Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/04/2019

Saturday, April 13, 2019 7:41:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 13/04/2019

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình:

Phản ứng của Bộ Tư Pháp có hợp lý?

Trung Khang, RFA
Vào ngày 10 tháng 4 năm 2019, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam, mà theo đó ông  Trịnh Vĩnh Bình đã chiến thắng trong vụ kiện.
Đây là vụ kiện được mệnh danh là vụ kiện “thế kỷ” giữa triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, công dân Hà Lan, với chính phủ Việt Nam. Ông Bình kiện chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Hà Lan và Việt Nam, cũng như bắt giam ông bất hợp pháp. Theo đơn kiện, ông đòi chính phủ Việt Nam phải trả tiền bồi thường là 1,25 tỷ đô la.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/4, Ông Trịnh Vĩnh Bình không muốn công bố cụ thể số tiền mà chính phủ Việt Nam sẽ phải trả ông là bao nhiêu và bao giờ sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên bản tin của VOA vào ngày 11/4 trích phán quyết của tòa cho biết chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la án phí. Trong số này có 10 triệu đô la tiền tổn thất về tinh thần.
Vào ngày12/4/2019, Bộ Tư pháp ra thông báo chính thức liên quan vụ kiện này. Bộ Tư Pháp Việt Nam cho rằng, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.
Trong thông cáo của mình, Bộ tư pháp cũng cho biết, theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết.
Bộ Tư Pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế.
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định:
“Bộ Tư Pháp Việt Nam có ra một thông báo, rằng thông tin trên mạng xã hội liên quan vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa chính xác, và họ có nói thêm một số thông tin khác nữa như đảm bảo bí mật giữa các bên thêm gia vụ kiện, rồi các xu thế khác nhau. Nhưng mà nói thì nói thế thôi, chứ nếu việc như chính ông Trịnh Vĩnh Bình công bố ra thì phía Việt Nam cũng không cần phải thông báo như thế. ”
Sau thông cáo của Bộ Tư Pháp, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn khẳng định thông tin ông chiến thắng là đúng và cũng khẳng định rằng ông không cung cấp số tiền phải bồi thường cũng như giấy tờ liên quan đến phán quyết của tòa cho bất cứ ai.
Theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội… trên một nền pháp lý hoàn thiện hơn, vì vậy, Việt Nam nên có một cách cởi mở, thân thiện, công bằng hơn, sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ tất cả các phía, để làm sao Việt Nam là một đất nước hưởng lợi bởi đầu tư nước ngoài có một hình ảnh tích cực về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Còn theo Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập thì vụ kiện này đáng lý ra là chính phủ Việt Nam phải biết trước là họ thua, có lẽ là trước đây họ quá chủ quan, không đề phòng chuyện này, và cuối cùng ông Trịnh Vĩnh Bình đã thắng. Theo ông, đây có thể nói đây là một tiền đề, khi Việt Nam ra quốc tế hay đi vào các vụ kiện quốc tế, thì khả năng rất lớn là chính phủ Việt Nam sẽ thua.
“Đó là bài học rất lớn đối với chính phủ Việt Nam, họ không thể hành xử ở quốc tế giống như ở trong nước được. Ở trong nước thì luôn luôn có những cái án bỏ túi, đặc biệt là những cái án chính trị xử lý những người đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến, phản biện, bằng án bỏ túi. Nhưng mà ra quốc tế thì mọi chuyện phải bình đẳng, sòng phẳng, và không thể có chuyện Việt Nam đi cửa trong cửa ngoài, đi đêm, thỏa thuận ngầm… để có những bản án bỏ túi như vậy.”
Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý – bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Năm 2000 ông trốn tù, vượt biên lần nữa trở lại Hà Lan. Năm 2003 ông kiện chính phủ Việt Nam tại một tòa án ở Thụy Điển. Để tránh vụ kiện này chính phủ Việt Nam đã ký một thỏa thuận với ông ở Singapore vào năm 2006, theo đó thì ông sẽ giữ bí mật thỏa thuận này, không kiện nữa, và đổi lại chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông số tiền là 15 triệu đô la Mỹ, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu của ông. Nhưng ông nói với thông tín viên Tường An của đài RFA tại châu Âu rằng chính phủ Việt Nam đã không giữ lời hứa nên một lần nữa ông đã kiện chính phủ Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi hôm 12/4, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
“Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc. Tôi nghĩ đây là bài học đau xót và Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Mặc dù báo chí trong nước có thể là không đăng nhưng tôi nghĩ các quan chức có liên quan nhà đầu tư nước ngoài, liên quan Việt Kiều cần xem xét kỹ, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Để tránh không lập lại các sai sót như đã diễn ra.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình xảy ra vào khoảng thời gian Việt Nam còn mới mở cửa, hệ thống văn bản pháp luật còn kém:
“Chính phủ chỉ có một văn bản nhỏ, một văn bản mập mờ. Cũng may là vào năm 1994 Việt Nam có ký một thỏa thuận liên quan đầu tư với chính phủ Hà Lan. Thì bây giờ trên cơ sở ấy Tòa quốc tế phán quyết ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện.”
Đổi mới là một chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào thập niên 1980. Đổi mới về kinh tế được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam năm 1987 được xây dựng từ văn bản pháp quy đầu tiên quy định về đầu tư nước ngoài 1977. Được sửa đổi, bổ sung vào năm 1990 và năm 1992; và đến năm 1996 Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng trong những năm này, Việt Nam bắt đầu ký các hiệp định khuyến khích đầu tư với các nước, trong số đó có Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan được ký kết năm 1994.
Theo Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, tính đến ngày 20/9/2018, tại Việt Nam có 26.646 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Trong giai đoạn 1994-2000 đầu tư nước ngoài đóng góp vào nguồn thu ngân sách 1,8 tỷ USD, trong khi giai đoạn 2011 – 2015, thu ngân sách từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 23,7 tỷ USD.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh  Bình cho thấy một thất bại chính trị và ngoại giao của chính phủ Việt Nam, và cảnh báo nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ còn phải nhận thêm các vụ tương tự:
Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn.
-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
“Qua vụ này thì có thể thấy thêm một thất bại chính trị, thất bại ngoại giao của chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi không nghĩ sau vụ này thì môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nhiều, chỉ có điều sau vụ Trịnh Vĩnh Bình thì sẽ có một số vụ kiện ở trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam, kiện chính quyền địa phương ở Việt Nam, đem ra tòa quốc tế thay vì đem ra tòa ở Việt Nam. Thì lúc đó Việt Nam sẽ phải lãnh nhận hàng loạt các vụ thất bại mới.”
Ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, trang tin The Guardian hôm 15/8/2018, trích thông tin điều tra của Finance Uncovered cho biết, hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia là ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn lên tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc để được phân xử không phải trả thuế
cho Chính phủ Việt Nam trong thương vụ giao dịch của hai công ty này theo Luật Thương mại Quốc tế.
Tin cho biết ConocoPhillips đã bán hai công ty con nằm ở Việt Nam cho Tập đoàn Perenco. Thương vụ được bán với giá 1,3 tỷ đô la Mỹ và ConocoPhillips thu về lợi nhuận 896 triệu USD. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thu khoảng 179 triệu USD tiền thuế lợi nhuận trong thương vụ này.
Người phát ngôn của ConocoPhillips giải thích rằng việc mua bán giữa hai công ty cư trú ở Anh nên không phải trả tiền thuế cho Chính phủ Việt Nam, và ConocoPhillips sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp pháp lý để chống lại việc thu thuế của Chính phủ Việt Nam trong giao dịch đó.
Cho đến nay, phía Tập đoàn ConocoPhillips và Hội đồng trọng tài vẫn chưa cung cấp các thông tin về địa điểm và thời gian phiên tòa sẽ diễn ra.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
“Đây là một bài học rất lớn cho chính phủ Việt Nam, và nếu không rút ra được bài học lớn như thế này, thì số tiền phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình tính luôn án phí khoảng 45 triệu USD chỉ là chuyện nhỏ, mà sẽ còn những thất bại rất lớn. Ví dụ như Việt Nam muốn kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc Tết The Hague, về vấn đề biển Đông. Ngay cả có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nếu Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về pháp lý cần thiết thì vẫn có thể thua như thường. Mặc dù về lý là Việt Nam đúng nếu kiện về vấn đề chủ quyền biển Đông thuộc về Việt Nam. Do quá trình chuẩn bị quá tồi tệ nên Việt Nam vẫn có thể thua như thường.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, phía Việt Nam phải có sự chuẩn bị để có thể đáp ứng các yêu cầu kiện cáo, điều quan trọng phải chuẩn bị hồ sơ và có các luật sư am hiểu luật quốc tế, am hiểu tình tiết để tránh lập lại các trường hợp như vụ Trịnh Vĩnh Bình.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trinh-vinh-binh-case-and-the-behavior-of-the-vietnamese-government-04122019143747.html

