Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 23/10/2020

Thursday, October 22, 2020 // ,

 Đọc báo Pháp – 23/10/2020

Bi kịch Pháp

Thùy Dương

Tờ báo thiên hữu Le Figaro vẫn đặc biệt chú ý đến vụ khủng bố Hồi giáo sát hại một cách man rợ thầy giáo sử-địa Samuel Paty. Trên trang nhất, nổi bật trên nền bức ảnh lễ tưởng niệm quốc gia tối hôm qua tại khuôn viên đại học Sorbonne Paris là hàng tựa « Và bây giờ, chúng ta làm gì ? ». Bên dưới là bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : « Bi kịch Pháp ».

Tối hôm qua, nguyên thủ Pháp Macron đã vinh danh thầy giáo Samuel Paty là « gương mặt mới của nền Cộng Hòa », nhưng thực tế sẽ cho thấy truyền thông rồi lại sẽ quên đi thầy giáo Samuel Paty và danh sách dài các nạn nhân của Hồi giáo cực đoan. Kể từ vụ khủng bố 11/09/2001 tại Mỹ, kể từ vụ khủng bố Mohamed Merah, những buổi lễ tưởng niệm, sự phẫn nộ, những lời tuyên bố đều tan biến trong các cuộc đấu tranh chống tư tưởng bài Hồi Giáo, chống nạn bạo lực cảnh sát, chống nạn phân biệt đối xử.

Theo cây bút xã luận của Le Figaro, trong suốt 20 năm qua, chính những ý tưởng điên rồ đó đã ngăn cản các định chế của Pháp hành động. Sự lảng tránh không chỉ có trong ngành giáo dục, mà ở khắp nơi, trong nội các, ở các cơ quan hành chính, tòa soạn, nhà thờ, bệnh viện, đồn cảnh sát, doanh nghiệp … Nỗi lo sợ chạm phải những đề tài cấm kỵ đã triệt tiêu mọi hành động. Tác giả bài viết nhấn mạnh, từ

nay trở đi, ở mọi nơi, mọi lúc, dũng khí đầu tiên mà người Pháp cần có là nói ra những gì họ thấy, những gì họ trải qua và những gì họ sợ. Trên hết, đó chính là Nhà nước pháp quyền.

Theo điều 2 của Tuyên ngôn Nhân quyền, nhân quyền là quyền có tự do, quyền sở hữu, được đảm bảo an ninh và chống lại áp bức. Samuel Paty đã bị tước đoạt những quyền đó. Quyền tự do ngôn luận bị suy giảm do mối hăm dọa từ xã hội, tư pháp … Còn sự an toàn? Khả năng chống lại áp bức? Đối với cây bút xã luận của Le Figaro, ai cũng biết kết cục tồi tệ của cái mà ông gọi là « bi kịch Pháp ».

Sự phát triển quá mức của các quy tắc, sự gia tăng quyền lực của các thẩm phán, án lệ của các tòa án của Liên Hiệp châu Âu theo hướng không được làm những gì có thể coi là tạo nguy cơ cho người vô tội lại là một « chiếc áo chống đạn » cho thủ phạm, là « kho vũ khí pháp lý » mà các phần tử Hồi Giáo cực đoan sử dụng làm lợi thế chống lại những người mà họ muốn diệt trừ. Hồi Giáo cực đoan dùng dao, dùng súng chống lại nước Pháp, còn nước Pháp lại cung cấp phương tiện bảo vệ những kẻ như vậy !

Cả châu Âu kháng cự làn sóng Covid thứ hai

Báo Le Monde hôm nay đặc biệt quan tâm đến dịch Covid-19 tại châu Âu, chạy tựa trang nhất : « Dịch bệnh : Châu Âu dần dần phong tỏa trở lại ». Trong bài xã luận « Covid-19 : Kháng cự trước làn sóng thứ hai ở châu Âu », Le Monde nhận định làn sóng dịch thứ hai đã ập đến, châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch và lần này, khác với đợt dịch bùng phát lần đầu, không một nước nào thoát khỏi virus corona, kể cả khu vực Trung Âu.

Trong khi dịch Covid ở Ấn Độ, Brazil và Mỹ đang giảm dần, thì số ca nhiễm thường nhật tại châu Âu còn cao hơn cả số ca nhiễm ở ba nước trên cộng lại. Trong các bệnh viện, số bệnh nhân nhập khoa hồi sức tăng vọt, số ca tử vong hàng tuần cũng lên cao bằng hồi giữa tháng Năm vừa qua. Tuy nhiên, theo Le Monde, mặc dù vẫn chưa có vac-xin ngừa bệnh và cũng chưa có phương thuốc chữa trị hiệu quả, nhưng may mắn là so với hồi mùa xuân, hiện giờ các biện pháp rào cản được chú ý hơn, khả năng xét nghiệm tầm soát cũng tăng đáng kể, việc chăm sóc chữa trị cho các ca bệnh nặng cũng đạt nhiều tiến triển.

