Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/12/2016

Tuesday, December 13, 2016 7:25:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 13/12/2016

Bà Cấn Thị Thêu bị chuyển trại

Bà Cấn Thị Thêu, nữ tù nhân lương tâm được biết đến về sự kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông- Hà Nội và lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội, sau khi bị tòa phúc phẩm giữ nguyên mức án 20 tháng tù vừa bị chuyển đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên.
Con trai bà Cấn Thị Thêu hôm nay cho Đài Á Châu Tự Do biết về tin này như sau:
Hôm 11 tháng 12, sau khi đáp xuống sân bay Pleiku thì mẹ tôi có điện về và thông báo rằng trại giam Hỏa Lò và an ninh đã áp giải mẹ tôi đến sân bay Pleiku và tiếp tục chuyển đến trại giam Gia Trung ở Gia Lai cách Pleiku 50 cây số.
Việc chuyển trại xa như thế này gia đình tôi rất vất vả. Hiện tại tôi vừa đáp xuống sân bay Pleiku và đang tìm chỗ nào đấy để nghỉ qua đêm ở đây để sáng mai lại bắt xe đò đến trại giam khoảng 50 cây số. Tôi được biết có một vài anh chị cô bác ở Sài Gòn sáng mai cũng sẽ đến trại giam động viên gia đình và mẹ tôi mặc dù mọi người đều biết là chỉ có mình tôi duy nhất được phép vào thăm mẹ tôi mà thôi.
Cuối tháng 11 vừa qua, tòa phúc thẩm Hà Nội y án mức 20 tháng tù mà tòa sơ thẩm tuyên cho bà Cấn Thị Thêu hồi tháng 9 với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.
Bà bị bắt lại vào tháng 6 năm nay. Trước đó bà từng bị bắt trong vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội vào tháng tư năm 2014, sau đó bị tuyên án 15 tháng tù với cáo buộc’ chống người thi hành công vụ’.

Sẽ có nhiều quan chức bị cáo buộc tham nhũng chạy thoát?

