao. “Các em lớp 12 bây giờ chững chạc hơn và thầy cô giáo dễ nói chuyện với các em hơn,” cô nói.
“Nếu các em có những hành động, không nghe lời…thì em chỉ nhìn là tụi nó im luôn. Thứ nhì, em kêu tụi nó ở lại lớp, em nói chuyện, hỏi tại sao như vậy. Thường thường các em vì hoàn cảnh gia đình, hoặc là bạn trai bỏ, bạn gái giận. Sau một ngày thì các em bình thường lại với em, nên em không bị vấn đề tôn sư trọng đạo hơi khó khăn như ở Việt Nam. Bên này hơi dễ dãi hơn, em cảm thấy gần gũi với học trò hơn. Còn ở Việt Nam, em cảm thấy hơi xa cách với thầy cô giáo hơn, thầy cô giáo không bao giờ nhớ tên em cả tại vì lớp quá đông,” cô Diệu Quyên cho biết.
Cô Quyên nói thêm rằng điều làm cô vui là hàng năm đều có các em học sinh về thăm thầy cô giáo dù đang là sinh viên đại học, gia nhập quân ngũ, hay đã thành danh thành tài.
“Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, mùa bế giảng là các em về thăm em. Cái đó là món quà cao quý nhất của nghề thầy cô giáo.”
Ở các trường đại học, sự tôn kính và bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô giáo còn được thể hiện ở những hình thức khác nhau, chẳng hạn như những sinh viên thành công thường tìm cách hỗ trợ trường và đóng góp để giúp trường lập quỹ khuyến học.
Giáo sư Cường cho biết trong thời gian ông làm Hiệu trưởng Trường Kỹ sư, một số học trò cũ của ông đã lập quỹ gần 250.000 đô la để mở giải thưởng ‘Dean Charles Cường Nguyễn Leadership Award’ thường niên dành cho các sinh viên theo gương về lãnh đạo.
Chủ đề năm nay của Ngày Nhà giáo Quốc tế là “Thầy giáo trẻ: Tương lai của nghề nghiệp.” Một hội nghị quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo giáo dục và các chuyên gia sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp, vào ngày 7/10 tới đây.
https://www.voatiengviet.com/a/ng%C3%A0y-nh%C3%A0-gi%C3%A1o-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-5-10/5111239.html

Chủ công ty rượu vang California bị kết án

5 tháng tù do gian lận tuyển sinh đại học

Theo tin từ KTLA5, vào hôm Thứ Sáu (ngày 4 tháng 10), chủ sở hữu cũ của một công ty rượu vang ở  California bị kết án năm tháng tù vì đã trả 50,000 mỹ kim để gian lận điểm số ACT của con gái và trả tiền hối lộ để con gái được nhận vào đại học University of Southern California với tư cách là một tuyển thủ bóng nước.
Ông Agustin Huneeus, 53 tuổi, đã nhận tội vào tháng 5 với tội danh lừa đảo, và âm mưu trong một thỏa thuận nhận tội với các công tố viên. Ông là phụ huynh thứ năm bị kết án trong vụ bê bối tuyển sinh đại học. Bản án của ông cũng bao gồm khoản tiền phạt 100,000 mỹ kim và 500 giờ phục vụ cộng đồng.
Ông Huneeus là một trong số ít phụ huynh bị buộc tội cả 2 khía cạnh của vụ bê bối. Hầu hết các phụ huynh hoặc là chỉnh sửa điểm thi tuyển sinh cho con cái học, hoặc hối lộ để được nhận vào các trường đại học ưu tú với tư cách là tuyển thủ thể thao. Các công tố viên cho biết vì ông Huneeus đã thực hiện cả hai điều trên, ông sẽ phải đối mặt với một bản án nghiêm trọng hơn có thể lên đến 15 tháng.
Luật sư của ông Huneeus lập luận rằng vì việc hối lộ chưa được thực hiện, ông đã không gây ra nhiều tổn hại như một số phụ huynh khác. Ông Huneeus phải chịu án tù dài nhất trong số những phụ huynh bị kết án từ trước đến nay. Những người khác đã thay đổi từ 14 ngày đến 4 tháng tù, với số tiền phạt từ 30,000 mỹ kim đến 100,000 mỹ kim. Trước đây, ông Huneeus sở hữu và điều hành công ty rượu vang của gia đình mang tên Huneeus Vintners, nhưng sau ông đã từ chức sau khi bị bắt. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chu-cong-ty-ruou-vang-california-bi-ket-an-5-thang-tu-do-gian-lan-tuyen-sinh-dai-hoc/

Tối Cao Pháp Viện nhận xét xử

vụ kiện về quyền phá thai ở Louisiana

Tin Washington DC – Tối Cao Pháp Viện vào thứ Sáu đã đồng ý nhận xét xử vụ kiện về một đạo luật ở Louisiana, vốn yêu cầu rằng các bác sĩ muốn nhận làm dịch vụ phá thai phải là người có đặc quyền được hành nghề tại các bệnh viện lân cận. Vụ kiện, có tên là June Medical Services vs. Gee, nhiều khả năng sẽ bắt đầu tranh luận vào đầu năm 2020. Đây cũng là vụ kiện đầu tiên liên quan đến quyền phá thai được đưa ra xét xử tại Tối Cao Pháp Viện, nơi đa số thẩm phán đều được bổ nhiệm bởi các tổng thống Cộng Hòa, bao gồm cả 2 thẩm phán mới Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh, được bổ nhiệm bởi Tổng Thống Donald Trump. Đạo luật của Louisiana, được ký năm 2014, yêu cầu rằng mọi bác sĩ có nhận làm dịch vụ phá thai phải là người có đặc quyền được hành nghề tại một bệnh viện nằm không xa hơn 30 dặm so với cơ sở phá thai. Đặc quyền được hành nghề là quyền cho phép một bác sĩ được khám hoặc chữa bệnh tại một bệnh viện nào đó. Thông thường, để có đặc quyền hành nghề, các bác sĩ phải nộp đơn xin phép bệnh viện và phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của cơ sở này. Giới chỉ trích cho rằng yêu cầu của đạo luật Louisiana là quá khó khăn và tốn kém, nhiều khả năng sẽ khiến nhiều bác sĩ cung cấp dịch vụ phá thai phải ngừng kinh doanh, từ đó làm hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với dịch vụ phá thai. Louisiana hiện chỉ có 3 cơ sở phá thai có giấy phép. Những người ủng hộ đạo luật nói rằng tiểu bang có quyền kiểm soát các cơ sở phá thai để bảo đảm an toàn sức khỏe cho phụ nữ.
https://www.sbtn.tv/toi-cao-phap-vien-nhan-xet-xu-vu-kien-ve-quyen-pha-thai-o-louisiana/

Phóng “sát thủ diệt hạm” ở Thái Bình Dương,

 Mỹ có thể muốn “nắn gân” TQ

Tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ đã phóng thành công tên lửa chống hạm mới trong một động thái được cho là nhằm “nắn gân” Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Theo Business Insider, tên lửa chống hạm mới (NSM) của Hải quân Mỹ đã được phóng lần đầu tiên tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương từ tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords. Đây là một hoạt
động trong cuộc tập trận Pacific Griffin được tổ chức hai năm một lần giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Singapore hôm 1/10.
Tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords cùng các trực thăng, tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã tham gia cuộc tập trận ở Thái Bình Dương cùng các tàu Hải quân Singapore. Trong cuộc tập trận, tên lửa NSM đã kết hợp cùng hỏa lực từ các tàu của Mỹ và Singapore để đánh chìm một tàu tuần dương USS Ford cũ.
USS Gabrielle Giffords là tàu chiến ven biển đầu tiên được trang bị tên lửa NSM. Theo Raytheon, nhà thầu cung cấp vũ khí chính của quân đội Mỹ, NSM là tên lửa hành trình lướt nhanh trên biển, rất khó bị radar phát hiện và có thể vượt qua các rào chắn phòng thủ của đối phương.
Giới phân tích nhận định tàu chiến ven biển được trang bị tên lửa NSM sẽ cho phép Hải quân Mỹ đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
“Với tên lửa NSM, bạn có thể phóng tới bất kỳ khu vực nào ở Biển Đông nếu bạn ở giữa biển”, Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, nhận định.
Theo Bryan Clark, so với tên lửa DF-21, được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, của Trung Quốc, tên lửa NSM có tầm phóng ngắn hơn. Tuy nhiên, NSM có khả năng tấn công mục tiêu chính xác hơn, cho phép tên lửa này hủy diệt một tàu chiến của đối phương, thay vì chỉ gây hư hại như DF-21.
Nhà phân tích Carl Schuster, cựu đại tá Hải quân Mỹ, nhận định việc Mỹ triển khai các tàu và vũ khí hiện đại tới Thái Bình Dương nhằm gửi một thông điệp quan trọng, từ đó có thể “thay đổi cuộc chơi” tại vùng biển Tây Thái Bình Dương – nơi Trung Quốc đang chiếm lợi thế hơn so với Mỹ về tên lửa hành trình.
http://biendong.net/bi-n-nong/30678-phong-sat-thu-diet-ham-o-thai-binh-duong-my-co-the-muon-nan-gan-tq.html

