Tin Việt Nam – 28/11/2016
Việt Nam và Bắc Hàn để tang ông Fidel Castro
Hai quốc gia cộng sản anh em với Cuba tuyên bố sẽ tổ chức quốc tang cho cố lãnh tụ Fidel Castro.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng trong ngày quốc tang 4/12, “các cơ quan, công sở trên phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ” và “không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng”.
Trước đó, Bắc Hàn thông báo quốc tang kéo dài ba ngày dành cho ông Castro, vốn được Bình Nhưỡng coi là “người chung chí hướng chống Mỹ”.
Quốc gia nằm ở bán đảo Triều Tiên đã yêu cầu treo cờ rủ bên ngoài tất cả các tòa nhà thuộc chính quyền, hãng tin AP dẫn lời báo chí Bắc Hàn đưa tin hôm 28/11.
Theo một cơ quan của Nhật Bản chuyên theo dõi truyền thông Bắc Hàn, ông Castro là chính trị gia nước ngoài đầu tiên trong hơn 10 năm qua được Bình Nhưỡng để tang, sau cố Chủ tịch Palestine Yasser Arafat năm 2004.
Ngoài việc treo cờ rủ, không rõ thời gian quốc tang kết thúc vào ngày 30/11 sẽ còn bao gồm những hoạt động gì.
Các tin tức từ Bình Nhưỡng cho biết rằng lãnh tụ Kimg Jong Un gửi vòng hoa viếng ông Castro tới Đại sứ quán Cuba, và một đoàn quan chức cấp cao của Bắc Hàn cũng đã lên đường tới Havana.
Bắc Hàn là một trong những quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới. Lãnh đạo hai nước “anh em” khác là Việt Nam và Trung Quốc cũng mới tuyên bố đã “mất đi một người đồng chí”, sau khi cựu lãnh tụ cộng sản Cuba qua đời hôm 25/11, thọ 90 tuổi.
“Tứ trụ” của Việt Nam gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội hôm 26/11 đã gửi điện chia buồn, trong đó tuyên bố đã “mất đi một người đồng chí, anh em chiến đấu vô cùng thân thiết và quý mến”.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam còn viết rằng ông Fidel Castro “luôn sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong ngày vui thắng lợi và công cuộc ‘xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’”.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam tới Cuba dự tang lễ ông Castro từ ngày 28 – 30/11.
Về phía Trung Quốc, theo AFP, Chủ tịch Tập Cận Bình nói trên truyền hình nhà nước rằng “người dân Trung Quốc đã mất đi một người đồng chí tốt và chân chính”, và tuyên bố rằng “đồng chí Castro sẽ sống mãi”.
Việt Nam: Nợ công tăng nhanh do đầu tư công thiếu hiệu quả
Nợ công đang nổi lên trở lại thành một chủ đề thời sự nóng bỏng tại Việt Nam vì tốc độ tăng quá nhanh của món nợ mà các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu.
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 01/11 vừa qua, bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết tốc độ tăng nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 là 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Cũng theo lời ông Đinh Tiến Dũng, nếu như nợ công năm 2011 chỉ là 36,5% GDP thì đến năm 2015 đã lên tới 62,2%. Năm nay, nợ công được dự báo sẽ tăng lên mức 64%, tức là tiến ngày càng gần đến mức trần cho phép ( 65% GDP ), theo quy định của Quốc Hội.
Tỷ lệ nợ công của Việt Nam như vậy là cao hơn các nước láng giềng như Malaysia ( 53% ) và Thái Lan ( 41% ). Một phần chính là do nợ công tăng cao như vậy mà chính phủ Việt Nam đã buộc phải từ bỏ dự án nhà máy điện hạt nhân, một dự án cần một số vốn đầu tư quá lớn. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ công Việt Nam tăng nhanh là do hiệu quả của đầu tư công quá thấp.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn25/11/2016Nghe
Tình hình nợ công ngày càng đáng báo động đến mức mà Bộ Chính Trị gần đây đã phải ban hành một nghị quyết yêu cầu chính phủ là “chỉ vay trong khả năng trả nợ”. Nghị quyết này báo động: “Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ”. Bên cạnh yêu cầu “ chỉ vay trong khả năng trả nợ” và “chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế”, nghị quyết của Bộ Chính Trị còn yêu cầu chính phủ “thực hành triệt để tiết kiệm” và “siết chặt kỷ cương tài chính – ngân sách Nhà nước”.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam công bố vào tháng 7 năm nay, Ngân hàng Thế giới cho rằng yếu tố chính khiến nợ công của Việt Nam tăng nhanh như vậy là do tình trạng thâm hụt tài khóa lớn và dai dẳng và thâm hụt này phần lớn được bù đắp từ nguồn vay nợ trong nước.
