Tin khắp nơi – 28/12/2016
Ông Trump bổ nhiệm thêm hai người nữa
vào những chức vụ quan trọng
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Ba bổ nhiệm một người dày dạn kinh nghiệm từ thời Tổng thống George W. Bush vào nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông và một người từ Tổ chức Trump để thương thuyết những thoả thuận quốc tế.
Thomas Bossert sẽ trở thành trợ lý tổng thống đặc trách an ninh nội địa và chống khủng bố. Một thông cáo từ nhóm chuyển tiếp của ông Trump cho biết ông Bossert sẽ cố vấn cho tổng thống về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chống khủng bố và an ninh mạng, và điều phối quá trình của Nội các soạn thảo và thi hành chính sách trong những lĩnh vực này.
Vị trí này “đang được nâng tầm và được khôi phục trở lại tư cách độc lập của nó bên cạnh cố vấn an ninh quốc gia,” thông cáo nói. Những nhà hoạch định chính sách từ lâu đã tranh luận về việc liệu những chức vụ an ninh quốc gia như vậy có nên hoạt động độc lập với Tòa Bạch Ốc hay không.
Ông Bossert sẽ làm việc chặt chẽ với người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng hồi hưu Michael Flynn. Ông Bossert hiện là chủ tịch công ty tư vấn quản lý rủi ro CDS. Trước đây ông từng làm phó trợ lý tổng thống về an ninh quốc gia dưới thời ông Bush.
Tổng thống đắc cử cũng bổ nhiệm một trong những cố vấn chính của ông về quan hệ Mỹ-Israel làm đại diện đặc biệt cho những cuộc đàm phán quốc tế. Jason Greenblatt từng làm việc cho Tổ chức Trump suốt hơn hai thập niên qua và hiện là phó chủ tịch điều hành và giám đốc pháp lý.
Trong thông cáo này, ông Trump nói ông Greenblatt “có bề dày thành tích thương lượng những giao dịch đáng kể, phức tạp thay mặt tôi,” và có chuyên môn trong việc “đưa các bên lại với nhau và xây dựng sự đồng thuận ở những chủ đề khó và nhạy cảm.”
Ông Trump gần đây đã bổ nhiệm một cố vấn khác của ông về Israel, David Friedman, làm đại sứ Mỹ ở Israel.
Cánh Tây Tòa Bạch Ốc của ông Trump đang dần hình thành nhiều trung tâm quyền lực. Chánh văn phòng Reince Priebus và cố vấn cao cấp Steve Bannon sẽ làm việc như “những đối tác bình đẳng,” theo lời ông Trump, và cố vấn Kellyanne Conway dự kiến cũng sẽ có quyền tự chủ. Con rể có nhiều ảnh hưởng của ông Trump, Jared Kushner, cũng sẽ có một đường dây liên lạc trực tiếp với tổng thống.
Ông Trump lâu nay vẫn khơi lên sự ganh đua giữa nhân viên của ông trong lĩnh vực kinh doanh và trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhưng làm như vậy trong Tòa Bạch Ốc có thể gieo rắc sự khó hiểu và làm chậm quá trình đưa ra quyết định.
Tổng thống đắc cử đang dành những ngày nghỉ lễ tại khu nghỉ dưỡng của ông ở bang Florida, nơi ông vẫn đều đặn tổ chức những cuộc họp với những nhân viên cao cấp, cố vấn và giám đốc điều hành công việc kinh doanh của mình. Một số chức vụ chủ chốt trong chính phủ của ông vẫn còn bỏ trống; nhóm chuyển tiếp của ông nói ông sẽ trám đầy những vị trí này trong những ngày tới.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ phác hoạ viễn kiến
cho thoả thuận Israel-Palestine
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry sẽ phác hoạ một “bức tranh toàn diện” về tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine trong một bài diễn văn đọc tại Bộ Ngoại giao ở Washington trong ngày hôm nay, thứ Tư 28/12.
Ngoại trưởng Kerry đọc bài diễn văn giữa lúc các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel đang ở mức thấp nhất sau quyết định của chính phủ Tổng thống Obama hôm thứ Sáu, bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, lên án việc phát triển các khu định cư Do Thái trên vùng Bờ Tây và tại Đông Jerusalem.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói với các phóng viên hôm thứ Ba:
“Chúng tôi không từ bỏ nỗ lực hoà bình, và chúng tôi tin rằng cả Israel và Palestine cũng không nên bỏ cuộc.”
“Chúng tôi không từ bỏ nỗ lực hoà bình, và chúng tôi tin rằng cả Israel và Palestine cũng không nên bỏ cuộc.”
Ông Toner bác bỏ lời cáo buộc của Israel cho rằng chính phủ của Tổng thống Obama đã hối thúc nghị quyết lên án Israel, phá vỡ với một chính sách ngoại giao từ lâu vẫn bao che Israel. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn phản đối các khu định cư Do thái, nhưng Washington vẫn thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để bảo vệ đồng minh Israel.
Ông Toner phản bác lời tố cáo của Israel cho rằng Mỹ đóng một vai trò trong việc đẩy mạnh nghị quyết chống Israel, ông nói lời tố cáo đó là “không chính xác.” Ông Toner lặp đi lặp lại rằng Ai Cập và Palestine đã soạn nghị quyết và phía Mỹ chỉ làm việc với họ để chọn ngôn từ sử dụng, sau khi đã rõ ràng là hai bên nhất quyết tiến hành ý định bất chấp hệ quả.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn có quan hệ lạnh nhạt với Tổng thống Barack Obama, miêu tả nghị quyết của Hội đồng Bảo an là “đáng xấu hổ” và cáo buộc Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong việc thông qua nghị quyết này.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình 2 của Israel, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes phát biểu:
“Ngoại trưởng Kerry sẽ đọc một bài diễn văn, trong đó ông đưa ra một cái nhìn toàn diện về cách thức mà theo chúng tôi, có thể giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông – bài diễn văn sẽ đề cập tới những gì chúng tôi nhận xét được về tình hình năm 2016, thật vô cùng đáng tiếc là chúng tôi sẽ kết thúc nhiệm kỳ mà không đạt được tiến bộ đáng kể tiến tới hòa bình.”
Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật
cùng nhau tưởng niệm tại Trân Châu Cảng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ “lời chia buồn chân thành và vĩnh cửu” tới những gia đình của hơn 2.400 người Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, Hawaii 75 năm trước trong Thế chiến thứ hai.
“Chúng ta không bao giờ được lặp lại những kinh hoàng của chiến tranh,” ông Abe phát biểu khi ông tưởng niệm “những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm” thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 khiến Mỹ tham chiến.
Ông đứng bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một buổi lễ tại Căn cứ Hỗn hợp Trân Châu Cảng-Hickam ở Honolulu. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm USS Arizona ở Trân Châu Cảng. Họ nhắm mắt và đứng thinh lặng vài phút sau khi rải những cánh hoa xuống nước gần chiến hạm bị đánh chìm. Thân tàu rỉ sét vẫn có thể được nhìn thấy ngay dưới mặt nước.
Trong phát biểu của mình tại căn cứ, ông Obama gọi liên minh Mỹ-Nhật Bản là nền tảng của hòa bình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và là lực đẩy cho sự tiến bộ khắp thế giới. Ông nói sự hiện diện của ông Abe tại Trân Châu Cảng là một lời nhắc nhở về những gì có thể xảy ra giữa những quốc gia và những dân tộc, nói thêm rằng nó cho thấy chiến tranh có thể kết thúc và kẻ thù có thể trở thành đồng minh.
Ông Abe là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm khu tưởng niệm này. Ông cũng là nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên đến thăm Trân Châu Cảng cùng với một tổng thống Mỹ.