Bộ Tư pháp CSVN cho rằng

thông tin vụ ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện

là không chính xác

Tin Việt Nam –  Báo Trithucvn ngày 13 tháng 4 loan tin, trước thông tin về phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình với nhà cầm quyền CSVN được công bố nhiều trên một số tờ báo và trang mạng xã hội, Bộ Tư pháp CSVN đã lên tiếng.
Bộ Tư pháp CSVN cho rằng, những thông tin được lan truyền trên truyền những ngày qua là không chính xác, và nhắc lại rằng, “theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết.” Bộ Tư pháp còn khẳng định, những thông tin của các tờ báo tự do và mạng xã hội đã phản ánh thông tin theo cách tự diễn giải, suy đoán chủ quan để gây hiểu lầm trong dư luận. Hiện tại, chính quyền và Bộ Tư pháp CSVN đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, và các công ty Luật đại diện cho phía nhà cầm quyền CSVN nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế nhằm thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó, vào ngày 10 tháng 4, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện thông tin, Hội đồng Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện nhà cầm quyền CSVN. Phía CSVN buộc phải bồi thường cho ông Bình 37.5 triệu Mỹ kim, và gần 7.9 triệu Mỹ kim án phí. Tuy nhiên, đến nay phía nhà cầm quyền CSVN đã phủ nhận thông tin này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bo-tu-phap-csvn-cho-rang-thong-tin-vu-ong-trinh-vinh-binh-thang-kien-la-khong-chinh-xac/

Ông Phạm Nhật Vũ bị bắt

vì ‘đưa hối lộ’ trong vụ mua bán AVG

Ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), vừa bị bắt giam.
Quyết định khởi tố bị can của cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc ông Vũ tội ‘đưa hối lộ’ trong thương vụ MobiFone mua AVG, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Bắt các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn
Mobifone – AVG: Công an bắt ông Lê Nam Trà
MobiFone mua AVG: Nhiều đảng viên CS đối mặt kỷ luật
Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”
Ông Vũ là em trai ông Phạm Nhật Vượng, một trong những người được đánh giá là giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng Forbes định giá là 7,6 tỷ đô la.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã “quyết định điều tra, bắt tạm giam và lục soát nhà ông Vũ… người bị cáo buộc tội đưa hối lộ”, hãng tin AFP dẫn lời Bộ Công an nói hôm thứ Bảy.
Số tiền mà ông Vũ được cho là đã đưa hối lộ không được nêu rõ.
Trong cùng thời điểm, còn có một số cựu quan chức cao cấp bị khởi tố bổ sung với tội danh ‘nhận hối lộ’, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (2011-2016) và nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn (2016-2018), cùng hai cựu lãnh đạo cao cấp của MobiFone, ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải trước đó đã bị truy tố với tội danh khác.
Cả bốn người này đã đang bị bắt giam, cùng về tội ‘vi phạm quy định về sử dụng vốn công, gây hậu quả nghiêm trọng’, quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.
Tội ‘vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng’
Trong diễn biến mới nhất, còn có thêm hai người khác bị bắt giam.
Bắt thêm người từ đại án MobiFone mua AVG
Ông Bắc Son mất cả tư cách ‘nguyên bộ trưởng’
Trương Minh Tuấn: ‘Ngã gục vẫn đứng dậy’
Ông Võ Văn Mạnh là cựu lãnh đạo, và ông Hoàng Duy Quang là cựu nhân viên của AMAX, hãng tư vấn và thẩm định thương vụ mua bán AVG.
Cả hai cùng bị cáo buộc ‘vi phạm quy định về sử dụng vốn công, gây hậu quả nghiêm trọng’.
Đây là tội danh đã khiến nhiều người bị khởi tố, bắt giam trong thời gian từ giữa 2018 đến đầu 2019.
Các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị bắt hồi 2/2019. Hai ông bị cho là đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng khi ông Bắc Son là bộ trưởng, ông Tuấn là thứ trưởng.
Ông Cao Duy Hải, nguyên tổng giám đốc MobiFone, bị bắt hồi 11/2018. Bà Phạm Thị Phương Anh, phó tổng giám đốc MobiFone bị bắt cùng lúc với ông.
Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, bị bắt hồi 7/2018, ngay khi cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với thương vụ mua bán AVG.
Bị bắt cùng thời gian với ông Lê Nam Trà có ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp Bộ thông tin truyền thông.
Việc mua AVG diễn ra sau khi Thủ tướng nhiệm kỳ trước Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận về chủ trương cho phép Mobifone tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình.
Tháng 1/2016, Mobifone thông báo hoàn thành việc mua 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị chuyển nhượng gần 8.900 tỷ đồng (khoảng 400 triệu đô la Mỹ).
Tuy nhiên, từ giữa 2016, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản chỉ đạo chính phủ thanh tra toàn diện thương vụ này.
Giới chức nói vụ việc gây thiệt hại cho nhà nước 300 triệu đô la.
Các tội danh bị khởi tố trong vụ MobiFone-AVG cho đến nay
Kể từ khi khởi tố vụ án 7/2018 cho tới nay, giới chức đã khởi tố bị can nhiều người, với ba nhóm tội danh chính, quy định tại các điều 220, 354, và 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Nội dung các điều khoản khởi tố bị can gồm:
Điều 364, khoản 4: Tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Điều 354, khoản 4: Tội nhận hối lộ. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;
b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;
c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;
d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47909549

