Tin khắp nơi – 31/01/2019
Thursday, January 31, 2019
2:15:00 PM
//
Slider
,
Tin thế giới
Mỹ sắp ngưng hiệp ước hạt nhân với Nga
sau thất bại đàm phán
Hoa Kỳ sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân quan trọng với Nga ngay vào cuối tuần này sau khi những cuộc đàm phán cuối cùng với Moscow nhằm cứu vãn hiệp ước bị thất bại, Reuters dẫn lời một giới chức kiểm soát vũ khí cấp cao của Mỹ cho biết hôm 31/1.Washington từ lâu đã cáo buộc Nga đã vi phạm Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), cáo buộc tên lửa mới của Nga, Novator 9M729, mà NATO gọi là SSC-8, là vi phạm hiệp ước, vốn cấm hai bên triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất tầm trung và tầm thấp ở châu Âu.
Moscow phủ nhận điều đó, nói rằng tầm bắn tên lửa của Nga là nằm ngoài quy định của hiệp ước và cáo buộc Hoa Kỳ đã ngụy tạo lý do để rút khỏi hiệp ước mà Washington đã muốn thoát ra nhằm phát triển tên lửa mới. Nước này cũng bác yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc hủy bỏ tên lửa mới.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson hôm 31/1 đã có cuộc hội đàm cuối cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Bắc Kinh trước khi hết thời hạn 60 ngày của Hoa Kỳ đặt ra cho Nga để Moscow trở lại tuân thủ hiệp ước .
Gặp nhau bên lề cuộc họp P5 của các cường quốc hạt nhân, bà Thompson và ông Ryabkov sau đó nói rằng hai nước đã không vượt qua được những khác biệt của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Thompson cho biết bà dự kiến Washington sẽ ngừng tuân thủ hiệp ước ngay vào cuối tuần này, một động thái mà bà nói sẽ cho phép quân đội Mỹ bắt đầu phát triển ngay lập tức tên lửa tầm xa của mình nếu họ chọn làm như vậy, nâng cao triển vọng là chúng có thể được triển khai ở châu Âu.
“Chúng tôi có thể làm điều đó (đình chỉ các nghĩa vụ theo hiệp ước) vào ngày 2/2, bà Thompson nói với Reuters. “Chúng tôi sẽ đưa ra thông báo, sau khi tất cả các bước theo quy định của hiệp ước về việc đình chỉ nghĩa vụ của chúng tôi vì ý định rút lui được thực hiện”.
Một khi được công bố, quá trình rút lui chính thức sẽ phải mất sáu tháng. Theo bà Thompson, việc ngừng tuân thủ hiệp ước sẽ cởi trói cho quân đội Hoa Kỳ.
“Sau đó, chúng tôi có thể tiến hành nghiên cứu và phát triển, và làm việc trên các hệ thống mà chúng tôi đã không thể sử dụng vì phải tuân thủ hiệp ước”, Reuters dẫn lời bà Thompson nói.
“Đến ngày 2/2, cuối tuần này, nếu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chọn làm như vậy, thì họ có thể làm”.
Mặc dù vậy, Washington vẫn để ngỏ khả năng đàm phán thêm với Moscow về hiệp ước, bà Thompson cho biết thêm.
Về phía Nga, ông Ryabkov nói Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được thỏa thuận bất chấp các cuộc đàm phán thất bại, nhưng cáo buộc Washington đã phớt lờ các khiếu nại của Nga về tên lửa của Hoa Kỳ và áp dụng “quan điểm phá hoại”.
“Hoa Kỳ áp đặt thời hạn 60 ngày, đòi hỏi chúng tôi phải hoàn thành tối hậu thư của họ”, hãng thông tấn Sputnik dẫn lời ông Ryabkov nói sau cuộc hội đàm với bà Thompson.
“Tôi kết luận rằng Hoa Kỳ chớ mong đợi bất kỳ quyết định nào và tất cả điều này chỉ là một trò chơi được thực hiện nhằm che đậy quyết định rút lui khỏi Hiệp ước INF”.
https://www.voatiengviet.com/a/my-sap-ngung-hiep-uoc-hat-nhan-voi-nga-sau-that-bai-dam-phan/4766713.html
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung:
Không có người chiến thắng
Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, trong cuộc chiến thương mại này, sẽ không có bên nào giành chiến thắng và đánh giá cao những nỗ lực cải thiện tình hình của cả hai bên.Trong bài phát biểu của mình tại Washington nhân chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã đề xuất chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nên có phương án sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Bắc Kinh, đồng thời thừa nhận Mỹ có lý trong việc chỉ trích tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chuyến thăm của bà Payne diễn ra trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đang cùng tìm kiếm những giải pháp nhằm đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước thời điểm cuối được đặt ra vào ngày 1/3 tới.
Phía Mỹ đã đưa ra lời đe dọa sẽ đánh mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc nếu như hai bên không thể tìm ra phương án phù hợp cho cả hai.
Trong bài phát biểu của mình tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington hôm 29/1, bà Payne khẳng định Australia hiểu được sự lo ngại của Mỹ đối với thực tế một số thỏa thuận thương mại và đầu tư, bao gồm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và luật cho phép can thiệp của chính phủ đối với thị trường.
Bà Payne cho biết, trong cuộc chiến thương mại này, sẽ không có bên nào giành chiến thắng và đánh giá cao những nỗ lực cải thiện tình hình của cả hai bên, nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ giữa hai bên diễn ra trong tuần này.
Trước chuyến thăm của bà Payne, phía Mỹ đã công bố hai bản cáo trạng chống lại gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei. Các bản cáo trạng cho biết Huawei đã chi trả tiền thưởng cho những nhân viên có thể đánh cắp những thông tin mật từ các đối thủ.
Cũng trong chuyến thăm tới Mỹ lần này, Ngoại trưởng Australia có các cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong tuần này để thảo luận các vấn đề thương mại, trước khi có cuộc đàm phán chính thức với Chủ tịch Tập Cận Bình.
http://biendong.net/diem-tin/26138-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-khong-co-nguoi-chien-thang.html
Mỹ “khuấy động” Venezuela
để chặn nguồn cung dầu cho TQ?
Việc Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ phe đối lập Venezuela hạ bệ Tổng thống Maduro có thể không chỉ giới hạn vào câu chuyện “sân sau” mà còn nhằm vào Trung Quốc.Trong những ngày qua, nỗ lực của Mỹ trong việc lật đổ Tổng thống hợp pháp của Venezuela, ông Nicolas Maduro, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các lợi ích năng lượng của Trung Quốc.
Oleg Matveychev – nhà khoa học chính trị và giáo sư tại trường Kinh tế Cao cấp của Nga, nói với hãng thông tấn Nga Sputnik rằng áp lực mà Mỹ gây lên Iran và Venezuela cuối cùng cũng là nhằm đến Trung Quốc.
“Đả thảo kinh xà” (đập cỏ dọa rắn)
Theo chuyên gia người Nga này, ngay trước khi nhậm chức tổng thống, ông Donald Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế và chính trị chủ yếu của Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là một khía cạnh của thế đối đầu địa chính trị này.
Giáo sư Matveychev tin rằng chính quyền ông Trump hy vọng sẽ làm xói mòn được các lợi ích kinh tế của Trung Quốc trên thị trường năng lượng thế giới.
Vị chuyên gia này nhắc lại việc cả Iran và Venezuela đều hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ. An ninh năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nước này, trong bối cảnh Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất dầu của Venezuela và Iran, đồng thời là nước nhập khẩu chính các nguyên liệu thô từ hai nước này.
Oleg Matveychev nhận xét: Nhằm đạt các mục tiêu của mình, người Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên mặt hàng dầu xuất khẩu của Iran và cấm hoạt động đầu tư phát triển các mỏ dầu của Iran. Và giờ đây, Nhà Trắng ủng hộ một cuộc “đảo chính” để hạ bệ Tổng thống Venezuela Maduro, đe dọa trực tiếp lợi ích năng lượng của Trung Quốc.
Dĩ nhiên, sẽ có những động thái tinh vi chống lại Trung Quốc, bao gồm một số thủ thuật trên thị trường dầu thế giới. Người Mỹ biết cách thao túng dầu mỏ để theo đuổi lợi ích chính trị của mình”, ông Matveychev nói.
Quan hệ đặc biệt giữa Caracas và Bắc Kinh
Hồi tháng 9/2018, Tổng thống Maduro tuyên bố rằng Venezuela có ý định tăng nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc, lên mức 1 triệu thùng/ngày. Nói cách khác, họ muốn tăng gấp 3 lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Venezuela đã ký tới 28 thỏa thuận hợp tác, hầu hết liên quan đến chế biến dầu thô, kỹ thuật năng lượng, và khai khoáng. Venezuela cũng công bố bán 9,9% cổ phần tại Sinovensa – một liên doanh giữa 2 nước, cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Sau khi hoàn thành giao dịch này, Trung Quốc sẽ kiểm soát 49% liên doanh này.
Giáo sư Matveychev tin rằng cuộc tranh giành quyền lực hiện nay ở Venezuela (với sự tiếp lửa của Mỹ) tạo ra nguy cơ lớn cho các lợi ích của Trung Quốc ở quốc gia Mỹ Latin này.
Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng gây đau đầu cho Mỹ và giờ đây Mỹ đang đứng trước cơ hội phục thù. Ông Chavez trước đây đã quốc hữu hóa ngành dầu khí Venezuela, qua đó giáng đòn mạnh vào các lợi ích của Mỹ .
Việc Mỹ kiểm soát được nguồn dầu Venezuela sẽ khiến Venezuela pbải chịu những tổn thất nhất định do họ đã ký một loạt các thỏa thuận và giao dịch với Trung Quốc. Nếu từ bỏ các thỏa thuận đó, Venezuela sẽ phải đền bù cho đối tác, mà điều này rốt cục sẽ tác động tiêu cực lên đời sống người dân nước này.
Trung Quốc theo dõi sát sao tình hình Venezuela
Vào ngày 25/1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phản ứng thứ 2 đối với diễn biến ở Venezuela. Động thái này gián tiếp xác nhận mối quan tâm nghiêm túc của Trung Quốc về các nguy cơ ngày càng lớn mà họ đối mặt ở Venezuela.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố như sau: “Trung Quốc phản đối đe dọa can thiệp quân sự vào Venezuela và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của chính quyền nước này trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự ổn định của mình”.
Trung Quốc giành giật ảnh hưởng tại châu Mỹ Latin
Bà Hoa Xuân Doanh cũng chỉ ra rằng “Trung Quốc cổ xúy cho việc tất cả các nước tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, và không đe dọa sử dụng vũ lực”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng Trung Quốc tin là các vấn đề của Venezuela phải do bản thân người dân Venezuela lựa chọn và quyết định.
Bà Doanh nói: “Trung Quốc kêu gọi các bên tôn trọng sự lựa chọn của người dân Venezuela và ủng hộ các bên tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại hòa bình trong khuôn khổ Hiến pháp Venezuela”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26131-my-khuay-dong-venezuela-de-chan-nguon-cung-dau-cho-tq.html
Mỹ chính thức yêu cầu Canada
cho dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi
Trọng NghĩaTheo trang tin Business Insider, trích dẫn nhật báo Mỹ Wall Street Journal, chính quyền Canada hôm 29/01/2019 đã xác nhận việc Mỹ chính thức đề nghị Canada cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.
Đơn yêu cầu dẫn độ đã được chuyển cho Canada một hôm sau khi tư pháp Mỹ công bố 23 tội danh nhắm vào Hoa Vi và bà Mạnh Vãn Châu, từ vi phạm lệnh trừng phạt Iran cho đến đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ.
Theo báo Wall Street Journal, nhà chức trách Canada có một tháng, tức là đến ngày 01/03, để quyết định chấp nhận hay không yêu cầu của Mỹ. Việc xem xét sẽ căn cứ vào nội dung hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Tuy nhiên, kể cả khi Canada đồng ý cho dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu vẫn có quyền kháng cáo.
Kể từ khi vụ Hoa Vi nổi cộm lên với việc bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12 năm 2018, sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc càng lúc càng bị tẩy chay ở các nước phương Tây, hay các quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ.
Gần đây nhất là Cộng Hòa Séc đã quyết định loại Hoa Vi ra khỏi cuộc đấu thầu xây dựng một cổng thông tin về thuế. Quyết định này được ban hành trong bối cảnh cơ quan an ninh mạng của Cộng Hòa Séc vào cuối năm ngoái, đã chính thức cảnh báo về việc sử dụng các sản phẩm từ hai tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và ZTE.
Trên một bình diện rộng lớn hơn, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, Liên Hiệp Châu Âu sắp tiến đến việc loại Hoa Vi ra khỏi tiến trình xây dựng các mạng lưới điện thoại 5G tại châu Âu, nhưng một cách mặc nhiên chứ không chỉ đích danh.
Theo bốn quan chức châu Âu được Reuters trích dẫn, hiện nay đã có nhiều đề nghị được đưa ra xem xét, trong đó có ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh đạo luật về an ninh mạng năm 2016 của Liên Hiệp Châu Âu, buộc các công ty xây dựng các hạ tầng cơ sở cốt lõi là phải bảo đảm vấn đề an ninh.
Theo các quan chức này, việc điều chỉnh bổ sung định nghĩa về cơ sở hạ tầng thiết yếu để bao hàm luôn cả các mạng lưới điện thoại di động đời thứ năm, trong thực tế sẽ ngăn chặn không cho các doanh nghiệp châu Âu dùng thiết bị đến từ các nước hay công ty bị nghi ngờ là dùng thiết bị vào mục tiêu gián điệp hay phá hoại. Hoa Vi nằm trong danh sách các công ty bị tình nghi đó sẽ mặc nhiên bị loại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190131-my-chinh-thuc-yeu-cau-canada-cho-dan-do-giam-doc-tai-chinh-hoa-vi
Mỹ ‘lo ngại’ an ninh của tổng thống tự phong Venezuela
Đặc sứ Mỹ về Venezuela mới được bổ nhiệm, ông Elliott Abrams, hôm 30/1 đã bày tỏ “lo ngại” cho an ninh của Tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido.Theo Reuters, ông cũng cảnh báo Tổng thống Nicolas Maduro rằng bất kỳ hành động nào đối với ông Guaido sẽ là một “bước đi hết sức ngu ngốc”.
“Chính quyền [Venezuela] thời gian qua không hành động chống lại ông ấy và tôi hy vọng rằng đó là vì họ nhận thấy rằng ông ấy có được sự ủng hộ của phần lớn người dân Venezuela và rằng sẽ là một bước đi hết sức ngu ngốc cho chính quyền nếu họ làm vậy”, ông Abrams nói sau khi được Ngoại trưởng Mike Pompeo bổ nhiệm là đặc sứ về Venezuela, theo Reuters.
Washington đã ủng hộ ông Guaido trong nỗ lực đẩy ông Maduro khỏi chức tổng thống.
XEM THÊM:
TT Venezuela nhắc tới Việt Nam, cảnh báo Mỹ
Trong khi đó, ông Maduro, vốn được hậu thuẫn bởi Nga và Trung Quốc, đã cấm ông Guaido rời Venezuela và phong tỏa tài sản của ông.
Theo Reuters, nhiều lãnh tụ đối lập Venezuela đã bị bắt trong những năm gần đây.
Ông Abrams nhấn mạnh rằng sẽ mất thời gian để lật đổ ông Maduro, vốn vẫn được quân đội ủng hộ.
Đặc sứ Abrams nói rằng các biện pháp trừng phạt về dầu khí mà Wasington áp đặt đầu tuần này là để bảo vệ tài sản của Venezuela.