Việt Hà, phóng viên RFA
Sau vụ án Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người bị cáo buộc tội làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, chạy trốn khỏi Việt Nam từ nhiều tháng nay bất chấp lệnh truy nã quốc tế được Bộ Công An đưa ra, đã có thêm những quan chức khác có liên quan đến những cáo buộc tham nhũng tiếp tục chạy trốn ra nước ngoài. Có nhận định cho rằng sẽ còn nhiều quan chức khác tiếp tục chạy trốn và lý do một phần là ở quyết tâm chống tham nhũng của đảng không mạnh mẽ và những cơ chế, quy định sai pháp luật.
Trong khoảng ba tháng qua đã có ít nhất ba đảng viên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong đảng hoặc tổng công ty nhà nước chạy thoát ra nước ngoài bất chấp quá trình điều tra các cáo buộc tham nhũng đang được công an tiến hành. Những diến biến mới này đã làm dấy lên những lo ngại cho rằng sẽ có khả năng nhiều quan chức khác cũng sẽ chạy trốn trước khi có thể bị bắt để truy tố.
Nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nhận định:
Theo tôi trong thời gian tới sẽ còn nhiều người bỏ trốn nữa vì theo tin mới nhất thì trong tập đoàn dầu khí Việt Nam, những nhân vật cộm cán và nằm trong danh sách bị điều tra bởi công an lên đến 192 người. Như vậy là có ba người bị bắt, còn lại là 189 người. Vấn đề còn lại là ông Trọng phải xem là con số 189 người đó có bị hao hụt đi hay không và muốn không hao hụt thì ông phải làm cái gì?
Nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước thì chuyện nó tham nhũng là hiển nhiên. Giờ ông lại bảo phải đánh bọn đó thì hiển nhiên là nó chạy.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Liên quan đến tập đoàn dầu khí Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, cơ quan công an đã bắt giữ ba cựu quan chức thuộc tập đoàn này bao gồm cựu chủ tịch tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn, Trần Đức Chính, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty điện lực dầu khí Việt Nam, và ông Trần Đức Minh, nguyên Giám đốc công ty cổ phần bọc ống dầu khi Việt Nam.
Ba quan chức bỏ trốn ra nước ngoài với lý do chữa bệnh hoặc đi học trong khi cơ quan điều tra bộ Công an đang tiến hành điều tra bao gồm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu giang, người đã từng có thời làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam. Hai người còn lại là các ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí, Lê Chung Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty điện lực dầu khí Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn từ tháng 9 khi công an Việt Nam có lệnh bắt giam và truy tố ông này. Ngay sau khi phát hiện ông Thanh đã không còn ở trong nước, giới chức công an Việt Nam cho báo chí biết là đã có lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này. Tuy nhiên đến giờ, cơ quan công an vẫn chưa có được thông tin về nơi lẩn trốn của ông Thanh trong khi ông Thanh vẫn tiếp tục gửi ra các hình ảnh và thông tin trên mạng cho thấy ông vẫn khỏe mạnh bình thường ở nước ngoài.
Không muốn làm chuột trong bình
Theo nhà báo Phạm Chí  Dũng, những người bỏ trốn thành công đã trở thành những tiền lệ khiến những quan chức khác nằm trong diện bị điều tra sẽ tiếp tục chạy trốn:
Những nhân vật đã có tài sản ở miền đất hứa nào đó thì họ không muốn một chút nào là những con chuột bị nhốt trong vào bình của ông Nguyễn Phú Trọng. Thành thử họ phải tìm cách ra đi. Tôi nghĩ là họ ra đi giờ còn thuận lợi cho họ hơn trước đây vì có một lực lượng nào đó ngầm ẩn hậu thuẫn cho họ và rõ ràng trong suốt thời gian từ tháng 9 đến giờ, từ khi Trịnh Xuân Thanh ra đi mà ông Trọng không làm thế nào để lôi Trịnh Xuân Thanh về được. Đó cũng là bài học cho những nhân vật đang nằm trong tầm ngắm của công an.
