Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 22/08/2019

Thursday, August 22, 2019 7:51:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 22/08/2019

Xử sơ thẩm lần 2 vụ ông Nguyễn Hữu Linh

sàm sỡ bé gái trong thang máy

Phiên xử sơ thẩm lần 2 vụ án ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, người sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào ngày 23/8.
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 22/8, phiên tòa lần này vẫn được xử kín và do thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Thảo – Phó Chánh án TAND quận 4 làm chủ tọa.
Ngày 22/5/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4 đã ký quyết định truy tố ông Nguyễn Hữu Linh với tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Tuy nhiên, trong phiên sơ thẩm xử kín diễn ra ngày 25/6, thẩm phán Nguyễn Hải Nam – Phó Chánh án TAND quận 4 đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành trưng cầu giám định lại camera được ghi trong thang máy để xác định lại hành vi của ông Linh, xem tay ông đã làm gì trong khoảng 21 giờ 10 phút 11 giây đến 21 giờ 10 phút 18 giây.
Ngày 11/7 phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh có kết quả giám định lại theo yêu cầu của tòa, xác định không đủ cơ sở kết luận bàn tay trái ông Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé trong khoảng thời gian camera ghi lại trong thang máy hay không.
Mặc dù vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4, TP.HCM cho biết vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Linh dựa vào những hành vi mà camera thu lại trước đó.
Đến ngày 25/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Quận 4 đã ban hành cáo trạng bổ sung, tiếp tục truy tố bị can Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo điều 146 bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam.
Trước đó, trên mạng lan truyền 1 đoạn video trích xuất từ camera an ninh trong thang máy chung cư Galaxy, phường 1, Quận 4 cho thấy một người đàn ông ôm hôn má, sờ đùi… một bé gái 9 tuổi vào tối ngày 1/4. Khi đến Công an quận 4 làm việc, ông này khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng.
Tuy nhiên đến ngày 3/4, người này đến Công an Quận 4 trình diện và khai nhận tên Nguyễn Hữu Linh, vào ngày 1/ 4 có đến căn hộ của con trai tại Chung cư Galaxy 9 để lưu trú và thừa nhận hành vi ôm hôn bé gái 3 lần trong thang máy, nhưng không cho rằng đó là hành vi dâm ô.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2nd-trial-of-first-instance-for-nguyen-huu-linh-case-08222019084036.html

Khởi tố, bắt giam cựu hiệu trưởng dâm ô

7 nam sinh ở Phú Thọ

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hôm 22/8 đã ra  quyết định khởi tố bổ sung, bắt giam cựu hiệu trưởng Đinh Bằng My ở Phú Thọ, để điều tra hành vi xâm hại tình dục 7 nam sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.
Ông Đinh Bằng My, 58 tuổi, cư trú tại đường Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, cựu hiệu trưởng Trường phổ thông Trung học Cơ sở dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, bị khởi tố về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Trước đó, Tòa án Nhân dân huyện Thanh Sơn đã trả hồ sơ vụ án này cho cơ quan chức năng để điều tra bổ sung và chuyển đến công an tỉnh Phú Thọ thụ lý.
Theo kết luận điều tra ban đầu, ông My trong thời gian từ cuối năm 2016 đến tháng 12/2018, khi làm hiệu trưởng đã nhiều lần gọi nam sinh các khối 7,8 và 9 lên phòng riêng với lý do hỏi thăm tình hình học tập, nhưng thật ra là để xâm hại tình dục.
Sau mỗi lần thực hiện hành vi đồi bại như vậy, ông My cho các nạn nhân bánh kẹo, hoặc tiền từ 20.000 đến 50.000 đồng. Trong số 7 học sinh bị ông Đinh Bằng My dâm ô, nạn nhân nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005.
Vào ngày 15/12/2018, Công an huyện Thanh Sơn đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My. Tuy nhiên, sau đó, ông My lại được cho tại ngoại tại địa phương cư trú.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/detained-former-principal-dinh-bang-my-08222019104708.html

Người đưa đón học sinh trường Gateway kêu cứu

 vì bị ép cung

Tin từ Hà Nội, ngày 22/8/2019: Theo hai luật sư Lê Trọng Minh và Nguyễn Thanh Sơn thuộc Văn phòng Luật sư Dragon (Hà Nội), bà Nguyễn Bích Quy, người phụ trách đưa đón học sinh cho trường tiểu học Gateway đã cầu cứu hai ông sau khi bị công an quận Cầu Giấy ép cung trong vụ học sinh lớp 1 L. bị tử vong ngày 07/8.
Theo công bố của hai ông trên Facebook, công an đã triệu tập bà Quy lên tra vấn về sự việc xảy ra ngày 07/8. Trong quá trình hỏi cung, điều tra viên lại cố tình ghi không đúng nội dung bà Quy khai. Họ còn ghi rất nhiều nội dung khác, đặc biệt là ghi nội dung bà Quy nhận trách nhiệm do không chú ý dẫn đến để quên cháu bé trên xe làm cho cháu bé chết. Mặc dù bà không đồng ý với việc ghi nội dung sai sự thật, bà vẫn bị điều tra viên buộc phải ký vào biên bản làm việc. Do bị tra hỏi từ 15 giờ đến 21 giờ 30 và bị doạ bị nhốt, bà Quy đã phải ký.
Hai luật sư nói rằng có dấu hiệu công an Cầu Giấy mớm cung, ép cung.
Vụ cháu L. bị chết một cách đầy uẩn khúc. Trường Gateway đưa ra giải thích rằng cháu bị chết vì bị bỏ quên trên xe từ sáng sớm đến 16 giờ. Tuy nhiên, bà Quy khẳng định với luật sự rằng bà đã đón 13 học sinh và giao đủ cho trường vào sáng sớm, kể cả cháu L. Trường có lắp nhiều camera nhưng không có dữ liệu, và trường giải thích hệ thống camera bị hỏng. Ngoài ra cháu có nhiều vết thương trên người, áo bị thay, có vết máu ở giày…
Có một số nguồn tin đưa tin lái xe Phiến đã bị chết nhưng công an Cầu Giấy phủ nhận thông tin này. Báo Công an Thủ đô đưa tin ông Phiến còn sống, tuy nhiên, lại sử dụng hình ảnh anh trai của ông Phiến trong bản tin.
Theo Facebooker Nguyễn Lân Thắng, hiện hai bố mẹ của cháu L. đang bị quản thúc bởi công an tại nhà riêng ở Hà Nội.
Vụ án trở nên phức tạp với nhiều giả thiết về cái chết của cháu trong khi công an không công bố nguyên nhân cũng như kết quả điều tra. Hai trong số 4 người chủ sở hữu của Gateway là con gái của
thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc và trung tướng Trần Văn Vệ, chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an.
Một số Facebooker cho rằng vụ án liên quan đến thủ tướng Phúc trước đại hội 13 của đảng cộng sản cầm quyền vào năm 2021. Ông Phúc là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ tổng bí thư.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nguoi-dua-don-hoc-sinh-truong-gateway-keu-cuu-vi-bi-ep-cung/

Vì đâu thị trường giáo dục VN bị cho là ‘bát nháo’?

