Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 02/01/217

Monday, January 2, 2017 6:38:00 PM // , ,


Tin khắp nơi – 02/01/217

Mỹ lại ‘thống trị’ thị trường vũ khí toàn cầu

Mỹ một lần nữa đứng đầu thị trường vũ khí trên thế giới trong năm 2015, ký các hợp đồng trị giá khoảng 40 tỷ đôla, vượt xa nước đứng thứ hai là Pháp, quốc gia giành các thỏa thuận khí tài trị giá 15 tỷ đôla.
The New York Times dẫn một nghiên cứu mới của quốc hội mới cho biết rằng các quốc gia đang phát triển tiếp tục mua nhiều vũ khí của Mỹ nhất trong năm 2015.
Ba “khách hàng” lớn nhất của Hoa Kỳ là Qatar với các hợp đồng trị giá hơn 17 tỷ đôla, tiếp theo là Ai Cập với gần 12 tỷ đôla, và Ảrập Xêút với hơn 8 tỷ đôla.
Theo nghiên cứu công bố hôm 19/12, dù các mối đe dọa khủng bố và căng thẳng trên toàn cầu chưa có dấu hiệu giảm bớt, tổng giá trị hợp đồng mua bán vũ khí trên toàn cầu giảm xuống còn 80 tỷ đôla năm 2015, từ mức 89 tỷ đôla một năm trước đó.
Tác giả của nghiên cứu được The New York Times dẫn lời nói rằng việc giảm này “một phần là do nền kinh tế toàn cầu suy yếu đi”.
Các quốc gia phát triển mua tổng cộng 65 tỷ vũ khí năm 2015, thấp hơn đáng kể so với mức 79 tỷ đôla năm 2014.
Hai quốc gia đứng đầu nghiên cứu về số lượng vũ khí bán ra là Mỹ và Pháp đều chứng kiến sự gia tăng trong các hợp đồng với con số tương ứng là 4 tỷ đôla và hơn 9 tỷ đôla.
Nga, một trong những xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, chứng kiến việc sụt giảm nhẹ trong đơn đặt hàng xuống mức 11,1 tỷ đôla so với 11,2 tỷ đôla năm 2014.
Còn Trung Quốc, nước châu Á duy nhất trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới của cơ quan nghiên cứu của quốc hội Mỹ, ký các hợp đồng xuất khẩu khí tài trị giá 6 tỷ đôla, tăng gần gấp đôi so với con số hơn 3 tỷ đôla năm 2014.
Ngoài, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc, các nước trong danh sách quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn trên toàn cầu còn có Thụy Điển, Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Israel.
Năm 2016, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và khi ở thăm Hà Nội, Tổng thống Obama nói rằng quyết định đó “không phải vì Trung Quốc hay vì bất kỳ lý do nào khác”.
Hiện chưa rõ là Hà Nội muốn mua vũ khí gì từ Hoa Kỳ, nhưng theo giới quan sát, trong bối cảnh biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam “nhắm tới các loại khí tài có thể giúp nước này bảo vệ vùng biển của mình”.

Hàn Quốc xem xét ‘các biện pháp’

về việc TQ không cho mở thêm chuyến bay

Chính phủ Nam Triều Tiên và các hãng hàng không sẽ họp vào ngày mai, thứ Ba 3/1 để bàn về việc Trung Quốc bác yêu cầu của các hãng hàng không Hàn Quốc xin mở thêm các chuyến bay thuê bao giữa hai nước bắt đầu vào đầu năm mới này.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, ông Yoo Il-ho hôm Chủ nhật nói rằng ông sẽ xem liệu quyết định của Trung Quốc được đưa ra ngay trước cao điểm du hành mùa Tết Âm lịch “có liên hệ gì đến” kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc hay không.
Ông Yoo nói với các phóng viên báo chí rằng có “nhiều trường hợp trong quy định không bị rào cản thuế quan đang có nghi vấn” nổi lên tiếp theo sau quyết định hồi năm ngoái về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gọi tắt là THAAD của Mỹ, và Nam Triều Tiên cần phải xác định “ý đồ của Trung Quốc” là gì.
Trung Quốc lo ngại rằng hệ thống radar rất mạnh của THAAD có thể quét vào lãnh thổ của Trung Quốc và đã phản đối kế hoạch triển khai hệ thống chống phi đạn này. Phía Nam Triều Tiên và Mỹ nói hệ thống này chỉ nhằm mục đích duy nhất là chống lại mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Các hãng hàng không Asiana, Jeju Air và Jin Air liên kết với Korean Air Lines của Nam Triều Tiên nói rằng đơn xin mở thêm các chuyến bay thuê bao trong tháng 1 và tháng 2 bị từ chối mà không có lý do.
Một người phát ngôn của hãng Jeju Air nói: “Thật là một việc đáng tiếc.”
Các hãng hàng không này đã có các chuyến bay đến Trung Quốc được lên lịch mà muốn khai thác thêm các chuyến bay thuê bao vào mùa cao điểm.
Bộ Giao thông Hàn Quốc đã gởi kiến nghị cho Trung Quốc kêu gọi hợp tác, cho phép các chuyến bay mở thêm được thực hiện.

