Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 17/10/2020

Saturday, October 17, 2020 // ,

 Đọc báo Pháp – 17/10/2020

Bầu cử Mỹ 2020:

Vì sao Joe Biden khiến Bắc Kinh lo sợ ?

Mai Vân

Vào lúc cuộc bầu cử Mỹ ngày 03/11/2020 đã gần kề, các tạp chí phát hành vào trung tuần tháng 10 đã dành rất nhiều trang bài cho sự kiện, đặc biệt là hai tờ L’Express và L’Obs đều giới thiệu trên trang bìa Joe Biden, đối thủ của đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump. Rất lý thú là bài phân tích trên L’Express: “Tại sao Joe Biden khiến Bắc Kinh lo sợ”.

Cả hai tạp chí Pháp đều xem ông Biden là người có khả năng thay thế Donald Trump. Tuy nhiên, nếu L’Express dành trọn hồ sơ dài 7 trang cho một mình Joe Biden, thì L’Obs nhìn rộng hơn, trong 12 trang báo, đã đề cập đến cả người phó của ứng viên Dân Chủ là bà Kamala Harris.

Courrier International cũng quan tâm đến tình hình quốc tế, nhưng nêu bật trên trang bìa sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sóng gió ở rất nhiều nơi, từ vùng Thượng Karabakh cho đến miền đông Địa Trung Hải.

Tuần báo Anh The Economist thì đề cập đến thảm nạn mà người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc đang phải gánh chịu, nhận định rằng chiến dịch đàn áp của Bắc Kinh đối với sắc tộc thiểu số này là một tội ác chống nhân loại.

Riêng Le Point thì tập trung chú ý đến tình hình xã hội Pháp, xoáy mạnh trên một sự kiện gây sốc: Một nữ sinh vì chỉ trích đạo Hồi, đã phải bỏ trường lớp cũ, đi nơi khác tìm chỗ ẩn thân sau khi bị chửi rủa và đe dọa đến tính mạng.

Biden không phải là “con rối” của Trung Quốc

Trong các bài viết về ông Joe Biden, lý thú hơn cả là bài phân tích trên L’Express mang tựa đề: “Tại sao Joe Biden khiến Bắc Kinh lo sợ”, đả phá lập luận của Donald Trump cho rằng đối thủ của ông là “con rối” của Tập Cận Bình. Theo tạp chí Pháp, thực tế có thể khác: Cựu phó tổng thống Mỹ có thể thống nhất phương Tây chống lại Bắc Kinh và cao giọng trên chủ đề nhân quyền.

Cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người là vào năm 2011. Vào thời điểm đó, tổng thống Mỹ Barack Obama thấy rằng sẽ rất hữu ích khi hiểu rõ hơn về ông Tập Cận Bình, khi ấy còn là phó chủ tịch Trung Quốc, nhưng được biết là sẽ lên nắm quyền lãnh đạo chế độ Cộng Sản.

Trong tư cách là phó tổng thống, lại có kinh nghiệm từ lâu về giới lãnh đạo Trung Quốc – ông đã gặp Đặng Tiểu Bình vào tháng 4/1979 – Joe Biden được giao trách nhiệm tạo dựng quan hệ với người đồng cấp Tập Cận Bình, lúc ấy còn mang vẻ một lãnh đạo khá chất phác. Hai người đã gặp nhau ít nhất tám lần trong 18 tháng, ở Trung Quốc cũng như ở Hoa Kỳ, từng chia sẻ với nhau nhiều bữa ăn tối chỉ có hai người cùng với phiên dịch viên của mình.

“Côn đồ” Tập Cận Bình

Tuy nhiên, từ khi trở thành ứng cử viên đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Mỹ, Joe Biden đã không từ bỏ một lời lẽ cứng rắn nào khi nói về ông chủ ở Bắc Kinh. Một ví dụ là hồi tháng 2 vừa qua, ông đã tố cáo: “Ông ta là một tên côn đồ”, không có một chút dấu vết “dân chủ” nào trong người.

Về phần mình, ông Donald Trump đã chỉ ra sự nhập nhằng của những năm Obama, đã phát tán các clip cho thấy đối thủ của ông đang cụng ly với Tập Cận Bình và nhấn mạnh rằng nếu “Biden thắng, Trung Quốc sẽ thắng”.

Nhà tỷ phú tự cho mình là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc, là người đầu tiên lớn tiếng với Trung Quốc. Ông đã mở ra nhiều mặt trận chống “kẻ thù” châu Á, đã phát động chiến tranh thương mại, kềm hãm đà tỏa rộng ra quốc tế của Hoa Vi trong lĩnh vực 5G và tiếp tục cáo buộc “virus Trung Quốc” đã lây nhiễm cả thế giới.

Ông Trump còn khẳng định là Bắc Kinh “sẽ làm mọi cách” để ông thất cử và để cho ông Biden lên thay thế, với hy vọng đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại bình thường.

Cả Biden lẫn Trump đều sẽ khiến Bắc Kinh đau đầu

Thế nhưng, theo L’Express, trong thực tế, chính phủ Trung Quốc dường như đang phân vân: Giữa hai khả năng đều xấu, họ không biết phải chọn cái nào.

Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh giải thích: “Rất khó nói được là liệu Trung Quốc có thích một ứng cử viên cụ thể nào hay không, bởi vì cả hai đều không có lợi cho chế độ Bắc Kinh và cả hai đều có thể đồng nghĩa với rắc rối”.

Lý do là vì ngoài sự chia rẽ giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, toàn bộ tầng lớp chính trị Mỹ hiện coi sự trỗi dậy của đối thủ Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng trên về mặt kinh tế, địa chính trị, quân sự và ý thức hệ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Washington), gần 3/4 người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.

Bắc Kinh đã “thích nghi” được với Trump

Ngoài ra, theo L’Express, trái ngược với những gì Donald Trump khẳng định, ở một khía cạnh nào đó, Bắc Kinh đã thích nghi với “triều đại” của ông.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm, thực sự, đã vô tình góp phần giúp Trung Quốc nổi lên trên trường thế giới khi rút Mỹ ra khỏi một số cơ quan quốc tế – chẳng hạn như Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Tăng Duệ Sanh (Steve Tsang), giáo sư tại viện nghiên cứu SOAS China Institute (Luân Đôn), nhận xét: “Trump đã làm nhiều hơn bất cứ ai để cho Trung Quốc trở nên vĩ đại – hoặc cướp lấy khẩu hiệu của chính ông: ‘Làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại’. Trong bốn năm, cán cân quyền lực đã chuyển sang phía Trung Quốc”.

