Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 29/11/2016

Tuesday, November 29, 2016 6:42:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 29/11/2016

Việt Nam tuyên bố vẫn cải cách dù có TPP hay không

Giữa lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ đang chuẩn bị kết liễu hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì kế hoạch thúc đẩy 30 dự luật vốn được xây dựng để tuân thủ hiệp định TPP, trong đó có các luật về lao động, kinh doanh, ngoại thương và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, phát biểu rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành những gì chúng tôi có kế hoạch làm. Chúng tôi cần cải thiện công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Điều đó rất quan trọng”.
Lâu nay Việt Nam được xem là một trong những nước có thể hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, với triển vọng tiếp cận được nhiều thị trường hơn cho các loại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, từ quần áo, giày dép cho đến hàng điện tử.
Tuy vậy khi TPP bị đình trệ, Việt Nam không mất tất cả mọi thứ. TPP đã giúp tạo đà cho những thay đổi về cơ cấu ở đất nước có hơn 90 triệu dân này.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Quốc hội, nói với Bloomberg rằng TPP đã nâng cao nhận thức của những thành phần chủ chốt như quan chức chính phủ, các chủ lao động, công đoàn, người lao động và công chúng về tác động của thương mại tự do. Các chủ doanh nghiệp dường như cũng muốn duy trì đà cải cách do TPP tạo ra.
Ông Alan Pham, kinh tế gia trưởng của VinaCapital, công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, nói TPP có thể là một lộ trình cho Việt Nam khi đất nước hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Có TPP hay không, Việt Nam sẽ vẫn cải cách. Hiệp định này rất có ích để chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam biết cần tiến hành những bước gì để thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu”.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngay cả khi TPP thất bại, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế nhiều hơn với 12 hiệp định thương mại tự do khác đã ký.
TPP gồm 12 nước trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật, Úc và một số nước khác, nhưng không có Trung Quốc. Khối này được cho là sẽ chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu hay 30 nghìn tỷ đôla nếu hiệp định TPP có hiệu lực.
Theo Bloomberg, VietnamNet

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thay đổi nhân sự quan trọng

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam vừa có những thay đổi nhân sự quan trọng vào ngày hôm qua với những bổ nhiệm mới.
Ở Bộ Quốc phòng, Đại tá Phùng Quang Hải, con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã bàn giao chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty 319 cho người khác. Báo chí trong nước không đưa tin cụ thể tại sao có thay đổi này ở Bộ Quốc phòng.
Tổng công ty 319 trực thuộc Bộ Quốc phòng, chuyên lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, công trình giao thông thủy lợi, rà phá bom mìn, và bất động sản. Năm 2009, ông Phùng Quang Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty 319. Đến tháng 8 năm 2011, ông được bố của mình là Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty 319.
Tại Bộ Công An, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội làm Phó Tổng Cục trưởng tổng cục Cánh sát Bộ Công An.

Tòa Hà Tĩnh xét xử

nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hôm nay mở phiên tòa xét xử nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cùng 6 cán bộ từ cấp huyện đến chủ tịch xã, phó chủ tịch xã với cáo buộc làm trái quy định nhà nước để chiếm đoạt, làm thất thoát hàng chục tỷ đồng.
Theo cáo trạng, năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án kinh phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng áng với tổng số tiền 537 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh, bị cáo tại phiên tòa, là chủ tịch hội đồng bồi thường. Ông Bổng cùng các thuộc cấp đã bàn bạc thống nhất hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất công do xã quản lý thành đất đã giao cho các hộ dân sử dụng trước mốc 1/7/2004 để được hưởng chính sách bồi thường 100% giá đất nông nghiệp. Với cách làm này, các bị cáo đã làm thất thoát số tiền trên10 tỷ đồng, hiện không thể thu hồi.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù đối với ông Bổng và 4 bị cáo khác. Hai người còn lại bị đề nghị khung hình phạt từ 3 đến 12 năm. Dự kiến phiên tòa kéo dài 3 ngày từ ngày hôm nay đến ngày 1 tháng 12.

