Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 03/01/2017

Tuesday, January 3, 2017 6:20:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 03/01/2017

100 ngày đầu bận rộn

của tân chính phủ Ðảng Cộng hòa Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump tiến vào giai đoạn quan trọng là 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông với một cơ hội vàng, đó là một Quốc hội do Ðảng Cộng hòa của ông kiểm soát. Nhưng theo tường trình của thông tín viên đài VOA Katherine Gypson gởi về từ Điện Capitol thì các kế hoạch nhiều tham vọng của Ðảng Cộng hòa về chương trình chăm sóc y tế, cải cách thuế khóa và giảm công chi chưa có gì là bảo đảm.
Đảng Cộng hoà bày tỏ tình đoàn kết tiếp theo sau cuộc họp giữa Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan với Tổng thống tân cử Donald Trump hồi đầu tháng 12.
Ông Ryan phát biểu:
“Chúng tôi rất phấn khởi và nóng lòng mong đợi tới năm 2017 để đưa đất nước trở lại đi theo đúng hướng.”
Đối với tân tổng thống, thành công sẽ được xác định bằng những thay đổi chính sách mang dấu ấn của chính ông.
Ông Norm Ornstein là chuyên gia của Viện Nghiên cứu American Enterprise. Ông nói:
“Ông Donald Trump sẽ muốn giảm thuế triệt để, kết hợp với hứa hẹn sẽ tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng, và cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng để có thể tuyên bố chiến thắng về một loạt biện pháp thay đổi lớn sau một trăm ngày đầu làm tổng thống.”
Đối với cử tri, những người đã bầu cho chính phủ Đảng Cộng hoà đoàn kết đó ở Washington, thành công có nghĩa là Quốc hội phải hành động về vấn đề di dân, kinh tế và cắt giảm các chương trình của chính phủ.
Hành động đầu tiên của Quốc hội ngay cả trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức là gì? Đó là lật ngược chương trình chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Obama…
Nhưng với đa số ít ỏi ở Thượng viện, Ðảng Cộng hòa cần thận trọng, không hoàn toàn phá bỏ toàn bộ chương trình Obamacare trong đó có nhiều phần được dân chúng ủng hộ để có thể tiếp tục duy trì số vốn chính trị của đảng để thực hiện các dự án khác.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell là lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, ông nói:
“Ðảng Dân chủ có đủ số phiếu để có thể phá hỏng tiến trình đó, nếu họ chọn, nhưng làm như thế để làm gì?”
Những người được ông Trump chọn vào nội các sẽ đối diện với các cuộc điều trần ở Thượng viện để được chuẩn thuận. Tại đó, cả hai đảng theo trông đợi sẽ đặt ra nhiều câu hỏi khó cho những nhân vật được tiến cử, nhiều người trong số đó chưa từng có kinh nghiệm quản lý chính phủ.
Tại Hạ viện, phe Dân chủ sẽ chống các kế hoạch của Chủ tịch Paul Ryan từ lâu, đòi cắt các chương trình trợ cấp quan trọng của chính phủ.
Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối Dân chủ thiểu số ở Hạ viện nói: “Các đại biểu Dân chủ ở Quốc hội và hàng triệu người người dân Mỹ trên cả nước sẽ kiên quyết nói rất rõ rằng chớ có đụng chạm chương trình trợ cấp y tế Medicare.”
Cắt giảm các phúc lợi này có thể mâu thuẫn với hứa hẹn của ông Trump là sẽ duy trì các chương trình đó.
Trong khi đó trong lãnh vực thương mại, ông Trump có thể gặp sự chống đối mạnh của chính Ðảng Cộng hòa của ông.
Ông Norm Orsstein của Viện Nghiên cứu American Enterprise nhận định:
“Chúng ta biết là có nhiều thứ ông Trump hứa hẹn không phải là điều mà các đại biểu Cộng hòa ở Quốc hội muốn. Vấn đề là ông Trump sẽ bất mãn đến mức nào vì Quốc hội không làm theo những gì ông muốn, và liệu ông có dùng quyền hành pháp để làm theo ý ông.”
Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể xác định liệu các đảng viên Cộng hòa có duy trì được một chính phủ đoàn kết sau khi 100 ngày đầu trong nhiệm quyền tổng thống của ông Trump đã qua hay không.

TQ ‘kể công’

đã giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba nói ai cũng phải thấy nỗ lực hết mình của Bắc Kinh trong việc đảm bảo phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh lên tiếng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc là đã không góp một bàn tay để kiềm chế Bắc Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Hoa Kỳ hãy thừa nhận tính chất nhạy cảm của vấn đề Đài Loan sau khi ông Trump để ngỏ khả năng sẽ gặp tổng thống Đài Loan nếu bà sang thăm Hoa Kỳ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

Ông Trump: Chicago phải giảm tỷ lệ giết người

Hôm thứ Hai, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump nói nếu thị trưởng thành phố Chicago Rahm Emanuel, cũng là cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng không thể kiểm soát được tỷ lệ giết người đang ở mức rất cao như hiện nay thì phải nhờ chính phủ liên bang hỗ trợ.
Trong một bình luận trên Twitter, ông Trump viết:” tỷ lệ giết người ở Chicago cao đến mức báo động – 4.331 nạn nhân của súng đạn, với 762 án mạng trong năm 2016″, tức trung bình hơn án mạng một ngày.
Ông Trump nói: “Nếu thị trưởng không thể kiểm soát được, thì ông phải yêu cầu chính phủ liên bang hỗ trợ!”
Các vụ giết người ở Chicago, thường là do mâu thuẫn băng đảng và ma túy trong các khu phố nghèo, đã lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, gần bằng số vụ giết người ở hai thành phố lớn nhất của Mỹ là New York và Los Angeles gộp lại.
Ông Emanuel là một đối thủ chính trị của ông Trump, trước đây làm Chánh văn phòng Nhà Trắng cho Tổng thống Barack Obama. Năm 2010, ông Emanuel rời thủ đô Washington và tranh cử Chicago thành công hai nhiệm kỳ thị trưởng, thành phố có 2,7 triệu dân.
Mặc dù trước đây, như nhiều thị trưởng của thành phố lớn khác, ông Emanuel có chỉ trích ông Trump, nhưng sau đó ông Emanuel đã gặp tổng thống đắc cử trước ngày nhậm chức 20 tháng 1. Trong cuộc gặp vào tháng 12, ông Emanuel kêu gọi ông Trump tái xem xét lập trường cứng rắn của ông đối với người nhập cư bất hợp pháp

