Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 06/01/2017

Friday, January 6, 2017 5:26:00 PM // , ,


Tin khắp nơi – 06/01/2017

Mỹ sắp triển khai máy bay báo động tối tân tới Nhật

Hải quân Mỹ ngày 5/1 cho biết sẽ triển khai máy bay báo động sớm, loại tối tân, đến Nhật Bản để tăng cường hệ thống phòng không, ngăn chặn khả năng những cuộc tấn công bằng phi đạn và các máy bay tàng hình xâm nhập không phận.
Việc triển khai máy bay E-2D Hawkeye tối tân của Tập đoàn Northrop Grumman là một phần của chính sách xoay trục sang châu Á của quân đội Mỹ đưa những máy bay và tàu chiến tối tân đến vùng này để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Động thái này, dù hoạch định trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng diễn ra giữa những căng thẳng mới nhất giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc khi Tổng thống tân cử Donald Trump nêu nghi vấn về chính sách ‘một nước Trung Hoa’ có từ lâu nay.
Thông cáo báo chí Hải quân Mỹ cho biết “Hệ thống các máy bay Hawkeyes tối tân hoạt động như một ‘trung phong kỹ thuật số’ cho hạm đội Mỹ, thu thập và chuyển những hình ảnh chiến thuật cho các trung tâm chỉ huy và những hệ thống khác.”
Hải quân Mỹ không đưa ra con số rõ rệt, nhưng một phi đội thường gồm từ 12 đến 24 chiếc máy bay. Máy bay mới thay thế loại máy bay cũ E-2.
Các đơn vị quân đội Mỹ tại Nhật Bản cũng là những đơn vị đầu tiên nhận được những trang bị tối tân, bao gồm máy bay Poseidon P-8A của hãng Boeing săn lùng tàu ngầm và máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của công ty Lockheed Martin.

TT Đài Loan ngày mai sẽ lên đường

đi thăm các nước châu Mỹ

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ lên đường sang đến Mỹ vào ngày thứ Bảy tới đây, và có khả năng tăng tiến các quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sau cuộc điện đàm bất ngờ vào tháng trước. Bà Thái Anh Văn cũng sẽ đi thăm các nước Trung Mỹ, những nước có thể sẽ quay lưng với Đài Loan để xoay sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.
Chuyến đi của bà được xem như một cuộc trắc nghiệm về mối quan hệ ngoại giao tuy vẫn ổn định nhưng cũng rất mong manh giữa Đài Loan với các nước châu Mỹ. Bắc Kinh đã cảnh báo về chuyến đi của bà và phản đối việc bà quá cảnh ở Mỹ. Trung Quốc có thể sẽ phản ứng quyết liệt hơn nếu bà có động thái nào mới để thiết lập quan hệ thân mật hơn với ông Trump.
Trung Quốc coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và không phải là một quốc gia có chủ quyền để có quan hệ đối ngoại. Trung Quốc tỏ ra rất khó chịu khi nhà lãnh đạo của Đài Loan mở rộng quan hệ đối ngoại.
Bà Thái chưa cho biết liệu bà sẽ gặp ai trong khi quá cảnh ở Houston trên đường sang Trung Mỹ hay ở San Francisco trên chặng bay về Đài Loan. Chuyến đi châu Mỹ của bà sẽ kéo dài 9 ngày.
Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, được coi như tòa đại sứ trên danh nghĩa của Mỹ ở Đài Bắc, cho biết bà quá cảnh vì lý do cá nhân, và các nhà lãnh đạo Đài Loan khi đến châu Mỹ La-Tinh thường quá cảnh ở Mỹ.
Giới quan sát nói bà Thái hy vọng có thể liên hệ với những người trong chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi ông nhậm chức ngày 20 tháng 01.

Ông Trump đề cử lãnh đạo tình báo quốc gia

Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ Dan Coats vào chức vụ cao cấp nhất của cộng đồng tình báo Mỹ, theo như các nguồn tin của báo chí cho biết.
Cựu Thượng nghị sĩ Coats, một đảng viên Cộng hòa bảo thủ, sẽ đứng đầu Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, giám sát CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia và 14 cơ quan liên bang khác có nhiệm vụ thu thập tin tức để hỗ trợ cho các quan hệ ngoại giao của Mỹ và an ninh quốc gia. Nếu được Thượng viện chuẩn nhận, ông Coats sẽ kế nhiệm ông James Clapper, một tướng ba sao hồi hưu được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào năm 2010.
Ông Coats, 73 tuổi, đại diện cho bang Indiana trong Thượng viện từ năm 1989 cho đến năm 1999 và lần thứ nhì từ năm 2011. Ông không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.
Ông Coats cũng là cựu Đại sứ Mỹ tại Đức và là một thành viên của Uỷ ban Tình báo Thượng viện trước đây. Ông phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1966 đến 1968 và trước khi đi vào chính trị đã hoạt động trong ngành doanh thương.
Ông Clapper, 75 tuổi, cách đây không lâu đã loan báo không muốn thêm nhiệm kỳ nào nữa trong chức vụ giám đốc tình báo quốc gia sau khi nhiệm kỳ ông Obama kết thúc.
Báo Wall Street Journal loan tin ông Trump có kế hoạch cải tổ lại văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia mà ông cho là cồng kềnh và mang tính chính trị hóa. Tuy nhiên phát ngôn viên của ông Trump Sean Spicer mạnh mẽ bác bỏ tin này hôm 5/1.
Kể từ khi đắc cử, ông Trump đã vài lần chỉ trích hoạt động của cộng đồng tình báo và nói rằng ông rất nghi ngờ về kết luận của tình báo cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bằng cách xâm nhập email của Đảng Dân chủ nhằm giúp ông trùm bất động sản bên đảng Cộng hòa.
Trong tuần này, ông Trump lại lên tiếng dù ông chưa được lãnh đạo cộng đồng tình báo thuyết trình đầy đủ. Buổi điều trần này dự kiến diễn ra vào ngày 6/1. Tuy nhiên, ông cũng bắt đầu sửa đổi hình ảnh của mình. Trên trang Twitter hôm 5/1, ông viết “Thực ra, tôi là một fan hâm mộ nồng nhiệt” đối với cộng đồng tình báo.