Chính quyền Trump

có thể sẽ cấm hoàn toàn đầu tư Mỹ vào TQ

Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đangthảo luận về việc gia tăng áp lực kinh tế hơn nữa đối với Trung Quốc, trong bối cảnh thương chiến vốn đã gây ra những căng thẳng chưa từng có đối với Bắc Kinh.
Một nguồn tincó hiểu biết về vấn đề này nói với CNBC rằng Nhà Trắng hiện đang xem xét hạn chế, nếu không phải là hoàn toàn ngăn chặn, các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc trong tương lai gần.
Nguồn tin cho biết các lệnh cấm có thể sẽ được áp dụng cho tất cả các khoản đầu tư tư nhân của Mỹ, mục đích là để phòng ngừa những tổn thất có thể xảy ra với Mỹ do tình trạng “giám sát quản lý” yếu kém của chính phủ Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận trong chính quyền Trump về vấn đề này vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ, và chưa có quyết định cuối cùng.
Nhưng khả năng quyết định cuối cùng sẽ sớm được đưa ra, vì nguồn tin cho biết Tổng thống Trump và các cố vấn kinh tế của ông đang tìm thêm đòn bẩy để chống lại Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo.
Trước đó, nhiều hãng truyền thông đưa tin Tổng thống Trump đang xem xét kế hoạch gỡ bỏ niêm yết của các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ.
AP đưa tin, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ diễn ra tại Washington vào đầu tháng tới. Ba nguồn tin nói với CNBC rằng các cuộc thảo luận dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 10/10.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30677-chinh-quyen-trump-co-the-se-cam-hoan-toan-dau-tu-my-vao-tq.html

Tỷ phú Mỹ: Chính quyền Trump

sắp có ‘động thái lớn hơn’ nhắm vào TQ

Tỷ phú Ray Dalio cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể “đang tiến tới những động thái lớn hơn” chống lại Trung Quốc, sau khi báo chí đưa tin về ý định của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn vốn đầu tư của Mỹ rót vào Trung Quốc, theo CNBC.
Trong một bài phân tích trên trang LinkedIn, tỷ phú Dalio, đồng chủ tịch công ty quản lý đầu tư Bridgewater Associates, hôm thứ Ba (1/10), cho rằng chính quyền Trump hoàn toàn có thể cắt bỏ các dòng vốn vào Trung Quốc và sử dụng các biện pháp trừng phạt để hạn chế các giao dịch tài chính với Trung Quốc mà không liên quan đến Mỹ.
Ông Dalio đưa ra nhận định của mình sau khi giới truyền thông đưa tin về việc chính quyền Trump đang xem xét các biện pháp ngăn chặn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Ông Dalio viết: “Về chiến tranh vốn và tiền tệ, rất có thể Tổng thống Mỹ sẽ đơn phương cắt đứt dòng vốn chảy tới Trung Quốc và đóng băng các khoản thanh toán nợ cho Trung Quốc, đồng thời sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn các giao dịch tài chính không phải của Mỹ với Trung Quốc”.
Tỷ phú nhận định: “Bước đề xuất hạn chế danh mục đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc [mà chính quyền Trump đưa ra] khiến tôi suy nghĩ về hàm ý của bước tiến này và tôi tự hỏi liệu đây có phải là một bước tiến sẽ dẫn tới những bước đi lớn hơn không”.
Hôm thứ Sáu (27/9), Bloomberg News đưa tin, các quan chức chính quyền Trump đang cân nhắc một số biện pháp nhằm hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, trong đó có việc ngăn chặn các quỹ hưu trí của chính phủ Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Thông tin về kế hoạch của chính quyền Trump được đưa ra khi Nhà Trắng đang tìm thêm các đòn bẩy để tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh vào ngày 10/10 tại Washington.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30675-ty-phu-my-chinh-quyen-trump-sap-co-dong-thai-lon-hon-nham-vao-tq.html

Chưa xong với TQ,

Mỹ tuyên bố thương chiến với châu Âu

Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa Liên minh châu Âu (EU) vì tài trợ bất hợp pháp cho dây chuyền sản xuất máy bay ở châu lục này, tuyên bố áp thuế lên 7,5 tỉ USD hàng hóa lên EU kể từ ngày 18-10 tới.
Theo Hãng tin Reuters, tuyên bố đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bật đèn xanh cho phép Mỹ áp thuế lên hàng hóa EU, một động thái có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương.
“Cuối cùng, sau 15 năm kiện cáo, WTO đã xác nhận rằng Mỹ có quyền áp dụng các biện pháp để đáp trả các khoản tài trợ bất hợp pháp của EU” – Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố.
Theo đó, Mỹ sẽ áp 10% thuế lên các máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu và 25% thuế nhập khẩu lên rượu vang Pháp, rượu Scotch và whisky Ailen cùng phómát trên khắp châu lục này.
Danh sách mục tiêu đánh thuế ở châu Âu của Đại diện Thương mại Mỹ bao gồm phần lớn máy bay Airbus sản xuất tại Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên Mỹ sẽ không đánh thuế lên các bộ phận máy bay sản xuất tại EU nhưng được lắp ráp tại xưởng của Airbus ở bang Alabama, Mỹ cũng như các bộ phận máy bay được Boeing sử dụng.
Danh sách đánh thuế này cũng tập trung vào các mặt hàng như rượu của Pháp, ôliu Tây Ban Nha, whisky Anh, áo len, len và cà phê cùng các công cụ của Đức.
Phómát của hầu hết các nước châu Âu sẽ bị đánh thuế 25% nhưng rượu và ôliu Ý cùng với sôcôla của châu Âu thì nằm ngoài danh sách trên.
Theo Reuters, phán quyết của WTO cho phép Washington áp thuế lên hàng hóa EU nhưng không được quyền có hành động trả đũa nhắm đến các dịch vụ tài chính của Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi hi vọng có thể tiến hành đàm phán với Liên minh châu Âu để giải quyết vấn đề này theo cách có lợi cho người lao động Mỹ” – ông Lighthizer tuyên bố.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30667-chua-xong-voi-tq-my-tuyen-bo-thuong-chien-voi-chau-au.html

Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm

13 người thân cận vào chức vụ hồng y

Trọng Thành
Ngay trước thềm hội nghị giám mục toàn thế giới về chủ đề rừng Amazon (từ 06/10 đến 25/10), hôm nay, thứ Bảy 05/10/2019, tại Vatican diễn ra một hội nghị đặc biệt. Mười ba chức vụ hồng y mới được lập ra, trong số đó có 10 vị có quyền tham gia vào Mật Nghị Hồng Y bầu giáo hoàng mới.
Theo các nhà quan sát, toàn bộ những người được bổ nhiệm đều chia sẻ với giáo hoàng Phanxicô về một giáo hội cởi mở, dấn thân cho người nghèo, hỗ trợ người nhập cư và đối thoại liên tôn giáo, đặc biệt với đạo Hồi. Đặc phái viênGeneviève Delrue tường trình từ Vatican :
Mười ba tổng giám mục, chuẩn bị nhận chiếc mũ đỏ của hồng y, đều là người thân tín của giáo hoàng Phanxicô. Trong số họ, có các chức sắc tôn giáo dấn thân, hoạt động tại địa phương, như đức ôngFridolin Ambongo, tổng giám mục Kinshasa (Congo). Các nhà tu hành hoạt động mạnh mẽ trong việc tiếp đón người nhập cư, như cha Michael Czerny, giáo sĩ dòng Tên người Canada, 73 tuổi. Giám mục người Guatemala Alvaro Ramazzin – trợ lý cơ quan phụ trách ‘phát triển con người toàn diện’ của Giáo hội – chủ trương chống lại chính sách siết chặt nhập cư của tổng thống Mỹ. Trong số nhân sự được bổ nhiệm, cũng có những người nỗ lực cho các đối thoại liên tôn giáo, đặc biệt với Hồi Giáo, như đức ông Miguel Ayuso Guixot, tân chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn giáo, hay đức ông Cristobal Lopez Romero, tổng giám mục Rabat (Maroc) (địa phận trực tiếp nằm dưới quyền điều hành của giáo hoàng).
Với công nghị hồng y lần thứ sáu của nhiệm kỳ giáo hoàng Phanxicô, giờ đây tổng cộng đã có hơn 50% cử tri của Mật Nghị Hồng Y bầu giáo hoàng lần tới là do đích thân giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm’’.
Trên tổng số 225 vị hồng y hiện tại, có 128 người – tuổi dưới 80 – có quyền tham gia Mật Nghị Hồng Y lần tới. Trong số họ, 52% do giáo hoàng Phanxicô lựa chọn, một phần ba do giáo hoàng tiền nhiệm Benedicto 16 và 14% tại vị từ thời giáo hoàng Gioan Phao Lồ II.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191005-giao-hoang-phanxico-bo-nhiem-13-nguoi-than-can-vao-chuc-vu-hong-y

LHQ kêu gọi điều tra bạo lực

liên quan đến biểu tình ở Hong Kong

Trưởng đặc trách nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày thứ Bảy kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kong Kong, nói rằng những thương tích là đáng báo động.
Hai người biểu tình thiếu niên đã bị bắn trong khi một nhà báo bị mù mắt vĩnh viễn trong tuần qua trong vụ bạo lực tồi tệ nhất sau bốn tháng bất ổn ở thành phố do Trung Quốc cai trị.
“Chúng tôi lo ngại về mức độ bạo lực cao liên quan đến một số cuộc biểu tình … và cũng báo động về mức độ thương tích đối với cảnh sát và người biểu tình, bao gồm các nhà báo và người biểu tình bị bắn bởi các nhân viên thực thi pháp luật,” Trưởng Cao ủy LHQ Michelle Bachelet nói trong một cuộc họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Hong Kong nên ngay lập tức thực hiện một “cuộc điều tra hữu hiệu, nhanh chóng, độc lập và vô tư” về các hành vi bạo lực bao gồm các vụ nổ súng, bà Bachelet nói. Bà nói thêm rằng những người có trách nhiệm phải đối mặt với trình tự pháp lí.
“Tôi mạnh mẽ lên án tất cả các hành vi bạo lực từ mọi phía và tôi kêu gọi tất cả những người phản ứng với các cuộc biểu tình và những người tham gia biểu tình hành động một cách ôn hòa và bất bạo động,” bà nói.
Chính quyền Kong Kong đã áp đặt lệnh cấm đeo khẩu trang vào ngày thứ Bảy, một ngày sau khi đặc khu trưởng Carrie Lam viện dẫn quyền lực khẩn cấp từ thời thuộc địa trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực.
Đáp lại lệnh cấm, bà Bachelet nói khẩu trang không nên được sử dụng để kích động bạo lực nhưng cảnh báo Kong Kong không sử dụng lệnh cấm này để nhắm mục tiêu vào các nhóm cụ thể hoặc hạn chế quyền tự do tụ tập.
“Mọi người nên được hưởng quyền tự do tụ tập ôn hòa không bị hạn chế ở mức độ lớn nhất có thể, nhưng mặt khác, chúng tôi không thể chấp nhận những người sử dụng khẩu trang để kích động bạo lực,” bà nói.
https://www.voatiengviet.com/a/lien-hiep-quoc-keu-goi-dieu-tra-lien-quan-den-bieu-tinh-o-hong-kong/5111859.html

GFI mô tả dòng tiền đen toàn cầu

ra vào các nước ra sao

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 03/10/2019 nói chính phủ của họ đã tỏ rõ quyết tâm chống rửa tiền và bác bỏ một báo cáo quốc tế nêu ra hàng tỷ USD nguồn tiền ngầm ra vào nước này.
Theo tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity – GFI) có trụ sở ở Washington DC, Hoa Kỳ, chỉ trong năm 2015 đã có 22,5 tỷ USD nguồn tiền đen vào Việt Nam, và 10,6 tỷ được chuyển đi khỏi nước này.
Bảng thống kê của GFI nói các khoản tiền này, thuộc dạng ‘dòng tiền bất chính’ (illicit financial flow) ra vào Việt Nam theo cách thức ‘báo hóa đơn thương mại sai’ (trade misinvoicing).
Nhưng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất được “điểm danh” bởi GFI.
VN bác bỏ tin nói ‘là nước rửa tiền hàng đầu’
Đồng nhân dân tệ sụt giá gây ảnh hưởng thế nào?
Số người siêu giàu ở VN tăng nhanh
Việt Nam tham nhũng thứ hai châu Á?
Điều nổi bật trong Báo cáo của GFI là các nước khu vực gốc cộng sản, và các nền kinh tế Đông Nam Á đứng đầu danh sách “tiền ra tiền vào”.
Bên cạnh đó là các xứ sở có truyền thống buôn bán ma tuý, như ở Trung Mỹ.
Trên tất cả lại là hai quốc gia Hoa Kỳ và Anh Quốc, nơi các nhà băng, và thiên đường thuế hoạt động theo luật của họ, là điểm đến của tiền đen.
Nga và các nước hậu cộng sản
Trong 148 nước, theo số liệu mà GFI tổng hợp trong giai đoạn 2006-2015 thì trong năm 2015, tiền ngầm vào các nước này, tính bằng USD là:
Liên bang Nga: 64,8 tỷ
Kazakhstan: 16,5 tỷ
Ukraine: 1,9 tỷ
Belarus: 6,1 tỷ
Serbia: 1,9 tỷ
Romania: 6,8 tỷ
Hungary: 6,5 tỷ
Ba Lan: 3,1 tỷ
Các nước châu Á, trừ Trung Quốc, đã vượt châu Mỹ Latinh về nguồn tiền đen nhận về:
Malaysia: 33,7 tỷ USD
Việt Nam: 22,5 tỷ
Thái Lan: 20,9 tỷ
Indonesia: 15,4 tỷ
Ấn Độ: 9,8 tỷ
Bangladesh: 5,9 tỷ
Philippines: 5,1 tỷ
So với châu Á thì khu vực châu Mỹ La Tinh (trừ Mexico), quả là thua kém: Brazil (12,2 tỷ), Colombia (7,4 tỷ), Chile (4,1 tỷ).
Hai quốc gia đông dân là Trung Quốc ( 457 tỷ), và Mexico (42,9 tỷ), vượt hẳn lên về khoản tiền đen đổ vào trong chỉ một năm 2015.
Làm sao ngăn chặn?
Nhìn chung, GFI nhận định chuyển tiền bẩn là hiện tượng toàn cầu, chiếm tới 20% mậu dịch của các nước đang phát triển từ 2006 -2015.
Chuyển tiền lậu, rửa tiền chỉ là một phần của cơ chế đa dạng đã có trên thế giới, gồm “báo hóa đơn sai”, mà thực chất là lừa đảo qua cách khai khống hoặc khai man trị giá xuất nhập khẩu.
Ngoài ra là cách dùng thiên đường thuế, dùng bí mật nhà băng, dùng các công ty ma.
Các hoạt động này có liên quan trực tiếp đến tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia và cả hoạt động tạo nguồn tài trợ cho khủng bố.
GFI cũng nêu ra cách cách chính trị gia tham nhũng dùng công ty ma (shell company) để chuyển tiền bẩn vào một nhà băng ở Hoa Kỳ.
Vai trò của một số ngân hàng hoặc chi nhánh của họ được nêu ra.
Ví dụ, theo GFI, ngân hàng HSBC từng phải thừa nhận đã vi phạm Luật về bí mật nhà băng (Bank Secrecy Act) do không giám sát được 200 nghìn tỷ đô la chuyển giữa các chi nhánh của họ ở Mexico và Hoa Kỳ.
“Chừng 881 triệu USD tiền ma tuý từ băng Sinaloa và Norte de Valle -đã được tìm thấy trong các tài khoản của HSBC ở Mexico chuyển sang HSBC-USA,” theo GFI.
Cách rửa tiền và chuyển tiền bẩn xuyên biên giới còn được làm qua cách gắn dòng tiền đó vào dòng vận chuyển mậu dịch:
“Các hoạ̣t động tội phạm tinh vi thường dùng thương mại để rửa tiền nhằm chuyển các khoản khổng lồ từ nước này sang nước kia…Ví dụ trong vụ Lebanese-Canadian Bank, tiền ma tuý (cocaine) liên hệ với Hezbollah được rửa qua cách chuyển lậu vào châu Âu bằng dịch vụ mua bán xe hơi cũ…”
GFI khuyến nghị các chính phủ thực hiện một loạt biện pháp ngăn chặn nguồn tiền đen đã và đang gây hại cho ngân quỹ quốc gia và góp phần tàn phá nền kinh tế chính danh và môi trường.
Trong các khuyến nghị này có cả việc yêu cầu đăng ký doanh nghiệp với tên tuổi của chủ thực hoặc người hưởng lợi chính từ hoạt động, bất kể họ đ̣ang ở đâu.
Ngoài ra là yêu cầu công khai hóa các dịch vụ có tên tuổi các cá nhân, công ty hoạt động trong khu vực chủ quyền bí mật, như các thiên đường th́uế.
GFI cũng đề nghị các chính phủ cần kiểm soát chặt hóa đơn xuất nhập khẩu và dùng ngân hàng dữ liệu như GFTradeTM để đánh giá nạn báo hóa đơn sai trái.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49938163