Thổ Nhĩ Kỳ không kích

hạ sát 22 phần tử Nhà nước Hồi giáo ở Syria

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay các cuộc không kích của họ hôm thứ hai nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã hạ sát ít nhất 22 phiến quân.
Báo cáo cuối ngày về các hoạt động quân sự yểm trợ các nhóm nổi dậy ở bắc Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng máy bay của Nga cũng đã phá hủy nhiều mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo gần thị trấn al-Bab của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc hành quân mang tên “Lá chắn Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ khởi sự cách đây hơn bốn tháng với mục tiêu quét sạch phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở vùng biên giới của nước này bằng yểm trợ không quân và pháo binh cho Quân đội Giải phóng Syria.
Trong khi đó các quan sát viên Syria nói rằng hàng trăm thường dân đã di tản khỏi các thôn xã nằm ven thủ đô Damascus hôm Chủ nhật, trong lúc giao tranh tiếp tục bước sang ngày thứ ba giữa quân đội chính phủ và các nhóm nổi dậy trong đó có các nhóm al-Qaida liên kết với các chiến binh thánh chiến không thuộc thỏa thuận ngừng bắn được công bố hồi tuần trước.
Thường dân ồ ạt rút khỏi Thung lũng Barada. Hãng tin nhà nước Syria nói rằng khoảng 1.300 người di tản để tránh bom đạn.
Giao tranh tiếp diễn, bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn do Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ điều giải được tuyên bố là có hiệu lực sáng sớm thứ Sáu. Tin nói lệnh ngừng bắn được tôn trọng tại phần lớn các nơi khác của đất nước đang bị chiến tranh xâu xé này.
Lệnh ngừng bắn không bao gồm Thung lũng Barada, nơi các chiến binh thánh chiến al-Qaida từ Mặt trận Nusra trước đó liên kết với các phiến quân tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Sông Barada của thung lũng này là nguồn cấp nước chính cho Damascus và vùng phụ cận. Tin nói các cuộc giao tranh diễn ra đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cấp nước cho Damascus hôm 22 tháng 12. Chính phủ cáo buộc phiến quân đã làm ô nhiễm nguồn nước bằng dầu diesel, gây ra tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng ở Damascus, và buộc chính phủ phải nhanh chóng tìm cách đẩy lui các nhóm phiến quân khỏi khu vực này.
Lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm thứ Sáu là thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên cho cuộc chiến ở Syria không có Mỹ và Liên Hiệp Quốc tham gia.
Thỏa thuận được công bố sau hai tuần lễ kể từ lúc chính phủ Syria và đồng minh Nga tuyên bố chiếm lại Aleppo sau cuộc hành quân dài mấy tháng.
Các nhà phân tích nói chiến thắng ở Aleppo đưa phe chính phủ của Tổng thống Assad lên một thế mạnh hơn trong cuộc xung đột nhiều phe phái để chuẩn bị bước vào vòng đàm phám hòa bình dự trù sẽ diễn ra vào cuối tháng này ở thủ đô Astana của Kazakhstan.

Hàng trăm di dân Phi châu tìm đường

vào châu Âu đụng độ với cảnh sát ở Bắc Phi

Ít nhất 800 di dân châu Phi hạ Sahara hôm Chủ nhật đã phá một hàng rào biên giới giữa Morocco và Ceuta, một thành phố tự trị của Tây Ban Nha nằm ở miền duyên hải phía bắc châu Phi.
Các giới chức Tây Ban Nha và Morocco nói rằng 5 cảnh sát viên Tây Ban Nha và 50 cảnh sát viên Morocco bị thương, 10 người trong đó bị thương nặng, trong các cuộc đụng độ với những di dân tìm cách phá dỡ hàng rào. Họ đã dùng gạch đá và cây sắt chống các nhân viên an ninh.
Chính quyền Tây Ban Nha cho hay ngoại trừ 2 di dân được cho vào Ceuta để được chăm sóc y tế tại một bệnh viện địa phương, tất cả di dân quay về lại Morocco.
Ceuta và Melilla, một thành phố khác của Tây Ban Nha ở bắc Phi, thường được các di dân châu Phi nhắm làm điểm đến đầu tiên để vào châ Âu. Đa số di dân tìm cách vượt hàng rào biên giới để vào hai thành phố này thường bị bắt và trả về lại Morocco. Trong khi đó, một số lớn di dân khác tìm các vượt Ðịa trung hải trên những chiếc thuyền nhỏ đầy hiểm nguy.
Các nhóm nhân quyền chỉ trích việc Tây Ban Nha trả di dân về Morocco. Họ nói các di dân bị tước mất cơ hội xin tị nạn.
Tổ chức Di dân Quốc tế nói rằng gần 5.000 người đã bỏ mạn trên Ðịa trung hải trong năm qua, biến năm 2016 thành năm di dân chết chóc nhiều nhất.