Trong một diễn biến khác, theo Reuters, một quan chức Nhà Trắng cho biết rằng Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến ngày 1/2 sẽ tới Miami, nơi có nhiều người Venezuela lưu vong sinh sống, để vận động ủng hộ cho phe đối lập trước khi diễn ra các cuộc biểu tình chống Tổng thống Nicolas Maduro.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-lo-ng%E1%BA%A1i-an-ninh-c%E1%BB%A7a-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-t%E1%BB%B1-phong-venezuela/4766462.html
Trump gọi điện ủng hộ lãnh đạo đối lập Venezuela
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/1 gọi điện cho Tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela tái khẳng định sự ủng hộ cho “cuộc đấu tranh giành lại nền dân chủ,” trong khi Washsington đang đẩy mạnh nỗ lực lật đổ Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro.Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập đang nỗ lực thay thế ông Maduro, đã đồng ý duy trì liên lạc thường xuyên sau khi nhà chức trách Venezuela mở cuộc điều tra có thể đưa đến việc bắt giữ ông Guaido.
Những hành động nhắm vào ông Guaido, 35 tuổi, bao gồm cấm du hành và phong tỏa tài sản, là nhằm trả đũa các chế tài dầu mỏ mà Mỹ áp đặt trong tuần này lên Venezuela, một trong những quốc gia OPEC có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ nói chuyện với ông Guaido để “chúc mừng ông đảm đương nhiệm quyền Tổng thống và để nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Trump cho cuộc chiến của Venezuela giành lại nền dân chủ,” phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.
Ông Guaido cảm ơn ông Trump về cam kết của Mỹ đối với sự tự do và thịnh vượng ở Venezuela và khu vực và ghi nhận tầm quan trọng của các cuộc biểu tình được hoạch định trên khắp đất nước chống ông Maduro vào ngày thứ Tư và thứ Bảy tuần này, bà Sanders cho biết trong một thông cáo.
“Họ đồng ý duy trì liên lạc thường xuyên để hỗ trợ con đường của Venezuela quay trở lại sự ổn định, và xây dựng lại mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Venezuela,” bà Sanders nói.
Ông Maduro, 56 tuổi, cáo buộc ông Trump ra lệnh ám sát ông, trong khi cường quốc ủng hộ chính của ông là Nga hôm thứ Tư đã kêu gọi hòa giải trong một vụ đối đầu gây chia rẽ các cường quốc nước ngoài.
Ông Maduro, hiện đang đối mặt với thách thức lớn nhất đối với quyền cai trị của ông kể từ khi thay thế Hugo Chavez sáu năm trước, nói ông Trump đã ra lệnh cho nước láng giềng Colombia thủ tiêu ông.
Bogota và Washington thường xuyên phủ nhận điều đó, trong khi những đối thủ của ông Maduro nói ông thường sử dụng những cáo buộc như vậy để tung hỏa mù khi gặp rắc rối.
Tuy nhiên, những suy đoán về hành động quân sự chống lại ông Maduro đã bùng lên trong tuần này khi cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton, cầm một tập ghi chú với dòng chữ “5.000 binh sĩ tới Colombia.”
Ngày 30/1, Pháp cho biết Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, dường như né tránh lời kêu gọi tổ chức bầu cử Tổng thống lại và các Ngoại trưởng Châu Âu ngày 31/1 sẽ thảo luận các biện pháp đối ứng với diễn tiến này.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-goi-dien-ung-ho-lanh-dao-doi-lap-venezuela/4766350.html
Ngoại trưởng Mỹ vẫn chưa nêu rõ
địa điểm diễn ra Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào ngày 30 tháng 1 cho biết đã cử một phái đoàn thực hiện công việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Hàn Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra tại một nước Châu Á vào cuối tháng 2 tới đây.Hãng tin Fox News dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết như vừa nêu và được Reuters dẫn lại.
Theo ngoại trưởng Mike Pompeo, lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên đã nhất trí thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 nhưng vị ngoại trưởng không tiết lộ địa điểm chính xác sẽ diễn ra tại đâu và nói rằng hội nghị được tiến hành ở một nơi nào đó tại khu vực Châu Á. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đã cử một phái đoàn đến nơi diễn ra hội nghị trước để thực hiện công việc chuẩn bị và đảm bảo an ninh cho Hội nghị.
Ngoài ra, ông ngoại trưởng Mỹ cho biết ông hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ đi đến một bước tiến quan trọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên cũng như mang đến một tương lai tươi sáng cho người dân Bắc Hàn và đã đến lúc Hoa Kỳ và Triều Tiên thực hiện cam kết này.
Theo Reuters, vào tuần qua, Việt Nam lên tiếng rằng Hà Nội chưa được thông báo về thời điểm hay địa điểm của một thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên mới. Tuy nhiên Việt Nam tin tưởng có đủ khả năng đứng ra tổ chức cho sự kiện đó.
Cách đây hai tuần, các quan chức và giới ngoại giao cho biết Hà Nội mong muốn đứng ra đăng cai thượng đỉnh Hoa Kỳ- Bắc Triều Tiên lần thứ hai. Đồng thời Reuters dẫn hai nguồn cho biết Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho một cuộc thăm cấp quốc gia của chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un.
Singapore là nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều có cuộc gặp lần đầu tiên vào tháng 6/2018.
Kỳ này, thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng được đề cập đến như là một địa điểm có thể diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/pompeo-says-trump-kim-summit-to-be-held-somewhere-in-asia-01312019085849.html
Apple gợi ý giảm giá bán iPhone vì doanh số giảm
Ông chủ Apple Tim Cook nói bóng gió về việc giảm giá iPhone ở một số nơi trong nỗ lực thúc đẩy doanh số bán sản phẩm.Doanh thu từ iPhone, vốn chiếm phần lớn lợi nhuận của Apple, đã giảm 15% trong Quý 4 – 2018.
Tổng doanh thu Quý 4 của Apple thì giảm 5% so với cùng kỳ, xuống còn 84,3 tỷ đôla, thấp hơn kỳ vọng.
Sự chững lại này đã được dự kiến từ trước, khi gã khổng lồ công nghệ đưa ra cảnh báo đến các nhà đầu tư hồi đầu tháng này.
Apple đổ lỗi cho vấn đề một phần là do sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Doanh thu bán hàng trung bình mỗi Quý của Apple ở Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, Đài Loan… đã giảm 25%.
Con số này ở Châu Âu là khoảng 3%.
Ở Châu Mỹ – thị trường lớn nhất của công ty – doanh số lại tăng gần 5%.
Tim Cook nhận định nhiều khách hàng còn băn khoăn vì mức giá quá cao của các mẫu iPhone mới. Việc đồng USD đang có vị thế vững mạnh khiến iPhone mới trở nên tương đối đắt hơn tại nhiều thị trường mới nổi, làm tổn hại đến doanh số bán hàng.
CEO Apple nói công ty đã bắt đầu quá trình định giá lại điện thoại của mình để bảo vệ khách hàng (ở một số thị trường) khỏi các biến động tiền tệ.
Dù vậy, Apple đã đưa ra dự đoán mức giảm 3,4% doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2019.
“Những thay đổi trong tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, sẽ tiếp tục tồn tại”, Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple cho biết.
Khó khăn không chỉ đến với gã khổng lồ Apple. Theo số liệu phân tích thị trường của Canalys, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm đến 5% trong năm 2018.
Giá cổ phiếu của Quả Táo giảm 1/3 (kể từ tháng 10/2018) đã khiến các nhà đầu tư lo ngại iPhone đang mất dần sức hấp dẫn trên thị trường.
Nỗi lo sợ càng gia tăng sau khi hãng công nghệ tuyên bố sẽ ngừng báo cáo doanh số bán ra mỗi Quý đối với các sản phẩm iPhone, iPad và Macbook.
Giữa cơn bão, Apple đón nhận tín hiệu đáng mừng khi cổ phiếu bất ngờ tăng 4% sau phiên giao dịch 29/1. Điều này phần nào giúp củng cố sức mạnh của gã khổng lồ.
Doanh thu từ các mảng dịch vụ như iTunes, Apple store, Apple Pay… cũng tăng 19%, lên mức kỷ lục 10,9 tỷ đô la trong Quý cuối cùng của năm 2018.
Dù Quý 4 -2018 được xem là giai đoạn tệ nhất của Apple trong nhiều năm qua, những tin xấu đã bị loại bỏ nhờ tăng trưởng tốt của mảng dịch vụ.
Apple đang dần dịch chuyển sang loại hình công ty không quá phụ thuộc vào các sản phẩm phần cứng, và những con số này cho thấy quá trình chuyển đổi đang diễn ra tốt đẹp.
Với 245 tỷ đô la, Apple hoàn toàn có thể vung tiền để mua lại một vài công ty lớn trong lĩnh vực giải trí.
Tim Cook cho biết ông vẫn tự tin vào kết quả kinh doanh nhờ doanh số tăng mạnh mẽ của iPad, Mac và sự tăng trưởng ở mảng dịch vụ.
Tổng lợi nhuận của quý vẫn chưa giảm quá 1%, ở mức 19,97 tỷ đôla.
“Mặc dù thật đáng thất vọng khi lợi nhuận thấp hơn dự kiến, chiến lược của Apple là dài hạn và kết quả này chứng minh rằng sức mạnh nền tảng của Apple rất vững chắc”, Tim Cook kết luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47053148
Tổ chức Trump quyết
không thuê lao động nhập cư bất hợp pháp
Tổ chức Trump hôm thứ Tư đáp lại những tố cáo rằng một số nhân viên của tổ chức ở Mỹ bất hợp pháp, nói rằng họ sẽ sử dụng hệ thống điện tử E-Verify tại tất cả các địa điểm kinh doanh của họ để kiểm tra giấy tờ của nhân viên.Một luật sư cho 12 nhân viên là người nhập cư tại Câu lạc bộ Golf Quốc gia Trump ở bang New York, Quận Westchester, cho biết gần đây họ đã bị sa thải vào ngày 18 tháng 1. Ông này nói rằng nhiều người đã làm việc ở đó hàng chục năm hoặc hơn. Những nhân viên tại một câu lạc bộ Trump khác ở bang New Jersey lộ diện vào tháng trước và cáo buộc các quản lí ở đó vẫn thuê họ dù biết họ ở Mỹ bất hợp pháp.
“Chúng tôi đang tích cực tiến hành việc thống nhất quy trình này trên khắp các địa điểm của chúng tôi và sẽ áp dụng E-verify tại bất kì địa điểm nào hiện không sử dụng hệ thống này,” Eric Trump, phó chủ tịch điều hành của Tổ chức Trump, nói trong một phát biểu gửi cho hãng tin AP. “Trong tư cách một công ty, chúng tôi rất coi trọng nghĩa vụ này và khi gặp tình huống mà trong đó nhân viên trưng ra giấy tờ sai trái và gian lận, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp.”
“Tôi phải nói rằng, đối với cá nhân tôi, toàn bộ chuyện này thực sự rất đau lòng,” ông nói thêm. “Các nhân viên của chúng tôi giống như gia đình nhưng khi phát hiện có giấy tờ giả, chủ lao động có rất ít lựa chọn.”
Ra mắt vào năm 1996, hệ thống E-verify cho phép chủ lao động kiểm tra giấy tờ được người xin việc nộp cùng với hồ sơ tại Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan An sinh Xã hội để xem họ có được phép làm việc hay không.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump kêu gọi tất cả chủ lao động sử dụng hệ thống E-verify trực tuyến của chính phủ liên bang. Ông nói với đài MSNBC vào năm 2016 rằng ông sử dụng hệ thống này tại các địa điểm kinh doanh của ông, và phải có “hình phạt tài chính lớn” đối với các công ty thuê nhân công không có giấy tờ.
https://www.voatiengviet.com/a/to-chuc-trump-quyet-khong-thue-lao-don-nhap-cu-bat-hop-phap/4766358.html
Mỹ trục xuất về Mêhicô
những người Trung Mỹ xin tị nạn đầu tiên
Trọng NghĩaĐúng theo ý muốn của tổng thống Donald Trump, kể từ hôm 29/01/2019 vừa qua, chính quyền Mỹ đã bắt đầu thực hiện chương trình mang tên “Thủ tục bảo vệ người di cư”, theo đó Mỹ giao lại cho Mêhicô quản lý những người di cư từ khu vực Trung Mỹ, đã đi qua Mêhicô để vào Mỹ nộp đơn xin tị nạn, trong khi chờ các đơn này được cứu xét.
Theo thông tín viên Patrick John Buffe tại Mêhicô, đây là một biện pháp đơn phương của Mỹ, nhưng chính quyền Mêhicô bị buộc phải chấp nhận.
“Kế hoạch của Donald Trump bắt đầu được triển khai thực hiện : Kể từ hôm thứ Ba 29/01/2019, mười hai người di cư Trung Mỹ đã bị gửi trở lại Tijuana, thành phố Mêhicô sát biên giới với Hoa Kỳ, để được giao cho chính quyền Mêhicô phụ trách.
Về nguyên tắc, mỗi ngày sẽ có khoảng 20 người trong diện này bị gửi trả về Mêhicô, trong lúc không ai biết rõ số lượng tổng cộng sẽ là bao nhiêu.
Cho dù đây là một biện pháp đơn phương của Mỹ, Mêhicô đã không có lựa chọn thực sự nào khác, ngoài việc đón nhận những người di cư này. Chính phủ sẽ cung cấp cho họ một thị thực cư trú tạm thời, viện lý do nhân đạo.
Riêng đối với những người đã nộp đơn xin tị nạn tại Mỹ, thời gian chờ đợi tại Mêhicô có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, do việc xét đơn chậm chạp tại Mỹ, nơi mà hệ thống tư pháp phải xử lý khoảng 800.000 đơn xin tị nạn.
Trong suốt thời gian đó, những người di cư sẽ phải tìm nơi ở, tìm việc làm và sống trong một thành phố nổi tiếng về tình trạng bạo lực và mất an ninh.
Và nếu đơn xin tị nạn của họ rốt cuộc sẽ bị từ chối – trong khoảng 90% trường hợp – họ sẽ phải ở lại Mêhicô, hoặc trở về nước, thậm chí cố gắng trở lại Mỹ, nhưng lần này là một cách bất hợp pháp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190131-my-truc-xuat-ve-mehico-nhung-nguoi-trung-my-xin-ti-nan-dau-tien
Trump nói với Quốc hội: Miễn bàn
nếu không cấp tiền xây tường thành
Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã gặp nhau trong một phiên làm việc công khai vào thứ Tư dù rằng Tổng thống Donald Trump cương quyết cứng rắn trong việc xây dựng một bức tường thành ở biên giới Mỹ-Mexico.Các nhà đàm phán của Quốc hội đang chạy đua với hạn chót 15 tháng 2 để nhất trí về ngân quỹ cấp đến ngày 30 tháng 9 cho một số cơ quan liên bang, bao gồm Bộ An ninh Nội địa và các hoạt động giữ gin an ninh biên giới của họ.
Trên thực tế, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có khoảng một tuần để giải quyết những khác biệt mà vẫn cho toàn bộ Hạ viện và Thượng viện đủ thời gian để tranh luận và biểu quyết về bất kì thỏa thuận nào.
Trong một dòng tweet hôm thứ Tư, ông Trump cảnh báo: “Nếu ủy ban của phe Cộng hòa và Dân chủ hiện đang họp về An ninh Biên giới không bàn bạc hoặc cân nhắc một Bức tường hoặc Hàng rào, thì họ đang Lãng phí thời gian của họ!”
Hàng rào từ lâu đã được dựng lên tại một số nơi ở biên giới để ngăn chặn ma túy bất hợp pháp và người nhập cư không có giấy tờ và nhiều hàng rào nữa đang được lắp đặt.
Phiên họp của ủy ban hôm thứ Tư có thể là phiên họp công khai duy nhất vì đằng sau hậu trường là mới là nơi mà hoạt động thương lượng thực sự diễn ra.