Chuyên gia: Bắc Triều Tiên có thể

sắp phóng tên lửa liên lục địa

Bắc Triều Tiên suốt năm 2016 đã nỗ lực chế tạo những cấu phần cho một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), và việc này khiến tuyên bố của đất nước bị cô lập này nói rằng họ sắp sửa phóng thử nghiệm phi đạn trở nên khả tín, theo nhận định của những chuyên gia vũ khí quốc tế với hãng tin Reuters hôm thứ Hai.
Những chuyên gia này nói Bắc Triều Tiên vẫn đang thử nghiệm động cơ phi đạn và lá chắn nhiệt cho một ICBM trong khi đang phát triển công nghệ điều hướng phi đạn sau khi bay vào lại khí quyển sau khi phóng đi.
Dù Bình Nhưỡng đang tiến gần tới một cuộc thử nghiệm, nước này có thể sẽ mất vài năm để hoàn thiện loại vũ khí này.
Một khi phát triển đầy đủ, một ICBM của Bắc Triều Tiên có thể đe dọa lục địa của Mỹ cách nước này khoảng 9.000 km. ICBM có tầm bay tối thiểu là khoảng 5.500 km (3.400 dặm), nhưng một số được thiết kế để bay 10.000 km hoặc hơn nữa.
Truyền thông nhà nước của Bắc Triều Tiên thường xuyên đe dọa Mỹ với một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng trước năm 2016, người ta cho rằng Bình Nhưỡng vẫn còn lâu mới thủ đắc được năng lực này.
“Điểm mấu chốt là Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển phi đạn của họ hơn nhận thức của hầu hết mọi người,” Melissa Hanham, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Monterey, bang California của Mỹ, cho biết.
Bà nói rằng vụ thử nghiệm một động cơ nhiên liệu lỏng lớn của miền Bắc vào tháng 4 năm ngoái có thể đẩy một ICBM là một sự tiến triển lớn.
Bắc Triều Tiên đã nói họ có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào phi đạn đạn đạo nhưng tuyên bố nói họ có thể thu nhỏ một thiết bị hạt nhân chưa bao giờ được kiểm chứng một cách độc lập.
Quốc gia bị cô lập này vẫn đạt được tiến bộ mặc dù Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt chế tài về những vụ thử hạt nhân và phóng phi đạn tầm xa bắt đầu từ năm 2006. Những biện pháp trừng phạt bao gồm cấm vận vũ khí và luân chuyển tiền bạc có thể tài trợ chương trình vũ khí của nước này.
Bắc Triều Tiên có đủ uranium để chế tạo sáu quả bom trong một năm và phần lớn những gì mà nước này cần cho những chương trình hạt nhân và phi đạn của họ dựa trên thiết kế và công nghệ từ thời Xô Viết. Lao động hầu như miễn phí.
Bắc Triều Tiên có thể sản xuất nhiều bộ phận phi đạn trong nước và đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phát triển phi đạn của mình vào năm ngoái, được tài trợ bằng những thương vụ mua bán vũ khí nhỏ và bằng việc đánh thuế những thương nhân giàu có trong nền kinh tế thị trường không chính thức của mình

TT Obama sẽ đọc diễn văn mãn nhiệm vào tuần sau

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết tuần sau ông sẽ đọc bài diễn văn mãn nhiệm phản ánh những thành tựu đạt được trong nhiệm quyền tổng thống của ông và nhận định của ông về nước Mỹ sẽ đi về đâu khi ông Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 01.
Hôm thứ Hai, ông Obama gửi một email cho những người ủng hộ ông, cho biết ông sẽ đọc bài diễn văn mãn nhiệm tại thành phố quê nhà Chicago của ông vào ngày 10/01. Ông sẽ dùng dịp này để cảm ơn những người ủng hộ đã đồng hành với ông trong một hành trình tuyệt vời.
Trong email, vị tổng thống 55 tuổi viết: “Từ năm 2009, chúng ta đã đối mặt với những thách thức, và chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua các thách thức đó. Đó là bởi vì chúng ta đã không bao giờ từ bỏ một niềm tin đã dẫn dắt chúng ta từ thời lập quốc – đó là cùng nhau chúng ta có thể thay đổi đất nước này một cách tốt hơn. “
Diễn văn mãn nhiệm là một truyền thống đã có từ Tổng thống George Washington vào năm 1796.
Hôm thứ Hai, ông Obama đã về lại thủ đô Washington sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở Hawaii, nơi ông sinh ra và lớn lên. Trong thời gian hai tuần rưỡi còn lại với cương vị tổng thống, các trợ lý nói rằng ông Obama có thể sẽ đặc xá cho các tội phạm ma túy đang chịu án nặng trong nhà tù, và có thể ông sẽ ký thêm một số sắc lệnh đối với các chính sách mà ông ủng hộ nhưng ông Trump lại phản đối.
Ông Obama ngoài tuyên bố sẽ nỗ lực hỗ trợ ông Trump trong việc chuyển giao quyền lực khi hai ông trao đổi với nhau trong lần gặp mặt và qua một số cuộc điện đàm, ông đã có những hành động làm thất vọng tân tổng thống. Ông Obama đã ban hành sắc lệnh mới ngăn chặn việc khoan mỏ dầu ngoài khơi của Hoa Kỳ, tuyên bố các di tích công viên quốc gia mới và phóng thích tù nhân ở nhà tù Guantanamo bên Cuba.
Lần đầu tiên ông Obama ra lệnh cho đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc để cho Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết về khu tái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem của Israel, và áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga vì đã tấn công tin tặc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cả hai hành động này đều trái ngược với chính sách của ông Trump.
Thứ Tư, ông Obama sẽ họp với các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội trong nỗ lực bảo vệ thành quả trong chính sách đối nội của ông, đó là chính sách về chăm sóc sức khỏe mà ông Trump và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ nhanh chóng bãi bỏ, mặc dù họ vẫn chưa thống nhất kế hoạch thay thế.
Khi hết làm tổng thống, ông Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ chuyển đến một ngôi nhà trong thủ đô Washington, không xa Nhà Trắng lắm, và có kế hoạch ở lại đây vài năm cho đến khi cô con gái nhỏ Sasha tốt nghiệp trung học vào năm 2019. Ông sẽ là tổng thống đầu tiên trong gần một thế kỷ qua, lưu lại thủ đô Washington sau khi mãn nhiệm.

