19/03/2019
Như thường lệ, chiều hôm qua đi làm về, tắm rửa cơm nước xong, tôi ngồi nhâm nhi ly trà và truy lùng tin tức trên internet. Tôi dừng lại ở Facebook Thanh Hieu Bui một lúc, ngắm nhìn giọt lệ long lanh trong tấm hình đăng dưới hàng chữ: “Trước khi rời Việt Nam về lại Triều Tiên, ánh mắt của Kim chủ tịch”.
Việc thử nghiệm hỏa tiễn xuyên lục địa và đầu đạn nguyên tử của Bắc Hàn mỗi ngày một thêm phức tạp, làm nhức đầu nhiều đời Tổng Thống Mỹ. Ngay từ khi nhậm chức vào ngày 19/01/2017, Tổng Thống Donald Trump đã bị Bắc Hàn nắn gân, nắn cốt bằng những ngón đòn rắc rối cố hữu này, dẫn đến nhiều cuộc đấu khẩu vô tiền khoáng hậu giữa Tổng Thống Mỹ và Lãnh Đạo Bắc Hàn, cùng những đợt phô trương quân sự lớn lao trong vùng Đông Bắc Á, đã khiến thế giới lo ngại về một cuộc chiến nguyên tử có thể bị khởi động nếu hai bên không có sự tương nhượng cần thiết… Thế rồi tình hình lắng dịu làm mọi người thở phào nhẹ nhõm vì hai bên đạt được một thỏa thuận ban đầu, dẫn đến hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, tại Singapore vào ngày 12/06/2018.
Một ngày sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc, Bắc Hàn cho dỡ bỏ địa điểm thử nguyên tử của họ tại Punggye-ri và tuyên bố tạm ngưng các vụ thử hạch Tâm (nguyên tử) cùng hỏa tiễn xuyên lục địa. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn dẫn lời Kim Jong Un rằng: “Bình Nhưỡng sẽ có các biện pháp thiện chí thêm nữa nếu như Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp thành tâm”. Vài tuần sau, Bắc Hàn tiếp tục dỡ bỏ một phần, không thể tái hoàn, đối với một điểm thử động cơ hỏa tiễn xuyên lục địa.
Kết quả đó đã làm mọi người yên tâm, và Tổng Thống Donald Trump không còn đặt trọng tâm vào vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn như trước nữa, ông quay qua giải quyết những việc khác quan trọng hơn, khiến Kim Jong Un nôn nóng, xúc tiến đàm phán và hối thúc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.
Trong lần gặp Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng vào tháng 09 năm 2018, Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã đánh tiếng dùng khu phức hợp nguyên tử Yongbyon như một tín vật mà Bắc Hàn có thể đặt lên bàn đàm phán để đổi lấy “các biện pháp tương ứng” từ phía Hoa Kỳ. Trên thực tế, cơ sở Yongbyon vẫn không được đặt lên bàn đàm phán cho tới khi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt, Bắc Hàn khẳng định rằng Hoa Kỳ phải đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt trước thì Bình Nhưỡng mới có bất kỳ nhân nhượng nào thêm trong việc phi nguyên tử hóa.
Gần đây nhất, trong diễn văn Mừng Năm Mới ngày 01/01/2019, Kim Jong Un nhắc nhở Hoa Kỳ nới lỏng các lệnh trừng phạt như một tiến trình khởi đầu rằng: “Các biện pháp tương ứng sẽ tạo tiến độ trong quan hệ ngoại giao Mỹ–Triều“.
Đòi hỏi của Bắc Hàn trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là điều bất hợp pháp không thể chấp nhận được, bởi căn cứ theo nội dung trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, các lệnh trừng phạt không thể được dỡ bỏ cho tới khi Bắc Hàn thực sự dỡ bỏ hoàn toàn – có thể xác minh được, và không thể hoàn tác – chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, và đồng thời phải cải thiện hồ sơ vi phạm nhân quyền của họ.
Nhưng dẫu sao, những cố gắng của Bắc Hàn đã khiến công luận thế giới bắt đầu tin tưởng vào thiện chí và quyết tâm của Bắc Hàn nhằm rút ngắn thời gian để tiến đến mục tiêu tối hậu, tạo dựng được sự tin tưởng và cùng Hoa Kỳ thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng Thống Donald Trump luôn tự tin vào tài thương thuyết của ông và tỏ ra lạc quan về thiện chí của Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, trong mục tiêu đạt được nền hòa bình để tiến tới phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng Thống Donald Trump bày tỏ sự hài lòng một cách rõ rệt, ông ca ngợi Kim Jong Un hết lời và nhượng bộ Kim Jong Un chọn Hà Nội làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.
Trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thống Donald Trump hoan hỉ thông báo, rằng ông không tăng đợt quan thuế thứ hai lên 25% vào ngày 01 tháng 03 vì những cuộc thương thuyết với Trung Cộng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, ông hy vọng sẽ gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình vào tháng 03 để ký kết một thỏa thuận thương mại.
Tổng Thống Donald Trump cũng viết trên Twitter: “Vietnam is thriving like few places on earth. NorthKorea would be the same, and very quickly, if it would denuclearize. The potential is AWESOME, a great opportunity, like almost none other in history, for my friend Kim Jong Un. We will know fairly soon – Very Interesting! (Việt Nam phát triển nhanh như vài nơi trên trái đất. Bắc Hàn sẽ giống như vậy, và rất nhanh, nếu họ chịu phi hạt nhân hóa. Một tiềm năng TUYỆT VỜI, một cơ hội rất lớn, mà hầu như không ai trong lịch sử có được, chỉ riêng với bạn tôi Kim Jong Un thôi. Chúng ta sẽ biết rất sớm – Tuyệt cú mèo!)”
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất tại Hà Nội, cả Tổng Thống Hoa Kỳ lẫn Lãnh Đạo Bắc Hàn đều tỏ ra lạc quan với mục tiêu đạt được về nền hòa bình để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phát Ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết, lãnh đạo hai nước sẽ ký một thỏa thuận chung vào chiều hôm sau, 28/02/2019, sau đó, Tổng Thống Mỹ sẽ tổ chức một buổi họp báo trước khi trở về lại Hoa Kỳ, theo lịch trình thượng đỉnh ngày thứ hai như sau:
09h00: TT Donald Trump và CT Kim Jong Un gặp mặt tại Metropole.
09h45: Phái đoàn hai bên gặp song phương mở rộng.
11h55: TT Trump ăn trưa và làm việc với CT Kim.
14h05: TT Trump tham dự lễ ký kết thỏa thuận chung với CT Kim.
15h50: Tổng Thống Donald Trump tham dự họp báo.
Tuy mục tiêu tối hậu còn xa vời, người ta kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn, có những bước đi cụ thể hơn so với thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore ngày 12/06/2018, qua đó hai nước sẽ đạt được sự tương tác trong mối quan hệ hai bên cùng có lợi.
Người mong muốn thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại là Trung Cộng. Trung Cộng luôn tìm cách phá hoại mối giao hảo giữa hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Triều Tiên, giống như đã từng tìm trăm phương, nghìn cách chia cắt Việt Nam từ những năm 1954.
Người lo ngại thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công là đảng Dân Chủ Mỹ, bởi sự thành công này sẽ tăng uy tín cho Tổng Thống Donald Trump và đảng Cộng Hòa, gây tổn thất tai hại cho đảng Dân Chủ, trong cuộc đua tranh giành vào Tòa Bạch Ốc năm 2020, nên đảng Dân Chủ tổ chức cho Michael Cohen điều trần ở Hạ Viện trong ngày hội nghị, nhằm triệt hạ uy tín Tổng Thống Hoa Kỳ hầu phá vỡ nỗ lực ngoại giao quan trọng của ông. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham đã lên án hành động này của đảng Dân Chủ ở Hạ Viện là “mưu toan làm hại chủ trương ngoại giao của chính phủ Trump”, ông Graham tuyên bố: “Dân Chủ ở Hạ Viện lại bị tuột điểm vì tổ chức điều trần cho Michael Cohen khi Tổng Thống Trump đang đàm phán với Kim Jong Un về chuyện giải trừ vũ khí“.
Những mong đợi của Trung Cộng và đảng Dân Chủ Mỹ đã thành sự thật!
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un rời Metropole sớm hơn dự kiến, cả hai cùng quay về khách sạn riêng và hủy bỏ bữa ăn trưa. Bà Sarah Sanders, Phát ngôn nhân Báo Chí Tòa Bạch Ốc, tuyên bố: “Không có thỏa thuận nào đạt được vào lúc này, nhưng các nhóm (đàm phán) của hai nước kỳ vọng sẽ gặp nhau trong tương lai”. Tổng Thống Trump chủ tọa cuộc họp báo kéo dài khoảng 37 phút rồi lên Air-Force One bay về lại Washington. Chi tiết cuộc trao đổi này được nhiều hãng truyền hình trực tiếp, điều đáng chú ý là câu tường trình: “Tổng thống Mỹ còn cho hay Mỹ đã nêu ra các địa chỉ vũ khí bí mật của Bắc Hàn, gồm cả ‘kế hoạch tinh luyện uranium‘ mà chưa từng được báo chí đăng tải. ‘Họ ngạc nhiên là chúng tôi biết hết‘, ông Trump bảo“.