Nhân viên của Thủ tướng đã nói rõ rằng mục đích chuyến đi của ông Abe không phải là để tạ lỗi về vụ tấn công. Thay vào đó, họ nói ông Abe muốn cho thấy mối quan hệ Hoa Kỳ-Nhật Bản đã phát triển ra sao kể từ khi đó.
Thủ tướng Nhật Bản cuối cùng đến Trân Châu Cảng là Shigeru Yoshida trong một chuyến dừng chân ngắn ngủi vào năm 1951. Đó là trước khi khu tưởng niệm USS Arizona được xây dựng để vinh danh những người thiệt mạng trên chiến hạm này trong cuộc tấn công của Nhật Bản. Khu tưởng niệm này chỉ có thể tiếp cận được bằng tàu thuyền.
Vào tháng 5, Tổng thống Obama trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm thành phố Hiroshima của Nhật Bản, nơi mà vào năm 1945 lực lượng Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, giết chết khoảng 140.000 người. Ông Obama đọc một bài diễn văn không phải là lời tạ lỗi mà thay vào đó tôn vinh những người chết và ghi nhận di sản của điều mà ông gọi là “vũ lực khủng khiếp bạo phát từ quá khứ không quá xa xôi.”
“Chúng ta có trách nhiệm chung là nhìn thẳng vào mắt của lịch sử và hỏi rằng chúng ta phải làm gì khác đi để ngăn nỗi đau khổ này tái diễn,” ông Obama nói.
Tổng thống nói thêm: “Và có lẽ, trên hết, chúng ta phải hình dung lại sự kết nối của chúng ta với nhau như những thành viên của nhân loại.”
Ở Estonia, ông McCain nhấn mạnh
sự cần thiết của NATO nhằm răn đe Nga
Một thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ nói với những nhà lãnh đạo của các nước vùng Baltic rằng họ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ tiếp tục của Mỹ từ chính quyền sắp tới của ông Donald Trump trong trường hợp xảy ra bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga.
Thượng nghị sĩ John McCain, một thành viên trong Đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Trump, cũng phát biểu ở thủ đô Tallinn của Estonia rằng ông không nhìn thấy trước bất kỳ sự nới lỏng chế tài nào đối với Nga sau khi nước này sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
“Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của binh lính Mỹ ở Estonia nói lên rằng chúng ta tin vào những gì mà Tổng thống Ronald Reagan tin tưởng, và đó là hòa bình thông qua sức mạnh,” Thượng nghị sĩ bang Arizona nói. Ông đang đi thăm ba nước Baltic trong tuần này cùng với Thượng nghị sĩ đồng đảng Lindsey Graham.
“Và cách tốt nhất để ngăn chặn hành vi sai trái của Nga là có một quân đội đáng tin cậy, hùng mạnh và một liên minh NATO hùng mạnh mà Estonia là một phần rất quan trọng trong đó,” ông McCain nói. NATO trong năm nay đã loan báo kế hoạch triển khai một lực lượng răn đe 4.000 binh sĩ ở vùng Baltic và Đông Âu.
Các nhà lãnh đạo của Estonia, Lithuania và Latvia – tất cả đều từng là những nước cộng hòa thuộc Liên bang Soviet cũ và đã gia nhập NATO – đang lo lắng về việc Nga chiếm cứ những vùng biên giới ở Ukraine và Gruzia cũng như việc Moscow tăng cường quân sự gần biên giới của họ ở vùng đất Kaliningrad của Nga nằm lọt thỏm giữa những nước này.
Ông Trump càng làm tăng cảm giác bất an khi ông đề nghị trong chiến dịch vận động tranh cử rằng những cam kết của Mỹ với các nước đồng minh NATO có thể tùy thuộc vào việc các nước thành viên chi bao nhiêu tiền cho quốc phòng của họ.
Ông Zygimantas Pavilionis, cựu đại sứ của Lithuania ở Mỹ, nói với hãng tin Reuters rằng những nhà lãnh đạo Baltic đang lo lắng về những phát biểu công khai tích cực của ông Trump về Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Có sự lo sợ rằng… những chế tài nhắm vào Nga sẽ giảm đi hoặc bị bãi bỏ, và không được tăng cường như Quốc hội mong muốn,” ông nói.
Ông McCain, người đã kêu gọi chế tài nghiêm khắc hơn để đáp lại những hành động bị nghi là của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay, nói ông không hay biết về bất kỳ kế hoạch nào nhằm giảm bớt những chế tài này. “Đó chắc chắn không phải là điều mà tôi biết hiện thời,” ông nói.
Hai ông McCain và Graham theo lịch trình sẽ có mặt ở Latvia vào ngày thứ Tư và Lithuania vào ngày thứ Năm.
Tổng chưởng lý NY: Ông Trump
không thể giải thể quỹ từ thiện đang bị điều tra
Ông Donald Trump không thể xúc tiến kế hoạch giải thể quỹ từ thiện của mình bởi vì các công tố viên cấp bang còn đang điều tra xem liệu Tổng thống đắc cử có đích thân hưởng lợi từ chi tiêu của tổ chức này hay không, văn phòng tổng chưởng lý bang New York cho biết hôm thứ Ba.
“Quỹ Trump vẫn đang bị văn phòng này điều tra và không thể giải thể một cách hợp pháp cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất,” bà Amy Spitalnick, phát ngôn viên của Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman, nói.
Phát biểu này được đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố ông muốn giải thể Quỹ Donald J. Trump. Nhóm chuyển giao quyền hành tổng thống của ông nói rằng đây là một phần trong nỗ lực nhằm triệt tiêu bất kỳ mâu thuẫn lợi ích nào trước khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Nhưng hoạt động bên trong của quỹ này vẫn là mục tiêu điều tra của ông Schneiderman từ nhiều tháng qua và có thể vẫn là một vấn đề gai góc cho chính quyền sắp tới của ông Trump. Những người theo Đảng Dân chủ khắp cả nước đã nói rằng họ sẵn sàng nêu lên bất kỳ vấn đề pháp lý hay đạo đức nào từ “đế chế” kinh doanh toàn cầu của ông Trump trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tổ chức từ thiện của ông Trump đã thừa nhận họ đã vi phạm những quy định của Sở Thuế vụ cấm sử dụng tiền hoặc tài sản của họ để làm lợi cho ông Trump, gia đình ông, những công ty của ông hoặc những người đóng góp đáng kể cho quỹ này.
Thừa nhận của Quỹ Donald J. Trump được đưa ra trong hồ sơ khai thuế năm 2015 được công bố sau cuộc bầu cử tổng thống. Hồ sơ tiết lộ rằng ông Trump đã sử dụng tổ chức từ thiện này để dàn xếp những vụ kiện tụng, đóng góp 25.000 đôla cho mục đích chính trị và mua những vật phẩm, chẳng hạn như một bức chân dung của ông, được trưng bày tại một trong những bất động sản của ông.
Hồ sơ thuế năm 2015 được đăng trên website giám sát phi lợi nhuận GuideStar vào ngày 18 tháng 11 bởi một người nào đó sử dụng một địa chỉ email từ công ty luật của quỹ này, Morgan, Lewis & Bockius, theo lời phát ngôn viên GuideStar Jackie Enterline Fekeci.
Trong hồ sơ thuế, quỹ này thừa nhận rằng họ đã sử dụng tiền hoặc tài sản vi phạm những quy định không chỉ trong năm 2015 mà còn trong những năm trước. Nhưng hồ sơ thuế không cung cấp chi tiết về những hành vi vi phạm.
Ông Schneiderman, theo Đảng Dân chủ, mở cuộc điều tra nhắm vào tổ chức từ thiện này sau khi những bài báo của tờ The Washington Post thu hút sự chú ý đến một số vụ mua sắm của quỹ này.
