Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 17/03/2020

Tuesday, March 17, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 17/03/2020

Virus corona :

Tổng thống Pháp tuyên chiến với « kẻ thù vô hình »

Thùy Dương
Trong những ngày này, dịch bệnh Covid-19 vẫn là tâm điểm của báo chí Pháp, nhất là về tình hình trong nước. Trên trang nhất, cả báo Les Echos và Le Figaro đều đăng hình tổng thống Macron và chạy tít chính giống nhau : Nous sommes en guerre – Chúng ta đang trong chiến tranh. Đây là câu nói được tổng thống Pháp nhắc lại 6 lần trong bài phát biểu dài hơn 20 phút trên truyền hình tối hôm qua 16/03.
Nước Pháp đã tuyên chiến với virus corona. Libération trích một câu nói khác của tổng thống Macron làm tựa trang nhất: « Kẻ thủ đang ở đây, một cách vô hình ».
Còn báo Công giáo La Croix đăng tựa ngắn gọn « Thời phong tỏa », trên nền ảnh một người đàn ông đeo khẩu trang, đang kéo vali một mình trên đường phố vắng vẻ không bóng người. Trong khi đó, báo Le Monde, ra từ chiều hôm qua, báo động« Tình trạng y tế xuống cấp nhanh chóng ».
Trở lại với Le Figaro, tờ báo thiên hữu gọi các biện pháp mà tổng thống Macron đưa ra tối hôm qua trong bài phát biểu trên truyền hình là « những biện pháp mang tính lịch sử ». Các quy định mới hạn chế người dân ra khỏi nhà có hiệu lực từ 12h trưa hôm nay 17/03, nhưng ngay sau bài phát biểu của tổng thống, bộ trưởng Nội Vụ Castaner đã huy động 100.000 cảnh sát và hiến binh trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm dân chúng thực thi nghiêm túc lệnh phong tỏa.
Le Figaro dành cả trang nhất, bài xã luận và 18 trang để nói về virus corona. Vòng 2 bầu cử địa phương dự kiến diễn ra vào ngày 22/03 bị hoãn lại. Các cuộc cải cách bảo hiểm thất nghiệp và cải tổ hưu trí cũng sẽ tạm ngưng. Các bệnh viện, nhất là ở vùng Paris, chuẩn bị đối phó khi « cơn sóng thần » Covid-19 ập đến. Châu Âu đóng cửa biên giới để hạn chế đà lây lan của virus.
Trải nghiệm chưa từng có
« Chưa từng có » là tựa bài xã luận của báo công giáo La Croix. Giờ đã đến lúc tập trung vào một mục tiêu duy nhất : đánh bại dịch bệnh do virus corona nhanh nhất có thể. Mọi chuyện khác phải được gạt sang một bên. Bắt đầu từ hai cuộc cải cách, vốn trong những tháng gần đây đã bị phản đối kịch liệt nhất: bảo hiểm thất nghiệp và chế độ hưu bổng. Việc đình chỉ hai cuộc cải tổ này được chính nguyên thủ Pháp Macron công bố trong tối hôm qua. La Croix nhận định với thông báo nói trên, tổng thống Emmanuel Macron cho thấy ông mong muốn đoàn kết các lực lượng trong cả nước trong giai đoạn chưa từng có này.
Đúng là nước Pháp đang có một trải nghiệm chưa từng có. Tất cả các hoạt động không thực sự cần thiết đều phải tạm ngưng. Công dân được yêu cầu ở yên trong nhà. Kỳ bầu cử địa phương bị đình chỉ khi đang ở giữa hai vòng. Quân đội được huy động để tăng cường cho hệ thống bệnh viện. Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới. Một quỹ với ngân sách lớn được thành lâp để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế rủi ro phá sản. Chưa bao giờ nước Pháp có sự triển khai « kho vũ khí » quy mô lớn đến như vậy trong giai đoạn không có xung đột vũ trang.
Trên thực tế, đây đúng là một trận chiến. Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí đã sử dụng từ« chiến tranh » nhiều lần để mọi người phải lưu tâm hơn và nhận thức được là tình hình đang rất cấp bách. Nước Pháp đang bước vào « một cuộc đua tốc độ » với virus corona để hạn chế số nạn nhân và cho phép cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất có thể.
Vì thế, La Croix kêu gọi tất cả mọi người phải nỗ lực. Ở yên trong nhà là thể hiện ý thức công dân và tình đoàn kết với những người bắt buộc phải ra ngoài để tham gia cuộc chiến đấu nhằm duy trì các hoạt động sống còn của xã hội.
Cuộc chạy đua với thời gian
Trong bài xã luận có tiêu đề « Cuộc chạy đua với thời gian », Le Figaro chỉ trích tổng thống Macron trong việc chậm trễ đưa ra các biện pháp mạnh tay. Theo Le Figaro, chính vì thiếu các phản ứng mạnh nên bây giờ nước Pháp mới phải « chạy đua với thời gian ». Le Figaro lấy làm tiếc là kinh nghiệm của Trung Quốc và Ý lẽ ra đã phải chỉ ra cho nước Pháp con đường nên đi.
Tờ báo nhấn mạnh sức mạnh của một nền dân chủ là bảo đảm quyền tự do bầu cử, nhưng phải biết thích nghi với tình hình, đảm bảo tự do ngôn luận nhưng cũng phải bảo vệ người dân. Vì thế, Le Figaro lấy làm tiếc là chính quyền Pháp đã trì hoãn rất lâu trước khi ra quyết định như tối hôm qua. Phải mất quá nhiều thời gian tổng thống Macron mới nhận ra rằng chúng ta không còn có thể sống như trước. Giải pháp duy nhất để tránh thảm họa y tế là ngồi yên trong nhà. Mọi người phải học cách sống khác đi. Le Figaro trấn an độc giả là trong thời đại siêu kết nối internet, đây không phải là ngày tận thế.
May mắn là cuối cùng Emmanuel Macron đã nhận ra không ai có thể dự đoán được khi nào dịch bệnh chấm dứt. Ý thức kỷ luật sẽ phải như cuốn hộ chiếu thiết yếu cho cả cá nhân và tập thể để có thể đi qua cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này. Đây là điều chắc chắn duy nhất.
Pháp: Cuộc chiến dài hơi chống virus corona
Bài xã luận của Le Monde ra từ chiều hôm qua, trước khi tổng thống phát biểu trên truyền hình, cũng nói đến « một cuộc chiến dài hơi ». Tại Pháp, do chậm nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên việc phát huy tinh thần trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến chống virus corona cũng bị chậm trễ.
Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhấn mạnh trong những ngày đầy lo lắng như thế này, không nên thêm bồi nỗi tức giận vào nỗi sợ hãi, cũng không nên gây chia rẽ trong bối cảnh mọi người cần cách ly. Không còn thời gian để gây thêm tranh cãi về những tính toán nhỏ nhặt và sự khinh suất khi chính quyền vẫn cho tiến hành tổ chức cuộc bầu cử địa phương vô nghĩa. Le Monde lấy làm tiếc là cuộc bầu cử hôm 15/03 đã làm lãng phí một ngày quý giá trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời nó phát một thông điệp đi ngược với tình trạng nguy cấp theo đó « đừng chần chừ gì nữa, mọi người phải tránh lại gần nhau và ở yên trong nhà ».
Nhiều người Ý đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi không nghiêm túc lúc khủng hoảng dịch bệnh mới nổ ra, nay họ đã hiểu điều đó và tỏ ra rất mẫu mực, tôn trọng kỷ luật. Le Monde lo ngại là hiện nay dân Pháp chưa làm được điều tương tự như người láng giềng Ý. Bất chấp các dự đoán đáng báo động, các biện pháp ngày càng cứng rắn, các con số người nhiễm bệnh và chết ngày càng đáng lo ngại, nhưng đối với nhiều người Pháp, mối rủi ro vẫn chỉ liên quan đến những người khác – người già hoặc người ốm yếu, mối nguy dường như vẫn còn ở đâu đó rất xa trong tương lai.
Trong tiến trình vô hình, Covid-19 đã liên minh với hai trong số những tệ nạn lớn của thời đại : tính ích kỷ và những suy nghĩ ngắn hạn. Tính ích kỷ phá hủy khả năng đáp ứng lợi ích của cộng đồng. Tự cách ly, cũng như tiêm phòng, trên thực tế là để bảo vệ những người xung quanh nhiều hơn bảo vệ bản thân chúng ta. Sự ích kỷ này, trong điều kiện các chính sách công ngày càng hạn chế, cuối cùng lại làm suy yếu hai trong số các loại chuyên gia mà chúng ta đang rất cần họ cống hiến cả thể chất và não bộ cho cuộc chiến chống đại dịch : giới y bác sĩ và nghiên cứu khoa học.
Những quan điểm ngắn hạn tạm thời đang cản trở nhận thức về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, giống như nhận thức về sự nóng dần lên của Trái đất từ một vài năm nay. Bất chấp các cảnh báo, dữ liệu và hiện tượng ngày càng nhiều, thái độ phủ nhận và hoài nghi vẫn làm trì hoãn những thay đổi cần thiết để giải quyết một mối nguy hiểm cho đến nay vẫn bị coi là rất trừu tượng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, khi đối mặt với Covid-19, trong lúc số nạn nhân tăng mỗi ngày, « sự mù quáng tự nguyện này » sẽ chấm dứt rất nhanh. Khi đó, dịch bệnh có thể buộc nhiều nền dân chủ phải đối mặt với những câu hỏi khiến chúng ta chóng mặt. Chúng ta nên chấp thuận để các quyền tự do cơ bản bị hạn chế đến mức nào? Cần làm tê liệt nền kinh tế đến mức nào để chặn đứng dịch bệnh?
Thử thách này, lần đầu tiên diễn trên quy mô toàn cầu, có thể thay đổi vĩnh viễn tiến trình phát triển của xã hội . Có thể các xã hội sẽ vượt qua và được cải thiện, nếu hội tụ hai điều kiện thiết yếu là sự tự tin và lý trí. Để người dân chấp nhận hy sinh quyền lợi, có thể là trong nhiều tháng, chính quyền, nhất là ở chế độ dân chủ, buộc phải công khai chiến lược, những rủi ro và cả những diễn tiến sau này. Và để làm sáng tỏ những điều trên, chính quyền phải chia sẻ các dữ liệu khoa học và ý kiến của các nhà khoa học tư vấn cho chính quyền trong các quyết sách.
Nhưng theo Le Monde, hiện tại, Pháp chưa đáp ứng được những điều kiện này. Bộ máy hành pháp đã chậm trễ trong việc chia sẻ các quy tắc về cách thức tham vấn hội đồng khoa học của mình, vốn công tác nghiên cứu cũng chưa được công bố. Chiến lược đối phó với Covid-19 cũng chưa được đặt ra rõ ràng và rất ít được tranh luận. Sự thiếu minh bạch trong việc đưa ra các quyết định sẽ chỉ gây hại cho cuộc chiến dài hơi, một cuôc chiến giờ mới chỉ bắt đầu, và làm chậm trễ việc phát huy tinh thần trách nhiệm cần thiết của các cá nhân. Với Le Monde, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân chính là mắt xích để ngăn cản virus corona lây lan.
Chiến lược rủi ro của Anh Quốc chống virus corona
Nhìn sang nước láng giềng Anh, Le Monde chỉ trích « chiến lược đầy rủi ro của Anh Quốc chống virus corona ». Trong khi tình hình ở các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp … đang rất « nóng » với cuộc chiến chống dịch bệnh, thì tại Anh Quốc, cho đến hôm Chủ Nhật 15/03 chính phủ mới chỉ đưa ra hai lời khuyên : rửa tay và tự cách ly 7 ngày nếu có triệu chứng nhiễm virus.
Theo các nhà cố vấn của thủ tướng Anh Boris Johnson, cần 60% dân số nhiễm bệnh (40 triệu người) để có thể có được khả năng miễn dịch cộng đồng, tránh dịch bệnh tái phát vào mùa đông tới. Ông Patrick Vallance, cố vấn trưởng khoa học của chính phủ, nhấn mạnh hôm thứ Sáu 13/03 là không thể tránh việc tất cả mọi người bị nhiễm virus. Và đây cũng không phải điều nên mong muốn, bởi vì cộng đồng cần đạt đến một khả năng miễn dịch nào đó.
Các nhà truyền nhiễm học, bác sĩ, chính trị gia, các nhà phê bình đều chỉ trích thủ tướng Boris Johnson, nhất là khi lãnh đạo Anh cảnh báo người dân nên chuẩn bị tinh thần « mất đi nhiều người họ yêu thương hơn nữa ». Nếu tính theo tỉ lệ 1% số người nhiễm virus corona sẽ chết thì sẽ có khoảng 400.000 người Anh mất mạng vì Covid-19.
Dân biểu đảng bảo thủ Jeremy Hunt, bộ trưởng Y Tế thời thủ tướng Theresa May, là một trong những người đầu tiên gióng hồi chuông báo động hôm thứ Năm 12/03. Đánh giá chính sách của thủ tướng Johnson là « đáng lo ngại », ông Hunt còn ngạc nhiên vì chính phủ Anh vẫn chưa cấm tụ tập đông người. Trong khi đó, Richard Horton, trưởng ban biên tập tạp chí khoa học nổi tiếng về y khoa, The Lancet, cho rằng chính phủ đang phạm sai lầm khi chơi trò may rủi với người dân.
Tối hôm thứ Bảy, trong khi đơn khiến nghị của 250 nhà khoa học được lan truyền trên mạng đòi hỏi Boris Johnson ban hành ngay các biện pháp cứng rắn hạn chế sự tiếp xúc của người dân, phủ thủ tướng Anh hé lộ thông tin là sẵn sàng cho áp dụng các biện pháp mạnh hơn, nhất là tất cả những người trên 70 tuổi phải cách ly tại nhà ít nhất 4 tháng. Sáng Chủ Nhật, bộ trưởng Y Tế trấn an người dân là sẽ hành động đùng thời điểm, trong những tuần tới, vào lúc cần thiết và quyết định của chính phủ sẽ dựa trên khoa học.
Một nhà nghiên cứu của đại học Harvard chỉ trích chiến lược của chính phủ là « vô trách nhiệm ».Nhà khoa học này kêu gọi dân chúng không nên lo lắng nhưng phải tự chuẩn bị, nếu chính phủ không giúp đỡ họ thì họ phải tự hành động. Dường như dân Anh cũng đã tính đến phương án này : hôm thứ Bảy, tại các siêu thị ở Luân Đôn, các kệ hàng mỳ, xà phòng rửa tay và giấy vệ sinh đều trống không và nếu dùng dịch vụ giao hàng đến tận nhà, khách hàng phải chờ ít nhất 8 ngày nữa mới nhận được hàng.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200317-virus-corona-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p-tuy%C3%AAn-chi%E1%BA%BFn-v%E1%BB%9Bi-%C2%AB-k%E1%BA%BB-th%C3%B9-v%C3%B4-h%C3%ACnh-%C2%BB