Nhà giáo Lã Minh LuậnGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Nếu chúng ta đánh cụm từ này vào thanh công cụ tìm kiếm của Internet, ta sẽ thấy choáng ngợp với từ “bát nháo” mà giới báo chí dành cho giáo dục trong suốt mấy năm qua.
Nào là “Bát nháo liên kết đào tạo sư phạm…”, nào là “Bát nháo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học…”, nào là “Bát nháo thị trường cấp chứng chỉ xếp hạng giáo viên…”, nào là “Bát nháo Trung tâm ngoại ngữ…”, nào là “Bát nháo việc đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề giáo viên…”, nào là “Bát nháo cấp chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, giáo viên phải nhịn ăn, nộp 20 triệu… mua…”, nào là “Bát nháo thị trường đồ dùng học tập…”, nào là “Đào tạo tại chức bát nháo…”, nào là “Bát nháo đường vào đại học và hệ luỵ…”, nào là “Bát nháo thị trường tham nhũng thi cử…”
Còn nhiều lắm những “bát nháo” trong thị trường giáo dục Việt Nam kể sao cho xiết.
Gần đây nhất đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) lại tiếp tục giật tít “Bát nháo trường quốc tế, trách nhiệm thuộc về ai? (ngày 13/8/2019), sau cái chết đầy tức tưởi của một cháu bé 6 tuổi tại trường “quốc tế” Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội), gây ra nhiều đồn đoán, nhiều phẫn nộ đối với công luận.
Vụ Gateway: Thực hư tài xế tử vong, trường bỏ mác ‘quốc tế’?
Vụ bé trai trường Gateway tử vong gây choáng dư luận VN
Mạng xã hội VN nóng lên với vụ nâng điểm ở Hòa Bình
Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’
Vậy, qua cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV với ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục & Đào tạo), thì “thị trường trường quốc tế…” bát nháo ở chỗ nào?
Đó có phải là thị trường bát nháo hay đằng sau nó còn là cả một “thế giới khác” mà dân thường chưa bao giờ được biết đến?Nhà giáo Lã Minh Luận
Nó bát nháo ở chỗ là thị trường này đã diễn ra từ rất lâu, nó mọc lên như nấm sau mưa trên đất Hà thành từ hơn một thập kỉ nay, nó gặm nhấm dần dần, từ bán chính thức, của cái bề ngoài khá bắt mắt về cơ sở vật chất của các trường cho đến kế quảng cáo, đồn thổi… cho đến khi lộ nguyên hình và rầm rộ công khai gắn mác “quốc tế” – một thị trường sôi động, tưng bừng là thế mà lạ thay.
Tất cả các nhà quản lí giáo dục, các nhà chức trách có liên quan không ai biết, mặc dù Luật Giáo dục từ năm 2005 cho đến nay (đã sửa đổi) hay kể cả một Thông tư dưới luật nào cũng chưa khi nào cho phép mô hình “quốc tế” này ra đời, phải mãi cho đến khi xảy ra vụ scandal ở “quốc tế” Gateways mới được Bộ GD & ĐT, Bộ Nội vụ “vào cuộc rà soát (nếu có) thì xử lí,” vẫn theo ông Phạm Quang Hưng.
Vậy, sự vào cuộc quá muộn mằn của các cơ quan hữu trách này liệu có tìm ra được manh mối nào để xử lí không?
Trang Laodong.vn số ra ngày 20/8/2019, nói “Trường học âm thầm xoá danh “quốc tế”: Chủ động lừa dối phụ huynh”, thì chắc chắn là không thể có kết quả nào.
Vì “án tại hồ sơ”, “trọng chứng không trọng cung”… thị trường trường “quốc tế” đồng loạt “điện tín” cho nhau gỡ tiệt, xoá sạch dấu vết hiện trường trên các website, biển hiệu… thì còn cái gì để xử lí?
Đó có phải là thị trường bát nháo hay đằng sau nó còn là cả một “thế giới khác” mà dân thường chưa bao giờ được biết đến?
Chủ động lừa dối?
‘Không nên tăng gánh nặng trên vai học sinh’
Học chữ Hán? Một cuộc tranh luận thú vị
Chuyên đề về giáo dục trên BBC News Tiếng Việt
Tiến sĩ Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nói về vấn đề này:
“Có thể thấy các trường này cố tình tạo ra danh tiếng ảo để thu hút học sinh, chủ động lừa dối phụ huynh học sinh bằng các giá trị ảo đến từ hai chữ “quốc tế”.
Qua vụ việc này, rõ ràng công tác quản lí giáo dục của chúng ta có quá nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, nó vẫn mang mẫu số chung với “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” là kinh doanh – trọng lợi nhuận hơn là mục tiêu giáo dụcNhà giáo Lã Minh Luận
Việc một số trường ngang nhiên treo biển “quốc tế” mà vẫn được các cơ quan quản lí giáo dục như các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục hay phía Bộ Giáo dục… đều bỏ qua, trước khi có vụ việc ầm ĩ được báo giới phanh phui”
Như vậy, có phải nền kinh tế thị trường (xã hội chủ nghĩa) được bung ra thì giáo dục cũng có thị trường của riêng nó?
Tuy nhiên, nó vẫn mang mẫu số chung với “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” là kinh doanh – trọng lợi nhuận hơn là mục tiêu giáo dục.
Thế nó mới trở nên bát nháo, chẳng có luật lệ nào cả, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm ở đây hết.
Niềm tin của xã hội về một nền giáo dục được thay đổi vẫn luôn bị nhóm lợi ích vét cạn.
Vậy nên khát vọng của bao người muốn cho con em mình được học dưới mái trường khai phóng vẫn trở nên xa xỉ.
Và biết đến bao giờ giáo dục Việt Nam mới thực sự là nền tảng phát triển của xã hội đây?
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn và viết văn tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49434077

Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam:

Một Phú Quốc “bình cũ rượu mới”?

Báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị
Truyền thông trong nước, vào ngày 21 tháng 8 dẫn thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến đề nghị của tỉnh Kiên Giang đối với việc thành lập thành phố Phú Quốc và huyện đảo Thổ Châu.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ Nội vụ hướng dẫn Kiên Giang làm báo cáo để xin ý kiến của Bộ Chính trị trong Quý III năm 2019.
Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam có diện tích xấp xỉ 600 km2, nằm ở Vịnh Thái Lan là đơn vị hành chính cấp huyện loại 1, trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Sau một thập niên phát triển theo Quyết định số 633 quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hồi tháng 5 năm 2010, Chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị Trung ương cho tạm dừng quy hoạch huyện đảo Phú Quốc theo hướng trở thành đặc khu kinh tế (gọi tắt là “đặc khu”), với lý do Quốc hội chưa thông qua Luật đặc khu, cũng như địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và hội đồng thẩm định…
Đề nghị tạm dừng phát triển Phú Quốc theo hướng đặc khu vừa được Bộ Xây dựng thông báo tán thành hồi trung tuần tháng 8 và nếu đề xuất thành lập thành phố Phú Quốc được thông qua, tỉnh Kiên Giang tin rằng Phú Quốc sẽ trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam tạo được sức hấp dẫn thu hút đầu tư và du lịch, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Phát triển của Liên Hiệp Quốc vào tối ngày 21 tháng 8 lên tiếng với RFA liên quan đề xuất mới cho Phú Quốc của Kiên Giang:
“Tôi thấy là Phú Quốc có tiềm năng rất lớn và có một vị thế rất đẹp. Vấn đề bây giờ là phải tạo điều kiện để cho Phú Quốc phát triển. Tôi nghĩ với những hướng dẫn và theo những quy hoạch đã có hiên nay thì có đủ điều kiện để phát triển được rồi. Và bây giờ với việc cho thêm quyền chủ động của chính quyền địa phương thì tôi rất hy vọng Phú Quốc sẽ thu hút được đầu tư và trở thành một hòn đảo ngọc, trở thành một thành phố đảo để thu hút du lịch và phát triển một cách rất là mạnh mẽ. Đấy là điều tôi mong muốn cho Phú Quốc và cũng là mong muốn cho đất nước.”
Tôi thấy là Phú Quốc có tiềm năng rất lớn và có một vị thế rất đẹp. Vấn đề bây giờ là phải tạo điều kiện để cho Phú Quốc phát triển. Tôi nghĩ với những hướng dẫn và theo những quy hoạch đã có hiên nay thì có đủ điều kiện để phát triển được rồi. Và bây giờ với việc cho thêm quyền chủ động của chính quyền địa phương thì tôi rất hy vọng Phú Quốc sẽ thu hút được đầu tư và trở thành một hòn đảo ngọc, trở thành một thành phố đảo để thu hút du lịch và phát triển một cách rất là mạnh mẽ. Đấy là điều tôi mong muốn cho Phú Quốc và cũng là mong muốn cho đất nước
-TS. Lê Đăng Doanh
Ngay sau khi truyền thông quốc nội loan tin đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu được Trung ương tán thành, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng cho RFA biết tỉnh Kiên Giang sẽ theo bước của tỉnh Quảng Ninh là sẽ chuyển sang phát triển huyện đảo Phú Quốc theo “cơ chế đặc thù”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng giải thích:
“‘Cơ chế đặc thù’ ở đây thực ra chỉ đơn thuần là vấn đề về vốn thôi, thì được xin nhiều hơn. Ví dụ như những tỉnh, thành loại 1 mà có ‘cơ chế đặc thù’ được cấp Trung ương cho phép thì sẽ được Trung ương cấp vốn nhiều hơn, được để lại ngân sách thu nhiều hơn mà không phải trích về cho Trung ương và được quyền sử dụng đồng vốn đó vào một số chương trình quan trọng của khu vực đó, của địa phương đó mà không cần phải quá phụ thuộc vào ý kiến của các bộ, ngành, chuyên ngành kinh tế-kỹ thuật. Đó chính là ‘cơ chế đặc thù’ mà một số nơi hiện nay như Quảng Ninh, Kiên Giang hay Khánh Hòa đang xin.”
Đài RFA ghi nhận không ít thắc mắc của dư luận rằng phải chăng đề xuất mới của tỉnh Kiên Giang với sự kết hợp giữa nguồn vốn theo cơ chế đặc thù” và sự chủ động, linh hoạt trong quản lý của chính quyền địa phương thì Phú Quốc sẽ có thể nhanh chóng ghi dấu trở thành thành phố biển đảo của Việt Nam?
Phú Quốc cần một quy hoạch mới
Đảo Phú Quốc phát triển, với giấc mơ “Singapore” thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, sau một thập niên được truyền thông lẫn dư luận kêu gào Chính phủ Việt Nam từ địa phương đến Trung ương, cần quan tâm chấn chỉnh kẻo không thể nào còn cứu vãn được.
Mặc dù không thể phủ nhận những kết quả đầy khả quan mà “Đảo ngọc Phú Quốc” đạt được nhờ du lịch, đóng góp đến 65% tổng doanh thu. Tuy nhiên, qua hình ảnh mới nhất của hòn đảo giữa biển khơi-Phú Quốc bị ngập chìm trong nước sau 3 ngày mưa do ảnh hưởng bão hồi đầu tháng 8, đã khiến không ít người phẫn nộ vì cho rằng đó là “hậu quả nhãn tiền” của một sự phát triển hỗn loạn mà không biết quy trách nhiệm về cho ai. Ông Duyệt, một cư dân ở Phú Quốc chia sẻ ghi nhận của ông với Đài Á Châu Tự Do:
“Hiện nay tỉnh cũng không làm được gì cho huyện hết. Trong khi đó số lượng thu ngân từ thuế của huyện là rất lớn, nhưng đáp ứng lại cho các công trình phúc lợi thì không đạt theo sự phát triển của Phú Quốc, như đường xá, cầu cống nghẹt hết. Chỉ những công trình lớn thôi, còn những công trình nhỏ thì không làm như hệ thống thoát nước, trước mắt nhìn thấy hậu quả rồi đó.”
Là một người sinh trưởng ở Phú Quốc, hơn ai hết, ông Duyệt rất yêu quý nơi chôn nhau cắt rốn “Đảo ngọc” của mình. Ông Duyệt tâm tình rằng ông và rất nhiều bà con cư dân ở huyện đảo Phú Quốc luôn sống trong một tâm trạng buồn vui lẫn lộn khi hằng ngày tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” với tốc độ thần tốc suốt một thập niên qua. Ông Duyệt bày tỏ:
Nếu theo cơ chế điều hành là quản lý theo kiểu không có giám sát, không có phản biện, cho dẫu thuê nước ngoài làm quy hoạch…mà theo hình thức quy hoạch, xây dựng, quản lý, kiểm soát cũng giống như những gì đang diễn ra hiện nay thì bình cũ rượu mới thôi
-Cư dân Phú Quốc
“Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Nói tóm lại là không quản lý chặt chẽ. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên. Mạnh ai nấy phá, đốt rừng, chiếm đất cho nên từ chỗ đó cũng thấy buồn. Rồi tệ nạn xã hội ở Phú Quốc nhiều lắm, cũng buồn lắm…Do những người quản lý yếu kém.”
Những người dân sinh sống ở huyện đảo Phú Quốc mà Đài RFA tiếp xúc hầu hết đều lấy làm hân hoan trước thông tin Phú Quốc đang được Chính quyền tỉnh Kiên Giang và Trung ương đặc biệt quan tâm trong việc điều chỉnh quy hoạch cho thích hợp. Đặc biệt sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được “bê tông hóa” Phú Quốc, khi ông tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kiên Giang, diễn ra vào ngày 29 tháng 7 ở thành phố Rạch Giá.
Thế nhưng, chúng tôi cũng ghi nhận không ít người cảm thấy bi quan cho viễn cảnh của Phú Quốc, như nhận định của một kỹ sư xây dựng gắn bó suốt chiều dài phát triển của đảo ngọc này cho rằng dù phát triển theo hướng đặc khu hay thành phố mà “Nếu theo cơ chế điều hành là quản lý theo kiểu không có giám sát, không có phản biện, cho dẫu thuê nước ngoài làm quy hoạch…mà theo hình thức quy hoạch, xây dựng, quản lý, kiểm soát cũng giống như những gì đang diễn ra hiện nay thì bình cũ rượu mới thôi.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/phu-quoc-proposes-to-be-first-sea-city-island-in-vn-08212019145032.html

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua công nghệ thông tin?

Theo khảo sát của Cable, một nhà cung cấp băng thông rộng, truyền hình, điện thoại và điện thoại di động của Anh Quốc, tốc độ Internet ở Việt Nam được xếp hạng 89 trong số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đánh giá này, Việt Nam cũng vượt mặt được một số nước láng giềng trong khu vực, nhưng lại thua Singapore rất nhiều lần.
Cơ sở hạ tầng chưa ổn định
Bảng xếp hạng dựa trên dữ liệu được thu thập trong 12 tháng kể từ tháng 5 năm ngoái, phân tích hơn 267 triệu bài kiểm tra tốc độ trên toàn thế giới.
Với tốc độ tải xuống 7,02 megabyte mỗi giây, xếp hạng tốc độ internet của Việt Nam giảm 14 bậc so với năm ngoái. Tốc độ băng thông rộng trung bình của Việt Nam được ghi nhận là chậm hơn 10 lần so với Singapore ở mức 70,86 Mb / giây, thấp hơn ba lần so với Malaysia (23,86 Mb / giây) và chậm hơn hai lần so với Thái Lan (18,21 Mb / giây).
Tuy nhiên theo khảo sát, tốc độ internet tại Việt Nam nhanh hơn Indonesia, Philippines, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào và Timor Leste.
Trao đổi với RFA hôm 21/8/2019, Anh Đ.X.B, một kỹ sư Công nghệ Thông tin từng làm việc chuyên ngành lập trình và phát triển web tại nhiều công ty ở Việt Nam, hiện đang làm việc tại Nhật Bản, nhận định:
“Tốc độ internet nếu đánh giá chung toàn Việt Nam thì thấp, nhưng tại thành phố lớn như Sài Gòn, thì Viettel có triển khai mạng 4G khá là nhanh, không nhanh bằng Nhật nhưng cũng khá nhanh.”
Đúng như lời kỹ sư Công nghệ Thông tin Đ.X.B cho biết, internet ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam rất chậm. Một người dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho RFA biết về tốc độ internet mà anh đang dùng tại nhà:
“Khi mình dùng internet nói chuyện online thì chậm lắm, nó biểu hiện bằng cái hình cứ quay vòng vòng… Phải tắt đi, khởi động lại thì bây giờ mới nói được. Mình thấy vậy chứ cũng không biết tốc độ bao nhiêu.”
Cũng theo khảo sát của công ty Cable, để tải xuống một bộ phim có chất lượng HD, với kích thước 5 GB, sẽ chỉ mất chín phút nếu thao tác ở Singapore, trong khi đó , cũng với thao tác này sẽ mất hơn một tiếng rưỡi tại Việt Nam.
Anh Logan Trần, người có kinh nghiệm làm việc với môi trường internet, khi trả lời RFA hôm 21/8, cho biết: “Nếu so sánh về tốc độ internet giữa VN và các nước tôi được trải nghiệm như Thái Lan, Malaysia và bây giờ là hiện đang ở Nhật Bản, thì thấy tốc độ internet của VN chậm hơn hẳn, tốc độ download và upload chậm hơn hẳn.Và băng thông ở nước ngòai không bị gián đoạn. Còn băng thông trong nước thường trong một năm có những đợt bóp nghẹt đường truyền, không biết do chủ ý hay sự cố, bóp nghẽn internet rất nhiều lần.”
Theo Anh Logan Trần, nếu đường truyền bị bóp nghẹt thì có thể sẽ hạn chế truy cập internet, làm tốc độ download, upload chậm đi và người sử dụng rất khó truy cập được Facebook, YouTube…
Từ Sydney, Úc, chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, giải thích thêm về vấn đề này:
“Thông thường họ bóp nghẹt băng thông ở chiều ra nước ngoài, chứ họ không bóp nghẹt băng thông trong chính Việt Nam, tại vì tất cả những thứ bên trong Việt Nam đều đã bị kiểm soát. Những gì có vẻ đối lập hay va chạm với chế độ hay chính quyền thì họ dập tắt liền chứ họ đâu có để tồn tại đâu mà cần phải bóp băng thông bên trong.”
Theo Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, nếu cơ sở hạ tầng dựa trên băng thông mà tệ như vậy thì làm sao Chính quyền VN có thể nghĩ đến việc phát triển công nghệ thông tin. Bởi lẽ, chỉ điều đó thôi sẽ khiến mọi thao tác trên internet bị trì trệ, không chỉ đối với các cơ sở dịch vụ mà người dùng cũng sẽ cảm thấy rất khó chịu, không tiện dụng.
Tham vọng hay khát vọng?
Thực tế là như vậy nhưng tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vào tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại tuyên bố “Chúng ta cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số” và ông kết luận phải đưa Việt Nam thành cường quốc về công nghệ thông tin (?!)
Không những thế, tại Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng còn khẳng định ‘Việt Nam có thể thành cường quốc an ninh mạng’.
Ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng nhờ có nguồn nhân lực an ninh mạng mà theo ông là loại tốt trên thế giới, cộng với khát vọng dân tộc hùng cường và một giấc mơ lớn.
Những điều ông Hùng và ông Phúc nói có đủ để đưa Việt Nam thành cường quốc công nghệ thông tin? Liên quan vấn đề này, Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, nhận định:
“Vài lần mình đã khẳng định cơ sở hạ tầng của Việt Nam không đủ để thực hiện những tham vọng mà những ông viên chức tuyên truyền, quảng bá. Ví dụ như một người dùng Facebook bình thường thôi, thì cái media truy cập trên nền tảng mạng xã hội ngày càng phong phú, nào là video, nào là hình ảnh… Để làm cái chuyện mạng xã hội như Việt Nam dạo này hay khuếch trương, thì không thể nào thực hiện được, vì những thứ trên mạng xã hội không thực hiện được vì không đủ băng thông rộng trên internet thì người ta chán lắm, sao sử dụng được. ”
Theo kỹ sư Công nghệ Thông tin Đ.X.B, nền tảng 4.0 thì VN chưa đạt, riêng về chính phủ điện tử thì chưa triển khai mạnh, chỉ có ở những thành phố lớn, còn sự đại chúng thì không có. Ông nêu ví dụ ở Nhật, muốn tra cứu gì trên mạng đều công khai nên người dân rất dễ sử dụng. Còn VN, theo ông, chính phủ cần khắc phục nhiều điều. Ông nói tiếp:
“Thật ra internet không là nguyên nhân chính, mà chủ yếu do sự triển khai của họ, chứ internet ở Việt Nam đủ để làm những thứ cơ bản nhất cho người dân.”
Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho biết, nếu mà đề nghị thành thật thì ông nghĩ quan chức nên bớt tham nhũng, để ngân sách cho các việc ích lợi hơn như đầu tư cho công nghệ thông tin chẳng hạn. Ông nói tiếp:
“Chẳng hạn nếu có tham vọng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh mẽ về công nghệ thông tin, thì phải đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng, phải đầu tư đúng mức cho chất xám. Phải có những chính sách và chiến lược lâu dài để nó thành hiện thực. Họ nên bớt những trò tuyên truyền vô ích, đó là những trò màu mè chỉ để sơn phết cho chế độ chứ chẳng làm được gì hết.”
Theo khảo sát của Cable, có khoảng hơn 64 triệu người ở Việt Nam, tương đương hơn một nửa dân số của quốc gia, có sử dụng internet.
Việt Nam hiện có sáu hệ thống cáp ngầm dưới biển, cộng với kênh 120 Gigabit chạy trên đất liền qua Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-internet-speed-10-times-slower-than-singapore-08212019135228.html