Ông Trump viết trên Twitter vào cuối ngày thứ Hai rằng quỹ của ông được điều hành đàng hoàng.
“Quỹ DJT, không giống như hầu hết quỹ khác, không bao giờ trả lệ phí, tiền thuê nhà, tiền lương hoặc bất kỳ chi phí nào,” Tổng thống đắc cử viết. “100% số tiền được tặng cho những tổ chức từ thiện tuyệt vời.”
Nga: Mỹ vũ trang cho quân nổi dậy Syria
là một ‘hành động thù địch’
Hôm thứ Ba, Nga nói quyết định của Hoa Kỳ gỡ bỏ một số hạn chế về vũ trang cho quân nổi dậy Syria đã mở đường cho việc chuyển giao các hỏa tiễn phòng không vác vai, một động thái mà Nga nói sẽ trực tiếp đe dọa các lực lượng Nga ở Syria.
Hồi năm ngoái, Moscow đã phát động một chiến dịch không kích ở Syria để giúp cho Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng chính phủ trong cuộc xung đột với quân nổi dậy, trong đó có một số nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói sự thay đổi chính sách trong việc nới lỏng một số hạn chế về việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy đã được đặt ra trong dự luật chi tiêu quốc phòng mới của Hoa Kỳ và Moscow xem đây là một hành động thù địch.
Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký thành luật dự luật chính sách quốc phòng hàng năm của Mỹ.
Trong một tuyên bố, bà Zakharova nói: “Chính quyền của ông Obama phải hiểu rằng bất kỳ vũ khí nào được bàn giao sẽ nhanh chóng rơi vào tay của các phần tử thánh chiến.”
Trong chiến dịch tranh cử của ông, ông Trump cho biết ông sẽ cố gắng cải thiện mối quan hệ với Moscow và phát biểu tích cực về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin.
Những lời qua tiếng lại giữa ông Trump và ông Putin về vấn đề vũ khí hạt nhân hồi tuần trước đã thách thức lời hứa của ông Trump trong việc cải thiện các quan hệ với Nga.
Chính quyền của Tổng thống Obama và tình báo Mỹ đã cáo buộc Nga là tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ qua các cuộc tấn công vào các trang web của Đảng Dân chủ.
Bắc Triều Tiên có thể tăng cường
các hoạt động hạt nhân trong năm tới
Một quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên mới đây đã đào tị sang Hàn Quốc nói rằng năm tới sẽ là năm thuận lợi nhất đối với Bắc Triều Tiên để thúc đẩy chương trình hạt nhân vì thay đổi lãnh đạo tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Ông Thae Yong-ho, từng là nhà ngoại giao cao cấp thứ hai của Bắc Triều Tiên tại London, nói rằng “trong bối cảnh Hàn Quốc tổ chức bầu cử tổng thống và Hoa Kỳ chuyển tiếp sang một chính phủ mới, Bắc Triều Tiên tin rằng năm 2017 sẽ là thời điểm tốt nhất để phát triển hạt nhân.”
Ông Thae đào tị sang Hàn Quốc hồi tháng 8 năm nay, ông là quan chức cấp cao nhất của Bắc Triều Tiên đã đào tị trong gần 20 năm qua.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba với các nhà báo Hàn Quốc, ông Thae nói ông không biết về tình hình của chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng ông tin rằng Trung Quốc sẽ không quá nghiêm khắc với Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, vì nếu Bắc Triều Tiên tan rã thì một nước Triều Tiên hợp nhất sẽ thân với Mỹ.
Ông Thae nói nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jung Un không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân, dù cho có đánh đổi được một khoản tiền lớn. Nhà ngoại giao lưu vong nói ông Kim đang xúc tiến chương trình phát triển hạt nhân với ý định sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân trước cuối năm tới.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân trong năm nay và đã bắn hơn 20 phi đạn đạn đạo. Bắc Triều Tiên còn công khai tuyên bố sẽ phát triển khả năng để có thể thực hiện một cuộc tấn công dùng vũ khí hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ.
Ông Donald Trump sẽ nắm quyền kiểm soát ngành hành pháp của chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1, và Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Ông Thae dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ cố gắng đối thoại với hai chính quyền mới trong một nỗ lực để được công nhận là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Thae nói thêm rằng Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành thử hạt nhân để răn đe chính sách ủng hộ các biện pháp chế tài của Seoul và Washington đối với Bắc Triều Tiên.
TQ kêu gọi Vatican hành động để cải thiện quan hệ
Trung Quốc kêu gọi Giáo Hội Công Giáo La Mã cố gắng cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh bằng cách tỏ thái độ linh hoạt và thực dụng để đạo Công giáo có thể thích nghi với xã hội Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, hôm thứ Ba người đứng đầu Cục Quản lý Nhà nước về các vấn đề tôn giáo, ông Vương Tác An đã bày tỏ hy vọng rằng Vatican sẽ “thực hiện các bước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện mối quan hệ” giữa Tòa thánh Vatican và Trung Quốc.
Ông Vương lên tiếng tại một cuộc họp ở Bắc Kinh với Giáo hội Công giáo do nhà nước Trung Quốc quản lý.
Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Tòa thánh Vatican vào năm 1951, tức hai năm sau khi Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc. Nhưng Vatican vẫn duy trì mối quan hệ chính thức với Đài Loan, đảo quốc mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Kể từ khi cắt đứt quan hệ với Vatican, Trung Quốc cho rằng Hiệp hội Công giáo quốc doanh của Trung Quốc có quyền bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Tòa thánh Vatican thì khẳng định chỉ định giám mục là thuộc thẩm quyền của Đức Giáo hoàng. Vụ tranh chấp này là một trong những lý do chính khiến mối quan hệ Trung Quốc – Vatican chưa được nối lại đầy đủ.
Ông Vương nói chính phủ Trung Quốc hy vọng Vatican sẽ áp dụng một lối tiếp cận linh hoạt và thực dụng hơn, đồng thời sẽ có hành động để cải thiện mối quan hệ hai bên. Tuy nhiên, ông không nói rõ hành động cụ thể mà chính phủ Trung Quốc muốn Vatican làm là gì.
Triển vọng đạt được một thỏa thuận giữa hai bên đã gặp trở ngại vào tuần trước khi một giám mục được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng bị Tòa thánh Vatican vạ tuyệt thông, tham gia vào việc phong chức các giám mục mới.
Vatican tuần trước nói họ tin chắc rằng những người Công giáo ở Trung Quốc đang “chờ đợi tín hiệu tích cực sẽ giúp họ có niềm tin” trong các cuộc thảo luận giữa hai bên” và hy vọng vào một tương lai của sự hiệp nhất và hòa hợp.”
Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc từ lâu lo ngại những sự chống đối đối với Đảng Cộng sản có thể lan rộng bởi các tổ chức tôn giáo và dân sự nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Thành viên đảng cầm quyền Hàn Quốc
lập đảng mới
Hai mươi chín nhà lập pháp Hàn Quốc đã tách ra khỏi đảng cầm quyền Saenuri vì vụ bê bối tham nhũng mà tâm điểm là Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye.
Các nhà lập pháp đã thành lập một chính đảng mới, với tên không chính thức là Đảng Tân Bảo thủ vì Cải cách, sẽ ra mắt vào ngày 24 tháng 1.
Đảng mới hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ của thành phần cử tri bảo thủ, vốn bất bình với đảng cầm quyền trước cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp.
Chính đảng mới có thể sẽ cố thuyết phục ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm, đại diện cho đảng ra tranh chức tổng thống.
Ông Ban chưa cho biết liệu ông có chịu ra tranh cử tổng thống hay không. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với VOA, ông nói sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào cho tới khi nhiệm kỳ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc của ông đã chấm dứt vào cuối năm nay.
