Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 07/10/2019

Monday, October 7, 2019 6:39:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 07/10/2019

Tàu Trung Quốc ‘truy đuổi’

tàu cá trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Hà Nội lại một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền chủ quyền của họ trên Biển Đông sau khi ba tàu Trung Quốc truy đuổi một tài cá Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này hôm 5/10.
Truyền thông chính thống của Việt Nam cho biết, một tàu cá của Bình Định số hiệu BĐ 91386 TS bị ba tàu Trung Quốc ngăn cản không cho đánh bắt cá tại khu vực cách tỉnh Khánh Hòa 112 hải lý.
Một sự việc tương tự cũng đã xảy ra hồi tháng 8 khi một tàu cá của ngư dân Bình Định cũng bị tàu Trung Quốc truy đuổi khi đang đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Trường Sa.
VnExpress và Tiền Phong trích nguồn tin của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết hôm 5/10 rằng các cơ quan chức năng đang triển khai biện pháp hỗ trợ tàu cá Bình Định 91386 “đánh bắt hải sản hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.”
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, được VnExpress trích lời nói rằng sự việc ba tàu Trung Quốc truy đuổi tàu cá Bình Định là “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế.”
Vùng đặc quyền kinh tế, theo quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, bao gồm khu vực biển kéo dài từ bờ biển tới 200 hải lý (370km) ngoài biển. Theo đó, các nước có quyền khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Vụ việc này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Trung Quốc điều ca nô tới ngăn cản hoạt động trục với tàu cá Việt Nam lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa hôm 3/10.
Cũng theo truyền thông Việt Nam, trước đó hôm 1/10, một tàu Trung Quốc đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá lâm nạn ở Hoàng Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước.
Hồi tháng 3 vừa qua, một tàu Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam từ Quảng Ngãi khi tàu này đang đánh bắt ở nơi được coi là ngư trường truyền thống của họ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc đền bù thích đáng cho ngư dân Việt Nam.
Đầu tháng 5 năm nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài hơn ba tháng ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và một phần Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội ngay sau đó “bác bỏ quyết định đơn phương của phía Trung Quốc” khi cho rằng quy chế này “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.”
Hàng năm từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền bằng “đường 9 đoạn” bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng nhất trong những tháng gần đây kể từ khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí mà Hà Nội đang hợp tác với các đối tác nước ngoài. Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc tàu của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Việt Nam trong khi Bắc Kinh nói tàu của họ hoạt động “hợp pháp” trong vùng biển của nước này.

