Tin Biển Đông – 19/07/2019
Trung Cộng đe doạ
dàn khoang của các nước láng giềng tại biển Đông
Theo một phân tích mới từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative), hay còn gọi là AMTI, Lực lượng Tuần duyên Trung Cộng (CCG) gần đây đã điều động các tàu để theo dõi ở cự ly gần bất thường các hoạt động khoan dầu khí ở vùng biển Việt Nam và Malaysia tại khu vực Biển Đông.
Theo các dữ kiện AIS được AMTI phân tích vào tháng 5 cho thấy tàu Haijing 35111 của CCG đã tiến hành một cuộc tuần tra gần giàn khoan Sapura Esperanza, đang làm việc tại một vùng hải phận cho thuê ở khu vực phía Nam bãi cạn Luconia cách Sarawak khoảng 100 hải lý. Vùng hải phận này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nhưng giống như hầu hết Biển Đông, bãi cạn Luconia được Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo chính sách Đường Lưỡi Bò.
Trong hai tuần vào giữa tháng Năm, Haijing 35111 hoạt động ở vùng lân cận Esperanza và các tàu tiếp tế Executive Courage và Executive Excellence ngoài khơi của giàn khoan. Trong ít nhất một lần chạm trán, Haijing đã tiến vào trong phạm vi 80 mét của 2 tàu trên – một hành vi mà Viện Chính sách chiến lược Úc xem là “mang tính khiêu khích”. Các báo cáo trước đây đã cho thấy rằng các hoạt động của Esperanza bị cản trở bởi các hành động của tàu Trung Cộng Haijing.
Vào giữa tháng 6, tàu Haijing 35111 đã di chuyển sang phía bên kia Biển Đông để theo dõi hoạt động tại khu vực mỏ dầu cho thuê của Việt Nam là Lô 06-01. Lô 06-01 là khu vực sản xuất dầu khí hiệu quả nhất, và khu vực này cung cấp khoảng 10% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam.
Ngoài ra, một tàu khảo sát của Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thu thập dữ kiện địa chấn tại một khu vực nằm ở phía đông bắc của Lô 06-01. Vào Chủ nhật, hai tàu tuần duyên của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cố gắng tiếp cận tàu khảo sát, nhưng họ đã bị ba tàu hộ tống của Trung Cộng ngăn chặn. (BBT)
TQ lại tuyên bố ngang ngược
về chủ quyền đối với đảo Phú Lâm
Tại cuộc họp báo hôm 27/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp tục ngang nhiên tuyên bố đảo Phú Lâm là“lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp”.
Trong buổi họp báo, khi phóng viên đặt câu hỏi là: “Theo những hình ảnh được chụp bởi một vệ tinh của Israel hôm thứ 4, không quân của Hải quân Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. CNN cho biết, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm. Ông nhận xét gì về thông tin của CNN?”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã hùng hổ tuyên bố rằng “đó là lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp” dù trên thực tế là quốc tế không hề công nhận điều Trung Quốc nói và đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Với nhận thức sai lầm, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn lên giọng thách thức: “Đó là quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền khi triển khai các căn cứ và tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Các hành động bên phía Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và công bằng và các bên liên quan không nên ngạc nhiên”.
Trước đó, theo các bức ảnh chụp ngày 19/6 do “ImageSat International” cung cấp cho CNN, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng phi pháp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-10 tới các đảo nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Các nhà phân tích quân sự nhận định rằng việc các máy bay đậu ngoài trời, cùng các thiết bị đi kèm, cho thấy nhóm tiêm kích này đã có mặt tại đảo Phú Lâm ít nhất 10 ngày. J-10 là máy bay phản lực chiến đấu với tầm tác chiến khoảng 740 km, có thể vươn tới hầu khắp các khu
vực của Biển Đông và những tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực. Theo giới phân tích, cả 4 chiến đấu cơ đều không mang bình nhiên liệu bên ngoài, cho thấy chúng sẽ được tiếp nhiên liệu trên đảo.
