Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/09/2019

Monday, September 16, 2019 6:10:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 16/09/2019

Bắc Ninh đình chỉ trường mầm non quên trẻ trên ôtô

Một bé 3 tuổi được cấp cứu sau khi bị bỏ quên nhiều giờ trên xe đưa đón ở trường mầm non.
Vụ việc xảy ra vào hôm thứ Sáu 13/09 tại một cơ sở mầm non tư thục ở xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
Tin cho hay một cháu bé 3 tuổi bị “bỏ quên” khoảng 7 tiếng (từ 8h sáng tới 3 giờ chiều) trên xe ôtô do “sơ suất của lái xe”.
Được biết lái xe là chồng của chủ cơ sở mầm non Đồ Rê Mí và tin cho hay hôm 16/09 Ủy ban Nhân dân Xã Hoàn Sơn đã đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non này.
Đại diện Phòng Giáo dục huyện Tiên Du được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết hiện tình hình sức khỏe của cháu “đã ổn định” nhưng vẫn đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi được sơ cứu và cấp cứu tại các cơ sở y tế xã và huyện trước đó.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển nói với các phóng viên:
“Bé trai 3 tuổi vào bệnh viện chúng tôi tối 13-9 trong tình trạng sốt, lơ mơ về tri giác, có đầy đủ yếu tố kết luận là sốc nhiệt: rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân…”, ông Điển cho biết.
“Trường hợp này rất may mắn. Em bé, khi được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận, các chức năng sống vẫn còn. Cháu vẫn còn thở, nhịp tim vẫn đập tương đối tốt. Chỉ có tri giác bắt đầu bị ảnh hưởng là bị lơ mơ. Như vậy, em bé chưa ở mức độ nặng nề ngay ở giai đoạn đó”, PGS Trần Minh Điển cho biết.
PGS Điển cũng cho biết “hiện tri giác của cháu bé khá tỉnh táo, không có dấu hiệu của tổn thương thần kinh khu trú. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy, bệnh nhân khá ổn và không có tổn thương gì. Tiên lượng sức khỏe của cháu bé khá tốt”.
Những gì đã biết về vụ bé trai trường Gateway tử vong
Vụ Gateway: Thực hư tài xế tử vong, trường bỏ mác ‘quốc tế’?
Trang tin Công an Bắc Ninh cho hay Cơ quan CSĐT huyện Tiên Du được yêu cầu điều tra vụ việc này.
“Qua vụ việc trên, một lần nữa cảnh báo trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và cơ sở dịch vụ đưa đón học sinh, phải hoàn thiện quy trình đảm bảo tuyệt đối an toàn, tăng cường phối hợp quản lý, giám sát việc đưa đón các cháu đến trường, không để xảy ra các trường hợp đáng tiếc như trên,” bản tin viết.
Vụ việc xảy ra chỉ khoảng hơn một tháng sau vụ một cháu 6 tuổi bị tử vong liên quan tới việc đưa đón học sinh tại Trường tiểu học Gateway ở Hà Nội.
Một lái xe và một người giúp đưa đón các học sinh đã bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người”.
Khác với vụ mới nhất tại Bắc Ninh nơi trường mầm non được cho là bị tạm đình chỉ hoạt động, Trường Tiểu học Gateway ở Hà Nội không bị đình chỉnh giảng dạy sau vụ việc gây sốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49717648

Bắt giữ nhóm người Trung Quốc làm giả thẻ ATM

Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ nhóm người Trung Quốc làm giả thẻ ATM và cài đặt thiết bị điện tử vào các máy ATM để đánh cắp thông tin tài khoản khách hàng. Báo trong nước đưa tin ngày 16/9.
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 333 thẻ ngân hàng nghi là giả, trong đó có 22 thẻ đã bị rút tiền ra khỏi tài khoản với số tiền gần 300 triệu đồng; ba bộ thiết bị điện tử, 2 máy tính xách tay, 1 đầu ghi thông tin thẻ từ, 8 thẻ nhớ và các vật dụng liên quan.
Ba người bị bắt đều ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, gồm Trường Tài; Đặng Thông Thông và Luyện Vũ.
Cũng theo điều tra của cơ quan chức năng, để chiếm đoạt được tiền trong thẻ ATM, Thông và Vũ lắp đặt 2 bộ thiết bị điện tử; trong đó một bộ đặt vào khe đặt thẻ ATM và một bộ vào bàn phím trước màn hình để quét thông tin khi có người đến rút tiền tại cây ATM.
Sau khi có thông tin, mật khẩu về tài khoản thẻ, Tài sẽ gửi dữ liệu về Trung Quốc bằng một đường truyền riêng để giải mã. Sau đó Tài chịu trách nhiệm chế tạo các thẻ ATM giả để rút tiền. Sau khi các đối tượng dùng thẻ giả này rút tiền xong, chủ tài khoản có thẻ thật đến rút tiền tại cây ATM sẽ bị nuốt thẻ và không giao dịch được.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công An thành phố Vinh (Nghệ An) đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng trên về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290, Bộ Luật Hình sự 2015.
Liên quan vụ gắn thiết bị vào cây ATM, hôm 30/8/2019, bảo vệ ngân hàng Ngân hàng Sacombank, chi nhánh quận 2, TPHCM đã phát hiện một người nước ngoài gắn thiết bị bất thường vào máy ATM. Anh này đã báo công an xử lý nhưng người nước ngoài trên không thừa nhận hành vi gắn thiết bị lạ vào máy ATM.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/group-of-chinese-making-fake-atm-card-arrested-09162019085327.html

