Thượng đỉnh Trump – Kim: Cuộc họp giữa hai “bố già”
Nguyễn Tường Tâm (Danlambao) – Ngày mùng 8 tháng 3, 2018, phái đoàn Nam Hàn sau khi rời cuộc họp với Bắc Hàn đã đi Hoa Kỳ và chuyển lời của Chủ Tịch Kim mời TT Trump họp thượng đỉnh lần thứ nhất, và ông Trump đã nhận lời. Có thể nói cuộc họp thượng đỉnh giữa TT Donald Trump và Chủ Tịch Kim Jong Un là cuộc họp giữa hai Bố Già (God Fathers). Bản chất cuộc họp giữa hai Bố Già ra sao sẽ được trình bày sau. Hành động của TT Trump đã xảy ra một cách đột ngột, vượt khỏi mọi hoạt động ngoại giao truyền thống. Chính đây là sự hành sử khác biệt giữa TT Trump và các vị tiền nhiệm của ông. Chính vì vậy khi biết Tổng thống Trump chấp thuận họp thượng đỉnh tay đôi với Chủ tịch Kim Jong Un lần thứ nhất tại Singapore, thế giới hết sức bất ngờ.
Thực ra các lãnh đạo Bắc Hàn đã mời họp thượng định tay đôi với các vị TT Hoa Kỳ tiền nhiệm từ thời Tổng thống Bill Clinton. Theo bản tin của CNN ngày 10 tháng 3-2018, TT Trump không phải là vị TT Hoa Kỳ đầu tiên nhận được lời mời của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nhưng ông là người đầu tiên nhận lời. Theo phân tích của Stephen Collinson, CNN (1), lý do các vị tiền nhiệm không nhận lời mời họp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn là vì việc gặp Tổng thống Hoa Kỳ là một sự kiện vô giá đối với Bắc Hàn, và quan điểm của Hoa Kỳ là luôn luôn dành cuộc gặp gỡ với TT Hoa Kỳ khi mà sự thỏa thuận đã sẵn sàng.
Phân tích gia Stephen Collinson của CNN viết tiếp, sự phát triển đến ngạc nhiên về vấn đề Bắc Triều Tiên cho thấy một điều: TT Trump không giống bất cứ vị tiền nhiệm nào và không quan tâm tới chính sách ngoại giao truyền thống (foreign policy orthodoxy).
Trước TT Trump, TT Bill Clinton cũng đã xem xét khả năng tới Bình Nhưỡng, gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn để kết thúc thỏa thuận phi đạn (a missile deal) vào cuối nhiệm kỳ của ông năm 2000. Lúc đó nhà lãnh đạo Bắc Hàn còn là Chủ Tịch Kim Jong Il.
Nhưng khác với TT Trump, ông Bill Clinton đã không muốn nhận lời mời trước khi được biết thêm liệu cuộc gặp có mang lại kết quả gì. Theo lời ông Jeffrey Lewis, một chuyên gia chống phát triển vũ khí (a non-proliferation expert) tại Viện Nghiên cứu Quốc Tế Middlebruy ở Monterey, Bắc Hàn đã đồng ý ngừng bán hỏa tiễn và ngay cả ngừng sản xuất hỏa tiễn, nhưng không sẵn lòng từ bỏ những hỏa tiễn đang có (“Really they were stuck on one issue. North Korea was willing to stop selling missiles and North Korea was even willing to stop making missiles. But North Korea was not willing to give up the missiles it had,”). Nhưng Tòa Bạch Ốc biết rằng cuộc họp thượng đỉnh như thế sẽ là một ban phát lớn (big deliverable) và Tòa Bạch Ốc muốn sử dụng cuộc họp thượng đỉnh như thế một cách cẩn thận.
Sau đó dưới thời Tổng thống Bush (Bush con), Hoa Kỳ đã tiếp cận Bắc Hàn trong khuôn khổ cuộc đàm phán sáu bên, gồm có hai miền Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga và Trung Hoa. Sự sắp xếp cuộc họp đa phương đặc biệt nhằm bảo đảm rằng Bắc Hàn không thể dùng những lời lẽ khiêu khích để đạt mục đích đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ.
Dưới thời TT Obama, có dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn nóng lòng muốn thu hút những khách Hoa Kỳ nổi tiếng viếng thăm. Nhưng TT Obama tuyên bố, “sẽ không ban thưởng cho thái độ khiêu khích của Bắc Hàn.”