Cũng theo báo cáo nói trên, nhu cầu chi trung hạn – bao gồm chi trả nợ ngắn hạn trong nước – cũng lớn, đồng thời mức chi trả lãi cũng bắt đầu tăng. Trong lúc đó thì nguồn vốn ưu đãi bên ngoài sẽ giảm do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và phải huy động nguồn vốn trên thị trường tài chính quốc tế.
Trong tình hình như vậy, theo Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam là cần phải có một kế hoạch củng cố tài khoá tốt nhằm hợp lý hóa, giảm nhu cầu vào vốn ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi phí đi vay thương mại bằng cách tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư và cải thiện độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vốn.
Là một trong những cố vấn chủ chốt cho Luật quản lý nợ công sửa đổi, ông Robrigo Cabral, làm việc cho Ngân hàng Thế giới, trong một bài viết đăng trên trang worldbank.org ngày 14/11, cũng đã nhấn mạnh rằng nhu cầu về tài chính của Việt Nam đã thay đổi, vì Việt Nam đã rời khỏi hàng ngũ các quốc gia có thu nhập thấp để gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Sự tăng trưởng này kéo theo những nhu cầu mới về đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và vào các chương trình xã hội. Những đầu tư này cần phải có nguồn tài chính từ chính phủ.
Cũng theo bài viết trên trang worldbank.org, Việt Nam “đang tiến tới một cơ chế quản lý nợ công dựa trên thị trường”. Một mặt, huy động vốn ngày càng tốn kém vì Việt Nam ngày càng ít được hưởng các khoản vay với lãi suất ưu đãi từ các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á. Mặt khác, nó cũng mở ra cho Việt Nam nhiều chọn lựa về cách vay tiền và nhiều công cụ tài chính, tạo ra nhiều phương án để cân bằng chí phí/rũi ro cho nợ công.
Như đã nói ở trên, nợ công của Việt Nam tăng nhanh chính là do tình trạng thâm hụt tài khóa dai dẳng. Theo ghi nhận của ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, chính tình trạng thâm hụt ngân sách dằng dai này đã thúc đẩy chính phủ phải đẩy mạnh tiến trình tư nhân hóa. Một loạt các tập đoàn Nhà nước như Habeco, Sabeco và Vinamilk sẽ “thoái vốn”, tức là Nhà nước rút phần vốn của mình ra, bán vốn đó cho các nhà đầu tư tư nhân và ngoại quốc, với mục tiêu huy động được 7 tỷ đôla, bù đắp cho khoảng thâm hụt tài khoá hàng năm khoảng 10 tỷ đôla.
Việt Nam duy trì mức phạt 2 tỉ đồng
trong lĩnh vực môi trường
Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì mức phạt tối đa 2 tỉ đồng đối với các hành vi gây hại cho môi trường.
Nghị định 155/2016 được ban hành hôm 18/11 quy định rằng cá nhân gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tối đa là 1 tỉ đồng, mức phạt tối đa đối với tổ chức vi phạm là 2 tỉ đồng (khoảng 90.000 đôla Mỹ).
Với tên đầy đủ là Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017 và thay thế một nghị định ban hành hồi năm 2013.
Mức phạt cao nhất được áp dụng cho hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển. Người vi phạm bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.
Các mức phạt cao khác là từ 300.000 đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm các quy định về xả nước thải độc hại vào môi trường; bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỉ đồng khi cá nhân vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải gây nguy hại vào môi trường. Với cùng hành vi, tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt gấp đôi so với cá nhân.
