Đọc báo Pháp – 09/09/2019
Pháp –Nga :
Vì sao Macron muốn cải thiện quan hệ với Putin ?
Từ nghi ngờ đến thiết lập quan hệ tin cậy, Pháp-Nga nối lại đối thoại trong bối cảnh Matxcơva và Kiev trao đổi tù nhân, những nguyên nhân thúc đẩy tổng thống Pháp chuyển trục thân Nga là chủ đề chính trên báo Paris ngày 09/09/2019.
Pháp-Nga : Paris « xoay trục » để làm gì ?
Vì sao Emmanuel Macron muốn hữu hảo với Nga ? Bằng cách nào và sẽ đi đến đâu ? Sự kiện ngoại trưởng Jean Yves Le Drian và bộ trưởng Quân Lực Florence Parly sang Matxcơva để vực dậy đối thoại 2+2 bị gián đoạn từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée vào mùa xuân 2014 xác nhận quan hệ ngoại giao Pháp-Nga được sưởi ấm.
Từ khi nhậm chức vào tháng 5/2017, tổng thống Macron không che giấu ý định kéo Nga trở lại sân khấu châu Âu, nhưng vì lý do gì ? Le Monde tìm câu trả lời từ hai nhân vật cánh tả.
Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Pierre Chevènement : Nước Pháp không thể làm con tin của ngoại giao Hoa Kỳ và các nước Đông Âu thù ghét nước Nga. Nhưng lý do sâu xa nhất thúc đẩy tổng thống Macron phải đổi thái độ với Nga là mục tiêu chiến lược độc lập lâu dài, sáng kiến của cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine mà chủ nhân Điện Elysée tâm đắc : cho dù Donald Trump tái đắc cử hay một tổng thống mới là người của đảng Dân Chủ, Hoa Kỳ không thể xem thường quyền lợi địa chiến lược của châu Âu mà nước Nga là châu Âu. Tổng thống Macron đã có lý khi hành động không chậm trễ. Không để cho Nga ngả theo Trung Quốc là một tính tóan chính trị lạnh lùng, thực dụng chứ không phải là một quyết định vì ý thức hệ.
Hy vọng rồi thất vọng ?
Nhìn từ Paris, Le Figaro chia sẻ phân tích của Le Monde nhưng kết luận một cách thận trọng : Coi chừng kết quả vẫn như cũ, hy vọng rồi thất vọng.
Nhật báo thiên hữu nhắc lại mối quan hệ thăng trầm giữa tổng thống Pháp Macron lúc mới đắc cử đối với tổng thống Nga Putin trong hơn hai năm qua. Làm sao có thể tin cậy vào chủ nhân điện Kremlin, kẻ đã đặt cược vào lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen và tung đội quân dư luận viên tấn công vào ứng cử viên Emmanuel Macron. Nhưng từ đó đến nay, tình thế đổi khác. Rất nhiều lý do để thúc đẩy tổng thống Pháp đổi hướng.
Trước hết là do tính người. Emanuel Macron thích ngoại giao, thực dụng và không câu nệ ý thức hệ. Thứ hai là tình hình nghiêm trọng của thế giới. Để hiểu tầm mức quan trọng của quan hệ Pháp- Nga phải biết rõ chính sách đối ngoại toàn cầu của Pháp. Cơ chế đa phương giải quyết khủng hoảng quốc tế đang bị sói mòn vì chủ trương đơn phương của Mỹ. Nước Pháp muốn góp phần xây dựng một trật tự thế giới mới. Nga trở thành một đối tác không thể thiếu trên các hồ sơ nóng từ Syria, Iran cho đến Ukraina.
Thứ ba là yếu tố thiên thời. Cùng một lúc, nước Đức bước vào giai đoạn chuyển đổi thế hệ lãnh đạo, nước Anh tê liệt vì Brexit, chính phủ nước Ý bị khủng hoảng và Ukraina có một vị tổng thống mới Volodymyr Zelensky tạo sinh khí cho hồ sơ Ukraina. Đúng vào lúc này, ghế ngoại trưởng Đức nằm trong tay một người của đảng Dân Chủ Xã Hội là Heiko Mass. Ban lãnh đạo mới của đảng thiên tả Đức đã « xoay trục 180° » nhân lúc uy tín thủ tướng Angela Merkel suy yếu. Tất các yếu tố này cho phép Emmanuel Macron xuất hiện như lãnh đạo duy nhất của châu Âu.