Nhà phân tích của CNN viết tiếp, liệu rằng cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim có mang lại kết quả thỏa mãn mục tiêu của Hoa Kỳ hay không? đó là sự giải giới có thể kiểm soát được các vũ khí nguyên tử và chương trình phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn (the verifiable dismantling of its nuclear weapons and intercontinental ballistic missile programs). (hết lược trích)
Bàn về cuộc họp thứ nhất vào tháng 6 tại Singapore, nhà báo Jane Coastonjane của vox.com (2) tường thuật, hôm thứ Sáu, tùy viên báo chí của Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói rằng cuộc họp có thể sẽ không xảy ra: “Tổng thống sẽ không họp nếu không thấy những bước tiến và những hành động cụ thể của nhà lãnh đạo Bắc Hàn.”
Trước cuộc họp tại Singapore, các nhà bảo thủ Hoa Kỳ chia rẽ nhau giữa quan điểm coi cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore như là một cuộc đảo chánh chính sách ngoại giao (foreign policy coup) hay như một thảm họa đang tới (incoming calamity). Ben Shapiro, một chuyên gia bình luận, nói rằng bằng việc TT Trump đồng ý gặp Chủ tịch Kim, Bắc Hàn đã đạt một thắng lợi. Những nhân vật bảo thủ khác thì không tin cuộc họp sẽ thành công vì Bắc Hàn đã có lịch sử lâu dài bỏ ngang các thỏa thuận vũ khí khi các thương thuyết đã tới hồi gần kết thúc.
Nhưng vào năm 2018, một số các nhân vật đảng Cộng Hòa sẵn lòng dành cho cuộc họp của TT Trump với nhà lãnh đạo Bắc Hàn một cơ hội như Nhân vật bảo thủ Ed Krayewski, Dân biểu Hạ Viện Luke Messer, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham. (hết lược trích)
Nếu theo dõi phong cách đàm phán của ông Trump, người ta dễ dàng thấy ông Trump rất tự tin không sợ bị ông Kim lừa vào bẫy như nhiều người lo ngại trước đây. Ông Trump là người rất thực tế, và ông ấy sẽ không tiếp tục đàm phán nếu thấy tiếp tục cuộc đàm phán sẽ không mang lại kết quả ông mong muốn. Như ở trên đã tường thuật, tùy viên báo chí của Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói rằng: “Tổng thống sẽ không họp nếu không thấy những bước tiến và những hành động cụ thể của nhà lãnh đạo Bắc Hàn.” Đây là phong cách khác hẳn những vị tổng thống tiền nhiệm.
Vả chăng sau 12 giây bắt tay lúc 9:05 sáng mở đầu cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất ngày 12 tháng 6-2018 tại Singapore, ông Trump đã yêu cầu có cuộc họp tay đôi, không có ban tham mưu tham dự, mà chỉ có các thông dịch viên. Đây cũng là một phong cách rất đặc biệt của ông Trump. Có thể nói, cuộc họp này có tính chất gần như cuộc họp tay đôi giữa hai “Bố Già” (God Fathers). Trong cuộc họp kín tay đôi này, dĩ nhiên ông Kim không thể dùng những lời lẽ khiêu khích hay tuyên truyền với quốc tế như mọi người lo ngại. Đây là cái khôn của ông Trump. Hai Bố Già một khi đồng ý họp kín tay đôi, có nghĩa là trước đó cả hai bên đều thấy rằng sẽ không có lợi nếu tiếp tục gây chiến; và do đó tốt hơn hết là nên tìm sự hòa hoãn để hai bên đều có lợi. Dĩ nhiên hai bên đều biết nhu cầu sinh tử và khả năng của nhau. Bắc Hàn có hai nhu cầu sinh tử:
Thứ nhất, chấm dứt trừng phạt quốc tế để Bắc Hàn phát triển kinh tế.
Thứ hai, một sự bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn, mà thực ra là bảo đảm an ninh cho sự tiếp tục nắm quyền của ông Kim Jong Un.
Trong khi nhu cầu thiết yếu của Hoa Kỳ là Bắc Hàn phải giải giới có thể kiểm soát được các vũ khí nguyên tử và chương trình phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn (the verifiable dismantling of its nuclear weapons and intercontinental ballistic missile programs) như đã trình bày ở trên. Đòi hỏi này không phải là khó theo như Jeffrey Lewis đã trình bày: Dưới thời Bill Clinton, Bắc Hàn đã đồng ý ngừng bán hỏa tiễn và ngay cả ngừng sản xuất hỏa tiễn, nhưng không sẵn lòng từ bỏ những hỏa tiễn đang có. Như vậy chỉ còn một điều khoản nhỏ để đi đến thỏa thuận nữa thôi.
