Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 08/08/2019

Thursday, August 8, 2019 4:28:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 08/08/2019

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ

đến thăm Mông Cổ

Tin từ ULAANBAATAR, Mông Cổ — Vào hôm thứ Năm (8/8), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp của Mông Cổ trong chuyến thăm hiếm hoi tới quốc gia này.
Ngũ Giác Đài đang tìm cách thực hiện chiến lược tập trung đối phó với Trung Cộng và Nga. Trên bản đồ, Mông Cổ chính là quốc gia thể hiện rõ nhất các ưu tiên của Ngũ Giác Đài trong những thập kỷ tới. Đây là một quốc gia có ý nghĩa chiến lược quan trọng, với vị trí nằm giữa Nga và Trung Cộng.
Vào hôm Thứ Tư (7/8), theo thông lệ, ông Esper đã được chào đón tới thủ đô Ulaanbaatar và dùng thử sữa đông khi rời khỏi máy bay tại phi trường quốc tế Thành Cát Tư Hãn, được đặt tên theo của vị chiến binh – hoàng đế của quốc gia.
Điểm nổi bật trong nghi thức của chuyến thăm này là khi ông Esper được tặng một chú ngựa màu caramel bảy tuổi như một món quà. Ông Esper đã đặt tên cho chú ngựa này là Marshall, theo tên của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ George Marshall. Chú ngựa này sẽ ở lại để được chăm sóc ở Mông Cổ, mặc dù ông Esper đã được tặng một bức ảnh Marshall đóng khung.
Để đáp lễ, ông Esper đã trao cho người chăm sóc một tấm chăn cho ngựa từng được sử dụng bởi lực lượng Army Old Guard của Hoa Kỳ.
Chuyến thăm Mông Cổ của ông Esper đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nước này trong khu vực. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Mông Cổ của một bộ trưởng bộ quốc phòng kể từ năm 2014, khi ông Chuck Hagel dành khoảng bốn giờ tại đó. Ông Esper đã lưu lại một đêm ở Ulaanbaatar. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bo-truong-quoc-phong-hoa-ky-den-tham-mong-co/

Đàm phán Mỹ-Triều Tiên

sẽ tái tục trong vài tuần tới?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ngày 7/8 cho biết ông hy vọng là những cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ sẽ tái tục trong vài tuần tới.
“Chúng tôi hy vọng là trong những tuần lễ tới, chúng tôi sẽ trở lại bàn thương thuyết,” ông Pompeo nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ. “Chúng tôi đang lập kế hoạch thương thuyết trong vài tuần tới và chúng tôi dự trù là hai phái đoàn sẽ ngồi lại với nhau.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp hôm 30/6 năm nay nhất trí tái tục các cuộc thảo luận giữa các giới chức ở cấp làm việc vốn đang bị đình trệ từ cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay. Trên thực tế, các cuộc thương thuyết như mong đợi ấy chưa diễn ra, và kể từ đó tới nay Triều Tiên đã thử nghiệm một loạt các phi đạn tầm ngắn.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-m%E1%BB%B9-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-s%E1%BA%BD-t%C3%A1i-t%E1%BB%A5c-trong-v%C3%A0i-tu%E1%BA%A7n-t%E1%BB%9Bi-/5033266.html

Tổng thống Trump muốn

tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng

Tin từ El Paso, Texas — Theo tin từ Reuters, vào thứ tư (7 tháng 8), Tổng Thống Trump và phu nhân đã đến thăm các nân nhân và cảnh sát trong hai vụ nổ súng hàng loạt xảy ra vào cuối tuần qua tại tiểu bang Texas và Ohio.
Tổng Thống Trump đã đến thăm các bệnh viện nơi các nạn nhân được điều trị ở thành phố El Paso, Texas, và ở thành phố Dayton, Ohio, sau hai vụ nổ súng hàng loạt cách nhau chỉ 13 giờ đã gây sốc cho đất nước, và mở lại một cuộc tranh luận toàn quốc về an toàn súng đạn.
Tại cả hai thành phố, rất đông người biểu tình đã tập trung để phản đối chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ. Một số người cầm những tấm bảng mang dòng chữ “Tổng Thống Trump phân biệt chủng tộc”, “Tình yêu hay thù hận?”, và “Hãy mang ông ấy về đi”…  Tổng thống Donald Trump và Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump đã né tránh giới truyền thông trong các chuyến thăm tại hai thành phố, và tránh xa tầm nhìn của công chúng.  Theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Stephanie Grisham, hai người đã đến thăm những người sống sót các vụ nổ súng trong phòng bệnh của họ tại University Medical Center ở Elpaso và Bệnh Viện Miami Valley ở Dayton. Họ cảm ơn nhân viên của các bệnh viện cũng như những cảnh sát đã có mặt tại hiện trường.
Trước khi rời Washington, Tổng Thống Trump cho biết sau hai vụ nổ súng súng, ông muốn tăng cường kiểm tra lý lịch cho việc mua súng và bảo đảm những người bị bệnh tâm thần không mang theo súng. Ông dự đoán rằng Quốc Hội sẽ ủng hộ hai dự luật nói trên. Nhưng tổng thống Trump nghĩ rằng các nỗ lực của Đảng Dân Chủ nhằm cấm hoàn toàn các loại súng trường giết người hàng loạt sẽ không được thông qua.
Tại Dayton, Tổng Thống Trump đã được chào đón bởi các viên chức địa phương gồm Thị trưởng Dayton Nan Whaley và Thượng Nghị Sĩ Dân chủ Sherrod Brown. Họ đã nghị tổng thống kêu gọi lãnh đạo đảng Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell đưa Thượng viện trở lại làm việc nhằm thông qua một dự luật mở rộng kiểm tra lý lịch người mua súng được Hạ Viện đề nghị. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-muon-tang-cuong-kiem-tra-ly-lich-nguoi-mua-sung/

ICE bắt giữ 680 công nhân bất hợp pháp

 tại các nhà máy ở Mississippi

Vào hôm Thứ Tư (7 tháng 8), Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan  (ICE) đã bắt giữ gần 680 công nhân tại 7 nhà máy chế biến nông sản khắp tiểu bang Mississippi.
Các cơ sở được ICE kiểm tra vào Thứ Tư bao gồm cả nhà máy Chế biến thực phẩm Peco ở Canton. Trên trang web của mình, hãng Peco Foods cho biết đây là nơi chế biến thịt gia cầm lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ. ICE tuyên bố họ đã bắt giữ khoảng 680 người làm việc bất hợp pháp ở các nhà máy. Đồng thời, Cơ Quan còn thu giữ hồ sơ kinh doanh phục vụ công tác điều tra hình sự liên bang. Văn phòng Biện Lý Hoa Kỳ của quận phía nam Mississippi cho biết một số người bị bắt giữ sẽ được thả tự do vì “lý do nhân đạo”, và yêu cầu phải có mặt tại tòa án di dân Hoa Kỳ. Những người còn lại sẽ được chuyển đến một cơ sở của ICE ở Jena, Louisiana. Một đoạn video do ICE công bố cho thấy rất nhiều xe buýt đã đến một cơ sở tìm kiếm nhân công tại thành phố Canton, Mississippi và kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ. Một số công nhân thậm chí còn bị trói tay bằng dây nilon.
Theo Reuters, ICE  đã không xác định quốc tịch của những công nhân bị bắt giữ. Tòa Lãnh Sự Mexico cho biết họ đang đến khu vực này để hỗ trợ những người mang quốc tịch Mexico có liên quan đến sự việc.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, ICE đã ưu tiên việc bắt giữ những người vượt biên đã từng bị trục xuất và những người đe dọa đến an ninh công cộng. Tổng thống Donald Trump cũng đã lấy việc giải quyết tình trạng di dân bất hợp pháp làm mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông, và ICE đã đẩy mạnh các hoạt động kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm 2017. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ice-bat-giu-680-cong-nhan-bat-hop-phap-tai-cac-nha-may-o-mississippi/

Times Square hỗn loạn vì dân nhầm lẫn

tiếng xe máy thành tiếng súng nổ

Tin từ New York — Theo tin từ CBS News, vào tối Thứ Ba (ngày 6 tháng 8), người dân thành phố New York rơi vào tình trạng hoảng loạn, khi nhầm lẫn tiếng ống xả của một chiếc xe máy là tiếng súng nổ.
Bị ảnh hưởng tâm lý bởi 2 vụ nổ súng hàng loạt tại thành phố El Paso và Dayton vừa qua, hàng trăm người tại Times Square vội vàng chạy thoát thân khi tưởng rằng lại một vụ tấn công nữa đang diễn ra. Theo đài CBS, nhiều người khẳng định rằng họ nghe thấy tiếng một người thét lên “nổ súng” sau khi nghe tiếng động, khiến sự hỗn loạn càng thêm trầm trọng.  Nhiều người cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ, nhưng không phản ứng gì cho đến khi đám đông bắt đầu la hét và chạy. Một vài người thừa nhận rằng họ không biết chuyện gì đã xảy ra, và chỉ đơn giản là đi theo đám đông bối rối và sợ hãi.
Các nhân chứng cho biết mọi người đã nhanh chóng chạy khỏi khu vực Times Square, và chạy đến các nhà hàng, cửa hàng và vào cả trong nhà hát đang diễn. Một số người đã bị thương trong lúc chạy, và Sở Cảnh Sát New York cho biết 22 người đã bị thương, trong đó 4 người đã phải vào một bệnh viện gần đó. Ông Gideon Glick, nam tài tử trong vở diễn “To Kill a Mockingbird” tại Broadway, đã đăng tải trên Twitter rằng nhiều người trong lúc hoảng loạn đã chạy vào bên trong Schubert Theatre, khiến khán giả sợ hãi và vở diễn phải bị hoãn khi các diễn viên chạy trốn. Gần đó tại nhà hàng Junior’s Restaurant & Bakery, các thực khách đã trốn dưới bàn khi đoàn người sợ hãi từ Times Square tiến vào bên trong nhà hàng. Một số người bò trên mặt đất từ bên ngoài vào trong nhà hàng, và bên trong, các thực khách chen chúc nhau ngồi trên sàn, kề vai sát cánh giữa những ly đồ uống bị đổ trong khung cảnh hỗn loạn.
Bầu không khí hoảng sợ, lo âu đã bao phủ Hoa Kỳ sau hàng loạt vụ nổ súng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/times-square-hon-loan-vi-dan-nham-lan-tieng-xe-may-thanh-tieng-sung-no/