Đoàn Thị Hương được trả tự do vào ngày 3/5

Đoàn Thị Hương sẽ được trả tự do vào ngày 3/5, luật sư của cô nói hôm thứ Bảy, 13/4.
Cô hiện đang bị giam tại nhà tù giành cho phạm nhân nữ Kajang, ở ngoại ô Kuala Lumpur.
Đoàn Thị Hương ‘dự kiến được trả tự do vào tháng Năm’
Vì sao Đoàn Thị Hương vẫn chưa được thả?
Tòa Malaysia bác đơn xin tha bổng Đoàn Thị Hương
Tin tức nói sau khi được thả, dự kiến cô sẽ bay về Hà Nội ngay trong ngày.
Sau các vận động ngoại giao từ phía chính phủ Việt Nam, cơ quan công tố Malaysia đã bỏ cáo buộc sát nhân đối với cô.
Tuy nhiên, cô đã nhận tội ‘gây thương tích’ và bị trao mức án ba năm bốn tháng tù.
Theo luật Malaysia, cô được giảm một phần ba thời gian thụ án nhờ có hành vi tốt.
Hương bị bắt giam từ 15/2/2017 trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Vụ giết người bằng chất độc thần kinh VX giữa ban ngày tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2/2017 đã làm cả thế giới chấn động.
Hồi tháng trước, cáo buộc đối với đồng phạm người Indonesia, Siti Aisyah, đã bị hủy bỏ.
Hương và Siti Aisyah là hai nghi phạm chính, đã trực tiếp tiếp xúc với ông Kim Jong Nam trước khi ông tử vong.
Theo hình ảnh do camera an ninh tại sân bay ghi lại, thì các cô đã chủ động tiến lại gần Kim Jong Nam, rồi một người áp tay vào mặt ông, trước khi cả hai cùng vào nhà vệ sinh rồi rời khỏi sân bay.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cả hai người đều luôn khẳng định rằng họ không biết gì về âm mưu ám sát mà hoàn toàn nghĩ rằng mình đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Các luật sư biện hộ nói rằng kẻ chủ mưu thực sự đứng đằng sau là bốn người Bắc Hàn, những người được thấy là có mặt ở sân bay vào ngày xảy ra vụ ám sát để gặp hai nghi phạm chính, và đã rời đi sau vụ ám sát.
Bốn người này đã bị buộc tội vắng mặt cùng với hai nghi phạm chính trong vụ giết ông Kim Jong Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47921170

Nhà hoạt động Hoàng Dũng tố cáo

bị an ninh CSVN ép cộng tác

Tin từ Hoa Kỳ – Nhà hoạt động xã hội Hoàng Dũng nói rằng, anh bị an ninh CSVN ép ký một văn bản cộng tác với lực lượng này trước khi anh được phép rời quê nhà sang định cư tại Hoa Kỳ.
Chia sẻ trên Facebook ngay khi đặt chân đến Hoa Kỳ, anh nói rằng trong nhiều tháng trước đây, khi anh được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận gia đình anh theo diện nhân đạo, an ninh CSVN đã ép anh phải ký một văn bản theo mẫu BL05/2015, là một cam kết cộng tác với cơ quan an ninh CSVN để bảo vệ an ninh quốc gia.  Anh nói rằng anh kiên quyết không ký vì không muốn trở thành cột ăng-ten của CSVN ở nơi cư ngụ mới. Việc này làm trì hoãn nhiều tháng việc sang định cư tại Hoa Kỳ của gia đình anh.
Hoàng Dũng là cựu thành viên của Con đường Việt Nam, một tổ chức đấu tranh đòi nhân quyền, dân quyền và đa nguyên chính trị. Trong nhiều năm, anh đã sát cánh cùng nhiều anh chị em trong giới hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn trong nhiều sự kiện chống Trung Cộng xâm lấn biển đảo, cổ suý nhân quyền, đòi đa nguyên đa đảng, và chống lại tiêu cực ở Việt Nam.
Khoảng 2 năm trước, anh tuyên bố rời tổ chức để tập trung chăm sóc gia đình.  Anh cho biết gia đình anh đến Hoa Kỳ an toàn và đang trong giai đoạn làm các thủ tục giấy tờ để có thể ổn định cuộc sống. Anh nói mình cần thời gian nhất định trước khi có thể tiếp tục đóng góp cho cố quốc.
Theo một số nhà hoạt động thì mẫu BL05/2015 ra đời năm 2015 thời Trần Đại Quang làm Bộ trưởng công an. Trước khi một người hoạt động nào đó được đi định cư ở nước ngoài, an ninh cộng sản ép họ phải ký vào mẫu này với cam kết cộng tác với cơ quan mật vụ của CSVN để bảo vệ an ninh quốc gia và không chống phá nhà cầm quyền Hà Nội. Tuy nhiên, không rõ có người nào đã ký vào văn bản này.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-hoang-dung-to-cao-bi-an-ninh-csvn-ep-cong-tac/