TT Hollande: Quân đội Pháp chống ISIS

ở Iraq giúp ngăn chặn khủng bố ở Pháp

Tổng thống Francois Hollande nói với các binh sĩ nước ông đang giúp Iraq chống Nhà nước Hồi giáo rằng nỗ lực của họ ở Iraq giúp ngăn chặn tấn công khủng bố trên quê hương Pháp.
Nói chuyện với các binh sĩ Pháp tại một căn cứ của cơ quan chống khủng bố Iraq gần thủ đô Baghdad, Tổng thống Hollande nói: “Hoạt động chống khủng bố ở Iraq cũng là các nỗ lực ngăn chặn khủng bố trên quê hương chúng ta ở Pháp.”
Sau khi khởi sự chuyến thăm khu vực một ngày với cuộc gặp gỡ các binh sĩ Pháp, Tổng thống Hollande sẽ họp với Thủ tướng Haider al-Abadi, Tổng thống Fuad Masum, và Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi. Ông Hollande cũng sẽ đi thăm khu vực người Kurd nằm xa trên miền bắc để gặp gỡ các binh sĩ Pháp đang làm nhiệm vụ ở đó và các giới chức địa phương.
Đài truyền hình nhà nước Iraq loan tin rằng Tổng thống Hollande sẽ thảo luận về việc “gia tăng hỗ trợ cho Iraq và những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.”
Pháp đã thực hiện hàng ngàn cuộc oanh kích chống ISIS ở Iraq và Syria trong chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ lãnh đạo. Ngoài ra Pháp còn cung cấp thiết bị và huấn luyện cho quân đội Iraq.
Khoảng 500 binh sĩ Pháp được cho là đã tham gia cuộc hành quân đẩy lui Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Mosul, cứ địa quan trọng cuối cùng của ISIS

Trung Quốc cảnh báo việc ủng hộ độc lập tại Hong Kong

Trung Quốc lên tiếng cảnh báo sẽ không dung thứ cho bất cứ ai sử dụng đặc khu hành chánh Hong Kong để làm tổn hại đến sự ổn định của Hoa Lục.
Quan chức đứng đầu Văn Phòng Liên lạc của Trung Quốc tại Hong Kong, ông Trương Tiểu Minh, trong trả lời kênh truyền hình CCTV vào tối hôm qua đưa ra cảnh báo như vừa nêu. Theo vị này thì không ai được phép can dự vào bất cứ hoạt động nào gây hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia; thách thức chính quyền trung ương và Luật Cơ bản của Hong Kong; sử dụng Hong Kong để thâm nhập và gây bất ổn định chính trị tại Hoa lục.
Bắc Kinh luôn nỗ lực dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến tại Hong Kong. Biện pháp của chính quyền trung ương Trung Quốc gây quan ngại về vị thế của đặc khu được phần nào tự do báo chí và lối sống khác với lục địa.
Chính quyền Bắc Kinh dị ứng với những chính trị gia công khai ủng hộ độc lập tại đặc khu hành chính Hong Kong nơi được trao qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ sau khi được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Vị đặc khu trưởng Hong Kong hiện nay là ông Lương Chấn Anh bị chỉ trích chỉ là bù nhìn cho chính quyền trung ương Bắc Kinh mà thôi.

Manila tìm kiếm quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh

Philippines đang có dịch chuyển trong chiến lược trong chính sách ngoại giao, cố gắng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vì lâu nay nghiêng về phía Hoa Kỳ.
Tân đại sứ Philippinies tại Trung Quốc, Jose Chito’ Sta. Romana, cho hãng thông tấn AFP biết như vừa nêu hôm nay. Theo đó mặc dù Manila không từ bỏ liên minh với Washington nhưng đang cơ bản nỗ lực bình thường quan hệ với Bắc Kinh. Lâu nay Manila đã đơn phương tạo nên mất cân đối với Washington.
Philippines từng là một trong những đồng minh trung thành nhất của Hoa Kỳ tại Châu Á; thế nhưng kể từ khi tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào cuối tháng 6 vừa qua, ông này đe dọa chấm tức nhiều thập niên quan hệ thân thiết với Mỹ.
Tuyên bố của ông Duterte được đưa ra sau khi Hoa Kỳ chỉ trích chiến dịch chống ma túy do tổng thống Philippines phát động cho rằng không theo đúng pháp luật khi hạ sát hơn 5 ngàn người mà không qua xét xử của tư pháp.

