Tin Biển Đông – 20/03/2019
Chiến lược năng lượng ở Biển Đông
trong Đề cương Quy hoạch phát triển
Khu vực Vịnh mở rộng vừa được TQ đưa ra
Việc Trung Quốc công bố Đề cương Quy hoạch phát triển Khu vực vịnh Quảng Đông – Hồng Công – Macao mở rộng (gọi tắt là Khu vực Vịnh mở rộng) đang gây sự chú ý của giới nghiên cứu khu vực và quốc tế. Theo thông tin mới nhất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết sẽ tham gia Đề án này bằng cách xây dựng hai mạng lưới truyền tải năng lượng, bao gồm một loạt các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông.
TQ thúc đẩyĐề cương Quy hoạch phát triển Khu vực vịnh Quảng Đông – Hồng Công – Macao mở rộng. Nguồn: Sina
Toan tính thiết lập mạng lưới truyền tải năng lượng
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết sẽ tham gia Đề án này bằng cách xây dựng hai mạng lưới truyền tải năng lượng, bao gồm một loạt các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông. Tuy không đề cập vị trí chính xác các mạng lưới truyền tải năng lượng mà CNOOC sẽ xây dựng cũng như các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông nằm trong mạng lưới này, song CNOOC đã xác định Biển Đông là khu vực chính để thăm dò và phát triển dầu khí và tập đoàn này đã xây dựng một chiến lược thăm dò nước sâu.
Theo một tuyên bố hôm 14/3 của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, các mạng lưới của CNOOC sẽ giúp cải thiện việc truyền năng lượng cho Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Công -Macao.CNOOC có kế hoạch xây dựng một loạt các mỏ dầu nước sâu ở phía đông Biển Đông trong vài năm tới. Tập đoàn này cũng sẽ phát triển mỏ khí nước sâu 100 tỉ m3 đầu tiên ở phía Tây Biển Đông. Trong khi đó, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định việc CNOOC xây dựng hai mạng lưới truyền tải năng lượng, bao gồm một loạt các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc và giúp đảm bảo nguồn cung cho nước này.
Đề cương Quy hoạch phát triển Khu vực vịnh Quảng Đông – Hồng Công – Macao mở rộng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc công bố. Đây là chiến lược cấp quốc gia do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân hoạch định và thúc đẩy, nhằm phát triển vùng này trở thành hình mẫu cho sự phát triển chất lượng cao. Theo đề cương, Khu vực Vịnh mở rộng bao gồm Khu hành chính đặc biệt Hồng Công, Khu hành chính đặc biệt Macao và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh, với tổng diện tích 56.000km2, dân số khoảng 70 triệu người và GDP đạt khoảng 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,48 nghìn tỷ USD) năm 2017. Quy hoạch chia làm hai giai đoạn, ngắn hạn từ nay đến năm 2022, và dài hạn đến năm 2035. Đến năm 2022, cơ bản hình thành khuôn dạng một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế và cụm thành phố đẳng cấp thế giới đầy sức sống và sáng tạo cao với cơ cấu công nghiệp tối ưu hóa, sự vận hành trôi chảy các nhân tố của sản xuất và môi trường sinh thái hài hòa. Đến năm 2035, khu vực này sẽ có một hệ thống kinh tế và mô hình phát triển chủ yếu thúc đẩy bởi sức đổi mới sáng tạo, với sức mạnh kinh tế và công nghệ tăng mạnh và sức cạnh tranh và ảnh hưởng quốc tế được tăng cường hơn nữa. Các thị trường trong khu vực này sẽ cơ bản được kết nối cao, với sự vận hành thông suốt của các nguồn lực và nhân tố đa dạng của sản xuất.
Hoạt động dầu khí TQ đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông
Trung Quốc thời gian qua ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế và địa chính trị quan trọng của thế giới; đồng thời cũng nằm trong tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển đã ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, được gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”. Việt Nam trước nay luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi và có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợpquốc năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nỗ lực để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Bước đi phi pháp của TQ ở Hoàng Sa
Trung Quốc vừa ngang nhiên công bố kế hoạch phát triển 3 đảo trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN thành “căn cứ hậu cần quốc gia”.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) hôm qua, giới chức của cái gọi là “TP.Tam Sa” sẽ tiến hành kế hoạch xây dựng một “thành phố đảo” trên đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, đều nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.
“TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên hồi năm 2012 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN. Phát biểu tại cuộc họp ở đảo Phú Lâm hôm 15.3, bí thư “TP.Tam Sa” Trương Quân ngang nhiên tuyên bố kế hoạch mới nhằm biến 3 đảo nói trên thành một “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược quan trọng quốc gia”.
“Chúng ta cần quy hoạch thận trọng vì sự phát triển tổng thể của các đảo và bãi ngầm với các chức năng riêng và cân nhắc mối quan hệ tương hỗ giữa chúng”, ông Trương tuyên bố trong một thông cáo, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch phát triển mới được tiến hành theo chỉ thị do chính phủ Trung Quốc ban hành hồi tháng 4.2018. Thông cáo không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch nhưng ngang nhiên nói rằng giới chức “TP.Tam Sa” phải “thực hiện các bước tích cực và thể hiện sáng kiến của họ” để cung cấp “một báo cáo hài lòng” cho giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo SCMP. Trước đó vào ngày 14.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã một lần nữa khẳng định VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển phi pháp mới ở Hoàng Sa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế quan ngại về những hoạt động của nước này ở Biển Đông. Hôm qua, SCMP dẫn lời giới phân tích và các nguồn tin ngoại giao cho hay nhiều nước châu Âu sẽ củng cố sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kể cả việc gia tăng hoạt động hải quân, nhằm đối phó các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực. Trong đó, chuyên gia Liselotte Odgaard tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) khẳng định EU có đường lối chính sách nhất quán là phản đối những hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải ở vùng biển này.
TQ muốn biến đảo Phú Lâm
thành căn cứ hậu cần chiến lược
Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch biến đảo Phú Lâm và hai đảo nhỏ lân cận thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành căn cứ chiến lược theo chỉ đạo của chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, chính quyền tỉnh Hải Nam cuối tuần trước đã tổ chức một cuộc họp bàn về kế hoạch phi pháp biến đảo Phú Lâm, đảo Duy Mộng và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược quốc gia”.
“Chúng ta cần lên kế hoạch phát triển các đảo và bãi đá cẩn thận dựa trên các chức năng khác nhau của chúng, tính toán đến mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau” – Zhang Jun, một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngang nhiên chỉ đạo.
Ông này nhấn mạnh kế hoạch xây dựng trên đảo Phú Lâm sẽ theo đúng tinh thần bài diễn văn của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm ngoái, và chỉ đạo của chính phủ trung ương đưa ra hồi tháng 4-2018.
Trang web của chính quyền Hải Nam không cung cấp thêm thông tin chi tiết nhưng kêu gọi các quan chức Trung Quốc “phải có những bước đi tích cực và thể hiện các sáng kiến” để có được “một báo cáo thắng lợi” trình lên lãnh đạo đảng.
Động thái mới của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông bị cả thế giới lên án, buộc Mỹ phải tăng cường triển khai các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và hàng không.
Thứ ba tuần trước (12-3), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kịch liệt chỉ trích Trung Quốc “xây đảo nhân tạo trái phép trên tuyến hàng hải quốc tế” và dùng các biện pháp đe dọa để ngăn các dự án phát triển năng lượng ở Biển Đông.
Hội Nghề cá VN: Đòi TQ bồi thường nhiều lần
nhưng ‘chưa lần nào được đáp ứng’
Hội Nghề cá Việt Nam cho biết đã gửi văn bản yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho các ngư dân bị tàu Trung Quốc gây chìm vào ngày 6/3, nhưng thừa nhận rằng yêu cầu này “chưa lần nào được đáp ứng” trong các vụ tương tự xảy ra trước đây.
Trong văn bản gửi cho các cơ quan chức năng hôm 18/3, Hội Nghề cá Việt Nam dẫn thông tin từ Hội Nghề cá Quảng Ngãi và Nghiệp đoàn Nghề cá vào Chi hội Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết tàu của 5 ngư dân Việt Nam khi đang khai thác tại khu vực gần đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 “truy đuổi, phun vòi rồng, ép tàu bỏ chạy”, khiến cho tàu này bị va vào đá ngầm và bị chìm. Sau nhiều giờ bám vào phần nổi của mũi tàu, 5 ngư dân Việt Nam sau đó đã được một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi đến cứu.