Trong làn sóng dịch thứ nhất, đa phần các nước đều chấp nhận hy sinh kinh tế để ưu tiên bảo vệ sức khỏe, nhưng hiện nay các quốc gia đều tìm cách dung hòa, đảm bảo các biện pháp dịch tễ đủ hiệu quả để làm giảm đà lây lan của dịch bệnh, nhưng vẫn bảo vệ được tối đa các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, theo Le Monde, trong giai đoạn này, chưa có nước nào tìm ra giải pháp lý tưởng. Nếu xứ Wales tái phong tỏa 2 tuần, Ailen tái phong tỏa 6 tuần, thì phần còn lại của châu Âu tìm đủ cách tránh bị tái phong tỏa toàn diện, bằng cách chỉ phong tỏa từng phần lãnh thổ, ra lệnh giới nghiêm hoặc đóng cửa quán rượu, nhà hàng …

Thế nhưng, chính những điều này lại cho thấy, chính phủ 27 nước thành viên Liên Âu mới chỉ tập trung vào tái thiết kinh tế chứ chưa tranh thủ giai đoạn dịch bệnh tạm lui vào mùa hè vừa qua để rút ra các bài học từ làn sóng dịch thứ nhất, đặc biệt là về việc hợp tác giữa các nước trong Liên Hiệp. Ngoài nỗ lực chung để đảm bảo người dân ở tất cả các nước đều được tiêm chủng nếu có vac-xin ngừa Covid, việc hợp tác về y tế vẫn là chưa đủ. Đối với Le Monde, để cùng nhau đối phó với làn sóng dịch thứ hai, Liên Âu có thể làm tốt hơn nữa và cũng cần làm tốt hơn thế. 

Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Sẵn sàng cho tất cả

Về bầu cử tổng thống Mỹ, ngoài 3 trang phóng sự, tờ báo thiên tả Libération còn có bài xã luận « Sẵn sàng cho tất cả ». Ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden vẫn đang dẫn trước Donald Trump trong các cuộc thăm dò. Về mặt logic, nếu Joe Biden không phạm sai lầm lớn nào trong cuộc tranh luận sắp tới, ông sẽ thắng cử. Nhưng Libération cũng lưu ý « chấn thương » của năm 2016 vẫn còn đó ! Chưa có kết quả bầu cử thì vẫn chưa có gì là chắc chắn. Sau bốn năm nhiệm kỳ « cuồng loạn » và « thất thường », ai cũng biết Donald Trump đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho đến giây phút cuối cùng, để giành ưu thế trước đối thủ Joe Biden.

Nếu thế giới không bị virus corona càn quét thì vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ hoàn toàn có thể sẽ được bầu lại mà không cần lo ngại gì. Nhưng cách ông Trump xử lý thảm họa dịch bệnh, khiến hơn 200.000 thiệt mạng trong vòng 9 tháng và làm bốc hơi các thành quả kinh tế, đã khiến sức mạnh của Donald Trump tiêu tan.

Tuy nhiên, cây bút xã luận của Libération cũng khách quan nhận xét : Nếu Joe Biden đắc cử thì không hẳn là nhờ ông ấy mang lại sự phấn khích cho cử tri, mà là vì cử tri cự tuyệt Donad Trump. Nhiệm vụ đang chờ đợi đại diện của phe Dân Chủ, nếu ông Biden đắc cử, là rất lớn : không chỉ phải khắc phục hậu quả kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra, mà còn phải hòa giải « hai nước Mỹ » hiện giờ đang « bị chia rẽ ».

Ô nhiễm không khí và « cái giá đắt » cho các thành phố ở châu Âu

Về môi trường, Le Monde có bài viết đáng chú ý : « Cái giá nặng nề về kinh tế từ ô nhiễm không khí ». Ô nhiễm không khí khiến 400.000 người chết sớm ở châu Âu mỗi năm. Nhưng không chỉ có vậy ! Theo một nghiên cứu mới về chất lượng không khí được thực hiện cho Liên minh châu Âu vì sức khỏe cộng đồng (EPHA) và được công bố hôm 21/10, 423 thành phố ở châu Âu mỗi năm thiệt hại tổng cộng hơn 166 tỉ euro do ô nhiễm không khí. Nếu tính theo đầu người, mức độ thiệt hại trung bình là 1000/dân/năm, tức 4% GDP bình quân đầu người, tỉ lệ này có thể lên tới 10% ở nhiều thành phố của Rumani, Bulgari và Ba Lan, đặc biệt do các nhà máy nhiệt điện than.

Nghiên cứu cho thấy có sự bất bình đẳng giữa các thành phố. Thành phố bị tác động nhiều nhất là Luân Đôn, mất 11,3 tỉ euro/năm, tiếp theo là Bucarest (6,3 tỉ euro), Berlin (5,2 tỉ euro). Paris đứng ở vị trí thứ 7 (3,5 tỉ euro). Nhưng nếu tính trên quy mô dân số, thủ đô Bucarest của Rumani là thiệt hại nặng nề nhất (3.000 euro/năm/người), tiếp theo là Milan (2.800 euro), Vacxava (2.433 euro). Tính riêng 67 thành phố của Pháp, Paris chịu thiệt hại nặng nhất (1602 euro.người).