Ông Ban được xem là ứng viên tiềm năng sáng giá nhất đối với thành phần bảo thủ để nắm chức tổng thống sau quá trình luận tội chính trị phức tạp của bà Park trong đảng của bà. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Ban có tỷ lệ ủng hộ cao hơn chút đỉnh so với chính trị gia Moon Jae-in, người có lập trường cấp tiến, và là ứng viên Tổng thống bị bà Park đánh bại trong cuộc đua giành chức tổng thống bốn năm về trước.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc thành lập chính đảng mới giữa lúc các nhà điều tra đang mở rộng cuộc điều tra về vụ bê bối liên quan đến bà Park.
Tổng thống bị luận tội bị cáo buộc là thông đồng với một người bạn để áp lực các tập đoàn công ty đóng góp tiền bạc để đổi lấy những sự ưu đãi, và đã cho phép người bạn can thiệp vào chính sự.
Cơ quan lập pháp do đảng đối lập kiểm soát đã biểu quyết hôm 8 tháng 12 để luận tội bà Park. Quyết định này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của hàng triệu người trong những tuần lễ gần đây.
Cựu tổng thống Argentina bị truy tố,
dính tới vụ bê bối nữ tu và súng
Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez hôm thứ Ba bị truy tố về cáo buộc cầm đầu một âm mưu tham nhũng với một thư ký công trình công cộng, người đã bị bắt vào tháng 6 trong khi tìm cách giấu hàng triệu đôla trong một tu viện.
Một thẩm phán liên bang buộc tội họ và những quan chức khác trong chính quyền của bà Fernandez về những tội “bao gồm cố tình chiếm giữ ngân quỹ chủ yếu dành cho những công trình đường bộ công cộng.”
Những cáo buộc tham nhũng từ lâu đã vây quanh bà Fernandez và người chồng quá cố mà cũng là người tiền nhiệm của bà, Nestor Kirchner. Bà phủ nhận hành vi sai trái và cáo buộc nhà lãnh đạo hiện thời của Argentina, Mauricio Macri, sử dụng tòa án để bức hại bà.
Đất nước Argentina hồi tháng 6 bị lôi cuốn bởi tình tiết li kì của vụ án khi cựu thư ký công trình công cộng của bà Fernandez, Jose Lopez, bị bắt khi đang thảy những túi nhét hàng triệu đôla qua những bức tường của một tu viện Công giáo ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires.
Tay cầm súng, ông Lopez bắt đầu ném tiền vào bên trong tu viện Đức Mẹ Fatima khi những nữ tu già chậm mở cửa vào sáng sớm ngày 14 tháng 6, theo một người hàng xóm chứng kiến chuyện xảy ra và gọi 911.
Một đoạn video an ninh cho thấy những nữ tu này cuối cùng chào đón ông Lopez và nhận tiền trong khi không chú ý mấy tới khẩu súng trường tự động mà ông ta đặt cạnh cửa tu viện.
Ông Lopez và người sếp trực tiếp của ông, cựu Bộ trưởng Kế hoạch Julio De Vido, bị buộc tội cùng với bà Fernandez hôm thứ Ba.
Vụ ăn chặn tiền cấp cho những dự án đường bộ diễn ra ở tỉnh Santa Cruz thuộc vùng Patagonia, nơi bà Fernandez sinh sống.
Phán quyết này cho biết hành vi phạm tội diễn ra cho đến ngày 9 tháng 12 năm 2015, ngày cuối cùng của bà Fernandez trên cương vị tổng thống sau tám năm cầm quyền. Không có lệnh bắt giữ được ban hành đối với bà Fernandez, và ông Lopez đã vào tù vì cáo buộc rửa tiền.
Vào tháng 5 bà Fernandez bị truy tố về tội làm hủy hoại nền quản trị công. Dưới quyền quản lý của bà mình, theo cáo buộc, ngân hàng trung ương đã lấy hàng tỉ đôla vị thế thua lỗ trong thị trường tương lai ngay trước khi đồng peso được nhiều người cho rằng sẽ bị phá giá.
Bà Fernandez, người đứng đầu phe cánh tả của đảng theo chủ nghĩa Peron, được hàng triệu người Argentina tôn kính vì những chương trình phúc lợi hào phóng của bà. Bà bị những người khác căm ghét, những người cáo buộc bà phá hoại nền kinh tế Argentina, lớn thứ ba ở Châu Mỹ Latin, với những khoản chi tiêu nhà nước hoang phí và những biện pháp kiểm soát nặng tay đối với thương mại và tiền tệ.
5 người chết ở Tân Cương, Trung Quốc
Cảnh sát Trung Quốc nói 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 kẻ tấn công bị bắn chết khi đâm xe vào trụ sở Đảng Cộng sản ở Tân Cương.
Chính quyền địa phương hôm 28/12 thông báo bốn người này đã lái xe đâm vào trụ sở Đảng ủy, cho nổ bộc phá mang theo trên xe làm một người thiệt mạng.
Sau đó cảnh sát đã bắn chết cả bốn kẻ tấn công tại hiện trường.
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong những năm qua tại Tân Cương khi căng thẳng gia tăng giữa người Uighur theo Hồi giáo và người Hán.
Chính phủ nói bất ổn là do phe dân quân Hồi giáo kích động, trong khi các nhóm nhân quyền và Uighur lưu vong thì nói người Hồi giáo Uighur ở Tân Cương bị đàn áp về tôn giáo và văn hóa.
Trong thông cáo ngắn trên website của mình, chính quyền Tân Cương nói vụ tấn công xảy ra lúc 5 giờ chiều giờ địa phương (4 giờ chiều giờ Hà Nội) ở huyện Karakax.
Thông cáo này nói bốn kẻ ‘nổi loạn’ đã lái xe vào sân huyện ủy và cho nổ bộc phá nhưng đã bị bắn chết.
Ba người khác bị thương và một người chết, chưa rõ chi tiết .
Thông cáo nói tình hình an ninh trật tự “đã ổn định”.
Tân Hoa Xã thì mô tả đây là một vụ tấn công khủng bố, nhưng cũng không đưa tin gì thêm.
Trong năm nay Tân Cương tương đối yên bình, không có vụ gì lớn nên vụ tấn công này có lẽ là lớn nhất 2016.
‘Cánh tà hỏng’ làm rơi máy bay Nga
Hộp đen máy bay cho thấy lỗi của cánh tà khiến cho chiếc máy bay chờ đoàn đồng ca quân đội Nga rơi xuống Biển Đen hôm 25/12.
Cánh tà (wing flap) là bộ phận trên cánh giúp nâng máy bay trên không. Hãng tin Interfax dẫn lời một nguồn thân cận với cơ quan điều tra nói các cánh tà của chiếc máy bay đã không hoạt động.
Một website thân chính phủ thì nói điều này đã khiến phi công mất kiểm soát đúng khi chiếc máy bay đang ở góc độ nguy hiểm.
Website ‘Cuộc sống’ cũng công bố những lời cuối cùng của phi công, trong đó có câu: “Quỷ tha ma bắt, cánh tà hư rồi…”
Chiếc Tu-154 già nua đã rớt xuống biển với toàn bộ 92 hành khách và phi hành đoàn.
Trong số đó có 64 thành viên dàn đồng ca quân đội nổi tiếng mang tên Alexandrov, cùng nhà hoạt động nhân đạo Yelizaveta Glinka.
Chiếc máy bay khi gặp nạn đang trên đường đi Syria, nơi dàn đồng ca có kế hoạch biểu diễn phục vụ các quân nhân vào Năm Mới.