Sau khi báo chí Việt Nam đưa tin về nghị định mới, một số người đã bày tỏ lo ngại trong mục ý kiến độc giả rằng mức phạt như vậy có thể là thấp, không tương xứng với mức độ thiệt hại xảy ra.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói với VOA rằng bên cạnh mức phạt tiền, nghị định còn có các quy định về khắc phục hậu quả hoặc khôi phục môi trường về tình trạng ban đầu. Ông cho rằng những điều đó mới thật sự quan trọng:
“Ở Việt Nam vẫn quen xây dựng mức phạt vi phạm hành chính ở dưới dạng là mức phạt tiền, thì không phải là quan trọng. Mà cái yêu cầu phải lập lại tình trạng trước khi xảy ra hành vi vi phạm thì điều đó là quan trọng hơn, thì đây là cách tiếp cận của Việt Nam. Luôn luôn vẫn có những hình phạt người ta gọi là hình phạt bổ sung, nhưng sự thật đấy là hình phạt chính, tức là phải khôi phục lại tình trạng trước khi xảy ra cái hành vi bị xử phạt”.
Giáo sư Võ cũng lưu ý rằng nghị định này đặt ra các mức phạt hành chính đối với các vi phạm chưa đến mức có “trách nhiệm hình sự”. Trong trường hợp sự vi phạm có tính hệ thống, gây hại nghiêm trọng trên quy mô lớn, ông nói hành vi như vậy sẽ bị xử lý theo luật hình sự với các hình phạt cao hơn nhiều.
Việt Nam và Ấn Độ bàn chuyện tên lửa BrahMos?
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sẽ tới quốc gia đông dân thứ hai thế giới nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự, trong khi có nhận định rằng đôi bên có thể sẽ thảo luận về loại tên lửa hành trình từng khiến Trung Quốc quan ngại.
Trong chuyến thăm diễn ra từ ngày 3 tới 4 tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhiều khả năng sẽ bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ quốc phòng song phương, nhất là về hải quân, New Indian Express nhận định.
Theo tờ này, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Ấn Độ trong chính sách có tên gọi “Hành động hướng Đông” của quốc gia Nam Á này.
Ngoài việc hội đàm với người đồng nhiệm nước chủ nhà, theo PTI, ông Lịch còn gặp thủ tướng và cố vấn an ninh quốc gia.
Hãng tin lớn nhất Ấn Độ nhận định rằng một trong các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận đó là việc Việt Nam muốn mua tên lửa BrahMos.
Bắc Kinh từng lên tiếng bày tỏ lo ngại sau khi tin cho biết New Delhi tính triển khai loại tên lửa mà nước này sản xuất cùng Nga lên trên khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
Việt Nam chưa thông báo về chuyến đi của ông Lịch cũng như chưa xác nhận hay bác bỏ thông tin về ý định mua BrahMos từ Ấn Độ.
‘Đối tác chiến lược toàn diện’
Trong khi đó, New Indian Express dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này nói rằng Ấn Độ “muốn lắng nghe ý kiến” từ phía Việt Nam “vì họ là đối tác chiến lược của chúng ta”.
Truyền thông nước này đưa tin rằng theo thỏa thuận giữa hai nước, Ấn Độ đang giúp huấn luyện nhiều thủy thủ Việt Nam cách thức vận hành 6 tàu ngầm lớp kilo Việt Nam mua của Nga.
Ngoài ra, Hà Nội cũng từng bày tỏ mong muốn quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới giúp đào tạo các phi công lái máy bay chiến đấu Sukhoi cũng do Nga sản xuất.
Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Việt Nam hồi đầu tháng Chín, và tại Hà Nội, ông Modi đã thông báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng mới trị giá nửa tỉ đôla để “tăng cường hợp tác quốc phòng”.
Quan chức hai nước “nhất trí nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược hiện nay lên thành đối tác chiến lược toàn diện”.
Giáo sư Doe Muni từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi từng nói với VOA Việt Ngữ rằng chuyến công du “cho thấy Ấn Độ thực sự muốn chứng tỏ quan hệ bạn hữu, đồng chí và đoàn kết với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc”.
Ông Muni nói thêm rằng bất kỳ nước nào chịu áp lực cũng phải “tìm kiếm và vận động hậu thuẫn từ nhiều nguồn nhất có thể”.
Truy tìm kẻ cướp quán cafe của người Việt ở Cali
Cảnh sát thành phố Santa Ana ở California, Mỹ, mới công bố một đoạn video an ninh ghi lại cảnh xảy ra một vụ cướp vũ trang tại một quán cafe của người Việt với hy vọng tóm được các nghi phạm tham gia.
Theo cảnh sát, một người đàn ông gốc Mỹ Latin tới quán cafe M&Toi rồi ngồi xuống quầy bar và dường như nhắn tin cho ai đó.