Trên thực tế, con đường bình thường hóa quan hệ với Nga không thiếu các chướng ngại vật. Những lập luận của tổng thống Pháp đổ lỗi cho thái độ cứng rắn của Tây phương, là nguyên nhân làm cho nước Nga hung hăng, bị Putin coi là “yếu đuối”. Một nhân vật lúc nào cũng thích dùng sức mạnh như Putin sẽ khai thác đến cùng để chia rẽ châu Âu. Putin còn xem bàn tay thân thiện của Macron là một chiến thắng biểu tượng của Nga đối với châu Âu.
Thế nhưng, cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine nghĩ rằng tổng thống Macron vì bổn phận của một nhà lãnh đạo và vì quyền lợi quốc gia nên tìm cách (đưa châu Âu và Nga) ra khỏi cuộc « chiến tranh giằng co » vô bổ.
Le Figaro cảnh báo : Tương lai gần sẽ cho biết kết quả tương xứng đến đâu so với nỗ lực đầu tư. Hoặc là, cũng như các cố gắng trước đây, chiếc xe hòa giải với Matxcơva sẽ lao đầu vào bức tường đá ở quảng trường Đỏ.
Không ngây thơ
Phản ảnh tâm trạng dè dặt của công luận Tây phương về sáng kiến đơn phương của tổng thống Pháp, Le Monde đặt thẳng câu hỏi với bộ trưởng Quân Lực Florence Parly.
Phải chăng Crimée sẽ là vật trao đổi trong đối thoại 2+2 Pháp-Nga ? Bà Parly giải thích : nếu chỉ có Crimée thì đối thoại Pháp- Nga sẽ “ngắn ngủn”. Quan hệ hai nước được đặt trong bối cảnh toàn diện liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay kể cả tên lửa hạt nhân. Nhưng nếu khủng hoảng ở Ukraina và Crimée không được giải quyết thì tất cả các hồ sơ khác đều bị tắc nghẽn. Nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Nga, theo bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp xuất phát từ một nhu cầu chính đáng : an ninh của người dân Pháp và ổn định ở châu Âu. Do vậy, không có chuyện “thân thiện vô điều kiện” và Pháp sẽ không ngây thơ, bộ trưởng Florence Parly khẳng định.
Cũng về Ukraina, bình luận về cuộc trao đổi tù nhân giữa Matxcơva và Kiev, Libération lạc quan thận trọng : hai bên đã chọn trao trả những tù nhân nổi tiếng, một bước nhượng bộ báo hiệu triển vọng hoà bình cho dù còn khá viển vông. Nhật báo công giáo La Croix đồng điệu qua bài xã luận “Người Đổi Người” : Không khác thông lệ, cuộc trao đổi tù nhân này mang ý nghĩa mậu dịch đầy thâm hiểm và gần như không có tác dụng chính trị. Đành rằng chúng ta vui mừng vì nhiều người được đoàn tụ với gia đình nhưng hầu hết đó là những tù nhân chính kiến bị Nga bắt một cách tùy tiện. Vui vì đây là một thành công của tổng thống Zelensky nhưng còn quá sớm để có thể gọi đây là một bước cho phép tìm một giải pháp cho cuộc chiến giữa Kiev và phe nổi dậy ở Donbass do Nga hậu thuẫn.
La Croix nhấn mạnh là trong chiều hướng này, hai bộ trưởng Pháp đi dự cuộc họp 2+2 tại Matxcơva để bàn đến các hồ sơ phức tạp từ Ukraina, Syria, Iran hay Trung Phi sẽ “không ngây thơ”, theo tuyên bố của bộ trưởng bộ Quân Lực. Vấn đề là Paris có lá bài nào trong tay ?
Nhật báo Công giáo lo ngại : sáng kiến đối thoại với Nga là do tổng thống Macron thúc đẩy. Mà tổng thống Pháp làm như thế là vì không muốn Nga ngả theo Trung Quốc và muốn xây dựng một châu Âu theo mô hình “nhân bản”. Thế mà, cuộc bầu cử tại Nga hôm 08/09/2019 hoàn toàn phi dân chủ, cho thấy lòng can đảm đánh cược với rủi ro của tổng thống Pháp mâu thuẫn với ước mơ một châu Âu đầy tình người.