Về nguyên nhân gây ô nhiễm, nhìn chung giao thông đường bộ là nguồn thải khí độc hại nhiều nhất ở các thành phố lớn. Ba chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn, dioxyde azote và ozone. Mỗi loại chất gây ô nhiễm đều kéo theo nhiều chi phí xã hội-kinh tế tốn kém để khắc phục hậu quả, chẳng hạn chi phí y tế để chữa trị bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản ở trẻ nhỏ, các bệnh về đường hô hấp và tim mạch …

Nhật Bản: Tỷ lệ phụ nữ tự tử tăng vọt

Trong lĩnh vực xã hội, nhìn sang châu Á, báo Công Giáo La Croix đề cập đến nạn tự vẫn gia tăng tại Nhật Bản, nhất là ở nữ giới. Trong bài viết « Tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ tăng vọt », thông tín viên báo La Croix tại Tokyo cho biết, kể từ tháng 7, số vụ tự tử vốn dĩ đã giảm dần trong những năm gần đây, lại tăng 45% ở phụ nữ và 55% ở giới trẻ dưới 30 tuổi. Khủng hoảng y tế, nạn thất nghiệp và tình trạng bấp bênh của phụ nữ giải thích cho sự bùng nổ số vụ tự tử.

Sau 15 năm giảm (sau kỷ lục 34.427 trường hợp vào năm 2003), tỉ lệ tự tử gia tăng khiến giới chức y tế Nhật Bản lo lắng. Tại Cơ quan phòng chống nạn tự tử của thành phố Tokyo, không ai che giấu thái độ thất vọng. Các chuyên gia về nạn tự tử trong các cơ quan xã hội hoặc các hiệp hội phi chính phủ vẫn đang bối rối trước những con số khủng khiếp nói trên. Mặc dù dịch coronavirus và những lo ngại mà dịch bệnh gây ra có thể tác động đến người dân, nhưng các chuyên gia cho cho rằng còn có những nguyên nhân khác, chẳng hạn làn sóng tự tử trong giới biểu diễn và điện ảnh trong những tháng gần đây.

Bác sĩ Chiaki Kawanishi, giáo sư về tâm thần học tại đại học Y Sapporo (Hokkaïdo), còn cho rằng chính phủ Nhật đã thất bại trong việc khắc phục bất bình giới, khiến vị thế của phụ nữ không được cải thiện nhiều. Năm 2019, mức lương của phụ nữ vẫn thấp hơn 30% so với nam giới. Nhiều phụ nữ phải làm những công việc không an toàn, lương thấp và dễ bị sa thải trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201022-bi-k%E1%BB%8Bch-ph%C3%A1p

Tin tổng hợp

(Reuters) – Trung Quốc đe dọa Thụy Điển sau khi Hoa Vi và ZTE bị cấm. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 21/10/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã kêu gọi Thụy Điển hủy bỏ lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc Hoa Vi và ZTE trong một cuộc đấu thầu xây dựng mạng 5G. Bắc Kinh không ngần ngại đe dọa: “Thụy Điển phải sửa chữa quyết định sai lầm của mình, để tránh gây tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Thụy Điển và hoạt động của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Trung Quốc.” Lời đe dọa được Bắc Kinh đưa ra một hôm sau khi Cơ Quan Bưu Chính và Viễn Thông Thụy Điển ra lệnh cấm dùng sản phẩm của Hoa Vi và ZTE đối với các công ty tham gia cuộc đấu giá mạng 5G dự kiến vào tháng tới.

(AFP) – Nghị sĩ Mỹ và Liên Âu kêu gọi tẩy chay Thượng Đỉnh G20 tại Ả Rập Xê Út. 

Trong một lá thư được công bố ngày 21/10/2020, 45 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thúc giục Washington không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới tại Riyad, trừ phi chính quyền Ả Rập Xê Út đáp ứng những yêu cầu về nhân quyền. Bức thư của các nghị sĩ Mỹ được gửi đến ngoại trưởng Mike Pompeo ít lâu sau khi 65 nghị sĩ Châu Âu cũng gởi thư kêu gọi Bruxelles xem xét lại việc tham gia thượng đỉnh do Ả Rập Xê Út tổ chức vào ngày 21-22/11 tới đây.

(Reuters) – Nhật Bản : Hệ thống phòng thủ trên biển có thể tốn kém gấp đôi. 

Hệ thống phòng thủ Aegis Ashore nhằm bắn chặn tên lửa từ Bắc Triều Tiên và nhiều nước khác. Tháng 06/2020, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đã đình chỉ dự án trị giá khoảng 2 tỉ đô la lập hai địa điểm trên đất liền do nguy cơ khoang đẩy tên lửa rơi xuống khu dân cư. Ngày 22/10, Reuters trích nguồn tin nắm rõ hồ sơ cho biết, kế hoạch xây hệ thống Aegis Ashore ngoài khơi sẽ tốn kém ít nhất gấp đôi so với kế hoạch xây trên đất liền. Chậm tiến độ và chi phí cao có thể dẫn đến làn sóng phản đối lập hệ thống Aegis Ashore, trong bối cảnh tài chính công của Nhật Bản bị thâm hụt vì nợ và tài trợ cho nền kinh tế bị dịch Covid-19 tác động.

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên : Số người đào tẩu thấp kỷ lục trong quý III. 

Theo số liệu được bộ Thống Nhất Hàn Quốc công bố ngày 22/10/2020, chỉ có 48 người Bắc Triều Tiên (23 nam, 25 nữ) trốn sang Hàn Quốc từ tháng 07 đến tháng 09/2020, thấp hơn con số 226 người vào cùng kỳ năm 2019. Số liệu này cho thấy rất khó vượt biên trong lúc có dịch, vì Bắc Triều Tiên phong tỏa mọi ngả đường kể từ đầu năm để chống Covid-19.

