Chiều 14 tháng 9 toà án cộng sản Hà Nội
sẽ tuyên án vụ Đồng Tâm
Tin Vietnam.- Báo Dân trí loan tin, chiều 10 tháng 9 năm 2020, Toà án Cộng sản đã cho kết thúc phần tranh luận về vụ án Đồng Tâm, tuyên bố nghỉ để nghị án, và thông báo đến 3 giờ chiều 14 tháng 9 sẽ tuyên án đối với 29 người dân oan xã Đồng Tâm.
Trước đó, sáng 9 tháng 9, Viện kiểm sát Cộng sản cùng cấp đã đề nghị mức án tử hình đối với ông Lê Đình Công, và Lê Đình Chức đều là con trai của cụ Lê Đình Kình, còn cháu cụ Kình là ông Lê Đình Doanh bị đề nghị mức an chung thân với nguyên nhân đã tuyên án tử hình bố của Doanh rồi nên không cần giết Doanh nữa.
Đối với ông Bùi Viết Hiểu, và ông Nguyễn Quốc Tiến thì bị đề nghị mức án 16 đến 18 năm tù giam; ông Nguyễn Văn Tuyển bị đề nghị mức án từ 14 đến 16 năm tù. 23 người dân còn lại bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù giam.
Trong phần tranh luận, luật sư của người dân Đồng Tâm đã yêu cầu toà án Cộng sản Hà Nội cho thực nghiệm lại hiện trường vụ 3 công an được tuyên truyền là chết do bị đổ xăng để thiêu. Tuy nhiên, phía Viện kiểm sát Cộng sản cùng cấp đã từ chối vì cho rằng, sau khi vụ án xảy ra thì kiểm sát viên đã đến hiện trường với điều tra viên để ghi nhận là đủ rồi.
Tại phiên toà, luật sư cũng cho rằng, các viên công an đã chết do bị trượt chân khi trèo lên mái nhà để đột kích vào nhà cụ Kình chứ không phải do con, cháu cụ Kình giết. Tuy nhiên, viện kiểm sát Cộng sản lại quay ra chụp mũ luật sư là thiếu tôn trọng sự mất mát của 3 viên công an Cộng sản.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/chieu-14-thang-9-toa-an-cong-san-ha-noi-se-tuyen-an-vu-dong-tam/
Sau vụ Đồng Tâm, “Việt Nam nên công nhận
quyền tư hữu đất”
Việt Nam cần phải cải cách về chế độ tư hữu về đất đai và ruộng đất tiến tới đa loại hình sở hữu, trong đó ngoài sở hữu công, phải thừa nhận để có cả sở hữu tư nhân về đất đai, nhất là với đất sản xuất nông nghiệp, một nhà xã hội học nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 10/9/2020.
Án tử hình: Luật sư và hai ông Công, Chức phản ứng gì?
Vẫn theo ý kiến này, cải cách này nếu thực hiện sẽ không chỉ giải quyết được vấn đề xung đột, tranh chấp đất đai nghiêm trọng như đã nổ ra ở Đồng Tâm (Hà Nội), hay khiếu nại kéo dài, căng thẳng như ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), mà còn sẽ ‘tốt’ cho sự phát triển, phồn vinh nói chung của Việt Nam.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, nhân phiên tòa sơ thẩm được mở ra xét xử vụ Đồng Tâm từ hôm 07/9, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hôi học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu quan điểm với BBC:
“Về giải pháp xử lý tranh chấp xung đột đất đai ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở nông thôn, như là qua vụ Đồng Tâm đang xét xử, Tôi cũng có ý nghĩ như ông Bùi Kiến Thành đã phát biểu với BBC rằng phải thay đổi chế độ sở hữu về đất đai hiện nay.
“Theo tôi, phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Tôi không rõ lắm các nước ở khu vực, láng giềng xung quanh Việt Nam có gặp vấn đề như Việt Nam hay không. Nhưng đa số các nước trên thế giới đều công nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
“Về đề nghị có sở hữu tư nhân về đất đai, đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp, tôi đã có ý kiến công khai và đăng in xuất bản chính thức từ trước rồi.”
‘Đất đai sẽ có hiệu quả sử dụng tốt hơn’
Khi được hỏi liệu quan điểm về giải pháp như vậy có thuộc “dòng chính” trong giới nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách ở Việt Nam hay không và điểm mấu chốt của quan điểm này là gì, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính đáp:
“Chắc quan điểm đó không là “dòng chính” trong giới nghiên cứu. Nhưng sở dĩ tôi có ý kiến như vậy, vì tôi có bằng chứng số liệu khoa học, nên tôi mới viết và nói như vậy.
“Và bằng chứng nổi bật nhất là sở hữu tư nhân về đất đai sẽ mang lại hiệu quả sử dụng đất đai cao hơn. Ví dụ như đất đai không bị “bỏ hoang” chặng hạn.
“Về quan điểm này, tôi có thể tóm tắt mấu chốt như sau: đề nghị đa hình thức sở hữu về đất đai (cả công hữu và tư hữu). Có loại đất đai thì phải công hữu (ví dụ đường sá), có loại thì phải tư hữu (ví dụ như đất sản xuất nông nghiệp).
Khi được hỏi có thể dự đoán thế nào về chấp nhận, phản đối hay nói chung là khả năng được chấp ra sao trong cả nước, cộng đồng và xã hội, nếu quan điểm, đề nghị cải cách này được đưa ra cho toàn dân xem xét, nhà xã hội học nói:
“Tôi dự đoán đa số người dân sẽ hoan nghênh. Bởi vì vấn đề sở hữu đất đai đã được bàn thảo từ hồi dự thảo Hiến pháp năm 2013 rồi. Ngay từ hồi ấy, tôi cũng đề nghị có tư hữu về đất đai.
“Còn phản đối và cản trở có thể là ai, tôi cho rằng chỉ ra ai cụ thể thì khó, nhưng loại trừ những người ủng hộ thì còn lại sẽ là cản trở nằm trong số đó (có số nằm ở khoảng “trung dung” như cách nói của thống kê xã hội học).
