Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 22/12/2016

Thursday, December 22, 2016 6:28:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 22/12/2016

Bưu điện hồi âm thư gửi Ông Già Noel

Mỗi mùa Giáng Sinh, trẻ em trên toàn thế giới đều viết thư cho ông già Noel, còn được gọi là Santa Claus để xin quà.
Thị trấn Santa Claus với số dân khoảng gần 2.500 người thuộc quận Spencer nằm ở vùng tây nam tiểu bang Indiana.
Thị trấn có một trạm bưu điện mang tên là Santa Claus. Đây cũng là trạm bưu điện duy nhất trên thế giới mang tên ông già Noel. Cũng vì tên này nên hàng năm các em đều viết thư đến đây để cầu xin những điều các em muốn.
Dù thị trấn bé nhỏ này cách Bắc Cực tới 6.000 kilômét về phía nam, nhưng cư dân ở đây là những hỗ trợ viên đắc lực của ông già Noel vì mỗi năm, họ nhận được gần 25.000 bức thư gởi ông già Noel và họ hồi âm từng lá thư một. Theo truyền thuyết ông già Noel được những chú lùn giúp gói quà, chất lên xe do những chú tuần lộc kéo đi khắp thế giới phát quà cho các em học giỏi, có hạnh kiểm tốt.
Bà Patricia Koch thuộc bưu điện Santa Claus nói:
“Chúng tôi được biết là vào năm 1914 ông giám đốc bưu điện bắt đầu trả lời các bức thư các em gởi đến.”
Đến năm 1930, ông cảm thấy bị quá tải. Khi cha của bà Patricia Koch biết được chuyện này, ông huy động các cựu chiến binh địa phương, Hội Cựu Chiến binh Mỹ, các tu sĩ trong khu vực, các lớp đánh máy ở trường trung học và tổ chức thành nhóm đầu tiên tình nguyện trả lời thơ. Bà Patricia bắt đầu tham gia việc này hơn một thập niên sau đó.
Trong những ngày này, các ‘ông già Noel này’ gửi đi 1 trong 4 mẫu thư với những thông điệp tích cực khuyên các em biết san sẻ, ngoan ngoãn, và biết giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, cũng có một chút gì đó cho cá nhân từng em một.
Bà Patricia Koch nói “Chúng tôi không bao giờ hứa điều gì và chúng tôi cũng không bao giờ khiển trách các em. Chúng tôi chỉ khuyến khích. Trên thư nêu tên các em vì vậy có chút gì đó mang tính cá nhân cho từng em.”
Thư đến thị trấn Santa Claus quanh năm nhưng nhiều nhất là vào tháng 11 và tháng 12. Trưởng phụ trách thư từ của bưu điện, ông Ed Rinehart, nói không có nước nào trên thế giới mà không có thơ gởi đến đây và Dịch vụ Bưu điện Mỹ đảm bảo là các bức thư được chuyển tới Indiana dù địa chỉ ghi trên thư ở đâu, như thế nào đi nữa.
Ông Ed Rinehart nói:
“Có thư chỉ cần đề người nhận là Santa, hay Bắc Cực vậy thôi. Một số thư còn ghi người nhận là ‘ông già to mặc đồ đỏ’.”
Có khi có những lá thư đến từ các em nhỏ, không dán tem hoặc chỉ dán một mẫu sticker nhỏ trên góc thôi.
Dù cố gắng trả lời từng bức thư một, nhưng đôi khi những ông già Noel này cũng buồn lắm vì các em không đề địa chỉ để hồi âm. Một nhóm có nhiệm vụ dò kiếm tung tích các bức thư không địa chỉ sẽ lần theo dấu bưu điện đóng trên thơ, nhưng đôi khi bấy nhiêu cũng không đủ để tìm ra chủ nhân bức thư. Vì vậy, họ khuyến khích các phụ huynh nhớ kiểm tra xem các em có ghi địa chỉ người gởi trước khi gởi thư hay không. Năm nay, đồ chơi Hatchimals, iPhones, chó con, và ngựa pony được các em yêu cầu nhiều nhất. Nhưng cũng có nhiều yêu cầu từ người lớn nữa. Chẳng hạn như những người trẻ Trung Quốc cầu xin thi cử thành đạt hoặc được vào đại học.
Ông Ed Rinehart chia sẻ:
“Chúng tôi cũng nhận một số thư của người lớn cầu ước nhẫn kim cương hay một tấm chồng. Cũng có người xin được lành bệnh…”
Những ‘phụ tá’ của ông già Noel chưa bao giờ nghĩ đến chuyện việc tốt của họ được chú ý và họ quyết tâm thực hiện lời cam kết là tiếp tục trả lời thư không công.
Bà Patricia Koch nói:
“Mọi việc diễn ra vì có những người tốt quan tâm đến tinh thần thực sự của lễ Giáng Sinh và ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh.”

Bầu cử Mỹ: Báo chí có thiên vị?