Tin tổng hợp
(Reuters) – Philippines quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường tài chính vì Covid-19. 
Nhằm bảo đản an toàn cho nhân viên và các nhà môi giới chứng khoán, giới chính quyền Manila quyết định sàn chứng khoán Philippines “ngưng hoạt động vô hạn định” kể từ ngày 07/03/2020.
(Reuters)- Virus corona : Chứng khoán tại Mỹ giảm mạnh.
Trong phiên giao dịch hôm 16/03/2020 chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm gần 13 % đây. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ 1987. Vào trưa nay, chứng khoán tại Frankfurt, Đức cũng giảm mạnh. Tại châu Á, thượng Hải mất giá, nhưng chỉ số Nikkei của Tokyo tăng lên trở lại sau khi đã sụt giá mạnh vào hôm 16/03/2020.
(Reuters) – Bruxelles chính thức dời lại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu –Trung Quốc. 
Một lần nữa Covid-19 làm xáo trộn các hoạt động ngoại giao. Phát ngôn viên Liên Hiệp Châu Âu ngày 17/03/2020 xác nhận tin dời lại thượng đỉnh giữa lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Cuộc họp được dự trù diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 30 và 31/03/2020.
(AFP) – Thêm 135 người chết tại Iran vì virus corona. 
Iran sắp vượt ngưỡng tâm lý 1.000 người thiệt mạng từ đầu mùa dịch Covi-19. Phát ngôn viên bộ Y Tế Iran ngày 17/03/2020 cho biết trong 24 giờ qua đã có thêm 1.178 ca nhiễm, 135 người tử vong. Tới nay, hơn 16 ngàn người Iran bị viêm phổi chủng mới. Gần một phần ba trong tình trạng “ổ định” theo bộ Y Tế Iran.
(AFP) – Virus corona : CIO họp về Thế vận hội Tokyo 2020. 
Ngày 17/03/2020, Ban chấp hành của Ủy ban Thế vận Quốc tế CIO họp tại Lausanne, Thụy Sĩ, để “chuẩn bị cho việc trao đổi thông tin” với các liên đoàn quốc tế và với các vận động viên đang ngày càng lo ngại về khả năng duy trì Thế vận hội Tokyo, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Theo kết quả một cuộc thăm dò được hãng tin Kyodo công bố hôm 16/03/2020, có đến 69% dân Nhật không tin là là Tokyo có thể đón tiếp theo lịch trình dự kiến Thế vận hội 2020, sẽ khai mạc ngày 24/07.
(AFP) – Bóng đá : Euro-2020 sẽ bị dời lại tới năm 2021. 
Trong cuộc họp hôm nay, 17/03/2020, tại Lausanne, Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA  quyết định dời lại Giải vô địch bóng đá châu Âu Euro-2020. Trên nguyên tắc diễn ra từ ngày 12/06 đến 12/07/2020, nhưng  châu Âu đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới. UEFA vừa quyết định giải Euro sẽ diễn ra từ 11/06/2021 đến 11/07/2021. Trận bóng khai mạc sẽ diễn ra tại Roma.
(AFP)- Virus corona : Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức đóng cửa. 
Do nước Pháp bị phong tỏa trong hai tuần vì dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử của Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes) ở miền nam nước Pháp, khu thánh địa này đóng cửa kể từ trưa nay, 17/03/2020, theo thông báo của Đức Ông Olivier Ribadeau Dumas, Giám đốc Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Mỗi năm khu thánh địa Lourdes vẫn thu hút hàng triệu khách hành hương từ khắp thế giới.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200317-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p-0

Điểm tin thế giới sáng 17/3:

Canada đóng cửa biên giới;

Nhân viên y tế Ý thiếu khẩu trang

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (17/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Đối phó với COVID-19, Canada đóng cửa biên giới
Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, hôm thứ Hai (16/3), tuyên bố rằng Canada sẽ đóng cửa biên giới với những du khách không phải là công dân hoặc thường trú nhân để hạn chế tối đa sự lây lan của nCoV, theo SCMP.
“Những biện pháp này sẽ giúp cứu sống người dân”, ông Trudeau nói, và khuyên người Canada rằng không nên ra ngoài và đơn giản là nên “ở trong nhà”.
Việc hạn chế đi lại “sẽ không áp dụng trong thương mại”, ông Trudeau cho biết thêm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm báo nguồn cung những mặt hàng thiết yếu cho Canada”.
Nhân viên y tế Ý thiếu khẩu trang bảo hộ trong dịch COVID-19
Các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống COVID-19 ở Ý đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đồ bảo hộ, nhiều người phải đeo duy nhất một khẩu trang trong suốt 12 giờ, gây ra nguy cơ nhiễm bệnh cao, một nhóm hỗ trợ phòng chống dịch cho biết thông tin hôm thứ Hai (16/3), theo Fox News.
Tổ chức các Bác sĩ không biết giới, với tên viết tắt bằng tiếng Pháp là MSF, nói rằng tình trạng thiếu nguồn cung cấp phương tiện y tế thiết yêu đang trở nên phổ biến ở Ý, quốc gia hiện có số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
MSF cũng cảnh báo những gì xảy ra ở Ý thời điểm hiện tại cũng rất có thể sẽ xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. “Hiện tại Ý rất cần nguồn cung cấp thiết bị bảo hộ để bảo vệ nhân viên y tế, nhưng chỉ trong ít tuần nữa, điều này có thể cũng sẽ xảy ra ở những nơi khác”.
Pháp và EU tăng cường các biện pháp mạnh chống nCoV
Pháp đã áp lệnh phong tòa gần như với toàn bộ đất nước, trong khi đó EU cấm người ngoài khối tới thăm trong 30 ngày nhằm nhanh chóng đẩy lùi đại dịch COVID-19, theo The Guardian.
“Chúng ta đang trong cuộc chiến, một cuộc chiến [bảo vệ] sức khỏe cộng đồng, chắc chắn rồi, chúng ta đang có chiến tranh chống lại một kẻ thù vô hình và không dễ kiểm soát”, Tổng thống Pháp Macron nói hôm thứ Hai (16/3), sau khi thông báo tất cả người dân Pháp, từ thứ Ba, được yêu cầu hạn chế di chuyển trong 15 ngày, trừ trường hợp có lý do đặc biệt.
Ông Macron cũng cho biết Pháp sẽ đóng cửa biên giới từ thứ Ba, mặc dù vậy công dân Pháp ở nước ngoài được phép trở về nhà. Trước đó, Chủ tịch ủy ban châu Âu, Bà Ursula von der Leyen, nói EU sẽ ngưng đón khách ở các nước ngoài khối, trừ các chuyên gia về nCoV, bác sĩ và nhà ngoại giao. Bà Leyen cho biết thêm, hạn chế này sẽ kéo dài trong 30 ngày nhưng có thể được điều chỉnh.
Thêm nhiều quốc gia châu Phi thông báo có người nhiễm nCoV
Hôm thứ Hai (16/3) đã có thêm nhiều nước châu Phi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên. Một số nước ở châu lục này đã tuyên bố đóng cửa biên giới để phòng dịch, theo Reuters.
Hiện châu Phi có 30 quốc gia thông báo có người nhiễm nCoV, với gần 400 bệnh nhân được thống kê. Tanzania, Liberia, Benin và Somalia là những nước mới nhất thông báo có người lây nhiễm loại virus khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Các chuyên gia lo ngại rằng với điều kiện y tế yêu kém, dịch COVID-19 nếu bùng phát ở châu Phi sẽ rất khó kiểm soát.
Ông Pompeo chỉ trích việc Trung Quốc ‘vu’ cho Mỹ gây ra COVID-19
Hôm thứ Hai (16/3), Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong một cuộc điện đàm với một quan chức cấp cao Trung Quốc, nói rằng Mỹ kịch liệt phản đối việc Bắc Kinh đổ lỗi cho Washington gây ra đại dịch COVID-19, theo Reuters.
“Ngoại trưởng Pompeo đã bày tỏ rằng Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc cố gắng tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra đại dịch COVID-19”, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói về cuộc điện đàm giữa ông Pompeo và ông Yang Jiechi, trưởng văn phòng đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng đây không phải là thời điểm để truyền bá thông tin sai lệch và những tin đồn kỳ quặc, mà là lúc để tất cả các quốc gia cùng nhau chống lại mối đe dọa chung này”, bà Ortagus cho biết thêm.
Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu tuần trước, đã triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối những phát biểu của Bắc Kinh cho rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán. David Stillwell, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên trách vấn đề Đông Á, khi gặp Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Cui Tiankai, đã bày tỏ sự giận giữ đối với cáo buộc vô căn cứ này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-17-3-canada-dong-cua-bien-gioi-nhan-vien-y-te-y-thieu-khau-trang.html

Điểm tin thế giới chiều 17/3:

Malaysia xác nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (17/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Malaysia xác nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19
Theo CNA, một mục sư tại nhà thờ Emanuel ở thành phố Kuching, bang Sarawak, 60 tuổi, đã qua đời lúc 11h sáng nay, đánh dấu ca tử vong đầu tiên vì nCov ở Malaysia.
193 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đang được cách ly tại nhà. Malaysia hiện ghi nhận gần 600 ca nhiễm COVID-19 và là ổ dịch lớn nhất ở Đông Nam Á cho đến nay.
Venezuela cách ly toàn quốc
Theo CNN, Tổng thống Nicolas Maduro ra lệnh cách ly toàn quốc từ hôm nay nhằm ngăn dịch COVID-19, sau khi yêu cầu người dân thủ đô Caracas ở trong nhà.
“Lệnh cách ly toàn quốc có hiệu lực từ 5h ngày 17/3 (16h giờ Hà Nội). Chúng ta đang cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng. Nếu không được kiềm chế và ngăn chặn, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cộng đồng”, ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela nói trong cuộc họp ngắn qua video ngày 16/3.
Ông yêu cầu lực lượng cảnh sát, y tế và quan chức địa phương phối hợp để thi hành lệnh cách ly toàn quốc.
Thứ trưởng Kinh tế Brazil nhiễm COVID-19
Reuters dẫn thông báo của văn phòng ông Marcos Troyjo, Thứ trưởng Kinh tế Brazil phụ trách ngoại thương, hôm nay cho biết ông Troyjo đã nhiễm nCov.
Theo thông báo, ông Troyjo không có triệu chứng nhiễm bệnh và làm việc tại nhà trong điều kiện cách ly nghiêm ngặt.
Ông Troyjo là một thành viên của phái đoàn cấp cao Brazil gần đây có chuyến thăm tới bang Florida, Mỹ. Ông đã ở thành phố Miami, Florida để dự các cuộc họp và không tham dự bữa tiệc tối do Tổng thống Donald Trump chủ trì để tiếp đón các quan chức cấp cao của Brazil.
Tờ Sydney Morning Herald cho biết, ông Troyjo là người thứ 5 trong phái đoàn quan chức Brazil tới Mỹ nhiễm COVID-19.
Nổ bom bên ngoài văn phòng chính phủ Thái Lan, 18 người bị thương
Reuters dẫn tin từ một quan chức Thái Lan hôm nay cho biết, hai quả bom phát nổ bên ngoài Trung tâm Hành chính Các tỉnh Biên giới miền Nam (SBPAC) ở tỉnh Yala, miền Nam nước này, khiến ít nhất 18 người bị thương.
Đại tá Pramote Prom-in, người phát ngôn của lực lượng an ninh khu vực, cho hay: “Vụ nổ đầu tiên là một quả lựu đạn được ném vào khu vực bên ngoài hàng rào văn phòng SBPAC để thu hút người dân. Sau đó, một chiếc ô tô chứa bom cách vụ nổ đầu tiên khoảng 10 m đã phát nổ… 18 người bị thương, không ai thiệt mạng”.
Ông Pramote cho biết thêm, trong số những người bị thương có 5 phóng viên, 5 sĩ quan cảnh sát, 2 binh sĩ, còn lại là những nhân chứng. Hiện chưa tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-17-3-malaysia-xac-nhan-ca-tu-vong-dau-tien-vi-covid-19.html