Những chi tiết mới nhất được đưa ra sau khi các chuyên gia xem xét hộp đen chứa dữ liệu bay, vừa được trục vớt ngoài biển hôm 27/12.
Phi công chính của chiếc máy bay là Thiếu tá Roman Volkov, người giàu kinh nghiệm, và lái phụ là Đại úy Alexander Rovensky, người cũng đã có 10 năm trong ngành hàng không.
Một đoạn ghi âm trước đó mà báo chí Nga thu được giữa kiểm soát không lưu và tổ lái không có chỉ dấu hư hỏng gì.
Tuy nhiên website ‘Cuộc sống’, vốn thân cận với cơ quan an ninh Nga, vừa đăng tải hội thoại trong buồng lái lấy từ hộp đen, cho thấy hai phi công tỏ ra rất ngạc nhiên.
Nhà chức trách cho hay đã vớt được 15 thi thể nạn nhân.
Loại máy bay Tupolev bị nạn nay không được dùng trong hàng không dân dụng nữa nhưng quân đội vẫn còn vài chiếc. Loại này đã lưu hành 33 năm nay.
Các nhà điều tra cũng loại bỏ khả năng bị khủng bố.
Bắt một người trong vụ tấn công Berlin
Một người đàn ông Tunisia 40 tuổi bị bắt vì bị tình nghi liên quan cuộc tấn công hồi tuần trước tại khu chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức.
Các công tố viên nhà nước của Đức nói số điện thoại của ông ta được tìm thấy trong điện thoại của Anis Amri, kẻ đã giết 12 người bằng cách cướp một chiếc xe tải và đâm nó vào các quầy hàng.
Cảnh sát lục soát nhà và nơi làm việc của người đàn ông này tại khu vực Tempelhof của Berlin, phương tiện truyền thông Đức nói.
Các nhà chức trách có thời gian đến thứ Năm để quyết định xem có chính thức ra trát bắt ông ta hay không.
Amri bị cảnh sát bắn chết ở Milan vào thứ Sáu tuần trước, bốn ngày sau vụ tấn công, sau khi người Tunisia 24 tuổi này đã nổ súng và làm bị thương một sĩ quan trong quá trình kiểm tra theo thông lệ.
Trong khi đó, cảnh sát ở Hà Lan đang điều tra xem liệu Amri có đến nước này ngay sau vụ tấn công khu chợ hay không sau khi một chiếc sim điện thoại Hà Lan chưa được sử dụng được tìm thấy trong ba lô của anh ta.
Họ tin rằng anh ta đã bị phát hiện trên máy quay an ninh tại ga Nijmegen và có lẽ đã được trao cho sim điện thoại tại đó.
Từ Nijmegen, anh ta được cho là đã bắt một chuyến xe buýt sáu giờ đến ga Lyon Party-Dieu – từ đây anh ta dường như đã bắt tàu đến Milan qua Chambery và Turin.
Sim điện thoại được tìm thấy trong ba lô của anh ta được phát hành giữa ngày 20 đến ngày 22 tháng Mười Hai, có thể tại một trong ba thành phố Hà Lan – Breda, Zwolle và Nijmegen, truyền thông Ý nói.
Thông tin được thông báo rộng rãi sau vụ tấn công rằng cảnh sát Đức đã rà soát một trung tâm tị nạn ở Emmerich, ngay cạnh biên giới Nijmegen.
Vì sao Amri đã có thể đi từ Berlin, trong khi đang là một đối tượng với lệnh bắt giữ ở châu Âu đã dấy lên những câu hỏi về an ninh.
7 di dân ‘đốt người vô gia cư’ ở Berlin
Cảnh sát Đức bắt bảy người nhập cư bị cáo buộc đã thiêu cháy một người vô gia cư trong ga tàu điện ngầm ở thành phố Berlin.
Cuộc tấn công được cho là đã xảy ra khi người đàn ông 37 tuổi đang ngủ trên ghế ở ga tàu điện ngầm Schönleinstraße vào đêm Giáng sinh.
Cảnh sát phát động một cuộc điều tra về tội cố sát sau khi các nghi phạm – bảy người đàn ông tuổi từ 15-21 – bị cáo buộc đốt quần áo của nạn nhân.
Sáu trong số những người đàn ông này đến từ Syria và một đến từ Libya, cảnh sát cho biết, họ công bố việc bắt giữ sau khi phát hành đoạn phim từ máy quay an ninh trong một nỗ lực nhận diện các nghi phạm.
Máy quay an ninh cho thấy một nhóm thanh niên cười khi họ bước lên một chuyến tàu tại ga nằm trên tuyến U8 chạy bắc-nam của Berlin.
Cảnh sát cho là nhóm vừa đốt quần áo của nạn nhân.
Các nhân chứng, bao gồm một lái tàu với bình cứu hỏa, vội vã đến trợ giúp người đàn ông và dập lửa. Ông không bị thương nặng.
Tuy nhiên hầu hết đồ đạc của ông bị hủy hoại, Deutsche Welle cho biết.
Cảnh sát cho biết sáu nghi can đầu thú tại các đồn cảnh sát khác nhau và người đàn ông thứ bảy bị cảnh sát bắt.
Phó phát ngôn viên cảnh sát Berlin Thomas Neuendorf nói với đài truyền hình Đức RBB rằng nghi phạm chính là một thanh niên 21 tuổi.
Ông Neuendorf xác nhận sáu trong số những người đàn ông đến từ Syria và một người đến từ Libya.
Một số các nghi phạm đã được cảnh sát biết đến từ trước, ông nói thêm.
Cáo buộc cho rằng các nghi phạm ném một vật cháy vào người đàn ông vô gia cư, đốt cháy quần áo và chỗ ngủ của ông.
Tấn công trong ga tàu điện ngầm ở Berlin
Hồi đầu tháng này một phụ nữ cũng bị đạp xuống cầu thang tại ga tàu điện ngầm Hermannstraße ở Berlin, gây công phẫn.
Người phụ nữ bị gãy tay trong cuộc tấn công vô cớ và được máy quay an ninh ghi hình lại.
Nghi phạm là một người đàn ông Bulgaria 27 tuổi bị bắt tuần trước.
Chính sách mở cửa chào đón dân nhập cư của thủ tướng Đức Angela Merkel bị chỉ trích trong năm nay sau một số vụ tấn công hoặc tội ác gây sốc.
Tuần trước 12 người thiệt mạng và gần 50 người bị thương khi một người nhập cư Tunisia 24 tuổi, Anis Amri, sử dụng một chiếc xe tải để tàn sát người đi bộ tại chợ Giáng sinh ở Berlin.
Anh ta bị cảnh sát bắn chết tại gần Milan vài ngày sau đó.
2017: Trận chiến của tư tưởng
Gavin HewittBBC
2016 là một năm của sự tan rã. Các quy chuẩn bị gạt bỏ. Các tư tưởng cũ bị thách thức và gạt bỏ. Thế giới ổn định của chúng ta rúng động, chúng ta trở nên quen thuộc với những điều mới gây sốc.
Kể từ Thế chiến Hai, và sớm hơn nữa, có đồng thuận rằng thương mại không chỉ là kinh tế. Nó còn là công cụ của hòa bình. Giảm bớt rào cản thương mại tạo ra tăng trưởng và phồn vinh. Sự đồng thuận đó đang bị vỡ.
Thương mại toàn cầu có thể thúc đẩy các nền kinh tế nhưng nó cũng có thể xóa bỏ sản xuất. Một yếu tố thắng lợi từ năm bất ổn chính trị này là chủ nghĩa bảo hộ.
Các thỏa thuận thương mại tự do đa quốc gia gặp thách thức. Donald Trump đã nói Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xu hướng mới là nhắm tới thỏa thuận song phương.