“Tất nhiên là sẽ có nhóm lợi ích, nhóm lũng đoạn chính sách. Nhưng ai là con người cụ thể thì tôi chịu không thể nói được.
Tác dụng lớn nhất của đề xuất cải cách là gì?
Trước câu hỏi liệu quan điểm và đề xuất cải cách được đề nghị có thể toàn hảo hay là có thể cũng có điểm khuyết, như có phản ứng phụ nào đó về mặt chính sách với xã hội, phát triển và có thể dự đoán bao giờ đề xuất có thể được nhà nước chấp nhận, Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính đáp:
“Có tác dụng phụ hay không thì không quan trọng bằng tác dụng tổng thể là lớn nhất.
“Dự đoán thì khó quá, vì vấn đề này nó liên quan đến Ý thức hệ.
“Ví dụ, tác phẩm “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” viết đại ý rằng: “Những người cộng sản phải xóa bỏ chế độ tư hữu”.
“Do vậy, theo tôi rất khó để tư hữu đất đai ở Việt Nam.
“Còn đến khi nào tư hữu đất đai ở Việt Nam, thì lúc ấy có thể coi như vấn đề Ý thức hệ sẽ thay đổi.
“Còn có người hỏi tôi là vấn đề dân chủ cơ sở, sự tham gia của người dân vào việc xây dựng, hoạch định, thực thi, giám sát những chủ trương và chính sách của nhà nước về đất đai, ruộng đất v.v… mà có thể ảnh hưởng, tác động và liên quan đến chính cuộc sống, làm ăn của họ có thể có vị trí ra sao, nếu đề xuất mới về cải cách chế độ sở hữu đất đai, ruộng đất nói trên được đề ra.
“Tôi có thể trả lời vắn tắt và ngắn gọn bằng một câu thế này là khi có sở hữu tư nhân về đất đai thì những vấn đề được đặt ra này sẽ tự động biến mất,” Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính nêu quan điểm về cải cách chính sách đất đai nhân phiên sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra với BBC News Tiếng việt hôm 10/9 từ Hà Nội.
Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính từng là Trưởng phòng nghiên cứu Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, ông có nhiều bài báo khoa học và sách xuất bản về các đề tài xã hội học nông thôn, phân tầng xã hội v.v… Một trong các công trình của ông được xuất bản tại Việt Nam gần đây có tựa đề ‘Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay’.
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một Hội luận thứ Năm của BBC News Tiếng Việt về xét xử vụ án Đồng Tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54117012
Đồng Tâm: Mạng xã hội giúp dân
hay giúp chính quyền nhiều hơn?
Tina Hà Giang
Mạng xã hội được cho là trao quyền cho người dân yếu thế ở những nơi không có tự do ngôn luận và báo chí bị nhà nước quản lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nó cũng giúp nhiều cho chính quyền trong việc đối phó với người chống đối.
Trong bài Revisiting the Role of Social Media in the Dong Tam Land Dispute, đăng trên Yusof Ishak Institute, nghiên cứu sinh Trương Thanh Mai từ đại học University Arizona, Hoa Kỳ, cho rằng kết cục của tranh chấp Đồng Tâm cho thấy mạng xã hội tuy đã thay đổi đáng kể cục diện chính trị ở Việt Nam, nhưng vì nó bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ, nên chính quyền có thể sử dụng công nghệ này cho mục đích của họ.
Một đoạn của bài nghiên cứu trên viết:
”Tháng 4/2017, khi dân Đồng Tâm lần đầu phản đối quyết định thu hồi đất để dùng cho một dự án thương mại của chính quyền, họ đã nhận được những nhượng bộ đáng kể từ Hà Nội. Chỉ một tuần sau cuộc đụng độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội [ông Nguyễn Đức Chung] đã cam kết với người dân Đồng Tâm ba điều hứa quan trọng: 1) không nộp đơn tố cáo hình sự với dân làng; 2) điều tra vấn đề quản lý đất đai ở Đồng Tâm; và 3) điều tra việc cảnh sát đàn áp thủ lĩnh Lê Đình Kình.”
‘Nhiều cư dân mạng và nhà quan sát Việt Nam đã lạc quan rằng thỏa thuận chưa từng có này báo hiệu vai trò tích cực mà mạng xã hội có thể đóng góp cho việc trao quyền và thúc đẩy quyền lợi của người dân. Người khác tin rằng chính phủ buộc phải theo đuổi các giải pháp ôn hòa vì áp lực mạnh mẽ từ thế giới mạng. Ẩn trong lập luận này là truyền thông xã hội trao quyền cho người Việt Nam trong khi làm suy yếu sự kiểm soát xã hội của chính quyền trung ương.”
Nữ nghiên cứu sinh Trương Thanh Mai vạch ra:
”Tuy nhiên, trong hai năm qua, sự lạc quan đó đã dần phai nhạt khi chính quyền nuốt lời hứa và chọn thái độ đàn áp người dân. Việc chính quyền quyết tâm buộc dân làng Đồng Tâm ra khỏi vùng đất tranh chấp đầu tháng 1/2020 khiến nhiều người nhận ra rằng áp lực trên mạng xã hội không đủ để hướng chính phủ khỏi các chiến lược đàn áp.”
Bà kết luận:
”Mạng xã hội, ngược với cảm nhận của trực giác, đã tăng cường khả năng của chính quyền Việt Nam trong việc theo dõi khiếu kiện của địa phương và giải quyết các tranh chấp đất đai với một chiến lược linh hoạt. Đầu tiên, nhờ mạng xã hội, giới lãnh đạo quốc gia đã được thông báo tốt hơn về những tranh chấp đất đai ở địa phương, thay vì phải dựa vào các báo cáo không đầy đủ từ quan chức địa phương. Thứ hai, không thể phủ nhận mạng xã hội đã giúp người dân Đồng Tâm vượt qua thách thức của sự phối hợp chiều ngang bằng cách tung tin về sự lạm quyền của chính quyền địa phương trong năm 2017, và áp lực mạnh mẽ nhưng tự phát đó khiến chính quyền trung ương phải có ngay các biện pháp ôn hòa để nhanh chóng xoa dịu căng thẳng. Cuối cùng, quyết tâm của chính quyền trung ương trong việc giải quyết tranh chấp ngày 9/1/2020 cho thấy quyền lực của họ trong việc huy động tất cả các phương tiện trong tay, gồm các nền tảng trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện cưỡng chế, để theo đuổi mục tiêu của mình.”
