Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 09/05/2020

Saturday, May 9, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 09/05/2020

Covid-19: Chiến tranh lạnh giữa hai kẻ thâm hiểm – Tú Anh

Nhiều nước trên thế giới sắp dỡ biện pháp phong tỏa cho dù khủng hoảng y tế chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Sau bốn tháng đương đầu với Covid-19, chúng ta biết được gì và… chưa biết gì về SARS-CoV-2, thủ phạm làm hơn 250 ngàn người chết? Nhưng tìm thuốc trị liệu và vác-xin chống kẻ thù chung đang biến thành cuộc đua vì lợi nhuận lồng trong bầu không khí tiền chiến tranh lạnh Mỹ-Trung. Đó là chủ đề của các tạp chí Pháp cuối tuần.
Trump-Tập đều muốn căng thẳng?                                                               
Với tựa “Trận đụng độ giữa hai kẻ thâm hiểm” Donald Trump-Tập Cận Bình, bài xã luận của tuần báo L’Obs nhắc lại là vào năm 1949, khi Cộng sản Mao chiến thắng ở Hoa Lục, thì tại Mỹ nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt : Ai làm mất Trung Hoa? Bây giờ, 70 năm sau, Trung Quốc lại trở thành trung tâm điểm của cuộc tranh luận tại Mỹ nhưng với một câu hỏi khác : Ai đủ cứng rắn đối đầu với Trung Quốc? Bởi vì chế độ độc tài Cộng sản vẫn còn đó nhưng Trung Quốc hiện đang là đại cường thứ hai, sau Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh toàn thế giới đương đầu với đại dịch siêu vi corona, với những hệ lụy kinh tế khốc liệt nhất, Donald Trump đã tìm ra thủ phạm lý tưởng, đó là Tập Cận Bình. Chủ nhân Nhà Trắng thâm hiểm mà Tập Cận Bình cũng chơi trò ma giáo, gian dối để tranh thủ thời gian, sau đó tung ra một chiến dịch tuyên truyền thô bạo chuyển cuộc khủng hoảng thành cơ hội giành lợi thế ngoại giao.
Donald Trump và Tập Cận Bình, mỗi người đều có lý do để mở lại chiến tranh lạnh, một cuộc chiến không thể tránh khỏi vì hai bên đều cần nó để tồn tại.
Kết quả bầu cử tháng 11 có thể làm thay đổi giọng điệu của mỗi bên nhưng quỹ đạo vẫn cố định. Bởi vì ở Washington, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, không một phe nào muốn bị mang tiếng nhu nhược, không khống chế được Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, châu Âu ít cơ may có chỗ đứng, tuần báo thiên tả kết luận.
Vũ Hán: Mê hồn trận virus corona        
Tiếp tục đề tài Trung Quốc và Covid-19, tuần báo L’Obs đưa độc giả đến Vũ Hán, nơi những phòng thí nghiệm, nghiên cứu siêu vi bị nghi ngờ là cội nguồn gây đại họa.
L’Obs tổng hợp các nghi vấn, các giả thuyết, suy đoán, những phân tích ít nhiều có cơ sở cho đến những “fake news” chiếm ngự các trang truyền thông quốc tế. Giả thuyết cho rằng siêu vi lây lan từ thiên nhiên được nhiều khoa học gia chấp thuận nhất. Tuy nhiên, nếu thế, thì nó truyền nhiễm bằng cách nào?
Lúc đầu, giáo sư Thạch Chính Lệ, chuyên gia “sư tổ” siêu vi của Trung Quốc tự hỏi có phải siêu vi thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không. Nhưng sau đó bà “thề bán sống bán chết” là không thể xảy ra được.
Sự kiện Bắc Kinh khẩn cấp đưa một viên tướng quân đội xuống nắm viện nghiên cứu P4 là dấu hiệu có quân đội sau lưng. Để làm gì?