Sau khi xem xét nhu cầu thiết yếu của hai bên, chúng ta sẽ xem xét hai bên có lá bài tẩy gì? Với khả năng vũ khí nguyên tử hẵn còn chưa hoàn chỉnh của Bắc Hàn, TT Trump dễ dàng lịch sự và thẳng thắn cho Chủ tịch Kim biết rằng, thưa ngài, ngài cũng biết rằng quốc gia ngài chưa có đầu đạn nguyên tử hoàn chỉnh, và những hỏa tiễn của quốc gia ngài còn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, mới bắn được xa, nhưng chưa chắc chính xác trúng mục tiêu, và cũng chưa có khả năng mang đầu đạn nguyên tử. Cho nên việc ngài đe dọa bắn hỏa tiễn nguyên tử tới lãnh thổ chúng tôi cũng như tới Nhật và Nam Hàn vẫn chỉ là lời đe dọa xuông.
Chưa kể là chắc ngài cũng biết, vũ khí chống phi đạn của chúng tôi có khả năng bắn hạ tất cả các phi đạn của quốc gia ngài trước khi chúng chạm đất. Ngài hãy xem hệ thống phi đạn chống phi đạn (Iron Dome Weapon System) của Israel chống lại phi đạn của lân quốc hữu hiệu như thế nào thì ngài có thể tưởng tượng hệ thống phi đạn chống phi đạn của chúng tôi còn hữu hiệu hơn thế rất nhiều, có thể nói là hữu hiệu 100%. Cho nên việc đe dọa của quí ngài chỉ có tính cách tuyên truyền, phô trương với dân chúng của ngài chứ không có tính cách thực tế, không khiến chúng tôi lo sợ.
Ngoài ra, chắc ngài cũng thừa biết rằng vệ tinh tình báo của chúng tôi đã biết rõ những địa điểm trọng yếu trên đất nước ngài. Nếu ngài tấn công chúng tôi hay đồng minh Nam Hàn và Nhật bản của chúng tôi thì chắc ngài cũng biết, tôi không cần khoa trương, các căn cứ phi đạn của chúng tôi trên Hàng Không Mẫu Hạm, tại các căn cứ quân sự ở Nhật bản, và nhiều nơi khác nữa, chỉ trong tích tắc sẽ tàn phá những yếu điểm của quốc gia ngài mà chúng tôi đã chấm sẵn tọa độ. Chúng tôi không cần dùng tới vũ khí nguyên tử cũng có thể dập tắt những nguồn gốc tấn công của quí ngài.
Vì thế tôi nghĩ là ngài, nên thực lòng chấp nhận giải giới có thể kiểm soát được các vũ khí nguyên tử và chương trình phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của nước ngài để đổi lấy sự an ninh cho quốc gia ngài và sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, chấm dứt mọi trừng phạt và giúp đỡ quốc gia ngài phát triển kinh tế như Nam Hàn.
Dĩ nhiên nghe vậy thì Chủ Tịch Kim sẽ đòi Hoa Kỳ phải chấm dứt hoàn toàn sự trửng phạt thì Bắc Hàn mới giải giới hoàn toàn vũ khí nguyên tử và chương trình phi đạn. Tuy nhiên, TT Trump sẽ dễ thuyết phục Chủ tịch Kim rằng, thưa ngài, giữa tôi với ngài, thì tôi tin ngài thật lòng thỏa thuận, nhưng còn các quốc gia khác, các quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An (HĐBA) LHQ, họ chưa sẵn sàng tin như vậy; họ sẽ đòi hỏi ngài cần phải thực hiện giải giới trước một cách có thể kiểm soát được thì họ mới đồng ý chấm dứt hoàn toàn sự trừng phạt. Như vậy tôi đề nghị, ngài sẽ đồng ý tiếp tục giải giới từng phần có kiểm soát và Hội Đồng Bảo An LHQ cũng sẽ từ từ giảm các biện pháp trừng phạt một cách tương xứng. Tôi nghĩ đó là biện pháp thực tế cho cả quốc gia ngài và cho HĐBA/LHQ.
Dĩ nhiên không ai biết chi tiết hai lãnh đạo đã trao đổi ra sao, nhưng một điều chắc chắn là không bên nào có lời nói khiêu khích hay có lời lẽ nhằm tuyên truyền (propaganda) với thế giới để giữ thể diện. Nói cách khác, các đối thoại trong cuộc họp tay đôi giữa hai “Bố Già” bắt buộc có sự thành tâm.