Khi truyền thông dồn dập loan tin Cục Điều tra Liên bang và Cơ quan Tình báo Trung ương của Mỹ đều nhất trí rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống một phần để giúp ông Donald Trump thắng, anh Vũ L. coi đó là “một trận bão để đánh lừa thiên hạ.”
Phấn khởi với kết quả bầu cử bao nhiêu, anh càng khinh bỉ truyền thông chính thống bấy nhiêu. Là người ủng hộ ông Trump nhiệt thành, anh coi chiến thắng bất ngờ của ông là một cái tát vào mặt của những cơ quan tin tức từ những tờ báo lớn như The New York Times cho tới những đài truyền trình như CNN mà anh cho là thông đồng với ban vận động của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
“Bây giờ tụi nó có đăng cái gì thì em cũng không tin tụi nói nữa,” nhân viên chính phủ liên bang này nói. Anh yêu cầu VOA không tiết lộ toàn bộ danh tính của anh.
Cáo buộc giới truyền thông thiên vị không phải là điều mới và người Mỹ lâu nay vẫn thiếu tin tưởng vào giới truyền thông cũng như những định chế khác của Mỹ như chính phủ và doanh nghiệp. Nhưng một cuộc khảo sátcủa Gallup công bố hồi gần đây cho thấy sự tin tưởng của người dân Mỹ đối với việc truyền thông đại chúng “đưa tin đầy đủ, chính xác và công bằng” đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát của họ, ở mức 32 phần trăm.
Cũng như những người Mỹ theo Đảng Cộng hòa, nhiều người gốc Việt bỏ phiếu cho ông Trump cho rằng truyền thông chính thống đã tập trung quá mức vào những phát biểu và đề xuất chính sách gây tranh cãi của ông trong suốt khoảng thời gian vận động tranh cử.
“Những chuyện nhỏ nhặt thôi mà họ cũng xé ra to,” anh Anthony Lee, chủ tiệm làm móng ở Houston, Texas, phàn nàn về tường trình của CNN về ông Trump. “Có một chuyện mà họ lặp đi lặp lại cả tuần lễ.”
Còn đối với anh Vũ, đằng sau điều bị xem là sự thiên vị đó là một sự dàn xếp nham hiểm giữa truyền thông chính thống và Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC). Chia sẻ với VOA, anh không giấu sự phẫn nộ về điều mà anh gọi là pay to play - nghĩa là bỏ tiền ra để mua những dịch vụ hay đặc quyền để tham gia những hoạt động nhất định.
“Nếu anh không trả tiền thì không ai chơi với anh hết, cho nên tụi truyền thông bị mua hoàn toàn bởi DNC rồi,” anh quả quyết. “Cũng có những cái clip nói về 20 tới 40 nhà báo gì nổi tiếng trên nước Mỹ đều là bị DNC mua hết, có nhiều clip nói như vậy trên Facebook.”
Những email bị rò rỉ
Điều mà anh Vũ nhắc tới là danh sách những nhà báo và người dẫn chương trình tin tức nổi tiếng của Mỹ nhận lời dự một buổi họp mặt riêng tư không phát biểu công khai tại nhà riêng ở New York của ông Joel Benenson, chiến lược gia trưởng của bà Hillary Clinton, hai ngày trước khi bà loan báo tranh cử Tổng thống vào năm 2015, theo những email mà Wikileaks rò rỉ từ những tài khoản được nói là của ông John Podesta, chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Clinton.
Việc những nhà báo đồng ý gặp gỡ những chính trị gia có tiếng, kể cả Tổng thống Obama, trong những cuộc gặp gỡ không phát biểu công khai không phải là điều bất thường, vì đây là một cách để đôi bên hiểu nhau hơn và phát triển mối quan hệ (Ông Trump cũng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ như vậy hôm 21 tháng 11). Nhưng mối quan hệ thỉnh thoảng bị xem là quá gần gũi giữa những nhà báo chính trị ở Washington với những phụ tá hàng đầu của bà Clinton, hiện rõ qua những email mà Wikileaks tiết lộ, càng đào sâu thêm sự mất tin tưởng của công chúng đối với truyền thông chính thống.
Đọc qua những email này có thể thấy nhà báo kỳ cựu John Harwood của đài CNBC tâng bốc ông Podesta, đưa ra lời khuyên vận động tranh cử cho ông này và tán dương bà Clinton. Trong một email khác, nhà báo Juliet Eilperin của báo The Washington Post gửi email “đánh tiếng” với ông Podesta về một bài báo sắp đăng có nhắc tới tên của ông gần cuối bài. Nhà báo Glenn Thrush của báo Politico gửi cho ông Podesta một phần bài báo đang viết dở với lời nhắn nhủ, “Vui lòng đừng chia sẻ hay kể với ai tôi làm chuyện này. Cho tôi biết nếu tôi viết sai chỗ nào đó.”
Những trang tin tức bảo thủ đã chớp lấy những email này để cáo buộc truyền thông chính thống cấu kết với ban vận động của bà Clinton để tường trình có lợi về bà. Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống gây chia rẽ và đầy những luận điệu gay gắt, những tiết lộ của Wikileaks như một mồi lửa làm bùng lên nỗi oán ghét truyền thông chính thống từ những người như anh Vũ và khiến anh đi đến kết luận “tụi nó đã bị mua hết.”
Nhưng thực tế làm báo ở Washington phức tạp và nhập nhằng hơn nhiều so với cái nhìn rạch ròi một chiều của công chúng qua những email này.
‘Mối quan hệ nịnh nọt’
Jack Shafer, cây bút cao cấp chuyên viết về truyền thông của Politico, trong một bài viết sau khi những email này bị tiết lộ giải thích rằng không có những tiêu chuẩn phổ quát cho tập tục được xem là chuẩn mực trong nghề báo. Ông cho biết báo giới Washington vận dụng nhiều phương thức khác nhau để khai thác nguồn tin với mục đích cuối cùng là đem tới thông tin chính xác và hữu ích cho độc giả, dù ông thừa nhận những người chỉ trích không sai khi cho rằng những mối quan hệ gần gũi này là phản cảm.
“Từ xưa trước khi email ra đời, những nhà báo thường xuyên mang những bộ mặt giả tạo để lấy lòng nguồn tin của họ,” ông Shafer viết. “Họ giả vờ thông cảm, họ làm bộ quan tâm tới nguồn tin và gia đình, họ nịnh bợ, họ giao thiệp với nguồn tin, thỏa mãn cái tôi của những người này và nhớ tới sinh nhật của họ. Nếu bạn là một nhà báo ở Washington thì bạn cũng sẽ làm vậy thôi.”
Đó là bởi vì trong thế giới chính trị ở Washington nguồn tin nội bộ quý giá thì ít mà nhà báo thì nhiều, và các nhà báo săn đón những nguồn tin này bằng “mối quan hệ nịnh nọt,” theo lời ông Shafer.
“Sự khác biệt duy nhất giữa thời xưa và thời nay là bây giờ nhiều cuộc trò chuyện được bảo quản trong hổ phách điện tử,” ông Shafer nhận định một cách đầy hình tượng.
Margaret Sullivan, nhà bình luận về truyền thông của báo The Washington Post, có cùng quan điểm về vấn đề này. Từng giữ vai trò biên tập viên giám sát đạo đức báo chí tại báo The New York Times, bà nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không coi việc nhà báo thân thiết với nguồn tin là một “trọng tội” có thể khiến họ bị đuổi khỏi nghề báo.
“Nhìn chung báo giới Washington có xu hướng quá thân thiết với nguồn tin của họ và theo ý kiến của tôi thì việc này không phù hợp với những tập tục chuẩn nhất,” bà nói. “Việc một phóng viên gửi một phần bài báo của mình cho nguồn tin, không phải để sửa đổi mà là để xem thông tin có chính xác không, không phải lúc nào cũng là trọng tội.”
“Bản thân tôi không làm như vậy… nhưng tôi nghĩ có thể đưa ra lập luận để biện minh cho việc thỉnh thoảng làm chuyện này,” bà nói thêm.
Một số email giữa ông Podesta và Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc với những nhà báo rõ ràng “khiến người ta xấu hổ” nhưng đó không phải là sự băng hoại về đạo đức nghề nghiệp, theo lời bà Sullivan.
Đánh đồng sai lạc
Truyền thông chính thống không chỉ bị phe Cộng hòa đả kích là thiên vị bà Clinton mà còn bị phe Dân chủ cáo buộc là đẩy vụ lùm xùm email của bà lên ngang với nhiều vụ tai tiếng của ông Trump. Tại một sự kiện do Đại học Harvard tổ chức hồi đầu tháng 12, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của bà Clinton, Jennifer Palmieri, gọi vụ tai tiếng bà dùng máy chủ email cá nhân thời còn làm Ngoại trưởng là “câu chuyện bị phóng đại cực điểm, bị tường trình quá mức và gây hủy hoại nhất trong tất cả những cuộc vận động tranh cử Tổng thống.”
Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của Trung tâm Shorenstein về Truyền thông, Chính trị và Chính sách Công, thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard, truyền thông chính thống đã không làm tròn nhiệm vụ của mình đối với cử tri vì tường trình của họ về bà Clinton lẫn ông Trump đều mang giọng điệu hết sức tiêu cực và vô cùng hời hợt về chính sách, “dẫn đến môi trường truyền thông đầy những sự đánh đồng sai lạc mà có thể làm cử tri ngộ nhận về những lựa chọn mà họ đối diện.”
Tác giả nghiên cứu Thomas E. Patterson cho biết vào giai đoạn cuối của cuộc vận động, những scandal của bà Clinton thu hút nhiều sự chú ý hơn những vụ tai tiếng của ông Trump, và có mức độ tập trung cao hơn. Ông viết trong bản báo cáo:
“Những vụ việc bị nói là tai tiếng của bà Clinton chiếm 16 phần trăm lượng tường trình về bà – cao gấp bốn lần sự chú ý của báo chí nhắm vào cách thức mà ông Trump đối xử với phụ nữ và cao gấp 16 lần lượng tường trình tập trung vào lập trường chính sách được chú trọng nhiều nhất của bà Clinton.”
“Không có nhiều tin tức trong những tường trình về bà Clinton suốt cuộc tổng tuyển cử mà có lợi cho bà,” bản báo cáo nhận định.
“Những sự đánh đồng sai lạc đầy rẫy trong những tường trình tin tức ngày nay,” tác giả kết luận. “Khi những nhà báo không thể, và không chịu, phân biệt giữa những cáo buộc nhắm vào Quỹ Trump và những cáo buộc nhắm vào Quỹ Clinton thì có điều gì đó thiếu sót nghiêm trọng.”
Bà Sullivan nói rằng những sự đánh đồng sai lạc này khiến cho những cáo buộc của những người ủng hộ ông Trump chính vì thế trở nên phi lý.
“Những email, vốn là một vấn đề nghiêm trọng, bị xem cũng tệ ngang như những phát biểu của ông Trump, những mâu thuẫn lợi ích và những mối quan hệ của ông ta,” bà nhận định. “Tôi nghĩ bạn chắc chắn có thể lập luận rằng những thứ đó tệ hơn nhiều, nhưng báo chí đã làm cho chúng ngang bằng. Vì thế khó mà nói rằng như vậy là cấu kết với ban vận động tranh cử của bà Clinton.”
Truyền thông dưới thời Trump
Mối quan hệ giữa truyền thông chính thống và Tổng thống Trump trong những năm tới có phần chắc sẽ không theo truyền thống, đôi khi thậm chí có thể được mô tả là thù địch, khi ông bỏ qua những chuẩn mực và thông lệ mà những Tổng thống tiền nhiệm tuân theo.
Đội ngũ của ông Trump tuần trước loan báo rằng cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống đắc cử, lẽ ra theo lịch trình đã diễn ra mấy ngày ngước, sẽ được dời lại sang tháng sau. Gần như mọi Tổng thống đắc cử trong thời hiện đại đều tổ chức họp báo chỉ vài ngày sau khi họ giành chiến thắng, một truyền thống không chính thức trong nền chính trị của Mỹ vốn được tuân thủ suốt 40 năm qua cho tới trước năm nay.
Trong khi đó, ông Trump vẫn tiếp tục thói quen dùng Twitter để truyền đạt trực tiếp những thông điệp của mình tới công chúng và bỏ qua truyền thông chính thống, đối tượng thường xuyên bị ông đả kích là “đáng kinh tởm,” “cặn bã,” “loại người hạ tiện nhất đời” trong suốt khoảng thời gian vận động tranh cử.
Trong bối cảnh thông tin sai lệch lan tràn trên mạng xã hội và thậm chí đến từ những phát biểu của chính Tổng thống đắc cử, truyền thông chính thống nhận thức rõ vai trò thiết yếu của mình như là “quyền lực thứ tư” trong một nền dân chủ hoạt động. Bởi vì công chúng vẫn trông cậy vào họ, theo lời nhà báo Đỗ Dzũng, Tổng thư ký nhật báo Người Việt ở California.
“Nếu bây giờ anh không tin vào truyền thông chính thống thì anh tin vào cái gì?” ông đặt câu hỏi. “Người ta sẽ vẫn phải theo dõi truyền thông chính thống, dù tin hay không tin, người ta cũng dần dần biết ra được.”
“Bởi vì truyền thông chính thống vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội của Mỹ và nó sẽ không biến mất đi. Bảo đảm với anh như vậy,” ông khẳng định.