Vài phút sau, hai người đàn ông khác đeo khăn che mặt được trang bị súng và dao bước vào.
Những tên cướp sau đó yêu cầu một nữ nhân viên mở tủ thu ngân và nghi can ngồi ở quán bar sau đó tiến lại để lấy tiền trong khi hai tên khác bảo vệ.
Cả ba sau đó mang tiền bỏ chạy. Một tên bỏ khăn bịt mặt ra và bị máy quay an ninh ghi lại.
Theo kênh ABC, chính quyền cho biết đây là quán cafe thứ ba của người Việt bị cướp theo hình thức tương tự.
Cảnh sát đang điều tra xem các vụ cướp vũ trang này có liên quan với nhau không.
Vụ bà Cấn Thị Thêu:
‘Gia đình không hy vọng vào kháng cáo’
Một đại diện của gia đình bà Cấn Thị Thêu, một trong những người đấu tranh phản đối thu hồi đất đai ở Dương Nội, cho biết gia đình không hy vọng vào phiên phúc thẩm sắp tới, nhưng người dân cần đấu tranh để “đòi quyền lợi chính đáng”.
Anh Trịnh Bá Tư, con trai thứ hai của bà Thêu, nói với BBC hôm 28/11: “Cá nhân tôi và gia đình không hy vọng nhiều rằng Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xét xử công khai, đúng người đúng luật mà họ sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực của một chế độ độc tài để bỏ tù mẹ tôi, trấn áp gia đình tôi và bà con Dương Nội.”
Bà Thêu bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, hôm 20/09 tuyên phạt 20 tháng tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng. Bà Cấn Thị Thêu sau đó đã kháng cáo, với phiên phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/11.
Hồi tháng Sáu năm nay, bà Thêu – người từng bị giam giữ năm 2014 vì đấu tranh giữ đất trong vụ ‘dân oan Dương Nội’, lại bị bắt tại nhà riêng ở Hòa Bình theo điều 245 Bộ Luật Hình sự, theo thông tin từ gia đình ở thời điểm đó.
Trả lời câu hỏi của BBC về việc vì sao lại là bà Cấn Thị Thêu bị bắt trong đợt vừa rồi mà không có ai khác, anh Trịnh Bá Tư cho biết bà Thêu đã nhiều lần đại diện cho các nông dân Dương Nội “cất lên tiếng nói để đòi lại quyền lợi mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đáng được hưởng.”
“…Khi thu hồi đất mà họ làm không đúng luật, không thỏa đáng thì người dân họ không chấp nhận, phản đối thì người ta có xu hướng đoàn kết với nhau thành một nhóm để đấu tranh đòi lại quyền lợi mà người ta cho là chính đáng.
“Khi chính quyền thấy cần đàn áp thì chính quyền thì họ nhắm vào người đại diện của nhóm người đấy,” anh Tư nói.
‘Gây rối trật tự công cộng’
Khi được hỏi về giải thích cụ thể từ phía tòa đưa ra về tội gây rối trật tự công cộng của bà Thêu, anh Tư cho biết trong gia đình chỉ duy nhất bố anh được tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, anh được các luật sư giải thích rằng phía chính quyền nói bà Cấn Thị Thêu đã cản trở các phương tiện giao thông.
“Theo lời các luật sư kể lại thì họ nói rằng mẹ tôi nằm ra đường cản trở giao thông và gây ách tắc, mà nếu tôi nhớ không nhầm là khoảng 30 phút. Theo điều 245 Bộ Luật Hình sự, gây cản trở giao thông và gây ách tắc giao thông khoảng bao nhiêu phút đó thì quy vào tội gây rối trật tự công cộng cấu thành tội phạm hình sự”, anh nói thêm, đó là “luận điệu họ đưa ra”.
“…Nhưng thông qua các luật sư, chúng tôi được biết rằng những hành động của mẹ tôi trong ngày mà họ lấy lý do là mẹ tôi gây rối trật tự công cộng thì các luật sư cho rằng mẹ tôi đã thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền biểu tình ôn hòa.