IS nhận trách nhiệm vụ tấn công hộp đêm Istanbul

Nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) nói họ đứng sau vụ tấn công năm mới tại một hộp đêm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 39 người thiệt mạng.
Nhóm này nói trong một tuyên bố rằng vụ việc do ‘một chiến binh dũng cảm’ thực hiện.
Ít nhất có 600 người đang vui đón năm mới tại hộp đêm Reina ở Istanbul khi kẻ tấn công bắt đầu xả đạn bừa bãi.
Hung thủ hiện vẫn đang lẩn trốn trong lúc giới chức tiến hành truy lùng. Cảnh sát nói cho đến nay họ đã bắt giữ tám trường hợp.
IS đã bị quy trách nhiệm về các vụ tấn công gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang có hành động quân sự chống lại nhóm này tại quốc gia láng giềng Syria.
Nhóm các tay súng đã được cho là có liên hệ với ít nhất hai vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.
Tuyên bố của IS cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã làm máu của người Hồi giáo phải đổ qua “các cuộc không kích và nã pháo” tại Syria.
Tay súng, kẻ đã xả tới 180 viên đạn, tới bằng xe taxi rồi chạy đến lối vào với khẩu súng lấy ra từ phía sau xe.
Kẻ tấn công đã nã đạn bừa bãi trong bảy phút, đầu tiên là bắn vào một nhân viên an ninh và một nhân viên lữ hành đứng gần lối vào. Cả hai đều thiệt mạng.
Tin tức nói hung thủ đã cởi áo khoác ngoài trước khi tẩu thoát trong lúc đám đông đang hỗn loạn.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn cảnh sát nói kẻ tấn công có thể tới từ Uzbekistan hoặc Kyrgyzstan.
Việc truy lùng đang được triển khai, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu xác nhận. “Chúng tôi hy vọng là kẻ tấn công sẽ sớm bị bắt.”
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc các nhóm như IS là tìm cách “tạo ra tình trạng hỗn loạn”.
Trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một năm đẫm máu với hàng loạt các vụ tấn công, trong đó có một số vụ do các tay súng người Kurd thực hiện.
Tuy nhiên, một ngày trước khi IS nhận trách nhiệm, nhóm bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoạt động là Đảng Công nhân Kurd (PKK) đã nhanh chóng nói họ không dính líu gì tới vụ tấn công hộp đêm, và nói họ “không bao giờ nhắm vào các thường dân vô tội”.
Trong số những người thiệt mạng, có ít nhất 25 người nước ngoài, truyền thông địa phương nói, gồm công dân các nước Israel, Nga, Pháp, Tunisia, Lebanon, Ấn Độ, Bỉ, Jordan và Ả-rập Saudi.
Ít nhất có 69 người đang được điều trị trong bệnh viện, giới chức nói, trong đó có ba trường hợp nghiêm trọng.
Nơi bị tấn công là một hộp đêm nằm bên bờ eo biển Bosphorus và là một trong những địa điểm nổi tiếng thời thượng của Istanbul, rất quen thuộc với người nước ngoài. Đây là nơi thường được các ca sỹ, các ngôi sao ca nhạc ghé qua.
Các nạn nhân:
Thổ Nhĩ Kỳ: 11 người
Ả-rập Saudi: 7
Iraq: 4
Lebanon: 3
Jordan, Ấn Độ, Morocco: mỗi nước mất hai công dân
Syria, Israel, Pháp, Tunisia, Bỉ, Kuwait, Canada, Nga: mỗi nước mất một công dân

Matxcơva tuyển mộ đội quân tin tặc như thế nào ?

Nga rất quan tâm đến việc sở hữu những tin tặc tài giỏi nhất để có thể làm mưa làm gió trong cuộc chiến tranh mạng. Tìm kiếm tin tặc để làm công tác nhà nước…Trong vài năm qua, Nga tuyển mộ các hacker để mở rộng lực lượng phòng vệ trên mạng. Các ê-kíp ưu tú phụ trách bảo vệ không gian mạng Nga là những ai ?
Chủ đề này là nóng bỏng đối với Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama tin rằng các tin tặc Nga đã tấn công vào đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, dẫn đến thất bại của bà Hillary Clinton.
Chiến tranh mạng nhanh chóng trở thành ưu tiên của điện Kremlin. Theo New York Times, từ khoảng ba năm nay, các lời rao tuyển dụng tin tặc nở rộ tại Nga. Chính quyền bắt đầu tìm kiếm các tài năng, từ sinh viên trẻ cho đến các chuyên viên lập trình đầy kinh nghiệm.
Các thông báo tuyển dụng dần dần xuất hiện trên các mạng xã hội để nhắm vào giới trẻ. Bộ Quốc phòng Nga còn đăng cả trên Vkontate, mạng Facebook của Nga, dưới dạng một video. Nhiều lợi ích đang chờ đợi các ứng viên, như nhà ở đầy đủ tiện nghi, hay miễn đi quân dịch. Những người được tuyển được cho là sẽ làm việc luân phiên giữa các công ty có hợp đồng với quân đội và các « đơn vị đặc biệt » đóng tại các căn cứ quân sự.
Đối với Gérôme Billois, chuyên gia an ninh mạng của Wavestorm, đây là điều hiển nhiên. « Trong lãnh vực này rất khan hiếm tài năng. Để tuyển mộ, cần phải sử dụng tất cả các kênh, phải đi đến tận nơi có nhân tài để chiêu dụ ».
Nga còn tuyển cả những chiến binh mạng từ…nhà tù. Nhiều người trong số đó là tin tặc bị rắc rối với luật pháp, kể cả các thành viên của mafia trên mạng. Chính phủ đề nghị giảm án cho họ, để đổi lấy việc phục vụ nhà nước.
Người Nga vốn giỏi toán, và nước Nga là chiếc nôi cho những tài năng về kỹ thuật số. Gérôme Billois nhấn mạnh : « Chính quyền vừa tìm kiếm những người có thể chế tạo vũ khí kỹ thuật số vốn cần có năng lực cao, vừa để mắt đến những ai có thể sử dụng các vũ khí đó ».
Không chỉ Nga quan tâm đến an ninh mạng, mà tất cả các nước từ vài năm qua đều phải trang bị. Ngoài ra, Gérôme Billois còn quan sát thấy có sự thay đổi về thông tin xung quanh lực lượng tấn công trên mạng. Ông nói : « Người ta nhận ra các lãnh đạo đã đưa lực lượng này lên hàng đầu. Đây không còn là bí mật quân sự nữa, mà là một loại vũ khí răn đe ».
Trong lãnh vực chiến tranh tin học, Nga đã nhiều lần chứng tỏ sức mạnh tấn công. Những chiến binh vô hình nhưng kết quả thì hữu hình : sau khi tổng thống Mỹ cáo buộc Matxcơva cho tin tặc xâm nhập, 35 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trả đũa tin tặc Nga hay không ? Câu hỏi khó cho Mỹ

