Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 26/06/2018

Tuesday, June 26, 2018 6:05:00 PM // ,


Tin Việt Nam – 26/06/2018

Tao Đàn 17/6, Khủng bố tại Sài Gòn?

Kính Hòa RFA
Công viên Hoàng Văn Thụ tại quận Tân Bình là một trong những điểm chính của cuộc biểu tình qui tụ hàng ngàn người tại Sài Gòn vào ngày 10/6 để phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng. Một tuần lễ sau đó, ngày 17/6, không khí nơi này vẫn còn nóng bỏng không phải do những đám đông biểu tình mà là do sự hiện diện rất đông đảo của công an và đủ các sắc phục, cùng an ninh, dân phòng.
Nhưng đó là điều bất ngờ đối với ông Phạm Nguyễn (tên đã thay đổi do nhân chứng còn ở Việt Nam) một Việt kiều từ Mỹ về nước du lịch:
Khi tôi đi ra đường có cầm tờ giấy mà tụi này book đi chơi ở Úc. Đi lững thửng ra ngã ba Phạm Văn Hai, Hoàng Văn Thụ, thì nghe tiếng còi hụ vì họ bắt được ai đó ở đường Cộng Hòa. Nó xúm vô một lúc năm mười người, mình đang ngơ ngơ ngáo ngáo xem chuyện gì thì có hai ba thằng không biết ở đâu nhảy ra, một thằng bẻ tay tôi ra đằng sau, thằng kia giữ cổ tay còn lại đang cầm tờ giấy, một thằng mặc đồ thường xiết cổ tôi ở phía sau. Hình như nó có lên gối vào lưng mình đau đến mấy ngày sau. Một thằng dân phòng thục cái gì vô ngực mình. Tay an ninh chìm giật tờ giấy trong tay mình ra, xem xong đẩy hai thằng kia ra nói là hiểu lầm thôi, rồi nói với tôi là xin lỗi bác, hiểu lầm thôi, bác về đi, khu vực này nguy hiểm, đang nóng.”
Cách Tân Bình khá xa, tại Quận Hóc Môn, vào đêm hôm trước, công an và an ninh kiểm tra nhà riêng của một giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Người giảng viên này nói với đài RFA trong điều kiện ẩn danh:
Ngày 16/6, đêm thứ bảy, rạng sáng chủ nhật, lúc đó khoảng 10h30, có World Cup 2018, hai vợ chồng ở nhà coi. Có một cậu anh ninh mặc thường phục, công an khu vực, công an phường với lại dân quân tự vệ, gõ cửa vào để kiểm tra hộ khẩu với giấy tờ. Họ nói chuyện cũng đàng hoàng, vô coi rồi thì không thấy có gì, họ đưa ra một biên bản, trong đó ghi là ngày đó, giờ đó, tới kiểm tra nhà của anh chị thì anh chị đang ở nhà xem TV, coi đá banh.”
Ông cho rằng gia đình ông bị liệt vào danh sách đen của nhà cầm quyền, vì vào tháng 5/2016, vợ ông có tham gia cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn chống việc nhà máy thép Formosa xả chất thải, gây nên thảm họa môi trường biển miền Trung.
Họ dùng nhục hình đánh đập người dân, xâm phạm đến thân thể của họ, xảy ra rất nghiêm trọng mà tôi cho là lần đầu tiên xảy ra một cách qui mô, bất chấp luật pháp như vậy.
-Luật sư Lê Công Định.
Việc trấn áp lên đến đỉnh điểm vào ngày 17/6, theo nhiều nhân chứng, cảnh sát, công an, đủ loại sắc phục được triển khai tại ba khu vực chính là quận Tân Bình, Quận Một, và Quận Ba, đặc biệt là tại khu vực Nhà thờ Đức Bà trung tâm Sài Gòn, cùng với nhiều hàng rào dây kẽm gai di động.
Chính tại đây, nhà báo Lê Bảo Nhi cho biết rằng chồng bà đã bị bắt và tra tấn chỉ vì hiếu kỳ:
Bốn năm thằng quay lại bắt ảnh, rồi nó ném lên xe, chở ảnh tới một đồn công an nào đó mà ảnh không biết vì bị nhận đầu xuống sàn xe. Họ tịch thu điện thoại, giấy tờ các thứ, rồi kêu mở điện thoại ra. Xong rồi thì nó đánh, một nhóm khoảng sáu người lột giày đập vào đầu. Nó đánh không đâu khác mà chỉ đánh vào đầu thôi. Ảnh cũng bị còng chân, mỗi khi nó không vừa ý điều gì thì nó đạp vô cái còng một phát. Rồi ba nhóm thay ba ca cứ nhào vô đánh. Ảnh không phải là một người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền gì cả, mà chỉ là một người bình thường.”
Bản thân bà Lê Bảo Nhi vì đã từng tham gia vào cuộc biểu tình chống Formosa vào năm 2016, nên bị công an không cho đi đâu vào ngày 17/6.
Theo lời kể của chồng bà Nhi, những người ra tay đánh đập những người bị bắt gồm nhiều loại đồng phục khác nhau và không đeo bảng tên.
Chồng bà Nhi sau đó được đưa về tập trung tại khu Công viên Tao Đàn, tiếp tục bị đánh rồi được đưa về địa phương vào rạng sáng hôm sau. Bà Nhi chỉ nhận được tin chồng do nhờ cậy một nhân viên công an quen biết tại phường.