Tạp chí kinh tế

Virus corona, cái cớ để Ả Rập Xê Út và Nga

khai mào chiến tranh dầu hỏa

Thanh Hà
Dầu hỏa mất giá 40 % từ đầu năm 2020. Nguyên nhân chính do virus corona gây nên. Tiêu thụ của Trung Quốc và Âu, Mỹ giảm mạnh và thêm vào đó là cuộc chiến dầu hỏa Riyad và Matxcơva vừa khai mào, khai tử liên minh Nga – Ả Rập Xê Út được ký kết từ năm 2016.
Đâu là động cơ khiến hai trong số ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đọ sức với nhau, mỗi bên tính toán những gì ? Nga và Ả Rập Xê Út dường như cùng theo đuổi một mục tiêu : chận đường các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Liệu đây có là một nước cờ nguy hiểm cho cả đôi bên ?
Thế giới không thể biết trước dịch Covid- 19 sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Kinh tế của Trung Quốc và thế giới đóng băng. Ngành hàng không quốc tế gần như bị tê liệt. Chỉ số chứng khoán từ Âu sang Á và cả trên thị trường tài chính Hoa Kỳ giảm mạnh. Kịch bản “một cuộc khủng hoảng tài chính” ngày càng cận kề. Trong bức tranh đen tối đó, bất ngờ nổ ra cuộc chiến dầu hỏa giữa Ả Rập Xê Út và Nga.
Hôm 08/03/2020, Riyad đơn phương quyết định tăng mức sản xuất và xuất khẩu, giảm giá dầu cho một số khách hàng trong lúc trên thị trường quốc tế, cung đã cao hơn so với mức cầu. Vàng đen mất giá.
Quyết định này lại càng khó hiểu, bởi hai ngày trước đó, khối các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa và các đối tác, gọi tắt là nhóm OPEC+ đã họp tại Vienna. Mục tiêu cuộc họp nhằm tìm đồng thuận khóa bớt van dầu, qua đó giữ giá vàng đen. Ả Rập Xê Út là thành viên quan trọng nhất của OPEC trong lúc Nga là nguồn sản xuất lớn thứ nhì thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ. Hai quốc gia này cộng lại cung cấp 40 % dầu cho thế giới
Cuộc họp tại Vienna thất bại do Nga bác bỏ đề xuất của Ả Rập Xê Út giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nay cho đến cuối 2020. Phái đoàn Ả Rập Xê Út từ Vienna trở về, lập tức Riyad phản công và quyết định mở thêm van dầu cho thế giới. Giá dầu càng tuột dốc thế giới càng hoảng loạn. Trong phiên giao dịch hôm Thứ Hai, 09/03/2020 “mức lãi tích lũy trên thị trường tài chính từ đầu 2020 tan thành mây khói“.
Từ hoảng loạn về dầu hỏa đến chứng khoán
Trả lời trên đài RFI giáo sư kinh tế Jean Pierre Favennec đại học Paris Dauphine và Viện Dầu Hỏa –Institut du Pétrole của Pháp phân tích về phản ứng khó hiểu của thị trường, bởi vì nhẽ ra khi dầu hỏa mất giá, đó phải là một tin vui. Nhưng lần này, giới đầu tư quốc tế lại rơi vào hoảng loạn.
“Đúng là vì Nga – Ả Rập Xê Út không đạt được đồng thuận, giá dầu đã giảm mạnh, nhưng đồng thời đó là dấu hiệu cho thấy thế giới đang hoang mang. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đã rơi xuống rất thấp và mọi người chờ đợi là mức cầu tại châu Âu cũng sẽ bị đóng băng. Điều đó khiến thị trường tài chính lại càng hoảng loạn. Trong bối cảnh mà dầu hỏa đang mất giá, Riyad tấn thêm một đòn mạnh, khiến mọi người lại càng nghĩ rằng các hoạt động kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục giảm thêm nữa trong những tuần lễ hay những tháng sắp tới”.
Ả Rập Xê Út phá giá dầu khiến mọi người hiểu như đó là một tín hiệu mới cho thấy kinh tế thế giới bên bờ vực thẳm.
Vẫn trên đài RFI, Matthieu Auzaneau giám đốc Shift Project, một nhóm nghiên cứu về mức độ lệ thuộc của kinh tế toàn cầu vào năng lượng hóa thạch, thận trọng nêu ra giả thuyết : Nga hay Ả Rập Xê Út đã khơi mào chiến tranh dầu hỏa và với mục đích gì ? và cũng có thể Ả Rập Xê Út khai chiến để mặc cả với Nga :
“Trên thực tế, liên minh Nga- Ả Rập Xê Út đã được hình thành. Riyad là thành viên quan trọng nhất trong khối OPEC – tức là các nước xuất khẩu dầu hỏa. Còn Matxcơva là nguồn sản xuất lớn thứ nhì thế giới, đứng sau Mỹ nhưng trước Ả Rập Xê Út. Hơn nữa Nga lại có một trọng lượng về địa chính trị rất lớn. Đôi bên đồng ý với nhau hạn chế mức sản xuất để giữa giá dầu tương đối cao. Thỏa thuận đó đã bị khai tử sau cuộc họp ở Vienna trong hai ngày 05 và 06/03/2020. Phía Nga từ chối theo chân Ả Rập Xê Út, để tiếp tục giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nay cho đến cuối năm 2020. Mọi người ồn áo nói rằng Nga gạt bỏ đề xuất của Ả Rập Xê Út, nhưng chúng ta không biết chắc được về diễn tiến cuộc họp nói trên. Có hai giả thuyết : Một là Nga bác bỏ đề xuất của Riyad tránh để tạo lợi thế cho các nhà sản xuất của Hoa Kỳ. Bởi vì từ trước tới nay, mỗi lần Nga và Ả Rập Xê Út giảm mức xuất khẩu, thì dầu đá phiến của Mỹ lấp vào chỗ trống. Nhưng đồng thời có giả thuyết thứ hai, là chính hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đã châm ngòi cuộc chiến dầu hỏa. Ả Rập Xê Út vừa thông báo tăng mức sản xuất để giữ thị phần, vừa giảm giá từ 7 đến 8 đô la một thùng dầu cho một số khách hàng “.
Dầu đá phiến Mỹ trong tầm ngắm của Nga và Ả Rập Xê Út
Trước hết, nhiều nhà quan sát cho rằng bộ trưởng Năng Lượng Nga, Alexandre Novak “gây sự” trước chẳng qua là vì các nhà sản xuất Nga, đứng đầu là Rosneft, đã thuyết phục tổng thống Vladimir Putin là đã đến lúc nước Nga phải “cân bằng hóa lại thị trường dầu hỏa thế giới“. Một cách gián tiếp Igor Setchine nhắc nhở chủ nhân điện Kremlin rằng, hạ mức sản xuất là giúp cho các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ chiếm mất thì phần của Nga.
Ả Rập Xê Út cần giữ giá dầu ở mức từ 82 đến 90 đô la một thùng thì mới có lãi, ngược lại phía Nga, về mặt chính thức, chỉ cần giá một thùng dầu dao động trên dưới 50 đô la là đủ. Điện Kremlin biết rằng với giá dầu 30 đô la một thùng, sẽ có “không ít các nguồn cung cấp Mỹ bị vỡ nợ“. Trong khi đó cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út cùng tạm thời có khả năng cầm cự với giá này. Chuyên gia Pháp, Matthieu Auzanneau trung tâm nghiên cứu Shift Project cho rằng thực ra Nga và Ả Rập Xê Út theo đuổi cùng một mục đích, nhưng phá giá dầu là một trò chơi nguy hiểm :
“Ả Rập Xê Út và Nga cùng có một khoản dự trữ ngoại tệ khá tốt, tương đương với hàng trăm triệu đô la. Cả hai quốc gia này có khả năng cầm cự lâu dài trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến dầu hỏa. Cả hai theo đuổi cùng một mục đích : cản đường các nhà sản xuất Mỹ. Nhưng đôi bên cùng đang đùa với lửa. Bởi vì dầu hỏa là con gà đẻ trứng vàng, cho phép bảo đảm ổn định trong xã hội. Chỉ cần nhìn vào trường hợp của Venezuela chúng ta cũng thấy được điều đó. Tôi rất lo ngại về tình hình tại Trung Đông. Khu vực này đã như một thùng thuốc súng. Nga vì có những tính toán địa chiến lược trong khu vực này nên can thiệp quân sự tại tại Syria. Ả Rập Xê Út cũng có những ẩn ý – đặc biệt là đối với Iran, kẻ thù không đội trời chung của Riyad. Có điều về mặt kinh tế và quân sự, cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út cùng đang bị dồn vào chân tường. Giờ đây, căng thẳng lại gia tăng thêm một bậc. Bài toán trở nên phức tạp hơn nhiều cho cả đôi bên”.
Giám đốc Shift Project, Matthieu Auzanneau thẩm định, chỉ cần giá dầu ở mức 50 đô la một thùng trong dài hạn là cũng đủ để “giết chết” không ít nhà sản xuất cò con của Mỹ. Ông cho rằng, nghịch lý ở đây là nga và Ar Rập Xê Út, hai quốc có những quyền lợi địa chính trị khác hẳn nhau lại có thể cộng tác với nhau về mặt kinh tế khi cần chận đường công nghệ dầu hỏa của Mỹ. Chưa chắc gì là Matxcơva và Riyad sẽ thành công.
Hoàng thái tử Ben Salman, phù thủy non tay ?
Không thuyết phục được Nga khóa bớt van dầu, Ả Rập Xê Út, mà người chủ chốt là hoàng thái tử Mohammed Ben Salman phản công. Riyad thông báo nâng mức sản xuất lên thêm 25 % tức là sản xuất đến hơn 12 triệu thùng dầu một ngày. Riyad dùng “một viên đạn bắn hai con chim” : vừa gặm nhấm thêm thị phần của Nga vừa bóp ngạt không dưới 100 nhà sản xuất Mỹ theo thẩm định của công ty tư vấn Rystad Energy.
Kinh tế Nga phụ thuộc đến 30 % vào dầu lửa và khí đốt, đây cũng là nguồn đem về 50 % ngân sách quốc gia. Việc Riyad mở van, đẩy giá dầu tuột dốc khiến đồng rúp của Nga mất giá 7 % ngay trong phiên giao dịch 09/03/2020.
Tuy nhiên, không chỉ có Nga bị tác động. Chiến lược của Riyad trên bàn cờ năng lượng vừa qua tác động mạnh đến từ Iran tới tận các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa ở tận châu Mỹ La Tinh hay châu Phi. Nhưng trong cuộc đọ sức về dầu hỏa, Ả Rập Xê Út cũng phải trả giá đắt, như ghi nhận của văn phong tư vấn Compétence Finance, trụ sở tại Paris : dầu hỏa bảo đảm đến ba phần tư thu nhập tại vương quốc này; gần như 100 % nguồn ngoại tệ có được là nhờ nền công nghiệp dầu khí. Năm 2014 Riyad từng thất bại khi muốn sử dụng lá bài năng lượng để hạ cả Nga, đồng minh của Iran lẫn dằn mặt Mỹ.
Từ hôm 08/03/2020, chơi trò phá giá dầu hỏa khiến mỗi tuần Ả Rập Xê Út thất thu đến 1,75 tỷ đô la theo thẩm đỉnh của Compétence Finance. Tất cả những yếu tố đó lại càng phá hỏng chiến lược Tầm Nhìn 2030 của hoàng thái tử Ben Salman, nhằm giảm bớt mức độ lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Cả về chính trị lẫn kinh tế, thái tử Ben Salman đang nóng lòng muốn ghi được những bàn thắng quan trọng để nắm lấy ngai vàng vào lúc quốc vương Salman đã 84 tuổi và sức khỏe đang suy yếu. Đó là chưa kể trong trường hợp virus corona không dung thứ cho thần dân của vương quốc dầu hỏa này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200317-virus-corona-c%C3%A1i-c%E1%BB%9B-%C4%91%E1%BB%83-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-v%C3%A0-nga-khai-m%C3%A0o-chi%E1%BA%BFn-tranh-d%E1%BA%A7u-h%E1%BB%8Fa

Tin Việt Nam – 17/03/2020

Tin Việt Nam – 17/03/2020

Án tù cho 5 cựu thanh tra nhận hối lộ

5 cựu cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vào ngày 16 tháng 3 bị tòa án tuyên án tù về tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và trốn thuế. Báo trong nước loan tin hôm 17/3/2020.
5 người bị án tù gồm trưởng đoàn thanh tra Lê Mạnh Hà, 40 tháng tù giam; Phó đoàn thanh tra Nguyễn Thị Cúc, 34 tháng tù giam; Hai thành viên đoàn thanh tra là Nguyễn Hưng và Dương Văn Bằng, 28 tháng tù giam; Nguyễn Quý Diễn cũng là thành viên đoàn thanh tra, 24 tháng tù giam. Tất cả đều bị kết tội “nhận hối lộ”.
Ngoài ra còn có 3 giám đốc bị tuyên án tội với tội “đưa hối lộ” gồm Trần Ngọc Tài, Giám đốc Công ty Cường Quý, 24 tháng tù; Nguyễn Cao Châu, 6 tháng tù giam; Nguyễn Gia Hải, Giám đốc Doanh nghiệp Hải Lam, 9 tháng tù và thêm 12 tháng tù về tội “Trốn thuế”, tổng hình phạt Hải phải nhận là 21 tháng tù giam.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, ngày 18/4/2019, tại hội trường UBND huyện Thiệu Hóa, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Trưởng đoàn thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang có hành vi nhận số tiền 20 triệu đồng của Công ty TNHH Xây dựng Vận tải Tùng Sâm do chị Ngô Thị Quyền là kế toán của công ty đưa.
Mục đích Công ty Tùng Sâm đưa số tiền này là để đoàn thanh tra bỏ qua một số sai phạm, giúp công ty giảm số tiền truy thu thuế nộp ngân sách Nhà nước.
Liên quan vụ án tham ô hơn 26 tỷ đồng xảy ra ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, sáng 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định khởi tố thêm 4 bị can, trong đó bắt tạm giam 3 bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can.
Như vậy đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 7 bị can và bắt tạm giam 6 bị can.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2017 đến tháng 5/2019, bà Nguyễn Thị Minh Liễu, kế toán trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ và Trần Thị Huệ, thủ quỹ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cấu kết với nhau, nhiều lần rút tiền của cơ quan để chi tiêu vào mục đích cá nhân và không có khả năng chi trả với số tiền là 26,5 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/5-former-inspectors-in-thanhhoa-get-prison-sentences-03172020083440.html

Gia đình nhà báo độc lập Lê Anh Hùng tố cáo

việc công an Hà Nội đưa anh vào bệnh viện tâm thần

Tin từ Hà Nội: Gia đình nhà báo độc lập Lê Anh Hùng tố cáo việc công an Hà Nội đưa anh vào bệnh viện tâm thần để buộc anh chữa bệnh cho dù cả anh và gia đình phản đối một cách kịch liệt. Nhà báo Lê Anh Hùng, một blogger thường có nhiều bài viết chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam trên Đài Á châu Tự do, đã bị bắt vào giữa năm 2018 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự chỉ vì anh đã hàng trăm lần gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo cao cấp của chế độ phạm một số tội từ phản bội tổ quốc đến buôn bán ma tuý.
Sau nhiều tháng giam giữ để điều tra, công an Hà Nội không tìm ra được chứng cứ kết tội, nhưng thay vì trả tự do cho anh, công an lại đưa anh vào Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 để buộc anh chữa bệnh.  Anh nói với mẹ anh, một người từng làm y tá cho một bệnh viện tâm thần ở Hà Tĩnh, rằng anh thường bị tiêm thuốc không nhãn mác và anh cảm thấy đau đầu sau mỗi lần tiêm. Gần đây, bệnh viện còn tăng liều lượng tiêm, làm cho anh ngày càng thấy khó chịu hơn.  Gia đình anh đang làm đơn đề nghị được đưa anh về nhà chữa trị. Không rõ nhà cầm quyền cộng sản sẽ phản hồi ra sao.
Việc buộc điều trị tâm thần cho dù người được điều trị không muốn là một hình thức đàn áp giới bất đồng chính kiến mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường áp dụng.
QT
https://www.sbtn.tv/gia-dinh-nha-bao-doc-lap-le-anh-hung-to-cao-viec-cong-an-ha-noi-dua-anh-vao-benh-vien-tam-than/

Cựu đô đốc/thứ trưởng quốc phòng VN

Nguyễn Văn Hiến bị truy tố

Cựu đô đốc, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiến, vừa bị Viện kiểm sát Quân sự Trung ương hôm 17/3, truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, theo cáo trạng, ông Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra mà ký phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định, gây thất thoát 939 tỉ đồng.
Ba khu đất quốc phòng này nằm trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến, 7 bị can khác cũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai,” điều 229 Bộ luật Hình sự, vì liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất vừa nêu.
Các bị can Đinh Ngọc Hệ, hay còn được gọi là Út “Trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn và một số người khác bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo Cáo trạng, ông Hiến đã đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003; không chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của các doanh nghiệp liên doanh, dẫn đến bị đối tác sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển nhượng, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp…
Những sai phạm của Cựu đô đốc, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, TP HCM, trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỉ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-admiral-nguyen-van-hien-prosecuted-03172020082740.html

Công an Hà Nội truy nã một phụ nữ

làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần

Tin ngày 16/3/2020: Công an thành phố Hà Nội đang truy nã Nguyễn Thị Mai Anh vì cáo buộc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho nhiều phạm nhân và đối tượng phạm tội để giúp chúng không bị trừng phạt bởi luật pháp cho những tội phạm do chúng gây ra.
Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Mai Anh, sinh năm 1979 và cư trú tại quận Nam Từ Liêm về cáo buộc “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.”
Theo kết quả điều tra, từ năm 2018 đến tháng 6/2019, Nguyễn Thị Mai Anh đã thuê làm giả nhiều kết luận giám định tâm thần, biên bản pháp y tâm thần, công văn, giấy tờ của Viện pháp y tâm thần Trung ương, Bệnh viện tâm thần Trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa…
Với những giấy tờ này, nhiều tội phạm đã được làm hồ sơ giả bệnh án tâm thần và không bị truy tố hay kết án.  Mai Anh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ cuối tháng 2.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-ha-noi-truy-na-mot-phu-nu-lam-gia-ho-so-benh-an-tam-than/