Trump nói đánh thuế nặng Toyota

vì ráp xe tại Mexico

Tổng thống tân cử Donald Trump viết trên Twitter rằng Toyota sẽ bị đánh thuế nặng nếu hãng này ráp mẫu xe Corolla cho thị trường Mỹ ở Mexico.
Các hãng xe Mỹ phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ ông Trump vì lắp ráp xe với giá rẻ hơn bên ngoài nước Mỹ.
Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda cho biết hãng chưa có kế hoạch giảm sản lượng ở Mexico.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn khi thấy những chính sách của tân tổng thống,” ông Toyoda nói tại Nhật hôm 5/1.
Chi nhánh tại Mỹ của hãng phát đi thông cáo cho hay sản lượng và nhân công tại các nhà máy Toyota tại Mỹ sẽ không giảm sau khi có nhà máy mới ở Mexico. Hãng này có 10 nhà máy tại Mỹ.
“Toyota mong muốn hợp tác với chính quyền Trump để đem lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp ôtô,” thông cáo viết.
Cổ phiếu của hãng xe giảm hơn 3% vào đầu phiên giao dịch tại Tokyo hôm 6/1 nhưng sau đó hồi phục một phần.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Hiroshige Seko phát biểu hôm 6/1 rằng chính quyền mới của Mỹ cần hiểu rằng công nghiệp ôtô Nhật “đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Mỹ”.
Ông Trump cũng nhắm vào các hãng General Motors và Ford vì lắp ráp xe tại Mexico.
Ford vừa hủy kế hoạch xây nhà máy trị giá 1,6 tỷ đôla tại Mexico và cho biết thay vào đó sẽ mở rộng hoạt động ở Mỹ nhưng giải thích nguyên do là do cân nhắc về thị trường.
Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) và chi phí lao động thấp hơn thu hút các hãng lắp ráp xe ở Mexico để bán ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng này vì khiến lao động Mỹ mất việc.
Tháng 4/2015, Toyota công bố xây dựng nhà máy lắp ráp mẫu xe Corolla trị giá 1 tỷ đôla ở miền trung Mexico. Việc xây dựng bắt đầu tháng 11/2016.

Giám đốc tình báo:

Nhất định Nga tấn công tin tặc bầu cử Mỹ

Giới chức tình báo hàng đầu của Mỹ ngày 5/1 báo cáo Quốc hội ông nhất mực tin rằng Nga đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào đảng Dân chủ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, bất chấp những hoài nghi từ Tổng thống đắc cử bên đảng Cộng hòa về những phát hiện liên quan đến vai trò này của Moscow.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, James Clapper, khẳng định ông tin tưởng cao độ rằng Nga đã tấn công tin tặc các định chế và các nhân vật bên đảng Dân chủ cũng như phổ biến tuyên truyền và tin giả nhắm vào cuộc bầu cử ngày 8/11/16.
“Đánh giá của chúng tôi hiện nay còn quả quyết hơn” hôm 7/10 khi chính phủ lần đầu tiên tố cáo Nga nhúng tay vào việc này, ông Clapper nhấn mạnh tại buổi điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Tổng thống tân cử Donald Trump đã tỏ ra hoài nghi về những đánh giá cho rằng Nga nhắm mục tiêu cuộc bầu cử. Nhiều nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rất cảnh giác Moscow và không tin lời ca tụng của ông Trump về Tổng thống Nga cũng như các nỗ lực của ông hàn gắn rạn nứt Nga-Mỹ.
Ngày mai, 6/1, ông Trump sẽ được các lãnh đạo tình báo tường trình về các vụ tấn công tin tặc nhắm vào đảng Dân chủ trong giai đoạn trước khi diễn ra cuộc bầu cử mà tỷ phú bất động sản này đã bất ngờ chiến thắng.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nói: “Tôi nghĩ chúng ta chưa từng gặp một chiến dịch nào can thiệp vào tiến trình bầu cử của chúng ta trực tiếp và táo bạo như trường hợp này.”
Ông Clapper, người sẽ rời chức khi ông Trump lên làm Tổng thống vào ngày 20 tới đây, không liệt kê việc làm của Nga là ‘hành động chiến tranh’, giải thích rằng quyết định đó ngoài phạm vi chức năng của văn phòng ông.
Dù ông Clapper không nêu rõ điều gì khiến ông tin tưởng rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công tin tặc vừa qua, nhưng kết luận này được các cơ quan tình báo như CIA và một số công ty an ninh mạng tư nhân tán đồng.
Moscow bác cáo buộc về tin tặc. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần rồi ra lệnh trục xuất 35 người Nga bị tình nghi làm gián điệp và ban hành chế tài đối với hai cơ quan tình báo Nga mà ông cho là có dính líu trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào các tổ chức chính trị Mỹ như Ủy ban Dân chủ Toàn quốc.

Xuất hiện đề nghị

gửi tù nhân đi xây tường biên giới Mỹ-Mexico

Một cảnh sát trưởng hạt ở Massachusetts, Mỹ, đề nghị gửi những tù nhân đang bị giam cầm trên khắp nước Mỹ đi xây tường thành biên giới với Mexico. Bức tường này nằm trong số những điều hứa hẹn của ông Donald Trump trong thời tranh cử.
Đề nghị của trưởng cảnh sát quận Bristol thuộc bang Massachusetts, ông Thomas Hodgson, được đưa ra trong lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư tối ngày 4/1.
Ông Hodgson nói ngoài học hỏi và hoàn thiện kỹ năng xây dựng, việc các tù nhân xây tường thành ngăn tội phạm trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ và việc duy trì công việc và cơ hội làm việc cho họ khi được phóng thích sẽ là một biểu tượng rất mạnh mẽ.
Trưởng cảnh sát Hodgson, một người theo đảng Cộng hòa, nói thêm rằng các tù nhân trên khắp nước Mỹ có thể xây bức tường như ông Trump mô tả như một công cụ ngăn cản di dân bất hợp pháp.
Ông Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1 tới đây, trong chiến dịch tranh cử đã quả quyết rằng sẽ thuyết phục chính phủ Mexico chi trả cho bức tường dù phía Mexico đã khẳng định không có ý định đó.
Hệ thống nhà tù liên bang Mỹ đang vận hành khoảng 53 cơ xưởng trên khắp nước Mỹ sản xuất quần áo, hàng điện tử, đồ nội thất, cùng các mặt hàng khác trị giá tổng cộng chừng 500 triệu đô la trong năm tài khóa vừa rồi.
Tuy nhiên, một luật sư thuộc Hội Quyền dân sự Mỹ tại Massachusetts cho rằng đề nghị của trưởng cảnh sát Hodgson có thể vi phạm quyền của tù nhân.
Đáp yêu cầu từ văn phòng chuyển tiếp quyền lực cho ông Trump, Bộ An ninh Nội địa Mỹ tháng rồi xác định chiều dài biên giới Mỹ-Mexico có thể đặt hàng rào ngăn cách là 644 km. Ước tính chi phí xây dựng tường rào này lên tới hơn 11 tỷ đô la.

Nhật Bản triệu hồi đại sứ tại Hàn Quốc

Nhật Bản đã tạm thời triệu hồi đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc vì đã dựng bức tượng “an uỷ phụ” trước lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Busan của Hàn Quốc.
“An uỷ phụ” là một cụm từ được dùng để nói đến những phụ nữ đến từ nhiều nước châu Á đã bị buộc phải phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật trong các động mãi dâm tại các mặt trận có sự tham gia của quân đội Nhật hoàng trong thời Thế chiến thứ 2.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay nhận định rằng dựng bức tượng này là một hành động “vô cùng đáng tiếc.” Ông cho biết Nhật Bản đã đình chỉ các cuộc thảo luận kinh tế với Hàn Quốc, đồng thời tạm ngưng các cuộc thương lượng hướng tới một thỏa thuận về tỷ giá hối đoái mới.
Hồi năm 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề “an uỷ phụ”. Theo thoả thuận này, Thủ tướng Shinzo Abe phải chính thức xin lỗi bằng văn bản và Tokyo cam kết tài trợ cho một quỹ từ thiện 1 triệu USD để hỗ trợ những nạn nhân còn sống sót.
Các nhà hoạt động chống đối thoả thuận đó đã dựng bức tượng an uỷ phụ gần lãnh sự quán Nhật Bản vào cuối tháng trước.
Một bức tượng tương tự cũng đã được dựng lên gần Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul trong nhiều năm qua.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói Nhật triệu hồi đại sứ về nước là “điều rất đáng tiếc. Ông nói hai nước nên làm việc với nhau “ngay cả trong những lúc gặp phải những vấn đề khó khăn.”

