Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 26/08/2019

Monday, August 26, 2019 7:30:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 26/08/2019

Trump nói Mỹ và TQ

sẽ nối lại đàm phán thương mại

Tổng thống Donald Trump nói Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán thương mại “rất sớm” sau khi căng thẳng giữa hai bên leo thang hồi cuối tuần vừa rồi.
“Trung Quốc gọi điện tối qua… họ nói hãy quay lại bàn đàm phán. Nên chúng tôi sẽ quay lại bàn đàm phán,” ông nói.
Hôm thứ Sáu tuần trước 23/8, ông Trump nâng mức thuế đối với hàng tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc để trả đũa đợt thuế quan mới áp lên hàng Mỹ của Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì nhưng trước đó kêu gọi các bên “bình tĩnh” để giải quyết mâu thuẫn.
Ông Trump đưa ra những thông điệp trái ngược hồi cuối tuần, lúc đầu dường như tỏ ra lấy làm tiếc về đợt áp thuế mới, nhưng ngay hôm Chủ Nhật, Nhà Trắng lại rút lại bình luận này của ông.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz hôm thứ Hai, ông nói các quan chức Trung Quốc đã có hai “cuộc gọi rất, rất tốt” vào đêm Chủ Nhật và nói rằng Bắc Kinh muốn “đạt thỏa thuận”.
Trump ‘bị hiểu nhầm’ khi nói hối hận về cuộc chiến thương mại với TQ
Thương chiến Mỹ – Trung trong 400 từ
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Ngụ ý chính sức ép từ ông đã đưa phía Trung Quốc quay lại bàn đàm phán, ông nói thêm: “Họ rất đau, nhưng họ hiểu đây là điều nên làm.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán rất sớm… nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận.”
Phía Mỹ đang cố buộc Bắc Kinh phải thay đổi tập quán thương mại. Họ nói các công ty Mỹ đang gặp một sân chơi không công bằng vì những vấn đề như ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, các đồng minh của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp cảnh báo cuộc chiến thương mại đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, Thị trường châu Á giảm mạnh hôm thứ Hai 26/8 do những lo ngại về thương chiến Mỹ – Trung, với chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 3% rồi hồi phục lại.
Tuy nhiên, giá chứng khoán ở châu Âu lại có dấu hiệu tích cực sau khi ông Trump có những bình luận mang tính hòa giải hơn.
Điều gì đang ‘đẩy’ VN ra xa Trung Quốc và tới gần Mỹ hơn?
Mỹ hoãn lệnh cấm Huawei thêm 90 ngày
Thương chiến đã leo thang ra sao?
Hôm thứ Sáu 23/8, Mỹ nói nước này sẽ tăng thuế quan lên 250 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, từ mức 25% lên 30% bắt đầu từ ngày 1/10.
Mỹ cũng nói sẽ nâng mức thuế mới lên 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại thông minh và quần áo, từ 10% lên 15%. Đợt áp thuế đầu tiên lên những mặt hàng này sẽ được áp dụng vào tháng Chín.
Trong một dòng tweet, ông Trump nói ông có kế hoạch ra lệnh cho các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc chuyển về Mỹ, tuy nhiên chưa rõ ông sẽ buộc các hãng phải tuân thủ bằng cách nào.
Những động thái của Mỹ diễn ra sau khi Trung Quốc có cú trả đũa mới nhất, tuyên bố sẽ áp thuế và tăng thuê đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49472064

Cuộc chiến thương mại:

Trump ‘hối hận không áp thuế cao hơn’ với TQ

Nhà Trắng cho biết các thông tin nói Tổng thống Mỹ hối hận vì đã leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là không chính xác.
Donald Trump trước đó được hỏi liệu ông đã bao giờ suy nghĩ lại về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay không. Ông Trump trả lời “Chắc chắn có chứ, tại sao không?”
Nhà Trắng cho biết câu trả lời của ông Trump “bị hiểu sai … Ông hối tiếc vì không tăng thuế quan cao hơn”.
Hôm thứ Sáu, ông Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vài giờ sau khi Trung Quốc tiết lộ kế hoạch tăng thuế lên hàng hóa của Mỹ.
Đây là động thái mới nhất trong một cuộc chiến ăn miếng trả miếng cay đắng mà ​​Mỹ đã áp thuế hơn 250 tỷ đô la lên hàng hóa Trung Quốc.
Điều gì đang ‘đẩy’ VN ra xa Trung Quốc và tới gần Mỹ hơn?
Liệu Mỹ có còn là siêu cường quân sự duy nhất ở châu Á?
Mỹ hoãn lệnh cấm Huawei thêm 90 ngày
Phản ứng lại, Trung Quốc cũng đã tăng mức thuế quan đối với hầu hết hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào nước này.
Mầm mống của cuộc chiến thương mại này đã được gieo rắc kể từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump, khi ông cáo buộc Bắc Kinh “cưỡng bức” công nhân Mỹ.
Thỏa thuận Mỹ-Nhật
Việc ông Trump thừa nhận có những suy nghĩ lại về Trung Quốc dường như là một tuyên bố hòa hoãn hiếm hoi của ông, người vốn từ trước đến nay vẫn không hề nao núng trước kế hoạch bảo vệ công ăn việc làm của Mỹ và khắc phục những gì ông cho là những thỏa thuận thương mại không công bằng trước đây với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp, khi được một phóng viên hỏi liệu ông có suy nghĩ lại về việc leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc hay không.
Ông Trump trả lời: “Cũng có thể. Cũng có thể … Tôi suy nghĩ lại về mọi thứ”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham nói: “Câu trả lời của ông đã bị hiểu sai rất nhiều. Tổng thống Trump đã trả lời trong lời khẳng định – bởi vì ông hối tiếc không tăng thuế quan cao hơn.”
Hôm thứ Sáu, ông Trump cũng nói rằng ông dự định ra lệnh các công ty Hoa Kỳ làm việc tại Trung Quốc chuyển hoạt động về Hoa Kỳ. Không rõ làm thế nào ông Trump có thể buộc các công ty này tuân thủ.
Khi được hỏi vào Chủ nhật, liệu ông có tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề này không, Tổng thống Mỹ nói: “Tôi không có kế hoạch ngay bây giờ. Thực ra, chúng tôi đang làm việc rất tốt với Trung Quốc vào lúc này. Chúng tôi đang nói chuyện. Tôi nghĩ họ còn muốn có một thỏa thuận nhiều hơn tôi. “
Riêng tại G7, Mỹ và Nhật Bản cho biết họ đã đồng ý phần lớn về một thỏa thuận thương mại, bao gồm về nông nghiệp, thuế quan công nghiệp và thương mại kỹ thuật số. Giá xe sẽ không thay đổi, trong thỏa thuận sẽ được ký vào tháng tới.
Ông Trump cho biết Nhật Bản đã đồng ý mua số lượng ngô của nông dân Mỹ bị bỏ lại do thuế quan Trung Quốc áp đặt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49469996

Những gì cần biết

về thương chiến Mỹ – Trung trong 400 từ

Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến thương mại khốc liệt.
Trong năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng thuế hàng tỷ đô la đối với hàng hóa của nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc giao dịch không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc thì có một quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Trump tuyên bố áp thuế lên thêm 300 tỷ đôla hàng TQ
Các cuộc đàm phán đang diễn ra nhưng chưa có tín hiệu khả quan. Hai bên vẫn còn bất đồng lớn về các vấn đề như làm thế nào để giảm thuế và đi tới một thỏa thuận.
Tranh chấp đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu và làm tổn thương các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Những khoản thuế nào đã được áp đặt?
Chính sách thuế quan của ông Trump là khuyến khích người tiêu dùng mua hàng Mỹ bằng cách làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Cho đến nay, Mỹ đã áp thuế đối với khoảng 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế 110 tỷ đôla sản phẩm của Hoa Kỳ.
Washington đã có ba lần tăng thuế vào năm ngoái, áp mức thuế lên tới 25% đối với một loạt các sản phẩm của Trung Quốc, từ túi xách đến thiết bị đường sắt.
Bắc Kinh đáp trả với mức thuế từ 5% đến 25% đối với hàng hóa của Mỹ bao gồm hóa chất, than và các thiết bị y tế.
Tiếp theo là gì?
Cả hai bên đều đe dọa sẽ có nhiều hành động hơn với thuế quan mới và tăng thuế đối với các mặt hàng vốn đang chịu thuế trong những tháng tới.
Chính quyền Trump có kế hoạch áp thuế mới lên 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc - bao gồm cả điện thoại thông minh và quần áo – đồng nghĩa với đánh thuế tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Bước đầu tiên của việc tăng thuế sẽ bắt đầu vào 1/9.
Bắc Kinh đã trả đũa, và có kế hoạch tăng thuế với lượng hàng hóa trị giá 75 tỷ đôla nhập từ Mỹ vào tháng tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49470146

Tổng thống Trump bất ngờ

khi ngoại trưởng Iran đến thăm hội nghị thượng đỉnh G7

Tin từ BIARRITZ, Pháp – Vào hôm Chủ Nhật (25/8), Bộ trưởng Ngoại Giao Iran đến thăm một hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp.
Đây là một tiến triển bất ngờ đối với cuộc họp gặp khó khăn, bởi sự khác biệt giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các đồng minh phương Tây về một loạt vấn đề, bao gồm cả Iran.
Một viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết, lời mời của Pháp đến ông Mohammad Javad Zarif để thảo luận bên lề hội nghị ở thị trấn Biarritz là “một sự bất ngờ”. Một viên chức Pháp cho biết, ông Zarif gặp người đồng cấp của Pháp để đánh giá những điều kiện có thể làm giảm tình hình căng thẳng giữa Tehran và Washington.Ông Zarif cũng gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong thời gian lưu trú ngắn ngủi. Nhưng viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết vị Bộ trưởng Iran này đã không gặp bất kỳ viên chức Mỹ nào trước khi ông bay ra khỏi phi trường Biarritz.
Các nhà lãnh đạo châu Âu gặp khó khăn để xoa dịu cuộc đối đầu ngày càng nghiêm trọng giữa Iran và Hoa Kỳ, kể từ khi tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận nguyên tử năm 2015, và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Iran.
Trước đó vào hôm Chủ Nhật (25/8), tổng thống Donald Trump có vẻ bác bỏ những nỗ lực của Pháp để hòa giải với Iran. Ông cho biết rằng dù ông rất vui khi Paris liên lạc với Tehran, nhưng ông sẽ tiếp tục tiến hành các chính sách của Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-bat-ngo-khi-ngoai-truong-iran-den-tham-hoi-nghi-thuong-dinh-g7/

Hoa Kỳ và Nhật đồng ý trên nguyên tắc

về thỏa thuận thương mại

Tin từ BIARRITZ, Pháp – Vào hôm Chủ Nhật (25/8), Hoa Kỳ và Nhật Bản đồng ý trên nguyên tắc về các yếu tố cốt lõi của một thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng họ hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận này tại New York vào tháng tới. Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ xoa dịu một cuộc tranh chấp thương mại giữa hai đồng minh, ngay khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đang trở nên trầm trọng hơn.
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết thỏa thuận này bao gồm nông nghiệp, thuế công nghiệp và thương mại điện tử. Các mức thuế tự động vẫn sẽ không thay đổi.
Tổng thống Donald Trump cho biết Nhật Bản đã đồng ý mua lượng ngô thừa, đang là gánh nặng cho nông dân Hoa Kỳ do tranh chấp thuế giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Abe đề cập đến việc mua ngô, và cho biết vấn đề này sẽ được khu vực tư nhân giải quyết. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết hai bên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng ông bày tỏ sự lạc quan rằng tất cả sẽ ổn thỏa vào thời điểm tổ chức Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng tới.
Ông Lighthizer lưu ý rằng Nhật Bản đang nhập cảng khoảng 14 tỷ mỹ kim các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, và cho biết thỏa thuận này sẽ mở ra nhiều thị trường cho hơn 7 tỷ mỹ kim các sản phẩm tương tự. Ông cho biết rằng thịt bò, thịt lợn, lúa mì, các sản phẩm từ sữa, rượu vang và ethanol sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-nhat-dong-y-tren-nguyen-tac-ve-thoa-thuan-thuong-mai/