(Đại học Laval) – Canada : Hội thảo “Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec”. 

Hội thảo do Đại học Laval tổ chức ngày 22/10/2020 qua hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19. Ba chuyên gia về Việt Nam lần lượt thảo luận về : “Việt Nam : sức mạnh mới trỗi dậy hay cọp giấy ?”“Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Québec” và “Những chính sách, hành động của chính phủ vùng Québec ủng hộ phát triển quan hệ với Việt Nam”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201022-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 22/10:

CSIS: Mỹ nên củng cố hơn nữa

quan hệ với Đài Loan

Lục Du

Mục lục bài viết          

CSIS: Mỹ nên củng cố hơn nữa quan hệ với Đài Loan

Mỹ chỉ định thêm 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài

Ông Pompeo có phát biểu mới về Triều Tiên

Cố vấn Mỹ nói Bắc Kinh ‘săn mồi’ và ‘ăn cắp’

Đức: Hiện vật quý trong bảo tàng bị tấn công

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (22/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

CSIS: Mỹ nên củng cố hơn nữa quan hệ với Đài Loan

Chính quyền tiếp theo của Mỹ nên tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế với Đài Loan và tăng chi phí để đối phó với bất kỳ cuộc xâm lược Đài Loan nào của chính quyền Trung Quốc ngay cả khi Đài Bắc đã củng cố an ninh của chính mình, theo một báo cáo về chính sách Đài Loan được công bố hôm thứ Tư bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), theo SCMP.

“Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, từ chối cung cấp cho người dân của họ các quyền tự do mà họ đã hứa”, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại CSIS và là tác giả của báo cáo “Hướng tới quan hệ Mỹ-Đài mạnh mẽ hơn”, cho biết.

“Và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Đài Loan có thể là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh”, ông Glaser nói thêm.

Khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp diễn ra đã xuất hiện tin đồn rằng Tổng thống Trump hoặc Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể thực hiện chuyến thăm “bất ngờ trong tháng 10” tới Đài Loan. Tuy nhiên ông Glaser đã loại bỏ khả năng này vì theo ông, Tổng thống Trump cần tập trung thời gian cho bầu cử.

Mỹ chỉ định thêm 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là các cơ quan truyền thông phục vụ Bắc Kinh hoạt động với tư cách các hãng truyền thông của nước ngoài tại Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố hôm thứ Tư (21/10), theo SCMP.

Theo Đạo luật Nhiệm vụ Nước ngoài của Hoa Kỳ, nhân viên của các tổ chức làm việc tại Mỹ sẽ phải đăng ký hoạt động với tư cách một nhân viên cơ quan nước ngoài, tương tự như nhân viên của các đại sứ quán nước ngoài.

“Chúng tôi chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng người dân Mỹ, những người đọc thông tin, có thể phân biệt giữa tin tức được viết bởi báo chí tự do và thông tin tuyên truyền do chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tán”, ông Pompeo nói. “[Chúng] không giống nhau”.

Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ, vào đầu năm nay, đã chỉ định 9 đơn vị truyền thông khác của Trung Quốc là những cơ quan truyền thông nước ngoài, bao gồm các hãng tin tuyên truyền chủ lực cho Bắc Kinh như Nhân dân nhật báo, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, China Daily và Tân Hoa xã.

Ông Pompeo có phát biểu mới về Triều Tiên

Tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên “rõ ràng” sẽ là một phần trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Tư (21/10), đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đàm phán phi hạt nhân hóa, theo Yonhap.

Phát biểu của ông Pompeo đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước.

“Vì vậy, lập trường của chúng tôi về nhóm vấn đề đó, nhóm vấn đề liên quan đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên – một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên, rõ ràng bao gồm các văn bản sẽ thay đổi tình trạng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc – Không có gì thay đổi trong cách Hoa Kỳ quan niệm về điều này”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo, đề cập đến việc tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong chiến tranh. Cuộc nội chiến giữa hai miền (1950-53) đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Ông Moon từng nói rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và chế độ hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên”.

Cố vấn Mỹ nói Bắc Kinh ‘săn mồi’ và ‘ăn cắp’

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, Robert O’Brien, hôm thứ Tư (21/10) đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng đánh cắp nghiên cứu vắc-xin COVID-19 từ phương Tây, coi Bắc Kinh như một đối thủ thâm độc đang tìm cách độc chiếm mọi ngành công nghiệp quan trọng của thế kỷ 21, theo Reuters.

Trong một bài phát biểu dài 20 phút, ông Robert O’Brien nói với các quan chức tình báo và quân sự hàng đầu của Anh và Hoa Kỳ rằng Trung Quốc là một kẻ săn mồi, đàn áp người dân của họ và đã tìm cách o ép các nước láng giềng và các cường quốc phương Tây.

“ĐCSTQ đang tìm kiếm sự thống trị trong tất cả các lĩnh vực và khu vực [và] có kế hoạch độc quyền hóa mọi ngành quan trọng trong thế kỷ 21”, ông O’Brien nói với Diễn đàn Tương lai Đại Tây Dương.