Nếu Quốc hội từ chối yêu cầu của ông Trump, ông đã đe dọa tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” để sử dụng kinh phí hiện có của Quốc hội cho các mục đích khác – ví dụ như lấy tiền từ Bộ Quốc phòng – để xây dựng bức tường của ông.
Có sự chống đối của cả hai đảng trong Quốc hội đối với kế hoạch đó, điều này có thể sẽ châm ngòi cho những thách thức pháp lí vì Hiến pháp Mỹ trao cho Quốc hội quyền phân bổ ngân quỹ và chỉ đạo sử dụng ngân quỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-voi-quoc-hoi-mien-ban-neu-khong-cap-tien-xay-tuong-thanh/4766352.html
Rét kỷ lục ở Mỹ với ‘lốc xoáy vùng cực’
Nhiều nơi trên nước Mỹ đang gồng mình chịu đựng đợt rét do nhiệt độ thấp kỷ lục diễn ra vào ngày 30/1, khi luồng khí lạnh từ Bắc cực đổ xuống một khu vực rộng lớn của nước Mỹ, lan rộng khắp các bang miền Trung Tây và miền Đông.Reuters dẫn thông tin từ cơ quan Khí tượng Quốc gia Hoa Kỳ cho biết nhiệt độ có thể rớt xuống mức -40oF (-40o C) ở các vùng đồng bằng phía Bắc và vùng Đại Hồ.
Các giới chức ở Illinois và các bang miền Bắc khuyên dân nên ở trong nhà.
Thành phố Chicago đang chuẩn bị cho một trong những ngày lạnh giá nhất trong lịch sử.
Gần 2.000 chuyến bay đã bị hủy bỏ vào sáng 30/1, phần lớn là từ sân bay quốc tế O’Hare và Chicago Midway, Reuters trích thông tin từ trang web theo dõi chuyến bay FlightAware.
Dịch vụ tàu lửa Amtrak cho biết họ đã hủy tất cả các chuyến tàu ra vào thành phố Chicago, nơi dự báo nhiệt độ sẽ xuống mức -15 oF vào thứ Tư 30/1, và mức thấp kỷ lục -27 oF vào ngày hôm sau, thứ Năm.
Đợt rét kỷ lục gây ra bởi lốc xoáy vùng cực, một luồng khí xoáy quanh tầng bình lưu trên Bắc Cực, nhưng luồng xoáy bị phá vỡ và hiện đang di chuyển về hướng nam.
Một số nơi ở hai bang North và South Dakota, Wisconsin và Minnesota được cảnh báo nhiệt độ sẽ xuống thấp đến mức -70oF dưới 0 vào thứ Tư, mức có thể đe dọa tính mạng, theo các nhà dự báo thời tiết.
https://www.voatiengviet.com/a/ret-ky-luc-o-my-voi-loc-xoay-vung-cuc/4765939.html
‘Bệnh lạ’ tiếp diễn,
Canada giảm nửa nhân viên sứ quán ở Cuba
Canada quyết định cắt giảm một nửa nhân viên ngoại giao ở Cuba sau khi có thêm một người khác bị bệnh, Ottawa cho biết hôm 30/1.Theo Reuters, kể từ năm 2017 đến nay đã có 14 nhà ngoại giao Canada mắc các triệu chứng bí ẩn.
Cuba: Người nhà sứ quán Canada mắc ‘bệnh lạ’
Hilton không cho đại sứ Cuba thuê phòng
Các nhà ngoại giao Canada và Hoa Kỳ đóng tại Havana lần đầu tiên bắt đầu than phiền chuyện họ bị chóng mặt, đau đầu và buồn nôn vào mùa xuân năm 2017.
Hoa Kỳ đã giảm lượng nhân viên sứ quán ở Cuba từ hơn 50 xuống còn 18 người, sau khi hơn 20 nhân viên “bị bệnh bất thường”.
“Một sự cắt giảm lượng nhân viên sứ quán Canada được coi là phản ứng thích hợp,” một giới chức chính phủ Canada nói với phóng viên.
Vụ việc hồi tháng 11/2018 là có thêm một nhà ngoại giao ở Canada được ghi nhận mắc bệnh trong nhiều tháng, dẫn đến quyết định sơ tán những nhân viên còn lại. Người nhà của nhân viên ngoại giao cũng rời đi năm ngoái.
Thông cáo của Josefina Vidal, Đại sứ Cuba tại Canada nói rằng Havana coi quyết định của Canada là “không thể hiểu được”, vì nó sẽ không giúp giải quyết bí ẩn về các vụ nhà ngoại giao mắc bệnh và sẽ làm tổn thương quan hệ song phương.
“Cách hành xử này chỉ có lợi cho những người ở Hoa Kỳ tận dụng vấn đề này để công kích và chê bai Cuba, bà Vidal nói.
Chính phủ Cuba đã hợp tác với một cuộc điều tra của Canada về nguyên nhân gây ra những căn bệnh chưa được xác định.
Cuba: ‘Không có chuyện tấn công nhân viên Mỹ’
16 nhân viên Mỹ ở Cuba bị tổn thương thính lực
Chi tiết vụ nhân viên sứ quán Mỹ bị ‘tấn công âm thanh’ ở Cuba
Mỹ chấm dứt miễn visa cho di dân Cuba
Hồi tháng 4/2018, Chính phủ Canada đưa gia đình của các nhân viên ngoại giao đóng ở thủ đô Havana, Cuba, về nước.
Động thái này diễn ra sau khi 10 người Canada tiếp tục có các triệu chứng không thể lý giải, giới chức cho biết.
Những người này, gồm một số trẻ vị thành niên, bị chóng mặt, buồn nôn và mất tập trung.
Báo cáo của một chuyên gia y tế Canada nói rằng dạng tổn thương não mới có thể là nguyên nhân của căn bệnh bí ẩn mà nhân viên ngoại giao và người nhà họ ở Cuba đang mắc phải.
Canada nói rằng họ loại trừ giả thuyết “tấn công âm thanh” là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Các nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana cũng bị bệnh tương tự hồi năm ngoái.
Washington rút nhân viên ngoại giao ở Havana về nước vào tháng 9/2017 và cảnh báo các công dân Hoa Kỳ không tới Cuba.
Họ cho biết 21 nhân viên sứ quán bị thương trong vụ này.
Việt Nam ‘yêu cầu Mỹ xóa cấm vận chống Cuba’
Raul Castro lên án chính sách của Trump
Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba
Cuba sẽ cần ‘cách mạng khác’ hậu Fidel?
‘Thao túng chính trị’
Giới chức cho biết, một số người dường như hồi phục sau đó.
Cuba trước đó bác cáo buộc về cuộc tấn công âm thanh nhắm vào nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở Havana.
Tháng 10/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez tuyên bố cáo buộc của Mỹ là “thao túng chính trị” nhằm phá hoại quan hệ song phương.
Hơn một triệu người Canada đến Cuba mỗi năm, nhưng Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada cho biết không có ghi nhận du khách Canada mắc căn bệnh này.
Khác với Hoa Kỳ, Canada không cắt quan hệ ngoại giao với Havana sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47052790
Venezuela: Tại sao một số nước ủng hộ Maduro?
Tình hình chính trị của Venezuela không chỉ thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế mà còn chia thế giới làm hai phe, ủng hộ tổng thống lâm thời Guaidó hay đương thời Maduro.Tính cho đến giờ ngoài Hoa Kỳ có hơn 20 quốc gia ủng hộ Guaidó.
Tuy nhiên một số nước vẫn khẳng định sự hỗ trợ của họ với ông Nicolás Maduro.
Chúng ta duyệt qua những nước ủng hộ Tổng thống Maduro và chế độ bị cho là độc tài và đàn áp nhân quyền của ông để xem tại sao.
Venezuela hủy quan hệ ngoại giao với Mỹ
Trump gọi đối lập Venezuela là tổng thống
Cuba
Cuba, Bolivia và Mexico là 3 nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ Tổng thống Maduro.
Granma, tờ báo nhà nước của Cuba nói rằng qua việc công nhận Guaidó là tổng thống lâm thời, Donald Trump đã chỉ đạo một cuộc đảo chính.
Giới phân tích cho rằng một trong những lý do Cuba ủng hộ chính phủ Maduro là vì từ cuối năm 1999, Cuba và Venezuela đã trở thành hai đồng minh thân thiết cả về kinh tế lẫn chính trị, với sự lệ thuộc vào nhau ngày càng tăng.
Sự phụ thuộc hai chiều giữa Cuba và Venezuela được thấy rõ trong nhiều lãnh vực, trong đó có thương mại và đầu tư, an ninh và ngoại giao.
Venezuela là nguồn cung cấp dầu quan trọng cho Cuba để đổi lấy dịch vụ của các bác sĩ, giáo viên, huấn luyện viên thể thao và cố vấn quân sự của nước này.
Nhưng ngoài ra, giống như Bolivia, Cuba ủng hộ Venezuela còn là vì hai nước có cùng ý thức hệ.
Mexico
“Chúng tôi công nhận các lãnh đạo được bầu theo hiến pháp Venezuela”, Jesus Ramirez, phát ngôn viên của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, nói với AFP hôm 24/1.
Cùng với Uruguay, Mexico là hai quốc gia Mỹ Latinh nổi tiếng khác công nhận Maduro, cùng lên tiếng kêu gọi chính phủ Venezuela và phe đối lập đàm phán thêm để tìm giải pháp hòa bình.
Mexico, quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha lớn nhất thế giới, trước đây từng chỉ trích Venezuela, nhưng từ thời tổng thống Lopez Obrador, nước này trở lại chính sách đối ngoại truyền thống dựa trên “nguyên tắc không can thiệp” vấn đề nội bộ của các quốc gia khác.
TT Donald Trump: ‘Các nước cần chống lại CNXH’
Maduro cáo buộc Mỹ âm mưu giết ông ta
Trước đó, Mexico là thành viên duy nhất của Tập đoàn Lima gồm 14 quốc gia – bao gồm một số cường quốc Mỹ Latinh hàng đầu và Canada – không ký tuyên bố vào ngày 4/1 kêu gọi ông Maduro chuyển giao quyền lực cho cơ quan lập pháp được bầu cử dân chủ, thay vì bắt đầu một nhiệm kỳ mới sau đó sáu ngày.
Tuy nhiên tối hôm 28/1, Đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ Martha Barcena nói với báo giới ở Washington là chính phủ của bà không đứng vào phe nào trong cuộc khủng hoảng này.
“Chúng tôi không chống lại quan điểm của Hoa Kỳ tại Venezuela. Chúng tôi không đứng về phía Maduro. Chúng tôi không đứng về phía Guaidó. Chúng tôi nghĩ rằng có thể tìm ra cách thứ ba cho một giải pháp hòa bình.” Đại sứ Martha Barcena’s nói.
Bolivia
Tổng thống cánh tả của Bolivia, Evo Morales, thường xuyên phê bình chỉ trích ông Trump – đã tấn công những gì ông gọi là một cuộc tấn công của đế quốc vào quyền dân chủ và quyền tự quyết của Nam Mỹ.
Ông Morales khẳng định mối quan hệ lâu dài với Tổng thống Nicolas Maduro vào thứ Tư 24/1, viết trên Twitter rằng sẽ đứng về phía Venezuela chống lại can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề của Nam Mỹ, theo Reuters:
“Sự đoàn kết của chúng tôi với người dân Venezuela và người anh em Nicolas Maduro, trong những giờ phút quyết định này, khi móng vuốt của chủ nghĩa đế quốc lại tìm cách làm tổn thương nền dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc Nam Mỹ,”
Tổng thống Bolivian Evo Morales vừa kỷ niệm 13 năm tại vị vào thứ Ba 22/1 trong bối cảnh tranh cãi về việc liệu ông có nên được phép tái tranh cử tổng thống hay không.
Năm ngoái, Bolivia đã chấp nhận Morales ra ứng cử nhiệm kỳ thứ tư bất chấp việc này bị cấm trong hiến pháp và kết quả trưng cầu dân ý phản đối cuộc tái bầu cử như vậy. Cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ tổng thống năm năm tới dự kiến diễn ra vào tháng Mười.
Trung Quốc
Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Venezuela, với số nợ khổng lồ $20 tỷ đôla, nói hôm 24/1 là nước này phản đối những can thiệp bên ngoài sau khi Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Guaidó, và cho biết họ ủng hộ những nỗ lực trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định đất nước của chính phủ Venezuela.
Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?
Venezuela: Juan Guaido, người được Donald Trump công nhận, là ai?
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt hoặc can thiệp từ bên ngoài thường làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn và không hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề thực tế,” một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc nói.
Trung Quốc đã dồn nhiều tiền vào Venezuela với hy vọng có thể tiếp cận được nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ.
Việt Nam
Lên tiếng sau khi Trung Quốc tỏ thái độ, Việt Nam nói “luôn quan tâm, theo dõi mong muốn Venezuela hòa bình và ổn định, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Venezuela, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực cũng như trên toàn thế giới”.
Quan hệ giữa Việt Nam và Venezuela dù đã được thiết lập từ tháng 9 năm 1989, nhưng tương quan giữa hai bên không được cho là mật thiết, vì thế thái độ trung lập của Việt Nam không làm ai ngạc nhiên.
Thêm vào đó, Việt Nam có lẽ cũng không muốn mâu thuẫn với quan điểm của Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela.
Nga
Là chủ nợ lớn thứ hai của Venezuela, Nga là quốc gia lên tiếng ủng hộ Tổng thống Maduro rõ ràng, mạnh mẽ nhất.
Một tuyên bố của Nga trích lời Tổng thống Putin viết: “Sự can thiệp phá hoại từ nước ngoài đã vi phạm một cách trắng trợn các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.”
Tổng thống Vladimir Putin cũng gọi phôn cho Maduro bày tỏ sự hỗ trợ của mình.
Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev, mô tả sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Guaidó là một cuộc đảo chính và buộc tội Hoa Kỳ đạo đức giả , lý luận rằng người Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tuyên bố mình là tổng thống.
Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản
Venezuela: Quốc gia đang ‘rơi tự do’
Franz Klintsevich, thượng nghị sĩ Nga và một đại tá đã nghỉ hưu, nói rằng nếu cần, Moscow có thể kết thúc hợp tác quân sự với Venezuela nếu Maduro, người mà ông nói là tổng thống hợp pháp, bị lật đổ.
Đối với Nga, Venezuela cho đến nay vẫn là một nền tảng quan trọng trong chiến lược giành chiến thắng trước các quốc gia gần Hoa Kỳ, cả vì lý do quân sự và kinh tế.
Nga đã đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Nó có quan hệ quân sự chặt chẽ với đất nước này. Tháng 12 năm ngoái, hai máy bay ném bom tầm xa của Nga đã bay tới Venezuela như một cử chỉ ủng hộ Tổng thống Maduro, làm tức giận Washington.
Nga hy vọng rằng các khoản đầu tư sẽ biến Maduro thành một đối tác kinh doanh lâu dài, và mất đi Maduro không có lợi cho những đầu tư này.
Thổ Nhĩ Kỳ
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ủng hộ Tổng thống Maduro – một động thái mà đối với một số người sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một trục mới nổi của các chính phủ thiên về độc tài.
Recep Tayyip Erdoğan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, gọi điện cho ông Maduro để đề nghị hỗ trợ vào hôm 24/1, sau đó ông Erdoğan nói trong một cuộc họp báo rằng ông đã bị sốc khi nghe tin Mỹ ủng hộ Guaidó.