Phát biểu trên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là hoàn toàn sai trái. Đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp đã đặt một trạm khí tượng trên đảo này mang số hiệu 48859. Trên đảo còn có Hoàng Sa Tự được cho rằng xây từ thời vua Minh Mạng và một số công trình quân sự khác. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chiếm đóng đảo này. Cùng với đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa), đảo Phú Lâm đã bị quân đồng minh tấn công bằng không quân và hải quân. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, vào tháng 6/1946, Hải quân Pháp gửi chiến hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm các đảo Hoàng Sa. Vì Chiến tranh Đông Dương bùng nổ dữ dội, vào tháng 9/1946 người Pháp rút quân khỏi Hoàng Sa. Vào ngày 26/6/1946, dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa dân quốc đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật. Ngày 7/01/1947, Chính phủ Trung Hoa dân quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng. Ngày 17/01/1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây. Khi yêu cầu này bị từ chối, quân Pháp bèn đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam chiếm giữ đảo Hoàng Sa. Đến tháng 4/1950, sau khi Trung Hoa dân quốc chạy ra Đài Loan, quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình. Vào đêm ngày 20, rạng ngày 21/2/1956, Chính quyền CHND Trung Hoa đã bí mật cho quân chiếm đóng đảo Phú Lâm.
Mỹ – TQ trao đổi biện pháp
giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông
Trong cuộc điện đàm, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long (9/7) đã trao đổi về những biện pháp giảm các nguy cơ xung đột ở Biển Đông.
Trang mạng USNI News (11/7) cho biết, sau khi Mỹ tố cáo Trung Quốc (30/6) bắt thử tên lửa đạn đạo diệt hạm trên Biển Đông, hai nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại đều đặn trong việc giảm nguy cơ tính toán sai lầm từ mỗi bên, qua đó tránh cuộc xung đột tiềm tàng trên Biển Đông.
Theo đó, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson cho biết nhấn mạnh hải quân Mỹ vẫn sẽ nhất quán trong sự hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua việc gửi đi các thông điệp, cũng như qua các chiến dịch của Mỹ trên biển cũng như trên không.
Được biết, trong những năm gần đây vấn đề Biển Đông luôn là vấn đề căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc luôn tiến hành tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát khu vực Biển Đông, biến khu vực này thành bàn đạp để giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ trước đến nay, Mỹ luôn có quan điểm cho rằng lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong đó, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump (18/12/2017) đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm: bảo vệ đất nước
và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng tái khẳng định “Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, trong phát triển kinh tế và thương mại ở Biển Đông”. Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Trong khi đó, ở khía cạnh địa chiến lược, Biển Đông có vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Vì vậy, Mỹ muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông. Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh cho Mỹ. Tính đến nay, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế, bao vây, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng an ninh trong khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương…
Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn. Nếu căng thẳng Mỹ Trung gia tăng liên quan đến các vấn đề thương mại đồng nhân dân tệ, an ninh mạng, thông tin tình báo… Mỹ sẽ phải sử dụng các hoạt động trên Biển Đông, Đài Loan để ép Trung Quốc phải thỏa hiệp. Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược trên, Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để tạo cơ sở vững chắc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS do lo ngại Công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, liên quan đến các thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc. Mỹ cũng sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Không những vậy, Mỹ sẽ chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực. Về khía cạnh quân sự, Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn; gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực và đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại, Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng đối với những nước này.
Trong khi đó, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Tuy nhiên, không gian sinh tồn của Trung Quốc đang bị “kìm hãm” bởi các nước láng giềng. Nếu phát triển về phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt và bị Nga chặn đường; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới. Vì vậy, yêu tiên chiến lược duy nhất của Trung Quốc là tìm mọi cách đột phá xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông để mở rộng “không gian sinh tồn” của Trung Quốc. Nếu giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí và hải sản. Đối với Trung Quốc, đây là một thứ tài sản vô cùng quý giá để đáp ứng “cơn khát” năng lượng của mình. Biển Đông được đánh giá là một trong năm
bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Tuy Biển Đông chiếm diện tích 2,5% bề mặt Trái đất, song nó là một trong những khu vực có trữ lượng hải sản rất dồi dào trên thế giới và cũng là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu trong năm 2015, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD. Tại thời điểm hiện tại, hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu người. Ngoài ra, giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu kiểm soát được Biển Đông, làm chủ được các tuyến đường thương mại trên Biển Đông, Trung Quốc vừa có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn vận chuyển dầu của mình từ Trung Đông, Bắc Phi về, mà còn áp đặt được ý chí chính trị của mình đối với các nước trong và ngoài khu vực có các hoạt động giao thương, vận chuyển liên quan đến các tuyến hàng hải trên Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc, làm thất bại chiến lược “xoay trục” châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước ASEAN.