Công An Việt Nam & Trung Quốc phối hợp

điều tra đường dây sản xuất ma túy liên tỉnh

Tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 15 tháng 9 cho biết Công An Việt Nam đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 8 đối tượng gồm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc và 1 người Việt gốc Hoa trong đường dây sản xuất ma túy nói trên.
Người cầm đầu đường dây sản xuất ma túy tại Kontum là Cai Zili (Thái Tự Lực) sinh năm 1963 trước đây cũng đã từng liên quan đến đường dây sản xuất ma túy tại Trung Quốc và bị Công An Trung Quốc bắt giam. Sau khi được ân xá, Thái Tự Lực đã sang Việt Nam và lại phạm tội.
Ngay sau khi đường dây sản xuất ma túy tại Kontum được phát hiện thì Cảnh sát Trung Quốc cũng đã bắt giữ 22 người.
Liên quan đến vụ án này, ngày 15/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công An) cho biết Cảnh sát Trung Quốc và Việt Nam đang cùng phối hợp để mở rộng điều tra đường dây sản xuất ma túy được cho là lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 6/8 hàng trăm cảnh sát đã ập vào kiểm tra khu nhà xưởng của công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và phát hiện số lượng lớn  hóa chất
dùng để sản xuất ma túy cùng với nhóm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc đang tham gia sản xuất tại xưởng này.
Trong quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm lít dung dịch, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị dùng để sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Kho xưởng sản xuất ma túy này thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên do ông Trần Ngọc An làm chủ với hoạt động chính về buôn bán vật liệu xây dựng…nhưng được nhóm người Trung Quốc thuê lại và hoạt động sản xuất ma túy.
5 ngày sau đó vào ngày 11/9 Công an Bình Định cũng đã phát hiện một khối lượng hóa chất cực lớn được giấu kín trong 2 kho xưởng và nhiều dụng cụ để tinh chế, sản xuất ma túy cũng do nhóm người Trung Quốc đứng đầu.
Công an tỉnh Bình Định cho biết sau khi tiến hành kiểm tra 2 kho hàng chứa hóa chất tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, phát hiện khối lượng khổng lồ hóa chất dùng để sản xuất ma túy được cất giấu trong 286 thùng phuy, trên 300 bao bột và nhiều dụng cụ dùng để sản xuất ma túy, cùng với nhóm 6 người Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ kho xưởng này.
Cũng trong ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người Trung Quốc trong đường dây sản xuất ma túy nêu trên về hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng.
4 đối tượng gồm ông Huang Zengfang (SN 1989, làm nghề khảo sát máy móc liên quan cắt xẻ đá), ông Lin Cunzhou (SN 1988, công nhân cưa đá); bà Zhou Meilian (SN 1968, nội trợ) và ông Zhou Liuging (SN 1981, nghề nghiệp làm nông).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-chinese-police-cooperate-to-investigate-drug-production-ring-09162019092344.html

Nhóm người Trung Cộng ăn cắp thông tin

của người Việt để rút trộm tiền

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet loan tin, vào ngày 15 tháng 9 năm 2019, bộ công an CSVN cùng với Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ 3 người Trung Cộng gồm: Dương Trường Tài, 35 tuổi; Đặng Thông Thông, 29 tuổi; và Luyện Vũ, 35 tuổi.
Trước đó, cả 3 tên này thuê khách sạn Thành An, đường Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây, khi công an kiểm tra, cả 3  đang có hành vi dùng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài tải của người dân Việt Nam. Phía công an đã thu giữ gồm: 333 thẻ ngân hàng giả, trong đó có 319 thẻ đã được quét thông tin của chủ tài khoản, 22 thẻ đã bị rút tiền khỏi tài khoản; ngoài ra còn có 14 thẻ trắng, 3 bộ thiết bị điện tử, máy tính, thẻ nhớ, và nhiều tang vật khác có liên quan.
Các tên này khai rằng, họ đã 2 lần cài đặt các thiết bị ăn cắp thông tin vào máy ATM của ngân hàng Viettinbank tại thành phố Vinh. Thông Thông và Luyện Vũ có nhiệm vụ đi gắn thiết bị vào máy ATM, sau đó mang về đưa cho Dương Trường Tài giải quyết thông tin, sau đó Tài gửi dữ liệu về Trung Cộng cho một tên khác là Lý Văn giải mã. Lý Văn giải mã xong thì gửi lại Việt Nam cho 3 tên tội phạm chế tạo thẻ ATM giả để mang ra cây rút ATM rút tiền.
Dư luận đặt câu hỏi, không biết khi nào công an CSVN sẽ lại bàn giao các tội phạm trên cho phía Trung Cộng giải quyết như những vụ án khác? Và số tiền các tên này cướp được của người Việt là tang vật vụ án có được giao luôn cho phía Trung Cộng hay không.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nhom-nguoi-trung-cong-an-cap-thong-tin-cua-nguoi-viet-de-rut-trom-tien/

Phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La bị hoãn

Hôm 16/9, phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La tại Tòa án Nhân dân tỉnh, bị hoãn vì nhiều người được triệu tập vắng mặt.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nên hôm 16/9/2019.
Vụ gian lận thi cử ở Sơn La là vụ đầu tiên trong các vụ án gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 bị đưa ra xét xử. Phiên tòa được xét xử công khai và dự kiến kéo dài 5 ngày.
Trước phiên xử dự kiến, Tòa triệu tập 90 người gồm các phụ huynh có con được nâng điểm và nhiều nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La và những người có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng… nhưng có đến hơn 70 người vắng mặt tại tòa.
Những bị cáo bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án này gồm: Trần Xuân Yến – nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga là trưởng phòng, phó phòng và chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn – nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.
Ngoài ra tòa đã triệu tập 43 người làm chứng, trong số đó có ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD-ĐT, nhưng khi thư ký tòa điểm danh, ông Đức vắng mặt.
Với lý do nhiều người vắng mặt, vào lúc 9h40 sáng 16/9, chủ tọa công bố quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 15/10/2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-trial-of-the-son-la-examination-fraud-was-delayed-09162019093132.html

