Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 28/06/2019

Friday, June 28, 2019 3:50:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 28/06/2019

Bộ GTVT đề nghị tăng phí

cho cả những BOT vượt doanh thu?

Với lý do doanh thu không đạt theo phương án tài chính, Bộ GTVT vừa có văn bản đề xuất tăng phí cho 37 dự án BOT đường bộ, trong đó có cả các BOT có doanh thu vượt cả phương án tài chính.
Có thật do doanh thu sụt giảm?
Các trạm BOT ở Việt Nam hiện được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP thì đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Thông tin về việc tăng phí các trạm BOT đường bộ được công bố vào khi có nhiều phản đối của người dân đối với các trạm thu phí nhiều tỉnh thành vì tình trạng thu phí quá cao hoặc đặt sai vị trí.
Ông Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải ngũ, hiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở TP. HCM lên tiếng:
“Khi tôi đọc thông tin Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT cho các nhà đầu tư, thì tôi đặt câu hỏi là về phía nhà đầu tư chưa thấy đòi hỏi tăng phí, ít nhất là về mặt truyền thông chưa thấy họ nói gì, vậy tại sao Bộ GTVT là cơ quan chức năng làm thuê cho dân, đại diện cho dân mà lại không bảo vệ quyền lợi của người dân, lại đề xuất tăng phí?
Tất nhiên đây mới chỉ là đề xuất nhưng tôi chắc chắn đó là họ muốn đánh tiếng coi dư luận phản ứng như thế nào.”
Theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, thì lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm 1 lần, mỗi lần cao nhất là 18%. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2016 đến nay Bộ GTVT chưa tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước.
Nếu Bộ GTVT nói doanh thu sụt giảm thì phải liệt kê rõ trạm nào giảm trạm nào tăng. Nếu một trạm bình thường không xây một tuyến đường nào mới thì doanh thu chỉ có tăng lên chứ không thể nào sụt giảm được. – Anh Nguyễn Minh Hùng
Theo Bộ Giao thông Vận tải, doanh thu một số trạm BOT sụt giảm do lưu lượng xe thấp hơn thực tế. Ví dụ như trạm BOT hầm Đèo Cả, Hà Nội – Bắc Giang, Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 38, tuyến tránh TP Phủ Lý, quốc lộ 5, quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam…
Anh Nguyễn Minh Hùng, trưởng nhóm kiểm đếm xe tại BOT Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, phản đối việc Bộ GTVT đề xuất tăng mức thu phí tại một số trạm BOT trên cả nước:
“Nếu Bộ GTVT nói doanh thu sụt giảm thì phải liệt kê rõ trạm nào giảm trạm nào tăng. Nếu một trạm bình thường không xây một tuyến đường nào mới thì doanh thu chỉ có tăng lên chứ không thể nào sụt giảm được.”
Theo báo chí trong nước thì trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Bộ GTVT cảnh báo nếu không tăng phí để cứu 25 dự án này thì doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.
Số liệu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thì mỗi ngày trạm này thu được hơn 1,9 tỉ đồng so với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT. Con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.
Ông Võ Minh Đức nhận xét rằng, khi các doanh nghiệp đầu tư BOT vay tiền ngân hàng càng nhiều thì mức lãi càng nhiều, và mức lãi đó do người dân trả, bởi nhà đầu tư đã đưa hết các chi phí này vô mức phí. Là một người kinh doanh ngành vận tải nên ông thường xuyên đi qua các trạm BOT trên cả nước, ông cho biết mức phí thu hiện giờ đã quá cao:
“Mức phí hiện nay đã quá nặng. Mấy cuốn vé tôi qua BOT mà mấy năm cân lên dám cả trăm ký lắm. Nhiều khi cái xe bé nhất đi có mấy cây số hoặc mấy trăm mét mà thu 35.000 đồng.”
Chừng nào minh bạch thì dân mới tin
Đêm mùng 3 tết Nguyên Đán 2019, nhằm ngày 7/2/2019, một vụ cướp xảy ra tại trạm thu phí TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây (Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý. Số tiền bị cướp là hơn hai tỷ đồng.
Dư luận đặt ra nghi vấn các trạm thu phí BOT thu được số tiền quá cao so với báo cáo thực tế để kéo dài thời gian thu phí hồi vốn đầu tư dự án, hoặc để tăng phí nếu muốn dừng thu phí đúng hạn.
Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính nói với RFA:
“Mình cũng có kiểm toán độc lập. Trước kia kiểm toán đã giảm thời gian thu phí một số BOT do giá thành dự toán cho dự án đều thấp hơn số tiền thu vào rồi. Không nên tăng phí mà phải có sự xem xét cụ thể, đánh giá của cơ quan chức năng và cơ quan tư vấn độc lập. Không thể cứ Bộ GTVT đề nghị và được thực thi.”
Là một người kinh doanh ngành vận tải, ông Võ Minh Đức cho rằng kinh doanh thì không ai muốn lỗ, nhưng ông chắc chắn kinh doanh BOT thì không bao giờ lỗ. Bây giờ nếu muốn tăng phí thì bên cạnh việc phải công khai mọi thứ, việc đầu tiên cần làm là dẹp bỏ hết 17 trạm BOT đặt sai vị trí.
Nếu họ công khai minh bạch mọi thứ, có người giám khác, có người kê khai minh bạch cho dân biết thì tôi ủng hộ việc tăng phí nếu thật sự bị lỗ do sụt giảm doanh thu.  – Ông Võ Minh Đức
“Nếu họ công khai minh bạch mọi thứ, có người giám khác, có người kê khai minh bạch cho dân biết thì tôi ủng hộ việc tăng phí nếu thật sự bị lỗ do sụt giảm doanh thu. Đầu tư thì phải có thu lợi chứ ai bỏ tiền ra rồi chịu lỗ hoặc bỏ công ra làm không, nhưng họ công khai, có minh bạch đâu, thử hỏi làm sao mà dân không bức xúc?”
Bà Huệ Như, người đồng hành cùng các tài xế phản đối các trạm BOT đặt sai chỗ, thu phí cao nêu ý kiến của mình:
Việc nói là doanh thu bị sụt giảm chỉ là hình thức không minh bạch để các chủ đầu tư BOT tiếp tục tìm cách ‘hút máu’ dân. Theo tôi thì không có chuyện lỗ ở bất kỳ BOT nào nếu như minh bạch, công khai trong thu phí.”
Bà Huệ Như nêu quan điểm của mình là để biết các BOT có lỗ không, doanh thu có giảm không thì vừa cho kiểm toán độc lập vào làm việc, vừa cho người dân giám sát hoạt động một cách công khai tại các trạm thu phí.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-ministry-of-transport-propose-to-raise-fees-for-both-bot-that-exceed-revenue-dt-06272019150338.html