Một nhân chứng bị bắt tập trung về Công viên Tao Đàn, không muốn nêu tên cho chúng tôi biết rằng tại đây chị nghe nhân viên an ninh nói có 102 nam và 73 nữ bị bắt, còn nhân viên an ninh thì rất đông, những người ra tay tra tấn người bị bắt mặc đồng phục màu xanh và còn rất trẻ. Chị cũng có thấy một số cảnh sát giao thông cũng tham gia còng tay và tra tấn người bị bắt. Tất cả đều tháo bảng tên, và đeo găng tay cao su màu xanh để đánh người. Chị nhận được tên một người có thể là quên tháo bảng tên, tên là Lê Cao Minh Quân.
Chúng tôi không có nguồn tin nào khác để xác định con số người bị bắt tại Tao Đàn.
Chúng tôi đã gửi thư đến Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đặt câu hỏi là liệu việc bắt bớ, đánh đập nhiều người như vậy có xảy ra tại Tao Đàn và nhiều nơi khác tại Sài Gòn vào ngày 17/6 hay không, nhưng không có hồi âm.
Chúng tôi cũng có gọi điện đến ông Hồ Hiếu Thảo, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không có người trả lời.
Trong cuộc biểu tình lớn ngày 10/6, những gương mặt thường tham gia biểu tình, hay chỉ trích những chính sách của chính phủ trên mạng xã hội đều bị canh giữ gắt gao không thể tham gia vào cuộc biểu tình này. Một trong những người này là luật sư Lê Công Định, nhà ông bị canh giữ suốt cho đến ngày 23/6.
Theo Luật sư Định cuộc biểu tình ngày 10/6 là một diễn biến rất lớn, vì đó là cuộc biểu tình lớn nhất tại Sài Gòn từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc:
Điều đó làm cho nhà cầm quyền thực sự rúng động, và ngày 17/6, sau đó một tuần, là một ngày mà có thể nói là nhà cầm quyền gieo rắc một không khí khủng bố trắng. Những ai ra nơi công cộng, mặc dù chỉ là sinh hoạt bình thường, đi chơi với gia đình, bạn bè, họ vẫn có thể bị đánh đập, bắt bớ rất tùy ý. Họ dùng nhục hình đánh đập người dân, xâm phạm đến thân thể của họ, xảy ra rất nghiêm trọng mà tôi cho là lần đầu tiên xảy ra một cách qui mô, bất chấp luật pháp như vậy.”
Ảnh cũng bị còng chân, mỗi khi nó không vừa ý điều gì thì nó đạp vô cái còng một phát. Rồi ba nhóm thay ba ca cứ nhào vô đánh. Ảnh không phải là một người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền gì cả, mà chỉ là một người bình thường.
-Nhà báo Lê Bảo Nhi nói về chồng.
Một phụ nữ sống tại khu vực trung tâm Sài Gòn xác nhận với chúng tôi điều Luật sư Định nói, chị cho biết thêm là trong buổi sáng ngày chủ nhật 17/6, những quán cà phê khu vực trung tâm bị ép phải đóng cửa, người đi trên vỉa hè từ hai người trở lên là bị cảnh sát đến hỏi giấy tờ.
Người phụ nữ nhân chứng ở Tao Đàn cho chúng tôi biết là sau khi bình phục chị sẽ làm đơn kiện về việc mình bị tra tấn.
Nhà báo tự do Sương Quỳnh ở Sài Gòn cho rằng việc này hầu như là không thể vì không có bằng chứ gì cả, tất cả điện thoại di động của những người bị bắt đều bị xóa hình ảnh.
Nhưng luật sư Lê Công Định thì cho rằng những người bị đánh đập vẫn có thể kiện được vì thân thể họ có dấu vết của việc tra tấn, và họ cũng có thể nhận diện được những người tra tấn họ, ông nhấn mạnh rằng nếu muốn thì nhà cầm quyền vẫn có thể điều tra được.
Theo số liệu được báo chí nhà nước Việt Nam đưa ra vào ngày 14/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 310 người bị bắt giữ, 7 người bị xử lý hình sự, 175 người bị xử lý hành chính. Cũng vào ngày 14, Công an Thành Phố Hồ Chí Minh nói với báo chí rằng cảnh sát xác định những người trên có hành vi vi phạm pháp luật ở những mức độ khác nhau. Cụ thể, những người này đã gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản. Đặc biệt, cảnh sát đã làm rõ có một số người nhận tiền của tổ chức phản động để tham gia tuần hành, gây rối an ninh trật tự.
Các biện pháp bạo lực của chính quyền dường như đã có hiệu quả khi trong hai ngày chủ nhật sau đó, 17/6 và 24/6 không có cuộc biểu tình nào xảy ra. Nhưng người phụ nữ sống tại trung tâm Sài Gòn cho chúng tôi biết rằng chị là người chưa bao giờ quan tâm đến chính trị, nhưng trong những ngày vừa qua chị đã treo avatar phản đối luật đặc khu trên trang Facebook cá nhân, và chị đặt ra câu hỏi cho chị và cho chúng tôi là tại sao nhân viên công an và an ninh lại xem dân chúng như kẻ thù như vậy?
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/terror-saigon-taodan-park-06252018120233.html