Vụ cựu quan chức TPHCM giao đất vàng Lê Duẩn

trái pháp luật đang được điều tra bổ sung

Vụ án ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giao khu đất vàng số 8 – 12 Lê Duẩn, Quận 1, trái pháp luật làm thất thoát ngân sách Nhà nước đang trong quá trình tiến hành điều tra bổ sung.
Báo Pháp Luật loan tin ngày 17/3, cho biết quá trình điều tra bổ sung vụ án theo yêu cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhằm làm rõ trách nhiệm của từng bị can và xem xét giá trị thiệt hại.
Vào cuối năm 2019, Cơ quan Điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra sơ bộ và đề nghị truy tố một loạt cựu quan chức TP.HCM gồm ông Nguyễn Thành Tài, ông Đào Anh Kiệt (Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM), ông Nguyễn Hoài Nam (Cựu Bí thư Quận uỷ Quận 2), bà Lê Thị Thanh Thuý (Cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue), và ông Trương Văn Út (Cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM).
Cơ quan Điều tra xác định hành vi của ông Tài có tính hệ thống, xảy ra trong thời gian dài và là nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật tại dự án khu đất vàng Lê Duẩn.
Kết luận của Cơ quan Điều tra nêu rõ ông Tài đã có quan hệ tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thuý nên đã ký trái quy định nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận theo đề xuất của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà.
Ông Tài bị nói đã ký đề xuất cho thành lập pháp nhân đầu tư mới của dự án, ký ban hành quyết định giao đất và cho thuê khu đất số 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Lavenue của bà Thuý. Các quyết định này được Bộ Công an xác định không đúng đối tượng, không được cơ quan chức năng thẩm định.
Ông Tài cũng ký chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm góp 30% vốn vào dự án mà không thẩm định kinh nghiệm, năng lực tài chính, bản chất chuyển dịch tài sản thuộc quyền quản lý Nhà nước sang tư nhân.
Tất cả các bị cáo đã bị Cơ quan Điều tra đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự 2015.
Vào thời điểm bắt đầu điều tra, thiệt hại của vụ án bị xác định ít nhất là 2.047 tỷ đồng.
Báo trong nước cũng loan tin nói ông Tài đã ký văn bản, quyết định nhưng bản thân không hưởng lợi ích vật chất và còn đang bị ung thư nên Bộ Công an sẽ áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bà Thuý bị nói đã lợi dụng quan hệ tình cảm với ông Tài để trục lợi cá nhân, không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Tuy nhiên bà Thuý đã không thừa nhận hành vi phạm tội tại Cơ quan Điều tra.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Cựu Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM), người bị xác định đã tham mưu, đề xuất cho ông Tài ký nhiều văn bản, hiện đang bỏ trốn và bị truy nã.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-case-of-le-duan-gold-land-being-further-investigated-03172020083303.html

Giải cứu 11 phu đào vàng bị chủ giam giữ,

đánh đập ở Quảng Nam

Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vừa giải cứu 11 phu đào vàng bị chủ bãi vàng Thạnh Mỹ 1 giam giữ, đánh đập do bỏ trốn.
Truyền thông trong nước, vào ngày 17/3 dẫn lời ông Lương Văn Vinh-Trưởng Công an xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết 11 phu đào vàng vừa được giải cứu là người dân tộc Khơ-mú ở địa phương. Có 5 người trong số này đã được Công an tỉnh Quảng Nam bàn giao vào chiều ngày 16/3. 6 người còn lại không về địa phương mà đi tìm việc làm ở nơi khác.
Tin cho biết 11 người dân tộc Khơ-mú, hồi đầu tháng 3 năm 2020 đến xin làm công việc phu đào vàng ở bãi vàng Thạnh Mỹ 1 tại xả Dak Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Chủ bãi vàng ngụ tại thị trấn Thạnh Mỹ hứa trả lương cao và tạm ứng số tiền 6,5 triệu đồng cho chi phí đi đến bãi vàng làm việc. Tuy nhiên, khi đến nơi, 11 người lao động này phát hiện đây là bãi vàng hoạt động trái phép, đường hầm cũ kỹ. Do lo sợ bị tai nạn sập hầm nên 11 người quyết định bỏ trốn.
Trong lúc băng rừng bỏ trốn, tất cả họ đã bị “cai vàng” của bãi vàng Thạnh Mỹ 1 bắt giữ lại và bị buộc phải làm việc để trả số tiền đã ứng, hoặc phải có tiền chuộc. 5 người trong số họ bị đánh đập do có thái độ chống đối.
Báo Nghệ An Online cho biết bãi vàng Thạnh Mỹ 1 là một trong những bãi vàng trái phép lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam và cơ quan điều tra tiến hành hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can nhóm “cai vàng” liên can vụ việc này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eleven-mistreated-gold-miners-were-rescued-in-quang-nam-province-03172020083929.html

Trữ lượng tại nhiều mỏ dầu chủ lực của Việt Nam

đang bị suy giảm

Trữ lượng dầu khí khai thác được từ những mỏ truyền thống chủ lực của Việt Nam hiện nay đang bị suy giảm sau 20-30 năm khai thác.
Báo trong nước loan tin ngày 17/3, trích thông tin từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN.
Cụ thể, các mỏ dầu được PVN cho là truyền thống chủ lực bao gồm Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, và Lan Tây. Đây là những mỏ dầu được nói đóng góp sản lượng quan trọng, cung cấp gần 600 triệu tấn dầu khí quy đổi trong thời gian qua.
Trước khó khăn gia tăng trữ lượng dầu khí đang suy giảm, PVN cho biết sẽ đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận thu hồi dầu tại các mỏ vừa nêu.
Ngoài ra, PVN cũng sẽ đa dạng hóa nguồn đầu tư trong nước cũng như tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đẩy mạnh triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò ở các vùng truyền thống và khu vực nước sâu, thậm chí xa bờ ngay khi có thời cơ thuận lợi.
Tuy nhiên, PVN đang gặp khó khăn do cơ chế chính sách cho ngành dầu khí chưa thay đổi kịp thời. Cụ thể, có nhiều quy định trong các luật về hoạt động dầu khí chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến động của kinh tế, chính trị, dầu khí trên thế giới và trong khu vực.
PVN cũng đang trong tình trạng thiếu vốn đầu tư trầm trọng, nhiều dự án phát triển quan trọng đang chậm tiến độ. Nguyên nhân được nói là do quá trình thăm dò và chi phí thăm dò cần được đầu tư nhiều nhưng trong những năm qua vẫn luôn ở mức thấp kỷ lục.
Thêm vào đó, tình hình Biển Đông không ổn định với hành động quyết đoán, khiêu khích từ phía Trung Quốc cũng khiến PVN gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định một kế hoạch dài hạn, hay tìm kiếm các đối tác chiến lược cùng thăm dò, khai thác dầu khí.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/reserves-at-many-of-vietnam-key-oilfields-decreased-03172020092914.html

Xâm nhập mặn sẽ giảm nhẹ trong tháng 4,

hạn hán vẫn kéo dài ở ĐBSCL

Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam ngày 17/3 cho biết từ nay đến 6/4 xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ giảm dần. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin dự báo, có nhiều khả năng nước ngọt sẽ có khi triều thấp trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Do đó, Viện khoa học thuỷ lợi thông báo các địa phương tại ĐBSCL cần theo dõi kỹ để tổ chức lấy nước ngọt phục vụ trồng trọt và sinh hoạt cho người dân trong địa phương.
Đến tháng 5 xâm nhập mặn sẽ giảm sâu nhưng hạn hán sẽ kéo dài vì mưa sẽ đến muộn, dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL thấp.
Tuy vậy tại thời điểm này xâm nhập mặn tại các sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại vẫn còn rất cao và khốc liệt. Đã có 39 ngàn hecta lúa bị thiệt hại và hơn 96 ngàn hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Hôm 16/3, UBND tỉnh Tiền Giang đã dùng sà lan chở nước từ đầu nguồn về cấp miễn phí cho các nhà vườn trồng sầu riêng. Mỗi hecta nhà vườn được nhận miễn phí 20 mét khối nước ngọt.
Trong cùng ngày, Công ty nước và môi trường Bình Dương đã chuyển 6 ngàn mét khối nước ngọt sạch miễn phí đến cho các hộ dân ở tỉnh Bến Tre.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/salinity-reduces-lightly-in-april-drought-continues-in-mekong-03172020083833.html

Nguồn nước thô Sài Gòn bị nhiễm mặn:

vẫn trong tầm kiểm soát!?

Ngày càng nhiễn mặn nhưng chưa đáng lo!
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam gần đây đưa ra nhận định tình trạng xâm nhập mặn ở thành phố Hồ Chí Minh năm nay đến sớm hơn mọi năm. Cụ thể, nguồn nước thô tại thành phố lớn nhất khu vực phía Nam đã bị nhiễm mặn.
Vẫn theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mức độ xâm nhập mặn tại sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đang có dấu hiệu tăng qua từng năm.
Nhận xét về tình hình nhiễm mặn nguồn nước tại Sài Gòn hiện nay, Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về Nước, Phó Ban Điều phối chống ngập TPHCM cho rằng:
“Nói chung mặn đợt này khá bất thường và khốc liệt nhưng vẫn nằm trong quỹ tự nhiên của đợt biến đổi khí hậu. Nước biển ngày càng dâng, những năm khô hạn thì nước biển lắng sâu hơn và gây ngập mặn rất sâu ở Đông bằng sông Cửu Long cũng như sông Vàm Cỏ hay sông Sài Gòn. Nhưng thành phố Hồ Chí Minh không đáng ngại lắm vì nguồn nước chính của thành phố Hồ Chí Minh là sông Đồng Nai. Mà sông Đồng Nai thì đến nay mặn vẫn không lấn sâu.”
Vẫn theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, mức độ nhiễm mặn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn so với trước đây nhưng để dẫn đến gián đoạn trong cấp nước thì ông cho rằng trước mắt chưa phải nguy cơ lớn.
Tiến sĩ Trịnh Thị Long, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Môi trường & Sinh thái, cũng thừa nhận nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nhiễm mặn nguồn nước là do biến đổi khí hậu. Theo đó, khi thời tiết bị biến đổi theo hướng cực đoan sẽ khiến hạn khắc nghiệt hơn, mưa ngắn hơn nhưng lượng mưa sẽ cao hơn.
Cụ thể, Tiến sĩ Long cho rằng lượng mưa trong năm nay được dự báo sẽ ít hơn các năm như 2015, 2016 rất nhiều.
“Lượng mưa về ít thì làm sao đẩy được mặn. Ở thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng các đập thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai nếu hạn quá họ tích nước, như vậy dưới hạ lưu không có nước để đẩy mặn. Nếu có hệ thống thủy điện mới có biện pháp không tích nước mùa khô mà xả nước cho hạ lưu. Còn đối với biến đổi khí hậu chỉ còn mỗi cách là phải thích ứng.”
Giải pháp xử lý
Để đối phó với tình trạng nước thô bị nhiễm mặn như hiện nay, chính quyền thành phố đang thực hiện hai giải pháp chủ yếu là nâng công suất nước sông Đồng Nai lên hoặc di chuyển nước từ Hồ Dầu tiếng về.
Thạc sĩ Hồ Long Phi giảng giải:
“Những biện pháp hiện tại về dự phòng mùa khô thì có hai nguồn nước để đáp ứng: một là nguồn nước từ nhà máy cấp nước lấy nước từ hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh về, một cái nữa là sông Đồng Nai. Hai nguồn đó đến nay vẫn an toàn nên về cơ bản tôi cho rằng đây chưa phải là vấn đề đáng ngại lắm. Nhưng
trong lương lai cũng đã có nghiên cứu phương pháp dự phòng là làm đường dẫn nước thô thẳng từ hồ Dầu Tiếng. Nếu có cách gì để tích hợp lên thì chắc chắn đó là biện pháp thuyết phục để dự phòng.”
Hồ Dầu Tiếng được biết đến như hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với dung tích chứa lên đến 1,58 tỷ m3 khối nước.
Vào tháng 2/2017, sau khi đi thị sát hồ Dầu Tiếng để tìm phương pháp dẫn nước về cho thành phố Hồ Chí Minh, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố cho khởi động ngay dự án đầu tư đường ống nước trực tiếp từ lòng hồ Dầu Tiếng về nhà máy xử lý.
Báo trong nước lúc bấy giờ đưa tin trích lời ông Hồ Văn Lâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco cho biết chi phí làm đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM mất khoảng 10.000 tỉ đồng.
Vào ngày 22/1 vừa qua, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng đã mở tràn hồ để xả nước đẩy mặn cho nhà máy nước Tân Hiệp ở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những giải pháp lấy nước từ các sông hiện đang được ứng dụng, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn như hiện nay, Tiến sĩ Trịnh Thị Long cho rằng cần phải tiết kiệm nước và tái sử dụng nguồn nước thải.
“Do Việt Nam là nước nông nghiệp phát triển mạnh thì cần phải thay đổi khi trồng những loại cây và nuôi các loại con thì phải sử dụng nước ít hơn và cố gắng tái sử dụng nuồn nước thải ra. Ví dụ như cố gắng tuần hoàn nước nuôi trồng thủy sản, vừa tiết kiệm nước mà bảo đảm không để nguồn bệnh nhiễm vào nước, hay tái sử dụng nước tiêu khi tưới cây. Bây giờ nước thải chưa tái sử dụng được nhiều ví dụ như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Hay có thể trữ nước vào mùa mưa vì khi mùa mưa mình có gần như dư thừa lượng nước nhưng mùa khô lại rất thiếu nước do nước phân bố mưa không đều, 90% mưa vào mùa mưa, còn mùa khô chỉ mưa 5-10% nên mùa khô sẽ rất khô. Vì vậy cần phải có biện pháp tích trữ nước mưa đó để sử dụng trong mùa khô. Biện pháp đấy rất khả thi nhưng phải có tiền để đầu tư tích trữ nguồn nước.”
Theo thông báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn năm nay không chỉ xảy ra ở Sài Gòn, khu vực vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mà khu vực Trung Bộ trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/saigon-raw-water-is-saline-but-still-under-control-03162020140734.html

Thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6

được phát hiện ở Hà Nội

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (NN&PTNN) vào ngày 17/3 thông báo Hà Nội vừa phát hiện thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ. Cơ quan chức năng cho tiêu hủy hàng ngàn gia cầm.
Cụ thể, hai ổ cúm gia cầm A/H5N6 mới được phát hiện thuộc thôn Trung Cao, xã Trung Hòa và thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy lên tới hơn 6300 con.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến thời điểm này tại khu vực huyện Chương Mỹ còn 2 xã Trung Hòa và Mỹ Lương có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, còn các xã như Phú Nghĩa, Nam Phương Tiến, Tốt Động là những địa phương có dịch cúm gia cầm những ngày trước đó thì đã qua 21 ngày không có phát sinh thêm dịch.
Sở NN&PTNN thông báo đã thành lập 2 đoàn kiểm tra nhằm phát hiện dịch bệnh gia cầm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các cấp, đặc biệt là huyện Chương Mỹ triển khai các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, kiểm tra, tiêm phòng và giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.
Ngoài ra, Sở NN&PTNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, khoanh vùng và xử lý, tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông. Mục đích nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật ra vào khu vực.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-reports-2-more-sites-infected-with-avian-influenza-a-h5n6-03172020075940.html

Việt Nam phát hiện 66 ca nhiễm COVID-19,

ngưng cấp thị thực nhập cảnh để phòng chống dịch

Việt Nam báo cáo trong ngày 17 tháng 3 có thêm 5 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số lên 66 trường hợp kể từ đầu mùa dịch đến nay. Năm ca mắc COVID-19 mới được báo cáo đều là người trở về từ nước ngoài.
Nhằm hạn chế đầu vào, giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 được hiệu quả, Việt Nam sẽ tạm dừng cấp visa vào Việt Nam đối với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày. Mục tiêu nhằm hạn chế đầu vào, giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 được hiệu quả.
Đây là chính sách được thủ tướng chính phủ Việt Nam, Ông Nguyễn Xuân Phúc, đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống dịch COVID-19 ở Hà Nội vào chiều ngày 16 tháng 3. Tuy nhiên thời điểm chính thức áp dụng chính sách này vẫn chưa được thông báo.
Kể từ chủ nhật 15 tháng 3 vừa qua, Chính phủ Hà Nội tạm thời dừng việc đơn phương cấp thị thực và tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch từ hoặc có đi qua các quốc gia thuộc khu vực Schengen, Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len trong vòng 14 ngày trước khi đến Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu hành khách đến từ 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc công dân quốc gia khác từng ở qua hoặc quá cảnh ASEAN trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày kể từ khi nhập cảnh Việt Nam.
Dịch bệnh COVID-19 hiện đã lan ra khoảng 160 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 180.000 ca nhiễm bệnh và hơn 7.000 người thiệt mạng. Chính phủ nhiều nước trên thế giới hiện cũng đang áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh người từ nước ngoài để phòng dịch bệnh lây lan
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-vn-to-halt-issue-of-all-visas-in-coronavirus-battle-03172020080905.html

