Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 15/121/2016

Thursday, December 15, 2016 5:54:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 15/121/2016

Quân đội “tự diễn biến” thì Đảng tiêu vong

Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tại Hội nghị quân chính toàn quân 2016 tổ chức hôm 13/12/2016 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi quân đội tuyệt đối kiên định với mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Như thế lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ phải tiếp tục trung thành với Đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ai muốn kiểm soát quân đội?
Tháng 7 năm 2015, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ một vế Đảng với phát biểu chính thức tại Đại hội toàn quân ở Hà Nội, là quân đội phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp. Lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng được dư luận chú ý vì cho rằng ông bớt giáo điều.
Hơn 17 tháng sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của quân đội: “Dù bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn trung thành với Tổ Quốc với Đảng, với nhân dân.”
Trên thực tế người lính nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có câu kinh nhật tụng “Trung với Đảng hiếu với dân” và dù là ông Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng thì cũng chỉ là sử dụng cách nói khác nhau. Hơn nữa Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng  độc quyền lãnh đạo đất nước.
Tôi nghĩ là điều này cũng tự nhiên thôi, vì một đảng cầm quyền mà họ xây dựng nên quân đội, lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, yêu cầu quân đội phải trung thành với đảng đó.
- Ông Lê Kế Lâm
Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định:
“Hiến pháp quy định quân đội phải trung thành với Tổ quốc với Nhân dân. Nhưng khi mà đảng cầm quyền người ta lãnh đạo, thì vì Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng nên lực lượng vũ trang hiện nay cho nên họ yêu cầu quân đội phải trung thành với Tổ quốc là trên hết và sau đó họ yêu cầu phải trung thành với Đảng. Tôi nghĩ là điều này cũng tự nhiên thôi, vì một đảng cầm quyền mà họ xây dựng nên quân đội, thế thì họ lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, yêu cầu quân đội phải trung thành với đảng đó.”
Từ khi internet là công cụ thông tin khó kiểm duyệt, sự bùng nổ của mạng xã hội ở Việt Nam đã làm cho giới trẻ và người dân bình thường thấy rằng, trên thế giới chỉ còn lại vài nước cộng sản quy định quân đội phải trung thành với một đảng chính trị, tức là Đảng cộng sản độc quyền cai trị. Trong khi phần còn lại của thế giới tự do, cách dùng từ có thể khác biệt nhưng đại để lời thề của người lính là trung hành và bảo vệ tổ quốc.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Khóa 10 hiện sống và làm việc ở Hà Nội, trên thực tế có sự khác biệt giữa các quốc gia và thể chế chính trị liên quan tới câu hỏi lực lượng vũ trang trung thành với ai. Ông nói:
“Nếu mà nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước thì có vấn đề ấy thật. Bởi vì ngay cả trong những qui định có tính chất pháp luật thì quân đội là tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy cho nên trung thành với Đảng là cách ở Việt Nam nghe cũng quen rồi và cũng bình thường.”
Tiến tới thiên đường mù
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa và quân đội Việt Nam phải trung thành với Đảng Cộng sản để đi tới cái đích, mà ông từng nói, đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã hiện thực. Tại Hội nghị Quân chính ngày 13/12/2016 tổ chức ở Bộ Quốc phòng Thủ đô Hà Nội, ông Tổng Bí thư cũng kêu gọi quân đội triệt để chống suy thoái, chống tự diễn biến, chống tự chuyển hóa.
Ba hôm trước, ngày 9/12/2016 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12, ông Tổng Bí thư nhìn nhận Đảng hiện lâm vào tình trạng suy thoái, vận mệnh Đảng và chế độ cầm quyền liên quan tới kết quả của chiến dịch chống tự diễn biến và tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12  cung cấp cẩm nang chính trị 27 điểm để nhận diện hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong hàng ngũ cán bộ đảng viên. Nhưng quan trọng nhất là hiện tượng cổ vũ dân chủ đa nguyên đa đảng, xóa bỏ xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng xem là tự diễn biến, tự chuyển hóa đối với  hoạt động sử dụng truyền thông xã hội để bêu xấu giới chức Đảng, hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cũng như văn học và nghệ thuật.
Nhấn mạnh tới vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm từ Saigon nhận định:
“Tự diễn biến trong quân đội nếu như xảy ra thì rất nguy hiểm. Ý chính của ông Tổng Bí thư nói trong Hội nghị Quân chính Trung ương chủ ý nhắc nhở ngay cả trong quân đội cũng phải đề phòng tự diễn biến. Thế còn diễn biến thì rất rộng và cũng rất phức tạp…”
Quân đội là một bộ phận của nhân dân, trong nền kinh tế quốc dân nói chung của Việt Nam vừa qua tồn tại những mặt tích cực, nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực.
- Ông Lê Kế Lâm
Tất nhiên trong Hội nghị Quân chính ngày 13/12/2016, ông Nguyễn Phú Trọng không quên chỉ đạo quân đội phải chủ động, không để bị bất ngờ về chính trị trong mọi tình huống. Mặc dù quân đội Việt Nam cũng có đặc quyền về đất đai và được phép làm kinh tế với những Tổng Công ty rất lớn. Tuy vậy chỉ có mạng xã hội mới dám đề cập tới quân đội như là một nhóm lợi ích, báo chí dòng chính khá nhẹ nhàng khi mô tả phi trường Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng không thể mở rộng vì sân golf do quân đội làm chủ.
Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm nhận định:
“Quân đội là một bộ phận của nhân dân, trong nền kinh tế quốc dân nói chung của Việt Nam vừa qua tồn tại những mặt tích cực, nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực. Trong những tiêu cực đó, đáng lo nhất là nạn tham nhũng, hối lộ rồi đến lãng phí. Quân đội cũng là một bộ phận nằm trong chính thể chung, nằm trong khuôn khổ chung của cả nước. Quân đội làm kinh tế có nhiều cái tốt, tích cực nhưng có thể không thể tránh khỏi những tiêu cực, sai sót. Vì thế ông Tổng Bí thư có nói quân đội phải luôn
luôn kiềm chế, tự khắc phục không để xảy ra lợi ích nhóm và những sai sót trong khi làm kinh tế. Còn có hay không thì hiện nay Nhà nước và Đảng cũng chưa thanh tra lực lượng vũ trang làm kinh tế…”
Trong phát biểu tại Hội nghị Quân chính 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ quân đội về điều gọi là tiếp tục xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Sắp xếp, điều chỉnh tổ chức quân đội, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, quân phong quân kỷ. Đặc biệt đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, sắp xếp lại doanh nghiệp làm kinh tế, quản lý đất đai, quản lý tài sản và quản lý tài chính.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương tất nhiên muốn kiểm soát được sự trung thành của quân đội. Giới phản biện cho rằng, một nhà lý luận chủ nghĩa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã nghiên cứu trường hợp Liên Xô, cái nôi của chủ nghĩa Cộng sản, sụp đổ vào cuối năm 1991. Lúc đó chính những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, lực lượng trung thành với Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết, đã quay mũi súng trở thành lực lượng khai tử chế độ.