Fedex ngừng hợp đồng giao hàng với Amazon

Theo tin từ đài CBS News, công ty FedEx đang chuẩn bị cắt đứt quan hệ với nhà bán lẻ trên mạng Amazon.
Đài CBS cho biết Amazon hiện đang xây dựng đội giao hàng của riêng họ nhằm cạnh tranh trực tiếp với FedEx. Vào Thứ Tư (ngày 7 tháng 8), công ty chuyển phát đã thông báo việc chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ chuyển phát đường bộ với Amazon ngay khi hợp đồng giữa hai công ty hết hạn vào cuối tháng này. Trước đó 2 tháng, FedEx đã loại Amazon ra khỏi danh sách khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh bằng đường hàng không.
Trong khi đó, Amazon đã đưa ra tuyên bố sẽ xây dựng nhóm giao hàng đường không và đường bộ của riêng Amazon, nhằm tăng cường sự kiểm soát về cách thức giao hàng cũng như cắt giảm sự phụ thuộc của họ vào FedEx, UPS và Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ. Theo Reuters, Amazon đã thuê máy bay phản lực, xây dựng các trung tâm phân loại hàng hóa tại một số phi trường ở Hoa Kỳ, và đã khởi động một chương trình cho phép các nhà thầu mở các công ty thông qua việc vận chuyển các kiện hàng được đóng dấu logo của Amazon.
FedEx cũng có những kế hoạch của riêng họ, và gần đây công ty đã công bố kế hoạch sẽ giao hàng bảy ngày một tuần bắt đầu từ năm tới. Tháng trước, công ty chuyển phát đã nộp một đơn khiếu nại cho chính phủ nói rằng rằng công ty giao hàng nội địa non trẻ của Amazon có thể làm tổn hại đến doanh thu của FedEX và gây “tác động tiêu cực đến tình trạng tài chính và kết quả hoạt động của công ty”. Đồng thời, thương mại điện tử đã trở thành ưu tiên của các nhà bán lẻ như Walmart và Target, đồng nghĩa với việc là FedEx có thể tự tách rời khỏi Amazon mà không phải chịu thiệt hại cạnh tranh như trước đây.
Hồi tháng 6 vừa qua, FedEx cho biết đơn hàng của Amazon chỉ chiếm không đến 1.3% tổng doanh thu trong năm 2018, tương đương khoảng 850 triệu mỹ kim. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/fedex-ngung-hop-dong-giao-hang-voi-amazon/

Giới Nghị sĩ Mỹ tiếp tục kêu gọi Chính quyền

lên án hành động phi pháp của TQ ở Biển Đông

Một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã cùng ký tên vào thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, kêu gọi Chính quyền lên án các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Theo đó, một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ như thượng nghị sĩ Bob Menendez của bang New Jersey, thượng nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts, thượng nghị sĩ Patrick Leahy bang Vermont và thượng nghị sĩ Brian Schatz bang Hawaii (29/7) đã ký tên vào bức thư hối thúc Ngoại trưởng Mike Pompeo khi dự Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bangkok ngày 2/8 hãy ưu tiên thảo luận việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông.
Mở đầu bức thư gửi ông Pompeo đề ngày 29/7, nhóm nghị sỹ Mỹ khẳng định các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, các tuyên bố chủ quyền vô lý, hành động quân sự hóa các thực thể, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cũng như việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho mình là các vấn đề mà Mỹ cần ưu tiên lưu tâm vào thời điểm hiện tại.
Giới thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng Biển Đông, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải, thương mại được đảm bảo, các quốc gia trong khu vực không phải chịu các hành vi bắt nạt là các vấn đề quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các hành động hăm dọa, ép buộc, phớt lờ các cơ chế trọng tài ngoại giao hòa bình và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong vài năm qua đang đe dọa tới các lợi ích này; khẳng định “việc Trung Quốc dọa nạt, cưỡng ép, chối bỏ việc giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, hòa bình và cơ chế trọng tài, và đe dọa dùng vũ lực trong những năm gần đây là thách thức nghiêm trọng cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực”. Ngoài ra, các thượng nghị sĩ trên còn đánh giá cao lập trường của chính quyền Mỹ lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và đồng tình với các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ trong khu vực, nhưng cũng cho rằng “cần hành động nhiều hơn để đẩy lui các hoạt động gây hấn và ngăn chặn xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc”.
Trước đó, nhiều giới chức Mỹ đã đưa ra các tuyên bố với nội dung lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ trích Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel (26/7) đã ra Tuyên bố về sự can thiệp trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố trên chỉ trích việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy bố cho biết: “Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong EEZ; cho biết, tuần trước, khi có các thông tin về các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cố tình bỏ qua. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực”. Theo ông Eliot L.Engel, những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tuyên bố nhấn mạnh: “Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng ta trong khu vực để lên án hành động hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức bất kỳ và toàn bộ các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.
Được biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (30/7) bắt đầu chuyến công du ba nước Thái Lan, Australia và Micronesia trong vòng một tuần. Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Bangkok, ngày 1/8, ông Pompeo sẽ đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ – ASEAN và Hội nghị cấp Ngoại trưởng Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong. Tiếp đó, ngày 2/8, Ngoại trưởng Pompeo sẽ phát biểu tại Hội Siam về sự can dự kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tham dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và tổ chức
cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, để thảo luận những cách thức nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh Mỹ – Thái. Theo các nguồn tin, Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề nổi cộm ở chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm tới Thái Lan lần này. Tiếp sau Thái Lan, ngày 4/8, Ngoại trưởng Pompeo sẽ cùng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tham dự các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ – Australia (AUSMIN).
http://biendong.net/bien-dong/29749-gioi-nghi-si-my-tiep-tuc-keu-goi-chinh-quyen-len-an-hanh-dong-phi-phap-cua-tq-o-bien-dong.html

Ủy ban Hạ viện

đòi xem hồ sơ về thẩm phán Kavanaugh

Cơ quan chịu trách nhiệm giữ gìn hồ sơ của chính phủ ngày 6/8 loan báo Tổng thống Donald Trump và cựu tổng thống George W. Bush có thể duyệt xét yêu cầu của phe Dân chủ ở Hạ viện muốn xem hồ sơ về thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ Brett Kavanaugh.
Hai thành viên Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện ngày 5/8 yêu cầu Văn khố Quốc gia cho xem hồ sơ của ông Kavanaugh trong thời gian làm việc cho cựu Tổng thống Bush tại Tòa Bạch Ốc, nói rằng họ cần tin tức vì Ủy ban đang xem xét “hạnh kiểm” của các thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ.
Ông Kavanaaugh được Tổng thống Donald Trump đề cử vào năm ngoái và được thượng viện chuẩn thuận sau những cuộc điều trần được truyền hình trực tiếp với những cáo buộc là ông tấn công tình dục một phụ nữ vào năm 1982. Ông Kavanaugh cực lực phủ nhận những cáo buộc này.
Cục Quản Lý Lưu Trữ và Hồ Sơ Quốc gia (NARA) ngày 7/8 cho biết sẽ đáp ứng yêu cầu của đảng Dân chủ theo một văn bản liên bang đòi hỏi “thông báo cho đương kim và cựu Tổng thống để họ có thể duyệt xét vì những ưu tiên căn cứ trên hiến pháp.”
Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận. Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler và dân biểu Hank Johnson, chủ tịch một tiểu ban Tư pháp Hạ viện, yêu cầu hồ sơ của ông Kavanaugh trong thời gian ông phục vụ tại văn phòng cố vấn tư pháp cho Tòa Bạch Ốc từ năm 2001 đến năm 2003 và trong thời gian ông làm thư ký ban tham mưu Tòa Bạch Ốc từ năm 2003 đến năm 2006. Danh sách yêu cầu bao gồm những tài liệu chưa từng được trao cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện trước khi Ủy ban này khuyến nghị chuẩn thuận ông Kavanaugh.
Ông Nadler và ông Johnson nói những yêu cầu của họ quan trọng vì Tối cao Pháp viện Mỹ chuẩn bị cứu xét các hồ sơ liên hệ đến dân quyền, pháp lý hình sự, di trú, quyền sinh sản, phân quyền, và quyền hành pháp.
Dân biểu cao cấp nhất của phe Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện chỉ trích yêu cầu này là quấy nhiễu và tố cáo rằng đảng Dân chủ đang theo đuổi một chiến dịch bôi nhọ ông Kavanaugh.
Tối cao Pháp viện Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BB%A7y-ban-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-%C4%91%C3%B2i-xem-h%E1%BB%93-s%C6%A1-v%E1%BB%81-th%E1%BA%A9m-ph%C3%A1n-kavanaugh/5033307.html

Texas sắp cho phép mang súng

vào nhà thờ, trường học

Một loạt các luật mới về quản lý súng sẽ có hiệu lực ở bang Texas vào tháng 9 tới, theo đó nới lỏng hơn nữa các hạn chế sử dụng súng, một bản tin của CNN cho biết.
Texas là nơi có 4 trong số 10 vụ xả súng hàng loạt nguy hiểm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại, và đây cũng chính là tiểu bang có luật quản lý súng dễ dãi nhất ở Mỹ, theo trang the Rivard Report.
Các luật này – đã được thông qua trước khi xảy ra vụ một tay súng tàn sát 22 người và làm bị thương hàng chục người ở thành phố El Paso cuối tuần trước – sẽ giúp cho việc sở hữu súng trở nên dễ dàng hơn.
Trong kỳ họp thứ 86 của Cơ quan lập pháp bang Texas, các nhà lập pháp đã thông qua 9 luật mới điều chỉnh việc quản lý vũ khí và các luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
Theo Luật SB 535, súng có thể được mang theo một cách hợp pháp tại bất kỳ nhà thờ, giáo đường hoặc bất kỳ cơ sở tôn giáo nào.
Luật HB 302 cấm chủ nhà đặt ra hạn chế về sở hữu vũ khí đối với khách thuê nhà hoặc khách đến chơi. Tương tự như vậy, Luật SB 741 cấm hội quản lý nhà ở đặt ra hạn chế về quyền sở hữu, vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí hoặc đạn dược.
Luật HB 1143 cho phép chủ sở hữu súng có giấy phép được tàng trữ súng ngắn, súng trường và đạn dược trong các phương tiện cá nhân trong khuôn viên trường học miễn là phải để nơi kín đáo.
Luật HB 1177 cho mọi người quyền mang theo súng ngắn mà không cần giấy phép trong thời gian có các thảm họa do tiểu bang và địa phương công bố.
Ở Texas, hiện tại không có luật nào cấm sở hữu hoặc mua vũ khí như AK-47, loại vũ khí mà kẻ nổ súng đã sử dụng để giết chết 22 người và làm bị thương hàng chục người khác ở El Paso, theo trang Texas Tribune.
Theo luật Texas, hầu hết các loại vũ khí có thể được mua và sở hữu, ngoài ra chỉ có một vài ngoại lệ.
Các đương đơn có thể lên mạng để xin cấp phép sử dụng súng ngắn ở Texas, nộp dấu vân tay, hoàn thành từ bốn đến sáu giờ huấn luyện, thực hiện một bài kiểm tra viết và một bài kiểm tra trình độ bắn súng.
https://www.voatiengviet.com/a/texas-sap-cho-phep-mang-sung-vao-nho-tho-truong-hoc/5034205.html