Tù nhân Nguyễn Văn Hóa hết bị kỷ luật biệt giam

Tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa hết bị kỷ luật và biệt giam kể từ ngày 14 tháng 9.
Anh Hoàng Nguyên, em trai của tù chính trị Hoàng Văn Bình cũng đang bị giam ở Trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam, thông báo tin vừa nêu sau chuyến thăm vào ngày 14 tháng 9.
“Hôm nay em Nguyễn Văn Hóa cũng đã trở về trại sau hơn 4 tháng bị kỷ luật và biệt giam. Hôm tôi vào thăm Hoàng Bình thì đúng thời điểm đó em Hóa vừa về nên anh Bình cũng chưa có thời gian nói chuyện với em Hóa, nhưng nhìn qua thì thấy Hóa cũng ốm.”
Vừa qua vào ngày 28 tháng 5, thân nhân của tù chính trị Nguyễn Văn Hóa có chuyến đến thăm anh tại trại An Điềm. Chuyến đi được thực hiện sau khi nghe tin Nguyễn Văn Hóa bị hành hung và bị biệt giam mà những tù nhân khác cùng trại An Điềm không được biết.
Bà Nguyễn Thị Huệ lúc đó cho biết người em trai tiếp tục bị biệt giam tại khu giam riêng phòng số 4, Phân trại 1, Trại giam An Điềm. Lệnh giam riêng này có hiệu lực 6 tháng.
Phía Trại giam An Điềm thông báo với bà Nguyễn Thị Huệ là đến tháng sau sẽ hạn chế không cho gặp anh Nguyễn Văn Hóa trong nhà tù.
Vừa qua, sau khi biết được anh Nguyễn Văn Hóa bị cán bộ trại giam hành hung, rồi đưa đi mà không cho các tù nhân khác trong cùng trại biết thông tin; một số tù chính trị gồm ông Nguyễn Bắc Truyển, anh Hoàng Đức Bình… tiến hảnh tuyệt thực.
Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, người dùng flycam để quay lại các thước phim trên cao liên quan đến các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân miền Trung trong thảm họa Formosa.
Anh bị bắt hồi đầu năm 2017 khi đang quay phóng sự gần khu vực tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong một bức thư gửi cho gia đình ông nói mình bị công an “bắt cóc” 9 ngày và giam giữ trong một khách sạn sau đó mới có lệnh bắt chính thức.
Đến ngày 27/11 cùng năm anh bị tuyên án 7 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoner-nguyen-van-hoa-no-longer-held-solitarily-and-penalized-in-jail-09162019093116.html

21% trẻ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam

bị suy dinh dưỡng

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 12/9 cho biết suy dinh dưỡng hiện vẫn là một thách thức về phát triển đối với Việt Nam, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.
Báo cáo cho biết có tới 21% trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam bị thiếu cân, cao hơn 2.5 lần so với trẻ thuộc dân tộc Kinh là dân tộc chiếm đa số ở Việt Nam.
Báo cáo có tên “suy dinh dưỡng kéo dài ở các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Các vấn đề và Lựa chọn/ chính sách và can thiệp”, cho thấy cứ 3 trẻ em thuộc dân tộc thiểu số thì có 1 em bị thấp nhỏ.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, ông Ousmane Dione được báo cáo trích lời cho biết thấp nhỏ sẽ tiếp tục ảnh hưởng cứ mỗi 1 trong số 4 trẻ em Việt Nam, mãi mãi ảnh hưởng đến sự phát triển của các em và đóng góp tiềm năng của các em vào kinh tế, trừ khi có những can thiệp thích hợp được thự chiện ngay từ 2 năm đầu đời. Ông Dione đặc biệt chú trọng nói tới các trẻ em dân tộc thiểu số vốn bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo World Bank, hơn 119.957 (60%) trẻ trong số 199.535 trẻ bị còi ở 10 tỉnh của Việt Nam là trẻ đến từ các nhóm dân tộc thiểu số.
Việt Nam hiện có 54 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 86% dân số. Việt Nam hiện có dân số 94 triệu người. 75% người dân tộc thiểu số sống ở các vùng miền núi phía bắc và miền trung.
Theo UNICEF, mặc dù Việt Nam đã có được những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện mức sống của người dân, nhưng việc giảm suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục là một thách thức. Có hơn 230.000 trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn bị suy dinh dưỡng nặng mỗi năm, và đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thấp còi và chết ở trẻ dưới 5 tuổi.
Năm 2016, WHO xếp Việt Nam vào một trong số 20 quốc gia có số trẻ còi nhiều nhất thế giới. Khoảng 25% trẻ em Việt Nam (tức 1,9 triệu em) có chiều cao thấp hơn 10 cam so với các bạn cùng lứa ở Châu Á.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/21-percent-of-ethnic-minority-children-in-vn-underweigth-09152019161316.html