Xuất hiện kiến nghị yêu cầu ‘minh bạch’ trong vụ Formosa

Một bản kiến nghị với chữ ký của nhiều tổ chức môi trường, các giáo sư đại học, luật sư quốc tế đang được lan truyền trên mạng, kêu gọi chính phủ Việt Nam và công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh phải minh bạch các thông tin liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường vùng biển miền Trung.
Bản kiến nghị “đề nghị Chính phủ Việt Nam và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Việt Nam) công bố đầy đủ, chi tiết thỏa thuận bồi thường 500 triệu đôla giữa Chính phủ Việt Nam và Formosa Việt Nam, được thông báo ngày 30/6/2016”.
Đồng thời, kiến nghị cũng “yêu cầu Chính phủ Việt Nam cung cấp chi tiết kế hoạch bồi thường cho hàng chục ngàn nạn nhân và gia đình họ”, cùng với “các biện pháp bảo vệ môi trường khỏi những thiệt hại có thể phát sinh do việc Formosa Việt Nam xả chất thải độc hại ra biển trong tương lai”.
Nhóm bảo vệ môi trường Green Trees Việt Nam cũng ký tên trong bản kiến nghị trên. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm, nói với VOA rằng minh bạch là vấn đề nổi cộm nhất trong toàn bộ thảm họa môi trường được xem là lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.
Với ước muốn bảo vệ cho sức khỏe người dân, dược sĩ từ Hà Nội cho biết anh đã phải tự thân đi lấy mẫu hải sản ở miền Trung để xét nghiệm vì chính phủ quá chậm chạp và thiếu minh bạch trong việc công bố những dữ liệu cơ sở khoa học liên quan đến vụ ô nhiễm.
Anh chia sẻ:
“Bà con miền Trung sau một thời gian dài ăn gạo hỗ trợ thì không còn ăn gạo không được nữa. Họ buộc phải ăn một số loại cá ít ỏi mà họ đánh bắt được. Tuấn thấy quá nguy hiểm nên đi lấy mẫu về để xét nghiệm. Hôm đó là 29/6, khi Tuấn đi lấy mẫu cá nục thì thấy có một con mực rất to chết dạt vào bờ ở biển Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Mang về xét nghiệm thì mới ngớ người ra là cho đến thời điểm này chính phủ vẫn chưa công bố là biển bị nhiễm độc những chất gì. Bởi vì về mặt nguyên tắc thì phải biết nó nhiễm chất độc gì thì mới dễ dàng trong việc đưa ra quyết định là phải xét nghiệm chất độc nào có trong mẫu thực phẩm đó”.
Vụ hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 4, nhưng cho tới nay, vẫn không có thông tin chính thức rõ ràng từ các cơ quan chức năng cho người dân biết cụ thể mức độ an toàn của mỗi khu vực biển địa phương.
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những đại diện pháp lý cho các nạn nhân của vụ ô nhiễm môi trường Formosa, cho rằng việc không công khai những thông tin liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân là một việc làm không có lợi:
“Đề nghị không khuyến khích người dân, thậm chí là hạn chế người dân đánh cá ở vùng gần bờ. Bởi vì làm như thế cũng không có lợi cho việc phát triển thủy sản bền vững. Nhiều khi cũng phải nói thật với người dân. Còn nếu không, cứ để mặc cho người dân đánh cá thì cá cũng không tiêu thụ được. Và chi phí đánh cá, như nhiều người dân nói với tôi, là bằng gấp mấy lần chi phí bán cá”.
Ngoài các dữ liệu khoa học, cơ quan hữu trách của Việt Nam còn bị lên án về việc thiếu minh bạch trong việc công bố các chứng cứ, thông tin liên quan đến Formosa, làm dấy lên nghi ngờ về việc chính quyền “đi đêm” với thủ phạm gây ra ô nhiễm.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:
“Tuyên bố về 53 hay 58 sai phạm gì đó của Formosa mà ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho là căn cứ để luận tội Formosa và để ép Formosa nhận tội, thì cho đến nay vẫn chưa biết sai phạm đó bao gồm những sai phạm gì”.
Hôm 13/12, báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm phải tiếp tục quan trắc nước biển và công khai kết quả cho người dân.