Bộ Chính trị yêu cầu kiểm tra an ninh

đối với các dự án đầu tư nước ngoài

Bộ Chính trị Đảng cộng sãn Việt Nam yêu cầu tiến hành rà soát an ninh đối với toàn bộ dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 22/8 cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, Tổng Bí thư Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về việc định hướng thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo nghị quyết nhận định hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động và có đóng góp trong việc tăng thu ngân sách, ổn định kinh tế. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới.
Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài không theo kịp yêu cầu phát triển xã hội, còn quá nhiều ưu đãi dàn trải, không ổn định, cơ chế và năng lực xử lý hiệu quả không cao. Nhiều dự án quy mô nhỏ phân bố không đồng đều và tỷ trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt là các vấn đề chuyển giá, đầu tư “chui” hoặc núp bóng ngày càng gia tăng, nhiều doanh nghiệp sử dụng đất đai và tài nguyên sai mục đích, vi phạm chính sách dành cho người lao động, tiền lương… dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện cả trong và ngoài nước.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư nước ngoài còn thiếu chủ động sáng tạo, việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc.
Do đó, cần xây dựng tiêu chí về đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bộ Chính trị yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong suốt quá trình đầu tư, các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư cần phải đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đặc biệt không xem xét mở rộng gia hạn hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/politburo-requires-security-check-for-foreign-investment-projects-08222019110317.html