Y án lần hai cho Đinh La Thăng

Tin cho hay hôm 26/6, Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội quyết định y án sơ thẩm, tuyên phạt ông Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, ông Thăng còn bị tuyên bồi thường 600 tỷ đồng trong vụ án góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Trước đó, hồi tháng 5/2018, trong một phiên tòa khác, cựu chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN cũng bị y án 13 năm tù.
Ông Đinh La Thăng kháng cáo
Ông Đinh La Thăng ra tòa lần hai
Đinh La Thăng bị tuyên thêm 18 năm tù
Ông Đinh La Thăng: ‘Muốn làm ma tự do’
‘Không bình thường’
Ngay sau phiên phúc thẩm hôm 26/6, một trong các luật sư của ông Thăng nói với BBC qua điện thoại rằng vì phiên tòa này “không bình thường” nên “từ chối bình luận”.
Vị luật sư này cũng cúp máy ngay khi phóng viên đề nghị giải thích khái niệm “không bình thường”.
Truyền thông Việt Nam tường thuật, Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm rằng trong vụ án này, ông Đinh La Thăng “giữ vai trò chính, khi đưa ra chủ trương cố ý làm trái, đồng thời chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội, gây hậu quả đặc biệt lớn”.
“Tại phiên phúc thẩm, không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên cần giữ nguyên hình phạt là 18 năm tù,” báo Người Lao Động viết.
Tờ báo cũng dẫn lời ông Thăng: “Tôi không đồng tình toàn bộ nội dung kiểm sát viên cáo buộc vì phần lớn nội dung đó đã nêu tại tòa sơ thẩm. Đó là nhận định thiếu căn cứ, mang tính buộc tội, quy chụp, không công bằng và không có lương tâm.”
Vụ xử ông Thăng ‘càng nhanh càng không hay’?
Ông Đinh La Thăng lại ra tòa ‘sau Tết’
Ông Đinh La Thăng không được giảm án
Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?
“Ông Đinh La Thăng đề nghị xem xét vụ án phải thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, tinh thần của Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, xu hướng của Viện Kiểm sát là tìm chứng cứ suy đoán, lập luận để bị cáo có tội,” theo báo Người Lao Động.
Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh tường thuật, chiều 26/6, khi xe chở ông Thăng đến tòa nghe phán quyết, “có rất nhiều người đứng ở cổng tòa vẫy tay chào ông Thăng”.
Trước đó, luật sư Trần Vũ Hải bình luận trên mạng xã hội: “Ngôi sao Đinh La Thăng đã bị lãng quên, hầu như mạng xã hội không còn nhắc đến phiên toà phúc thẩm thứ hai của ông. Đọc bài về phiên tòa, tôi thấy tội cho một cựu ủy viên Bộ chính trị đầy quyền lực. Tại phiên tòa sơ thẩm lần một, ông còn có thái độ “lễ phép, tôn trọng tòa án và Viện kiểm sát”, nhưng đến phiên tòa này, ông đã không còn thái độ đó. Có vẻ ông đã mất hết niềm tin vào tố tụng, công lý ở tòa Việt!”
Trong số sáu “đồng phạm” của ông Thăng ở vụ án PVN bị thiệt hại 800 tỷ đồng, tại phiên phúc thẩm, cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn được ghi nhận “đã xin rút kháng cáo, chấp nhận mức án 30 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44591852

Tập đoàn Nhật Sojitz thâu tóm Giấy Sài Gòn

Tập đoàn Nhật Sojitz chi 91,2 triệu đôla mua lại công ty Giấy Sài Gòn (Saigon Paper), thỏa thuận nhằm khai thác nhu cầu ngày càng gia tăng về giấy bìa cứng và khăn giấy ở Đông Nam Á, báo Nhật cho hay.
Theo Nikkei Asian Review hôm 26/6, Sojitz mua lại hơn 90% cổ phần của nhà sản xuất khăn giấy lớn nhất của Việt Nam, do ông Mai Hữu Tín sở hữu.
Tỷ phú Thái chiếm thị phần: ‘Nguy cơ hay cơ hội’?
Vụ bán cổ phần Sabeco có diễn biến mới
Vụ Sabeco: Tỷ phú Thái Lan ‘cần ảnh hưởng’
Uber bán mảng kinh doanh Đông Nam Á cho Grab
Ngoài thương hiệu khăn giấy Bless You, Giấy Sài Gòn còn sản xuất giấy vệ sinh và bìa cứng. Doanh thu hàng năm của doanh nghiệp này được ghi nhận lên đến 100 triệu đôla, với công suất 40.000 tấn giấy tiêu dùng và 230.000 tấn giấy công nghiệp.
“Nhu cầu giấy bìa carton ở Việt Nam tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua, một phần nhờ sự gia tăng mua sắm trực tuyến và chuyển dịch sản xuất hàng dệt và điện tử từ Trung Quốc. Nhu cầu giấy vệ sinh tăng gấp 5 trong thời gian đó khi mức sống được cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 6%,” Nikkei Asian Review tường thuật.
Được thành lập năm 1997, Giấy Sài Gòn hiện tại có nhu cầu tăng vốn đầu tư. Sojitz được cho là sẽ gửi sáu nhà quản lý từ Nhật Bản sang giúp cải tiến hệ thống tài chính và kế toán của công ty, đồng thời nâng cấp hệ thống máy móc nhà xưởng của Giấy Sài Gòn.
Với việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, Sojitz đặt mục tiêu tăng doanh số khoảng 40%, đạt 18 tỷ yen vào năm 2022, theo Nikkei Asian Review.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44591850

Đến khi nào Việt Nam thôi “bắt tay”

với doanh nghiệp Trung Quốc?

