Các sự kiện VN và quốc tế nổi bật 2018: cái nhìn từ Mỹ và Đức
BBC
27 tháng 12 2018
YE AUNG THU/Getty ImagesNăm 2018, chính phủ Việt Nam đạt được những kết quả kinh tế khả quan hơn dự báo, theo TS Kinh tế Phạm Đỗ Chí
Chiến dịch 'đốt lò' của TBT Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, và kết quả kinh tế khả quan hơn dự báo của Việt Nam là những điểm nổi bật trong năm 2018, theo một nhà báo từ Berlin và một chuyên gia kinh tế từ Florida, Mỹ.
Được BBC hỏi về sự kiện đáng chú ý của năm 2018, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin nhắc đến vụ mà phía Đức gọi là "bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh", gây bê bối chính trị chưa từng có cho quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
Trong khi đó, Tiến sỹ kinh tế Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ nói về kết quả kinh tế khả quan của Việt Nam, với hai 'điểm sáng' là đầu tư nước ngoài và sức tiêu dùng của giới trung lưu.
Hai vị khách cũng bình luận về các sự kiện nổi bật ở nơi mình sống năm 2018 trong một chương trình phỏng vấn cuối tháng 11 với BBC Tiếng Việt.
Chiến dịch 'đốt lò' và vụ Trịnh Xuân Thanh
Diễn tiến xảy ra từ 2017 nhưng vẫn được quan tâm nhiều ở Việt Nam là chiến dịch chống tham nhũng hay 'đốt lò' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Lê Mạnh Hùng bình luận trong chương trình phỏng vấn với BBC hồi cuối tháng 11.
"Điều đó có liên quan đến chính nước Đức nơi chúng tôi đang sống. Một trong những nhân vật bị truy tìm để phục vụ cho chiến dịch đốt lò của ông Trọng là ông Trịnh Xuân Thanh. Vụ mà phía Đức nói là "bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh" đã gây ra bê bối chính trị có thể nói là chưa từng có trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
Mặc dù ông Thanh đã bị xét xử, ra tòa và chịu án ở Việt Nam, vấn đề "hoàn toàn chưa xong", ông Lê Mạnh Hùng nói.
"Về phía Đức, người ta không quan tâm đến việc Việt Nam kết án ông Trịnh Xuân Thanh ra sao mà chỉ khẳng định một điều là vụ bắt cóc cần phải được giải tỏa bằng cách nhân vật bị bắt cóc phải được đưa trở lại nước Đức.
"Những đòi hỏi mà phía Đức đưa ra, theo tôi biết, công khai mà nói thì chưa thấy phía Việt Nam đáp ứng. Còn giữa chính phủ hai bên có cái thỏa thuận ngầm gì với nhau hay không thì chúng tôi cũng chưa dám khẳng định."
Kết quả kinh tế Việt Nam khả quan hơn dự báo
Nhìn lại năm 2018, Việt Nam và chính phủ Việt Nam đạt được những kết quả khả quan hơn dự báo, theo Tiến sỹ kinh tế Phạm Đỗ Chí.
Ông nhận xét hai mặt nổi bật là đầu tư trực tiếp của quốc tế vào Việt Nam đã tăng lớn và sức mạnh ngày càng lớn của giới trung lưu.
"Xuất khẩu ra nước ngoài và sức tiêu dùng của giới trung lưu là hai cột chống cho sự tăng trưởng khá tốt ở Việt Nam năm 2018."
"Hai điểm sáng này rất quan trọng nếu nhìn về trước mắt, với cuộc thương chiến hiện tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu các cơ xưởng, các hãng dồn sang Việt Nam để mở thì sẽ còn hứa hẹn một năm 2019 tốt đẹp hơn nữa," TS Phạm Đỗ Chí bình luận.
Sự nghiệp chính trị của bà Angela Merkel: bắt đầu của sự kết thúc
Theo nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, sự kiện đáng chú ý nhất ở CHLB Đức năm 2018 là "sự bắt đầu của sự kết thúc sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel".
Kể từ kỳ bầu cử Quốc hội Đức 2017, đã có nhiều dự báo cho thấy thời kỳ kết thúc của Thủ tướng Angela Merkel đã tới, và gần đây, bà đã phải tự nguyện từ chức chủ tịch đảng CDU.
"Một dấu ấn bà để lại là bà rất ủng hộ và có thiện chí với những người nhập cư kể cả cũ và mới.
"Đối với cộng đồng người Việt, bà không có gì đặc biệt khiến người ta phải không hài lòng, nên tôi tin là nếu bà Merkel ra đi, bà cũng ra đi trong sự tiếc nuối của đại đa số người Việt tại CHLB Đức," nhà báo từ Berlin bình luận với Nguyễn Giang của BBC Tiếng Việt.
Ông Trump thực hiện các cam kết đưa ra khi ứng cử TT
Biến cố chính trị lớn nhất ở Hoa Kỳ năm 2018 là những thực hiện của tổng thống Donald Trump về các chính sách mà ông đưa ra trong nghị trình khi vận động tranh cử, TS Phạm Đỗ Chí nhận định.
"Điều quan trọng nhất là đời sống kinh tế của Mỹ tiến rất nhanh và có lẽ đạt được một trong những mức tăng trưởng đáng kể nhất.
"Cái quan trọng nữa là sắc luật giảm thuế, làm cho mọi người tương đối là vui vẻ vì được lĩnh lương nhiều hơn.
"Một điều nữa mà báo chí có thể ít để ý tới là công ăn việc làm [phát triển] rất tốt, đến mức có những việc khó tìm được người lao động".
TS Phạm Đỗ Chí cũng nói quan điểm của cộng đồng người Việt về Tổng thống Trump có sự thay đổi trong hai năm qua.
"Lúc ông Trump là ứng cử viên vào mùa hè 2016, rất nhiều người Việt Nam nghi ngại ông vì chính sách tuyên bố chặn bớt người nhập cư và giảm chi tiêu cho các vấn đề an sinh, xã hội, công ăn việc làm.
"Nhưng trong hai năm, đặc biệt là năm 2018, đã có sự chuyển biến rất rõ ràng. Theo kết quả một cuộc thăm dò, đa số người Việt ủng hộ ông Trump"
Vị tiến sỹ kinh tế từ Florida cũng nhận xét người Việt ở trong cũng như ngoài nước có lẽ thích "thái độ cứng rắn của ông với Trung Quốc" và "ai cũng mong mỏi Hoa Kỳ giúp chặn được sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông và bớt hiểm họa xâm lăng Việt Nam sau này."
Mời quý vị xem toàn bộ video thảo luận giữa Nguyễn Giang của BBC Tiếng Việt với hai khách mời tại đây.
0 comments