Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

60 chiếc F-16V của Đài Loan: Con tin để Mỹ-Trung ngã giá?

Wednesday, April 17, 2019 4:29:00 PM // ,

Kế hoạch bán 60 chiếc F-16V cho Đài Loan liệu có bị đình chỉ vô thời hạn vì sự thỏa hiệp trong đàm phán thương mại Trung-Mỹ?
Đài Loan chờ F-16V trong thấp thỏm
Chính quyền Donald Trump quyết định hoãn thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt trước đây về việc bán cho Đài Loan lô lớn máy bay chiến đấu F-16V. Dường như thương vụ này có thể sẽ bị hủy bỏ? Điều này vẫn chưa thể khẳng định, nhưng một số nhân viên của Nhà Trắng tiết lộ thông tin tức này với tạp chí Time hôm 12/4 rằng, hành động này có thể liên quan đến Trung Quốc.
Trước đó, giới truyền thông cho biết rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đồng ý ngầm" cung cấp hơn 60 máy bay chiến đấu F-16V (Viper) nâng cấp cho Đài Loan.
Theo tin của Bloomberg dẫn các nguồn tin riêng của mình, các cố vấn của Trump "gợi ý thẳng thừng" rằng nếu chính quyền Đài Loan yêu cầu cung cấp máy bay thì nhất định Hoa Kỳ sẽ chấp thuận.
Lần gần đây nhất Hoa Kỳ cung cấp một lô chiến đấu cơ F-16 khổng lồ cho Đài Loan vào năm 1992 (150 chiếc); nhưng trong hàng chục năm sau đó, Washington không bán lô máy bay chiến đấu lớn nào cho hòn đảo này.
Vào tháng 6 năm 2017, chính quyền Trump đã phê duyệt thương vụ lớn cung cấp các thiết bị quân sự cho Đài Loan. Tính tổng cộng đã có 7 hợp đồng lớn với tổng trị giá khoảng 1,4 tỷ USD được ký kết. Gói này bao gồm các đài radar cảnh báo sớm các vụ tấn công tên lửa, hệ thống đánh chặn tên lửa, ngư lôi và các bộ phận cho tên lửa phòng không dẫn đường.
Tiếp theo, vào mùa thu năm ngoái, Hoa Kỳ đã quyết định bán phụ tùng cho máy bay chiến đấu F-16, máy bay vận tải C-130, máy bay chiến đấu F-5 và tiêm kích IDF do Đài Loan sản xuất. Ngoài ra, một nhóm thiết bị khác cũng được cung cấp trong một giao dịch tổng trị giá 330 triệu USD.
 Do đó, ngay khi có thông tin Washington bán 60 chiến đấu cơ F-16 Viper cho Đài Bắc bất chấp sự phản ứng dữ dội của chính quyền Bắc Kinh, giới truyền thông đã bình luận rằng, “hợp đồng bán tiêm kích F-16 cho Đài Loan là tín hiệu lạc quan mà Washington gửi tới các đồng minh”.
Theo các chuyên gia, việc cung cấp lô lớn tiêm kích F-16 cho Đài Bắc cho thấy Washington dự định tiếp tục tích cực tham gia vào việc hiện đại hóa không quân Đài Loan và đây là một bước nghiêm túc nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và hòn đảo này.
Ngay cả nếu lô khí tài quân sự mà Hoa Kỳ cung cấp cho chính quyền Đài Loan không đạt được mức cao kỷ lục, điều đó vẫn có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, tương tự như việc Lầu Năm Góc điều các tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan xuống Biển Đông hay lên biển Hoa Đông.
Đài Loan trong mối quan hệ quân sự lâu đời với Hoa Kỳ là một thí dụ điển hình. Trong tương lai gần, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò người bảo đảm an ninh cho Đài Loan. Washington tìm cách nhấn mạnh vai trò đặc biệt của mình trong việc đáp ứng nhu cầu quân sự của Đài Loan.
Theo giới phân tích, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ chú trọng hơn nữa việc duy trì quan hệ với Đài Loan; vì hiện có những nghi ngờ ngày càng tăng về khả năng của Hoa Kỳ đảm bảo an ninh khu vực.
Mỹ cần phải thuyết phục các nước đồng minh về việc Washington "không bỏ rơi đồng minh của mình". Do đó, việc bán tới 60 chiếc F-16 cho Đài Loan không chỉ gửi tín hiệu tới Bắc Kinh và Đài Bắc, mà còn là một tín hiệu quan trọng gửi tới các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Tuy nhiên, hành động mới nhất của ông Trump lại cho thấy rằng, những phân tích trên đây chỉ là lý thuyết, Đài Loan chỉ là một con bài trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và là một công cụ mặc cả để Washington thu lợi nhiều hơn trong mối quan hệ cộng sinh với Bắc Kinh.