Người hỗ trợ đợt biểu tình

chống Luật Đặc Khu & An Ninh Mạng bị án tù

Việt Nam xử 8 năm tù đối với người “mua bánh mì phát cho đoàn biểu tình” chống luật Đặc khu
Tòa án nhân dân TPHCM hôm 28/6/2019 tuyên phạt ông Trương Hữu Lộc về tội “phá rối an ninh” theo khoản 1, Điều 118 BLHS 2015.
Theo báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Hữu Lộc (sinh năm 1963) bị bắt giam hôm 14/6/2018 về tội phá rối an ninh do có hành vi “lôi kéo, kích động, xúi giục, hỗ trợ, tiếp sức cho nhiều người khác tham gia tụ tập, tuần hành gây rối an ninh trật tự nhằm chống chính quyền nhân dân”, theo quy định tại khoản 1, điều 118 Bộ Luật Hình sự.
Mạng báo Thanh niên dẫn cáo trạng cho biết, ông Lộc vào hôm 10/6/2018 đã có hành vi mua bánh mì, nước uống rồi thuê xe taxi đến khu vực Nhà thờ Đức Bà, nhằm phát cho những người tham gia tụ tập chống các dự luật Đặc khu và An ninh mạng, đồng thời trực tiếp hô hào, kích động đám đông.
Cũng theo đó, ông Lộc bị quy kết là “thường xuyên sử dụng mạng xã hội giao lưu, được cổ động bởi các đối tượng phản động trong và ngoài nước, nhiều lần thực hiện livestream trên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, phỉ báng các lãnh đạo; xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc các dự thảo luật và các vấn đề xã hội khác; kích động nhiều người tham gia tụ tập đông người, gây rối.”
Việt Nam chỉ trong vòng một tuần lễ đã xử 3 vụ án khác nhau với 5 người tổng cộng 46 năm tù giam vì các nhóm tội liên quan đến An ninh quốc gia.
Ông Trương Hữu Lộc có tên trong danh sách 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam hiện đang bị cầm giữ mà tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hồi tháng 5/2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/man-gets-8-years-in-prison-for-sez-protest-violations-06282019091244.html

Trẻ sơ sinh cũng phải

đóng tiền trà, nước cho công an xã

Tin Thanh Hoá, Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 28 tháng 6 năm 2019 loan tin, trong quá trình thu thập thông tin của người dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, công an hai xã Quảng Lưu, và Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá đã thu của người dân kể cả người già, và trẻ sơ sinh mỗi người 5,000 đồng một phiếu khai.
Trong khi đó, kinh phí để thực hiện công việc này đã được bộ Công an Cộng sản thông báo đã cấp cho công an các đơn vị, địa phương. Ngoài ra, phía công an Xã Quảng Lưu thay vì phải chỉnh sửa thông tin trên sổ hộ khẩu theo đơn vị hành chính mới thì họ lại làm lại toàn bộ, và việc đổi phôi sổ hộ khẩu chỉ mất 10,000 đồng nhưng công an thu của dân lên 50,000 đồng.
Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng công an xã Quảng Lưu giải thích, việc thu tiền trên của người dân đã được cấp uỷ của xã đồng ý, và hành vi này chỉ là “xin” tiền dân phục vụ chuyện chè nước, xăng xe đi lại, và hỗ trợ cho các viên chức phải đến tận các thôn.
Còn ở xã Quảng Hải, ông Đoàn Công Bình, Trưởng công an xã này cho rằng, việc thu tiền của người dân chỉ có một số ít người không đồng ý, còn lại là đồng ý hết. Nếu ai không cho thì công an cũng không ép để lấy bằng được số tiền 5,000 đồng một người.
Sau khi báo chí vào cuộc, ông Phạm Sỹ Hùng, phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch hội đồng nhân dân xã Quảng Lưu đã thừa nhận việc công an thu tiền của người dân, rồi chia nhau là sai nên xã sẽ xin lỗi, tuy nhiên ông Hùng không hề nói đến việc phải trả lại tiền cho người dân.
https://www.sbtn.tv/tre-so-sinh-cung-phai-dong-tien-tra-nuoc-cho-cong-an-xa/

Đại diện người dân bị cưỡng chế phi pháp ở Lộc Hưng

gặp Bộ Tài Nguyên- Môi Trường

Đại diện những người dân có nhà cửa bị san ủi một cách phi pháp tại Vườn Rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình vào ngày 27 tháng 6 có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài Nguyên- Môi Trường ở Hà Nội.
Tin cho biết phía lãnh đạo Bộ Tài Nguyên- Môi Trường tiếp đoàn đại diện của những hộ dân tại Vườn Rau Lộc Hưng gồm thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Chánh Thanh Tra Bộ là Ông Lê Quốc Trung cùng lãnh đạo Tổng Cục Địa Chính và các ban liên quan.
Mục tiêu cuộc làm việc vào ngày 27 tháng 6 được ông Cao Hà Trực, một đại diện của người dân Vườn Rau Lộc Hưng, cho biết:
“Theo lịch hẹn của thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có hẹn với bà con để làm rõ văn bản của ông thứ trưởng Đặng Hùng Võ được ký vào năm 2006, văn bản mang số 5201 và bà con phản ánh là vì văn bản đó mà phía chính quyền dựa vào đó để không giải quyết quyền sử dụng đất cho bà con nên đã đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường xem tính pháp lý văn bản đó để giải quyết cho bà con.”
Tuy nhiên Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định rằng đó chỉ là văn bản tham khảo không mang tính chất pháp lý để giải quyết vụ việc Vườn Rau Lộc Hưng.
Ngoài ra, ông Trực còn cho biết thêm Bộ Tài nguyên- Môi trường khẳng định Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vụ Vườn Rau Lộc Hưng và có văn bản liên quan; thế nhưng nội dung văn bản được cho là mật nên không thể tiết lộ cho người dân biết được.
Đây là lần làm việc mới nhất của những người dân Vườn Rau Lộc Hưng với các cơ quan trung ương ở Hà Nội.
Lần gần nhất là vào đầu tháng 6 vừa qua nhóm cũng gặp Trưởng Ban Tiếp Công Dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, Thanh Tra Chính Phủ và Thanh Tra Bộ Tài Nguyên- Môi Trường, Ban Nội Dân Nguyện, Ban Nội Chính của Chính phủ.
Biện pháp của cơ quan chức năng Phường 6, Quận Tận Bình cho san ủi hằng chục căn nhà tại Vườn Rau Lộc Hưng vào hai ngày 4 và 8 tháng 1 vừa qua bị người dân và các luật sư cho là vi phạm qui định của luật pháp Việt Nam.
Do đó người dân có nhà bị san ủi bất hợp pháp như thế phải tiến hành khiếu kiện đến các cấp trung ương như vừa nêu để được giải quyết thỏa đáng.
Tình trạng cơ quan chức năng địa phương cưỡng chế nhà, đất của người dân mà không theo qui định của pháp luật khiến những người liên quan phải khiếu kiện. Rất nhiều vụ việc như ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, vụ Thủ Thiêm mà người dân cho biết suốt hơn 20 năm qua họ phải chịu sống trong cảnh bần cùng do nhà đất bị cưỡng chế phi pháp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Kết luật mới nhất của Thanh Tra Chính Phủ về vụ việc này vào ngày 26 tháng 6 vừa qua cũng bị cho là người dân bị loại ra khỏi kết luận đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/land-petitioners-at-loc-hung-garden-met-with-ministry-of-natural-resources-environment-06282019084420.html

Việt Nam:

Điều tra vụ tai nạn chết người, ‘tài xế bỏ đi’

