Liên Hiệp Châu Âu tìm cách thoát khỏi "giấc mộng" Trung Hoa
TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
RFI
(Từ trái sang phải) Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel, tại điện Elysée, Paris, ngày 26/03/2019.
Thibault Camus/Pool via REUTERS
Trong ba ngày, từ 25-27/04/2019, Trung Quốc trải thảm đỏ đón gần 70 lãnh đạo của 38 nước trên thế giới tham dự diễn đàn Một vành đai một con đường, được tổ chức lần thứ hai tại Bắc Kinh. Mạng lưới Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc phủ rộng châu Á, nối sang châu Âu và ngoặt sang cả châu Phi.
Trong ba ngày, từ 25-27/04/2019, Trung Quốc trải thảm đỏ đón gần 70 lãnh đạo của 38 nước trên thế giới tham dự diễn đàn Một vành đai một con đường, được tổ chức lần thứ hai tại Bắc Kinh. Mạng lưới Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc phủ rộng châu Á, nối sang châu Âu và ngoặt sang cả châu Phi.
Vào cuối tháng 03/2019, Liên Hiệp Châu Âu thấp thỏm đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến công du của ông Tập được chú ý nhiều hơn, thậm chí gây lo ngại, vì trước đó nguyên thủ Trung Quốc đã ký với chính quyền Roma bản ghi nhớ việc Ý đưa cảng Trieste vào dự án Con đường tơ lụa mới.
Trên trang chủ, OBOReurope nhấn mạnh « trong năm mới này (2019), Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải tìm cách xây dựng quan hệ đối tác sáng tạo với Trung Quốc và phối hợp chiến lược kết nối Âu-Á của họ với sáng kiến Một vành đai một con đường ». Tuy nhiên, trong một văn kiện ngày 12/03/2019, Liên Hiệp Châu Âu xác định Trung Quốc « luôn là một đối thủ » (rival systématique).
Quyết định của Bruxelles xuất phát từ quan ngại trước những tham vọng địa-chính trị của Trung Quốc, dù Bắc Kinh hứa không chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp thượng đỉnh với 16 nước Đông-Trung Âu thành viên của Liên Hiệp tại Dubrovnik (Croatia) ngày 11/04/2019.
Tại sao đến giờ Bruxelles mới vội vàng tìm đối sách trước mối đe dọa từ Trung Quốc ? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có đủ đoàn kết để đối phó với cường quốc đứng thứ hai thế giới, trong khi Trung Quốc, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, không che giấu tham vọng vươn lên đứng đầu vào năm 2050 ?
Tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) đã dành toàn bộ cuộc hội thảo ngày 10/04/2019 để bàn về « Tương lai của châu Âu trước sự cạnh tranh Trung-Mỹ ». RFI tiếng Việt đã phỏng vấn ông Thierry de Montbrial, người sáng lập kiêm chủ tịch Viện IFRI, về quá trình trỗi dậy của Trung Quốc và đối sách của Liên Hiệp Châu Âu trước những tham vọng chính trị, kinh tế của Bắc Kinh.
*****
RFI : Liên Hiệp Châu Âu đánh giá Trung Quốc « luôn là một đối thủ » (rival systhématique) trong một tài liệu được công bố ngày 12/03/2019. Theo ông, nên hiểu cụm từ « đối thủ thường trực » như thế nào ?
Thierry de Montbrial : Cá nhân tôi, có lẽ tôi sẽ không dùng cụm từ « đối thủ thường trực ». Tôi nghĩ rằng, trước hết, có một phương diện kinh tế, có nghĩa là phương diện cạnh tranh. Trung Quốc phát triển về mọi mặt nên dĩ nhiên trở thành một đối thủ trong mọi lĩnh vực kinh tế.
Hiện tại, Trung Quốc còn là một cường quốc tìm cách khẳng định mình trên mọi lĩnh vực. Vì thế, điều này đang đặt ra một vấn đề mới trong cách tổ chức của thế giới ngày nay vì mô hình thế giới cho tới những năm gần đây, nói chung, là thế giới được hình thành từ sau khi Liên Xô tan rã, không dành cho Trung Quốc một vị trí quan trọng.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy chúng ta đang bước vào một thế giới mới. Tôi cho rằng nên hiểu cụm từ « đối thủ thường xuyên » theo hướng này. Nhưng giả sử tôi là người soạn văn bản trên, tôi sẽ không sử dụng cụm từ đó. Có hai khái niệm mà tôi cho là thích hợp hơn, một mặt là vấn đề « cạnh tranh quyền lực », mặt khác là sự « cạnh tranh về kinh tế ».
RFI : Khi thăm Liên Hiệp Châu Âu, chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng Trung Quốc đã thực hiện được trong vòng 40 năm những gì mà châu Âu làm trong ba thế kỷ. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng có ngạc nhiên và cảm thấy bị đe dọa trước sự lớn mạnh của Trung Quốc không ?
Tôi thấy phát biểu trên là buồn cười nhưng không có ý nghĩa lớn, bởi vì sự phát triển của châu Âu liên quan đến quá trình phát triển lâu dài về khoa học, công nghệ trong nội bộ châu Âu. Theo tôi được biết, cuộc cách mạng khoa học đã diễn ra ở châu Âu chứ không phải ở Trung Quốc, cũng như không phải ở nơi khác.
Trung Quốc được hưởng một nền văn hóa trong quá trình phát triển của nước này trong 40 năm trở lại đây, và cũng không bao giờ được quên phần đóng góp của người Hoa ở hải ngoại. Dù sao cũng có ít nhất 50 triệu người Hoa sống ở nước ngoài, con số này gần ngang với số dân của một nước như Pháp và họ phát triển rất mạnh về kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc còn có khả năng bắt chước công nghệ của phương Tây. Vì thế câu nói so sánh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không mang ý nghĩa lớn.