Washington sau khi trừng phạt Matxcơva hôm thứ Năm 29/12/2016 vì tin tặc Nga xâm nhập phá hoại bầu cử Mỹ, có thể bổ sung thêm biện pháp trả đũa về tin học. Đây sẽ là một quyết định chưa từng thấy và có thể gặp rủi ro.
Các biện pháp do tổng thống Barack Obama loan báo vào thời điểm chưa đầy một tháng nữa là mãn nhiệm : trục xuất 35 người bị cáo buộc là gián điệp Nga, đóng cửa hai cơ sở ở đông bắc Hoa Kỳ bị cho là căn cứ để tình báo Nga liên lạc. Thêm vào đó, GRU (tình báo quân đội Nga) và FSB (tình báo liên bang Nga, tức KGB cũ) cũng bị trừng phạt kinh tế cùng với bốn lãnh đạo GRU trong đó có giám đốc Igor Korobov.
Và ông Barack Obama tuyên bố không có ý định dừng lại ở đây.
Hoa Kỳ tố cáo Nga đã tổ chức các vụ tấn công tin học để đánh cắp và công bố hàng ngàn email của các nhân vật có trách nhiệm trong đảng Dân Chủ, gây bất lợi cho bà Hillary Clinton. Tổng thống sắp mãn nhiệm cảnh cáo, chính phủ Mỹ sẽ có những biện pháp trả đũa khác « vào thời điểm do chúng tôi chọn lựa », kể cả thông qua những hoạt động bí mật, không thông báo cho công chúng.
Đối với nhiều người, các hoạt động bí mật này có thể là trả đũa bằng tấn công tin học, chẳng hạn như thông qua cơ quan tình báo quốc gia NSA của Mỹ, vốn đã từng mở rộng hoạt động sang các mạng tin học trên toàn thế giới. « Bánh ít đi, bánh quy lại », nhằm chứng tỏ cho tổng thống Nga Vladimir Putin là Hoa Kỳ cũng có khả năng dùng tin tặc gây rối loạn guồng máy Nga.
Theo Evan Perkoski và Michael Poznansky, hai giáo sư đại học Mỹ chuyên về chính trị quốc tế và tình báo, các vụ tấn công tin học cũng có thể nhắm vào những máy tính của những người thân cận tổng thống Nga.
Trên một diễn đàn mới đây đăng ở trang War On The Rocks, một trang mạng của Mỹ chuyên tư vấn về chiến tranh và an ninh, hai ông viết : « Nhắm vào các đại gia mà sự ủng hộ của họ mang tính sống còn đối với Vladimir Putin, có thể thúc đẩy mạnh mẽ cho việc ngưng can thiệp vào các cuộc bầu cử khác ». Người Mỹ cũng có thể tìm cách gây bất ổn cho các định chế tài chính hay công ty Nga « với mục đích làm cho công luận Nga quay lại chống đối chế độ ». Tuy nhiên hai vị giáo sư trên không nêu rõ chi tiết dạng thức tấn công có thể sử dụng.
Bà Susan Hennessey, cựu luật gia của NSA cũng có nhận định tương tự : trừng phạt công khai cần phải đi kèm theo một chiến dịch bí mật « mang tính đe dọa đối với những người có trách nhiệm của điện Kremlin, làm cho họ hiểu rằng chúng ta có thể đánh vào những địa điểm mà họ ngỡ là được bảo vệ ».
Nhưng các chuyên gia đều thống nhất ở một điểm : một Nhà nước tiến hành tấn công tin học vào một Nhà nước khác, coi như phiêu lưu đến một miền đất chưa được thám hiểm, với tất cả những rủi ro.
Steve Grobman, giám đốc kỹ thuật của Intel Security, một tập đoàn Mỹ về an ninh mạng nhấn mạnh : « Trả đũa bằng tấn công tin học bí mật cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, và thực hiện một cách rất cụ thể, để không gây thiệt hại liên đới cho các hệ thống tin học không nằm trong mục tiêu ». Cũng như nhiều chuyên gia khác, ông cảnh báo việc khởi động một cuộc chiến tranh mạng, sẽ gây thiệt hại nặng cho cả đôi bên. « Một sự leo thang tấn công tin học từ cả hai phía có thể dẫn đến một xung đột thật sự ngoài đời ».
James Lewis, chuyên gia về an ninh mạng của trung tâm nghiên cứu CSIS cho rằng chính quyền Obama sẽ chùn tay, vào lúc chuẩn bị tấn công – nếu điều này là sự thật. Và Mỹ sẽ không sử dụng « vũ khí tin học » mang tính hủy diệt đang có, thỉnh thoảng được nêu ra nhưng chưa bao giờ mô tả một cách cụ thể. Ông nói : « Cần hết sức tránh leo thang trong loại xung đột này, kiểu như ‘người Nga sử dụng cách cưỡng bức, gián điệp, chính trị, thì chúng ta cũng có thể hành động tương tự’ ».
Dù sao đi nữa, việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ thêm một lần nữa cho thấy cần phải tăng cường an ninh mạng và bảo vệ các máy tính Mỹ chống xâm nhập. Claude Barfield, chuyên gia American Enterprise Institute – trung tâm nghiên cứu có xu hướng bảo thủ của Mỹ – nhấn mạnh : « Trong tương lai, chính quyền nhất thiết phải cải thiện việc bảo vệ hệ thống tin học Mỹ, nếu muốn ngăn cản những vụ tấn công tương tự ».