TNS Lindsey Graham khuyến cáo tổng thống Trump

về việc rút quân khỏi Afghanistan

Theo tin từ CBS News, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một trong những đồng minh mạnh nhất của Tòa Bạch Ốc tại Quốc hội, đã kêu gọi Tổng thống Trump hoãn kế hoạch ra lệnh rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan, khuyến cáo rằng một cuộc rút quân quy mô lớn khỏi quốc gia này có thể đe dọa đến nền an ninh Hoa Kỳ.
Trên chương trình Face The Nation của đài NBC, ông Graham bày tỏ lo ngại rằng việc tổng thống Trump rút quân khỏi Afghanistan sẽ là sai lầm, tương tự như Tổng thống Obama từng làm ở Iraq, đồng thời kêu gọi Tổng Thống Trump nhận những lời khuyên quân sự hợp lý. Ông Graham nói rằng Tổng Thống Trump không nên ủng hộ quan điểm này với các ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, khi nhiều ứng cử viên Dân chủ cũng tuyên bố sẽ rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan.
Kể từ khi một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chiếm Afghanistan vào cuối năm 2001, theo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 và lật đổ chính quyền Taliban, Hoa Kỳ đã vướng vào cuộc chiến lâu nhất trong lịch sử quốc gia này. Xung đột sắc tộc trong nước, một chính phủ mong manh ở Kabul, và cuộc nổi dậy của Taliban đã giúp các tổng thống Hoa Kỳ đời trước giữ được sự hiện diện của quân đội lớn ở nước này. Mặc dù Tổng Thống Trump đi theo đường lối đối ngoại cô lập hơn trên chính trường thế giới, chính quyền của ông vẫn giữ khoảng 14,000 binh sĩ ở Afghanistan.Trong những tháng qua, chính quyền Trump đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với các đại diện của Taliban, nhưng vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận cụ thể.
Ông Graham nhận định rằng để bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và dập tắt mọi nỗ lực tiềm tàng của ISIS và al-Qaeda trong trường hợp Hoa Kỳ rút quân, Tổng Thống Trump cần giữ lại ít nhất 8,600 binh sĩ ở Afghanistan. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tns-lindsey-graham-khuyen-cao-tong-thong-trump-ve-viec-rut-quan-khoi-afghanistan/

‘Mỹ không muốn ExxonMobil

bị Trung Quốc hăm dọa’ sau Bãi Tư Chính

Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần thứ hai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn và theo nhận định của một chuyên gia ở Washington, Mỹ muốn gửi đi một thông điệp tới Việt Nam và ExxonMobil rằng Hoa Kỳ sẽ không để Bắc Kinh “hăm dọa” công ty dầu khí của họ tại mỏ Cá Voi Xanh.
Nói trong tuyên bố ra hôm 22/8, Mỹ “quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khi lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng đặc quyền kinh tế.”
Đây là lần thứ 2 Mỹ lên tiếng về hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông kể từ khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò địa chấn Hải Dương 8 vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và gây ra vụ đối đầu giữa các tàu hải cảnh của hai bên trong gần 2 tháng qua.
“các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và rằng Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ.”
Mỹ trước đó, trong thông cáo lần đầu tiên ra ngày 20/7 ngay sau khi Hà Nội cáo buộc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền Việt Nam,” đã lên tiếng về ngôn từ của Trung Quốc trong bộ quy tắc ứng xử với ASEAN trong đó Bắc Kinh tìm cách hạn chế quyền của các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Mỹ.
Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói với VOA rằng với một tuyên bố mạnh mẽ hơn lần trước, “Mỹ đặc biệt đang tìm cách gửi đi một thông điệp tới Việt Nam và Exxon rằng Mỹ quan tâm đến sự việc đang xảy ra này.”
ExxonMobil, tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, hiện đang liên doanh với Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh trị giá 10 tỷ USD được chính thức công bố hồi tháng 11/2017 tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.
“Mỹ không muốn thấy Exxon trở thành nạn nhân bị Trung Quốc đe dọa bởi vì sau lô của Rosneft hiện đang bị Trung Quốc quấy nhiễu ngoài khơi biển phía nam Việt Nam, dự án dầu khí lớn nhất tiếp theo của Việt Nam là dự án Cá Voi Xanh mà Exxon Mobil có ở ngoài khơi bờ biển phía bắc (Việt Nam),” ông Poling nói.
Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong Lô 118 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Tuy nhiên, với đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, thì Lô 118 cũng nằm trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Ông Gary Sands, một nhà nghiên cứu cao cấp của Wikistrat, viết trên The Diplomat rằng vị trí hoạt động khoan dầu mà Exxon báo cáo trên thực tế không nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố nhưng ở lưu vực mà Trung Quốc thăm dò năm 2014 với giàn khoan Hải Dương 981. Hoạt động của giàn khoan này tại khu vực biển đầy tranh chấp đã làm bùng lên các cuộc biểu tình ở Việt Nam trong thời gian đó.
Sức ép của Bắc Kinh
Trong vòng chưa đầy 1 năm từ 2017 đến 2018, Việt Nam được cho là đã phải hủy hai dự án khai thác dầu khí ngoài khơi với đối tác Repsol của Tây Ban Nha do sức ép từ Bắc Kinh.
Với việc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/3, Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển”, sau khi Hà Nội “cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật là Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển nằm ở phía Tây của Bãi Tư Chính,” theo ông Ryan Martinson, chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Trường Hải chiến Hoa Kỳ.
Các hành động của Trung Quốc từ năm 2017 cho thấy họ đã trở nên “hung hăng hơn trong việc thách thức tất cả các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính,” theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales trong bản tin phân tích trính trị và các vấn đề an ninh khu vực ra ngày 17/8.
“Không rõ quan điểm của Trung Quốc đối với Exxon thế nào nhưng một điều rõ ràng là Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận việc khoan dầu trong cái mà họ coi là vùng biển có tranh chấp,” nhà nghiên cứu Poling của CSIS nói.
Theo ông Poling, “lô của Exxon nằm trong vùng 200 hải lý của (Việt Nam) trong quần đảo Hoàng Sa và do đó Trung Quốc có thể hoàn toàn tuyên bố nó thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ ở Hoàng Sa.”
Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 45 năm, theo truyền thông trong nước.
Nhà nghiên cứu của CSIS nhận định rằng Trung Quốc “đã luôn nhập nhằng về Exxon” và liệu Trung Quốc có “gây ra vấn đề lớn với Exxon hay không sẽ là một quyết định chính trị. Nó hoàn toàn phụ thuộc và việc họ cảm thấy thế nào với Việt Nam và họ cảm thấy thế nào với phía Mỹ.”
Tuy nhiên, ông Poling cho rằng Mỹ sẽ không dùng lực lượng quân sự để bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc trong bối cảnh vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính ngày càng leo thang.
“Nhưng Mỹ sẽ tìm cách để làm mọi thứ có thể để đánh động thế giới về những gì Trung Quốc đang làm bởi vì Trung Quốc càng trông như là một kẻ bắt nạt không được thừa nhận thì cái giá mà Trung Quốc phải trả cho hành vi của họ càng đắt,” ông Poling nói.
Giáo sư Thayer cũng từng nhận định với VOA rằng Mỹ sẽ không đơn phương bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc ở Biển Đông vì Việt Nam không phải là một đồng minh cũng như không phải là một đối tác chiến lược của Mỹ.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là nước duy nhất cho tới lúc này chỉ tên thẳng Trung Quốc trong vụ tranh chấp tại Bãi Tư Chính nhưng theo ông Poling, việc chỉ có Mỹ lên tiếng thôi thì chưa đủ.
“Vấn đề lớn hơn của Việt Nam là làm thế nào để có được sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu, Úc, Nhật và các thành viên ASEAN,” nhà nghiên cứu của CSIS nói. “Không ai trong số họ nói một lời nào về sự quấy rối của Trung Quốc trong gần hai tháng qua.”
Việt Nam đã tìm cách đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị của ASEAN tại Bangkok đầu tháng trước nhưng không nhận được nhiều ủng hộ từ khối này. Ủy ban châu Âu lên tiếng khẳng định quan điểm của EU ủng hộ “đảm bảo tự do hàng hải, hàng không vì lợi ích của các nước, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế” đầu tháng 8 nhưng không đề cập đến Trung Quốc. Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng chỉ bày tỏ “quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông” khi gặp mặt lãnh đạo Việt Nam vào tuần trước.
Ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế, một trong những giải pháp để giúp Việt Nam chống lại sự “bắt nạn” của Trung Quốc về lâu dài là kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như các chuyên gia Mỹ đề xuất qua các cuộc phỏng vấn với VOA. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc liệu Hà Nội có xem xét tiến hành hành động pháp lý chống lại Trung Quốc hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-muon-exxonmobil-bi-trung-quoc-ham-doa-sau-bai-tu-chinh/5057289.html

TT Trump muốn tổ chức hội nghị G7

ở khu nghỉ dưỡng riêng

Hôm 26/8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông có thể đăng cai Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 vào năm tới tại một trong những khu nghỉ dưỡng và chơi golf của ông ở Miami, bang Florida, có tên gọi Trump National Doral, theo Reuters.
Các quốc gia G7 thay phiên nhau tổ chức hội nghị thượng đỉnh, thường chọn các địa điểm có cảnh đẹp thiên nhiên.
Ông Trump cho biết, khu nghỉ dưỡng ở Florida là một lựa chọn hoàn hảo, xét về cả quy mô và vị trí chỉ cách sân bay Miami năm phút lái xe.
“Họ thích vị trí khu nghỉ dưỡng, họ cũng thích vì nó thuận tiện, nằm ngay cạnh sân bay. Và đó là Miami, Doral, Miami, vì vậy đây là một khu vực tuyệt vời,” ông Trump nói tại hội nghị thượng đỉnh năm nay ở thị trấn duyên hải Biarritz của Pháp.
Cho đến nay, ông Trump đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, Canada và Pháp. Các cuộc họp này đều được tổ chức cách xa nơi đỗ chiếc máy bay Airforce One của ông, và như vậy ông phải di chuyển bằng trực thăng hoặc bằng một chiếc máy bay nhỏ hơn để đến nơi họp.
Mặc dù không thích việc phải đổi máy bay ở Pháp, nhưng ông Trump đã ca ngợi việc sắp xếp cuộc họp ở Biarritz, tại một trung tâm hội nghị nhìn ra Đại Tây Dương.
“Chúng tôi có thể học từ những gì họ đã làm ở đây, thậm chí về mặt kiến trúc, cách sắp xếp phòng ốc,” ông nói.
Tuy nhiên, ông nói rõ rằng ông sẽ không cho bất kỳ vị khách bất ngờ nào xuất hiện, như Pháp đã mời Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đến tham dự các cuộc hội đàm bên lề cuộc họp G7 vào ngày 24/8.
Hôm 26/8, Tổng thống Trump cho biết ông không ngạc nhiên khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Ngoại trưởng Zarif đến thăm hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Biarritz, theo đài truyền hình CBS.
Ông Trump nói: “Tổng thống Pháp có hỏi tôi. Tôi không coi đó là sự thiếu tôn trọng, nhất là khi ông ấy hỏi ý kiến tôi.”
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-muon-to-chuc-hoi-nghi-g7-o-khu-nghi-duong-rieng/5057228.html