Hàn Quốc bổ nhiệm nhân viên

theo dõi Twitter của ông Trump

Hàn Quốc mở một chức danh mới trong Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ duy nhất là theo dõi các dòng tin nhắn trên Twitter của ông Donald Trump để dự đoán chính sách của Tổng thống tân cử Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á dễ thay đổi này.
Nhật báo JoongAng đưa tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã chỉ định một viên chức có trách nhiệm theo sát các bình luận của ông Trump trên truyền thông xã hội vì chính phủ Hàn Quốc, cũng như hầu hết các nước, “vẫn đang trong quá trình xây dựng quan hệ với ông Trump và chưa có nhiều hiểu biết về chính sách đối ngoại của ông.”
Bào báo viết: “Các tin nhắn dài 140 ký tự của ông Trump hiện là nguồn thông tin rõ nhất về chính sách của chính quyền sắp tới.”
Một trong những tuyên bố trên Twitter gần đây nhất của ông Trump có liên quan đến Triều Tiên là phản hồi sau thông điệp đầu năm của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Kim loan báo Bắc Triều Tiên sắp phóng một phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu ở Mỹ. Ông Trump sau đó bình luận trên Twitter rằng: “Điều đó sẽ không xảy ra!”
Dòng tweet này là chỉ dấu đầu tiên mà chính phủ Hàn Quốc nhận được hé lộ quan điểm của vị Tổng thống đắc cử về các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng.
Kể từ khi đắc cử, nhà tỷ phú đảng Cộng hòa đã phá tiền lệ bằng cách thường xuyên dùng Twitter để đáp lại những lời bình luận và đưa ra các phát ngôn đối ngoại – đôi khi có liên quan các vấn đề tối nghiêm trọng như an ninh quốc gia.
Trung Quốc hoàn toàn không thích thú với cách giao tiếp không chính thống của ông Trump.
Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích ông Trump vì đã dùng các thông điệp trên mạng truyền thông xã hội để trao đổi các vấn đề khác nhau từ chuyện Đài Loan cho tới chuyện tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tờ báo này nói không nên biến Twitter thành một công cụ cho chính sách ngoại giao.

Pakistan đóng tàu tên lửa bảo vệ hàng lang kinh tế với TQ

Pakistan chính thức khởi công đóng ‘tàu tên lửa’ loại mới trong khuôn khổ các nỗ lực hiện đại hóa hải quân đảm bảo an ninh Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), con đường thương mại nối liền miền Tây Trung Quốc với Biển Ả Rập thông qua cảng nước sâu Gwadar của Pakistan.
Hình ảnh từ buổi lễ cho thấy đây là sự phát triển tàu tên lửa lớp Azmat này do Trung Quốc thiết kế, được trang bị hệ thống “vũ khí và cảm ứng mới nhất”. Ba chiếc đã được đóng, một ở Trung Quốc, hai ở Pakistan.
Tàu tên lửa Azmat được trang bị 8 tên lửa chống hạm C-802A/CSS-N-8 Saccade nhưng thiết kế mới được trang bị 6 tên lửa lớn hơn, có thể là tên lửa chống hạm C-602, phiên bản xuất khẩu của tên lửa Y-62 do Trung Quốc sản xuất có khả năng mang đầu đạn nặng 300 kg, với tầm bắn 280 km.
Đối với Pakistan, khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án cơ sở hạ tầng đến từ Bắc Kinh hứa hẹn sẽ mang lại sự thúc đẩy cần thiết cho nền kinh tế Pakistan.
Đổi lại, Trung Quốc cũng dựa vào lực lượng hải quân của Pakistan để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu chở dầu từ Biển Ả Rập và các vùng biển lân cận.
Tin về tàu tên lửa mới của Pakistan được đưa ra giữa lúc Trung Quốc còn lưỡng lự thiết lập sự hiện diện thường trực tại khu vực, khiến Pakistan phải xúc tiến các nỗ lực.
Dự kiến các tàu chở dầu gặp khó khăn khi đi qua vùng Eo biển Malacca có thể được tàu tên lửa mới của Pakistan này hộ tống.
Nguồn: Defense News/Spunik

Báo TQ tố cáo Ấn vi phạm giới hạn hạt nhân của LHQ

Ấn Độ đã “vi phạm” các giới hạn của Liên hiệp quốc về vũ khí hạt nhân, phi đạn tầm xa và Pakistan cũng nên được hưởng các ‘đặc cách’ tương tự, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 5/1 lên tiếng khi chỉ trích New Delhi về việc thử phi đạn Agni-4 và 5 có tầm bắn bao trùm Trung Hoa lục địa.
Trong một bài xã luận, tờ Hoàn cầu Thời báo viết:
“Mỹ và một số nước phương Tây cũng bẻ cong các quy định về kế hoạch hạt nhân. Hiện New Delhi không còn hài lòng với khả năng hạt nhân của họ nữa và đang tìm tới các phi đạn đạn đạo liên lục địa có thể nhắm mục tiêu bất cứ nơi nào trên thế giới rồi có thể có chân ngang hàng với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.”
Tờ báo viết tiếp: “Ấn Độ có nhiều hứa hẹn trong cuộc đua trở thành thành viên thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vì hiện nay Ấn Độ là ứng cử viên duy nhất vừa có khả năng hạt nhân và vừa có tiềm năng kinh tế.”
Phi đạn đạn đạo liên lục địa Agni-5 có tầm bắn 5000 km được xem là phi đạn chiến lược nhắm vào Trung Quốc vì có thể vươn tới gần như tất cả các khu vực của Trung Hoa lục địa.
Tờ Hoàn cầu Thời báo nhấn mạnh “Trung Quốc không cảm thấy sự phát triển của Ấn đề ra bất kỳ mối đe dọa lớn lao nào cho mình.”
Bài báo cũng cho rằng “nếu các nước phương Tây chấp nhận Ấn là một quốc gia hạt nhân và thờ ơ với cuộc đua hạt nhân giữa Ấn với Pakistan, thì Trung Quốc cũng không cần phải một mình tuân thủ cứng nhắc các quy định hạt nhân đó.”
Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo viết tiếp: “Lúc này đây, Pakistan cũng nên được hưởng các đặc quyền đặc lợi trong việc phát triển hạt nhân như Ấn.”
Bài báo còn nêu rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Pakistan nếu nước này phát triển phi đạn tầm xa.
Nguồn: PTI/Global Times