Ngày 22/8 và lời khẩn cầu

của người Thượng VN tị nạn ở Thái Lan

Hàng trăm người Thượng từ các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam đang lánh nạn ở Thái Lan phải đối mặt với nhiều khó khăn, cuộc sống tạm bợ và có thể bị bắt, trục xuất về nước bất cứ lúc nào.
Từ quận Bang Yai, tỉnh Nonthaburi, các tín đồ Tin Lành người Thượng nói với VOA rằng số lượng người Thượng tị nạn ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát tìm cách lánh nạn từ những nguyên do mà theo họ là bị trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất đai, và bắt giữ tùy tiện.
Lưu vong khắc khổ
Ông Kpa Hùng, quê Gia Lai vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế tị nạn, nói rằng cuộc sống chui rủi ở Bang Yai rất gian nan, thiếu thốn:
“Những người trong chúng tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do lập hội hiện đang ở Thái Lan gặp hoàn cảnh rất khó khăn.
“Chúng tôi chưa được đất nước nào tiếp nhận. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế quan tâm hơn đến người Thượng chúng tôi ở Thái Lan.
Ông Hùng kể lại những năm tháng bị giam cầm ở trong nước:
“Tôi ở tù cộng sản 3 lần kể từ năm 2001, đến năm 2004 thì họ lại bắt tôi và xử án 12 năm tù và 3 năm quản chế. Trước đây, tôi có sang Campuchia xin tị nạn trong thời gian 1 năm 7 tháng, nhưng bị chính phủ Campuchia làm khó.
“Tôi nhận được quy chế (tị nạn) cũng hơn một năm nay. Vợ con cũng mới sang đây được 5 tháng và chưa có quy chế.”
Đe dọa ở quê nhà
Báo Tiền Phong trích lời của các cán bộ an ninh thuộc Phòng An Ninh Xã hội miền Trung – Tây Nguyên cho biết Kpa Hùng là một trong các đối tượng cốt cán của FULRO, được coi là một tổ chức phản động, chuyên “kích động dân chống phá chính quyền và chủ mưu các cuộc bạo loạn.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) dẫn nguồn từ các báo trong nước cho biết: “Các chuyên án của công an tập trung bắt giữ ‘những đối tượng FULRO phản động’” ở các huyện Đắk Đoa và Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai, báo chí nhà nước đưa tin hơn 147 người đã bị bắt vào cuối năm 2004, trong đó có Kpă Hùng, một “kẻ cầm đầu” chủ chốt bị bắn bị thương trong khi bị truy bắt và đang thụ án 12 năm tù.”
Cũng với cáo buộc như vậy, ông Siu Thul đã bị tù 3 lần, trước khi lánh nạn sang Thái Lan vào tháng 12/2016 và cho đến tháng 11/2018 thì vợ con ông cũng tìm cách vượt biên và hiện cả gia đình ông đang ở quận Bang Yai.
Ông nói:
“Tôi chạy trốn qua đây vì nhà thờ của chúng tôi bị đóng cửa. Nhiều tín đồ đã bỏ làng chạy sang Thái Lan. Tôi qua đây vào năm 2016 vì chính quyền ép chúng tôi phải bỏ đạo vì họ cho rằng đạo của chúng tôi chống chính quyền, nhà nước.”
XEM THÊM:
Hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam gặp Tổng thống Trump
Ông Ksor Thiu, người Thượng theo đạo Tin Lành ở Gia Lai, cho VOA biết ông sang Thái Lan lánh nạn được hai năm và chưa xin được quy chế tị nạn.
Ông Thiu cho biết chỉ vì lên tiếng cho tự do tôn giáo mà ông bị chính quyền Việt Nam giam cầm 7 năm, và trong thời gian ở nhà tù Nam Hà ông bị ép phải lao động.
Ông cho biết thêm rằng từ khi ông chạy trốn Việt Nam từ năm 2015 cho đến nay, gia đình ông ở Gia Lai liên tục bị chính quyền đe dọa, gây áp lực buộc ông phải quay về nước:
“Hiện tại còn vợ con ở nhà, gặp nhiều khó khăn, công an luôn dò xét, chính quyền thì ép buộc. Họ ép gia đình ký tên để buộc tôi phải trở về Việt Nam. Họ đến tận nhà để ép buộc gia đình tôi ký tên nhưng gia đình không ký.”
Các tin đồ Tin Lành cho biết chính việc chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo và tước đoạt đất đai khiến người Thượng phải ra đi.
Bà Grace Bùi, một người Mỹ gốc Việt, hiện đang làm tình nguyện viên giúp đỡ các gia đình người Thượng ở Thái Lan, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây:
“Khi tôi đến Thái Lan khoảng 4 năm về trước thì đã có người Thượng ở đó và không ai để ý đến họ. Tôi bắt đầu giúp họ về vấn đề tài chính, luật pháp, nhân quyền… Trong thời gian qua, tôi vẫn chưa thấy có một tổ chức chính thức nào vận động cho họ để họ có cơ hội đi đến một nước thứ ba.”
Hy vọng từ nước thứ ba
Hiện tại Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tị nạn.
Bà Caroline Gluck đại diện truyền thông của UNHCR tại Bangkok nói với VOA: “Việc tái định cư dưới sự bảo trợ của UNHCR cần phải có quá trình sàng lọc và chuyển người tị nạn từ một quốc gia mà họ đã tìm kiếm sự bảo vệ đến một quốc gia thứ ba, mà quốc gia này phải công nhận họ là người tị nạn có tư cách thường trú nhân.”
Đại diện của UNHCR nhấn mạnh rằng việc tái định cư không phải là một quyền và cũng không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người xin ti nạn.
Ông Đoàn Huy Chương, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam hiện đang có quy chế tị nạn ở Thái Lan, nói với VOA:
“Đối với chính phủ Thái Lan, mặc dù có văn phòng UNHCR đóng ở đâu, nhưng chính phủ Thái Lan chưa ký Công ước 1951 về việc công nhận người tị nạn, do đó, cho dù chúng tôi có quy chế tị nạn vẫn có thể bị bắt bất kể lúc nào.
“Mới hôm 20/8, họ mới vừa bắt ba người dân tộc Hmong đang tị nạn trên đất Thái Lan. Ba người này dù có quy chế nhưng cũng bị đưa vô trại IDC của Sở Di trú.
“Tình hình hiện nay rất khó khăn, gây lo lắng cho các anh chị em.”
Những người Thượng cho VOA biết rằng dù họ biết Thái Lan không công nhận người tị nạn, nhưng điều này không ngăn cản được họ tìm đường đến đây vì dù sao cuộc sống lưu vong như thế vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà.
Ông Siu Thul tâm sự:
“Người Thái cũng là người tốt, nhưng chính phủ của họ không tiếp nhận chúng tôi; họ cho rằng chúng tôi là những người sang đây bất hợp pháp. Chúng tôi muốn đi làm cũng không được, cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào giúp đỡ chúng tôi.”
Vào tháng 8 năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Thái Lan trả tự do cho gần 200 người dân tộc thiểu số, hầu hết là người Thượng từ Việt Nam và người Campuchia đang xin tị nạn, bị cảnh sát Thái bắt giam đưa vào trại IDC.
Trong một thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói:
“Những tuyên bố thường xuyên của Thái Lan về việc cải thiện quyền tị nạn chỉ là sáo rỗng khi quan chức bỏ tù hàng chục gia đình đang được bảo vệ bởi cơ quan tị nạn của LHQ. Những người Thượng này sẽ bị bức hại tàn bạo nếu họ bị trả về Campuchia và Việt Nam – điều mà Thái Lan không nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”
XEM THÊM:
Người gốc Việt kỷ niệm 40 năm ngày quốc tế giải cứu thuyền nhân
Ngày 28/5 vừa qua, nhờ sự vận động của Hoa Kỳ và một số quốc gia, Đại Hội Đồng LHQ đã chỉ định ngày 22/8 hàng năm làm Ngày Quốc tế dành cho các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin.
Một số cơ sở tôn giáo độc lập và một số giáo phận ở Việt Nam đã làm lễ cầu nguyện cho các nạn nhân bị sách hại vì lý do tôn giáo hôm 22/8, nhưng theo quan sát của VOA, một ngày có ý nghĩa như thế lại thiếu vắng những tiếng nói chính thức từ truyền thông nhà nước và Ban Tôn giáo chính phủ.
Dù có hay không có một quốc gia nào đó đón nhận người tị nạn, và dù có hay không có ngày 22/8 như LHQ đã ấn định, ông Kpa Hùng và các tín đồ Tin Lành lánh nạn cộng sản Việt Nam vẫn đều đặn đi lễ nhà thờ ở Nonthaburi để cầu nguyện cho một tương lai an lành.
https://www.voatiengviet.com/a/ngay-22-8-va-loi-khan-cau-cua-nguoi-thuong-vn-ti-nan-o-thai-lan/5052701.html

Thủ tướng Úc sẽ bàn nhân quyền và Biển Đông

khi tới Việt Nam?