“Gần đây nhất, CHND Trung Hoa đã sử dụng hoạt động gián điệp trên không gian mạng để nhắm vào các công ty đang phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị Covid ở châu Âu, Anh và Hoa Kỳ đồng thời chèo kéo hợp tác quốc tế”, ông O’Brien nói.

Đức: Hiện vật quý trong bảo tàng bị tấn công

Cảnh sát Đức đang điều tra sau khi hàng chục đồ tạo tác vô giá trong một số bảo tàng nổi tiếng nhất của Berlin bị một số người phá hoại, gây ra thiệt hại có thể không thể vãn hồi được, các quan chức cho biết hôm thứ Tư (21/10), theo Reuters.

Các hành động làm tổn hại hiện vật diễn ra trong giờ mở cửa ngày 3/10 nhưng chỉ được tờ báo Der Tagespiegel và đài truyền hình Deutschlandfunk đưa tin vào cuối ngày thứ Ba (20/10). Hai hãng tin này nói rằng đây là một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất vào các tác phẩm nghệ thuật ở Đức.

Tổng cộng 63 đồ vật đã bị hư hại, bao gồm quan tài Ai Cập, tác phẩm điêu khắc đá và các bức tranh thế kỷ 19 được lưu giữ tại Bảo tàng Pergamon, Bảo tàng Neues và Alte Nationalgalerie trên Đảo Bảo tàng của Berlin.

Các quan chức bảo tàng cho biết nỗ lực “sơ cứu” để làm mờ các vết hư hại lưu lại sau khi hiện vật bị tấn công đã thành công, mặc dù những vết này vẫn có thể nhìn thấy.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-22-10-csis-my-nen-cung-co-hon-nua-quan-he-voi-dai-loan.html

Điểm tin thế giới tối 22/10:

Hunter Biden dính đến nghi án

rửa tiền của FBI; Thái Lan hủy bỏ

sắc lệnh khẩn cấp

Hải Lam

Mục lục bài viết          

Hunter Biden dính đến nghi án rửa tiền của FBI

Thái Lan hủy bỏ sắc lệnh khẩn cấp

Đài Loan không muốn chạy đua vũ trang với Trung Quốc

Giám đốc tình báo Mỹ: Iran và Nga muốn can thiệp bầu cử Mỹ để trấn áp ông Trump

NATO sẽ xây dựng trung tâm vũ trụ ở Đức để đối phó với Trung Quốc, Nga

Lở đất tại mỏ than ở Indonesia, 11 người thiệt mạng

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (22/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Hunter Biden dính đến nghi án rửa tiền của FBI

Trát hầu toà của FBI về máy tính xách tay và ổ cứng nghi thuộc về Hunter Biden có liên quan đến cuộc điều tra rửa tiền vào cuối năm 2019, theo các tài liệu do Fox News thu thập và được xác minh bởi nhiều quan chức thực thi pháp luật liên bang.

Nhiều quan chức thực thi pháp luật liên bang, cũng như hai quan chức chính phủ riêng biệt, đã xác nhận tính xác thực của những tài liệu này do Đặc vụ FBI Joshua Wilson ký. Wilson đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Fox News.

Một trong những tài liệu mà Fox News có được là biểu mẫu “Biên nhận tài sản” của FBI, trong đó nêu chi tiết các mối quan hệ của cục với John Paul Mac Isaac, chủ sở hữu của “The Mac Shop”, người đã báo cáo nội dung của máy tính xách tay cho nhà chức trách.

Tài liệu có phần phân loại được điền bằng số viết tay: 272D-BA-3065729. Theo nhiều quan chức và trang web của FBI, “272” là phân loại về rửa tiền, trong khi “272D” đề cập đến “Rửa tiền, Hoạt động bất hợp pháp được chỉ định” theo tài liệu của FBI. Một quan chức chính phủ đã mô tả “272D” là “xuyên quốc gia hoặc có tính chất phổ biến, bao trùm”.

Một tài liệu khác, được Fox News thu được, là trát hầu tòa gửi cho Isaac để làm chứng trước Tòa án quận Hoa Kỳ ở Delaware vào ngày 9/12/2019. Một trang của trát đòi hầu tòa cho thấy những gì dường như là số sê-ri của một máy tính xách tay và ổ cứng bị chiếm hữu.

“Nếu một vụ án hình sự được mở ra và trát hầu tòa được đưa ra, điều đó có nghĩa là có khả năng cao là cả máy tính xách tay và ổ cứng đều chứa các hoạt động phạm tội,” một quan chức nói với Fox News.

Hiện FBI đã từ chối xác nhận hoặc phủ nhận sự tồn tại của một cuộc điều tra về máy tính xách tay hoặc các email.

Thái Lan hủy bỏ sắc lệnh khẩn cấp

AP đưa tin, nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình, chính phủ Thái Lan hôm 22/10 đã tuyên bố dỡ bỏ sắc lệnh cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên. Quyết định này sẽ được áp dụng từ 24h đêm nay.

Quyết định dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp được đưa ra sau khi hàng chục nghìn người hôm 21/10 tụ tập biểu tình trước văn phòng Thủ tướng Thái Lan tại Tòa nhà Chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức trong vòng ba ngày hoặc đối mặt với nhiều cuộc biểu tình hơn.

Hàng chục người biểu tình, trong đó có một số lãnh đạo phong trào, trước đó đã bị cảnh sát bắt trong nỗ lực trấn áp.

