Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 26/07/2019

Friday, July 26, 2019 6:40:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 26/07/2019

Biển Đông: Bị lên án bắt nạt láng giềng, Đại sứ TQ

giải thích toàn lời hay ý đẹp, nói ASEAN “đừng mắc lừa”

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN khẳng định tình hình biển Đông vẫn đang phát triển theo xu thế ổn định và có xu hướng tốt đẹp.
Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Hoàng Khê Liên ngày 24/7 đã dự Hội nghị cấp cao hợp tác truyền thông Trung Quốc – ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Trả lời họp báo sau hội nghị, ông Hoàng đánh giá quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới, đồng thời đề cập vấn đề biển Đông.
Tình hình biển Đông là một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại các hội nghị ngoại trưởng hợp tác Đông Á những năm gần đây. Đặc biệt trong những ngày qua, Bộ ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo lên án Trung Quốc quấy rối hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông của các nước láng giềng, đã được tiến hành lâu nay.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ trích lời ngoại trưởng Pompeo hồi đầu năm, “với việc cản trở sự phát triển ở biển Đông bằng cách áp chế, Trung Quốc đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2.5 nghìn tỉ USD dự trữ năng lượng tái tạo”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng viết trên Twitter, chỉ trích hành động bắt nạt của Bắc Kinh đối với các láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.
Trong khi đó, giải đáp về cục diện biển Đông những ngày qua, Hoàng Khê Liên cho biết ông “muốn nhấn mạnh ba từ khóa quan trọng”.
“Thứ nhất là ‘Xu thế ổn định theo hướng tốt đẹp’,” ông Hoàng nói. “Hiện nay dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, cục diện ổn định theo hướng tốt ở biển Đông đang thêm vững chắc, nguyện vọng cùng gìn giữ hòa bình ổn định ở biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN càng mạnh mẽ, hành động để thúc đẩy phát triển thịnh vượng ở biển Đông càng chắc chắn. Biển Đông từ một ‘điểm cọ xát’ trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN dần chuyển biến thành ‘điểm tăng trưởng’ trong đối thoại về vấn đề trên biển.”
“Thứ hai là ‘tiến triển tích cực’. Tại hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN tháng 11/2018, Thủ tướng [Trung Quốc] Lý Khắc Cường đề xuất hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) cũng các nước ASEAN trong vòng 3 năm, và nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các nước ASEAN…”
“Thứ ba là ‘can thiệp từ bên ngoài’. Sự hòa bình và ổn định ở biển Đông có không ít thách thức, nhưng đe dọa lớn nhất trên thực tế đến từ ngoài khu vực,” ông Hoàng Khê Liên trả lời báo chí. “Một số nước lớn bên ngoài viện cớ ‘tự do hàng hải’ để điều động chiến hạm, chiến cơ đến gây sự tại biển Đông, xâm nhập lãnh hải các nước hay tổ chức tập trận chung. Những nước này lo ngại bị giới hạn bởi các quy tắc trong tương lai ở khu vực, nên có ý đồ nhúng tay vào quá trình đàm phán COC.”
Đại sứ Trung Quốc chỉ trích thông cáo mới đây của Bộ ngoại giao Mỹ, ông Pompeo và ông Bolton. Ông Hoàng nói “các sức mạnh ngoài khu vực không muốn nhìn thấy sự hòa bình và ổn định được khôi phục ở biển Đông”.
“[Mỹ] bất chấp sự thật, cố ý gây sóng gió, mưu đồ xuyên tạc chuyện ‘Trung Quốc dùng thủ đoạn chèn ép để cản trở hoạt động dầu khí ở biển Đông của các nước ASEAN’ để ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.”
“Mong rằng các nước ASEAN nêu cao cảnh giác, không để mắc lừa,” ông Hoàng nói. “Chúng ta phải cùng nhau đề phòng và ngăn chặn thế lực bên ngoài quấy nhiễu, nắm chắc trong tay chìa khóa cho hòa bình ổn định khu vực, cùng làm tốt những công việc của khu vực, gìn giữ hòa bình ổn định khu vực.”