TQ kêu gọi Hàn Quốc ngưng triển khai THAAD

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Hàn Quốc ngưng triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ. Phát biểu được đưa ra hôm 4/1 nhân cuộc gặp giữa ông Vương Nghị với một nhóm các nhà lập pháp đối lập ở Hàn Quốc.
Các nhà lập pháp này cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đã gióng tiếng rằng Bắc Kinh không muốn quan hệ Trung-Hàn xấu đi, nhưng không có chuyện Trung Quốc muốn mở rộng mối quan hệ này khi mà Hàn Quốc có ý định tăng tốc triển khai THAAD.
Ông Vương Nghị cũng nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các lợi ích an ninh của Hàn Quốc, và ông hy vọng Seoul cũng cân nhắc sự cân bằng trong chính sach an ninh của Trung Quốc, theo nguồn tin từ 7 nhà lập pháp thuộc đảng Minjoo đối lập ở Hàn Quốc do dân biểu Song Young-gil dẫn đầu.
Vào tháng 7, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định triển khai hệ thống THAAD để đối phó với mối đe dọa phi đạn từ Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Hàn Quốc hủy bỏ quyết định này, vì Bắc Kinh xem THAAD, đặc biệt là các radar X-band cực mạnh của hệ thống này, đe dọa khả năng nghênh cản hạt nhân và các lợi ích an ninh khác của Trung Quốc, dù Washington nhiều lần cam đoan rằng hệ thống này được thiết kế chỉ để phòng vệ trước Bắc Triều Tiên mà thôi.
Ông Vương cũng nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng không nên sử dụng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên nên được giải quyết thông qua đối thoại. Về khả năng Bắc Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi vấn đề này.

Anh biết trước về vụ tàn sát Thiên An Môn

Trong một tài liệu được giải mật mới đây, cựu lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được trích lời nói rằng “Hai trăm người chết có thể mang đến 20 năm yên ổn cho Trung Quốc.” Phát biểu này được đưa ra vài tuần lễ trước vụ đàn áp quân sự đẫm máu những cuộc biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Văn khố Quốc gia của Anh ngày 30 tháng 12 tiết lộ một số lượng khổng lồ những bí mật của chính phủ trước đây từ năm 1989 đến năm 1990. Hơn hai chục tài liệu từ ngày 20 tháng 5 đến ngày 21 tháng 7 năm 1989 cho thấy chính quyền của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lúc bấy giờ hiểu rõ không khí chính trị tại Trung Quốc đưa đến vụ thảm sát. Một tiết lộ quan trọng là Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh biết trước hai tuần lễ, trước ngày 4 tháng 6 khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chuẩn bị giết hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn, sinh viên biểu tình tụ tập tại quảng trường chính ở Bắc Kinh trong nhiều tuần lễ.
Vào ngày 20 tháng 5 năm 1989, một tuần lễ sau khi các sinh viên bắt đầu chiếm quảng trường Thiên An Môn kêu gọi cải cách chính trị trong Đảng Cộng sản, Đặng Tiểu Bình ban hành thiết quân luật và điều động 300.000 binh sĩ đến Bắc Kinh. Cùng ngày, Sir Alan Ewen Donald, Đại sứ Anh tại Trung Quốc gởi về Thủ tướng phủ ở Phố Downing một điện tín nói về buổi ăn trưa của ông với chuyên gia về Trung Quốc là Stuart Schram, người Mỹ.
Đại sứ Donald viết “Giáo sư Stuart Schram cho tôi biết một trong những người Trung Quốc ông tiếp xúc tiết lộ với ông là trong những ngày gần đây ông Đặng Tiểu Bình phát biểu rằng “200 người chết có thể mang lại 20 năm yên ổn cho Trung Quốc.” “Việc này chứng tỏ rõ ràng là việc hy sinh mạng sống của một số người biểu tình lúc này có thể làm ổn định tình hình và mua thời gian cần thiết để hoàn tất việc cải cách tại Trung Quốc.”
Ông Donald viết tiếp rằng cùng đêm đó ông được Ngũ Giác Đài cho biết là nhà cầm quyền Trung Quốc đã quyết định là “không có cách nào tránh đổ máu” nên đã gọi các nhân viên bệnh viện túc trực tại chỗ và ra lệnh cho quân đội làm mọi cách để ổn định tình hình.
Sau đó ông xác nhận với không quân Mỹ là tin tức này “rất đáng tin cậy.”
Vụ thảm sát Thiên An Môn còn được gọi là biến cố ngày 4 tháng 7 là một trong những thời điểm đen tối nhất của lịch sử cận đại Trung Quốc.
Kể từ đó không có vụ nổi dậy nào với mức độ tương tự xảy ra tại Trung Quốc. Đảng Cộng sản triệt để cấm người dân đề cập đến vụ này và đàn áp những cuộc tưởng niệm các nạn nhân.
Ngày nay, nhiều người trẻ Trung Quốc hoặc không hay biết hoặc không quan tâm gì đến biến cố này.

Ngoại trưởng TQ:

quan hệ Mỹ – Trung nên được đặt theo đúng hướng

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Năm nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng hai nước cần phát triển quan hệ theo hướng đúng đắn, giữa lúc Bắc Kinh tỏ thái độ bất bình về những phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ liên quan tới Đài Loan và các vấn đề thương mại.
Sắp lên nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng 1, ông Trump đã làm Trung Quốc tức giận vì đã điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Bắc Kinh nghi ngờ cam kết của chính phủ kế tiếp của Mỹ, chỉ công nhận chính quyền ở Bắc Kinh chứ không phải Đài Loan, theo chính sách “một Trung Quốc”.
Ông Trump để ngỏ khả năng gặp gỡ bà Thái Anh Văn nếu bà đến Hoa Kỳ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Ông cũng gây sóng gió ở Bắc Kinh khi đề cử những nhân vật hay chỉ trích các hoạt động thương mại của Bắc Kinh vào các chức vụ quan trọng trong chính phủ của ông.
Ông Vương Nghị nói với ông Kerry rằng các mối quan hệ hai nước đang ở một “giai đoạn quan trọng” và những thành tựu đạt được nhờ sự hợp tác giữa hai bên “không dễ dàng có được”.
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Vương nói trong cuộc điện đàm với Ngoại Trưởng Kerry: “Hai bên phải cẩn trọng và hiệp lực giữ gìn và đảm bảo hướng đi đúng để phát triển các quan hệ song phương”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Kerry khẳng định duy trì chính sách “một Trung Quốc” là quan điểm chính sách của cả hai chính đảng Mỹ, Đả

Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria

Nga đang bắt đầu cắt giảm các lực lượng quân sự tại Syria.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov hôm thứ Sáu 6/1 nói:
“Theo quyết định của Tổng tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng đã bắt đầu giảm quy mô của các lực lượng quân sự đã triển khai sang Syria.”
Tướng Gerasimov cho biết trước tiên là tàu sân bay Admiral Kuznetsov và các tàu hộ tống sẽ rời Syria.
Moscow là một đồng minh quan trọng của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đã tàn phá Syria.
Các lực lượng quân sự Nga đóng vai trò chủ lực trong việc đánh bật các lực lượng nổi dậy ra khỏi thành phố Aleppo hồi tháng trước, giúp chính phủ Syria giành chiến công lớn nhất trong hơn 5 năm chiến tranh.
Moscow đã loan báo một cuộc ngưng bắn giữa các lực lượng chính phủ và một số nhóm nổi dậy, và giờ là một trong những bên chủ chốt trong nỗ lực tổ chức các cuộc hòa đàm vào cuối tháng này.