TQ liên tục hạ thủy tàu đổ bộ khủng,

tăng cường năng lực xâm chiếm Biển Đông

Cục an toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã chính thức hạ thủy tàu đổ bộ Type 075 và biên chế cho lực lượng hải quân nước này.
Theo thông tin trên, tàu đổ bộ Type 075 do nhà máy đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua) tại Thượng Hải đóng. Tàu dài 250m, rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý/h (42,5 km/h); có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Trong tương lai Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu một mẫu tiêm kích hạm tàng hình có khả năng cất hạ cánh tương tự như F-35B Lightning II của Mỹ, đó có thể là chiếc J-26 như một số bản đồ họa từng xuất hiện. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.
Trong khi đó, xưởng đóng tàu Trường Hưng Đảo Giang Nam gần Thượng Hải đã hạ thủy tàu khu trục hạng nặng Type 055 thứ 5 cho hải quân Trung Quốc và theo dự kiến sẽ được biên chế vào hạm đội sau khi thực hiện các chuyến đi biển thử nghiệm. Các tàu khu trục Type 055 được coi là những tàu khu trục đang phục vụ mạnh nhất trên thế giới ngày nay. Lớp tàu Type 055 được đóng dựa trên những thành công mà các kỹ sư quân sự Trung Quốc thu hái được trong việc chế tạo lớp tàu khu trục hạng nhẹ hơn trước đó là tàu Type 052. Các tàu Type 052 bắt đầu gia nhập các hạm đội của hải quân Trung Quốc từ năm 2014, cũng được tích hợp hệ thống ống phóng thẳng đứng tiên tiến như tàu Type 055. Cả hai tàu dùng chung công nghệ cảm biến. Tuy nhiên tàu Type 055 được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) với 112 ống, có thể triển khai 10 loại tên lửa cho các mục tiêu tác chiến khác nhau. Trong số các tên lửa mà hệ thống VLS của Type – 055 có thể triển khai có tên lửa đối không HHQ-9B được quảng cáo là có năng lực chống tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối (tương tự hệ thống phòng không THAAD của Mỹ). Ngoài ra còn có tên lửa chống tên lửa đạn đạo HQ-26, tên lửa tiên tiến DK-10A Quad đất đối không, cùng tên lửa đa nhiệm tầm xa HQ-10. Điều này về lý thuyết cung cấp cho con tàu khu trục số 1 của Trung Quốc và đội tàu đi kèm năng lực chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay và tên lửa. Có thể nói xét theo các chỉ số được công bố, tàu Type 055 có năng lực phòng thủ tên lửa không kém gì các tàu tuần dương của Mỹ. Xét về các tên lửa hành trình chống hạm của tàu Type 055, nhiều trong số này được nói là có tốc độ và tầm bắn ngang ngửa với các loại đang được trang bị cho tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ. Ví dụ tên lửa hành trình YJ-18 với tầm bắn 540km, tốc độ Mach 3, tên lửa cận âm YJ-100 chậm hơn nhiều nhưng với tầm bắn tới 1.000km. Các loại vũ khí hiện đại có thể được trang bị trong tương lại là súng điện từ, tên lửa hành trình siêu thanh JY-XX. Chương trình YJ-XX được “khoe” là có nhiều điểm tương đồng với chương trình tên lửa siêu thanh Zircon của Nga (Zircon có tốc độ Mach 8 và tầm bắn trên 1.000km).
Theo nhận định của giới truyền thông, việc cho ra đời cùng lúc nhiều tàu đổ bộ tấn công cùng tàu đổ bộ sẽ tăng cường tối đa năng lực tấn công đổ bộ đường biển của Quân đội Trung Quốc trong tương lai và Type 075 sẽ cho phép quân đội một nước có thể tập trung trực thăng, xuồng đổ bộ đệm khí, binh lính và các cơ sở chỉ huy lên một tàu và đưa đến những khu vực xa xôi. Chuyên gia Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, nói tàu Type 075 sẽ giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể năng lực tác chiến đổ bộ. “So với tàu đổ bộ thông thường, tàu Type 075 vừa có thể đóng vai trò vận chuyển khí tài quân sự, vừa mang theo 30 trực thăng tấn công”. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc gấp rút đóng các tàu Type 075 được cho là nhằm đối phó với việc Nhật Bản hoán cải các tàu khu trục lớp Izumo thành tàu sân bay, trang bị tiêm kích F-35B.
Đáng chú ý, giới truyền thông cho rằng chiếc Type 075 đầu tiên này được Hải quân Trung Quốc dự định sẽ cho gia nhập vào lực lượng Hạm đội Đông Hải. Trung Quốc dự tính sẽ đóng mới ba tàu đổ bộ loại này, tuy nhiên số hiệu và tên của chiếc đầu tiên vừa mới được hạ thuỷ tới nay vẫn là bí mật.