“Bạn phải tôn trọng kết quả bầu cử. Tuyên bố của ông Trump, một người tin vào dân chủ, đã gây sốc cho tôi,” ông Erdoğan nói. Tôi đã gọi Maduro trên đường trở về từ Nga. Tôi nói rất rõ ràng: “Không bao giờ cho phép những hành vi chống dân chủ. Anh phải đứng vững”.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu đưa ra cảnh báo về tuyên bố của Guaidó:
“Có một tổng thống dân cử và một người khác tuyên bố mình là tổng thống và một số nước công nhận điều này. Điều này có thể gây ra sự hỗn loạn,” ông Mevlüt Çavuşoğlu nói với kênh tin tức A Haber.
Chúng tôi chống lại sự cô lập của các nước. Tôi hy vọng tình hình sẽ được giải quyết một ôn hòa.”
Thổ Nhĩ Kỳ, trên danh nghĩa là một đồng minh của Hoa Kỳ và là thành viên của NATO, có thể gắn bó với Maduro vì mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Venezuela.
Iran
Iran phản đối các sự kiện ở Venezuela, nói tuyên bố của phe đối lập rằng họ nắm giữ chức tổng thống là một cuộc đảo chính, và một nỗ lực giành quyền lực bất hợp pháp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Ghasemi, cho biết: “Cộng hòa Hồi giáo Iran hỗ trợ chính phủ và nhân dân Venezuela chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài, và bất kỳ hành động phi pháp và bất hợp pháp nào như việc đảo chính.”
Giới quan sát cho rằng, thường là nạn nhân của những chỉ trích của Hoa Kỳ, việc ủng hộ chính quyền Maduro của Iran còn là thái độ ủng hộ một đồng minh cũng là cái gai trong mắt Mỹ.
Uruguay
Hôm 23/1, Bộ Ngoại giao Uruguay đưa ra tuyên bố rằng hai nước Uruguay và Mexico đang đề xuất một “quá trình đàm phán mới đáng tin cậy và hoàn toàn tôn trọng luật pháp và nhân quyền để giải quyết tranh chấp của Venezuela một cách hòa bình.”
Uruguay cùng với Mexico kêu gọi tất cả các bên trong và bên ngoài liên quan đến cuộc khủng hoảng xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn bạo lực leo thang.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46983090
Máy bay Nga chuyển vàng khỏi Venezuela?
Nhà Trắng hôm 30/1 cảnh báo không mua bán vàng cũng như dầu của Venezuela, sau khi có tin chính quyền của Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro đã chuyển vàng ra khỏi đất nước trên máy bay Nga.Viết trên Twitter, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cảnh báo không buôn bán những thứ “đánh cắp” từ người dân Venezuela, trong bối cảnh phe đối lập với chính phủ của ông Maduro lo ngại rằng một chiếc máy bay của Nga đã chuyển vàng ra khỏi Caracas chiều ngày 30/1.
Theo Reuters, Venezuela thời gian qua chật vật trả nợ cho các đồng minh là Nga và Trung Quốc vì sản lượng dầu sụt giảm, và nay, với lệnh trừng phạt của Mỹ, chính quyền Caracas sẽ gặp khó khăn hơn nữa.
XEM THÊM:
TT Venezuela nhắc tới Việt Nam, cảnh báo Mỹ
Trong bối cảnh đó, theo hãng tin Anh, việc một chiếc Boeing 777 của Nga bay từ Moscow tới Caracas hôm 28/1 dẫn tới đồn đoán rằng chính quyền của ông Maduro chuyển thêm lượng dự trữ vàng ra khỏi nước này, sau khi đưa lượng vàng trị giá 900 triệu đôla tới Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái. Theo Reuters, đó là một phần của chiến lược gia tăng thanh khoản của ngân hàng trung ương.
Chiếc máy bay của hãng Nordwind Airlines rời Venezuela chiều ngày 30/1, một giờ sau khi một chiếc máy bay chở hàng Boeing 757 của Nga tới Caracas. Hiện không có các chuyến bay thường lệ giữa Nga và Venezuela.
Nhà lập pháp Venezuela Jose Guerra, một cựu kinh tế gia của ngân hàng trung ương, nói tại Quốc hội do phe đối lập lãnh đạo rằng chiếc máy bay của Nordwind chở một số lượng dự trữ vàng sang Nga. Ngân hàng trung ương Venezuela không phản hồi trước một đề nghị bình luận, theo Reuters.
Trong khi đó, ông Elliott Abrams, một người mới được bổ nhiệm làm đặc sứ Mỹ về Venezuela, nói rằng Washington đang tìm kiếm tài sản của chính phủ của ông Maduro, trong đó có dự trữ vàng và các tài khoản ngân hàng, ở khắp nơi trên thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/m%C3%A1y-bay-nga-chuy%E1%BB%83n-v%C3%A0ng-kh%E1%BB%8Fi-venezuela-/4766430.html
Venezuela: TT lâm thời Guaidó nói ‘đã gặp quân đội’
Lãnh đạo phe đối lập của Venezuela, Juan Guaidó, đã tổ chức các cuộc họp bí mật với quân đội để giành được sự ủng hộ trong việc lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro.Ông Guaidó tiết lộ tin này trong một bài bình luận trên New York Times.
Nhà lãnh đạo phe đối lập tuyên bố mình là tổng thống lâm thời hồi đầu tháng này, khiến căng thẳng cuộc đấu tranh quyền lực leo thang.
Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ ông Maduro, trong khi Mỹ và một số nước Mỹ Latinh đã công nhận ông Guaidó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet hôm thứ Tư rằng ông đã nói chuyện với ông Guaidó và ủng hộ “việc tuyên bố làm tổng thống lịch sử”, viết trong một tweet thứ hai rằng “Cuộc chiến giành tự do đã bắt đầu!
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt dự kiến sẽ thúc giục các quốc gia EU áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Maduro vào thứ Năm, sau khi cũng nói chuyện với ông Guaidó hôm thứ Tư.
Venezuela: Tại sao một số nước ủng hộ Maduro?
Tòa Venezuela cấm Juan Guaido ra nước ngoài
TQ lo ngại tiền đầu tư vào Venezuela thời Maduro
Khoảng ba triệu người đã trốn chạy khỏi Venezuela trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng cao độ, và gia tăng bạo lực trong những tuần gần đây.
Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp đất nước Venezuela kể từ khi ông Maduro bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 10 tháng 1. Ông đã được bầu vào năm ngoái trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, trong đó nhiều ứng cử viên phe đối lập đã bị cấm tranh cử hoặc bị bỏ tù.
Bài viết của ông Guaidó nói gì?
“Chúng tôi đã có những cuộc họp bí mật với các thành viên của lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh”, ông Guaidó viết trong bài báo trên New York Times.
“Việc quân đội thôi hỗ trợ ông Maduro rất quan trọng để tạo ra sự thay đổi trong chính phủ và phần lớn những người phục vụ quân đội đồng ý rằng các biến chuyển gần đây của đất nước không thể tiếp tục mãi được.”
Bài báo cũng nói rằng phe đối lập đã đề nghị ra ân xá cho các lực lượng vũ trang “không bị kết tội chống lại loài người”.
Là người đứng đầu Quốc hội Venezuela, ông Guaidó nói rằng hiến pháp cho phép ông nắm quyền lực tạm thời khi tổng thống đương nhiệm được coi là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện Venezuela đã cấm nhà lãnh đạo phe đối lập rời khỏi đất nước, và đóng băng các tài khoản ngân hàng của ông.
Venezuela rồi sẽ ra sao với hai tổng thống?
Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?
Bài viết của ông Guaidó diễn ra cùng ngày khi các cuộc biểu tình mới bắt đầu chống lại ông Maduro.
Tổng thống Venezuela trước đó nói với hãng thông tấn Nga RIA rằng ông đã sẵn sàng đàm phán với phe đối lập “để chúng ta có thể nói chuyện vì lợi ích của Venezuela”.
Ông nói thêm rằng ông không sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư hay tống tiền, và khăng khăng rằng ông có sự hậu thuẫn của quân đội Venezuela, cáo buộc những kẻ đào ngũ đã âm mưu đảo chính.
Phản ứng về cuộc khủng hoảng
Hoa Kỳ và hơn 20 quốc gia khác đã ủng hộ ông Guaidó.
Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ áp đặt kiềm chế đối với công ty dầu khí quốc doanh PDVSA.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã nói chuyện với các doanh nghiệp thông qua Twitter hôm thứ Tư, nói với họ rằng đừng giao dịch với “vàng, dầu hoặc các hàng hóa khác của Venezuela” bị đánh cắp khỏi người dân bởi “băng đảng Maduro”.
Ông Maduro có sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã nói chuyện với các doanh nghiệp thông qua Twitter hôm thứ Tư, nói với họ rằng đừng giao dịch với “vàng, dầu hoặc các hàng hóa khác của Venezuela” bị đánh cắp khỏi người dân bởi “băng đảng Maduro”.
Ông Maduro được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chức Nga đã phủ nhận các báo cáo rằng lính đánh thuê từ nước này đã được gửi qua Venezuela để bảo vệ mạng sống của Maduro.
Mexico và Uruguay trong khi đó đã công bố kế hoạch cho một hội nghị của các quốc gia “trung lập” vào ngày 7 tháng 2 tại thủ đô Montevideo của Uruguay, để thảo luận về cuộc khủng hoảng.
Áp lực ngoại giao gia tăng
Phân tích của James Landale, phóng viên đặc trảch ngoại giao của BBC
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng nếu ông Maduro không công bố có cuộc bầu cử mới vào Chủ nhật, thì họ sẽ cùng Hoa Kỳ và những người khác chính thức công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaido, làm tổng thống lâm thời.
Hôm thứ Năm, tại một cuộc họp ở Romania, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt sẽ thúc giục các đối tác EU của mình tiến xa hơn và xem xét việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chủ chốt trong chính phủ.
Điều đó sẽ không dễ dàng, đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của EU, nhưng bộ trưởng ngoại giao Anh tin rằng đề nghị ấy nên được cứu xét.
EU có một chế độ trừng phạt hiện có đối với 18 người Venezuela bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và danh sách này có thể được gia tăng.
Ông Guaido, người đã nói chuyện với ông Hunt hôm thứ Tư, được hiểu là đang thúc giục EU thực hiện một hành động cứng rắn hơn đối với chính phủ ở Caracas.
Giới chức Hoa Kỳ trước đây đã tuyên bố rằng tất cả các lựa chọn “đang ở trên bàn” để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela, mà các nhà quan sát đã diễn giải là có thể bao gồm các hành động quân sự.
Ông Bolton cũng xuất hiện trong một cuộc họp báo với một cuốn sổ ghi chú có dòng chữ “5.000 quân tới Colombia”, giáp biên giới Venezuela.
Tập đoàn Lima – một cơ quan gồm 14 quốc gia bao gồm Canada được thành lập vào năm 2017 để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng – đã phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào nước này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47067783
Dân Venezuela tiếp tục biểu tình
đòi Tổng thống từ chức
Các bác sĩ trong trang phục y tế, doanh gia trong những bộ vest, và các thợ hồ trong y phục lao động cùng xuống đường ở thủ đô Venezuela hôm 30/1, vẫy quốc kỳ yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. Cuộc biểu tình do phe đối lập cổ súy nhằm tăng áp lực đối với nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội.Người biểu tình nói họ hưởng ứng lời kêu gọi của phe đối lập, tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ nữa bất chấp cách đáp trả mạnh tay của lực lượng an ninh hồi tuần trước đập tan các cuộc biểu tình chống chính phủ.
“Tôi thẳng thắn cất cao tiếng nói hơn bao giờ hết,” một người biểu tình tên Sobeia Gonzalez, 63 tuổi, nói với AP. “Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng ngày tàn của chính quyền này sắp tới.”
Cuộc biểu tình trước diễn ra cách đây đúng 1 tuần sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời giữa biển người ủng hộ, đưa Venezuela bước sang một chương mới trong cuộc xáo trộn chính trị trong lúc phong trào bài Maduro tìm cách lập nên một chính phủ chuyển tiếp và nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội Maduro đang xoay sở bám víu quyền lực.
Ông Guaido xuất hiện bất ngờ tại Đại học Trung ương Venezuela và phát biểu với sinh viên rằng “Chúng ta vẫn xuống đường” “không phải vì mọi chuyện tồi tệ thế nào, mà vì tương lai.”
Nhà lập pháp 35 tuổi này từ một nhân vật đối lập ít người biết đến trở thành một lực lượng chỉ huy trong nền chính trị quốc gia với sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai chục quốc gia khác công nhận ông là Tổng thống lâm thời của Venezuela.
Xáo trộn tại Venezuela biến thành một bế tắc địa chính trị lớn hơn khi ông Maduro tố cáo Mỹ dàn dựng một cuộc lật đổ thông qua sự ủng hộ ông Guaido và thực thi các chế tài dầu mỏ trong khi hai đồng minh lớn của Venezuela là Nga và Trung Quốc tiếp tục đứng về phía Tổng thống Maduro.
Hôm thứ ba, Tòa Tối cao Venezuela ra lệnh cấm ông Guaido xuất cảnh và phong tỏa tài khoản ngân hàng trong lúc cho tiến hành cuộc điều tra về các hoạt động chống chính phủ của ông Guaido.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cảnh cáo nếu ông Guaido bị hại thì Venezuela sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.
Ông Maduro ngày 30/1 gặp gỡ binh sĩ và ủng hộ viên, đồng thời tung video kêu gọi dân Mỹ nổi dậy chống lại Tổng thống Trump và ủng hộ ông là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
Ông Maduro tố cáo rằng ông Trump đang rình rập mỏ dầu của Venezuela và cảnh cáo Mỹ chớ can thiệp quân sự vào nước ông.
“Chúng tôi không cho phép có một Việt Nam ở Châu Mỹ Latin,” ông Maduro tuyên bố. “Nếu mục đích của Mỹ là xâm lược, họ sẽ có một Việt Nam tệ hại hơn họ tưởng.”
Trong tuần qua, hầu như ngày nào ông Maduro cũng giám sát các cuộc tập luyện quân sự phát sóng trên truyền hình nhằm chứng tỏ ông vẫn được quân đội hậu thuẫn. Đối với ông Maduro lẫn ông Guaido, sự hậu thuẫn của quân đội là hết sức thiết yếu.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga, RIA Novosti, ông Maduro nói sẵn sàng ngồi xuống đàm phán với phe đối lập vì hòa bình và tương lai của đất nước, một đề nghị ông đã đưa ra nhiều lần nhưng phe đối lập một mực khước từ.
Ông Maduro cũng tố cáo Tổng thống Trump ra lệnh ám sát ông, nhưng không đưa ra chứng cứ.
Các chế tài của Mỹ đầu tuần này nhắm vào công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela càng làm cho kinh tế nước này chao đảo khi nguồn thu 11 tỷ đô la từ xuất khẩu dầu của chính phủ Maduro trong năm sau đang bị siết lại.
Ông Maduro gọi các biện pháp trừng phạt này là tội ác và thề sẽ kiện Mỹ ra tòa.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-venezuela-tiep-tuc-bieu-tinh-doi-tong-thong-tu-chuc-/4766356.html
Venezuela : TT tự phong Juan Guaido
giới thiệu kế hoạch thoát khủng hoảng
Thùy DươngTổng thống Venezuela tự phong, Juan Guaido, hôm nay 31/01/2019, giới thiệu kế hoạch đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, xã hội.
Dân biểu đảng Xã hội – Dân Chủ, 35 tuổi, chủ tịch Quốc Hội Venezuela nhấn mạnh trên Twitter là sẽ làm việc để ổn định lại nền kinh tế đất nước, thiết lập lại các dịch vụ công và khắc phục tình trạng đói nghèo. Theo AFP, Juan Guaido khẳng định : “Chúng tôi biết phải làm thế nào để đạt được điều đó”.