Tàu hải quân Mỹ USS Mustin thăm cảng Cam Ranh

Theo tin từ Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke hôm nay thứ Năm, đã tới thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh trong một chặng dừng kỹ thuật thường lệ. Thông báo của Tòa Đại sứ cho biết chuyến dừng của tàu USS Mustin thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ về lịch sử, cộng đồng và quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong chuyến dừng chân, thủy thủ đoàn của tàu USS Mustin có cơ hội gặp gỡ với người dân Nha Trang để chia sẻ về văn hóa Hoa Kỳ thông qua các sự kiện thể thao. Thủy thủ đoàn người Mỹ cũng sẽ tìm hiểu về Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa tại địa phương.
Trung tá Thane Clare, sĩ quan chỉ huy tàu USS Mustin nói rằng: “Thủy thủ đoàn của tàu Mustin rất vui mừng đóng góp cho quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam và hiểu biết về tầm quan trọng của mối quan hệ đối với lợi ích của cả hai bên trong hòa bình, ổn định và gắn với một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Và tất nhiên, chúng tôi nóng lòng được trải nghiệm lòng hiếu khách nổi tiếng của Việt Nam và khám phá thành phố Nha Trang tuyệt vời.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu: “Lần dừng chân của tàu USS Mustin tại Cảng Quốc tế Cam Ranh là một ví dụ về sự sâu sắc của quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta và tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ dân sự và quân sự của chúng ta.”
Tàu USS Mustin đang trên đường tuần tra từ Yokosuka, Nhật Bản, có thủy thủ đoàn gần 300 người và hoạt động thường kỳ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương.
Sự kiện tàu khu trục Hải quân Hoa Kỳ USS Mustin thăm cảng Cam Ranh diễn ra cùng ngày với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm và chúc mừng Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Mỹ thời gian tới.
Hồi đầu tháng 10, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS John S. McCain và tàu tiếp tế tàu ngầm USS Frank Cable của Hải quân Mỹ đã ghé cảng Cam Ranh trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu giữa hải quân hai nước. Đây là lần đầu tiên 2 tàu chiến Mỹ ghé cảng kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 21 năm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nói rằng “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”, trước câu hỏi của báo chí “liệu người Nga có trở lại Cam Ranh?”. Hôm 13/10, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống nước thứ 3 và không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam.”
Gần đây, liên tiếp các tàu chiến Pháp, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh.
Trong một bài viết gửi cho VOA vào tháng 10, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết “cuộc đua tay ba giữa Mỹ, Nga và cả Trung Quốc để sở hữu Cam Ranh ngày càng lộ diện trong ý đồ đu dây của Việt Nam. Về thực chất, toan tính tủn mủn của giới lãnh đạo Việt chỉ có thể lộ ra ở kế sách dùng Cam Ranh làm ‘mồi nhử’.”
Về phía Hoa Kỳ, trước đó vào ngày 08/06, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington rằng Hoa Kỳ không tìm cách đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Ông nói lời đồn đó “không có căn bản thực tế.”

Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’ nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu.
Luật Magnitsky quy trách nhiệm nhân quyền toàn cầu do Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện được thông qua chưa tới một tuần sau khi dự luật tương tự do dân biểu Chris Smith và Jim McGovern ra mắt tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo.
Giới hoạt động nhân quyền xem đây là một thành công lớn, một trợ lực quan trọng cho công cuộc cổ súy dân chủ-nhân quyền tại các nước lâu nay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong những nhà hoạt động trong 6 năm qua đã tích cực vận động cho dự luật này được thông qua Quốc hội Mỹ, chia sẻ với VOA Việt ngữ về nội dung và ảnh hưởng của dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đang chờ được Tổng thống ký ban hành, dự kiến trước cuối năm nay.
TS Nguyễn Đình Thắng: Luật này được thông qua ở Hạ lẫn Thượng viện với tỷ số quá bán 2/3, cho nên nếu bị Tổng thống phủ quyết, Quốc hội có thể phủ nhận phủ quyết đó rồi bỏ phiếu lại, cuối cùng cũng phải thông qua. Thứ hai, luật này kèm trong luật chi ngân sách quốc phòng trên 600 tỷ Mỹ. Cho nên, nếu phủ quyết luật này thì các chương trình quốc phòng sẽ bị đình trệ.
VOA: Tầm quan trọng của luật này ra sao?
TS Nguyễn Đình Thắng: Rất quan trọng vì nó hoàn toàn là phương thức mới trong việc chế tài. Trước đây, việc chế tài gắn vào cả quốc gia, nên các nước, kể cả Hoa Kỳ, rất ngần ngại. Chế tài cả quốc gia khó khăn, ảnh hưởng nhiều chính sách khác như hợp tác quốc phòng hay mậu dịch..v..v.v. Ngoài ra, còn có quan ngại rằng chính người dân bị đàn áp ở quốc gia bị chế tài lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong khi kẻ vi phạm lại phây phây. Bây giờ, luật chế tài này nhắm trực tiếp từng cá nhân các giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng.
VOA: Những biện pháp chế tài thấy rõ nhất trong luật này?
TS Nguyễn Đình Thắng: Gồm hai điểm chính. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được bãi miễn lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự bãi miễn đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che dấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Vì sao? Vì trong rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, dấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Chúng ta biết rằng tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam rất phổ biến. Thứ ba, những giới chức tham nhũng mà đi trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền trầm trọng.
VOA: Những kẻ vi phạm đó làm thế nào lọt vào danh sách chế tài?
TS Nguyễn Đình Thắng: Con đường thứ nhất, một số Ủy ban của Hạ và Thượng viện Hoa Kỳ có quyền đề cử danh sách lên Tổng thống. Tổng thống có 120 ngày để ra quyết định chế tài hay không. Nếu Tổng thống từ chối không chế tài thì phải giải thích cho Quốc hội biết lý do. Vai trò của xã hội dân sự trong vấn đề này rất quan trọng vì các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới cũng có quyền đóng góp ý kiến cho Quốc hội và cho hành pháp Mỹ. Con đường thứ hai, khâu phụ trách Lao động-Nhân quyền-Dân chủ trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có quyền nộp danh sách lên Tòa Bạch Ốc đề nghị chế tài.
VOA: Mối quan hệ Việt-Mỹ lâu nay dựa trên nền tảng nhân quyền làm điều kiện tiên quyết. Luật này ra đời, quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào?
TS Nguyễn Đình Thắng: Chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức này đã vi phạm nhân quyền trầm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể lờ đi.
VOA: Liệu luật này sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ chùn lại hay là chất xúc tác để thăng tiến hơn?
TS Nguyễn Đình Thắng: Trên nguyên tắc, nó không ảnh hưởng mọi vấn đề đối tác về quốc phòng, mậu dịch, viện trợ…v…v..Thế nhưng, khi các giới chức lãnh đạo Việt Nam nằm trong danh sách chế tài này không qua được Mỹ để công vụ thì sẽ là một sự lúng túng ngoại giao. Luật này đang lan ra rất nhiều nước. Cùng ngày Quốc hội Mỹ thông qua, Quốc hội Estonia cũng thông qua và Tổng thống đã ban hành luật. Hiện cũng có đề nghị luật này ở Canada, Anh quốc, và sắp sửa được đưa ra ở Quốc hội Na-uy.
VOA: Với tình hình nhân quyền Việt Nam, luật này đóng vai trò thế nào?
TS Nguyễn Đình Thắng: Sẽ rất quan trọng nếu chúng ta làm đúng việc, đúng cách. Chẳng hạn trong thời gian qua, chúng tôi có cách thức ‘kết nghĩa’. Cứ mỗi cộng đồng trong nước bị đàn áp như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, hay Công giáo…v.v.., chúng tôi lại kèm một nhóm ‘kết nghĩa’ để kết nối, cập nhật thông tin với nhau, liên tục theo dõi. Nếu có một dấu hiệu nào bị đàn áp thì họ lập tức thu thập thông tin và chuyển cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lập báo cáo nộp cho Liên hiệp quốc hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là trước đây. Bây giờ, với luật mới, chúng ta có thể dùng những thông tin đó để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Thành ra, đây là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Ông Trump nói gì với Thủ tướng Việt Nam?

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ mới cho biết đã nhận điện thoại của Thủ tướng Việt Nam, sau khi tin cho hay ông Phúc nói với ông Trump rằng Hà Nội “coi trọng quan hệ với Mỹ”.
Văn phòng của người sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng Giêng cho hay rằng ông đã “nhận lời chúc mừng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc” tối hôm 14/12.
Thông cáo viết tiếp: “Tổng thống đắc cử và Thủ tướng [Việt Nam] đã thảo luận nhiều mối quan tâm chung và đồng ý cùng nhau tiếp tục củng cố quan hệ giữa hai quốc gia”.
Tuyên bố của phe ông Trump không nói rõ “mối quan tâm chung” đó là gì, nhưng hai vấn đề được báo chí Việt Nam đề cập nhiều thời gian qua là “số phận” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP và tranh chấp biển Đông.
Về phía Hà Nội, một bản tin ngắn trên trang web của chính phủ trong nước cho biết rằng ông Phúc đã “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”.
“Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước và khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ”, bản tin viết tiếp.
VGP News cho biết rằng “hai nhà lãnh đạo đã trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới”.
Ít lâu sau khi ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton, và trở thành tổng thống đắc cử Mỹ tháng trước, ông Phúc nói rằng “Mỹ đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam cũng chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP”.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố bác bỏ hiệp định thương mại tự do với hơn 10 quốc gia mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng.
Dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, cựu viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng Việt Nam vẫn theo dõi mọi động thái của ông Trump để đoán định chính sách đối với Việt Nam.
Ông nói:
“So với ông Obama thì ông này tính cách hoàn toàn khác. Người ta cũng có suy nghĩ rằng với tính cách thất thường thì đường lối của ông ấy như thế nào cũng chưa rõ. Người ta cũng đang chờ đợi. Chính kiến Việt Nam thực sự mà đánh giá cụ thể ông như thế nào thì cũng chưa có ai có quan điểm, nhưng tất nhiên là cũng sẽ khó khăn hơn thời ông Obama”.
Kể từ khi giành chiến thắng bất ngờ tháng trước, tin cho hay, ông Trump đã nhận điện thoại và trao đổi với hàng chục lãnh đạo các nước, trong đó có nhiều quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản và Đài Loan.
Ít lâu sau khi trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống đắc cử Mỹ đã lên Twitter để gián tiếp chỉ trích các hoạt động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc, dẫn tới nhiều chỉ trích của báo chí quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phúc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, mà Việt Nam sẽ tổ chức vào năm sau.