Thương mại, kinh tế, Biển Đông và nhân quyền là những chủ đề nóng kỳ vọng được đặt lên bàn họp của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 23/8.
Thủ tướng Úc Scott Morrison dự kiến đặt chân tới Hà Nội hôm thứ Năm, bắt đầu chuyến thăm hai ngày từ 22 đến 24/8.
Ông Scott Morrison sẽ là Thủ tướng đầu tiên của Úc tới thăm Việt Nam trong vòng 25 năm qua, kể từ chuyến thăm của ông Paul Keating năm 1994.
Sẽ bàn về Biển Đông?
“Biển Đông rõ ràng sẽ là vấn đề nổi bật trong các cuộc thảo luận. Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo sẽ tìm thấy tiếng nói chung trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật Biển, và chỉ trích các đe dọa dùng vũ lực. Nhưng hai lãnh đạo có thể sẽ không đưa ra tuyên bố chung đề cập tới Trung Quốc,” Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wale, viết trên trang bình luận.
“Úc rất muốn thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam và hai nhà lãnh đạo có thể sẽ chấp thuận thảo luận về các vấn đề thực tế hiện nay. Ngoài ra, Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và hợp tác an ninh mạng,” Giáo sư Carl Thayer phân tích.
Bennet Murray: Việt Nam có ‘đồng minh’ mới trên Biển Đông?
Tuyên bố chung ASEAN nhắc đến ‘sự cố nghiêm trọng’ ở Biển Đông
Biển Đông: Việt Nam có đang chạy đua vũ trang?
Giám đốc dự án Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, ông Ben Bland, được trích lời trên The Sydney Morning Herald, thì cho rằng Trung Quốc sẽ không phải làm trọng tâm các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng “làm sâu sắc thêm mối quan hệ [Việt Úc] có nghĩa là làm cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và lập trường ngày càng quyết đoán của nước này [trên Biển Đông]“.
Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Úc là một quốc gia thương mại, phụ thuộc nhiều vào thương mại với các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Đó, Úc có chung mối quan tâm như Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Còn theo TS Lê Thu Hương từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, Hà Nội chào đón ông Morrion trong khi đang căng thẳng với Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính.
Trong sự việc này, “Úc vẫn chưa lên án rõ ràng hành động của Bắc Kinh. Gần đây Úc đã ký các tuyên bố chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản,” và mới ‘ám chỉ’ sự kiện Trung Quốc mang tàu khảo sát vào Bãi Tư Chính “là các hoạt động gây rối liên quan đến các dự án dầu khí và thủy sản ở Biển Đông.”
“Ông Morrison nhậm chức vào thời điểm quan hệ của Úc với Trung Quốc ngày càng khó kiểm soát trên nhiều mặt. Khi ông Morrison ngồi lại đàm phán với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội trong tuần này, ông có thể đối mặt với các câu hỏi về tính nhất quán của chính sách Biển Đông của Úc.
Lý tưởng nhất, người Việt Nam muốn có thêm sự hỗ trợ ngoại giao và hỗ trợ thực tế từ Úc, được củng cố bởi các hợp tác thương mại của công ty khai thác dầu khí của Úc với công ty dầu khí Việt Nam trong vùng biển tranh chấp. Hai nước sẽ phát triển quan hệ chiến lược như thế nào nếu họ không thể trông cậy lẫn nhau trong nghị trình quan trọng như vậy?” TS Lê Thu Hương bình luận trên The Strategist.
Kêu gọi cải thiện nhân quyền
Đảng Cộng sản VN kiểm soát đất nước và những người chỉ trích chính phủ thường bị bỏ tù. Không có tự do báo chí và tự do tôn giáoBà Elaine Pearson
Giới nhân quyền Úc kêu gọi ông Scott Morrison nêu ra các quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bao gồm việc giam giữ công dân Úc Châu Văn Khảm từ tháng Giêng, trong chuyến công du tới đất nước Đông Nam Á này, theo trang The Guardian.
Hôm thứ Tư 21/8, ông Morrison phát biểu rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia có chủ quyền, độc lập, tự do ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, là các vấn đề mà Úc đang ưu tiên.
“Một trong những lý do mà tôi nhấn mạnh rất nhiều vào các mối quan hệ của Úc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và một trong những lý do tôi sẽ đến Việt Nam vào ngày mai… là để thúc đẩy, tăng cường, mở rộng và xây dựng thêm các liên minh, các mối quan hệ đã tồn tại với các quốc gia có chủ quyền, độc lập trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương,” ông Morrison được trích lời trên The Guardian.
Nhưng bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, cho rằng hầu hết người Việt Nam không được thực sự tự do, và kêu gọi ông Morrison tận dụng chuyến thăm Việt Nam để kêu gọi cải thiện nhân quyền ở đây.
“Họ là một quốc gia có chủ quyền độc lập, nhưng họ không được tự do lắm,” bà Elaine Pearson nói với The Guardian Australia.
“Việt Nam không có bầu cử tự do. Đảng Cộng sản kiểm soát đất nước và những người chỉ trích chính phủ thường bị bỏ tù. Không có tự do báo chí và tự do tôn giáo.”
Ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt, đã bị bắt giữ và giam không xét xử sau tháng nay sau khi ông gặp một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, theo The Guardian.
Sẽ bàn về thương mại, kinh tế
Trước chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với Thông tấn xã Việt Nam rằng ông sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam trong chuyến công du quan trọng này.
“Trọng tâm của chúng tôi sẽ là tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và mối quan hệ giữa nhân dân giữa hai nước,” ông Morrison nói.
“Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ đại dương, bao gồm chống ô nhiễm nhựa và đánh bắt cá bất hợp pháp.”
Ông Morrison sẽ tham dự các sự kiện kinh doanh tại Hà Nội vào tối 22/8 và sáng 23/8.
Thương mại hai chiều giữa hai nước đạt mức cao kỷ lục 14,5 tỷ đô la vào năm 2018, cùng năm Úc và Việt Nam nâng cấp thành đối tác chiến lược.
Đại học Úc RMIT, có cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngân hàng ANZ và Linfox sẽ có đại diện tham dự tiệc tối với Thủ tướng Úc vào thứ Năm 22/8.
Ngày 23/8, Hà Nội sẽ tổ chức một buổi lễ chào đón ông Morrison. Sau đó ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Nhiều khả năng hai lãnh đạo sẽ thỏa thuận gặp thường niên, bao gồm các cuộc gặp bên lề các sự kiện đa phương chính, ví dụ như APEC,” Giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales, bình luận trên trang phân tích đã công bố.
“Chuyến đi của ông Morrison là nhằm đáp lại chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm ngoái và mục đích chính là thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược được thông qua vào thời điểm đó. Thỏa thuận này bao gồm năm lĩnh vực hợp tác chính: chính trị; hợp tác và phát triển kinh tế; quốc phòng và luật pháp, tình báo và an ninh; giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, xã hội và văn hóa; và hợp tác khu vực và quốc tế. Để thúc đẩy các mục tiêu này, hai bên sẽ cần phải thông qua Kế hoạch hành động nhiều năm.”
Úc vẫn chưa lên án rõ ràng hành động của Bắc KinhTS Lê Thu Hương
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, Úc từ lâu đã quan tâm tới vấn đề an ninh tại khu vực Đông Nam Á và trở thành đối tác đầu tiên của ASEAN năm 1974. Cũng năm này, Úc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, và từ đó tới nay đã phát triển các quan điểm chung về chính trị và an ninh toàn cầu. Quan hệ đối tác Việt Úc được tăng cường khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN năm 1995. Năm 2005, Việt Nam – Úc ký thỏa thuận Đối tác Toàn diện, sau đó phát triển thành Đối tác Chiến lược năm 2018.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49430832

Việt Nam muốn Úc ủng hộ

sau vụ Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính

Trọng Nghĩa
Công du Việt Nam kể từ hôm nay, 22/08/2019, đúng vào lúc căng thẳng bùng lên giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau vụ Trung Quốc tiếp tục cho tàu khảo sát vào hoạt động trong khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, thủ tướng Úc chắc chắn sẽ phải lên tiếng về vụ việc.
Theo các nhà phân tích, trái với đồng minh Mỹ, đã thẳng thừng lên án Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế và bức hiếp các nước nhỏ, ông Scott Morrison có lẽ sẽ bày tỏ hậu thuẫn của Úc đối với Việt Nam một cách kín đáo hơn.
Yêu cầu của Việt Nam đối với Úc đã được chính đại sứ Việt Nam tại Canberra nêu bật trong một bài phỏng vấn dành cho tờ báo Úc The Australian Financial Review số ra hôm nay, khi ông xác nhận rằng chính quyền Việt Nam sẽ thúc giục thủ tướng Scott Morrison tăng cường nỗ lực giúp giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang coi thường luật lệ quốc tế, cho tàu vào khảo sát dầu khí sâu bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Theo đại sứ Việt Nam, trong tư cách là một đối tác chiến lược của Việt Nam, là một quốc gia cũng có lợi trong việc duy trì tính chất thượng tôn luật pháp trong một vùng biển chiến lược, Úc cần phải cùng với Việt Nam và ASEAN cũng như nhiều nước khác “phát huy tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tránh các sự cố và giảm thiểu căng thẳng, tránh được các rủi ro do tính toán sai lầm tại Biển Đông”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm hậu thuẫn quốc tế để đối phó với các hành vi lấn lướt thô bạo của Trung Quốc tại Biển Đông, và trong bối cảnh Washington cũng đã lên tiếng cực lực đả kích hành động của Bắc Kinh, các nhà quan sát cho rằng áp lực đang gia tăng trên ông Morrison để ông công khai lên tiếng nhân chuyến thăm Việt Nam.
Trả lời hãng tin Úc AAP, tiến sĩ Lê Thu Hường, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính Sách và Chiến Lược Úc ASPI nhận định : “Điều mà Việt Nam mong muốn ở cộng đồng quốc tế hiện nay, và Úc – một trong những thành viên chính trong vấn đề này, là lên tiếng và nói trực tiếp về vụ việc này, tương tự như Hoa Kỳ đã làm”.
Đối với tiến sĩ Hường, sự hiện diện của ông Morrison tại Việt Nam sẽ gửi đi một tín hiệu chính trị và ngoại giao quan trọng cho toàn khu vực.
Căn cứ vào quan điểm từng được bày tỏ trước đây của ông Morrison về Trung Quốc, giới quan sát nghĩ rằng chắc chắn ông sẽ lên tiếng, nhưng vấn đề là nội dung tuyên bố của ông sẽ như thế nào.
Giáo sư Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, Đại Học New South Wales cũng cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận giữa thủ tướng Úc và giới lãnh đạo Việt Nam.
Trong một bài nhận định về chuyến công du Việt Nam của thủ tướng Úc công bố hôm 20/08, ông Thayer cho rằng cả hai bên sẽ tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời tố cáo các hành vi bức hiếp và đe dọa dùng võ lực. Tuy vậy, khó có khả năng là bản thông cáo chung về chuyến công du sẽ tố cáo đích danh Trung Quốc.
Trả lời hãng thông tấn Úc, ông Thayer cũng cho biết là ông không hy vọng Úc sẽ nói mạnh như Mỹ đã làm, và bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vấn đề Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế – mà không nêu đích danh Trung Quốc.
Đối với giáo sư Thayer, Việt Nam có lẽ cũng không lấy làm phiền khi Úc không nhắc đích danh Trung Quốc vì Hà Nội cũng không muốn bị coi là “kéo bè kéo cánh” để chống Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190822-viet-nam-muon-uc-ung-ho-sau-vu-trung-quoc-xam-nhap-bai-tu-chinh