Bộ Công Thương mới đây có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV). Lý do là vì TKV không đáp ứng được nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ và gặp khó khăn trong huy động vốn từ 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, đánh giá năng lực của liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) cho thấy, phương án tài chính mà Geleximco và liên danh đưa ra lại phần lớn dựa vào vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ vốn đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. Dự kiến lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86% một năm và quốc tế là 11,77% một năm.
Do đó, dự án này một lần nữa đặt ra nhiều nghi vấn đối với các nhà chuyên môn xung quanh tính khả thi và hiệu quả, sau hàng loạt những tồn tại đã và đang diễn ra tại các dự án do nhà thầu Trung Quốc triển khai. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói về điều này:
“Sự thực mà nói thì tôi cũng thường xuyên đặt câu hỏi để rồi tự trả lời xem là tại sao? Tất nhiên nó có một cái lý mà nhiều người cho rằng nó mang tính hình thức, đó là các doanh nghiệp Trung Quốc thường chào với cái giá rất rẻ, thế nhưng mà còn có lý do mà tôi vẫn cho rằng logic thực tế hay nằm ở chỗ đó chính là câu chuyện tham nhũng trong quá trình đấu giá đấu thầu.”
Trước ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc có chính sách “lại quả” từ 30% đến thậm chí 50% giá trị dự án chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng thầu tại các siêu dự án tại Việt Nam, GS Võ bày tỏ quan điểm:
Có thể lúc đầu thì chưa thân lắm, nhưng rồi qua công việc, qua những cái “hoa hồng” đấy rồi dẫn cái thân rồi dần dần thành nếp. Đấy là một cái mà tôi cho rằng nhược điểm rất lớn trong hệ thông quản lý ở Việt Nam mà cần phải khắc phục bắt đầu từ việc bài trừ chủ nghĩa thân hữu – GS Đặng Hùng Võ
Ở Việt Nam hiện nay có một cái tôi cho là điều dở đó là mối quan hệ thân hữu , quen thân rồi thì cứ như thế nó giải quyết công việc nó nhanh, nó tiện thì đó gọi là chủ nghĩa thân hữu trong quản lý ở Việt Nam hiện nay còn chiếm xu thế khá mạnh. Tất nhiên là cái đó nó lại gắn với tham nhũng, có thể lúc đầu thì chưa thân lắm, nhưng rồi qua công việc, qua những cái “hoa hồng” đấy rồi dẫn cái thân rồi dần dần thành nếp. Đấy là một cái mà tôi cho rằng nhược điểm rất lớn trong hệ thông quản lý ở Việt Nam mà cần phải khắc phục bắt đầu từ việc bài trừ chủ nghĩa thân hữu”
Đồng quan điểm với GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) giải thích thêm:
Mình quá coi trọng chỉ tiêu về giá. Nó bỏ với giá thấp xong cuối cùng nó lại dùng chiêu trò để nâng giá lên thì cuối cùng cũng lại bằng vô nghĩa. Bên cạnh đó thì nó lại có điều kiện là cấp cho mình vốn vay tín dụng thì đó là ưu điểm. Một cái nữa cũng phải hết sức thông cảm là cách làm ăn của Việt Nam với anh Trung Quốc là quan hệ lâu rồi thì cái đó nó cũng tác động. Tuy nhiên, phải nói thẳng ra là những dự án mà nhà thầu Trung Quốc thi công triển khai thì đều kém hiệu quả và gây lãng phí thất thoát”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng rất nhiều các dự án mà Trung Quốc đã trúng thầu và đang thi công đều gây lãng phí bởi trên thực tế công nghệ của Trung Quốc yêu cầu chi phí đầu tư và duy tu bảo hành cao tuy nhiên lại không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ lại lên án những hậu quả đối với môi trường từ các công nghệ của nhà thầu Trung Quốc. Ông nói:
Tất cả những cái mà Việt Nam đã nhìn thấy rồi như công nghệ xi măng lò đứng, mía đường hay như nhiều thứ công nghệ khác, Việt Nam cũng đã nhập của Trung Quốc, thậm chí là biết rồi nhưng mà vẫn có một loạt các nhà máy xi măng lò đứng vẫn đang làm việc và vẫn đang gây ô nhiễm môi trường, trong khi ở Trung Quốc người ta đã bỏ xi măng lò đứng từ lâu rồi”
Gần đây phải nói rằng bệnh chậm tiến độ, đội vốn kéo dài hay là thất thoát lãng phí trong đầu tư công nó là một bệnh trầm kha, một bệnh cố hữu của Việt Nam. Nói chung là các dự án đầu tư công ở Việt Nam hiện nay có đến 40-50% các dự án phải điều chỉnh do chậm tiến độ, do chi phí đội lên…chi phí rất là lớn – TS. Ngô Trí Long
Thực tế này được minh chứng bằng các dự án như Dự án Tổ hợp Bô xít Tây Nguyên đội vốn hơn 30 nghìn tỷ và chậm tiến độ hơn 6 năm, Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và dự án mỏ sắt Quý Xa trị giá 6.000 tỷ nằm đắp chiếu, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình – 1 trong 12 dự án đội vốn thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương hay gần đây nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn hơn 7000 tỷ đồng và chậm tiến độ 3 năm tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó là hàng trăm dự án xây dựng và giao thông lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam cũng đang gặp phải những vấn đề về chi phí đầu tư và tiến độ gây thất thoát lãng phí, làm tăng thêm gánh nặng về lãi suất và gây nên những hiệu quả tiêu cực đối đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Theo TS Ngô Trí Long, mối quan hệ thân hữu giữa các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ qua cùng những khoản “lại quả” giá trị cao, thậm chí bằng tiềng mặt của nhà thầu Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới những bài học đầy “đau thương” hiện nay:
“ Gần đây phải nói rằng bệnh chậm tiến độ, đội vốn kéo dài hay là thất thoát lãng phí trong đầu tư công nó là một bệnh trầm kha, một bệnh cố hữu của Việt Nam. Nói chung là các dự án đầu tư công ở Việt Nam hiện nay có đến 40-50% các dự án phải điều chỉnh do chậm tiến độ, do chi phí đội lên…chi phí rất là lớn”
TS Ngô Trí Long cũng cho rằng mặc dù đã có Luật đầu tư công ban hành từ năm 2014 nhưng do năng lực hạn chế của đội ngũ cán bộ quản lý nên tình trạng trên vẫn không hề được cải thiện. Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ đưa ra khuyến cáo trong việc lựa chọn nhà thầu có thể đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật trước hết rồi mới tính đến các phương án giá bỏ thầu khả thi để tránh tình trạng nhà thầu không vượt qua được rào cản kỹ thuật, đình trệ thi công và liên tục đề xuất tăng vốn gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng như hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/den-khi-nao-viet-nam-thoi-bat-tay-voi-doanh-nghiep-trung-quoc-06252018143455.html