Hơn nữa, chủ nhân Nhà Trắng cuối cùng cũng không nhận lại được nhiều: Thị trường Trung Quốc phần lớn vẫn không mở cửa cho các công ty nước ngoài; chế độ đã gia tăng sự kềm kẹp đối với Hồng Kông, và đã khởi động một chương trình rộng lớn đàn áp và giam giữ người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trung Quốc sợ Biden liên kết được với châu Âu và châu Á

Mặt khác, đằng sau những bức tường đỏ của Trung Nam Hải, nơi tập trung quyền lực tại Trung Quốc, một số người lo sợ rằng nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ sẽ cứng rắn hơn ông Trump nhiều về lãnh vực nhân quyền.

Và trên hết, ông thực hiện kế hoạch phối hợp hành động với châu Âu và châu Á chống lại Trung Quốc – trong khi Trump tiếp tục tấn công các đối tác của mình.

Ông Triệu Thông khẳng định: “Biden sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc củng cố mạng lưới các đồng minh của Mỹ, ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên quốc tế và thống nhất phương Tây để chống lại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, điều rủi ro có thể là ở tuổi 78, ông Biden sẽ tái lập những sai lầm của thời Obama. Đặc biệt nếu ông tìm kiếm hợp tác Trung-Mỹ trong lĩnh vực khí hậu. Nhà chính trị học Chen Daoyin phân tích: “Ngay cả khi Biden có chính sách cứng rắn với Trung Quốc, ông ấy có thể rơi vào bẫy của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thảo luận, câu giờ và không làm gì cả”.

Trump trong nhiệm kỳ II cũng là hiểm họa đối với Bắc Kinh

Nhưng điều chắc chắn là bản chất quan hệ Mỹ-Trung đã thực sự thay đổi, và sẽ tiếp tục như thế dù người thắng ngày 03/11/2020 là ai. Ông Trump cũng có thể là hiểm họa mới đối với Trung Quốc, nếu ông thắng.

Chuyên gia Triệu Thông phân tích: “Giới diều hâu trong chính quyền Trump hiện tại, như ngoại trưởng Pompeo, trong mấy tháng qua đã hướng mũi dùi, chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc và tìm cách chia rẽ dân chúng với đảng. Đây là mối lo ngại thật sự đối với chính quyền Trung Quốc, vốn đang tự hỏi là phải chăng đảng Cộng Hòa nhắm tới việc làm thay đổi chế độ”.

L’Express kết luận: Tập Cận Bình thật sự cần phải quan ngại – dù người “bạn cũ” – như ông từng gọi Biden – có lên nắm chính quyền hay không.

L’Express: “Tất cả về Biden”

Dưới hàng tựa trang nhất: “Tất cả về Biden”, L’Express đã chạy thêm một lời chú thích để khêu gợi óc tò mò của độc giả: “Do đâu mà người đàn ông này sẽ làm bạn ngạc nhiên”. Bên trong là một loạt bài nói về những khía cạnh khác nhau của ông Joe Biden.

Bài “Joe Biden không phải là người như bạn nghĩ”, tập trung đả phá lập luận mà tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, theo đó Joe Biden, 77 tuổi, là một người cánh tả già nua. Đối với L’Express, ứng viên đảng Dân Chủ hoàn toàn có thể chứng tỏ rằng ông là người mà nước Mỹ đang cần.

Tạp chí Pháp đã nêu bật các ưu tiên kinh tế của Joe Biden, từ  vấn đề bảo vệ công ăn việc làm, y tế, cho đến việc phát huy năng lượng xanh…, những chủ trương giống như những người tiền nhiệm trong đảng Dân Chủ của ông, khác xa với thứ “chủ nghĩa cánh tả” mà ông Trump đã lên án.

Trên trường quốc tế, trả lời L’Express,  chuyên gia khoa học chính trị Alexandra de Hoop Scheffer dự đoán là ông Joe Biden sẽ muốn đánh dấu sự khác biệt của mình so với người tiền nhiệm, nhưng đó sẽ là một nhiệm vụ phức tạp vì “khôi phục lại vốn liếng đạo đức của Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng”.

Về đời thường của ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ, bài “Khi Joe Biden còn trẻ” đã nói về thời niên thiếu của ông, được người mẹ hết sức yêu thương, đến khi lớn lên thì rất thành đạt trên bình diện xã hội nhưng lại lâm vào nhiều bi kịch cá nhân, hai yếu tố đã giải thích nhân cách của ông.

L’Express cũng ghé bang Delaware “Vương Quốc của Joe”, nơi mọi người đều biết đến vị thượng nghị sĩ mà họ liên tục tín nhiệm từ 36 năm nay. Theo tạp chí, là một thiên đường thuế thấm nhuần văn hóa thỏa hiệp, tiểu bang Delaware nhỏ bé này đã định hình phong cách của ông.

L’Obs: “Một thế giới không có Trump”

Như nói ở trên, L’Obs đã dành một hồ sơ dài 12 trang để nói về liên danh ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden và Kamala Harris. Tựa trang bìa nêu bật: “Một thế giới không có Trump”.

Đối với L’Obs cặp bài trùng Biden-Harris là cơ hội cuối cùng để cứu nền dân chủ. Đây không phải là ê kíp tuyệt hảo, nhưng là một cặp đầy cao vọng, mang theo hy vọng của những người muốn ngăn không cho ông Trump phá bỏ nền dân chủ Mỹ.

Tạp chí Pháp nhấn mạnh tính chất “lạ lùng” của cặp đôi ứng cử viên này: “Một ông già với mái tóc bạc trắng và những câu nói vụng về, bên cạnh một phụ nữ ngũ tuần mang hai giòng máu đến từ hai lục địa khác nhau. Họ là hai nước Mỹ cũ và mới, giống như dầu và nước trong cùng một cái ly.”

Courrier International: Thổ Nhĩ Kỳ một mình chống thế giới

Tuần này tạp chí Courrier International dành trang bìa cho các hành động hung hăng hiện nay của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Tờ báo chạy tựa lớn ở trang bìa “Thổ Nhĩ Kỳ đấu với phần còn lại của thế giới” và liệt kê bên dưới: “Thượng Karabakh, Syria, Libya, Biển Égée…, tại sao chế độ Erdogan lại can thiệp ở mọi nơi, trên mọi mặt trận như vây…”.