Kinh tế tư nhân: Chính phủ nói hỗ trợ

nhưng doanh nghiệp than phiền cơ chế

Hòa Ái, RFA
Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục than phiền về thủ tục hành chính vẫn gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi chủ trương của Chính phủ kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế quốc gia.
Hơn 50% bị nhũng nhiễu
Mới đây, bà Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai kể về một trường hợp điển hình khi công ty của bà mất 3 năm để xin thủ tục cho một dự án và nhấn mạnh rằng vì quá mệt mỏi và bức xúc trong việc đầu tư kinh doanh mà bản thân bà muốn tự tử với tâm thư để Nhà nước làm cách nào tháo gỡ thủ tục.
Lời chia sẻ của Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan tại buổi gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 10 tháng 4 được giới doanh nghiệp tại Việt Nam cho là tiếng nói chung của họ đối với thực trạng liên quan thủ tục hành chính đầy nhiêu khê và phức tạp.
Truyền thông trong nước cũng tường thuật lại tại buổi gặp gỡ vừa nêu, nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc về các điều khoản của một số luật chồng chéo, thủ tục rườm rà và các cơ quan công quyền giải quyết thủ tục hành chính vẫn trên cơ sở “hành là chính” dù Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thục tục hành chính hồi tháng 4 năm 2018. Một số doanh nghiệp còn cho rằng đây là nguyên nhân khiến cho không ít hộ kinh doanh không muốn phát triển thành doanh nghiệp, và doanh nghiệp nhỏ không muốn tăng trưởng lớn mạnh vì càng lớn thì càng bị “hành”.
Nếu như nói ‘một cửa-một dấu’ nhưng tôi là người dân trực tiếp đi làm thủ tục giấy tờ thì một chữ, một dấu phết… cũng bị bắt lỗi và bị bắt quay về làm hồ sơ lại. Nhưng nếu một người cò ôm vào 100 cái hồ sơ thì dù có sai, cán bộ tự sửa, in lại và thông qua luôn. Đó là một hình thức của cơ chế. Chủ trương Nhà nước không sai, nhưng người thực thi ở mỗi địa phương vì đời sống của nhân sự trong bộ máy của các ban, ngành có thể gây ra nhũng nhiễu cho người dân-Nhân viên quản lý dự án
Trước đó vào cuối tháng 3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ghi nhận phản ánh từ 12 ngàn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy có đến 58% bị nhũng nhiễu và 54% phải trả chi phí bôi trơn cho cơ quan công quyền các cấp.
Bà Nguyễn Thị Bích, nhân viên quản lý dự án của một công ty tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng xác nhận với RFA rằng có thể nói tất cả doanh nghiệp ở Việt Nam đều phải “chung-chi” cho vấn đề thủ tục hành chính:
“Nếu như nói ‘một cửa-một dấu’ nhưng tôi là người dân trực tiếp đi làm thủ tục giấy tờ thì một chữ, một dấu phết… cũng bị bắt lỗi và bị bắt quay về làm hồ sơ lại. Nhưng nếu một người cò ôm vào 100 cái hồ sơ thì dù có sai, cán bộ tự sửa, in lại và thông qua luôn. Đó là một hình thức của cơ chế. Chủ trương Nhà nước không sai, nhưng người thực thi ở mỗi địa phương vì đời sống của nhân sự trong bộ máy của các ban, ngành có thể gây ra nhũng nhiễu cho người dân.”
Báo Điện tử Tổ Quốc, vào ngày 11 tháng 4 dẫn lời nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam rằng theo chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ, ngành có cắt giảm thủ tục hành chính và thái độ phục vụ cũng thay đổi, tuy nhiên các khâu then chốt nhất về cơ bản vẫn không có thay đổi nào. Luật sư Trương Thanh Đức còn khẳng định là doanh nghiệp chỉ kêu ca một phần vì sợ chính quyền trong khi thực tế còn khủng khiếp và tinh vi hơn với minh chứng có rất nhiều cán bộ lương thấp nhưng ngày càng giàu.
Lỗ hổng cơ chế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2, tổ được chức hồi cuối tháng 7 năm 2017, đã phát biểu trước khoảng 1000 doanh nghiệp tư nhân tham dự rằng Chính phủ tập trung đưa kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn và là động lực phát triển kinh tế, phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp lên từ 50 đến 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho biết đại diện chính quyền của các bộ, ngành và địa phương luôn lắng nghe ý kiến của khối doanh nghiệp tư nhân đễ hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này; trong đó đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách hành chính để giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp.
Bà Thanh Nguyễn, chủ một doanh nghiệp về xử lý rác thải nói với RFA rằng bà ghi nhận rõ ràng chính sách Nhà nước đang làm tốt hơn so với những năm trước:
“Bản thân là doanh nghiệp thì tôi thấy thủ tục, giấy tờ hành chính, kể cả bên thuế, tất cả mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn trước đây, chớ không phải khó khăn như hồi xưa. Ví dụ những năm trước, doanh nghiệp gặp Hải quan thì không dám nói tiếng nào hoặc phải thuận theo những chủ trương chứ không thể cãi. Nhưng bây giờ, doanh nghiệp cũng khác rồi, doanh nghiệp có tiếng nói của họ để buộc cơ quan nhà nước cũng phải điều chỉnh theo kiến nghị của doanh nghiệp, không như hồi xưa một chiều là doanh nghiệp răm rắp làm theo.”
Mặc dù vậy bà Thanh Nguyễn cho là những quy định, luật lệ vẫn còn thiết sót, bất cập và thiếu thực tế:
“Như bản thân tôi làm trong lãnh vực môi trường mà có nhiều quy định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường rất buồn cười và trớt quớt. Ví dụ như công ty của tôi lắp đặt một cái lò đốt rác lớn nhất thế giới, đem về lắp đặt ở Đồng Nai. Cái lò đốt rác của chúng tôi hai năm trời không được nghiệm thu là vì tiêu chuẩn của Việt Nam tréo ngoe cẳng ngỗng, không áp dụng được. Có nhiều quy định thiếu thực tế, đâm ra doanh nghiệp ở giữa chịu kẹt cứng luôn.”
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi liên tục của các định chế, luật lệ ban hành cũng tạo ra áp lực cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bích than phiền:
“Các quy định đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp là tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực khi thay đổi luật định liên tục thì doanh nghiệp theo rất vất vả.”
Một số các doanh nghiệp mà Đài RFA tiếp xúc cho biết họ mong muốn Nhà nước có những hướng dẫn cụ thể và ràng về mặt pháp lý để cho doanh nghiệp làm đúng, chứ đừng như hiện tại để cho doanh nghiệp làm một cách tự phát đến khi xong rồi thì bảo rằng sai và phạt.
Như bản thân tôi làm trong lãnh vực môi trường mà có nhiều quy định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường rất buồn cười và trớt quớt. Ví dụ như công ty của tôi lắp đặt một cái lò đốt rác lớn nhất thế giới, đem về lắp đặt ở Đồng Nai. Cái lò đốt rác của chúng tôi hai năm trời không được nghiệm thu là vì tiêu chuẩn của Việt Nam tréo ngoe cẳng ngỗng, không áp dụng được. Có nhiều quy định thiếu thực tế, đâm ra doanh nghiệp ở giữa chịu kẹt cứng luôn-Chủ doanh nghiệp
Báo giới quốc nội trích lời của Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn rằng với quy trình xây dựng văn bản pháp luật và kiểm soát việc xây dựng văn bản pháp luật như hiện nay thì tình trạng sẽ còn tiếp diễn và không thể chỉnh đốn, thay đổi trong thời gian ngắn được.
Trong khi đó giới chuyên gia cho rằng còn có một lý do chính yếu là Nhà nước đang bỏ tống lỗ hổng trách nhiệm kỷ luật vì chưa có bất kỳ một nghị định nào quy định hành vi vi phạm của cán bộ bị hình thức xử lý ra sao.
Khối kinh tế tư nhân được Chính phủ Việt Nam đặt để là ngành mũi nhọn, nhưng trên thực tế sự sống còn của các doanh nghiệp trong khối kinh tế tư nhân bị lệ thuộc rất nhiều bởi hệ thống cơ chế hiện hành và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi hoạt động xúc tiến thương mại của Nhà nước được đánh giá không có hiệu quả.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê đưa ra vào tháng 10 năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng và  phải giải thể nhiều bất thường, lên đến hơn 24.000 doanh nghiệp, tức là tăng 76% so với cùng kỳ năm 2017.
Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi:
“Tỷ lệ doanh nghiệp ‘bị chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy thì làm sao có thể nói nền kinh tế tăng trưởng mạnh?”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/government-says-supporting-private-enterprises-and-the-reality-04122019150326.html

