Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 24/09/2019

Tuesday, September 24, 2019 5:50:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 24/09/2019

Washington – Delhi :

Trục chiến lược mới trước họa bá quyền Trung Quốc

Chủ Nhật, 22/09/2019, Narendra Modi và Donald Trump, tay trong tay đến đồng chủ trì một cuộc mít-tinh tại Houston, bang Texas, quy tụ hơn 50.000 người Mỹ, đa phần gốc Ấn Độ. Một cuộc tụ tập lớn như thế để chào mừng một lãnh đạo nước ngoài là hiện tượng hiếm có trên đất Mỹ.
Thế nhưng theo nhận xét của nhà báo Renaud Girard, trong mục Ý kiến báo Le Figaro (24/09/2019), sự kiện cho thấy rõ một thực tế địa chính trị mới : Sự trỗi dậy của một trục chiến lược giữa một nền dân chủ lớn nhất và một nền dân chủ lâu đời nhất của thế giới. Vậy « trục chiến lược mới Washington – Dehli » được hình thành để làm gì ? Ông Renaud Girard giải thích.
Trục liên minh mới giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ được hình thành theo hai giai đoạn. Bước đầu được đánh dấu bằng chuyến công du New Dehli của tổng thống Mỹ George W. Bush tháng 3/2006. Nhân chuyến đi này, Hoa Kỳ chấp nhận trao cho Ấn Độ đặc quyền mua công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ. Bước thứ hai là việc ký kết thỏa thuận Comcasa (Communications Compatibility and Security Agreement) tại New Dehli vào tháng 9/2018. Theo thỏa thuận này, Hoa Kỳ không những bán cho Ấn Độ các thiết bị quân sự Mỹ, mà còn trao đổi nhanh chóng và an toàn các dữ liệu quân sự nhậy cảm, như vị trí các chốt lính Trung Quốc dọc theo biên giới với Bhutan và Ấn Độ.
Mùa hè năm 2017, quân đội Ấn Độ gặp khó khăn trong việc theo dõi các hoạt động chuyển quân của các đạo quân Trung Quốc trong cuộc đối đầu giữa hai nước trên cao nguyên Doklam (mà Trung Quốc đang tìm cách xâm lấn, gây thiệt hại cho tiểu vương quốc Bhutan, đồng minh của Ấn Độ). Do vậy, các cuộc tập trận hải quân hàng năm Malabar cho phép hải quân Mỹ và Ấn Độ cùng nhau huấn luyện chống tầu ngầm Trung Quốc thâm nhập Ấn Độ Dương.
Trước mối họa bá quyền của Trung Quốc tại châu Á, Ấn Độ và Hoa Kỳ quyết định thành lập liên minh. Đôi bên cùng góp sức sao cho mối quan hệ đối tác chiến lược này được vận hành tốt. Cả hai dân tộc đều có cùng một ngôn ngữ chung là tiếng Anh và yêu chuộng dân chủ. Cộng đồng người Ấn tại Mỹ, tuy chỉ chiếm có 1% dân số, nhưng lại rất thành đạt và hội nhập rất tốt. Gương mặt điển hình nhất là cựu thống đốc bang South Carolina, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley (sinh ra tại Nimrata Randhawa). Một nhân vật rất nhiều người xem như là một ứng viên tốt nhất có thể cho đảng Cộng Hòa cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Về mặt chiến lược, Ấn Độ lo lắng Afghanistan có thể lại rơi vào tay phe Taliban. Họ thúc đẩy Hoa Kỳ không nên rời nước này quá sớm và liên kết với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngược lại, với Hoa Kỳ, Trung Quốc là một đối thủ, bởi vì nước này đang tìm cách « hất cẳng » Mỹ trong cuộc chiến tranh mạng và cuộc chiến không gian. Trung Quốc có một dự án thống trị công nghệ trên hành tinh, và vì thế mà Hoa Kỳ quyết định chặn lại bằng cách thành lập Bộ Chỉ Huy Không Gian và Mạng, hay tiến hành cuộc chiến chống Hoa Vi… Do vậy, Ấn Độ, vốn chưa bao giờ có hoạt động dọ thám nhắm vào ngành công nghiệp Mỹ, được xem như là một cường quốc bổ trợ và bằng hữu. Tin tưởng, thấu hiểu và hợp tác ngự trị giữa Silicon Valley và Bengalore.
Tuy nhiên, nhà báo Renaud Girard lưu ý thêm là không có chuyện Ấn Độ phục tùng Hoa Kỳ. Từ lâu, New Dehli có một quan điểm độc lập rất rõ ràng (tự phát triển nội lực răn đe). Ấn Độ trở thành đồng minh của Mỹ, nhưng không phải là chư hầu. Một bằng chứng là New Delhi quyết định chọn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp để hiện đại hóa không quân đất nước.
Cuối cùng, tác giả kết luận, Ấn Độ tuy chậm trễ về công nghệ và công nghiệp so với Trung Quốc, nhưng các định chế chính trị của nước này lại trội hơn Trung Quốc. Về mặt dân số, tương lai thuộc về Ấn Độ nhiều hơn là Trung Quốc. Và người Mỹ hiểu rõ rất điều này !
Sinh viên Trung Quốc : Đồng môn Hồng Kông là những đứa trẻ « hư hỏng »
Le Figaro tiếp tục dẫn độc giả đến Trung Quốc. Những cuộc biểu tình của sinh viên – học sinh Hồng Kông không được các đồng môn Bắc Kinh đồng tình, cho đấy là « những đứa trẻ được nuông chiều ».
Một đất nước hai chế độ nhưng cũng hai thế hệ trẻ. Bầu không khí tĩnh lặng có chủ định tại trường đại học Bắc Kinh tương phản với tình hình sôi sục, với các cuộc bãi khóa, tẩy chay trường học liên tục tại Hồng Kông.
Giọng điệu của các sinh viên Bắc Kinh đối với đồng môn Hồng Kông thật khắt khe, thể hiện đúng y như đường lối cứng rắn được truyền thông Trung Quốc loan tải. Họ có những phát biểu chẳng khác gì hình ảnh của một tờ Hoàn Cầu Thời Báo, lên án các cuộc biểu tình phản đối ở Hồng Kông là « một cuộc cách mạng mầu » do Washington và Luân Đôn giật dây.
Với nhiều sinh viên Bắc Kinh, biểu tình tại trường đại học là điều « không thể », vì họ được « hưởng nhiều quyền lợi từ hệ thống ». Do vậy các bạn ở Hồng Kông là « những đứa trẻ được nuông chiều, hư hỏng ». Cách sống của họ khác với sinh viên Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia xã hội chủ nghĩa nên học sinh – sinh viên được hưởng « một nền giáo dục khác ».
Vẫn theo những sinh viên mà Sebastien Falletti, thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh có dịp trao đổi, « sự khác biệt lớn chính là cách có được thông tin. Tại Hồng Kông, họ bị nhiễm quá nhiều nguồn tin xấu, do các hãng tin nước ngoài loan truyền và bêu xấu Trung Quốc. Trong khi đó, chúng tôi, chúng tôi đọc các nguồn tin Trung Quốc, cũng như là các nguồn tin nước ngoài. Do vậy chúng tôi được thông tin tốt hơn ! »
Những sinh viên này cho rằng « sàng lọc thông tin là tốt nhằm bảo vệ những người không được giáo dục. Hồng Kông là một ví dụ tốt về nguy cơ thao túng những đám đông không được thông tin chính xác ».
Cuối cùng, những sinh viên Bắc Kinh này khẳng định nếu Hồng Kông đòi độc lập, chính quyền trung ương sẽ gởi quân đội đến. Nguy cơ ở đây là Hoa Kỳ quá can thiệp. Với họ, cuộc đọ sức này chẳng khác gì như « trứng chọi đá » nên sẽ « sớm chấm dứt vì chính phủ của chúng tôi rất mạnh », một nữ sinh tuyên bố với Le Figaro.