Như thông lệ, tạp chí tìm câu trả lời qua các bài phân tích của các báo nước ngoài.

Trong phần mở đầu, Courrier International nhắc lại là trong tất cả các cuộc xung đột nêu trên, mẫu số chung là Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2004, Ankara từng khẳng định nguyên tắc “không có vấn đề với các nước láng giềng”, 16 năm sau, nước này đã xung đột với hầu hết mọi người.

Trên tờ báo Nga Rossia v Globalnoï Politiké, nhà chính trị học Nga Fyodor Loukianov đã viết: “Việc Đảng Công Lý và Phát Triển (AKP), do Recep Tayyip Erdogan thành lập, lên nắm quyền vào đầu những năm 2000, thực sự là một động cơ mạnh mẽ cho quá trình Âu hóa”. Tuy nhiên, theo ông: “Ở một thời điểm nào đó, Ankara đã kết luận (không phải là vô căn cứ) rằng EU chưa sẵn sàng chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào hàng ngũ của mình”.

Và nếu cho đến năm 2016, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khá thân thiết, như nhận định của một nhà chính trị học người Hy Lạp, giải thích trên tờ I Kathimerini thì “Erdogan đã thay đổi rất nhiều kể từ cuộc đảo chính bất thành chống lại ông vào năm 2016”.

Muốn làm đại ca khu vực

Bằng cách ủng hộ Azerbaijan ngày nay trong cuộc xung đột với Armenia, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn thể hiện vai trò “đại ca” trong khu vực. Giấc mơ của Erdogan là “hồi sinh Đế Chế Ottoman”, nhưng có nguy cơ gây nên xung đột với các lợi ích của Nga ở vùng Kavkaz và vấp phải tình hình nội bộ của chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật báo Ha’Aretz của Israel gần đây giải thích: “Về mặt quân sự, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ có thể mạnh hơn bao giờ hết, nhưng đây chỉ là một chiêu trò phụ để bù đắp tối đa cho một xã hội bị xé nát và chán nản”.

Để hiểu rõ hơn những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm và câu trả lời mà châu Âu, Nga và Trung Quốc (đồng minh cuối cùng của Ankara, cùng với Qatar) có thể mang lại, Courrier International đã tổng hợp lại hồ sơ địa chính trị này, đối chiếu các nguồn, trích dẫn các báo Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Erdogan, nêu bật các quan điểm, và không quên nói cuộc đấu khẩu mới nhất giữa tổng thống Pháp Macron với ông Erdogan.

Tuổi trẻ Thái Lan chống độc tài

Thời sự quốc tế khác mà Courrier International cũng nêu lên trên trang bìa và dành cho 7 trang bên trong là tình hình Thái Lan, với việc thế hệ trẻ đang nổi dậy, gia tăng biểu tình kể từ mùa hè năm nay để yêu cầu cải cách hiến pháp và chấm dứt chủ nghĩa độc tài.

Bốn năm sau cái chết của vua Bhumibol Adulyadej, người dù đã trị vì 70 năm (1946-2016), nhưng vẫn gây được tiếng vang và sự kính trọng to lớn, chế độ quân chủ không còn được tín nhiệm như trước. Vua Vajiralongkorn kết tinh sự bất mãn xung quanh cách hành xử của ông.

The Economist: Trung Quốc và tội ác chống nhân loại ở Tân Cương

Cũng chú ý đến thời sự quốc tế, tuần báo Anh The Economist nêu bật thảm nạn mà người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc đang phải gánh chịu. Hàng tựa lớn trang bìa “Nỗi thống khổ của người Duy Ngô Nhĩ và cuộc khủng hoảng nhân quyền toàn cầu”, viết bằng chữ đỏ, nổi bật trên ảnh vẽ dây thép gai màu đen trên nền trắng, gợi đến các trại lao cải mà Trung Quốc đã dựng lên ở Tân Cương.

Trong bài phân tích mang tựa đề “Cuộc truy bức người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống nhân loại”, The Economist đã nêu bật tính chất vô nhân đạo của chính sách giam giữ, tẩy não, cưỡng bức lao động… hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh áp dụng ở Tân Cương.

Đối với The Economist, điều mà Trung Quốc đã làm đối với người Duy Ngô Nhĩ đúng là một tội ác chống nhân loại, thể hiện qua việc dùng vũ lực lưu đày, giam giữ cả một nhóm dân được xác định cụ thể, thủ tiêu một số cá nhân. Do một chính phủ áp đặt một cách có hệ thống, đó là hành động vi phạm trên quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay nguyên tắc theo đó các cá nhân có quyền tự do và nhân phẩm đơn giản vì họ là con người.

Điều đáng buồn theo tạp chí Anh, là Trung Quốc ngày nay đang ở cực điểm của một xu hướng đáng lo ngại, với dân chủ và nhân quyền đang thoái trào ở nhiều nơi.

The Economist nêu lên ví dụ tại Ấn Độ, nơi thủ tướng Narendra Modi tán thành một chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ Giáo hung hãn và đối xử với những người Hồi Giáo tại Ấn Độ như thể họ không thực sự là công dân, hay là tại Philippines, nơi tổng thống Rodrigo Duterte hô hào giết hại các nghi phạm tội phạm.

Tại châu Âu thì có thủ tướng Hungary đang đập tan các thể chế dân chủ và nói rằng các đối thủ của ông là một phần trong âm mưu của người Do Thái, còn tại Nam Mỹ là tổng thống Brazil tôn vinh hành vi tra tấn và tuyên bố rằng những người nước ngoài chỉ trích ông muốn chiếm đoạt vùng Amazon. Cũng như vậy ở Thái Lan, nhà vua đang biến chế độ quân chủ lập hiến thành một chế độ chuyên chế.

Phải lên tiếng và hành động chống lại tội ác nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ

Đối với The Economist, việc chống lại sự xói mòn nhân quyền nên bắt đầu với trường hợp người Duy Ngô Nhĩ. Vì nếu không nói gì về vụ vi phạm tồi tệ nhất hiện nay xẩy ra bên ngoài các vùng chiến sự, thì làm sao có thể tạo ra được sự tin tưởng trên những lời chỉ trích những tội ác khác nhẹ hơn?