Chủ nghĩa dân tộc quay lại. Không phải trong lớp áo cũ nhưng chủ nghĩa dân tộc kinh tế đã trở lại. Donald Trump giành lại khẩu hiệu cô lập cũ, Hoa Kỳ Trước Tiên. Trong các thỏa thuận thương mại, quan hệ quốc tế, yếu tố quyết định sẽ không phải là kiểm soát trật tự toàn cầu mà là phục vụ lợi ích Hoa Kỳ.
Cũng trở lại là nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Trong nhóm của Donald Trump có sự ngưỡng mộ “sức mạnh” của Putin. Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nền dân chủ phi tự do. Những nhà chuyên chế mới đang phục vụ mong muốn phục hồi trật tự trong thế giới toàn cầu phức tạp.
Cùng với Vladimir Putin còn có Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và phần nào đó là Viktor Orban của Hungary. Sau cánh gà có Marine Le Pen của Pháp đang đợi. Một số người nghĩ rằng nên đưa cả Donald Trump vào danh sách.
Những nhà chuyên chế mới chia sẻ sự ghét bỏ các tổ chức quốc tế. Trump gọi Nato là “không hợp thời” tuy sau đó có giảm tông. Putin bác bỏ các hiệp định hạn chế ông, và như thế các cấu trúc hậu chiến quốc tế đang yếu đi.
Chủ nghĩa cô lập quay lại. Cả ở Mỹ và châu Âu, ít ai còn muốn các chiến dịch quân sự quốc tế. Tại Syria, Nga và phần nào là Thổ Nhĩ Kỳ đang quyết định thực tế. Phương Tây hướng vào nội bộ.
Mặc dù EU đã duy trì trừng phạt chống Nga vì hành động ở Ukraine, các lãnh đạo mới đang tìm cách làm lại quan hệ với Moscow.
Châu Âu sẵn sàng có thỏa thuận với Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông ta giảm bớt dòng tị nạn vào châu Âu.
Các giá trị căn bản kết nối châu Âu với Bắc Mỹ chưa bị gạt bỏ nhưng dân chủ tự do châu Âu có vẻ ở thế phòng thủ và bất an.
Bản sắc quốc gia lại trở nên quan trọng. Tại Pháp, Francois Fillon, ứng viên tổng thống của phe trung hữu, tuyên bố Pháp “không phải là nước đa văn hóa”. Tại Đức, Angela Merkel khẳng định “chúng tôi không muốn các xã hội song song”.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, tranh luận nóng lên về việc hội nhập.
Có sự chuyển dịch khuyến khích sự hòa nhập, buộc người nhập cư mới ủng hộ các giá trị tự do hiện hữu. Bà Angela Merkel nói: “Che mặt hoàn toàn là không phù hợp. Nó cần bị cấm ở bất kỳ đâu có thể.”
Tại Mỹ, một điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump là lời hứa truy quét người nhập cư lậu.
Một số kế hoạch của ông Donald Trump có thể sẽ giảm nhẹ đi, nhưng tranh cãi về nhập cư sẽ tiếp tục tác động chính trị.
Lý thuyết kinh tế “thẩm thấu” quay lại. Tại Mỹ, sẽ giảm thuế cho tất cả, kể cả người giàu nhất, vì niềm tin kinh tế sẽ khá lên. Chính quyền Trump dự định đổ tiền vào tái thiết cơ sở hạ tầng.
Tại châu Âu, với các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra, cam kết giảm bớt thâm hụt sẽ bị yếu đi.
Người ta từng nghĩ tranh cãi về ấm nóng toàn cầu đã xong nhưng chúng đang trở lại. Thỏa thuận Paris yêu cầu quốc tế hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Nhưng Donald Trump đã chọn một người nghi ngờ khoa học biến đổi khí hậu để dẫn dắt cơ quan bảo vệ môi trường.
Sẽ có vận động để tổng thống rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris.
Mọi chính phủ phương Tây sẽ phải đấu tranh với câu hỏi: nhà nước có thể bảo vệ trước toàn cầu hóa không?
Hàng triệu người ở châu Âu và Bắc Mỹ đã từ bỏ các đảng phái lớn vì họ không nghĩ rằng các đảng này làm được. Cho tới nay, các đảng trung tả đã không thể đưa sự bất an và bất bình đẳng lên thành chủ đề của họ.
Trận chiến chính trị sẽ xoay quanh ai có thể giúp những người không được làn sóng toàn cầu hóa giúp.
Trận chiến dành trái tim cử tri sẽ diễn ra trong thời đại chính trị hậu sự thật, tin tức giả.
Tại Mỹ, một số người thân cận với chiến dịch tranh cử của Trump đã tìm cách tái định nghĩa sự thật. Họ nói việc thu thập dữ liệu cho sự thật khách quan không hẳn là quan trọng. Nhiều người tin vào một điều gì đó, dù chỉ là thuyết âm mưu, cũng khiến nó thành sự thật. Truyền thông sẽ đứng ở trung tâm trận chiến tư tưởng này.
2017 sẽ chứng kiến thêm các trận chiến giữa hai tư tưởng. Một bên là những người bảo vệ nhà nước-quốc gia, muốn dựng lên bức tường chắn thế giới bất ổn và nguy hiểm. Bên kia là những người tin vào chủ nghĩa quốc tế tự do, cởi mở, tự do thương mại và các định chế quốc tế.
Hàn Quốc: Đối lập đòi
hủy thỏa thuận với Nhật về ”gái giải sầu”
Các dân biểu phe đối lập Hàn Quốc vào hôm nay, 28/12/2016, đã kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận về vấn đề phụ nữ giải sầu, đã ký với Nhật Bản cách nay đúng một năm (28/12/2015).
Theo thỏa thuận đã ký kết, Tokyo đảm bảo tài trợ cho một hiệp hội giúp đỡ các nạn nhân bị quân đội Nhật Hoàng trước đây bắt làm nô lệ tình dục, còn Seoul thì chấm dứt chỉ trích Nhật Bản trên hồ sơ này.
Cả hai chính phủ Tokyo và Seoul đều xem vấn đề đã được giải quyết dứt khoát, không thể trở lại nữa.
Thế nhưng trong bối cảnh các bên đang ngấm ngầm vận động tranh cử, khi nêu lại vấn đề gái giải sầu vào hôm nay, các dân biểu đối lập muốn xóa đi một số chủ trương quan trọng của tổng thống bị truất phế, và qua đó tranh thủ lá phiếu của cử tri vốn rất nhạy cảm trên vấn đề này.
Lãnh đạo đảng Dân Chủ Woo Sang-ho khẳng định là ông sẽ cố làm cho thỏa thuận không còn hiệu quả, nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống có khả năng diễn ra trong vài tháng tới đây.
Một cựu bộ trưởng bị tạm giam trong vụ tai tiếng liên quan bà Choi
Cũng tại Hàn Quốc, cựu bộ trưởng Y Tế Moon Hyung-Pyo, nay phụ trách quỹ hưu bổng NPS, đã bị tạm giam vào hôm nay, trong cuộc điều tra về hành vi lạm quyền, hối lộ, tham nhũng liên quan đến bà ‘quân sư’ Choi Soon Sil, tác hại đến cả tổng thống Park Geun Hye.
Trong vụ này, tập đoàn Samsung bị nghi là đã hối lộ cho bà Choi để được chính phủ bật đèn xanh cho một vụ sát nhập công ty không mấy rõ ràng, tiến hành vào năm ngoái 2015, và nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển quyền hành ở thượng tầng tập đoàn cho người thừa kế Lee Jae-Yong.
Các nhà điều tra đã khám phá ông Moon Hyung Po, một người thân cận với tổng thống đã gây sức ép lên quỹ hưu NPS, một cổ đông quan trọng của Samsung, cho việc sát nhập nói trên.