Vụ Đồng Tâm: ‘Đảng CSVN cần xét lại chiến lược truyền thông của nhà nước’
Vụ Đồng Tâm “sẽ khiến chính quyền phải xử lý nội bộ”?
Đồng Tâm: Luật sư của 3 công an ‘biến tòa thành nhà tang lễ’?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 10/9, nghiên cứu sinh Trương Thanh Mai nói rằng vai trò của mạng xã hội ở một nước như Việt Nam khá phức tạp, và đa chiều. Một mặt mạng xã hội giúp người dân Đồng Tâm thu hút sự quan tâm, chú ý mạnh mẽ của công chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự chú ý này không mang đến hậu quả ngoài mong muốn, như đã thấy trong kết cục của cuộc tranh chấp.
Trương Thanh Mai: So với những nông dân ở Thái Bình năm 1997, khi người dân Đồng Tâm biểu tình lần đầu năm 2017, Facebook đã giúp họ nhanh chóng chia sẻ videos, hình ảnh, và đưa ra những lời tường thuật về sự việc khác hẳn với thông tin một chiều trên các báo chính thống do chính phủ kiểm duyệt. Nhờ có mạng xã hội mà những người bên ngoài không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự việc Đồng Tâm như những nhà báo tự do và những nhà hoạt động có thể đến tận hiện trường viết bài, và nhanh chóng đưa tin. Điều này thu hút sự quan tâm, chú ý và cảm thông của dư luận cả trong và ngoài nước. Áp lực này khiến chính phủ nhanh chóng vào cuộc giải quyết sự việc.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên rằng, áp lực “ảo” có thể khiến chính phủ phản ứng một cách có lợi cho họ trong ngắn hạn nhưng lại có thể bất lợi cho người dân trong dài hạn.
Khi cuộc biểu tình Đồng Tâm xảy ra năm 2017, trong khi người dân Đồng Tâm thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, và phàn nàn về chính quyền địa phương tham nhũng (tại hiện trường người dân có ghi rõ họ hoàn toàn tin tưởng vào đường lối của Đảng, và gần đây trên tạp chí Luật Khoa có đăng bài viết phỏng vấn gia đình lãnh đaọ dân Đồng Tâm Lê Đình Kình, bài phỏng vấn cho thấy đến cuối đời cụ Kình vẫn tin vào Đảng vào chính phủ ở cấp trung ương), trên mạng xuất hiện những lời giải thích khác cho sự việc Đồng Tâm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực và chính tính danh của chế độ.
Có nhiều bài viết cho rằng sự việc Đồng Tâm xảy ra là do sự sai lầm của chính sách đất đai, sự thiếu dân chủ, và thiếu tự do báo chí. Vì đây đúng là những lý do sâu xa dẫn đến sự việc Đồng Tâm, nên chính phủ sẽ mong muốn nhanh chóng làm dịu những tranh luận không có lợi cho họ. Điều này có thể khiến chính phủ tạm thời hứa hẹn sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân. Sau khi những tranh luận và sự chú ý xung quanh vụ Đồng Tâm lắng xuống, chính phủ có thể phá bỏ lời hứa một cách dễ dàng như họ đã làm.
Một thực tế chúng ta phải nhìn nhận là, dù chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình ở trong nước, nhưng những phong trào này đều phần lớn mong muốn thay đổi việc thực thi chính sách, và nhằm vào cấp chính quyền địa phương tham nhũng. Nhiều người biểu tình thể hiện sự tự tin vào Đảng, và mong muốn lãnh đạo cấp cao can thiệp để giải quyết vấn đề ở địa phương.
”Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’ trong giới trẻ Việt Nam
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ra thông điệp vụ Đồng Tâm?
BBC: Theo bà nếu không có mạng xã hội thì những khía cạnh khác mà báo chí nhà nước không nói đến của tranh chấp Đồng Tâm đưa đến việc cụ Kình và ba cảnh sát thiệt mạng liệu có được thế giới biết đến không?
Trương Thanh Mai: Chắc chắn mạng xã hội đã giúp tranh chấp Đồng Tâm được thế giới biết đến và quan tâm. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu dư luận trong nước thuận lợi, thì chính phủ có thể sẵn sàng xử phạt mạnh tay.
Ngoài ra, vụ Đồng Tâm còn cho thấy, chính phủ có thể kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội. Ví dụ, khi cần thiết họ có thể cắt toàn bộ Internet và mạng xã hội. Và chúng ta cũng không nên quên mất vai trò của hệ thống tuyên truyền chính thống.
Theo một khảo sát của Broadcasting Board of Governers (US Agency for Global Media), gần 96% người dân Việt Nam lấy thông tin từ các kênh truyền hình, chỉ 38% xem tin từ Internet, và 19% từ báo in. Thậm chí ở độ tuổi 15-25, khoảng 94% xem tin từ TV, 73% từ Internet và 20% từ báo in.
Để đối phó với các cuộc biểu tình, chính phủ thường xuyên sử dụng hệ thống báo chí chính thống để tuyên truyền chống người đối lập. Trong vụ Đồng Tâm, tất cả báo chí trong nước đều mô tả người dân Đồng Tâm như những người quá khích, thiếu hiểu biết, và bị kích động bởi các nhóm quá khích. Công chúng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hệ thống báo chí ở Việt Nam, báo chí nhà nước vẫn được coi là nguồn tin đáng tin cậy.
