Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 10/07/2019

Wednesday, July 10, 2019 3:48:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 10/07/2019

Các nước tăng cường sức mạnh

cho lực lượng Cảnh sát Biển nhằm đối phó

 với mối đe dọa an ninh từ TQ

Viện Chính sách chiến lược Australia (5/6) công bố báo cáo cho biết, để ngăn chặn các cuộc chạm trán trên biển với Trung Quốc có thể leo thang thành các cuộc xung đột quân sự, các nước ASEAN đã chuyển lực lượng an ninh như hải quân sang lực lượng cảnh sát biển.
Tăng cường hiện đại Cảnh sát biển để đối phó với Trung Quốc
Báo cáo trên cho biết, để đối phó các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển. Lực lượng cảnh sát biển đã trở thành vùng đệm chiến lược quan trọng giữa hải quân ở ASEAN. Ngoài các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá bất hợp pháp, lý do chính khiến các quốc gia gia tăng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ là chiến lược biển hung hăng của Trung Quốc, bao gồm xây dựng các tiền đồn quân sự và tiến hành hoạt động đánh bắt xa trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Ngoài ra, việc sử dụng
hình thức thực thi pháp luật cho phép các quốc gia duy trì sự hiện diện và bảo vệ các yêu sách chủ quyền trên biển mà không làm leo thang căng thẳng khi đụng độ với Trung Quốc.
Trước đó, Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cũng công bố báo cáo đặc biệt dài 44 trang, trong đó nhận định các nước Đông Nam Á đang chuyển vai trò đảm bảo an ninh trên biển từ hải quân sang cảnh sát biển. Đây được coi là giải pháp chiến lược giúp ASEAN đối phó với tham vọng của Trung Quốc mà không gây ra xung đột quân sự trên Biển Đông. Tiến sĩ John Coyne, chủ biên báo cáo của ASPI, cho rằng việc sử dụng lực lượng dân sự như cảnh sát biển cho phép các nước ASEAN duy trì sự hiện diện và bảo vệ chủ quyền trên biển, bên cạnh việc đối phó với các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá trái phép.
Theo báo cáo, trong 45 sự cố lớn trên Biển Đông giai đoạn 2010-2016, có ít nhất 32 vụ liên quan đến lực lượng hải cảnh hoặc tàu chấp pháp Trung Quốc. Một trong những sự kiện căng thẳng nhất là cuộc đối đầu hơn hai tháng giữa hải quân Philippines và hải giám Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough năm 2012. Tàu hải quân Philippines sau đó rút đi để giảm căng thẳng, khiến Trung Quốc giành được quyền kiểm soát bãi cạn này cho tới nay. Sau sự cố đó, Philippines đã trang bị thêm 14 xuồng tuần tra và hai tàu vận tải cho cảnh sát biển năm 2013, cũng như bổ sung 14 tàu cho lực lượng này trong vòng ba năm tiếp theo. Malaysia cũng tăng cường sức mạnh cho lực lượng tuần tra bờ biển với 105 xuồng mới trong giai đoạn 2013-2014. Indonesia đã tăng quy mô đội tàu cảnh sát biển từ 9 lên 34 chiếc trước năm 2017, trong khi Việt Nam cũng trang bị thêm nhiều tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển của mình. Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận tàu tuần tra xa bờ lớp Hamilton của Mỹ và biên chế vào Cảnh sát biển với tên gọi “CBS-8020” và dự kiến nhận thêm một tàu tương tự trong thời gian tới. Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan.
Ngoài các tàu nổi, nhiều nước trong khu vực cũng trang bị các tàu ngầm cho lực lượng hải quân. Nếu như cách đây 15-20 năm, một số nước chưa từng sở hữu bất kỳ tàu ngầm nào thì nay, họ đã vận hành hoặc đặt mua số lượng tàu ngầm đáng kể. Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Lực lượng “tàu trắng” này ngày càng được các nước triển khai nhiều trong hoạt động thực thi quyền hàng hải, đặc biệt tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn. Các lực lượng cảnh sát biển ngày càng thể hiện rõ vai trò như lực lượng “ủy nhiệm” của lực lượng hải quân các nước trong việc thực thi tuyên bố chủ quyền trên biển, đặc biệt tại Biển Đông. Lực lượng cảnh sát biển cũng được sử dụng để phục vụ cho các tính toán an ninh của các nước trong khu vực.
Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng lực lượng cảnh sát biển của các nước ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh trên các tuyến hàng hải chiến lược và đối phó với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Theo ông Trương Minh Lượng, Đại học Tế Nam (Trung Quốc), Mỹ và đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ tặng nhiều tàu, trang thiết bị, đào tạo nhân lực hoặc hỗ trợ tài chính cho các nước Đông Nam Á. Việc này chắc chắn sẽ được ASEAN chào đón, vì họ xem đây là công cụ chính trị để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển
Tuy chưa từng khẳng định khả năng chiến đấu của cảnh sát biển nhưng việc thay đổi cơ quan chủ quản của lực lượng này đã cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Quyết định chuyển giao Lực lượng Cảnh sát biển (CCG) từ Cục Hải dương quốc gia về Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc (PAP) sẽ khiến CCG được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại để tấn công tàu chấp pháp các nước.
Theo Asia Times, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng cảnh sát biển hùng hậu nhất trên Biển Đông. CCG hiện vận hành hơn 100 tàu tuần tra, trong đó có các tàu tuần tra Type-218 dài 41m, mỗi tàu được trang bị hai súng máy 14,5mm. Năm 2007, hải quân Trung Quốc đã chuyển 2 tàu hộ vệ Type 053H 1.700 tấn cho CCG và đây cũng là những tàu lớn nhất của
lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vào thời điểm đó. Năm 2016, Trung Quốc đóng tiếp hai tàu “quái thú” 12.000 tấn cho CCG, sau đó triển khai một tàu tại biển Hoa Đông và một tàu ở Biển Đông. Đây cũng là những tàu cảnh sát biển lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết, CCG dưới sự chỉ huy của PAP – lực lượng do Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) chỉ đạo trực tiếp sẽ “bảo vệ quyền và chức năng trên biển” của Trung Quốc. Ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự, nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng sự thay đổi này cho phép CCG tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). CCG cũng sẽ hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng hải quân trong các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là chiến tranh. CCG cũng sẽ có nhiệm vụ chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp, tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật, trong đó có thăm dò tài nguyên hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và chống buôn lậu. Đáng chú ý, các tàu CCG sẽ được trang bị thêm pháo mạnh, thay vì vòi rồng hay pháo nước và các thành viên trên tàu có thể mang theo vũ khí tấn công. Hiện cảnh sát biển Trung Quốc sở hữu 164 tàu và 16.300 nhân sự.
Theo chuyên gia phân tích chính sách cấp cao Lyle Morris thuộc Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), việc chuyển giao lực lượng cảnh sát biển cho PAP quản lý sẽ kéo theo những hậu quả sâu rộng. Ông Morris cho rằng việc CCG cũng được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của CMC đồng nghĩa lực lượng này sẽ có sự linh hoạt và quyền hành động mang tính quyết định ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chưa kể bước đi này giúp CCG được huấn luyện nhiều hơn và chia sẻ thông tin tình báo với lực lượng hải quân. Nhận định về động thái này, ông Andrew Yang, Tổng Thư ký Ủy ban Nghiên cứu chính sách đại lục tại Đài Loan, cho rằng đó là sự tăng cường hiện diện trên biển của Bắc Kinh và Mỹ sẽ chú ý.
Trung Quốc vốn thường xuyên triển khai lực lượng cảnh sát biển để tuần tra những khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản từng nhấn mạnh rằng các tàu thuộc CCG liên tục xâm nhập vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku; cho biết Nhật Bản sẽ duy trì biện pháp ứng phó ôn hòa nhưng quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình.
Đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn, bà Yun Sun, chuyên gia về Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng những cải cách của CCG giờ đây càng cho thấy rõ tham vọng quân sự hóa trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực cho CCG nhằm chống lại các hoạt động tự do hàng hải của Washington trong khu vực.