Người biểu tình Thái Lan cáo buộc Thủ tướng Prayuth thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục nắm quyền, yêu cầu ông từ chức, đồng thời đưa ra nhiều yêu sách khác như thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ.

Thủ tướng Prayuth cho biết quốc hội sẽ họp bất thường vào tuần sau, đồng thời khẳng định không từ chức. Ông nói: “Bây giờ chúng ta phải lùi lại khỏi rìa của con dốc trơn trượt có thể dễ dàng dẫn tới hỗn loạn”.

Đài Loan không muốn chạy đua vũ trang với Trung Quốc

Theo Reuters, Đài Loan ngày 22/10 cho biết họ sẽ không chạy đua vũ trang với Trung Quốc sau khi nước này được Mỹ đồng ý bán hệ thống vũ khí tiềm năng trị giá 1,8 tỷ USD.

Bắc Kinh thời gian qua đã gia tăng áp lực đối với Đài Loan, trong đó có việc thường xuyên cho máy bay chiến đấu xâm phạm vùng lãnh thổ nước này.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát cho biết: “Điều này cho thấy tầm quan trọng của Hoa Kỳ đối với an ninh ở Ấn Độ Dương và eo biển Đài Loan. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác an ninh với Hoa Kỳ”.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lên án việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan như mọi khi, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói rằng họ không tìm kiếm sự đối đầu.

Ông Nghiêm nói thêm: “Chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đưa ra các yêu cầu đồng thời xây dựng hệ thống phòng thủ đáng tin cậy để tự bảo vệ mình”.

Giám đốc tình báo Mỹ: Iran và Nga muốn can thiệp bầu cử Mỹ để trấn áp ông Trump

Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ John Ratcliffe vào thứ Tư (21/10) tại cuộc họp báo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) nói rằng Nga và Iran đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và đã lấy được một số thông tin cá nhân do cử tri đăng ký.

Theo Fox News, ông Ratcliffe đã chỉ ra rằng cả Nga và Iran đều đã có những hành động cụ thể nhằm tác động đến ý kiến của cử tri. Ông đề cập đến việc thông tin đăng ký mà họ thu được có thể được sử dụng để cung cấp thông tin sai lệch nhằm gây nhầm lẫn cho cử tri.

Ông Ratcliffe nói rằng sự can thiệp của Iran đã bị phát hiện là nhằm kích động bất ổn xã hội và tấn công tổng thống.

Ông cho biết ví dụ họ tự tạo ra những email giả mạo vu khống ông Trump để kích động bất ổn xã hội và chống lại Tổng thống. Iran cũng đang phát tán một video chứa các thông tin sai lệch về các phiếu bầu giả mạo.

NATO sẽ xây dựng trung tâm vũ trụ ở Đức để đối phó với Trung Quốc, Nga

The Epoch Times đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO dự kiến sẽ thông qua một kế hoạch vào thứ Năm (22/10) để xây dựng một trung tâm vũ trụ mới tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức để đối phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ và Nga.

Theo “Deutsche Welle”, trung tâm sẽ chịu trách nhiệm thu thập thông tin có thể tạo thành mối đe dọa đối với các vệ tinh của liên minh để NATO cung cấp hỗ trợ hành động, tạo điều kiện chia sẻ và phối hợp thông tin. Trong tương lai, nó có thể phát triển hơn nữa thành một trung tâm chỉ huy phòng thủ không gian.

Ngoài ra, NATO cũng đang chuẩn bị thành lập một trung tâm nghiên cứu quân sự vũ trụ, hiện Pháp và Đức đã bày tỏ mong muốn trở thành nước chủ nhà.

Lở đất tại mỏ than ở Indonesia, 11 người thiệt mạng

AFP đưa tin, một vụ sạt lở đất ở Indonesia hôm 21/10 đã cướp đi sinh mạng của 11 người.

Vụ tai nạn xảy ra tại mỏ than đang khai thác trái phép ở một ngôi làng tỉnh Nam Sumatra, miền Trung Indonesia. Thi thể những người thợ mỏ bị vùi sâu 20m dưới lòng đất trước khi được lực lượng cứu hộ đưa lên. Theo giới chức Indonesia, nền đất yếu và mưa lớn liên tiếp những ngày qua là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng này.

Indonesia thời gian qua thường xuyên xảy ra tai nạn hầm mỏ mà nguyên nhân là do khai thác khoáng sản trái phép.

Đầu năm nay, 9 người đã thiệt mạng do lở đất tại một mỏ vàng bỏ hoang ở tỉnh Tây Sumatra. Năm ngoái, ít nhất 16 người đã bị chôn sống trong vụ sập mỏ ở Bắc Sulawesi.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-22-10-hunter-biden-dinh-den-nghi-an-rua-tien-cua-fbi-thai-lan-huy-bo-sac-lenh-khan-cap.html

 Tạp chí tiêu điểm

Ấn Độ-Thái Bình Dương : « Vai trò

trung tâm » của ASEAN bị thách thức

Minh Anh

Ngày 06/10/2020, cuộc họp các ngoại trưởng bốn nước trong Bộ Tứ – Quad, hay còn gọi là Đối thoại an ninh bốn bên, diễn ra ở Tokyo nhằm khẳng định một chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » trong bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng trong khu vực.