Việt Nam tìm kiếm những người cùng dự sự kiện tôn giáo

 với bệnh nhân số 61, đưa 62 người liên quan đi cách ly

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) vào ngày 17/3 đã ra thông báo khẩn tìm kiếm những người đã tham dự sự kiện tôn giáo tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 27/2 đến 1/3 vừa qua vì có người dự sự kiện này dương tính với virus corona gây bệnh COVID-19.
Bệnh nhân số 61 của Việt Nam ở tỉnh Ninh Thuận cũng đã tham dự sự kiện này và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Theo HCDC, số người tham gia sự kiện tôn giáo ở Malaysia vừa qua là 14.500 người Malaysia và 1.500 người nước ngoài. HCDC dẫn thông tin từ cơ quan chức năng Malaysia cho hay nhiều người dự sự kiện đã dương tính với virus corona mới.
HCDC yêu cầu những người ở Việt Nam từng tham gia sự kiện trên phải cách ly tại nhà, và liên hệ ngay lập tức với các cơ sở y tế địa phương hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Riêng trường hợp bệnh nhân số 61, cho đến nay giới chức tỉnh Ninh Thuận đã xác nhận được 62 trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân này và đưa người nhà của bệnh nhân này đi cách ly vào trưa ngày 17/3.
Bệnh nhân số 61 cũng đã tham dự một buổi lễ cầu nguyện tại một thánh đường ở huyện Thuận Nam hôm 6/3. Người này nhập viện hôm 15/3 với các triệu chứng đau họng, sốt cao. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona được xác định hôm 16/3.
Cũng tin liên quan, Giới chức y tế thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/3 ra thông báo kêu gọi những hành khách trên chuyến bay EK392 của hãng Emirates từ Dubai về TP Hồ Chí Minh hôm 12/3 khẩn trương liên hệ với cơ quan y tế địa phương để kiểm tra sức khoẻ sau khi phát hiện một trường hợp nghi nhiễm COVID – 19 trên chuyến bay này.
Truyền thông trong nước hôm 17/3 cho biết Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh phát đi thông báo này và cho biết trường hợp nghi nhiễm virus corona đang có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh.
HCDC cũng đề nghị tất cả những người đã có tiếp xúc với hành khách trên chuyến bay này liên hệ với các cơ sở y tế địa phương để được kiểm tra sức khoẻ.
Tính đến hết ngày 16/3, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, giới chức y tế đã xác nhận có 8 trường hợp dương tính với virus corona mới. Trong số này, 3 người đã xuất viện; 5 bệnh nhân khác hiện vẫn đang được điều trị.
Hiện dịch bệnh COVID – 19 đã lan ra khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 182.000 người nhiễm và hơn 7.100 ca tử vong. Việt Nam tính đến chiều ngày 17/3 đã ghi nhận 66 ca, trong số này 16 ca đã hồi phục.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-vn-look-for-people-attending-mass-religious-festival-with-patient-no-61-03172020074826.html

Bộ Y tế thông báo khẩn tới hành khách

 của 8 chuyến bay có ca nhiễm COVID-19

Bộ Y tế Việt Nam vào  tối ngày 16 tháng 3, ra thông báo khẩn gửi tới các hành khách đi trên 8 chuyến bay có ca nhiễm COVID-19. Theo đó tất cả cần liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
8 chuyến bay có hành khách nhiễm COVID-19 được xác định gồm:
- SQ 176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Nội Bài ngày 15-3-2020;
- VJ 682 của Vietjet Air từ Kuala Lumpur (Malaysia) về TP HCM ngày 4-3-2020;
- TK 162 của Turkey Airlines từ Istanbul đến TP HCM ngày 8-3-2020;
- QH 1521 của Bamboo Airways từ TP HCM đến Phú Quốc ngày 9-3-2020;
- QH 1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến TP HCM ngày 13-3-2020;
- SU 290 Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 12-3-2020;
- QR 970 của Qatar Airways từ Doha đến TP HCM ngày 10-3-2020;
- TG 564 của Thai Airways từ Bangkok về Nội Bài ngày 15-3.
Đến chiều ngày 16 tháng 3, Việt Nam đã ghi nhận 61 ca mắc Covid-19, 16 ca đã chữa khỏi, ra viện. Trong số 45 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 18 người nước ngoài, 27 người Việt Nam. Những trường hợp này được phát hiện chỉ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 6 tháng 3 cho đến nay.
Cũng tin liên quan, Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 61 về nước và sống trong cộng đồng 11 ngày trước khi có kết quả dương tính.
Bệnh nhân này là một người dân ở xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh NInh Thuận. Người này đi Malaysia và về ngày 4 tháng 3. Đến ngày 16 tháng 3 được xác định dương tính với COVID-19.
Bệnh nhân này nằm trong số 8 người Ninh thuận tham dự một sự kiện tôn giáo lớn của người Hồi giáo tại Malaysia. Sự kiện tổ chức gần Kuala Lumpur từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 1 tháng 3 với khoảng 14.500 – 16.000 người tham dự.
Ngày 15 tháng 3, Malaysia cho biết đã có 190 ca nhiễm COVID-19 đa phần liên quan đến sự kiện này, trong đó có 8 người Ninh Thuận, Việt Nam tham gia.
Chính quyền Ninh Thuận hiện đang quyết liệt thực hiện phân loại đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân 61 và công tác xét nghiệm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-health-urgently-informed-passengers-on-the-8-flights-with-confirmed-covid-19-cases-03162020200720.html

CSVN xin nam hàn cho kit phát hiện coronavirus

sau khi khoe có thể sản xuất 10,000 bộ/ngày

Tin Vietnam.- Báo Dân Việt loan tin, trưa ngày 15 tháng 3 năm 2020, trong buổi tiếp ông Park Noh-Wan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nam Hàn tại Việt Nam, và tiến sĩ Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng bộ Y tế Cộng sản Việt Nam đã xin phía Nam Hàn hỗ trợ Việt Nam các sinh phẩm, kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm coronavirus.
Ông Long giải thích, việc xin các trang thiết bị y tế này là để giúp ngành Y tế Việt Nam xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu cùng lúc, rút ngắn thời gian xét nghiệm, và có thể đối phó kịp thời nếu dịch bệnh lan ra trong diện rộng.
Hành vi xin kit chẩn đoán nhanh này của đại diện bộ Y tế Cộng sản Việt Nam khiến dư luận cảm thấy bi hài.
Vì vào ngày 5 tháng 3 vừa qua, bộ Khoa học- công nghệ Cộng sản Việt Nam công bố, Học viện Quân Y và công ty công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã chế tạo thành công bộ kit phát hiện coronavirus 19. Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng vụ Khoa học- công nghệ nói rằng, bộ kit của 2 đơn vị trên cho kết quả chính xác 100%  trong thời gian 2 tiếng, còn các tiêu chí thì tương đương bộ kit do Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ, và tổ chức Y tế thế giới sản xuất.
Ông Phan Quốc Việt, Giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Á khẳng định, năng lực sản xuất bộ kit của Việt Nam là 10,000 bộ/ngày. Hiện nay công ty ông đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đối tác. Và khi cần công ty có thể tăng công suất lên gấp 3 lần để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất cảng, hoặc hỗ trợ quốc tế nếu dịch bệnh bùng phát.
Tuyên bố hùng hồn này mới chỉ diễn ra được 10 ngày thì nay lãnh đạo ngành Y tế Cộng sản Việt Nam lại ngửa tay đi xin Nam Hàn hỗ trợ kit chẩn đoán. Trước đó Chính phủ Nam Hàn đã hỗ trợ phía Việt Nam 500,000 Mỹ kim để phòng chống dịch coronavirus 19.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/csvn-xin-nam-han-cho-kit-phat-hien-coronavirus-sau-khi-khoe-co-the-san-xuat-10000-bo-ngay/

Bệnh nhân 61 đã đi đâu trong 11 ngày

trước khi phát bệnh?

Đến chiều ngày 16 tháng 3, Việt Nam đã ghi nhận 61 ca mắc Covid-19, 16 ca đã chữa khỏi, ra viện. Trong số 45 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 18 người nước ngoài, 27 người Việt Nam. Những trường hợp này được phát hiện chỉ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 6 tháng 3 cho đến nay.
Cũng tin liên quan, Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 61 về nước và sống trong cộng đồng 11 ngày trước khi có kết quả dương tính.
Bệnh nhân này là một người dân ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Người này đi Malaysia và về ngày 4 tháng 3. Đến ngày 16 tháng 3 được xác định dương tính với COVID-19.
Bệnh nhân này nằm trong số 8 người Ninh Thuận tham dự một sự kiện tôn giáo lớn của người Hồi giáo tại Malaysia. Sự kiện tổ chức gần Kuala Lumpur từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 1 tháng 3 với khoảng 14.500 – 16.000 người tham dự.
Ngày 15 tháng 3, Malaysia cho biết đã có 190 ca nhiễm COVID-19 đa phần liên quan đến sự kiện này, trong đó có 8 người Ninh Thuận, Việt Nam tham gia.
Chính quyền Ninh Thuận hiện đang quyết liệt thực hiện phân loại đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân 61 và công tác xét nghiệm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/where-had-patient-61-been-for-11-days-before-confirmed-positive-03162020150543.html

Việt Nam kêu gọi Trung Quốc mở thêm cửa khẩu

 giao thương dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Việt Nam chủ động đề xuất
Truyền thông quốc nội vào ngày 14/3 cho biết trong cuộc điện đàm với giới chức lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây-Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã đôn đốc chính quyền tỉnh Quảng Tây khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai nước. Đặc biệt là hoạt động thương mại biên giới để thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân cả hai bên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị phía Trung Quốc có những biện pháp tạo thuận lợi cho nông sản của Việt Nam, cụ thể như sớm mở thêm cửa khẩu biên giới đất liền và các tuyến vận tải đường sắt cũng như đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam.
Báo giới cho biết Bí thư Quảng Tây đồng ý với đề xuất vừa nêu của Bộ trưởng Bộ công thương Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Ngô Trí Long, vào tối ngày 16/3 lên tiếng với RFA liên quan đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh:
Lúc dịch bệnh cao điểm thì người ta tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay về cơ bản tương đối có thể tạm coi như là dịu xuống. Trong điều kiện hàng nông sản của Việt Nam bị tồn ứ rất nhiều và chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, mà để càng lâu càng kéo dài thì ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết quả của họ. Cho nên, yêu cầu của ông Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là cần thiết. Nhưng theo quá trình đó, khi mở cửa giao thương thì vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cũng như phòng dịch phải rất kỹ càng, chứ không thể chủ quan
-Tiến sĩ Ngô Trí Long
“Lúc dịch bệnh cao điểm thì người ta tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay về cơ bản tương đối có thể tạm coi như là dịu xuống. Trong điều kiện hàng nông sản của Việt Nam bị tồn ứ rất nhiều và chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, mà để càng lâu càng kéo dài thì ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết quả của họ. Cho nên, yêu cầu của ông Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là cần thiết. Nhưng theo quá trình đó, khi mở cửa giao thương thì vẫn phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cũng như phòng dịch phải rất kỹ càng, chứ không thể chủ quan.”
Kể từ khi Việt Nam công bố dịch bệnh COVID-19 hồi cuối tháng 1, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại…giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính yếu do Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Cục Hải quan Việt Nam ghi nhận hàng trăm xe hàng hóa bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, tính đến chiều ngày 13/3, có hơn 750 xe chở hàng hóa của Việt Nam chưa thông quan được tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc.
Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thì nguy cơ rủi ro càng lớn khi mở thêm các cửa khẩu biên giới để thông thương hàng hóa. Do đó, cơ quan chức năng của Việt Nam phải tăng cường kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới.
Không phải là giải pháp tốt
Trong khi đó, Đài RFA ghi nhận cũng có ý kiến từ giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng nếu như càng mở thêm các cửa khẩu biên giới Việt-Trung thì hiệu quả kinh tế mà Việt Nam đạt được sẽ không thể nào so sánh với những tác hại khôn lường, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên cả thế giới và gần như đang làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Cựu tù nhân nhân quyền-Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Đình Ngọc nói với RFA rằng đề xuất của ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho thấy ông không hiểu biết về phòng chống dịch COVID-19, cũng như chống lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “chống dịch như chống giặc”. Ông Nguyễn Đình Ngọc khẳng định trong lúc những quốc gia bị nhiễm dịch gia tăng khoanh vùng, hạn chế mọi hoạt động tại các cửa khẩu biên giới thì đề nghị này của Bộ Công thương Việt Nam là điều không chấp nhận được.
Trước đó, hồi hạ tuần tháng 2, báo giới từng đề cập đến đề xuất của Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh-Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân rằng Việt Nam nhân thời điểm dịch COVID-19 để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hàng hóa đầu ra.
Giới chuyên gia kinh tế ở trong nước cũng đưa ra các đề xuất rằng Chính phủ Việt Nam cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động của dịch bệnh bằng các biện pháp “đa phương hóa, đa dạng hóa”.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khan
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải nhanh chóng tiến hành giải pháp này:
“Nhiều chuyên gia kinh tế đã yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn.”
Qua trao đổi với RFA, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cũng từng đưa ra kiến nghị:
“Trong diễn biến như thế này, tôi nghĩ rằng sức ép đó cần phải biến thành những phương án cụ thể.”
Một vài vị chuyên gia kinh tế nhận định rằng Chính phủ Việt Nam phải thật cẩn trọng đối với phương án cụ thể trước mắt, theo như đề xuất mở thêm cửa khẩu biên giới Việt-Trung của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Họ đưa ra dẫn chứng cho đến nay, quốc gia Lào vẫn chưa bị một trường hợp nhiễm dịch bệnh COVID-19 nào và Chính phủ Vientiane cương quyết áp dụng biện pháp đóng 10 cửa khẩu quan trọng, kể cả sân bay quốc tế Savannakhet để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc cảnh báo rằng Việt Nam quyết định mở thêm cửa khẩu biên giới với Trung Quốc chẳng khác nào “rước giặc vào nhà” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-calls-china-to-open-more-border-gates-for-trade-03162020150535.html

Virus corona: ‘VN không xét nghiệm đại trà,

nên số ca nhiễm thấp có thể hiểu được’