Con trai Osama bin Laden

bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Hamza bin Laden, con trai của Osama bin Laden, người sáng lập mạng lưới al-Qaeda, vào danh sách đen khủng bố.
Tin cho hay Hamza bin Laden, khoảng 25 tuổi, đã bắt đầu hoạt động trong tổ chức khủng bố al-Qaeda kể từ khi cha bị giết trong một cuộc đột kích bí mật do các lực lượng Mỹ thực hiện vào năm 2011.
Bị liệt vào danh sách đen của Bộ Ngoại giao có nghĩa là các công dân Mỹ bị cấm, không được làm ăn dưới bất kỳ hình thức với những kẻ có tên vào danh sách khủng bố.
Tin tức cho biết Hamza bin Laden đã chính thức gia nhập al-Qaeda vào năm 2015. Trong hai năm qua, Hamza đã công khai khích động các cuộc tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ. Anh ta đe dọa sẽ trả thù về cái chết của cha.
Cũng hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo đã ghi danh thêm một nhân vật khác vào danh sách đen, đó là Ibrahim al-Banna, quốc tịch Ai Cập, một thành viên cấp cao của al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập.

Trump yêu cầu nhiều đại sứ Mỹ rời nhiệm sở trước ngày 20/1

Nhóm chuyển giao của Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump đã có lệnh chung yêu cầu các chính trị gia được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm đại sứ phải rời nhiệm sở của họ trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại New Zealand nói với hãng tin Reuters hôm thứ Sáu.
“Tôi sẽ rời [New Zealand] trước ngày 20 tháng Một”, Đại sứ Mark Gilbert nói trong tin nhắn cho Reuters trên Twitter.
Lệnh này không bao gồm các đại sứ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Nhiều chính trị gia làm đại sứ là những người đóng góp tài chính nhiều cho chính quyền và được bổ nhiệm vì có quan hệ gần gũi với tổng thống. Họ thường làm việc đến hết nhiệm kỳ tổng thống, còn các vị đại sứ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì làm việc theo nhiệm kỳ của ngành ngoại giao.
“Không có ngoại lệ”
Theo tờ New York Times (NYT), chỉ thị này là “không có ngoại lệ” và được gửi qua đường điện tín của Bộ ngoại giao Hoa kỳ hôm 23 tháng 12, các quan chức ngoại giao cho hay. Chỉ thị này làm Hoa Kỳ sẽ không có đại sứ được Thượng viện bổ nhiệm trong nhiều tháng ở những nước quan trọng như Đức, Canada và Anh quốc.
Các chính quyền của cả hai đảng trước đây đều xét trên cơ sở từng trường hợp, cho các đại sứ, nhất là những người có con cái đang đi học, được tại nhiệm thêm vài tuần hay vài tháng.
Chính quyền của ông Trump, trái lại, đã đưa ra đường lối cứng rắn không cho phép các chính trị gia được bổ nhiệm làm đại sứ được tiếp tục tại nhiệm quá ngày 20 tháng Một với mục đích dỡ bỏ những thành tựu về chính sách đối nội và đối ngoại chủ chốt của người tiền nhiệm Obama, tờ NYT viết.
Các vị tổng thống trước đây của cả hai đảng như Bill Clinton, George W. Bush và Obama đều gia hạn cho các đại sứ được tiếp tục làm việc và thu xếp chuyện cá nhân cũng như công việc ngoại giao quan trọng, trong khi những người kế nhiệm của họ hoàn tất quá trình được cử nhiệm.
Một quan chức cao cấp trong nhóm chuyển giao của ông Trump nói với báo giới động thái này không có ý xấu gì, và chỉ là chuyện đảm bảo cho các đại sứ ở nước ngoài của chính quyền Obama ra khỏi chính phủ theo đúng lịch trình, cũng như hàng ngàn nhân viên chính trị khác trong Nhà trắng và các cơ quan liên bang vậy.
Quan chức này nói các vị đại sứ không nên ngạc nhiên vì họ phải rời nhiệm sở vào một ngày đã được chốt.
Cuộc sống đảo lộn
Cũng theo NYT, lệnh này đã làm đảo lộn cuộc sống riêng của nhiều vị đại sứ. Nhiều người đang chật vật thu xếp việc gia đình và xin visa ở lại các nước họ đang làm việc để con cái họ được tiếp tục học hết năm học, một số nhà ngoại giao Mỹ cho biết.
Đêm hôm thứ Tư, ông Obama tổ chức tiệc chia tay cho các đại sứ là chính trị gia được bổ nhiệm tại Nhà Trắng. Theo những người có mặt tại buổi tiệc, các vị đại sứ được ông Obama chia buồn và họ so sánh cách đối phó với tình hình này ra sao.
Một số vị tỏ ra bất mãn vì bà Melania, vợ ông Trump đã chọn cách ở lại New York để cậu con trai Barron lên 10 tuổi của họ không phải chuyển trường giữa năm học. Vậy mà ông Trump lại không cho phép các đại sứ được gia hạn vì lý do tương tự.

Vụ hack của Nga:

Joe Biden nói Trump cần ‘trưởng thành’