Theo tuần báo Pháp, để xóa hết các nghi vấn, giải pháp tối ưu là để cho một ủy ban khoa học gia độc lập đến tận nơi điều tra. Thế nhưng, Trung Quốc, nhân danh nguyên tắc không để nước ngoài can dự, từ chối hợp tác quốc tế. Mọi dấu tích lúc siêu vi corona mới bắt đầu lây lan cũng bị xóa sạch theo lệnh của chính quyền trung ương.
Tương lai đầy bất trắc hay ganh đua lành mạnh?
Tuần báo Le Point với hai câu hỏi trên trang bìa : Liệu Macron có đưa chúng ta ra khỏi khủng hoảng y tế và kinh tế? Phải chăng khủng hoảng địa ốc đang chờ trước mặt? Theo kinh nghiệm quá khứ, khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới trong thập niên 1990, giá một mét vuông  nhà ở Pháp sụt giảm 42%.
Trong chiều hướng “ôn cố tri tân”, mượn kinh nghiệm lịch sử để tìm hiểu chuyện ngày nay, Le Point đặt câu hỏi với sử gia Niall Ferguson qua một bài phỏng vấn dài.
Về chuyện xung khắc Washington và Bắc Kinh, theo ý tác giả, có lý do để không bi quan: cuộc chiến tranh lạnh mới này có thể  sẽ tạo ra một cuộc “tranh đua lành mạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bởi lẽ, chế độ độc tài cho phép Trung Quốc che mắt thế giới về dịch bệnh trong một thời gian và tranh thủ thời giờ khống chế dịch trong nước. Trong khi đó, các chế độ dân chủ Tây phương chậm phát hiện nguy cơ và chậm đối phó.
Nhưng nói đến Trung Hoa thì phải nói rõ Trung Hoa nào? Bởi vì Trung Hoa Dân Quốc, tức là chế độ dân chủ ở Đài Loan mới là chế độ ngăn dịch hiệu quả nhất, chứ không phải chính quyền Hoa lục.
Cũng theo sử gia Niall Ferguson, liệu Hoa Kỳ có qua được năm 2020 một cách an toàn hay không? Đó mới là câu hỏi then chốt. Trong điều kiện bình thường thì không có gì nguy hiểm nhưng cuộc khủng hoảng này xảy ra đúng vào năm bầu cử mà nội bộ Mỹ thì đang bị chia rẽ.
Nếu Mỹ qua được năm 2020, không bị khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, thì tương lai sẽ tốt đẹp. Ngược lại thì sẽ đáng lo. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có hệ thống chính trị tự do, tản quyền nên hiệu năng cao hơn chế độ độc tài Trung Quốc: 2020 là năm quyết định cho cả hai nước.
Cũng không kém tính thời sự, Le Point tìm hiểu giới nhà hàng, quán giải khát có “công thức nào để tồn tại” một  khi mà ai nấy đều phải đeo khẩu trang, ngồi xa nhau trong trạng thái cảnh giác? Thành phần doanh nghiệp này rất nhạy bén, cho biết tôn chỉ hậu phong tỏa như sau : tiệm cà phê không phải chỉ là nơi bán cà phê mà sẽ là một tụ điểm tạo ra mối dây quan hệ trong xã hội thời hậu Covid-19. Chờ xem khả năng thích nghi của khách hàng.
Đừng tin quảng cáo                                                 
Courrier International dành 10 trang báo để tổng hợp tài liệu kiến thức nghiên cứu dịch Covid-19 cho đến cuối tháng 04 gồm những điều đã biết, biết lầm và chưa biết và những nghi vấn.
Trước tiên, người ta đã sai lầm khi so sánh Covid-19 với cúm. Một khi xâm nhập, nhất là qua đường hô hấp, mắt, miệng, siêu vi corona chủng mới tấn công vào mọi bộ phận cơ thể từ phổi, tim, gan, thận, bộ máy tiêu hóa, não, mạch máu. Mỗi lần sinh sôi nẩy nở là mỗi lần có biến thể ít nhiều làm gia tăng xác suất tái diễn đợt hai.