Trợ lý của ông Trump nói ông sẽ đưa ra kết luận

về vụ cuộc bầu cử bị tấn công tin tặc

Thư ký báo chí sắp tới của Tòa Bạch Ốc, ông Sean Spicer hạ giảm sự trông mong của dư luận về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp hé lộ những thông tin mới mà tình báo Mỹ tìm được về vụ Nga tấn công tin tặc đối thủ tranh cử của ông Trump và tiết lộ những thông tin phá hoại giúp ông thắng cử.
Ông Spicer nói với đài truyền hình CNN hôm thứ Hai rằng: “Ông Trump sẽ cho biết kết luận và nhận định của ông về các vấn đề đó như thế nào. Ông Trump sẽ không tiết lộ bất cứ điều gì bí mật hay chỉ được báo cáo riêng cho ông. Tôi nghĩ ông Trump sẽ chia sẻ với mọi người kết luận của ông về những tin tức và nhận định của ông về tình hình và để bảo đảm mọi người hiểu rằng còn rất nhiều thắc mắc quanh chuyện này.”
Ông Trump mói với các phóng viên báo chí hôm 31 tháng 12 rằng ông biết nhiều thông tin hơn những gì được công bố liên quan đến cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử “và quý vị sẽ biết vào thứ Ba hoặc thứ Tư.”
Tổng thống tân cử đã bày tỏ nghi ngờ về các kết luận của tình báo Mỹ rằng Moscow đã tấn công hệ thống máy tính của bên bà Hillary Clinton và cho phép tiết lộ thông tin cho trang web WikiLeaks để phá hỏng cơ hội chiến thắng của bà Clinton bên Ðảng Dân chủ. Các thông tin tình báo đó dẫn đến việc Tổng thống Barack Obama ra lệnh trừng phạt các cơ quan tình báo của Nga hồi tuần trước và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc làm gián điệp. Các nhà ngoại giao bị trục xuất cùng với gia đình họ đã rời Mỹ hôm 1 tháng 1.
Ông Spicer nói: “Chúng tôi sẽ thực sự có tất cả thông tin, nhận đủ các báo cáo và sẽ quyết định” về phản ứng của ông Obama trừng phạt Nga.
Ông Trump thường ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, và từng bày tỏ quan điểm thân thiện với ông Putin rõ ràng hơn các chính trị gia Mỹ khác.
Trong cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật, ông Spicer gợi ý rằng việc Tổng thống Obama trục xuất các nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai cơ sở của Nga ở Mỹ có thể đã không tương xứng với hành động tấn công tin tặc của Nga.
Ông Spicer nói với đài truyền hình ABC rằng: “Một trong những câu hỏi mà chúng ta nêu lên là tầm mức lớn như thế này. Tôi muốn nói về số 35 nhà ngoại giao bị trục xuất, 2 cơ sở bị đóng cửa – câu hỏi đặt ra là phản ứng đó có tương xứng với tầm mức của vụ tấn công tin tặc hay không. Có thể có, có thể không, nhưng chúng ta phải suy nghĩ về chuyện đó.”
Ông Trump nói tại tiệc giao thừa rằng ông muốn các nguồn tin tình báo phải chắc chắn, “bởi vì đó là một cáo buộc rất nghiêm trọng, và tôi muốn họ phải bảo đảm chắc chắn.”
Ông Trump nói tiếp rằng sẽ là bất công khi cáo buộc Moscow mà không có cơ sở chắc chắn.
Ông Trump nói: “Tôi biết rất nhiều về tấn công tin tặc. Và tấn công tin tặc là chuyện rất khó chứng minh. Do đó có thể do ai khác làm. Và tôi cũng biết nhiều thông tin mà người khác không biết, do đó chúng ta chưa chắc chắn về chuyện này.”

Nepal và Trung Quốc

sẽ tập quân sự chung lần đầu tiên

Trong một tín hiệu về tăng cường các mối quan hệ với Bắc Kinh, Nepal loan báo sẽ tham gia diễn tập quân sự chung với Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng tới.
Diễn biến mới này được Ấn Ðộ theo dõi sát trong lúc New Delhi tiếp tục cảnh giác đối với ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với quốc gia nhỏ bé ở Hy Mã Lạp Sơn nằm kẹp giữa hai nước khổng lồ Á châu.
Quân đội Nepal cho hay cuộc thao diễn chú trọng vào mục tiêu huấn luyện cho các lực lượng Nepal đối phó với các tình huống bắt giữ con tin liên quan đến các nhóm khủng bố quốc tế và cách thức ứng phó các tình huống thảm họa.
Trung tướng Tara Bahadur Karki, phát ngôn viên quân đội Nepal nói: “Nepal và Trung Quốc đã trao đổi các phái đoàn quân sự, tổ chức các cuộc thăm viếng qua lại và các khóa học, nhưng diễn tập quân sự chung như vậy là lần đầu tiên.”
Ấn Ðộ sẽ theo dõi sát cuộc tập trận
Một chuyên gia về Trung Quốc ở New Delhi, ông Jayadeva Ranade nói rằng Ấn Ðộ sẽ nghiên cứu thận trọng xem cuộc thao diễn này có ý nghĩa gì. Ông nói: “Liệu đây có phải là khởi sự của một xu hướng mở rộng quan hệ quân sự hay chỉ là một cuộc thao dượt rồi thôi.”
Nepal gạt những lo ngại đó sang một bên và nói rằng đây chỉ là một cuộc thao diễn nhỏ và không mang theo một ý đồ chiến lược gì cả. Đại sứ của Nepal tại Ấn Ðộ, ông Deep Upadhyay nói với tờ Times of India rằng “Thật sự chẳng có chuyện gì ghê gớm cả. Dù quý vị có nhìn vào đó từ bất cứ góc độ nào, Nepal có một quan hệ đặc biệt với Ấn Ðộ và điều đó không thể nào thay đổi bởi một cuộc thao dượt nhỏ này.
Cuộc thao dượt quân sự chung sẽ diễn ra vào lúc New Delhi đang tìm cách giành lại ảnh hưởng bị Trung Quốc lấy đi hồi năm ngoái khi cựu Thủ tướng Nepal K.P. Oli tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc hơn để đáp lại chỉ trích rằng nước này bị lệ thuộc Ấn Ðộ quá nhiều tiếp theo sau vụ người biểu tình thuộc các nhóm sắc tộc đóng cửa biên giới làm cho Nepal rơi vào tình huống nan giải.
Kể từ khi Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal lên nắm quyền cách đây 5 tháng, Ấn Ðộ và Nepal đã hâm nóng lại các mối quan hệ và làm dấy lên hy vọng các mối quan hệ đầm ấm truyền thống sẽ được khôi phục.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng
Nhưng các nhà phân tích chính trị chỉ ra rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã có tại Nepal và sẽ tiếp tục trong lúc Bắc Kinh tìm cách mở rộng sự hiện diện trong nỗ lực giành một vị trí ở Nam Á.
Trong mấy năm gầy đây, Trung Quốc đã hấp dẫn Nepal với nhiều triệu đôla xây dựng đường xá, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác, và các hợp đồng cấp điện đến các vùng núi non hiểm trở.