Thủ tướng Anh gây hoang mang

về ý định dời ngày Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ gởi thư cho Liên Hiệp Châu Âu để xin dời ngày Brexit nếu không đạt được một thỏa thuận với Bruxelles từ nay đến ngày 19/10. Trên đây là nội dung chứa đựng trong các tài liệu của chính quyền, chuyển qua cho Tư Pháp Scotland ngày hôm qua, 04/10 /2019. Khả năng xin dời ngày chia tay với Liên Hiệp ChâuÂu tuy nhiên đã đi ngược lại với những gì mà ông Johnson đã nói chắc như đinh đóng cột từ nhiều tháng nay: Đó là Anh Quốc sẽ rời châu Âu vào ngày 31/10, bất kể là có hay không có thỏa thuân.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix, cho biết thêm chi tiết :
Như xuất phát từ tận đáy lòng, ông Johnson từng khẳng định là thà chết chứ không yêu cầu dời ngày chia tay. Thế nhưng chỉ ít lâu sau thì ông lại nói ngược hẳn lại khi cho rằng ông sẽ tuân theo luật. Các tài liệu mà chính phủ của ông trình lên trước một tòa án Scotland hôm qua đã xác nhận rằng thủ tướng Anh sẽ ký tên vào lá thư gởi đến Bruxelles để xin lùi ngày Brexit.
Diễn biến mới này phải chăng có nghĩa là kịch bản ra đi không thỏa thuận đã bị xóa bỏ ? Ông Johnson đã nói ngay là đừng vội kết luận như thế. Trên Twitter, ông tiếp tục nhấn mạnh là không, không hề có việc dời ngày Brexit.
Các cố vấn của ông lại càng gây thêm hoang mang khi giải thích là việc tôn trọng luật không ngăn cản họ « tìm phương thức khác » để tránh khả năng gia hạn ngày Brexit. Họ còn nói thêm là Châu Âu dư biết họ nghĩ gì. Để làm tình hình gay cấn thêm, họ còn cho biết sẽ “sớm” tiết lộ con chủ bài.
Ê kíp của ông Johnson đang giở trò ảo thuật gì đây ? Phải chăng luật có một kẽ hở ? Hay là ông có công ký với một quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu để phủ quyết việc gia hạn ? Hay là đây chỉ là môt trò bịp ?
Quả là đang có rất nhiều câu hỏi duy trì sự hồi hộp của các “khán giả” đang theo dõi câu chuyện dài nhiều tập này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191005-thu-tuong-anh-gay-hoang-mang-ve-y-dinh-doi-ngay-brexit

“Nghiên cứu khoa học cần tránh phán xét”