“Chính phủ nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù thay cho việc trừng phạt những người đi biểu tình vì bị mất đất.”Human Rights Watch
“Thực tế là hỗn loạn xảy ra sau khi an ninh mặc thường phục đánh đập những người đấu tranh, hôm đó có chú Trương Dũng và anh Trung Nghĩa là hai nhà hoạt động ở Hà Nội. Bà con đã lao ra phản đối hành vi đánh đập đấy. Chính lực lượng an ninh đã tấn công những người biểu tình ôn hòa trước.”
Bà Thêu lần đầu tiên bị bắt trong lúc đang ghi hình lại vụ xô xát giữa người dân và lực lượng bảo vệ thu hồi đất năm 2014. Bà bị kết án 15 tháng tù giam theo điều 257 – chống người thi hành công vụ.
Gia đình bà Cấn Thị Thêu có đất nằm trong diện thu hồi cho dự án ở Dương Nội. Dự án giải phóng mặt bằng khu vực này bắt đầu từ năm 2008, tuy nhiên người dân ở đây không chấp nhận giao đất do cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá ‘rẻ mạt’.
Anh Trịnh Bá Tư cho biết người dân Dương Nội có đầy đủ chứng cứ chứng minh rằng giá đền bù đất do chính quyền đưa ra “không đến 1% so với giá bán ra thị trường – tức 201.600 VND/mét vuông đất thu hồi so với giá khởi điểm khi bán ra là 31.500.000 VND/mét vuông”.
‘Không cùng tôn giáo’
Tối hôm 27/11, nhiều giáo dân và thân nhân của một số nhân vật đang chịu án tù như Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô giáo Lê Thu Hà và tử tù Hồ Duy Hải, đã cùng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở Nhà thờ Thái Hà. Buổi lễ cũng đặc biệt cầu nguyện cho phiên phúc thẩm bà Thêu.
Anh Trịnh Bá Tư kể lại, tuy gia đình anh theo đạo Phật nhưng nhà thờ đã “mở rộng vòng tay cầu nguyện cho những người không cùng tôn giáo, không cùng đức tin nhưng có cùng mong muốn thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn, thay đổi Việt Nam theo hướng quyền của mỗi người dân được tôn trọng”.
“Chúng tôi rất cảm ơn phía nhà thờ, các giáo dân đã cầu nguyện cho chúng tôi và những tù nhân lương tâm khác không cùng tôn giáo.”
Hôm 17/09, từ New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai vì bà đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa.
Chúng tôi rất cảm ơn phía nhà thờ, các giáo dân đã cầu nguyện cho chúng tôi và những tù nhân lương tâm khác không cùng tôn giáo.Trịnh Bá Tư
“Xung đột giữa người dân và chính phủ về việc trưng thu đất đai đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam trong vài năm qua”, thông cáo dẫn lời ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW.
“Chính phủ nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù thay cho việc trừng phạt những người đi biểu tình vì bị mất đất.”
Anh Tư cho biết thêm, trong tám năm người dân Dương Nội đi đấu tranh, “có hơn 70 người khác đã bị bắt giữ” ở các tỉnh lân cận do liên quan tới phản đối thu hồi đất.
Báo An ninh Thủ đô hôm 11/06 đưa tin về việc bắt giữ bà Thêu, trong đó viết: “nội dung khiếu kiện của Cấn Thị Thêu và một số công dân phường Dương Nội đã hết thẩm quyền được giải quyết, được Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố trả lời kết luận về việc chấm dứt giửi quyết kiến nghị, khiếu nại của Cấn Thị Thêu và một số công dân phường Dương Nội, nhưng đối tượng vẫn kích động một số người dân thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng.”
Tuy nhiên gia đình bà Thêu đã gửi cho BBC các bằng chứng được cho là một số cơ quan công quyền vẫn tiếp nhận hồ sơ của gia đình bà Thêu sau ngày bà bị bắt.
Năm 2006, Thủ tướng chấp thuận dự án quy hoạch chung thị xã Hà Đông đến năm 2020, trong đó đất nông nghiệp của phường Dương Nội chủ yếu chuyển sang thành đất đô thị.
Hội bảo vệ người tiêu dùng VN ‘cáo lỗi’ về nước mắm
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) vừa có công văn “cáo lỗi việc thông tin khảo sát nước mắm” từng gây chấn động thị trường.
Hôm 18/10, Vinastas công bố trên website của họ: “Chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu nước mắm được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) – một loại á kim cực độc.”