Giới hoạt động nhân quyền nên vạch trần và lập hồ sơ về những vụ vi phạm, giới văn nghệ sĩ có thể nói tại sao phẩm giá con người là đáng quý, giới doanh nghiệp có thể từ chối tiếp tay. Hiện nay đang có những lời kêu gọi tẩy chay – trong đó có cả việc tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Cuối cùng, đến lượt các chính phủ phải hành động. Họ nên cấp quyền tị nạn cho người Duy Ngô Nhĩ, và cũng giống như Mỹ, áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm và cấm hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức.

Các chính phủ cũng nên lên tiếng. Chế độ của Trung Quốc không phải là không biết xấu hổ. Vì nếu tự hào về những hành động khắc nghiệt ở Tân Cương, Bắc Kinh đã không cố gắng che giấu như đã thấy, và cũng không dựa vào các nước nhỏ hơn để ký các tuyên bố tán thành các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.

Quy mô khủng khiếp của chiến dịch đàn áp càng nổi cộm, hiệu quả của chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh ngày càng giảm sụt: Mới đây, 15 quốc gia, đa số trong khối Hồi Giáo, từng ký tuyên bố ủng hộ chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, đã thay đổi ý kiến.

Trong lúc đó thì các cuộc thăm dò cho thấy hình ảnh của Bắc Kinh ngày càng xấu đi ở nhiều nước trong những năm gần đây: 86% người Nhật và 85% người Thụy Điển hiện có cái nhìn không thuận lợi về Trung Quốc. Đối với một chính phủ đang tìm cách phát huy quyền lực mềm, đây là một điều đáng lo ngại.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201017-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-2020-v%C3%AC-sao-joe-biden-khi%E1%BA%BFn-b%E1%BA%AFc-kinh-lo-s%E1%BB%A3

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Cố vấn An ninh của Nhà Trắng khuyên Đài Loan « củng cố » quân sự. 

Trong cuộc hội thảo trực tuyến ngày 16/10/2020 của Viện Aspen, ông Robert O’Brien cho rằng hiện tại Trung Quốc chưa muốn hoặc chưa sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ lên Đài Loan nhưng Đài Bắc cần « củng cố » để chống cuộc xâm lăng của Trung Quốc có thể là trong « 10 hay 15 năm nữa ».

(Focus Taiwan) – Chiến đấu cơ Trung Quốc lại xâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan. 

Theo Bộ Quốc Phòng Đài Loan, ngày 16/10, máy bay tác chiến chống tầu ngầm Shaanwi Y-8 ASW của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng trời giữa tây nam Đài Loan và quần đảo Đông Sa (còn gọi là Pratas) do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông. Đài Loan đã phải điều máy bay theo dõi. Đây là lần thứ 19 kể từ giữa tháng 09/2020, chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

(AFP) - Trudeau : Canada sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc. 

Ngày 16/10/2020, thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố là Canada sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, sau khi một nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc cảnh cáo Ottawa về việc tiếp nhận những người biểu tình đòi dân chủ đến Canada. Thứ Năm 15/10, đại sứ Trung Quốc tại Ottawa đã kêu gọi Canada không nên cấp quyền tị nạn cho những người biểu tình Hồng Kông, vì điều này có thể ảnh hưởng đến « sức khỏe và an toàn » của khoảng 300.000 công dân Canada sống tại đặc khu.

(AFP) - Thủ tướng Nhật Bản Suga gửi lễ vật đến đền thờ tử sĩ gây tranh cãi. 

Ngày 17/10/2020, ông Yoshihide Suga đã gửi cây « masakaki » linh thiêng đến đền thờ Yasukuni nhân dịp bắt đầu lễ hội mùa thu hàng năm. Đối với nhiều nước láng giềng, đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt. Đền ghi danh khoảng 2,5 triệu người chết trong chiến tranh, chủ yếu là người Nhật Bản, nhưng cũng là nơi tôn vinh nhiều nhân vật quân sự và chính trị cấp cao bị tòa án quốc tế kết án tội ác chiến tranh sau Thế chiến II.

(AFP) - Thủ tướng New Zealand tái đắc cử. 

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội hôm 17/10/2020, nữ thủ tướng Jacinda Arden đã giành một chiến thắng áp đảo, nhờ thành công của chính phủ trong việc phòng chống dịch Covid-19. Kết quả kiểm 95% số phiếu cho thấy đảng Lao Động của bà đã thu được 49%, như vậy là sẽ nắm 64 trên 120 ghế của Quốc Hội mới, tức là nắm đa số tuyệt đối.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201017-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 17/10:

Trung Quốc rò rỉ

4 kịch bản bùng phát viêm phổi Vũ Hán

Quý Khải

Mục lục bài viết

Trung Quốc rò rỉ 4 kịch bản bùng phát viêm phổi Vũ Hán

Máy bay quân sự Trung Quốc lại xâm nhập không phận Đài Loan

Đảng Cộng hòa kêu gọi điều tra Twitter, Facebook can thiệp bầu cử

Mỹ bắt cựu bộ trưởng quốc phòng Mexico

EU trừng phạt Điện Kremlin vì vụ đầu độc chính trị gia đối lập Navalny

London thắt chặt phong tỏa trước đợt dịch thứ hai

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (17/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trung Quốc rò rỉ 4 kịch bản bùng phát viêm phổi Vũ Hán

Một tài liệu nội bộ của chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc , mà tờ The Epoch Times thu thập được, đã trình bày bốn kịch bản bùng phát Covid-19 vào mùa thu và mùa đông năm nay tại tỉnh này. Tài liệu cũng dự đoán đợt bùng phát sẽ kéo dài trong một thời gian dài.

Kịch bản 1 và Kịch bản 2 mô tả một đợt bùng phát tương đối nhẹ. Trong Kịch bản 3 và kịch bản 4, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

Trong kịch bản 3, tỉnh Hải Nam sẽ xuất hiện các trường hợp lẻ tẻ hoặc các trường hợp người mang mầm bệnh không triệu chứng ở ba quận và thành phố trở lên, hoặc một nhóm lây nhiễm cục bộ trong một thành phố hoặc quận. Trong cả hai trường hợp, sẽ có sự lây lan trong cộng đồng ở một số thành phố và quận tiềm ẩn nguy cơ lây truyền toàn tỉnh, tài liệu nêu rõ.