Afghanistan : giờ chót hủy hẹn
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump vào giờ chót hủy bỏ đàm phán với Taliban cũng là một đề tài được báo Pháp bình luận rộng rãi và gọi đây là một chiến thuật treo giá trong thương mại. Cụ thể ra sao ?
Theo Le Figaro, có thể giải thích quyết định của tổng thống Donald Trump. Thứ nhất là như tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng : Taliban muốn đàm phán trong thế thượng phong nên tấn công Kabul, giết binh sĩ của Mỹ. Với những kẻ chỉ biết chém giết để đàm phán ở thế mạnh, không chấp nhận được một cuộc hưu chiến trong lúc thương lượng thì làm sao tin họ đàm phán nghiêm túc.
Lẽ ra, ngày 08/09, tổng thống Mỹ sẽ có hai cuộc họp quan trọng : một là với đại diện Taliban, giáo sĩ Abdul Ghani Baradar và thứ hai là với tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để thuyết phục hai bên trực tiếp gặp nhau. Tổng thống Donald Trump có thế tự nhận công lao thúc đẩy cho hai phe Afghanistan hoà đàm.
Điểm hẹn tại Camp David được tổ chức vào thời điểm nhạy cảm : Hoa Kỳ sắp tưởng niệm nạn nhân vụ không tặc Al Qaida tấn công toà tháp đôi ngày 11/09/2001. Thủ phạm là Al Qaida lúc đó được chính quyền Taliban chứa chấp.
Quyết định đình chỉ đàm phán có thể để che đậy một thất bại vào giờ chót. Laurel Miller, chuyên gia của nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế International Crisis Group với La Croix đặt câu hỏi : Taliban khủng bố liên tục chứ đâu phải chỉ có vụ xe gài chất nổ hôm 05/09 đâu ? Rất có thể, quyết định này cũng chỉ là chiến thuật đàm phán mặc cả của Donald Trump bởi vì Taliban không chấp thuận yêu sách của Mỹ để lại một lực lượng chống khủng bố nên ông mới đặt điều kiện “Taliban phải thay đổi thái độ” thì sẽ mở lại hoà đàm.
ASEAN mượn oai Mỹ
Cuộc tập trận Mỹ-ASEAN đã kết thúc. Một năm sau khi tập trận với Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thao dợt với Hoa Kỳ tại biển Đông. Tín hiệu mang ý nghĩa gì ?
Trong bài “Đối mặt với Trung Quốc, cuộc tập trận lần đầu tiên của Mỹ và Asean”, Le Monde cho là các nước Đông Nam Á mượn oai nước Mỹ để bắn tín hiệu với Bắc Kinh theo kiểu “chúng tôi là người nói tiếng nói sau cùng” đừng có dọa. Tập trận chung với Hoa Kỳ cho phép ASEAN khẳng định họ có khả năng tăng cường quan hệ quân sự với Washington cũng vừa có thể duy trì quan hệ quân sự với Bắc Kinh. Như South China Morning Post nhận định cuộc tập trận chung này, tuy có tính biểu tượng, nhưng cũng cho thấy chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương của Mỹ là có ít nhiều thực chất.
Tại Đông Nam Á, có một tiểu quốc sắp kỷ niệm 20 năm ngày thoát ách cai trị của Indonesia : Đông Timor, nền dân chủ hiếm hoi trong khu vực. Đứng trước các cường quốc chung quanh : Sau Indonesia và Úc, giờ đây Trung Quốc ngắm nghé tài nguyên dầu khí, Đông Timor phải làm gì ?
Le Monde trích một tuyên bố của cựu tổng thống Ramos Horta : Đông Timor phải tăng cường hợp tác với hai anh khổng lồ Úc và Indonesia. Hợp tác quân sự và an ninh với Úc để được bảo vệ vì ổn định của Đông Timor cũng liên quan đến ổn định của Úc. Cũng phải duy trì quan hệ tốt với Indonesia cũng là cách để Đông Timor được an ninh.