Làm nghiên cứu khoa học là nên tránh phán xét, trong khi nghiên cứu châu Á học đem lại nhiều lợi ích và thực sự thú vị, một nhà nghiên cứu luật học và khoa học chính trị từ Viện nghiên cứu Á Đông (IAO), thuộc Đại học Sư phạm Lyon (École Normale Supérieure de Lyon), Pháp, nói với BBC News Tiếng Việt.
Mở đầu một cuộc trao đổi trước một bàn tròn có liên quan tới Việt Nam vào hạ tuần tháng 9/2019, Tiến sỹ Béatrice Jaluzot, Giám đốc viện IAO, bình luận về hai cường quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Trung Quốc và Nhật Bản.
Báo Ấn Độ đăng tải lời đại sứ VN về Biển Đông
Việt Nam ‘thực ra đã có lực lượng đối lập’
Dân Campuchia ‘xưa không ưa người Việt nay lo ngại TQ’
“Ai nói là Trung Quốc đang lên và Nhật Bản thì xuống? Có thể đó là quan điểm từ châu Á, nhưng từ quan điểm của Pháp ít nhất, hay từ châu Âu, chúng tôi nghĩ rằng các quốc gia khác nhau với các điều kiện, cơ sở khác nhau, có những chiều cạnh khác nhau.
Hong Kong là một điểm xoay giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, xuất phát từ điểm này và với các dữ liệu hiện nay, nếu nghiên cứu Hong Kong trong suốt 20 năm, bạn có thể thực sự nghĩ là nó sẽ đi đến điểm này
“Nhưng chúng tôi không nhìn hai quốc gia này là các quốc gia đang xuống hay đang lên, chúng tôi luôn nhìn cả hai là những quốc gia rất thú vị và rất quan trọng, tất nhiên Trung Quốc là một chủ đề rất quan trọng cho chúng tôi hiện nay, cũng như tương lai. Song Nhật Bản cũng rất quan trọng, như những gì tôi biết và tôi nghĩ, nên tôi sẽ không nói về ‘đi lên’ hay ‘đi xuống’”.
Việc thế giới nên nhìn nhận ra sao về một Trung Quốc như một cường quốc đang ‘trỗi dậy’, nhất là khi cũng có ý kiến đặt ra về việc thế giới có nên “mừng” hay “lo” về điều này, nhà nghiên cứu bình luận:
“Câu hỏi này liên quan đến một chủ đề chính trị, và thực ra đây là một cuộc bàn luận, tranh luận đến từ các nhà chính trị, chúng tôi là một trung tâm nghiên cứu, các nghiên cứu của chúng tôi đang cố gắng hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi nghĩ sẽ là điều tốt nếu không có các phán xét, do đó tôi sẽ không thể trả lời điều này, tôi sẽ không bao giờ nói đó là tốt, hay xấu.
“Đây là những dữ kiện thực tế, Trung Quốc, tôi không thích từ ‘phát triển’, nhưng nước này đang nâng cao khá đáng kể ảnh hưởng quốc tế của họ, trên quan điểm chính trị và chúng tôi cố gắng hiểu ra mọi việc vận hành như thế nào, chúng tôi sẽ phải khảo sát chúng và xem xét hành vi của những dữ kiện này. Đây là một hiện tượng thú vị và đó là điều tôi có thể nói.”
Hong Kong và Bắc Hàn
Mùa hè năm nay, các biến động ở Hong Kong là một chủ đề được quốc tế và khu vực quan tâm và được coi là một thách thức với chính quyền trung ương Trung Quốc, bình luận tình hình Hong Kong, Tiến sỹ Béatrice Jaluzot nói:
“Một lần nữa đây là một chủ đề rất thú vị và cũng rất quan trọng, bởi vì Hong Kong là một điểm xoay giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, xuất phát từ điểm này và với các dữ liệu hiện nay, nếu nghiên cứu Hong Kong trong suốt 20 năm, bạn có thể thực sự nghĩ là nó sẽ đi đến điểm này.
Vấn đề là nếu Bắc Hàn không thực sự muốn cởi mở hơn, thì đó sẽ là một vấn đề khác
“Đó là một dân số có khó khăn trong phát triển, một vùng đất cố gắng để đi xa hơn nữa trong một ranh giới của một hòn đảo. Cho nên, bây giờ chúng tôi phải xem xem Trung Quốc và Hong Kong sẽ giải quyết hệ quả, giải quyết các vấn đề kinh tế và dân số, chúng tôi sẽ chỉ có thể là những người quan sát của tình hình.”
Về Bắc Hàn, có ý kiến cho rằng đã đang có những cơ hội để thấy quốc gia này trở nên cởi mở hơn với thế giới và có thể dẫn tới những thay đổi, nhưng liệu điều có dễ dàng xảy ra không là một câu hỏi được đặt ra.
Nhất là trong bối cảnh cũng có ý kiến cho rằng Bắc Hàn có truyền thống với lãnh đạo có thể nói một đằng, nhưng hành động một nẻo khác và câu hỏi đặt ra là liệu có thể tin tưởng được hay không. Bình luận về câu chuyện này, bà Béatrice Jaluzot nói:
“Đây là một câu hỏi khó vì tôi không phải là một chuyên gia về Triều Tiên và chúng tôi không có chuyên gia nào đang nghiên cứu về Bắc Hàn, do đó tôi không thể trực tiếp đưa ra câu trả lời. Nhưng ít nhất Bắc Hàn có những cơ hội để mở hơn.
“Vấn đề là nếu Bắc Hàn không thực sự muốn cởi mở hơn, thì đó sẽ là một vấn đề khác… Nên chúng tôi muốn hiểu thêm là các nhà chính trị của Bắc Hàn muốn làm gì để tồn tại thêm, bởi vì đất nước này khá đóng và họ có nhiều khó khăn phải giải quyết.”
Asean, thương chiến và Biển Đông
ASEAN họp về Biển Đông ‘bất lợi’ cho VN
VN ‘quá rụt rè trước TQ’ trong vấn đề Biển Đông
Hong Kong: Vì sao Hoàng Chi Phong đi vận động ở Mỹ, Đức?
Về Đông Nam Á, Asean được cho là một khối quốc gia có nhiều hứa hẹn, triển vọng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng khối này vẫn còn là một khối tương đối “yếu” và còn “thiếu đoàn kết”, từ kinh nghiệm nghiên cứu trênthực tế của mình, nhà nghiên cứu từ Lyon nói:
“Tôi có làm một số nghiên cứu về các nước Asean cách đây 10 năm, đó một nghiên cứu nhỏ về sự tích hợp luật pháp bên trong Asean, và tôi cố gắng hiểu sự tích hợp này trong so sánh với các nước thuộc Liên minh châu Âu.
“Rất thú vị để xem các nước ở Asean cố gắng giữ sự khác biệt ra sao so với nước khác trong khối, nhưng đồng thời cũng thú vị để xem cách thức các nước cố gắng đến với nhau thành một khối thế nào, ít nhất từ quan điểm kinh tế.
Asean có sự thành công là có hòa bình ở các đất nước đó, do đó bạn có thể đi lại trong các nước này và có thể làm ăn với họ. Đây là một thành công của Asean trong sự tích hợp
“Và điều tôi nói là Asean có sự thành công là có hòa bình ở các đất nước đó, do đó bạn có thể đi lại trong các nước này và có thể làm ăn với họ. Đây là một thành công của Asean trong sự tích hợp.
“Còn khi nói tới ‘yếu’, một lần nữa đây là một sự phán xét, nói ‘yếu’ ở đây có ý nghĩa gì? Các nước này cũng có những khó khăn, cũng giống như nhiều nước khác của thế giới. Các nước này thực sự cởi mở hơn, được biết đến nhiều hơn, tôi nghĩ thế và chúng ta cũng phải nghiên cứu các quốc gia này một cách sâu sắc.”
Hiện tại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đang có một cuộc đối đầu giữa hai đại cường, ít nhất trên hai khía cạnh là cuộc chiến tranh thương mại và hồ sơ Biển Đông, chia sẻ về những nghiên cứu và quan sát từ Viện nghiên cứu Á Đông, bà Béatrice Jaluzot nói:
“Chúng tôi có những chuyên gia có năng lực ở đây nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, chúng tôi không bao giờ đưa ra phán xét về điều gì đang xảy ra. Về vấn đề thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trên thực tế, chúng tôi không có chuyên gia nào làm việc về chủ đề này, tôi nên nói là chúng tôi không bàn luận nhiều về vấn đề này.
“Tất nhiên đây là một vấn đề của cả châu Á và thế giới, nên tất cả chúng tôi đều xem xét xem điều gì có thể xảy ra.
“Đây là một vấn đề với các nước châu Á, nhưng từ quan điểm của Âu châu, chúng tôi đứng giữa, chúng tôi chỉ quan sát điều gì đang xảy ra để xem thương chiến sẽ đi xa tới đâu… nhưng chúng tôi không ở trong các nước này, như tôi có thể nói.”
VN, Nhật Bản và lợi ích nghiên cứu
Pháp có nhiều lý do để quan tâm Biển Đông
‘Việt Nam không đơn độc nếu đổi mới’
Về Việt Nam, quốc gia thành viên Đông Nam Á ở khu vực này, nhà nghiên cứu từ Lyon nói:
“Tôi không phải là chuyên gia về Việt Nam, tôi là một chuyên gia về pháp luật Nhật Bản…, nhưng tôi nghĩ đây là đất nước đẹp có nhiều tài nguyên, và tôi rất muốn ủng hộ các nghiên cứu về Việt Nam.
“Ít nhất, tôi nghĩ quan hệ giữa Pháp và Việt Nam có thể được phát triển hơn nữa, theo những gì tôi biết, nhân dân thân thiện với nhau. Chúng ta (Pháp – Việt) có một quá khứ khá lạ với nhau, quá khứ thời kỳ thực dân như quý vị biết. Rất khó để so sánh giữa các nước, nhưng quá khứ thuộc địa ở Việt Nam rất khác với các nước thuộc địa khác.
“Quá khứ này có mối liên hệ tới các quan hệ ngày nay, nhưng nó không phá hoại hoàn toàn các mối quan hệ của chúng ta và chúng ta có thể có những quan hệ thành công hơn.”
Lợi ích là các công trình có thể mang lại một sự hiểu biết tổng thể về các quốc gia
Trở lại với quan điểm nghiên cứu khoa học, khi nghiên cứu về Á Đông và châu Á, về khía cạnh các lợi ích khi nghiên cứu về khu vực và lĩnh vực này với Pháp, bà Béatrice Jaluzot chia sẻ thêm:
“Rất khó để nói khái quát, nói chung về nghiên cứu châu Á và lợi ích khi nghiên cứu, về việc chúng tôi muốn đạt được gì khi nghiên cứu, khu vực này của thế giới rất thú vị để nghiên cứu và chúng tôi có cơ hội để trực tiếp liên kết với các quốc gia đó.
“Nhưng chúng tôi ở đây có các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, các ngôn ngữ khác nhau và các bộ môn khoa học khác nhau, nên chúng tôi có thể bổ trợ cho nhau, và tất cả lợi ích là các công trình có thể mang lại một sự hiểu biết tổng thể về các quốc gia.
“Từ quan điểm của tôi, như tôi nghiên cứu về Nhật Bản, tôi thích nhìn vào việc Nhật Bản xây dựng như thế nào tổng thể quốc gia của họ trong một thời gian rất ngắn, và sẽ rất hữu ích để so sánh với các quốc gia khác. Nếu quý vị so sánh với Pháp, để hiểu xem làm thế nào để có thể hiểu được các đất nước rất tốt và rất nhanh.
“Hoặc so sánh với các đất nước như ở Phi Châu xem làm thế nào các nước này có thể bắt nhịp, đuổi kịp rất nhanh, tại sao họ không chọn cách này để tự vệ trong các quan hệ quốc tế v.v…, do đó sẽ hết sức thú vị và hữu ích để hiểu biết về các quốc gia châu Á và Á Đông,” nhà nghiên cứu từ Lyon, Đông Nam nước Pháp, nói với BBC.
Tiến sỹ Béatrice Jaluzot cũng là Phó Giáo sư luật học tại Sciences Po Lyon – viện Đại học chuyên về khoa học chính trị tại Pháp. Từ 2 năm rưỡi nay bà là Viện trưởng Viện nghiên cứu Á Đông (IAO), một trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn được thành lập từ năm 1992, tập hợp các nhà nghiên cứu chuyên ngành về nhân học, luật, địa lý, lịch sử, văn học, triết học, kinh tế và khoa học chính trị, tập trung chủ yếu vào Đông Á và Đông Nam Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN).
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49945454