Lê Viết ThọBBC News Tiếng Việt
Ý kiến giải thích vì sao tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở Việt Nam thấp; trong tình hình hiện nay, cách chống dịch của Việt Nam cần thay đổi gì
Giữa lúc tình hình phòng dịch corona virus đang căng như dây đàn, những thông tin khác nhau về các biện pháp phòng chống dịch đang được các nước áp dụng lại càng gây tranh cãi.
Có tin rằng ở châu Âu, nhất là Anh đang phòng chống dịch theo hướng tiến đến miễn dịch cộng đồng bằng chủ động cho dịch lây lan.
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Virus corona gây viêm phổi ‘đã âm thầm vào cộng đồng’ ở VN
Covid-19: Lá thư nước Mỹ và Cô Vi xanh, Cô Vi đỏ
‘Chúng tôi phải chọn điều trị bệnh nhân nào, và buông ai, như thời chiến tranh’
Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh lại nói ‘miễn dịch cộng đồng không phải là mục tiêu hay chính sách của chúng tôi’.
Và nước Anh cũng đã công bố nhiều biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch.
Như một ván bài?
Miễn dịch cộng đồng là gì? Tại sao ý tưởng này lại bị nhiều nhà khoa học phản đối?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 17/3 rằng, khái niệm miễn dịch cộng đồng (‘community immunity’ hay ‘herd immunity’) thường được đề cập trong tình huống can thiệp dịch bệnh bằng vaccine.
“Ý tưởng là nếu một cộng đồng bị nhiễm virus, thì cách can thiệp đơn giản nhứt là xây dựng một cộng đồng có khả năng miễn dịch để giảm lây lan sang người khác. Cách xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh là tiêm chủng vaccine cho một số người trong cộng đồng, và do đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus và bacteria, thì sự lây lan của dịch bệnh sẽ được hạn chế. Nói cách khác, người được tiêm chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa/không được tiêm chủng”.
“Điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lý chánh của khái niệm miễn dịch cộng đồng”.
Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn cho hay rằng, ý tưởng miễn dịch cộng đồng được nhà chức trách Anh nghĩ đến như một chiến lược để làm giảm dịch Vũ Hán (Covid-19) và lý luận đằng sau chiến lược này không liên quan đến vaccine, mà liên quan đến thực tế sinh học.
Ông giải thích:
“Thực tế sinh học là khi một người bị nhiễm virus, và sau khi hồi phục thì cơ thể người đó sẽ có khả năng chống lại virus, không bị nhiễm nữa. Quy luật này được phát hiện từ thế kỉ 18 bên Anh, nhưng có lẽ một hoàng đế Trung Hoa đã phát hiện ra quy luận này trước từ giữa thế kỷ 17 khi ông bị bệnh đậu mùa. Do đó, một số nhà chức trách và khoa học Anh nghĩ rằng nếu để cho một phần dân số nhiễm SARS-cov-2 thì nhóm này sẽ tạo ra một hệ miễn nhiễm đủ mạnh để đẩy lùi dịch”.
“Nhưng có bao nhiêu người ‘cần’ được nhiễm tùy thuộc vào hệ số lây lan. Với hệ số lây lan hiện nay là 2, họ ước tính rằng khoảng 60% dân số Anh cần được nhiễm SARS-cov-2 để đủ lực miễn dịch”.
“Cách suy nghĩ và chiến lược của nhà chức trách Anh rất… táo bạo. Nhưng suy nghĩ này có vài vấn đề về giả định. Giả định quan trọng nhứt là người bị nhiễm sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn chống chọi lại với virus. Nhưng sự thật thì đây là virus mới, nên chưa ai biết mô típ lây nhiễm của chúng, và trong thực tế thì đã có bệnh nhân hồi phục nhưng lại tái nhiễm”.
“Giả định thứ hai là chờ cho đến khi có vaccine mới để xây dựng hệ miễn dịch cho cộng đồng, nhưng phải chờ đến 6 tháng hay 1 năm. Và trong lúc đó thì số ca bệnh sẽ gây áp lực lớn đến hệ thống y tế. Chỉ cần 5% (trong số 60% nhiễm) phải nhập viện thì hệ thống y tế Anh Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng. Do đó, chiến lược miễn dịch cộng đồng này giống như một ván bài”.
“Đó chính là lý do mà nhiều nhà khoa học Anh và ngoài Anh phản đối. Rất may là nhà chức trách Anh và chánh phủ Anh đã lắng nghe giới khoa học, nên họ đã đính chánh rằng đây chỉ là một ý tưởng khoa học chớ không phải là chánh sách của họ”.
Nếu áp dụng, VN sẽ có cả trăm ngàn người tử vong?
Cũng liên quan đến miễn dịch cộng đồng, có chuyên gia ước lượng với truyền thông Việt Nam rằng: ‘Nếu chọn cách miễn dịch cộng đồng, Việt Nam sẽ có ít nhất 126.000 người tử vong’.
Bình luận về ý kiến này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, “Tôi nghĩ chắc chắn Việt Nam sẽ không áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng, vì ngay từ đầu, khi dịch bộc phát bên Tàu, đã có chiến lược can thiệp rồi. Do đó, chúng ta bàn về chuyện này ở đây chỉ là lí thuyết có phần giả tưởng thôi”.
“Con số 126.000 tử vong thì tôi không rõ dựa vào cơ sở khoa học nào, vì nguy cơ nhiễm và tử vong tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ lây lan, cơ cấu dân số theo độ tuổi, khả năng của hệ thống y tế, v.v”.
“Cách tính của tôi cho thấy kết quả rất khác với con số đó. Qua kinh nghiệm ở Vũ Hán, chúng ta biết rằng phân bố của số ca nhiễm dao động lớn giữa các độ tuổi, với người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ tuổi; chúng ta cũng biết rằng nguy cơ tử vong tăng theo độ tuổi”.
“Tôi sử dụng dữ liệu của Vũ Hán và tạo ra hai phân bố như trình bày qua Biểu đồ 1″.
Biểu đồ 1 cho thấy, đa số (72%) những ca bị nhiễm tuổi từ 40 trở lên. Nguy cơ tử vong tăng nhanh theo độ tuổi. Đa số (92%) những ca tử vong tuổi từ 50 trở lên và thường có những bệnh đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư, và viêm phổi mãn tính. Dữ liệu được mô phỏng từ kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Vũ Hán.
Theo Giáo sư Tuấn, với phân bố về số ca nhiễm và xác suất tử vong, có thể ước tính hậu quả của chiến lược miễn dịch cộng đồng nếu Việt Nam theo đuổi theo ba tình huống: tình huống thứ nhứt là mức độ lây lan thấp (ví dụ như hệ số lây lan 1.4, theo ước tính của WHO), và tình huống thứ hai là hệ số lây lan cao như 2.0, và tình huống thứ ba là khi hệ số lây lan lên đến 2.5 (số liệu của WHO).
Mỗi tình huống sẽ có những con số tử vong và số nhiễm khác nhau.
Nếu tôi là nhà chức trách Việt Nam, tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một số địa điểm, lấy mẫu ngẫu nhiên theo độ tuổi, và làm xét nghiệm trên những người đó để tìm kháng thể liên quan đến SARS-Cov-2GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales
Cụ thể, Giáo sư Tuấn phân tích:
“Tình huống thứ nhứt: với dân số có nguy cơ lây nhiễm 95 triệu (dân số ước tính năm 2020 là 97 triệu), Việt Nam sẽ có chừng 27.1 triệu người bị nhiễm để xây dựng miễn dịch quần thể. Chúng ta có thể thấy phân bố số ca nhiễm theo độ tuổi như biểu đồ 2, với đa số trên 40 tuổi. Nguy cơ tử vong tùy thuộc vào độ tuổi, với người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn người trẻ tuổi. Giả định rằng hệ thống y tế Việt Nam tốt hơn Tàu và do đó tỉ lệ tử vong chỉ bằng 20% tỉ lệ tử vong quan sát bên Vũ Hán, thì có thể ước tính rằng có đến 102.300 ca tử vong”.
“Tình huống thứ hai: với hệ số lây lan là 2.0, sẽ có 47.5 triệu người bị nhiễm virus mới. Với giả định về cơ cấu dân số, phân bố số ca theo độ tuổi như tình huống 1, cùng tỉ lệ tử vong như tình huống 1, thì số ca tử vong có thể ước tính lên đến 179.300″.
“Tình huống thứ ba: với hệ số lây lan là 2.5, sẽ có 57 triệu người bị nhiễm virus mới. Và, với những giả định trên, có thể ước tính số số ca tử vong là 215.100 người”.
Theo Giáo sư Tuấn, qua mô hình trên, chúng ta có thể thấy nếu chiến lược miễn dịch cộng đồng được triển khai và nếu giả định rằng khả năng y tế của Việt Nam tốt hơn Trung Quốc, số ca tử vong vẫn có thể rất cao: từ 102.300 đến 215.100 ca, tuỳ theo tình huống và hệ số lây lan (Biểu đồ 2). Đó là chưa tính đến số ca phải nhập viện, mà theo ước tính của ông là khoảng 5% số ca bị nhiễm.
“Với 5% ca nhập viện thì hệ thống y tế của Việt Nam sẽ rất khó mà đáp ứng được. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam sẽ không bao giờ – và cũng không nên – theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng”- ông Tuấn nói.
Virus corona: Mất năm ngày để thấy triệu chứng
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
Covid-19: Tự cách ly khi nào, thế nào cho đúng?
Virus corona: Làm thế nào để tránh lây nhiễm
Virus corona: Làm gì để vững tinh thần qua mùa dịch?
Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả chiến lược của VN
Được hỏi về đánh giá cá nhân của ông về thực tế xử lý dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua, Giáo sư Tuấn nói rằng, do ông không có mặt ở trong nước, cũng chẳng có trải nghiệm thực tế ở trong nước, nên ông không thể nói gì cụ thể.
Tuy nhiên, ông cho rằng, “Số ca nhiễm được báo cáo từ Việt Nam thì đúng là có quan điểm cho rằng thấp. Nhưng số ca nhiễm tùy thuộc vào số người được xét nghiệm. Kinh nghiệm bên Hàn Quốc cho thấy xét nghiệm càng nhiều thì số ca nhiễm cũng càng nhiều. Việt Nam không theo đuổi chánh sách xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp cũng có thể hiểu được”.
So sánh cách chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc, Giáo sư Tuấn cho rằng: “Cách chống dịch ở Việt Nam có vẻ giống với Trung Quốc, nhưng không hà khắc như Trung Quốc. Việt Nam cũng cho xây dựng bệnh viện dã chiến, cũng tầm soát ca có nguy cơ cao, và có cách li tại gia. Nhưng Việt Nam không hạn chế làn sóng du khách từ Trung Quốc”.
“Vì số ca nhiễm còn quá ít và chưa có tử vong, nên còn quá sớm để đánh giá chiến lược của Việt Nam thành công cỡ nào”, Giáo sư Tuấn nói.
Phòng chống dịch giai đoạn 2 cần thay đổi gì?
Trả lời câu hỏi về việc, trước tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam đang tăng nhanh, phương án chống dịch của Việt Nam cần thay đổi gì? Giáo sư Tuấn cho rằng, tuy số ca nhiễm ở Việt Nam có tăng trong thời gian gần đây, nhưng nhà chức trách Việt Nam cũng ‘tích cực’ tầm soát và cách li những người có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cân thúc đẩy mạnh hơn các biện pháp như hạn chế du khách vào Việt Nam, hay cho phép vào, nhưng phải áp dụng biện pháp cách li tại gia 2 tuần; ứng dụng công nghệ thông tin, như qua điện thoại di động, để thông báo những địa điểm có dịch đến từng người trong cộng đồng; và quan trọng nhứt là nên xét nghiệm ở qui mô cộng đồng.
Ông nói: “Nếu tôi là nhà chức trách Việt Nam, tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một số địa điểm, lấy mẫu ngẫu nhiên theo độ tuổi, và làm xét nghiệm trên những người đó để tìm kháng thể liên quan đến SARS-Cov-2″.
“Kinh nghiệm từ Đức, Ý, và Hàn Quốc cho thấy, có những ca nhiễm tồn tại trong cộng đồng có liên quan một cách tiềm ẩn chưa được phát hiện, và những ca này có thể chẳng liên quan gì với những người đã bị nhiễm. Qua cách xét nghiệm ngẫu nhiên này, nhà chức trách sẽ dễ phát hiện thêm những ổ nhiễm mới và can thiệp kịp thời”.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Tuấn, chống dịch là quan trọng, nhưng bảo vệ nhân phẩm cho bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng. “‘Bảo vệ nhân phẩm’ ở đây tôi muốn nói về bảo mật danh tánh cho bệnh nhân, tránh những xỉ vả gián tiếp hay trực tiếp gây ấn tượng bệnh nhân như là thủ phạm gây nhiễm”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51922994

Điểm tin trong nước chiều 17/3:

Nữ tiếp viên hàng không mắc COVID-19

sau 3 lần xét nghiệm âm tính;

Tâm Tuệ
Kính chào quý vị đến với ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều ngày 17/3 của báo Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung chính như sau:
Từ 16/3, Việt Nam bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng
Thông tin trên được  phát đi tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 hôm 14/3.
Theo đó, phía Việt Nam yêu cầu người nước ngoài tại Việt Nam cũng như người Việt Nam bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…).
Tất cả hành khách trên các chuyến bay trong nước, quốc tế đến và đi từ Việt Nam phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và khi vào nhà ga.
Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng được thông báo nội dung này.
Nữ tiếp viên hàng không mắc COVID-19 sau 3 lần xét nghiệm âm tính
Chiều tối 16/3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân COVID-19 thứ 59 là nữ tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines, 30 tuổi, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội).
Bệnh nhân là L.T.Q. tiếp viên trên chuyến bay VN54 từ Vương quốc Anh về Việt Nam ngày 2/3 (chuyến bay đã ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trước đó).
Ngày 15/3, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau một ngày ho, sốt. Hiện đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, sức khoẻ ổn định.
Báo Zing cho biết, trước đó, ngày 7/3 bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm âm tính, vì vậy, được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm. Tại đây, nữ bệnh nhân có triệu chứng bệnh nên được chuyển trở lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 14/3.
Ngày 15/3 bệnh nhân này xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19 sau 8 ngày âm tính.
Phía Vietnam Airlines thông tin thêm rằng, nữ tiếp viên xét nghiệm 3 lần trước đó đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Ninh Thuận phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Bệnh nhân là nam, 42 tuổi, ở Thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận được công bố là ca nhiễm bệnh đầu tiên của tỉnh này sau khi Viện Pasteur Nha Trang cho biết mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19, theo Tuổi trẻ.
Bệnh nhân đi Malaysia ngày 27/2 và về Việt Nam ngày 4/3, trên chuyến bay VJ826 từ Malaysia về Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Sau khi về địa phương đến ngày 10/3, bệnh nhân có đau họng và sốt (không uống thuốc gì), đến ngày 15/3 bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận khám và điều trị.
Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 4 triệu đồng
Theo ghi nhận của báo VnExpress, mở cửa ngày 17/3, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở 45,4 – 46,3 triệu đồng, giảm 200.000 đồng chiều bán và 300.000 đồng chiều mua so với chốt ngày hôm qua.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn công bố giá đầu ngày 45,5 – 46,5 triệu đồng, giảm 300.000 đồng so với hôm qua. Chênh lệch giữa mua và bán giãn rộng một triệu đồng.
Vàng SJC đi xuống sáng nay nhưng tốc độ chậm hơn nhiều so với thế giới. Chốt phiên 16/3, mỗi ounce vàng quốc tế mất hơn 20 USD (tương đương 560.000 đồng) về 1.509 USD. Đầu phiên Mỹ, có thời điểm giá giảm tới gần 80 USD, về dưới 1.450 USD một ounce – thấp nhất 3 tháng. Thị trường sau đó hồi phục. Lúc 8h50 sáng nay, giá giao dịch quanh 1.504 USD, thấp hơn mở cửa ngày khoảng 6 USD.
Quy ra tiền Việt, hiện mỗi lượng vàng quốc tế có giá 42,3 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn 4 triệu đồng so với niêm yết bán vàng SJC. Như vậy, sự chênh lệch này tăng khá cao so với những phiên trước đó.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-17-3-nu-tiep-vien-hang-khong-mac-covid-19-sau-3-lan-xet-nghiem-am-tinh-tu-16-3-viet-nam-bat-buoc-deo-khau-trang-o-noi-cong-cong.html