Nếu mỗi ngày có viện bào chế này, nhóm nghiên cứu kia loan báo tìm ra một hướng trị liệu đầy hứa hẹn hay đạt tiến bộ trong nghiên cứu vác-xin, thì phải biết chưa có gì chắc chắn. Những loại thuốc được quảng cáo đều là hoạt chất trị bệnh khác như Hydroxy Cloroquine chống sốt rét (bác sĩ  Raoult, Pháp), Remdesivir trị dịch Ebola (Mỹ) và Tocilizumab trị viêm khớp (Pháp) được “tái định vị” để thí nghiệm chống Covid-19. Điều chắc chắn là còn lâu lắm mới có thuốc ngừa, dù Mỹ và Trung Quốc tuyên bố này nọ.
Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung và xu hướng mạnh được – yếu thua hiện nay, tinh thần hợp tác quốc tế chống kẻ thù chung đang lui bước, nhường chỗ cho lợi nhuận riêng. Để tránh chiến tranh vác-xin, Liên Hiệp Châu Âu và tổ chức thiện nguyện Bill Gates tung ra sáng kiến lập quỹ nghiên cứu chung với mục tiêu là tìm kiếm và chế tạo thuốc ngừa cho cả nhân loại. Hy vọng họ sẽ thành công.
Với tỷ lệ tử vong 3%, dịch siêu vi corona chủng mới có thể để lại tàn tích lâu dài với  một dịch khác là “suy nhược kinh niên”. Nhiều bác sĩ đã nghĩ đến hiện tượng này. Chưa hết, phổi bị tác hại còn có thể biến chứng thành suyễn mạn tính, thiếu dưỡng khí tác hại đến não bộ…
Jacinda Ardern: sức mạnh đồng cảm của nữ thủ tướng  New Zealand
Về các khuôn mặt tiêu biểu chống  dịch Covid-19, Courrier International dành một bài cho nữ thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, qua ngòi bút của nhà báo Mỹ Uri Friedman.
Ưu điểm của Jacinda Ardern là không bao giờ lên giọng dạy bảo dân chúng. Trái lại, bà đặt mình vào vị trí của người dân. Chẳng hạn, để khuyến khích dân tôn trọng biện pháp cách ly, phong tỏa, nữ thủ tướng New Zealand chỉ nói “bạn đi tìm nơi xa xôi để làm gì nếu trên đường xe bị hỏng thì làm sao? ”
Cá tính của nhà lãnh đạo này là có tinh thần đồng cảm để tạo điều kiện cho người dân phát huy sáng kiến của chính họ. Trước làn sóng ngưỡng mộ quốc tế, trang mạng Stuffen ở New Zealand phải cảnh báo: “Không phải bà ấy là thủ tướng có tài mà lúc nào cũng có lý đâu nhé”.
Van Jackson, giáo sư đại học Wellington, nguyên là cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng thận trọng: Trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu không tránh được, nữ thủ tướng New Zealand sẽ đối phó ra sao? Quản lý giỏi cuộc khủng hoảng virus corona là một chuyện nhưng thế hệ trẻ lãnh đạo quốc gia có đủ bản lĩnh đối phó với tình thế hậu Covid-19 hay không, đó là chuyện khác.
Bởi lẽ, theo giáo sư Van Jackson, chiến lược cơ hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình không có giới hạn. Những kẻ độc tài trên địa cầu sẽ khai thác tối đa đại dịch Covid-19 để khống chế mọi xã hội. Thế giới sẽ biến chuyển một cách tồi tệ hơn khi các tổ chức đa quốc gia (Liên Hiệp Quốc) không giữ được cam kết. Thoát ra khỏi đại dịch an toàn chỉ là bước khởi đầu, trên con đường xa tắp, tiến về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tin tổng hợp
(Le Monde) – Covid-19 : Mỹ phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. 
Ngày 08/05/2020, Washington đã gây bất ngờ khi phủ quyết dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn, « ngưng các hành động thù địch trong vòng 90 ngày ở những nơi có xung đột » để tạo điều kiện giúp đỡ dân đang bị dịch bệnh ảnh hưởng. Văn bản do Tunisia và Pháp soạn thảo, đã được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An bàn bạc suốt 2 tháng qua. Mỹ đã tỏ ý tán đồng vào hôm thứ Năm, nhưng đến phút chót, lại tuyên bố không thể ủng hộ dự thảo nghị quyết, nhưng không nói rõ lý do.