Thủ tướng Nhật thăm Trân Châu Cảng,

nhưng sẽ không xin lỗi

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần tới sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để hoá giải những mối oán hận về quá khứ quân phiệt của nước ông với chuyến đi thăm Đài tưởng niệm trận Trân Châu Cảng ở Hawaii. Cuộc đột kích bất ngờ của Nhật Bản tấn công một căn cứ hải quân của Mỹ vào năm 1941 ở đây đã giết chết 2000 người Mỹ, và lôi kéo Hoa Kỳ vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Sau khi gây phẫn nộ cho các nước láng giềng vào năm 2013 khi ông đến thăm đền Yasukuni vinh danh các chiến sĩ trận vong Nhật, trong đó có một số tội phạm chiến tranh, Thủ tướng Abe có lập trường bảo thủ đã đóng một vai trò chủ động để giải quyết những quan ngại về nỗ lực của ông nhằm diễn giải lại lịch sử chiến tranh của nước ông với một thái độ bớt tự ti hơn, hầu có thể dọn đường nhằm cởi bỏ những hạn chế do hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản áp đặt.
Ông Grant Newsham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo nhận định:
“Thủ tướng Abe đã hoàn tất nhiệm vụ ấy một cách thành công trong hai năm qua, khi ông không phát biểu ồn ào hay nêu lên các quan điểm riêng về lịch sử cận đại của khu vực, đặc biệt có liên quan tới Thế chiến thứ Hai.”
Ông Abe được coi như một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc có lập trường xét lại, theo đó hình ảnh của Nhật Bản không được coi như một đế quốc gây chiến trong Thế chiến thứ Hai, mà là một quốc gia tìm cách đẩy lùi sự thống trị của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu ở Châu Á.
Giám đốc Ban Á Châu học tại đại học Temple ở Tokyo Jeff Kingston nói rằng, theo lối diễn giải của thành phần xét lại do ông Abe dẫn đầu thì Nhật Bản là nạn nhân của những kẻ thắng cuộc, và lịch sử do bên thắng cuộc viết lại đã đặt ra nhiều nghi vấn về Nhật Bản và phương hại tới uy tin của nước này.
Vấn đề An uỷ phụ
Những phát biểu của ông Abe và những người ủng hộ ông cố tình làm giảm nhẹ hoặc bỏ qua những hành động tàn bạo của Nhật Bản đã gây phẫn nộ ở Trung Quốc, nơi ước lượng 20 triệu người đã chết trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản trong những năm của thập niên 1930 và 1940, và tại Hàn Quốc, nước bị Nhật cai trị như một thuộc địa từ năm 1910 tới năm 1945.
Liên quan tới ước lượng 200.000 “an uỷ phụ” tại Châu Á bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật thời đội quân Nhật Hoàng còn chiếm đóng các nước ở Châu Á và trong thời Thế chiến thứ Hai, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã dùng những từ ngữ mơ hồ để bày tỏ hối tiếc trong khi không nhận trách nhiệm về những hành động vi phạm nhân phẩm phụ nữ trong quá khứ.
Một số người ủng hộ ông Abe đã gây phẫn nộ khắp Châu Á với những tuyên bố như “nhiều an uỷ phụ” không bị cưỡng bức mà tình nguyện làm gái mãi dâm để làm tiền.
Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye trước đây đã từ chối, không họp song phương với Thủ tướng Abe cho tới khi nào ông thành tâm xin lỗi và bồi thường thích đáng cho các nạn nhân.
Trong khi Washington tăng sức ép để ông Abe giải quyết vấn đề gây nhiều tranh cãi này, Tokyo và Seoul đã ráo riết thương thuyết suốt nhiều tháng để tìm một giải pháp khả dĩ thoả mãn được Hàn Quốc, nhưng đồng thời không gây quá nhiều bất bình nơi thành phần dân tộc chủ nghĩa Nhật.
Tháng 12 năm ngoái, hai bên đạt được một thoả thuận. Ông Shinzo Abe công bố một văn kiện, đưa ra “những lời xin lỗi thành thực nhất, và bày tỏ niềm hối hận đối với tất cả những phụ nữ đã phải trải qua những trải nghiệm đau đớn, để lại những vết thương không thể xoá bỏ về mặt thể chất và tâm lý”. Tokyo cũng đồng ý đóng góp hơn 8 triệu đôla vào một quỹ Hàn Quốc để hỗ trợ các an uỷ phụ còn sống sót.
Đổi lại, Hàn Quốc nối lại hợp tác song phương với Nhật Bản, và cả hai bên đồng ý rằng cách giải quyết đó là “giải pháp cuối cùng và không thể bị lật ngược.”
​Nước Nga
Thủ tướng Nhật Bản không đạt được thành công tương tự trong các cuộc thương thuyết với Nga để nước này trao lại quần đảo Kuril trong vùng biển Tây Thái Bình Dương, bị các lực lượng Xô-viết chiếm đóng vào cuối cuộc thế chiến, buộc 17.000 cư dân Nhật Bản phải rời khỏi quần đảo này.
Hai nước không đạt được đồng thuận để đi tới một hoà ước thời hậu chiến vì cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn liên quan tới chủ quyền quần đảo Kuril.
Tuần trước ông Abe và ông Putin hội đàm trong hai ngày, và cuối cùng chỉ đồng ý được với nhau là sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận về quần đảo Kuril trong tương lai.
Trung Quốc
Quan hệ gần gũi giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm nới rộng phạm vi hoạt động của lực lượng tự vệ Nhật Bản đã gây quan tâm ở Trung Quốc.
Bắc Kinh và Tokyo còn đối đầu trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ về một quần đảo không người ở mà người Nhật gọi là Senkaku và được biết đến ở Trung Quốc là đảo Điếu ngư, trong biển Hoa Đông.
Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên hai nước gần khu vực tranh chấp này.
Tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đồng ý gia tăng đối thoại để giải quyết vấn đề này, đồng thời đồng ý mở một đường dây nóng nhằm tránh những vụ đụng độ không có chủ ý giữa lực lượng quân sự hai nước.
Tổng thống tân cử Donald Trump
Chuyến đi thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một động thái nhằm đáp lại chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Hiroshima hồi tháng Năm năm nay. Trong tư cách là vị Tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ tới thăm địa điểm nơi Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới, ông Obama bày tỏ đồng cảm với các nạn nhân, nhưng không xin lỗi.
Ông Shinzo Abe đã xây dựng các quan hệ thân thiết với ông Obama trong việc ủng hộ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và nới rộng vai trò của lực lượng tự vệ Nhật Bản để chống lại mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn, cũng như các hành động hung hăng của Trung Quốc trong Biển Đông.
Nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi, trao phần thắng cho ông Donald Trump, có thể là sức ép đẩy ông Abe vào thế phải nhanh chóng bày tỏ đoàn kết với Hoa Kỳ.
Ông Trump chống đối TPP và trong chiến dịch vận động tranh cử của ông, đã chỉ trích Tokyo là không đóng góp một cách công bằng để trang trải các chi phí quốc phòng liên quan tới sự hiện diện của 50.000 quân nhân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản.