Việt Nam cần ngày càng nhiều than để sản xuất điện

Thanh Phương
Việt Nam đang phải nhập thêm nhiều than cho các nhà máy nhiệt điện trước nguy cơ sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong những năm tới, vì nhu cầu về điện tăng nhanh hơn tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không thể một sớm một chiều từ bỏ hay hạn chế sử dụng than cho nhiệt điện.
Vấn đề là các nhà máy điện than phải sử dụng những công nghệ tiên tiến để hạn chế tác hại đến khí hậu, môi trường và sức khỏe của người dân. Đó là ý kiến của giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 13/08/2019.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu của năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 17,34 triệu tấn than đá, trị giá khoảng hơn 2 tỷ đôla, tăng gần 49 % về lượng và tăng khoảng hơn 71% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Cũng theo số liệu này, Úc, Trung Quốc và Indonesia là ba thị trường cung cấp than đá nhiều nhất cho Việt Nam. Nhưng nay, Việt Nam cũng đang xem xét khả năng nhập than từ thị trường Hoa Kỳ.
Theo tin từ báo chí trong nước, vào đầu tháng 8, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa thảo luận với Tập đoàn Xcoal (Mỹ) về khả năng nhập khẩu than trực tiếp từ Hoa Kỳ về Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội cũng muốn tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giúp thu hẹp thặng dư thương mại với nền kinh tế hàng đầu thế giới và như vậy tránh bị chính quyền Trump áp thuế lên hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thật ra, Việt Nam buộc phải tìm thêm nguồn cung cấp than đá để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Theo dự báo của bộ Công Thương, than đá sẽ chiếm khoảng 42,6% công suất nguồn điện của Việt Nam vào năm 2030, tăng so với mức 38,1% ở thời điểm hiện tại. Cũng theo dự báo của bộ Công Thương, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng vào năm 2021, vì tăng trưởng nhu cầu điện nhanh hơn tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới. Như vậy, Việt nam sẽ phải nhập khẩu 680 triệu tấn than để cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2016 – 2030.
Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, do đ ã bỏ dự án nhà máy hạt nhân, và cũng do không thể nhanh chóng phát triển các loại năng lượng tái tạo ( Mặt trời, gió… ), nên Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc gia tăng sử dụng than:
“ Trước đây, theo Quy hoạch điện 7, Việt Nam tính đủ các nguồn cung cho phát triển kinh tế cho đến năm 2020 và bây giờ tính tiếp Quy hoạch 8 cho đến năm 2030. Thế nhưng, trong quy hoạch đó thì trước đây có chủ trương hẳn hoi về làm điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân có công suất rất lớn. Cho nên nếu làm vài nhà máy hạt nhân trước năm 2030 theo như quy hoạch cũ, thì rõ ràng là ta sẽ không thiếu nguồn điện sử dụng, đến mức phải dùng than đá.
Nhưng bây giờ quy hoạch đó đã bỏ điện hạt nhân rồi, tức làm một mãng lớn không còn nữa, trong khi thủy điện của ta thì thực chất đã khai thác gần hết. Trong những năm gần đây có phát triển thêm thủy điện nhỏ, nhưng cũng không đáng kể. Nhưng dù sau thủy điện vẫn là nguồn phát điện chính ở Việt Nam hiện nay.
Một nguồn phát điện nữa là dầu và nhất là khí đốt, thì phụ thuộc vào việc khai thác dầu khí ở ngoài khơi, mà tình hình hiện nay, với sự quấy phá của Trung Quốc như thế, thì việc khai thác rất là bấp bênh, không thể được coi như là một nguồn chủ lực như đối với một số nước khác. Nhiều người cũng nói đến năng lượng tái tạo, nhưng cũng không dễ gì phát triển. Vậy thì còn cách gì khác ngoài sử dụng than?”
Vấn đề là tại hội nghị về khí hậu ở Paris năm 2015, chính phủ Việt Nam đã cam kết cắt giảm 8% lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính từ đây đến năm 2030, trong khi đó việc gia tăng sử dụng than đá cho nhà máy nhiệt điện sẽ kéo theo việc gia tăng lượng khí CO2 và khiến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn càng nặng nề.
Giáo sư Phạm Duy Hiển giải thích cụ thể hơn về tác hại của các nhà máy nhiệt điện đối với khí hậu và môi trường không khí:
“ Thứ nhất, đó là một nguồn phát ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tương đối nặng nề. Đấy là một nhược điểm lớn. Nhiều nước trên thế giới đang muốn từ bỏ điện than vì lý do đã cam kết giảm khí thải CO2.%
Tại hội nghị COP 21 ở Paris, Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% lượng khí phát thải CO2. Nếu như được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế hay các nước phát triển, thì Việt Nam sẽ phát triển các năng lượng tái tạo nhanh và do đó cam kết sẽ giảm đến 20%.
Đấy là những cam kết mà bây giờ rất khó thực hiện, bởi vì lúc đưa ra những cam kết thì ( trong quy hoạch ) còn điện hạt nhân. Nếu có điện hạt nhân thì cam kết như thế là tương đối dễ, bởi vì điện hạt nhân không phát ra CO2. Bây giờ là rất khó, vì bỏ điện than không phải là đơn giản.
Một lý do chính khác mà nhiều người phản đối và nay cũng đang gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất, đó là các nhà máy điện chạy than gây ra ô nhiễm môi trường khí, vì phát ra các bụi, các khí độc như SO2, Nox. Ngoài ra còn có nhiều tạp chất độc hại trong than phát ra ngoài như thủy ngân…
Cho nên, ô nhiễm môi trường do các nhà máy điện chạy than ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người ta phản đối điện than mạnh nhất là ở chổ đó. Như trường hợp của Trung Quốc chẳng hạn. Đúng là các nhà máy điện than của Trung Quốc đã gây ô nhiễm môi trường khí rất nặng nề tại rất nhiều vùng của nước này, thậm chí gần như toàn bộ, nhất là về mùa đông. Ở Việt Nam, kịch bản cũng gần giống như thế.
Có điều là có những phát biểu trên báo chí rằng điện than ở Việt Nam giết chết hàng năm 4.300 người. Các chuyên gia của EVN ( Tập đoàn Điện lực Việt Nam ), các chuyên gia về ngành điện, ngành năng lượng đã bức xúc phản đối ( phát biểu đó ). Với tư cách chuyên gia nghiên cứu môi trường từ nhiều năm nay, tôi thấy là không nên phát biểu như thế, vì nó không dựa trên một cơ sở khoa học nào, mặc dù có trích các chuyên gia của Havard nói chung cho cả vùng Đông Nam Á.”
Tuy nhiên, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, có thể giảm thiểu những tác hại đến khí hậu và môi trường bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến cho các nhà máy điện than:
“ Hiện nay, các công nghệ điện than đã phát triển rất mạnh để vừa nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện than, đồng thời giảm bớt các ô nhiễm đấy. Do đó, dùng điện than là phải dùng các công nghệ tương đối hiện đại để giải quyết cả hai bài toán, từ khí CO2, cho đến các khí gây ô nhiễm, cho đến nâng cao hiệu suất.
Hiện nay, ở Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy Vĩnh Tân 4, công suất 600 megawatt, lần đầu tiên sử dụng công nghệ tương đối là hiện đại, đó là công nghệ hơi nước siêu bảo hòa, nâng hiệu quả của sản xuất điện than, đồng thời giảm bớt các khí phát thải.
Ngoài ra, ta bắt buộc phải đầu tư vào các hệ thống làm giảm bớt bụi, hút bụi, làm sạch khí CO2, khí NOx. Làm như thế thì sẽ nâng giá thành đầu tư của nhà máy điện than lên cao, ví dụ từ mức trung bình là 1.000 đôla/kw công suất chạy điện than tốt, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, thì phải tăng thêm vài trăm đôla nữa. Nhưng như thế thì nó gặp vấn đề là giá thành điện năng, ảnh hưởng đến giá bán điện. Giá bán điện hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu này.”
Cái nan giải đối với chính phủ Việt Nam hiện nay chính là ở chổ đó. Muốn có thêm vốn đầu tư phát triển các công nghệ tiên tiến cho các nhà máy điện than thì phải tăng giá điện bán ra. Nhưng tăng giá điện thì dân chúng sẽ bất bình phản đối vì vật giá hiện đã quá cao rồi.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190909-viet-nam-can-ngay-cang-nhieu-than-de-san-xuat-dien