Người dân Bình Thuận và các dự án nhấn chìm bùn

của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

Hòa Ái, phóng viên RFA
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được phản ảnh gây ra tác hại đến môi trường sống của người dân Bình Thuận trong những năm qua và được xem như là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự bất nhẫn của người dân đối với chính quyền địa phương.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân mới đây đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển. Dân chúng Bình Thuận đón nhận thông tin về dự án nhấn chìm bùn mới ra sao?
Bất nhất giữa các cơ quan chức năng
Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, dư luận đặc biệt chú ý đến thông tin về nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển, với diện tích 300 héc-ta, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Vào ngày 8 tháng 6, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn gửi văn bản phản đối đến Bộ Tài nguyên-Môi trường, liên quan dự án nhấm chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho báo giới quốc nội biết Bộ này không đồng tình vì lo ngại dự án có thể gây ra tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển, do vị trí nhận chìm bùn quá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn nhấn mạnh chỉ có ý kiến mà thôi, còn phương án nhấn chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 phải trình với Bộ Tài nguyên-Môi trường.
Trước đó, hồi hạ tuần tháng 4, Bộ Tài nguyên-Môi trường gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau đề nghị cho ý kiến về vị trí nhận chìm bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
Thật ra, trước khi cho vào nhà máy vận hành thì đầu tiên phải biết nhà máy đó làm gì, sản xuất ra cái gì và rác thải của nó gồm những gì? Rác thải là khí, là nước hay là vật chất và xử lý rác thải đó như thế nào? Tất cả những điều này, Việt Nam không cần xem xét đâu…Cho nên những gì người ta nói là vô luật. Thích thì cho. Không thích thì thôi. Tóm lại, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 hay Vĩnh Tân 3, thậm chí Vĩnh Tân 15…do chính quyền độc quyền thì họ thích làm gì là họ làm
-TS.Nguyễn Văn Khải
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận thắc mắc vì sao dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã phải dừng lại trong năm 2017 khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới khoa học gia, mà các bộ ngành lại tiếp tục xem xét cho phép những dự án tương tự như thế. Hơn thế nữa, với lập luận của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thì câu hỏi của dư luận liệu rằng Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ chấp thuận cho dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được tiến hành trong nay mai hay không? Chúng tôi nêu vấn đề với Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải và được nghe nhận xét của ông:
“Thật ra, trước khi cho vào nhà máy vận hành thì đầu tiên phải biết nhà máy đó làm gì, sản xuất ra cái gì và rác thải của nó gồm những gì? Rác thải là khí, là nước hay là vật chất và xử lý rác thải đó như thế nào? Tất cả những điều này, Việt Nam không cần xem xét đâu. Chẳng hạn xây một tòa nhà thì cần phải xem xét có ảnh hưởng gì không; có chặn nguồn nước, chặn gió, chặn nắng, có cung cấp đủ điện nước, có đủ đường giao thông…không? Xây một tòa nhà cao tầng đã thế thì xây một khu công nghiệp phải khác chứ? Cho nên những gì người ta nói là vô luật. Thích thì cho. Không thích thì thôi. Tóm lại, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 hay Vĩnh Tân 3, thậm chí Vĩnh Tân 15…do chính quyền độc quyền thì họ thích làm gì là họ làm.”
Vào khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang lên tiếng với RFA rằng giới khoa học lo ngại về mặt sinh học khi thải ra 1 triệu mét khối chất nạo vét như vậy sẽ làm đục cả khu vực biển chỗ đó và ánh sáng không xuống được, khiến cho quá trình quang hợp không thực hiện được làm mất chuỗi thức ăn. Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói thêm việc nhấn chìm này sẽ làm xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy.
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh việc đổ bùn sẽ hủy hoại các rặng san hô ở Khu bào tồn biển Hòn Cau.
Dân chúng Bình Thuận đang “chết mòn”
Trong khi những ai quan tâm đến các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận bày tỏ qua mạng xã hội và những trang fanpage của nhiều báo mạng online trong nước về nỗi lo ngại dự án nhấn chìm hàng triệu m3 bùn xuống biển sẽ gây thêm hậu quả về tác hại môi trường sống của người dân địa phương, thì rất nhiều người dân tại Bình Thuận chia sẻ với RFA về đời sống mà họ gọi là “chết mòn” vì bị đảo lộn do môi trường biển, môi trường đất và không khí bị ô nhiễm.
Dân chúng ở Bình Thuận chủ yếu sống bằng nghề biển. Tuy nhiên, các ngư dân cho biết nguồn hải sản ở vùng biển địa phương ngày càng cạn kiệt từ sau khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động:
“Đói luôn! Đi xuống đảo Phú Quý, ở Phan Thiết mới đánh bắt được. Bình thường mất 1-2 tiếng đồ hồ để ra biển đánh bắt. Còn chạy xuống đảo đến 12 tiếng đồng hồ. Tốn dầu tới cả hơn 100 lít.”
Không chỉ đời sống của ngư dân bị ảnh hưởng, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Mới đây nhất, vào ngày 25 tháng 6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết  xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Đói luôn! Đi xuống đảo Phú Quý, ở Phan Thiết mới đánh bắt được. Bình thường mất 1-2 tiếng đồ hồ để ra biển đánh bắt. Còn chạy xuống đảo đến 12 tiếng đồng hồ. Tốn dầu tới cả hơn 100 lít
-Ngư dân Bình Thuận
Nhiều nông dân ở Bình Thuận cũng cho biết cây trồng bị rụng lá, chết rụi vì nguồn nước tưới tiêu xuất phát từ nước dùng để tưới ở bãi xỉ ngấm xuống lòng đất và chảy ra khu vực phía ngoài.
Bên cạnh đó, người dân địa phương còn bị ô nhiễm không khí bởi xỉ than của nhà máy nhiệt điện. Cuộc sống của dân chúng ở Bình Thuận bị bủa vây đến mức đã nổ ra một cuộc biểu tình bạo động phản đối nhà máy nhiệt điện hồi năm 2015.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá với tổng công suất thiết kế lên đến 5.600 MW và bắt đầu vận hành vào tháng 9 năm 2014 tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường.
Trả lời câu hỏi của RFA xoay quanh đề xuất nhấn chìm bùn của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, một số người dân Bình Thuận khẳng định rằng hễ còn thấy ống khói của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân sừng sững nhả khói hàng ngày thì bất cứ việc gì liên quan đến các nhà máy này cũng là nỗi ám ảnh hãi hùng đối với họ. Có những người dân còn nói rằng mong muốn cuộc sống được an cư lạc nghiệp bị triệt tiêu, kể từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động và ước ao duy nhất của họ trong lúc này là được các cấp chính quyền lắng nghe nguyện vọng họ không phải sống trong tình cảnh “chết mòn” trong đói nghèo và tuyệt vọng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-lives-of-local-people-and-projects-of-dumping-mud-in-binh-thuan-sea-06252018144150.html