Trang Tin Vắn ngày 09/03/2019 trên “Diễn Đàn Trái Chiều”, tác giả Vũ Linh cho biết (Trích):
“Chuyện lạ bốn phương, CNN phân tích về việc hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đã không có kết quả gì, và kết luận đây là một thất bại lớn cho cậu Ấm Ủn của Bắc Hàn. Chẳng mấy khi thấy CNN không mạt sát TT Trump.
Theo CNN, câu Ấm tới tham dự cuộc họp với thái độ tự tin và lạc quan nhất. Cậu tin là với đề nghị phá hủy căn cứ nguyên tử Yongbyon, TT Trump sẽ rất vui mừng mà chấp nhận tháo gỡ cấm vận ngay. Cậu tự tin đến độ lần đầu tiên trong đời, nói chuyện với một nhà báo Mỹ, tuyên bố cậu “có cảm giác kết quả tốt đẹp sẽ xẩy ra”. Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền của BH được lệnh khua chiêng trống rầm rộ về sự thành công của đàm phán ngay từ khi hai bên chưa gặp nhau.
Nhưng TT Trump đã cho rằng biện pháp phá hủy đúng một căn cứ chưa đủ. Ông đòi hỏi thêm. Theo CNN, cậu Ấm ngạc nhiên, không chuẩn bị nên không biết ra đề nghị nào khác, cũng như không sẵn sàng đi xa hơn. TT Trump đứng dậy bỏ ra về, khiến cậu Ấm bỡ ngỡ và bối rối, không biết phải phản ứng ra sao, đợi mãi đến 12 giờ đêm mới mở cuộc họp báo bất ngờ để giải thích.
Việc cậu Ấm thất bại hình như được xác nhận bởi việc ông Kim Yong Chol, trưởng đoàn điều đình của BH, bất ngờ ‘biến’ đâu mất, cuộc họp báo cuối cùng giải thích việc đàm phán đổ vỡ do ngoại trưởng BH triệu tập. Sau tuyên cáo của ngoại trưởng, thứ trưởng ngoại giao BH cũng cho báo chí biết cậu Ấm rất thất vọng và có thể đã mất hứng thú tiếp tục đàm phán với Mỹ, và cậu cũng không hiểu tính toán của Mỹ (nguyên văn: “our Chairman had a difficult time understanding the U.S. system of measuring”).
Nhận xét này nghe lý thú: chính cậu Ấm Ủn thừa nhận không hiểu Mỹ, chứ không phải TT Trump đã không hiểu BH như vài cụ tỵ nạn bị dị ứng Trump đã phán.
Sau khi cuộc đàm phán thất bại, cậu Ấm Ủn có ở lại Hà Nội, chính thức viếng thăm CSVN trong hai ngày với cái mặt bí xị, nhưng trong những ngày này, không ai thấy bóng dáng ông trưởng đoàn điều đình đâu hết. Theo ý kẻ này, sẽ không phải là chuyện lạ nếu ông trưởng đoàn này về đến Bình Nhưỡng sẽ bị ăn đạn đại bác“ (ngưng trích).
Ngày 09/03/2019, hãng tin Bloomberg cho biết Bắc Hàn có thể đang chuẩn bị bắn một hỏa tiễn liên lục địa, hoặc một hỏa tiễn phóng vệ tinh, theo các hình ảnh vệ tinh được công ty Digital Globe chụp vào ngày 22/02/2019, tức là trước khi diễn ra thượng đỉnh Hà Nội, tại bãi phóng Sanumdong, gần thủ đô Bình Nhưỡng.
Tongchang-ri, địa điểm tiếp tục giàn phóng nguyên tử vẫn còn hoạt động
Thế là rõ rồi nhé, Tổng Thống Donald Trump đã biết rõ hết tất cả, ông đã nhắc nhở nhiều lần là không nên chờ đợi một bước đột phá ngoại giao từ thượng đỉnh Hà Nội. Thậm chí ngay trước thềm hội nghị, trả lời báo chí, ông nói muốn có thêm các cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ Tịch Kim Jong Un.
Kết quả xảy ra không như mong muốn, đã khiến Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un thất vọng, mất hứng thú tiếp tục đàm phán, và cảm thấy khó khăn để am hiểu về hệ thống đo lường của người Mỹ (nguyên văn: “our Chairman had a difficult time understanding the U.S. system of measuring”).
Theo tôi nghĩ, thuật ngữ “the U.S. system of measuring” dùng ở đây có nghĩa là một hệ thống xã hội mà những thành viên hành động theo một phong cách có tổ chức để thực thi pháp luật bằng cách trực tiếp tham gia vào các cuộc tuần tra hay giám sát nhằm khám phá, ngăn chặn, phục hồi, và trừng phạt những người vi phạm luật lệ và các quy tắc chi phối xã hội đó.