Gần 7.000 thường dân Iraq chết

vì khủng bố và bạo lực trong năm 2016

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cho biết chủ nghĩa khủng bố và các hành vi bạo lực ở Iraq đã giết chết ít nhất 6.878 thường dân và làm bị thương hơn 12.000 người trong năm qua.
Tuy nhiên, con số thương vong trên thực tế có thể còn cao hơn vì thống kê không tính đến những thường dân bị thiệt mạng hoặc bị thương tích ở tỉnh Anbar, miền tây Iraq, trong các tháng 5, 7, 8 và 12.
Theo nhóm Sứ mệnh Hỗ trợ Iraq của Liên Hiệp Quốc (UNAMI), nói chỉ nên xem các số liệu vừa nêu “là con số tối thiểu”.
Liên Hiệp Quốc nói số thương vong dân sự trong tháng 12 thấp hơn so với những tháng trước đó, mặc dù cơ quan này nhận định các vụ đánh bom khủng bố nhắm vào thường dân đã gia tăng vào cuối tháng.
Theo phúc trình của UNAMI, có hơn 7.500 thường dân đã thiệt mạng tại Iraq trong năm 2015.

Ba thủ lĩnh Hồi giáo bị giết chết

trong đợt không kích ở bắc Syria

Các nhà quan sát tình hình Syria nói rằng một cuộc không kích gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã giết chết ít nhất ba thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan cuối ngày Chủ Nhật, trong đó có một thủ lĩnh của nhóm phiến quân Uighur – nhóm sắc tộc thiểu số ở miền tây của Trung Quốc.
Đài quan sát Nhân quyền Syria cho biết tám người đã thiệt mạng trong vụ tấn công tại tỉnh Idlib, đoạn từ thị trấn Sarmada về phía biên giới.
Hiện chưa rõ ai thực hiện cuộc không kích, nhưng một báo cáo cho biết có nhiều khả năng do liên minh của Mỹ dẫn đầu thực hiện chống lại những các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Cơ quan thông tấn Ai Cập Al-Masdar trích dẫn lời những kẻ chủ chiến Fatah al-Sham liên kết với mạng lưới al-Qaida cho biết đợt không kích do một máy bay không người lái của Hoa Kỳ thực hiện. Ngũ giác đài chưa có đưa ra bình luận gì, và cáo buộc này vẫn chưa được xác nhận.
Một nhà hoạt động đăng đoạn video trên Twitter chủ ý cho thấy các nhân viên cứu hộ đang kéo một cơ thể ra khỏi một chiếc xe bị pháo kích tại hiện trường.
Các nhà quan sát cho biết trong số bị hạ sát hôm Chủ Nhật có chỉ huy al-Qaeda Khattab al-Qahtani và Abu Omar Turkistani, người Hồi giáo Uighur tham gia lực lượng nổi dậy Syria nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Sáng sớm thứ Hai, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết máy bay chiến đấu của nước này đã giết chết ít nhất 22 phiến quân gần biên giới với Syria, và nói rằng máy bay của Nga đã phá hủy các mục tiêu gần thị trấn phía bắc của al-Babdo do các phần tử cực đoan kiểm soát.

Nhà nước Hồi giáo tuyên bố

đã tấn công hộp đêm ở Istanbul

Nhà nước Hồi giáo hôm thứ Hai tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công đầu năm mới tại một hộp đêm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, giết chết 39 người. Giới hữu trách vẫn đang truy lùng thủ phạm.
Nhóm cực đoan này viết trong một thông cáo rằng “một chiến binh của Nhà nước Hồi giáo” thực hiện vụ nổ súng.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói rằng giới hữu trách đã lấy được dấu tay và những thông tin nhận diện cơ bản của hung thủ và sắp xách định được hung thủ, Ông cũng xác nhận các tin tức nói 8 người bị bắt liên quan đến vụ tấn công.
Vụ tấn công bắt đầu vào sáng sớm Chủ nhật, giết chết một cảnh sát viên và một thường dân bên ngoài hộp đêm Reina trước khi các hung thủ tiến vào tấn công bên trong hộp đêm. Có khoảng 600 người tại hộp đêm vào lúc vụ tấn công xảy ra.
Giới hữu trách nói rằng những kẻ tấn công đã trà trộn vào đám đông và tẩu thoát. Có 70 người khác bị thương trong vụ này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói trong một thông báo hôm Chủ nhật rằng vụ nổ súng này là một “vụ tấn công đồi bại.”
Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới lên án vụ tấn công.
Một người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres lên án “vụ tấn công khủng bố đê hèn” và hy vọng thủ phạm là cá nhân hay tổ chức sẽ sớm bị mang ra trước công lý.
Trong thông điệp gởi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống khủng bố.
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, phó phát ngôn viên Mark Toner nói rằng: “Những vụ tấn công này chỉ làm cho chúng ta hợp tác với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ và kiên quyết hơn để chống

Donald Trump:

Bắc Hàn không thể có tên lửa bắn tới Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tối hôm qua viết trên tài khoản twitter của ông là Bắc Hàn không thể phát triển được loại tên lửa đủ tầm bắn đến lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bình luận của ông Donald Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên tuyên bố Bình Nhưỡng đang trong giai đoạn cuối phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Lần này, ông Donald Trump cũng chỉ trích Trung Quốc đã không làm đủ trong hoạt động ngưng chương trình nguyên tử của Bắc Hàn.
Washington từng lặp đi lặp lại quan điểm không bao giờ chấp nhận Bắc Hàn là một quốc gia hạt nhân; tuy nhiên bản thân tổng thống đắc cử Donald Trump chưa tuyên bố rõ ràng gì về chính sách của ông đối với quốc gia cộng sản Bắc Hàn luôn nuôi mộng thủ đắc vũ khí nguyên tử.
Vào tháng rồi, cũng qua tài khoản twitter, ông Donald Trump tuyên bố sẽ cho tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh, cụ thể Hoa Kỳ phải củng cố và mở rộng khả năng hạt nhân.
Bắc Kinh nói gì
Hàn Quốc hôm nay lên tiếng cho rằng tổng thống đắc cử Donald Trump đã gửi đi một cảnh báo rõ ràng đến Bắc Hàn.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Cho June-Hyuck, nói với báo giới thông điệp mà ông Donald Trump đưa ra là quan trọng vì đây là lần đầu tiên ông này nhắc đến chương trình nguyên tử của Bắc Hàn; đây cũng là một cảnh báo rõ ràng đối với chính quyền Bình Nhưỡng.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thì chính quyền của tổng thống tân cử Donald Trump biết rõ tính bức thiết của mối đe dọa nguyên tử từ Bắc Hàn nhờ vào hoạt động tích cực của Nam Hàn.
Ông Cho June-Hyuck cũng đưa ra nhận định có thể chính sách của Nhà Trắng dưới thời tân tổng thống Donald Trump đối với Bắc Hàn sẽ không có thay đổi lớn so với chính sách hiện nay của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.
Trung Quốc cũng lên tiếng về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn sau khi có phát biểu của tổng thống đắc cử Donald Trump. Một phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại là Bắc Kinh cam kết với kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Phát ngôn nhân Cảnh Song nói với báo giới là Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan tránh có những lời lẽ và hành động dẫn đến leo thang căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Bà Park Geun-hye vắng mặt