Kịch bản 4 là sự xuất hiện của một ổ dịch quy mô lớn trên toàn tỉnh – nghĩa là, lây nhiễm liên tục trong cộng đồng ở nhiều thành phố và quận hơn, từ đó lan rộng ra toàn tỉnh.

Máy bay quân sự Trung Quốc lại xâm nhập không phận Đài Loan

Đài Loan hôm thứ Sáu (16/10) cho biết một máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập không phận của nước này  vào đêm hôm thứ Năm (15/10), theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan CNA.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tweet thông báo sáng 16/10: “Một máy bay PLA Y-8 ASW đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan vào đêm ngày 15 tháng 10”

Bộ này cho biết họ đã điều các  máy bay tuần tra và hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động này.

Truyền thông Đài Loan cho biết vụ việc đánh dấu lần thứ 18 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vào không phận của Đài Loan kể từ ngày 16/9.

Đảng Cộng hòa kêu gọi điều tra Twitter, Facebook can thiệp bầu cử

Ba thượng nghị sĩ Ted Cruz, Lindsey Graham và Josh Hawley thuộc Đảng Cộng hòa hôm thứ Năm đã kêu gọi những người đứng đầu Twitter và Facebook ra điều trần, và cho biết một trát đòi hầu tòa đã triển khai khi giới phê bình tuyên bố các mạng xã hội này kiểm duyệt các báo cáo chỉ trích đảng Dân chủ, theo Fox News.

Thượng nghị sĩ Cruz cho biết: “Đây là tình trạng can thiệp bầu cử khi chỉ còn 19 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Điều này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nền dân chủ [chúng ta]. Ủy ban Tư pháp Thượng viện muốn biết chuyện quái gì đang xảy ra ở đây”.

Các nhà lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông báo vào ngày thứ Ba họ sẽ bỏ phiếu về việc đưa trát triệu tập Jack Dorsey, Giám đốc điều hành Twitter, ra điều trần trước ủy ban vào thứ Sáu tới (23/10). Thượng nghị sĩ Hawley cho biết ông hy vọng ủy ban cũng sẽ bỏ phiếu về trát triệu tập điều trần CEO Facebook Mark Zuckerberg .

Động thái này diễn ra sau khi hai mạng xã hội lớn có hành động ngăn chặn việc lan truyền rộng rãi một báo cáo chấn động của tờ New York Post trong tuần, trong đó tiết lộ nội dung các email của Hunter Biden liên kết cha anh (Joe Biden) với các giao dịch kinh doanh ở Ukraine.

Đảng Cộng hòa cáo buộc các mạng xã hội kiểm duyệt và ngụ ý  các gã khổng lồ công nghệ này đang ủng hộ chiến dịch Biden và kiểm duyệt các ngôn luận tiêu cực đối với Biden.

Tương tự ở Thượng viện, các thành viên cấp cao của Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện, Dân biểu James Comer và các thành viên Đảng cộng hòa hàng đầu khác tại Hạ viện hôm thứ Năm cũng đã thúc giục Chủ tịch Ủy ban Carolyn Maloney tổ chức một phiên điều trần khẩn cấp về nghi vấn can thiệp bầu cử và kiểm duyệt ngôn luận của Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ), theo The Epoch Times.

Mỹ bắt cựu bộ trưởng quốc phòng Mexico

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mexico Salvador Cienfuegos đã bị bắt tại Mỹ với các cáo buộc chưa được tiết lộ, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico cho biết hôm thứ Năm, theo Aljazeera.

Cienfuegos, người giữ chức Bộ trưởng quốc phòng từ năm 2012-2018, bị bắt tại sân bay Los Angeles khi được cho là đang đi du lịch cùng gia đình.

“Lãnh sự ở Los Angeles sẽ thông báo cho tôi về các cáo buộc trong vài giờ tới. Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho ông ấy”, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard viết trên Twitter.

Tạp chí điều tra Proceso của Mexico, trích nguồn tin giấu tên từ Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết vụ bắt giữ là kết quả của một cuộc điều tra lâu dài về nạn tham nhũng liên quan đến những kẻ buôn ma túy.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mexico cho biết Cienfuegos đã bị bắt theo yêu cầu của Cơ quan Quản lý Thực thi Ma túy Mỹ (DEA).

EU trừng phạt Điện Kremlin vì vụ đầu độc chính trị gia đối lập Navalny

Liên minh châu Âu hôm 15/10 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên trong nội các của Vladimir Putin, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan gián điệp nội địa của Nga, vì vụ đầu độc nhân vật chính trị đối lập Alexei Navalny, theo The Guardian.

EU cho biết họ đã đồng ý áp lệnh trừng phạt chống lại sáu người được cho là có liên quan đến “âm mưu ám sát” nhà phê bình Putin lớn tiếng nhất.

Theo đó, Alexander Bortnikov, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), cơ quan tình báo kế nhiệm KGB của Liên Xô, sẽ bị đóng băng tài sản, và ông này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm đi lại, cùng với Sergei Kiriyenko, phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất trong chính quyền Putin. Andrei Yarin, một quan chức khác của Điện Kremlin, Alexei Krivoruchko và Pavel Popov, đều là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và Sergei Menyaylo, đặc phái viên của Tổng thống tại Đặc khu Liên bang Siberia, cũng bị áp chế tài.

London thắt chặt phong tỏa trước đợt dịch thứ hai

London, thủ đô tài chính quốc tế, sẽ bắt đầu phong tỏa COVID-19 chặt chẽ hơn từ nửa đêm ngày thứ Sáu, trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson đang tìm cách giải quyết làn sóng lây nhiễm thứ hai đang tăng tốc, theo Reuters.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết London, nơi có mật độ dân số 9 triệu người, cũng như hạt Essex đông dân cư lân cận, sẽ được nâng mức cảnh báo từ “trung bình” lên “cao” vào nửa đêm (2301 GMT Thứ Sáu). Theo đó, người dân sẽ không thể gặp nhau trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào, ví như ở nhà hoặc trong nhà hàng. Ông Hancock đề xuất giảm việc đi lại nếu có thể.

“Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn,” Hancock nói. “Nhưng tôi biết rằng phía trước là bầu trời tươi sáng và biển cả êm đềm”.

Thị trưởng London Sadiq Khan nói: “Tôi phải cảnh báo người dân London: Chúng ta đã có một mùa đông khó khăn phía trước.”