G7 : Donald Trump xuống giọng đối với Iran

Tú Anh
Thượng đỉnh G7 kết thúc vào hôm nay 26/08/2019. Tại Biarritz, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính ông đồng ý để ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Pháp, bên lề thượng đỉnh G7.
Sự kiện ngoại trưởng Iran lưu lại gần 5 tiếng đồng hồ, đàm đạo với tổng thống Emmanuel Macron tại Tòa thị chính Biarritz, và tuyên bố hòa dịu của tổng thống Mỹ là dấu hiệu cho thấy căng thẳng trên hồ sơ hạt nhân Iran tạm xuống thang, lập trường Washington bớt cứng rắn.Theo lời tổng thống Donald Trump, ông đã « đồng ý » khi tổng thống Pháp hỏi ý kiến và « xin được chấp thuận ».
Theo đặc phái viên Valérie Gas, tổng thống Pháp đánh ván bài liều lĩnh :
Emmanuel Macron đánh cược với rủi ro để gây dấu ấn, nhân thượng đỉnh G7 đúng thời cơ của mình. Khi dàn dựng kịch bản chuyến thăm viếng bất ngờ của ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, tổng thống Pháp rõ ràng là muốn chơi ván bài may rủi mà ông đã chuẩn bị nhân buổi ăn trưa ngày hôm trước với tổng thống Mỹ Donald Trump và trong buổi ăn tối với các đồng nhiệm G7.
Emmanuel Macron đã làm tất cả để dọn đường và tự cho phép hành động. Elysée khẳng định đó là một sáng kiến của Pháp.
Chính vì thế mà tổng thống Pháp phải đi dây khi vừa tìm đồng thuận giữa các thành viên G7 để hành động chung vừa cùng lúc tiến hành một chiến lược vì bản thân. Chính ông thú nhận tại Biarritz, mỗi người đóng vai trò của mình.
Đối với Emmanuel Macron, vai trò này là đánh cược với rủi ro.
Tổng thống Pháp theo đuổi một chính sách ngoại giao tùy cơ hội. Lời qua tiếng lại với tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, về vụ cháy rừng Amazon là một minh chứng khác cho phép ông lợi dụng thời cơ để làm nhà vô địch bảo vệ môi trường.
Vấn đề là nếu các nỗ lực này không mang lại kết quả thì tổng thống Pháp sẽ rơi vào tính thế khó xử.
Theo AFP, về sáng kiến huy động hợp tác quốc tế giúp Brazil đối phó với thảm nạn cháy rừng Amazon, cũng như dự án đánh thuế bốn tập đoàn kỹ thuật số của Mỹ – điểm xung khắc giữa Washington và Paris, kết quả sẽ được loan báo nhân cuộc họp báo chung Trump-Macron vào trưa nay, nhưng tổng thống Mỹ cho biết trước là hai bên « sắp đạt được thỏa thuận ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190826-g7-donald-trump-xuong-giong-doi-voi-iran

Giá xăng trung bình ở Hoa Kỳ

giảm còn 2.66 mỹ kim

Theo tin từ KTLA, giá xăng trung bình của Hoa Kỳ đã giảm 8 cent mỗi gallon (tương đương 3.8 lít) xuống còn 2.66 Mỹ kim trong hai tuần qua.
Hôm Chủ Nhật (25 tháng 8), nhà phân tích công nghiệp Trilby Lundberg thuộc nhóm Khảo sát Lundberg cho biết nguồn cung cấp dồi dào và chi phí dầu thô thấp đã góp phần khiến giá xăng giảm. Mức giá hiện tại thấp hơn 25 xu so với một năm trước.
Theo KTLA đưa tin, mức giá trung bình cao nhất trong cả nước là 3.57 Mỹ kim/gallon ở tiểu bang California và Hawaii. Trong khi mức trung bình thấp nhất là 2.07 Mỹ kim ở thành phố Baton Rouge, Louisiana.
Ngoài ra, giá dầu diesel trung bình giảm 3 xu, xuống còn 3.01 Mỹ kim/gallon. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/gia-xang-trung-binh-o-hoa-ky-giam-con-2-66-my-kim/

Cựu nhân viên DMV bị kết án tù vì nhận hối lộ

Vào hôm thứ sáu (23 tháng 8), Văn phòng biện lý Hoa Kỳ tại California cho biết một cựu nhân viện Nha Lộ Vận Hoa Kỳ (DMV) bị kết án gần 2 năm tù vì nhận hối lộ để sửa kết quả thi lấy bằng lái.
Ông Aaron Gilliam, 51 tuổi, sống tại Sherman Oaks, đã thừa nhận việc nhận hối lộ và truy cập cơ sở dữ kiện của DMV, nhằm thay đổi kết quả thi lấy bằng lái cho những người chưa thi hoặc không qua được bài thi viết, trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 7 năm 2017.
Các viên chức tư pháp trích dẫn kết quả điều tra cho biết ông Gilliam đã cấp tổng cộng 57 giấy phép lái xe giả cho những người đưa tiền hối lộ. Theo KTLA, ông Gilliam làm việc tại văn phòng DMV ở Hollywood từ năm 2006, nhưng chỉ bắt đầu giải quyết hồ sơ giấy phép lái xe ở đó từ năm 2011 đến 2017. Theo Văn phòng biện lý Hoa Kỳ, ông Gilliam bị buộc tội âm mưu phạm tội hối lộ, giả dạng danh tính và truy cập trái phép vào máy tính của văn phòng.
Tờ Sacramento Bee đưa tin rằng việc tuyên án ông Gilliam là một phần của cuộc điều tra hình sự tương tự vào tháng trước, khi hai cựu nhân viên DMV từ Sylmar bị kết án hơn hai năm tù liên bang, sau khi nhận tội nhận hối lộ và cấp hơn 216 giấy phép lái xe thương mại giả. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cuu-nhan-vien-dmv-bi-ket-an-tu-vi-nhan-hoi-lo/

Người tị nạn Venezuela ồ ạt tràn vào Ecuador

Kể từ ngày 26/08/2019, chỉ những người tị nạn Venezuela có giấy phép nhập cảnh vì lý do nhân đạo (visa nhân đạo) mới có thể vào Ecuador. Hàng ngàn người tại khu vực biên giới đã chạy đua thời gian để nhập cảnh trước ngày chính sách này có hiệu lực.
Thông tín viên Eric Samson cho biết thêm chi tiết:
Phía bên kia cầu biên giới Rumichaca, lãnh thổ Ecuador, có 18 cửa làm thủ tục nhập cảnh đón tiếp người tị nạn sở hữu visa nhân đạo. 18 cửa, trong hoàn cảnh thông thường thì đủ, nhưng lại bị quá tải khi phải đón tiếp hàng ngàn người tị nạn như hiện nay.
Để tránh tình trạng hỗn loạn, nhà chức trách Ecuador đã phát vòng đeo tay nhựa mầu xanh đánh số thứ tự nhằm tổ chức lại dòng người xếp hàng chờ đợi mỗi lúc một dài thêm. Bởi lẽ hiện có quá nhiều người di cư Venezuela đến xin nhập cảnh, ước tính lên đến 5.000 người mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn.
Cảnh sát vừa thông báo từ thứ Hai (26/08) thắt chặt kiểm soát tại 26 điểm qua lại bất hợp pháp, tránh trường hợp những người không có visa nhân đạo vào Ecuador. Nhà chức trách đề nghị những người không có visa này đến xin tại lãnh sự quán Ecuador ở Caracas, Bogota và Lima.
Tại vùng biên giới, không có thông tin hoặc thông tin không được phổ biến đầy đủ. Dù đã nghe nói đến chính sách visa mới nhưng những người tị nạn không biết chi tiết chương trình ân xá hoặc hợp lệ hóa quy chế mà chính quyền Quito sẽ đưa ra vào tháng 10 tới.
Đặc biệt, rất nhiều người không để ý rằng chương trình này chỉ cấp visa, có thể được gia hạn 2 năm, cho những người đã nhập cảnh Ecuador trước ngày 26/07 vừa qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190826-nguoi-ti-nan-venezuela-o-at-tran-vao-equador-truoc-khi-chinh-sach-nhap-canh-nhan-da

Quân đội Brazil dùng máy bay để chữa cháy ở Amazon

Tin từ BRASILIA/PORTO VELHO, Brazil – Theo tin từ Reuters, các máy bay của Brazil đang đổ nước vào khu rừng bị hỏa hoạn ở tiểu bang Rondonia của Amazon, nhằm phản ứng trước sự phẫn nộ toàn cầu về sự tàn phá tại rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Một phát ngôn viên của văn phòng tổng thống cho biết, kể từ hôm Chủ Nhật 24/08, tổng thống Jair Bolsonaro phê chuẩn các hoạt động quân sự ở bảy tiểu bang để chống lại các đám cháy dữ dội ở Amazon, và đáp lại yêu cầu hỗ trợ từ chính quyền địa phương của họ.
Hãng tin Reuters đi cùng một đội cứu hỏa gần thủ đô Porto Velho, nơi có những khu vực bị thiêu rụi rộng hơn cả sân túc cầu, nhưng những đám cháy nay được khống chế và thu hẹp thành những khu vực nhỏ của từng cây. Hàng chục lính cứu hỏa mặc áo vàng từ cơ quan thực thi môi trường Ibama dễ dàng
dọn sạch bụi cây ở xung quanh một gốc cây đang cháy bằng máy thổi lá, dập lửa bằng các vòi nối với các túi nước gắn trên lưng và phủ đất lên bề mặt. Đoạn video do Bộ Quốc phòng đăng tải vào tối hôm thứ Bảy cho thấy một chiếc máy bay quân sự bơm hàng ngàn lít (hàng ngàn gallon) nước ra khỏi hai vòi khổng lồ trong khi bay qua những đám mây khói gần tán rừng.
Hành động này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo trong nhóm G7 hiện đang họp tại Pháp bày tỏ mối lo ngại lớn về những vụ hỏa hoạn. Vào hôm Chủ nhật (25/8), tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết G7 sẽ “hỗ trợ kỹ thuật và tài chính” cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các đám cháy ở Amazon. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/quan-doi-brazil-dung-may-bay-de-chua-chay-o-amazon/