Công an TPHCM thông báo đang điều tra vụ tai nạn chết người gây tranh cãi xảy ra trong đêm giữa xe máy và một taxi.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 3h sáng ngày 25/6 khi một xe máy một nam chở một nữ (không đội mũ bảo hiểm) tông vào một taxi đang rẽ.
Video trích xuất từ camera gần hiện trường cho thấy hai người văng khỏi xe và dường như người nữ bị đập đầu vào vỉa hè và nằm bất động, tin cho hay người này “tử vong tại hiện trường”.
Người nam còn lại run rẩy sau cú va chạm ở tốc độ cao và hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Điều khiến gây tranh cãi nhiều trong công chúng và mạng xã hội trong vài ngày qua là việc tài xế sau khi xuống xe nhìn cận cảnh hai nạn nhân đã bỏ đi khỏi hiện trường.
Video cũng cho thấy chỉ có một người đi xe máy dừng lại trong tổng số 17 xe máy và một ô tô đi qua nơi xảy ra tai nạn trong lúc nạn nhân nam kêu cứu.
Công an quận Tân Phú xác định tài xế taxi tên là Phú “vi phạm 2 lỗi là rẽ trái không bật tín hiệu giao thông và rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn”.
Đuổi hết công an giao thông?
Giao thông VN: Thần chết rình rập trên đường phố
Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành kiểm tra chất kích thích đối với tài xế Phú, kết quả là âm tính, theo truyền thông trong nước.
Giải thích về lý do tài xế không cứu mà rời khỏi hiện trường, công an cho biết “Khi làm việc với công an, tài xế Phú khai thấy nạn nhân nằm co giật nên bị hoảng loạn và lái xe rời khỏi hiện trường”.
Công an quận này cũng cho biết nạn nhân còn sống sót “cũng có lỗi trong vụ tai nạn” nhưng “sức khỏe chưa ổn định nên công an chưa thông tin về việc này”.
Đại diện công ty quản lý hãng taxi có tài xế liên quan tới vụ việc nói “dù chưa có kết luận chính thức, công ty sẵn sàng hỗ trợ ban đầu công tác điều tra và khắc phục hậu quả”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48800748

Tỉnh Sơn La hủy quyết định nghỉ hưu

của Giám đốc Sở Giáo dục

Một quyết định của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Sơn La được nhận định ‘bất ngờ’ đó là vào ngày 28 tháng 6 hủy quyết định nghỉ hưu đối với ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo Dục- Đào Tạo của tỉnh này.
Truyền thông trong nước loan tin nêu rõ vào chiều ngày 28 tháng 6, Giám đốc Sở Nội Vụ Sơn La Nguyễn Minh Hòa thông báo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sơn La vừa có quyết định về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định do Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân ký về việc nghỉ hư để hưởng chế độ bảo hiểm đối với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo Dục- Đào Tạo tỉnh Sơn La.
Lý do được cho biết vì ông Hoàng Tiến Đức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật.
Theo quyết định cũ do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La ký, ông Hoàng Tiến Đức còn làm việc 3 ngày nữa, tức 1/7 sẽ nghỉ hưu.
Việc nghỉ hưu của ông Hoàng Tiến Đức được dư luận đặc biệt quan tâm bởi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La là một trong số những người liên quan đến bê bối gian lận điểm thi Trung học Phổ thông 2018 diễn ra tại tỉnh này.
Vào ngày 19/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật với ông Hoàng Tiến Đức. Lý do, ông Đức đã trực tiếp tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La thành lập Ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 có 2 thành viên Ban Chỉ đạo có con ruột dự thi là vi phạm quy chế thi. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Trước đó, Theo kết luận điều tra bổ sung do Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Sơn La ban hành hồi cuối tháng 5, có 6/8 bị can trong vụ sửa điểm là cán bộ ngành giáo dục Sơn La.
Ông Đức chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi, Ban Chấm thi và các khâu trong quá trình thi; thiếu giám sát, để cấp dưới vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nhiều người bị khởi tố, điều tra hình sự.
Người giữ chức vụ cao nhất bị khởi tố là nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Trần Xuân Yến. Ông Yến khai đã nâng điểm cho 8 thí sinh theo ‘đặt hàng’ của ông Hoàng Tiến Đức. Tuy nhiên, ông Đức chỉ thừa nhận nhờ ông Yến xem trước điểm thi.
Gian lận nâng, sửa điểm cho các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018 bị phanh phui tại các tình Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang và Sơn La. Một số quan chức và giáo viên trong ngành giáo dục tại những địa phương này bị khởi tố, bị bắt giam hay đang bị đề nghị khởi tố về những vi phạm của họ.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 có nhiều tai tiếng với phát hiện có những thí sinh tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang được nâng điểm khống. Một số là con, cháu của những cán bộ lãnh đạo đương chức.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/revoke-the-retirement-decision-of-director-of-son-la-education-department-06282019082947.html

Giới bất đồng chính kiến

lên án chế độ ngược đãi tù nhân lương tâm

Tin từ Sài Gòn, ngày 27/6/2019: Năm tổ chức xã hội dân sự độc lập và hàng chục người thuộc giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội đã ký tên chung vào một thư ngỏ phản đối việc ngược đãi tù nhân lương tâm của chế độ cộng sản Việt Nam.
Thư ngỏ này được công bố ngày thứ Sáu, là ngày tuyệt thực thứ 18 của nhiều tù nhân lương tâm như các ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Túc và Trần Phi Dũng trong Trại giam số 6 của bộ công an tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Bốn tù nhân lương tâm đã tuyệt thực từ ngày 11/6 sau khi ban giám thị nhà tù tháo dỡ hết quạt điện trong phòng giam trong điều kiện mùa hè khắc nghiệt ở miền Trung, để các ông chịu cái nóng oi ả khoảng 40 độ C và gió Lào mà không được sử dụng quạt điện. Đây là một hình thức tra tấn, đày đoạ những người tù nhân đều trên 60 tuổi và có nhiều trọng bệnh.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), người từng bị giam ở Trại 6, cho biết đa số phòng giam tù chính trị được xây tường bằng đá hộc và gạch đặc, tường thấp và trên lợp mái tôn, không có khe thông gió. Khu vực trại giam nằm ở một trong những nơi ở miền Trung có khí hậu khắc nghiệt nhất.
Trong thư gửi ban lãnh đạo của chế độ, những người ký tên yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt việc ngược đãi tù nhân lương tâm trong tất cả các trại giam trong phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở Trại 6, coi những hành động ngược đãi là sự vi phạm Công ước Quốc tế về Tra tấnvà các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam đã ký kết.
Họ cũng yêu cầu chính phủ phải cử người đến kiểm tra, chấn chỉnh và kỷ luật những kẻ đã thực hiện việc ngược đãi trên.
Thư cũng kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lên tiếng để buộc Việt Nam đối xử nhân đạo với tù nhân lương tâm.
Nhóm khởi xướng tiếp tục nhận chữ ký ủng hộ (gửi về Email: chongnguocdaitunhan@gmail.com) trước khi chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/gioi-bat-dong-chinh-kien-len-an-che-do-nguoc-dai-tu-nhan-luong-tam/

Lo ngại nào trước đề xuất của Viettel

về khai thác dữ liệu cá nhân?