Việt Nam phản bác tuyên bố mới nhất của phía

Trung Quốc về hoạt động ở Bãi Tư Chính

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội vào chiều ngày 22 tháng 8 khẳng định lại trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Truyền thông dẫn phát biểu của bà Hằng cho rằng việc vi phạm của Trung Quốc như thế là nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng như thế, rút toàn bộ tàu ra khoải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các qui định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phía Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật Việt Nam.
Bà Lê thị Thu Hằng không phủ nhận thông tin mà một số hãng tin của Ấn Độ dẫn nguồn ngoại giao Việt Nam rằng Hà Nội có thể đưa vụ việc vi phạm như vừa nêu ra Hội đồng Bảo An Liên hiệp Quốc và cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 19/8 phát biểu rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng.
Hôm 22/8, Báo Tuổi Trẻ đăng bài “Việt Nam không có thông tin chiến hạm Quang Trung được điều ra Bãi Tư Chính” theo như phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội cùng ngày. Tuy nhiên ngay sau đó, bài báo trên đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng bài “Bác bỏ phát ngôn của Trung Quốc nói tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển nước này”.
Trước đó, trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng Việt Nam đã điều hai tàu chiến Quang Trung Và Trường Sa ra Bãi Tư Chính đối đầu với tàu của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-rej-cn-van-08222019092014.html

Team Pháp sư trong vụ Gateway-căn cốt đặc tính dân Việt

Nguyễn Văn Hải
Cái chết của cháu bé 6 tuổi được phát hiện trong xe đưa đón của trường Gateway đang giúp phô bày ra những đặc tính tâm lý của nhiều người Việt (trên mạng) hiện tại. Đó là thói a dua, thích hóng hớt, khoái tin đồn, mê khẳng định vị trí hải đăng mạng nhưng cực dễ bị dắt mũi, suy nghĩ cảm tính, không biết và không thích kiểm chứng thông tin, thói sát thủ thích giết sạch… Tất cả tạo nên một nguồn nguyên liệu phì nhiêu, một bầy cừu béo và đông tự nguyện dệt nên chiếc rèm mềm mại che giấu các cuộc đấu đá chính trị và tạo đà cho cả các con buôn chuyên bán hàng online.
Cháu bé qua đời thật đáng thương. Cái chết đó đánh mạnh vào trái tim hàng triệu cha mẹ đang có con đi học bằng xe đưa đón nên hầu như ai cũng quan tâm. Nhưng chắc chắn các thông tin ấy bị nung đến độ ngàn hoa muôn sắc như hiện nay là do có một chất xúc tác cực mạnh. Đó là thông tin hai cổ đông lớn của trường là con gái ông Nguyễn Xuân Phúc- Thủ tướng và con gái ông Trần Văn Vệ-Trung tướng, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Nếu ngôi trường kia chỉ là trường học bình thường, hỏi vụ việc có được quan tâm, soi xét mọi điểm (cơ mà khổ, nhiều cái lại soi tầm bậy) như đang diễn ra mấy tuần nay không? Sự quan tâm của cộng đồng lâu nay có mấy phần là quan tâm thực sự đến cháu bé, gia đình cháu, đến sự an toàn của hệ thống đưa đón học sinh? Có mấy phần là do được nhờ “đánh thuê” để chặt bớt một cơ sở kinh doanh có phần hùn con gái Thủ tướng, mà ai cũng đoán được mục đích cuối cùng không dừng ở đó?
Không biết bao nhiêu công dân mạng Việt Nam ý thức được điều này?
***
Hình ảnh của cháu bé là bất khả xâm phạm, chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của gia đình cháu, thì giờ đây tràn lan trên mạng xã hội, và gợi lại đau thương cho rất nhiều người từng có những trải nghiệm khó khăn với con cái.
Hôm trước, có một nhóm người lớn đến đặt hoa và ảnh cháu bé ngay trước cổng trường cháu để tưởng niệm. Rồi bị phụ huynh có con đang học ở trường chụp được những tấm ảnh và clip như thế này.
Chắc họ cất sự đau thương ở nơi nào rất sâu kín, nên trong những tấm ảnh bị chụp, chỉ thấy phơi phới hớn hở và tô vẽ làm màu.
Đến nay thì có hẳn một trang facebook tên là Chia sẻ yêu thương về bé Lê Hoàng Long. Admin trang này tỏ ra khá công bằng và thiện chí khi nói rằng trang được lập ra để lan tỏa yêu thương đến toàn xã hội (có lẽ họ sợ vụ việc bị chìm xuồng do liên quan đến con gái thủ tướng và tướng công an, nên cần
có chỗ để luôn làm nóng). Họ upload  đều đặn ngày ngày, nay đã đến 4 phần, mỗi phần 10 tấm ảnh của cháu bé từ ngày cháu học ở trường mẫu giáo.
Mục đích trang, theo admin là để tưởng niệm và chia sẻ. Nhưng thực chất cháu  bé vừa qua đời không rõ ràng, nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ, gia đình đang chìm trong đau thương thì đã vô số thám tử online nhào vào bình phẩm, nhận xét, thi nhau đồn đoán mổ xẻ bất chấp tâm tư của người thân cháu bé.
Tàn nhẫn đến nỗi có những kẻ đã lợi dụng sự quan tâm của cộng đồng mạng để lập nên những trang cập nhật tất cả những đồn đoán điều tra gây sốc nhằm thu hút người tương tác. Khi đông rồi thì đổi tên để bán hàng online.
Rồi lại có một nhóm người nào đó tự xưng là team Pháp sư, thực hành cúng giải vong, soi căn, thế giới âm, luật vũ trụ, bùa ngải, thờ cúng… có những ‘con nhang” luồn lách đi xui gia đình cháu bé ra nhờ soi căn tìm nguyên nhân cái chết của cháu.
Sự yếu kém về lý tính của tâm thức người Việt cứ có bất cứ cơ hội nào lại bùng cháy bất khuất. Nó khiến công cụ internet đáng lẽ phải là nơi cung cấp kiến thức tốt nhất cho người dùng, khiến người ta hiểu biết hơn thì mặt khác, lại đang biến rất đông người Việt thành mù lòa, ngu muội đi, hung hãn hơn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Sự giả dối và thói quen dùng quyền lực, đồng tiền để chi phối xã hội của những giai cấp lãnh đạo Việt Nam, những nhóm người có tiền có quyền… nhiều năm qua đã xói sạch niềm tin vào hệ thống chính quyền và pháp luật trong nước. Dân đen nhìn đâu cũng thấy lãnh đạo tham tàn, ngu dốt, sinh ra thù lãnh đạo. Nhìn quanh thấy những người giàu hợm hĩnh lố lăng, dùng tiền thay đổi trắng đen, sinh ra ghét người giàu (giàu nhất lại là lớp tư bản thân hữu). Bất mãn với chính quyền, sinh ra tín phục thầy bà, “hệ thống thực hành tâm linh”. Bất tín với hiệu lực của pháp luật, sinh ra tín phục tuyệt đối các “hải đăng mạng”. Họ không thể bình tĩnh chờ vụ việc được điều tra. Cũng không tin mình có quyền tìm hiểu và lôi ra sự thật.
Và, một trong những nguyên nhân cơ bản là sự thật đã trở thành quá hiếm hoi ở Việt Nam, đến mức giả như có được cung cấp hay trông thấy sự thật thì rất nhiều người cũng không tin đấy chính là sự thật nữa.
Đáng thương cho cả xã hội, đáng thương cho tất cả.
Một khi cái căn cốt ấy còn nguyên thì sẽ tiếp diễn dài dài hết vụ cô gái giao gà nọ đến vụ chùa Ba Vàng kia… Gateway chỉ là một mắt xích trong cái sợi xích khóa chặt tự do và dân trí, như thế.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/gateway-and-vn-mentality-08212019112302.html