Báo công an CSVN

vu khống Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới

Tin Vietnam.- Sau khi tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải hạng mục “Ảnh Hưởng” cho nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang vào ngày 13 tháng 9 vừa qua tại Đức, báo công an nhân dân của nhà cầm quyền CSVN như “phát điên”, nên đã có bài viết chửi bới, thể hiện sự tức giận về kết quả giải thưởng vừa qua.
Theo đó, vào ngày 16 tháng 9 năm 2019, báo công an nhân dân đã loan tải bài viết với nội dung rằng, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới là tổ chức “hành ngôn bất nhất”, hành động không đúng tôn chỉ, mục đích. Tờ báo này cho rằng, tổ chức Phóng viên không biên giới đã xuyên tạc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về hành vi đàn áp, sách nhiễu nhiều blogger bằng các an ninh thường phục, và nhiều hành vi tàn ác khác. Báo Công an nhận định tài chính của tổ chức Phóng viên không biên giới có đến 90% là từ nguồn ngân sách quốc gia của Mỹ, và bộ Ngoại giao Mỹ, ngoài ra còn có nhà công nghiệp vũ khí của pháp là ông Serge Dassault. Vì có nguồn tài trợ, nên báo Công an cho rằng, các giải thưởng của tổ chức này là “mồi câu”, nhử các cá nhân có hành vi chống đối nhà cầm quyền.
Quay lại vấn đề nhà báo Phạm Đoan Trang được nhận giải thưởng trên, báo công an thừa nhận, Đoan Trang là nhà báo có năng lực học hành, viết lách sắc sảo, có tài năng, nhưng đã đi ngược lại với lợi ích của đảng cộng sản . Và việc kết nối với nhiều tổ chức, uỷ ban nhân quyền quốc tế để đối thoại của Phạm Đoan Trang đã khiến cho cộng đồng quốc tế gây sức ép với nhà cầm quyền CSVN trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, việc tổ chức Không biên giới trao giải thưởng cho nhà báo này đã khiến cho báo công an “lấy làm tiếc”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bao-cong-an-csvn-vu-khong-to-chuc-phong-vien-khong-bien-gioi/

Khởi công dự án đầu tiên

trong tuyến cao tốc Bắc – Nam

Ngày 16/9, lễ khởi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc –Nam đã được diễn ra tại tỉnh Quảng Trị.
Truyền thông Việt Nam loan tin cùng ngày cho biết, đây là tuyến cao tốc chạy qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng chiều dài gần 100 km và tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2021.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, tham dự lễ khởi công đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng với các nhà thầu phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thủ tướng cũng nhắc nhở các đơn vị thi công, giám sát, thiết kế không để xảy ra tình trạng thông đồng, buông lỏng quản lý… dẫn đến việc rút ruột, làm các công trình hư hỏng xuống cấp nhanh chóng sau khi thi công.
Bộ Giao thông Vận tải được giao tiếp tục hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án thành phần còn lại của tuyến cao tốc Bắc Nam, gồm 2 dự án đầu tư công đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT.
Được biết, nhà thầu tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn là liên danh công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 703, tổng công ty Thành An và liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần xây dựng dịch vụ và thương mại 68, công ty cổ phần đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.
Hiện Việt Nam có gần 1000 km đường cao tốc, dự kiến năm 2021 sẽ có thêm 900 km được xây dựng, trong giai đoạn 2021 – 2025 mục tiêu sẽ có thêm 2000 km cao tốc.
Dự án đường cao tốc Bắc Nam được xem là công trình quan trọng quốc gia đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2020 và đã được Quốc hội thông qua với 11 dự án thành phần. Ngoài 3 dự án đầu tư công, 8 dự án BOT trong giai đoạn đấu thầu quốc tế, sơ tuyển hồ sơ nhà đầu tư.
Cũng tin liên quan đến xây dựng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ chạy thử đường sắt Cát Linh –Hà Đông trước ngày 30/9.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm được thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/first-line-of-the-north-south-expressway-project-started-construction-09162019092323.html

Cựu viên chức CSVN cao cấp:

nhiều nhóm lợi ích gây nguy cơ lớn cho Việt Nam

Tin từ Hà Nội, ngày 16/9/2019: Theo Lê Quang Thưởng, cựu phó ban tổ chức trung ương của đảng cộng sản Việt Nam, thì nhiều nhóm lợi ích đang xuất hiện ở nhiều nơi.  Nếu không có các biện pháp kiên quyết thì đất nước có thể đứng trước nguy cơ khó lường.
Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Thưởng nói những vụ việc như vụ án Công ty nhà nước MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) là một điển hình của “nhóm lợi ích” liên kết với nhau để đục khoét ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó còn nhiều vụ sai phạm ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Đồng Nai và nhiều địa phương khác.
Ông Thưởng cho rằng thương vụ AVG là sự cấu kết giữa doanh nghiệp và nhiều viên chức cao cấp của chế độ. Và ngoài hai cựu bộ trưởng đã bị bắt thì vẫn có thể còn những viên chức cao cấp hơn chưa bị lôi ra ánh sáng.
Sự cấu kết và móc ngoặc giữa các doanh nghiệp với viên chức cao cấp hoặc giữa các viên chức cao cấp với nhau để thao túng quyền lực và trục lợi, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước. Tham nhũng xảy ra đặc biệt ở lĩnh vực cổ phần hóa hay mua bán tài sản công, nơi nhiều viên chức nhà nước cấu kết với doanh nghiệp sân sau để mua rẻ tài sản nhà nước hoặc bán đắt hàng hoá dịch vụ cho cơ quan nhà nước.
Ông cho rằng việc bao che trong đảng và thiếu giám sát làm sinh sôi tham nhũng.
Tuy nhiên, ông Thưởng không nói hoặc không dám nói rằng vì không có tam quyền phân lập, nên chế độ cộng sản Việt Nam không thể đối phó được với nạn tham nhũng mang tính hệ thống, cho dù có nhiều nỗ lực. Ngay như chiến dịch chống tham nhũng của tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã tống nhiều viên chức cao cấp vào tù, vẫn không thể triệt để và mang tính đấu đá bè cánh vì thiếu tự do báo chí và tư pháp độc lập.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cuu-vien-chuc-csvn-cao-cap-nhieu-nhom-loi-ich-gay-nguy-co-lon-cho-viet-nam/