Căng thẳng Trung Đông : Liên Hiệp Quốc bất lực

Cuộc họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu hôm nay, 24/09/2019, tại New York. Khủng hoảng nghiêm trọng giữa Iran, Mỹ và Ả Rập Xê Út chiếm lĩnh các cuộc tranh luận. Báo Les Echos ghi nhận : « Liên Hiệp Quốc bất lực trước cuộc leo thang căng thẳng ở Trung Đông ».
Một lần nữa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ mong muốn rằng những ngày sắp tới có thể « xúc tiến một cuộc đối thoại và mở ra một hướng đi cho các giải pháp chính trị ». Chỉ có điều các nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khi được thông qua thường chỉ mang tính biểu tượng. Bởi vì, việc cho phép dùng vũ lực trong một cuộc xung đột lại thuộc đặc quyền của Hội Đồng Bảo An nhóm họp 15 quốc gia nhưng chỉ có 5 nước thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh) là có quyền phủ quyết. Và trong những cuộc khủng hoảng lớn, Hội đồng hầu như bị tê liệt do có sự cạnh tranh lẫn nhau.
Sự sống của Liên Hiệp Quốc không chỉ diễn ra ở cuộc họp Đại Hội Đồng thường niên. Các cuộc họp và các cuộc gặp diễn ra bên lề cũng không kém phần quan trọng.

Yemen : Xung đột vẫn sẽ dai dẳng ?