“Vinastas kiến nghị các cơ quan Chính phủ và cơ quan quản lý cấp nghiên cứu sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm đang sản xuất và lưu thông trên thị trường trong nước; cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn.”
Vinastas cũng đưa ra một danh sách, theo đó đa số các loại nước mắm làm theo phương pháp truyền thống có hàm lượng đạm cao cũng chứa nhiều asen hơn nước mắm công nghiệp, tức nước mắm pha loãng với hóa chất.
Thông tin đưa ra đã gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Ngày 24/11, cuối cùng Vinastas cũng gửi công văn do Chủ tịch Đoàn Phương ký, trong đó hội này “xin lỗi về sự cố đã xảy ra” và biện hộ rằng “nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng”.
Vinastas cũng hứa sẽ “nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân” liên quan.
Dư luận trong nước đang đặt dấu hỏi liệu công văn này có khép lại câu chuyện trách nhiệm của Vinastas sau thời gian gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất nước mắm truyền thống hay không.
Việt Nam sản xuất 200 triệu lít nước mắm mỗi năm, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết khoảng gần 2.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nước mắm truyền thống.
Trên khía cạnh truyền thông, 50 cơ quan báo chí trong nước liên quan việc đăng thông tin của Vinastas đã bị xử lý, trong đó hai báo Thanh Niên và Người Tiêu dùng bị xử lý nặng nhất.
Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn từng phát biểu: “Ai cũng biết thạch tín là một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột, nên sự sợ hãi, hoang mang đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng. Nếu không xóa tan nỗi sợ hãi này thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt.”
Ông nói vụ này cũng cho thấy “có dấu hiệu bất thường” của một số cơ quan báo chí trong việc công bố thông tin trên.
4 người bị tuyên án tù vì chặn xe khiếu kiện
Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào cuối tuần qua tiến hành xử sơ thẩm và tuyên án 24 tháng tù giam đối với bốn phụ nữ vì tội “gây rối trật tự công cộng” tại xã Kỳ Nam vào tháng 12 năm ngoái.
Mạng báo Hà Tĩnh loan tin này hôm nay; theo đó bốn bị cáo bao gồm: Hoàng Thị Thái, Mai Thị Trinh, Mai Thị Tiệm và Lê Thị Thủy. Cáo trạng của phía Kiểm Sát nói rằng bốn người đã cùng nhiều người dân địa phương tụ tập trên quốc lộ 1A, tại khu vực đèo Con, thuộc xã Kỳ Nam, gây ách tắc giao thông suốt 20 giờ đồng hồ vào ngày 11 tháng 12 năm 2015.
Vụ việc người dân ngồi thành hàng ngang trên quốc lộ 1A hồi tháng 12 năm ngoái , trong đó có 4 bị cáo tham gia, vì phản kháng chính quyền đã bắt giữ 2 người dân địa phương trước đó, cũng như yêu cầu phải thả người.
Một người dân địa phương xác nhận tin về việc xử án không chỉ 4 phụ nữ mà một ngày trước đó còn xử mấy người nam do phản đối việc lực lượng chức năng bắt dân trái phép:
“Đàn ông xử trước, đàn bà xử sau một ngày. Dân chặn xe trên đỉnh đèo và họ (chính quyền) nói chặn xe trái phép nên bị bắt ra xử. Nói chung có thế nào dân mới chặn, người ta cũng ‘vì dân, vì nước’mà bắt như thế là oan lắm.”
Linh mục Trần Đình Lai quản xứ Đông Yên nơi có những người dân bị bắt đưa ra xử vào tuần rồi kể lại nguyên nhân xảy ra vụ việc:
“Câu chuyện dài lắm và tôi cũng chỉ nghe người ta kể lại thôi vì tôi mới về sau này. Đó là trước đây một người bị bắt cóc (đó là đứa con ông Khởi), sau đó anh người bị bắt cóc chống đối. Gia đình cũng yêu cầu xóm làng cùng giữ xe của những người đến bắt lại yêu cầu thả người bị bắt về. Cơ quan chức năng tiếp tục bắt những người liên quan vụ giữ xe; thế là dân lên chặn đèo yêu cầu thả những người bị bắt; tuy nhiên không được thả. Dân giải tán và (cơ quan chức năng) mời dân ra làm việc và nay có hồ sơ tòa án nên gọi ra xử.”