TQ vẫn tiếp tục cưỡng ép ở Biển Đông

Các hành động của nhóm tàu khảo sát và hải cảnh Trung Quốc không chỉ giới hạn ở khu vực bãi Tư Chính – Phúc Tần, mà ngày càng lan rộng ra các khu vực khác trong vùng biển Việt Nam, Philippines và Malaysia. Chúng không có dấu hiệu dừng lại.
Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam kể từ tháng 7 đến nay, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Không khó để nhận diện chiến thuật cù nhầy nhằm thực hiện âm mưu “bất chiến tự nhiên thành” của Bắc Kinh.
“Căng thẳng cường độ chậm”
Bằng cách sử dụng nhóm tàu hải cảnh và dân quân biển cù nhầy quấy rối thay vì tàu hải quân, Trung Quốc muốn duy trì căng thẳng dưới mức ngưỡng xung đột vũ trang.
Dù chiến thuật này có thể mang lại hiệu quả về mặt chiến lược, song rõ ràng nó gây tổn hại đến hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng.
Đây là chiến thuật mà chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc Andrew Scobell gọi là “căng thẳng cường độ chậm”. Khác với căng thẳng cường độ thấp, sự leo thang căng thẳng cường độ chậm thường kéo dài lâu và ở biên độ thấp. Tuy vậy, nó cũng có thể dẫn đến xung đột lẻ tẻ ở phạm vi nhỏ, nhưng không bùng phát thành xung đột lớn.
Việc Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo với đầy đủ cơ sở hạ tầng ở giữa khu vực Biển Đông đã giúp chiến thuật cù nhầy của Trung Quốc càng thuận lợi hơn.
Các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép có thể cung cấp dịch vụ chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và dự báo thời tiết cho các tàu hải cảnh, dân quân và tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc. Cụ thể, nhóm tàu Hải Dương 8 có thể duy trì chiến thuật cù nhầy quấy rối ở vùng biển Việt Nam trong nhiều tháng qua do thường xuyên quay về đảo Chữ Thập để tiếp vận.
Hoàn thành việc cải tạo đảo nhân tạo và sau đó sử dụng các tàu bán vũ trang quấy rối thường xuyên, liên tục trong vùng Biển Đông không phải là các chính sách rời rạc của chính quyền Trung Quốc, mà là một phần trong chiến thuật “vùng xám” được lên kế hoạch kỹ càng của Trung Quốc. “Vùng xám” là chiến thuật giữ căng thẳng dưới mức chiến tranh của Trung Quốc, mà Viện nghiên cứu RAND của Mỹ đã cảnh báo cho chính quyền Washington trong một công bố vào giữa năm 2019.
Việt Nam khó có thể kêu gọi sự chú ý hay biện pháp mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế nếu Trung Quốc cứ tiếp tục duy trì chiến thuật căng thẳng cường độ chậm.
Cần tỉnh táo
Nếu không tỉnh táo, các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông sẽ phải tham gia trò chơi cù nhầy mà Trung Quốc đang nắm ưu thế.
Ngoài ra, chiến thuật này cũng tạo cho các quốc gia khác trên thế giới không tin rằng sẽ có căng thẳng, xung đột ở khu vực Biển Đông khi Trung Quốc duy trì sức ép vừa đủ dưới ngưỡng có thể bùng phát thành một phản ứng quân sự thường quy, từ đó có thể dẫn đến sự chủ quan và không có phản ứng phù hợp của các nước liên quan.
Nguy hiểm hơn, việc cho các tàu phát tín hiệu hệ thống xác định tự động (AIS) trên bản đồ hàng hải quốc tế ở khu vực bãi Tư Chính cho thấy sự thách thức trắng trợn chủ quyền của Việt Nam và âm mưu biến vùng biển Việt Nam từ khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp.

Bằng cách này, Trung Quốc muốn gây sức ép với Việt Nam phải đàm phán giải quyết hay cùng khai thác chung, giống như trường hợp khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines.
Chiến thuật cù nhầy gặm nhấm từng bước như chuột của Trung Quốc không tạo ra khủng hoảng xung đột ở khu vực Biển Đông, nhưng lại phục vụ được mục đích của Trung Quốc là gây áp lực, khiến các quốc gia trong khu vực dần dần từ bỏ quyền kiểm soát thực tế của mình.
Đối phó ra sao?
Để đối phó với chiến thuật cù nhầy này của Trung Quốc, Việt Nam không nên chủ quan với các hành động quấy rối của nhóm tàu Trung Quốc và tiếp tục tăng cường triển khai các lực lượng thực thi pháp luật hộ tống, bảo vệ các tàu khai thác thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam nên có một kế hoạch dài hơi cụ thể, xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin vệ tinh với các quốc gia đối tác về hoạt động của các tàu Trung Quốc cũng như xác định rõ các hành vi vi phạm trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cũng nên tham gia thường xuyên tuần tra chung với các quốc gia trong khu vực, cũng như đưa ra sáng kiến chủ động thành lập lực lượng tuần tra chung với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.
Sự tham gia của các cường quốc trên thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản trong việc bảo đảm tự do hàng hải và an ninh ở vấn đề Biển Đông luôn là cần thiết. Để như vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải luôn có kế hoạch chủ động ứng phó cùng với các quốc gia đối tác có lợi ích liên quan khác.
Cù nhầy kết hợp trâng tráo
Các hành động của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông không chỉ có mục tiêu quấy phá các hành động khai thác dầu khí hay khai thác hải sản, mà còn mang ý nghĩa chiến lược xa hơn của Trung Quốc là cưỡng ép các quốc gia khác từ bỏ chủ quyền ở Biển Đông.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, mục tiêu của Trung Quốc là “bất chiến tự nhiên thành” thông qua các chiến dịch “tam chủng chiến pháp” (tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến) khi kết hợp cù nhầy ở thực địa và trâng tráo ở các diễn đàn ngoại giao.