Biển Đông: Việt Nam cưỡng lại áp lực Trung Quốc

Giàn khoan Nhật Bản Hakuryu-5 tiếp tục hoạt động tại Nam Côn Sơn đến ngày 15/09/2019, thêm một tháng rưỡi so với dự kiến, theo thông báo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam hôm qua 25/07/2019. Mọi tàu bè qua lại « ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam » được yêu cầu tránh xa, trong bối cảnh Trung Quốc đưa tàu hải cảnh vào quấy phá.
Theo South China Morning Post, Việt Nam vừa có thêm một cử chỉ không lùi bước trước áp lực Trung Quốc tại biển Đông. Từ bốn tuần nay, Bắc Kinh đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm nhập bãi Tư Chính-Vũng Mây, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tàu Hải Cảnh trang bị vũ khí nặng đến khiêu khích giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật tại lô 06.1, thuộc dự án Nam Côn Sơn của liên doanh Nga-Việt. Thay vì nhượng bộ như nhiều lần trong quá khứ, lần này Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn.
Biện pháp mới nhất là duy trì hoạt động của giàn khoan Nhật Bản thêm sáu tuần lễ, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút tàu hải cảnh vũ trang ra xa khu vực, theo thông cáo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam.
Phản ứng của Việt Nam trong vụ lô 06.1 thuộc dự án Nam Côn Sơn được xem là thể hiện quyết tâm không lùi trước sức ép của Bắc Kinh. Trong khu vực bãi Tư Chính, tàu cảnh sát biển Việt Nam vẫn tiếp tục đối đầu với tàu hải cảnh vũ trang của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua, đã khẳng định chủ quyền quốc gia và yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính.
Theo nhà phân tích chiến lược Collin Koh, đại học Singapore, từ sau vụ nhượng bộ Bắc Kinh, hủy bỏ dự án ở bãi Tư Chính với đối tác Tây Ban Nha năm 2018, Hà Nội cảm thấy không thể lui được nữa vì Trung Quốc được đằng chân lân đằng đầu gây thiệt hại cho các dự án dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.  Đó là lý do cần tỏ thái độ dứt khoát. Lý do thứ hai là, ngoài việc xoa dịu công luận Việt Nam vốn rất  căm ghét chế độ Bắc Kinh, giới lãnh đạo Hà Nội cũng cần thu hút sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng quốc tế, cho nên không thể im lặng mãi.