Người dân Brazil biểu tình kêu gọi bảo vệ rừng Amazon

Gia Hưng
Dưới áp lực quốc tế, chính quyền Brazil khẩn cấp huy động quân đôi đối phó nạn cháy rừng ngày một lan rộng. Theo con số mới nhất của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc Gia Brazil, có thêm 1.130 vụ cháy rừng xảy ra trong 24 giờ. Hàng ngàn người biểu tình Brazil hôm qua, 25/08/2019, xuống đường kêu gọi bảo vệ rừng Amazon.
Thông tín viên François Cardona từ Rio tường trình :
Hàng ngàn người tuần hành trên bãi biển Ipanema nhằm phản đối chính sách môi trường và việc đối phó với nạn cháy rừng Amazon của tổng thống Jair Bolsonaro. Bétina, một dược sỹ 28 tuổi, cùng với bạn bè tham gia cuộc biểu tình. Cô tô mặt và tay màu đỏ để gây chú ý người qua đường.
Cô nói :  « Rừng Amazon vô cùng quan trọng, không chỉ vì là lá phổi của thế giới, mà còn là nơi sinh sống của các cộng đồng thiểu số, và họ càng ngày càng trở thành nạn nhân của ngành khai thác kinh doanh nông nghiệp, muốn phá rừng, gây nguy hại tới các loại vật và người dân ở đây.»
Nạn phá rừng ngày càng lan rộng dưới chính quyền Jair Bolsonaro. Vào thời điểm hiện tại, các phương tiện được huy động để ngăn chặn các vụ cháy vẫn chưa đủ. Đây là lý do Ilda, 55 tuổi, và các con của bà đi biểu tình. Bà cho biết : « Việc người dân xuống đường biểu tình rất quan trọng, vì ông Bolsonaro đang biếu tặng Brazil cho tầng lớp giàu có. Ông ta hợp tác với các tập đoàn lớn, và giới địa chủ nghĩ rằng rừng Amazon là của họ.
Nhiều cuộc biểu tình khác cũng được diễn ra trên khắp cả nước, nhưng làn sóng biểu tình bảo vệ rừng Amazon hiện vẫn chưa phải quá lớn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190826-nguoi-dan-brazil-bieu-tinh-keu-goi-bao-ve-rung-amazon

Cháy rừng Amazon:

G7 nhất trí chi 22 triệu USD để dập lửa

Các lãnh đạo thế giới đang họp tại thượng đỉnh G7 nhất trí hỗ trợ về tài chính và hậu cần nhằm dập các vụ hỏa hoạn đang hoành hành ở rừng nhiệt đới Amazon.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các nước G7 sẽ chi 22 triệu USD.
Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói kế hoạch lập “liên minh” để “cứu” rừng Amazon của ông Macron coi Brazil “như thể chúng tôi là một thuộc địa hay một vùng đất không người.”
Những đám cháy kỷ lục đang hoành hành ở Brazil, phần lớn là trong rừng rậm Amazon, theo các dữ liệu của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (Inpe) Brazil.
Các vị lãnh đạo Canada, Pháp, Đức, Nhật, Ý, Pháp, Anh và Mỹ đạt sự đồng thuận tại cuộc họp thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Biarritz, Pháp.
Cháy rừng Amazon tồi tệ đến mức nào?
Brazil đưa quân đội tới rừng Amazon để dập lửa
Ông Macron nói khoản tiền này sẽ được chi “ngay lập tức” – chủ yếu là cho máy bay cứu hỏa.
“Pháp cũng sẽ có sự ủng hộ cụ thể bằng quân đội đang ở trong khu vực trong vài giờ tới,” vị lãnh đạo Pháp nói.
Tuy vậy, ông Bolsonara – người đã có lời qua tiếng lại công khai với ông Macron trong vài tuần qua – cáo buộc vị tổng thống Pháp đã mở “cuộc tấn công bất hợp lý và vô cớ với các nước khu vực Amazon,” và “che giấu ý đồ của mình đằng sau ý tưởng một ‘liên minh’ của các nước G7″.
Ông viết trên mạng xã hội Twitter rằng chủ quyền của Brazil cần phải được tôn trọng – và nói ông đã bàn với tổng thống Colombia về sự cần thiết phải có một ‘kế hoạch chung” từ các nước trong khu vực Amazon.
Hồi tuần trước, ông Macron mô tả nạn cháy rừng là một “cuộc khủng hoảng quốc tế” và thúc giục ưu tiên thảo luận vấn đề này tại thường đỉnh G7.
Mức độ nghiêm trọng của nạn cháy rừng, và phản ứng của chính phủ Brazil, đã gây bất bình khắp thế giới và dẫn đến các cuộc biểu tình.
Những người chỉ trích lên án tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã “bật đèn xanh” cho việc hủy hoại rừng Amazon qua những lời lẽ phản đối bảo vệ môi trường và thiếu hành động ngăn chặn các vi phạm phá rừng.
Brazil đang làm gì?
Hôm thứ Sáu 23/8, trước sức ép ngày càng tăng từ nước ngoài, Tổng thống Bolsonaro ra lệnh cho quân đội vào cuộc hỗ trợ dập lửa.
Bộ trưởng quốc phòng Brazil nói 44.000 quân sẵn sàng tham gia vào hoạt động dập lửa và các quan chức nói hôm Chủ nhật quân đội đã được triển khai ở bảy tỉnh.
Phi cơ chiến đấu cũng được điều tới để phun nước ở các vùng có cháy rừng.
Vị tổng thống viết trên twitter hôm Chủ nhật rằng ông đã chấp nhận đề nghị trợ giúp từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Trước đó, Tổng thống Bolsonaro chỉ trích phản ứng của các chính phủ nước ngoài và cáo buộc họ can thiệp vào chủ quyền quốc gia của Brazil.
Hôm thứ Bảy 24/8, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk thừa nhận khó có khả năng EU sẽ phê chuẩn thỏa thuận thương mại EU-Mercosur được trông đợi từ lâu trong lúc Brazil vẫn thất bại trong việc khống chế các vụ cháy rừng.
Trong bối cảnh chỉ trích tăng cao tuần trước, bộ trưởng tài chính Phần Lan kêu gọi EU xem xét cấm nhập khẩu hoàn toàn thịt bò từ Brazil.
Cháy rừng trầm trọng tới mức nào?
Cháy rừng thường xảy ra trong mùa khô ở Brazil, nhưng những dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (Inpe) cho thấy các vụ cháy rừng năm nay tăng tới 85%.
Họ nói từ đầu năm 2019, hơn 75.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận, và hầu hết ở khu vực Amazon.
Các nhà vận động môi trường đưa ra liên hệ giữa quan điểm của Tổng thống Bolsonaro về môi trường và số các vụ cháy rừng tăng vọt trong vùng rừng rậm nổi tiếng thế giới.
Cháy rừng ở Amazon rất nghiêm trọng
Tổng thống Bolsonaro bị cáo buộc đã dung túng các công ty khai thác mỏ và gỗ, những người cố ý đốt lửa để phá rừng lấy đất. Hồi đầu tháng, vị tổng thống cáo buộc Inpe cố tình làm tổn hại chính phủ của ông bằng cách công bố dữ liệu cho thấy mức độ phá rừng tăng mạnh.
Phân tích của BBC cho thấy số vụ cháy rừng tăng lên cũng xảy ra đồng thời với việc giảm mạnh số các vụ vi phạm bảo vệ môi trường bị phạt.
Nước láng giềng Bolivia cũng đang vật lộn để khống chế ngọn lửa đang cháy trong các khu rừng của nước này.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Bolivia Evo Morales ngừng chiến dịch vận động tái cử và nói ông sẵn sàng nhận tất cả các nguồn hỗ trợ của quốc tế để khống chế hỏa hoạn tại vùng Chiquitania của nước ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49472071

Cháy rừng Amazon:

G7 đồng ý giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/08/2019 tuyên bố trong buổi họp báo rằng các nước trong khối G7 đã nhất trí « nhanh chóng giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng » bởi vụ cháy rừng Amazon.
Hình ảnh Amazon, khu rừng cung cấp 20% lượng oxy cho trái đất bị cháy trong nhiều ngày qua đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và trở thành đề tài thảo luận của các quốc gia G7 đang nhóm họp tại Biaritz, miền tây nam nước Pháp.
Tất cả các quốc gia trong khối G7 đều đồng ý nhanh chóng giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng sau lời kêu gọi giúp đỡ của Colombia.
Theo AFP, tổng thống Macron, người đã chỉ trích sự thờ ơ của đồng nhiệm Brasil Jair Bolsonaro trước viễn cảnh lá phổi xanh của trái đất đang bị cháy, đã tuyên bố trong buổi họp báo: « Chúng ta phải hiện diện (ở đó) »
Nguyên thủ Pháp cho biết đang có những liên lạc « với tất cả các quốc gia có liên quan đến rừng Amazon… để có thể hoàn tất các cam kết rất cụ thể về các phương tiện tài chính và kỹ thuật. »
Ông Macron cho biết thêm: « Chúng tôi đang xem xét thiết lập một cơ chế huy động cộng đồng quốc tế để có thể giúp đỡ các quốc gia này một cách hiệu quả nhất. »
Về việc tái phủ xanh khu rừng Amazon về lâu dài, ông Macron nhấn mạnh đây là một thách thức không chỉ đối với các quốc gia liên quan có chủ quyền mà đối với cả cộng đồng quốc tế.
Cuộc khủng hoảng môi trường này có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệp định thương mại giữa Liên Hiệp châu Âu và khối Mercosur (Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay) đã ký hồi cuối tháng 6 sau 20 năm đàm phán. Chính quyền Pháp cáo buộc tổng thống Brazil Bolsonaro đã « nói dối » về các cam kết bảo vệ môi trường và do vậy sẽ không thông qua thỏa thuận thương mại nói trên.
Colombia đề nghị đàm phán hiệp ước khu vực về Amazon
Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 26/08/2019 cho biết, nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 09/2019, ông sẽ đề xuất một bản hiệp ước khu vực liên quan đến việc bảo tồn rừng Amazon.
Trước đó, tại khu làng Isla Ronda, một phần của rừng Amazon, nằm giáp với Perou và Brasil, tổng thống Colombia đã phát biểu: « Chúng tôi muốn thí điểm một hiệp ước bảo tồn rừng giữa các quốc gia chia sẻ mảnh đất này ».
Trong cuộc họp với người đồng cấp Peru Martin Vizcarra vào ngày 27/08, tổng thống Colombia sẽ trao đổi về chủ đề này.
http://vi.rfi.fr/phap/20190826-chay-rung-amazon-g7-dong-y-giup-do-cac-nuoc-bi-anh-huong

G7: Thượng Đỉnh Biarritz bàn cách bảo vệ đại dương

Mai Vân
Trong chương trình nghị sự của ngày cuối thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp, vào hôm nay, 26/08/2019, lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã dành một phần chương trình nghị sự cho chủ đề bảo vệ đại dương, vốn đã được Quỹ Surfrider Châu Âu, tổ chức đấu tranh bảo vệ đại dương nêu bật trong một kiến nghị.
Từ Biarritz, đặc phái viên RFI Pierre Olivier phân tích :
Trong các chủ đề được nêu lên trong kiến nghị của Surfrider Foundation Europe, nổi bật là cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa trong đại dương. Thật vậy, tác động của các nước thành viên G7 đối với ô nhiễm biển rất đáng kể.
Bà Gaëlle Haut, thành viên của Quỹ Surfrider giải thích : « Chúng ta nên biết rằng sản lượng nhựa của chúng ta đã nhân lên gấp 200 lần trong 70 năm gần đây, một khối lượng cực lớn. Chủ đề của Thượng Đỉnh G7 cũng là cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng, và chúng ta đang phải đối mặt với một hiện tượng ngày càng nghiêm trọng : Các nước giầu ở phương Bắc gửi chất thải nhựa của mình xuống các nước phương Nam. Do đó, chống ô nhiễm nhựa cũng là chống lại sự bất bình đẳng ».
Hiệp hội chuyên hoạt động bảo vệ các đại dương, cũng muốn nhắc nhở một số quốc gia G7 về các cam kết của họ trong Thỏa Thuận Paris năm 2015, bao gồm cả việc khử toàn bộ khí cacbon ra khỏi ngành vận chuyển đường biển ngay từ năm 2050.
Một vấn đề khác cần khắc phục là tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên biển.
Điểm sau cùng cần chú ý là hiểm họa đến từ mực nước biển dâng cao, Tình trạng này sẽ làm tăng số người tị nạn khí hậu và tình trạng di cư đến các vùng cao.
Do đó, đối với Quỹ Surfrider, bây giờ là lúc phải suy nghĩ về việc bảo vệ đại dương để tạo điều kiện giảm bất bình đẳng.
Tổng cộng, đã có hơn 50 tổ chức đã ký tên vào kiến nghị gởi đến các nhà lãnh đạo G7.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190826-g7-thuo%CC%A3ng-di%CC%89nh-biarritz-ba%CC%80n-ca%CC%81ch-ba%CC%89o-ve%CC%A3-da%CC%A3i-duong