Một nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp chỉ ra rằng, khi biểu tình xảy ra, tuyên truyền chống người biểu tình có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng. Có người giảm sự ủng hộ, vì họ thật sự tin vào những gì nhà nước nói về cuộc biểu tình. Có người giảm ủng hộ vì họ cho rằng thông qua tuyên truyền, chính phủ gián tiếp đe doạ họ không được ủng hộ biểu tình nếu không sẽ bị xử phạt nặng.
BBC: Như vậy bà đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ củamạng xã hội cho những người dân Việt Nam không có báo chí trong tay?
Trương Thanh Mai: Ý của tôi là một mặt, mạng xã hội có thể giúp người dân thấp cổ bé họng trong việc kết nối với những người quan tâm đến vấn đề của họ, và thu hút sự chú ý. Nhưng mặt khác, mạng xã hội cũng rất có ích cho chính quyền. Mạng xã hội có thể giúp chính quyền biết đến những bất cập trong xã hội nhanh hơn, và phản ứng kịp thời hơn. Áp lực trên mạng có thể khiến chính phủ lựa chọn những phản ứng có lợi cho họ trong trước mắt. Ngoài ra, vụ Đồng Tâm cho thấy, chính quyền kiểm soát Internet và mạng xã hội khá chặt chẽ. Điều tôi muốn nói là nếu mạng xã hội giúp người dân thì nó cũng có thể giúp được nhiều cho chính phủ.
BBC: Tạm gác vai trò của mạng xã hội qua một bên, bà có những nhận xét gì về diễn tiến của vụ xử Đồng Tâm cho đến giờ?
Trương Thanh Mai: Diễn tiến của vụ xử Đồng Tâm đến giờ đều được chính phủ kiểm soát chặt chẽ, và rất bất lợi cho các bị cáo.
Trước hết, hệ thống tuyên giáo của chính phủ đồng loạt mô tả các bị cáo như những người quá khích, thiếu hiểu biết, bị kích động, tham lam, coi thường pháp luật. Mặt khác hệ thống báo chí tiếp tục nhấn mạnh sự hy sinh và nỗi đau của các gia đình 3 công an chết trong sự việc tháng 1/2020.
Hệ thống tuyên giáo của chính phủ có thể có tác động lớn đến dư luận trong nước, theo chiều hướng có lợi cho chính phủ. Ngoài ra, vì không có điều tra độc lập nên tất cả chứng cứ, câu chuyện về những gì xảy ra vào đầu năm 2020 đều đến từ phía chính phủ. Tất cả chứng cứ đều bất lợi cho các bị cáo.
Vụ án cũng có những vi phạm về thủ tục tố tụng. Ví dụ như một số luật sư bào chữa bị ngăn không cho tiếp xúc bị cáo tại phiên toà, nhiều bên liên quan đến vụ việc không được triệu tập. Đến ngày 9/9, VKSNND Hà Nội đã đề nghị tử hình hai bị cáo là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng động thái này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ trong việc xử phạt mạnh người dân Đồng Tâm bị buộc tội liên quan đến vụ tranh chấp đất đai.
BBC:Theo bà thì chính quyền Việt Nam nên cân nhắc những gì trong việc kết án nặng nề các bị cáo trong phiên tòa này?
Trương Thanh Mai: Trước hết chúng ta cần bàn một chút về mục đích của phiên toà.
Tôi cho rằng, thông qua việc buộc tội 29 người dân Đồng Tâm tội Giết người và Chống người thi hành công vụ, chính phủ muốn cho công chúng thấy rõ quan điểm, cũng như sức mạnh và quyền lực của họ trong việc giải quyết các vụ xung đột đất đai nói riêng, và các vụ biểu tình nói chung.
Suốt hai năm qua kể từ khi người dân Đồng Tâm lần đầu biểu tình chống quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương vào tháng 4/2017 đến nay, mọi động thái của chính phủ dường như đều nhằm mục đích này. Ví dụ như việc khởi tố hình sự người dân Đồng Tâm vào tháng 6/2017 bất chấp lời cam kết của Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và việc đem công an và bộ đội vào Đồng Tâm để xây tường rào bảo vệ khu vực đất tranh chấp.
Tóm lại tất cả những động thái từ phía chính phủ trong suốt 2 năm qua có thể nhằm 1) thể hiện với công chúng thái độ không khoan dung đối với những người chống đối; 2) nhằm răn đe và gây sợ hãi trong những người đang có tranh chấp với chính phủ; và 3) hiện khả năng kiếm soát và giải quyết những vấn đề ở địa phương.
Ngoài ra, vì vụ án liên quan đến cái chết của 3 công an, nên chính phủ cũng cần phải đảm bảo không làm phật ý “cánh tay phải” của mình. Việc ngày 9/9, VKSND đề nghị mức án tử hình cho 2 bị cáo cho thấy khả năng bản án nặng hoàn toàn có thể xảy ra.
BBC: Bản án tử hình với một số bị cáo, theo bà sẽ tạo phản ứng gì cho dư luận trong và ngoài nước?
Trương Thanh Mai: Nói thế không có nghĩa là chính phủ Việt Nam không chịu áp lực gì trước dư luận quốc tế, tầng lớp trí thức, và giới đấu tranh trong và ngoài nước. Nhưng tôi cho rằng, nếu dư luận trong nước thuận lợi, chính phủ có thể vẫn dám mạnh tay xử phạt dân làng Đồng Tâm bất chấp áp lực từ bên ngoài. Có ba lý do khiến tôi cho rằng, dư luận có thể phần lớn đang đứng về phía chính phủ lần này.
Một là, sự đụng độ đầu tháng 1 dẫn đến cái chết của 3 công an. Trong suốt sáu tháng qua, hệ thống tuyên giáo không ngừng kể những câu chuyện thương tâm về gia đình của những công an đã chết khi làm nhiệm vụ. Điều này một mặt đã dấy lên làn sóng thương cảm trong cộng đồng, và mặt khác giúp chính phủ biện minh cho những hành động xử phạt mạnh tay.