Hòa Ái, RFA
Tập đoàn Viễn thông Viettel lớn nhất Việt Nam vừa đưa ra đề xuất Nhà nước nhanh chóng có quy định để đảm bảo quyền khai thác dữ liệu của doanh nghiệp, trong đó bao gồm quyền được khai thác dữ liệu cá nhân một cách hợp lý.
Đề xuất về quyền khai thác dữ liệu cá nhân
Tại Hội thảo Khoa học Cấp Quốc gia, với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, diễn ra vào chiều ngày 24/06/19, truyền thông quốc nội ghi nhận các doanh nghiệp viễn thông như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội Viettel nêu lên vấn đề các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng và còn thiếu sót trong các quy định về khai thác, bảo vệ dữ liệu cá nhân dẫn đến hậu quả đang là rào cản đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ hoạt động ở Việt Nam.
Chúng ta có thể thấy tất cả các doanh nghiệp như Google, Facebook thì những tiện ích họ tạo ra cho người sử dụng trên toàn cầu có một phần dựa vào việc họ sử dụng dữ liệu lớn của người dùng đóng góp vào. Đấy là một phần tất yếu của sự phát triển internet. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy là họ lạm dụng, chẳng hạn như gần đây chúng ta thấy Facebook lạm dụng rất nhiều và cũng bị lên án rất nhiều. Do đó, tôi nghĩ đấy cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp internet ở Việt Nam muốn có luật để quy định rõ ràng họ có quyền sử dụng đến đâu
-Ông Nguyễn Tử Quảng
Trưởng ban Chiến lược của Viettel, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh rằng nguồn dữ liệu khách hàng là rất lớn và là tài nguyên, lợi ích của mô hình kinh doanh số mới; tuy nhiên việc khai thác, sử dụng dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng là vì một phần chưa có quy định pháp luật để bảo vệ quyền được khai thác dữ liệu cá nhân một cách hợp lý. Đại diện của Tập đoàn Viettel cho rằng cần có hành lang pháp lý và mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng ban hành quy định để đảm bảo quyền khai thác dữ liệu của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0.
Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận xét của ông liên quan đề xuất vừa nêu của Tập đoàn Viettel:
“Tôi nghĩ việc sử dụng các dữ liệu như vậy của các doanh nghiệp có lẽ cũng là một phần tất yếu. Chúng ta có thể thấy tất cả các doanh nghiệp như Google, Facebook thì những tiện ích họ tạo ra cho người sử dụng trên toàn cầu có một phần dựa vào việc họ sử dụng dữ liệu lớn của người dùng đóng góp vào. Đấy là một phần tất yếu của sự phát triển internet. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy là họ lạm dụng, chẳng hạn như gần đây chúng ta thấy Facebook lạm dụng rất nhiều và cũng bị lên án rất nhiều. Do đó, tôi nghĩ đấy cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp internet ở Việt Nam muốn có luật để quy định rõ ràng họ có quyền sử dụng đến đâu.”
Lợi bất cập hại?
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin-Truyền thông tính đến hết tháng 8 năm 2016, Việt Nam có tổng số hơn 128 triệu thuê bao điện thoại di động trên mạng, trong đó thuê bao mạng Viettel chiếm gần 50%. Và theo ghi nhận của Sách trắng CNTT-TT phát hành năm 2017, ba doanh nghiệp Viettel, VNPT và MobilFone chiếm giữ đến 95% thị phần tại Việt Nam trong năm 2016.
Đài RFA nêu vấn đề với một số khách hàng của các tập đoàn viễn thông ở trong nước rằng họ đón nhận đề xuất của Viettel liên quan Việt Nam cần có quy định bảo vệ quyền được khai thác dữ liệu cá nhân của khách hàng và được đa số cho biết họ cũng nghĩ rằng khách hàng
sẽ được đảm bảo quyền lợi chắc chắn hơn một khi các quy định pháp luật được ban hành. Một sinh viên trẻ tuổi nói với RFA:
“Tôi nghĩ là có hai mặt của nó, cũng có một phần là tốt. Ví dụ như có xảy ra liên quan đến pháp luật chẳng hạn thì sẽ dựa vào luật làm căn cứ để xem xét.”
Mặt không tốt của vấn đề mà bạn sinh viên không muốn nêu tên đưa ra là:
“Lo ngại các dữ liệu của bản thân, những gì cần bảo mật mà lại bị xâm phạm thì không tốt.”
Qua trao đổi với giới chuyên gia về công nghệ thông tin, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận điều lo ngại của không ít khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp mạng Việt Nam liên quan thông tin cá nhân của họ bị xâm phạm không phải là vô cớ. Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Australia đưa ra lập luận cho rằng đề xuất của Viettel có thể xem như là một phương thức “hợp thức hóa” sự kiểm soát người dân một khi Nhà nước Việt Nam ban hành luật định. Ông Hoàng Ngọc Diêu lý giải qua ứng dụng Messenger:
Đại diện của Tập đoàn Viettel có những đánh tráo rất tinh vi về chuyện ‘khai thác dữ liệu cá nhân’ và ‘khai thác dữ liệu’. Thứ nhất, không có một quốc gia tự do và minh bạch nào trên thế giới mà cho phép một công ty quân đội hoặc một công ty nào bất kỳ có quyền ‘khai thác dữ liệu cá nhân’. Ngược lại, các quốc gia tự do và minh bạch có luật lệ cụ thể bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân. Thêm nữa, Viettel đề nghị bảo vệ và khai thác thông tin cá nhân vì lý do lợi ích và cho rằng đó là ‘tài nguyên’ và tròng tréo giữa ‘dữ liệu cá nhân’ với dữ liệu chung chung. Từ đó, họ đẩy đến lý do thời đại công nghệ 4.0 cần phải có ‘dữ liệu’ mới phát triển trí tuệ nhân tạo. Đó là cách bẻ vấn đề một cách ma mãnh
-Ông Hoàng Ngọc Diêu
“Đại diện của Tập đoàn Viettel có những đánh tráo rất tinh vi về chuyện ‘khai thác dữ liệu cá nhân’ và ‘khai thác dữ liệu’. Thứ nhất, không có một quốc gia tự do và minh bạch nào trên thế giới mà cho phép một công ty quân đội hoặc một công ty nào bất kỳ có quyền ‘khai thác dữ liệu cá nhân’. Ngược lại, các quốc gia tự do và minh bạch có luật lệ cụ thể bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân. Thêm nữa, Viettel đề nghị bảo vệ và khai thác thông tin cá nhân vì lý do lợi ích và cho rằng đó là ‘tài nguyên’ và tròng tréo giữa ‘dữ liệu cá nhân’ với dữ liệu chung chung. Từ đó, họ đẩy đến lý do thời đại công nghệ 4.0 cần phải có ‘dữ liệu’ mới phát triển trí tuệ nhân tạo. Đó là cách bẻ vấn đề một cách ma mãnh. Ai cho phép họ quyền sử dụng thông tin và dữ liệu cá nhân? Và ai cho phép họ biến những thứ riêng tư ấy thành ‘tài sản và ‘tài nguyên’?”
Chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam đã và đang ngang nhiên sử dụng thông tin cá nhân của người dân một cách tuỳ thích cho mục đích quản lý và trấn áp với mục đích bảo vệ chế độ mà các Chính phủ trên thế giới cùng những tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích rất nhiều vì lý do vi phạm nhân quyền và do đó ông khẳng định:
“Chiêu bài ‘công nghệ 4.0’ tròng tréo với ‘dữ liệu cá nhân’ này nhằm hơp thức hoá những trò sử dụng thông tin cá nhân vừa có thể kiểm soát và quản lý người dân, vừa có thể né được những chỉ trích vì đó là… luật.”
Báo mạng techwireasia.com, hồi đầu tháng 5 năm 2017, qua bài báo với nhan đề “Việt Nam có thể là hòn ngọc công nghệ Đông Nam Á-nhưng kiểm soát chặt chẽ những bất đồng quan điểm” ghi nhận Việt Nam là quốc gia “tự do internet”, nằm trong số hơn 49 triệu người sử dụng internet và 45 triệu tài khoản mạng xã hội tại khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn không có tự do ngôn luận. Con số này theo Báo cáo Digital 2019 thì nay có 62 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm 64% dân số; trong số này có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội bằng điện thoại.
Và theo ghi nhận của RFA, các cư dân mạng tại Việt Nam, trong đó hầu hết những người có quan điểm phản biện với chính quyền cùng đồng thuận rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy hiểm khi đề xuất của Viettel về quyền của doanh nghiệp được đảm bảo khai thác dữ liệu cá nhân chính thức được đưa vào quy định pháp luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viettel-proposal-to-exploit-personal-data-public-concerns-06272019145950.html