Vũ khí TQ triển khai trái phép ở Biển Đông

có nguy cơ bị vứt bỏ

Thời tiết khắc nghiệt đã nhanh chóng bào mòn và phá hủy các hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng được Trung Quốc xây dựng và triển khai trái phép ra các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Rỉ sét kim loại là gì
Rỉ sét (hay gỉ sét) là sắt bị oxy hóa. Rỉ sét được hình thành do sắt kết hợp với oxy khi có mặt nước hoặc không khí ẩm. Trên bề mặt sắt thép bị rỉ hình thành những lớp vảy rất dễ vỡ, thường có màu nâu, nâu đỏ hoặc đỏ. Lớp rỉ này không có tác dụng bảo vệ sắt ở phía trong. Nếu có đủ thời gian, oxy và nước, bất kỳ khối sắt nào cũng sẽ bị rỉ hoàn toàn và phân hủy.
Khi sắt hay hợp kim của sắt (như thép…) tiếp xúc với oxy và độ ẩm trong một khoảng thời gian dài, tạo thành một hợp chất mới gọi là oxít sắt hay còn gọi là rỉ sắt. Chất xúc tác chính cho quá trình rỉ là nước. Cấu trúc sắt hoặc thép có vẻ chắc chắn, nhưng các phân tử nước có thể xâm nhập vào các lỗ nhỏ và vết nứt trong bất kỳ kim loại nào kể cả sắt, sự kết hợp của nguyên tử hidro có trong nước với các nguyên tố khác để hình thành axít, ăn mòn sắt, làm cho sắt bị phơi ra nhiều hơn. Nếu trong môi trường nước biển, sự ăn mòn có thể xảy ra nhanh hơn. Trong khi đó các nguyên tử oxy kết hợp với các nguyên tử sắt để hình thành oxít sắt hay rỉ sắt, chúng làm yếu sắt và làm cho cấu trúc của sắt trở nên giòn và xốp.
Sắt rất quan trọng trong đời sống và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhất là xây dựng. Do đó việc ngăn ngừa hoặc làm chậm đi quá trình rỉ sắt rất là quan trọng. Có một số phương pháp sau để phòng ngừa hoặc làm chậm quá quá trình rỉ sắt: Sử dụng các hợp kim chống rỉ, thường là sắt pha crom oxít, tốc độ rỉ của hợp kim này chậm hơn bình thường. Tuy nhiên trong thiết kế sử dụng vật liệu này phải bao gồm các biện pháp bảo vệ để tránh phơi nhiễm hợp kim ra ngoài vì vật liệu vẫn tiếp tục rỉ từ từ; Mạ, sắt thép được bảo vệ bởi lớp kim loại bằng cách mạ thường hoặc mạ điện. Kẽm thường được sử dụng vì nó rẻ tiền, dính chặt vào thép. Quá trình ăn mòn sẽ bắt đầu trên lớp kẽm trước thay vì lớp sắt thép được bảo vệ bên dưới, do đó việc mạ chỉ bảo vệ sắt thép trong một khoảng thời gian giới hạn. Nhôm và cadimi cũng được sử dụng trong việc mạ bảo vệ sắt thép; Kiểm soát độ ẩm, rỉ sắt có thể tránh được bằng cách kiểm soát độ ẩm trong khí quyển. Việc này chỉ áp dụng trong việcvận chuyển các thiết bị bằng đường biển bằng các gói silica gel; Sơn phủ, sắt thép có thể được bảo vệ bằng các chất phủ như sơn. Các chất phủ này thường được trộn với các chất ức chế rỉ sắt. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra sự rỉ sắt từ bên trong bê tông. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi khi cần bảo vệ sắt thép ở các công trình, tàu thép, ô tô hoặc các thiết bị khác…
Trung Quốc đang phải trả giá vì đưa vũ khí ra Biển Đông
Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm ngăn chặn sự xuống cấp của trang thiết bị vũ khí khi triển khai tới các đảo, đá đang chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đang loay hoay tìm kiếm một lớp phủ vật liệu mới cho các vũ khí và công trình xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, các khẩu pháo không thể sử dụng được nữa chỉ sau 3 tháng vì bị ăn mòn, rỉ sét, trong khi đó, radar và hệ thống phóng tên lửa, hạ tầng và đường băng sân bay, đường ống, thậm chí cả phần nền mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông đều có nguy cơ bị hủy hoại nhanh chóng.
Giáo sư Hu Qigao, Đại học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam nhận định các công trình trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển đông hoàn thành trong giai đoạn năm 2013-2015 đã bắt đầu có vấn đề. Vì những lý do lịch sử, Trung Quốc đã không nghiên cứu đầy đủ môi trường tự nhiên ở Biển Đông cũng như tác động của nó đến các cấu trúc kỹ thuật trên những đảo đá. Theo Giáo sư Hu Qigao, các thách thức được nêu ra bao gồm nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, sương mù, nông độ muối trong không khí và bức xạ nhiệt lớn. Việc các khí tài quân sự và vật liệu xuống cấp nhanh chóng là điều khiến quân
đội Trung Quốc bất ngờ. Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị tan ra sau chưa đầy 3 năm và các trang bị kim loại bị hỏng sau khoảng 1 năm do ăn mòn. Sự ăn mòn nhanh chóng không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động mà còn làm gia tăng đáng kể chi phí vận hành, bảo trì.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá rỉ sét khí tài là vấn đề lớn đối với quân đội các nước trên thế giới. Mỹ đã chi tới 21 tỷ USD/năm để đối phó với tình trạng rỉ sét trên các chiến đấu cơ, tàu chiến, tên lửa và vũ khí hạt nhân. Số liệu của quân đội Trung Quốc không được công bố, nhưng Viện khoa học Trung Quốc (CAS) năm 2017 nói hiện tượng ăn mòn đã tiêu tốn của Trung Quốc khoảng 300 tỉ USD vào năm 2014, tương đương 3% GDP. Để bảo vệ các khí tài, quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch phủ một lớp bảo vệ graphene. Đây là vật liệu siêu mỏng, có độ dày chỉ bằng một nguyên tử nhưng lại cứng hơn thép gấp 100 lần. Điều đó cho thấy những công nghệ mang tiếng là dân dụng khi vào tay Trung Quốc đã bị biến thành những công cụ hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của họ trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Giáo sư Trương Lỗi, thuộc Đại học Khoa Học Công Nghệ Bắc Kinh cho biết, ngay cả chất graphene cũng hàm chứa vấn đề riêng. Graphene thuần chất là một chất dẫn điện tốt, cho nên bất kỳ vết rạn nứt nào trên bề mặt lớp phủ có thể làm gia tăng tốc độ ăn mòn vật chất do dòng điện. Graphene cần phải được kết hợp với các vật liệu khác để làm giảm tính dẫn diện của nó, và việc tìm ra vật liệu phù hợp hoàn toàn không dễ dàng. Còn giáo sư Thôi Cam, Đại Học Dầu Khí Trung Quốc, chuyên nghiên cứu các vật liệu bảo vệ sử dụng chất graphene, cho biết việc sản xuất hàng loạt các tấm carbon mỏng có thể gặp khó khăn bởi các tấm này khó tách rời khỏi nhau. Dù vậy, theo ông Thôi Cam, các vấn đề như trên có thể được xử lý trong các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu vật liệu graphene và đó chính là “loại vật liệu của hy vọng”.