Cập nhật vụ chánh trị sự Hứa Phi bị hành hung

Ông Hứa Phi, chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, cho Đài Á Châu Tự Do biết bệnh viện chẩn đoán ông cần mổ cột sống và bị tổn thương nội tạng do trận hành hung hôm 24/6 vừa qua. Nói với đài ACTD qua điện thoại vào ngày 26/6, ông Hứa Phi cho biết :
Bữa nay mới chụp phim xong, cũng đang nằm ở đây, có lẽ phải mổ cột sống sống lưng tại vì theo bác sĩ thì tổn thương tới sống lưng. Khi mà có kết quả chẩn đoán rồi thì sẽ mổ. Tôi cũng không nắm rõ chuyên môn nhưng có thể chấn thương cột sống. Thận thì dập nhẹ, bàng quang thì còn ứ, tiểu ra máu.
Ông Hứa Phi cho chúng tôi biết ông nhận được thư từ tòa đại sứ Úc, mời ông lên Sài Gòn để gặp
Hôm 24 tôi quyết chí đi nhưng công an giao thông và mật vụ cản đường. Người ta lập biên bản rồi ngày hôm sau chắc có lẽ người ta cũng lơ là nên mình đi trót lọt.
Hiện tại thì mới có người nhà thôi, có lẽ ngày mai Hội Đồng Liên Tôn sẽ tới. Chắc lẽ có họ cũng chưa biết chứ biết thì sẽ theo dõi vì tôi đi người ta cũng canh.
Úc và Việt Nam sắp tổ chức cuộc đối thoại nhân quyền thường niên. Trước các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam, viên chức tòa đại sứ các nước thường mời những nhà hoạt động dân sự, đại diện tôn giáo đến để trao đổi tình hình.
Ông Hứa Phi là người mạnh mẽ lên tiếng phản đối những đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo cho người dân trong nước.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hứa Phi bị đánh đập, sách nhiễu bởi những thành phần bị xác định chính là công an mặc thường phục. Trong tháng 1 vừa qua, ông đã liên tục nhận nhiều giấy mời và triệu tập lên gặp công an để trả lời cáo buộc được nêu ra là ‘xúc phạm dân tộc và cung cấp tin tức không đúng sự thật’; tuy nhiên ông đã từ chối không đi gặp vì cho rằng lý do nêu trên các giấy mời là sai.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế. Báo cáo lên án chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước. Việt Nam sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-hua-phi-caodaism-clergical-leader-persecution-case-06262018083507.html

Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác

chống kinh doanh gỗ bất hợp pháp

Việt Nam và Hoa Kỳ lần đầu tiên tổ chức hội thảo song phương về vấn đề “thực thi pháp luật chống khai thác gỗ trái phép và các hoạt động thương mại” diễn từ ngày 26 – 28 tháng 6 năm 2018 tại Hà Nội.
Nội dung được đưa ra tại buổi hội thảo gồm các vấn đề về Luật lâm nghiệp và hê thống đảm bảo gỗ hợp pháp tại Việt Nam, luật pháp của Hoa Kỳ với các nước nhập khẩu gỗ, theo đó các quốc gia này cấm kinh doanh gỗ bất hợp pháp như đạo luật Lacey của Hoa Kỳ.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nạn khai thác gỗ trái phép trên toàn cầu hàng năm mang lại lợi nhuận với trị giá hơn 11 tỷ đô la. Hoạt động kinh doanh gỗ bất hợp pháp đã hủy hoại hệ sinh thái rừng và các chính phủ mất đi nguồn thuế từ việc kinh doanh hợp pháp.
Ngoài sự tham dự cả các cơ quan cấp cao đại diện hai nước, tại buổi hội thảo còn có sự góp mặt của Interpol, văn phòng liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm cùng các tổ chức phi chính phủ.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, tổ chức EIA chuyên điều tra về ô nhiễm môi trường, công bố phúc trình nêu rõ Việt Nam tiếp tục được quan chức Phnom Penh đồng lõa trong việc khai thác gỗ lậu tại Campuchia.
Cũng liên quan việc hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vào ngày 25 tháng 6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ của chính phủ Hà Nội đã có mặt tại Washington D.C bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 25 – 27 tháng 6 năm 2018.
Tại cuộc gặp với ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào ngày 25 tháng 6, hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, năng lượng, tăng cường an ninh quốc phòng và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ngoài ra, hai bên còn khẳng định lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á Thái Bình Dương, giải quyết các vấn đề tranh chấp tại khu vực Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của ông Vương Đình Huệ được nói nhằm thực hiện các cam kết đã được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2017 và Tổng Thống Trump đến Việt Nam vào tháng 11 năm 2017.
Nhà Trắng vào ngày 25 tháng 6 cũng loan tin trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, Michelle Giuda vào ngày 26 tháng 6 đến thăm Đại học Fulbright ở Sài Gòn, gặp gỡ các thành viên Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á tại thành phố này… Đến ngày 28 tháng 6 bà này đến Hà Nội
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-us-cooperate-in-law-enforcement-to-combat-illegal-logging-and-associated-trade-06262018104549.html

EU kéo dài thẻ vàng IUU 6 tháng đối với VN

Tổng cục Thuỷ sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho biết Đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) quyết định kéo dài thời gian thẻ vàng của ngành khai thác thuỷ sản Việt Nam thêm 6 tháng.
EU sẽ quay lại xem xét vào tháng 1/2019.
Theo Tổng cục Thuỷ sản Việt Nam thì EC ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của tổ chức này nhưng việc khắc phục chưa triệt để và vẫn còn nhiều thách thức lớn.
Ngày 23/10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân là do khai thác hải sản của Việt Nam vi phạm nguyên tắc được gọi tắt theo tiếng Anh IUU; tức đánh bắt bất hợp pháp, không khai cáo, không được quản lý.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Eu-extends-6-more-months-yellow-card-for-vn-06262018085042.html