Liên quan đến cáo buộc Nga tấn công mạng, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Donald Trump cần ‘trưởng thành’ khi chỉ trích giới tình báo.
Ông Biden nói rằng “thật thiếu suy nghĩ” khi tổng thống đắc cử không đặt niềm tin vào các cơ quan tình báo.
“Làm tổng thống mà không có niềm tin, không lắng nghe từ tình báo quốc phòng đến CIA thì thật là thiếu suy nghĩ,” ông nói trong cuộc phỏng vấn với PBS.
“Ý tưởng cho rằng anh có thể biết nhiều hơn cộng đồng tình báo – giống như [trò] nói rằng mình biết nhiều hơn thầy hoặc tôi không cần đọc sách vì tôi biết nhiều hơn thế.”
Khi được hỏi nghĩ gì về các phát ngôn của ông Trump trên Twitter, ông Biden nói: “Hãy trưởng thành đi Donald, đây là lúc ông cần chứng tỏ mình trưởng thành, ông là tổng thống rồi. Đã đến lúc cần chứng tỏ cho mọi người thấy những gì anh có.”
Nhưng ông vẫn mô tả ông Trump là “một người tốt”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump được tường trình về vụ hack hôm 6/1.
Các lãnh đạo tình báo chuyển đến ông báo cáo mà cũng được trao cho Tổng thống Barack Obama hôm 5/1 về sự can thiệp từ nước ngoài.
Một phiên bản của báo cáo cũng được công bố vào tuần tới.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ hứa sẽ giải thích lý do tại sao Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Tướng James Clapper hé lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tấn công các email của đảng Dân chủ và động cơ của vụ việc sẽ được tiết lộ trong tuần tới.
Nga bác sự dính líu nhưng Hoa Kỳ đã công bố biện pháp trừng phạt nhắm vào các viên chức ngoại giao Nga.
Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ dự phiên điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện về vụ can thiệp này.
Họ đưa ra nhận định Moscow đã can thiệp để giúp ông Trump, ứng viên Cộng hòa, đánh bại bà Hillary Clinton.
Được một dân biểu hỏi liệu giới tình báo có “gán động cơ tấn công cho Putin”, ông Clapper trả lời “Có”.
‘Nhiều động cơ’
Ông Clapper mô tả Nga cố gắng tiến hành “chiến dịch đa diện” với các phương thức “tuyên truyền, đưa tin sai, [và] tin giả”.
Các quan chức tình báo cho biết việc tấn công mạng của Nga đặt ra nguy cơ lớn đối với một loạt lợi ích của Mỹ.
“Việc Nga tấn công mạng đặt ra một mối đe dọa lớn nhắm vào chính phủ, quân sự, ngoại giao, thương mại và cơ sở hạ tầng Mỹ,” tài liệu cho phiên điều trần viết.
Văn bản này được ông Clapper, Marcel Lettre – Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo và Đô đốc Michael Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia soạn thảo.
Ông Clapper nói thêm rằng hoạt động tình báo Nga có “nhiều động cơ”.
Ông Trump nhiều lần bác những cáo buộc rằng chính phủ Nga tấn công các máy tính của John Podesta, quản lý chiến dịch của bà Hillary Clinton, và các máy chủ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ.
Tuần trước, ông nói rằng sẽ công bố thông tin về vụ tấn công mạng của Nga “hôm thứ Ba hoặc thứ Tư tuần này”, nhưng không có thông báo gì đến nay.

Lời hứa của Donald Trump trước và sau tranh cử

Ông Donald Trump đã có nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Nhưng sau khi chiến thắng, ông đã tỏ vẻ dịch chuyển lập trường về nhiều vấn đề.
Trừng phạt Hillary Clinton
Trước: ”Nhốt bà ta lại” là một trong những khẩu hiệu của những người ủng hộ ông Trump.
Họ muốn thấy đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton bị đi tù vì dùng máy chủ email cá nhân khi còn là ngoại trưởng.
Trong lúc tranh luận với bà, ông Trump nói: “Nếu tôi thắng, tôi sẽ chỉ thị cho bộ trưởng tư pháp tìm một công tố viên đặc biệt để điều tra.”
Sau: Giọng điệu của vị tân tổng thống thay đổi gần như ngay sau khi chiến thắng. Ông nói nước Mỹ “nợ bà nhiều”. Sau đó, ông nói ông không nghĩ nhiều về việc truy tố và có các ưu tiên khác.
Ngày 22/11, người phát ngôn cho ông Trump nói ông sẽ không mở điều tra.
Obamacare
Trước: Ông Trump rất ghét cái gọi là Obamacare. Đây là nỗ lực của Tổng thống Obama muốn có chăm sóc y tế cho 15% dân số không có bảo hiểm.
Đảng Cộng hòa rất ghét chính sách này, xem bộ luật áp đặt nhiều phí tổn cho doanh nghiệp.
Sau: Ông Trump từng liên tục hứa thay luật. Nhưng hai ngày sau khi thắng cử, ông nhẹ giọng.
Ông nói rằng sau khi gặp ông Obama, ông muốn giữ lại những “ưu điểm lớn nhất”.
‘Bức tường’
Trước: Lời thề xây tường dọc biên giới Mỹ – Mexico là một trong những lời hứa gây tranh cãi nhất của ông Trump.
Ông cũng nói Mexico sẽ phải trả chi phí.
Sau: Quốc hội Mỹ đang xem xét các lựa chọn ngân sách để xây tường. Mexico sẽ được yêu cầu phải trả lại tiền cho Mỹ.
Ông Trump nói điều này không có nghĩa là phản bội lời hứa.
Cấm người Hồi giáo
Trước: Ông Trump ban đầu hứa cấm mọi người Hồi giáo vào Mỹ, nhưng sau khi trở thành ứng viên của đảng, ông chuyển sang “kiểm tra ngặt nghèo”.
Sau: Trang web của ông Trump không nhắc lời hứa này.
Ông chỉ nói sẽ hủy visa “ở những nơi mà không thể kiểm tra đầy đủ, cho đến khi có cơ chế kiểm tra hiệu quả”.
Trục xuất người nhập cư phi pháp
Trước: Ông Trump liên tục nói rằng mọi người nhập cư không giấy tờ, khoảng 11,3 triệu, sẽ “phải ra đi”.
Sau: Ông Trump xác nhận kế hoạch được giảm một chút, sẽ trục xuất hai đến ba triệu người là “tội phạm và có hồ sơ hình sự, băng đảng, buôn ma túy”.
Ấm nóng toàn cầu
Trước: Ông Trump từng nói biến đổi khí hậu là giả mạo. Ông muốn ngừng trả tiền cho các chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc.
Sau: Ông thừa nhận mình đang xem liệu biến đổi khí hậu có phải do con người không.
Hôn nhân đồng tính
Trước: Ông Trump nói sẽ chọn các quan tòa tối cao để hủy bỏ luật hôn nhân đồng tính. Ông cho rằng quyết định này cần được từng bang tự quyết.
Sau: Ông nay nói vấn đề “không còn phù hợp vì đã được tòa quyết định xong”.
Vẫn giữ quan điểm
Phá thai: Ông Trump phản đối phá thai, và nói những ứng viên tương lai của Tòa Tối cao cũng phải đồng quan điểm.
Thỏa thuận thương mại: Ông Trump muốn rút khỏi TPP và nay xác nhận sẽ ra khỏi TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức, để thương lượng các thỏa thuận song phương “công bằng”.

Than củi : Hàng xuất khẩu đầu tiên của Cuba sang Mỹ

Cuba hôm qua, 05/01/2017, thông báo đã đạt được thỏa thuận bán than củi cho một công ty Mỹ, lần đầu tiên xuất khẩu hợp pháp sang Hoa Kỳ từ 5 thập niên nay. Giới quan sát ghi nhận là việc Cuba bán 40 tấn than cây marabu qua Mỹ diễn ra vào lúc mà tiến trình hòa hoãn giữa hai quốc gia cách đây 2 năm đang bị đe dọa, và sự kiện chỉ mang tính biểu tượng vì hàng xuất khẩu chỉ trị giá 17 000 đô la.
Việc giao hàng sẽ được thực hiện vào ngày 18/01, tức hai ngày trước khi tổng thống tân cử Donald Trump vào Nhà Trắng. Ông Trump đã từng đe dọa bỏ việc bình thường hóa bang giao với Cuba, trừ phi ông đạt “thỏa thuận tốt hơn”. Phía Cuba, giám đốc công ty xuất khẩu nhà nước Cubaexport, bà Isabel O’Reilly tỏ vẻ tin tưởng cho đây chỉ là bước đầu và hy vọng tiếp tục trong nhiều năm nữa với những mặt hàng khác sẵn sàng xuất khẩu như mật ong hay cà phê.
Tuy cấm vận đối với Cuba vẫn được duy trì, nhưng tổng thống Obama đã tạo một số điều kiện cho thương mại, giảm giới hạn nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đối với tư nhân Cuba ngay từ đầu năm 2015. Trong trường hợp than củi xuất sang Mỹ nói trên, theo bà O’Reilly, than là của hợp tác xã tư nhân, bán qua công ty xuất khẩu nhà nước Cubaexport và đối tượng mua hàng là công ty Coabana Trading LLC của Mỹ.
Theo Reuters, công ty Coabana trả giá cao hơn giá thị trường thường đối với than củi Cuba : 420 đô la/tấn thay vì 340-380 đô la. Hiện Cuba xuất hàng năm đến 80 000 tấn than củi sang nhiều nước và đang hy vọng xuất sang Anh Quốc và Đức.