Trong chiến lược này, đâu là vị trí của khối ASEAN ? Kết quả bầu cử Mỹ 2020 có ảnh hưởng gì đến chiến lược của Bộ Tứ hay không ? Liệu ý tưởng thành lập một liên minh quân sự theo mô hình NATO có thể thực hiện được hay không ?

RFI Tiếng Việt tiếp tục đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu David Camroux, trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po, Paris), giáo sư thỉnh giảng trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

**********

RFI Tiếng Việt : Trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, Bộ Tứ không thể bỏ qua vai trò của khối ASEAN. Bản thân khối 10 nước Đông Nam Á này cũng có một tầm nhìn riêng của mình về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông có thể cho biết rõ hơn về tầm nhìn này ?

GS. David Camroux : Từ năm 2013, Indonesia đã có nói đến Ấn Độ – Thái Bình Dương. Giống như nhiều khái niệm khác của Indonesia, khái niệm này trước hết là dành cho công luận trong nước. Nghĩa là, Indonesia, một nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, tự đặt mình nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đó là một quốc gia quần đảo giống như Philippines. Dưới thời cựu tổng thống Yudhoyono, và bây giờ là Joko Widodo, Indonesia tự cho mình là một diễn đàn chính trị cả cho Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương, đó chính là một tầm nhìn của Indonesia về Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Có thể nói chính Indonesia đã đưa ra khái niệm Nhà nước-quốc gia quần đảo. Chính Indonesia đã đi vận động rất nhiều cho Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Tuy nhiên, Indonesia dưới thời tổng thống Widodo và nhất là bà ngoại trưởng lấy làm lo lắng rằng khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương có nguy cơ bị Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản hay Ấn Độ chiếm lấy và không dành một chỗ nào cho ASEAN.

Thế nên, Jakarta ngay từ năm 2018 đã bắt đầu khởi động các cuộc tham vấn với các nước thành viên trong khối ASEAN và lần mới nhất là hồi tháng 9/2019. Khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương do Indonesia đề xuất dưới tên gọi « ASEAN Outlook on the Indo-Pacific » đã được các nước thành viên chấp nhận vào năm 2019. Theo đó, khái niệm « vai trò trung tâm » của ASEAN được xác định, nghĩa là trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ASEAN có một vị trí ở giữa.

Nhưng vai trò trung tâm này cũng bị lung lay vì những chia rẽ trong nội bộ ASEAN ?

GS. David Camroux : Sự chia rẽ này được thấy rõ trong cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc cách nay vài tuần liên quan đến các vấn đề Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Phần lớn các nước ASEAN tỏ ra trung lập, nhưng có một số nước bày tỏ ủng hộ Trung Quốc, đó là Lào, Cam Bốt, Miến Điện.

Trên thực tế, trong số các nước ASEAN, Trung Quốc có những chế độ « khách hàng » như Cam Bốt, Lào và những nước ủng hộ chỉ đơn thuần vì lý do địa lý, đó là những quốc gia láng giềng như Miến Điện, Thái Lan, những nước này ít chống đối hơn. Ở phía bên kia là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam.

Hệ quả của sự chia rẽ này là gì ?

GS. David Camroux :Trước cuộc họp Bộ Tứ gần đây, đã có một cuộc họp hồi tháng Ba năm nay giữa các thứ trưởng ngoại giao ba nước New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam. Chúng ta thấy rõ là Việt Nam đang xích lại gần Mỹ hơn, cũng như là với các nước khác trong Bộ Tứ là Nhật Bản, vốn dĩ đã có một mối quan hệ truyền thống, Ấn Độ và cả Úc nữa.

Người ta cũng thấy là Việt Nam chơi rất tốt lá bài Nhật Bản và Hàn Quốc để cân đối với đầu tư của Trung Quốc. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, rõ ràng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất, đây cũng là nước thắng đại dịch Covid-19. Chúng ta thấy rõ là nếu người ta muốn tìm một cơ sở để có thể đi từ sản xuất đến xuất khẩu thì Việt Nam sẽ vượt lên hàng đầu trước các nước khác trong khu vực.

Những chia rẽ này, trước đây vốn dĩ hiện hữu, nay ngày càng gia tăng trong lòng khối ASEAN, khi Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được tham dự các cuộc đàm phán TPP (Trans-Pacific Partnership). Dĩ nhiên là tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận tự do mậu dịch, nhưng thỏa thuận này vẫn tồn tại mà không có Mỹ. Đây lại là một sai lầm của Donald Trump, bởi vì TPP do ông Obama đề xướng được xem như là một công cụ để tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.

Nếu như sau kỳ bầu cử lần này, Joe Biden trở thành tổng thống, rất có thể Hoa Kỳ sẽ đánh giá lại thỏa thuận này. Nhìn chung, ngoài Việt Nam, Singapore và dường như là có cả Malaysia, thì đúng là có rất ít quốc gia thuộc khối ASEAN là thành viên của CTPP hiện nay. Rõ ràng là Việt Nam đã đặt quyền lợi kinh tế của mình lên trên cả tầm nhìn chung của cả khối ASEAN. Như vậy, trên bình diện kinh tế, chúng ta thấy rõ là đã có những rạn nứt trong khối ASEAN.