Tác giả ‘Chết bởi Trung Quốc’ làm cố vấn cho ông Trump

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump vừa đề cử kinh tế gia thúc đẩy quan điểm cứng rắn về mậu dịch với Trung Quốc, Peter Navarro, làm trưởng Hội đồng Thương mại Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, theo tin từ nhóm chuyển tiếp quyền lực của ông Trump loan báo ngày 21/12.
Ông Navarro, một người khoa bảng từng làm cố vấn đầu tư, là tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng và cũng từng làm một bộ phim nói về tham vọng của Bắc Kinh muốn thống trị kinh tế và cường quốc quân sự tại Châu Á và mô tả Trung Quốc là mối đe dọa cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump nói ông Navarro là một kinh tế gia có viễn kiến, có thể phát triển các chính sách thương mại giúp giảm thâm thủng mậu dịch, mở rộng tăng trưởng, và chấm dứt tình trạng ‘chảy máu’ công ăn việc làm của Mỹ ra nước ngoài.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa sẽ áp thuế suất cao đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc một khi ông lên làm Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới đây.
Ông Navarro, 67 tuổi, Giáo sư Đại học California, Irvine từng cố vấn cho ông Trump vận động tranh cử.
Trong số các quyển sách do ông sáng tác có cuốn “Chết bởi Trung Quốc: Nước Mỹ đã mất đi các cơ sở sản xuất như thế nào.” Sách này đã được dựng thành một bộ phim tài liệu.

Nga lên án Hà Lan về hợp tác quân sự với Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư lên án Hà Lan cho phép Hoa Kỳ triển khai thiết bị quân sự trên lãnh thổ Hà Lan, nói rằng phán quyết của tòa án Hà Lan ra lệnh trả các bảo vật của bán đảo Crimea cho Ukraine là không thân thiện.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói “Có vẻ như nhà chức trách Hà Lan bắt đầu tìm được hứng thú khi cố tình phá hoại các quan hệ với Nga”.
Bà Zakharova nói phán quyết của tòa án Hà Lan ra lệnh trao trả các bảo vật ở bảo tàng Crimea cho Ukraine thay vì cho Nga, là không công bằng và động thái này sẽ chấm dứt tham vọng của La Haye trở thành thủ đô pháp lý của thế giới.
Hồi tuần rồi, Nga cho hay sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án Hà Lan. Theo phán quyết này, bộ sưu tập các bảo vật bằng vàng vô giá mà một viện bảo tàng Hà Lan đã mượn ở Crimea sẽ phải được trao trả cho Ukraine.

Taliban tung video về cặp vợ chồng con tin Mỹ-Canada

Chính phủ Canada kêu gọi trả tự do cho một cặp vợ chồng bị cầm giữ ở miền bắc Afghanistan trong bốn năm qua, sau khi những kẻ bắt cóc họ phát tán một video về cặp vợ chồng này.
Video chiếu ảnh hai vợ chồng Joshua Boyle, người Canada và vợ Caitlan Coleman, một công dân Mỹ, cùng với hai đứa con. Hai đứa trẻ này đã ra đời trong khi hai vợ chồng bị cầm giữ.
Bà Coleman kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump hãy cứu gia đình bà.
Bà Coleman nói:
“Họ muốn tiền bạc, quyền lực và bạn bè. Hãy cho họ những thứ ấy thì mới đạt được tiến bộ. Cầm giữ con tin trong suốt 5 năm là thời gian quá lâu, và tình huống này cho thấy sự thất bại của tất cả các bên liên quan. Chúng tôi đã cố gắng giải thích hoàn cảnh trớ trêu và tội lỗi với những người bắt cóc chúng tôi, nhưng chỉ vô ích mà thôi”.
Hai vợ chồng Boyle và Coleman bị mạng lưới Haqqani, một nhánh của Taliban, bắt hồi cuối năm 2012 khi họ đang đi du lịch ở tỉnh Wardak, một cứ điểm của quân nổi dậy ở gần Kabul. Lúc đó, bà Coleman đang mang thai đứa con đầu tiên.
Đây là video đầu tiên có sự xuất hiện của hai vợ chồng từ sau băng video công bố hồi tháng Tám, trong đó họ cảnh báo rằng những kẻ bắt cóc sẽ giết họ, trừ phi chính phủ Afghanistan ngưng hành quyết các tù nhân Taliban.
Từ sau vụ bắt cóc, chính phủ Hoa Kỳ đã có cố gắng để tìm cách phóng thích cặp vợ chồng này, nhưng nỗ lực đó liên tục thất bại. Mạng lưới Haqqani đòi thả Anas Haqqani, một trong những thủ lãnh của mạng lưới Haqqani bị tình báo Afghanistan bắt vào năm 2014. Chính phủ Afghanistan đã kết án tử hình ông này.
Hiện chưa có phản ứng tức thời từ phía Bộ Ngoại giao hay chính phủ Hoa Kỳ.