Thứ hai, không giống như vụ biểu tình xảy ra vào tháng 4/2017, chính phủ đã cắt toàn bộ mạng Intenet ở quanh khu vực Đồng Tâm khi vụ đụng độ lần 2 xảy ra đầu năm nay, khiến người dân Đồng Tâm không thể chia sẻ nhiều hình ảnh, videos về những sự kiện đã xảy ra. Vì thế, suốt tám tháng qua, những nguồn tin về sự việc đều đến từ phía chính quyền. Những thông tin trái chiều ủng hộ người dân Đồng Tâm trên báo chí nước ngoài thì bị chính phủ chặn hoặc chỉ đến được bộ phận người dân có trình độ dân trí cao ở khu vực thành phố.
Thứ ba, phiên toà xét xử vụ án Đồng Tâm diễn ra trong thời điểm có thể bất lợi cho dân làng Đồng Tâm. Sự thành công tương đối của chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 đã xây dựng được niềm tin và sự tín nhiệm của công chúng với chính phủ. Trong lúc này khi niềm tin đối với chính phủ tương đối lớn, công chúng có thể sẵn lòng ủng hộ những chính sách và kết luận của họ.
—
Trương Thanh Mai là một nghiên cứu sinh ngành Khoa học Chính trị tại đại học University of Arizona, Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54098198
Luật sư vụ Đồng Tâm phải đối mặt với nguy hiểm?
Mỹ Hằng
Một số luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị, hoặc những vụ án khác được coi là nhạy cảm ở Việt Nam cho hay họ dường như đang bị ‘theo dõi’.
Sự việc mới đây nhất xảy ra với một số luật sư bào chữa cho các bị cáo vụ Đồng Tâm.
Chiều 10/9, ngay sau phiên tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn xác nhận với BBC News Tiếng Việt rằng ông cùng hai luật sư khác bị các đối tượng lạ mặt đeo bám trên đường về.
“Sự việc này bắt nguồn từ việc lực lượng cảnh sát canh giữ phiên tòa đã đòi lại USB mà tòa phát cho tôi trước phiên xử.
“Ít luật sư bảo vệ cho người bất đồng chính kiến”
Vụ Đồng Tâm “sẽ khiến chính quyền phải xử lý nội bộ”?
10 phát ngôn đáng chú ý tại phiên xử Đồng Tâm
“Sau đó họ ngăn cản không cho tôi copy tài liệu từ máy của tòa sang máy của tôi. Khi tôi phản đối, một số luật sư khác cũng lên tiếng, sau đó trên đường về thì thấy một số người bám theo,” ông Tuấn nói.
Bị ‘đeo bám’
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người cùng luật sư Tuấn và luật sư Nguyễn Văn Miếng phát hiện vụ ‘đeo bám’, kể lại với BBC News Tiếng Việt:
“Khi thấy các luật sư chúng tôi cùng lên tiếng phản đối, họ (lực lượng cảnh sát bảo vệ tòa) cứ cố gắng đẩy bọn tôi ra. Sau cùng họ thấy bọn tôi kiên quyết đòi lại USB, thì có một cậu trong nhóm đó khóa tay tôi và xô tôi xuống cầu thang. Khi tôi ngoái lại thì thấy luật sư Ngô Anh Tuấn và Nguyễn Văn Miếng cũng bị như vậy luôn.
Sau đó chúng tôi đi bộ đi về thì thấy có bốn cậu mặc thường chạy hai xe gắn máy đi theo, lúc đó chúng tôi vừa đi vừa ngờ vì không biết là có chắc hay không. Lúc đó luật sư Ngô Anh Tuấn vừa chạy xe vừa dừng lại để kiểm tra xe có bị đeo bám không thì thấy mỗi lần dừng xe lại, tấp vô lề thì mấy cậu đó lại tấp xe vô lề để đợi, mình chạy thì họ lại chạy. Tới nơi anh em đang ngồi uống nước thì họ đi lố lên một chút rồi dừng lại chờ, đi lởn vởn loanh quanh một lúc.
Bây giờ chúng tôi đang tập trung lại ở khách sạn nơi ở của luật sư Nguyễn Văn Miếng, chứ chưa dám về nhà. Nhỡ họ có gì manh động thì chúng tôi cũng không đối phó được. Nên hiện giờ anh em đang ngồi tập trung uống nước với nhau. Bây giờ tạm ổn nhưng sau đó thế nào thì không biết.
Luật sư Mạnh cho biết tâm trạng của nhóm luật sư rất lo lắng, vì sau khi ngồi lại với nhau, các luật sư sẽ phải về nhà riêng, và trên đường thì không biết thế nào.
Bị ‘bắt cóc’, hành hung, bắn đạn chì
Việc các luật sư bị làm khó, bị đe dọa, thậm chí hành hung, bắt cóc, trên thực tế đã xảy ra nhiều lần trước đây.
Chính luật sư Đặng Đình Mạnh năm 2018 từng bị ‘bắt cóc’, tống lên một chiếc ô tô sau phiên xử luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài.
Vụ Đồng Tâm: ‘Đảng CSVN cần xét lại chiến lược truyền thông của nhà nước’
Đồng Tâm: Luật sư của 3 công an ‘biến tòa thành nhà tang lễ’?
Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’ trong giới trẻ Việt Nam
VKSND Hà Nội đề nghị tử hình hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức
Theo lời kể của luật sư Mạnh với BBC News Tiếng Việt, khi ông vừa bước ra ngoài tòa, đi bộ dọc lề đường gần tòa án thì một nhóm người mặc thường phục đi xe bốn chỗ chạy kề bên.
“Một người mở cửa rồi lôi tôi vào trong xe. Họ dùng tay kẹp cổ tôi rất chặt khiến tôi bị ép chặt vào băng ghế.”
“Lúc đó tôi đang trên đường ra sân bay để về TP Hồ Chí Minh nên có mang theo một va li kéo và một cặp táp.”
“Họ mở cả va li và cặp táp thì thấy hồ sơ và laptop của tôi. Họ nói “chúng tôi cầm của anh mấy thứ này, xem xong sẽ trả lại. Nhưng từ đó đến nay tôi chưa hề nhận được những tài sản bị lấy mất. Họ mặc thường phục nên cũng không thể nói họ là ai, có phải là công an cài cắm hay không?”