Sau 1975 vựa lúa miền Nam

không cứu được cả nước ăn độn

Tình hình kinh tế VNCH vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975 bị xáo trộn nghiêm trọng vì chiến sự.
Tính đến 8/04, VNCH đã mất toàn bộ Quân khu I, II và một phần Quân khu III, chỉ còn kiểm soát vùng bắc Sài Gòn và Quân khu IV, tức đồng bằng Mekong.
Chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đột nhiên phải đón hàng triệu người tỵ nạn bỏ chạy về phía Nam sau khi Huế, Đà Nẵng và các đô thị Cao nguyên và vùng duyên hải rơi vào tay lực lượng miền Bắc.
Chủ nghĩa cộng sản ‘súp thịt’ là gì?
Tư tưởng Marx ‘không phải là già cỗi’
Ba Lan và bài học cải tổ chính trị hậu cộng sản
Chỉ con số người tỵ nạn đăng ký vào các trại cứu trợ thuộc Quân khu III và IV, ở Bình Dương, Biên Hòa, Bình Tuy, Phước Tuy, Sài Gòn, Tây Ninh, Vũng Tàu, Châu Đốc, Kiên Giang, Kiến Tường, Phú Quốc, Vĩnh Bình và Vĩnh Long, là 356 nghìn.
Bên cạnh đó là hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa trong ngay hai vùng chiến thuật 3 và 4 do các cuộc tấn công của đối phương.
Nhưng kinh tế của phần còn lại mà VNCH kiểm soát vẫn khá vững, ít ra là còn thực phẩm, theo một báo cáo của CIA ‘The Economic Situation in South Vietnam’ – March 1975‘ được giải mật tháng 1/2005.
Tất nhiên, có những bất ổn về tiền tệ: giá vàng và đô la Mỹ tăng mạnh vì lo ngại phải di tản, và Sài Gòn đã mất toàn bộ khu vực kinh tế Cao nguyên, nguồn xuất khẩu gỗ, lâm sản và các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng vụ mùa 1974-75 có thu hoạch tốt, và VNCH dư gạo để nuôi quân, nuôi dân, gồm cả người tỵ nạn.
“Sài Gòn vẫn kiểm soát vựa lúa ở đồng bằng sông Mekong, cung cấp gạo cho số dân còn do VNCH kiểm soát, gồm cả người tỵ nạn. Vụ mùa 1974-75 lại bội thu, và các thuyền chở lúa gạo, rau trái tiếp tục cập vào Sài Gòn, không hề bị phe cộng sản ngăn cản. Ngành đánh cá của Nam Việt Nam cung ứng cho Sài Gòn và để xuất khẩu, cũng còn nguyên vẹn.”
Dù nguồn rau xanh đã mất vì không còn Đà Lạt, thịt và cá từ miền Tây vẫn cung cấp đều cho Sài Gòn và các đô thị khác.
Tuy nhiên, phúc trình này đã cảnh báo rằng “nếu phe cộng sản chặn bắt các chuyến vận tải vào Sài Gòn, hoặc chính phủ phải rút quân để bảo vệ thủ đô, thì tình hình có thể không còn tốt như thế”.
Sau ngày 30/04/1975
Bức tranh kinh tế của nước Việt Nam thống nhất một hai năm sau khi chiến sự kết thúc lại hoàn toàn khác: cả hai miền thiếu lương thực trầm trọng.
Một phúc trình khác của CIA vào tháng 10/1978 nói có ba lý do cho việc thiếu gạo này.
1. Viện trợ, gồm cả gạo của Bắc Kinh cho Hà Nội, để bù vào con số thiếu kinh niên là 800 nghìn tới 1 triệu tấn/năm, bị giảm từ 1974 và cắt hẳn năm 1978.
2. Thu hoạch lúa của cả hai miền Nam và Bắc đều giảm, vì lý do khách quan, như thiên tai (lụt to ở đồng bằng sông Cửu Long), và sâu bệnh.
3. Các chính sách sai lầm nghiêm trọng của chính phủ với nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nếu lấy năm 1974, khi hai miền chưa ghép làm một, là điểm quy chiếu, thì các vấn đề lương thực của miền Bắc (VNDCCH cũ) là không đổi, tức là luôn thiếu.
Sản lượng lương thực, trong đó phần lớn là lúa gạo (chừng 5 triệu tấn/năm), cũng đã luôn thấp hơn miền Nam (VNCH cũ), và trong suốt một thập niên chiến tranh, Hà Nội phải nhập, hoặc nhận viện trợ gạo, lúa mì từ các đồng minh XHCN.
Vựa lúa VNCH trong khi đó vào năm 1974 đã đem về 7,1 triệu tấn, một con số kỷ lục.
Chợ Lớn thời VNCH và thời nay
Hóa ra có tới hai ‘Tháng Tư Đen’
Về cuộc đời Bộ trưởng VNCH Châu Kim Nhân
Ngoài diện tích điền sản lớn hơn miền Bắc, còn có ba lý do để lúa ở miền Nam đạt năng suất tốt: dùng giống cao sản, phân hóa học, và có máy móc hiện đại hơn.
Như thế, sản lượng lúa năm 1974 của cả nước là 12,1 triệu tấn (7,1 của miền Nam, 5 triệu của miền Bắc).
Sau 30/04/1975, sản xuất lúa gạo bắt đầu tụt dốc ở miền Nam.
Việc cắt đứt quan hệ với các nước Phương Tây và tư bản châu Á khiến nguồn phân hóa học không còn, và ngay lập tức năng suất lúa gạo bị giảm.
Xáo trộn về thị trường vì quản lý nặng tay cũng khiến chuỗi cung ứng lúa gạo cho đô thị bị ngưng trệ, vì chừng 160 nghìn người Hoa ở Chợ Lớn tìm cách ra đi.
Việc ngăn sông cấm chợ và lời đe dọa tịch thu ruộng đất, trang trại, vườn rau chính quyền mới đưa ra khiến nông dân mất hứng thú sản xuất.
Chính sách ‘Kinh tế mới’ đem chừng 1,5 triệu người vào các vùng xa đô thị để khai phá, nhằm tăng đất canh tác, có đem lại kết quả về con số.
Chừng 400 nghìn hectare đất nông nghiệp được mở ra, nhưng sản xuất không tiến được vì người ta bỏ trốn về thành phố, vì thiếu thiết bị sản xuất, và phân bón.
Tinh thần làm việc cũng không cao, vì khu kinh tế mới, như lời một nhà báo nước ngoài đến thăm, “không khác gì trại tù Siberia”.
Trận lụt năm 1978 cũng khiến nền kinh tế thêm điêu đứng, sâu rầy cũng phá hoại hoa màu, nhưng yếu tố con người vẫn là chính.
Năm 1977, cả nước chỉ thu hoạch có 11,2 triệu tấn lúa, thấp hơn kế hoạch nhà nước đề ra 1,8 triệu tấn, và kém chỉ tiêu năm 1976 chừng 800 nghìn tấn.
Đó là chưa kể miền Bắc vẫn tiếp tục cần tới 1 triệu tấn gạo từ viện trợ bên ngoài mà nay không còn.
Vì thế, không lạ là từ sau 1975, nhà nước tung ra phong trào ăn độn, với bo bo, khoai mì (sắn), và khoai tây được trồng đại trà bù vào cơm ăn hàng ngày.
Trong việc này, Việt Nam có thành tích đáng kể, theo báo cáo của CIA.
“Các loại ngũ cốc như củ mì, ngô và khoai tây đã tăng từ 900 nghìn tấn năm 1975, lên 1,2 triệu tấn năm 1976 và 1,8 triệu vào năm 1977.”
Một chỉ số ‘có tăng’ khác là vào hai năm 1976 và 1977, số đầu gia súc, nhất là heo, bị nông dân giết mổ nhiều hơn…vì không muốn bị nhà nước tịch thu.
Hệ quả của việc này là sau đó, đàn gia súc miền Nam không phục hồi được, giống như tình hình chung của nền nông nghiệp.
Căng thẳng với Campuchia khiến chương trình Kinh tế mới và việc khai thác nông nghiệp các vùng xa đô thị bị ngưng trệ, rồi chết hẳn.
“Các đơn vị quân đội chủ lực vốn thường được điều vào làm phần một của công tác xây dựng khu Kinh tế mới như dọn mặt bằng, xây mương máng, nay phải chuyển ra biên giới đối mặt với các hoạt động thù địch. Những vụ chạm súng sau đó đã phá nhiều khu kinh tế mới ở Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, buộc chính quyền phải giảm tốc độ của chương trình đưa người vào các vùng thưa dân giáp biên với Campuchia…”
Chỉ tiêu ‘tự lực về lương thực’ cả nước cho năm 1980 đã hoàn toàn tuột khỏi tầm tay của nhà nước.
Nhưng các vấn đề của nông nghiệp chưa có hướng giải quyết thì bộ máy đã bắt đầu chuyển tầm ngắm vào các khu vực khác của nền kinh tế.
Đó là cải tạo công thương’ ở đô thị từ tháng 3/1978, áp dụng chế độ tem phiếu ngay cả ở TPHCM và thử nghiệm ‘hợp tác hóa’ ở nông thôn.
Nhưng đó là cả một câu chuyện khác và vào thời điểm này, người miền Nam, không chỉ còn là người Hoa, đã bắt đầu tìm cách di tản.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47885898
https://www.voatiengviet.com/a/tr%C6%B0ng-c%E1%BA%A7u-d%C3%A2n-%C3%BD-l%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-brexit-l%C3%A0-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-c%C3%B3-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-/4873874.html