Biển Đông sau thông điệp chính trị đồng bộ

của Việt Nam và Mỹ

Quan sát diễn biến vụ tàu Trung Quốc (TQ) xâm phạm vùng biển gần bãi Tư Chính của Việt Nam (VN) có thể thấy có một sự đồng điệu trong các phát ngôn chính trị giữa một số quốc gia trong bối cảnh Bắc Kinh leo thang ngày càng cao.
Hôm 19-7, phản ứng chính thức về động thái phạm pháp của tàu TQ ở vùng biển phía nam biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.
Phát ngôn này được giới quan sát rất đáng quan tâm, bởi lẽ nó thể hiện rất rõ quan điểm quốc tế hóa khu vực biển Đông, một động thái vừa phù hợp luật pháp quốc tế, vừa huy động được sức mạnh tập thể trong bối cảnh cán cân lực lượng tại khu vực hiện nghiêng về phía Bắc Kinh. Đồng thời, phát ngôn trên mang sắc thái một lời kêu gọi tập thể, đánh động sự quan tâm của quốc tế về hành vi của TQ.
Nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh, Học viện Chiến lược và quốc phòng (Singapore), nhận xét trên trang Maritimeissues rằng: “Phát ngôn trên (của VN) rất quan trọng. Nó cho thấy VN muốn kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện ở bãi Tư Chính. Động thái này có khả năng sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ đến tình hình tranh chấp ở toàn bộ biển Đông và đi ngược với quan điểm không muốn ảnh hưởng từ bên ngoài của Bắc Kinh” – ông Collin Koh giải thích.
Một ngày sau phát ngôn của phía VN, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Bắc Kinh “cố tình tạo sức ép buộc các quốc gia ASEAN thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn các nước này hợp tác khai thác dầu khí trong khu vực với bên thứ ba. Hành động này bộc lộ rõ ý định độc chiếm các nguồn tài nguyên ở biển Đông của TQ”.
Hôm 23-7, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Philstar Global, Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ Karl Shultz tiết lộ Mỹ đã tăng cường số lượng chiến dịch hoạt động biển Đông theo yêu cầu của các chỉ huy quân sự khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Lầu Năm Góc.
Kèm theo đó, Đô đốc Karl Shultz còn chuyển tải một thông điệp chính trị rất đồng điệu với phát ngôn từ phía VN: “Tôi nghĩ rằng lực lượng tuần duyên Mỹ, hải quân Mỹ và các đồng minh, các đối tác
trong khu vực phải lên tiếng, tạo thành một sự phản đối mang tính quốc tế để chống lại các hành vi hung hăng không phù hợp với một trật tự dựa trên luật pháp”.
Không có bằng chứng khẳng định một mối quan hệ nhân quả hay một mối liên quan mật thiết giữa phát ngôn của VN và phía Mỹ dù cả hai thông điệp chỉ cách nhau vài ngày. Tuy nhiên, điểm chung của cả hai chính là thay vì tiếp cận ở góc độ một quốc gia (như nhiều lần trước đây) thì cả hai phía lần này đều tiếp cận hành động của TQ ở khía cạnh tập thể – nhấn mạnh lợi ích khu vực và toàn cầu, phản đối mức độ đe dọa ngày càng lan rộng của TQ ở biển Đông.
Sự chuyển động về mặt thông điệp chính trị này cho thấy các nước ở biển Đông cũng như bên thứ ba (ví dụ Mỹ) dường như đang cố gắng tạo ra một “lằn ranh đỏ” nhằm cảnh báo giới hạn hành vi của Bắc Kinh. Đồng thời, rất có khả năng đi theo sau phát ngôn sẽ là những bước tiến tập thể chiến lược kết hợp ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự nếu Bắc Kinh vẫn không nhận ra điểm dừng.