Nhận định về bản án, linh mục Trần Đình Lai phát biểu:
“Trong vụ tham gia đó nếu thực sự phải bắt ra xử thì nhiều người, chứ tại sao chỉ xử 4 người? Họ (cơ quan chức năng) cho mình toàn quyền bắt ai, xử ai chứ họ không căn cứ vào pháp luật gì cả.
Chuyện đó đầy dẫy ở Việt Nam, bây giờ giáo dân, dân oan nhiều hơn dân không oan. Trong một xã hội độc tài, bất công, tham nhũng thì làm gì có cán cân công lý, công bằng, sự thật!”
Giáo xứ Đông Yên, giáo phận Vinh ở tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Nơi này bị buộc phải di dời để đất làm khu công nghiệp.
Vào tháng tư vừa qua thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa trong khu công nghiệp Vũng Áng gây hại cho dân chúng địa phương và đến nay cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn vì mất sinh kế là nghề đi biển đánh bắt hải sản.
Mỹ rút khỏi TPP
ảnh hưởng kinh tế – xã hội Việt Nam như thế nào?
Anh Vũ, thông tín viên RFA
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày đầu tiên khi ông nhậm chức. Vậy nếu Mỹ rút khỏi TPP thì sẽ ảnh hưởng thế nào đối với kinh tế – xã hội của Việt Nam, các chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Tác động không nhỏ
Gần đây, trong một video nói về những chính sách của tân Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2017, theo đó ông Donal Trump sẽ ban hành quyết định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Được biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP là một hiệp đinh thương mại tự do, được ký kết giữa 12 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. TPP là một tổ chức kinh tế được đánh giá chiếm tới 40% tổng giá trị thương mại của toàn cầu.
Điều đó sẽ có tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu.
-TS Lê Đăng Doanh
-TS Lê Đăng Doanh
Việt Nam đã chính thức ký kết TPP vào ngày 04 tháng 02 năm 2016 và sau 02 năm TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Theo thỏa thuận, các quốc gia tham gia TPP bắt buộc phải thi hành đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường và lao động. Đối với Việt Nam, chính quyền phải cho phép công nhân viên tự do thành lập công đoàn và cho phép hình thành một công đoàn độc lập với Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam. Trong trường hợp các nước không tuân theo tiêu chuẩn quy định sẽ bị phạt về thương mại.
Bình luận về tác động của việc Mỹ rút khỏi TPP, từ Hà nội chuyên gia Kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho biết, lãnh đạo Việt Nam quyết tâm ra nhập vào TPP với mong muốn Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế. Theo ông, đây là điều hết sức đáng tiếc vì nó đã làm cho Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội. Ông nhận định:
“Điều đó sẽ có tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu. Và xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đến lúc này cộng lại đã chiếm 150-160% của GDP, cho nên việc mất một thì trường hoặc giảm sút của một sẽ dẫn đến việc giảm sút mất đi tới 20% của tổng giá trị xuất khẩu. Theo tôi, điều đó sẽ tác động và ảnh hưởng tới công ăn việc làm cũng như khả năng thương mại của Việt Nam.”
Trao đổi với PV Nam Nguyên của RFA ngày 22/11 về vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam nhận xét:
“Ông Trump có lôi kéo công ăn việc làm về thì cũng không thể nào lôi về những ngành mà Việt Nam xuất khẩu lớn, như dệt may, da giày. Bởi vì bản thân nước Mỹ không còn sản xuất những thứ đó nữa, đã dừng sản xuất lâu rồi. Có thể khẳng định nước Mỹ sẽ vẫn tiếp tục mua những sản phẩm dệt may, da giày từ Việt Nam và thế giới.”
TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS thấy rằng, TPP sẽ tạo sức ép buộc Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và kể cả thể chế chính trị theo như TPP đòi hỏi. Theo ông đây là một sự bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc đối với Việt Nam. Ông nói với chúng tôi:
“Nền kinh tế VN sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 quốc gia thành viên, về tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng GDP… Giới chuyên gia chính trị gia và chuyên thì cho rằng không có TPP thì VN sẽ mất một cơ hội rất lớn về vấn đề kinh tế, Xã hội và kể cả về chính trị … Bởi vì cái TPP này nó ép Chính phủ VN phải thay đổi về mặt thể chế, thay đổi về các chính sách làm sao cho phù hợp với các yêu cầu của TPP”
Một bước thụt lùi rất quan trọng
Khi được hỏi, việc Mỹ sẽ rút khỏi TPP có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới thế nào?
