Đọc báo Pháp – 28/02/2019
Thượng đỉnh Mỹ-Triều :
Kim “cướp” chiến thắng của Trump
Thượng đỉnh Kim-Trump kết thúc ngày 28/02/2019 tại Hà Nội. Không đạt được thỏa thuận chung tại Hà Nội, hai phái đoàn Mỹ-Bắc Triều Tiên rút ngắn thời gian họp. Đây là điều mà nhiều nhật báo Pháp số ra ngày 28/02 đã dự đoán.
Tại Hà Nội, tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tung ra những lời ca ngợi lãnh đạo Bắc Triều Tiên: « Ông (Kim) là một nhà lãnh đạo lớn », « Tôi nghĩ là đất nước ông sẽ có một tương lai tuyệt vời. Tôi nóng lòng muốn nhìn thấy điều đó thành hiện thực. Và chúng tôi sẽ giúp ngài thực hiện việc này ». Hoặc lấy Việt Nam ra làm ví dụ điển hình cho Bình Nhưỡng : « Việt Nam có sức phát triển mà ít nước trên thế giới có được. Bắc Triều Tiên có thể làm được như vậy, và rất nhanh, nếu họ phi hạt nhân hóa »…
Nhưng theo Les Echos, « Kim Jong Un đã cưỡng lại đòn quyến rũ của Donald Trump ». Đặc phái viên của nhật báo kinh tế Pháp, có mặt ở Hà Nội, nhận định việc tổng thống Mỹ không ngại dùng những từ ngữ quyến rũ nhất để thuyết phục lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đưa ra một vài nhân nhượng tượng trưng, là do ông Trump đang cần đến một « chiến thắng » trên trường quốc tế trong bối cảnh cựu luật sư riêng của ông Trump, Michael Cohen, phản công thân chủ. Cựu luật sư tố cáo tổng thống Mỹ là « người phân biệt chủng tộc, một kẻ lừa đảo, một tên gian lận ».
Thế nhưng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không bị « đổ » vì « tiếng sét » của những đòn quyến rũ đó, mà chỉ hứa « cố làm tốt nhất » tại thượng đỉnh Hà Nội. Giờ đây khi đặt mình ngang hàng với lãnh đạo cường quốc số một thế giới, ông Kim Jong Un đã yên tâm về « chiến thắng của mình » và có thể thong thả trước « người Mỹ không hề trầm lặng » này.
Không đạt được thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng là nhận định của nhật báo Le Figaro, dù « Kim và Trump thể hiện lạc quan » tại Hà Nội. Đằng sau bữa tối thân mật nhưng đơn giản với ba món ăn, là một hố sâu chia rẽ về quan niệm « phi hạt nhân hóa » mà lãnh đạo hai nước đưa ra ở Singapore vào tháng 06/2018.
Bình Nhưỡng từ chối cho thanh tra quốc tế trở lại Bắc Triều Tiên, hoặc đóng cửa khu công nghiệp hạt nhân Yongbyon, nếu không được nới lỏng về cấm vận. Đây là điều mà Washington không chấp nhận, nếu không kiểm chứng được quá trình giải trừ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ phát biểu : « Để xem đã » khi đến khách sạn Métropole họp với phái đoàn Bắc Triều Tiên trong ngày họp thứ nhất. Ông bước ra khỏi đó trong ngày làm việc thứ hai, mà không có tuyên bố chung hay bất kỳ thỏa thuận chung nào được ký kết.
Kim Jong Un : Người chuộng đường sắt
Trở lại với chuyến đi sang Việt Nam bằng xe lửa để dự thượng đỉnh lần thứ hai với tổng thống Mỹ Donald Trump, nhật báo Le Monde cho rằng « Kim Jong Un : Người bạn của ngành đường sắt ».
Chọn tầu hỏa để vượt khoảng 4.500 km từ Bình Nhưỡng đến Đồng Đăng là quyết định mang tính biểu tượng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Thứ nhất, dàn cảnh việc chào tạm biệt các quan chức chính phủ để lên tầu sang Việt Nam là nhằm « thu được tối đa sự chú ý của truyền thông » tại Bắc Triều Tiên, cũng như trên thế giới, theo nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, được Le Monde trích lại.
Thứ hai, không « mượn » máy bay của Trung Quốc còn cho phép Bắc Triều Tiên thể hiện niềm tự hào « tự lực tự cường ». Cuối cùng, đoàn tầu bọc thép không dừng lại ở Bắc Kinh còn nhằm mục đích tránh tạo suy đoán Bắc Triều Tiên « lệ thuộc vào Trung Quốc ».
Đường sắt là truyền thống của dòng họ Kim gợi lại thời kỳ cách mạng vàng son của đế chế. Còn với Kim Jong Un, cũng như người cha sợ máy bay, thì xe lửa vẫn là « nơi làm việc » và là công cụ không thể thiếu của nghệ thuật ngoại giao trên đường sắt có một không hai này.