Venezuela bỏ qua cuộc đàm phán Barbados

để phản đối Hoa Kỳ trừng phạt

Tin từ CARACAS, Venezuela – Vào hôm thứ Tư (7/8), Bộ Thông tin Venezuela cho biết chính phủ Venezuela sẽ bỏ qua một vòng đàm phán do Na Uy làm trung gian vào hôm thứ Năm và thứ Sáu, để phản đối một loạt các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ, nhằm buộc Tổng thống Nicolas Maduro từ chức.
Vào hôm thứ Hai (5/8), tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đóng băng các tài sản của chính phủ Venezuela tại Hoa Kỳ, và ngặn chặn dân Hoa Kỳ kinh doanh với chính quyền Maduro, để gia tăng áp lực buộc ông phải từ chức.
Chính phủ của ông Maduro cho biết, phái đoàn của họ đã rút khỏi vòng đàm phán tại Barbados, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela với các đồng minh của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido. Hồi tháng 7, cả hai bên đã bắt đầu họp mặt tại đây để tìm cách giải quyết tình trạng bế tắc chính trị. Nhà lập pháp Stalin Gonzalez, một thành viên của phái đoàn đối lập, đã cáo buộc chính phủ làm trái với cam kết của họ về cuộc đối thoại đã bắt đầu ở Oslo vào tháng Năm.
Tại một cuộc biểu tình vào hôm thứ Tư (7/8), ông Guaido, người đã được hơn 50 quốc gia công nhận là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, cho biết các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là “những hình phạt dành cho những kẻ ăn cắp và hưởng lợi từ sự đau khổ”.  Ông Guaido đã tuyên bố rằng ông Maduro có thể giúp ích cho đất nước bằng cách từ bỏ dinh tổng thống, Miraflores. Bằng cách này, các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ vào ngày mai. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/venezuela-bo-qua-cuoc-dam-phan-barbados-de-phan-doi-hoa-ky-trung-phat/

Tổng thư ký Stoltenberg :

NATO phải đối phó với sức mạnh Trung Quốc

Thu Hằng
Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải ý thức được những hậu quả của sức mạnh Trung Quốc trên thế giới, kể cả tại những khu vực có thể gây thách thức đối với thành viên của khối NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc khi trả lời Reuteurs hôm 07/08/2019 tại Sydney.
Ông Jens Stoltenberg đã đến Úc để họp với thủ tướng Scott Morrisson cùng với hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao về các vấn đề Trung Quốc, cuộc chiến ở Afghanistan, khủng bố và an ninh mạng.
Về sức bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc, kể cả ở vùng Biển Đông, ông Jens Stoltenberg cho rằng « vấn đề không ở chỗ chuyển NATO đến vùng Thái Bình Dương, mà NATO phải đối phó với việc Trung Quốc đang tiến gần tới khối này hơn ». Thực tế được tổng thư ký NATO nêu lên là « Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu, tăng cường hiện diện ở Bắc Cực, ở châu Phi và trên không gian mạng ».
Vì vậy, theo ông Stoltenberg, khối NATO phải đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực, như Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, tổng thư ký NATO cho biết ông đã « đề cập với bộ trưởng Quốc Phòng Esper » hôm 06/08, nhưng theo ông, cần phải có thời gian để phát triển hệ thống tên lửa tầm trung, cũng như mọi hệ thống khác trong khu vực này. Ông khẳng định hiện chưa có bất kỳ quyết định nào liên quan đến vấn đề trên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190808-tong-thu-ky-stoltenberg-nato-phai-doi-pho-voi-suc-manh-trung-quoc-ok

Nổ tại căn cứ quân sự Nga, hai người thiệt mạng

Hai người thiệt mạng trong vụ nổ tại một cơ sở thử tên lửa của hải quân ở miền bắc nước Nga, giới chức nói.
Cả hai đều là các chuyên gia dân sự, Bộ Quốc phòng Nga nói trong một tuyên bố.
Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân, đổ lỗi cho Nga
Ông Putin năng động mà vẫn bị dân ‘ít tin hơn’
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa
‘Nga muốn tăng quan hệ quân sự và an ninh với VN’
Ít nhất bốn người khác, gồm cả các nhân viên quân sự lẫn dân sự, bị thương.
Tên của cơ sở nơi xảy ra vụ việc, ở vùng Arkhangelsk phía tây bắc, thuộc vùng Bắc Cực của Nga, chưa được tiết lộ.
Vụ nổ xảy ra trong quá trình thử nghiệm một động cơ tên lửa, một quan chức nói. Nhưng vụ nổ không xả ra ngoài các chất độc hại hoặc chất phóng xạ, nhà chức trách cho biết.
“Trong quá trình thử nghiệm một động cơ phản lực hoạt động bằng nhiên liệu hóa lỏng, một vụ cháy nổ đã xảy ra,” bản tin của hãng thông tấn Nga Interfax tường thuật.
“Kết quả là sáu người, gồm viên chức của Bộ Quốc phòng và đại diện của công ty phát triển đã bị thương ở các cấp độ khác nhau. Hai chuyên gia thiệt mạng,” Bộ Quốc phòng nói.
“Không có hóa chất độc hại nào bị xả ra ngoài không khí, mức phóng xạ vẫn bình thường,” bộ này nói thêm.
Phi cơ cấp cứu đã được triển khai để đưa những người bị thương đi.
Các tường thuật trước đó nói đã xảy ra hỏa hoạn tại một cơ sở quân sự gần thị trấn Nyonoksa trong vùng.
Đây là sự cố thứ hai liên quan tới quân đội Nga trong tuần này.
Hôm thứ Ba, một người thiệt mạng, tám người khác bị thương trong vụ cháy tại địa điểm hủy đạn dược ở Siberia.
Bãi thử Nyonoksa của hải quân là nơi thực hiện các vụ thử hầu như toàn bộ các hệ thống tên lửa mà hải quân Nga sử dụng, gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng đi từ trên biển, tên lửa tuần du và tên lửa bắn hạ máy bay.
Trước đó, cư dân vùng Nyonoksa nói một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại ngôi làng và có các vụ nổ gần đó.
Hôm thứ Ba, sáu người bị thương trong một vụ cháy tại nơi hủy đạn dược tại Siberia.
Đạn dược cháy nổ văng ra khiến một trường học và một nhà trẻ trong khu vưc bị hư hại. Hơn 9.500 người đã được đưa đi sơ tán.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49282019

Cựu tổng thống Kyrgyzstan bị bắt sau các vụ bố ráp

Các lực lượng an ninh Kyrgyzstan vừa bắt giữ cựu Tổng thống Almazbek Atambayev sau vụ bố ráp vụng về, thất bại ở tư gia của ông hồi đêm, khiến một nhân viên an ninh thiệt mạng.
Tin tức nói ông Atambayev đã đầu hàng và bị đưa tới thủ đô Bishkek.
Trước đó, ông không chịu đầu hàng, khiến xảy ra tình trạng đối đầu giữa hai bên; những người ủng hộ ông đã bắt sáu nhân viên an ninh.
Món bánh dành cho người chết ở Kyrgyzstan
Làm sao đem tên lãnh tụ đặt cho thủ đô?
Chuyển giao quyền lực ở Uzbekistan
Nơi ra đời của loại táo ta ăn ngày nay
Ông bác bỏ các cáo buộc tham nhũng, nói đó là có mục tiêu chính trị.
Các nhân viên đặc nhiệm đã tìm cách bố ráp nhà của ông Atambayev vào cuối giờ đêm thứ Tư, nhưng các ủng hộ viên của ông đã đem vũ khí tới bảo vệ. Sáu nhân viên an ninh bị họ bắt giữ sau đó đã được thả.
Ngay sau đó, tin tức nói đã có súng nổ và lựu đạn cay được ném ra trong lần bố ráp thứ nhì nhắm vào tư gia của ông ở ngoại ô thủ đô.
Tổng thống Sooronbai Jeenbekov, người từng là đồng minh và là người kế vị ông Atambayev, nói rằng vị cựu tổng thống đã “nhạo báng nghiêm trọng” pháp luật bằng việc “tạo ra sự phản kháng có vũ trang nghiêm trọng” đối với cảnh sát.
Tuy từng được coi là nhân chứng, nhưng ông Atambayev – người đã lãnh đạo Kyrgyzstan từ 2011 đến 2017 – nay bị truy nã về một “tội ác nghiêm trọng”, vị tổng thống đương nhiệm nói tại một phiên họp đặc biệt của quốc hội.
Ông Atambayev bác bỏ cáo buộc và nói cáo buộc đó mang động cơ chính trị.
Diễn biến mới nhất
Các lực lượng đặc biệt sử dụng một xe bọc thép tới phá cổng khu tư dinh tại làng Koi Tash nằm ở ngoại ô thủ đô, và quân lính phong tỏa các con đường dẫn tới nhà ông Atambayev, truyền thông địa phương nói.
Các tường thuật của phóng viên địa phương có mặt tại hiện trường nói rằng ông Atambayev đã đầu hàng. Tin cho hay có hai phụ tá có mặt cạnh ông.
Trang tin địa phương 24.kg tường thuật rằng ông đã được đưa đi bằng trực thăng để tránh những người ủng hộ ông, khi đó đang chặn ở các ngả đường.
Chính trị gia Irina Karamushkina, một đồng minh của ông Atambayev, nói với hãng tin AFP rằng các ủng hộ viên “sẵn sàng bảo vệ cựu tổng thống đến cùng”.
Vị cựu tổng thống có kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành vào hôm thứ Năm, nhưng đã hủy bỏ và kêu gọi người ủng hộ quay trở lại bảo vệ tư dinh của ông.
Diễn biến trong đêm
Cuộc bố ráp diễn ra vào cuối ngày hôm thứ Tư. Theo ủy ban an ninh quốc gia (GKNB) của Kyrgyzstan, các lực lượng đặc biệt được trang bị “chỉ với đạn cao su” khi tiến hành một “chiến dịch đặc biệt nhằm bắt giữ” cựu tổng thống.
Khi binh lính tiến vào, GKNB nói, các ủng hộ viên của ông Atambayev đã bắn trả bằng đạn thật.
Nhưng ông Atambayev nhận trách nhiệm về vụ nổ súng và nói chỉ có ông là người có một khẩu súng.
Một nhân viên lực lượng đặc biệt thiệt mạng, 80 người khác bị thương, trong đó có một số người thuộc lực lượng đặc biệt. Có 53 người phải nhập viện.
Truyền thông địa phương nói sáu người lính khác bị các ủng hộ viên của ông Atambayev bắt giữ ngay sau vụ bố ráp đã được thả.
Khi màn đêm buông xuống, các ngả đường dẫn tới khu nhà đã bị các ủng hộ viên của ông Atambayev dựng rào chắn trong lúc các lực lượng an ninh tái nhóm ở gần đó.
Bối cảnh
Kyrgyzstan là một nước cộng hòa Trung Á tách ra thành quốc gia độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Nước này có kích thước bằng hai phần ba nước Anh, nhưng chỉ có sáu triệu dân mà hầu hết là người Hồi giáo nói tiếng Turk.
Kyrzyzstan khá nghèo, với GDP đạt mức tương đương với Cameroon hoặc Kenya.
Tâm lý bất mãn chính phủ khiến tình hình chính trị trong nước không ổn định kể từ khi tách ra độc lập, hai tổng thống đầu tiên thời hậu Liên Xô đã bị lật đổ trong các làn sóng biểu tình rầm rộ.
Kyrgyz Republic
Capital: Bishkek
Population 6 million
Area 199,900 sq km (77,182 sq miles)
Major languages Kyrgyz, Russian
Major religions Islam, Christianity
Life expectancy 67 years (men), 75 years (women)
Currency som
UN, World Bank
Quan hệ giữa ông Atambayev và ông Jeenbekov trở nên xấu đi sau việc chuyển giao quyền lực, và các nhà quan sát nói ông Jeenbekov có bước đi gạt sang bên lề về mặt chính trị đối với người tiền nhiệm của mình qua việc đưa những người trung thành với ông Atambayev ra khỏi các vị trí quyền lực.
Quốc hội đã tước quyền miễn trừ đối với ông Atambayev từ tháng Sáu, khiến ông có thể bị đòi ra tòa làm nhân chứng trong vụ việc liên quan tới việc thả bất hợp pháp một ông trùm tội phạm người Chechnya hồi 2013.
Ông đã ba lần phớt lờ trát gọi của Bộ Tư pháp.
Ông cũng bị cáo buộc trong nhiều vụ có liên quan tới tham nhũng – và ông bác bỏ tất cả.
Ông đã phớt lờ lệnh yêu cầu tới để cảnh sát thẩm vấn, và nói đó là các yêu cầu bất hợp pháp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49282020