Nhân văn cộng sản: Đặc sản không dành cho nhân… dân

Trân Văn
Cục Đào tạo của Bộ Công an vừa trả lại cho tỉnh Hòa Bình 28 sinh viên sĩ quan đang theo học tại các trường đại học của ngành công an. 28 sinh viên sĩ quan này nằm trong số 64 thí sinh ở tỉnh Hòa Bình từng được sửa bài – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái (1).
Đến giờ, scandal sửa bài – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 vẫn còn vô số dấu hỏi. Sau chín tháng điều tra, công chúng chỉ mới biết ở tỉnh Hòa Bình có 64 thí sinh được sửa bài – nâng điểm. Ở tỉnh Sơn La, con số này là 44. Còn ở tỉnh Hà Giang thì ít nhất cũng có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm…
Ai cũng biết, sửa bài – nâng điểm không phải là chuyện ngẫu nhiên nhưng không chỉ có viên chức hữu trách của các ngành giáo dục, công an cương quyết bảo vệ danh tính những thí sinh được sửa bài – nâng điểm, nhiều viên chức hữu trách ở các ngành khác cũng tán thành việc cần bảo mật danh tính những thí sinh này.
Theo khuynh hướng vừa kể, bà Nguyễn Thị Doan, cựu Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giờ đang là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, cần bảo mật vì phải thể hiện sự “nhân văn”, nếu không “hậu quả với những thí sinh này sẽ vô cùng nặng nề” (2).
Trong scandal sửa bài – nâng điểm, hai từ “nhân văn” trở thành bảo bối, vừa bảo vệ tương lai của những thí sinh mà học lực vốn chẳng đâu vào đâu, điểm các bài thi dẫu chỉ hai, ba, thậm chí có trường hợp, bài thi chưa đủ một điểm, cũng vẫn đủ để hất văng bạn bè đồng trang lứa ra chỗ khác, vừa giúp cha mẹ chúng bảo toàn tiền đồ, sự nghiệp.
Có quốc gia nào mà cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền cùng đề cao “nhân văn” kiểu này không? Câu trả lời tất nhiên là không. Ngay tại Việt Nam, “nhân văn” mang màu sắc xã hội chủ nghĩa, do các viên chức cộng sản xiển dương cũng chỉ dành cho đồng đội, đồng chí, không dành cho nhân… dân.
***
Cuối tuần trước, giữa lúc các viên chức hữu trách của cả hai ngành giáo dục và công an đang thượng tôn “nhân văn”, “tả xung, hữu đột” chống trả sự phẫn nộ của công chúng nhằm bảo vệ những thí sinh được sửa bài – nâng điểm, Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh tổ chức trao “Quyết định đình chỉ điều tra” cho bảy người bị bắt oan cách nay… 40 năm!
Tháng 7 năm 1979, công an Tây Ninh bắt ông Nguyễn Văn Dũng vì nghi ông “cướp tài sản của công dân” ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Ngoài việc “cúi đầu nhận tội”, ông Dũng khai thêm là cha ông, anh ông, em ông, em rể ông cùng tham gia vụ cướp.
Sau khi công an Tây Ninh sử dụng nhiều “biện pháp nghiệp vụ”, cha, anh, em, em rể ông Dũng khai đã đưa tang vật cho vợ họ cất giấu. Tới lượt mẹ ông Dũng, vợ ông Dũng, em gái ông Dũng bị tống giam. Đại gia đình bao gồm cha mẹ, bốn đứa con trai, rồi con dâu, con gái vào tù. Tất cả đều “cúi đầu nhận tội”.
Tám thành viên trong đại gia đình vừa kể ngồi tù ba năm rưỡi. Đến giữa năm 1983 cả tám được phóng thích. Theo “Quyết định đình chỉ điều tra” ký vào thời điểm đó thì: “Có đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội. Việc cả tám nhận tội là do cơ quan điều tra dùng nhục hình bắt họ nhận tội”.
Đáng nói là các cơ quan tư pháp ở Tây Ninh không giao “Quyết định đình chỉ điều tra” cho tám nạn nhân. Trong mắt thiên hạ, họ vẫn là tám kẻ cướp được… tạm tha. Đầu năm ngoái, ông Nguyễn Văn Dũng – “thủ phạm chính” – kêu oan suốt 35 năm mới nhận được tờ “Quyết định đình chỉ điều tra” để minh oan cho chính mình.
Bảy người còn lại thì một (cha ông Dũng) đã chết. Hôm 4 tháng 4, đại diện Viện Kiểm sát Tây Ninh trao bảy “Quyết định đình chỉ điều tra” được ký cách nay 36 năm cho những thành viên còn lại trong gia đình ông Dũng hoàn toàn không phải do “nhân văn” mà vì “cấp trên chỉ đạo”!
Đại diện Viện Kiểm sát Tây Ninh lưu ý, những thắc mắc về truy cứu trách nhiệm trong việc gây oan sai, rồi tại sao lần lữa, thoái thác, không trao “Quyết định đình chỉ điều tra” để sớm minh oan cho các nạn nhân, bồi thường thiệt hại thế nào,… sẽ được giải quyết trong những… buổi làm việc sau.
Theo tờ Pháp Luật TP.HCM, vì không chịu nổi áp lực do cáo buộc “cướp” gây ra, các nạn nhân đều bỏ xứ tha phương cầu thực. Trong tám nạn nhân có một phụ nữ bị bắt khi vừa cấn thai. Oán chồng hèn yếu, đầu hàng đòn roi, vu oan giá họa cho mình, bà không báo cho ông biết mình có thai, sau khi sanh con trong tù, bà đem cho người khác (3)!
Những thảm nạn, nghịch cảnh kiểu như mới kể hiện diện ở khắp nơi và trước nay vẫn được xem như bạn đồng hành với những người cộng sản. Tại sao các viên chức cộng sản không phân bổ đồng đều “nhân văn” mang màu sắc xã hội chủ nghĩa cho mọi giới, đặc biệt là những đứa trẻ để chúng không bị tổn thương, tương lai của chúng không nặng nề?