(Yohnap) – Cần hơn 146 triệu đô la trợ giúp nhân đạo Bắc Triều Tiên. 
Theo thông tin của Văn phòng điều phối nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, được công bố ngày 08/05/2020, trong số tiền trên, khoảng 39,7 triệu đô la được dành giúp Bình Nhưỡng chống dịch Covid-19 trong năm 2020 và 107 triệu đô la cho các chương trình trợ giúp nhân đạo không liên quan đến Covid-19. Bình Nhưỡng luôn khẳng định không có ca nhiễm virus nào, nhưng giới quan sát cho rằng chế độ che giấu tình hình và cần trợ giúp của nước ngoài để khống chế dịch.
(RFI) – Hồng Kông: Đụng độ giữa dân biểu Dân Chủ và thân Bắc Kinh. 
Đụng độ xảy ra thứ Sáu 08/05, tại bộ phận phụ trách xem xét các dự luật trước khi trình Nghị Viện. Kể từ tháng 10/2019, bộ phận này không có người phụ trách. Từ nhiều tháng nay, phe Dân Chủ đã cản trở việc bổ nhiệm người đứng đầu. Cho đến nay, đây là một trong những vị trí hiếm hoi trong Nghị Viện Hồng Kông đối lập có khả năng duy trì kiếm soát. Chiều hôm qua, một dân biểu thân Bắc Kinh đã quyết định chiếm lĩnh ghế lãnh đạo vắng người. Các dân biểu đối lập phản đối. Đụng độ nổ ra. Nhân viên an ninh đã phải đến đưa nhiều dân biểu đối lập ra ngoài, trong lúc nghị sĩ đối lập giương cao biểu ngữ phản đối, và truyền hình trực tiếp vụ ẩu đả lên các mạng xã hội.
(France-Info) – Người phát ngôn của phó tổng thống Mỹ bị nhiễm virus corona mới. 
Thông báo chính thức được đưa lên hôm qua. Đây là người thứ hai trong Phủ Tổng Thống Mỹ bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 trong tuần này. Tổng thống Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence xét nghiệm hàng ngày, và cho đến nay cả hai đều âm tính với Covid-19.
(France Info) – Venezuela: Hai người Mỹ bị truy tố vì « âm mưu đảo chính ». 
Hôm qua, 08/05/2020, cơ quan công tố Venezuela truy tố hai công dân Mỹ, bị cáo buộc đột nhập vào lãnh thổ nước này để gây đảo chính. Theo chính quyền, hai bị cáo là cựu chiến binh đặc nhiệm Mỹ. Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc lãnh đạo đối lập Juan Guaido âm mưu đảo chính. Hôm qua, tổng thống Mỹ bác bỏ việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNN, ông Juan José Rendon, một người được coi là cố vấn chính trị của lãnh đạo đối lập, thừa nhận đã ký hơp đồng với một tổ chức an ninh tư nhân mang tên Silvercorp USA, để « nghiên cứu về khả năng bắt cóc” tổng thống Maduro, nhưng không bật đèn xanh cho chiến dịch và lãnh đạo đối lập không hay biết chuyện này.
(Dailymail) – Covid-19 : Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều du thuyền trống không tập trung ở vùng biển Caribê và Philippines. 
Do không được cập cảng do dịch bệnh Covid-19, ít nhất có ba nhóm tàu du lịch, tổng cộng 15 tàu, đậu gần nhau ở vùng biển Coco Cay và Great Stirrup Cay ở Bahamas. Khoảng 12 tàu đang ở ngoài khơi Philippines để chờ cập cảng Manila. Không có hành khách, nhưng một số thủy thủ đoàn đã bị mắc kẹt trên tàu kể từ tháng Ba. Tính đến ngày 05/05, đài CNN cho biết có hơn 57.000 thành viên thủy thủ đoàn trên 74 tàu du lịch trong và xung quanh các cảng ở Hoa Kỳ, Bahamas và Caribê.