Nhật Bản chính thức thể hiện

quan ngại sâu sắc trong vụ TQ điều tàu

hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Trả lời phỏng vấn Đài VOA, Bộ Ngọa giao Nhật Bản cho biết Tokyo mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông.
Theo thông tin trên, khi được hỏi về việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”; khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, “nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”.
Trước đó, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho biết, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam là “hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán”; khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản luôn tôn trọng Luật pháp quốc tế trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông, do vậy, Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng UNCLOS. Ngoài ra, ông Katsuhito Asano cho rằng Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế. Việt Nam có đủ chứng cớ và năng lực để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã từng làm trước đó.
Được biết, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử (26/12/2012), Nhật Bản đã tích cực thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần thúc đẩy các nước hành xử thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên pháp luật.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản khi các tàu thuyền được qua lại vô hại ở những vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhật Bản không thay đổi quan điểm, chính sách trong việc đảm bảo tàu thuyền được quyền qua lại vô hại, không bị ngăn cản, kiểm soát ở Biển Đông; kiên quyết phản đối các hoạt động đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; phản đối các nước sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi các nước liên quan, nhất là Trung Quốc
cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình như đàm phán ngoại giao, hòa giải với sự trợ giúp của bên thứ ba hoặc trọng tài quốc tế.
Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thể hiện quyết tâm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông: Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều tuyên bố chính trị ủng hộ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và phản đối các hoạt động đơn phương đe dọa ổn định, hòa bình trong khu vực. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/03/2017) tuyên bố Nhật Bản ủng hộ một “trật tự hàng hải tự do và mở rộng” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Nhật Bản (21/3/2017) công bố Báo cáo thường niên về hỗ trợ nước ngoài, trong đó nhấn mạnh cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát của các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm hỗ trợ các tàu tuần tra, để duy trì an ninh hàng hải của các tuyến đường hàng hải cốt yếu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuần tra, tập trận trong khu vực nhằm đảm bảo hoạt động giao thông hàng hải trên Biển Đông không bị gián đoạn. Cử máy bay P-3C tuần tra, phòng chống cướp biển trên Biển Đông, cử tàu sân bay Izumo tuần tra Biển Đông và bảo vệ các tuyến đường hải hải ở Biển Đông, đảm bảo an ninh, giao thông hàng hải của Nhật Bản không bị ảnh hưởng trước các mối đe dọa từ tàu ngầm của TQ. Ngoài ra, Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách viện trợ trang thiết bị quân sự (máy bay tuần tra, tàu tuần tra…), hỗ trợ đào tạo cho một số nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia… nhằm phục vụ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Việc Nhật Bản triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào diễn biến tình hình Biển Đông, cụ thể: Thứ nhất, xu hướng phát triển về tranh chấp ở Biển Đông và các hành động phi pháp của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động quân sự hóa và kiểm soát hoạt động giao thông hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai, chính sách “tái cân bằng” của Mỹ và quan hệ của Nhật Bản và một số nước tồn tại tranh chấp ở Biển Đông. Thứ ba, vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao của Nhật Bản so với một số nước (Mỹ và TQ) còn hạn chế, do vậy Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực về các vấn đề an ninh cũng như vấn đề Biển Đông; Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc có thể lợi dụng “yếu tố lịch sử” (Nhật Bản đã từng xâm chiếm một số nước ASEAN) để chia rẽ, gây mất đoàn kết trong quan hệ giữa Nhật Bản và một số nước ASEAN. Ngoài ra, việc triển khai Luật An ninh mới còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng can thiệp vấn đề Biển Đông để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ tự do và an toàn đi lại ở khu vực.
http://biendong.net/bien-dong/29750-nhat-ban-chinh-thuc-the-hien-quan-ngai-sau-sac-trong-vu-tq-dieu-tau-hoat-dong-trai-phep-trong-vung-bien-cua-viet-nam.html

Những mục đích, tính toán của Triều Tiên

khi liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa vừa qua?

Chỉ trong một thời gian chưa đầy hai tuần qua, Triều Tiên đã tiến hành ba đợt phòng thử tên lửa tầm trung và tầm ngắn liên tiếp trong bối cảnh tiến trình đàm phán về hạt nhân giữa các bên chưa có nhiều tiến triển. Giới quan sát đưa ra một số nhận định, phân tích về mục đích của Triều Tiên trong các động thái này như sau:
Thứ nhất, nhằm đáp trả việc Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tập trận thường niên
Các cuộc tập trận thường niên của Mỹ và Hàn Quốc vốn bị phía Triều Tiên chỉ trích là nhằm chống lại Bình Nhưỡng. Mặc dù cả Mỹ và Hàn Quốc đều đưa ra nhiều tuyên bố, hành động thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ với Triều Tiên, song Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ thông báo cuộc tập trận chung giữa hai nước sẽ diễn ra theo kế hoạch vào tháng 8 này. Phía Seoul khẳng định, bản chất của cuộc tập trận không phải là cuộc tấn công mà chỉ nhằm củng cố liên minh. Dự kiến, cuộc tập trận sẽ mô phỏng bằng máy tính ở quy mô lớn và không triển khai binh sỹ ở thực địa. Trong bản báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện quan hệ liên Triều, trong đó có việc thực hiện các tuyên bố chung Hàn Quốc-Triều Tiên”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi thông điệp tới Triều Tiên để cải thiện mối quan hệ liên Triều… và tạo ra các tiền đề nhằm đạt được những tiến bộ rõ rệt trong các lĩnh vực cần thảo luận giữa hai nước”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu thêm. Trước thông tin trên, phía Triều Tiên đã cảnh báo sẽ khởi động lại các vụ thử tên lửa, hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung.
Các tên lửa mới nhất được phóng đi từ bán đảo Hodo, thuộc bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc (JCS) cho biết phía Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo, bay được khoảng 250 km. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin dường như các tên lửa này khác loại so với tên lửa được phóng hồi tuần trước. Đại tá Lee Peters, Phát ngôn viên lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc, nói rằng: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về một vụ phóng tên lửa ở Triều Tiên và sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến”. Tuy nhiên, ông không bình luận gì khi được hỏi liệu kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc có tiếp tục như kế hoạch hay không.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, không có tên lửa nào rơi xuống lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ và các vụ phóng của Triều Tiên không đe dọa tức thì tới an ninh của Nhật Bản. Vào ngày 25/7, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đó là các vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp hôm 30/6 và nhất trí nối lại các vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân.
Thứ hai, nhằm gây sức ép buộc Mỹ phải có những bước đi cụ thể, thiết thực hơn trong đàm phán
Các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên rõ ràng là gây sức ép buộc Mỹ phải có những bước đi cụ thể, thiết thực hơn trong đàm phán. Ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cố giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ phóng thử tên lửa hồi tuần trước mà Triều Tiên thực hiện; trong khi ông Pompeo còn thể hiện hy vọng về con đường ngoại giao trong tương lai với Triều Tiên. Kể từ sau cuộc gặp Trump – Kim diễn ra hôm 30/6 tại khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Washington phá vỡ một cam kết khi lên kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc trong tháng tới, đồng thời cảnh báo rằng kế hoạch này có thể làm phương hại tới bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia, trụ sở tại Washington Harry Kazianis nhận định rằng các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên rõ ràng là nhằm gây sức ép với Washington. “Hiện tại, dường như vòng đối thoại cấp làm việc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể phải tạm hoãn cho đến tận mùa Thu năm nay, bởi chính quyền ông Kim sẽ không lập tức trở lại con đường ngoại giao sau các cuộc thử nghiệm tên lửa này”, chuyên gia Kazianis nhận định. Một số chuyên gia phân tích khác thì cho rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường gây sức ép để buộc Washington phải đưa ra thêm nhượng bộ, bởi ông Trump vẫn coi chiến lược mà ông đang áp dụng với Triều Tiên như một thành tựu của mình, làm bàn đạp cho chiến dịch tái tranh cử cho năm sau.
Triều Tiên cũng cảnh báo về khả năng nối lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa mà họ đã tạm ngừng từ năm 2017, điều mà ông Trump liên tục đưa ra như bằng chứng cho thấy cách tiếp cận của ông với ông Kim đã thành công. Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc khẳng định rằng cuộc tập trận chung sẽ diễn ra như kế hoạch, nhưng chỉ bao gồm các nội dung tập trận giả định trên máy tính chứ không triển khai binh sỹ trên thực địa. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay đã không thể ra được tuyên bố chung do hai bên không xóa bỏ được các bất đồng. Washington yêu cầu Bình Nhưỡng giải giáp hạt nhân toàn diện, trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, không bên nào chịu nhượng bộ.
Phát biểu trước báo giới hôm 23/7, ông Trump một lần nữa nhắc lại rằng ông có mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim, nhưng thêm rằng: “Chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra. Tôi không thể nói trước về bất cứ điều gì”. Ngoại trưởng Pompeo nói, ông hy vọng các vòng đối thoại cấp làm việc với Triều Tiên giúp vãn hồi các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân sẽ được tổ chức “rất sớm”. Ngày 30/7, ông nói với các phóng viên đi cùng ông trong chuyến thăm châu Á rằng, ông không rõ thời điểm diễn ra các cuộc đối thoại, nhưng hy vọng rằng Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun cùng đối tác mới có thể gặp gỡ “trước khi quá muộn”. Ông Pompeo và Ngoại trưởng Triều tiên Ri Yong Ho từng được dự kiến sẽ gặp gỡ bên lề một diễn đàn an ninh Đông nam Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan (31/7-2/8), nhưng ông Ri sau đó đã hủy chuyến đi của mình, Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao hồi tuần trước cho hay.
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng ông cũng lường trước việc phái đoàn Triều Tiên không tới Bangkok, nhưng nếu họ tới đó, ông mong muốn có cơ hội gặp gỡ ông Ri. “Chúng ta sẽ xem xem liệu họ có đến hay không, và nếu họ đến, tôi tin rằng chúng tôi sẽ gặp gỡ”, ông Pompeo nói. Trước đó, trong hôm 30/7, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ, trong tuần trước, một quan chức Triều Tiên đã nói với một đối tác Mỹ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) rằng các cuộc đối thoại cấp làm việc sẽ được khởi động rất sớm.
http://biendong.net/bien-dong/29748-nhung-muc-dich-tinh-toan-cua-trieu-tien-khi-lien-tuc-tien-hanh-cac-vu-phong-thu-ten-lua-vua-qua.html