G7: Nghệ thuật ngoại giao

táo bạo và khôn khéo của tổng thống Pháp

Tú Anh
Hội nghị G7 kết thúc vào hôm nay 26/08/2019 sau ba ngày họp tại Biarritz đã đưa đến một số kết quả cụ thể, đặc biệt trên hồ sơ Iran, môi trường và công nghệ số.
Trước một Donald Trump phản ứng khó lường, nghệ thuật ngoại giao dàn cảnh của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hóa giải những tranh cãi tiêu cực. Một đạo diễn kỳ tài, theo nhận định của giới phân tích.
Tiếp Vladimir Putin hồi giữa tháng 8, mời Donald Trump ăn trưa trước giờ G7 khai mạc hay sẽ hội kiến với Tập Cận Bình vào tháng 11, cho thấy tổng thống Emmanuel Macron, tin vào quan hệ cá nhân, không xem ai là đối thủ.
Đối thoại với tất cả, nếu có thể sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong mọi xung khắc, đặt nước Pháp vào trung tâm bàn cờ thế giới. Đó là phương châm ngoại giao mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron áp dụng triệt để trong ba ngày thượng đỉnh G7 gồm các nước công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới.
Ý thức vị thế áp đảo của phe Tây phương ngày càng yếu đi do chia rẽ nội bộ hay bị các nước đang lên tranh giành ảnh hưởng, tổng thống Pháp muốn chuyển đổi G7 thành một câu lạc bộ bán chính thức giữa các đại cường, muốn mở rộng đến Nam Phi, Úc và Ấn Độ.
Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump, với phản xạ và văn hóa của một doanh nhân, lúc nào cũng nhắm vào những « hợp đồng vĩ đại » thì tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy sao cho đả thông bế tắc, đạt được tiến triển nào đó trên các hồ sơ nóng đe dọa hòa bình hay tương lai sống còn của nhân loại.
Được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều tháng, thượng đỉnh G7 được dự kiến sẽ gay go, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo hoặc bị suy yếu như thủ tướng Đức, hoặc phân tâm vì chính trị đối nội như tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, Ý. Trong bối cảnh này, Le Monde, nhật báo khó tính nhất của Pháp, cũng nhìn nhận tổng thống Macron đã thành công khi tất cả các hồ sơ nóng hiện nay đều được đưa ra thảo luận. Đó là thương chiến Mỹ-Trung, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, có nên mở cửa cho Nga tái hội nhập G7 hay không, cháy rừng Amazon, khí hậu, đại dương ô nhiễm, khủng hoảng Iran và thuế GAFA đánh lên các tập đoàn kỹ thuật số Hoa Kỳ.
Điều tiến bộ cụ thể không ai phủ nhận là cuộc khủng hoảng Iran. Sự kiện ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif bất ngờ đến Biarritz trong 5 tiếng đồng hồ, không được mời tham gia hội nghị nhưng được hội kiến với tổng thống và ngoại trưởng Pháp, đã đặt hồ sơ hạt nhân vào trung tâm thượng đỉnh. Nếu không có quyết định chung nhân « bữa ăn trưa » ngày hôm trước, có lẽ tổng thống Donald Trump đã không giữ thái độ thản nhiên, thậm chí còn tuyên bố chính ông « khuyến khích » tổng thống Macron mời ngoại trưởng Iran. Theo Reuters, chủ nhân Nhà Trắng dường như chấp nhận cho ngoại giao cơ hội giải quyết khủng hoảng khi tuyên bố thêm sau đó : G7 thống nhất lập trường.
Một hồ sơ nóng khác đang gây xung khắc Mỹ- Pháp và có châu Âu đứng sau, là chuyện đánh thuế các tập đoàn tin học lớn, (thường được gọi một cách không chính xác là thuế GAFA, bao gồm 4 tập đoàn Mỹ Google, Apple, Facebook và Amazon). Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ trả đũa trên rượu vang của Pháp. Theo tin mới nhất, trước cuộc họp báo chung kết thúc G7 dự kiến vào 15 giờ 30 giờ Pháp, Donald Trump tuyên bố hai bên sắp đạt được thỏa thuận.
Bình luận về G7, nhật báo cánh tả Libération cũng nhìn nhận Emmanuel Macron với cao vọng, với nỗ lực đối thoại không ngừng nghỉ và khôn khéo thuyết phục, nên tránh cho thế giới một cuộc chiến tại Trung Đông.
Tuy với tổng thống Donald Trump, tương lai sẽ còn nhiều bất trắc nhưng rõ ràng là với thiện chí và nghị lực của Emmanuel Macron, một khung thỏa thuận mới giữa Washington và Teheran đã được phác họa.Theo nhận định của Robert Malley, nhà phân tích của International Crisis Group ICG, nếu thành công thì đó là một chiến thắng to lớn, còn nếu thất bại thì có ai nỡ trách tổng thống Pháp làm chi.
Dù sao thì cũng không nên lạc quan thái quá. Trên Le Figaro, nhà bình luận Guillaume Tabard cảnh giác : Giữa thành quả một hội nghị và hiệu quả thực tế bao giờ cũng có sự khác biệt. Ván bài thấu cáy của Macron liệu có tác động gì lên tình hình căng thẳng tại Trung Đông, ngọn lửa thiêu đốt rừng Brazil và chiến tranh thương mại đe dọa hàng xuất khẩu của Pháp ?
http://vi.rfi.fr/phap/20190826-g7-nghe-thuat-ngoai-giao-tao-bao-va-khon-kheo-cua-tong-thong-phap

Macron lên án Bolsonaro

vì bình luận ‘thiếu tôn trọng’ về vợ ông

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công kích Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì đã tán thành những bình luận “thô lỗ” về vợ ông.
Một người ủng hộ ông Bolsonaro giễu cợt bà Brigitte, 66 tuổi, vợ ông Macron trong một post viết trên Facebook.
Bài viết này đăng một bức ảnh so sánh ngoại hình của đệ nhất phu nhân Pháp với vợ ông Bolsonaro, bà Michelle Bolsonaro, 37 tuổi.
“Giờ thì các bạn hiểu tại sao Macron lại tấn công Bolsonaro rồi?”, người này viết.
Đáp lại nhận xét đó, ông Bolsonaro viết (bằng tiếng Bồ Đào Nha): “Đừng có làm bẽ mặt ông ta, ha ha.”
Khi được hỏi về bình luận của ông Bolsonaro, ông Macron nói nó “hết sức thô lỗ” và “đáng buồn”.
Các nước G7 hỗ trợ dập cháy rừng Amazon
Cháy rừng Amazon tồi tệ đến mức nào?
Brazil đưa quân đội tới rừng Amazon để dập lửa
“Ông ta nói những điều rất thiếu tôn trọng về vợ tôi. Tôi rất tôn trọng người dân Brazil và chỉ có thể hy vọng họ sớm có một vị tổng thống làm được việc, ” ông Macron nói trong một cuộc họp báo tại thượng đỉnh G7 ở Biarritz hôm thứ Hai.
Vụ việc này cho thấy rõ mức độ gay gắt trong bất đồng giữa ông Macron và Bolsonaro xuất phát từ các vụ cháy rừng Amazon.
Ông Macron đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới hành động để đối phó với các đám cháy rừng đang phá hủy rừng nhiệt đới Amazon.
Ông Macron mô tả nạn cháy rừng là một “cuộc khủng hoảng quốc tế”. Những người chỉ trích lên án tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã “bật đèn xanh” cho việc hủy hoại rừng Amazon qua những lời lẽ phản đối bảo vệ môi trường và thiếu hành động chống nạn phá rừng.
Nhưng ông Bolsonaro, không nằm trong các lãnh đạo G7, cáo buộc ông Macron có “tư tưởng thuộc địa chủ nghĩa”.
TQ chúc mừng Jair Bolsonaro vì lo ngại?
Brazil đuổi ngay 300 công chức ‘xã hội chủ nghĩa’
Thêm cựu tổng thống Brazil bị bắt
Vị tổng thống cánh hữu của Brazil có quá trình đưa ra những bình luận xúc phạm về phụ nữ, người da đen và người thiểu số.
Một trong những lời nói tai tiếng nhất của ông xảy ra trong một cuộc tranh luận nảy lửa ở quốc hội với nữ nghị sĩ Maria do Rosario hồi tháng 9/2014.
“Tôi sẽ không hiếp bà vì bà không đáng để hiếp,” ông Bolsonaro nói với bà Rosario.
Ông Bolsonaro cũng gây phẫn nộ khi nói về con gái của chính mình trong một sự kiện công chúng vào tháng 4/2017. “Tôi có năm người con. Tôi có bốn con trai, và tới đứa thứ năm, tôi yếu đi và đứa con gái ra đời,” ông nói vào thời điểm đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49474361