Điểm mặt các loại khí tài của Cảnh sát biển các nước
Cảnh sát biển Trung Quốc được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, CCG còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An; các tàu của CCG gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn; trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn)…
Đáng chú ý, trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như: Pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm; pháo phòng không tầm gần
H/PJ-17 30mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên…
Tuần duyên Mỹ (USCG) là một quân chủng thuộc các Lực lượng vũ trang Mỹ. Tuần duyên Mỹ hoạt động chủ yếu trên các vùng biển, đa nhiệm vụ với sứ mệnh giám sát và duy trì luật phát tại các vùng biển thuộc chủ quyền của nước Mỹ. Trang bị của USCG cực kỳ đa dạng với đủ mọi loại tàu mặt nước và máy bay trực thăng, đảm bảo khả năng hoạt động tốt cho mọi địa hình từ vùng nước nông tới vùng nước sâu cho tới hệ thống đường thủy trong nội địa đất nước này. USCG có khoảng 1.650 tàu thuyền lớn nhỏ các loại. Một số tàu tuần tra lớp Hamilton lắp pháo hạm 76 mm kết hợp với pháo 25 mm và hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm. Loại hiện đại nhất là lớp Legend sử dụng pháo hạm tự động 57 mm, 1 hệ thống Phalanx 20 mm, 4 súng máy 12,7 mm, 2 súng máy 7,62 mm. Các tàu tuần tra loại nhỏ lắp vũ khí từ 12,7-25 mm tùy thuộc vào lượng giãn nước. USCG còn có khoảng 210 máy bay các loại phục vụ cho các hoạt động tuần tra trên biển. Một số tàu có lắp hệ thống vũ khí âm thanh tầm xa LRAD nhằm ngăn chặn các tàu vượt biên hoặc cướp biển. Vũ khí cá nhân của USCG gồm có, súng lục M9, P229R-DAK, súng trường tiến công M16A2, M4 carbine, súng bắn tỉa M14, Mk11, M107, súng phóng lựu M203.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có một hạm đội lớn và nhiệm vụ chính của lực lượng này là duy trì quyền kiểm soát các tuyến đường biển của quốc gia và tuần tra vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng đã tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản được trang bị nhiều và hiện đại. Mặc dù hiện không sở hữu tàu sân bay nào, nhưng họ có 2 tàu khu trục lớp Hyūga trọng tải 18.000 tấn có thể chở 11 máy bay trực thăng cùng đơn vị đổ bộ và 1 tàu lớp Izumo có lượng giãn nước tới 27.000 tấn có thể chở 9 trực thăng trên boong và 14 trực thăng trong kho chứa. Có nguồn tin, tàu sân bay trực thăng Izumo có thể mang được máy bay F-35B do Mỹ chế tạo. 1 tàu lớp Shirane trọng tải 7.500 tấn có thể mang 3 máy bay trực thăng. Nhóm tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển (DDG) gồm 2 tàu lớp Atago trọng tải 10.000 tấn (đầy tải), 4 tàu lớp Kongō trọng tải 9.500 tấn (chuẩn bị lắp hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3), 2 tàu lớp Hatakaze trọng tải 4.600 tấn. Nhóm tàu khu trục thông thường (DG) gồm 4 tàu lớp Akizuki trọng tải 6.800 tấn, 5 tàu lớp Takanami trọng tải 6.500 tấn, 9 tàu lớp Murasame trọng tải 6.100 tấn, 8 tàu lớp Asagiri trọng tải 4.900 tấn,8 tàu lớp Hatsuyuki trọng tải 3.000 tấn,6 tàu lớp Abukuma trọng tải 2.500 tấn. Về tàu ngầm, dù không có tàu ngầm hạt nhân, nhưng Nhật Bản là một trong số các quốc gia có nhiều tàu ngầm diesel-điện ở châu Á cũng như trên thế giới với những đặc điểm kỹ – chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang sở hữu 9 tàu ngầm tấn công lớp Sōryū, 10 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio (dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ). Dự kiến tàu ngầm lớp Soryu sẽ có 11 chiếc đến năm 2020. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, với nhiệm vụ là quét mìn do Hải quân Liên Xô rải, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có kỹ thuật quét mìn tiên tiến nhất thế giới. Ngày nay, kỹ thuật quét mìn vẫn được tiếp tục được phát triển và được trang bị một số loại tàu quét mìn tiên tiến, bao gồm: 3 tàu viễn dương lớp Yaeyama, 2 tàu cận duyên lớp Uraga, 9 tàu lớp Uwajima, 3 tàu lớp Hirashima và 12 tàu lớp Sugashima.Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm số lượng từ 17 lên 22 chiếc và nâng số tàu khu trục lên 48-50 chiếc. Các tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đều được trang bị súng, pháo hạng nặng. Vũ khí chính của tàu gồm 1 pháo 40 mm, 1 pháo 20 mm. Một số tàu tuần tra cỡ lớn khác được trang bị kết hợp pháo 35 mm với pháo 20 mm hoặc pháo 30 mm và pháo 20 mm. Các tàu tuần tra cỡ nhỏ sử dụng pháo 20 mm. Bên cạnh các vũ khí hạng nặng nói trên, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản còn sử dụng vũ khí cá nhân, vòi rồng để ngăn chặn hay tấn công cướp biển khi chúng có ý định tấn công các tàu thương mại. Lực lượng này thực thi nhiệm vụ luôn có sự hậu thuẫn của máy bay trực thăng, giúp hoạt động chống cướp biển của họ trở nên hiệu quả hơn.