Cũng trong ngày hôm qua 30/01, vị tổng thống Venezuela tự phong tham gia cuộc tuần hành của phe đối lập, với sự tham gia của hàng ngàn người ủng hộ ông để kêu gọi quân đội quay lưng lại với Nicolas Maduro.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Benjamin Delille cho biết chi tiết về cuộc tuần hành:
“Phải đợi một lúc để phe đối lập có cuộc biểu tình thực sự. Khoảng giữa trưa, khi mới bắt đầu, chỉ có một số người tụ tập trên vỉa hè. Sau đó, những người ủng hộ Juan Guaido bắt đầu kéo tới các phố, họ mang theo quốc kỳ Venezuela và đội những chiếc mũ có màu cờ.
Cuộc biểu tình diễn ra trong tiếng gõ xoong nồi và tiếng còi. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, người tuần hành hô vang các khẩu hiệu và chặn các con phố và đại lộ. Nhiều nhóm tuần hành nhỏ tự phát ngoài các điểm tập trung, và cuối cùng vào lúc 14 giờ, tất cả hát vang quốc ca. Sau đó, mọi người nhanh chóng giải tán, không xảy ra bạo lực hay sự cố.
Cuộc biểu tình trông không ấn tượng như hôm 23/01, bởi vì ít người tại các điểm tập hợp, nhưng tất cả những người có mặt đều khẳng định cuộc tuần hành lớn dự kiến diễn ra vào thứ Bảy sẽ đông hơn rất nhiều so với tuần trước và mọi người sẽ tập trung tại một điểm, rất có thể còn có bài diễn thuyết mới của ông Juan Guaido.
Về mặt chính thức, cuộc tuần hành tới đây được huy động để chào mừng hạn chót theo tối hậu thư của các nước châu Âu đòi tổ chức bầu cử, nếu không châu Âu sẽ công nhận ông Juan Guaido”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190131-venezuela-tt-tu-phong-juan-guaido-gioi-thieu-ke-hoach-dua-dat-nuoc-thoat-khung-hoan
Nghị viện EU công nhận Guaido
là tổng thống lâm thời Venezuela
Nghị viện châu Âu hôm 31/1 công nhận Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido là lãnh đạo nhà nước Venezuela trên thực tế, tăng thêm áp lực quốc tế lên Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro của nước thành viên khối OPEC này.Các nhà lập pháp EU đã biểu quyết với tỉ lệ ủng hộ 429/104 và 88 phiếu trắng tại phiên họp đặc biệt ở Brussels để công nhận người đứng đầu quốc hội Venezuela Guaido là lãnh đạo lâm thời của nước này.
Trong tuyên bố tiếp theo kết quả cuộc biểu quyết không mang tính ràng buộc, nghị viện EU kêu gọi 28 chính phủ trong khối hành động theo như vậy và công nhận ông Guaido “tổng thống lâm thời hợp pháp duy nhất” cho đến khi có cuộc bầu cử tổng thống thực sự tự do, minh bạch và đáng tin cậy mới.
Mặc dù thường xuyên cáo buộc ông Maduro bóp nghẹt nền dân chủ, Liên minh châu Âu lo ngại trước tiền lệ tự phong làm tổng thống, do đó khối này đã miễn cưỡng làm theo Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia Mỹ Latinh trong việc công nhận ông Guaido là lãnh đạo lâm thời của Venezuela.
Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hôm thứ Bảy tuần trước nói họ sẽ công nhận ông Guaido trừ phi ông Maduro tổ chức bầu cử trong vòng tám ngày. Nhưng cả khối EU không đặt ra giới hạn thời gian trong việc kêu gọi Venezuela tổ chức bầu tổng thống mới.
Ông Maduro bác bỏ các yêu cầu đặt ra như một tối hậu thư không thể chấp nhận được từ giới tinh hoa tham nhũng của các thế lực thực dân cũ. Trong một phản ứng hồi cuối tuần qua, ông Maduro gọi các nhà lãnh đạo châu Âu là “những kẻ nịnh hót, quỳ gối trước các chính sách của Donald Trump.” Ông nói nghị viện châu Âu không có thực quyền về chính sách đối ngoại nhưng tự coi mình là nhà vô địch về nhân quyền.
Nhà lập pháp trung hữu người Tây Ban Nha của EU Esteban Gonzalez Pons nói trong một tuyên bố: “Những người đang biểu tình trên đường phố Venezuela không phải là người châu Âu, nhưng họ đấu tranh cho cùng một giá trị mà chúng ta đấu tranh.”
Khi Venezuela chìm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đã gây ra làn sóng người dân trốn chạy khỏi nước này và gây ra siêu lạm phát, EU đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và trừng phạt các quan chức mà họ coi là vi phạm nhân quyền và phá vỡ nền dân chủ.
Hôm thứ Năm, Liên đoàn các nhà báo quốc tế có trụ sở tại Brussels cho biết bảy nhà báo nước ngoài đã bị giam giữ ở Venezuela, trong đó có các phóng viên Pháp và Tây Ban Nha.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi thả các nhà báo. Các bộ trưởng ngoại giao dự định sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng Venezuela trong cuộc họp hai ngày ở Bucharest từ thứ Năm.
https://www.voatiengviet.com/a/ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-eu-c%C3%B4ng-nh%E1%BA%ADn-guaido-l%C3%A0-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-l%C3%A2m-th%E1%BB%9Di-venezuela/4767013.html
EU ‘cứng rắn’, Thủ tướng Anh lại đối đầu thách thức?
Thủ tướng Anh Theresa May, người sắp quay lại Liên minh Châu Âu để thuyết phục giới lãnh đạo và các nhà đàm phán của EU chấp nhận các đề nghị sửa đổi mới được đề xuất về thỏa thuận Brexit từ phía Vương Quốc Anh, được cho là có thể sắp đối đầu với một diễn biến thách thức to lớn mới.Hôm thứ Tư, 30/01/2019, quan chức đứng đầu đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier, tỏ lập trường ‘cứng rắn và kiên quyết’ khi tuyên bố rằng “backstop” hay ‘đảm bảo cuối cùng’ trên đường biên giới giữa EU và Bắc Ireland là “một phần và gói” của thỏa thuận về Brexit của Vương quốc Anh và sẽ không được đàm phán lại.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Barnier nói rằng đây là một “giải pháp thực tế” và có thể hiểu là có tính nguyên tắc để ngăn chặn đường biên giới cứng.
Các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu hồi đầu tháng này bác bỏ một thỏa thuận được Anh và EU đồng ý trong suốt 18 tháng đàm phán.
Hạ viện Anh bác nhiều đề xuất sửa đổi kế hoạch Brexit
Brexit: Anh nói sẽ ‘mở lại’ đàm phán với EU
Việc từ chối backstop như nó được đề nghị từ trước sẽ bác bỏ giải pháp đã được tìm kiếm với nước Anh”Michel Barnier, đứng đầu đàm phán của EU về Brexit
Anh quốc ‘bỏ lỡ’ sinh viên nước ngoài
Thay vào đó, vào ngày thứ Ba, 29/01, họ đã bỏ phiếu ủng hộ Thủ tướng May để tìm kiếm “các sắp xếp thay thế” cho vấn đề ‘đảm bảo cuối cùng’ nói trên.
Nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu lúc 23:00 GMT ngày 29 tháng Ba. Đảm bảo cuối cùng (backstop) là một chính sách “bảo hiểm” để ngăn chặn việc trở lại các trạm kiểm soát hàng hóa và người dân qua lại dọc biên giới Bắc Ireland.
Nếu được đồng thuận, đảm bảo cuối cùng sẽ có hiệu quả giữ nước Anh trong liên minh hải quan của EU, nhưng với điều kiện Bắc Ireland cũng phải tuân thủ một số quy tắc của thị trường duy nhất.
Đó là một trong những lý do chính khiến thỏa thuận Brexit của bà May bị bỏ phiếu bác bỏ tại Quốc hội Anh với một mức chênh lệch lịch sử về phiếu thuận và phiếu chống khít khao hồi đầu tháng Giêng, khi giới chỉ trích nói rằng một thể thức khác đối với Bắc Ireland có thể đe dọa sự tồn tại của Vương quốc Anh và sợ rằng ‘backstop’ có thể trở thành vĩnh viễn.
Bà May nói rằng có một số lựa chọn thay thế khả dĩ cho đảm bảo cuối cùng mà bà muốn thảo luận với các nhà lãnh đạo EU.
Chúng bao gồm một kế hoạch “thương nhân tin cậy” để tránh kiểm tra trên thực địa đối với hàng hóa chảy qua biên giới, ngoài ra là “công nhận lẫn nhau” về các quy tắc với EU và các giải pháp “công nghệ”.
Bà cũng muốn thảo luận về giới hạn thời gian về “backstop” và cơ chế “rút ra đơn phương” – cả hai lựa chọn bị EU loại trừ trong quá khứ.
Nhưng thông điệp từ EU là backstop vẫn là một phần không thể thiếu của thỏa thuận rút ra – điều được gọi là “thỏa thuận ly dị” đồng ý với các điều khoản của việc Anh rời khỏi EU.
‘Bình tĩnh và tường minh’
Ông Barnier nói: “Một cách bình tĩnh và tường minh, tôi sẽ nói ngay tại đây và ngay bây giờ – với thỏa thuận rút ra này được đề xuất phê chuẩn – chúng tôi cần backstop (bảo đảm cuối cùng) như tình trạng của nó hiện nay trong thỏa thuận.
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
Brexit: EU liệu có giúp đỡ sau thất bại của bà May?
100 ngày đến hạn Brexit: Anh ly hôn EU
Theo ông Barnier việc từ chối backstop như nó được đề nghị từ trước sẽ dẫn tới điều mà ông gọi là “bác bỏ giải pháp mà đã được tìm kiếm với nước Anh” và ông cho rằng như thế vấn đề sẽ còn tồn tại.
Leo Varadkar, Thủ tướng Cộng hòa Ireland, đã nói chuyện với bà May vào chiều thứ Tư và nói rằng những phát triển mới nhất đã “củng cố nhu cầu về một đảm bảo cuối cùng mạnh mẽ và khả thi trong thực tế”.
Bây giờ chúng tôi nhận ra sai lầm đó và Hạ viện, cả nước đang tìm kiếm một thỏa thuậnNghị sỹ Châu Âu Nigel Farage
Trước đó, quan chức cấp phó của ông, Simon Coveney, đã đưa ra lời cảnh báo về kế hoạch tương lai của bà May, nói rằng bất cứ ai cho phép “các biên giới và chia rẽ của quá khứ” quay trở lại sẽ bị “phán xét gay gắt trong lịch sử”.
Ông nói thêm: “Có một số điều quan trọng hơn các mối quan hệ kinh tế và đây là một trong số đó.”
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói ông tin tưởng vào “cam kết cá nhân” của bà May để tránh “quay trở lại thời kỳ đen tối trong quá khứ”, nhưng ông nói “mạng lưới an toàn” của backstop là cần thiết để ngăn chặn điều này.
Ông nói thêm: “Chúng tôi không muốn sử dụng mạng lưới an toàn này, [nhưng] không có mạng lưới an toàn nào có thể thực sự an toàn nếu nó có thể được gỡ bỏ đi bất cứ lúc nào.”
‘Nhận ra sai lầm’
Nhưng nghị sỹ châu Âu, Nigel Farage, của nước Anh đã tấn công EU, tuyên bố rằng điều này đã đẩy bà May vào đảm bảo cuối cùng ngay từ đầu.
Cựu lãnh đạo đảng UKIP nói với Nghị viện châu Âu: “Tôi chấp nhận [Bà May] đã phạm một sai lầm khủng khiếp bằng cách đi vào thỏa thuận về backstop, [nhưng] các vị đã triệu tập bà ấy vào lúc 04:15 sáng, bà ấy rời Downing Street đi, bà ấy đã phải tới để kịp với thời hạn tối hậu thư mà quí vị đã đặt ra cho bà ấy.
“Bà ấy đã vương vào một thứ gì đó đã được chứng minh là một thảm họa. Bà ấy đã vương vào một thứ mà không một quốc gia nào, trừ khi nó bị đánh bại trong chiến tranh, sẽ ký kết.
“Bây giờ chúng tôi nhận ra sai lầm đó và Hạ viện, cả nước đang tìm kiếm một thỏa thuận.”
Còn nghị sỹ châu Âu thuộc đảng bảo thủ Ashley Fox nói rằng bảo đảm cuối cùng sẽ tạo ra một đường biên giới cứng, hơn là ngăn chặn điều đó, trừ khi nó được sửa đổi.
Theo kế hoạch, tới đây, Thủ tướng Anh sẽ có cuộc thảo luận với lãnh đạo đảng Lao động đối lập, ông Jeremy Corbyn, về các giải pháp cho thỏa thuận Brexit. Hai bên đã có khác biệt lớn và gay gắt về quan điểm, lập trường.
Bà Theresa May theo kế hoạch sẽ quay trở lại Brussels để làm việc với các nhà lãnh đạo và đàm phán của EU, mang theo những đề nghị ‘sửa đổi’ đường lối của thỏa thuận Brexit mà Quốc hội Anh vừa thông qua trong các cuộc bỏ phiếu mới nhất đầu tuần này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47065235
Mừng hay lo: Nhận dạng tự động để bắt nghi phạm?
Cảnh sát London đang thử nghiệm tự động nhận dạng gương mặt, một công nghệ gây tranh cãi vì lo ngại về tính riêng tư của công dân.Công an Trung Quốc đeo kính giám sát
TPHCM: Lắp camera nhận dạng mặt người
Những dấu hiệu giúp nhận dạng ảnh giả
Romford, một vùng ở ngoại vi London, chứng kiến việc thử nghiệm trong hai ngày 31/1 và 1/2.
Trước đó, cảnh sát London đã làm thử tám lần ở những nơi khác.
Việc tự động nhận dạng được tiến hành tám giờ trong ngày, có sự chứng kiến của cảnh sát mặc đồng phục, với thông tin được phát cho người dân.
Trong thử nghiệm này, máy của cảnh sát lưu trữ những người đang bị giới chức truy nã.
Nếu máy quét thấy có gương mặt giống với kho dữ liệu, cảnh sát tại chỗ sẽ tiến hành kiểm tra để xác minh danh tính người bị máy báo động.
Cảnh sát London nói tháng 12 năm ngoái, trong một thử nghiệm tương tự, họ đã tiến hành hai vụ bắt giữ do kết quả của máy.
Tuy vậy, có tổ chức như Big Brother Watch, vận động cho quyền riêng tư, lên án công nghệ này là “độc đoán, nguy hiểm, vô luật pháp”.
Thông cáo của nhóm này tháng 12 năm ngoái nói “theo dõi người vô tội ở nơi công cộng là xâm phạm quyền căn bản về riêng tư, tự do ngôn luận và tụ họp”.
Tại Wales, cảnh sát đã dùng công nghệ tự động nhận diện gương mặt ở nhiều sự kiện tại Cardiff kể từ chung kết Champions League tháng 6/2017.
Một nghiên cứu về việc này nói rằng độ chính xác của nó tại Wales đã cải thiện từ khi sử dụng, nhưng bị xấu đi khi thiếu ánh sáng hay giữa đám đông người.
Tại Wales, từ khi bắt đầu dùng ở trung tâm thành phố Cardiff nhân chung kết Champions League 2017, công nghệ mới này khiến 2.000 người bị nhận diện nhầm.
Chuyên gia về quyền riêng tư của LHQ Joseph Cannataci đã chỉ trích việc sử dụng công nghệ của cảnh sát tại Wales.
Nhận diện gương mặt – thông qua thuật toán để ráp nối gương mặt người với dữ liệu video và ảnh – dĩ nhiên không phải là điều mới mẻ.
Kỹ thuật này đã được dùng để ‘tag’ người dùng trên Facebook, mở khóa iPhone hay PlayStation.