Còn Trung Quốc ? Theo cựu tổng thống Ramos Horta, Bắc Kinh là một cơ hội chứ không phải mà mối đe dọa. Nhà tranh đấu bất bạo động chống chính sách thực dân của Indonesia cho rằng Đông Timor không sợ bị rơi vào “bẫy nợ” Trung Quốc như nhiều người cảnh báo.
Tin đọc nhanh
(Bloomberg) – Chủ tịch Microsoft cho rằng Hoa Vi bị đối xử bất công.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Bloomberg Businessweek ngày 08/09/2019, ông Brad Smith, chủ tịch tập đoàn Microsoft, cho rằng chính quyền Trump đã không đưa ra được những lập luận đủ sức thuyết phục cho những quyết định trừng phạt Hoa Vi. Đó là những hành động không những bất công (unfair)
đối với Hoa Vi, mà lại còn không đúng với chuẩn mực Mỹ (un-American). Đối với ông Smith, tập đoànTrung Quốc cần được phép mua công nghệ Mỹ, trong đó có cả phần mềm của Microsoft.
(AFP) – Sau Bahamas và Mỹ, đến lượt Canada bị bão Dorian đánh phá.
Bang Nova Scotia miền đông Canada là vùng bị tác hại đầu tiên ngay từ hôm qua, 08/09/2019, với những trận mưa tó và gió mạnh. Tại thủ phủ Halifax, bão đã tạo ra những đợt sóng cao đến 20m. Đã có khoảng 450.000 hộ gia đình bị mất điện, chưa kể đến đường xá bị ngập lụt, cây cối trốc gốc, mái nhà bị cuốn đi. Điều may mắn là trước mắt chưa thấy tổn thất nhân mạng.
(Reuters) – Hoa Kỳ : Mua dầu thô của Iran sẽ bị trừng phạt.
Trả lời báo chí ngày 08/09/2019, một thành viên chính phủ Mỹ khẳng định : Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trừng phạt bất kỳ ai mua dầu thô hay trao đổi mậu dịch với Vệ Binh Cách Mạng. Kể từ khi Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định hạt nhân 2015 và áp dụng trừng phạt đối với Teheran, xuất khẩu dầu thô của Iran sụt giảm đến 80%.
(RFI) – Pháp : Gần 1.500 người chết sau hai đợt nắng nóng.
Bộ Y tế Pháp ngày 08/09/2019 công bố số liệu thống kê cho biết hai tháng hè với nhiều đợt nắng nóng gay gắt đã làm cho gần 1.500 người chết. Hơn một nửa số ca này là những người trên 75 tuổi, nhưng cũng có một số người lớn và trẻ em. Dù có những ngày hàn thử biểu lên đến 42°C tại Paris, và 46°C tại vùng Hérault, con số tử vong do nắng nóng năm nay vẫn còn thấp hơn so với kỷ lục cách nay 16 năm làm 15.000 người chết năm 2003.
(AFP) – Afghanistan : Taliban cảnh báo Mỹ sẽ « nếm đòn đau » sau quyết định bất ngờ của Donald Trump đình chỉ đàm phán.
Phong trào Taliban hôm qua, 08/09/2019, ra thông cáo nhấn mạnh là sẽ tiếp tục tiến hành thánh chiến để đạt được mục tiêu, tuy nhiên cũng « tin tưởng » Washington sẽ trở lại bàn đàm phán. Trước khi tổng thống Mỹ đột ngột tuyên bố ngưng đàm phán, thông tin từ giới chức Hoa Kỳ cho biết nhiều khả năng hai bên sắp đạt thỏa thuận, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 20 năm nay. Trong thông cáo này, Taliban cũng khẳng định ngày 23/09 tới sẽ có cuộc đàm phán với chính quyền Kabul, được Mỹ hậu thuẫn.
(AFP) – Bão Faxai 200 km/giờ vào Nhật khiến 2 người chết.
Cơn bão nhiệt đới tràn vào vùng Tokyo tối qua, rạng sáng nay, 09/09/2019, ngoài việc gây tổn thất trên, còn khiến hàng chục người bị thương, và khoảng một triệu người mất điện. Khoảng một trăm chuyến tàu tốc hành giữa Tokyo và vùng ngoại ô phía tây bị hủy.