Ước tính thiệt hại của vụ chìm tàu là khoảng 3 tỷ đồng, theo văn bản của Hội Nghề cá.
Trả lời phỏng vấn của VOA ngày 20/3, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Thắng, lên án hành động “vô nhân đạo” của tàu Trung Quốc, và cho rằng nếu không được cứu vớt kịp thời, thiệt hại của vụ chìm tàu sẽ rất lớn, kể cả thiệt hại về nhân mạng.
“Thiệt hại về tài sản, đe dọa đến tính mạng, mà rất may là tàu của Quảng Ngãi đến cứu kịp, chứ nếu không sẽ gây rất nhiều thiệt hại về người”, TS. Nguyễn Việt Thắng nói với VOA.
Tuy nhiên, người đứng đầu Hội Nghề cá Việt Nam cũng thừa nhận thực tế là các yêu cầu bồi thường từ phía Việt Nam trong nhiều năm qua không mang lại hiệu quả.
“Bao giờ đòi thì cũng mong muốn là có hiệu lực đền bù”, ông Thắng nói. “Tuy nhiên cũng đã nhiều lần làm như thế rồi, chưa lần nào được đáp ứng cả, nhưng bắt buộc vẫn phải lên tiếng yêu cầu vì đó là một hành động vô nhân đạo”.
Trước thực tế đó, Chủ tịch của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt Nam nói thêm rằng “cách khác mạnh hơn thì cũng có nghĩ ra, nhưng vì vấn đề này là thuộc về hai chính phủ với nhau”. Còn về phương án khởi kiện, theo ông, là một quá trình “rất khó khăn”.
“Nó đòi hỏi các bước có thể nói là rất khó khăn trong việc kiện cáo để đòi trực tiếp với các cơ quan chấp pháp, với người đã gây ra thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, bởi vì không bắt được ai, chẳng truy ra được người nào, chỉ biết chắc chắn đó là tàu của Trung Quốc”, TS. Thắng nói với VOA.
Một ngày sau khi Việt Nam đưa thông tin về vụ chìm tàu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với tờ báo nhà nước Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, rằng sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá Việt Nam, tàu của Trung Quốc đã ngay lập tức liên lạc với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn Hàng hải Trung Quốc.
“Khi tàu Trung Quốc tiếp cận được tàu cá Việt Nam, nó đã bị chìm và lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã cứu các thuyền viên vào buổi chiều hôm đó”, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng nói hôm 7/3.
Tờ báo Trung Quốc cũng nhắc lại vụ một tàu cá của Việt Nam bị 2 tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm vào tháng 7/2016, nói rằng 2 tàu Trung Quốc đã “cứu tàu cá Việt Nam” nhưng “Việt Nam cũng đã nhầm lẫn đổ lỗi cho tàu của Trung Quốc”.
Vụ chìm tàu hôm 6/3 được cho là sự kiện làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo trên tờ Nikkei về lực lượng “dân quân” với hàng trăm tàu cá của Trung Quốc, nói rằng “Sớm hay muộn sẽ có một sự cố bạo lực, nhiều khả năng liên quan đến những dân quân đó với tàu của Philippines hoặc của Việt Nam”. Và sự cố bạo lực như vậy, theo ông, sẽ leo thang và dẫn tới sự can dự của các lực lượng hải quân trước khi bất kỳ ai có thể ngăn chặn nó lại.
Một tuần sau khi xảy ra vụ chìm tàu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trong bài phát biểu hôm 14/3 liên quan đến vấn đề Biển Đông, đã lên án Trung Quốc “ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế”.
Đáp lại, phát ngôn viên Lục Khảng của Trung Quốc cho rằng bài phát biểu của ông Pompeo là “vô trách nhiệm”, và nói thêm rằng “các quốc gia bên ngoài khu vực nên kiềm chế không gây rối và phá vỡ tình trạng hòa hợp” của khu vực.
Theo thông tin mà Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cung cấp cho VOA, số lượng các vụ tàu Trung Quốc đâm, va, gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Việt Nam gần đây đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt kể từ tháng 5/2018 đến nay.
0 comments