trong phiên điều trần của Tòa Hiến Pháp

Hôm nay, Tòa Hiến Pháp Nam Hàn tiến hành phiên điều trần đầu tiên về việc truất quyền của Tổng thống Park Geun-hye; tuy nhiên bà đã không đến tham dự.
Phiên điều trần trong này hôm nay được tổ chức sau ba phiên chuẩn bị vào tháng qua, và chỉ kéo dài trong vòng 9 phút. Phiên tiếp theo được cho biết sẽ diễn ra vào thứ năm tới đây cho dù bà Park Geun- Hye có đến tham dự hay không.
Tin của hãng thông tấn AFP nói các luật sư của bà Park Geun- Hye cho biết không chắc bà sẽ xuất hiện tại những phiên tiếp theo của Tòa Hiến Pháp.
Tòa Hiến pháp gồm 9 thẩm phán sẽ ra quyết định chuẩn thuận việc quốc hội Hàn Quốc hôm ngày 9 tháng 12 vừa qua bỏ phiếu truất quyền của bà Park Geun-Hye về vụ tai tiếng tham nhũng mà một người bạn thân của bà này có dính líu.
Tòa Hiến Pháp có đến 6 tháng để đưa ra quyết định. Nếu tòa ra phán quyết đồng thuận với biện pháp của Quốc hội như vừa nêu thì một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tiến hành trong vòng hai tháng.
Hiện thời bà Park Geun-Hye bị tạm đình chỉ mọi nhiệm vụ và đất nước được điều hành bởi thủ tướng Hwang Kyo- Ahn.

Mỹ – Trung sẽ đối đầu vì chủ nghĩa dân tộc?

Những lời nhạo báng Tổng thống tân cử Donald Trump nhắm vào Trung Quốc – mới nhất là đoạn Tweet phê Trung Quốc không giúp kiềm chế Bắc Hàn dù kiếm nhiều tiền từ Mỹ – không còn là ‘sự vụng về ngoại giao’ của nhà tỷ phú chưa từng cầm quyền.
Năm 2017 ngày càng có khả năng trở thành thời điểm Hoa Kỳ ra chính sách mới đối với Trung Quốc và đằng sau học thuyết Trump là sự trỗi dậy của một xu hướng: chủ nghĩa dân tộc Mỹ.
Nhà phân tích Gideon Rachman vừa viết ngày đầu năm 2017 trên trang Financial Times ở Anh:
“Khả năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ và Trung Hoa tại vùng Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông Trump thắng cử.”
Nhưng theo ông Rachman, Trump chỉ là người đi sau trong trào lưu này.
Khả năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ và Trung Hoa tại vùng Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông Trump thắng cửGideon Rachman, Financial Times
Trước khi Donald Trump tung ra khẩu hiệu ‘Làm nước Mỹ vĩ đại lần nữa’ (Make America Great Again) Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra mốt về ‘chủ nghĩa dân tộc hoài niệm’ (nostalgic nationalism).
Ông Tập Cận Bình nêu mục tiêu “Phục hưng dân tộc Trung Hoa”, còn ông Vladimir Putin muốn Nga phục hồi vị thế đại cường như thời Liên Xô.
Hiện tượng “ôm ấp hoài niệm về chủ nghĩa dân tộc” đang xảy ra cả ở Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, nhà bình luận của Financial Times viết.
Tuy thế, ông Rachman cũng cảnh báo việc đề cao ‘hào quang quá khứ’:
“Trong thập niên 1930, nước Ý của Mussolini đã nhắc lại quá khứ La Mã huy hoàng, còn Đức Quốc xã thì coi họ là người kế thừa của các hiệp sỹ Teutonic thời Trung Cổ châu Âu.”
Nhìn chung, hoài niệm dân tộc đang trở lại sau một giai đoạn nhấn mạnh hiện đại hóa, ‘bắc cầu vào tương lai’.
Trước đây, Gideon Rachman viết, ở Hoa Kỳ “Bill Clinton từng muốn ‘xây cầu vào Thế kỷ 21′, và Barack Obama vận động tranh cử bằng khẩu hiệu ‘Hy vọng và Thay đổi’.
Tại Anh, Tony Blair từng nêu ra một ‘Nước Anh có phong cách’ (Cool Britannia), sau đó David Cameron nhận vai trò là người hiện đại hóa Đảng Bảo thủ.
Nhưng sự dịch chuyển cán cân chính trị và kinh tế về châu Á mang tính toàn cầu đã khiến các nước như Ấn Độ và Trung Hoa, các cường quốc đang trỗi dậy ở châu Á, “làm sống lại tham vọng phục hồi sự vĩ đại dân tộc và văn hóa của họ vốn từng làm lu mờ chủ nghĩa đế quốc Phương Tây”.
Phản ứng trước toàn cầu hóa cũng khiến chủ nghĩa dân tộc lên cao tại châu Âu và Bắc Mỹ tuy ông Rachman cho rằng Canada dưới quyền Thủ tướng Justin Trudeau không rơi vào xu hướng này.
Hết thời ‘đối sách ngoại giao’?
Bên cạnh khả năng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng năm 2017, một số giới tại Hoa Kỳ và Úc đang vận động để chính quyền Donald Trump ra tay ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo ABC của Úc (17/12/2016), ông Ross Babbage, tác giả một phúc trình Mỹ – Úc có tựa đề “Chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa” vừa cáo buộc Bắc Kinh “lợi dụng thái độ cẩn trọng của Obama” để giành quyền kiểm soát hiệu quả (effective control) tại vùng biển này.
Giáo sư Babbage, người Úc, còn cáo buộc Trung Quốc dùng ‘chiến tranh tâm lý’ để làm mềm đi ý chí của Hoa Kỳ và các đồng minh, nhất là giới cầm quyền ở các nước đó.
“Họ dùng các chiến dịch thông tin, loan tải tin sai, họ xây đắp các nhóm thân Bắc Kinh ở những nước đồng minh của Hoa Kỳ, họ trả tiền cho truyền thông in phụ trương của Nhân dân Nhật báo,” Giáo sư Babbage được ABC News trích lời cho hay.
Ngay tại Úc, ông nêu ra chuyện “Viện Khổng tử do Trung Quốc chi ngân sách xuất hiện tại 10 đại học của Úc, và ngoài ra các hoạt động tình báo của Trung Quốc rất năng động ở các nước thân Mỹ, gồm cả Úc.”
Kết luận rằng đối sách ngoại giao hiện nay đã thất bại, tác giả phúc trình này đặt câu hỏi cho chính quyền mới ở Mỹ:
“Câu hỏi quan trọng cho chính quyền Trump là Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực – nhất là Nhật Bản và Úc – có thể làm gì để bóp nghẹt chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh.”