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện ở Trung Quốc năm ngoái đã giết chết hơn một triệu người trên toàn cầu, đang lan rộng ở hầu hết các vùng của Anh, khiến hơn 43.155 người nước này thiệt mạng, con số cao nhất tại châu Âu.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-17-10-trung-quoc-ro-ri-4-kich-ban-bung-phat-viem-phoi-vu-han.html

 

Điểm tin thế giới tối 17/10:

Ấn Độ chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc

trong mùa đông; Cảnh sát Thái Lan

dùng vòi rồng dẹp biểu tình

Hải Lam

Mục lục bài viết

Ấn Độ chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc trong mùa đông

Cảnh sát Thái Lan dùng vòi rồng dẹp biểu tình

Chính quyền Trump miễn phí vắc-xin nCov cho viện dưỡng lão

Mỹ phát hiện virus corona mới trên heo có thể lây sang người

Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ chịu hậu quả nếu vận hành tên lửa S-400 của Nga

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (17/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ấn Độ chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc trong mùa đông

Báo Ấn Độ Wionews ngày 16/10 đưa tin, quân đội nước này đã mua trang phục mùa đông của Mỹ cho các binh sĩ làm nhiệm vụ ở phía Đông vùng Ladakh, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện tại Đường kiểm soát thực tế.

Ấn Độ cũng đang tìm đến các thị trường châu Âu để mua thêm quần áo mùa đông vì binh sĩ của họ đang chịu dưới cái lạnh âm 25 độ C khi chốt ở nhiều địa điểm phía nam hồ Pangong ở Ladakh.

Ngay cả khi nhiệt độ xuống tới âm 50 độ C vào mùa đông, quân đội Ấn Độ cũng đã chuẩn bị đầy đủ nơi ở và quần áo dùng trong mọi điều kiện thời tiết cho binh sĩ.

Trang Bloomberg bình luận, đây là dấu hiệu cho thấy quốc gia Nam Á này đang chuẩn bị cho đợt triển khai binh sĩ mùa đông kéo dài sau khi các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng dọc biên giới với Trung Quốc bị đình trệ.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Jaishankar, ngày 16/10 cho biết: “Hiện có một số lượng rất lớn quân đội với vũ khí tập trung ở biên giới và đó rõ ràng là thách thức an ninh nghiêm trọng với Ấn Độ”.

Cảnh sát Thái Lan dùng vòi rồng dẹp biểu tình

Reuters cho biết khoảng 2.000 người tối 16/10 tiếp tục tập trung ở khu trung tâm mua sắm của thủ đô Bangkok, yêu cầu thả những người biểu tình đã bị bắt và tiếp tục kêu gọi phản đối Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động ngay lập tức đã được triển khai tới khu vực biểu tình. Các sĩ quan kêu gọi người dân về nhà hoặc bị trấn áp bằng vòi rồng. Cách đó vài trăm mét, hàng trăm người biểu tình đã chặn một đoạn đường, hát quốc ca Thái Lan và yêu cầu cảnh sát “rời đi”.

Cảnh sát chống bạo động sau đó sử dụng vòi rồng chĩa về hướng người biểu tình, khiến nhiều người dùng ô để chống đỡ. Đám đông sau đó nhanh chóng được giải tán, song nhiều người khẳng định sẽ còn tiếp tục xuống đường.

Người biểu tình cáo buộc ông Prayuth, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.

Đám đông còn đưa ra một số yêu cầu khác, như thay thế bản hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo hiện nay; cải cách chế độ quân chủ, vốn bị cáo buộc giúp quân đội mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trong nhiều thập kỷ.

Thủ tướng Thái Lan hôm 15/10 ban sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập hơn 4 người ở Bangkok, song khoảng 10.000 người đã phớt lờ biện pháp này và biểu tình tới đêm cùng ngày.

Chính quyền Trump miễn phí vắc-xin nCov cho viện dưỡng lão

Theo The Epoch Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/10 đã đạt được thỏa thuận với CVS và Walgreens (hai chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn nhất nước) để phân phối và quản lý vắc-xin viêm phổi Vũ Hán miễn phí cho các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc khác.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cho biết thỏa thuận này giảm bớt áp lực cho các sở y tế và có nghĩa là người dân và nhân viên tại các cơ sở sẽ có thể tiêm chủng an toàn và hiệu quả sau khi một hoặc nhiều loại vắc xin được phê duyệt.

Bộ trưởng HHS Alex Azar cho biết trong một thông cáo: “Bảo vệ những người dễ bị tổn thương là ưu tiên số một trong phản ứng của Chính quyền Trump đối với COVID-19 và cam kết đó sẽ tiếp tục thông qua việc phân phối vắc-xin an toàn và hiệu quả sớm nhất cho những người cần nhất”.

Mỹ phát hiện virus corona mới trên heo có thể lây sang người

AP đưa tin, một nghiên cứu của Đại học North Carolina cảnh báo một chủng virus corona cùng họ với virus viêm phổi Vũ Hán gây ra các chứng bệnh đường ruột ở heo và có thể lây nhiễm sang người và các loài vật khác.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về chủng virus gây hội chứng tiêu chảy cấp bắt đầu lây lan trong các đàn heo ở Trung Quốc năm 2016 gây tiêu chảy và nôn mửa.

Có tới 90% số heo con dưới 5 ngày tuổi khi nhiễm tiêu chảy cấp đã chết.

Năm ngoái, một nhóm gồm 14 chuyên gia dịch tễ học, miễn dịch học và vi sinh học tại Đại học North Carolina tại Chapel Hill đã nghiên cứu virus tiêu chảy cấp để xem nó có khả năng lây nhiễm sang các loài vật khác và gây bệnh cho con người hay không.

Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ chịu hậu quả nếu vận hành tên lửa S-400 của Nga

Trang RT đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/10 tiếp tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu tiếp tục thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói hôm 16/10: “Nếu thông tin này được xác nhận, chúng tôi sẽ kịch liệt lên án việc phóng thử tên lửa S-400 là không phù hợp với trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một đồng minh NATO và một đối tác chiến lược của Mỹ”.

Phản ứng của Washington được đưa ra không lâu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên phóng thử hệ thống S-400 mua của Nga.

Năm 2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận về việc bàn giao các hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỷ USD.