Tuy ông Moon bác bỏ những lời tố cáo, nhưng ông vẫn bị bắt giữ vào hôm nay, do lời chứng ngược lại của một lãnh đạo cao cấp của NPS.
Nghệ thuật Hòa Bình :
Bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp
Nghệ thuật tiến hành chiến tranh không được làm quên đi nghệ thuật tái lập hòa bình. Vào lúc thế giới đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự, nước Pháp có cách riêng của mình để bày tỏ mong muốn hòa bình và đề cao kinh nghiệm ngoại giao. Từ giữa tháng 10/2016 cho đến giữa tháng Giêng 2017, tại Petit Palais, Paris, bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp, kết hợp với Tòa thị chính Paris, tổ chức triển lãm : « Nghệ thuật hòa bình : Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp ».
Lần đầu tiên, khoảng 40 hiệp định và hơn 60 tài liệu trong kho lưu trữ văn kiện ngoại giao được trưng bày, tiêu biểu nhất cho lịch sử quan hệ quốc tế của nước Pháp. Bên cạnh các tài liệu này là những bức tranh, ảnh, tượng điêu khắc, đồ dùng hoặc các đồ mỹ thuật quý hiếm, những thước phim tài liệu cho phép nắm bắt được bối cảnh lịch sử, hiểu được nội dung của các văn bản ngoại giao, quá trình đàm phán…
Các tài liệu lưu trữ đặc biệt ví dụ như hiệp ước Arras (năm 1435), được ký giữa Charles đệ thất và Philippe le Bon, đi kèm với những bức tranh minh họa. Ví dụ, bức tranh của Sebastiano Ricci (1659-1734), vẽ cảnh giáo hoàng Phaolô III, vào năm 1538, đã đạt được một sự hòa giải ngắn ngủi giữa François đệ nhất và Charles Quint.
Triển lãm có gian trưng bày một số hiệp ước mà nước Pháp phê chuẩn. Các tài liệu lưu trữ này đều in đậm dòng chữ to « Xin chào tất cả những ai đọc những tài liệu này ». Đây là mẫu câu mà các vua Pháp đã dùng. Khi chuyển sang chính thể Cộng Hòa, các tổng thống Pháp cũng dùng lại, được coi như một bảo đảm của Nhà nước chủ quyền đối với các hiệp ước mà các bộ trưởng, các nhà đàm phán đã ký kết. Cho đến tận năm 2011, theo quyết định của tổng thống Nicolas Sarkozy, câu nói trên được đơn giản hóa với dòng chữ : « Tổng thống nước Cộng Hòa Pháp, chiểu theo điều 52 Hiến Pháp, phê chuẩn ».
Bên cạnh câu viết trên, để bảo đảm « sự hợp lệ », các văn bản ngoại giao còn thường được gắn dấu si. Ấn tượng nhất là bản tuyên bố của giới quý tộc Ba Lan về việc bầu Henri de Valois, làm vua Ba Lan. Văn bản làm tại Kamien, ngày 23/05/1573, có tới 120 dấu gắn si đính kèm.
Đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên bên trong « Liên bang Ba Lan-Litva » bao gồm một phần lãnh thổ các nước Ba Lan, Litva hiện nay. Hơn 40 000 thành viên trong giới quý tộc Ba Lan tham gia cuộc bầu cử và lựa chọn Henri de Valois làm vua. Cuộc bầu cử được tổ chức vì vua Sigismond II (thuộc triều đại Jagellon) băng hà, nhưng không có con kế ngôi và do thiếu vắng các ứng viên nghiêm túc, đáp ứng các đòi hỏi của giới quý tộc. Sau cuộc bầu cử, giới quý tộc lập văn bản thừa nhận vua Henri de Valois, và các dấu gắn si là bằng chứng của việc công nhận văn bản này.
Bà Gaelle Rio, một trong những chuyên gia của viện bảo tàng Paris, được tuần san “M” báo Le Monde trích dẫn, cho biết : « Chúng tôi đã lựa chọn để trưng bầy các hiệp định tiêu biểu nhất, đồng thời, cũng là những văn bản đẹp nhất ».
Trong số những tài liệu quý, người xem có thể chiêm ngưỡng « sổ thế bạ » của Christophe Colomb, năm 1502. Đây là một trong số hai bản được lưu giữ. Tổng cộng chỉ có bốn bản sao được xác thực « công chứng » bao gồm những giấy tờ thừa nhận các ưu đãi mà Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha dành cho Christophe Colomb trước chuyến du hành cuối cùng của ông tới châu Mỹ. Trên các hàng chữ ghi bên bìa cuốn « sổ thế bạ », còn có hình mặt dường như là của Christophe Colomb cài lồng trong chữ E.
Một tài liệu độc đáo khác là bức thư của vua Xiêm (Thái Lan) Rama IV (Mongkut) gửi Napoléon III ngày 17/03/1861. Thư là một dải vàng mỏng, có khắc chữ. Đích thân hoàng đế Napoléon III và hoàng hậu Eugénie đã tiếp ba đại sứ Xiêm trình bức thư độc đáo này cùng nhiều tặng phẩm quý giá khác vào ngày 27/06/1861, tại lâu đài Fontainebleau. Theo ghi chú, rất nhiều tặng phẩm trao tặng cho hoàng tộc nhân buổi tiếp đãi sứ thần này đã được giữ lại trong « bảo tàng Trung Quốc » ở Fontainebleau được tu sửa vào năm 1863. Riêng bức thư « dải vàng » này là được giao về bộ Ngoại Giao lưu giữ.
Liên quan đến Việt Nam, kho lưu trữ tài liệu ngoại giao của Pháp cho trưng bày bản Hiệp định đình chiến tại Việt Nam. Đây là một trong ba văn bản được ký tại Geneve, Thụy Sĩ, nhằm chấm dứt chiến sự tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam Bốt). Tài liệu được trưng bày là bản gốc tiếng Pháp và tiếng Việt, các trang được nối với nhau bằng sợi dây lụa xanh trắng, gắn vào trang bìa bằng dấu gắn si chữ ký của Cộng Hòa Pháp và dấu quốc huy của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tài liệu ghi ngày ký là 20/07/1954.
Thực ra, thời điểm chính thức ký các văn bản này muộn hơn một chút, và đây cũng là một thủ thuật của ngoại giao Pháp để giữ lời và thể diện cho trưởng phái đoàn đàm phán của Pháp. Bởi vì ngày 19/06/1954, thủ tướng Pháp Pierre Mendes France, mới nhậm chức, đã cam kết trước Quốc Hội là ông sẽ tái lập hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng, muộn nhất là vào ngày 20/07.
Thế nhưng, cho đến đêm ngày 20/07/1954, các cuộc thương lượng vẫn chưa kết thúc. Để cho chính phủ Pháp không bị đổ vào hồi kết cuộc đàm phán, cũng như tôn trọng hình thức công pháp quốc tế, tại phòng đàm phán Palais des Nations (nay là trụ sở Liên Hiệp Quốc) ở Geneve, người ta đã giữ nguyên hai chiếc kim đồng hồ ở số 12. Và hơn 2 giờ sáng ngày 21/07, thì hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Lào được đại diện chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký. Hiệp định đình chiến ở Cam Bốt được ký vào cuối buổi sáng ngày 21/07. Còn « Tuyên bố cuối cùng » thì đến chiều ngày 21/07 mới được hội nghị thông qua.