Nga tuyên bố sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ

Điện Kremlin hôm thứ Tư nói các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga sẽ phương hại tới mối quan hệ giữa hai quốc gia, và Moscow sẽ trả đũa bằng các biện pháp riêng.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với nhà báo:
“Chúng tôi lấy làm tiếc là Washington vẫn tiếp tục đi theo con đường dẫn phá hoại như vậy”.
Ông Peskov nói việc này sẽ làm tổn hại mối quan hệ song phương, và Nga sẽ có những biện pháp tương xứng để đáp ứng.
Hôm thứ Ba, Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân và các công ty Nga. Các biện pháp chế tài này được đưa ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Trang mua sắm Taobao của TQ bị đưa vào danh sách đen

Mỹ ngày 21/12 bỏ tên trang mạng mua sắm nổi tiếng Taobao của Trung Quốc trở lại danh sách đen gồm ‘các thị trường khét tiếng’ vì bán hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hành động của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ chống lại website do tập đoàn Alibaba vận hành theo sau các khiếu nại từ các tổ chức thương mại Mỹ và quốc tế rằng Taobao không theo dõi kiểm soát các hoạt động mua bán hàng giả và hàng đánh cắp.
Bị liệt kê vào danh sách đen này không đi kèm với các biện pháp trừng phạt trực tiếp, nhưng là một đòn giáng cho các nỗ lực của Alibaba nhằm xóa ấn tượng nơi khách hàng rằng các trang web của họ đầy rẫy hàng giả. Việc này rất quan trọng để chiếm được thị phần quốc tế lớn hơn từ các đối thủ cạnh tranh như eBay và Amazon.
Công bố danh sách 2016, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nói mức độ hàng giả và hàng ăn cắp bản quyền trên Taobao vẫn ở mức cao khó chập nhận.
‘Một hãng xe lớn báo cáo rằng ít nhất 95% hàng hóa mang nhãn hiệu của họ trên trang Alibaba nghi là hàng giả,’ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho hay.
Công ty Alibaba đã lên tiếng bày tỏ thất vọng trước quyết định của Mỹ.
Taobao từng bị đưa vào danh sách đen này hồi 2011 và được rút tên ra vào năm 2012 sau những nỗ lực giải quyết các quan ngại về sở hữu trí tuệ và cam kết cắt giảm số hàng giả, hàng đánh cắp rao bán trên trang mạng của họ.
Trang Taobao là một trong năm trang web mua sắm hàng đầu ở Trung Quốc và nằm trong top 15 trang mua sắm lớn nhất toàn cầu.

Cúm gia cầm bùng phát ở Châu Á

Một chủng cúm gia cầm cực kỳ độc lây lan trong không khí đang hoành hành khắp khu vực Đông Bắc Á.
Nhật Bản vừa phát động một chiến dịch tiêu hủy mới trên một hòn đảo phía Nam, vài ngày sau khi đã tiêu hủy hàng trăm ngàn gia cầm cách khu vực này chừng 2.400 km về hướng Bắc.
Đối phó với đợt bùng phát dịch thứ sáu tại Nhật kể từ cuối tháng 11 tới nay, giới hữu trách khu vực Kyushu cho biết sẽ tiêu hủy hơn 120 ngàn con gà sau khi phát hiện virus H5 tại một nông trại.
Đảo này gần Hàn Quốc, nơi đã ra lệnh tiêu hủy số gia cầm lên mức kỷ lục là 20 triệu con kể từ khi xuất hiện báo cáo đầu tiên về virus H5N6 chỉ một tháng trước.
Sự lây lan nhanh chóng của dòng virus này khiến giới y tế khắp khu vực Châu Á chật vật đối phó trong khi ngành công nghiệp gia cầm bị thiệt hại tài chính nặng nề.
“Nguy cơ con người bị lây nhiễm hiện được xem là thấp nhưng virus cúm thường xuyên biến đổi, cho nên chúng ta phải đề cao cảnh giác,” Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.
Trung Quốc đã có lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ hơn 60 nước, kể cả Hàn Quốc và Nhật.
Hong Kong vừa xác nhận ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên nơi người sau khi một ông cụ 75 tuổi vừa trở về từ Trung Quốc bị chẩn đoán bị nhiễm virus H7N9. Tình trạng bệnh nhân này hiện đang rất nguy kịch.
Ma Cau, cách Hong Kong chừng một tiếng đi phà, tuần trước tiêu hủy 10 ngàn con gà sau khi một công nhân làm việc trong một chợ bán sỉ gia cầm ngã bệnh vì virus H7N9.
Đợt bùng phát lớn gần đây nhất tại Trung Quốc hồi năm 2013 khiến 36 người thiệt mạng và gây thiệt hại 6,5 tỷ đô la cho lĩnh vực nông nghiệp.

Xe van lao vào một ngôi chợ ở Bắc Kinh, 4 người chết
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương hôm thứ Tư 21/12 khi một chiếc xe minivan lao vào một ngôi chợ của nông dân ở Bắc Kinh.
Hãng tin AP trích lời văn phòng An ninh Công của thành phố Bắc Kinh cho biết, nhà chức trách đã bắt giữ người lái xe, mặc dù hiện không rõ liệu vụ này là do tai nạn hay cố ý.
Vụ việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi diễn ra cuộc tấn công khủng bố ở Berlin, một nghi can thánh chiến Hồi giáo giết 12 người khi lái xe tải đâm vào một đám đông tại một chợ Giáng sinh.
Trong một cuộc tấn công hầu như phỏng theo vụ thảm sát ở Berlin, vụ tấn công ở Bắc Kinh đã gieo rắc kinh hoàng tại ngôi chợ ở Bắc Kinh.
Cảnh sát nói nhiều người bị thương theo nhiều mức độ khác nhau, nhưng không xác nhận liệu vụ này là một tai nạn hay có liên quan tới khủng bố.
Báo The Sun tường thuật rằng những người bị thương đã được đưa vào bệnh viện điều trị.
Các giới chức an ninh thành phố cho biết là chiếc xe và tài xế đã bị câu lưu tại ngôi chợ ở thị trấn Chikou, Changping.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho hay cảnh sát đang có mặt ở hiện trường và đang tiến hành điều tra.