Trung Quốc: Một thoáng quang đãng

trên bầu trời Bắc Kinh mù mịt

Theo hãng tin Reuters, lớp khói mù dầy đặc bao phủ Bắc Kinh ngày đầu năm, đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và đường cao tốc bị đóng, đã tan đi nhiều vào hôm nay, 02/01/2017, lưu thông trên không cũng như trên bộ đã trở lại bình thường. Tuy nhiên tình trạng này sẽ không kéo dài.
Theo đài khí tượng Trung Quốc thì sương mù sẽ lại đổ xuống Bắc Kinh và Thiên Tân kể từ ngày mai, 03/01, trong khi Hà Bắc thì vẫn bị ngợp trong lớp sương dầy đặc cho đến thứ Năm, cũng như Hà Nam và Sơn Đông. Một phần lớn miền bắc Trung Quốc đã bị ô nhiễm nghiêm trọng từ trung tuần tháng 12, chính quyền đã phải cho đóng cửa hàng trăm xưởng sản xuất cũng như giới hạn xe cộ.
Lớp sương dầy đặc bao phủ trở lại Bắc Kinh từ thứ Sáu 30/12, đã khiến 126 chuyến bay bị hủy bỏ vào hôm qua, các tuyến xe buýt nối Bắc Kinh với các thành phố lân cận đã bị ngừng.
Phân tử li ti nguy hại tập trung trong không khí vào hôm qua đã vượt ngưỡng 500 microgramme/m3 ở Bắc Kinh, tức là 50 lần cao hơn ngưỡng không nguy hại theo chuẩn mực của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Cuối tuần vừa qua có đến 24 thành phố Trung Quốc báo động đỏ về ô nhiễm, buộc chính quyền phải đóng cửa nhà máy, giới hạn việc sử dụng xe hơi. 21 thành phố khác, trong đó có Bắc Kinh báo động ở mức độ màu cam, thấp hơn một nấc.
Nguyên nhân ô nhiễm nghiêm trọng vào mùa đông, thường lên đỉnh cao, được giải thích là do những lò sưởi mà một phần lớn vẫn sử dụng than.
Từ năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã « khai chiến với ô nhiễm », nhưng xem qua tình hình hiện nay thì có vẻ không thể chiến thắng.