***
Trong vòng mười năm gần đây, các đại học của công an và quân đội đột nhiên trở thành mục tiêu của nhiều đứa trẻ và phụ huynh. Vì sao? Trước hết, đó là những đại học mà sinh viên đã không phải đóng học phí lại còn được biệt đãi về ăn, ở, được chu cấp những chi phí như mặc, sinh hoạt phí,… Chưa kể khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay lập tức.
Thực tế cho thấy, phần lớn những thí sinh được sửa bài – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái là để bảo đảm giành được một chỗ trong những đại học của công an, quân đội. Phụ huynh của những đứa trẻ này vốn không phải thường dân nên họ hiểu hơn ai hết đặc quyền, đặc lợi, cơ hội dành cho công an, quân đội.
Qua hệ thống đại học chuyên ngành, công an, quân đội đang cố gắng nâng cao giá trị của mình. Đã tới lúc, công an, quân đội xem học vấn, học lực là quan trọng? Nếu công an, quân
đội thật sự là những lĩnh vực tập trung tinh hoa của quốc gia, lực lượng vũ trang của Việt Nam chắc chắn đã khác hiện nay rất xa!
Scandal sửa bài – nâng điểm đã cũng như đang bày ra mâu thuẫn càng lúc càng gay gắt giữa một bên giương cao “nhân văn” xã hội chủ nghĩa, một bên đòi phải thượng tôn pháp luật, hành xử công quyền một cách công minh. Bên đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hành xử công quyền một cách công minh không có thực quyền.
Rất ít người nhận ra, đã có “nhân văn” xã hội chủ nghĩa thì ắt phải có “công minh” xã hội chủ nghĩa. Vào lúc này, tuy sự “công minh” đó không dọn được đường, đưa những đứa trẻ mà học lực chỉ giúp chúng đạt được vài điểm trong cả ba môn ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018, trở thành sinh viên sĩ quan của các đại học thuộc ngành công an, quân đội nhưng trong tương lai sẽ mở cho chúng những lối khác, không trước thì sau, chính chúng sẽ đứng ra bảo vệ “nhân văn” xã hội chủ nghĩa.
Năm 2017, sau khi Viện Kiểm sát Tối cao cho phép Viện Kiểm sát tỉnh Long An tuyển dụng 25 công chức, có 71 ứng viên tốt nghiệp Cử nhân Luật hệ chính quy phải giành giựt với nhau 21 suất trong kỳ thi tuyển được tổ chức ở Trường Đào tạo – Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP.HCM. Bốn ứng viên còn lại từng được Viện Kiểm sát tỉnh Long An tuyển dụng làm tạp vụ, bảo vệ rồi được gửi đi học luật hệ tại chức, không cần thi tuyển vẫn được Viện Kiểm sát Tối cao cho phép Viện Kiểm sát Long An xét tuyển cả bốn (4).
Trong bốn ứng viên được đặc cách xét tuyển, có một là cháu ruột cựu Viện phó Viện Kiểm sát Tối cao. Một là cháu nội cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An. Một là con Viện phó đương nhiệm tại Viện Kiểm Sát Long An. Ứng viên cuối cùng tuy từng bị công an loại ra khỏi ngành vì nghiện ma túy nhưng cũng được đặc cách xét tuyển vì vừa là cháu cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An, vừa là con Viện phó Viện Kiểm sát thành phố Tân An.
Sau khi công luận thắc mắc về chuyện xét tuyển kỳ quái như đã kể, cuối năm ngoái, Viện Kiểm sát Tối cao thu hồi Quyết định Công nhận kết quả trúng tuyển và Tuyển dụng bốn cá nhân được đặc cách xét tuyển làm công chức. “Nhân văn” xã hội chủ nghĩa đã khiến toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ngoảnh mặt làm ngơ, không thèm điều tra, cũng chẳng đếm xỉa đến truy cứu trách nhiệm, xử lý những viên chức hữu trách có liên quan (5). Đó là “công minh” xã hội chủ nghĩa.
Đòi công minh nhưng chấp nhận “công minh” song hành với chủ nghĩa xã hội thì dù muốn hay không cũng phải chấp nhận những sĩ quan công an có tổng điểm thi ba môn chỉ một con số, bảo vệ và thực thi pháp luật, những cá nhân men theo đường mòn làm Kiểm sát viên, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, những thẩm phán nhân danh công lý để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa,… theo kiểu hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp đã áp dụng với gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở Trảng Bàng, Tây Ninh.
Chú thích
(1)https://www.tienphong.vn/giao-duc/28-thi-sinh-hoa-binh-bi-truong-cong-an-tra-ve-la-ai-1400349.tpo
(2)https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xu-ly-thi-sinh-vi-pham-ve-diem-thi-can-the-hien-su-nhan-van-3992934-v.html
(3)https://plo.vn/phap-luat/8-cong-dan-tay-ninh-ganh-noi-oan-40-nam-825802.html
(4)http://langmoi.vn/long-an-vet-tap-vu-bao-ve-lam-kiem-sat-vien/
(5) http://langmoi.vn/vu-vet-tap-vu-bao-ve-lam-kiem-sat-vien-thu-hoi-quyet-dinh-tuyen-dung-4-nhan-vien-hop-dong/
https://www.voatiengviet.com/a/nhan-van-cong-san-dac-san-khong-danh-cho-nhan-dan/4873782.html