Nhưng có một thực tế, đặc biệt trong những năm gần đây nhờ vào nỗ lực đáng kể của họ trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy đại học, Trung Quốc đã cho thấy rõ khả năng của họ trong việc đạt được kết quả công nghệ mới, có nghĩa là thay vì là một nước chuyên đi cóp nhặt, bắt chước, Trung Quốc trở thành một quốc gia sáng chế. Theo tôi, đây là thành quả nhờ vào hệ thống giáo dục hiệu quả, cũng như cách tổ chức xã hội của Trung Quốc.
RFI : Từ khi nào Pháp và Liên Hiệp Châu Âu mới thức tỉnh trước sự đe dọa của Trung Quốc ?
Tôi nghĩ rằng điều này diễn ra từ từ. Một ví dụ thường được nêu lên, đó là « sự cố » cảng Piraeus ở Hy Lạp mà Trung Quốc mua lại. Thương vụ này dẫn đến hậu quả về tâm lý, không phải ngay lập tức, nhưng rất mạnh. Và khi Trung Quốc muốn đầu tư vào hệ thống đường sắt nối cảng Piraeus với Budapest, thủ đô của Hungary, thì người ta thấy ngạc nhiên.
Tôi nghĩ là dự án Một vành đai một con đường của Trung Quốc đều bị cả thế giới coi là một chiến lược khiêu khích về mặt chính trị, chứ không chỉ về mỗi kinh tế. Châu Âu bắt đầu thức tỉnh từ khoảng 5-6 năm trở lại đây. Tóm lại, thời điểm này cũng gắn liền với việc ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc, thay ông Hồ Cẩm Đào. Từ lúc đó, Trung Quốc bắt đầu tìm cách khẳng định là một cường quốc với những phát ngôn ngày càng cứng rắn hơn, ví dụ như về các vấn đề Biển Đông, Đài Loan…
RFI : Trung Quốc từng bị coi là công xưởng của thế giới và các nhà công nghiệp phương Tây thu được lợi nhuận. Giờ đến lượt Trung Quốc tìm cách thực hiện tham vọng của họ nhưng bị phản đối. Liệu có bất công không ?
Đặc thù của lĩnh vực kinh tế là người ta tìm cách thu được lợi nhuận ở những nơi họ có thể làm. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó, mà liên quan đến luật chơi. Ví dụ một số ý kiến chỉ trích Trung Quốc vì họ cho rằng quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới không được áp dụng một cách đúng đắn, như đối với các doanh nghiệp Trung Quốc được Nhà nước hỗ trợ. Có rất nhiều cuộc tranh luận về mối liên hệ giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Nhà nước.
Theo quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, chứ không được cạnh tranh bất hợp pháp nhờ hỗ trợ của Nhà nước.
Ngay cả châu Âu và Hoa Kỳ, khi các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ Nhà nước, điều này cũng gây ra vấn đề. Bên cạnh đó, đây còn là những vấn đề phức tạp bởi vì các khoản hỗ trợ thường được thực hiện một cách gián tiếp, như Mỹ cũng gián tiếp trợ giá rất nhiều cho một số ngành công nghiệp.
Tôi nghĩ rằng những vấn đề hiện nay là những vấn đề cụ thể, không còn chung chung kiểu như anh đã thu lợi, giờ đến lượt tôi, mà là những vấn đề tinh vi hơn.
RFI : Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ký một tuyên bố chung về « chuyển giao công nghệ ». Tại sao phải chờ đến 18 năm, kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới, vấn đề này mới được đề cập dứt khoát ?
Về vấn đề chuyển giao công nghệ, đúng là từ rất lâu, chính sách của Trung Quốc nhấn mạnh vào việc đón các doanh nghiệp phương Tây đến hoạt động để tiếp thu công nghệ. Điều này nằm trong các thỏa thuận được ký kết trong các điều kiện kinh tế không có gì là đặc biệt.
Nhưng giờ Trung Quốc đã đạt được đến độ chín muồi nào đó về công nghệ, đến một mức độ phát triển cao, khiến nhiều nước phương Tây lo sợ bị tước mất công nghệ của họ. Đây là điều dễ hiểu !
RFI : Những người tham gia hội thảo nhấn mạnh đến « đoàn kết », « dân chủ tự do »… từ các nước thành viên để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông có tin vào điều đó không ?
Tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề. Trước hết, cần phải hiểu là quốc gia lớn nhất, đông dân nhất của Liên Hiệp Châu Âu, cũng không có nhiều dân như một số vùng ở Trung Quốc. Dĩ nhiên ngoài vấn đề dân số, Liên Hiệp Châu Âu còn là tập hợp nhiều nước khác nhau, thường có diện tích nhỏ, vì thế rất khó có được một chính sách nhất quán. Trong khi đó, Trung Quốc, với hơn 1,3 tỉ dân, mỗi tỉnh của Trung Quốc, dù được cho là tự chủ, nhưng vẫn theo một đường lối chung để tất cả cùng tiến theo một hướng.
Các nước Liên Hiệp Châu Âu ở thế bất lợi vì Trung Quốc có dân số đông hơn rất nhiều và một chính phủ tập trung chuyên quyền. Trong khi đó, dân số Liên Hiệp Châu Âu chỉ tương đương khoảng 40% dân số Trung Quốc, rất phân tán, không có sự phối hợp giữa các chính sách. Và đó là cả một vấn đề !
Cuối cùng, phải trở lại vấn đề được đề cập ở trên. Đối với chúng tôi, các doanh nghiệp Trung Quốc có mối liên hệ « khó hiểu » với Nhà nước.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Thierry de Montbrial, chủ tịch Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI.
0 comments