Bình Nhưỡng và Washington

tìm cách nối lại đàm phán

Minh Anh
Hai phái đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ hôm nay 05/10/2019 gặp nhau tại Thụy Điển, bắt đầu các cuộc tham vấn chuẩn bị cho việc nối lại đàm phán về hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Đặc sứ Bắc Triều Tiên, Kim Myong Gil và đồng nhiệm Mỹ, Stephen Biegun cũng có mặt trong cuộc gặp hôm nay. Cuộc trao đổi giữa hai bên diễn ra tại một địa điểm được giữ kín nằm trên một đảo ở thủ đô Thụy Điển, chỉ cách tòa đại sứ Bắc Triều Tiên vài trăm mét. Mọi lối vào đảo này được cảnh sát canh giữ nghiêm ngặt.
Cuộc đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh đối thoại Mỹ – Bắc Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2/2019. Như để gia tăng áp lực với Mỹ, chính quyền Bình Nhưỡng hôm 02/10 đã có một hành động leo thang mới, cho bắn thử một loại « tên lửa đạn đạo mới » có thể phóng đi từ tầu ngầm ngoài khơi vịnh Wonsan.
Một vụ thử mà phía Hoa Kỳ đánh giá là « những hành động khiêu khích vô ích » gây khó khăn cho việc chuẩn bị các cuộc đàm phán.
AFP nhắc lại, cuộc gặp cấp độ tương tự đã từng được tổ chức ở Stockholm hồi tháng 3/2018 và tháng Giêng năm 2019.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191005-binh-nhuong-va-washington-tim-cach-noi-lai-dam-phan