Trung Quốc không phản hồi kêu gọi của Hoa Kỳ
về thảo luận khủng hoảng ở Biển Đông
Trung Quốc không có phản hồi nào trước đề nghị của Hoa Kỳ về thiết lập một cơ chế thảo luận về khủng hoảng ở Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự tại vùng biển này.
Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết thông tin vừa nêu tại Diễn đàn An ninh Aspen, diễn ra vào 18 tháng 7, ở Bang Colorado, thảo luận về ảnh hưởng gia tăng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Đô đốc Philip Davidson nói rằng Bắc Kinh và Washington hiện có “đối thoại đang tiếp diễn” ở cấp độ quân sự, nhưng cần có một cơ chế thảo luận về khủng hoảng để giảm bớt nguy cơ tính toán sai lầm. Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tham gia ở cấp độ quân sự và Hoa Kỳ đã đưa ra một yêu cầu cho cơ chế thảo luận về khủng hoảng với Trung Quốc trong vấn đề kiểm soát ở Biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh chưa hề phản hồi lời kêu gọi của Washington.
Hoa Kỳ và Trung Quốc bất đồng quan điểm liên quan việc triển khai quân sự đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh luôn phản đối các cuộc trập trận quân sự vì mục tiêu bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển này, trong lúc các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc quan ngại về sự tăng cường quân sự của Bắc Kinh tại đó.
Cảnh báo của Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson vừa được đưa ra ngay sau khi Mạng báo South China Morning Post, vào ngày 17 tháng 7 dẫn phân tích của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS) ở thủ đô Hoa Kỳ cho rằng nguy cơ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu của Việt Nam và Malaysia tăng cao tại Biển Đông trong những tuần gần đây khi mà Trung Quốc cố cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của hai nước này ở khu vực đó.
AMTI nêu rõ Bắc Kinh thể hiện ý muốn này càng tăng qua việc sử dụng vũ lực và đe dọa nhằm cản trở mong ước thăm thăm dò dầu khí của các nước láng giềng. Căng thẳng mới nhất diễn ra suốt hai tuần qua kể từ lúc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi qua khu vực hai lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam hôm ngày 3 tháng 7.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson, tại Diễn đàn An ninh Aspen xác nhận rằng Washington cam kết tiếp tục hiện diện ở vùng biển tranh chấp Biển Đông, và cam kết này không phải là để khẳng định các yêu sách của Hoa Kỳ mà nhằm giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và giữ gìn trật tự dựa theo luật pháp quốc tế.
Một số nội dung nổi bật tại cuộc Hội thảo quốc tế
về Biển Đông tổ chức tại Thái Lan
Ngày 20/6, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, Trung tâm Đức – Đông Nam Á về chính sách công và quản trị (CPG), thuộc Đại học Thammasat phối hợp với tổ chức Quỹ Quản trị châu Á (AGF) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông dưới góc độ nguồn lực về quân sự và hải dương”.
Thành phần tham dự
Buổi hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu về lĩnh vực biển và Biển Đông đến từ Đại học Thamasat, Đại học Chulalongkorn, Học viện Công nghệ quốc phòng, Học viện Quốc phòng quốc gia Thái Lan; Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore; Đại học UIN Jember, Indonesia; Đại học La Salle, Philippines, Quỹ phát triển khu vực (LDF), Quỹ Diễn đàn phát triển con người, giới ngoại giao các nước phương Tây, các nước ASEAN; phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và sở tại.Tiến sỹ Li-Nan thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore và Tiến sỹ Ma. Carmen Ablan-Lagman từ Trung tâm Khoa học và Nghiên cứu tự nhiên (CENSER) thuộc Đại học De La Salle là những diễn giả chính.