Syria : Damas thiếu nước nghiêm trọng,

LHQ lên án ” tội ác chiến tranh”

Vào hôm nay, 06/01/2017, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng tố cáo các phe lâm chiến ở Syria phạm « một tội ác chiến tranh » khi để cho hơn 5 triệu dân thủ đô Damas của Syria không có nước uống, trong lúc tình trạng thiếu nước sử dụng ngày nghiêm trọng hơn do các trận chiến giữa quân đội Syria với lực lượng nổi dậy.
Các trận đánh kéo dài từ hai tuần lễ nay ở Wadi Barada, dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy, cách Damas 15 cây số, là nơi mà có những nguồn nước uống chính cung cấp cho thủ đô Syria, đã vi phạm lệnh hưu chiến mới với thỏa thuận của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, có hiệu lực từ ngày 30/12/2016.
Tuy thủ đô Damas tương đối không bị thiệt hại như những nơi khác do cuộc chiến ở Syria, nhưng dân cư lại lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng từ hôm 22/12.
Chính quyền Damas tố cáo phe nổi dậy đã đầu độc nguồn nước bằng diesel, cho nên buộc phải cắt nguồn nước, trong lúc phía nổi dậy cho rằng các vụ dội bom của quân đội Syria đã phá hủy hạ tầng cơ sở.
Tại Genève, Jan Egeland, trưởng nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về trợ giúp nhân đạo, nhận thấy khó khẳng định ai chịu trách nhiệm về tình trạng này. Ông đánh giá « chỉ riêng tại Damas, 5,5 triệu người không có nước uống, do các trận đánh, hay do bị phá hoại, hoặc vì cả hai lý do. Liên Hiệp Quốc sẽ cho điều tra và tái lập lại nguồn nước » .
Theo đại diện Liên Hiệp Quốc, « việc phá hoại nguồn nước là tội ác chiến tranh vì dân thường là nạn nhân, không có nước uống hay uống nước ô nhiễm sẽ bị bệnh, cho nên phải khẩn cấp tái lập nguồn nước » .
Về tình hình chiến sự, theo tổ chức Đài quan sát nhân quyền Syria OSDH, từ khi hưu chiến ban hành, tuy có vi phạm, nhưng nhìn chung thì chiến sự đã giảm cường độ một cách rõ rệt, số thiệt hại nhân mạng cũng giảm thấy rõ.
Hưu chiến mới hiện nay trên nguyên tắc là nhằm giúp mở đường cho vòng đàm phán dưới sự bảo trợ của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hầu giải quyết cuộc chiến đã kéo dài từ tháng 3/2011.

Mỹ muốn Trung Quốc

giúp chặn đường dây ma túy vào Hoa Kỳ

Cơ quan phòng chống ma túy DEA của Mỹ hôm nay, 06/01/2017 xác nhận : Quyền lãnh đạo cơ quan, ông Chuck Rosenberg, sẽ đi thăm Bắc Kinh, Quảng Châu và Hồng Kông, vào tuần tới, theo lời mời của bộ Công An Trung Quốc. Một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn việc các loại ma túy tổng hợp từ Trung Quốc tràn ngập vào nước Mỹ.
Theo hãng tin Mỹ AP, các quan chức Hoa Kỳ luôn cho rằng Trung Quốc là nơi xuất phát chủ yếu của các loại ma túy hóa học như fentanyl và các chất ma túy khác trước đó, đang hoành hành tại Mỹ, gây thiệt hại nhân mạng rất cao trong giới con nghiện. Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ những lời tố cáo này, cho là Mỹ không có đầy đủ bằng chứng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nỗ lực đáng kể trong việc ngăn chận việc sản xuất và xuất khẩu các chất ma túy tổng hợp, dù rằng những chất ma túy này không được sử dụng rộng rãi trong nước. Chẳng hạn, Trung Quốc đã kiểm soát fentanyl, một chất mạnh hơn bạch phiến heroin đến 50 lần, cùng với 18 chất khác, và dự kiến đưa vào sổ đen thêm 4 chất nữa.
Hoa Kỳ đang thúc Trung Quốc kiểm soát thêm một số ma túy có thể mua dễ dàng trên mạng từ những người bán ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc thì tìm hậu thuẫn của Mỹ để đưa chất ketamine, được sử dụng nhiều ở Trung Quốc, vào danh sách của Liên Hiệp Quốc về các chất bị kiểm soát trên bình diện quốc tế.

LHQ cử đặc sứ đến Miến Điện

điều tra về tình trạng bạo lực

Liên Hiệp Quốc hôm nay 06/01/2017 cho biết là đặc sứ chuyên trách về nhân quyền tại Miến Điện sẽ đến nước này vào tuần tới đây và sẽ điều tra về những vụ bạo lực, đàn áp đang leo thang tại đây kể cả các vụ đàn áp người Rohingya của quân đội.
Trong chuyến đi bắt đầu vào thứ Hai và kéo dài trong 12 ngày, báo cáo viên nhân quyền Yanghee Lee sẽ đến bang Kachin, nơi hiện có hàng ngàn người bị di dời do các trận đánh giữa quân đội và lực lượng nổi dậy.
Còn về tình hình bang Rakhine, đang bị quân đội phong tỏa từ tháng 10, với hàng chục ngàn người Rohingya chạy sang nước Bangladesh lân cận, đặc sứ Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng cho là việc phong tỏa này ” khó nhấp nhận “. Bà kêu gọi mở điều tra về các hành vi bạo lực của quân đội đối với thiểu số Hồi Giáo Rohingya tại bang này.
Trong một thông cáo, bà Lee nhận định : “ Tình hình một vài tháng gần đây cho thấy là cộng đồng quốc tế phải rất cảnh giác và theo dõi tình hình nhân quyền tại Miến Điện… Ngoài những gì xẩy ra ở Rakhine, chiến sự leo thang ở hai bang Kachin và Shan, đã khiến người ta phải lo ngại trước hướng đi của chính quyền mới trong năm đầu tiên lãnh đạo. ” Tuy nhiên, tất cả những lời chỉ trích trên đều bị chính phủ Miến Điện bác bỏ.
Chiến sự bùng lên giữa các lực lượng sắc tộc thiểu số và quân đội làm tiêu tan hy vọng vãn hồi hòa bình của bà Aung San Suu Kyi. Bên cạnh đó, bà cũng bị chỉ trích về việc để quân đội đàn áp người Rohingya ở bang Rakhine.
Vào hôm qua, 05/01, Pháp cũng lên tiếng về tình trạng “ bạo lực không thể chấp nhận được ” mà người Rohingya phải hứng chịu. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Romain Nadal cho biết là Paris “ rất quan ngại về hành vi bạo lực đối với người Rohingya ở Miến Điện và kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực này ”.