‘Cuộc chiến chỉnh sửa’ của TQ và Đài Loan trên Wikipedia

By Carl MillerBBC Click
Hỏi Google hoặc Siri: “Đài Loan là gì?”
Kết quả là: “Một nước”, “ở Đông Á”.
Nhưng trước đó vào tháng Chín, kết quả là: một “tỉnh thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Đài Loan nhận lao động VN ‘nhiều chỉ sau Nhật Bản’
Đài Loan gửi mặt nạ phòng hơi độc cho Hong Kong
Huawei bị công kích do coi Đài Loan là nước độc lập
Đối với các câu hỏi như vậy, nhiều công cụ tìm kiếm sẽ dẫn đến một địa chỉ: Wikipedia. Và Wikipedia đã thình lình thay đổi.
Bản chỉnh sửa đã bị sửa ngược lại, nhưng sẽ sớm bị sửa nữa. Và sửa nữa. Nó trở thành một cuộc chiến tranh biên tập, khiến định nghĩa về Đài Loan liên tục thay đổi chỉ trong một ngày.
“Năm nay là một năm rất điên rồ”, Jamie Lin, thành viên hội đồng quản trị của Wikimedia Đài Loan thở dài.
“Rất nhiều biên tập viên Wikipedia Đài Loan đã bị tấn công.”
Cuộc chiến chỉnh sửa
Bất cứ ai cũng có thể viết hoặc chỉnh sửa các mục trên Wikipedia, và ở hầu hết mọi quốc gia trên trái đất, các cộng đồng “Wikipedians” tồn tại để bảo vệ và đóng góp cho nó. Là bộ sưu tập kiến thức lớn nhất của con người, có sẵn cho mọi người dùng trực tuyến miễn phí, Wikipedia được coi là thành tựu lớn nhất của thời đại kỹ thuật số. Nhưng trong mắt Lin và các đồng nghiệp của cô, nó đang bị tấn công.
Cuộc chiến chỉnh sửa ‘chức danh’ của Đài Loan chỉ là một trong những cuộc chiến nổ ra trên khắp các giao diện rộng lớn, đa ngôn ngữ của Wikipedia. Trang biểu tình Hong Kong đã chứng kiến 65 thay đổi trong một ngày – chủ yếu là về cách diễn đạt. Họ là những người biểu tình? Hay là kẻ bạo loạn?
Mục tiếng Anh về các đảo Senkaku cho biết chúng là “các đảo ở Đông Á”, nhưng đầu năm nay, mục tiếng Quan Thoại đã được thay đổi, thêm vào “lãnh thổ của Trung Quốc”.
Các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã được thay đổi trong phần tiếng Quan Thoại, mô tả chúng là “sự kiện ngày 4/6″ để “dập tắt các cuộc bạo loạn phản cách mạng”. Trên phiên bản tiếng Anh, Dalai Lama là một người tị nạn Tây Tạng. Trong mục tiếng Quan Thoại, ông là một người lưu vong Trung Quốc.
Những khác biệt quan điểm đầy giận giữ nổ ra mọi lúc trên Wikipedia. Nhưng với cô Lin, lần này lại khác.
“Đó là sự kiểm soát của Chính phủ [Trung Quốc]“, cô tiếp tục. “Điều đó rất khủng khiếp.”
‘Giá trị xã hội chủ nghĩa’
Cuộc điều tra của BBC Click đã tìm thấy gần 1.600 chỉnh sửa có chủ đích trên 22 bài báo nhạy cảm về chính trị. Chúng tôi không thể xác minh ai đã thực hiện từng chỉnh sửa này, tại sao hoặc liệu chúng có phản ánh một thực tiễn phổ biến hơn không. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chúng không nhất thiết là hành vi mang tính tổ chức, cũng không phải ngẫu nhiên.
Cả giới chức và giới học giả ở Trung Quốc đều bắt đầu kêu gọi chính phủ và công dân của họ chỉnh sửa một cách có hệ thống những gì họ cho là những thiên kiến chống Trung Quốc sai lệch nghiêm trọng trên Wikipedia. Một bài báo có tên Cơ hội và Thách thức của Truyền thông nước ngoài tại Trung Quốc trên Wikipedia đã được xuất bản trên Tạp chí Khoa học Xã hội năm nay.
Trong đó, các học giả Li-hao Gan và Bin-Ting Weng lập luận rằng “do ảnh hưởng của truyền thông nước ngoài, các mục trên Wikipedia có một số lượng lớn các từ mang tính định kiến chống lại chính phủ Trung Quốc”.
Họ tiếp tục: “Chúng tôi phải phát triển một chiến lược truyền thông nhắm vào các đối tượng bên ngoài quốc gia, bao gồm không chỉ xây dựng lại một bộ hệ thống diễn ngôn truyền thông nước ngoài, mà còn trau dồi các biên tập viên có ảnh hưởng trên nền tảng wiki.”
Họ kết thúc bằng một lời kêu gọi hành động.
“Trung Quốc cần khẩn trương khuyến khích và đào tạo cư dân mạng Trung Quốc trở thành các nhà lãnh đạo và quản trị viên Wikipedia, [người] có thể tuân thủ các giá trị xã hội chủ nghĩa và thành lập một số nhóm biên tập cốt lõi.”
Thay đổi nhận thức
Một bài khác được viết bởi Jie Ding, một cán bộ của Tập đoàn Xuất bản Quốc tế Trung Quốc, một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Bài này lập luận rằng “đang thiếu một đường hướng và việc duy trì mang tính hệ thống đối với các nội dung về diễn ngôn chính trị của Trung Quốc trên Wikipedia”.
Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc “phản ánh tiếng nói và ý kiến của chúng tôi trong trang này, để phản ánh khách quan và trung thực về ảnh hưởng của đường lối và tư tưởng Trung Quốc đối với các quốc gia và lịch sử khác”.
Đài Loan: Thị trưởng Đài Bắc lập đảng thách thức Thái Anh Văn
TQ tập trận trong lúc Thái Anh Văn ở Mỹ
“Kể chuyện câu truyện của Trung Quốc” là một khái niệm đã có sức hút lớn trong vài năm qua,” Lokman Tsui, một trợ lý giáo sư tại Đại học Hong Kong, nói với BBC Click. “Họ nghĩ rằng rất nhiều người nước ngoài có nhận thức sai lầm về Trung Quốc.”
Đối với Tsui, một sự thay đổi quan trọng hiện đang diễn ra khi Trung Quốc huy động hệ thống kiểm soát trực tuyến vượt ra ngoài lãnh thổ, để chống lại mặt với những quan niệm sai lầm đang tồn tại.
Wikipedia đã đối mặt với vấn đề phá hoại kể từ khi nó mới hình thành. Bạn có thể thấy tất cả các chỉnh sửa được thực hiện, sự phá hoại có thể được khôi phục trong một giây, các trang có thể bị khóa và trang web được canh gác bởi cả bot và biên tập viên.
Người ta đã cố gắng thao túng Wikipedia ngay từ đầu và những người khác đã nỗ lực để ngăn chặn họ.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động mà Lin mô tả không hẳn là phá hoại. Một số – chẳng hạn như chủ quyền của Đài Loan – là việc khẳng định một yêu sách về lãnh thổ đang gây tranh cãi – của tôi đúng hơn của anh. Một số khác, tinh vi hơn, là việc cắt tỉa ngôn ngữ, đặc biệt là trong tiếng Quan Thoại, để thể hiện một quan điểm chính trị.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong có nên được xem là “chống lại” Trung Quốc? Bạn nên gọi một cộng đồng là “người Đài Loan gốc Hán” hay “một nhóm người Hán, có nguồn gốc từ Đài Loan”?
Lãnh địa ngôn ngữ là nơi các trận chiến diễn ra khốc liệt nhất.
Chiến lược phối hợp?
Các cuộc tấn công thường không nhắm vào nội dung của Wikipedia, mà vào cộng đồng những người quản lý, biên tập Wikipedia.
“Một số người đã nói với chúng tôi rằng thông tin cá nhân của họ đã bị phá, bởi vì họ có những quan điểm khác”, Lin nói.
Cũng có những lời đe dọa giết nhắm vào những người biên tập Wikipedian ở Đài Loan. Một lời đe dọa, trên kênh Wikimedia Telegram, nói “cảnh sát sẽ tận hưởng bản báo cáo pháp y của bọn bay”. Và các cuộc bầu cử cho các vị trí quản trị viên trên Wikipedia, những người nắm giữ quyền lực lớn hơn, cũng bị chia rẽ do các quan điểm địa chính trị.
Thường không thể quy kết hoạt động này là do nhà nước, và cũng không thể chứng minh được có bất cứ mối liên hệ nào giữa bất kỳ chỉnh sửa nào và chính phủ Trung Quốc.
“Hoàn toàn có thể hiểu được”, Tsui tiếp tục, “rằng những người từ cộng đồng người Hoa, người Trung Quốc yêu nước, đang chỉnh sửa các mục Wikipedia này.” Nhưng nói như vậy là đã bỏ qua chiến lược phối hợp lớn hơn mà chính phủ đã thành lập để thao túng các nền tảng này. “
Nhưng ngay cả khi không quy kết, các chỉnh sửa vẫn xảy ra trong bối cảnh mà một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã tăng cường các nỗ lực nhằm thao túng một cách có hệ thống các trang mạng. Họ đã làm như vậy trên Twitter và Facebook, và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã cảnh báo về các chương trình tuyên truyền trực tuyến được nhà nước hậu thuẫn.
So với hầu hết các trang mạng khác, Wikipedia là một mục tiêu hấp dẫn, thậm chí rõ ràng.
“Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên”, Heather Ford, một giảng viên cao cấp về văn hóa kỹ thuật số tại Đại học New South Wales, người có nghiên cứu tập trung vào chỉnh sửa chính trị của Wikipedia. Tôi ngạc nhiên khi nó thực sự kéo dài như vậy. Đây là nguồn thông tin ưu tiên các kiến thức thực tế và kiến thức về thế giới. “
Tất nhiên, mọi quốc gia đều quan tâm đến danh tiếng của mình.
“Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đang làm những gì mà bất kỳ quốc gia nào khác trong tình trạng này sẽ làm”, Shirley Ze Yu, một học giả tại LSE, nói. “Ngày nay, Trung Quốc nợ thế giới một câu chuyện về Trung Quốc do chính Trung Quốc kể ra và từ quan điểm của Trung Quốc. Tôi nghĩ đó không chỉ là đặc quyền của Trung Quốc, mà thực sự là một trách nhiệm”.
Đài Loan đang mắc kẹt trong một cuộc chiến chuyển tải thông điệp với Trung Quốc, với những quan điểm địa chính trị của riêng Đài Loan, và nhiều trong số các ngộ nhận có thể là chân thành, ít nhất là trong mắt những người chỉnh sửa chúng.
Thế nên việc này trở thành việc kể câu chuyện của Trung Quốc, hoặc một chiến dịch tuyên truyền trực tuyến?
Ít nhất là trên Wikipedia, câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn có quan điểm như thế nào về việc internet dùng để làm gì. Hiện các quan điểm đó đang rất khác nhau: có triết lý rằng đó là kiến thức mở, nguồn mở, hoặc rằng đó là cộng đồng do tình nguyện viên lãnh đạo.
Nhưng giờ đây nó có thể phải đối mặt với một thế lực khác: quyền lực trực tuyến ngày càng tăng của các quốc gia mà tranh cãi để chỉ ra sự thật về địa chính trị hiện đang lan rộng đến cả những nơi như Wikipedia và đã phát triển quá lớn, quá quan trọng, để họ có thể bỏ qua.
* Chúng tôi đã liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị bình luận về việc này nhưng không nhận được hồi âm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49943354

Lãnh đạo HK nói ‘bạo lực cực đoan’