Cựu lãnh đạo Hong Kong ra tòa

Cựu trưởng đặc khu Hong Kong Tăng Âm Quyền ra tòa hôm 3/1 vì cáo buộc tham nhũng.
Ông Tăng phát biểu không nhận tội trước ba cáo buộc hối lộ và phạm luật, liên quan một căn hộ đắt tiền ở Trung Quốc.
Ông là viên chức về hưu cao cấp nhất bị đưa ra xử vì cáo buộc tham ô tại Hong Kong.
Ông từng lãnh đạo Hong Kong từ 2005 đến 2012.
Cáo buộc chống lại ông liên quan các sự kiện gần cuối nhiệm kỳ, từ 2010 đến 2012.
Ông là Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông thứ hai, sau ông Đổng Kiến Hoa.
Nhiệm kỳ của ông kết thúc trong bê bối khi xảy ra cáo buộc, dẫn tới cuộc điều tra ba năm trước khi có phiên tòa hôm 3/1.
Người phó của ông đã từng bị án tù vì tội hối lộ hai năm trước.
Cáo buộc thứ nhất chống lại ông Tăng nói rằng ông đã không tiết lộ các giao dịch với một doanh nhân, Bill Wong Cho-bau, về căn hộ ở đại lục.
Ông Wong là cổ đông chính của đài phát thanh Wave Media, sau này đổi tên là DBC.
Theo cáo buộc, ông Tăng “đồng ý trên nguyên tắc và chính thức chấp thuận” đơn của công ty của ông Wong để có giấy phép phát thanh kỹ thuật số, mà không tiết lộ quan hệ của ông với ông Wong.
Cáo buộc thứ hai nói rằng ông Tăng tiến cử tặng huy chương cho nhà thiết kế Barrie Ho Chow-lai.
Cáo buộc thứ ba, về tội tham nhũng, nói ông Tăng nhận đề nghị trang trí lại cho căn hộ.

Syria: Quân nổi dậy

đe dọa tẩy chay đàm phán hòa bình

Các phe nhóm nổi dậy ở Syria nói đang tạm hoãn tham gia tiến trình chuẩn bị đàm phán hòa bình do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến thực hiện vào cuối tháng này.
Trong một tuyên bố do nhiều nhóm cùng ký tên, dẫn nguyên nhân có “nhiều vi phạm trên diện rộng” trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn của chính phủ Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga môi giới và đứng ra bảo lãnh cho thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ hôm thứ Năm 29/12/2016 – đã thực hiện được phần lớn.
Đàm phán hòa bình dự kiến sẽ diễn ra ở Astana, Kazakhstan.
“Chế độ và đồng minh của họ đã tiếp tục bắn phá và có rất nhiều vi phạm trên diện rộng,” thông cáo được đưa ra hôm thứ Hai 02/01 viết.
“Do những vi phạm này vẫn tiếp diễn, phe nổi dậy thông báo… tạm dừng mọi thảo luận liên quan tới đàm phán Astana,” theo bản thông cáo.
Các phe nhóm này nhấn mạnh tới giao tranh đang diễn ra tại khu vực do quân nổi dậy nắm giữ ở Wadi Barada, Tây Bắc Damascus, nơi họ tuyên bố phải chịu các trận rải bom gần như hàng ngày bởi lực lượng Syria và đồng minh Hezbollah.
Khu vực này không đình chiến do có sự hiện diện của Jabat Fateh al-Sham (JFS), một nhóm cực đoan không bao gồm trong thỏa thuận.
Wadi Barada có nguồn suối chính cung cấp nước cho hàng triệu người dân ở thủ đô. Chính quyền buộc tội quân nổi dậy làm ô nhiễm nguồn nước bằng dầu diesel, tuy nhiên phe nổi dậy chối bỏ cáo buộc.
Trong lúc quân nổi dậy “tôn trọng đình chiến trên toàn Syria… chế độ và quân đồng minh vẫn không hề ngừng bắn,” thông cáo viết.
Quân đội Syria phủ nhận cáo buộc.
Vào đêm chuyển giao Năm mới, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí hậu thuẫn nỗ lực kết thúc giao tranh ở Syria của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tổ chức đàm phán hòa bình.
Thỏa thuận ngừng bắn không bao gồm các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), JFS và dân quân YPG người Kurd.
Những ai tham gia ngừng bắn?
Một bên là các lực lượng của chính quyền Syria, dân quân đồng minh và quân đội Nga.
Phía bên kia là FSA và một số nhóm khác.
Bộ Quốc phòng Nga nêu bảy “nhóm đối lập ôn hòa” bao gồm trong thỏa thuận ngừng bắn là Faylaq al-Sham, Ahrar al-Sham, Jaysh al-Islam, Thuwwar Ahl al-Sham, Jaysh al-Mujahidin, Jaysh Idlib và Jabhah al-Shamiya.
Ahrar al-Sham từng tỏ ra khá “dè chừng” trước thỏa thuận, và Jaysh al-Islam là các nhóm Hồi giáo cực đoan mà Nga từng coi là các tổ chức khủng bố.
Những nhóm nào không nằm trong thỏa thuận?
IS và JFS và các nhóm liên quân không nằm trong thỏa thuận, theo quân đội Syria.
Hôm thứ Sáu 30/12, JFS nói sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại Tổng thống Assad, với phát ngôn viên nói rằng giải pháp chính trị dưới thỏa thuận ngừng bắn này sẽ “sản sinh ra tội ác chế độ”.
Thành viên nhóm này vẫn đang hoạt động một phần với tư cách là đồng minh quân nổi dậy kiểm soát tỉnh Idlib.
FSA cũng nói thỏa thuận không bao gồm Popular Protection Units (YPG) [các đơn vị bảo vệ nhân dân] của người Kurd.
Nhóm nắm giữ đa phần dải phía Đông Bắc Syria từ tay IS với sự hỗ trợ của Mỹ, bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Thỏa thuận đình chiến có hiệu lực trên toàn quốc, tuy chỉ thực sự được thực hiện ở một số khu vực có sự hiện diện của những bên ký thỏa thuận – chủ yếu ở Tây Syria.