TS. Lê Đăng Doanh cho biết:
Việc nước Mỹ rút khỏi TPP là một bước thụt lùi rất quan trọng. Mỹ là thì trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, hiện nay xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 18-20% xuất khẩu của Việt Nam.
-TS Lê Đăng Doanh
-TS Lê Đăng Doanh
“Việc nước Mỹ rút khỏi TPP là một bước thụt lùi rất quan trọng. Mỹ là thì trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, hiện nay xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 18-20% xuất khẩu của Việt Nam. Nếu Mỹ không tham gia TPP, thì tất cả các ưu đãi sẽ không còn nữa và cũng khó có thể kiếm được một thị trường lớn nào để thay thế cho thị trường của Mỹ.”
TS. Nguyễn Quang A cho rằng, đây là vấn đề các tiềm năng và khả năng mà TPP sẽ đem lại đã bị phá vỡ. Theo ông, đừng quá thất vọng với điều mà ông cho là cái chỉ mới là khả năng trong tương lai. Ông nói:
“VN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng chắc chắn không phải là so sánh với nền kinh tế bây giờ. Bởi bây giờ nền kinh tế VN vẫn phát triển trong một môi trường không có TPP. TPP chưa hề tồn tại mà nó đã bị chết yểu. Chúng ta đã tiếc là tiếc là tiếc cái tiềm năng, cái khả năng trong tương lai mà có thể có nhưng mà đã bị vứt đi. Vì từ trước đến nay, không có TPP thì Kinh tế VN vẫn phát triển và tang trưởng như hiện nay.”
TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, việc TPP không được thực thi không chỉ tạo ra các trở ngại trong vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà còn làm lỡ nhịp tiến trình cải cách của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Ông cho biết:
“Nếu không tham gia Hiệp định TPP thì các rào cản thương mại sẽ tăng lên và thuế xuất vẫn còn, cái đó sẽ làm cho giá cả hàng hóa 2 bên trao đổi sẽ tăng lên. Điều đó sẽ buộc VN phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Tôi tin chắc VN vẫn tiến hành tiến trình cải cách, song các hạng mục sẽ chậm hơn. Thí dụ như việc phát triển Công đoàn độc lập, nếu không còn TPP thì tôi không rõ VN còn thực hiện điều đó hay không và tiến trình thực hiện sẽ diễn ra như thế nào?”
Theo tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp đánh giá cho rằng, về mặt chiến lược, TPP tái khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại và chiến lược của Việt Nam. Hiệp định này cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ và giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệp định TPP không được phía Mỹ phê chuẩn nên các cơ hội này đã bị bỏ lỡ.
Tàu cá cùng 11 ngư dân trôi trên biển 4 ngày chưa được cứu
11 ngư dân Quảng Ngãi vẫn chưa được tiếp cứu kể từ khi tàu cá của họ bị hỏng máy đã 4 ngày qua.
Tàu cá mang số hiệu QNg 92823 TS, do chủ tàu Võ Lai kiêm thuyền trưởng cùng 11 thuyền viên bị trôi dạt ở khu vực gần đảo tri Tôn, thuộc quần đảo Hòang Sa, do tàu bị chết máy từ sáng ngày 24 tháng 11.
Thông tin qua Icom, ông Võ Lai báo về cho biết các thuyền viên đã ngất xỉu và biển đang có gió cấp 6, cấp 7. Ông Võ Lai cho biết thêm tàu Nam Hải Cứu 111 của Trung Quốc vào chiều 27 tháng 11 đã từ chối đề nghị nhờ lai dắt tàu cá về đảo hải Nam sửa chữa, và đến sáng 28 tháng 11, tàu của Trung Quốc đã rời khỏi khu vực tàu cá đang bị nạn.
Vào chiều 28 tháng 11, thêm một tàu cá số hiệu QNg 90134 TS bị hư máy, thả trôi trên biển tại vùng biển quần đảo Trường Sa. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng, ông Võ Duy Tiến đề nghị giúp đỡ khẩn cấp.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho báo giới trong nước biết đang cố gắng liên lạc với các tàu cá đánh bắt trong khu vực tìm cách giúp đỡ 2 tàu cá bị nạn nhưng không có tàu cá nào ở gần các tàu bị nạn.
0 comments