Vì sao Donald Trump đe dọa an ninh thế giới ?

Nhà bình luận Nouriel Roubini trên nhật báo Les Echos ngày 04/01/2017 ghi nhận, lịch sử thập niên 20-30 cho thấy vì sao chủ nghĩa cô lập và bảo hộ đã dẫn đến chiến tranh. Nếu cứ ngả theo xu hướng này, ông Donald Trump sẽ phá hỏng 70 năm thịnh vượng và hòa bình thế giới.
Sự kiện ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ dường như báo trước cho hồi kết của Pax Americana (từ la-tinh của « Hòa bình Mỹ »). Đây là trật tự thế giới với đặc trưng là tự do mậu dịch và an ninh chung, mà nước Mỹ và các đồng minh đã xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến.
Một trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tạo ra 70 năm thịnh vượng. Trật tự này dựa trên hệ thống tự do hóa thương mại, tập trung vào các thị trường, cũng như việc tăng tính luân chuyển của vốn và thực hiện các chính sách xã hội khôn ngoan. Tất cả được trợ lực bằng các bảo đảm về an ninh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á, thông qua NATO và các liên minh khác.
Ông Trump nay có vẻ đã quyết định sử dụng các biện pháp nhằm cản trở trao đổi thương mại, hạn chế việc lưu thông tư bản và lao động. Tổng thống tân cử cũng gieo rắc hoài nghi về những bảo đảm an ninh hiện tại từ phía Hoa Kỳ, hàm ý ông sẽ buộc các đồng minh của Mỹ phải chi thêm tiền để được bảo vệ. Nếu Donald Trump thực sự muốn áp dụng triết lý « Nước Mỹ trên hết », thì điều đó có nghĩa là chính quyền của ông sẽ thiên về một chiến lược địa chính trị hướng Hoa Kỳ về phía chủ nghĩa cô lập và đơn phương, chỉ hành động vì lợi ích quốc gia mà thôi.
Khi Hoa Kỳ áp dụng các chính sách loại này trong thập niên 20 và 30, nước Mỹ đã tham gia vào việc gieo rắc những mầm mống cho Đệ nhị Thế chiến. Chủ nghĩa bảo hộ – bắt đầu bằng đạo luật Smoot-Hawley về thuế quan, liên quan đến hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu – đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ để trả đũa, làm trầm trọng thêm thời kỳ Đại khủng hoảng.
Bi kịch hơn, chủ nghĩa cô lập của Mỹ – dựa trên quan niệm sai lạc là Hoa Kỳ được hai đại dương bảo vệ – đã giúp cho Đức quốc xã và quân phiệt Nhật hung hăng tiến hành các cuộc chiến, đe dọa toàn thế giới. Chỉ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Hoa Kỳ mới không còn chọn lựa nào khác là chấm dứt chính sách con đà điểu.
Tương tự, hiện nay chiều hướng quay sang chủ nghĩa cô lập nước Mỹ và chỉ quan tâm đơn thuần đến quyền lợi quốc gia có nguy cơ rốt cuộc sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu. Chưa nói đến viễn cảnh một sự hủy bỏ những cam kết của Mỹ ngoài châu Âu, Liên hiệp Châu Âu (EU) và khu vực đồng euro vốn đang rời rạc lại càng yếu kém hơn sau Brexit – bỏ phiếu cho Anh ra khỏi EU hồi tháng Sáu, cũng như thất bại của cuộc trưng cầu dân ý tháng 12 vừa qua tại Ý về cải cách Hiến pháp.
Với sự thiếu vắng một cam kết tích cực của Hoa Kỳ tại châu Âu, đành phải ngồi chờ một nước Nga hung hăng nóng lòng báo thù dấn những bước phiêu lưu trên châu lục. Nga đang thách thức Mỹ và EU trên lãnh thổ Ukraina, tại Syria, các nước vùng Bantic và bán đảo Balkan, và rất có thể sẽ lợi dụng sự sụp đổ của EU để tái khẳng định ảnh hưởng của Matxcơva tại các nước thuộc khối Liên Xô cũ, hỗ trợ tích cực các phong trào thân Nga ở châu Âu. Nếu chiếc dù an ninh Mỹ ở châu Âu dần dà biến mất, không ai có thể vui mừng bằng tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các đề xuất của Trump còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình Trung Đông. Tổng thống tân cử tuyên bố muốn làm Hoa Kỳ độc lập về năng lượng, như thế sẽ phải từ bỏ các lợi ích Mỹ trong khu vực này, và huy động ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch sản xuất trong nước, làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ông Trump cũng duy trì quan điểm là chính đạo Hồi – chứ không phải Hồi giáo cực đoan và thánh chiến – là một tôn giáo nguy hiểm. Quan niệm này được tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai chia sẻ, trực tiếp củng cố cho luận điệu của thánh chiến Hồi giáo xung quanh cú sốc giữa các nền văn minh.
Tại châu Á, sức mạnh tối thượng về kinh tế và quân sự của Mỹ đã giữ được ổn định qua nhiều thập kỷ. Nhưng giờ đây một Trung Quốc cất cánh lại đang thách thức nguyên trạng. « Chiến lược xoay trục » sang châu Á do tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo chủ yếu dựa trên việc thực hiện Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tập hợp 12 quốc gia, nhưng ông Trump lại hứa hẹn sẽ từ bỏ ngay sau khi lên nhậm chức. Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng triển khai các quan hệ kinh tế riêng giữa Bắc Kinh với châu Á, tại Thái Bình Dương và châu Mỹ la-tinh.
Cũng như trong thập niên 30, thời kỳ mà chính sách bảo hộ và cô lập của Mỹ ngăn trở tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại trên cấp độ toàn cầu, các xu hướng tương tự nhận thấy hiện nay có nguy cơ đặt cơ sở cho tình hình mà trong đó các thế lực mới có thể thách thức và phá hoại trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Thế nhưng nước Mỹ vẫn là một đại cường kinh tế và tài chính toàn cầu, tăng tiến trong một thế giới nối kết lẫn nhau một cách sâu sắc. Nếu không bị giám sát, các nước vừa được đề cập ở trên không sớm thì muộn sẽ có khả năng đe dọa các lợi ích kinh tế và an ninh chủ yếu của Hoa Kỳ – ngay trong nước Mỹ cũng như ở các nước khác – nhất là nếu các chế độ trên tăng cường năng lực vũ khí nguyên tử và chiến tranh mạng.
Nhà bình luận Nouriel Roubini kết luận, kinh nghiệm từ lịch sử rất rõ ràng : chính sách bảo hộ, cô lập và « Nước Mỹ trên hết » hợp thành một thứ cocktail lý tưởng cho một thảm họa kinh tế và quân sự.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.