Pháp xét an ninh các chợ Giáng sinh sau vụ tấn công Berlin

Pháp đang tiến hành các “vụ bắt giữ đánh chặn” và kiểm tra việc dựng các rào cản bằng bê tông tại các chợ Giáng sinh trong bối cảnh có nhiều lo sợ về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Hồi giáo ngay sau vụ tấn công ở Berlin hôm thứ hai.
Một phát ngôn viên của chính phủ Pháp cho biết đã tiếp xúc với ban tổ chức chợ Giáng sinh để kiểm tra tất cả các biện pháp an ninh, kể cả kiểm tra hành lý tiếp theo sau cuộc tấn công ở Berlin hôm thứ hai, khi một xe tải lao vào một ngôi chợ, giết chết 12 người.
Mối lo sợ về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Hồi giáo đang tăng cao ở Pháp, nơi hơn 230 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công trong hai năm qua, và tình trạng khẩn cấp được ban hành hơn một năm qua.
Tình trạng khẩn cấp ban hành sau khi các chiến binh Hồi giáo giết chết 130 người ở Paris hồi tháng 11 năm 2015, trao nhiều quyền hạn hơn cho cảnh sát để mở rộng phạm vi hoạt động để truy lùng và bắt giữ các nghi phạm bị coi là mối đe dọa về an ninh.
Phát ngôn viên chính phủ Stephane Le Foll nói các vụ bắt giữ để đánh chặn, một phần trong chiến dịch đang tiếp diễn chống khủng bố, là nhằm tránh “tất cả các nguy cơ về một cuộc tấn công hay âm mưu tấn công”.
Phát ngôn viên của cảnh sát Johanna Primevert cho biết binh sĩ sẽ được bố trí để đảm bảo an ninh tại những nơi thờ phượng, nơi mọi người tụ tập đông đảo hơn bình thường vào ngày 25 tháng 12, một trong những ngày lễ lớn của đất nước có truyền thống theo Công Giáo La Mã.
Các nguồn tin an ninh ở Berlin cho biết cảnh sát Đức đang truy lùng một người đàn ông Tunisia sau khi tìm thấy giấy tờ tuỳ thân bên dưới ghế tài xế của chiếc xe tải đã lao vào chợ Giáng sinh ở Berlin.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux cho biết hàng chục người đang bị theo dõi trong tư cách là những phần tử có thể nguy hiểm. Nhiều người trong số họ đã từng tới Syria, căn cứ của Nhà nước Hồi giáo, nhóm đã kêu gọi thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công khác trên lãnh thổ Pháp.
Pháp đã đóng góp nhiều phản lực cơ cho một lực lượng liên minh mở rộng đang đánh bom vào các thành trì của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Nhật tăng ngân sách quốc phòng

trong lúc có căng thẳng với TQ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự đe dọa vũ khí và tên lửa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên.
Ngân sách quốc phòng vừa được thông qua tăng 1,4% lên mức 5,13 nghìn triệu yen, tương đương 35,2 tỉ bảng hay 43,6 tỉ usd, với phần tăng thêm chủ yếu là do chi phí của chiến đấu cơ và tàu ngầm.
Một ngân sách riêng dành cho hoạt động tuần duyên cũng sẽ tăng đáng kể.
Các kế hoạch chi tiêu trên là một phần trong toàn bộ ngân sách trị giá 97,5 nghìn tỷ yen cho năm tài chính bắt đầu từ 01 tháng Tư 2017.
Ngân sách này cần phải được Quốc hội Nhật Bản thông qua, nhưng nếu được phê duyệt, đây là lần thứ năm liên tiếp Nhật tăng ngân sách quốc phòng.
Chi phí bảo hiểm xã hội tăng cao nhằm đáp ứng phí tổn dịch vụ cho nền dân số già cỗi đã gây nhiều áp lực cho nền kinh tế Nhật Bản, và việc tăng ngân sách quốc phòng và tuần duyên sẽ càng làm tăng thêm nợ công của nước này.
Lo ngại trong tranh chấp với Trung Quốc
Căng thẳng tăng lên trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông cũng là nguyên nhân khiến ngân sách tuần duyên của Nhật Bản tăng lên 210 tỉ yen, tương đương 1,8 tỉ đô la kể từ năm tới – so với mức 187,7 tỉ yen của năm 2016.
Các tàu tuần duyên của cả hai quốc gia thường xuyên theo sát nhau như hình với bóng ở khu vực quần đảo không có người sinh sống, hiện thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản nhưng cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Năm tàu tuần duyên cỡ lớn với 200 nhân viên lực lượng hải cảnh sẽ nằm trong các khoản được chi trả trong ngân sách mới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản cũng sẽ được nâng cấp để có thể đối phó với sự đe dọa từ các chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên.

Nghi phạm tấn công Berlin ‘đã bị theo dõi’

Cuộc truy nã trên toàn châu Âu đang được tiến hành đối với người đàn ông Tunisia lao xe tải tấn công Berlin và nghi phạm đã bị theo dõi trước đó, truyền thông cho hay.
Anis Amri, 24 tuổi, được ghi nhận bị nhà chức trách theo dõi do tình nghi âm mưu thực hiện một vụ cướp để lấy tiền mua súng nhưng việc theo dõi anh ta bị ngưng do thiếu chứng cứ.
Trước khi vào Đức, anh ta ngồi tù bốn năm vì tội phóng hỏa ở Ý.
Vụ tấn công đêm 19/12 tại chợ Giáng sinh khiến 12 người chết và làm bị thương hơn 49 người.
Một trát bắt được ban hành sau khi giấy phép cư trú của Anis Amri được tìm thấy trong cabin chiếc xe tải gây án.
Nhà chức trách Đức cảnh báo anh ta có thể mang vũ khí, là nghi phạm nguy hiểm và treo thưởng lên đến 104.000 đôla cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ.
Báo cáo cho thấy anh ta có thể đã bị thương trong lúc tấn công tài xế người Ba Lan của chiếc xe tải, và thi thể người này được phát hiện trong xe.
Thủ tướng Đức Angela Merkel họp nội các về cuộc điều tra vụ tấn công.
Trong một diễn biến khác, nội các Đức thông qua đề xuất cho phép lắp đặt thêm video giám sát những nơi công cộng.
‘Biến mất’
Gavin Lee, phóng viên BBC tại Emmerich tìm đến nơi Amri từng trú ngụ và cho hay:
“Trong một căn nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng, 16 nam giới nhập cư sống theo kiểu sinh viên. Tôi gõ cửa và gặp những thanh niên là dân tỵ nạn Iraq và Albania. Họ nói mình biết rất ít về Anis Amri và anh ta chỉ nán lại đây trong thời gian ngắn.
“Tôi không nhận diện được gương mặt anh ta”, Andi từ Albania nói khi tôi cho xem ảnh của nghi can vụ tấn công Berlin.
“Nhưng chúng tôi đã trao đổi về cuộc tấn công này với những người tỵ nạn khác,” anh ta nói thêm, “và làm thế nào người này liên lạc với chiến binh thánh chiến ở đây. Có lẽ anh ta đã gây ra vụ này. Thật kinh khủng. Nhưng không có ai ở đây biết rõ về anh ta cả”.
Có một hình graffiti chữ vạn trên tường hành lang, bằng chứng về thái độ chống nhập cư mà theo lời những người nhập cư là do dân địa phương vẽ cách đây hai tháng.
Người quản lý khu vực này, đề nghị không nêu danh tính, nói rằng Amri đã “biến mất” sau khi “ở đây trong thời gian ngắn”.
Nơi này cho thấy cuộc sống của nghi can khủng bố đang bị truy nã gắt gao nhưng không còn vết dấu gì của anh ta.