Việt – Nhật đối thoại quốc phòng lần thứ 4 tại Tokyo

Việt Nam và Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển qua việc Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận tàu hải quân của Nhật tới thăm các cảng của Việt Nam và sử dụng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại cảng quốc tế Cam Ranh. Đó là một nội dung trao đổi trong đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4 giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra vào ngày hôm nay tại Tokyo, Nhật Bản.
Tại cuộc đối thoại với Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Ro Manabe, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đề nghị Nhật bản tiếp tục hỗ trợ các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh. Đó là sớm ký kết bản ghi nhớ hợp tác rà phá bom mìn và Nhật bản hỗ trợ một dự án tẩy độc dioxin cho Việt Nam. Hai phía cũng và hướng tới ký kết bản ghi nhớ hợp tác tẩy độc dioxin/chất da cam giữa hai bên.
Thứ Trưởng Quốc phòng hai nước chứng kiến việc ký kết bản tham chiếu về hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương. Nhật bản sẽ hỗ trợ Việt Nam sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng và phát triển thị trường.
Công nghệ lưỡng dụng được hiểu là các công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự.

Phản ứng về Quốc tang

cho Chủ tịch Fidel Castro tại Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Dư luận xã hội đang tranh luận về việc Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có quyết định để tang Chủ tịch Fidel Castro của Cuba với hình thức Quốc tang.
Chúng tôi có đồng minh?
Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không có điều khoản nào quy định tổ chức một Quốc tang cho bất cứ ai. Tuy nhiên theo một nghị định của chính phủ ban hành vào năm 2012 thì một lễ Quốc tang cho cá nhân sẽ được áp dụng trong những trường hợp như sau: thứ nhất bốn vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội dù đang tại chức hay mãn nhiệm khi chết đều được cử hành Quốc tang. Trong trường hợp đặc biệt một cán bộ cao cấp nào đó có công lao to lớn với quốc gia hay quốc tế sẽ được xét và tổ chức Quốc tang. Tuy nhiên theo luật cán bộ ban hành năm 2008 thì người này phải là công dân Việt Nam.
Cái Đảng Việt Nam này tổ chức Quốc tang coi như là một cách nói với thế giới cũng như với người dân trong nước rằng chúng tôi có đồng minh đây!
-Nguyễn Huệ Chi
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết:
“Trong Hiến pháp Việt Nam không có quy định gì về lễ Quốc tang còn trong nghị định của chính phủ cũng như quy định nội bộ thì có quy định Quốc tang. Còn về trong văn bản nhà nước thì có một nghị đỉnh của chính phủ rất cụ thể trong trường hợp đó. Cũng có một nghị quyết của Bộ chính trị, một nghị quyết của Thường vụ Quốc hội quy định về các lễ tang của Việt Nam gồm có Quốc tang, lễ tang nhà nước, lễ tang cấp cao còn cái chuyện làm lễ Quốc tang cho một người nước ngoài thì nếu 4 cơ quan đó họ hè nhau họ làm thì coi như họ quyết định rồi.”
Đối với trường hợp Chủ tịch Fidel Castro Việt Nam quyết định để tang cho ông với nghi thức Quốc tang vào ngày 04 tháng 12 năm 2016. Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Về việc này Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi nhận định:
“Cái Đảng Việt Nam này tổ chức Quốc tang coi như là một cách nói với thế giới cũng như với người dân trong nước rằng chúng tôi có đồng minh đây! Đồng minh ở nơi xa xôi ấy và đã từng là hai nước chống Mỹ thì đồng minh ấy đối với chúng tôi rất quan trọng, nghĩa là họ vẫn muốn sống lại những ngày quá khứ chứ họ không nhìn đến tương lai gì cả.”
Chủ tịch Fidel Castro được công bố Quốc tang tại Việt Nam khiến rất nhiều người bức xúc. Câu hỏi đặt ra là ông Fidel không có công trạng cụ thể nào đối với đất nước nhưng lại hưởng vinh dự to lớn đối với nhân dân Việt Nam là một sai lầm mang tính trình diễn.