Liệu Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt

như Trung Quốc?

Trung Khang, RFA
Chỉ vài giờ trước khi lên đường dự Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong buổi phóng vấn với Fox Business News hôm 26 tháng 6 năm 2019, Tổng thống Trump đã nói: Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ nhất, còn hơn Trung Quốc. Ông cũng nói rằng ‘Gần như tất cả các nước trên thế giới đều lợi dụng Mỹ’. Phát biểu của Tổng thống Mỹ vào giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ Trung đang gia tăng, đã gây ra những lo ngại về khả năng Hoa Kỳ có thể cũng sẽ áp thuế nặng lên các hàng hóa của Việt Nam như đối với Trung Quốc.
Hoa Kỳ mới đây đã áp 25% thuế lên khoảng 200 tỷ đô la hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Tổng thống Trump dọa rằng Mỹ có thể còn áp thuế lên khoảng hơn 300 tỷ đô la hàng hóa còn lại từ Trung Quốc.
Trao đổi với RFA hôm 27/6/2019 từ Hà Nội, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Tôi nghĩ việc này Việt Nam cũng đã ý thức được rồi, ngay từ lần đầu tiên ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ, thì Tổng thống Trump cũng đã nhắc ông Phúc về tình trạng xuất siêu của Việt Nam qua Hoa Kỳ. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 xuất siêu sang Hoa Kỳ, tuy nhiên xuất siêu của Trung Quốc, Nhật và các nước trên Việt Nam ở quy mô lớn hơn Việt Nam rất nhiều.”
Đây cũng có thể là thông điệp của Tổng thống Trump vừa cho Việt Nam, vừa cho Trung Quốc về việc Trung Quốc đừng lợi dụng con đường Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
-Phạm Chi Lan

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ đạt trên 47 tỷ đô la, tăng hơn 14% so với năm trước đó. TRong đó, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ gần 35 tỷ đô la trong năm 2018. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo Bà Phạm Chi Lan, khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung diễn ra thì Việt Nam cũng đối mặt những thách thức rất lớn, trong đó cụ thể nhất là đầu tư ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế khi xuất khẩu đi Mỹ. Điều này một mặt giúp Việt Nam tăng trưởng thêm nhờ nguồn vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài tăng, nhưng mặt khác làm cho nguy cơ xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ tăng.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business News, Tổng thống Trump cũng thừa nhận thực tế mà ông gọi là đáng quan tâm này.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam 2,29 tỷ đô la, đứng hạng 3 các nước đổ vốn vào Việt Nam.
Việc các dự án FDI từ Trung Quốc tăng nhanh tại Việt Nam được đánh giá do tác động của thương chiến Mỹ – Trung. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao từ Mỹ đánh lên các sản phẩm từ Trung Quốc.
Nỗi lo hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 27/6, đưa ra nhận định về tuyên bố mới của Tổng thống Trump:
“Tôi thấy cái này Việt Nam phải cấp tốc, khẩn trương làm chứ không thể chần chừ được. Bởi vì việc di chuyển nhà xưởng sang Việt Nam cũng nhiều, đồng thời họ di chuyển sản phẩm sang rồi dán nhãn ‘Made in Vietnam’ cũng nhiều. Người ta đã nói nhiều lần chứ không phải mới đây. Lần này Tổng thống Trump tuyên bố Việt Nam lạm dụng có thể là do công ty Việt Nam hợp thức hóa chuyện đó.”
Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam công bố hôm 9/6/2019, Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ. Cụ thể các công ty Trung Quốc trước hết xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sau đó hàng hóa được thay bao bì và ghi “Made in Vietnam” trước khi xuất sang Mỹ, nhằm tránh mức thuế 25% do Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh trên hàng hóa của Trung Quốc.
Việt Nam phải cấp tốc, khẩn trương làm chứ không thể chần chừ được. Bởi vì việc di chuyển nhà xưởng sang Việt Nam cũng nhiều, đồng thời họ di chuyển sản phẩm sang rồi dán nhãn ‘Made in Vietnam’ cũng nhiều.
-Ông Lê Văn Triết
Năm 2018, hải quan Mỹ cũng từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng có thể Tổng thống Trump đưa ra thông điệp này không chỉ với Việt Nam mà còn nhắm tới Trung Quốc:
“Đây cũng có thể là thông điệp của Tổng thống Trump vừa cho Việt Nam, vừa cho Trung Quốc về việc Trung Quốc đừng lợi dụng con đường Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.”
Với nghi vấn đây là thông điệp của Tổng thống Trump vừa cho Việt Nam, vừa cho Trung Quốc về việc Trung Quốc đừng lợi dụng con đường Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thì Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore khi trao đổi với đài RFA hôm 4/6/2019 qua tin nhắn cho rằng, ông Trump theo đuổi chính sách thuế quan với mọi nước, không ám chỉ riêng Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Việt Nam không để hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ… dùng xuất xứ Việt Nam, cho nên không sợ. Chính phủ Mỹ đã điều tra nhiều tháng rồi. Cũng có một số trường hợp, người doanh nhân Việt Nam mua hàng Trung Quốc, gắn nhãn ‘Made in Vietnam’ để bán, thì đó là các cá nhân gian lận, không buộc tội cho cả một chính phủ được.”
Trong cuộc họp báo ngày 20/6 của Bộ Ngoại Giao, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về biện pháp của Việt Nam trước thông tin cho rằng thời gian qua xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lấy danh nghĩa hàng Việt Nam.
Vào đầu tháng 6, các quan chức Việt Nam nói Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ, và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Thao túng tiền tệ
Vấn đề thứ hai đáng quan tâm trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là thao túng tiền tệ. Liên quan vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết, nhận định:
“Thứ hai có thể có vấn đề thao túng tiền tệ nữa. Đây là vấn đề nghiêm trọng và tôi cho rằng nhà nước cần cấp tốc đưa ra những quy chế, để quản lý, hường dẫn cho các doanh nghiệp. Nhất là những người ham lợi, họ bất chấp, nếu để việc trừng phạt xảy ra thì sẽ liên lụy các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 28/5/2019 xếp Việt Nam vào danh sách 9 nước cần phải theo dõi về thao túng tiền tệ vì chưa đáp ứng được một số tiêu chí của Mỹ.
Có 3 tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ quyết định một nước có bị xem là thao túng tiền tệ hay không gồm: có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có thặng dư tài khoản vãng lai lớn và thiên lệch với bằng chứng rõ ràng, thường xuyên can thiệp tiền tệ.
Thao túng tiền tệ (currency manipulation), là một hình thức phá giá, là làm mất giá đồng nội tệ để coi đó là một hình thức trợ cấp cho xuất khẩu. Đấy là điều mà nhiều người Mỹ đang lên tiếng chỉ trích Chính phủ Trung Quốc về hành động này.
Trước cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, hôm 6/6/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại.
Việt Nam cần làm gì
Vậy Việt Nam cần làm gì trong thời điểm này, để tránh bị Hoa Kỳ trừng phạt? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhận định:
Việt Nam có thể khắc phục bằng cách mua thêm hàng hóa Mỹ như đậu tương, than, vũ khí, thịt bò, thịt heo, hàng công nghệ cao.v.v…
-TS. Hà Hoàng Hợp
“Nếu Tổng thống Trump muốn, ông ấy sẽ đánh thuế cao lên hàng Việt Nam. Việt Nam có thể khắc phục bằng cách mua thêm hàng hóa Mỹ như đậu tương, than, vũ khí, thịt bò, thịt heo, hàng công nghệ cao.v.v… Theo tôi, mua thêm hàng hóa Mỹ là cách đơn giản nhất cho Việt Nam.
Cũng trong buổi phóng vấn với Fox Business News hôm 26/6, khi được hỏi liệu Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam không (tương tự như với Trung Quốc), Tổng thống Trump nói rằng Việt Nam là nước lợi dụng nhất dù Việt Nam đã mua nhiều than từ West Virginia, Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã từng nói, Việt Nam nên mua vũ khí của Mỹ, vì Hoa Kỳ đã bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016, nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội.
Tháng 8/2018, có tin đưa ra từ Bộ Quốc phòng Mỹ là Việt Nam ký một hợp đồng trị giá gần 100 triệu đô là mua vũ khí. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó tránh bình luận tin này.
Bà Phạm Chi Lan thì cho rằng nhận xét của ông Trump nói ‘Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc’ có phần chưa thật xác đáng. Vì thực tế, không thể so sánh kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giữ Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc đang xuất siêu sang Mỹ vẫn hơn 300 tỷ USD, còn Việt Nam xuất siêu sang Mỹ có tăng lên mấy chục phần trăm trong mấy tháng đầu năm nay, nhưng chỉ vẫn vài chục tỷ thôi.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-vietnam-be-taxed-by-the-us-like-china-06272019141408.html