Về cuộc xung đột tại Yemen, Libération có bài phỏng vấn ông Farea al – Muslimi, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sana’a về đề nghị hưu chiến và đối thoại của phe nổi dậy người Huthi với Ả Rập xê Út.
Đầu tiên hết, nhận định về đề nghị bất ngờ của người Huthi, ông Farea al – Muslimi lưu ý đây không phải là lần đầu tiên phe nổi dậy này tìm cách thu hút sự chú ý của Ả Rập Xê Út, lúc thì bằng đề nghị hòa bình, lúc thì bằng các cuộc tấn công. Đề nghị mới đây của phe Huthi cũng không có gì khác mấy bởi vì vấn đề chính với phe Huthi chính là ưu tiên chiến tranh, điều dẫn đến quyết định can thiệp của Ả Rập Xê Út, được tiến hành để chống lại người Yemen.
Họ sẵn sàng đi đến Riyad và thậm chí xa hơn nữa để nói chuyện với người Ả Rập Xê Út nhưng họ không chấp nhận ngưng hành động gây hấn chống lại người dân. Do vậy, theo vị chuyên gia này, « cho dù có một sự đồng thuận giữa người Huthi và Ả Rập Xê Út, vấn đề chính vẫn sẽ còn đó ».

Tin đọc nhanh

(AFP) – Hoa Kỳ và Nam Mỹ kích hoạt hiệp ước « hành động tập thể » đối phó với khủng hoảng Venezuela. 
Ngày 23/09/2019, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, các thành viên Hiệp ước Hỗ tương Liên Mỹ (TIAR) chấp thuận yêu cầu của Mỹ kích hoạt Hiệp ước với 16 phiếu thuận – một chống (Uruguay) và một vắng mặt (Trinidad và Tobago) – nhằm giúp các nước « xác định và trừng phạt những cá nhân hoặc thực thể của chế độ Maduro có liên quan trong các mạng lưới tội phạm ». Trong khi đó, tổng thống Maduro tuyên bố sẽ lên đường công du Nga tối 24/09 để thăm « người bạn, người đồng chí » Vladimir Putin, nhưng không cho biết thời gian lưu lại Matxcơva.
(AFP) – Hạ Viện Pháp thảo luận về dự luật sinh sản nhờ hỗ trợ y tế (PMA). 
Vào lúc 16 giờ 30 ngày 24/09/2019, ba bộ trưởng Y Tế, Tư Pháp và Nghiên Cứu lần lượt lên trình bày trước Hạ Viện Pháp, dự luật gồm 32 điều khoản. Được cho là một trong những biện pháp cải cách xã hội lớn trong nhiệm kỳ của tổng thống Macron, điều 1 của dự luật trên đề cập đến việc mở rộng phạm vi mang thai nhờ hỗ trợ y tế cho các cặp đồng tính nữ hoặc phụ nữ độc thân. Ngoài ra, còn có nhiều cải cách khác liên quan đến quan hệ huyết thống, quyền được truy tìm gốc tích đối với trẻ em được sinh ra từ phôi hiến tặng…
(AFP) – Facebook, Twitter, Google và nhiều tập đoàn công nghệ chống tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội. 
Trong thông cáo chung ngày 23/09/2019, các tập đoàn công nghệ trên cho biết cơ chế mới sẽ có một đội ngũ nhân viên độc lập, một giám đốc điều hành và nhiệm vụ là « phá vỡ những ý đồ ngày càng tinh xảo của mạng lưới khủng bố và những kẻ cực đoan bạo lực » trong môi trường kỹ thuật số. Các chính phủ Mỹ, Pháp, Anh, Canada, New Zealand, Nhật Bản, cũng như những chuyên gia của Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, sẽ đóng vai trò tư vấn.
(AFP) – Hàn Quốc xác nhận có ổ dịch heo thứ tư :
Sau khi tiêu hủy 15 ngàn con lợn bị bệnh dịch, Seoul thông báo phát hiện thêm một trại chăn nuôi, với 2300 con heo, bị nhiễm siêu vi. Ổ dịch thứ tư nằm gần biên giới Bắc Hàn. Bộ Nông Nghiệp Hàn Quốc một lần nữa thúc giục Bình Nhưỡng hợp tác, nhưng vẫn không được trả lời. Ổ dịch đầu tiên tại Bắc Triều Tiên được loan báo vào tháng 5. Đến tháng 9, Hàn Quốc phát hiện ổ thứ nhất.
(AFP - Business World) – Biển Đông : Trung Quốc tiếp tục làm mưa làm gió. 
Theo cơ quan Marine Traffic, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc và đoàn tàu hộ vệ lại rời vùng bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát, lui về đảo Chữ Thập, một tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông. Báo Hồng Kông South China Morning Post, trong bản tin ngày 23/09/2019, nhắc lại đây là hành động thường xuyên của Hải dương 8 trong các tuần lễ gần đây (lúc áp sát bãi Tư Chính, lúc lui về Chữ Thập, lấy nhiên liệu và lương thực). Cùng ngày, Manila lên án tuần duyên Trung Quốc chận đường ba tàu dân sự Philippines tiếp tế cho một đơn vị trấn đóng ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) mà Philiipines gọi là Ayungin.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.