Các lệnh trừng phạt nhân quyền TQ của Mỹ đang ở đâu?
Sunday, April 21, 2019
5:42:00 PM
//
Nhân Quyền
,
Slider
Vừa qua, tờ Foreign Policy đã đăng tải bài báo bày tỏ sự lo lắng về việc các lệnh trừng phạt nhân quyền Trung Quốc của Mỹ đang bị lờ đi trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Cấm vận hay đàm phán thương mại
Bà Sophie Richardson, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc của Human Rights Watch cùng một nhà hoạt động khác cho hay, các quan chức Hoa Kỳ đã cho biết vào năm ngoái rằng chính quyền Trump đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vào tháng 12, tập trung vào vấn đề vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Họ được cho biết rằng các lệnh trừng phạt nằm trong khuôn khổ Đạo luật Magnitsky Toàn Cầu, cho phép chính phủ Hoa Kỳ áp lệnh cấm du lịch và đóng băng tài sản đối với những cá nhân vi phạm nhân quyền.
Nhưng khi Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2018 đến – ngày mà Hoa Kỳ thường công bố một loạt các lệnh trừng phạt thường niên, thì không có thông báo nào được đưa ra. Các nhà hoạt động tin rằng Mỹ đang muốn tránh làm tổn hại đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
“Các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ đã cho thấy sẽ có các lệnh trừng phạt sắp diễn ra vào tháng 12”, bà Sophie Richardson khẳng định. Tuy nhiên sau đó bà đã thấy một số quan chức Mỹ bày tỏ sự thất vọng rằng vấn đề trừng phạt đã bị loại ra do các cuộc đàm phán thương mại.
Rob Berschinski, phó chủ tịch cấp cao về chính sách của tổ chức Human Rights First, cho biết, tổ chức của ông cũng đã “lạc quan một cách thận trọng” khi nghe rằng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc sẽ được công bố vào tháng 12 theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu.
Việc Mỹ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, nơi họ đã cưỡng ép hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung, đã gây thất vọng lớn cho cộng đồng nhân quyền quốc tế.
“Trong khi Hoa Kỳ đang đàm phán các hiệp định thương mại, tôi nghĩ điều quan trọng cần nhớ là lịch sử sẽ không nhớ chi tiết về các cuộc đàm phán, mà lịch sử sẽ ghi nhớ Hoa Kỳ đã hành động ra sao trước vấn đề nhân quyền quá lớn này”, Francisco Bencosme, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho hay.
Những nỗ lực
Sau khi các tổ chức nhân quyền quốc tế lần lượt lên tiếng về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ quy mô lớn tại Trung Quốc, nhiều tổ chức đã vào cuộc, các cuộc điều tra lần lượt được mở ra. Tháng 10/2018, BBC đăng tải phóng sự điều tra độc quyền, tiết lộ về trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ khổng lồ tại Tân Cương, chính thức đưa ra các bằng chứng rõ ràng nhất về việc đàn áp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Ngày 16/10/2018, đại diện người Duy Ngô Nhĩ, ông Dolkun Isa, thuộc tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩtrong phiên tường trình tại quốc hội Anh. Đồng thời ông cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Kazakh hiện đã bị đưa tới các trại giam giữ.
Cũng trong ngày 16/10, BBC đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc mà nạn nhân chủ yếu nhất là nhóm người tập Pháp Luân Công. Cùng ngày, Forbes đăng tải bài viết của một chuyên gia nghiên cứu diệt chủng, đưa ra thông tin các tù nhân lương tâm, bao gồm người tập Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Cơ đốc giáo, đã bị đặc biệt nhắm tới để thu hoạch nội tạng.
Trước đó trong một phiên tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7-2018, nhà báo điều tra Ethan Gutmann từng nhấn mạnh rằng: việc thu hoạch nội tạng thực sự diễn ra rầm rộ sau khi khoảng 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị chính quyền ĐCSTQ đưa vào các trại lao động cải tạo. Ông lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ trong bối cảnh họ bị đàn áp trên quy mô lớn tại Tân Cương.
Tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đã diễn ra trong nhiều năm qua, điều này đã được cộng đồng quốc tế khẳng định qua các nghị quyết 343 của Hạ viện Mỹ (6/2016), tuyên bố 48 của Nghị viện châu Âu (7/2016), tuyên bố của toàn án quốc tế độc lập về mổ cướp nội tạng hay thông cáo của các tổ chức nhân quyền như Raoul Wallenberg, Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Úc, v.v.. Tuy nhiên việc lên án một tội ác chống lại loài người thông qua các nghị quyết thực sự là chưa đủ.
Cuối tháng 11/2018, lần đầu tiên một dự luật được một nhóm các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng viện và Hạ viện đưa ra, hướng tới việc cấm vận Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật (xem tại đây) được dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc (CECC), đại diện đưa ra, yêu cầu chính phủ Mỹ cấm vận các thành viên chính phủ Trung Quốc, các thành viên của ĐCSTQ, bí thư ĐCSTQ tại Tân Cương, cùng các quan chức có liên quan tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Đầu tháng 12, sau khi thông tin về việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục bắt giữ hàng loạt người tập Pháp Luân Công tại Đông Bắc Trung Quốc ông Chris Smith cũng cho biết: “Những nỗ lực không ngừng của chính phủ Trung Quốc và ĐCSTQ nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công là một vết đen trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Nhu cầu của ĐCSTQ trong việc kiểm soát ngay cả ý thức của người Trung Quốc đã dẫn đến những vụ vi phạm nhân quyền đáng sợ, tra tấn, tùy tiện giam giữ, và thu hoạch nội tạng.”
Vẫn ở mức dự định
Tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện 10/4/2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt Magnitsky ở nhiều nơi, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói: “Hoa Kỳ đang phát triển một chiến lược toàn diện để giải quyết chiến dịch đàn áp chưa từng có ở Tân Cương.” “Về các hành động cụ thể của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao không dự đoán các biện pháp trừng phạt tiềm năng nào.”
Tại Bộ Tài chính, phát ngôn viên cho biết, các quan chức không đưa ra “tín hiệu về các biện pháp trừng phạt hoặc bình luận về các biện pháp có thể xảy ra”.
Vào ngày 27 tháng 3, ông Pompeo đã gặp gỡ cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, trong đó hầu hết người Duy Ngô Nhĩ sống ở Hoa Kỳ đều có người thân đang bị giam giữ trong các trại tập trung.
Bình luận về lưu ý rằng các cuộc đàm phán thương mại đã được ưu tiên hơn so với các trại tập trung ở Trung Quốc, Ferkat Jawdat, một người Duy Ngô Nhĩ đến Mỹ tị nạn năm 2011, nói: “Hoa Kỳ nên gác lại một số phát triển kinh tế để cứu thế hệ tiếp theo của [người Duy Ngô Nhĩ] chúng tôi”.
Các thành viên của Quốc hội của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã nhiều lần kêu gọi chính quyền ông Trump đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và đã đưa ra các dự luật trừng phạt ở cả Thượng viện và Hạ viện.
“Gần một năm nay, tôi đã tham gia cùng các đồng nghiệp của mình ở cả lưỡng đảng để yêu cầu Chính quyền Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan trực tiếp đến việc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại giam”, Dân biểu đảng Dân chủ Brad Sherman, Chủ tịch Tiểu ban đối ngoại về châu Á-Thái Bình Dương, cho biết trong một tuyên bố.
Đạo luật Magnitsky lấy tên từ một luật sư người Nga, ông Sergei Magnitsky, là người đã chết trong một nhà tù ở Moscow sau khi tố cáo tham nhũng của chính phủ Nga. Được thông qua vào năm 2012, Đạo luật Magnitsky cho phép chính phủ Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền. Đạo Luật Magnitsky Toàn Cầu được ban hành vào năm 2016, đã mở rộng khả năng trừng phạt đến nhiều đối tượng trên thế giới.
0 comments