BNG lên tiếng về chỉ trích của Trump

cáo buộc Việt Nam ‘lạm dụng’ thương mại

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 28/6 nói rằng Việt Nam muốn phát triển quan hệ thương mại “công bằng” với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc quốc gia Đông Nam Á là đang lạm dụng Mỹ về thương mại “tệ hơn cả Trung Quốc.”
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với VOA, qua một email trả lời liên quan tới phản ứng của Việt Nam trước những phát chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng “Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.”
XEM THÊM:
Thủ tướng Phúc tiếp cận tổng thống Mỹ sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam
Trả lời phỏng vấn Fox Business hôm 26/6, ông Trump nói Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại (với Mỹ).
Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn BNG Việt Nam
“Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước,” ông Trump nói.
Đây là lần đầu tiên ông Trump đưa ra chỉ trích sắc bén nhắm vào Việt Nam về thương mại, một trong những vấn đề hàng đầu trong chủ trương chính sách của ông suốt hơn hai năm rưỡi nắm quyền.
Mức thâm hụt thương mại của mỹ với Việt Nam là 39,5 tỷ USD năm 2018, tăng 3,1% so với năm 2017, theo dữ liệu của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam hiện đang thứ 17 trong số những bạn hàng thương mại lớn nhất với Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,9 tỷ USD vào năm ngoái.
Chính quyền Trump đã tăng áp lực để Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
“Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước,” bà Hằng cho VOA biết và nói thêm rằng Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện với Mỹ.
XEM THÊM:
Thị trường VN rớt 1,7% sau khi TT Trump tố cáo là ‘kẻ lạm dụng tồi tệ nhất’
Theo người phát ngôn BNG, Việt Nam đã và đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ.”
Khi được hỏi liệu có đánh thuế hàng hóa của Việt Nam hay không, Tổng thống Trump nói với người dẫn chương trình của Fox Business hôm 26/6 rằng “chúng tôi đang thảo luận” với Việt Nam nhưng không nói rõ là vấn đề gì.
Trả lời câu hỏi của VOA về việc liệu chính quyền của ông Trump có đang thảo luận với Việt Nam hay không, bà Hằng cho biết “Việt Nam và Hoa Kỳ thường xuyên trao đổi thông qua cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh.”
XEM THÊM:
WSJ: Hàng tỉ đôla hàng hóa TQ né thuế quan Mỹ nhờ xuất khẩu từ VN
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại hiện đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” tổng thống Mỹ nói hôm 26/6, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng do bị đánh thuế.
Hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 38% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng điện tử và máy tính Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng mạnh trong năm nay, cho thấy các công ty Trung Quốc đang tìm cách tránh thuế quan của Mỹ bằng cách tuồn hàng sang Việt Nam để thay bao bì trước khi lại xuất khẩu các mặt hàng đó sang Mỹ. Các quan chức Việt Nam đầu tháng này nói rằng Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ và yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, người phát ngôn BNG cho VOA biết rằng “Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.”
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế với VOA, Việt Nam cần khẩn trương giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, công bố sách trắng về xuất khẩu, và quan trọng nhất là chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc dán mác Việt Nam để củng cố lòng tin từ phía Hoa Kỳ sau tuyên bố chỉ trích Việt Nam của Tổng thống Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/bng-leng-tieng-ve-chi-trich-cua-trump-cao-buoc-viet-nam-lam-dung-thuong-mai/4977719.html