Tin Biển Đông – 17/03/2020


Tin Biển Đông – 17/03/2020

TQ lại đơn phương đưa ra các quy định được gọi là

 “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông

Tương tự như các năm, Trung Quốc vừa thông báo áp dụng các lệnh “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, những quy định hết sức phi lý mà nước này tự cho mình có quyền ban hành đối với các vùng biển thuộc nước khác.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 10/3 thông báo bắt đầu đơn phương thực thi “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông kéo dài bốn tháng từ 12h00 ngày 01/5 đến 12h00 ngày 01/9/2020. Trong phạm vi từ 120 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough từ 12h00 ngày 01/5 đến 12h00 ngày 16/8/2020. Như vậy so với “lệnh cấm” năm 2019, thời gian “lệnh cấm” năm nay kéo dài hơn 15 ngày. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết, gần 9.000 tàu cá của tỉnh Hải Nam cập bến để nghỉ ngơi, bảo dưỡng tàu trong thời gian này. Tuy nhiên những tàu thuyền “có giấy phép” tới đánh bắt ở khu vực đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn được phép hoạt động. Trung Quốc ngang nhiên áp dụng lệnh cấm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm.
Cấm đánh bắt cá là một trong những chính sách phổ biến của nhiều quốc gia giáp biển. Lệnh cấm này nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, dựa trên các văn bản pháp luật quốc tế như: Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS); Hiệp định về các loài cá di cư của Liên hợp quốc 1995; Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (CBD); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật đang bị nguy cấp (CITES) và Công ước về các loài di cư (CMS). Theo các quy định trên, thì lệnh cấm đánh bắt cá được áp dụng trong 2 điều kiện là: Các quốc gia ven biển chỉ có quyền đánh bắt cá trong phạm vi vùng biển mà quốc gia đó chủ quyền và quyền tài phán, thường chủ yếu là vùng đặc quyền kinh tế; Lệnh cấm đánh bắt cá phải dựa trên các số liệu khoa học, trên cơ sở trao đổi thường xuyên với các tổ chức trong khu vực và quốc tế, ngoài ra phải có sự tham vấn của các quốc gia liên quan. Trước khi áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá, thì quốc gia đó phải thông báo công khai, thông tin đầy đủ khu vực, nội dung đánh bắt cá với ngư dân trong nước và tham vấn với các nước trong khu vực.
Việc tham vấn với các quốc gia có liên quan đặc biệt quan trọng và trở thành nghĩa vụ trong trường hợp quy định cấm đánh bắt cá được áp dụng với các loài cá có khả năng di cư xa hoặc sinh sống trên khu vực biển của nhiều quốc gia. Danh sách các loài cá có khả năng di cư xa, đang bị đe doạ hoặc sinh sống tại nhiều quốc gia được quy định rõ tại CBD, CMS và Hiệp định 1995. Ngoài ra, trước khi áp dụng, quốc gia ven biển có nghĩa vụ thông báo công khai, đầy đủ thông tin về quy định cấm đánh bắt cá với ngư dân của nước mình và ngư dân của các nước khác được phép đánh bắt cá trong EEZ của nước mình. Thực tiễn quốc tế cho thấy, EU và nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines … đều từng áp dụng các quy định cấm đánh bắt cá theo thời gian hoặc theo một số loài cá nhất định. Đây là một trong những biện pháp được đánh giá có tính hiệu quả cao giúp bảo tồn, quản lý, duy trì nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ đa dạng sinh học, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ sở hữu hợp pháp 13% diện tích Biển Đông, tức là nếu áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá theo quy định quốc tế, thì nước này chỉ được cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nhưng Bắc Kinh lại ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 90% khu vực của Biển Đông (hơn 3 triệu km2), vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và xâm hại đến vùng đặc quyền kinh tế mà các nước trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền.
Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Với việc ban hành lệnh trên, Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được “cơn khát” về thủy, hải sản đang ngày càng gia tăng của nước này. Theo đánh giá của ông Sébastien Colin – nhà địa lý học, giảng viên Viện Quốc gia ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) của Pháp, Trung Quốc hiện nay là nước đứng đầu thế giới về nuôi trồng (61%) và đánh bắt (27%) thủy, hải sản. Ngay từ những năm 1980, nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản của Trung Quốc đã tăng mạnh và nó sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi mức tiêu thụ loại thực phẩm trên mỗi năm tính theo đầu người tại nước này không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, Bắc Kinh không những muốn bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa 1,4 tỷ dân, mà còn muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản ra thị trường thế giới, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Do đó những năm qua, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ nghề nuôi trồng thủy, hải sản
để cung cấp cho thị trường nội địa, đồng thời tìm cách giảm bớt đội ngư thuyền để bảo tồn các nguồn thủy, hải sản gần bờ.
Ý đồ của Trung Quốc khi đưa ra các “lệnh cấm” này là nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Thông qua việc đưa ra “lệnh cấm”, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. Ngoài ra, Trung Quốc muốn thông qua “lệnh cấm” để mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
Nhìn chung, quy chế của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Lệnh cấm đánh bắt mới của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc.

Trang bị UAV tự sát:

TQ đang mưu tính mới trên Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đang có kế hoạch mua hai loại máy bay không người lái (UAV) mang bom tự sát nhằm tăng cường khả năng răn đe trên biển.
UAV tự sát là gì
UAV này có thể bay ở nhiều độ cao, rất chính xác và gần như không bị các tổ hợp phòng không truyền thống ngăn chặn. Nó có khả năng đánh lừa phòng không kẻ thù bằng cách tạo ra những tín hiệu giả khiến đối phương không thể phân biệt được đâu là mục tiêu cần tấn công. Bên cạnh đó, UAV trên thường bay với vận tốc 80-130 km/h, mang theo tối đa 3 kg tải trọng và thời gian bay khoảng 30 phút. Tải trọng chính trên máy bay không người lái là trạm thu phát, camera và bom. Camera cung cấp một cái nhìn tổng quát về khu vực hoạt động và máy bay không người lái có thể được triển khai ở bất cứ đâu. Loại UAV này được lập trình bay trong chế độ tự động, theo hành trình định trước. Các chuyên gia sẽ theo dõi nó từ mặt đất qua hệ thống dẫn đường vệ tinh.
Tuy nhiên, đây là loại UAV giá rẻ, được chế tạo khá đơn giản, có chi phí sản xuất thấp. Nó hoạt động giống như một quả bom được điều khiển, lặng lẽ bay trong không trung và sau đó sà xuống tấn công mục tiêu. Tất cả các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, bao gồm Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc đều đang triển khai kế hoạch nghiên cứu, chế tạo loại UAV trên.
Mưu đồ của Trung Quốc
Theo thông tin trên, quân đội Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch mua sắm hai loại “vũ khí có thể bay lảng vảng” trên không. Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết nào về việc mua sắm, bao gồm các chi tiết cụ thể về hiệu suất hoặc số lượng vũ khí sẽ mua, vì việc mua sắm được liệt kê là bí mật.
Theo giới chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc, thể loại vũ khí này được coi là kết hợp của một tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Sau khi cất cánh, nó có thể ở trên không trong một thời gian dài để trinh sát và giám sát chiến trường như máy bay không người lái, nhưng sau khi xác định được mục tiêu, nó có thể tiến hành một cuộc tấn công tự sát như tên lửa. Một số loại máy bay không người lái tự sát có thể quay trở lại căn cứ để triển khai trong tương lai nếu chúng không tìm thấy mục tiêu. Bên cạnh đó, máy bay không người lái tự sát có thể cung cấp nhiều chiến thuật khác nhau, trong đó hữu dụng nhất là tấn công các mục tiêu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Vũ khí mới này có thể bay tới một khu vực nào đó, tìm kiếm mục tiêu trong khi bay chờ và tấn công ngay lập tức khi tìm thấy mục tiêu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng một tên lửa sẽ cần thời gian để phóng và di chuyển, điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội và máy bay không người lái tự sát cũng rẻ hơn máy bay trinh
sát vũ trang. Việc phóng máy bay không người lái tự sát trước cũng đồng nghĩa với việc kẻ thù sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xác định vị trí nó được phóng từ đâu.
Bắc Kinh đang sở hữu CH-901 và WS-43
Các công ty vũ khí Trung Quốc đã phát triển nhiều loại máy bay không người lái tự sát, bao gồm CH-901 và WS-43.
Tại triển lãm quốc phòng châu Á năm 2017 tập đoàn Bảo Lợi của Trung Quốc đã chào hàng một loại tên lửa mới của quân đội nước này, khiến nhiều nước châu Á ghen tị và cũng có nhiều nước đề xuất ý định mua. Đó chính là tên lửa hành trình CH-901. Toàn bộ trọng lượng hệ thống tác chiến của CH-901 là 45kg, bao gồm 3 quả tên lửa hành trình, 1 ống phóng và 1 máy tính xách tay, dễ dàng mang theo, vận hành đơn giản. Qua 10 năm nghiên cứu, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã cho ra lò tên lửa hành trình tiên tiến này và chính thức được trang bị cho quân đội nước này. Công nghệ trọng tâm của tên lửa hành trình CH-901 Trung Quốc chính là công nghệ máy bay không người lái hàng đầu thế giới của nước này.
Trong lĩnh vực máy bay không người lái, Trung quốc là quốc gia duy nhất có thể sánh ngang với Mỹ, ngay cả cường quốc quân sự như Nga cũng phải thừa nhận là lạc hậu hơn rất nhiều so với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ UAV, mà CH-901 chính là sự chuyển đổi từ UAV.
Tiền thân của tên lửa CH-901 là một máy bay không người lái cỡ nhỏ, dài 1,2m, nặng 9 kg, tốc độ bay có thể đạt 150km/giờ, bán kính bay đạt 15km, điều này cho phép nó có thể thực hiện 20 nhiệm vụ bay, nó mang theo máy ảnh có thể trinh sát trong phạm vi 2000m. Sau khi được cải tiến, tên lửa hành trình có thể bay trên 12 tiếng, khi không phát hiện được mục tiêu, nó sẽ tự mở cánh bay lượn vòng trên không phận đối phương. Đối với phương thức tấn công của tên lửa hành trình CH-901, chính là cuộc tấn công tự sát, nó có thể thực hiện tấn công chính xác đối với mục tiêu, với sai số vòng tròn tâm mục tiêu dưới 5m.
Đối với đầu đạn gắn ở đầu tên lửa CH-901 thậm chí còn chưa được công bố thông tin và số liệu, nhưng ước tính ít nhất có thể phá hủy được radar cỡ vừa và nhỏ trên mặt đất, xe thiết giáp hạng nhẹ, các loại trực thăng quân sự. Một khi xác định được mục tiêu, tên lửa CH-901sẽ tiến hành khóa mục tiêu và khởi đầu một cuộc tấn công tự sát.
Đối với việc làm sao để đối phó với tên lửa hành trình CH-901, phía Mỹ cho biết hiện nay chưa có bất cứ phương án khả thi nào, vì công nghệ quân sự hiện tại rất khó phát hiện nó, CH-901 không có tính năng hồng ngoại, chỉ có tín hiệu radar rất nhỏ, có thể bay ở độ cao thấp, tiếng ồn nhỏ, hầu như không có âm thanh. Có thể nói rằng, bất kỳ hệ thống phòng không hiện có nào cũng bất lực trước nó. Tất nhiên, lực lượng phòng thủ có thế dùng súng máy để bắn nó, nhưng thậm chí nếu biết được CH-901 bay ngang qua đầu thì cũng chỉ có 3 giây để phản ứng. Và nếu hạ được mục tiêu này thì ngay sau đó sẽ là một quả cầu lửa bao trùm lên chính người bắn, hậy quả thật khôn lường. Đặc điểm của tên lửa hành trình này là có thể tiến hành bay tuần tra tại khu vực tấn công, nó có thể thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ như giám sát, trinh sát và một khi định vị được mục tiêu thì lao vào tấn công. Nhờ tính năng tàng hình lại có hệ thống định vị GPS chính xác và đầu dò quang ảnh rất tốt, có thể tấn công mang tính hủy diệt một cách bất ngờ mà đối phương không biết.
Trong khi WS-43 có thể được phóng từ máy phóng tên lửa, phạm vi 60 km và sau đó có thể ở trên mục tiêu trong 30 phút, trang web tin tức hàng không Trung Quốc cannews.com.cn đưa tin năm 2016.