Kể từ khi ông Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, giới chức Bộ Công An và cả Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần trấn an dân chúng rằng không sớm thì muộn ông Thanh cũng sẽ bị bắt vì đã có lệnh truy nã quốc tế.
Tuy nhiên trong khi ông Thanh chưa bị bắt thì chỉ trong vòng khoảng 1 tháng qua đã có hai quan chức khác của Tập đoàn dầu khí cũng viện cớ xin ra nước ngoài chữa bệnh và ở lại luôn là ông Vũ Đình Duy và ông Lê Chung Dũng. Hai ông này đều bị nhận những cáo buộc tương tự như ông Thanh là đã cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư. Ông Thanh bị cáo buộc là đã gây thất thoát đến khoảng ba,000 tỷ đồng từ thời ông còn làm ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu phát triển đã giải thể và là thành viên của diễn đàn dân sự Việt Nam nhận định trách nhiệm chính phải thuộc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Tôi nghĩ là ông Trọng lẽ ra phải tự trách ông. Ông là nguyên nhân của mọi nguyên nhân của những bọn tham nhũng như vậy mà nó phải chạy trốn ra nước ngoài. Ông là một người khăng khăng nhất ở trong đảng cộng sản Việt Nam nhất trong suốt mười mấy năm qua về chuyện phải giữ khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Mà giữ vai trò chủ đạo thì hiển nhiên ông phải nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước. Nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước thì chuyện nó tham nhũng là hiển nhiên. Giờ ông lại bảo phải đánh bọn đó thì hiển nhiên là nó chạy.
Chỉ thị 15 giúp đảng viên chạy trốn?
Kể từ sau tin ông Lê Chung Dũng bỏ trốn được báo chí loan rộng rãi vào hồi đầu tháng này, đã có những luồng ý kiến cho rằng những nhân vật chạy trốn, vốn là các đảng viên cộng sản đã thoát nhờ chỉ thị 15 của Bộ Chính trị. Đây là chỉ thị liên quan đến sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.
Trong hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 diễn ra vào tháng ba năm nay, thiếu tướng công an Phan Anh Minh, PHó giám đốc Sở công an thành phố Hồ Chí Minh nói rằng lý do án tham nhũng được phát hiện ít là vì công an phải chấp hành chỉ thị 15. Ông nói ‘hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên’.
Với chỉ thị 15 là thực sự họ ngồi trên pháp luật… Dẫu là ông Trọng hay ông nào vi phạm pháp luật cũng phải bắt, chứ không phải là chỉ mấy ông đảng viên làng nhàng.
 - Nhà báo Phạm Chí Dũng 
Theo chỉ thị 15 được ban hành vào ngày 7 tháng 7 năm 2007 và được ký bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.
Chỉ thị này được cho là để thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì điều này cho thấy Đảng đã ở trên pháp luật:
Với chỉ thị 15 là thực sự họ ngồi trên pháp luật. Tôi nghĩ người dân Việt Nam phải lên tiếng phản đối chỉ thị đó. Dẫu là ông Trọng hay ông nào vi phạm pháp luật cũng phải bắt, chứ không phải là chỉ mấy ông đảng viên làng nhàng.
Nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng, việc công an đổ lỗi cho chỉ thị 15 chẳng qua chỉ là để trốn tránh trách nhiệm:
Nó là chỉ thị của đảng và nó cũng chẳng liên quan gì lắm tới chuyện tư  pháp. Nó có lý do thế này. Tôi có cảm giác là một số cơ quan tư pháp, bên công an họ không muốn làm thành thử họ đẩy cho chỉ thị 15 mà thôi. Thực ra trước đây người dân cũng chẳng biết chỉ thị 15 là gì và chỉ từ khoảng tháng ba vừa qua thì người dân mới biết là có chỉ thị và nó ràng buộc phần nào đó tới các cơ quan đảng trong việc điều tra.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì cơ quan công an vẫn có thể cấm một số nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ra nước ngoài vì lý do an ninh hết sức mù mờ thì cũng có thể ngăn cản những quan chức tham nhũng trốn đi nước ngoài với lý do tương tự.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, chỉ thị 15 giúp bảo vệ bộ mặt của đảng cộng sản cho nên việc bắt giữ nhiều đảng viên tham nhũng sẽ làm hỏng hình ảnh của đảng.