Thủ tướng Phúc tiếp cận tổng thống Mỹ

sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/6 tiếp cận Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một buổi làm việc vào giờ ăn trưa tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, chỉ hai ngày sau khi ông Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại.
Hôm 26/6, nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ khi nói rằng “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” hơn cả Trung Quốc.
“(Tổng thống Trump) hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam.”
Báo điện tử Chính phủ Việt Nam
Truyền thông chính thống Việt Nam không đăng tải bất cứ thông tin nào về chỉ trích của ông Trump đối với Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu của VOA gửi hôm 27/6 xin bình luận về phát biểu của tổng thống Mỹ.
Tại Osaka hôm 28/6, Thủ tướng Phúc đã tiếp cận ông Trump sau khi tổng thống Mỹ ngồi xuống để bắt đầu một buổi làm việc vào giờ ăn trưa của hội nghị G20, theo phóng viên Nhà Trắng của VOA tháp tùng ông Trump tới dự hội nghị này.
Tổng thống Mỹ lắng nghe trong lúc thủ tướng Việt Nam đứng giải thích điều gì đó với ông qua một người phiên dịch, trong tư thế ngồi và hai tay quàng trước ngực với khuôn mặt nghiêm nghị.
Việt Nam là một trong 8 nước được mời tới dự hội nghị đang diễn ra ở Nhật Bản và theo báo điện tử Chính phủ Việt Nam cho biết hôm 28/6, ông Phúc và ông Trump đã gặp gỡ bên lề hội nghị tại Nhật Bản.
“Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng,” theo bản tin của báo Điện tử Chính phủ (VGP News) được đăng kèm với bức ảnh 2 vị nguyên thủ tươi cười giơ ngón tay cái.
Bản tin còn cho biết: “Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam.”
“Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương,” theo VGP News.
Ông Phúc cũng là người đã tiếp ông Trump tại Hà Nội trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới dự cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 2 vừa qua, trong đó hình ảnh 2 nguyên thủ quốc gia cầm cờ Việt Nam và Mỹ vẫy chào được coi là dấu hiệu của một mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa hai cựu thù.
Tuy nhiên, phát biểu hôm 26/6 của ông Trump cho thấy giọng điệu chỉ trích gay gắt nhất từ trước tới giờ nhắm vào Việt Nam về thương mại, một trong những vấn đề hàng đầu trong chủ trương chính sách của ông suốt hơn hai năm rưỡi nắm quyền. Ông thường xuyên than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ và đang áp đặt những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh điều mà ông xem là sự mất cân bằng thương mại.
XEM THÊM:
Trump đả kích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng’ thương mại
Trước đó trong tháng này, ông Trump gọi Việt Nam là đối tác thương mại “thứ dữ” trong những bình luận dường như là khen ngợi. “Họ đàm phán rất tốt. Họ làm ăn kinh doanh rất tốt,” ông nói trong chương trình “Good Morning Britain” của đài ITV ở Anh.
Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 theo thống kê về ngoại thương của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
Các chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam trong năm 2017 và 2019 cũng mang tới cho các doanh nghiệp Mỹ những thỏa thuận mua hàng hóa trị giá hàng chục tỉ đô la kí với các đối tác Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-phuc-tiep-can-tong-thong-my-sau-khi-%C3%B4ng-trump-chi-trich-viet-nam/4977472.html

Thị trường VN rớt 1,7% sau khi TT Trump tố cáo

 là ‘kẻ lạm dụng tồi tệ nhất’

Hôm 27/6, thị trường chứng khoán Việt Nam VN Index rớt giá gần 1,7% ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ, theo hãng tin Bloomberg.
Vào cuối ngày 27/6/2019, trang Bloomberg loan tin chỉ số VN Index giảm 16.02 điểm, sụt 1,67%.
Bloomberg nói rằng đây là lần sụt giảm đến mức thấp nhất của VN Index kể từ ngày 12/2/2019 cho đến nay.
Trang VNExpress cũng chạy tít là “VN-Index giảm hơn 16 điểm,” nhưng không nói rõ lý do, chỉ nói rằng: “lực bán bất ngờ gia tăng trong khi dòng tiền bắt đáy không đủ sức hấp thụ.”
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business hôm 26/6, ông Trump nêu nhận định về một loạt vấn đề kinh tế, vài tiếng trước khi ông lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị của Nhóm 20 cường quốc kinh tế.
“Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” tổng thống nói, nhắc tới việc thuế quan của ông áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các công xưởng sản xuất dời đi các nơi khác để tránh chi phí gia tăng.
Khi được hỏi ông có muốn đánh thuế lên Việt Nam hay không, ông không phủ nhận và cho biết Mỹ “đang thảo luận” với Việt Nam, nhưng không nói rõ là về vấn đề gì, và nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người.”
Ông Trump thường xuyên than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ và đang áp đặt những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh điều mà ông xem là sự mất cân bằng thương mại, trong đó có Việt Nam.
Bloomberg cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức về bình luận này.
Theo quan sát của VOA, truyền thông Việt Nam trong ngày qua cũng không đề cập đến phát biểu chỉ trích Việt Nam của ông Trump.
XEM THÊM:
Trump đả kích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng’ thương mại
Các chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng hôm 26/6 chứng tỏ rằng thương chiến Mỹ – Trung đang tiếp tục căng thẳng và bây giờ đến lượt Việt Nam là mục tiêu trong việc tăng thuế suất tiếp theo dưới chính sách thương mại của ông Trump.
Từ Florida, Tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí nói:
“Vấn đề như vậy là nghiêm trọng. Việt Nam đừng nên coi thường lời tuyên bố của ông ấy. Như vậy cũng gây bất lợi cho chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng)
TS Phạm Đỗ Chí
. Qúa bất lợi! Tôi không ngờ ông ấy lại lôi Việt Nam ra mà nói mạnh như vậy.
“Hoa Kỳ đặt Việt Nam sau Trung Quốc về địch thủ trong chiến tranh thương mại. Phía Mỹ nêu ra vấn đề này thì sẽ cản trở mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay cũng như việc hướng đến quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.”
Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên nhận định:
“Khi ông Trump nói như thế tôi nghĩ rằng ông đặt vấn đề xem Việt Nam có ý lợi dụng hệ thống của Hoa Kỳ để tiếp tay với Trung Quốc.
“Ông Trump là người nói thẳng. Từ lúc lên nắm quyền cho tới nay, anh có tính giơ cao đánh khẽ, nghĩa là bước đầu ông dọa nạt, đánh phủ đầu, sau đó thì tìm một thương ước hay một thỏa thuận để có lợi cho Hoa Kỳ, nhằm gây áp lực với những nước cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam, buộc họ phải thay đổi cấu trúc mới giải quyết được vấn đề, tức là các nền kinh tế phải tương đồng.
“Tôi cho rằng vi phạm của Việt Nam là nghiêm trọng, và những vi phạm này cũng dễ thấy, không cần tin tình báo cũng biết được: đó là nhiều công ty Trung Quốc sang Việt Nam và dùng Made in Vietnam để đưa hàng sang Hoa Kỳ. Ông Trump nhận xét như vậy là quá đúng, nhưng để giải quyết vấn đề này thì rất phức tạp.”
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí cho biết thêm:
“Việc hàng Trung Quốc sang và gắn mác hàng Việt Nam là điều mà người Mỹ lo ngại nhất.”
XEM THÊM:
WSJ: Hàng tỉ đôla hàng hóa TQ né thuế quan Mỹ nhờ xuất khẩu từ VN
Chính quyền Trump đã tăng áp lực để Việt Nam điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 theo thống kê về ngoại thương của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ.
Dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 6 cho thấy thuế quan của Mỹ đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump.
Theo CNN, hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng 38% trong 4 tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái, trong khi đó Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi tới gần 30 tỷ đôla để nhập hàng hóa từ Trung Quốc, tăng12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ California, nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nói với VOA rằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có bao gồm hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc là ‘điều đã quá rõ ràng’.
Ông Nghĩa nói rằng mặc dù Tổng thống Donald Trump hay tuyên bố lung tung, nhưng việc ông nói đến tên Việt Nam trong một chương trình chuyên về kinh tế như vậy có nghĩa là ông đã được cấp dưới thông báo và cập nhật về tình hình giao thương của Việt Nam với Mỹ.
“Ông ấy muốn răn đe Việt Nam là ông ấy đang nghĩ đến việc đó,” ông Nghĩa nói và cho biết phía Mỹ ‘đã bỏ qua việc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ rồi’ nên trong vấn đề này nếu Việt Nam không giải quyết cho rõ ‘thì sẽ bị thiệt hại rất nặng’.
“Trong 11 tháng chiến tranh thương mại vừa rồi, nhiều người Việt Nam nghĩ rằng có thể lợi dụng được tình hình,” ông giải thích. “Họ dán nhãn ‘Made in Vietnam’ lên hàng Trung Quốc để bán sang Hoa Kỳ.”
“Số lượng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ gia tăng dữ dội trong vòng 5, 6 tháng đầu năm. Họ (người Mỹ) biết hết. Họ khui ra hết. Việt Nam nếu không giải quyết chuyện này thì nghĩa là lợi bất cập hại,” ông nói thêm.
Theo ông Nghĩa thì mặc dù Chính phủ Việt Nam không có chủ trương như vậy nhưng lại không kiểm soát để các cơ sở kinh doanh có hành vi thương mại như thế.
Khi được hỏi lời phàn nàn của ông Trump như vậy là nhắm vào thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hay nhắm vào việc Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc lách thuế của Mỹ, ông Nghĩa nói: “Thặng dư thì còn có thể thảo luận được. Nhưng nếu trong thặng dư đó có một phần lớn là thặng dư của Trung Quốc ngụy trang thành hàng Việt Nam thì tức là toa rập với Trung Quốc để lừa nước Mỹ thì sẽ rất có hại cho Việt Nam.”
https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-vn-rot-1-7-sau-khi-trump-co-cao-ke-lam-dung-toi-te/4976300.html