Người Hong Kong dự định tiếp tục

biểu tình cuối tuần này,

Mỹ cảnh báo người dân đến Hong Kong

Hoa Kỳ hôm 7/8 vừa nâng mức cảnh báo người dân đến du lịch Hong Kong lên bậc 2 trong 4 bậc vào giữa lúc người Hong Kong đang có kế hoạch thực hiện nhưng cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài 3 ngày tại sân bay thành phố vào cuối tuần này.
Những cuộc biểu tình của người dân Hong Kong bắt đầu từ ngày 9 tháng 6 thút hút hơn 1 triệu người vào lúc đỉnh điểm đã kéo dài đến tận nay. Những cuộc biểu tình ban đầu phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đến giờ đã bao gồm cả những phản đối chính phủ và đòi dân chủ toàn bộ cho Hong Kong.
Trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 7 tháng 8 có thông báo cho biết những cuộc biểu tình phản đối đã lan ra bên ngoài những khu vốn đã được cảnh sát cho phép biểu tình. Theo thông báo những cuộc biểu tình sẽ có nhiều khả năng tiếp diễn dù có hay không có thông báo.
Australia mới đây cũng đã cảnh báo người dân đến Hong Kong.
Trong khi đó, cảnh sát Hong Kong cũng đã cảnh báo những nhà hoạt động biểu tình ôn hòa và cho biết họ đã bắt giữ thêm ba người nữa, nâng con số người bị bắt giữ lên gần 600 người. Người trẻ nhất trong số này mới 13 tuổi.
Hôm 8/8, ba nhà hoạt động không nêu danh tính và đeo mặt nạ đã họp báo được phát trên truyền hình, trong đó họ chỉ trích việc cảnh sát đã bắt người trái phép và sử dụng lựu đạn cay để đàn áp người biểu tình.
Những nhà hoạt động cho biết việc chính quyền tiếp tục gieo rắc sợ hãi và đàn áp tự do báo chí cuối cùng sẽ là phản tác dụng đối với chính quyền.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/more-hong-kong-protests-planned-as-us-raises-travel-warning-08082019092121.html

Lưu hành Bộ sách giáo khoa Lịch sử mới

bịa đặt về chủ quyền Biển Đông: TQ tiếp tục

muốn vẽ lại lịch sử một cách ngang ngược

Báo chí Trung Quốc loan tin bắt đầu từ tháng 9/2019, Trung Quốc sẽ chính thức đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa lịch sử cấp trung học phổ thông mới với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, nhất là vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.
Theo tờ Đa Chiều, trong bộ sách giáo khoa lịch sử mới này, sẽ có thêm những nội dung mới được đưa vào như “Triều Hán mở rộng lãnh thổ”, “Vai trò quan trọng của các dân tộc thiểu số phía Bắc trong sự nghiệp thống nhất quốc gia đa dân tộc Trung Quốc trong thời kỳ nhà Liêu, Tây Hạ, Kim và Nguyên”, “Các biện pháp liên quan để thống nhất đất nước và mưu tính biên cương thời kỳ Minh Thanh”, “Các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông), Đài Loan và các đảo phụ cận bao gồm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”… Các nội dung mới được bổ sung và sửa đổi trong chương trình giảng dạy mới hầu như đều liên quan đến nội dung về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia cơ bản là dòng chính của phần diễn giải lịch sử mới này.
Việc điều chỉnh sách giáo khoa lịch sử lần này cho thấy Bắc Kinh đang muốn củng cố khái niệm thống nhất đất nước và chủ quyền lãnh thổ của lớp người trẻ tuổi ở Trung Quốc đại lục trong lúc khuynh hướng ly khai đang xuất hiện ở Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và Hồng Kông.
Sách giáo khoa mới nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Cụ thể, phiên bản sách giáo khoa lịch sử mới nhấn mạnh việc lãnh thổ đến từ 4 phía trong thời kỳ Trung Quốc cường thịnh; chú trọng chứng minh chủ quyền lãnh thổ trong lịch sử của Trung Quốc đối với Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và các đảo phụ cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ví dụ, trong phiên bản mới của sách giáo khoa lịch sử lớp Bảy (lớp đầu của cấp trung học cơ sở), do Bộ Giáo dục Trung Quốc biên soạn, đã tăng thêm bản
đồ nhà Đường thời kỳ cực thịnh để thể hiện khi đó Trung Quốc đã quản lý An Tây Đô hộ phủ và Bắc Đình Đô hộ phủ ở Tây Vực.
Khi giới thiệu lãnh thổ của nhà Nguyên, sách giáo khoa mới đã tăng thêm lãnh thổ mở rộng của nhà Nguyên và các tỉnh cụ thể thời nhà Nguyên, và mô tả “Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, vùng đông bắc rộng lớn, Đài Loan và các quần đảo Biển Đông ngày nay đều nằm trong phạm vi thống trị của triều Nguyên”. Đồng thời, còn bổ sung thêm một đoạn dài về lịch sử quần đảo Điếu Ngư; trên bản đồ của nhà Thanh còn đánh dấu rõ đường biên giới hiện tại của Trung Quốc. Việc biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử mới này ở Trung Quốc thực ra đã bắt đầu khởi động từ tháng 12/2017. Từ tháng 9/2019 nó sẽ được ra mắt vào học kỳ mùa thu tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Thượng Hải, Sơn Đông và Hải Nam. Sau đó từ mùa thu năm 2022 sẽ được phổ cập trên phạm vi toàn quốc
Sử dụng việc thuật chuyện đại thống nhất để chống lại chủ nghĩa ly khai. Theo Đa Chiều, việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử của Bắc Kinh có một định hướng thực tế cụ thể. Các yêu sách ly khai dân tộc và chủ trương độc lập hiện đang diễn ra trong giới trẻ ở Đài Loan và Hồng Kông đang thách thức tuyên bố thống nhất quốc gia truyền thống của Bắc Kinh. Khuynh hướng ly khai này được cho là phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức và nhận thức sai về lịch sử Trung Quốc của người Đài Loan và Hồng Kông.
Một số người lật lại sách giáo khoa lịch sử Hồng Kông thì thấy rằng mô tả về “Vụ đại thảm sát Nam Kinh” chỉ sử dụng 76 từ, nhưng viết về cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa trong lịch sử Trung Quốc thì dài tới 18 trang. So sánh hai bên (Đại Lục và Hồng Kông), sách giáo khoa Hồng Kông có những mô tả đậm nhạt khác nhau về các sự kiện lịch sử và đã truyền đi lập trường chính trị rất khác. Tình hình tương tự cũng xuất hiện ở Đài Loan. Năm 2018, Trung Quốc và Đài Loan vốn trong lịch sử đã có những căng thẳng về cách diễn giải lịch sử khác nhau; do chính quyền của Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền đã đưa lịch sử Trung Quốc vào lịch sử Đông Á trong chương trình Trung học của Chương trình Giáo dục Cơ bản Quốc gia, đã khiến thế giới bên ngoài cho rằng nhà đương cục Đài Loan mượn giáo dục lịch sử để “thoát Trung Quốc hóa”, Trước đó, “lịch sử Trung Quốc” được trình bày như một phần độc lập.
Đặc biệt là trong phần mô tả liên quan đến việc Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, khoảng cách giữa hai bên rất rõ ràng. Trong con mắt người Đại Lục, anh hùng dân tộc Trịnh Thành Công (Zheng Chenggong), “lấy lại Đài Loan” từ tay thực dân Hà Lan. Trong khi đó, trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử Đài Loan, Trịnh Thành Công chỉ là một “người đứng ngoài cuộc” như những người Hán khác. Không giống như mô thức tường thuật về thống nhất quốc gia đầy hào hứng của Trung Quốc đại lục, phiên bản sách giáo khoa lịch sử Đài Loan đã lạnh lùng mô tả chính quyền Trịnh Thành Công là “chính quyền người Hán đầu tiên ở Đài Loan”.
Kết quả của cách giáo dục nói trên là, tại Hồng Kông, nhận thức về thân phận người Trung Quốc của lớp trẻ đã rơi xuống mức thấp lịch sử. Một cuộc khảo sát vào trước hôm kỷ niệm 20 năm ngày Trung Quốc Đại lục thu hồi Hồng Kông năm 2017 cho thấy chỉ có 3,1% thanh niên ở Hồng Kông được khảo sát xác định mình là người Trung Quốc hoặc Trung Quốc theo nghĩa rộng (tức là người Trung Quốc ở Đại Lục và Hồng Kông); còn 93,7% những người trẻ tuổi coi mình là người Hồng Kông theo nghĩa rộng (tức là người Hồng Kông và người Hồng Kông ở Trung Quốc). Đáp án tương tự vào năm 1997 với tỷ lệ lần lượt là 16% và 68%.
Còn tại Đài Loan, một cuộc điều tra năm 2018 cho thấy, mặc dù tỷ lệ nhận là người Trung Quốc có tăng lên nhưng chỉ là 58,3%, vẫn có tới 36,6% người Đài Loan không nhận là người Trung Quốc.
Chính phủ trung ương Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông đã từng cố gắng cải thiện vị thế và tầm quan trọng của các tiết học lịch sử Trung Quốc trong nền giáo dục Hồng Kông. Tuy nhiên, năm 2012 việc thử xúc tiến môn “giáo dục đạo đức và giáo dục công dân”, đã thực sự bị gác lại do vấp phải nhiều sự phản kháng.
Năm 2017, chính quyền Hồng Kông dự định bắt tay từ giáo dục, trau dồi khái niệm “Tôi là người Trung Quốc” trong giai đoạn vườn trẻ và đưa lịch sử Trung Quốc vào các môn học bắt buộc ban đầu để ứng phó khuynh hướng “Hồng Kông độc lập” đang ngày càng nghiêm trọng trong những người trẻ tuổi Hồng Kông. Tờ Đa Chiều kết luận tất cả lịch sử đều là lịch sử hiện đại. Do đó, sự nhấn mạnh của sách giáo khoa lịch sử mới của Bắc Kinh về lĩnh vực lịch sử và lãnh thổ quốc gia sẽ củng cố ý thức thống nhất quốc gia và chủ quyền lãnh thổ trong ý thức của giới trẻ Trung Quốc. Trong tương lai khi có thể đối mặt với khuynh hướng ly khai gay gắt hơn so với hiện nay ở Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, v.v..Bắc Kinh hy vọng sẽ có một cơ sở dư luận mạnh mẽ ở Trung Quốc Đại lục, có thể ủng hộ chính quyền trong lập trường về vấn đề lãnh thổ hoặc sử dụng vũ lực vào thời điểm then chốt.
http://biendong.net/bien-dong/29751-luu-hanh-bo-sach-giao-khoa-lich-su-moi-bia-dat-ve-chu-quyen-bien-dong-tq-tiep-tuc-muon-ve-lai-lich-su-mot-cach-ngang-nguoc.html