EU bày tỏ quan ngại về nhân quyền Việt Nam

Liên hiệp châu Âu tuần qua đã nêu tên một loạt các trường hợp đang bị cầm tù vì bất đồng chính kiến tại Việt Nam nhân cuộc Đối thoại Nhân quyền lần thứ 6 giữa Việt Nam và EU.
Phái đoàn EU do ông David Daly, Trưởng phòng Đông Nam Á thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS), dẫn đầu và phái đoàn Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Tổng giám đốc Vụ Các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.
EU cho biết cuộc đối thoại hôm 8/12 tập trung vào các vấn đề như cải cách tư pháp, pháp luật; tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, cũng như các quyền của người lao động; hỗ trợ xã hội dân sự tại Việt Nam, và ngăn chặn việc bắt giữ không đưa ra xét xử.
Nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua bị các nước Tây phương lưu ý sau hàng loạt các bản án dành cho những nhà hoạt động và các nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông Vũ Quốc Dụng, thành viên sáng lập của Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền (VETO) ở Franfurt-Đức, nhận xét: “Tôi nghĩ rằng tình hình nhân quyền trong năm vừa rồi xấu đi, ít nhất khi chúng ta thấy phía chính phủ mới, người ta có hy vọng là được cải thiện nhưng mà ngược lại, trong tất cả các lĩnh vực đều xấu đi.”
Liên hiệp châu Âu đề nghị tiếp tục hỗ trợ, bao gồm việc thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất trong quá trình xem xét lại pháp lý. EU cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về đấu tranh chống buôn bán người.
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, một nhà hoạt động vì nhân quyền cho Việt Nam ở tiểu bang Virginia, nói với VOA Việt ngữ: “Vấn đề nhân quyền không phải chỉ là đấu tranh để có một nền dân chủ, mà nhân quyền có nghĩa là ảnh hưởng tới đời sống của con người từ những việc rất thông thường; ví dụ như bảo hiểm, an sinh xã hội, sức khỏe, môi sinh, công ăn việc làm, học vấn…”
Ngoài ra, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả các tù nhân đều được luật sư, nhân viên y tế và thành viên gia đình thăm viếng, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản nhân quyền quốc tế.
Một số trường hợp cụ thể đã được nêu: Ông Ngô Hào, ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm) và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thủy, ông Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà, ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ nấm), ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Đoàn Huy Chương, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Đặng Xuân Diệu và Hòa thượng Thích Quảng Độ.
EU khẳng định rằng tất cả những người đã bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa phải được thả.
Về vấn đề này, ông Dụng cho biết: “Có rất nhiều blogger, những người bất đồng chính kiến, nhà báo, hoặc bị bắt hoặc bị công an sách nhiễu, và sau đó bị những người, tạm gọi là côn đồ hay là công an, đánh họ thì chính phủ Việt Nam vẫn phải có bổn phận bảo vệ họ. Nếu chính phủ Việt Nam không bảo vệ họ thì chính phủ Việt Nam cũng bị xem như là vi phạm nhân quyền.”
Theo nội dung của thông cáo báo chí, đại diện Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội châu Âu sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào năm sau. Mục đích chuyến đi được nói là nhằm tạo cơ hội đẩy mạnh hợp tác liên nghị viện về nhân quyền nói riêng và nhân quyền Việt Nam nói chung.