Syria: Chiến sự tiếp diễn

đe dọa thỏa thuận đình chiến

Bất chấp thỏa thuận đình chiến tại Syria, theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, được Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết ủng hộ ngày 31/12/2016, chiến sự giữa Damas và phe nổi dậy vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi, thỏa thuận đình chiến đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Theo AFP, kể từ khi thỏa thuận đình chiến, có hiệu lực từ đêm ngày thứ Năm 29/12, chiến sự giảm đi về cường độ, nhưng đụng độ vẫn xẩy ra tại nhiều nơi. Phe nổi dậy cáo buộc quân chính phủ gây hấn, và đe dọa không tôn trọng thỏa thuận.
Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, tại mặt trận phía bắc, sáng hôm nay, quân đội chính phủ không kích vào thị trấn Atareb, gần thành phố Aleppo. Trước đó ít giờ, hai em nhỏ tại các khu vực phía tây của Aleppo, bị thiệt mạng do đạn của quân chính phủ. Tổng cộng bốn thường dân, và chín binh sĩ nổi dậy bị thiệt mạng, kể từ đầu thỏa thuận ngừng bắn.
Tối hôm thứ Bảy, 31/12, quân nổi dậy bắn khoảng 20 trái pháo vào hai thị trấn thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ, thuộc tỉnh Idleb, tây bắc. Ở thị trấn Tartous, phía tây, do chế độ Damas kiểm soát, hai người đã nổ bom tự sát tại một trạm kiểm soát, làm chết hai binh sĩ.
Tại vùng Ghouta, phía đông thủ đô Damas, quân chính phủ tấn công để lấn đất, giao tranh đã nổ ra giữa hai bên.
Trong những năm vừa qua, nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã bị vô hiệu hóa chỉ trong ít ngày. Theo các nhà quan sát, liên minh giữa một số nhóm nổi dậy với lực lượng Fatah al-Cham, nguyên là một chi nhánh của Al-Qaida, khiến cho lệnh ngừng bắn rất khó thực thi. Lực lượng Fatah al-Cham, bị coi là khủng bố, không được chấp nhận tham gia thỏa thuận ngừng bắn.
Nếu thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, đây sẽ là bước đệm cần thiết cho cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình giữa Damas và phe nổi dậy Syria, họp tại Astana, Kazakhstan, vào cuối tháng Giêng 2016, dưới sự bảo trợ của Nga và Iran – hai quốc gia hậu thuẫn chế độ Damas, và Thổ Nhĩ Kỳ – bên ủng hộ phe nổi dậy.

Pháp lần đầu tiên xử

một vụ “tài sản bất chính” của lãnh đạo nước ngoài

Hôm nay, 02/01/2017, lần đầu tiên nước Pháp mở phiên xử một lãnh đạo nước ngoài về những “tài sản bất chính”. Bị cáo là con trai của tổng thống Guinea Xích Đạo .
Nguyên là bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, được cha là tổng thống Teodorin Obiang Nguema bổ nhiệm làm phó tổng thống cuối tháng 6 vừa qua, ông Teodorin Obiang bị truy tố trước toà đại hình Paris về các tội rửa tiền thu nhập bất chính, biển thủ công quỹ, lạm dụng lòng tin và tham nhũng.
Cuộc điều tra của ngành tư pháp của Pháp, theo đơn kiện của hai hiệp hội Sherpa và Transparency International, đã cho thấy là Teodorin Obiang, 47 tuổi, có một tài sản rất lớn ở Pháp, gồm nhiều căn ở đại lộ Foch, một trong những khu sang nhất ở Paris, với trị giá tổng cộng được thẩm định là 107 triệu euro, nhiều xe hạng sang và xe thể thao ( Porsche, Ferrari, Bentley, Bugatti ).
Khối lượng tài sản này là quá lớn so với mức sống bình thường ở Guinea Xích Đạo, một quốc gia dầu hỏa vùng Trung Phi, nơi mà hơn phân nửa dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó. Ấy là chưa kể mỗi khi đến Paris, Teodorin Obiang tiêu rất nhiều tiền mặt để may quần áo tại các nhà may hạng sang.
Sau khi điều tra, các thẩm phán Pháp kết luận rằng con trai tổng thống Guinea Xích Đạo đã tạo dựng những tài sản nói trên bằng tiền biển thủ công quỹ, tiền hối lộ. Về phần mình, ông Teodorin Oiang khẳng định ông vô tội vì đó là tiền thu nhập hợp pháp.
Trên nguyên tắc, phiên xử ông Teodorin Obiang bắt đầu từ hôm nay và kéo dài đến 12/01, nhưng các luật sư của con trai tổng thống Guinea Xích Đạo đã đòi dời lại phiên tòa, với lý do thời gian chuẩn bị quá ngắn.
Hiện nay, tư pháp của Pháp cũng đang điều tra về tài sản của gia đình nhiều lãnh đạo châu Phi khác, như gia đình của tổng thống Congo Denis Sassou Nguesso, gia đình của cố tổng thống Gabon Omar Bongo hay của cố tổng thống Trung Phi François Borizé.