Đa số công dân Mỹ cũng đã có trong kho dữ liệu nhận diện gương mặt của chính phủ, dựa vào ảnh passport và bằng lái xe.
Tại Mỹ, FBI và nhiều cơ quan thực thi pháp luật đã sử dụng các dữ liệu này từ nhiều năm. Nhưng thường việc ráp nối diễn ra trong hoàn cảnh “cố định”, nghĩa là so sánh hình ảnh, video với các hình chụp khác.
Khi công nghệ tiến bộ hơn, xuất hiện khả năng nhận diện gương mặt “trực tiếp”. Máy quay video trực tiếp sẽ quét hình ảnh người đang đi để ráp nối với kho dữ liệu nghi phạm.
Theo NBC News, cơ quan an ninh Mỹ đã thử nghiệm công nghệ mới ở một số sân bay. Và hiện nay, người Mỹ đang xây dựng các hệ thống để có thể dùng cho cảnh sát địa phương.
Nhưng công nghệ nhận dạng mới đã gây ra lo ngại về việc theo dõi, xác minh nhầm.
Việc nhận dạng hiện không hoàn hảo, và có thể sẽ không bao giờ hoàn hảo để biết chắc 100% rằng gương mặt trong hai hình là một.
Một nghiên cứu gần đây của Joy Buolamwini, từ MIT, cho thấy các hệ thống còn không xác định được giới tính của các phụ nữ da đen nổi tiếng như Michelle Obama và Oprah Winfrey.
Năm ngoái, truyền thông Mỹ tiết lộ tập đoàn thương mại điện tử Amazon cũng đã bước chân vào ngành “kinh doanh theo dõi”.
Khi đó, người ta biết rằng một số lực lượng cảnh sát Mỹ, như tại Orlando, Flodia, đã mua công nghệ nhận dạng của Amazon.
Nhiều nhân viên Amazon kêu gọi tổng giám đốc Jeff Bezos ngừng hợp tác.
Sau khi gặp sức ép, cuối tháng Sáu 2018, cảnh sát thành phố Orlando nói họ dừng chương trình thử nghiệm.
Nhưng khi ngày càng có nhiều công ty công nghệ tiếp thị sản phẩm cho cảnh sát, phải chăng sớm muộn công nghệ này sẽ trở nên phổ biến?
Nicola Dickinson, phó chủ tịch của Digital Barriers, nói với NBC News năm ngoái: “Chúng ta đang rất gần đến việc đưa công nghệ đến tay lực lượng thực thi pháp luật.”
Hệ thống nhận dạng của Digital Barriers đã được nhiều nơi ở châu Âu, châu Á và trong chính phủ Mỹ sử dụng, theo lời công ty này. Nhưng họ từ chối tiết lộ tên khách hàng.
Tháng Hai năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc, nhân dịp Tết, đã công khai sử dụng công nghệ nhận diện gắn trên kính đeo.
Giới chức nói thiết bị giúp họ trong những dịp đông người như khi người Trung Quốc về quê dịp Tết.
Hình ảnh nữ cảnh sát đeo kính nhận dạng ở một nhà ga ở tỉnh Hà Nam khi đó xuất hiện trên nhiều tờ báo.
Chủ đề liên quan
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47075743
Tin tặc Nga bị tố đánh cắp tài liệu
của công tố viên đặc biệt Mỹ
Trọng NghĩaVăn phòng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vào hôm qua, 30/01/2019 đã tiết lộ rằng một nhóm tự nhận là tin tặc Nga đã ăn cắp một số bằng chứng trong cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Mục tiêu của nhóm này là làm mất uy tín của cuộc điều tra đang nhắm vào chính quyền Nga.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản phúc trình gởi lên tòa án, ê-kíp của ông Mueller cho biết là nhóm này đã chia sẻ hơn 1.000 tài liệu về cuộc điều tra lên mạng Twitter và khoe nguyên văn trên tài khoản có tên là HackingRedstone như sau :
“Chúng tôi đã truy cập vào cơ sở dữ liệu của Mueller bằng cách tấn công máy chủ của Nga. Mọi người có thể xem toàn bộ tài liệu của Mueller về Cơ Quan Nghiên Cứu Internet (IRA) và sự thông đồng với Nga”.
Reuters cho biết là tài khoản này phát tán dữ liệu vào ngày 22/10/2018, trước khi bị xóa khỏi Twitter. Nhóm tin tặc đồng thời gửi tài liệu cho một phóng viên thông qua tin nhắn. Văn phòng của ông Mueller xác nhận là tên gọi và cấu trúc những hồ sơ bị rò rỉ khớp với dữ liệu bí mật mà họ gửi tới các luật sư.
Trang web mà nhóm tin tặc sử dụng để tải dữ liệu xác nhận với FBI rằng tài khoản của nhóm được đăng ký từ một địa chỉ IP ở Nga. Các điều tra viên FBI cũng không có bằng chứng cho thấy dữ liệu bị phát tán nằm trong máy chủ của Mỹ, mà là do phía Nga rò rỉ ra.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190131-tin-tac-nga-bi-to-danh-cap-tai-lieu-cua-cong-to-vien-dac-biet-my-dieu-tra-ve-nga
Afghanistan: Kabul mất dần quyền kiểm soát
trong lúc Mỹ đàm phán với Taliban
Minh AnhCho dù không quân Mỹ gia tăng các chiến dịch oanh kích chống lại quân nổi dậy Taliban, chính quyền Kabul mất dần ảnh hưởng ở nhiều nơi trên lãnh thổ Afghanistan. Đây chính là kết luận của cơ quan Tổng Thanh tra Đặc biệt (SIGAR) về Tái thiết Afghanistan trong một báo cáo công bố ngày 31/01/2019.
Hãng tin Pháp trích dẫn các số liệu do SIGAR và NATO cung cấp, cho thấy, tính đến ngày 31/10/2018, chính quyền Kabul chỉ kiểm soát được có hơn 50% số tỉnh thành trên cả nước, và tỷ lệ người dân sống ở những nơi này sụt giảm trong hai quý cuối năm 2018.
Điều nghịch lý là số các vụ oanh kích do không quân Hoa Kỳ tiến hành nhằm chống lại phiến quân Taliban đã tăng vọt trong hai năm gần đây. Chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2018, không quân Mỹ đã thả xuống hơn 6.820 quả bom, cao hơn mức 56% tổng số bom đạn mà Hoa Kỳ đã thả xuống Afghanistan trong năm 2017 và nếu so với 2016, tăng gấp 5 lần.
Một hiện tượng khác đáng lưu ý là số binh sĩ trong quân đội Afghanistan (quân đội và lực lượng bảo đảm an ninh) cũng giảm. Tính đến tháng 10/2018, quân số chỉ đạt 87,7% so với mục tiêu đề ra và là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng Giêng 2015. Tổn thất nhân mạng rất lớn kể từ khi quân đội Afghanistan bắt đầu tự đảm trách vấn đề an ninh đất nước cách nay 4 năm. Theo tổng thống Ashraf Ghani hồi tuần trước, kể từ ngày ông lên cầm quyền hồi tháng 9/2014, khoảng 45.000 binh sĩ và nhân viên an ninh đã bị thiệt mạng. Đây cũng chính là thời điểm NATO bắt đầu rút quân, chỉ để lại một nhóm chuyên gia để đào tạo, tư vấn và hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình « Resolute Support ».
Bộ Quốc Phòng Mỹ đã có phản ứng trấn an trước các nhận định « u ám » được nêu trong báo cáo của SIGAR. Theo Washington, điều quan trọng nhất là cần tập trung vào mục tiêu chủ chốt trong chiến lược chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan một cách có lợi nhất cho Hoa Kỳ và chính quyền Kabul.
Quả thực là nhằm thực hiện mục tiêu chấm dứt chiến tranh, song song với các nỗ lực quân sự hỗ trợ chính quyền Kabul, ngay từ mùa hè 2018, Hoa Kỳ đã có những cuộc đàm phán bí mật với lực lượng phiến quân Taliban. Hôm thứ Hai, 28/01, sau sáu ngày thương lượng với đại diện Taliban tại Qatar, ông Zalmay Khalizad, đặc sứ Mỹ phụ trách hồ sơ Afghanistan, đã nói đến những nét sơ thảo đồng thuận song phương về hòa bình cho Afghanistan.
Theo giới quan sát, nếu như các nhà đàm phán của Mỹ tuyên bố đã có những tiến triển tốt trong các cuộc đàm phán với Taliban thì đòi hỏi cốt lõi của Hoa Kỳ vẫn bị phe này bác bỏ. Taliban khẳng định không đàm phán với chính quyền Kabul, vốn chỉ là những « con rối » trong tay của Mỹ.
Afghanistan sẽ là một Việt Nam thứ hai hay không ? Còn quá sớm để có câu trả lời. Chỉ có điều như cảnh báo của tổng thống Ghani, một khi thỏa thuận được đúc kết vội vã, quân Mỹ rút đi, bạo lực lại sẽ gia tăng trở lại như đã từng xảy ra trong quá khứ khi Liên Xô rút quân.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190131-afghanistan-chinh-quyen-mat-dan-quyen-kiem-soat-lanh-tho-bat-chap-my-tang-cuong-kho
Nhật Bản: Tỷ lệ người già phạm tội gia tăng
Nhật Bản đang trong sự o ép của làn sóng tội phạm cao tuổi – tỷ lệ phạm tội của những người ngoài 65 tuổi gia tăng đều đặn trong 20 năm. Phóng viên Ed Butler của BBC nêu câu hỏi tại sao.Tại một ngôi nhà dành cho tù nhân mới được trả tự do về với cộng đồng ở Hiroshima – Toshio Takata, 69 tuổi, nói với tôi rằng ông vi phạm luật bởi vì ông ấy nghèo. Ông muốn một nơi nào đó để sống miễn phí, ngay cả sau song sắt.
Nhật Bản: Nhiều người già và người nước ngoài hơn?
Thanh kiếm samurai và nghệ thuật luyện thép Nhật Bản
Người già Việt Nam sướng hơn người già Nhật Bản?
“Tôi đến tuổi về hưu và rồi tôi hết tiền. Vì vậy, nó xảy đến với tôi – có lẽ tôi có thể sống miễn phí nếu ở trong tù,” ông nói.
“Do đó, tôi lấy một chiếc xe đạp và lái xe đến đồn cảnh sát và nói với viên cảnh sát ở đó: ‘Nhìn xem, tôi đã lấy nó.’”
Kế hoạch được thực hiện. Đây là hành vi phạm tội đầu tiên của Toshio, được thực hiện khi ông 62 tuổi, nhưng tòa án Nhật Bản xử nghiêm với tội trộm cắp; do đó, nó đủ để kết án ông một năm tù.
Dáng người nhỏ, mảnh khảnh và hay cười khúc khích, Toshio trông không giống một kẻ thường xuyên phạm tội, ít hơn nhiều những người đe dọa phụ nữ bằng dao. Nhưng sau khi được thả từ bản án đầu tiên, đó chính xác là những gì ông đã làm.
“Tôi đến công viên và chỉ đe dọa họ. Tôi không có ý định gây hại. Tôi chỉ đưa con dao về phía họ với hy vọng một trong số họ sẽ gọi cảnh sát. Một người đã làm như vậy.”
Nhìn chung, Toshio đã ở một nửa thời gian trong tám năm qua trong tù.
Tôi hỏi ông nếu ông ấy thích ở trong tù, và ông ấy chỉ ra một lợi thế tài chính bổ sung – lương hưu của ông vẫn tiếp tục được trả ngay cả khi ở trong tù.
“Không phải là tôi thích nhưng tôi có thể ở đây miễn phí,” ông nói. “Và khi tôi ra tù thì tôi đã tiết kiệm được ít tiền. Vì vậy nó không có gì là khó chịu.”
Toshio đại diện cho một xu hướng nổi bật trong tội phạm Nhật Bản. Trong một xã hội rất tuân thủ luật pháp, tỷ lệ tội phạm gia tăng bởi những người ngoài 65 tuổi. Năm 1997, nhóm tuổi này chiếm khoảng một trong 20 người bị kết án nhưng 20 năm sau con số này đã tăng hơn một phần năm – một tỷ lệ vượt xa sự gia tăng tỷ lệ dân số ngoài 65 tuổi ( mặc dù bây giờ họ chiếm hơn một phần tư dân số).
Và giống như Toshio, nhiều người trong số những người cao tuổi vi phạm pháp luật này là những người phạm tội nhiều lần. Trong số 2.500 người trên 65 tuổi bị kết án năm 2016, hơn một phần ba có nhiều hơn năm tiền án.
Một ví dụ khác là Keiko (không phải tên thật của bà). Bảy mươi tuổi, nhỏ bé và nhìn gọn gàng, bà cũng nói với tôi rằng nghèo đói đã làm cho bà suy đồi.
“Tôi không thể chung sống với chồng. Tôi không có nơi nào để sống và không có chỗ để ở. Vì vậy, nó là lựa chọn duy nhất của tôi: căn cắp,” bà bói. Ngay cả phụ nữ ở độ tuổi 80 mà không tể cư xử đúng mực cũng phạm tội. Bởi vì họ không thể tìm được thức ăn, tiền bạc.”
Chúng tôi đã nói chuyện cách đây vài tháng trong một ký túc xá dành cho những người đã phạm tội. Tôi được kể rằng bà ấy đã bị bắt lại và hiện đang chịu án tù khác vì tội ăn trộm đồ trong tiệm.
Trộm cắp, chủ yếu là ăn trộm đồ trong tiệm, là tội chiếm số lượng lớn nhất của những người phạm tội cao tuổi. Họ chủ yếu ăn cắp thực phẩm có giá trị dưới 3.000 Yên từ một cửa hàng mà họ thường xuyên mua bán.
Michael Newman, một nhà nhân khẩu học gốc Úc có trung tâm nghiên cứu ở Tokyo, Custom Products Research Group chỉ ra rằng lương hưu cơ bản “vô giá trị” ở Nhật Bản rất khó sống.
Trong một bài báo xuất bản năm 2016 ông tính toán rằng chi phí thuê nhà, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe sẽ khiến người chịu chi phí mắc nợ nếu họ không có thu nhập – và đó là trước khi họ trả tiền sưởi ấm hay quần áo. Trước đây, theo truyền thống là con cái chăm sóc bố mẹ, nhưng ở các tỉnh việc thiếu điều kiện kinh tế khiến nhiều người trẻ phải rời đi, bỏ bố mẹ tự chăm lo bản thân.
“Những người hưu trí không muốn trở thành gánh nặng cho con cái họ và cảm thấy rằng nếu họ không thể sống bằng tiền lương hưu nhà nước thì cách duy nhất để không trở thành gánh nặng là tự chui vào tù”, ông nói.
Việc vi phạm nhiều lần là cách “quay trở lại nhà tù” nơi có ba bữa ăn mỗi ngày mà không phải trả tiền, ông nói.
“Nó gần như là bạn đang lăn ra, vì vậy bạn tự lăn trở lại.”
Newman chỉ ra rằng tự tử cũng đang trở nên phổ biến hơn với người già – một cách khác để họ thực hiện những gì mà họ có thể coi là “nghĩa vụ của họ phải từ bỏ”.
Giám đốc của “With Hiroshima”, trung tâm cải tạo nơi tôi gặp Toshio Takata, cũng nghĩ rằng những thay đổi trong gia đình Nhật Bản đã góp phần gây ra làn sóng tội phạm ở người cao tuổi, nhưng ông nhấn mạnh đến hậu quả tâm lý chứ không phải vấn đề tài chính.