Paris : 100 năm ngày thành lập Bảo tàng Rodin

Tuấn Thảo
Cách đây một thế kỷ, Viện bảo tàng Rodin đã được khánh thành ở số 79 đường Varenne tại Paris, mở cửa đón tiếp khách tham quan vào mùa hè năm 1919, đúng theo di chúc của nhà điêu khắc Rodin. Sinh thời, ông Auguste Rodin đã từng chọn dinh thự Biron làm nơi trưng bày toàn bộ các tác phẩm sau ngày ông qua đời.
Sở dĩ nhà điêu khắc đã chọn dinh thự này làm viện bảo tàng mang tên ông, là vì Rodin đã từng sống và làm việc tại đây trong vòng hơn một năm, trong các xưởng sáng tác cùng lúc với hai nghệ sĩ Henri Matisse và Jean Cocteau. Do kiến trúc sư Jean Aubert xây dựng vào cuối những năm 1730, dinh thự này mang tên vị chủ nhân nổi tiếng nhất là Thống chế Biron (Louis Antoine de Gontaut-Biron 1701
1788). Sau nhiều lần đổi chủ, dinh thự này cuối cùng đã được nhà nước Pháp mua lại vào cuối thế kỷ 19.
Vào những năm 1909-1910, chính phủ Pháp dự trù bán lại dinh thự Biron cho một công ty đầu tư. Nhà điêu khắc Rodin đã vận động giới văn nghệ sĩ để chống lại dự án này. Ông Rodin viết thư nhờ đến sự giúp đỡ của ông Paul Escudier, luật sư và cũng là một chính trị gia. Trong bức thư, ông Rodin ghi rõ là ông sẵn sàng tặng cho nhà nước Pháp toàn bộ các tác phẩm của ông gồm các pho tượng đồng, đá hoa cương hay các bản thạch cao, ông tặng luôn các món đồ cổ mà ông đã sưu tầm trong hai thập niên cuối đời.
Đổi lại, ông yêu cầu nhà nước Pháp giữ nguyên dinh thự Biron và khuôn viên rộng tới ba hécta để làm nơi trưng bày các tác phẩm của mình, trong đó có các ‘‘chân dung’’ của nhiều nhân vật nổi tiếng như bức tượng bán thân của văn hào Victor Hugo, pho tượng nguyên thân của nhà văn Balzac, hay đài tưởng niệm kịch tác gia Henri Rochefort …..
Nhờ vào sự can thiệp của luật sư Escudier, mà kể từ năm 1916, ông Rodin đã ký ba văn bản hiến tặng cho nước Pháp các tác phẩm của ông, cùng với hai bộ sưu tập đồ cổ, thư viện cá nhân cũng như toàn bộ các thư từ trao đổi với giới trí thức cũng như văn nghệ sĩ. Vào đầu tháng 8 năm 1919, ông Louis Lafferre, Bộ trưởng Pháp chuyên trách Mỹ thuật và Giáo dục phổ thông thời bấy giờ đã khai trương Viện bảo tàng Rodin, gần hai năm sau ngày nhà điêu khắc qua đời.
Với gần 33.000 tác phẩm đủ loại trong kho lưu trữ, Viện bảo tàng Rodin hiện là nơi cất giữ lớn nhất trên toàn thế giới các tác phẩm của Rodin. Trong số các tác phẩm này, có một phần ba là bộ sưu tập nhiếp ảnh của Rodin, gồm hơn 10.000 bức ảnh chụp, ít khi nào được trưng bày cho công chúng do các tấm hình dễ bị hư hỏng dưới ánh sáng.
Điều đó cho thấy là lúc còn sống, nhà điêu khắc Pháp quan tâm nhiều đến ngành nhiếp ảnh, một hình thức vừa xuất hiện đầu thế kỷ 19 nhưng theo ông đầy tiềm năng nghệ thuật. Nhà điêu khắc Auguste Rodin đã hợp tác nhiều với các nhiếp ảnh gia thời bấy giờ như Eugène Druet, Edward Steichen, Stephen Haweis, Henry Coles hay là Jean-François Limet, thuộc phong trào ‘‘pictorialisme’’ chụp ảnh với cách sắp đặt bối cảnh tựa như những bức tranh vẽ …..
Trong những năm cuối đời, Rodin đã sưu tầm gần 6.500 món đồ cổ, có từ thời cổ đại Hy La, rồi Ai Cập, Ba Tư, Lưỡng Hà, Trung Mỹ, Ấn Độ cũng như Viễn Đông kể cả Trung Quốc, Nhật Bản, Cam Bốt hay Indonesia …. Các bảo vật này khi được trưng bày trong các buổi triển lãm theo chuyên đề thường nằm trên khu vực tầng một.
Dĩ nhiên, bộ sưu tập có giá trị nhất tại Viện bảo tàng Rodin vẫn là các bức điêu khắc của chính tác giả, bên cạnh các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác mà ông từng sưu tầm, trong đó có các bức tranh của Van Gogh, Renoir, Monet, Edvard Munch, Jacques-Émile Blanche hay là các pho tượng tuyệt đẹp của bà Camille Claudel, người từng là ‘‘học trò’’ và cũng là mối tình đầy sóng gió của Auguste Rodin.
Trong một bài viết về Viện bảo tàng Rodin nhân ngày khánh thành vào mùa hè năm 1919, nhà phê bình nghệ thuật Arsène Alexandre (1859-1937) đã ghi nhận sức sống phi thường trong các tác phẩm của Rodin, tượng tạc bằng đồng hay mài dũa phiến đá nhưng vẫn vô cùng sống động, đến nổi tác phẩm gây nhiều ấn tượng và cảm xúc khó phai trong trái tim người xem. Điều đáng ghi nhận là tên gọi quen thuộc của các bức tượng nổi tiếng nhất của Rodin là do công chúng đặt ra chứ không phải là của nhà điêu khắc.
Chẳng hạn như bức kiệt tác ‘‘Le Penseur’’ (Người suy tư) ở trong thế chống cằm ngồi trầm tư suy ngẫm. Kế đến là bức tượng ‘‘Le Baiser’’ (Nụ hôn), qua đó một cặp tình nhân đang say đắm hôn nhau, quấn quýt ghì chặt, vòng tay tha thiết. Cả hai bức điêu khắc này trong nguyên tác đều có tên khác nhau, nhưng đến khi được trưng bày đã khiến cho công chúng phải trầm trồ thán phục, họ đặt tên bức tượng theo cảm nhận đầu tiên.
Khách đến xem tác phẩm khen ngợi bàn tay của nhà điêu khắc, khéo tạc tượng Người suy tư nên người xem cũng trầm ngâm theo. Còn bức ‘‘Nụ hôn’’, tuy chỉ là một chi tiết nhỏ gợi hứng từ Thần Khúc của Dante (Divina Commedia), nhưng lại dạt dào tuôn chảy muôn niềm đam mê, cuồng nhiệt nóng bỏng còn hơn lửa địa ngục.
http://vi.rfi.fr/phap/20190826-paris-100-nam-ngay-thanh-lap-bao-tang-rodin

Trump tuyên bố Mỹ-Anh sẽ ký thỏa thuận

thương mại “lớn chưa từng có”

Gia Hưng
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 25/08/2019, đã gặp mặt tân thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề thượng đỉnh G7, tại Biarritz, miền nam nước Pháp. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi ông Johnson nhậm chức thủ tướng Anh.
Tại buổi hội đàm, nguyên thủ Mỹ cho rằng thủ tướng Anh là người “lý tưởng” cho hồ sơ Brexit và tỏ ra lạc quan về việc ký kết một bản thỏa thuận thương mại song phương « lớn chưa từng có ».
Thông tín viên Sophie Miller từ Luân Đôn cho biết thêm chi tiết :
Gặp mặt nhau, ông Boris Johnson và ông Donald Trump cùng tươi cười, giơ ngón tay tỏ ý hài lòng. Đây là hình ảnh mới của mối quan hệ đặc biệt giữa Anh Quốc và Hoa Kỳ
Báo giới Anh Quốc ghi nhận giọng điệu tán dương của tổng thống Mỹ đối với tân thủ tướng Anh. Ông Donald Trump cho rằng Boris Johnson là « người lý tưởng cho công việc» về hồ sơ Brexit, rồi ông nói đến một tương lai thương mại tươi sáng giữa hai nước.
Ông Donald Trump phát biểu : “Chúng tôi sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại tuyệt vời, một thỏa thuận tuyệt vời nhất mà chúng ta từng có với Anh Quốc. Vì bây giờ chúng ta đã không còn trở ngại, không còn bị xiềng xích như trước ».
Nếu như viễn cảnh về thỏa thuận thương mại này làm vui lòng người ủng hộ Brexit, thì cũng có một nhóm người Anh khác tỏ ra lo ngại.
Một trong những vấn đề gây ra lo ngại liên quan tới NHS, hệ thống dịch vụ y tế công của Anh Quốc , có thể trở thành một nội dung đàm phán thương mại, theo một nghị sĩ đảng Lao Động cho biết. Ông Barry Gardiner nói : « Cải cách y tế của đảng Bảo Thủ khiến các dịch vụ y tế công hiện nay sẽ bị cạnh tranh và có thể bị đe dọa bởi một thỏa thuận kinh tế. »
Thỏa thuận này còn gây ra những lo ngại khác, như việc bãi bỏ các luật lệ quy định các tiêu chuẩn về lương thực và môi trường.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190826-trump-tuyen-bo-my-anh-se-ky-thoa-thuan-thuong-mai

Cesky Krumlov, thành phố Cộng hòa Sec

bị « Hán hóa »