Lẩn quẩn chấn chỉnh đảng và cải cách

Kính Hòa, phóng viên RFA
Ngày 9 tháng 12 một lần nữa, ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam lại đề cập đến vấn đề chỉnh đốn đảng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời gian gần đây hầu như không đề cập đến việc cải tổ cơ cấu nền kinh tế.
Chỉnh đốn đảng hay cải cách kinh tế?
Trong một lần trao đổi với chúng tôi về kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội cho rằng khi đề cập đến những vấn đề kinh tế, hội nhập kinh tế toàn cầu thì những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều mong muốn có những cải cách, nhưng khi đề cập đến chính trị thì họ đều là những người bảo thủ.
Trên bình diện kinh tế, thời gian qua Việt Nam chứng kiến sự chậm trễ trong vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường, số nợ xấu tăng cao, cũng như sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra thảm họa môi trường biển Vũng Áng cũng thể hiện sự quản lý yếu kém nền kinh tế.
Trên bình diện chính trị, sau sự kiện quan trọng là đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, Việt Nam lại chứng kiến hàng loạt nghi vấn liên quan đến tham nhũng với liên tục ba cán bộ cao cấp từng làm việc cho tập đoàn dầu khí quốc gia bỏ trốn ra nước ngoài.
Khi đề cập đến những vấn đề kinh tế, hội nhập kinh tế toàn cầu thì những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều mong muốn có những cải cách, nhưng khi đề cập đến chính trị thì họ đều là những người bảo thủ.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Sau hội nghị trung ương đảng lần thứ tư vừa kết thúc vào ngày 14 tháng 10, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước, sống ở Hà Nội nói với chúng tôi rằng ông không thấy nghị quyết của hội nghị này đưa ra vấn đề cải cách cơ chế của nền kinh tế, mặc dầu đó là điều đất nước đang rất cần trong lúc này:
“Trong tình hình hiện nay, Việt Nam rất cần cải cách thể chế, phải giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, phải giảm bớt bộ máy cồng kềnh hết sức trùng lắp này. Đặc biệt là phải giảm các khoản vòi vĩnh, bắt các doanh nghiệp phải trả thêm, thì mới kinh doanh được. Tất cả những điều ấy tôi chưa thấy có một nghị quyết có tính hệ thống và theo các chuẩn mực quốc tế. Tôi chưa thấy.”
Trước khi đại hội lần thứ 12 của đảng cộng sản diễn ra, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương có phân tích với chúng tôi về các khuynh hướng khác nhau trong tầng lớp cai trị Việt Nam hiện nay. Theo ông trong các khuynh hướng đó có một nhóm mà ông gọi là trục lợi, và môi trường chính trị, kinh tế Việt Nam hiện nay đang là môi trường tốt cho nhóm này phát triển:
“Chế độ chính thể của Việt Nam hiện nay vẫn tạo một môi trường rất là phù hợp cho xu hướng trục lợi. Thứ nhất là có một nhà nước tương đối là độc đoán, tương đối là khép kín, mặc khác lại có một nền kinh tế tương đối là thoải mái trong việc làm tiền, có thể dùng tiền để mua chức, và dùng chức để kiếm tiền.”
Trong một lần trao đổi với Nam Nguyên của đài RFA, luật sư Trần Quốc Thuận có nhận định rằng “nếu tình trạng tha hóa tham ô tràn làn không ngăn chặn được, thì Đảng và chế độ sẽ mất niềm tin người dân không ủng hộ nữa. Trong hoàn cảnh như thế thì cơ sở tồn tại của Nhà nước sẽ rất thấp.”
Ý của ông Trần Quốc Thuận muốn nói đến nhà nước do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo hiện nay.
Một nhà bất đồng chính kiến với đảng cộng sản hiện nay là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện đang sống tại Đà Lạt nói với chúng tôi rằng sự lo ngại của đảng cộng sản trước kia chỉ thuần về thay đổi ý thức hệ, nay lại bao gồm cả chuyện mâu thuẫn giữa các phe phái với nhau:
“Bộc lộ sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng về mặt nhân sự, chẳng những về mặt tư tưởng mà con về mặt nhân sự có thể dẫn đến lật đổ nhau, như ở Đại hội Đảng lần thứ 12 và thậm chí như vụ ở Yên Bái và đến vụ Trịnh Xuân Thanh nữa.”
Đảng mạnh hơn sẽ tạo nên kinh tế mạnh hơn?
Có lẽ vì những lý do đó mà trong các văn kiện quan trọng của đảng, hay các lời phát ngôn gần đây của các quan chức cao cấp của đảng đều nói đến việc chấn chỉnh lại đảng cộng sản Việt Nam, thay vì cải cách thể chế kinh tế. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét về nghị quyết của hội nghị trung ương lần thứ tư của đảng do ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng trình bày:
“Tôi không thấy có một ý gì cải cách mạnh mẽ ở đây cả. Điều ông ấy tập trung nói ở đây là chống tham nhũng và tập trung xây dựng đảng. Có lẽ đấy là trọng điểm. Còn tình hình kinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy có dùng chữ nghiêm trọng. Nhưng tôi không thấy có cái điều gì gọi là cải cách một cách mạnh mẽ.”
Chế độ chính thể của Việt Nam hiện nay vẫn tạo một môi trường rất là phù hợp cho xu hướng trục lợi.
-Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm
Với đảng cộng sản là lực lượng duy nhất quản lý xã hội Việt Nam, những người như ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng khi đảng được chỉnh đốn, nó sẽ mạnh lên để lãnh đạo đất nước Việt Nam. Tuy nhiên một nhà quan sát từ nước ngoài là chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống tại Hoa Kỳ cho rằng:
Phải giới hạn lại vai trò của đảng, đó là một cách. Cái thứ hai là mở rộng vai trò của quốc hội, ít ra là quốc hội trong hoàn cảnh hiện tại, giải quyết chuyện đó nó mới giải quyết được vấn đề kinh tế. Bởi vì nếu kinh tế thị trường phát triển lệch lạc, chính là vì hệ thống chính trị, nếu mà không giải quyết hệ thống chính trị, nếu mà không phá vỡ đặc quyền chính trị của một số ở trên cùng thì chúng ta sẽ không có kinh tế thị trường.
Trở lại với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng khi đề cập đến vấn đề chính trị thì nhiều nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay sẽ là những người bảo thủ, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm cũng cho rằng có một khuynh hướng trong tầng lớp lãnh đạo Việt Nam hiện nay mong muốn giữ được những điều liên quan đến ý thức hệ hơn là những ý tưởng cải cách.