“Cuối cùng, mối quan hệ giữa mọi người đã thay đổi. Mọi người trở nên cô lập hơn. Họ không tìm thấy một vị trí trong xã hội này. Họ không thể chịu đựng nỗi cô đơn của mình”, Kanichi Yamada, một người 85 tuổi mà khi còn là một đứa trẻ đã được kéo ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà mình khi quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
“Trong số những người già phạm tội, một số người có bước ngoặt trong cuộc sống trung lưu của họ. Có một số nguyên nhân. Họ mất vợ hoặc con và họ không thể chịu đựng điều đó … Thông thường mọi người không phạm tội nếu họ có người chăm sóc và hỗ trợ họ.”
Câu chuyện của Toshio về việc bị đẩy vào tội ác do nghèo đói chỉ là một “lý do bào chữa”, Kanichi Yamada gợi ý. Cốt lõi vấn đề là sự cô đơn của ông. Và một nguyên nhân có thể khiến ông tái phạm tội, ông suy đoán, là lời hứa của bạn tù.
Đúng là Toshio chỉ có một mình trên thế giới. Cha mẹ ông đã chết và ông ấy mất liên lạc với hai người anh trai, những người không trả lời các cuộc gọi của ông. Anh cũng mất liên lạc với hai người vợ cũ, hai người ông đều đã ly dị và cả ba đứa con.
Tôi hỏi ông ấy liệu ông nghĩ mọi chuyện sẽ khác đi nếu ông có vợ và gia đình. Ông trả lời đúng vậy.
“Nếu họ có mặt để hỗ trợ tôi thì tôi sẽ không làm như vậy,” ông nói.
Michael Newman đã theo dõi khi chính phủ Nhật Bản mở rộng khả năng của nhà tù và tuyển thêm các nữ cai ngục (số lượng tội phạm nữ cao tuổi đang tăng lên rất nhanh, mặc dù từ một tỷ lệ thấp). Ông cũng lưu ý rằng hóa đơn tăng mạnh cho việc điều trị y tế cho tù nhân.
Cũng có những thay đổi khác, như tôi thấy ở một nhà tù ở Fuchu, ngoại ô Tokyo, nơi gần một phần ba tù nhân hiện đã ngoài 60 tuổi.
Có rất nhiều cuộc diễu hành bên trong các nhà tù Nhật Bản – diễu hành và la hét. Nhưng ở đây, cuộc tập trận quân sự dường như ngày càng khó thực thi hơn. Tôi thấy một vài tù nhân tóc bạc ở phía sau một trung đội đang cố gắng theo kịp. Một người thì đi nạng.
“Chúng tôi đã phải cải thiện cơ sở vật chất ở đây”, Masatsugu Yazawa, cai ngục phụ trách giáo dục nói với tôi. “Chúng tôi đã lắp đặt tay vịn, nhà vệ sinh đặc biệt. Có những lớp học dành cho những người phạm tội lớn tuổi hơn.”
Ông đưa tôi đi xem một trong số đó. Bắt đầu bằng một màn hát karaoke một bài hát nổi tiếng. ‘Lý do tôi được sinh ra’, tất cả về ý nghĩa cuộc sống. Các tù nhân được khuyến khích hát theo. Một số trông khá cảm động.
“Chúng tôi hát để cho họ thấy rằng cuộc sống thực sự là ở bên ngoài nhà tù và hạnh phúc ở đó”, Yazawa nói. “Nhưng họ vẫn nghĩ rằng cuộc sống trong tù tốt hơn và nhiều người quay trở lại.”
Michael Newman lập luận rằng sẽ tốt hơn nhiều – và rẻ hơn nhiều – để chăm sóc người già mà không phải trả chi phí tố tụng tại tòa án và chi phí giam giữ.
“Chúng tôi thực ra đã trả tiền để xây dựng một làng hưu trí công nghiệp phức hợp, nơi mọi người sẽ bị mất một nửa lương hưu nhưng nhận được thức ăn miễn phí, cơm tháng miễn phí và chăm sóc sức khỏe, v.v. và được hát karaoke với người dân khác và tương đối tự do thoải mái. Nó sẽ mất ít chi phí hơn so với chi tiêu của chính phủ hiện nay,” ông nói.
Nhưng ông cũng gợi ý rằng xu hướng tòa án Nhật Bản đưa ra các bản án giam giữ vì tội trộm cắp là “hơi kỳ quái, về mặt hình phạt thực sự giống với tội phạm”.
“Hành vi trộm cắp một chiếc bánh sandwich trị giá 200 Yên có thể dẫn đến hóa đơn thuế 8,4 triệu Yên để trả cho bản án hai năm”, ông viết trong báo cáo năm 2016.
Đó có thể là một ví dụ mang tính giả thuyết, nhưng tôi đã gặp một tù nhân cao tuổi có trải nghiệm gần như giống hệt nhau. Ông ấy bị phạt tù hai năm chỉ vì tội danh thứ hai: ăn cắp một chai ớt trị giá 2,5 Bảng Anh.
Và tôi đã nghe từ Morio Mochizuki, người cung cấp dịch vụ an ninh cho khoảng 3.000 cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản, rằng có thể tòa án đang trở nên nghiêm khắc hơn đối với những người bán hàng là khác.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47070684
Thân tín ông Tập Cận Bình sang thăm Mỹ sớm 2 ngày,
bỏ 1 chức danh: TQ muốn gì?
Phó Thủ tướng Trung Quốc đã tiến hành công du Mỹ sớm hai ngày so với dự kiến do Bộ Thượng mại Trung Quốc công bố trước đó.Chiều ngày 28/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – thân tín đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình – đã đặt chân xuống Washington bắt đầu chuyến công du Mỹ. Tuy nhiên, trước đó, theo người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc (ngày 17/1), ông Lưu Hạc sẽ thăm Mỹ trong hai ngày 30-31/1.
Từ thời gian có thể thấy, trên thực tế, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã tiến hành công du Mỹ sớm hai ngày so với dự kiến.
Đây là chuyến thăm Mỹ lần thứ ba của ông Lưu Hạc, kể từ sau hai cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ năm 2018 cho đến nay. Lần thứ nhất vào tháng 2/2018 và lần thứ hai vào tháng 5/2018.
Sau đó, mặc dù hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tham vấn cấp phó và vào tháng 9/2018, truyền thông Mỹ từng đưa tin về chuyến thăm Mỹ tiếp theo của Phó Thủ tướng Trung Quốc trong năm này nhưng cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại thì ông Lưu không sang thăm Mỹ nữa.
Bắc Kinh muốn đơn giản hóa vấn đề
Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Lưu Hạc đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Trung Quốc đến Mỹ để đàm phán về các vấn đề thương mại sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Trước đó, từ ngày 7-9/1, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức một cuộc đối thoại thương mại cấp phó tại Bắc Kinh.
Theo giới đánh giá, chuyến thăm Mỹ lần này của Lưu Hạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đến ngày 1/3, 90 ngày “đình chiến” thương mại song phương chấm dứt.
Hiện nay, tất cả các bên đều quan tâm đến việc liệu hai nước có thể đạt được sự đồng thuận trong các cuộc đàm phán thương mại hay không, đồng thời cũng quan tâm đến việc liệu ông Lưu Hạc đến Mỹ có liên quan đến vụ án của Chủ tịch tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hay không.
Đáng chú ý, ngày Phó Thủ tướng Trung Quốc tới Mỹ cũng chính là ngày Washington công bố cáo trạng với 23 tội danh đối với bà Mạnh Vãn Chu và tập đoàn Huawei. Trước đó, hồi đầu tháng 12/2018, Canada đã tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Nhà Trắng.
Giới phân tích nhận định, việc khởi tố Huawei đúng dịp ông Lưu Hạc sang thăm cho thấy dường như Washington muốn trộn lẫn hai sự việc với nhau cũng như cố gắng dùng Huawei làm con bài để tạo lợi thế trong cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Việc ông Lưu Hạc sang thăm Mỹ cũng được đánh giá là rất bất thường. Theo báo cáo chính thức của Bắc Kinh, ông này là “Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và Trưởng đoàn đảm phán đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ”.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2/2018, chức danh của ông được tiết lộ là “Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính trung ương”; trong chuyến thăm hồi tháng 5/2018, chức danh của ông là “Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và Trưởng đoàn đảm phán đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ”.
Trong chuyến thăm hồi tháng 2, khi đó chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chuyển giao nhiệm kỳ cho nên chức danh Chủ nhiệm Ủy ban tài chính trung ương là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, so với chức danh trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 5/2018, thì trong chuyến thăm lần này, ông lại thiếu đi thân phận “Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Hơn nữa, thông tin ông Lưu Hạc sang Mỹ trước đó đều do Bộ Ngoại giao công bố nhưng lần này lại do Bộ thương mại công bố.
Hai chuyến thăm đầu đều được thực hiện theo lời mời của chính phủ Mỹ trong khi đó chuyến thăm lần này được thực hiện theo lời mời của Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện đàm phán thương mại Robert Lighthizer.
Vào tháng 2/2018, Bắc Kinh cho biết, chuyến thăm Mỹ của ông Lưu nhằm mục đích trao đổi ý kiến về hợp tác lĩnh vực kinh tế thương mại và quan hệ song phương.
Đến tháng 5/2018, Bắc Kinh không công bố nhiệm vụ cụ thể của ông Lưu Hạc trong chuyến thăm cùng tháng nhưng theo thông tin sau đó của Trung Quốc, ông này đã gặp các nhà lập pháp Mỹ, bên cạnh việc tham gia các cuộc đàm phán thương mại.
Trước chuyến thăm lần này, Bộ thương mại Trung Quốc trực tiếp cho biết, ông Lưu Hạc thăm Mỹ nhằm mục đích tổ chức các cuộc tham vấn với phía Nhà Trắng về các vấn đề kinh tế thương mại song phương, đồng thời thúc đẩy thực hiện sự đồng thuận quan trọng của hai nguyên thủ.
Như vậy, hai chuyến thăm trước chỉ có tính chất ngoại giao, còn bản chất của chuyến thăm lần này là tham vấn thương mại cụ thể.
Xét về chức danh, khi ông Lưu không mang thân phận là Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, không phải là chuyến thăm ngoại giao đến Mỹ mà chỉ là một cuộc tham vấn thương mại cho thấy, Bắc Kinh không muốn trộn lẫn các cuộc đàm phán thương mại với vụ kiện của bà Mạnh Vãn Chu.
Do đó, giới chuyên gia cho rằng, chức danh và mục đích của ông Lưu Hạc lần này cho thấy, Bắc Kinh muốn đơn giản hóa vấn đề và Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại trong chuyến thăm lần này.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26137-than-tin-ong-tap-can-binh-sang-tham-my-som-2-ngay-bo-1-chuc-danh-tq-muon-gi.html
Vì Mỹ, TQ có nguy cơ
‘mất trắng’ 50 tỷ USD ở Venezuela?
Số tiền Trung Quốc cho Venezuela vay trị giá 50 tỷ USD trong hơn 10 năm qua đang đứng trước rủi ro cao sau khi Mỹ quyết định áp đặt thêm hàng loạt lệnh trừng phạt mới với quốc gia Nam Mỹ.Cuộc khủng hoảng chính trị cùng lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Venezuela đang khiến nhiều đối tác làm ăn với Caracas như Trung Quốc chịu rủi ro lớn.
Hôm 29/1 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận Bắc Kinh vẫn công nhận và ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất cứ “hậu quả nặng nề” từ việc áp đặt lệnh trừng phạt với Venezuela.
“Phái đoàn cấp cao của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình từng tới tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Maduro. Nếu như chúng tôi không công nhận ông Maduro làm lãnh đạo của Venezuela thì chúng tôi tới đó để làm gì?”, TASS dẫn lời ông Cảnh.
Trước đó, ông Cảnh cũng đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ áp đặt thêm hàng loạt lệnh trừng phạt mới với Venezuela. Trung Quốc cho rằng động thái của Mỹ sẽ khiến điều kiện sống của người dân ở quốc gia Nam Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ hơn đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất cứ “hậu quả nặng nề” từ việc áp đặt lệnh trừng phạt với Venezuela.
Cụ thể, RT đưa tin hôm 28/1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt loạt trừng phạt mới với công ty năng lượng quốc gia Venezuela mang tên Petroleos de Venezuela hay còn gọi là PDVSA. Theo đó, lệnh trừng phạt của Mỹ làm đóng băng khối tài sản trị giá 7 tỷ USD và khiến Venzuela thất thu hơn 11 tỷ USD trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng trong năm tới.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các đối tác lớn của Venezuela như Trung Quốc và Nga.
Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 50 tỷ USD. Thông qua các khoản vay và đầu tư trực tiếp, Bắc Kinh đã đổ số tiền lớn vào Venezuela trong bối cảnh nhiều quốc gia khác quyết định rút vốn khỏi quốc gia Nam Mỹ này.
Trong bối cảnh Mỹ thi hành các lênh trừng phạt mới, khoản cho vay trị giá hàng ngàn tỷ USD của Trung Quốc cùng các khoản đầu tư và mối quan hệ làm ăn với nhiều quốc gia như Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ với Venezuela có nguy cơ gặp rủi ro cao.
Hiện nay, Nga cũng đang triển khai một số dự án chung với Venezuela trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và quốc phòng. Số tiền Nga đổ vào Venezuela là hơn 4,1 tỷ USD mà trong đó Tập đoàn năng lượng Rosneft chiếm phần lớn đầu tư. Doanh thu thương mại giữa Moscow và Caracas tăng 48% trong giai đoạn tháng 1 – 2/2018 so với cùng kỳ năm 2017 và đạt giá trị gần 85 triệu USD.
Venezuela đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự nhận làm Tổng thống lâm thời hôm 23/1.
Về phần mình, Tổng thống Maduro cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela là nỗ lực tiến hành đảo chính được Mỹ hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump và một quốc gia Mỹ Latinh như Argentina, Brazil, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Chile, Colombia, Paraguay và Peru quyết định công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm Tổng thống lâm thời của Venezuela. Ông Trump còn gọi chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro là “bất hợp pháp”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26135-vi-my-tq-co-nguy-co-mat-trang-50-ty-usd-o-venezuela.html
TQ và Huawei phải đương đầu
với “chiến thuật bầy sói” của phương Tây
Theo New York Times ngày 26.1, ngày càng có thêm nhiều quốc gia bị Mỹ gây sức ép yêu cầu cấm cửa Huawei xây dựng mạng 5G tại đất nước mình.Huawei và Trung Quốc đang phải đương đầu với sự bao vây, ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh.
Trong vòng một năm qua, Mỹ đã gây sức ép, thậm chí đe dọa trên toàn cầu để ngăn chặn Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hoặc cải tạo để kiểm soát mạng internet. Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt về điều mà họ gọi là “Chiến thuật bầy sói ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc”.
Theo New York Times ngày 26.1, ngày càng có thêm nhiều quốc gia bị Mỹ gây sức ép yêu cầu cấm cửa Huawei xây dựng mạng 5G tại đất nước mình.
Trong vòng một năm qua, Mỹ đã gây sức ép, thậm chí đe dọa trên toàn cầu để ngăn chặn Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hoặc cải tạo để kiểm soát mạng internet. Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt về điều mà họ gọi là “Chiến thuật bầy sói ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc”.
New York Times cho biết, Mỹ đã cảnh báo các đồng minh: 6 tháng tới đây sẽ rất quan trọng vì các nước bắt đầu gọi thầu tần số vô tuyến (radio spectrum) cho mạng di động 5G và quyết định việc ký các hợp đồng xây dựng hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD.
Từ mấy tháng nay, Washington đang soạn thảo một mệnh lệnh hành chính, dự kiến trong vài tuần tới sẽ ban hành và thực thi cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị của Trung Quốc trong các mạng viễn thông then chốt. Mệnh lệnh hành chính này sẽ vượt qua các pháp quy hiện nay chỉ cấm các mạng của chính phủ sử dụng thiết bị tương tự.