Cảnh sát biển Singapore ( PCG) được trang bị chủ yếu là các tàu tuần tra loại nhỏ tốc độ cao. Vũ khí lớn nhất là pháo 25 mm cùng 2 súng máy hạng nặng 12,7 mm lắp trên tàu tuần tra lớp Mako Shark. Các tàu tuần tra lớp PH lắp pháo 20 mm cùng 2 súng máy hạng nặng M2 12,7 mm. Các tàu tuần tra dưới 20 tấn sử dụng súng máy đa mục đích 7,62 mm. Vũ khí
cá nhân gồm súng tiểu liên MP5, súng trường M16, súng lục Glock 19 và một số vũ khí phi sát thương khác.
Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải Malaysia (MMEA) chủ yếu được trang bị các tàu tuần tra loại nhỏ, không được trang bị vũ khí, một số tàu tuần tra hạng trung có lắp pháo hạm cỡ nòng tới 57 mm, một số tàu sử dụng pháo 30 mm. Vũ khí cá nhân gồm có, súng lục Glock 19, Remington 870, tiểu liên MP5, UMP, súng trường tiến công M16A1, M4A1 carbine (chỉ dành cho STAR), Steyr AUG, SIG 553 (chỉ dành cho STAR).
Cảnh sát biển Việt Nam hiện được trang bị các loại phương tiện, vũ khí hiện đại như tàu đa năng DN 2000, tàu kéo cứu nạn 3500 CV, máy bay CaSa 212-400, thiết bị tuần thám MS 600, cùng các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy, chống cướp biển khác. 2 tàu tuần tra đa năng cỡ lớn nhất của VCG mang số hiệu CSB 8001, CSB 8002 được trang bị pháo nòng đôi cỡ 25mm cùng các súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm, vòi phun nước tốc độ cao 6,6m/phút, đặc biệt là hệ thống vũ khí âm thanh LRAD do Mỹ chế tạo. Chức năng của hệ thống này đóng vai trò như một thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như: tuần tra trên biển, chống cướp biển, giải tán biểu tình.

Ba năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài:

Điểm lại những hoạt động phi pháp của TQ

Sau 3 năm Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh vẫn bất chấp tất cả tiến hành nhiều hoạt động trên thực địa, đi ngược lại luật pháp quốc tế để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông.
Sau gần 3 năm, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm phi lý của mình liên quan vụ kiện, đó là: Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử; Trung Quốc không tuẩn thủ phán quyết; Trung Quốc không thực thi phán quyết. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, lên án, phê phán của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả 1 bộ phận tầng lớp thanh niên, tri thức Trung Quốc. Song song với hoạt động tuyên truyền bác bỏ phản quyết, Bắc Kinh cũng chủ động thúc đẩy các hoạt động trên thực địa nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông, bao gồm: Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đưa quân ra đồn trú, triển khai phi pháp trang thiết bị vũ khí trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); tiến hành tập trận bắn đạn thật trong khu vực; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (dầu khí, băng cháy, hải sản…) trong khu vực “đường 9 đoạn”; gia tăng các hoạt động kiểm soát trên thựa địa (triển khai hệ thống giám sát dưới đáy biển, giám sát qua hệ thống vệ tinh); thúc đẩy các dự án cung cấp năng lượng cho số đảo, đá, bãi cạn đang chiếm đóng phi pháp (điện hạt nhân trên biển, điện gió, sản xuất điện từ sóng biển…); hỗ trợ ngư dân tiến hành các hoạt động đánh bắt hải sản mang tính tận diệt và phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái ở Biển Đông; gia tăng đầu tư, mua sắm trang thiết bị vũ khí cho lực lượng chấp pháp trên biển….