Donald Trump trở về đối mặt với sóng gió trong nước
Cùng ngày 27/02 mở ra thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội, ông Michael Cohen, cựu luật sư của tổng thống Mỹ, ra giải trình trước một ủy ban của Hạ Viện, do đảng Dân Chủ chiếm đa số.
« Một người phân biệt chủng tộc, một kẻ lừa đảo, một tên gian lận » là hàng tựa trên trang nhất của Libération với hình ảnh tổng thống Mỹ đăm chiêu ngồi trong xe « quái thú ». Bằng những từ ngữ đó, cựu luật sư của Donald Trump đã dựng lên bức chân dung hết sức tồi tệ về tổng thống Mỹ, trong phiên điều trần ở Hạ Viện.
Trong bài viết : « Michael Cohen lên án một tổng thống ‘gian lận’ », nhật báo Le Figaro cho rằng cựu luật sư của ông Trump đã cướp mất vai trò trung tâm của tổng thống Mỹ, đang đàm phán về phi hạt nhân hóa, ở đầu bên kia địa cầu.
Không khí căng thẳng đến mức, sau bữa tối ở Hà Nội với Kim Jong Un, tổng thống Mỹ trở về khách sạn và cả đêm không ngủ để theo dõi trên truyền hình phiên điều trần của viên cựu luật sư.
Vị cựu luật sư riêng của tỉ phú địa ốc New York, hiện là tổng thống thứ 45 của Mỹ, tự nhận « hổ thẹn » về « sự yếu đuối và lòng trung thành không được đặt đúng chỗ ». Một loạt hồ sơ được ông Cohen đưa ra để làm chứng cho phát biểu của mình. Sau khi không lùi lại được ngày điều trần, phe Cộng Hòa chuyển sang cáo buộc ông Cohen nói dối.
Ấn Độ – Pakistan : Căng thẳng leo thang ở vùng Kashmir
Thời sự châu Á nổi bật là căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, gia tăng từ ngày 14/02 khi tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed tấn công một đoàn xe bán quân sự của Ấn Độ tại Kashmir, phía do Ấn Độ kiểm soát, khiến khoảng 40 người chết. New Delhi tấn công trả đũa, đến hôm qua 27/02, Pakistan thông báo bắn hạ hai chiến đấu cơ của Ấn Độ.
Tất cả các nhật báo Pháp đều đưa tin về sự kiện này : « Leo thang nguy hiểm giữa Ấn Độ và Pakistan » trên Le Figaro, « Kashmir : leo thang giữa New Delhi và Islamabad » trên Libération ; « Ấn Độ-Pakistan : Sự leo thang nguy hiểm » là nhận định trên trang nhất của Le Monde ; Les Echos cho rằng « Ấn Độ và Pakistan trong vòng xoáy leo thang quân sự » ; còn theo La Croix : « Ấn Độ và Pakistan phô trương sức mạnh trước khi đối thoại ».
Nhật báo Le Monde dẫn lại phát biểu của chính quyền Islamabad lý giải các vụ oanh kích trong không phận ở đường ranh giớiẤn Độ và Pakistan tại Kachmir có « mục đích duy nhất cho thấy quyền lợi, ý chí và khả năng phòng thủ của mình ». Vì, theo La Croix, trích nhận định của giới chuyên gia, « Ấn Độ đã vi phạm luật quốc tế với việc, lần đầu tiên từ năm 1971, tiến hành các vụ oanh kích trên lãnh thổ Pakistan, nhắm vào nhóm thánh chiến bị coi là thủ phạm vụ tấn công ngày 14/02 ».
Cả Le Figaro và Les Echos đặt câu hỏi : Leo thang căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ đi đến đâu ? Theo nguồn tin của Le Figaro, bằng các vụ đáp trả trên, Islamabad « muốn cho (Ấn Độ) thấy đừng đánh giá thấp chúng tôi. Giờ là đến lúc bắt đầu đàm phán hòa bình ».
Dù ngoại trưởng Ấn Độ phát biểu không muốn leo thang quân sự, nhưng theo ông Ajai Sahni, giám đốc Viện vì Giải pháp cho các cuộc xung đột (ở New Delhi), được Les Echos trích dẫn : « Ấn Độ không thể chấp nhận đề xuất (đàm phán của Pakistan sau khi nước này bắt được một phi công Ấn Độ), việc này sẽ khiến New Delhi mất mặt ». Ông cho rằng quan hệ ngoại giao hai nước sẽ thêm căng thẳng, nhưng ông loại trừ mọi khả năng chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân.
Xuất khẩu vũ khí chung :
Pháp và Đức không có chung quy định
Cam kết xuất khẩu vũ khí châu Âu của Berlin và Paris một lần nữa lại được Le Figaro và Les Echos đề cập nhân chuyến thăm Pháp ngày 27/02 của thủ tướng Đức Angela Merkel. Pháp và Đức muốn cùng nhau sản xuất vũ khí, nhưng lại không có chung quy định trong việc bán.