Mỹ nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ S-400 của Nga, thay vào đó mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Washington cũng cảnh báo trì hoãn, thậm chí hủy bán các máy bay chiến đấu thế hệ 5 và áp đặt các lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-17-10-an-do-chuan-bi-doi-dau-voi-trung-quoc-trong-mua-dong-canh-sat-thai-lan-dung-voi-rong-dep-bieu-tinh.html

 

 Tạp chí đặc biệt

Lợi dụng dịch Covid-19, nhiều nước châu Á

mở rộng mô hình “Big Brother”

Minh Anh

Trong một báo cáo công bố ngày 01/10/2020, cơ quan tư vấn về các rủi ro của Anh, Verisk Maplecroft, ghi nhận nhiều quốc gia trên thế giới, lấy cớ phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã cho thiết lập nhiều « biện pháp triệt để với những khả năng không thể kiểm soát », có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của hàng triệu người dân.

Các nhà phân tích của cơ quan này ghi nhận các công cụ và nhiều công nghệ giám sát như mắt kính đo thân nhiệt, thiết bị bay giám sát lệnh giới nghiêm và các ứng dụng theo dõi đường lây nhiễm đã được triển khai rộng rãi.

Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp đài RFI, bà Sofia Nazalya - tác giả của báo cáo và cũng là chuyên gia phân tích của Verisk Maplecroft tại Singapore – cho rằng trong số 198 nước, châu Á là châu lục đứng đầu trên phương diện này :

« Khi phân tích những phát triển công nghệ khác nhau và khả năng giám sát hiện hành kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi nhận thấy rất nhiều quốc gia đã cho thiết lập cùng một kiểu công cụ được Trung Quốc sử dụng để kiểm soát dịch bệnh virus corona. Ví dụ như ứng dụng theo dõi đường lây lan, áp dụng mã vạch, sử dụng quá mức các camera giám sát hay như là các kiểu công nghệ tân tiến nhận diện khuôn mặt chẳng hạn. Tất cả những loại công cụ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước châu Á. »

Vẫn theo bà Sofia Nazalya, điều đáng lo là những công cụ và biện pháp có nguy cơ tồn tại lâu dài, trở nên thường trực hơn.

« Bởi vì đó là những gì đang diễn ra tại một số thành phố ở Trung Quốc. Ứng dụng theo dõi đường lây nhiễm giờ đang trở thành chuyện bình thường. Nhiều nước khác còn mở rộng ứng dụng này dù là mối đe dọa Covid đã nằm trong tầm kiểm soát. Đương nhiên, nguy cơ đợt dịch thứ 2 và virus tái bùng phát luôn hiện hữu ở một số khu vực của châu Á. Nhưng câu hỏi thật sự đặt ra là những công cụ này có tuân thủ theo những quy định và luật lệ, bảo đảm cuộc sống cá nhân hay không ? »

Nghiên cứu Verisk Maplecroft nêu rõ nhiều nước châu Á đã vi phạm đời sống riêng tư của các công dân mình như tại Ấn Độ hay Pakistan, những quốc gia không có các quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân.

« Đối với Pakistan, cơ quan tình báo đã triển khai một ứng dụng theo dõi chưa từng thấy trên khắp cả nước. Ứng dụng này do các hãng công nghệ lớn phát triển và cơ quan tình báo có cả những mã nguồn mở nghĩa là họ có thể biết được các dữ liệu cá nhân được lưu giữ ở đâu. Ứng dụng này do cơ quan tình báo Pakistan kiểm soát. Khía cạnh thiếu minh bạch tuyệt đối là một mối đe dọa hiển nhiên cho tất cả những ai bị nghi ngờ nhiễm virus corona. »

Báo cáo của Verisk Maplecroft đặc biệt chỉ trích Cam Bốt có những hành động trấn áp đối với những người phê phán cách xử lý dịch bệnh của chính phủ.

« Hệ thống chính trị Cam Bốt là chế độ trấn áp và chuyên quyền. Một đạo luật chống Covid-19 đã cho phép chính phủ theo dõi vô giới hạn các mạng xã hội và các cuộc trao đổi. Chính quyền nói là theo dõi dịch bệnh Covid, nhưng trên thực tế những ứng dụng này được sử dụng vì những mục đích chính trị. Những cư dân mạng nào chỉ trích nhà nước trong việc xử lý dịch bệnh đều bị bắt giam. Chúng tôi đã quan sát được nhiều trường hợp tương tự như thế. Do vậy, chúng tôi cũng chẳng mấy ngạc nhiên những biện pháp này sẽ còn được áp dụng lâu dài để nhắm vào các nhà đối lập ».

Thu thập dữ liệu về những di chuyển, các hồ sơ bệnh lý, giám sát hàng loạt, khám xét nhà, quản thúc tại gia, hay bắt bớ tùy tiện, là những hành động lạm dụng quá đà nhưng thường đó cũng là cách thức để các chính phủ chuyên quyền củng cố quyền lực như trường hợp các nước Philippines, Miến Điện hay như Thái Lan.

« Miến Điện và Thái Lan, hai chế độ tập đoàn quân sự, mà ở đó việc sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa hay camera video giám sát giờ là những biện pháp thông dụng nhắm vào các nhà đối lập chính trị. Cả hai nước này cho triển khai những chương trình được thiết lập giống như tại Cam Bốt khi bỏ phiếu thông qua các đạo luật cho phép thực hiện các hoạt động nhắm vào các nhà đối lập chính trị ».

Ấn Độ đang nhắm tới từ đây đến năm 2021 thiết lập một hệ thống lưu trữ dữ liệu ở cấp độ toàn quốc. Dưới vỏ bọc chống tin giả, nhiều nước đã hạn chế quyền tự do ngôn luận khi cho bắt giữ các blogger, hay các nhà báo. Những sự trượt đà này không chỉ giới hạn ở châu Á, giờ còn lan rộng sang cả Trung Đông, một khu vực được cho là dễ bị ảnh hưởng.

Donald Trump : Nguồn lợi dồi dào cho giới xuất bản sách

Nước Mỹ đang trong mùa bầu cử tổng thống sôi động. Mọi cặp mắt giờ đang đổ dồn vào cặp ứng viên tổng thống Trump - Biden. Với câu hỏi lớn : Ai sẽ thắng cuộc ? Nhưng bất kể là ai đi chăng nữa, với giới xuất bản sách, Donald Trump, vị tổng thống đời thứ 45 của Hoa Kỳ, là một « ngôi sao » văn đàn.