60 triệu đô la bị chuột gặm

Mặc Lâm
Đó là số tiền mà chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân Hà Lan về Việt Nam đầu tư, tài sản bị nhà nước tịch thu, bản thân bị giam giữ trái phép và chính phủ thất tín với người đi kiện mình. Tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí cộng với 15 triệu đô la mà Việt Nam đã trả cho ông Bình tại Singapore vào năm 2005.
Đây là vụ án chấn động Việt Nam trong những năm qua từ thời ông Lê Khả Phiêu làm TBT và ông Trần Đức Lương là Chủ tịch nước. Vụ án mang hình ảnh “trấn lột” rõ rệt của các sứ quân địa phương khi Việt Nam vừa đổi mới, chính phủ kêu gọi sự đóng góp của kiều bào về xây dựng đất nước. Ông Trịnh Vĩnh Bình là người nhanh nhẩu trở về với hy vọng tạo dựng một cơ sở kinh doanh theo ý tưởng mới. Chỉ sau 8 năm làm việc ông đã thành công vượt mức và tạo dựng hẳn một cơ ngơi có thể gọi là đồ sộ nhất thời bấy giờ, tháng 6 năm 1987 cho tới 1996, ông đã chiếm lĩnh thị trường địa ốc tại tỉnh Vũng Tàu bằng cách thu mua hàng trăm héc ta đất, xây dựng những cơ sở kinh doanh triệu đô, nuôi dưỡng hơn 3 ngàn công nhân làm việc và thu nhập của ông lên hơn tám lần, khoảng 30 triệu đô la so với số vốn ban đầu ông mang vào Việt Nam.
Thế nhưng do một nhóm nhân viên và người nhà của ông có toan tính bất chính trong việc chi thu, nên ông mang họ ra tòa và lạ thay, từ nguyên đơn ông trở thành bị cáo với cáo buộc trốn thuế, Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Bình về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và tội “đưa hối lộ”.
Vụ án này rõ ràng mang tính gian lận, chính quyền địa phương đã cậy thế lèo lái người bị cáo buộc tố cáo lại nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình nhằm trấn lột tài sản mà ông Bình đã tạo ra. Với kỹ thuật dàn dựng lời khai, hồ sơ, cũng như nhân chứng, ông Bình trở thành nạn nhân Việt kiều đầu tiên hiểu thế nào là đầu tư tại Việt Nam nơi mà hai chữ “bôi trơn” luôn dẫn đầu trong mọi quan hệ kinh doanh.
Ông bị kêu án 11 năm tù và trong khi được tại ngoại một tuần lễ ông bỏ trốn về Hà Lan, sau đó nhờ công ty luật Covington Burling của Mỹ ở Washington khởi kiện chính phủ Việt Nam ra tòa quôc tế yêu cầu bồi thường thiệt hại 100 triệu đô la.
Tại Việt Nam một tội phạm con con cũng không thể trốn ra nước ngoài nếu không được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh làm ngơ. Ông Trịnh Vĩnh Bình thành công vì chính quyền muốn cho ông đi để rảnh nợ. Họ biết với lệnh truy nã sau đó ông Bình khó lòng về lại Việt Nam để đòi công bằng. Tuy nhiên ông không về mà ông nhờ Tòa án Quốc tế bênh vực cho trường hợp của ông, và ông đã thành công.
Năm 2005 hai bên đạt thỏa thuận ngoài tòa ký tại Singapore ông Bình được trả số tiền 15 triệu và Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu, đổi lại lại ông Bình rút đơn kiện tại tòa quốc tế và giữ im lặng đối với truyền thông về thỏa thuận này.
Ngày 21 tháng 8 năm 2007 hai năm sau thỏa thuận Singapore ông Bình lại tiếp tục kiện do Việt Nam không giữ lời hứa và ngày 11 tháng 4 năm 2019 kết quả phiên tòa đã nghiêng về ông Trịnh Vĩnh Bình.
Bản án cho thấy sự vô tư của những thẩm phán quốc tế qua phán quyết căn cứ trên bằng chứng do hai bên đưa ra. Tuy nhiên kết quả phiên tòa tuy gọi là Quốc tế nhưng Việt Nam học được rất nhiều bài học về luật pháp ứng dụng trong guồng máy tư pháp, bắt đầu là phiên xử của tòa án Nhân dân Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 1998.
Việt kiều về đầu tư nhà đất, tuy văn bản chính phủ không cho phép người nước ngoài đứng tên trên nhà cửa đất đai nhưng không cấm họ cho phép người thân đứng tên trên tài sản ấy cho mình vì vậy Trịnh Vĩnh Bình đã mạnh dạn mua hàng trăm héc ta đất cũng như xây dựng những cơ sở kinh doanh bề thế, kết quả là bị cáo buộc “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và thậm chí là “đưa hối lộ”.
Nếu thật sự ông Bình vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai thì Sở Nhà đất Bà Rịa Vũng Tàu mới là nơi đáng bị truy tố vì đã cấp giấp phép cho những vuông đất mà ông Bình đã mua. Ít nhất 10 người có liên quan đến vụ án không được tòa triệu tập và người chỉ đạo cơ quan điều tra vụ án là Thiếu tá công an Ngô Chí Đan có tai tiếng trong vụ người anh rể là Phạm Văn Phương. thường được gọi là “Phương Xoăn” hay “Phương Vicarrent” mà báo chí từng phanh phui một thời.
Chính phủ đã làm ngơ cho Bà Rịa-Vũng Tàu phá hoại ý chí mở cửa cho Việt kiều về đầu tư khi im lặng trước tố cáo của ông Trịnh Vĩnh Bình. Tâm lý coi thường tòa án Quốc tế đã ăn sâu vào nhiều lãnh đạo Việt Nam và hậu quả đã phải muối mặt chi trả cho ông Bình 15 triệu tại Singapore nhưng không có ai trong vụ này bị truy tố vì cố tình vi phạm pháp luật.
Đã thế chính nhà nước chứ không ai khác, đã nuốt lời đối với ông Trịnh Vĩnh Bình không chịu trả lại tài sản hợp pháp cho ông sau khi hai bên thỏa thuận. Ai là người đại diện, tư vấn không giữ lời hứa cho chính phủ cũng không bị truy tố để số tiền bị phạt hôm nay lên đến 60 triệu đô la cùng với tai tiếng trên diễn đàn thương nghiệp quốc tế sẽ mãi mãi không gột rửa được.
Kể từ nay, Việt kiều về nước sẽ khôn ngoan hơn, cẩn thận hơn trước tính toán của chính quyền địa phương, họ sẽ không mở hết tấm lòng ra cho nhà nước móc ruột của mình. Bài học Trịnh Vĩnh Bình mặc dù chỉ dành cho người Việt nhưng các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam không thể bỏ qua. Họ rút được một bài học khác: Đối với Việt Nam công lý chỉ được thực thi khi đất nước của nhà đầu tư đứng phía sau lưng họ.
Những con chuột không những cắn phá tài sản, trí não của người đầu tư nước ngoài mà cơ chế hành chính của Việt Nam đã thúc đẩy bọn chuột có cơ sở để tung hoành trong bao nhiêu năm nay. Hãy nhìn trường hợp của một đại công ty là Quốc Cường Gia Lai cũng có thể hiểu ra cách mà các quan tham nhũng lạm như thế nào. Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản và Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, cùng các Sở ngành liên quan ngày 10 tháng 4, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai bày tỏ nỗi mệt mỏi, chán ngán khi thốt lên câu: “Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp lớn và có quan hệ tốt còn như thế, nói chi đến vài Việt kiều còn “mơ làm người Quang Trung” khi có sự tình làm sao tháo gỡ? Đâu phải ai cũng là Trịnh Vĩnh Bình để sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la cho một vụ kiện tầm cỡ lịch sử như vụ kiện này?
https://www.voatiengviet.com/a/sau-muoi-trieu-do-la-bi-chuot-gam/4873714.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.