Còn trên bình diện chính trị, có một điểm quan trọng là cuộc họp cấp cao Bộ Tứ diễn ra hôm 06/10 giữa ngoại trưởng 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc, lần đầu tiên được tổ chức riêng. Những cuộc họp trước đây đều diễn ra bên lề các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN. Lần này, cuộc họp được tổ chức riêng ngoài khuôn khổ ASEAN.

Như vậy, theo giới quan sát, « vị trí trung tâm » của ASEAN trong toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương dường như đang bị thách thức. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ASEAN sẽ biến mất trong nay mai, nhưng người ta thấy rõ có những hạn chế về tình liên đới giữa các thành viên trong khối ASEAN.

Phải chăng đây cũng chính là điểm gây khó khăn cho Việt Nam trong vai trò chủ tịch luân phiên 2020 ?

GS. David Camroux : Đúng là không dễ dàng cho Việt Nam chút nào trong năm nay. Thêm vào đó là Việt Nam còn phải chủ trì các cuộc họp « trực tuyến ». Những dự án của Hà Nội trong năm chủ tịch này để xúc tiến những lợi ích của mình có thể nói là đã bị thu hẹp.

Dù vậy, Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa vấn đề Biển Đông vào trong các cuộc hội thảo, nhưng họ không đạt được một sự đồng thuận trong khối ASEAN chỉ vì một quốc gia duy nhất là Cam Bốt. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc ASEAN có đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye cũng đã là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam.

Nước Mỹ đang trong mùa bầu cử tổng thống. Liệu rằng kết quả bầu chọn có tác động đến sự tiến triển của Bộ Tứ hay không ?

GS. David Camroux : Nếu ông Trump tái đắc cử đây sẽ là một thảm họa cho hệ thống đa phương, cho nền dân chủ Mỹ và là một thảm họa cho sự tiến bộ dân chủ trên thế giới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ là với ông Joe Biden, Bộ Tứ sẽ tiếp tục được duy trì, và có thể phối hợp với cả Pháp nữa nhưng theo một cách khác. Tôi cho rằng sẽ không có một tình bằng hữu thật sự giữa Donald Trump và ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, hai nhân vật đầy quyền lực.

Dù vậy, Hoa Kỳ và Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục xích lại gần nhau hơn, thậm chí là sẽ được củng cố hơn nữa, trước hết đó là vì nếu ông Biden đắc cử, phó tổng thống Mỹ mới là một người Mỹ gốc Ấn, bà Kalama Harris, và ở Mỹ, sự ủng hộ của cộng đồng Ấn Độ là khá lớn, có thể làm thay đổi lá phiếu các cử tri tại nhiều bang như Texas.

Tôi cũng tin rằng sự đối đầu với Trung Quốc cũng không biến mất, trên bình diện kinh tế có thể nhẹ hơn, nhưng ngày càng gay gắt hơn trong các vấn đề như an ninh chẳng hạn, trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông, hay như hồ sơ nhân quyền. Tôi nghĩ là ông Biden buộc phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, bởi vì ông Donald Trump cáo buộc ông ấy là « nhu nhược » trước Trung Quốc.

Giờ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được đưa vào trong tầm nhìn chiến lược của Hoa Kỳ, và nhiều nước trong khu vực nên liên minh không chính thức này vẫn sẽ tiếp tục, có thể là ít đối đầu với Trung Quốc chí ít là trong các phát biểu.

Nhưng tôi nhắc lại rằng, sự ủng hộ mạnh nhất dành cho Bộ Tứ chính là Tập Cận Bình. Chính các hành động của ông ấy, các chính sách đối ngoại hung hăng của ông ấy, các hành động của ông đối với Hồng Kông, thái độ của ông với Đài Loan cho thấy Trung Quốc không có đồng minh. Đây thật sự là một vấn đề cho Bắc Kinh.

Điều làm tôi khó hiểu là 20 năm chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đông Nam Á đang bị phung phí. Hai mươi năm nỗ lực quyền lực mềm để chứng tỏ là « một láng giềng tử tế, một nước anh cả », tất cả những điều đó, cùng với dịch bệnh Covid-19, đã thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình đó, tất cả đều bị lãng phí.

Do vậy, Bộ Tứ vẫn sẽ tiếp tục củng cố, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng được tăng cường nhiều hơn.

Gần đây, ngoại trưởng Mike Pompeo có kêu gọi thành lập một kiểu liên minh quân sự giống như là NATO. Theo ông, liệu một liên minh quân sự như vậy có thể hình thành hay không ?

GS. David Camroux : Đây sẽ là một sự ngây thơ và phản tác dụng. Một liên minh không chính thức với Hoa Kỳ dĩ nhiên là không có vấn đề gì, và mối liên minh không chính thức này giữa các nước vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng không ai được lợi gì, kể cả Việt Nam, Úc hay ngay cả Ấn Độ lao vào một liên minh bị xem như là một hình thức phát động chiến tranh lạnh thứ hai để ngăn chận sức mạnh quân sự Trung Quốc. Thách thức đối với Việt Nam cũng như là các nước khác trong khu vực, là trong tình huống xung đột giữa các cường quốc, tốt nhất không phải chọn phe nào, ít ra là trong lúc này và có thể khôn khéo thoát khỏi tình huống khó xử này.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư David Camroux.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20201022-an-do-thai-binh-duong-asean-vai-tro-chia-re-chien-luoc

Powered by Blogger.