Nhập khẩu từ Mỹ vào TQ giảm 19% trong tháng 7

giữa lúc thương chiến căng thẳng

Kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc sụt giảm trong tháng 7 giữa lúc cuộc chiến thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục căng thẳng, theo AP.
AP dẫn dữ liệu hải quan hôm 8/8 cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 10,9 tỷ đôla, mặc dù vậy, con số này vẫn ít hơn mức giảm thấp nhất là 31,4% vào tháng 6. Cũng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 6,5%, xuống còn 38,8 tỷ đôla.
Reuters cho biết trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tiếp tục thu hẹp trong tháng 7 do Hoa Kỳ áp dụng thuế suất cao, thì xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục mở rộng sang châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan và đáng chú ý nhất là thị trường Đông Nam Á (ASEAN).
Bắc Kinh đã trả đũa việc tăng thuế quan của Hoa Kỳ trong cuộc tranh chấp về thương mại và công nghệ bằng cách áp đặt các mức thuế có tính chất trừng phạt của riêng mình và đình chỉ nhập khẩu đậu nành Mỹ và các hàng hóa khác.
AP dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 đã giảm 28,3% so với năm ngoái.
Các nhà kinh tế cho biết ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm nay vẫn thấp do lượng cầu toàn cầu không cao.
Hồi tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gây bất ngờ cho cả Trung Quốc lẫn các nhà đầu tư khi đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ đô la vào ngày 1/9 tới, và sau đó nhanh chóng liệt Trung Quốc vào hàng “nước thao túng tiền tệ” vào hôm 5/8 để trả đũa cho việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng mua nông sản của Mỹ và cho phá giá đồng nhân dân tệ.
https://www.voatiengviet.com/a/nhap-khau-tu-my-vao-tq-giam-19-trong-thang-7/5034009.html

TQ báo hiệu còn hạ giá nhân dân tệ

 trong khi thương chiến tăng nhiệt

Trung Quốc hôm thứ Năm 8/8 phát đi tín hiệu là họ có thể tiếp tục làm suy yếu đồng tiền quốc gia của mình, một động thái có nguy cơ lại làm leo thang cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 8/8 công bố tỷ giá trung tâm của biên độ giao dịch hàng ngày là hơn 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ, lần đầu tiên ở mức này sau hơn một thập kỷ. Con số cụ thể là 7,0039 nhân dân tệ ăn 1 đô la, so với mức 6,996 nhân dân tệ/1 đô la được ngân hàng trung ương công bố hôm 7/8.
Tác động thực chất của động thái này là truyền thông điệp đến các thị trường tài chính rằng Bắc Kinh kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu so với đồng đô la, có thể cao hơn mức 7 nhân dân tệ/1 đô la khá nhiều.
Điều đó nhiều khả năng càng làm cho chính quyền Tổng thống Trump tức tối. Đồng tiền yếu hơn giúp các nhà máy Trung Quốc bù đắp phần chi phí tăng lên do bị ông Trump đánh thuế khi họ bán hàng hóa cho Hoa Kỳ.
Hành động của Trung Quốc sẽ làm cho các bên chú ý nhiều hơn tới tỷ giá trung tâm hàng ngày của ngân hàng trung ương nước này trong những tuần tới để xem liệu Trung Quốc có hạ giá đồng tiền hay không – có thể tới mức là 7,5 hoặc 8 nhân dân tệ đổi 1 đô la – đó là mức mà sẽ bắt đầu làm suy yếu đáng kể tác dụng của việc Mỹ đánh thuế.
Động thái này cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương khác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải xem xét việc cắt giảm lãi suất của họ.
Hôm 7/8, ba ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand đã giảm lãi suất và việc này được nhiều người xem như là một nỗ lực phòng thủ nhằm củng cố nền kinh tế của họ vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa đến tăng trưởng của toàn cầu.
(New York Times, CNN)
https://www.voatiengviet.com/a/tq-bao-hieu-con-ha-gia-nhan-dan-te/5033987.html

Trung Quốc: Chiến lược dùng tàu khảo cứu

để áp đặt chủ quyền trên biển

Trọng Nghĩa
Hải Dương Địa Chất 8 trong vùng biển Việt Nam, Thực Nghiệm 2 trong vùng biển Malaysia, Đông Phương Hồng 3 trong vùng biển Philippines : Trong những ngày qua, tàu khảo cứu Trung Quốc đã xuất hiện nhan nhản trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.
Điểm chung gắn liền các chiếc tàu này là chúng đều vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, tại những nơi mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là phải chăng Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh chiến lược có thể gọi là « tàu khảo cứu » để áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên các vùng biển của nước khác.
Vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vào khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có lẽ minh họa rõ nhất cho chiến lược này của Trung Quốc. Đó là cứ cho tàu dân sự đi vào hoạt động trong vùng biển của nước khác nhưng bị Trung Quốc cho là của mình, cử một đội tàu hùng hậu đi theo hộ tống chiếc tàu dân sự đó, để sẵn sàng đẩy lùi tàu chấp pháp của nước bị xâm lấn khi cần thiết.
Đội tàu hộ tống cũng phải khoác vỏ bọc bán quân sự hay dân sự, tức là tàu hải cảnh và tàu dân quân biển thường đội lốt tàu cá, để các nước khác khỏi dùng đến Hải Quân để đối phó. Về bản chất, các chiếc tàu gọi là hải cảnh của Trung Quốc không khác gì chiến hạm thực thụ.
Trong trường hợp đội tàu đi theo chiếc Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vùng Bãi Tư Chính chẳng hạn, số lượng tàu hộ tống có lúc lên đến 80 chiếc, theo như ghi nhận của chuyên gia Carl Thayer. Trong số các tàu Hải Cảnh đã bị nhận diện, đặc biệt có chiếc mang ký hiệu 3901, có lượng giãn nước 12.000 tấn, được coi là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn cả những khu trục hạm hay tuần dương hạm thường được Mỹ triển khai ở Biển Đông.
Một chiếc tàu khảo cứu mà có một đội tàu hùng hậu như vậy tháp tùng theo là dấu hiệu cho thấy việc đưa tàu này vào Bãi Tư Chính không phải là một công việc nghiên cứu thực địa đơn thuần, mà còn có mục tiêu áp đặt quyền sở hữu của Trung Quốc trên vùng biển được khảo sát. Khi bị Việt Nam đưa tàu ra đuổi, không những phía Trung Quốc đã chống lại, mà phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại Bắc Kinh còn lớn tiếng tố cáo Việt Nam gây trở ngại cho hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển của Trung Quốc !
Gọi việc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng Bãi Tư Chính của Việt Nam nằm trong cả một chiến lược có lẽ không sai, vì ngoài việc đưa tàu khảo cứu vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc cũng sử dụng ngón đòn tương tự với Malaysia.
Theo ghi nhận ngày 04/08 của giáo sư Ryan Martinson, thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, chiếc tàu khảo cứu Thực Nghiệm 2 (Shiyan) của Trung Quốc đã có mặt bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần bãi cạn Luconia Breakers ở cực nam Biển Đông, do Malaysia kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tính đến ngày 06/08, chiếc tàu khảo sát Trung Quốc vẫn hoạt động trong khu vực.
Thông tin về hoạt động của chiếc Thực Nghiệm 2 không nhắc đến đội tàu tháp tùng, nhưng vào tháng sáu vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đã thâm nhập vào vùng này để sách nhiễu tàu và giàn khoan của Malaysia hoạt động trong khu vực.
Sau Việt Nam, Malaysia, đến lượt Philippines trở thành nạn nhân của chiến lược tàu khảo cứu của Trung Quốc. Báo chí Philippines trong hai ngày qua đã loan tin rộng rãi về tiết lộ cũng của giáo sư Martinson, theo đó hai chiếc tàu khảo cứu Trung Quốc đã tiến vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Đó là chiếc Trương Kiển (Zhang Jian) đã thâm nhập vào vùng biển phía đông Philippines chỉ cách đảo Siargao của nước này 75 hải lý từ ngày 03/08 để tiến hành hoạt động khảo sát. Qua ngày 07/08, đến lượt chiếc Đông Phương Hồng 3 (Dong Fang Hong) thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở phía bắc đảo Luzon từ ngày 07/08.
Đến nay chưa rõ là Bắc Kinh có xin phép Manila để cho tàu vào khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay không, nhưng nếu tự ý tiến hành, thì điều đó hàm nghĩa là Bắc Kinh cũng coi các vùng khảo sát thuộc chủ quyền của họ, vì luật của Trung Quốc đòi hỏi là tàu nước ngoài muốn khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc phải xin phép Bắc Kinh.
Và như vậy, chiến lược dùng tàu khảo cứu để áp đặt yêu sách chủ quyền cũng được Trung Quốc áp dụng tại Philippines.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190808-trung-quoc-dung-chien-luoc-tau-khao-cuu-de-ap-dat-chu-quyen-tren-bien