Phe đối lập Campuchia

bác tin xây dựng tường ngăn trên biên giới VN

Thủ lĩnh đối lập Campuchia Sam Rainsy mới bác bỏ thông tin nói rằng Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) của ông ủng hộ việc dựng một bức tường ngăn trên biên giới với Việt Nam như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tính làm trên vùng biên giáp Mexico.
Tờ Phnom Penh Post hôm 21/11 dẫn lời ông Kem Sokha, Phó chủ tịch CNRP, nói rằng đảng mình có thể làm theo ông Trump, dựng một bức tường ngăn dọc theo biên giới dài hơn 1 nghìn km với Việt Nam, nếu Campuchia có kinh phí để thực hiện.
Tuy nhiên, trả lời VOA Việt Ngữ hôm 14/12 trong chuyến đi vận động Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, lãnh đạo đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy nói:
“Tôi muốn bác bỏ chuyện ông phó chủ tịch Sokha của đảng chúng tôi từng tuyên bố muốn xây dựng bức tường dọc theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Ngược lại, ông ấy dường như muốn chế nhạo tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump về việc muốn xây bức tường giữa Mỹ và Mexico. Ông Sokha chỉ muốn rằng việc xây dựng bất cứ bức tường ngăn nào giữa hai nước là chuyện nực cười. Cách tốt nhất để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia không phải bằng việc xây dựng tường mà bằng việc phát triển vùng biên giới để người dân có thể sống vui vẻ trong điều kiện tốt. Chỉ như thế thì vùng biên giới mới được bảo vệ một cách phù hợp và hòa bình”.
Tranh chấp biên giới lâu nay là một vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa chính quyền Hà Nội và Phnom Penh, và là một trong những cương lĩnh tranh cử của phe đối lập Campuchia.
Ông Rainsy nói rằng đó là “di sản từ thời thực dân Pháp mà nay cần phải xử lý”. Ông nói thêm:
“Tôi vui mừng vì biết rằng chính phủ Việt Nam và Campuchia cùng viết thư gửi chính phủ Pháp để kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật từ phía Pháp trong việc phân định biên giới giữa hai nước. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề giữa hai nước một cách hòa bình và thiện chí”.
Tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm Campuchia Hun Sen đồng ý gửi thư cho chính phủ Pháp để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong việc sao chép bản đồ biên giới thời thuộc địa với độ phân giải cao hơn để sử dụng trong phân định biên giới giữa hai nước.
Giữa năm ngoái, sau khi xảy ra một vụ xô xát trên biên giới giữa người dân Việt Nam và Campuchia, báo chí Việt Nam, trong đó có trang Infonet thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lên án đảng đối lập Campuchia “xúi giục người dân nước này tiếp tục các cuộc biểu tình ở biên giới hai nước”.
Về lời chỉ trích này, ông Rainsy nói:
“Những cáo buộc đó vừa không công bằng vừa không chính xác. Người Campuchia, dù thuộc thành phần hay đảng phái nào, đều quan ngại về vấn đề biên giới. Chúng tôi muốn có sự công bằng và được tất cả các quốc gia láng giềng tôn trọng. Chúng tôi cũng muốn có quan hệ tốt đẹp với các quốc gia lân bang, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị”.
Khi được hỏi ông muốn nói gì nếu có cơ hội trao đổi trực tiếp với các quan chức Việt Nam, lãnh tụ đối lập Rainsy nói rằng “người dân Campuchia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.
“Chính vì thế, tôi thực sự hy vọng sẽ chứng kiến người dân hai nước cùng nhau nỗ lực vì hòa bình khu vực và thịnh vượng chung”, ông nói.

VN phản đối Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền

Cơ quan Bưu chính Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc gần đây phát hành những loại tem xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa trên biển Đông.
Theo phía Việt Nam, đây là lần thứ ba Trung Quốc phát hành một bộ tem xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Bộ tem “Đèn Biển Trung Quốc” được phát hành ngày 28/10 thể hiện 5 đèn biển xây dựng trên 5 bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, SuBi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Bưu Chính Việt Nam đưa ra thông cáo phản đối hôm 13/12 và gọi việc phát hành bộ tem này là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và “yêu cầu Bưu chính Trung Quốc hủy ngay bộ tem, phong bì và các ấn phẩm có in hình ảnh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.
Chính quyền Hà Nội cáo buộc Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm lược một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Hơn 60 chiến sỹ Việt Nam đã tử nạn trong trận chiến bảo vệ quần đảo này. Trước đó, Trung Quốc đã đưa quân và cờ lên chiếm đóng các đảo ở Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Cơ quan bưu chính của Việt Nam được các báo trong nước trích lời nói: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Cơ quan này cho rằng việc phát hành bộ tem của Trung Quốc không phù hợp với các quy định của Công ước Liên minh Bưu chính Thế giới.
Trong một công bố riêng, bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 14/12 cũng phản đối việc phát hành bộ tem này của Trung Quốc. Theo TTXVN, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử và không để tái diễn hành động tương tự nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 cơ quan bưu chính Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 2013, Bưu Chính Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc phát hành bộ tem “Mỹ Lệ Trung Quốc” vì cho rằng nó vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong bộ tem phát hành tháng 5/2013 có một mẫu tem in hình các đảo thuộc Hoàng Sa. Sau đó Việt Nam đã cấm nhập khẩu tem Trung Quốc in hình quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ tem đầu tiên của Trung Quốc phát hành có hình ảnh Hoàng Sa vào năm 2004. VnExpress trích lời người đứng đầu Câu lạc bộ Tem Việt Nam, Hoàng Anh Thi, cho biết câu lạc bộ này đã đề nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành một bộ tem riêng cho thấy các hình ảnh của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam yêu cầu kiểm tra dự án bãi rác Đa Phước