Điểm tin thế giới sáng 9/5 –

Hoàn Cầu Thời báo: Trung Quốc cần phát triển thêm

vũ khí hạt nhân để kiềm chế Mỹ

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (9/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hoàn Cầu Thời báo: Trung Quốc cần phát triển thêm vũ khí hạt nhân để kiềm chế Mỹ
Trung Quốc nên mở rộng kho đầu đạn hạt nhân lên 1.000 để đối phó với những thách thức đến từ Hoa Kỳ, Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc đã đăng trên mạng xã hội Weibo vào ngày 8/5, theo The Epoch Times.
Ông Hu Xijin, Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo, người được cho là có lập trường diều hâu về quan hệ đối ngoại, viết trong một bài đăng trên trang Weibo rằng, kho dự trữ vũ khí của Trung Quốc nên có ít nhất 100 tên lửa chiến lược DF-41 (loại tên lửa liên lục địa mới nhất của Trung Quốc có khả năng tấn công Hoa Kỳ).
Hoàn cầu Thời báo do tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuất bản. ĐCSTQ vẫn thường “lèo lái” quan điểm của người dân thông qua truyền thông và tờ Hoàn cầu Thời báo được cho là một trong số đó.
Máy bay quân sự Trung Quốc lại tiếp tục bay vào không phận Đài Loan
Theo Taiwan News, vào ngày 8/5, một máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan khiến hòn đảo phải điều một máy bay phản lực phát sóng cảnh báo.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, máy bay quân sự của Trung Quốc trước khi xâm phạm vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan đã được huấn luyện ngoài khơi bờ biển phía tây nam Đài Loan.
Theo Taiwan News, bất chấp đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc vẫn không ngừng các phong trào quân sự gần vùng biển và không phận Đài Loan. Từ ngày 23/1 đến ngày 8/5, tổng cộng đã có 7 lần các vụ việc liên quan đến máy bay quân sự Trung Quốc được báo cáo.
Trump nói ‘không giữ bí mật’ nếu tấn công Venezuela
Vào ngày 8/5, trả lời phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Fox News, Tổng thống Trump nói Mỹ không đứng sau vụ tập kích bất thành nhằm vào Venezuela, khẳng định sẽ công khai nếu ra lệnh tấn công nước này.
“Nếu muốn đến Venezuela, tôi sẽ không giữ bí mật điều đó. Tôi sẽ đi vào và họ sẽ không thể làm được gì. Họ sẽ bị đánh bại. Tôi sẽ không cử một nhóm nhỏ. Không nhé. Đó sẽ là một đạo quân và sẽ được gọi là một cuộc đổ bộ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết.
Trước đó, vào hôm 4/5, Venezuela đã ngăn chặn vụ đột kích, tiêu diệt 8 lính đánh thuê và bắt 17 người khác, trong đó có hai cựu đặc nhiệm Mỹ là Luke Denman và Airan Berry. Giới chức Venezuela cáo buộc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là người đứng sau vụ đột kích này.
Nga bị nghi tấn công email văn phòng Thủ tướng Đức
Tình báo quân sự Nga bị nghi xâm nhập email văn phòng cử tri của Thủ tướng Đức trong vụ tấn công nhằm vào quốc hội nước này cuối năm 2015.
Reuters dẫn tin từ tờ Der Spiegel của Đức hôm 8/5 cho biết, Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) có thể đứng sau vụ tấn công nhằm vào hệ thống của quốc hội Đức, song không tiết lộ nguồn tin.
Cảnh sát hình sự và cơ quan an ninh mạng liên bang Đức đã tái dựng một phần vụ tấn công, phát hiện hai hộp thư email thuộc văn phòng cử tri của Thủ tướng bị nhắm mục tiêu. Tin tặc được cho là đã sao chép toàn bộ email năm 2012-2015 trong hai hộp thư trên sang một máy tính khác.
Giới chức Đức và Nga chưa có bình luận về thông tin.
Nghị sĩ Hồng Kông ẩu đả giữa cơ quan lập pháp
Theo SCMP, sự việc diễn ra vào ngày 8/5, liên quan tới căng thẳng trong việc chọn lựa vị trí chủ tịch Ủy ban Nội vụ tại cơ quan lập pháp của Hồng Kông.
Các nghị sĩ đã hô lớn và xô đẩy lẫn nhau trong phiên họp của nghị viện. Theo Reuters, một số nghị sĩ thân chính quyền đã tranh cãi, xô xát với các nghị sĩ ủng hộ dân chủ. Cả 2 bên đều cáo buộc nhau lạm dụng quyền lực trong việc ai trong số 2 nghị sĩ Starry Lee Wai-king và Dennis Kwok sẽ được chọn là chủ tịch Ủy ban Nội vụ.
Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy một nghị sĩ trèo lên tường trước khi bị nhân viên bảo vệ kéo xuống, trong khi, một nghị sĩ khác ngã xuống sàn nhà.
Theo SCMP, vụ xô xát đã dẫn tới việc 10 nghị sĩ phe đối lập bị đưa ra ngoài.