Mỹ : Quốc Hội họp phiên đầu năm

Hôm nay, Quốc Hội Mỹ bắt đầu họp tại Washington. Đây là kỳ họp thứ 115 trong lịch sử nước Mỹ, với đảng Cộng hoà vẫn chiếm đa số ở cả lưỡng Viện. Sẽ có những thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ, sau khi tổng thống Mỹ chính thức nhậm chức ngày 20/01/2017.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio :
Đa số các nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa không có nghĩa là sẽ có sự nhất trí trên nhiều hồ sơ. Một vài tranh cãi nẩy lửa giữa các nghị sĩ có thể sẽ « làm hỏng cuộc chơi ».
Đặc biệt, các nghị sĩ đã được thông báo về việc rút lại luật về y tế, cải cách luật thuế, thay đổi các quy định liên quan tới hiệp định Paris về khí hậu, linh hoạt hơn trong các quy định về sử dụng súng theo mong muốn của Hiệp Hội Súng Trường Quốc Gia.
Chắc chắn sẽ có một cuộc chiến về chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Đây chỉ là một ví dụ. Donald Trump hứa sẽ chỉ thay thế luật về bảo hiểm y tế để không làm ảnh hưởng tới người dân Mỹ.
Thế nhưng, luật mới sẽ phải còn đợi rất lâu mới có. Có thể sẽ là vài tháng, nhiều người bi quan hơn còn dự đoán phải mất tới nhiều năm.
Tuy nhiên, thời gian ưu ái của người dân Mỹ với tân tổng thống sẽ không kéo dài. Các nghị sĩ Cộng Hòa ý thức được điều đó nên họ hứa sẽ hành động rất nhanh chóng để ghi dấu ấn cho chính quyền mới và làm cho thời kỳ Obama nhanh chóng rơi vào quên lãng. 

Nhật – Đài bắt tay đối phó với đe dọa Trung Quốc

Cục diện địa chính trị Đông Á đối diện với những diễn biến khó đoán định trong năm 2017, trong đó quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan là một dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh tổng thống tương lai Hoa Kỳ có xu hướng tập trung chủ yếu cho quyền lợi của nước Mỹ, giảm bớt sự ủng hộ dành cho các đồng minh Đông Á, tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Đài Loan và Nhật Bản, kể cả về quân sự, ngày càng trở nên một nhu cầu chiến lược của hai quốc gia láng giềng, để sẵn sàng kháng cự trước các tham vọng và thậm chí hành động gây hấn của Bắc Kinh.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai bên thông qua việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện không chính thức tại Đài Loan là một diễn biến nổi bật. Hôm nay, ngày mùng 3 tháng Giêng 2017, cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Đài Loan chính thức khai trương tên gọi mới « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản-Đài Loan », thay cho tên gọi cũ « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản ».
Theo một số nhà quan sát, đây là một bước đi cho thấy, Tokyo đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc công nhận Đài Loan, trong trường hợp cần thiết (trang Forbes). Cũng trong hướng thay đổi này, trong chính giới Đài Loan cũng có nhiều ý kiến đề nghị đổi tên cơ quan đại diện của Đài Bắc tại Nhật Bản thành « Hiệp Hội Trao Đổi Đài-Nhật ».
Theo các số liệu chính thức, quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Nhật Bản là rất quan trọng đối với cả hai bên. Nhật Bản là đối tác kinh tế thứ ba của Đài Loan (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), trong khi Đài Loan là đối tác thứ tư của Nhật (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông). Thương mại song phương năm 2015 đạt tổng trị giá 57 tỉ đô la.
Báo Đài Loan The China Post cho biết tên gọi cũ « Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản » đầy tính mơ hồ, không phản ánh quan hệ thực sự của cơ quan đại diện không chính thức. Việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện này được nhìn nhận như là một hành động trả đũa lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cô lập đảo quốc « ly khai » hơn nữa về ngoại giao, với việc lôi kéo thêm một vài trong số hai chục quốc gia nhỏ bé còn duy trì quan hệ chính thức với Đài Bắc.
Trên thực tế, nhu cầu tăng cường hợp tác Đài-Nhật không chỉ là về mặt kinh tế và văn hóa. Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự tại vùng Biển Hoa Đông và đặc biệt là Biển Đông đang dẫn đến sự đảo lộn thế cân bằng chiến lược chính trị và quân sự hiện nay, đặc biệt nếu như Hoa Kỳ giảm bớt các hợp tác trong vùng.
Stratfor, trang mạng phân tích thông tin tư nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 28/12/2016, có bài « Nói tóm lại, Đài Loan đã tìm được một đồng minh », nhận xét : Trong bối cảnh ngày càng bất trắc này, cùng với Philippines, « Đài Loan trở thành trung tâm trong chiến lược an ninh khu vực của Nhật Bản ». Chiến lược hợp tác an ninh – quân sự của Nhật Bản với Đài Loan và một số quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, và Singapore, cho phép ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Mà để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, bảo vệ nền độc lập trên thực tế của Đài Loan trước đe dọa tấn công của Trung Quốc là một điều thiết yếu.
Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Mỹ với tổng thống Đài Loan, đầu tháng 12/2016, phá vỡ thỏa thuận ngầm bốn thập niên giữa Washington và Bắc Kinh, về nguyên tắc một nước Trung Hoa, đang khiến bộ Quốc Phòng Trung Quốc sôi sục. Một giới chức cao cấp của quân đội đe dọa Trung Quốc sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận sát Đài Loan trong thời gian tới, để chứng tỏ khả năng sẵn sàng tấn công hòn đảo, nếu cần.
Trong đảng cầm quyền Nhật Bản, bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Đài Loan. Theo Kyodo, hồi giữa tháng 12/2016, một dân biểu đảng Tự Do Dân Chủ cầm quyền, ông Keisuke Suzuki, nhấn mạnh « sự tồn tại của một nước Đài Loan tự do là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản (…). Việc Đài Loan chịu áp lực quá mạnh từ Hoa Lục cũng là vấn đề an ninh của chính nước Nhật ». Dân biểu nói trên đề nghị Tokyo ưu tiên hỗ trợ Đài Loan tự chế tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Theo dự kiến, chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên của Đài Loan sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2025, và loạt máy bay tiêm kích đầu tiên sẽ là vào năm 2023.