‘Hai Đảng CS dẫn dắt quan hệ phát triển tốt đẹp’

Thăm Bắc Kinh, ông Phạm Minh Chính nói Đảng Cộng sản Việt Nam “sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt quan hệ Việt – Trung phát triển tốt đẹp hơn”, theo đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI).
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn đón tiếp, theo Tân Hoa Xã hôm 12/12/2016.
Bản tin tiếng Việt của hãng thông tấn này, phát đi trên kênh CRI gọi ông Phạm Minh Chính là “đồng chí”.
Vẫn nguồn tin này trích lời ông Lưu Vân Sơn cho biết, “hai nước Trung – Việt là láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đi sâu thực hiện nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nắm chắc định hướng đúng đắn trong phát triển quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước, sâu sắc hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài.”
‘Bốn toàn diện’
Vẫn Tân Hoa Xã bản tiếng Việt trích lời ông ông Phạm Minh Chính nói:
“Việt Nam đánh giá cao những thành tựu thu được trong điều phối thúc đẩy bố cục chiến lược “Bốn toàn diện” của Trung Quốc cũng như những đóng góp nổi bật của Trung Quốc cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc sâu sắc toàn diện quan hệ giữa hai Đảng, cùng dẫn dắt quan hệ Việt – Trung phát triển tốt đẹp hơn.”
hai nước Trung – Việt là láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lượcÔng Lưu Vân Sơn
Theo thông tin chính thức từ các báo Việt Nam, ông Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng khóa 12.
Ông sinh năm 1958 tại xã Hoa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, từng là lưu học sinh tại Romania, có bằng kỹ sư ngành xây dựng và sau là phó giáo sư, tiến sĩ luật.
“Ông từng công tác tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ, có nhiệm kỳ làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Romania,” theo VietnamNet.
Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010, hàm trung tướng và có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (8/2011).
Vào tháng 4/2015, ông về làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi làm ủy viên BCH TƯ khóa 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, theo các báo Việt Nam.

Vụ nổ ở Đắk Lắk gây thương vong

Truyền thông trong nước đưa tin sáng thứ Ba, ngày 13/12, UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ nổ lớn tại trụ sở công an tỉnh này vào đêm thứ Hai 12/12.
Các báo nói Thượng tá Bùi Trọng Tuấn – Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn công an tỉnh Đắk Lắk đã có thông tin chính thức về vụ nổ làm 3 người tử vong, 3 người bị thương, trong đó một nạn nhân đang nguy kịch.
Theo thượng tá Tuấn, vụ nổ xảy ra khoảng 20h50 ngày 12/12 tại kho lưu trữ vật chứng của Phòng an ninh điều tra công an tỉnh Đăk Lăk (số 53 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột)
Các nạn nhân tử vong là: Phan Thế Trung (SN 1986, công tác tại phòng Kỹ Thuật hình sự); Ngô Quang Cường (SN 1984, phòng Cảnh sát môi trường); Y Quyết BKrông (SN 1987, phòng Cảnh sát môi trường).
3 nạn nhân bị thương gồm: Y An Drê Bkrông (SN 1987, công tác tại phòng kỹ thuật hình sự); Lê Quang Vũ (SN 1991) và Đặng Kỳ Hưng (SN 1980, cùng công tác tại phòng Cảnh sát môi trường).
Một số phòng làm việc, nhà dân khu vực lân cận bị hư hỏng nặng.
Ông Tuấn cho biết, đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn, không có dấu hiệu của khủng bố phá hoại.
Tại buổi họp báo, bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk cho biết, vào lúc 21h30, bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân Cường và Trung nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đa vết thương, xác định đã chết ngoài viện.
Bệnh nhân Lê Quang Vũ nhập viện lúc 21h10 trong tình trạng đa chấn thương, tụ máu ngoài màng cứng. Sáng nay, tình trạng bệnh nhân Vũ trở nặng nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk đã chuyển về TP.HCM để được điều trị kịp thời. Hai bệnh nhân còn lại đang được cấp cứu tại bệnh viện, sức khỏe đã dần ổn định.
Theo VNExpress, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đăk Lăk Bùi Hồng Quý cho biết, sau khi vụ nổ xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh báo cáo sự việc, khẩn trương cứu hộ cứu nạn và điều tra nguyên nhân.
Nhiều phóng viên các báo đặt câu hỏi về nguyên nhân vụ nổ, tuy nhiên đại diện UBND tỉnh Đăk Lăk và Công an tỉnh không có bình luận gì.
BBC hiện chưa liên lạc được với Ủy ban Nhân dân Đăk Lăk để xác minh nguồn tin.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.