Điểm tin thế giới chiều 9/5:

Dữ liệu di động vụt tắt

ở phòng thí nghiệm Vũ Hán tháng 10/2019

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (9/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Dữ liệu di động vụt tắt ở phòng thí nghiệm Vũ Hán tháng 10/2019
Một bản phân tích dữ liệu điện thoại di động chỉ ra một phòng thí nghiệm Vũ Hán bảo mật cao đang nghiên cứu virus corona đã ngừng hoạt động vào tháng 10/2019, ba nguồn tin thân thuộc chia sẻ với NBC News. Hai cục tình báo Mỹ đang xem xét tài liệu, hai quan chức cấp cao nói.
Bản báo cáo – trong tay Đơn vị Xác thực Tin tức của hãng tin NBC tại London – cho biết không có hoạt động di động trong một khu vực bảo mật cao thuộc Viện Virus học Vũ Hán từ ngày 7/10 đến 24/10/2019. Một “biến cố nguy hiểm” có thể đã xảy ra trong thời gian từ 6/10 đến 11/10.
Báo cáo không cung cấp bằng chứng trực tiếp về việc ngừng hoạt động dữ liệu di động, cũng như giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Phát ngôn viên Phó tổng thống Mỹ, Trợ lý Ivanka nhiễm nCOv
Hôm qua, Katie Miller, 26 tuổi, thư ký báo chí phó tổng thống Mike Pence, vợ cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller, có kết quả dương tính với nCov, theo NY Post.
Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm qua với các nghị sĩ Cộng hòa ở Nhà Trắng, tổng thống Trump cho biết ông Pence đã xét nghiệm và có kết quả âm tính. Cả hai nhà lãnh đạo xét nghiệm nCov hàng ngày.
Cũng theo NY Post, trợ lý cá nhân của Ivanka, con gái ông Trump, có kết quả dương tính với Covid-19. Người trợ lý này đã không gặp Ivanka trong vài tuần và đang làm việc từ xa. Cả Ivanka và chồng cô – Jared Kushner, cố vấn cấp cao Nhà Trắng, đều có kết quả âm tính với nCov trong lần xét nghiệm mới nhất hôm qua.
Nhà cựu ngoại giao Nhật Bản qua đời do Covid-19
Nhà cựu ngoại giao Nhật Bản Yukio Okamoto, cố vấn nhiều đời thủ tướng và chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật, đã qua đời cuối tháng trước sau khi nhiễm nCov, cố vấn của ông xác nhận hôm 8/5, theo Reuters.
Sau khi nghỉ hưu năm 1991, Okamoto, 74 tuổi, làm cố vấn cho thủ tướng Ryutaro Hashimoto về các vấn đề phức tạp xoay quanh Okinawa, nơi đồn trú chính của quân đội Mỹ tại Nhật Bản.
Ông cũng từng cố vấn cho thủ tướng Junichiro Koizumi giai đoạn 2001-2004, và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện công nghệ Massachusetts MIT.
Nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ trình dự luật bảo vệ nhân quyền trong đại dịch
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “một số chính phủ đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận, có hành động chống lại các nhà báo và nhân viên y tế” trong đại dịch, theo The Epoch Times.
Theo Freedom House, một tổ chức nghiên cứu nhân quyền tại Washington, đại dịch đang phơi bày sự áp chế quyền tự do ngôn luận toàn cầu đối với báo chí; ví như Ai Cập thu hồi thẻ nhà báo những phóng
viên báo cáo số liệu Covid-19 chân thực, hay Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng trăm người đăng bài “kích động” trên mạng về dịch bệnh.
Các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đàn áp những người dám đưa tin chân thực về đại dịch, ví như bác sĩ thổi còi Lý Văn Lượng.
Em bé Anh 6 tuần tuổi tử vong vì virus Vũ Hán
Nhà chức trách Anh xác nhận một trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi đã qua đời sau khi dương tính với Covid-19, trở thành một trong những nạn nhân nhỏ nhất trên thế giới mất mạng vì căn bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc này, theo Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) Anh, hãng tin The Guardian cho hay.

Powered by Blogger.