Lần gặp ‘nạn’ kế tiếp còn nguy hiểm hơn, cũng trong năm 2018, khi đó luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Trịnh Vĩnh Phúc vào Biên Hòa để bào chữa cho những người biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng. Họ bị buộc tội gây rối trật tự công cộng.
“Khi chúng tôi vừa ngồi vào xe thì nghe có tiếng nổ, nhìn qua cửa sổ thì thấy có một lỗ thủng và kính rạn dần, lan rộng quanh lỗ thủng đó.”
“Sau này tôi có nhờ một số anh em có nghiệp vụ xem xét thì họ nói nhiều khả năng chúng tôi bị bắn bằng đạn chì,” luật sư Đặng Đình Mạnh kể lại với BBC News Tiếng Việt.
Năm tháng 11/2015, hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân đã gửi “Đơn yêu cầu khởi tố” đến cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội, và Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội về vụ họ nói là bị đánh gây thương tích và bị cướp điện thoại.
Vụ hành hung xảy ra sau khi hai luật sư làm việc với gia đình Đỗ Đăng Dư, thiếu niên chết sau khi bị đánh tại một trại giam ở Hà Nội.
Ai bảo vệ các luật sư?
Trường hợp của luật sư Đặng Đình Mạnh trước đây được cho là bị ‘sách nhiễu’ chỉ được biết đến thông qua mạng xã hội.
Riêng trong vụ việc xảy ra với đây với các luật sư sau phiên tòa Đồng Tâm, bên cạnh thông tin rầm rộ trên mạng xã hội, nhiều báo ‘lề trái’ trong và ngoài nước nhanh chóng đưa tin.
Nhưng giải pháp nào để bảo vệ các luật sư? Khi được hỏi nếu bị đeo bám, trả thù ‘nguội’ thì phải làm sao, luật sư Ngô Anh Tuấn nói việc này thì ‘đành chịu’.
Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì nói rằng ông nhận được một số lời khuyên là nêu vấn đề này với các tổ chức quốc tế, lãnh sự quán, đại sứ quán ở Việt Nam có quan tâm tới vụ Đồng Tâm, để mọi người biết được tình hình, và ‘đối tượng’ đe dọa có thể vì thế mà chùn bước.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54113722
Một nhân viên bảo vệ
bị Công an Xuyên Mộc bắt cóc trong đêm
Sáng ngày 10 tháng 9 năm 2020, trên facebook của ông Trần Văn Thương có dòng trạng thái kêu cứu: “SOS công an huyện xuyên mộc bắt con tôi là Trần Văn Khươngg lúc 3 giờ sáng không không lý do. Hiện nay không biết đem đi đâu. Xin loan báo mọi người yểm trợ.”
Anh Trần Văn Khương là nhân viên bảo vệ công ty du lịch Hồ Tràm, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo anh Khương kể lại:
“Đêm 10 tháng 9 tôi có ca trực đêm từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng tại một khu du lịch ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu. Lúc khoảng 3 giờ rưỡi sáng thì có một chiếc xe 7 chỗ mang số 72N-1919 đến. Trên xe có 7 người. Một công an giới thiệu tên là Tuấn Anh đòi vô kiểm tra hành chính khu du lịch. Sau khi xin ý kiến sếp thì tôi leo lên chiếc xe 7 chỗ để họ chở đi kiểm tra khu du lịch. Chiếc xe chạy thẳng lên Ủy ban công an Huyện Xuyên Mộc cách đó khoảng 10 cây số.
Khi vô đến nơi, họ đưa tôi vô một căn phòng, đưa bánh mì và nước nhưng tôi không ăn. Họ bắt đầu nói là họ biết tôi tham gia tổ chức BPSOS và móc nối với phần tử bên ngoài chống đối Nhà nước, lật đổ chính quyền. Tôi nói không tôi biết gì hết.
Họ lại cho người khác vô nói ngọt, động viên tôi nhận những điều đó. Tôi nói là tôi bị lừa lên xe rồi bắt cóc tôi lên đây. Họ nói họ không bắt cóc mà mời lên làm việc dù không có giấy mời. Một người nói với tôi là “ở đây tao có quyền, thằng nào phản động tao bắn”. Họ còn nói gia đình tôi ở phòng bên cạnh đã khai hết rồi, giờ tôi phải nhận tội. Tôi nói với họ là tôi chỉ biết đi làm nuôi vợ con, không biết mấy cái các anh nói là gì.
Đến khoảng 6 giờ chiều nó biểu tôi đi về. Tôi yêu cầu đưa tôi về lại công ty và thanh minh với nhân viên trong khu du lịch nhưng họ không chịu. Cuối cùng tôi phải ra về, có gia đình tôi đón bên ngoài.”
Anh cho biết có năm công an làm việc với anh. Một người tên Tuấn Anh là công an huyện Xuyên Mộc, anh biết mặt. Bốn người còn lại là: Trần Văn Đại, tự nhận là công an của Bộ; Nguyễn Văn Nam, tự nhận là công an TP.HCM; một người tên Thành và một người tên Tuấn.
Trong thời gian anh Khương bị công an nhốt, gia đình anh lên hỏi thông tin thì bị hành hung.
Ông Trần Văn Phê, anh trai ông Khương kể lại với RFA:
“Sáu giờ sáng nay, ngày 10 tháng 9, gia đình tôi lên công an huyện Xuyên Mộc để yêu cầu công an thả em trai tôi là anh Trần Văn Khương bị bắt trái phép lúc 3 giờ sáng. Khi đến nơi thì công an trả lời vòng vo. Chúng tôi yâu cầu trưởng công an huyện phải giải thích việc bắt người.