Trường Sa 1988: TQ tạo cớ xâm chiếm biển đảo

Trung Quốc đã mượn cớ dựng trạm quan sát hải dương toàn cầu trên Biển Đông để thực hiện âm mưu xâm chiếm Quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc vạch kế hoạch xâm chiếm Trường Sa
Ngay từ khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép hầu hết Quần đảo Hoàng Sa từ tháng 01/1974, trong đầu những tướng lĩnh Bắc Kinh đã có ý định đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Tháng 9/1982, ngay sau khi nhậm chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân Trung Quốc, tướng Lưu Thanh Hoa đã đề xuất ý kiến là phải cho các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đến các đảo, đá, bãi cạn ở Trường Sa để dựng nhà giàn, giành chỗ đứng chân để chứng minh sự hiện diện của Trung Quốc ở
Trường Sa. Y cũng gấp rút cử các biên đội tàu xuống phía nam Biển Đông nhằm khảo sát và đo đạc luồng lạch của các đảo ở quần đảo Trường Sa, phục vụ cho mục đích chiếm đóng trái phép sau này.
Để phục vụ tiến hành cho cuộc chiến mà y cho là “có lợi ích lớn cho Trung Quốc”, cuối tháng 12 năm 1986, Lưu đã cho máy bay và tàu thuyền [gồm cả tàu chiến và tàu cá vũ trang] tiến hành hoạt động trinh sát, thăm dò từ khu vực đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài.
Tháng 4/1987, Lưu Thanh Hoa giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Trần Minh Sơn của Hạm đội Nam Hải [phụ trách nhiệm vụ tác chiến trên Biển Đông], yêu cầu các tàu chiến nhận nhiệm vụ tuần tra Trường Sa phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho yêu cầu chiến tranh.
Xâm chiếm Trường Sa đội lốt kế hoạch xây dựng trạm quan trắc
Ngày 6/5/1987, Lưu Hoa Thanh hạ lệnh thành lập một biên đội tàu tuần tra 10 chiếc, gồm tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa và tàu tiếp tế khởi hành từ Trạm Giang [nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải]. Đây là lần đầu tiên sau 38 năm kể từ khi nước Trung Quốc được thành lập, hải quân nước này đã tổ chức một biên đội tàu chiến lớn nhất tuần tra trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Biên đội tàu chiến của Hạm đội Nam Hải đã tổ chức một cuộc diễn tập lớn ở phía nam Biển Đông từ ngày 15/5 đến ngày 6/6/1987, nhằm thao luyện các phương án tác chiến phục vụ cho âm mưu xâm chiếm Trường Sa.
Ngày 8/7/1987, Lưu Hoa Thanh và Cục trưởng Cục hải dương quốc gia Trung Quốc Nghiêm Hoằng Mô trình lên Quốc vụ viện và quân ủy trung ương Trung Quốc báo cáo chung về vấn đề xây dựng trạm quan trắc ở Trường Sa.
Báo cáo đề ra hai phương án: Xây dựng trạm quan sát tự động hoặc xây dựng trạm có người điều khiển. Bản thân Lưu ủng hộ phương án thứ hai vì nó phục vụ cho âm mưu xâm lược Trường Sa của Trung Quốc. Chính y đã chủ động đề xuất xây dựng trạm quan sát ở đá Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 6/11, Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương Trung Quốc công bố bản phê chuẩn về đề xuất của Lưu.
Cũng trong tháng 11 năm 1987, Lưu Hoa Thanh trở thành Ủy viên Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương) Trung Quốc và giữ chức Phó Tổng thư ký (một năm sau, đến tháng 11/1989, Lưu giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương).
Lưu nhân đó lập tức triệu tập cuộc họp để thực hiện kế hoạch và các công tác chuẩn bị cho xây dựng trạm, theo đó, trách nhiệm xây dựng trạm là được giao cho lực lượng Hải quân Trung Quốc, với sự hỗ trợ về nghiệp vụ của Cục Quản lý Hải dương Trung Quốc.
Giữa tháng 10 đến tháng 11 năm 1987, Hạm đội Nam Hải lại tiếp tục đưa tàu nghiên cứu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây; có lúc các tàu này vào sát đảo của ta khoảng 1 hải lý.
Trong thời gian ngắn, Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành một số công tác như khảo sát kỹ thuật và thiết kế, toàn bộ vật liệu xây dựng đều được đưa ra từ đất liền. Kế hoạch xây dựng trạm quan trắc đã trở thành cái cớ để Bắc Kinh đưa những người mà họ gọi là “các nhà khoa học” và vật liệu xây dựng ra Trường Sa.
Khoảng đầu năm 1988, Lưu Thanh Hoa cùng các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục hậu cần và hải quân tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghiên cứu phương án tác chiến để đánh chiếm các đảo, đá. Sau đó, bản kiến nghị về kế hoạch tác chiến Trường Sa đã nhận được sự phê chuẩn.
Thực hiện kế hoạch xâm chiếm Trường Sa
Ngày 22/01/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập. Sau đó, chúng đưa một lực lượng lớn gồm 8 tàu, trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại khu vực đảo này.
Ngày 31/01/1988, Trung Quốc quyết định đưa thêm lực lượng củng cố đảo Chữ Thập thành căn cứ chủ chốt ở khu vực Trường Sa. 9 tàu của biên đội tàu thi công đã từ Trạm Giang xuống dá Chữ Thập vào ngày 07/02 để tiến hành công việc xây dựng trái phép.
Vào thời điểm này, Hải quân Trung Quốc tổ chức ba Cụm tác chiến lớn nhằm triển khai chiến dịch chiếm đoạt quần đảo Trường Sa, bao gồm:
Sở Chỉ huy Hậu phương đặt ở quần đảo Hoàng Sa. Sở chỉ huy này chỉ huy chung toàn chiến dịch, đồng thời chỉ huy lực lượng tàu tuần tiễu pháo, tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa và các tàu ngầm, có nhiệm vụ ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu hải quân ta hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong việc triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía Nam;
Ngoài ra, Trung Quốc còn thiết lập 2 Cụm Tác chiến Tiền phương. Cụm thứ nhất có nhiệm vụ ngăn chặn lực lượng hải quân ta ở đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu; Cụm thứ hai là cụm chiến đấu thiết lập Sở chỉ huy tiền phương ở đảo Chữ Thập, chỉ huy lực lượng đánh chiếm đảo ở quần đảo Trường Sa [và nếu có thời cơ phát triển lực lượng sâu xuống khu vực phía Nam Biển Đông].
Tiếp theo, Trung Quốc điều số lượng lớn tàu chiến đến chiếm đóng đá Châu Viên (ngày 18/02), đá Ga Ven (26/02), đá Tư Nghĩa (tức Huy Gơ, ngày 28/02).
Đến đầu tháng 3, Trung Quốc tiếp tục huy động tàu chiến của hai hạm đội (Đông Hải và Nam Hải) xuống quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở đây lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tuần tiễu pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn với ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép Quần đảo Trường Sa bằng hành động quân sự
Ngày 14/3, Trung Quốc đã nổ súng tấn công lực lượng ta trên các tàu vận tải và chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma, khiến 64 chiến sỹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh.
Sau đó, vào ngày 23/3, Trung Quốc đã tiếp tục đưa tàu chiến chiếm giữ trái phép đá Xu Bi.
Tính đến thời điểm đó, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 6 đảo đá, gồm: Chữ Thập, Xu Bi, Gạc Ma, Ga Ven, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Châu Viên, rồi tiến hành xây nhà và các công trình khác trên các đảo, đá này.
Mặc dù sau đó Trung Quốc vẫn muốn xâm chiếm thêm các đảo đá khác, nhưng lực lượng hải quân dù rất mỏng yếu của chúng ta vẫn kiên cường giữ vững được các đảo đã đóng giữ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước ở đại bộ phận các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và chủ động đóng giữ thêm ở nhiều đảo mới. Những hành động tỉnh táo, khôn ngoan nhưng cũng không kém phần kiên quyết của chúng ta đã chặn đứng âm mưu tiếp tục bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Trong các kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu những chủ trương và biện pháp của chúng ta trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền của đất nước ở Trường Sa năm 1988, mang tên “Chiến dịch CQ-88” (tức “Chủ quyền 88”).

Sau 32 năm xâm chiếm, TQ đã tàn phá,

 biến đá Gạc Ma của Việt Nam

thành tiền đồn quân sự phi pháp trên Biển Đông

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Vị trị địa chiến lược trọng yếu của đá Gạc Ma
Đá Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm cách đá Cô Lin hơn 3 km về phía Đông Nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn.
Trung Quốc lựa chọn Gạc Ma vì Trung Quốc muốn có một pháo đài ở trung tâm Biển Đông. Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì xa bờ. Trung Quốc muốn ở một vị trí an toàn và với việc chiếm được Hoàng Sa, họ có được thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế Biển Đông. Không những vậy, đá Gạc Ma cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý giữ vị trí quan trọng, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Nếu để Trung Quốc chiếm được “sẽ khống chế đường qua lại của ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa”.
Ngoài ra, vị trí đá Gạc Ma rất hiểm yếu, nó gần bờ biển và thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Việt Nam khai thác dầu khí và tiến hành các hoạt động kinh tế của mình. Việc Trung Quốc muốn xây dựng các “đảo nổi” nhân tạo nhằm mục tiêu pháp lý là muốn mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đặc biệt, Trung Quốc muốn mở rộng tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ra tới những vị trí xa nhất, thậm chí có những bãi cạn không nằm trong phạm vi quần đảo đó, Trung Quốc vẫn muốn xây dựng để sử dụng vạch đường cơ sở bao bọc
toàn bộ theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo. Chính vì thế, nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ  khống chế toàn bộ hàng hải đi qua khu vực này.
Việc Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma còn là một bước đi cụ thể cho dã tâm “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Gạc Ma nằm ở vị trí phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong những bãi đá xung yếu. Chiếm được Gạc Ma sẽ quản lý được vùng biển phía Tây. Nếu chiếm được bãi đá này thì với tiềm lực mạnh, Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế được cả vùng biển xung quanh. Ngoài ra, chiến lược quân sự mà Trung Quốc đang đưa ra không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa mà ngay ở Gạc Ma, là kiểu “gặm nhấm”. Thể hiện rõ nhất là sau khi chiếm đóng trái phép của Việt Nam, nước này không vội đánh chiếm các đảo khác, phần vì gặp phải sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã lén lút cho bồi đắp, xây dựng những công trình nhân tạo và “khi Việt Nam phát hiện ra thì mọi việc đã rồi”.
Quá trình Trung Quốc quân sự hóa đá Gạc Ma
Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng điểm đồn trú gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến đầu năm 1989, Trung Quốc đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc. Từ đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bồi lấp ở đá Gạc Ma và các thực thể khác nước này kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong giai đoạn này, chính quyền Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng xâm lấn ở quần đảo Trường Sa. Tháng 2/1995, quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ tay Philippines. Do lo ngại nguy cơ chiến tranh, phía Philippines đã chấp nhận buông xuôi, để mất đá Vành Khăn vào tay Trung Quốc. Biển Đông lúc lặng lúc nổi sóng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ ngừng thực hiện âm mưu chiếm trọn vùng biển ở Đông Nam Á. Tháng 6/2012, Trung Quốc xua hàng loạt tàu hải giám và cả tàu chiến tới chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp đá Gạc Ma, biến khu vực này trở thành một trong những tiền đồn quân sự quan trọng hàng đầu của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ tháng 7.2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước thành đảo nhân tạo. Trong số này, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc; tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m.
Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện cải tạo phi pháp đá Gạc Ma và đưa vào sử dụng trái phép nhiều hạng mục công trình như: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nạo vét luồng rạch theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc đá Gạc Ma. Trung Quốc cũng đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của Gạc Ma với chiều dài khoảng 100 m và 1 bến nghiêng rộng 20 – 30 m, phục vụ việc cơ động của các loại xe vận tải, xe bánh xích từ tàu vận tải đổ bộ lên bãi.
Không những vậy, Bắc Kinh đã xây dựng nhiều hàng mục công trình phi pháp trên đá Gạc Ma như hải đăng đa năng cao 50m, đường kính 4,5m; Hệ thống điện gió cung cấp một phần năng lượng và một số xe cẩu, xe công trình vẫn đang thực hiện các công đoạn xây dựng công trình ngầm, nổi trên bãi đá; Cộng ăng ten thu phát sóng bao phủ cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn; Các tổ hợp pháo hạm, pháo phòng không mọc lên ở các vị trí khác nhau trên đá Gạc Ma; 4 tổ hợp ra đa tầm xa làm nhiệm vụ quan sát và dẫn đường cho máy bay…
Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi… Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và Biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.
Trước âm mưu, ý đồ và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ

và nguy cơ hủy hoại môi trường Biển Đông

Trong quá trình thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã hủy hoại môi trường đến đâu là câu hỏi được các nhà nghiên cứu quan tâm. Theo dõi những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong 10 năm qua, người ta đều nhận thấy Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở đâu đều gắn liền với việc phá hoại môi trường biển.
Các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở bất kỳ nơi nào thì trước đó đều có đội tàu khai thác ngao của Trung Quốc xuất hiện ở đó.
Bắt đầu từ những năm 2010, những ngư dân Trung Quốc khai thác ngao đã tỏa đi khắp Biển Đông trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhưng lại được sự hộ tống bởi những tàu cỡ lớn đóng vai trò là tàu mẹ. Họ đi xa hơn nhiều khỏi vùng biển của Trung Quốc, đến tất cả các vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò” do họ tự vẽ ra một cách mơ hồ ở Biển Đông, thậm chí đến cả những vùng biển rõ ràng thuộc về các nước láng giềng.
Khi hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc tìm thấy một rạn san hô, ngư dân lên những chiếc thuyền nhỏ và sử dụng những cánh quạt máy bằng đồng khuấy nát các rạn san hô cho đến khi những con ngao lộ ra. Công việc tìm kiếm này không dễ nhưng lợi nhuận mang lại lớn đã khiến họ bất chấp tất cả. Những con ngao khổng lồ có thể rộng đến 1,2m, cân nặng lên tới 180kg, có giá lên đến hàng chục nghìn USD trên thị trường Hải Nam. Đặc biệt, những chiếc vỏ ngao khổng lồ sau khi được chế tác thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo còn có thể bán được cả triệu USD.
Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, ông John McManus cho biết, có tới hơn 25.000 rạn san hô đã bị tàu thuyền Trung Quốc phá hủy theo cách này. Phát hiện của McManus là một trong những bằng chứng được Tòa Trọng tài xem xét khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc.
Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc ngày càng đông và hiện đại hơn và ảnh hưởng tồi tệ hơn đối với hệ sinh thái, sinh sản và sinh tồn của các loài cá.
Các đội tàu cá thường được Trung Quốc sử dụng như một đội quân tiên phong trong việc thực hiện tham vọng mở rộng quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới ở Biển Đông với sự bảo vệ bởi các tàu vũ trang của lực lượng hải cảnh, kiểm ngư và dân quân biển của Trung Quốc … hòng đẩy ngư dân các nước láng giềng ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.
Sau một thời gian các tàu cá chiếm lĩnh ngư trường thì động thái tiếp theo thường là quân đội Trung Quốc tiến hành nạo vét các bãi cạn, rạn san hô rồi bồi đắp, mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, cầu cảng cỡ lớn, bố trí trên đó các thiết bị quân sự, thậm chí là cả tên lửa
Đánh giá về cách làm của Trung Quốc, ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng, việc thu hoạch ngao khổng lồ phục vụ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát biển, đáy biển và không phận phía trên vùng biển đó; bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.
Sau khi cơ bản hoàn tất việc quân sự hóa các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa thì mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới là biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự để tạo thành tam giác chiến lược khống chế toàn bộ Biển Đông.
Năm 2012, rất nhiều tàu cá Trung Quốc đã đến khu vực bãi cạn Scarborough để khai thác ngao khổng lồ, để xua đuổi ngư dân Philippines và các nước khác ra khỏi khu vực này. Tiếp đó, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã khống chế và chiếm luôn bãi cạn Scarborough, đồng thời Trung Quốc lên kế hoạch bồi đắp, mở rộng bãi cạn này thành đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này.
Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc chưa thể thực hiện được ý đồ xây đảo và quân sự hóa ở khu vực này do gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của công luận và quyết liệt của Mỹ, đồng minh của Philippines. Mỹ đã mắc sai lầm khi tin vào cam kết của Trung Quốc khuyên Philippines rút tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012 để rồi Trung Quốc khống chế và chiếm luôn bãi cạn này từ đó. Đây là bài học để Mỹ phải có thái độ quyết liệt hơn khi Trung Quốc có ý đồ quân sự hóa Scarborough.
Qua vụ việc tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu hải cảnh hoạt động đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1 vừa rồi là một biểu hiện cho thấy Trung Quốc đang lấn tới cả những vùng biển xa hơn ở phía Nam Biển Đông.
Câu chuyện ở đây không đơn thuần chỉ là bảo tồn loài ngao khổng lồ mà là việc cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông – nơi cung cấp khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu. Nếu đây vẫn tiếp tục là một phần trong chiến thuật của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông thì mục tiêu giữ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Mỹ, Nhật, Úc, Ấn đang thúc đẩy càng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Rõ ràng Mỹ đã nhận thức rõ vấn đề nên ngày càng tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trên vấn đề Biển Đông cả trong lời nói lẫn bằng hành động thực tế (FONOP).
Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye được cho là đòn giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khi bác bỏ hầu hết các đòi hỏi của Trung Quốc trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Toà Trong tài đã làm sáng tỏ các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ của nước này bảo vệ và bảo tồn môi trường biển bao gồm nghĩa vụ của nước này phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng đến môi trường cho các hoạt động đã được lên kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phải công bố kết quả của việc đánh giá đó; các hoạt động xây dựng của Trung Quốc cũng phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã phớt lờ tất cả, tiếp tục cho các tàu cá xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng, tiếp tục các hoạt động phá hoại môi trường biển ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông, các quốc gia ven Biển Đông cần cùng nhau góp tiếng nói chung, lên án hành vi hủy hoại môi trường của Trung Quốc, yêu cầu họ tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế về bảo tồn môi trường ở Biển Đông.
Cần phải nêu vấn đề môi trường mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn quốc tế, kể cả Liên hợp quốc để cho những người cầm quyền ở Bắc Kinh biết rằng, họ đang hủy hoại những tài sản chung của cả nhân loại và để cả cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất bá quyền, bành trướng của Bắc Kinh.

Powered by Blogger.