Việt Nam vừa ra quyết định thanh tra dự án khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước theo tố cáo gây ô nhiễm môi trường từ người dân, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ được báo chí Việt Nam đăng tải hôm 14/12.
Theo thông báo, Phó thủ tướng Việt Nam giao cho các cơ quan như thanh tra chính phủ và kiểm toán nhà nước, UBND TP HCM và các bộ kiểm tra từ việc đầu tư cho tới vận hành dự án của công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam và có biện pháp giải quyết và báo cáo trước ngày 1/4/2017.
Hồi cuối tháng 8, công ty Đa Phước đã bị cư dân khu nam TP.HCM tố cáo về việc gây ra tình trạng hôi thối cho khu vực và những nghi vấn tiêu cực liên quan đến công ty này.
Đơn tố cáo của người dân nói rằng dự án bãi rác Đa Phước, sau gần 8 năm hoạt động, đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 96 triệu đôla, nhưng dự án này được nhà nước “bao bọc” trong nhiều vấn đề.
Tin cho hay, bãi rác Đa Phước mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác của TP HCM và số lượng rác chôn lấp sau cùng là khoảng 2.850 tấn/ngày.
Hôm 22/11, báo Đất Việt cho hay, chính quyền TP HCM đã phê duyệt chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020, trong đó có chi 1.000 tỷ đồng để giảm ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước.

Mưa lũ tiếp tục gây ngập nặng các tỉnh miền Trung

Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra từ các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai.
Đêm hôm nay và sáng sớm ngày 16 tháng 12, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Đình lên rất nhanh. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo tình hình lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông. Mưa lũ theo dự báo cũng ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ  Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.
Mưa lớn kéo dài trong đêm 14 tháng 12 cũng khiến quốc lộ 40B đoạn qua huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng, nhiều hộ dân sống trong khu vực cũng bị đe dọa.
Với dự báo mưa lớn tiếp tục trong đêm 15 tháng 12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định hôm nay đã có cuộc họp khẩn yêu cầu các địa phương triển khai ngay phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Thời gian di dời phải kết thúc trước 7 giờ tối cùng ngày.

Dân vận khéo là gì?

Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 13 tháng 12, Ban dân vận trung ương và cơ quan đảng của Hội nhà báo Việt Nam tuyên bố rằng hai cơ quan sẽ kết hợp với nhau để thực hiện “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị, góp phần phản biện xã hội, xây dựng đảng, v.v…
Dân vận trong chiến tranh
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Ban dân vận Trung ương giải thích “Dân vận khéo” là gì:
“Dân vận khéo là một cụm từ trong một bài báo của Hồ Chí Minh, viết vào năm 1049, đầu đề là dân vận. Trong đó ông có kết luận rằng dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Mà dân vận kém thì cái gì cũng kém. Bây giờ họ đưa cái dân vận khéo để thành ra một tiêu ngữ để mà vận động.”
Ông giải thích một cách chi tiết là những cán bộ cộng sản khi đi đến một vùng nào đó thì sống chung với dân, thuyết phục người dân ủng hộ mình, và những người cộng sản đã thành công trong việc này vào thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
“Những người cộng sản đã lợi dụng được tình cảm yêu nước, yêu dân tộc của dân, cho nên thời kỳ kháng chiến họ dựa được vào dân, sống trên chiến khu dựa được vào dân. Họ làm được cái việc ấy, làm cho dân người ta có cảm tình với kháng chiến. Thậm chí nhân dân ở những nơi đô thị như chổ chúng tôi từng sống, người ta cũng hướng về kháng chiến, hướng về chiến khu, bởi lúc bấy giờ họ nêu được chính nghĩa là đánh Pháp để giành độc lập.”
Những người cộng sản đã lợi dụng được tình cảm yêu nước, yêu dân tộc của dân, cho nên thời kỳ kháng chiến họ dựa được vào dân, sống trên chiến khu dựa được vào dân.
- Ông Nguyễn Khắc Mai
Anh Lê Long (tên đã được thay đổi) hiện sống ở Sài Gòn, và là học sinh vào những năm trước 1975, trong thời chiến tranh Việt Nam, nhận xét rằng chính sách “Dân vận” của những người cộng sản, vào thời đó mang tên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, cũng thành công ở miền Nam Việt Nam:
Hồi xưa người ta có dân vận tiểu thương, ngoài chợ, có người của Mặt trận len lỏi vô, rồi học sinh vận, sinh viên vận, rồi trí thức vận. Cái lý do mà cộng sản miền Nam thành công là tại vì người miền Nam đánh đồng Việt Minh với Việt cộng. Ba tôi cũng là thanh niên tiền phong thời Việt Minh. Anh tôi làm quận trưởng ở những vùng như Cờ Đỏ, Phong Dinh, Ô Môn, tôi xuống đó chơi, nói chuyện với cả những ông lính như là dân vệ, địa phương quân, người ta không có thích cộng sản, nhưng người ta không có lập trường rõ ràng.
Đó là vào thời kỳ đảng cộng sản Việt Nam tiến hành hai cuộc chiến tranh. Theo ông Nguyễn Khắc Mai thì chuyện “Dân vận” của họ hiện nay chỉ thuần túy là tuyên truyền, vì những quyền thực sự của dân như quyền sở hữu đất đai, quyền bầu cử, quyền lập hội, người dân đều không có.
Ông Nguyễn Khắc Mai làm việc ở cơ quan Dân vận của đảng cộng sản từ những năm 1960, cho đến 1998. Theo ông thì trước đây người đứng đầu cơ quan này chỉ là một Ủy viên trung ương đảng, nhưng nay đảng cộng sản cũng ý thức được vấn đề phải chỉnh phục tình cảm của dân chúng, nên đã cắt cử một người là Ủy viên Bộ chính trị, cơ quan có quyền hành cao nhất đất nước để đứng đầu ban “Dân vận.” Người đứng đầu cơ quan này hiện nay là bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ chính trị.
Dân vận hiện nay phải là gì?
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng một trong những vấn đề quan trọng để có thể thực hiện “dân vận” tốt hiện nay là phát triển xã hội dân sự, nhưng trong giới lãnh đạo Việt Nam có một luồng ý kiến chống đối việc này. Ông tiếp lời:
Hiện nay người ta rất sợ xã hội dân sự. Nhiều lần tôi phê phán ban lãnh đạo ở đấy (Ban dân vận) thì người ta bảo rằng tại vì Ban bí thư và Bộ chính trị cấm không cho nói về dân sự, và cũng cấm không cho nghiên cứu về xã hội dân sự.”
Ông Nguyễn Khác Mai cho biết trong cơ cấu làm việc của đảng cộng sản Việt Nam, Ban dân vận không phụ thuộc vào Ban tuyên giáo trung ương của Đảng, nhưng theo thông lệ là làm những gì mà Ban tuyên giáo đưa ra.
Trong bản tin của Thông tấn xã nhà nước Việt Nam loan tải ngày 13 tháng 12, có viết rằng Ban dân vận và Hội nhà báo Việt Nam phối hợp định hướng thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, cung cấp thông tin về tình hình nhân dân, nhất là những vấn đề mới phát sinh trong các tầng lớp nhân dân.
Dân vận hiện nay là vấn đề dân chủ hóa, là vấn đề đề cao, tôn trọng quyền của dân. Dân quyền, Nhân quyền.
- Ông Nguyễn Khắc Mai
Nhà báo Trương Duy Nhất, từng bị bỏ tù vì nêu những quan điểm riêng trên các trang blog của mình nhận xét về câu chuyện “Dân vận khéo” trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam:
“Họ dùng cái từ dân vận khéo, dân vận khéo là gì? Đó là bảo với báo chí là làm thế nào để định hướng dân những cái chuyện nhạy cảm, những chuyện về dân chủ, về nhân quyền thế này thế nọ. Cái từ khéo theo tôi hiểu là người ta hướng các cơ quan truyền thông theo cái kiểu đó.”
Đó là một hướng làm việc của báo chí mà ông Nguyễn Khắc Mai cho là đáng lẽ ra phải ngược lại, tức là phải có báo chí tự do. Ông nói rằng các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay không dám đề cập đến những vấn đề mà dân chúng quan tâm, gắn liền với cuộc sống của họ như là thảm họa môi trường Vũng Áng, chuyện đền bù đất đai, chuyện chống Trung Quốc gây hấn ở biển Đông. Và như thế, theo lời ông Nguyễn Khắc Mai, những việc làm của Ban dân vận hiện nay chỉ mang tính hình thức, và ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn giữa lý thuyết và việc làm. Ông nói tiếp:
Dân vận hiện nay là vấn đề dân chủ hóa, là vấn đề đề cao, tôn trọng quyền của dân. Dân quyền, Nhân quyền. Nhưng mà đây là lý tưởng, và cái hiện thực thì người ta chưa bao giờ làm được như vậy. Đảng cộng sản chưa bao giờ làm được như vậy.”
Ông cũng trích lời nhà cải cách Phan Chu Trinh, mà ông Hồ Chí Minh từng lặp lại rằng nếu có độc lập mà dân không có hạnh phúc thì độc lập đó không có nghĩa gì.