Ngoài việc không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh cũng thúc đẩy các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền làm lu mờ, phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài. Bắc Kinh tổng động viên các cơ quan nghiên cứu, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước viết các bài phân tích, cung cấp chứng cứ (đều là ngụy tạo) ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nói chung và vụ kiện nói riêng. Đáng chú ý, có rất nhiều trương hợp, để tạo được “niềm tin” đối với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền để được đăng những bài viết trên các tạp chí uy tín trên thế giới nhằm đánh lạc hướng và tạo hiệu ứng dây chuyền để phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài, cụ thể:
Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự phi pháp trong khu vực Biển Đông
Lực lượng hải quân, không quân liên tục tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật phi pháp ở trên cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bãi cạn Scarborought/Hoàng Nham. Bắc Kinh huy động nhiều phương tiện, khí tài quân sự hiện đại như tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế quân sự, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo thế hệ mới KJ-500… Mục tiêu chính của những hoạt động tập trận phi pháp của Bắc Kinh là nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân, không quân; răn đe chiến lược đối với các nước trong khu vực, với Mỹ và một số nước đồng minh; quảng bá sức mạnh quân sự để tuyên truyền đối với người dân trong nước; thể hiện “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” (phi pháp) và cũng là hành động thể hiện sự phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thường biện minh cho những hành động này bằng ngôn từ chung chung như đây là hoạt động thường niên của quân đội Trung Quốc, việc tập trận không nhằm vào nước khác và rằng “hoạt động quân sự như vậy thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của không quân Trung Quốc trong khu vực, đồng thời để bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh”. Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng tuyên bố “bất kể phán quyết của Tòa Trọng tài là gì, chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Bất kể phán quyết của Tòa là gì, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và lợi ích biển, giữ vững hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và đe dọa”.
Không những vậy, Trung Quốc còn thường xuyên điều các lực lượng chấp pháp tuần tra trái phép trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc thường xuyên huy động lực lượng chức năng như Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát Biển… tuần tra phi pháp trong khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh sử dụng nhiều phương tiện, khí tài tuần tra “xử lý” các hành vi “vi phạm pháp luật” và tìm iểu tình hình bảo vệ sinh thái tại các đảo, đá và vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng chấp pháp của Tủng Quốc chủ yếu thực hiện những nhiệm vụ như xua đuổi ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông; bảo vệ, hộ tống ngư dân Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước đánh bắt trộm hải sản; đâm va, cướp bóc tài sản (cá, xăng dầu, đồ đạc…) của ngư dân các nước trên Biển Đông; ngăn chặn không cho ngư dân Philippines vào bãi cạn Scarborugh/Hoàng Nham.
Trung Quốc ngang nhiên cải tạo đảo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông
Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài cho rằng hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục cho rạn san hô trong khu vực và không có thực thể nào ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn quyết tâm tiến hành cải tạo, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn thành việc nạo vét và bồi đắp để tạo ra 7 thực thể nhân tạo mới tại quần đảo Trường Sa, tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo. Theo tính toán của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), các công trình này bao phủ một khu vực rộng khoảng 290.000m2, trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập vào khoảng 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay lớn hơn dọc đường băng chính, cụ thể:
Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam.
Tại Trường Sa, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại các đảo nhân tạo. Theo trang tin DWNews đưa tin cuối tháng 11/2017, một số trang mạng quân sự Trung Quốc đăng tải phác đồ mới nhất về mở rộng đảo nhân tạo phi pháp trên bãi đá Su Bi mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, đảo nhân tạo được chia thành 2 khu vực quân sự và dân sự. Đá Su Bi vốn là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km về phía Tây Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1988. Hiện nay tại Su Bi, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.250m x 55m, dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu. Báo chí Trung Quốc cho rằng, sân bay ở Su Bi cùng với các sân bay ở Phú Lâm, Chữ Thập và Vành khăn tạo thành cụm sân bay hình chữ “phẩm” (品) trên Biển Đông. Các loại công trình, cơ sở thiết bị trên đảo đã cơ bản hoàn thành. Hiện Trung Quốc vẫn đang thường xuyên duy trì các tàu công trình lớn hoạt động tại lòng hồ phía bên trong đảo; thời điểm nhiều nhất có tới hơn 10 chiếc tiếp tục hút và phun cát để bồi đắp, mở rộng thêm diện tích.
Tại đá Chữ Thập, theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính.
Trên đá Vành Khăn, theo các số liệu theo dõi, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm, song chỉ trong vòng 2 năm, đến nay, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại.