Thương mại Trung-Mỹ không thể ảnh hưởng đến chính sách Đài Loan
Nguồn tin gần gũi với Nhà Trắng lưu ý rằng, quyết định hoãn thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt về việc bán 60 chiếc F-16V cho Đài Loan xuất phát từ mong muốn của tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về các vấn đề thương mại.
Hiện tại, khó để nói liệu đó có phải là một sự đình trệ quan liêu thông thường hay không, hay chính quyền Trump thực sự quyết định “trao đổi” việc từ chối cung cấp quân sự Đài Loan để nhận được sự đồng ý của Bắc Kinh đối với một số điều khoản thương mại cực kỳ có lợi cho phía Mỹ.
Đối với Trump, tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại thực sự rất quan trọng đối với việc bình ổn chính trị nội bộ và đây sẽ là con át chủ bài trong chiến dịch của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong khi đó, phía Đài Loan vẫn hy vọng rằng thỏa thuận vẫn sẽ diễn ra. Họ không muốn liên kết việc chưa có tin tức chính thức về việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16V với tiến trình đàm phán thương mại đang tiến hành hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington.
Giới quân sự Đài Loan tin rằng chính phủ Mỹ sẽ đưa ra quyết định bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan trong tháng 7 năm nay.
Đài Bắc đã đề xuất yêu cầu mua máy bay chiến đấu với Washington vào tháng 2 năm nay. Giới tướng lĩnh Hoa Kỳ cần thông qua quyết định bán và thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ trong vòng 150 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Do đó, thông tin về quyết định cuối cùng liên quan đến việc bán máy bay chiến đấu sẽ chỉ được khẳng định vào tháng 7 tới.
 Trong khi đó, hồi tháng 3, hãng thông tấn Mỹ Bloomberg đưa tin rằng, yêu cầu của Đài Loan về việc mua 60 máy bay chiến đấu F-16 đã được phê duyệt về mặt cơ bản.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Donald Trump bí mật đồng ý tiến hành giao dịch. Tiếp theo là việc trình đề xuất chính thức của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tới Quốc hội. Trong vòng một tháng, các nghị sĩ phải thông qua một trong những quyết định: Hoặc là phê duyệt hoặc là ngăn chặn thỏa thuận. Tuy nhiên, xu hướng chấp thuận vẫn là thắng thế.
Như vậy, nhiều khả năng, thông tin mâu thuẫn xuất phát từ Nhà Trắng có liên quan chính xác đến “việc lựa chiều” của chính quyền Trump trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Washington rõ ràng đang cố gắng “vắt kiệt tối đa” các nhượng bộ từ phía Trung Quốc, khi thì thể hiện sự sẵn sàng cao độ đối với thỏa thuận bán máy bay chiến đấu, sau đó laị gửi tín hiệu chuẩn bị “hãm phanh” việc bán F-16.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung Quốc Zhu Feng, giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế-Đại học Nam Kinh, mặc dù vấn đề Đài Bắc vẫn được Trump sử dụng để gây áp lực đối với Bắc Kinh nhưng chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan dường như không thay đổi đáng kể, các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra sẽ không ảnh hưởng đến nó.
Washington tạm thời trì hoãn bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan, trước hết để tạo không khí chính trị thuận lợi nhằm đạt được thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc bán vũ khí của Mỹ sẽ không bị hoãn vô thời hạn và có khả năng sẽ tiếp tục trong tương lai.
Hoa Kỳ vừa công bố một số thương vụ bán vũ khí mới cho Đài Loan, bao gồm giúp đỡ Đài Loan sửa chữa tàu chiến. Trong Quốc hội Hoa Kỳ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, vì vậy, khả năng người Mỹ sẽ giảm đáng kể khối lượng hoặc đình chỉ cung cấp vũ khí cho Đài Loan là rất nhỏ. Quan hệ Trung-Mỹ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư sẽ khó có thể là lung lay chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.