‘Ngân sách tăng thu 50%’,

bằng chứng lạm phát và thu cùng diệt tận

Phạm Chí Dũng
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019, đã hiện hình một bằng chứng không thể chối cãi về nạn lạm phát thực tế ở Việt Nam và một chế độ lao vào tử lộ thu cùng diệt tận đối với dân chúng.
Tăng thu dã man gần gấp đôi!
Báo cáo thu ngân sách trong giai đoạn 2013 – 2018 đã phô trương thành tích: vào năm 2013, thu ngân sách là hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, thu ngân sách đã tăng lên 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo tử lộ đó, chỉ trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, thu ngân sách liên tục tăng mạnh, tăng ‘dã man’ gần gấp đôi!
Chưa kể vào năm 2019, dự toán thu ngân sách với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng.
Báo cáo thu ngân sách với số thu gần gấp đôi trong giai đoạn 2013 – 2018 đã vô hình trung tiết lộ tỷ lệ lạm phát tối thiểu (chỉ tính theo số liệu trong báo cáo mà chưa phải lạm phát thực tế) đã lên gần 10% mỗi năm, chứ tuyệt đối không phải “được kềm chế dưới 5%/năm” như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Cơ sở chủ yếu của mức lạm phát này là khi lập dự toán phần thu ngân sách cho năm tiếp tới, các cơ quan của chính phủ và quốc hội luôn phải tính theo tốc độ lạm phát tối thiểu của năm cũ và chấp nhận thực tế này như một sự mặc định.
Vậy là liên tiếp trong nhiều năm qua, dự toán thu ngân sách năm sau đều được ‘quyết’ tăng hơn nhiều so với năm trước – từ 10 đến 12% vào thời kỳ kinh tế còn chưa rơi hẳn vào cơn suy thoái nhưng vẫn vống đến 8 đến 9% trong những năm gần đây, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và tiếng kêu than oán ‘doanh nghiệp và sức dân đã cạn’, mà bằng chứng thảm thiết nhất là tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.
Chẳng hạn vào năm 2017, trước tình trạng ngân sách cạn kiệt và đè đầu dân chúng, thuế sử dụng đất đã được âm thầm “thí điểm” tăng gấp 3-4 lần ở một số địa phương, đặc biệt tại “con bò sữa Sài Gòn” là nơi có số doanh nghiệp nhiều nhất và mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất quốc gia. Nhiều gia đình do không biết âm mưu tăng vọt thuế như vậy nên đã vẫn lầm lũi nộp tiền sử dụng đất cho đến nay, khiến kết quả thu ngân sách từ sắc thuế này lên đến hơn 80 ngàn tỷ đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017.
Nhưng chi ngân sách luôn cao hơn hẳn phần thu. Dự toán chi ngân sách năm 2019 lên đến 1.633 ngàn tỷ đồng, trrong đó hơn 70% là ‘chi thường xuyên’ để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình”, trong khi tỷ lệ này ở các nước tiên tiến trên thế giới chỉ khoảng 50% hoặc dưới 50%. Đây chính là nguồn cơn khủng khiếp nhất khiến ngân sách luôn thu không đủ chi và luôn bị bội chi.
Vậy chính phủ ‘kiến tạo’ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm được gì để tinh giảm biên chế và tinh gọn bộ máy?
Giảm 40 ngàn chỉ là số ảo?
Dù báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 24/12/2018 về tình hình thực hiện ‘công tác cải cách hành chính’ năm 2018 cho biết kết quả tinh giản biên chế tính từ năm 2015 đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người, nhưng thật ra chiếm phần lớn trong số đó vẫn là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi với 34.948 người (chiếm gần 86,3%), còn số đương chức đương quyền thì chẳng có mấy.
Sau khi xem xét kỹ hơn sau con số báo cáo của Bộ Nội vụ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã phải cho rằng việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập, cụ thể: Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn nhiều…
Cần nói thêm, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách đã lên tới 11 triệu, chiếm đến hơn 10% trong tổng dân số.
Trong thực tế, bài toán ‘tinh gọn bộ máy’ và ‘tinh giản biên chế’ vẫn còn lâu mới được giải quyết, hoặc chẳng bao giờ được giải quyết.
Từ sau Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 khi đảng ra nghị quyết về giảm 10% biên chế, cho tới nay bộ máy của đảng và các cơ quan chính phủ vẫn tiếp tục phình to mà chẳng hề giảm đi chút nào. Con số tinh giản biên chế được 40 người của Bộ Nội vụ là rất đáng nghi ngờ, bởi nhiều thông tin cho biết rất nhiều trường hợp công chức nằm trong diện bị cho nghỉ việc đã tìm cách ‘chạy’ sang những cơ quan khác cùng ngạch công chức, hoặc chuyển về những đơn vị sự nghiệp để trở thành viên chức.
Có nghĩa là trong lúc chỉ hô khẩu hiệu về giảm biên chế, đảng và chính phủ lại chăm chăm tìm mọi các để ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, hoàn toàn không quan tâm gì đến số người nghèo đang tăng phi mã ở rất nhiều địa phương. Và cũng không hề biết là đến một lúc nào đó, có lẽ không còn xa nữa, hàng triệu người dân và cả công chức hưu trí sẽ phải ồ ạt xuống đường để phản kháng chính sách thu cùng diệt tận giai đoạn cuối của chính thể ‘chỉ biết ăn không biết làm’ này.
Chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’
Ngân sách nhà nước năm 2019 và những năm tới sẽ đào đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình”?
Lại in tiền và in tiền ồ ạt?
Song vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng – tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính Trị đảng và Ngân Hàng Nhà Nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 – 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng “tiền ra như nước Sông Đà.”
Chỉ còn cách tăng thuế.
Thuế, thuế và thuế!
Giá điện, giá xăng dầu phi mã và cả ‘giặc cướp’ mang tên BOT…
Các mưu đồ và hành vi tăng thuế lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 11 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
https://www.voatiengviet.com/a/lam-phat-tan-thu-thue-ngan-sach/4977678.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.