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm

của Bộ Y tế trong vụ VN Pharma nhập thuốc giả

ANTD.VN – Qua thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong vụ VN Pharma nhập hơn 9.300 hộp thuốc chữa ung thư giả…
Chiều nay, 16-9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, khi phát hiện vi phạm liên quan đến hồ sơ hành chính liên quan đến việc nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg (thuốc chữa ung thư) của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đã kịp thời niêm phong lô thuốc không cho lưu hành thuốc ra thị trường.
Đồng thời, Cục Dược cũng kịp thời gửi văn bản đến cơ quan Công an đế điều tra, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền; thu hồi số đăng ký 07 thuốc, thu hồi giấy phép nhập khẩu 03 thuốc và thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty Helix. Các đơn vị được kiểm tra thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về đấu thầu mua thuốc, chưa thấy có biểu hiện ưu tiên để Công ty CP VN Pharama trúng thầu.
Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khấu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân”.
Theo đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 4 sai phạm, tồn tại lớn của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra những sai phạm liên quan đến cấp phép nhập khẩu thuốc của công ty Helix và việc trúng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của VN Pharma. Cụ thể:
Về việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 07 thuốc của Công ty Helix, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày là vi phạm khoản 1 Điều 32 Thông tư 22/2Q09/TT-BYT và QT.QLD.56; Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.
“Trách nhiệm này thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT- BYT cho phù hợp” – kết luận thanh tra nêu.
Về việc thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu đối với 03 thuốc của Công ty Helix, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu 03 thuốc chậm từ 28 đến 60 ngày là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Trách nhiệm về vi phạm này thuộc các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, tuy nhiên khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.
Thực tế trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 03 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).
“Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47/2010/TT-BYT nêu trên là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn từ ngàỵ 06/10/2013 và ngày 11/4/2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam” – kết luận Thanh tra nêu.
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh thêm: “Từ việc ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg. Trách nhiệm thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược”.
Về việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, chính việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ là một trong những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả.
Từ kết luận thanh tra trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra này.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý dược và Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra.
Đặc biệt, kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam ngày 11/4/2014 trong khi giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Công ty này đã hết hạn từ ngày 06/10/2013.
Thanh tra Chính phủ cũng chuyển Kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điếm, vi phạm nêu tại Kết luận này.
Đồng thời, chuyển Kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đế phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất.
https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-xu-ly-trach-nhiem-cua-bo-y-te-trong-vu-vn-pharma-nhap-thuoc-gia/825550.antd