Đức : Nhà chức tránh bị chỉ trích

vì để lọt lưới nghi can khủng bố

Nhà chức trách Đức ngày càng bị chỉ trích nặng nề vì đã để lọt lưới nghi can chính trong vụ khủng bố bằng xe tải ở Berlin ngày 19/12 vừa qua, khiến 12 người chết, trong khi nghi can này trước đó đã được xác định là thành phần Hồi giáo cực đoan nguy hiểm.
Hôm qua, gần hai ngày sau khi xảy ra vụ khủng bố mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm, cảnh sát Đức mới mở chiến dịch truy lùng trên toàn châu Âu nghi can người Tunisia Anis Amri, 24 tuổi. Giấy tờ tùy thân của nghi can này đã đuợc tìm thấy ngay trong chiếc xe tải gây án tối thứ hai, nhưng trong suốt ngày thứ Ba, cảnh sát lại chỉ tập trung vào một nghi can người Pakistan, mà người này cuối cùng đã được thả ra vì không có bằng chứng nào cho thấy đây là một kẻ khủng bố.
Trong khi đó, Anis Amri lại là một gương mặt quen thuộc với cảnh sát Đức cũng như với lực lượng chống khủng bố và viện công tố. Trong suốt mùa hè năm nay, Amri đã bị theo dõi vì bị nghi chuẩn bị ăn trộm để lấy tiền mua vũ khí và chuẩn bị một vụ khủng bố. Nhưng cuộc điều tra đã bị bỏ ngang vì thiếu bằng chứng hiển nhiên. Đơn xin tị nạn của nghi can người Tunisia này cũng đã bị bác, nhưng Đức không thể trục xuất được vì Tunisia không nhận. Mặc dù có nhiều nghi vấn về Amri, nhân vật này lại được sống tự do. Cho nên báo chí Đức đặt câu hỏi là vì sau cảnh sát và các thẩm phán lại có thể bỏ sót một thành phần nguy hiểm như thế.
Cho tới nay, cảnh sát Đức vẫn không thể suy đoán được là Amri đang lẫn trốn ở đâu. Họ hứa sẽ tặng thưởng 100 ngàn euro cho những ai giúp tìm ra nghi can này. Dầu sao thì sau vụ khủng bố bằng xe tải ở Berlin, chính phủ Đức buộc phải tăng cường hơn nữa các biện pháp an ninh.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault tường trình :
Publicité
Publicite, fin dans 11 s
« Các chợ Noel, tổng cộng lên đến 2500 trên toàn nước Đức, có được bảo vệ đầy đủ bằng những chướng ngại vật chống lại những vụ khủng bố bằng xe tải như ở Berlin hay không ?
Vụ khủng bố hôm thứ Hai đã khơi dậy một cuộc tranh cãi mới về an ninh ở Đức. Trong nội bộ đảng bảo thủ, nhiều người yêu cầu phải có những biện pháp an ninh cứng rắn hơn, họ đòi xem xét lại toàn bộ các biện pháp hiện nay.
Thật ra thì chính phủ Đức đã có nhiều nỗ lực sau các vụ tấn công tình dục xảy ra đêm 31/12 năm ngoái và sau các vụ khủng bố vào mùa hè. Hôm thứ Ba, hội đồng bộ trưởng đã thông qua một dự luật mở rộng việc lắp đặt các camera giám sát ra nhiều nơi công cộng. Lực lượng cảnh sát cũng có thể mang theo những camera nhỏ. Các gương mặt và các biển số xe hơi kể từ nay có thể được nhận dạng tự động. Trong mùa hè này, chính phủ Berlin cũng đã thông báo tuyển thêm hàng ngàn cảnh sát và nhân viên tình báo.
Nhiều đề nghị khác cũng đã được đưa ra, chẳng hạn như những người đã từng ủng hộ một tổ chức khủng bố hoặc đã từng có hành vi bạo lực ảnh hưởng đến an ninh công cộng phải đeo vòng điện tử để được theo dõi dễ dàng hơn. Hoặc là phải giam trong tù những người có khả năng gây khủng bố và cần bị trục xuất ».

Liên Hiệp Quốc lập nhóm làm việc

về tội ác chiến tranh ở Syria

Hôm qua, 21/12/2016, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua việc thành lập một nhóm làm việc về các tội ác chiến tranh ở Syria, bước đầu tiên tiến đến việc truy tố những kẻ gây ra các tội ác này.
Nghị quyết, do Liechtenstein đệ trình và được 58 quốc gia bảo trợ, trong đó có Pháp và Mỹ. Nhưng Nga, đồng minh của chế độ Bachar al-Assad, cùng với Trung Quốc và Iran đã bỏ phiếu chống. Vào năm 2014, Nga cùng với Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để ngăn chận một nghị quyết yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra về các tội ác chiến tranh ở Syria
Nhóm làm việc nói trên này sẽ phối hợp chặt chẽ với một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc, được thành lập từ năm 2011 và vẫn thường xuyên đệ trình những báo cáo chi tiết về các tội ác chiến tranh ở Syria kể từ khi nổ ra xung đột , mà nay khiến tổng cộng hơn 300 000 người thiệt mạng.
Cũng về hồ sơ Syria, theo hãng tin AFP, Pháp và Anh chuẩn bị đệ trình lên Hội Đồng Bảo An một dự thảo nghị quyết cấm bán trực thăng cho Damas và ban hành những trừng phạt mới có liên quan đến vũ khí hóa học. Dự thảo nghị quyết có thể được đưa ra biểu quyết vào tuần tới. Nhưng các nhà ngoại giao ở LHQ cho rằng chắn chắn là, cũng như những lần trước, Nga sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự thảo nghị quyết nói trên.
Về tình hình tại chổ, hôm nay, đoàn xe chở những quân nổi dậy cuối cùng đã rời khỏi thành phố Aleppo. Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế hy vọng là chiến dịch di tản sẽ kết thúc hôm nay để chính quyền Damas có thể tuyên bố đã chiếm lại toàn bộ thành phố lớn thứ hai của Syria. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất của chế độ Bachar al- Assad trong gần 6 năm nội chiến đẫm máu.
Trong khi đó, theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergueï Choïgou hôm nay, kể từ khi can thiệp vào Syria tháng 09/2015, không quân Nga đã thực hiện 17.800 cuộc oanh kích, « tiêu diệt » tổng cộng 35 000 quân thánh chiến ở Syria.

Philippines : Ủy ban độc lập điều tra

vụ ‘‘tổng thống giết người’’

Hôm nay 22/12/2016, theo AFP, một ủy ban độc lập của Philippines phụ trách về nhân quyền thông báo mở điều tra sau khi tổng thống Rodrigo Duterte thú nhận đã giết ba người vào năm 1988, trong thời gian làm thị trưởng Davao. Thú nhận được đưa ra hồi tuần trước.
Chủ trương bắn giết không nương tay đối với những người có liên quan với ma túy của tổng thống Philippines bị giới bảo vệ nhân quyền lên án dữ dội. Hôm thứ Ba 20/12, sau thú nhận của ông Duterte, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, khẳng định ‘‘rõ ràng có chuyện giết người’’ và yêu cầu tư pháp Philippines mở điều tra.
Trong một thông cáo về vấn đề nói trên, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền (Commission on Human Rights), ông Jose Gascon, cho biết cơ quan này ‘‘đã thành lập một ê kíp để phục vụ cho một cuộc điều tra mới (về các vụ giết người tại Davao) dựa trên một số thông tin và những lời thú nhận mới, có thể giúp làm sáng tỏ cuộc điều tra trước đó’’.
Chính ủy ban này đã từng mở điều tra về các cáo buộc, theo đó ông Duterte đã chỉ huy nhiều ‘‘biệt đội’’ tử thần, giết hại hơn 1.000 người tại Davao, trong thời gian Rodrigo Duterte làm thị trưởng. Sau cuộc điều tra nói trên, Ủy Ban Nhân Quyền đã không quyết định truy tố đương kim tổng thống.
Ủy Ban Nhân Quyền là hậu thân của Ban Nhân quyền trực thuộc phủ tổng thống, được thành lập năm 1986, dưới thời tổng thống Corazon Aquino, sau khi chế độ độc tài Marcos sụp đổ. Kể từ năm 1987, theo Hiến pháp Philippines, Ủy Ban này trở thành một tổ chức độc lập của Nhà nước, có trách nhiệm điều tra về các nghi án giết người, tra tấn hay các vi phạm Hiến Pháp khác của giới quan chức.
Theo cảnh sát Philippines, hơn 5.300 người thiệt mạng, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống hồi tháng 6/2016, trong đó có 2.124 người bị cảnh sát giết, trong các chiến dịch được cho là để tiêu diệt nạn ma túy. Ông Duterte nhiều lần hứa hạn sẽ mở rộng mô hình chống ma túy tại Davao ra toàn quốc.