Như thế, đó chính là nhiệm vụ của Hành Pháp Mỹ, và người đứng đầu là Tổng Thống Donald Trump đã bay 15 ngàn cây số đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh, không những để lật tẩy sự dối trá của cộng sản Bắc Hàn, mà Tổng Thống Trump còn trực tiếp nhắn điều gì đó khiến Thứ Trưởng Ngoại Giao Bắc Hàn Ri Kil Song phải cấp tốc bay thẳng tới Bắc Kinh hội kiến Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị để báo cáo, ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh đổ vỡ.
Ngày 01/03/2019, Tổng Thống Donald Trump loan báo trên Twitter rằng cuộc đàm phán giữa ông với Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tại Hà Nội trong tuần rất “quan trọng”. Ông viết: “Chúng tôi biết rõ họ muốn gì và họ hiểu rõ chúng tôi phải đạt được những gì”.
Dường như viết ra câu ấy, Tổng Thống Donald Trump muốn nhắn với nhân vật khác, bởi lá bài Bắc Hàn đã bị lật tẩy và giọt nước mắt còn đọng trên mi Lãnh Đạo Kim Jong Un.
Dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia Mỹ cho biết là bãi phóng hỏa tiễn Sohae ở Tongchang-ri, đã được nhanh chóng xây dựng lại ngay trong thời điểm Tổng Thống Donald Trump và Lãnh Đạo Kim Jong Un đang hội đàm tại Hà Nội, và kể từ nay bãi phóng ấy hoạt động lại bình thường. Bãi phóng này là một trong những cam kết tháo dỡ của Lãnh Đạo Bắc Hàn Kim Jong Un với Tổng Thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tỏ thái độ lạc quan, thậm chí Washington còn khẳng định có thể đạt được phi hạt nhân hóa Bắc Hàn trong vòng từ nay đến đầu năm 2021.
Trên chương trình “This Week” của đài truyền hình ABC hôm 10/03/2019, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Bolton cho biết, chính phủ Mỹ đang “liên tục” theo dõi mọi diễn biến của Bắc Hàn, ông nói: “Không còn gì trong trò chơi phổ biến (nguyên tử) làm tôi ngạc nhiên nữa”.
Ông John Bolton nói rằng: “Tổng Thống Trump sẽ khá thất vọng nếu ông Kim Jong Un xúc tiến và làm những chuyện như vậy, chính ông (Kim Jong Un) đã cam kết không thực hiện điều đó trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội vào tháng trước”.
Ngày 12/03/2019, BBC tiếng Việt loan tin: “Bầu cử Quốc hội của Bắc Hàn đem lại chiến thắng ‘to lớn’ được dự kiến trước cho đảng Lao Động Triều Tiên – Bà Kim Yo-jong ‘trúng cử’ đại biểu Quốc Hội, nhưng lần đầu tiên, ông Kim Jong Un dường như không có tên trong phiếu bầu“.
Tổng Thống Donald Trump cũng không quên bắn một mũi tên vào đảng Dân Chủ: “Is perhaps a new low in American politics and may have contributed to the “walk”. Never done when a president is overseas. Shame!: Có lẽ đó là một điểm thấp kém mới trong nền chính trị Hoa Kỳ, nó đã góp phần vào sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh. Đừng nên làm như vậy khi Tổng Thống đang ở nước ngoài. Thật xấu hổ!”
Ngày 14/03/2019, Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin giải thích rằng hiện còn “nhiều việc phải làm” trong lãnh vực thương mại giữa hai nước, nên cuộc gặp thượng đỉnh thương mại giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ không diễn ra vào tháng 03/2019 như ước tính. Sau đấy, Tổng Thống Donald Trump cho biết, rằng có thể sẽ mất thêm ba hoặc bốn tuần lễ nữa mới biết chính xác liệu có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Cộng hay không.
Chủ Tịch Tập Cận Bình muốn có một hình ảnh mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Trung Cộng trước mắt dân Hoa Lục, ông không muốn lâm vào tình cảnh bẽ bàng như Kim Jong Un trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vừa qua, cho nên Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ không đến Mỹ họp thượng đỉnh, nếu ông không cầm chắc một thỏa thuận về thương mại trong tay.
Được biết, Quốc Hội Trung Cộng vừa mới thông qua bộ luật về đầu tư, trong đó có những điều khoản cấm cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Bộ luật mới này được xem là cách Bắc Kinh đáp ứng các đòi hỏi của Washington, luôn tố cáo Trung Cộng có những thủ đoạn để đánh cắp công nghệ Âu Mỹ.
Chờ xem liệu Bắc Kinh sẽ đáp ứng được đến đâu?
Phạm Khắc Trung