Sự hiện diện của tàu TQ

không cản được Philippines tuần tra Biển Đông

Với sự hiện hiện của các tàu nước ngoài (Trung Quốc) trên Biển Đông, nhiều khả năng những hoạt động hàng hải thiếu thân thiện sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu Trung Quốc tại Biển Đông sẽ không ngăn cản được Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) điều lực lượng tuần tra đến khu vực – đặc biệt là quanh nhóm đảo Kalayaan, thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) – để theo dõi và thực thi pháp luật.
Trong ít nhất hai lần kể từ đầu năm nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn các hoạt động tiếp tế của Bộ Tư lệnh Phương Tây (Wescom) và các hoạt động luân chuyển quân đội tại 9 tiền đồn của Philippines ở nhóm đảo Kalayaan.
“Với sự hiện hiện của các tàu nước ngoài (Trung Quốc) trên Biển Đông, nhiều khả năng những hoạt động hàng hải thiếu thân thiện như vậy sẽ còn tiếp tục xảy ra” – một quan chức an ninh hàng hải Philippines cho biết.
Tuy nhiên, quan chức giấu tên này cũng cho biết quân đội Philippines – đặc biệt là Wescom có căn cứ tại thành phố Puerto Princesa – không hề nản lòng và sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra thường xuyên của mình.
“Chúng tôi có người tại đó. Chúng  tôi cung cấp cho họ thực phẩm, nước và thuốc thông qua các hoạt động tiếp tế bằng đường biển hoặc đường không” – nguồn tin cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Arsenio Andolong, ngày 3/10, nhấn mạnh rằng AFP chắc chắn sẽ duy trì sự hiện diện của mình tại bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt  Nam), cũng như tại 8 đảo nhỏ khác trên Biển Đông.
“AFP sẽ liên tục tuần tra và duy trì sự hiện diện ở bãi Cỏ Mây và một số đảo nhỏ khác trên Biển Đông” – ông Andolong nói.
Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines đang đóng vai trò là tiền đồn cho một số thủy thủ và lính thủy đánh bộ canh giữ bãi Cỏ Mây. Theo dõi hàng hải mới nhất của Wescom cho thấy một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận bãi Cỏ Mây ở khoảng cách 10 hải lý.
“Chúng tôi luôn quan tâm đến sự di chuyển của các tàu trong khu vực và chúng tôi báo cáo tất cả các trường hợp hiện diện của tàu nước ngoài cho lực lượng đặc nhiệm trên biển và Bộ Ngoại giao (DFA) để có hành động thích hợp” – ông Andolong cho biết.
Trước đó, Tham mưu trưởng của AFP, Trung tướng Noel Clement tuyên bố rằng vấn đề tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc sẽ tốt hơn nếu được giải quyết bởi DFA, chứ không phải bởi quân đội.
“Đây là một vấn đề của chính sách quốc gia” – ông Clement nói, đồng thời bày tỏ mong muốn tranh chấp này nên được giải quyết bằng phương diện ngoại giao hơn là quân sự.
Trung Quốc, thông qua yêu sách phi lý “đường 9 đoạn”, hiện đang tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
“Chúng tôi không ở đây để đối đầu. Chúng tôi không đối đầu với bất cứ quốc gia nào. Theo như tôi biết có nhiều sự vi phạm và nhiều mối lo ngại, nhưng điều quan trọng là chúng tôi sẽ có thể báo cáo và xử lý các vi phạm này theo cách thức ngoại giao” – tướng quân đội Philippines khẳng định.

Vấn đề Biển Đông

bên lề tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc

Bên lề Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Uganda, Thủ tướng St. Vincent and the Grenadines, Ngoại trưởng Algeria và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Lãnh đạo các nước đã thảo luận về tình hình Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực.
Tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale đến chào xã giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020, đề nghị hai bên phối hợp tăng cường tiếp xúc và đối thoại, nhất là cấp cao, làm sâu sắc hơn và mở rộng khuôn khổ quan hệ thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng và tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Thứ trưởng Hale bày tỏ vui mừng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua duy trì đà phát triển thực chất, hiệu quả, mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương.
Trong các cuộc hội kiến song phương, Thủ tướng Cộng hòa Uganda, Thủ tướng đảo quốc St. Vincent and the Grenadines, Ngoại trưởng Algeria và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đều bày tỏ tình cảm sâu sắc với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đã trúng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục, thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, đồng thời đề xuất với Việt Nam các biện pháp nhằm tăng cường trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, phối hơp tại các diễn đàn đa phương.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.