Kết thúc rà soát pháp lý

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam

Việt Nam và Liên minh Châu Âu chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thống nhất toàn bộ nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/6, một ngày sau phiên làm việc giữa Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmstrom tại Brussels, Vương quốc Bỉ.
Tin nói hai bên thống sớm sẽ trình sớm các cơ quan có thẩm quyền để tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn cả 2 hiệp định.
Tin cho biết Việt Nam và EU cũng đã thảo luận về lộ trình hợp tác trong thời gian tới để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển kinh tế thương mại hai bên.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là 1 trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Xin nhắc lại, EVFTA đã được phía Việt Nam và EU kết thúc đàm phán ngày 2/12/2015. Sau đó, theo quy định mới của EU, nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư được tách ra thành 1 hiệp định riêng là  Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
Vào ngày 6 tháng 6 vừa qua, 99 tổ chức xã hội dân sự đồng ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Liên minh Châu Âu hãy bác bỏ EVFTA và chỉ nên mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam khi nào chính quyền Hà Nội cam kết thả hết tù nhân chính trị và chứng minh cho thấy tuyệt đối tôn trọng quyền tự do thông tin và tự do hội họp.
Những án tù và tù nhân lương tâm được nhắc đến cụ thể trong thư là Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức.
Ngay sau đó vào khuya ngày 7-6-2018 hai tù nhân lương tâm là luật sư Nguyễn Văn Đài cùng vợ của ông và cô Lê Thu Hà được chính quyền Việt Nam phóng thích và buộc đi lưu vong sang Đức sau 2 tháng diễn ra phiên tòa sơ thẩm (ngày 5 tháng 4) xử hai người này và bốn nhà hoạt động khác với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999.
Một vụ được nói có thể gây ách tắc cho EVFTA là Hà Nội cử người sang Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí và nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đưa về Việt Nam để kết án.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/EuU-vietnam-end-legal-review-for-evfta-06262018083433.html

HRF yêu cầu UNWGAD

điều tra vụ bắt giữ Trần Thị Xuân

Tổ chức Quỹ Nhân quyền (HRF) đã đệ đơn lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc Điều tra về Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD), yêu cầu ủy ban điều tra vụ bắt giữ Trần Thị Xuân, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam, và là thành viên của Hội Anh em Dân chủ (AEDC).
Theo thông cáo của HRF, đơn đã được đệ nạp hôm 22 tháng 6 và gửi đến Nhóm Công tác của Ủy ban Điều tra về Bắt Giữ Tùy Tiện để yêu cầu UNWGAD tiến hành một cuộc điều tra chính thức vào vụ bắt giữ, tạm giam, kết án sai trái và tuyên án hà khắc đối với chị Trần Thị Xuân, một nhà hoạt động nhân quyền từng tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và đòi bồi thường cho ngư dân bị tác động trong thảm họa cá chết hàng loạt năm 2016 do thải hóa chất độc hại.
Chị Xuân là thành viên của Hội AEDC, một tổ chức bất bạo động quy tụ các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Bà Joy Park, cố vấn pháp lý đặc trách châu Á của HRF nói:
“Trong hồ sơ đệ nạp lên UNWGAD, chúng tôi lập luận rằng cô Trần Thị Xuân đã bị tước mất quyền tự do chỉ vì mối liên kết với Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) và các hoạt động ủng hộ dân chủ”.
Bằng việc tùy tiện cầm giữ chị Trần Thị Xuân, Việt Nam đã không thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình theo Điều 18 và 20 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và các Điều 19 và 22 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.”
Tổ chức Quỹ Nhân quyền (HRF)
Đại diện HRF nhấn mạnh:
“Chúng tôi kêu gọi UNWGAD hãy lên tiếng rằng bằng dộng thái tùy tiện cầm giữ chị Trần Thị Xuân, Việt Nam đã không thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình theo Điều 18 và 20 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và các Điều 19 và 22 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.”
Theo Dự án 88, một website chuyên lưu trữ những thông tin về những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại Việt Nam, chị Trần Thị Xuân bị bắt hôm 17 tháng 10 năm 2017 mà không có trát lệnh bắt giữ. Chị bị giam giữ trong tình trạng không được liên lạc với bên ngoài trong suốt thời gian tạm giam cho tới khi bị tuyên án khi phiên tòa kết thúc vào ngày 12 tháng 4 năm 2018.
Theo HRF, chị Trần thị Xuân không được phép nhờ luật sư đại diện, và gia đình chị không được loan báo ngày xét xử. Rốt cuộc, chị bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. HRF cho rằng đây là một bản án bất công, sai trái.
Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kết án Trần Thị Xuân 9 năm tù giam và 5 năm quản chế. Chị có 15 ngày để kháng cáo phán quyết của tòa, nhưng gia đình và luật sư không được phép tới thăm cho đến khi thời hạn kháng cáo đã hết hạn.
Vũ Minh Khánh.
HRF nói vụ bắt giữ chị Xuân nằm trong một chiến dịch đàn áp vẫn đang tiếp diễn chống Hội AEDC. Tính từ năm 2017, 8 thành viên của hội đã bị kết án và bỏ tù dựa trên những tội bị gán ghép, theo HRF.
HRF là một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, chuyên quảng bá và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu, đặc biệt tập trung giúp những nhà bất đồng bị đàn áp trong các xã hội khép kín.
Hội AEDC là một mạng lưới hoạt động với nhiều thành viên trên khắp nước. Một trong những người sáng lập Hội là Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, mới đây ông và cộng sự viên Lê Thu Hà, đã được phóng thích và đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay để bị trục xuất sang Đức. Cùng đi với ông có vợ ông, bà Vũ Minh Khánh.
https://www.voatiengviet.com/a/hrf-yeu-cau-ungwad-dieu-tra-vu-bat-giu-tran-thi-xuan/4455342.html

‘Đốt lò’, chống tham nhũng

hay nhắm vào ‘củi phe kia’?