Bà Đầm Xòe viết sách chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng

Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài!..” Blogger Bà Đầm Xòe, còn được biết với tên là nhà báo độc lập Phạm Thành ở Hà Nội, nói với VOA.
VOA vừa phỏng vấn Blogger Bà Đầm Xòe nhân dịp ông vừa xuất bản quyển sách Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo, một tác phẩm mà tác giả gọi là “ấn phẩm đầu tiên lên án nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam.”
Nhà báo Phạm Thành từng là Đảng viên, có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, và đồng thời là tác giả của sách Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ và tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa.
VOA: Thưa nhà báo Phạm Thành, trước hết xin ông cho biết nội dung quyển sách viết về Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?
BĐX: “Quyển sách này là một bằng chứng, một dữ liệu về những lời ăn tiếng nói, hành xử của ông Trọng, trong những chính sách đối nội và đối ngoại của ông ấy, đối với Trung Quốc cũng như đối với thế giới.
Quyển sách này là một bằng chứng, một dữ liệu về những lời ăn tiếng nói, hành xử của ông Trọng, trong những chính sách đối nội và đối ngoại của ông ấy, đối với Trung Quốc cũng như đối với thế giới.
Nhà báo Phạm Thành
“Tôi đã theo sát ông Trọng từ năm 2006 cho đến nay, từ khi tôi còn làm Ban thư ký Biên tập cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó đến nay, ông Trọng nói những gì, làm những gì trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tôi đều bám sát những chuyện đó và đưa ra những bình luận.
“Cuối cùng, tôi nhận ra rằng ông Trọng là người mà làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc muốn.”
XEM THÊM:
Chủ tịch Trung Quốc và Việt Nam chúc Tết nhau
VOA: Xin nhà báo chia sẻ mục đích của quyển sách này cũng như một vài điểm nhấn trong tác phẩm?
BĐX: ​Đây là quyển sách đầu tiên viết về ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó có 81 bài bình luận về lời nói và hành động của ông Trọng, từ khi ông làm Chủ tịch Quốc hội cho đến bây giờ là Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước.
“Mục đích là tôi muốn tác phẩm của tôi, như Hiến pháp đã quy định, phải được quyền in. Như vậy, tôi in cứ in, còn chính quyền muốn làm gì thì làm.
“Tôi tự tin rằng việc in ấn này là không có gì sai luật. Tôi cũng muốn nói cho những người khác rằng họ có sách thì cứ in. Nhà nước không in, thì tôi, dùng quyền của tôi theo điều 25 của Hiến pháo đã quy định, để in.
“Vào năm 2007, ông Trọng lúc bấy giờ đã trên cương vị Chủ tịch Quốc hội được Trung Quốc mời sang thăm. Ông ấy có một cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 10/4/2007 tuyên bố rằng ‘Quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ tốt như bây giờ’ trong khi vào tháng 01/2005 tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc đã bắn chế 9 ngư dân, bị thương 8 ngư dân, bắt về Trung Quốc 7 người khi các ngư dân Thanh Hóa đang đánh bắt ở Vịnh Bắc Bộ.
“Máu xương của những ngư dân này còn đang đỏ thẫm ở Biển Đông mà ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Chủ tịch Quốc hội lại phát biểu Quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ tốt như bây giờ.
Máu xương của những ngư dân này còn đang đỏ thẫm ở Biển Đông mà ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Chủ tịch Quốc hội lại phát biểu Quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ tốt như bây giờ.
Nhà báo Phạm Thành
Kể từ đó đến nay tôi luôn để ý đến ông Trọng, kể khi ông lên làm Tổng Bí thư, ông cầm chịch ký với Trung Quốc đến 27 văn kiện về hợp tác toàn diện với Trung Quốc.”
VOA: Trong quyển sách ông tập trung nhiều vào việc ông Trọng thực thi chính sách đối ngoại thân thiện với Trung Quốc cụ thể qua những phát biểu của ông ấy, ông có thể nói rõ thêm về chính sách này?
BĐX: “Ở trong nước người dân đều hiểu rất rõ việc làm của ông Trọng, nhưng có điều là người dân Việt Nam qua bao nhiêu năm bị cộng sản đè nén, tư duy độc lập không còn, tinh thần phản kháng không còn…, nên họ cứ để mặt để Đảng muốn làm gì thì cứ làm…
“Chính sách đối ngoại của ông Trọng là vẫn tiếp tục chống phương Tây, còn đối nội là lừa đảo, ru ngủ mọi người dân – tuy vẫn nói rằng Đảng lãnh đạo thế này thế kia nhưng trên thực tế là người dân đã biết tỏng hết rồi, nhưng tinh thần phản kháng thấp – nên họ không có những cuộc biểu tình như người Hong Kong, Đài Loan …”
BĐX: “Hiện nay có người nói rằng ông Trọng xoay trục, không theo gót Trung Quốc, nhưng tôi không bao giờ tin điều đó. Vì ông ấy là người do Trung Quốc dựng lên và trong tâm quốc của ông chỉ là 4 Tốt và 16 Chữ Vàng, cho nên bao nhiêu ngư dân chết, bao nhiêu lãnh thổ của Việt Nam bị mất, mà ông từ năm 2006 đến giờ chưa từng mở miệng ra nói một câu phê phán Trung Quốc xâm lược hay thương xót những ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc phá tàu thuyền.
“Trong khi đó ông luôn tìm mọi cơ hội để biện minh cho những hành động xâm lược của Trung Quốc.
“Ông còn nói Biển Đông không có gì mới; Nếu chúng ta đối đầu với Trung Quốc thì liệu hiện tại chúng ta có ngồi đây mà đại hội Đảng được hay không; Chúng ta không chọn được láng giềng….
“Đó là những lời của ông biện minh cho hành động xâm lược của Trung Quốc. Có thể nói mọi việc làm của ông là theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.”
VOA: Ông vừa đề cập tới chính sách Biển Đông của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng đâu là cốt lõi của vấn đề?
BĐX: “Tôi nghĩ kiểu gì thì ông Nguyễn Phú Trọng, hay Cộng sản Việt Nam cũng giao Bãi Tư Chính cho Trung Quốc và chấp nhận cho Trung Quốc lấy Biển Đông của Việt Nam làm chiến trường chống phương Tây, chống Mỹ; lấy người Việt Nam làm người lính để chống Mỹ và chống phương Tây. Đó là chiến lược của Trung Quốc. và ông Trọng đang giúp Trung Quốc thực hiện điều này.
“Vì người Trung Quốc muốn đẩy cuộc chiến của họ với Mỹ ra xa Trung Quốc cho nên họ tiếp tục chọn địa bàn Việt Nam, mà cụ thể là Biển Đông để đương đầu với Mỹ và phương Tây.
“Để làm được điều đó họ phải kiểm soát toàn diện lãnh thổ Việt Nam và con người Việt Nam.
“Những gì diễn ra ở Bãi Tư Chính đã hiện ra rất rõ rằng Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngầm giao Bãi Tư Chính cho Trung Quốc. Còn những việc như Tàu Quang Trung đi ra đấy thế này thế kia….là để lừa nhân dân… để cho thấy rằng ta vẫn kháng Trung Quốc, nhưng Trung Quốc quá mạnh nên ta phải thua. Đó là một chiêu lừa đảo thôi.”
Ông ấy nói thế này thế kia nhưng thực chất là kịch bản mà Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giao toàn bộ Biển Đông trong phần thuộc Việt Nam cho Trung Quốc để giúp Trung Quốc chống Mỹ và phương Tây ở Biển Đông.
Nhà báo Phạm Thành
“Ông ấy nói thế này thế kia nhưng thực chất là kịch bản mà Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giao toàn bộ Biển Đông trong phần thuộc Việt Nam cho Trung Quốc để giúp Trung Quốc chống Mỹ và phương Tây ở Biển Đông.”
XEM THÊM:
Căng thẳng Biển Đông: Trung Quốc muốn ‘bào mòn quyết tâm của Việt Nam’
VOA: Trên Facebook ông có so sánh quyển sách của ông với quyển sách “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”do Ban Tuyên giáo Trung ương, báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị phát hành. Ông có thể chia sẻ những điều thú vị về sự so sánh này và có thể cho biết công chúng đón nhận chúng ra sao?
BĐX: “Quyển sách của tôi nói về sự thật, vạch mặt sự bán dân hại nước của ông Trọng, và những điều tôi viết là hoàn toàn có cơ sở. Xét về mặt giá trị, sách của ông chỉ do những nhóm người tung hô ông viết cho ông thôi. Tôi viết chả để tung hô cho ai. Tôi viết về ông Trọng bằng nhận thức, quan sát của tôi.
“Tôi nghĩ rằng cách viết của tôi chuẩn mực hơn nhiều so với các tác giả viết về ông Nguyễn Phú Trọng qua cuốn sách … Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
“Trong một chừng nào đó, quyển sách của tôi được mọi người hào hứng chào đón trên Facebook. Tôi đăng hình cả sách của tôi và sách của ông Trọng thì họ ủng hộ sách của tôi thôi.
“Chỉ sau một ngày đăng trên Facebook thì đã có vài chục người đăng ký mua sách của tôi. Trong khi đó, sách của ông Trọng chưa chắc bán trên Facebook được nhiều như sách của tôi, mặc dù sách của ông Trọng hiện diện trên các kệ sách rất nhiều.”
VOA: Liệu rằng ông có bị sách nhiễu hay bị bắt sau khi xuất bản cuốn sách chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng?
BĐX: “Tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn an toàn. Họ không dám bắt tôi. Khi các an ninh gác tôi, công an Hà Nội hay Bộ Công an triệu tập tôi, tôi nói thẳng Có bắt tôi thì bắt đi!
“Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài! Tôi chiến đấu để chống lại sự độc tài của Cộng sản!”
VOA: VOA xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Thành.
https://www.voatiengviet.com/a/ba-dam-xoe-viet-sach-chi-trach-ong-nguyen-phu-trong/5085365.html

Đối tác chiến lược Mỹ-Việt sẽ có ý nghĩa như thế nào?