Le Figaro nhấn mạnh đến « Xung đột giữa Paris và Berlin về xuất khẩu vũ khí », vì Đức áp đặt những điều kiện xuất khẩu chặt chẽ đến mức mà Pháp phải thắc mắc về khả năng tồn tại về mặt kinh tế của những dự án chung, như máy bay SCAF hay xe tăng MGCS. Khi một linh kiện do Đức sản xuất được sử dụng trong việc chế tạo một loại vũ khí, Berlin có quyền ngăn cản xuất khẩu, nếu thấy cần thiết vì lý do chính trị.
Điều khoản này đã được Đức áp đặt sau vụ Khashoggi. Chủ đề nói trên được nhật báo Libération phân tích trong bài : « Bán vũ khí : Berlin chặn Riyad và tước vũ khí của các đối tác ». Theo Libération, kể từ sau vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Khashoggi bị ám sát trong lãnh sự nước này ở Istanbul và đối mặt với cuộc khủng hoảng đang sa lầy ở Yemen, Đức từ chối xuất khẩu vũ khí sang Ả Rập Xê Út, dù những vũ khí đó được kết hợp sản xuất với Anh hoặc với Pháp.
Để giải quyết những bất đồng liên quan đến xuất khẩu vũ khí, « Merkel và Macron quyết tâm tăng cường hợp tác », theo Les Echos. Cụ thể là phối hợp quan điểm của hai bên về chính sách công nghiệp, quốc phòng và cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Merkel tỏ rõ thiện chí thương lượng về chủ đề này khi tuyên bố : « Người ta không thể một mặt ủng hộ một lực lượng quân đội của châu Âu và mặt khác từ chối thảo luận về những chương trình chung ».
Mùa xuân đến sớm ở miền tây bắc châu Âu
Miền tây bắc châu Âu vừa trải qua một đợt nắng ấm chưa từng có. Tại tỉnh Landes, Pháp, nhiệt độ lên tới 27°C vào ngày 27/02. Dù nhiệt độ bắt đầu giảm từ hôm nay 28/02, nhưng mùa đông 2019 được cho là ấm hơn thường lệ.
Theo Le Figaro, « mùa xuân đến sớm », vì vào ngày 27/02/2019, Pháp đã đánh bại kỉ lục một buổi chiều tháng Hai nóng nhất, với nhiệt độ trung bình là 20,5°C. Ở nhiều địa phương miền nam nước Pháp, nhiệt kế lên đến 27°C. Đợt nắng ấm này cũng gây ra nhiều vụ hỏa hoạn chưa từng có ở Anh Quốc. Các chuyên gia khí tượng thủy văn hiện vẫn tỏ ra thận trọng về tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đối với đợt nắng nóng vừa qua.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Brexit : Quốc Hội Anh ủng hộ chiến lược mới của thủ tướng May.
Hôm qua, các dân biểu Quốc Hội Anh đã bỏ phiếu ủng hộ chiến lược mới của thủ tướng Theresa May, bao gồm khả năng dời lại ngày Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến là 29/03 năm nay. Theo lịch trình được công bố hôm thứ Ba, trễ nhất là 12/03, thủ tướng May sẽ lại đệ trình lên Quốc Hội thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với Bruxelles với những nhân nhượng mới từ Liên Âu. Nếu các dân biểu lại bác bỏ thỏa thuận, thì ngày 13/03 bà sẽ hỏi họ có muốn rời Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận hay không. Nếu các dân biểu từ chối đề nghị đó, thì ngày 14/03, thủ tướng May sẽ đề nghị dời lại ngày Brexit.
(AP) - Thượng Viện Mỹ yêu cầu các trường đại học Hoa Kỳ đình chỉ hợp tác với Viện Khổng Tử Trung Quốc.
Một tiểu ban về điều tra của Thượng Viện vào hôm qua 27/02/2019 đã cho rằng Viện Khổng Tử đã mang lại cho Trung Quốc quá nhiều quyền kiểm soát đối với các chương trình tiến hành ở Mỹ. Do đó, tiểu ban này khuyến cáo các trường Đại Học Mỹ là phải đình chỉ các chương trình của Viện Khổng Tử, trừ phi phía Trung Quốc thay đổi cách làm và cho phía Mỹ các điều kiện tiếp cận tương tự tại Trung Quốc.
(AFP) – Người dùng Facebook sẽ có thể xóa một số dữ liệu cá nhân đã cung cấp.
Giám đốc tài chính của Facebook David Wehner, hôm 26/02/2019 đã hứa rằng tính năng xóa dữ liệu cá nhân, được loan báo từ tháng 5 năm 2018, sẽ được kích hoạt chậm nhất là « vào cuối năm nay ». Trong thời gian qua, Facebook đã bị phê phán dữ dội về cách quản lý thiếu minh bạch dữ liệu cá nhân của người sử dụng.
(Reuters) – 100 nhà đối lập với tổng thống Daniel Ortega đã được trả tự do ngày 27/02/2019.
Những người này vốn bị giam cầm như tù nhân chính trị. Theo Ủy ban nhân quyền châu Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị gần một năm qua ở Nicaragua đã khiến 322 người chết và 600 người bị bắt giam.
0 comments