Thụy My
Thành phố Cesky Krumlov của Cộng hòa Séc, đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc, và nay, người Hoa đã chiếm đến 20% dân số của thành phố mang nét đẹp Trung Cổ này.
Tất cả đều trở thành của Trung Quốc. Khách sạn, nhà hàng, tiệm buôn, và ngay cả những khu phố với những tòa nhà cao tầng cũng toàn người Hoa cư ngụ. Các sòng bài của người Hoa, hàng trăm ngàn du khách tất nhiên là từ Hoa lục, và thậm chí mafia địa phương cũng là người Hoa nốt ! Chính quyền ngại hiện diện và gần như đã nhường lại một cách không chính thức thành phố này cho Trung Quốc.
Tình trạng này cũng giống như Sihanoukville, thành phố biển xinh đẹp của Cam Bốt. Chỉ trong vòng vài năm, Sihanoukville đã thay đổi hẳn, chính quyền Cam Bốt mở rộng cửa cho Bắc Kinh đầu tư, nhưng vốn ồ ạt chảy vào với quy mô không ngờ đến. Ngày nay, những con đường chính và khu vực phía biển không còn thuộc về người Cam Bốt nữa, Trung Quốc đã mua trọn. Kể từ năm 2012, số lượng du khách Trung Quốc tăng lên 700%, và một số đến rồi ở lại hẳn. Hiện nay người Trung Quốc chiếm 20% dân số Sihanoukville.
Tờ báo Tyzden của Slovakia được Courrier International dịch lại, đặt câu hỏi, liệu ví dụ của Sihanoukville có thể là lời cảnh báo cho Cesky Krumlov hay không ?
Chúng ta có thể trông thấy điều ngược lại.
Thành phố nhỏ bé mang đầy dấu ấn lịch sử, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, là một trong những địa điểm đầu tiên của Cộng hòa Séc được Unesco công nhận là di sản thế giới. Nay thì du khách đến Cesky Krumlov chủ yếu là Trung Quốc. Các phóng viên của báo Tyzden là những người châu Âu đơn độc trong chuyến tàu đi đến Cesky Krumlov, xung quanh toàn là khách từ Hoa lục !
Do không được chính quyền cộng sản trước đây đầu tư, Cesky Krumlov tuy cũ kỹ nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp thời Trung Cổ, và cho đến gần đây đường phố vẫn thưa vắng người. Giờ thì khi đi dạo trên những con đường nhỏ hẹp cổ xưa, nhà báo phải khó khăn lắm mới lách được khỏi dòng khách du
lịch Trung Quốc bất tận. Tất cả đều đi theo cùng một lộ trình. Gặp được người dân địa phương là chuyện hiếm hoi.
Cesky Krumlov có 13.000 dân, nhưng mỗi năm đón tiếp 1,6 triệu du khách. Hầu hết là khách Trung Quốc, khoảng 140 xe ca đưa họ đến mỗi ngày. Tuy du lịch là nguồn thu quan trọng, nhưng chi phí liên quan cũng rất lớn.
Thị trưởng Dalibor Carda nói : « Về rác thải, chúng tôi phải xử lý số lượng rác tương đương với một thành phố 50.000 dân. Bọn móc túi ở vùng Balkan hoành hành trên đường phố. Bây giờ chúng tôi cần phải có lực lượng cảnh sát đông hơn, một trung tâm hướng dẫn hoạt động 24/24 trong khi các thành phố có quy mô tương đương không cần đến. Còn phải giữ cho thành phố được sạch sẽ, các nhà vệ sinh công luôn phục vụ ».
Vấn đề đối với du khách Trung Quốc, trước hết là họ chỉ đến trong một ngày. Họ đi dạo trên các con đường chính, chụp rất nhiều ảnh, đôi khi mua một món đồ kỷ niệm, vào nhà hàng (thường là của người Hoa) rồi lên xe ca ra đi vài giờ sau đó. Trong thời gian ấy, những nhóm khác lại đến, đi theo vết của những đoàn trước, tạo ra những luồng người liên tục.
Luồng khách này bắt đầu từ khi tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman quyết định tăng cường quan hệ giữa Praha và Bắc Kinh năm 2016. Việc ký kết chương trình Czech-China Tourism là một sự thay đổi thô bạo cho Cesky Krumlov. Ngay sau đó, nhiều chủ tịch thành phố Trung Quốc đã đề nghị hợp tác, Cesky Krumlov từ chối với lý do không đủ năng lực. Ngay cả đại sứ Trung Quốc cũng từ Praha đến Cesky Krumlov, sau khi nhận được lệnh của Tập Cận Bình phải tăng 1% số lượng khách Trung Quốc đến Cộng hòa Séc.
Phía Trung Quốc cũng quảng bá cho Séc. Tại trường đại học của công ty Hoa Vi ở Bắc Kinh chẳng hạn, có một bản sao bằng kích thước của khu trung tâm Cesky Krumlov. Thị trưởng Carda phàn nàn : « Chẳng có ai hỏi ý chúng tôi cả. Các kỹ sư Trung Quốc đã đến chụp hình, mang cả thiết bị bay không người lái. Năm sau họ quay lại với các máy móc để đo kích thước. Rồi năm sau nữa, họ bắt đầu xây dựng, và bây giờ thì họ có được bản sao thành phố chúng tôi với kích thước y như thật ».
Người Trung Quốc cũng hành động tương tự với thành phố Hallstatt của Áo, và thành phố này nay cũng đối mặt với cùng một vấn đề như Cesky Krumlov.
« Chỗ nào cũng thấy người Trung Quốc ! » - một bà mẹ người Séc dẫn theo một bé trai, cằn nhằn. Chưa kịp hỏi han, thì bà đã biến mất trong một con đường nhỏ, nằm ngoài lộ trình của khách du lịch.
Một chủ khách sạn ở khu trung tâm thành phố cho biết : « Người dân Cesky Krumlov có lý do khi không đến khu này nữa, ở đây không còn gì cho họ. Cách đây vài năm còn có khu chợ Noel, nhưng nay dân địa phương chỉ thích nhóm chợ giữa láng giềng với nhau, tại các khu nhà ngoại ô ». Thị trưởng nói thêm : « Cư dân chỉ đến trung tâm thành phố vì một số hoạt động văn hóa, hay mượn sách ở thư viện. Nhưng họ không còn đi mua sắm ở đây, vì nhiều cửa hàng, thậm chí nhà thuốc tây đều đã đóng cửa do không có khách ».
Thật ra nhờ nguồn thu từ du lịch mà chính quyền có thể sửa chữa được những tòa nhà quá cũ hoặc bị hư hại trong trận lụt năm 2002, tôn tạo nhà ga đường sắt lẫn đường bộ. Tuy nhiên thành phố mong muốn đón tiếp lượng du khách đa dạng hơn, và lưu lại nhiều ngày tại chỗ hơn.
Cesky Krumlov là thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ kính, hầu hết tồn tại từ thế kỷ 14, theo phong cách Gô-tích, Phục hưng và Baroque, gồm lâu đài, thánh đường Saint-Guy, viện bảo tàng…Dòng sông Vltava chảy qua thành phố cùng với trên 200.000 chiếc ca-nô hàng năm. Đây là địa điểm tuyệt vời để tham quan các danh thắng, thưởng thức tranh của danh họa Egon Schiele, những khu phố cổ xinh đẹp, chưa kể các lễ hội văn hóa, âm nhạc…
Thế nhưng khách Trung Quốc đến Krumlov ồ ạt, chụp ảnh selfies là chính và ra đi trong ngày, hầu như không tiêu đồng nào. Những đồng tiền của họ nếu chi ra thường nằm trong một vòng quay khép kín, đi vào những cửa hàng, quán ăn của người Hoa. Còn những người Trung Quốc sau khi xách va-li đến đã quyết định ở hẳn tại đây, thì làm thành một cộng đồng người Hoa có mạng lưới riêng, cung cách sinh hoạt riêng biệt, mua lại các cơ sở kinh doanh để biến thành 100% Trung Quốc.
Một Sihanoukville mới đã hình thành ở Đông Âu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190826-cesky-krumlov-thanh-pho-cong-hoa-sec-bi-%C2%AB-han-hoa-%C2%BB

Israel tăng cường chiến dịch oanh kích

 từ Syria, Liban cho đến Gaza

Mai Vân
Theo các nguồn tin quân sự Liban, không quân Israel vào đêm hôm qua, 25/08/2019, đã lại mở những cuộc oanh kích đánh vào một vị trí của lực lượng Hezbollah thân Iran ở miền nam Liban.
Cuộc oanh kích còn nhắm vào kho đạn, cơ sở quân sự của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran gần Damas, thủ đô Syria, viện lẽ là Iran âm mưu dùng drone tấn công Israel.
Đến sáng sớm hôm nay, 26/08, phi cơ của nhà nước Do Thái lại tấn công dải Gaza sau khi 3 hỏa tiễn từ đây bắn vào Israel. Báo chí Israel đã tường thuật sôi nổi về các cuộc tấn công.
Thông tín viên RFI, Michel Paul, trình bày từ Jerusalem:
Đối với tờ báo thân chính quyền Israel Hayom, thì kết quả rất rõ ràng : Đây là một thành công lớn của Tsahal, tức là quân đội Israel, và là một vố đau cho Iran. Israel đã đánh khủng bố ngay tận hang ổ.
Và người ta có thể tìm thấy trên khắp các tờ báo Israel những phát biểu của Nasrallah, lãnh đạo lực lượng Hezbollah, và của Kassam Sulemani, chỉ huy lực lượng Quods của Vệ Binh Cách Mạng Iran, đơn vị bị trúng oanh kích của Israel sáng hôm qua 25/08 và đang đe dọa trả đũa.
Nhật báo Haaretz lưu ý là địa bàn của cuộc đọ sức Israel – Iran đang lan rộng và bây giờ trải ra 3 quốc gia : Syria, Irak và giờ đây là Liban, làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.
Đối với tờ Yediot Aharonot, Israel đang đối phó với tất cả 5 mặt trận với tình hình đang nóng lên ở Gaza và Cisjordanie. Tờ báo cũng lưu ý bây giờ là một thời đại mới, thời đại máy bay không người lái (drone). Hiểm nguy đến từ trời cao.
Theo tờ Maariv, quân đội Israel đang được đặt trong tình trạng báo động cao đề phòng một cuộc phản công của Iran.
Nhiều nhà bình luận đã nêu lên câu hỏi :Tại sao chính quyền Israel lại ra mặt thẳng thừng vào lúc này ? Câu trả lời có liên quan đến cuộc bầu cử ở Israel vào ngày 17/09 tới đây.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190826-israel-tang-cuo%CC%80ng-chie%CC%81n-di%CC%A3ch-oanh-kich-tu-syria-liban-cho-den-gaza

Cảnh sát HK nổ súng và phun vòi rồng

vào người biểu tình

Một cảnh sát Hong Kong đã nổ súng trong cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 25/8. Đây là lần đầu tiên đã có súng nổ kể từ khi các cuộc biểu tình xảy ra hồi tháng Sáu.
Các hình ảnh cho thấy vài viên cảnh sát khác cũng chĩa súng vào những người biểu tình đang dùng gậy gộc đuổi theo họ.
Đây cũng là lần đầu tiên cảnh sát dùng vói rồng phun vào đám đông.
Trước khi đụng độ xảy ra, những người biểu tình mặc đồ đen đã ném đồ vật vào cảnh sát, trong đó có gạch và bom xăng.
Cảnh sát Hong Kong lại đụng độ người biểu tình
Trung Quốc thả nhân viên lãnh sự Anh
Hong Kong: Vào Đền Quan Công tìm hiểu biểu tình phi lãnh tụ
Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật bắt đầu từ quận Tsuen Wan và từ đó lan ra quận Tsim Sha Tsui.
Các cuộc biểu tình bùng lên do dự luật dẫn độ, nhưng từ đó đã lan thành phong trào chống chính phủ rộng hơn, và các diễn tiến hôm Chủ Nhật đánh dấu sự leo thang đáng kể trong tình trạng bất ổn ở thành phố này.
Cảnh sát Hong Kong nổ súng và phun vòi rồng lần đầu tiên
Cảnh sát nói với truyền thông địa phương họ nổ súng để cảnh báo người biểu tình, và một số nhân viên cảnh sát đã bị đưa vào bệnh viện sau các vụ đụng độ.
Nhưng sỹ quan cảnh sát Leung Kwok-wing không nói rõ họ đã nhắm vào đâu khi bắn.
Trong cuộc đụng độ, một người đàn ông lớn tuổi được thấy đã quỳ xuống cầu xin cảnh sát đừng bắn.
Trước khi đụng độ xảy ra, những người biểu tình mặc đồ đen đã ném đồ vật vào cảnh sát, trong đó có gạch đã và bom xăng.
Cảnh sát cũng bắn đạn cao su và xịt hơi cay, và dùng hai xe phun vòi rồng để dỡ bỏ hàng rào chắn đường và giải tán đám đông.
Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các xe phun vòi rồng đi qua các đường phố ở Tsuen Wan, nơi một nhóm người biểu tình dựng hàng rào chắn và đào gạch từ vỉa hè lên.
Những chiếc xe này có trang bị đầy đủ camera theo dõi và vòi phun nhiều đầu, và cảnh sát từng nói chúng chỉ được sử dụng trong trường hợp “bất an công cộng quy mô lớn”.
Hồi đầu tháng, tổ chức nhân quyền Amnesty International cảnh báo rằng vòi rồng có thể gây thương tích nghiêm trọng và dẫn đến căng thẳng dâng cao.
Cũng trong ngày Chủ Nhật, đã có một cuộc tuần hành ôn hòa hơn của vài trăm người, trong số họ có người nhà của cảnh sát, kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Các nhà hoạt động đã chỉ trích cảnh sát quá mạnh tay trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Vài người đã phải vào viện sau các cuộc đụng độ bạo lực.
Cuộc đụng độ mới nhất xảy ra sau một giai đoạn hòa bình gượng gạo kéo dài hơn một tuần.
Hôm thứ Bảy, một quan chức cao cấp Hong Kong nói quân đội của đại lục có thể sẽ can thiệp trong bất cứ cuộc bạo loạn dân sự nào.
Mức độ quyết tâm mới
Saira Asher, BBC News, Hong Kong
Trong hai ngày cuối tuần này, một khu công nghiệp ở Hong Kong trở thành bãi chiến trường. Một vài điểm ở Tsuen Wan là nơi có nhiều ổ nhóm tội phạm nên căng thẳng đã cao ngay từ đầu.
Nhưng khi những làn khói hơi cay bao phủ một khu phố lớn, chúng ta thấy rõ rằng giai đoạn hòa bình ngắn ngủi ở Hong Kong hồi tuần trước đã thực sự kết thúc.
Nhóm người biểu tình quá khích xuống đường mang theo gạch, bom xăng và que gậy kim loại. Những người biểu tình trung dung hơn thì đứng hai bên khuyến khích họ, hô lớn “cảnh sát tham nhũng” và gọi họ là “đống rác”.
Người dân thường và những người đứng xem đỏ mắt vì hơi xay và cúi lom khom khi họ đi qua cầu cho người đi bộ. Cuối tuần này đã trở lại với những cảnh tượng quen thuộc giữa cảnh sát và người biểu tình, nhưng dường như với lòng quyết tâm cao hơn từ những người biểu tình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49466379

Biểu tình Hong Kong:

Cảnh sát bắt giữ 86 người, trẻ nhất 12 tuổi

Hôm 26/8, cảnh sát Hong Kong cho biết đã bắt giữ 86 người, trẻ nhất 12 tuổi, sau khi bạo lực leo thang trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, với người biểu tình ném bom xăng vào lực lượng an ninh trong khi cảnh sát đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay, theo Reuters.
Cảnh sát cho biết, 86 người bị bắt có độ tuổi từ 12 đến 52, và họ bị nghi ngờ đã phạm các tội như tụ họp bất hợp pháp, sở hữu vũ khí tấn công và tấn công cảnh sát.
Cảnh sát đã dùng vòi rồng và hơi cay để trấn áp cuộc biểu tình, trong khi những người biểu tình đã ném gạch và bom xăng vào lực lượng cảnh sát hôm 25/8.
Cảnh sát cho biết trong một tuyên bố rằng sáu sĩ quan đã rút súng ngắn và một sĩ quan bắn một phát súng chỉ thiên để cảnh cáo. Theo Reuters, họ cũng sử dụng 215 viên đạn hơi cay và 74 viên đạn cao su trong hai ngày biểu tình vào cuối tuần.
“Các hành động leo thang bất hợp pháp và bạo lực của những người biểu tình cực đoan không chỉ gây phẫn nộ, mà còn đẩy Hong Kong đến bờ vực của một tình huống rất nguy hiểm,” chính phủ Hong Kong cho biết trong một tuyên bố.
Thêm nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong những ngày sắp tới và tuần tới, bao gồm một cuộc biểu tình tại trụ sở hãng hàng không Cathay Pacific Airlines vào thứ Tư (28/8) để phản đối điều gọi là “khủng bố trắng,” một thuật ngữ dùng để mô tả các hành vi ẩn danh tạo ra bầu không khí sợ hãi.
Theo Reuters, Trung Quốc đã yêu cầu hãng hàng không này đình chỉ công tác những nhân viên tham gia hoặc ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Trung Quốc đã lên án các cuộc biểu tình chống chính phủ, cảnh báo về thiệt hại cho nền kinh tế Hong Kong và phàn nàn về sự can thiệp từ bên ngoài.
https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-hong-kong-canh-sat-bat-giu-86-nguoi-tre-nhat-12-tuoi/5057016.html

Trung Cộng chịu hậu quả nặng nề

từ cuộc chiến thương mại leo thang với Hoa Kỳ

Theo tin từ CBS News, cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống Trump, ông Larry Kudlow, cho biết Trung Cộng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Hoa Kỳ.
Trên chương trình Face The Nation của đài CBS vào Chủ Nhật (ngày 25 tháng 8), ông Kudlow lập luận rằng cuộc chiến thương mại đã có tác động “tối thiểu” đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Theo ông, gánh nặng kinh tế của các mức thuế đang đè nặng kinh tế Trung Cộng gấp 4 hoặc 5 lần so với Hoa Kỳ.
Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp diễn vào tuần trước, khi tổng thống ra lệnh tăng thêm 5% thuế nhập cảng đối với hàng hóa trị giá 550 tỷ mỹ kim của Trung Cộng. Ông Kudlow cho biết việc Tổng Thống Trump tăng thuế là một biện pháp trả đũa việc Trung Cộng đánh thuế hàng hóa của Hoa Kỳ với lý do “không chính đáng”.
Các công ty và các nhóm ủng hộ thương mại như Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia đã khuyến cáo rằng cuộc chiến thương mại đang ngày càng leo thang có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Kudlow nhắc lại rằng hành động của Tổng Thống Trump là để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ. Ông Kudlow cho rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế do tranh chấp với Bắc Kinh đang bị thổi phồng, và cho biết thêm rằng chính quyền Tổng Thống Trump không hề lo lắng về suy thoái kinh tế. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-chiu-hau-qua-nang-ne-tu-cuoc-chien-thuong-mai-leo-thang-voi-hoa-ky/

Trung Quốc và Việt Nam

tiếp tục ‘khẩu chiến’ về vụ Bãi Tư Chính

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới lên tiếng chỉ trích chính quyền Hà Nội về vụ Bãi Tư Chính, sau khi người phát ngôn ngoại giao Việt Nam “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm”.
“Hồi tháng Năm năm nay, bất chấp phản đối cứng rắn của Trung Quốc, Việt Nam đơn phương bắt đầu các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], [và đây là] nguồn gốc của tình hình hiện thời”, ông Cảnh nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 23/8, một ngày trước khi xuất hiện tin nói rằng tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “vào gần bờ biển Việt Nam, cách Phan Thiết 185 km”.
“Chúng tôi hy vọng quốc gia có liên quan sẽ nghiêm túc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và yên bình ở các vùng nước này”.
Khi được hỏi về tuyên bố một ngày trước đó của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, ông Cảnh nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng nước lân cận, cũng như có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan”.
“Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển)”, ông nói tiếp.
XEM THÊM:
Vụ Bãi Tư Chính: Cố vấn an ninh Mỹ lên án Trung Quốc, ám chỉ hậu thuẫn VN
Kể từ khi xảy ra căng thẳng ở Bãi Tư Chính nhiều tuần trước, đây không phải là lần đầu tiên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc lên tiếng đáp trả nhau.
Hôm 22/8, bà Hằng cho biết rằng Hà Nội đã “nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc” và “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực”.
“Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam”, bà Hằng nói.
Hôm 24/8, hãng tin Reuters dẫn các dữ liệu hàng hải cho biết rằng với sự hộ tống của ít nhất 4 tàu khác, tàu Hải Dương 8 tiếp tục tiến hành khảo sát Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở vị trí cách đảo Phú Quý 102 km về phía đông nam và cách bờ biển Phan Thiết 185 km.
Tới tối ngày 25/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc chưa có bình luận nào về diễn biến mới này.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-v%C3%A0-vn-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-kh%E1%BA%A9u-chi%E1%BA%BFn-v%E1%BB%81-v%E1%BB%A5-b%C3%A3i-t%C6%B0-ch%C3%ADnh/5056074.html

Đồng nhân dân tệ TQ xuống mức thấp nhất 11 năm qua

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua tại thị trường nội địa và xuống mức thấp kỷ lục ở thị trường nước ngoài vào hôm 26/8, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, làm xáo trộn niềm tin của các nhà đầu tư, theo Reuters.
Hôm 23/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thêm 5% thuế suất đối với 550 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc, vài giờ sau khi Bắc Kinh công bố mức thuế trả đũa đối với 75 tỷ đôla hàng hóa của Hoa Kỳ.
Hôm 26/8, ông Trump đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, giúp đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thoát khỏi mức thấp nhất và giúp đồng đôla phục hồi so với đồng yên Nhật.
Ông Trump cho biết, Trung Quốc đã liên lạc với các quan chức thương mại Hoa Kỳ, nói rằng họ muốn quay lại bàn đàm phán.
Tại thị trường nội địa, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống còn 7,1500 nhân dân tệ/đôla, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2008.
Tại thị trường nước ngoài, đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất 7,187 nhân dân tệ/đôla. Đây là mức chạm đáy kể từ khi đồng tiền này được đưa vào giao dịch tiền tệ quốc tế vào năm 2010.
XEM THÊM:
Ngân hàng Trung ương TQ: ‘đồng tệ đang ở mức phù hợp’
Các nhà phân tích của ngân hàng Đức Commerzbank cho biết rằng “tâm lý thị trường đã bị tác động mạnh mẽ vì giờ ít có cơ hội sẽ có một thỏa thuận hòa hoãn chiến tranh thương mại trong tương lai gần.”
Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc có thể để đồng nhân dân tệ mất giá hơn nữa “để giảm bớt tác động thuế quan của Mỹ, và bằng cách nào đó vũ khí hóa đồng tiền để chọc giận ông Trump.”
Tuy nhiên, các chuyên gia nói thêm rằng Trung Quốc sẽ miễn cưỡng cho phép bất kỳ sự mất giá tiền tệ không kiểm soát được vì điều đó sẽ gây ra sự thoái vốn cũng như tác động mạnh tới lòng tin của các nhà đầu tư.
https://www.voatiengviet.com/a/dong-nhan-dan-te-tq-xuong-muc-thap-nhat-11-nam-qua/5057075.html

Indonesia chọn đảo Borneo làm địa điểm thủ đô mới

Thủ đô của Indonesia sẽ được chuyển tới tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố.
Thủ đô hiện tại, Jakarta, với dân số trên 10 triệu người, nằm trên đất đầm lầy.
Một số khu vực của thành phố này lún với tốc độ 25 cm một năm và gần như nửa diện tích Jakarta nằm dưới mực nước biển.
Tên của thủ đô mới chưa được chọn.
Thủ đô mới sẽ trải rộng trên hai vùng tương đối kém phát triển, Kutai Kertanegara và Penajam Paser Utara.
Vì sao các quốc gia quyết định dời thủ đô?
Indonesia sẽ chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta
Kế hoạch tham vọng để ngăn sụt lún đất
Dự án tham vọng này sẽ có chi phí là 466 ngàn tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay ở Jakarta gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 100 ngàn tỷ rupiah mỗi năm, bộ trưởng kế hoạch nước này nói.
Trong hai thập kỷ qua, Indonesia thực hiện một chương trình lớn nhằm tản quyền chính phủ trung ương để tăng cường quyền lực chính trị và nguồn lực tài chính cho các địa phương.
Hầu hết sự phồn thịnh của Indonesia tập trung ở Jakarta và nhiều người dân sống bên ngoài đảo Java, hòn đảo có thành phố Jakarta – phàn nàn rằng họ bị quên lãng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49472063

Malaysia hy vọng dùng dầu cọ đổi lấy thiết bị quân sự

Malaysia đang đàm phán với ít nhất sáu nước về khả năng sử dụng dầu cọ để đổi lấy vũ khí, trong khi nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á tìm cách thay thế thiết bị quân sự cũ để tăng cường khả năng phòng thủ, theo Reuters hôm 26/8.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết hôm 26/8 rằng giá thành là một trở ngại lớn, nhưng sử dụng dầu cọ để giúp trả tiền cho các thiết bị có thể mở ra con đường mới để nâng cấp khả năng quốc phòng.
Ông Mohamad cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận về thanh toán bằng dầu cọ đã bắt đầu với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
“Nếu họ sẵn sàng chấp nhận giao dịch hàng đổi hàng (thiết bị quốc phòng đổi dầu cọ), chúng tôi rất sẵn lòng đi theo hướng đó,” ông Mohammed nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Mohamad nói ông không thể đưa ra con số lượng dầu cọ mà Malaysia muốn dùng để đổi lấy thiết bị quốc phòng.
Bên cạnh các tàu mới, Malaysia cũng rất muốn mua máy bay trinh sát tầm xa, máy bay không người lái và tàu đánh chặn nhanh, Bộ trưởng Mohamad nói.
Việc mua bán hàng đổi hàng theo kế hoạch là một phần của chính sách quốc phòng 10 năm sẽ được đưa ra trước quốc hội vào năm nay, ông Mohamad cho biết, và sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng hải quân, bao gồm ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.
Ông Mohamad nói rằng Malaysia thường xuyên theo dõi các tàu hải quân và hải giám của Trung Quốc đi vào lãnh thổ Malaysia, nhưng nói thêm rằng Trung Quốc tôn trọng Malaysia và cho đến nay họ “chưa làm bất cứ điều gì gây rắc rối cho chúng tôi.”
https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-hy-vong-dung-dau-co-doi-lay-thiet-bi-quan-su/5057098.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.