Phần tiếp theo của triển lãm là gian trưng bày các tài liệu liên quan đến những quy định và thủ tục lễ tân cần tuân thủ để tiến hành đàm phán hòa bình. Từ thế kỷ 16, các quốc vương hạn chế đi lại và dần dần giảm bớt các cuộc gặp gỡ cấp cao. Các khía cạnh kỹ thuật, pháp lý được chú trọng hơn. Từ thế kỷ 17 và 18 trở đi, việc đàm phán, thương lượng ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Chính vì thế, vào năm 1712, Colbert de Torcy (1665 – 1746), một trong những nhà ngoại giao có tài dưới thời vua Louis 14, đã có ý định thành lập trường đào tạo đầu tiên về ngành ngoại giao.
Nhiều cuốn sách quý được trưng bày, có thể là tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các trường đào tạo ngoại giao thời nay, như cuốn « Đại sứ và các nhiệm vụ », của nhà ngoại giao Hà Lan Abraham de Wicquefort (1606-1682), nhà xuất bản Pierre Marteau, ở Cologne, năm 1715. Hoặc cuốn « Một đại sứ hoàn hảo » của Juan Antonio de Vera Zuniga y Figueroa (1583 – 1658), nhà xuất bản Theodore Haak, năm 1709.
Theo lời giới thiệu, dưới hình thức đối thoại, tác giả đưa ra quan niệm của ông về một nhà thương thuyết. Sách lần đầu tiên được xuất bản năm 1620 tại Sevilla, Tây Ban Nha, và sau đó, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sách trưng bầy tại triển lãm là của tướng Clarke, đại diện toàn quyền của Napoléon tại xứ Toscana, một vùng của nước Ý ngày nay.
Hay như cuốn « Cách thức đàm phán với các quốc vương. Lợi ích của các cuộc đàm phán, cách chọn đại sứ và đặc sứ, và các phẩm chất cần thiết để thành công trong công việc » của ông François de Callières (1645-1717), nhà xuất bản Jean Nourse, năm 1750, tại Luân Đôn. Theo ông Callières, nghề ngoại giao đòi hỏi một thiên hướng độc lập và phải có kiến thức về lịch sử, hiểu biết các định chế và biết nhiều ngoại ngữ.
Nói đến ngoại giao Pháp là phải nói đến châu Âu. Có lẽ hiếm khi công chúng được nhìn tận mắt Hiệp định thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, được ký kết tại Roma, Ý, ngày 25/03/1957 và Hiệp định về Liên Hiệp Châu Âu, được ký tại Maastricht, ngày 07/02/1992. Tuy nhiên, độ dầy của hai văn kiện này gây sửng sốt, thậm chí choáng váng, từ 10 đến 15 cm.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông, một công ước không thể thiếu trong cuộc triển lãm này : « Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển », được ký kết tại vịnh Montego, ngày 10/12/1982. Công ước này đã được hầu hết các nước phê chuẩn ngoại trừ một số nước trong đó có Hoa Kỳ. Ở đây, người xem có thể thấy trang đầu của công ước được ghi bằng 6 thứ tiếng : Ả Rập, Hoa, Anh, Pháp, Nga, và Tây Ban Nha.
Cuộc triển lãm đạt được mục tiêu là làm cho người xem suy nghĩ, hiểu được ý tưởng mong muốn hòa bình của nước Pháp qua hàng thế kỷ và tìm thấy những yếu tố mang tính quyết định đối với ký ức tập thể và từng cá nhân.
Khủng bố Berlin:
Thêm quyền hạn về an ninh cho các bang
Sau vụ khủng bố ở chợ Noel Berlin ngày 19/12/2016, chính phủ liên minh của thủ tướng Angela Merkel đã muốn tăng thêm quyền hạn của cảnh sát và cơ quan tình báo của các bang, nhưng chưa có đề nghị gì. Đầu tuần này, đảng Liên Minh Xã Hội – Thiên Chúa Giáo ( CSU ) vùng Bayern, đồng minh của thủ tướng Merkel, đã yêu cầu một loạt các biện pháp theo hướng này.
Từ Berlin, thông tín viên Anne Maillet gởi về bài tường trình:
“Nới lỏng các điều kiện để bắt giữ những người nước ngoài đang chờ bị trục xuất hoặc giám sát những đối tượng bị nghi cực đoan hóa ngay từ năm 14 tuổi. Một tuần sau vụ khủng bố ở chợ Noel Berlin, đảng SCU, đồng minh của thủ tướng Angela Merkel, muốn có hành động nhanh chóng, đã đề ra một loạt biện pháp với tiêu đề “An ninh vì tự do của chúng ta”. Dự án này sẽ được đưa ra thảo luận trong nội bộ đảng vào tháng 1/2017.
Chính phủ Đức và bản thân bà Merkel, vốn cũng ủng hộ việc tăng cường các quyền hạn của các bang ( Länder ) về giám sát và trục xuất, hiện đang chịu áp lực nặng nề. Nghi can chính của vụ khủng bố Berlin Anis Amri cũng là một người đã bị bác đơn xin tị nạn. Trong khi chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử Quốc Hội 2017, cuộc tranh cãi về an ninh và nhập cư kể từ nay chiếm phần lớn chiến dịch tranh cử.
Theo kết quả các cuộc thăm dò sau vụ khủng bố Berlin, đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo ( CDU ) đã bị mất điểm vào tay của đảng cực hữu AfD. Đảng này nay đã vượt lên mức 15,5% ý định bỏ phiếu. Đây là một kỷ lục tuyệt đối đối với một chính đảng chỉ mới ra đời cách đây khoảng hơn 3 năm.”
Philippines:
Điều tra về “âm mưu lật đổ tổng thống Duterte”
Chủ tịch Hạ Viện Philippines kêu gọi Quốc hội mở điều tra về một kế hoạch được cho là do cựu đại sứ Mỹ ở Manila vạch ra nhằm lật đổ tổng thống Rodrigo Duterte.
Theo tờ nhật báo The Manila Times hôm nay, 28/12/2016, hôm qua, chủ tịch Hạ Viện Pantaleon Alvarez đã yêu cầu Quốc Hội Philippines điều tra về âm mưu lật đổ tổng thống Duterte, do cựu đại sứ Mỹ ở Manila Philip Goldberg vạch ra. Theo chủ tịch Hạ Viện, nếu âm mưu này được thực hiện, đây sẽ là một sự vi phạm chủ quyền của Philippines và đi ngược lại với nguyện vọng của cử tri Philippines. Ông Avarez cho rằng Quốc Hội có thể mời các nhân viên tình báo Philippines và các nhân viên đại sứ quán Mỹ tham gia điều tra.
Chủ tịch Hạ Viện Avarez cũng như ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đều nói rằng họ không ngạc nhiên về việc Hoa Kỳ có thể can dự vào một âm mưu như vậy. Ông Yasay nhắc lại rằng cựu đại sứ Goldberg, đã từng bị trục xuất khỏi Bolivia vào năm 2008 do bị cáo buộc đã kích động dân chúng nổi loạn chống tổng thống Evo Morales.
Theo tờ The Manila Times, ông Goldberg đã từng nói rằng phe đối lập ở Philippines cần phải có “mọi vũ khí chính trị” để thay thế chính quyền tổng thống Duterte. Cựu đại sứ Mỹ còn bị cáo buộc đã kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ có những hành động về ngoại giao, chính trị, kinh tế và xã hội để đánh quỵ tổng thống Duterte và nếu được, thì lật đổ ông.
Trước khi hết nhiệm kỳ đại sứ ở Manila vào tháng 10 năm ngoái, ông Goldberg đã chỉ trích gay gắt tổng thống Duterte về câu nói đùa của ông khi tranh cử về vụ cưỡng hiếp tập thể và sát hại một nhà truyền giáo người Úc năm 1989 tại Davao, nơi ông Duterte từng là thị trưởng. Vì lời chỉ trích này mà đại sứ Mỹ đã bị tổng thống Duterte công khai lăng mạ.
0 comments