Thủ tướng Israel bị thẩm vấn vì nghi án hối lộ

Tối hôm qua 02/01/2017, ba cảnh sát điều tra đã tới nhà riêng của thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu để thẩm vấn ông, trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi án nhận hối lộ hàng chục nghìn đô la của các doanh nhân. Cuộc thẩm vấn kéo dài ba giờ. Hiện tại không có bất cứ thông tin nào lọt ra bên ngoài.
Theo các nhà quan sát, với cuộc điều tra này, tương lai chính trị của ông Benyamin Netanyahu trở nên u ám. Cho đến nay, theo nhiều thăm dò dư luận, thủ tướng Israel vẫn là người có tỉ lệ ủng hộ cao nhất, vượt xa mọi đối thủ. Thông tín viên Guillem Delteil tường trình từ Jerusalem:
Sau nhiều tháng điều tra, thẩm vấn khoảng 50 nhân chứng, thủ tướng Benyamin Netanyahu trực tiếp trở thành đối tượng điều tra của cảnh sát hình sự Israel. Theo truyền thông, cảnh sát có thể còn muốn thẩm vấn ông Benyamin Netanyahu trong một vụ việc khác, nghiêm trọng hơn. 
Viễn cảnh tư pháp này có thể làm rối loạn tương lai chính trị của thủ tướng Israel. Luật Israel buộc một quan chức trong chính phủ từ cấp bộ trưởng trở lên phải rời chức vụ nếu bị truy tố vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, hiện tại ông Benyamin Netanyahu loại trừ khả năng này. 
Thủ tướng Israel liên tục khẳng định vô can, bác bỏ mọi nghi ngờ dính dáng đến tham nhũng. Ông thách thức các đối thủ chính trị : ‘‘Tôi muốn nói với các vị là hãy đợi đấy mà vui. Đừng tưởng bở’’. 
Lãnh đạo đảng đối lập trung tả Liên minh Phục quốc (Zionite Union), Isaac Herzog, đáp lại : ‘’Hôm nay không phải là một ngày vui vẻ. Thủ lĩnh đảng cánh trung Yesh Atid, ông Yair Lapid – đối thủ chính của thủ tướng Israel trong các thăm dò dư luận – nhắc lại nguyên tắc tư pháp giả định vô tội, đồng thời hy vọng là cuộc điều tra sẽ được tiến hành nhanh chóng ‘‘vì lợi ích quốc gia’’.
Ông Benyamin Netanyahu là một chính trị gia Israel kỳ cựu, trở thành thủ tướng lần đầu tiên năm 1996. Benyamin Netanyahu làm thủ tướng liên tục từ năm 2009 đến nay.

Khủng hoảng kinh tế, Trump, Venezuela :

Năm 2017 đầy u ám cho Cuba

Năm 2017, năm cuối cầm quyền của ông Raul Castro dự báo không mấy sáng sủa : kinh tế đang chậm lại, đồng minh quan trọng là Venezuela rơi vào khủng hoảng và Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Theo các con số chính thức được công bố tuần này, trong năm 2016, tổng sản phẩm nội địa Cuba bị giảm mất 0,9% – lần đầu tiên ở mức báo động kể từ 23 năm qua, chấm dứt đột ngột với mức tăng trưởng 4,4% của năm 2015. Bộ trưởng Kinh tế Ricardo Cabrisas cảnh báo, tình hình này khiến « Cuba bị kẹt trong một kịch bản khó thể đảo ngược trong ngắn hạn », kèm theo « những hạn chế nghiêm trọng ».
Trên đảo quốc cộng sản, kỷ nguyên Castro đã đến hồi kết : Fidel, cha đẻ cuộc cách mạng Cuba đã qua đời vào tháng 11 ở tuổi 90, và ông em Raul đã báo trước là sẽ rời quyền lực vào năm 2018, nhưng không cho biết gì thêm về người kế nhiệm.
Nhà kinh tế Cuba Pavel Vidal thuộc trường đại học Javeriana ở Colombia nhận định : « Năm cuối cùng ông Raul Castro làm chủ tịch sẽ là một trong những năm khó khăn nhất về mặt chính sách kinh tế, kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2006 ».
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới yếu kém, Cuba còn phải đối phó với những vấn đề của riêng mình. Đó là thương lượng lại việc trả nợ nước ngoài, tình hình chính trị bất ổn ở Venezuela – đối tác kinh tế chính của Cuba, giá cả cũng như sản lượng đường và nickel – sản phẩm hàng đầu của Cuba bị sụt giảm, các cải cách để xúc tiến đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân quá chậm chạp.
Ông Vidal nhấn mạnh : « Ngoài phương trình phức tạp trên, còn phải kể thêm những bất định về chính sách của chính quyền Trump », sau khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng ngày 20 tháng Giêng tới. Bởi vì tổng thống tân cử Mỹ có thể ngưng lại, thậm chí còn có khả năng đảo ngược quá trình hai quốc gia cựu thù thời Chiến tranh lạnh xích lại gần nhau hồi cuối năm 2014. Những quyết định như thế có thể gây hậu quả cả về ngoại giao lẫn kinh tế – như cơ hội kinh doanh không chỉ trong lãnh vực du lịch, hoạt động chính của Cuba.
Trò chơi ru-lét Nga
Về phía chính quyền Cuba dự báo sự phục hồi từ năm 2017, với tỉ lệ tăng trưởng 2% dựa trên hy vọng « tình hình kinh tế Venezuela sẽ được cải thiện sau khi giá dầu gần đây đã tăng lên » - theo bộ trưởng Kinh tế.
Năm 2016, Venezuela bị rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do giá dầu lửa – nguồn lợi chính của nước này lao dốc, nên phải giảm 40% lượng dầu thô cung ứng cho Cuba, mà trước đây lên đến 100.000 thùng một ngày. Hậu quả là Cuba phải hạn chế tiêu thụ năng lượng, đồng thời nguồn thu từ dịch vụ y tế cũng giảm đi.
Nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng ít có khả năng các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEP), trong đó có Venezuela, tôn trọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm kéo giá dầu lên.
Jorge Pinon, chuyên gia về dầu khí Cuba của trường đại học Austin, Texas tuyên bố : « Tôi không cho rằng điều này sẽ thành sự thật », vì tiền bán dầu lửa chiếm 70% thu nhập của các thành viên OPEP. Đối với ông, việc gắn kết nền kinh tế Cuba với khả năng giá dầu Venezuela sẽ tăng lên, cũng giống như đem tính mạng ra « chơi trò ru-lét Nga ».
Cuba cũng trông mong vào số lượng lớn vốn đầu tư ngoại quốc. Nhưng nạn quan liêu hiện đang ngăn trở nước này đạt đến mục tiêu 2,5 tỉ đô la mỗi năm. Ngay cả Raul Castro cũng phải bực tức cho biết « không hài lòng về lãnh vực này ». Ông kêu gọi đẩy nhanh tiến trình, nhưng lại cảnh báo : « Chúng ta sẽ không hướng đến chủ nghĩa tư bản, khả năng này hoàn toàn bị loại trừ ».
Như vậy, việc tái thúc đẩy nền kinh tế Cuba phần lớn sẽ tùy thuộc vào bước tiến của quá trình mở cửa một cách dè dặt trong những năm gần đây của chính quyền. Nhưng nhiều chuyên gia Cuba, trong đó có nhà kinh tế Carmelo Mesa-Lago của trường đại học Mỹ Pittsburgh, không ít biện pháp cải cách nhằm thổi sức sống vào nền kinh tế Cuba hiện đang dậm chân tại chỗ. Thậm chí trong một số trường hợp lại còn đi thụt lùi, một sự phản ánh tâm lý nghi kỵ chính sách mở cửa của một bộ phận lãnh đạo cao cấp  thủ cựu.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.