Chuyện dài công xa đưa đón công bộc

Trân Văn
Bộ Nội vụ của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn chưa công bố quyết định liên quan đến việc xử lý những viên chức sử dụng công xa đi dự đám cưới quý tử của bà Hồ Thị Cẩm Đào – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu của tỉnh Sóc Trăng tại Quốc hội.
Cách nay một tháng, bà Đào khuấy động dư luận vì tổ chức bốn bữa tiệc trong suốt ba ngày để đãi khách đến mừng con trai bà lấy vợ. Bữa nào cũng vài trăm khách. Thậm chí tiệc chính tổ chức tại nhà hàng lớn nhất Sóc Trăng đãi tới 800 người (1)! Đám cưới chưa từng có ấy tại Sóc Trăng khiến thiên hạ phải ghé mắt nhìn vào…
Cũng vì vậy, người ta phát giác, ngoài Sóc Trăng, có rất nhiều khách từ nhiều tỉnh (Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre,…) dùng công xa đi… đám cưới.
Sau scandal vừa kể, bà Đào cho biết bà sẽ… “rút kinh nghiệm”. Những viên chức đã dùng công xa đi dự đám cưới con trai bà Đào cũng đề nghị được… “tự kiểm, rút kinh nghiệm” (3)! Còn những viên chức có trách nhiệm xử lý sai phạm? Họ chỉ làm một chuyện: Soạn – gửi báo cáo cho Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN và Bộ Nội vụ xem xét, định đoạt (4).
***
Cuối năm 2015, Bộ Tài chính Việt Nam từng công bố một thống kê, theo đó, mỗi năm, dân chúng Việt Nam phải chia nhau gánh 13.000 tỉ đồng để duy trì hoạt động của 40.000 công xa chuyên đưa đón các… công bộc (4).
Cho dù 13.000 tỉ đồng/năm làm người ta sửng sốt nhưng vào thời điểm ấy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng con số đó chưa… sát thực tế. Ngoài lương trả cho các tài xế, nếu tính đúng, tính đủ chi phí bảo dưỡng, chi phí liên quan đến vận hành, rồi tiền xăng chi cho mỗi công xa hoạt động suốt năm, tổng số tiền để duy trì hoạt động của 40.000 công xa này chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với tính toán của Bộ Tài chính.
Ngoài chi phí hàng năm như đã kể, vài số liệu khác liên quan tới công xa, cũng do Bộ Tài chính Việt Nam công bố vào năm 2015, rất đáng để người ta ngửa mặt kêu Trời! Chẳng hạn vào thời điểm ấy, giá trị của 40.000 công xa dành riêng cho việc đưa đón các… công bộc là 20.600 tỉ đồng, xấp xỉ một… tỉ Mỹ kim và tương đương 21% tổng giá trị tài sản nhà nước (999.692 tỉ đồng) (5).
Nhìn tổng quát, chuyện đưa đón các… công bộc đi tới, đi lui, kể cả hỗ trợ vợ con họ đi ta bà đã góp phần đáng kể vào tình trạng chi thường xuyên để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng tăng trong khi chi cho phát triển quốc gia, kể cả chi cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội liên tục giảm!
Không phải tự nhiên mà năm 2015, Bộ Tài chính công bố những số liệu liên quan tới công xa. Trước tình trạng đã tìm đủ cách tận thu mà vẫn không thể bù đắp các khoản chi càng ngày càng lớn, phải liên tục vay cả ngoài lẫn trong để chi tiếp, bất kể áp lực trả các khoản nợ đến hạn thanh toán càng ngày càng cao, hệ thống công quyền vừa phải thắt chặt chi tiêu nhằm tránh vỡ nợ, vừa thúc giục “tiết kiệm, chống lãng phí”.
Đó là lý do “khoán” công xa ra đời (6) (cấp cho mỗi viên chức trong diện được hưởng tiêu chuẩn công xa 120 triệu/năm). “Khoán” công xa được dự đoán sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 200 triệu/viên chức mà theo… qui định, được… đãi ngộ trong đi lại bằng công xa.
Tuy nhiên tháng hai năm nay, ý tưởng và nỗ lực “khoán” công xa đến cấp thứ trưởng đã bị bóp mũi bằng Nghị định 04/2019 (qui định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô)! Theo đó, tất cả các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ cấp tỉnh, thành phố trở lên lại đương nhiên được hưởng chính sách đãi ngộ trong đi lại bằng… công xa. Giá trị công xa sẽ phụ thuộc vào vai trò, vị trí của đượng sự và tối thiểu cũng cả tỉ đồng (7).
Thậm chí, cho dù trước đó chỉ bốn tháng (10/2018), thay mặt BCH TƯ đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng từng cam kết, tất cả cán bộ, đảng viên và trước hết là các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ đảng CSVN sẽ thực thi nghĩa vụ “nêu gương” Quy định 08/QĐ-TW (8) nhưng chỉ riêng công xa, không những không khống chế giá trị và phạm vi sử dụng, Nghị định 04/2019 còn xác định, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng được đãi ngộ trong đi lại bằng công xa đến… hết đời!
***
Tuần trước, tại cuộc họp định kỳ do Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thanh Thủy (Phó Đoàn đại biểu của tỉnh Hậu Giang tại Quốc hội) đã chất vấn Bộ trưởng GTVT rằng có nên xem xét đề nghị của công chúng, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các bộ trong chính phủ đi làm bằng xe hai bánh, xe buýt để “thực hành tiết kiệm, thực hiện nêu gương”?
Nghe thế, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT, đã thách lãnh đạo tỉnh Hậu Giang “xung phong làm thí điểm”, nếu thí điểm thành công thì Bộ GTVT sẽ “nghiên cứu” để “nhân rộng” chứ không “áp dụng đại trà ngay lập tức” (9). Nhiều người phẫn nộ vì thái độ xấc xược của ông Thể. Ông không xấc xược với bà Thủy vì đó không phải là ý kiến của bà. Đó là mong muốn của dân chúng nên sự xấc xược đó hướng vào công chúng.
Đâu phải tự nhiên mà ông Thể xấc xược như vậy! Cũng không phải tự nhiên mà bà Hồ Thị Cẩm Đào sổ toẹt vào cam kết mà đảng của bà đã công bố trước dân: Sẽ “nghiêm khắc với bản thân” và sẽ “kiên quyết chống: lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực, thời gian làm việc, chống sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí”, vô tư khoe sang, khoe giàu khi tổ chức đám cưới cho quý tử và nhiều viên chức cả ở Sóc Trăng lẫn các tỉnh thản nhiên dùng công xa đi dự đám cưới con trai bà Đào.
Nếu thể chế chính trị tại Việt Nam không biến lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành những ông cố nội, những bà cố nội, dành đủ loại đặc quyền cho những viên chức đã được lựa chọn – qui hoạch – sắp đặt để dẫn dắt một địa phương, cao hơn là cả quốc gia “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”, họ có thể tự tin đến mức trâng tráo “nói mặt đằng, làm một nẻo”, dám xấc xược cả với luật pháp lẫn dân chúng như vậy không?
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có vô số vấn đề cần quan tâm. Có bao nhiêu quốc gia mà chỉ công xa đã là một… đại sự vì trở thành vấn nạn trầm kha, giải mãi vẫn chẳng xong như Việt Nam? Bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tự nguyện ngưng biến lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành những ông cố nội, những bà cố nội? Chắc là còn lâu!
Lúc này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đang mải miết lựa chọn – qui hoạch sắp đặt một thế hệ những ông cố nội, những bà cố nội mới cho Đại hội Đảng khóa tới!
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/dam-cuoi-con-truong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-to-chuc-3-ngay-4-tiec-20190721170518226.htm
(2) https://tuoitre.vn/can-bo-di-dam-cuoi-o-soc-trang-bang-xe-cong-xin-rut-kinh-nghiem-20190813103556432.htm
(3) https://tuoitre.vn/can-bo-di-dam-cuoi-o-soc-trang-bang-xe-cong-xin-rut-kinh-nghiem-20190813103556432.htm
(4) https://tuoitre.vn/da-bao-cao-bo-noi-vu-viec-to-chuc-dam-cuoi-rinh-rang-o-soc-trang-2019081615374074.htm
(4) https://tuoitre.vn/45000-ti-va-40000-xe-cong-990940.htm
(5) https://vnexpress.net/kinh-doanh/gan-mot-ty-dola-tai-san-nha-nuoc-la-xe-cong-3221713.html
(6) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-40-000-xe-cong-giam-chi-thuong-xuyen-van-mang-tinh-ho-hao-nhieu-qua-2015102615383413.htm
(7) https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov
(8) https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov
(9) https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-bo-truong-di-xe-buyt-de-giam-un-tac-giao-thong-1114989.html
https://www.voatiengviet.com/a/cong-xa-cong-boc-cam-dao-soc-trang/5052621.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.