Giới quan sát cho rằng bề ngoài thì Trung Quốc rêu rao khu vực Biển Đông ít lâu nay ổn định trong khi vẫn liên tục hoạt động trang bị cho những đảo hoang và bãi đá ngầm nay là các căn cứ với những loại võ khí tối tân nhất. Trong Báo cáo của Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Trung Quốc công bố ngày 22/12/2017, Trung Quốc rêu rao các dự án xây dựng trong năm 2017, kể cả hạ tầng cho trạm radar, có tổng diện tích khoảng 290.000 m2 tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh cũng tích cực triển khai các xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ ngư dân, binh lính đồn trú trái phép trên Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã triển khai một loạt các hành động phi pháp nhằm “cải thiện đời sống” và phục vụ việc giám sát trong khu vực, cụ thể: Tập đoàn viễn thông Trung Quốc triển khai trái phép mạng 4G tại các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đo 2 trạm phát sóng 4G được đặt tại đá Chữ Thập và đá Su Bi; xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, đài trên được phát bằng hai ngôn ngữ Anh – Trung; khánh thành rạp chiếu phim, mở chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), thành lập và đưa vào sử dụng cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy” trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”…
Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai nhiều kế hoạch phi pháp khác để tăng cường khả năng “quản lý và giám sát” ở Biển Đông, cụ thể: Bắc Kinh liên tục phóng nhiều hệ thống vệ tinh giám sát biển, triển khai lắp đặt hệ thống cảm biến dưới nước, lắp đặt hệ thống quan sát dưới đáy biển, xây dựng hệ thống quan trắc hải dương và xây dựng các trạm quan sát môi trường ở Biển Đông. Nhìn bề ngoài thì những kế hoạch trên của Trung Quốc đều phục vụ các mục đích giám sát, bảo vệ môi trường biển và dự đoán, cảnh báo trước thảm họa thiên nhiên. Song trên thực tế, đằng sau những kế hoạch trên là âm mưu nắm quyền kiểm soát trên Biển Đông, nó sẽ giúp Bắc Kinh giám sát hoạt động tàu thuyền, máy bay, thậm chí là tàu ngầm của các nước hoạt động ở Biển Đông. Việc xây dựng, lắp đặt các hệ thống giám sát trên Biển Đông (trên bầu trời, trên mặt nước và dưới đáy biển) của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.
Những hành động trên của Trung Quốc không ngoài mục đích củng cố chứng cứ pháp lý để khẳng định sự sinh sống, quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, đây đều là những hành vi phi pháp, đi ngược lại nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, và đường nhiên nó chẳng bao giờ giúp Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông.
Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động du lịch trái phép ở Hoàng Sa
Từ giữa năm 2016 đến nay, Tập đoàn vận tải Trung Quốc (COSCO), Công ty Lữ hành Nam Hải và Công ty TNHH vận tải Eo biển Hải Nam đã tổ chức nhiều tour du lịch phi pháp trên Biển Đông. Lộ trình các tour du lịch của Trung Quốc khởi hành từ Tam Á đến một số đảo, đá ở Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Phía Trung Quốc tuyên truyền rằng những hoạt động du lịch trên là nhằm thúc đẩy kinh tế, du lịch địa phương. Tuy nhiên, đằng sau những hoạt động phi pháp này là chiến lược tuyên truyền, quảng bá “chủ quyền” của Bắc Kinh đối với người dân trong nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn thông qua những hoạt động du lịch phi pháp ở Hoàng Sa nhằm khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Chính quyền của ông Tập Cận Bình.
Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp trên Biển Đông
Tranh thủ khai thác trộm tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông (nhất là dầu khí, bằng cháy và hải sản) để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh bỏ ngoài tai phán quyết của Tòa để tiến hành nhiều hoạt động khai thác trái phép như: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) tiến hành thăm dò, khai thác thành công băng cháy ở vùng biển cách Quảng Đông 320km về phía Đông Nam; Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu phi pháp 22 lô dầu khí ở phía Bắc Biển Đông, các lô dầu khí được mời thầu có tổng diện tích lên đến 47.270km2; hàng năm Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá (1/5-1/8) trên vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng phi pháp nhiều giàn khoan hiện đại ở Biển Đông. Trong đó có giàn khoan bán ngầm Hải Dương 982 (dài 104,5m, rộng 70,5m, khoan sâu tối đa 9.144m, có thể hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển sâu 1.500m); hạ thủy và đưa vào sử dụng giàn khoan dầu lớn nhất thế giới Bluwhale 1 (trọng lượng 42.000 tấn, cao 118m, có khả năng khoan đến 15.240m).
Nhìn chung, 3 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không hề tuân thủ và thực thi phán quyết. Họ vẫn triển khai rầm rộ các hoạt động phi phám, xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh. Tất cả các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thựa địa như vừa nêu đều nằm trong chiến lược phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài và khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc là quá phi lý và sẽ chẳng bao giờ được các nước đồng thuận.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.