Hồng Kông: Biểu tình phản đối

ý đồ bãi nhiệm 4 dân biểu

Năm 2017 mở đầu tại Hồng Kông với cuộc tuần hành của hàng nghìn người dân để phản đối việc chính quyền đặc khu hành chính chuẩn bị truất quyền của bốn dân biểu đòi dân chủ, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cảnh báo sẽ không dung thứ phong trào đòi độc lập cho Hồng Kông.
Hãng tin AP dẫn lại nguồn tin cảnh sát cho hay, khoảng 5.000 người tuần hành tại Hồng Kông ngày 01/01/2017, trong khi ban tổ chức cho biết có 9.100 người tham dự. Mặt trận Nhân Quyền Công dân (Civil Human Rights Front/CHRF) là cơ sở tổ chức cuộc tuần hành.
Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu “Hồng Kông độc lập” và nhiều biểu ngữ ủng hộ bốn dân biểu. Trả lời AP, dân biểu Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu Chung-yim), một trong bốn người có nguy cơ bị bãi nhiệm, nhận định nền tư pháp Hồng Kông đang hướng đến việc phá hủy hệ thống chính trị dân chủ của thành phố.
Dân biểu Diêu Tùng Viêm khẳng định các dân biểu “cần phải được bảo vệ, bởi họ đã được hàng trăm nghìn cử tri bầu lên”. Vị dân biểu Hồng Kông nhấn mạnh : “Đây không chỉ là vấn đề bất công (đối với cá nhân các dân biểu), mà còn là việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta”.
Hôm 02/12/2016, chính quyền đặc khu Hồng Kông đề nghị tòa án phế truất bốn dân biểu Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), thuộc Liên đoàn Dân Chủ Xã Hội, ông La Quán Thông (Nathan Law), đảng Demo, Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu Chung-yim) đại diện cho ngành kiến trúc, vì đã không thực hiện đúng nghi thức tuyên thệ.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 12/10/2016, hai nghị sĩ Lương Quốc Hùng và La Quán Thông đã thay đổi giọng khi đọc chữ “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa“, để biến lời tuyên thệ thành một câu hỏi.
Quyên tiền ủng hộ các dân biểu
Theo báo chí Hồng Kông, trước và trong cuộc tuần hành hôm qua, dân chúng Hồng Kông đã tổ chức quyên góp tiền vào quỹ mang tên Bảo Vệ Công Lý (Justice Defence Fund) để hỗ trợ các dân biểu, trong các chi phí liên quan đến thủ tục kiện tụng. Hơn hai triệu đô la Hồng Kông, tương đương khoảng 250.000 đô la, đã được quyên góp. Hiện tại quỹ vẫn đang tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cử tri.
Giữa tháng 11/2016, một tòa án đặc khu Hồng Kông đã quyết định khai trừ hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), vì đã không thực hiện đúng nghi thức tuyên thệ, trong đó có hành động giương cờ “Hồng Kông độc lập” trong buổi lễ này.
Một cuộc vận động ủng hộ tài chính khác cũng đang được tiến hành. Hai dân biểu Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng sẽ phải trả 1,6 triệu đô la Hồng Kông cho các thủ tục phúc thẩm tại tòa chung thẩm Hồng Kông vào tháng 2/2017.
Trong khi đó, hôm qua, đại diện cao nhất của chính quyền Trung Quốc tại Hồng Kông, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), đe dọa : Bắc Kinh sẽ không cho phép việc “tiến hành các hoạt động đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia, hay thách thức quyền lực của chính phủ trung ương hay Luật cơ bản của Hồng Kông, hoặc sử dụng Hồng Kông để (…) gây bất ổn xã hội và chính trị” tại Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, căng thẳng tại Hồng Kông tăng cao sau vụ hai dân biểu đòi độc lập bị bãi nhiệm. Năm 2017 này, đánh dấu 20 năm Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc, sẽ là một năm bản lề của đời sống chính trị thành phố, với cuộc bầu cử một lãnh đạo mới.
Rất nhiều người dân tại đặc khu hành chính, vốn được hưởng quy chế bán tự trị, theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”, lo ngại các quyền tự do tại cựu thuộc địa Anh Quốc, sẽ bị Bắc Kinh tước đoạt. Trả lời AFP, dân biểu Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) nhận xét : “Hệ thống một quốc gia, hai chế độ đã thất bại”.

Tên lửa đạn đạo:

Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tránh khiêu khích

Ngay sau tuyên bố của lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày đầu Năm Mới 2017, khẳng định quốc gia này đã trở thành “một cường quốc hạt nhân” vào năm 2016, và đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa xuyên lục địa, tối hôm qua, 01/01/2017, bộ Quốc Phòng Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tránh mọi hành động khiêu khích mới.
Trong một bức điện thư gửi hãng thông tấn Pháp AFP của người phát ngôn Lầu Năm Góc, Gary Ross, có đoạn : “Chúng tôi kêu gọi Bắc Triều Tiên tránh mọi hành động khiêu khích và mọi lời lẽ gây hấn, đe dọa hòa bình và ổn định quốc tế”, Bắc Triều Tiên nên “có một sự lựa chọn chiến lược, đó là thực hiện các cam kết quốc tế”. Bộ Quốc Phòng Mỹ nhắc lại việc “Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra nhiều nghị quyết cấm Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo”.
Bộ Quốc Phòng Mỹ đồng thời kêu gọi “tất cả các quốc gia hãy sử dụng mọi con đường và phương tiện để giải thích một cách rõ ràng là (…) các vụ thử tên lửa đạn đạo là không thể chấp nhận được”.
Trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử tên hạt nhân và nhiều lần thử tên lửa xuyên lục địa có thể tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân.
Về tiềm năng hạt nhân quân sự của Bắc Triều Tiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ thực lực của quốc gia này, bởi cho đến nay, Bình Nhưỡng chưa bao giờ thành công trong một vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa.
Theo ông Kim Yong-Huyn, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên, đại học Dongguk, Seoul, tuyên bố nói trên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có thể là “một cách để gây sức ép lên (tổng thống Mỹ tương lai) Donald Trump”.
Washington nhiều lần khẳng định không chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân quân sự. Về chủ đề này, theo AFP, ông Donald Trump chưa thể hiện rõ lập trường.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.