Mỹ thông qua hai dự luật về tự do tôn giáo

Đó là hai dự luật HR 624 và HR 1150 về trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực nhân quyền và bảo vệ tự do tôn giáo.
HR 624 được thông qua hôm 8/12, còn HR 1150 được thông qua hôm 13/12/2016.
Việc thông qua các dự luật đánh dấu việc tăng mức độ ưu tiên quan tâm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo toàn cầu.
Dự luật HR 624, tên chính thức là Global Magnitsky Human Rights Accountability Act (Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu mang tên Magnitsky), đã qua lưỡng viện Quốc hội nhưng còn chờ Tổng thống Obama ký thành luật.
Các nhà vận động nói rằng họ hy vọng ông Obama sẽ làm công việc này trước khi ông mãn nhiệm và HR 624 sẽ quy định chế tài cụ thể như hạn chế nhập cảnh Hoa Kỳ với các cá nhân vi phạm nhân quyền và đóng băng tài sản của họ.
Điều này cũng có nghĩa các quan chức và cá nhân nước ngoài, kể cả Việt Nam, bị Hoa Kỳ liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, có thể bị trừng phạt bằng cách này mà không đụng chạm tới cấp quốc gia.
Nước cần quan tâm đặc biệt
Dự luật HR 1150, tên chính thức là Frank R. Wolf International Religious Freedom Act of 2015 (Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế mang tên Frank R. Wolf) trong khi đó yêu cầu Đại sứ lưu động chuyên trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế nay sẽ báo cáo trực tiếp tình hình lên Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, hệ thống phân hạng các quốc gia mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp vào nhóm “Các nước cần quan tâm đặc biệt” (Countries of Particular Concern – CPC) trong lĩnh vực tự do tôn giáo sẽ được điều chỉnh để chia thành nhóm các nước CPC hợp tác với Mỹ trong việc cải thiện tình hình, và các nước CPC không làm vậy.
Dự luật cũng nêu lên việc thiết lập “Danh sách cần theo dõi đặc biệt” đối với các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo, và xác định rõ rằng việc một quốc gia có hay không nằm trong danh sách này trong một năm bất kỳ “không loại trừ việc nước đó được đưa vào CPC trong cùng năm đó”.
Việt Nam từng nằm trong danh sách CPC trong nhiều năm. Tuy nhiên đến 11/2006, trước khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách cho đến nay.
Tuy nhiên, đến 2016, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ trong bản phúc trình thường niên đánh giá rằng chính quyền Hà Nội “vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước”, đồng thời nhắc tới việc Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 100 tù nhân chính trị, trong đó nhiều người bị giam giữ vì lý do tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo.

Vì sao chuyến bay VN 1344 hạ cánh hụt ở Cam Ranh?

Sáng ngày 13/12, chuyến bay VN1344 của Vietnam Airlines (VNA) từ Tân Sơn Nhất đi Cam Ranh đã hạ cánh không thành hai lần và phải bay trên bầu trời 30 phút trước khi quay về Tân Sơn Nhất.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thường, trưởng đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khẳng định nguyên nhân chuyến bay này không đáp xuống sân bay Cam Ranh là do thời tiết quá xấu và một phần lỗi do tổ bay của Vietnam Airlines.
“Tổ bay chưa qua huấn luyện và đơn vị khai thác chưa đăng ký tổ bay này với Cục hàng không về việc hạ cánh trong thời tiết xấu. Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay và hành khách, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã không cho máy bay này hạ cánh trong thời tiết xấu, dày đặc sương mù” – báo này trích lời ông Lê Văn Thường, trưởng đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung.”
Trả lời BBC Tiếng Việt qua email, đại diện của Vietnam Airlines khẳng định “chuyến bay và tổ bay đủ tiêu chuẩn khai thác theo quy định của nhà chức trách, là những phi công có kinh nghiệm và đã được huấn luyện đúng quy trình với các bài bay phức tạp hay trong điều kiện thời tiết bất thường.”
“Theo đánh giá của nhà chức trách, tổ bay đã thực hiện quy trình bay hoàn toàn bình thường, chính xác và không vi phạm”.
Huấn luyện phi công và tổ bay
Đường băng của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có hai đầu cất hạ cánh (CHC) là 02 và 20. Đầu đường CHC 20 có địa hình bằng phẳng và thường được sử dụng trong điều kiện thời tiết tốt.
Đầu 02 được sử dụng trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, đầu đường này có địa hình phức tạp có núi cao gần sân bay với độ cao lên đến 1.000m.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, nói tổ lái có thể dùng một trong hai phương thức hạ cánh sử dụng thiết bị (VOR/DME hoặc ILS). Cả hai phương pháp đều yêu cầu tổ lái phải được huấn luyện theo chương trình riêng và phải được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam trước khi thực hiện.
Do tầm nhìn giảm xuống dưới 4.500m, tổ lái không thực hiện được hai lần hạ cánh theo phương thức VOR/DME. Tổ bay của VNA có chứng chỉ ILS để hạ cánh bằng ILS ở tất cả các sân bay trừ sân bay Cam Ranh nên buộc phải bay về Tân Sơn Nhất.
Báo này cũng dẫn lời ông Thanh cho biết về mặt pháp luật, không bắt buộc các tổ bay đến Cam Ranh phải có chứng chỉ ILS đầu 02 tại đây. Không thể bắt buộc mọi máy bay đến Cam Ranh đều có chứng chỉ ILS tại đầu 02 được vì sân bay này có thể hạ cánh bằng phương thức VOR/DME hoặc ILS ở đầu 20 và hạ cánh bằng mắt ở đầu 02 khi tầm nhìn tốt.
Ông Trần Ngọc Trọng, cựu phi công trưởng ở Mỹ, cho BBC hay các phi công khi được cấp phép bay đều phải được huấn luyện bay trong điều kiện thời tiết xấu và kiểm tra trình độ sáu tháng một lần.
Khi gặp điều kiện thời tiết xấu, phi công sẽ xét điều kiện tối thiểu để có khả năng hạ cánh. Nếu thiếu điều kiện để đáp an toàn, họ có quyền quyết định quay trở lại một phi trường gần đó.
Đại diện của Vietnam Airlines cho BBC Tiếng Việt biết hai phi công trên chuyến bay này là người nước ngoài, trở thành phi công của VNA từ năm 2010.
“Hai phi công đều đã được huấn luyện, đào tạo theo phương thức bay đặc biệt (yêu cầu bổ sung đối với người lái) trên mô hình giả định (Simulator – SIM), trong đó lái phụ đã được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam, cơ trưởng đã hoàn thành và đang chờ phê chuẩn phương thức bay đặc biệt này,” Vietnam Airlines nói.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.