Kể từ khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng đã có bao nhiêu đầu sách viết về ông ? « Lửa và Cuồng nộ » của nhà báo Michael Wolff (2018), « Nỗi sợ hãi : Donald Trump ở Nhà Trắng » của phóng viên điều tra Bob Woodward (2018), rồi « Disloyal : A Memoir », từ cựu luật sư của chủ nhân Nhà Trắng Michael Cohen (2020) hay như tập sách « The Room Where It Happened » của cựu cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton… Thật khó mà nhớ hết !

Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là tập sách của cháu gái Donald Trump, bà Mary L. Trump cũng xuất bản trong năm nay, đã thật sự gây chấn động. Chỉ trong vòng 48 giờ, hơn một triệu bản được bán ra. Trong tập sách này, Mary Trump đưa ra một mô tả trên góc độ tâm lý học về vị tổng thống thứ 45 là một người dối trá tự mê, bị rối loạn nhân cách chống xã hội.

Khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter tại Paris qua điện thoại, Mary L. Trump với tư cách là cháu gái tổng thống Mỹ và công dân Mỹ, cho rằng bà muốn đánh động công luận về tính cách nguy hiểm của ông Donald Trump.

« Tôi không đưa ra những chẩn đoán. Đơn giản tôi chỉ muốn thu hút sự chú ý của mọi người về một số triệu chứng thấy được rất giống với chứng bệnh rối loạn tính cách. Tôi cho rằng ông ấy tuyệt nhiên không nên giữ một vị trí có nhiều quyền hành như thế, bởi vì ông ấy không có sự vị tha, thiếu bình tĩnh. Ông ấy gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và xử lý thông tin. Hơn nữa, khi tình hình có biến đổi xấu đi, một điều chắc chắn là ông ấy sẽ dùng rất rất nhiều chất cafein và như vậy thì không tốt cho sức khỏe. Đó là một người ngủ rất ít và điều này thì không tốt chút nào ».

Vẫn theo cháu gái Donald Trump, mọi sự tồi tệ đó bắt nguồn từ cách giáo dục trong gia đình, đặc biệt là từ sự hung dữ của ông nội bà :

« Đó là một người thật sự rất hung dữ, đáng ghê sợ, một người cha tồi tệ. Ở một mức độ lớn hơn, những khó khăn của ông Donald Trump một phần là do tính cách của cha ông. Ông nội tôi có 5 người con và mỗi người trong số họ đều bị hủy hoại tính cách mỗi người một kiểu. Ông nội tôi có trách nhiệm rất lớn trong việc làm hỏng nhân cách của cha tôi và ông Donald Trump ».

Giới quan sát Pháp có cái nhìn như thế nào về Donald Trump ? Hai nhà báo, Gilles Paris và Jérome Cartillier - lần lượt là thông tín viên thường trú của báo Le Monde và hãng thông tấn Pháp AFP tại Washington đã có những mô tả chi tiết khá thú vị về nhiệm kỳ Donald Trump trong tập sách đề tựa « Nước Mỹ, những năm tháng Trump ».

Trả lời câu hỏi của thông tín viên Anne Corpet đài RFI tại Washington, nhà báo Jérome Cartillier đầu tiên hết có nhận xét về vị tổng thống Mỹ thứ 45 như sau :

« Có một điều chắc chắn là Donald Trump có một khiếu trình diễn phi thường. Ông ấy thích đám đông, và có khiếu phản ứng. Donald Trump luôn rình rập để biết xem màn trình diễn của ông có chạy tốt hay không, hướng này hay hướng khác hay từ nào đánh trúng hồng tâm. Thế nên điểm tuyệt đối gây ấn tượng là  ở mọi lúc, dù là khi mệt mỏi, đang đi vận động hay ở Nhà Trắng, kể cả lúc trong chiếc Air Force One, ông ấy lúc nào cũng có cùng một cách thức : Thành công màn trình diễn ʺhoàn hảoʺ ».

RFI : Người ta thường hay nói là ông ấy dối trá, nhưng các thành phần cử tri của ông vẫn đi theo một cách trung thành, bất kể Donald Trump có làm gì đi chăng nữa ?

Jérome Cartillier : « Sự trung thành của các thành phần cử tri của ông là đặc biệt. Địa điểm thể hiện sự trung thành chính là cuộc mit-tinh vận động tranh cử. Chính ở đó mà cỗ máy chính trị thật sự của Donald Trump hoạt động hiệu quả nhất. Điều thú vị là chiến dịch này của ông đã bị gián đoạn vì Covid-19, nhưng vì Donald Trump rất cần đến các cuộc mit-tinh này nên ông ấy vẫn quyết tâm trở lại với chúng bằng mọi giá bất chấp cuộc khủng hoảng dịch tễ. Bởi vì đây chính là địa điểm của chính trị gia Donald Trump, chính ở chiếc bục vận động tranh cử này mà Trump có thể thực hành bài tập ưa thích của mình ».

RFI : Nhưng Donald Trump đã đoạt tuyệt với những quy định truyền thống ?

« Đúng vậy, ông ấy đã phá vỡ các phong tục tập quán. Tất cả những quy định bất thành văn, mà một vị tổng thống buộc phải đi theo chẳng hạn như vị thế tập hợp người dân, nhưng chiếc áo khoác tập hợp này ông chưa bao giờ muốn khoác lên cả, ngoài ra còn có tính trang nghiêm trong hành chức, kiệm lời phát biểu… tất cả những điều đó, những thông lệ, tập quán đó đã bị ông phá vỡ từng điều một ».

RFI : Và ông đã làm thay đổi vị trí của nước Mỹ trên thế giới ?

« Vào cuối nhiệm kỳ, Donald Trump khoe khoang rất nhiều ý tưởng ʺNước Mỹ rồi lại sẽ được tôn trọngʺ. Nhưng người ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đúng hơn là điều ngược lại ʺNước Mỹ đã co cụmʺ. Với khẩu hiệu ʺNước Mỹ trước đãʺ, Donald Trump lao vào những cuộc đọ sức không chỉ với các nước thù địch mà điều gây ấn tượng là với cả các nước đồng minh. Những nước này, hoặc phẫn nộ, hoặc lạnh nhạt trước những cuộc đấu khẩu dữ dội đến mức không ai nghĩ là phải nhận một cú sốc điện như vậy ».

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20201017-covid19-chau-a-big-brother-tu-do

Powered by Blogger.