khiến bà viện dẫn luật khẩn cấp

Lãnh đạo Kong Kong Carrie Lam ngày thứ Bảy nói rằng “bạo lực cực đoan” tại trung tâm tài chính này của Châu Á là lí do cho quyết định của bà lần đầu tiên viện dẫn quyền lực khẩn cấp trong nửa thế kỉ, sau một đêm biểu tình bạo lực.
Giao thông công cộng ở cựu thuộc địa của Anh bị tê liệt khi hệ thống tàu điện ngầm Kong Kong vẫn đóng cửa vào ngày thứ Bảy, sau vụ hỗn loạn hôm thứ Sáu mà trong đó cảnh sát bắn một thiếu niên và những người biểu tình ủng hộ dân chủ phóng hỏa các cơ sở kinh doanh và trạm tàu điện ngầm, theo Reuters.
“Hành vi cực đoan của những kẻ bạo loạn đã khiến Kong Kong trải qua một đêm rất đen tối, khiến xã hội hôm nay bị tê liệt một nửa,” bà Lam nói, trong những phát biểu đầu tiên của bà kể từ lệnh cấm đeo khẩu trang được ban hành ngày thứ Sáu trên cơ sở các điều khoản của luật về tình trạng khẩn cấp.
“Bạo lực cực đoan cho thấy rõ ràng rằng sự an toàn công cộng của Kong Kong đang bị đe dọa rộng khắp,” bà nói trong một thông báo thu sẵn phát trên truyền.
“Đó là lí do cụ thể mà chúng tôi phải viện dẫn luật khẩn cấp ngày hôm qua để đưa ra luật chống đeo khẩu trang.”
Người biểu tình sử dụng khẩu trang để che giấu thân phận của họ trong các cuộc biểu tình ngày càng bạo động đã làm rối loạn thành phố này trong bốn tháng.
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ sự chống đối một dự luật được giới thiệu vào tháng 4 mà lẽ ra sẽ cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục, nhưng từ đó đã chuyển hóa thành một phong trào ủng hộ dân chủ rộng lớn hơn.
Sau vụ bạo lực hôm thứ Sáu, công ty khai thác đường sắt MTR Corp đã thực hiện bước đi chưa từng có là đóng cửa toàn bộ mạng lưới vốn chuyên chở khoảng 5 triệu hành khách mỗi ngày, trong khi các trung tâm mua sắm và siêu thị cũng đóng cửa.
Các cuộc biểu tình tiếp theo được lên kế hoạch khắp Kong Kong cho đến thứ Hai, là ngày nghỉ lễ, nhưng không rõ ngay lập tức việc đình chỉ hệ thống tàu điện ngầm sẽ ảnh hưởng đến các cuộc biểu tình như thế nào.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-hong-kong-noi-bao-luc-cuc-doan-khien-ba-dien-dan-luat-khan-cap/5111850.html

Hong Kong: Giao thông tê liệt

khi chính quyền trấn áp “bạo loạn”

Hầu hết hệ thống tàu điện ngầm của Hong Kong vẫn đóng cửa sau một ngày chứng kiến các nhà ga và doanh nghiệp bị tấn công trong các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ.
Chỉ có sân bay Express vẫn mở khi người biểu tình bắt đầu những cuộc phản đối mới trên lãnh thổ Trung Quốc tự trị.
Trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga hay Carrie Lam bảo vệ quyết định của bà tuyên bố sử dụng sức mạnh khẩn cấp để khôi phục trật tự.
Hong Kong: Giới nhà giàu săn thị thực vàng giữa bất ổn
Malaysia nói Carrie Lam ‘nên từ chức’
Bạo lực cực đoan minh họa rõ ràng rằng an toàn công cộng của Hong Kong đang bị đe dọa rộng rãi. Đó là lý do cụ thể mà chúng tôi phải đưa ra luật khẩn cấp ngày hôm qua để đưa ra luật chống đeo khẩu trangLâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong
Hong Kong cấm người biểu tình đeo mặt nạ?
Biểu tình Hong Kong: Một nhà báo bị bắn mù mắt
Hong Kong đã trải qua một “đêm rất đen tối” đầy “bạo lực cực độ”, bà nói.
Tình trạng bất ổn gia tăng vào thứ Sáu, 04/10/2019, sau khi một người biểu tình trẻ tuổi bị cảnh sát bắn vào chân.
Người biểu tình cũng kêu gọi mọi người bất chấp lệnh cấm đeo khẩu trang do bà Lâm công bố.
Tình trạng bất ổn ở thuộc địa cũ của Anh bắt đầu vào tháng Sáu, nổ ra sau khi chính quyền công bố dự luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục.
Dự luật dẫn độ sau đó đã bị hủy bỏ nhưng các cuộc biểu tình đã mở rộng thành các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và chống cảnh sát.
Tình hình ngày thứ Bảy?
MTR (Mass Transit Railway), nhà điều hành đường sắt, nói họ không thể tiếp tục các dịch vụ bình thường vì việc sửa chữa vẫn đang được thực hiện tại các nhà ga bị hư hại. Một dịch vụ xe bus hạn chế sẽ được cung cấp.
Các siêu thị và ngân hàng cũng đã đóng cửa, “quay cuồng” vì sự hỗn loạn vào hôm thứ Sáu khi những người bạo loạn nhắm vào các trạm ga MTR và các doanh nghiệp được cho là có liên kết với Trung Quốc đại lục.
“Hành vi cực đoan của những kẻ bạo loạn đã đưa Hong Kong trải qua một đêm rất đen tối, khiến cộng đồng hôm nay bị tê liệt một nửa”, bà Lâm nói trong một tuyên bố trên một bang video được ghi lại từ trước.
“Bạo lực cực đoan minh họa rõ ràng rằng an toàn công cộng của Hong Kong đang bị đe dọa rộng rãi. Đó là lý do cụ thể mà chúng tôi phải đưa ra luật khẩn cấp ngày hôm qua để đưa ra luật chống đeo khẩu trang.”
“Chúng ta không thể cho phép những kẻ bạo loạn phá hủy Hong Kong quý giá của chúng ta hơn nữa”, trưởng đặc khu hành chính nói thêm.
Hàng trăm người biểu tình, nhiều người trong số đó đeo mặt nạ, diễu hành qua khu mua sắm Causeway Bay vào thứ Bảy 05/10.
“Chúng tôi không chắc chuyện gì sẽ xảy ra sau đó nhưng chúng tôi cảm thấy phải ra ngoài và thể hiện quyền cơ bản của mình để được đeo khẩu trang “, Sue, 22 tuổi, nói với hãng tin Anh Reuters từ đằng sau khẩu trang và cặp kính mắt đều có màu đen của cô.
“Chính phủ cần phải biết rằng họ không thể ép người dân Hong Kong như thế.”
Một cư dân Pháp, người cho biết tên là Marko, nói với hãng tin Pháp AFP rằng lệnh cấm mặt nạ là “đổ thêm dầu vào lửa”.
“Nhưng tôi nghĩ rằng những người phá hủy các trạm là những kẻ cực đoan”, ông nói.
Mức độ nguy hiểm?
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang chịu áp lực mạnh mẽ từ các cuộc vận động của khối kinh doanh hùng mạnh trên vùng lãnh thổ đòi chấm dứt các cuộc biểu tìnhRupert Wingfield-Hayes, Phóng viên BBC, Hong Kong
Trong suốt nhiều tháng, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động ngày càng trở nên bạo lực.
Hôm thứ ba 01/10, cảnh sát đã bắn một người biểu tình bằng một viên đạn thật lần đầu tiên, làm bị thương một thanh niên 18 tuổi, người được cho là đã tấn công một sĩ quan cảnh sát.
Hôm thứ Sáu, 4/10, một vị thành niên nam 14 tuổi bị bắn vào chân bằng một loạt đạn thật ở Yuen Long, một thị trấn ở phía tây thành phố.
Một sĩ quan cảnh sát mặc thường phục đi một xe cảnh sát không ghi rõ phiên hiệu sau đó dường như đã bị những người bạo loạn ở cùng khu vực nhắm mục tiêu, nhưng giới chức không liên kết hai vụ việc, tờ South China Morning Post đưa tin.
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC News từ Hong Kong ghi nhận áp lực đối với kinh doanh.
“Những người biểu tình cực đoan hơn đeo mặt nạ, khẩu trang, một phần để bảo vệ bản thân khỏi hơi cay – nhưng cũng để duy trì sự ẩn danh của họ. Vì cả hai lý do, chính quyền Hong Kong muốn việc đeo mặt nạ dừng lại,” phóng viên của chúng tôi nói.
“Từ nửa đêm hôm thứ Sáu, bất cứ ai bị bắt gặp trên đường đeo khẩ trang sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ. Người biểu tình đeo khẩu trang có thể bị bắt và có thể phải ngồi tù một năm.
“Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang chịu áp lực mạnh mẽ từ các cuộc vận động của khối kinh doanh hùng mạnh trên vùng lãnh thổ đòi chấm dứt các cuộc biểu tình.
“Bạo lực trên đường phố đạt đến một cấp độ mới trong tuần này nhưng lần đầu tiên chính quyền ban bố luật khẩn cấp trong hơn 50 năm, điều cũng được cho là có thể gây leo thang xung đột.
“Các nhóm sinh viên cực đoan dẫn đầu các cuộc biểu tình nói họ sẽ bất chấp các luật cấm,” vẫn theo phóng viên của chúng tôi từ Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49945453

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.