Thanh Phương
Theo dự kiến, vào tháng 10/2019, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông đang gia tăng.
Chuyến đi lần thứ hai của ông Trọng đến Washington sẽ diễn ra vào lúc đang có những thảo luận về khả năng hai nước nâng quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược. Nhưng đối tác chiến lược này sẽ có ý nghĩa như thế nào? Trên trang The Diplomat ngày 12/0/2019, chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương Prashanth Parameswaran đã có bài phân tích. RFI xin giới thiệu.
Trong vài tháng qua, trong số các cam kết cấp cao được lên kế hoạch, đã có nhiều thảo luận về khả năng chính thức nâng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam lên mức đối tác chiến lược trong tương lai. Mặc dù ý tưởng này không phải là mới mẻ gì, nhưng ý nghĩa của nó rất đáng quan tâm, cả về quan hệ song phương cũng như về tình hình khu vực và quốc tế.
Quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đã tiến rất xa so với thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Việc bình thường hóa từng bước quan hệ giữa hai nước đã diễn ra trong nhiệm kỳ cựu tổng thống Bill Clinton và tiếp tục với các chính quyền Dân Chủ và Cộng Hòa sau đó, nhưng đặc biệt đáng lưu ý là việc nâng mối quan hệ lên mức hợp tác toàn diện vào năm 2015 dưới thời tổng thống Barack Obama. Điều này phản ánh những nỗ lực của Washington trong việc mở rộng mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong mạng lưới đó, cùng với các đối tác toàn diện khác như Malaysia và Indonesia (sau này được nâng lên thành đối tác chiến lược); và nó cũng làm nổi rõ những cơ hội và thách thức mà Hà Nội phải cân nhắc khi gắn kết với Hoa Kỳ trong hệ thống quan hệ đối tác rộng lớn hơn.
Giữa những thách thức mới đầu tiên dưới thời chính quyền Trump cho đến nay, hai bên đã thảo luận về khả năng nâng quan hệ Mỹ-Việt lên mức đối tác chiến lược, trong bối cảnh có những chuyến đi cấp cao được dự trù, đáng chú ý nhất là chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sau chuyến đi đầu tiên của ông tới Washington năm 2015, chuyến đi đã là một sự phát triển lịch sử trong quan hệ Mỹ-Việt.
Indonesia đã trải qua một quá trình tương tự để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, sau đó được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng đối với Việt Nam, nó không phải là không có ý nghĩa. Với các di sản lịch sử trong quan hệ Mỹ-Việt và với những bất đồng dằng dai trong các lĩnh vực từ chế độ chính trị đến nhân quyền, việc nâng cao quan hệ như vậy sẽ củng cố sự “hội tụ chiến lược” ngày càng tăng giữa hai nước. Nó cũng có ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi quan hệ song phương, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương và trong bối cảnh tại Biển Đông, Trung Quốc có những hành động ngày càng mạnh mẽ để xác quyết chủ quyền và kiểm soát vùng này, và Hà Nội đang chịu áp lực ngày càng tăng.
Nhưng hai bên thảo luận về nâng mức quan hệ mà lại không có cùng những mối quan ngại. Một mặt, những bất đồng trong quan hệ Mỹ-Việt về thương mại hay về Bắc Triều Tiên trong vài năm qua đôi khi khiến cho mối quan hệ đó có vẻ kém toàn diện – chứ đừng nói đến chiến lược – hơn là yêu cầu của thực tế địa chính trị. Mặt khác, bối cảnh khu vực và quốc tế khiến người ta chú ý hơn đến những liên minh được thiết lập, nhưng lỏng lẻo, giữa các quốc gia với Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, ​​như chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, lần đầu tiên được phát họa trong bài phát biểu của tổng thống Trump tại thượng đỉnh APEC ở Việt Nam năm 2017, hay các cơ sở quốc phòng mới ( như của Trung Quốc ở Cam Bốt ).
Những yếu tố này quan trọng bởi vì chúng sẽ đóng vai trò trong sự tính toán của các nhà hoạch định chính sách về cái lợi và cái hại của việc “xoay trục” cũng như về thời điểm và thông điệp. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã trì hoãn một số bước tiến mới trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, bất chấp những lợi ích mà chúng ta đã thấy ngay cả khi Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới trong các mối quan hệ quan trọng khác như với Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản.
Những lo ngại này không có nghĩa là mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là không được mong muốn hoặc không thể thực hiện được. Thật vậy, bất chấp những thăng trầm của mối quan hệ song phương, các xu hướng chiến lược như ngày nay đang đẩy Washington và Hà Nội đi tới sự liên kết chặt chẽ hơn, cho dù sự liên kết này được gọi như thế nào.
Nhưng điều đó có nghĩa là cả Hoa Kỳ và Việt Nam cần đảm bảo rằng thực tế của mối quan hệ phù hợp với bất kỳ tên gọi nào họ chọn. Cuối cùng, sự liên kết dưới bất kỳ tên gọi nào chỉ có giá trị tùy theo
với cam kết mà cả hai bên sẵn sàng đầu tư vào để chuyển đổi sự “hội tụ” tiềm tàng thành hợp tác thực thụ, đã được chứng minh qua các liên minh và đối tác kém hiệu quả hoặc hiệu quả cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Quan hệ Mỹ-Việt không tránh khỏi những cân nhắc này, và nó sẽ được đánh giá không phải là bằng cách so sánh ngày nay với quá khứ, mà là ở chổ quan hệ đó có thể được và nên được như thế nào, bất chấp những khác biệt vẫn còn tồn tại giữa hai nước.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190916-doi-tac-chien-luoc-my-viet-se-co-y-nghia-nhu-the-nao

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.