GS Carl Thayer: Vỏ bọc “ngư dân”

trong chiến thuật vùng xám nguy hiểm

của TQ trên Biển Đông

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện cho được mục tiêu thâu tóm Biển Đông. Giới phân tích gọi đó là “chiến thuật vùng xám”.
Để làm rõ thêm về chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales.
Lực lượng ngụy trang gắn mác “Ngư dân”
GS Thayer cho biết, thuật ngữ “Vùng xám” thường được các học giả và giới phân tích sử dụng khi đề cập đến cuộc cạnh tranh, hay thậm chí là đối đầu giữa hai hoặc nhiều quốc gia, khiến căng thẳng được đẩy lên cao nhưng chưa dẫn tới xung đột vũ trang.
Các quốc gia áp dụng chiến thuật vùng xám như Trung Quốc thường sử dụng những lực lượng được ngụy trang, trông không có vẻ gì là lực lượng quân sự.
“Trung Quốc đã cơ cấu một số nhóm trong ‘hạm đội tàu cá chiến lược’ của họ thành các nhóm ‘dân quân biển’. Những thành viên của các nhóm này có thể phút trước còn là những ngư dân hết sức bình thường, phút sau đã trở thành lực lượng bán quân sự khoác trên mình những bộ quân phục” – ông Thayer nói.
Bên cạnh đó, cũng theo vị GS, Trung Quốc còn sử dụng các lực lượng hành pháp trên biển, phần lớn được phân bổ lại vào lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tại Trung Đông, Iran cũng được cho là đang áp dụng chiến thuật vùng xám để đối phó Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và dân quân biển Trung Quốc hoạt động trong môi trường địa lý khác nhau nên chiến thuật của họ cũng khác nhau.
Vịnh Ba Tư tương đối bị hạn chế trong khi Biển Đông là một không gian biển tương đối rộng mở.
“Yếu tố địa chính trị ở Trung Đông và Đông Nam Á cũng có sự khác biệt rất lớn. Tại Đông Nam Á không có các phe thân Mỹ như Saudi Arabia và UAE. Thái Lan và Philippines chỉ là đồng minh của Mỹ trên danh nghĩa mà thôi” – ông Thayer cho hay.
Bên cạnh đó, IRGC có lực lượng không/hải/lục quân riêng, họ cũng giám sát các nhóm dân quân tự nguyện. IRGC có các tàu cỡ nhỏ, trực thăng, máy bay không người lái và các loại máy bay chiến đấu hiện đại hoạt động trong khu vực Vịnh Ba Tư.
Sự tương đồng cơ bản giữa Iran và Trung Quốc ở đây là cả hai phía đều sử dụng chiến thuật bầy đàn, hay nói cách khác là huy động số lượng lớn các tàu vũ trang cỡ nhỏ để đối đầu với đối thủ của họ.
Vừa qua, IRGC được cho là đã dùng mìn phá hoại các tàu chở dầu đi qua khu vực vùng Vịnh và triển khai trực thăng vây bắt tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero. Trong khi đó, các chiến thuật của dân quân biển Trung Quốc có phần cơ bản hơn.
Mục đích của Bắc Kinh
Theo GS Thayer, các chiến thuật vùng xám đã trở thành một phần trong chiến lược của một số quốc gia nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể.
Trong trường hợp của Trung Quốc, chiến thuật vùng xám đang được Bắc Kinh sử dụng để đạt được nhiều mục đích như tuần tra, thiết lập sự hiện diện, tái cung ứng, trinh sát, giám sát và quấy rối các hoạt động khai thác dầu của nước ngoài (như cắt cáp thăm dò dầu khí) và các tàu cung ứng của họ.
Trong năm nay, dân quân biển Trung Quốc được cho là đã dùng laser để gây cản trở các hoạt động ban đêm của máy bay quân sự Australia đang bay trên Biển Đông.
“Một mục đích khác của Bắc Kinh là thách thức tuyên bố chủ quyền của các quốc gia ven biển. Trung Quốc đã cố ý cho dân quân biển trà trộn với ngư dân vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Những ngư dân/dân quân này đã xâm phạm và cướp đi một số lượng lớn cá, cũng như các nguồn tài nguyên biển khác của Việt Nam, đồng thời đâm va và gây hư hại (hoặc thậm chí tông chìm) các tàu cá Việt Nam, xua đuổi ngư dân Việt Nam.
Cũng trong năm nay, hàng trăm tàu cá Trung Quốc, trong đó có lực lượng dân quân biển của họ, đã vây quanh các vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Cảnh sát biển Trung Quốc núp dưới cái bóng của lực lượng dân sự nhưng các tàu tuần tra của họ lại được vũ trang và có sàn đáp cho trực thăng. Lực lượng này đã can thiệp để bảo vệ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam.
Đây cũng là lực lượng được Trung Quốc sử dụng trong một chiến lược mà nước này vạch ra để ngăn Hải quân Việt Nam can thiệp.
Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc còn bao gồm việc sử dụng các phương tiện thăm dò dầu khí, như giàn khoan Haiyang Shiyou 981, và các tàu khảo sát, như Haiyang Dizhi 8, để tiến hành các hoạt động thương mại bất hợp pháp trong vùng EEZ của Việt Nam, nhằm thách thức quyền tài phán chủ quyền của Việt Nam” – ông Thayer cho hay.
Vị GS nhận định, với chiến thuật vùng xám, Trung Quốc đã xem nhẹ luật pháp và các quy chuẩn quốc tế, đe dọa biến trật tự được thiết lập bởi các quy tắc hiện nay trở thành “luật rừng” hoặc thay đổi theo ý muốn của họ.
Chiến thuật này của Trung Quốc chắc chắn sẽ buộc các quốc gia khác trong khu vực phải có biện pháp đối phó, và nguy cơ tiềm ẩn ở đây là các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang thành xung đột vũ trang, gây ra những thiệt hại về nhân mạng.
Mỹ và các nước lớn sẽ không ngồi yên
GS Thayer cho rằng, những cường quốc đang có mối quan tâm lớn về các vấn đề an toàn, an ninh và hòa bình tại Biển Đông chắc chắn không thể ngồi yên trước chiến lược vùng xám của Trung Quốc.
Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác đã tham gia hỗ trợ xây dựng năng lực và nhận thức các vấn đề hàng hải cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia ven biển trong khu vực.
Mỹ và các cường quốc khác có thể dùng áp lực chính trị và ngoại giao để kiềm chế Trung Quốc, như tuyên bố đanh thép của Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây rằng “Trung Quốc nên dừng các hành vi bắt nạt và kiềm chế không thực hiện các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Ngoài ra, một Đô đốc cấp cao của Mỹ đã tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công vũ trang của dân quân biển Trung Quốc theo cách đáp trả một cuộc tấn công quân sự.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.