Điều rõ ràng là sau cuộc họp tay đôi (the one-on-one talks) hai “Bố Già” đã có thái độ thân thiện chưa từng có như giữa lãnh tụ Bắc Hàn và bất cứ lãnh tụ phương tây nào khác mà quí vị có thể hỏi viện sĩ google. Cuối cùng, hai ông ký thông cáo chung mà TT Trump mô tả là “một thỏa thuận rất quan trọng và toàn diện”.
Bản thông cáo chung có những điểm sau:
1 – Hai nước cam kết thiết lập quan hệ ngoại giao.
2 – Hai nước sẽ chung cố gắng xây dựng một Bán đảo Triều Tiên hỏa bình ổn định và lâu dài.
3 – Bắc Triều Tiên tái xác định Bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27-4-2018, cam kết tiến tới thực hiện giải giới nguyên tử hoàn toàn tại Bán Đảo Triều Tiên.
4 – Hai nước cam kết tìm kiếm thi hài các tù binh chiến tranh và quân nhân mất tích trong đó có việc cho hồi hương tức khắc các thi hài đã được xác định.
Ngoài ra, bản thông cáo chung cũng đề cập tới cam kết của TT Trump bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn (3)
Trong bản tin ngày mùng 6-9-2018 của phóng viên Choe Sang-Hun của New York Times (4) , tác giả viết, Ông Kim cũng cho biết ông ấy vẫn còn tin tưởng ở TT Trump, ông chưa bao giờ nói xấu ông Trump ngay cả trong vòng trợ lý thân cận nhất, kể từ sau khi hai lãnh đạo gặp nhau ở Singapore hôm 12-6. TT Trump đã twit trả lời rằng ông đánh giá cao và cám ơn sự tin tưởng không giới hạn (unwavering faith) ông Kim đối với ông.
Đặc phái viên Chung cho hay, ông Kim ước muốn ông ta có thể xóa bỏ 70 năm thù địch với Hoa Kỳ và cải thiện mối bang giao với Hoa Kỳ và thực hiện giải giới nguyên tử trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump.
Mới đây, trên tờ báo điện tử Trí Thức VN 21-02-2019, tác giả Xuân Thành đã tường thuật bài xã luận của tờ Rodong Sinmum, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã chạy tựa đề “Truyền thông Bắc Hàn: Phi hạt nhân hóa là không thể đảo ngược” (5) Bài xã luận của Rodong Sinmun vừa qua dường như đánh dấu sự thay đổi lớn hơn nữa so với tuyên truyền cộng sản chống Mỹ của các thế hệ trước.
Tờ nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) hôm 18/2 nhận định: “Đây là lần đầu tiên tờ Rodong Sinmun đăng tải câu chuyện giải thích ý nghĩa và nền tảng của thuật ngữ ‘phi hạt nhân hóa hoàn toàn’ mà ông Kim Jong-un đã nhiều lần hứa hẹn.”
Báo điện tử Trí Thức VN viết tiếp, Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 19/2, ông Trump nói: “Họ [Bắc Hàn] là đất nước có tiềm năng lớn, và tôi nghĩ đó là điều họ đang mong đợi để thực hiện. Chúng ta sẽ chờ xem. Nhưng chúng ta cũng đã đạt được nhiều tiến bộ. Chúng ta đã làm được những điều lớn lao. Điều đó không có nghĩa rằng đây sẽ là cuộc gặp cuối cùng, vì tôi không tin vậy. Tuy nhiên, chúng tôi có nhiều chủ đề thảo luận, sẽ rất hiệu quả, tôi tin thế.”
Ai cũng biết rằng cam kết trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore chưa đưa ra những qui định cụ thể của việc giải giới nguyên tử của Bắc Hàn. Tuy nhiên, khi hai “Bố Già” đã thấy không còn lý do để giao chiến, thì vùng lãnh thổ liên quan chắc chắn sẽ trở nên trời yên bể lặng. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Và cuộc họp lần thứ hai vào ngày 27, 28 tháng 2 này giữa hai “Bố Già” sẽ nằm trong tiến trình đó, dù rằng như ông Trump tuyên bố, sẽ không phải là cuộc họp cuối cùng.
Tham khảo:
-https://www.cnn.com/2018/03/09/politics/north-korea-trump-obama-bush-clinton/index.html) (1)
-https://www.vox.com/2018/3/9/17100880/north-korea-republicans-right-conservatives-obama (2)
-https://en.wikipedia.org/wiki/2018_North_Korea%E2%80%93United_States_Singapore_Summit (3)
-https://www.nytimes.com/2018/09/06/world/asia/kim-jong-un-donald-trump-denuclearize.html (4)
-https://trithucvn.net/the-gioi/truyen-thong-bac-han-phi-hat-nhan-hoa-la-khong-the-dao-nguoc.html (5)
0 comments