Trung Quốc tìm nơi tiêu thụ hàng hóa

không bán được cho Mỹ

Mai Vân
Vì bị áp thuế không xuất được qua Mỹ, sản xuất trong nước lại quá tải nghiêm trọng, Trung Quốc hiện đang phải ráo riết tìm nơi để tuồn số lượng hàng hóa dư thừa của mình. Trong tình hình đó, Bắc Kinh rất muốn đẩy nhanh các thỏa thuận tự do mậu dịch với các đối tác khác, chủ yếu là châu Á. Tuy nhiên, như nhận xét của nhật báo Mỹ The New York Times ngày 26/07/2019, vấn đề không phải là dễ dàng.
Dưới một tựa đề rất châm biếm “Trung Quốc cần chỗ mới để bán núi đồ của mình – China Needs New Places to Sell Its Mountain of Stuff”, bài viết của báo The New York Times ghi nhận tình hình một cách dí dỏm : “Trung Quốc có quá nhiều nhà máy sản xuất dư thừa  hàng hóa. Và do cuộc chiến thương mại có tính trừng phạt với Mỹ,  bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc không còn mua hàng như trước nữa… Thế là Trung Quốc phải tìm khách hàng mới, và những khách mới này cho thấy là không dễ dụ dỗ”.
Theo New York Times, Trung Quốc vừa chính thức thúc đẩy trở lại dự án xây dựng một vùng tự do mậu dịch xuyên Châu Á – Thái Bình Dương, với một mục tiêu rất khó hoàn thành, đó là đạt được một thỏa thuận vào tháng 11. Nếu thành công thì hiệp định có thể mở cho Bắc Kinh cánh cửa vào các thị trường từ Úc sang đến Ấn Độ.
Bắc Kinh cũng đang cố duy trì cuộc đàm phán 3 bên với Seoul và Tokyo nhằm hạ thấp hàng rào thuế quan giữa ba nước Đông Bắc Á Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cơ may thành công không nhiều.
Nhìn chung, Trung Quốc đang đơn phương giảm thuế quan trên một loạt mặt hàng nhập từ các nơi trên thế giới, cho dù vẫn áp thuế trả đũa trên hàng hóa Mỹ.
Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc
Đối với The New York Times, vấn đề đặt ra là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc mà Bắc Kinh cần duy trì.
Vào trung tuần tháng 7, Trung Quốc thông báo tăng trưởng chậm lại ở mức thấp nhất từ gần 3 thập niên nay, mà nguyên nhân một phần đến từ cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump khởi xướng, tác động đến lãnh vực xuất khẩu then chốt của nền kinh tế Trung Quốc. Các tập đoàn nước ngoài thì đang tìm cách dời sản xuất đi nơi khác để tránh một cuộc chiến thương mại có thể dằng dai.
Do không thấy dấu hiệu nào là cuộc chiến sắp kết thúc, Trung Quốc phải quay sang việc đi tìm thị trường mới cho những gì họ sản xuất.
Giáo sư Trần Định Định (Chen Dingding), thuộc Đại Học Tế Nam ở Quảng Châu, công nhận : “Thay thế được Mỹ là điều rất khó, nhưng cũng phải thử, phải đa dạng hóa”. Theo ông, Bắc Kinh không thể dựa mãi vào thị trường Mỹ, cho dù nó rất quan trọng.
Thế nhưng việc đúc kết các hiệp định thương mại mới rất khó, vì các đối tác khả dĩ ký thỏa thuận tự do mậu dịch với Trung Quốc đang có rất nhiều lý do để không hài lòng.
Vả lại không một nước nào có khả năng hấp thụ, dù chỉ tính trên bình diện khối lượng, các mặt hàng mà Trung Quốc bán cho khách hàng Mỹ. Còn những nước láng giềng thì cũng cạnh tranh với Trung Quốc trong một số lãnh vực sản xuất. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn duy trì một mức thuế cao và nhiều cản trở khác để bảo vệ nền công nghiệp Trung Quốc, những cản trở đó phải được dỡ bỏ nếu muốn các nước khác đồng ý ký kết.
Cuộc đối đầu kinh tế Mỹ Trung đã làm hệ thống thương mại thế giới mất cân đối. Hàng thặng dư hàng năm của Trung Quốc trong thương mại lên đến gần 1 ngàn tỷ đô la, đủ để cho người ta có khái niệm về lượng hàng bán ra và nhập vào của Trung Quốc. Và phân nửa số hàng thặng dư này nằm trong thương mại với Mỹ.
Trong nửa đầu năm nay, 2019, trao đổi của Trung Quốc với Mỹ sụt giảm 8,5%. Hàng Trung Quốc xuất ra thế giới chỉ tăng có 2,1%. Trong lúc cuộc chiến thương mại bước vào năm thứ 2, câu hỏi lớn là ai có khả năng mua hàng sản xuất dư thừa của Trung Quốc nếu Mỹ không mua nữa.
Chưa gì Trung Quốc đã bị dư thừa về xe hơi, thép, và các mặt hàng thiết yếu khác trong thương mại. Nhiều nhà máy phải hoạt động chậm lại hay đóng cửa tất nhiên sẽ dẫn đến việc sa thải nhân công và cũng khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.
Thúc đẩy đàm phán về RCEP
Đứng trước khả năng kinh tế bị tổn hại, Bắc Kinh tìm cách mở những thị trường khác, và đang tập trung sức lực để thúc đẩy việc đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch Châu Á – Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực – RECEP, kết hợp 10 nước ASEAN với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và dĩ nhiên Trung Quốc.
Các quan chức thương mại trong vùng đã họp lại với nhau tại Trịnh Châu (Zhengzhou) vào hạ tuần tháng 7 và họp cấp bộ trưởng ở Bắc Kinh ngày 2 và 3/08. Mục tiêu mà Bắc Kinh mong muốn là có được bản phác thảo văn kiện đàm phán mà các lãnh đạo sẽ đúc kết trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bangkok vào tháng 11.
Ông Ngô Giang Hạo  (Wu Jianghao), tổng vụ trưởng Vụ Châu Á bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã giải thích: “Chúng tôi vẫn thảo luận về vấn đề này và hy vọng thúc đẩy nhanh để có thể đúc kết trong năm nay”.
Từ năm 2012, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nêu lên khả năng đàm phán một hiệp định đối tác như thế để đáp trả dự án Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn không có Trung Quốc.
Tuy nhiên, để đàm phán thỏa thuận RCEP đạt được kết quả, trước tiên phải giải quyết một số vấn đề gai góc.
Về phía Nhật, ông Takeshi Niinami, lãnh đạo tập đoàn nước giải khát Suntory, và cũng là một cố vấn của thủ tướng Abe trên các vấn đề kinh tế, đã có nhận định bi quan : « Tôi không nghĩ là đàm phán có thể được cụ thể hóa vào tháng 11. Có lẽ phải cần thêm thời gian ».
Một cản lực chính là mức thuế cao của Trung Quốc. Kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc bắt đầu hạ thuế quan… Và nhân diễn đàn kinh tế gọi là « Davos mùa hè- Summer Davos » ở Đại Liên, vào đầu tháng 7, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định : « Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động hạ tất cả các loại thuế quan , bãi bỏ các hàng rào phi thuế quan, tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, tăng gia các điều kiện dễ dàng hơn cho nhập khẩu ».
Không dễ dụ dỗ các ‘đối tác’ mua hàng
Nhưng giành được sự ủng hộ của các nước khác không phải dễ. Ấn Độ chẳng hạn, với tầm vóc to lớn và mức tăng trưởng nhanh, có khả năng là một khách hàng lớn của Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ lại bảo vệ thị trường của mình với mức thuế quan trung bình cao nhất trong các nền kinh tế lớn thế giới, và rất sợ bị hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đổ vào.
Hiện nay thì các nhà bào chế dược phẩm Ấn Độ cũng đang muốn bán sang Trung Quốc nhiều loại thuốc generic hơn nữa. Ngành dịch vụ  lập trình máy vi tính cũng đang muốn Trung Quốc cấp visa làm việc tạm thời dễ dàng hơn cho các thảo chương viên Ấn Độ.
Về phần Trung Quốc, nước này cũng rất thận trọng khi mở cửa thị trường cho dược phẩm và lao động Ấn Độ.
Theo Mari Pangestu, cựu bộ trưởng thương mại Indonesia, để thúc đẩy RCEP, có một khả năng là loại Ấn Độ ra khỏi thỏa thuận ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, điều này sẽ giới hạn lợi ích đối với các quốc gia khác tham gia đàm phán.
Ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết, không rõ Trung Quốc có thể hưởng lợi bao nhiêu.
Báo New York Times nhận thấy là một số nước có thể là thành viên của RCEP như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng là những nhà sản xuất cạnh tranh với Trung Quốc và có thể không nhập khẩu nhiều hơn nữa.
Trung Quốc cũng đã có các cuộc đàm phán lâu dài với Nhật Bản và Hàn Quốc về quan hệ đối tác thương mại ba bên. Nhưng triển vọng về một thỏa thuận thương mại mới giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở nên xa vời với tranh chấp thương mại đang sôi sục giữa Tokyo và Seoul.
Theo ông Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài Chính Mỹ thời tổng thống Obama, hiện làm việc ở trung tâm tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) ở New York cho rằng ngay cả khi Trung Quốc có được những hiệp định thương mại mới, họ vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực là phải tìm thị trường cho số lượng lớn hàng hóa mà họ tạo ra.
Chuyên gia này khẳng định : « Ngay vào lúc này, không một quốc gia nào khác trên thế giới có khả năng thay thế Hoa Kỳ trong vị trí bị gần 400 tỷ đô la thâm hụt thương mại hàng năm do việc mua hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190808-trung-quoc-ca%CC%80n-tim-noi-tieu-thu%CC%A3-nu%CC%81i-ha%CC%80ng-khong-ba%CC%81n-duo%CC%A3c-cho-my%CC%83

Bắc Kinh phản đối Mỹ

 liên lạc với “phe ly khai bạo lực” Hồng Kông

Thụy My
Cơ quan phụ trách Hồng Kông của bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay, 08/08/2019, cực lực phản đối Hoa Kỳ, yêu cầu Washington chấm dứt « gởi đi những tín hiệu sai lạc cho phe ly khai bạo lực ở Hồng Kông », đồng thời làm rõ những thông tin trên báo chí về việc các viên chức Mỹ liên lạc với các lãnh đạo « ly khai ».
Theo tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao), bà Julie Eadeh, phụ trách chính trị của tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông đã có cuộc tiếp xúc với các thành viên của đảng Demosisto, trong đó có lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong).
Trước đó, trong cuộc họp ở Thâm Quyến hôm qua, giám đốc Văn phòng Các vấn đề về Hồng Kông và Macao, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) đã công khai cáo buộc các cuộc biểu tình tại đặc khu từ hai tháng qua là « cách mạng màu », cho thấy Bắc Kinh coi đây là mối đe dọa thực sự.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
« Cáo buộc thật nặng nề, và lần này đến từ một quan chức cao cấp của chế độ Bắc Kinh, phụ trách quan hệ với Hồng Kông. Đối với ông Trương Hiểu Minh, phong trào chống chính quyền tại đặc khu mang « những tính chất rõ ràng của một cuộc cách mạng màu ». Đây là cụm từ dùng để chỉ các cuộc nổi dậy trong những năm 2000 tại châu Âu, ở Trung Á và Trung Đông (như Gruzia, Ukraina, Belarus, Kyrgyzstan, Liban…), được phương Tây phần nào ủng hộ.
Theo ủy viên trung ương đảng Trương Hiểu Minh, thì « nhiệm vụ khẩn cấp nhất hiện nay là chấm dứt tình hình lộn xộn, ngăn chận việc Hồng Kông lao vào vực thẳm ». Sự chọn lựa từ ngữ đều có dụng ý.
Nhà Trung Quốc học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận định, việc đánh giá là « cách mạng màu » đã được chính quyền trung ương ở Bắc Kinh quyết định từ tháng Sáu, từ khi khởi đầu các cuộc xuống đường. Do vậy mà chính quyền Hồng Kông đã từ chối nhượng bộ tất cả những yêu sách. Dự luật dẫn độ, nguyên nhân ban đầu của phong trào phản kháng, đã bị ngưng lại, nhưng không bị hủy bỏ như đòi hỏi của người biểu tình.
Giai đoạn tối hậu – và hiện vẫn chưa đến mức này – trước khi Bắc Kinh quyết định can thiệp quân sự hoặc đưa công an từ Hoa lục sang trấn áp, là khi tình hình Hồng Kông được cho là « động loạn », tức « hỗn loạn ». « Động loạn » là từ đã chiếm trang nhất của Nhân dân Nhật báo, vài tuần trước khi diễn ra vụ thảm sát Thiên An Môn. »
Hoa Kỳ khuyến cáo công dân Mỹ khi đến Hồng Kông
Hoa Kỳ hôm nay 08/08/2019 khuyến cáo các công dân Mỹ nên « cảnh giác cao » khi đến Hồng Kông, vào lúc những người phản kháng thông báo biểu tình ba ngày tại sân bay, từ thứ Sáu 9/8 đến Chủ nhật 11/8. Trước đó mức cảnh báo chỉ là « thận trọng ».
Nhiều nước khác như Anh, Úc, Nhật Bản cũng đã khuyến cáo công dân nước mình nên cẩn trọng khi đến Hồng Kông, trong bối cảnh người biểu tình không hề có ý định thối lui trước sự đàn áp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190808-bac-kinh-phan-doi-my-lien-lac-voi-phe-ly-khai-bao-luc-hong-kong