Hoài Hương-VOA
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng sáng ngày 25/6 điểm qua những thành tích của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, và vạch ra hướng đi tương lai của công tác quan trọng này. Hội nghị lặp lại quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch ‘diệt giặc nội xâm’.
Vietnamnet dẫn lời phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, tại phiên khai mạc hội nghị:
“Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía”.
Giới hoạt động tại Việt Nam đặt nghi vấn về phát biểu này. Anh Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, thành viên nồng cốt của Câu lạc bộ Bóng đá No-U:
Các ông ấy vừa đốt lò, vừa ném chuột mà lại sợ vỡ bình, các ông muốn giữ lại chế độ của các ông ấy thì các ông ấy sẽ không đốt lò một cách rốt ráo được, mà chỉ chọn những đối thủ nào của ông ấy để ông ấy cho vào lò.”
Lã Việt Dũng, nhà hoạt động dân chủ, thành viên Câu lạc bộ Bóng Đá NoU
“Thực ra nếu mà nhìn vào cái cuộc chiến gọi là chống tham nhũng như ông ấy nói, trong khi ông ấy là người hầu như nắm quyền lực cao nhất của đảng, thì tôi chẳng hiểu nổi tại sao mà nó lại khó khăn gian khổ tới như vậy, bởi vì mọi thứ đều sờ sờ ra. Tiền và tài sản tham nhũng không thể dấu giếm đi được. Các ông ấy vừa đốt lò, vừa ném chuột mà lại sợ vỡ bình, các ông muốn giữ lại chế độ của các ông ấy thì các ông ấy sẽ không đốt lò một cách rốt ráo được, mà chỉ chọn những đối thủ nào của ông ấy để ông ấy cho vào lò.”
Theo đánh giá của Hà nội thì chiến dịch phòng chống tham nhũng kể từ Đại hội XII, đã đạt nhiều bước tiến. Một bài viết tải lên trang mạng Vietnamnet cho rằng “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, và có chiều hướng thuyên giảm”. Trang mạng này liệt kê một loạt thành tích cụ thể của ‘chiến dịch đốt lò’ là “đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; nhiều bị cáo bị phạt tù với mức án từ 12 tháng đến dưới 30 năm” vv…
VTV cũng có bài báo nói rằng các nỗ lực “chống giặc nội xâm cần tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ”, bài báo nói rằng chiến dịch này được người dân ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao. Vietnamnet dẫn lời Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, nói rằng: “Chưa bao giờ chuyện ‘lò nóng’ của Tổng bí thư được ủng hộ nhiều như vậy”.
Liệu lời khẳng định chắc nịch đó có thể hiện trung thực ý kiến của người dân ở trong nước?
“Ông Trọng nói nhiều cái không được nhất quán, lúc thì hô hào chống tham nhũng, lúc thì bảo kê khai tài sản nó có liên quan tới bí mật cá nhân, tới đời tư. Quan sát thì thấy rằng ông ấy tập trung vào phe kia, chứ chưa dám động vào những người thuộc phe ông ấy.”
Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nói nếu mục đích của chiến dịch đốt lò là thuần túy chống tham nhũng, thì lẽ đương nhiên rất nhiều người, kể cả cá nhân ông, đều ủng hộ. Nhưng theo nhà hoạt động này thì thực tế là vẫn có nhiều hoài nghi bởi vì chiến dịch đốt lò của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào “củi phe kia”, chứ không nhắm vào “củi phe ta”.
“Ông Trọng nói nhiều cái không được nhất quán lắm, lúc thì ông hô hào chống tham nhũng, lúc thì ông bảo kê khai tài sản nó có liên quan tới bí mật cá nhân, tới đời tư. Những người quan sát thấy rằng ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người thuộc phe ông ấy.”
Anh Lã Việt Dũng thuộc Câu lạc bộ bóng đá No-U:
“Ông ấy nói dân ủng hộ thì cái điều đó nó không chính xác, bởi vì người dân ở đây, những người như chúng tôi hay là những người mà tôi tiếp xúc thì họ biết rằng đây chỉ là những cuộc thanh trừng nội bộ. Những việc của ông ấy không hề có quyết tâm chống tham nhũng một cách đến cùng, bởi vì ngay trước đấy khi mà một số nhân sĩ trí thức yêu cầu ông Trọng phải công khai tài sản cá nhân của ông thì ông ấy lại nói công khai tài sản cá nhân là vi phạm quyền riêng tư và rất là nhạy cảm, tôi nghĩ rằng những người dân và những người bạn xung quanh tôi, không ai tin vào những lời ông ấy nói nữa.”
Ông Nguyễn Tường Thụy cũng nêu bật nhiều vụ tham nhũng mà theo ông không được thực hiện tới nơi tới chốn:
“Vụ Yên Bái cũng là ‘đánh trống bỏ dùi’, tưởng là làm tới đến nơi rồi tự nhiên dừng lại, kỷ luật vớ vẩn, nhắc nhở chung chung… Vụ Thủ Thiêm vừa rồi tự nhiên im bặt đi, báo chí không được động tới.. Tham nhũng nó không phải là bí mật quốc gia mà báo chí không được nói, thế mà có chỉ đạo một cái là tự nhiên im bặt, thế thì ai mà tin cậy được? ”
Có nhận xét cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với chiến dịch chống tham nhũng do lãnh tụ nước láng giềng Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Một số người còn nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam không những được sao chép, mà có khả năng được chỉ đạo từ Bắc Kinh:
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy: “Cách thức chống tham nhũng là học từ Trung Quốc sang. Không chỉ chống tham nhũng mà nhiều việc từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đều lấy mô hình và cách làm của Trung Quốc cả.”
Đảng Cộng sản Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì chỉ đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ diệt vong và đến chỗ mất nước. ”
Lã Việt Dũng, Câu lạc bộ Bóng đá NoU
Anh Lã Việt Dũng cũng chia sẻ nỗi lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhiều khía cạnh sinh hoạt tại Việt Nam, anh bày tỏ lo ngại là chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được “sự chỉ đạo, thỏa thuận và đồng ý của Bắc Kinh”. Anh đơn cử các nỗ lực của nhà nước, muốn nhanh chóng thông qua các dự luật đặc khu và luật an ninh mạng mới đây, nói rằng các động thái đó đã làm dấy lên những lo sợ nơi người dân về ảnh hưởng quá sâu rộng của Bắc Kinh, và hệ quả của nó đối với vận mệnh dân tộc.
“Đấy là một trong những vấn đề lo ngại lớn nhất của chúng tôi đối với đất nước này. Chúng tôi không chống đảng cộng sản bằng mọi giá, tôi nghĩ rằng nếu mà không có Trung Quốc thì họ có thể sửa sai được, và họ cũng có thể chuyển hóa được để xã hội Việt Nam và chế độ chính trị Việt Nam sẽ thay đổi tốt hơn, nhưng có bàn tay của Trung Quốc đằng sau thì thực sự điều đó rất là khó. Đảng Cộng sản Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì chỉ đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ diệt vong và đến chỗ mất nước. ”
https://www.voatiengviet.com/a/hai-cach-nhin-ve-chien-dich-dot-lo/4454085.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.