Họ bảo rằng công an huyện mời tôi và cha tôi là ông Thường vào huyện làm việc. Chúng tôi đi được 20 mét thì họ đánh đập chúng tôi, xô chúng tôi té và bẻ tay. Sau đó họ xách chúng tôi như con vật vào phòng làm việc. Họ xưng là công an tỉnh, công an huyện, công an bộ. Họ nhốt chúng tôi đến 6 giờ chiều.”
RFA liên lạc nhiều lần với Công an huyện Xuyên Mộc theo số điện thoại 0254 3874 272 để xác minh thông tin nhưng không ai bắt máy.
Thầy Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho hay, gia đình ông Trần Văn Thường là người nông dân chất phác quanh năm lam lũ tự kiếm sống bằng con đường lương thiện và tìm cách để sống có lý tưởng và dạy con cháu cùng mọi người như thế .
Đến với vùng kinh tế mới Hồ Tràm xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sau khi tạm thời ổn định cuộc sống là bắt tay nhau xây dựng chùa Pháp Biên để có nơi học đạo.
Lúc gần 6 giờ chiều Thầy lên trụ sở công an huyện Xuyên Mộc nhưng vẫn chưa thả người. Khi thầy về rồi thì anh Khương và gia đình được thả về.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/a-security-guard-was-kidnapped-by-police-in-the-night-09102020115432.html
Khánh Hòa: 3 người Trung Quốc hầu tòa
vì giết người, tàng trữ ma túy
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm 11/9 đưa ra xét xử ba thanh niên Trung Quốc về tội giết người, riêng một người trong nhóm bị truy tố thêm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, buổi xử bị hoãn vì đại diện hợp pháp của nạn nhân vắng mặt.
Truyền thông Nhà nước loan tin hôm 11/9 cho biết ba bị cáo người Trung Quốc gồm Zhao Jun (SN 1986, trú tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, hiện ở Lô 23 đường C1, Khu đô thị VCN Phước Long, TP Nha Trang, Khánh Hòa), Zang Bo (SN 1988, trú tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc), Liu Li Xu (SN 1997, hiện ở Lô 23 đường C1, Khu đô thị VCN Phước Long, TP Nha Trang, Khánh Hòa).
Cáo trạng cho biết vào 9 giờ tối ngày 5/7/2019, nhóm ba thanh niên Trung Quốc nói trên cùng hai thanh niên Trung Quốc khác là Tian YouLian và Tan Xueke hát karaoke tại phòng 806, Karaoke Sinh Sing thuộc tầng 4 Nha Trang Center, địa chỉ 20 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa.
Tại quán karaoke, nhóm người Trung Quốc xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Nhóm bị cáo đã lấy 1 con dao bằng kim loại dài 30cm ở quầy thu ngân Karaoke Sinh Sing và chém nhiều nhát vào 2 thanh niên Trung Quốc kia.
Tin nói vì thấy Tan Xueke đổ nhiều máu, cả nhóm bỏ chạy. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Khánh Hòa rồi tử vong.
Cả nhóm bị lực lược chức năng bắt giam sau đó. Riêng thanh niên Tian YouLian bị nói chết vì tự tử treo cổ tại buồng giam nên không bị điều tra.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Khánh Hoa thu giữ tại nơi ở của Zhao Jun nhiều loại ma túy như Ketamine, MDMA, Methamphetamine, Nimetazepam và Cần sa.
Trong diễn biến liên quan, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng vừa khám phá một đường dây đưa người Trung Quốc trái phép vào Việt Nam và bắt 9 người liên quan.
Bộ đội Cao Bằng nói vào chiều 11/9 đã phát hiện nhiều người Trung Quốc tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam trái phép đang lẩn trốn trong rừng tại khu vực xóm Lũng Cuốn (xã Quang Long).
8 người Trung Quốc gồm 7 nam và 1 nữ quê ở Hồ Bắc, Quảng Tây đã bị bắt giữ.
Nhóm người khai nhận đã trả tiền cho một người Việt Nam có tên Triệu Văn Xuyên để đưa vào lãnh thổ Việt Nam với giá khoảng 2,3 triệu đồng cho mỗi người. Ông Xuyên đã bị cơ quan chức năng bắt khẩn cấp sau đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/khanh-hoa-3-chinese-people-appear-in-court-for-murder-and-drug-possession-09112020084946.html
Vingroup lên tiếng về tin
có kế hoạch bán Vinmec và Vinschool
Tập đoàn Vingroup đang xem xét bán cổ phần của Vinmec và Vinschool như là loại bỏ mảng kinh doanh không cốt lõi và củng cố cân đối tài chính trong bối cảnh lợi nhuận bị sụt giảm.
Reuters, vào ngày 11/9, dẫn hai nguồn tin khả tín cho biết Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, có khả năng đang tìm kiếm khách hàng để bán Vinschool, lĩnh vực giáo dục tư thục và Vinmec, chuỗi bệnh viện tư nhân của tập đoàn này.
Theo bản tin của Reuters loan đi thì Vingroup vẫn chưa chỉ định bất kỳ cố vấn nào cho thương vụ vừa nêu. Tuy nhiên, qua các cuộc thương lượng, đã có hai khách hàng quan tâm đến Vinschool và Vinmec.
Một nguồn tin thứ ba nói với Reuters rằng đã có quan tâm sơ bộ về quyết định bán cổ phần Vinschool và Vinmec, với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD, mà không bao gồm khoản lãi nào.
Reuters cho biết 3 nguồn tin phải ẩn danh vì họ không được tiếp xúc với truyền thông về tin bán cổ phần mà Vingroup đang nắm giữ. Đồng thời, Vingroup cũng chưa có phản hồi trực tiếp với Reuters.
Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 11/9 đăng tải tuyên bố của Vingroup rằng tập đoàn này khẳng định “không có kế hoạch bán cổ phần Vinschool và Vinmec”.
Tuổi Trẻ Online trích lời đại diện của Vingroup nói rằng Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup và Vingroup vẫn cam kết phát triển hệ thống này trở nên tốt đẹp, toàn diện hơn. Vingroup vẫn liên tục tìm kiếm đối tác uy tín để hợp tác trong Vinmec nhằm nâng tầm Vinmec lên đẳng cấp quốc tế. Với Vinschool, Vingroup không có ý định mở rộng quốc tế nên không có kế hoạch hợp tác nào.