Thắng lợi tại Aleppo

cho phép Putin áp đặt hòa bình ở Syria theo ý muốn

Hoa Kỳ và châu Âu kể từ giờ hoàn toàn vắng bóng trong hồ sơ khủng hoảng Syria. Tương lai của nước này sẽ do ba quốc gia định đoạt: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Và Putin giờ có thể tự cho mình là người kiến tạo hòa bình cho Syria. Chiến thắng tại Aleppo cho thấy rõ một chiến thuật hiệu quả của Nga: “Một mũi tên bắn trúng nhiều đích”.
Cuộc họp ba bên cấp ngoại trưởng tại Matxcơva hôm thứ Ba 20/12/2016 diễn ra thành công, khẳng định Nga và Iran đã lấy lại thế thượng phong trên chính trường quốc tế. Trong bối cảnh Hoa Kỳ quá do dự và thoái lui, châu Âu chia rẽ, kể từ giờ Matxcơva sẽ quyết định cuộc chơi.
Cụ thể hơn, phương Tây và Liên Hiệp Quốc sẽ không là những tác nhân chính trong hồ sơ này, thay vào đó là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đối tác trong khu vực tiến hành các cuộc đàm phán. Geneve, nơi vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình cũng không phải nơi để thương thuyết nữa. Thay vào đó là Astana, thủ đô Kazakhstan, đồng minh chính của Matxcơva tại Trung Á.
Đối với ông Nikolai Kojanov, thuộc trung tâm Carnegie ở Matxcơva, được Le Figaro (17-18/12/2016) trích dẫn: “Cách tiếp cận của ông Putin là hoàn toàn logic. Matxcơva rồi cũng hiểu ra rằng khuôn khổ song phương với Hoa Kỳ thì không giải quyết được gì trong cuộc khủng hoảng Syria. Giờ đây cần phải đưa các tác nhân khu vực vào trong cuộc thương thuyết này”.
Theo phân tích của Le Figaro, thắng lợi tại Aleppo, Syria, sau 15 tháng can thiệp quân sự của Matxcơva, cho thấy rõ đường lối chiến thuật của Nga tại khu vực. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Vladimir Putin đã thực hiện được tất cả các mục tiêu của mình tại Syria.
Ngoài việc cứu được đồng minh Bachar al Assad và gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, đây còn là một lời cảnh báo dành cho phương Tây và người dân Nga, như Putin đã từng làm với Ukraina, nhắc rằng đã qua rồi cái thời của mọi sự nổi dậy, cách mạng màu và mùa xuân Ả Rập để lật đổ chế độ.
Giải quyết được khủng hoảng Syria còn là cách để Putin “rửa nhục” sau thất bại từ cuộc chiến tranh lạnh. Đấy cũng là cách ông trả đũa hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya, Irak và Kosovo. Những “nỗi nhục” mà cho đến giờ nhiều lãnh đạo Nga vẫn chưa nguôi ngoai.
Đấy cũng chính là cách ông Putin chứng tỏ rằng, trái với chính quyền Hoa Kỳ, quốc gia đã bỏ rơi các đồng minh tại Syria, nước Nga không bao giờ bỏ rơi bạn bè của mình. Và nhất là, Putin đã đưa được nước Nga quay trở lại chính trường quốc tế, có mặt trên sân chơi của các cường quốc và ngẩng cao đầu, mặt đối mặt với Hoa Kỳ.
Câu hỏi đặt ra: Trục liên minh tam giác Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran này sẽ kéo dài được bao lâu? Trong cuộc xung đột Syria, Nga và Iran chắc chắn không có cùng lợi ích cũng như mục đích. Tuần trăng mật giữa Ankara và Matxcơva cũng có thể ngắn ngủi. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ những phe nhóm đối lập nhau tại Syria, dù rằng bề ngoài, trong cuộc họp ba bên hôm thứ Ba, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra đồng lòng với Nga ưu tiên chống khủng bố, không kêu gọi lật đổ Bachar al Assad như lúc ban đầu.
Cuối cùng, với một nền kinh tế suy yếu, tình hình Syria phức tạp và vấn đề chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech), liệu Nga có thể hỗ trợ Bachar al Assad tái thiết đất nước trên phương diện chính trị và tài chính đến đâu? Nói tóm lại, tờ Le Figaro nhận định: tìm kiếm được hòa bình cho Syria có lẽ còn khó hơn là đạt được thắng lợi trong một cuộc chiến.

Trung Quốc bắt giữ chủ một trang web về nhân quyền

Tổ chức Amnesty International hôm nay, 22/12/2016, loan tin là chủ một trang web về nhân quyền ở Trung Quốc vừa bị bắt giữ với tội danh « làm lộ bí mật Nhà nước », một hành động mới của chính quyền Bắc Kinh trong chiến dịch đàn áp những nhà hoạt động tại nước này.
Người vừa bị bắt là ông Hoàng Kỳ (Huang Qi), chủ trang web « 64 Tianwang – lục tứ thiên võng », chuyên đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền  ở Trung Quốc. Nội dung trang web này vẫn bị ngăn chận truy cập ở Hoa lục. Tháng 11 vừa qua, trang web của ông Hoàng Kỳ đã được trao tặng « Giải Tự do Báo chí TV5 Monde/Phóng viên không biên giới ». Cách đây 12 năm, bản thân ông Hoàng Kỳ cũng đã được tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải Cyber-Dissident dành cho những nhà bất đồng chính kiến dùng Internet làm phương tiện đấu tranh.
Theo Ân xá Quốc tế, chỉ vài tuần sau khi trang web của ông được trao giải, ông Hoàng Kỳ đã bị công an bắt giữ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Thứ sáu tuần trước, gia đình của Hoàng Kỳ được chính quyền thông báo là ông đã bị bắt với tội danh làm lộ bí mật Nhà nước cho các tổ chức ở hải ngoại.
Một nhà nghiên cứu thuộc phân ban Trung Quốc của Amnesty International, ông Patrick Poon, nói với hãng tin AFP rằng Hoàng Kỳ đã bị bắt do bản thân ông và trang web của ông được quốc tế chú ý. Ông Patrick Poon không loại trừ khả năng ông Hoàng Kỳ bị tra tấn và những hình thức ngược đãi khác trong tù.
Theo nhận định của AFP, vụ bắt giữ ông Hoàng Kỳ có thể là nhằm cảnh cáo những trang web khác có nội dung tương tự, trong bối cảnh một đạo luật mới, với nhiều hạn chế nghiêm ngặt với các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Trung Quốc, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 01/2017.
Ông Hoàng Kỳ đã từng bị kết án 5 năm tù vào năm 2000. Đến năm 2009, ông lại bị tuyên án 3 năm tù vì đã tố cáo chất lượng xây dựng tồi tệ của các trường học bị sập trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 khiến 87 000 người chết.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.