Trong thông cáo đặc biệt quyết định về việc này có loan đầy đủ tiểu sử của Chủ tịch Fidel Castro từ những hoạt động đầu tiên cho tới khi mất. Trong khoảng thời gian ấy ông sang thăm Việt Nam ba lần, ông vô cùng gần gũi với Đảng và nhà nước Việt Nam bằng những sự ủng hộ, lên tiếng cũng như luôn đứng về phía Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ông là nguyên thủ đầu tiên tới thăm Việt Nam sau khi Quảng Trị được giải phóng đầu tiên vào năm 1973.
Bản thông cáo cũng ghi nhận trên phương diện quốc tế, Fidel Castro là nhà hoạt động Nhà nước và Lãnh đạo xuất sắc trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, có đóng góp to lớn và tích cực cho Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Không thể nâng lên thành hàng Quốc tang?
Nhìn tổng quát nội dung bản thông cáo dân chúng không tìm ra được một việc làm cụ thể nào của Chủ tịch Fidel đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam ngoài các cử chỉ đầy tính ngoại giao giống như các nước cộng sản với nhau.
Những quan hệ được gọi là đặc biệt dù sao cũng không thể nâng lên thành hàng Quốc tang, vốn dành riêng cho người có công với tổ quốc.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi phân tích việc Hà Nội tổ chức Quốc tang cho Fidel như sau:
Bây giờ làm Quốc tang cũng là cách bày tỏ sự tương liên đối với người bạn xưa, tức là tưởng niệm quá khứ. Tức là họ nhìn về quá khứ, còn nếu nhìn về tương lai thì mọi chuyện đều vô nghĩa rối…
-GS Nguyễn Huệ Chi
“Fidel Castro thực lòng khâm phục Việt Nam bởi vì ông ấy là biểu tượng cho một đội quân đã lật đổ một chế độ độc tài nhưng mà lại dựng lên một chế độ độc tài khác. Có lẽ trên phương diện nào đó còn kinh khủng hơn chế độ độc tài cũ vì độc tài cũ chỉ là một cá nhân còn độc tài này là cả một đảng. Đứng về phương diện ấy ông Fidel Castro không phải là người để đất nước này làm Quốc tang mà chính Đảng Cộng sản Việt Nam làm Quốc tang cho một ông thủ lĩnh đảng Cộng sản Cuba như thế đúng hơn. Fidel Castro chỉ vì ý thức hệ mà quy phục Việt Nam, còn ông Việt Nam thì thấy có một ông từ xa xôi quy phục mình thì đồng bệnh tương liên cho nên quy phục lại!
Bây giờ làm Quốc tang cũng là cách bày tỏ sự tương liên đối với người bạn xưa, tức là tưởng niệm quá khứ. Tức là họ nhìn về quá khứ, còn nếu nhìn về tương lai thì mọi chuyện đều vô nghĩa rối bởi vì chúng ta đang phải đi theo quy luật là đi theo con dường dân chủ tự do.”
Người dân tự hỏi, nếu những quan hệ mang tính rất đặc biệt cho một người bạn cùng ý thức hệ được áp dụng vào Trung Quốc thì biết bao nhiêu cán bộ cao cấp của họ sẽ đương nhiên được hưởng vinh dự này vì trong chiến tranh Trung Quốc đã bỏ rất nhiều của cải lẫn xương máu để Việt Nam chống Mỹ.
Người dân Việt Nam theo dõi cái chết của Fidel Castro với những góc nhìn khác nhau. Nếu hàng trăm người xếp hàng trước Tòa đại sứ Cuba tại Hà Nội để khóc lóc, tỏ bày sự thương tiếc thì cũng có hàng ngàn người khác bày tỏ sự hả hê của mình trên hệ thống mạng xã hội. Sự mâu thuẩn ấy đã làm cho Quốc tang của Fidel tại Việt Nam nếu có sẽ đào thêm hố sâu chia rẽ vì ngăn cách.
Từ khi Việt Nam thống nhất, Hà Nội đã nhiều lần giúp cho Cuba thoát khỏi khó khăn về lương thực bằng hàng ngàn tấn gạo viện trợ, đây cũng đủ trả mối thân tình mà Fidel dành cho Việt Nam.
Nếu vì mục đích trả lễ cho cá nhân ông Fidel Castro thì Quốc hội Việt Nam đã có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong tư cách Chủ tịch đã dẫn phái đoàn sang Cuba vào ngày 28 tháng 11 để dự lễ tang đã trả đủ lễ đối với một nước cộng sản anh em nằm bên kia bán cầu có cùng ý thức hệ cũng như giữ vững lập trường tiến lên Chủ nghĩa xã hội như Việt Nam đang theo đuổi.
Cùng lúc với cái chết của Fidel, báo chí Việt Nam loan tải Tư lệnh hải quân Trung Quốc là tướng Ngô Thắng Lợi hôm 25 tháng 11 đã tới tham dự lễ tưởng niệm 18 tử sỹ Trung Quốc trong trận đánh vào tháng 1 năm 1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa để chiếm Hoàng Sa. Nếu ngay lúc này Việt Nam làm Quốc tang cho 74 người lính đã đổ máu cho tổ quốc ấy thì ý nghĩa biết bao nhiêu thay vì đem Fidel Castro vào vòng tranh cãi.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.