Nội dung cuộc hội thảo và những phát biểu đáng chú ý
Tại hội thảo, các học giả đều nhận định Biển Đông là vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Biển Đông chứa đựng một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Về thương mại, khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, bao gồm gần như toàn bộ hoạt động vận chuyển dầu thô ở Đông Á, làm cho vùng biển này trở thành tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Kiểm soát hàng hải tại Biển Đông trở thành một trong những mối quan tâm chính, không chỉ của các nước có tranh chấp mà của các cường quốc lớn trên thế giới.
Tham luận và phát biểu của các diễn giả tại Hội nghị đã xoay quanh các nhóm vấn đề cơ bản là hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, việc không tuân thủ luật pháp quốc tế về biển, mặt chính sách cũng như trên thực địa, bàn luận về những tác động ảnh hưởng của hoạt động quân sự hóa cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông đối với việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Chuyên gia Philippines: “TQ nhiều năm qua đã ráo riết tiến hành hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, cải tạo các đảo”
Tiến sỹ Li-Nan thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore tham luận theo chủ đề “Tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, những tác động chủ yếu và giải pháp khắc phục”. Ông Li đã trình bày báo cáo khoa học về thực trạng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực, trong đó, Trung Quốc nhiều năm qua đã ráo riết tiến hành hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, cải tạo các đảo, bãi đá chiếm đóng và triển khai, cũng như thử nghiệm nhiều khí tài hiện đại như tên lửa liên lục địa, tàu ngầm, thành lập căn cứ hậu cần chiến lược trên Biển Đông. Theo tiến sỹ thuộc Đại học Quốc gia Singapore, sự gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông sẽ có tác động rất lớn đến bối cảnh chính trị, an ninh, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về an ninh tại khu vực, gây ra các cuộc sự chạy đua vũ trang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên biển Đông. Để phần nào giải quyết vấn đề, tiến sỹ Li đưa ra ý kiến rằng các nước trong khu vực cần khai thác tốt các yếu tố vốn có, cũng như xây dựng các cơ chế mới để giảm thiểu tác động tiêu cực từ vấn đề trên. Trong đó,
ASEAN cần phải xây dựng, hoàn thiện vai trò trung tâm của mình, đồng thời đẩy nhanh kết thúc quá trình đàm phán về COC. Một COC hoàn chỉnh, toàn diện sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể khu vực hành xử một cách trách nhiệm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần vận dụng những cơ chế đang tồn tại như Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).
Hoạt động đánh bắt tận diệt và bồi đắp các bãi đá, san hô của TQ đã tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái
Còn theo diễn giả Philippines, Tiến sỹ Ma. Carmen Ablan-Lagman từ Trung tâm Khoa học và Nghiên cứu tự nhiên (CENSER) thuộc Đại học De La Salle, đã tham luận về nguồn tài nguyên biển khu vực, nhấn mạnh sự suy thoái về môi trường ở Biển Đông và hậu quả đối với khu vực. Theo bà Ablan-Lagman, các hoạt động đánh bắt tận diệt và bồi đắp các bãi đá, san hô đã tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, huỷ hoại môi trường sống của các loài hải sản và sinh vật biển. Kết thúc hội thảo, đa số đại biểu đã nhất trí bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay, cho rằng hoạt động của các nước lớn sẽ tác động mạnh đến diễn biến tình hình trên Biển Đông và khẳng định ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong đàm phán COC.
Cuộc hội thảo quốc tế “Đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông dưới góc độ nguồn lực về quân sự và hải dương” do Trung tâm Đức – Đông Nam Á về chính sách công và quản trị (CPG), thuộc Đại học Thammasat phối hợp với tổ chức Quỹ Quản trị châu Á (AGF) tổ chức diễn ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 đến 23/6 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan nên đã gây sự chú ý của dư luận khu vực. Đây là những tiếng nói mạnh mẽ của giới học giả khu vực về thực trạng Biển Đông hiện nay.
0 comments