Tại cuộc họp báo ngày 28.1, ông Cảnh Sáng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Trung Quốc chú ý đến thông tin liên quan trên báo chí.
Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ chấm dứt mọi sự trù dập vô lý đối với các công ty Trung Quốc trong đó có Huawei, tạo môi trường công bằng tốt đẹp cho việc hợp tác bình thường giữa các công ty Mỹ – Trung, làm thêm nhiều việc có lợi cho sự tin tưởng và hợp tác giữa hai bên.
Ông Cảnh Sảng thông báo, Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây đã nêu rõ lập trường của chính phủ Trung Quốc trước vấn đề “cá biệt quốc gia gần đây trù dập công ty Trung Quốc”. Theo đó, việc “cá biệt quốc gia” (ám chỉ Mỹ) huy động sức mạnh quốc gia để bôi nhọ và đả kích một công ty trong tình hình không có chứng cứ gì là cách làm không công bằng và không đạo đức.
Ông Cảnh Sảng dẫn lời Vương Nghị nói: “Một nước đương nhiên có quyền bảo vệ an toàn thông tin quốc gia, nhưng không thể giương chiêu bài an ninh quốc gia, lấy cớ không có thực để gây tổn hại thậm chí bóp chết hoạt động kinh doanh hợp pháp của một công ty. Đối với cách làm vô lý và hành vi bắt nạt đó, các nước cần cảnh giác và chống lại”.
Trang tin Đa Chiều cho biết, hôm 25.1, ông Vương Nghị khi trả lời báo chí sau khi kết thúc chuyến đi thăm Pháp và Italy đã nói: “việc Huawei bị trù dập là rất rõ ràng, đặc biệt không thể chấp nhận được khi xem xét ý đồ chính trị ở phía sau”.
Ngày 27.1, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã viết bài nhan đề “Đừng tin những lời hù dọa, Huawei không đe dọa an ninh nước Anh” đăng trên báo Daily Telegraph.
Bài của ông Lưu viết: “Thời gian gần đây, chính phủ và truyền thông một số quốc gia phương Tây ra sức rêu rao về cái gọi là “mối đe dọa an ninh” của các công ty Trung Quốc. Cá biệt quốc gia còn đưa ra lệnh cấm cửa thị trường đối với công ty Huawei, vu khống Huawei gây nên mối uy hiếp đối với an ninh quốc gia.
Những lời lẽ đó thiếu căn cứ thực, dẫn dắt sai lệch dân chúng địa phương, đi ngược quy luật thị trường, làm tổn hại niềm tin doanh nghiệp. Nếu cứ để chúng phát triển sẽ đầu độc không khí hợp tác kinh tế quốc tế, đem lại sự bất ổn và không xác định nhiều hơn cho kinh tế thế giới”.
Ông Lưu Hiểu Minh kết luận: “Huawei không gây ra bất cứ mối đe dọa nào cho nước Anh. An toàn mạng là thách thức có tính toàn cầu, cần cả cộng đồng quốc tế cùng chung tay ứng phó”.
Theo trang mạng Financial Times bản tiếng Trung ngày 28.1, ông Trương Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền kiêm Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng mạnh mẽ xung quanh việc “người khổng lồ công nghệ Huawei” và các công ty Trung Quốc khác bị “phỉ báng và kỳ thị tại châu Âu” – cho rằng “hiện nay có người đang không tiếc sức nhào nặn ra câu chuyện xung quanh vấn đề an toàn của Huawei. Tôi không cho rằng chuyện này có bất cứ liên quan gì đến vấn đề an ninh. Đây là hành vi chủ nghĩa bảo hộ cực đoan xuất phát từ mưu đồ chính trị, đi ngược lại trào lưu toàn cầu hóa”.
Ông Trương Minh nói: “Tiến hành phỉ báng, kỳ thị, trù dập, uy hiếp hay phán xét người khác đều không giúp ích gì” khi đề cập đến việc Mỹ đốc thúc các nước châu Âu áp dụng lập trường cứng rắn hơn và các nước châu Âu ngày thêm lo ngại về an toàn mạng đối với các công ty Trung Quốc.
Trương Minh phê phán “đây là thủ đoạn chính trị hóa vấn đề kinh tế, đi ngược lại tự do kinh tế và nguyên tắc cạnh tranh công bằng”. Ông cảnh báo “châu Âu cần đề cao cảnh giác, đề phòng có người cố ý phá hoại” và tuyên bố: “Mọi ý đồ hạn chế công ty công nghệ Trung Quốc tham gia xây dựng mạng di động tốc độ cao 5G châu Âu đều có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế và hợp tác khoa học toàn cầu”.
Trang tin Đa Chiều cho biết, xuất phát từ việc xem xét nguy cơ mất an toàn công nghệ, EU đang tìm cách tăng cường thẩm tra và đảm bảo về an ninh đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Các hãng viễn thông lớn nhất của Anh và Pháp đều đã tuyên bố không sử dụng công nghệ 5G của Huawei; các nước Đức, Ba Lan, Na Uy sắp tới cũng có thể không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở nước họ.
Tờ Tin tức tham khảo của Trung Quốc ngày 27.1 cho rằng các nước phương Tây đang sử dụng “Chiến thuật bầy sói” để ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc.
Đây vốn là chiến thuật “lấy yếu thắng mạnh” được sử dụng hồi chiến tranh thế giới thứ Hai khi các tàu ngầm Đức tạo thành bầy tấn công các tàu thuyền đối phương không được bảo vệ trên mặt biển; nay được các nước phương Tây sử dụng như là cách tiêu cực “bế quan tỏa quốc” trước ưu thế công nghệ và địa vị thị trường của Huawei, thể hiện tâm thế thiếu tự tin và tự cô lập.
Báo này cho rằng: Trung Quốc không phải là con cừu bị bầy sói bao vây, Trung Quốc có đủ tự tin và đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty và công dân nước mình; ngoài ra, phương Tây không còn là một khối thống nhất, đồng điệu với Mỹ, gần đây một số nước như New Zealand, Anh bắt đầu có sự thay đổi, muốn tránh bị cuốn vào cuộc đối đầu với Huawei từ góc độ chính trị…
Tờ Yomiuri Shinbun ngày 28.1 đưa tin, ông Andrus Ansip, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu – cơ quan hành chính của EU , người phụ trách lĩnh vực thông tin của tổ chức này khi trả lời phỏng vấn báo này đã cho rằng, Huawei “rất có thể cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc” và cho biết ông đang xem xét việc tăng cường quản chế sản phẩm của Huawei.
Ông nhắc đến “Luật tình báo quốc gia” Trung Quốc ban hành tháng 6/2017 có ghi “Các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ phối hợp việc điều tra của ngành tình báo Trung Quốc”; điều này khiến nguy cơ các sản phẩm của Huawei lắp đặt “cửa sau”là rất cao.
Ông lo ngại các “cửa sau” này kết nối với các thiết bị bên ngoài để lấy cắp bí mật quốc gia và kêu gọi các quốc gia liên quan cần nhận thức đầy đủ về mối nguy cơ này.
Đây không phải là lần đầu tiên bên ngoài chú ý đến đạo luật này của Trung Quốc. Hôm 24.1, tờ Sankei Shinbun của Nhật đã đăng bài “Vì sao khó có thể tin vào những biện luận của Huawei” đề cập đến điểm này.
Bài báo viết, Chủ tịch Huawei Nhiệm Chính Phi trước đó tuyên bố: “Dù chính phủ Trung Quốc có yêu cầu cung cấp thông tin (Huawei) cũng sẽ từ chối”.
Sankei Shinbun viết, ông Nhiệm khó có thể từ chối được vì Điều 7 “Luật tình báo quốc gia” đã quy định: “Bất cứ tổ chức hay mọi cá nhân đều cần phải ủng hộ, hiệp trợ và phối hợp công tác tình báo của quốc gia, giữ mọi bí mật về công tác tình báo của quốc gia mà họ biết được”.
Tuy nhiên, The New York Times đưa tin, mặc dù các quốc gia châu Âu hạn chế Huawei, nhưng đối với họ, việc thoát ly Huawei không là chuyện đơn giản. Các thiết bị của Huawei hiện đang là bộ phận then chốt trong cơ sở hạ tầng mạng không dây của châu Âu.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hongkong trước đây cũng từng cho rằng, châu Âu không thể tách khỏi Huawei, tại thủ đô nhiều quốc gia châu Âu, thiết bị mạng 5G của Huawei đều được đánh giá là có giá trị thực tế và châu Âu hiện là thị trường ngoài nước lớn nhất của Huawei.
Hôm 24.1, tại hội nghị mạng di động thế giới 2019 công bố công nghệ 5G do Huawei tổ chức ở Bắc Kinh, công ty này thông báo hiện Huawei đã nhận được 30 hợp đồng thương mại 5G, trong đó có 18 bản đến từ châu Âu.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26134-tq-va-huawei-phai-duong-dau-voi-chien-thuat-bay-soi-cua-phuong-tay.html
TQ yêu cầu Mỹ chấm dứt gia tăng áp lực với Huawei
Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc khi Mỹ buộc tội tập đoàn Huawei, giám đốc tài chính và hai chi nhánh của công ty này tội gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 29-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ quan ngại sâu sắc sau khi Mỹ tuyên bố cáo buộc hình sự đối với tập đoàn công nghệ Huawei và giám đốc tài chính của họ, bà Mạnh Vãn Chu vì âm mưu vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Phát ngôn viện Cảnh Sảng cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã nêu rõ lập trường của phía Trung Quốc trước vấn đề “quốc gia cá biệt gần đây đàn áp các công ty Trung Quốc”.
Theo đó, nước này (ám chỉ Mỹ) đã huy động sức mạnh quốc gia để bôi nhọ và công kích một công ty trong khi không có bất kỳ chứng cứ gì là cách làm không công bằng và không có đạo đức.
Một nước đương nhiên có quyền bảo vệ an toàn thông tin quốc gia, nhưng không thể giương chiêu bài an ninh, lấy cớ vô lý để làm tổn hại, thậm chí bóp chết hoạt động kinh doanh hợp pháp của một công ty. Đối với cách làm vô lý và hành vi bắt nạt đó, các nước cần cảnh giác và chống lại”, ông Cảnh Sảng dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết.
Phía Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ chấm dứt việc đàn áp vô lý các công ty của Trung Quốc, trong đó có Huawei, và dỡ bỏ lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh.
“Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.
Trong bản cáo trạng gồm 13 đơn được công bố hôm 28-1, Bộ Tư pháp Mỹ nói Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và nhà chức trách của Mỹ về mối quan hệ của họ với các công ty con, gồm Skycom Tech và Huawei Device USA, để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Iran.
Trong một vụ việc khác, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc hai công ty con của Huawei các tội như ăn cắp bí mật thương mại, gian lận đường dây và cản trở thực thi công lý trong vụ ăn cắp công nghệ robot từ nhà mạng T-Mobile của Mỹ.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26133-tq-yeu-cau-my-cham-dut-gia-tang-ap-luc-voi-huawei.html
Đổ tiền “khủng” đầu tư, TQ “nóng mắt”
vì láng giềng chiến lược mở cửa cho đồng minh của Mỹ
Trung Quốc đã đổ tiền vào phát triển cảng Gwadar, thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Nhưng nay, Pakistan cũng mở cửa chào đón đầu tư từ Ả Rập Saudi ngay tại cảng này.Thành trì kinh tế của Trung Quốc có thể bị phá vỡ
Khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Ả Rập Saudi vào Gwadar ở phía Nam Pakistan đang làm phức tạp mối quan hệ của Islamabad và Bắc Kinh.
Trung Quốc cảnh giác với sự hiện diện ngày càng tăng của Saudi ở nước láng giềng chiến lược quan trọng khi Ả Rập Saudi chuẩn bị ký thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất Pakistan nhân dịp Thái tử Mohammed bin Salman sẽ có chuyến thăm đến Islamabad vào tháng tới.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih đã đến thăm địa điểm dự kiến cho nhà máy lọc dầu ở Gwadar vào ngày 15 tháng này. Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của Pakistan Haroon Sharif tuyên bố với giới truyền thông rằng Ả Rập Saudi dự kiến sẽ đầu tư khoảng 15 tỷ USD vào nước này trong 3 năm tới.
Gwadar là một thị trấn ven biển và là nơi Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ để phát triển cảng biển quan trọng chiến lược cho các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). CPEC bao gồm một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và cơ sở hạ tầng năng lượng trải rộng trên toàn Pakistan và là một dự án đặc trưng của Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Quyết định mở cửa đón đầu tư từ Ả Rập Saudi của Pakistan để phát triển Gwadar đang gây tranh cãi vì Bắc Kinh đã đổ một lượng tiền và tài nguyên khổng lồ vào đó.
Khoản đầu tư mới trị giá hàng tỷ USD có thể giúp Riyadh phá vỡ thành trì kinh tế của Bắc Kinh, các chuyên gia cho biết.
Trung Quốc không thích sự xâm lấn của Ả Rập Saudi ở Pakistan, Mohan Malik, giáo sư tại Trung tâm Daniel K. Inouye Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, Bắc Kinh không thể phản đối việc chia sẻ gánh nặng hỗ trợ kinh tế Pakistan với Ả Rập Saudi vào thời điểm mà nguồn hỗ trợ từ Bắc Kinh đang suy giảm do hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Washington.
Cũng có lo ngại về việc các công ty Trung Quốc sẽ bị Saudi chặn ở Gwadar. Luke Patey, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu năng lượng Oxford thuộc Đại học Oxford, cho biết, nhà máy lọc dầu của Saudi có thể loại bỏ các công ty năng lượng Trung Quốc làm suy yếu lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc từ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Gây ra căng thẳng mới?
Tuy nhiên, quyết định mời Saudi Arabia của Islamabad cũng được coi là kế hoạch đa dạng hóa các nguồn tài chính và kinh tế. “Pakistan không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Chiến lược của Pakistan nhằm đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ tài chính sẽ giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất”, Malik Siraj Akbar, nhà phân tích chính trị tại Washington nói.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã gõ cửa nhiều quốc gia, cố gắng nhận được sự ỗ trợ cần thiết cho sự phát triển cũng như giúp đỡ tài chính để vượt qua khủng hoảng. Ngoài Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Trung Quốc, Pakistan đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ả Rập Saudi và Qatar. Ông Imran Khan cũng chuẩn bị đến thăm Qatar lần đầu tiên vào cuối tháng này.
Sự hiện diện mở rộng của Ả Rập Saudi ở Gwadar cũng gây khó chịu cho nước láng giềng phía tây của Pakistan là Iran.
Địa điểm của nhà máy lọc dầu được đề xuất ở Gwadar chỉ cách biên giới của tỉnh Sistan-Baluchistan của Iran 70 km, nơi sinhg sống của người Sunni-Baloch, phần lớn theo đạo Hồi Shia. Tehran đổ lỗi cho Ả Rập Saudi vì hỗ trợ các nhóm chiến binh Sunni-Baloch chống lại Iran.
“Sự hiện diện ngày càng tăng của Ả Rập Saudi ở Gwadar sẽ làm tăng lo ngại về việc Saudi gây rắc rối ở tỉnh Sistan-Baluchistan để tiếp tục kiềm chế Iran”, ông Malik nói.
Nếu sự hiện diện của Ả Rập Saudi được sử dụng làm đòn bẩy chính trị, cách tiếp cận này sẽ làm cho khu vực trở thành một trung tâm của những căng thẳng mới và các cuộc đụng độ bạo lực giữa các địa phương Iran và Saudi, ông Malik Siraj Akbar cảnh báo.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26132-do-tien-khung-dau-tu-tq-nong-mat-vi-lang-gieng-chien-luoc-mo-cua-cho-dong-minh-cua-my.html
0 comments