Điểm lại những lần chỉ trích

lối hành xử của TQ ở Biển Đôngcủa Bộ Quốc phòng

Philippines từ đầu năm 2019  đến nay

Trái với cách phản ứng mềm mỏng của Chính quyền Tổng thống Duterte trong quan hệ với Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Philippines thường đưa ra những tuyên bố, quan điểm lên án, chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này cho thấy vẫn có một sự độc lập nhất định về chính sách và hành động của Bộ Quốc phòng Philippines với Tổng thống Duterte trong vấn đề Biển Đông và Trung Quốc hiện nay. Việc Chính quyền Tổng thống Duterte cảnh báo quân đội Philippines sẽ bị tiêu diệt khi đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông được xem là nhằm gây sức ép đối với giới lãnh đạo quốc phòng của nước này.
Ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà ông cho là “hăm dọa” tại Biển Đông và cho rằng những tuyên bố đảm bảo hòa bình của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với hoạt động của nước này tại vùng biển tranh chấp này. Khi được đề nghị bình luận về tuyên bố trước đó cùng ngày của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa rằng Bắc Kinh sẽ không tìm cách chi phối Biển Đông và “sẽ không nổ phát súng đầu tiên”, ông Lorenzana cho rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng gia tăng. Ông Lorenzana nói rằng Trung Quốc luôn tuyên bố “không bắt nạt những người xung quanh” và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng họ đang không làm điều đó và “Những gì TQ nói không giống những gì họ làm trên thực tế một chút nào”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough sau tranh chấp kéo dài năm 2012.
Ngày 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ trích tàu chiến Trung Quốc ngang nhiên đi qua vùng biển của nước này mà không xin phép. Ông Lorenzana cho biết từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 4 lần các chiến hạm Trung Quốc di chuyển qua vùng biển nằm giữa vịnh Bongao và eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi của Philippines. Bộ trưởng Lorenzana yêu cầu Bắc Kinh phải xin phép nếu có tàu chiến đi qua vùng biển của Philippines và ông đã chất vấn Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa về vấn đề này. “Đại sứ Triệu nói trong tương lai sẽ yêu cầu các tàu chiến thông báo cho phía Philippines”, theo ông Lorenzana. “Tôi cũng chất vấn tàu sân bay Liêu Ninh có nằm trong số những chiến hạm di chuyển qua eo biển Sibutu hay không. Đại sứ Triệu đáp là không nhưng ông ấy biết rõ những tàu chiến nhỏ hơn đã đi đến khu vực này”, ông cho biết thêm.
Ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã phản ứng trước thông tin Trung Quốc phòng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo ở Biển Đông, cho biết Philippines cần thu thập thêm thông tin về việc Bộ Quốc phòng Mỹ nói Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo chống hạm cuối tuần qua trên Biển Đông. “Chúng tôi không biết gì về vụ phóng tên lửa này ngoại trừ qua tin tức. Chúng tôi sẽ tiến hành cuộc điều tra riêng. Chúng tôi sẽ quyết định làm gì tiếp theo nếu thông tin này là chính xác”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng cho biết thêm nếu thông tin là sự thật thì Philippines sẽ có hình thức phản đối thích đáng.
Ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên án mạnh mẽ việc một tàu cá Trung Quốc đâm chìm sau đó bỏ mặc một tàu cá Philippines cùng 22 ngư dân ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6. Một thời gian dài sau đó vụ việc đã thu hút sự chú ý của dư luận khu vực. Các nước lên án hành động thiếu trách nhiệm của Trung Quốc, trong khi đó phía chính quyền Tổng thống Philippines lại xem nhẹ vụ việc vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ đại cục với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhìn chung vẫn giữ phản ứng đối với Trung Quốc song có sự điều chỉnh để phù hợp với chủ trương chung của nước này. Song sự thật vẫn được cơ quan điều tra Philippines công bố rằng tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines. “Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động hèn hạ của tàu cá Trung Quốc và các thuyền viên trên đó, những người đã bỏ rơi các thuyền viên Philippines. Đây không phải là hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí. Chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra chính thức về vụ việc và các động thái ngoại giao ngay lập tức để tránh vụ việc này lặp lại”, Bộ trưởng Delfin Lorenzana nói thêm.
Ngày 7/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) giữa Philippines và Mỹ có nguy cơ gây ra “sự nhầm lẫn và hỗn loạn trong một cuộc khủng hoảng” ở Biển Đông. ông Lorenzana cho biết, Philippines không xung đột với bất kỳ nước nào và sẽ không gây chiến với bất kỳ ai trong tương lai. Nhưng việc tàu Mỹ gia tăng và thường xuyên đi lại ở biển Đông có nhiều khả năng dẫn đến đến xung đột. Tuy nhiên, theo ông Lorenzana, trong trường hợp như vậy và trên cơ sở MDT, Philippines sẽ tự động tham gia. MDT giữa Mỹ và Philippines được ký
kết vào năm 1951, trong những năm đầu của Chiến tranh lạnh. MDT cam kết cả 2 quốc gia sẽ hỗ trợ nhau trong trường hợp “tấn công vũ trang vào lãnh thổ của một trong hai bên, hoặc trên các lãnh thổ đảo thuộc quyền tài phán ở Thái Bình Dương hoặc lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của hai bên ở Thái Bình Dương”. Mặc dù Bộ Quốc phòng Philippines không trực tiếp lên án Trung Quốc, song việc Bộ trưởng Lorenzana đề cập đến MDT giữa Mỹ và Philippines được xem là động thái cánh báo đến Trung Quốc về những hành động lấn lướt ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/29744-diem-lai-nhung-lan-chi-trich-loi-hanh-xu-cua-tq-o-bien-dong-cua-bo-quoc-phong-philippines-tu-dau-nam-2019-den-nay.html

Ấn Độ bắt giữ hơn 500 người ở Kashmir,

Pakistan cắt tuyến đường sắt

Lực lượng an ninh Ấn Độ vừa bắt giữ hơn 500 người ở Kashmir kể từ khi New Delhi áp đặt lệnh tuyệt giao và tăng cường kiểm soát an ninh ở khu vực Kashmir bị chia cắt, theo AP.
Pakistan hôm 7/8 đã đình chỉ một tuyến đường sắt quan trọng kết nối với Ấn Độ chỉ vài ngày sau khi New Delhi tước bỏ quyền tự trị đặc biệt của khu vực Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan tranh chấp.
Trong tuần này chính phủ Ấn Độ đã thu hồi quyền tự trị đặc biệt đối với Jammu và Kashmir. Trong nhiều thập kỷ qua, phiến quân ở Kashmir, nơi có đa số dân theo Hồi giáo, đã chiến đấu chống lại sự cai trị của Ấn Độ trong khu vực mà họ quản lý.
XEM THÊM:
Tranh chấp leo thang, Pakistan trục xuất đại sứ Ấn
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến có bài phát biểu trước quốc dân vào ngày 8/8 để thảo luận về vấn đề Kashmir. Ông Ajit Doval, Cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng, đã đến thăm khu vực này hôm 7/8.
Đáp trả hành động của Ấn Độ, Bộ trưởng Đường sắt Liên bang Pakistan Rashid Ahmad đã đình chỉ tuyến Express, hay còn gọi là Friendship Express (Tốc hành Hữu nghị) có kết nối đến Ấn Độ, bắt đầu từ 8/8.
Hôm 7/8, Islamabad cho biết họ sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với New Delhi, trục xuất đại sứ Ấn Độ và đình chỉ thương mại.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói với Ủy ban An ninh Quốc gia Pakistan rằng chính phủ của ông sẽ sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để vạch trần “chế độ phân biệt chủng tộc tàn bạo” của Ấn Độ và vi phạm nhân quyền ở Kashmir, theo một tuyên bố của chính phủ Pakistan.
https://www.voatiengviet.com/a/an-do-bat-giu-hon-500-nguoi-o-kashmir-pakistan-cat-tuyen-duong-sat/5034096.html

Tranh chấp leo thang,

Pakistan trục xuất đại sứ Ấn

Pakistan ngày 7/8 loan báo sẽ trục xuất đại sứ Ấn Độ và ngưng thương mại song phương với đối thủ ‘không đội trời chung’ sau khi New Delhi tước bỏ quy chế đặc biệt trên phần đất do họ kiểm soát tại khu vực Kashmir mà đôi bên cùng tranh chấp.
Các nước láng giềng gồm Trung Quốc và Pakistan có tuyên bố có chủ quyền ở Kashmir đã lên tiếng chống đối mạnh mẽ quyết định của Ấn Độ hủy bỏ một điều khoản hiến pháp từng cho phép tiểu bang duy nhất của Ấn Độ có đa số dân theo Hồi Giáo này được quyền làm luật riêng.
Hai nước có võ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan đã hai lần lâm chiến vì Kashmir và vào tháng 2 năm nay từng xảy ra đụng độ trên không.
Ấn Độ, quốc gia chiến đấu chống lại phe nổi dậy ở Kashmir trong 30 năm qua , nói quy chế đặc biệt của Kashmir cản trợ sự phát triển của vùng đất này và rằng New Delhi muốn hội nhập hoàn toàn Kashmir với phần còn lại của Ấn Độ.
Pakistan hôm 7/8 thông báo đại sứ mới được bổ nhiệm của Pakistan tại Ấn Độ Moin-ul-Haq chưa nhậm chức nhưng sẽ không đến New Delhi trong khi đại sứ Ấn Độ Ajay Bisaria sẽ bị Pakistan trục xuất.
“Hiển nhiên là đại sứ của chúng tôi sẽ không có mặt tại New Delhi và hiển nhiên là người đang có mặt tại đây cũng sẽ rời khỏi,” Bộ trưởng ngoại giao Shah Mahmood Qureshi nói với kênh truyền hình Pakistan ARY News.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ không trả lời yêu cầu bình luận về động thái này của Pakistan.
https://www.voatiengviet.com/a/tranh-ch%E1%BA%A5p-leo-thang-pakistan-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-%E1%BA%A5n/5033285.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.