Theo báo giới trong nước, hiện tại hệ thống chăm sóc y tế Vinmec đã có 7 bệnh viện và 5 phòng khám ở Việt Nam. Hệ thống giáo dục Vinschool hiện có 32 cơ sở trong cả nước với 27.000 học sinh.
Reuters ghi nhận tập đoàn Vingroup có giá trị thị trường hiện tại là 13 tỷ USD và công bố doanh thu nửa năm 2020 là 1,7 tỷ USD. Lợi nhuận ròng nửa đầu năm nay của Vingroup giảm 60% xuống còn xấp xỉ 58,3 triệu USD, tương đương 1,35 nghìn tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vingroup-weights-selling-school-health-unit-as-vn-biggest-firm-refocuses-09112020084432.html
Lô tôm đầu tiên của VN
được xuất khẩu theo EVFTA
Lô tôm nước lợ đông lạnh 0% thuế đầu tiên được xuất khẩu qua Liên minh Châu Âu (EU) theo Hiệp định Mậu dịch Tự Do EU- Việt Nam (EVFTA).
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và đại diện phái đoàn EU vào ngày 11 tháng 9 tổ chức Lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh, sản phẩm của Công ty TNHH Thông Thuận, tại khu công nghiệp Thành Hải, Phan Rang-Tháp Chàm.
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến rằng việc xóa bỏ thuế quan thông qua Hiệp định EVFTA sẽ mở ra tiềm năng phát triển xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Qua đó, thuế quan trên 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được xóa bỏ trong vòng 3 năm, nâng lên 90,3% trong vòng 5 năm, và trong vòng 7 năm sẽ xóa 100%. Từ khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản có sổ lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng trước.
Theo ông Ông Carsten Schittek, tham tác công sứ -Trưởng ban Thương mại phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ngành tôm Việt Nam có triển vọng chiếm thị phần cao tại thị trường EU.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/first-shrimp-export-from-vietnam-underway-to-eu-under-evfta-09112020081947.html
Hàng không Việt Nam
mở lại đường bay quốc tế từ 15/9
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ ngày 18 tháng 9 sẽ chính thức khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Kế hoạch này sẽ mở đầu bằng việc thực hiện những chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Vietnam Airlines loan tin ngày 11/9.
Tin cho biết, trong tháng 9, sẽ có 3 chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita ở Tokyo trong 3 ngày 18,25,30/9, còn tại TP HCM chỉ có 1 chuyến đi Narita vào ngày 30/9.
Vietnam Airlines đang chờ quyết định chính thức của các nhà chức trách Nhật Bản về việc khai thác chuyến bay chở khách chiều từ Nhật Bản về Việt Nam.
Mục đích của những chuyến bay được nói nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt đến Nhật Bản lao động, học tập và sinh sống.
Tại cuộc họp Chính phủ trực tuyến về công tác phòng chống COVID-19 diễn ra sáng 11/9, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết dự kiến mỗi tháng có 20.000 người nhập cảnh vào Việt Nam qua 6 đường bay quốc tế được mở trong tháng 9 tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ.
Cụ thể, 4 đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ được mở vào ngày 15/9; đến ngày 22/9 sẽ mở thêm đường bay đến Campuchia và Lào.
Vẫn theo ông Dũng, khách lên máy bay phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày, khi vào Việt Nam cách ly tập trung 5-7 ngày. Trong thời gian này, khách sẽ được xét nghiệm PCR -phương pháp xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao – hai lần, mỗi lần 1,2 triệu đồng.
Người có kết quả âm tính tiếp tục cách ly tại nhà hoặc tại doanh nghiệp, đủ 14 ngày dưới sự giám sát của địa phương. Trường hợp khách có dấu hiệu nhiễm nCoV sẽ được đưa đi cách ly tập trung.
Các chi phí cách ly, xét nghiệm do người nhập cảnh tự chi trả, không phân biệt quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài.
Theo số liệu Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 9h ngày 11/9, tổng số người cách ly do tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 35.799. Trong đó gồm 603 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện, 16.432 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 18.765 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hiện Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong. Trong đó số tiên lượng rất nặng là 3 trường hợp và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-airlines-reopened-international-flights-from-sep-15-09112020083852.html
Sốt xuất huyết tăng cao
trên diện rộng tại TPHCM và Hà Nội
Số ca sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và Hà Nội tăng cao trên diện rộng, cơ quan chức năng cảnh báo đã có nhiều trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong do đến nhà thương trễ.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 11/9 và cho biết theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, một số người mắc bệnh sốt xuất huyết e ngại đi khám bệnh do tình hình dịch bệnh COVID-19, khi nhập viện thì bệnh đã diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao. Riêng trong tháng 8, đã có 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết tại TPHCM.
Tin cũng cho biết số ca mắc sốt huyết nhập viện trong thời gian gần đây tại TPHCM tăng mạnh, nhiều nhất là tại Bệnh viện quận Thủ Đức, trong tháng 8 đã có 132 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó có 65 trường hợp là trẻ em.
Các bệnh viện khác tại TPHCM cũng đang điều trị cho nhiều ca sốt xuất huyết như Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho 25 ca mắc và có xu hướng tăng lên. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hai tuần gần đây đã liên tiếp tiếp nhận 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng…
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, trong 8 tháng năm 2020, toàn thành phố đã có 11.999 trường hợp sốt xuất huyết. Hiện trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 500 – 600 ca mắc sốt xuất huyết.
Tại Hà Nội, theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh cho báo chí biết hôm 11/9, đã có 1.915 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện của Hà Nội, rong đó có 2 trường hợp tử vong.
Theo ông Hạnh, hiện một số quận, huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao như: Huyện Phúc Thọ nhiều nhất với 343 ca mắc, tiếp đến là huyện Thường Tín 234 ca, quận Nam Từ Liêm 219 ca và ít nhất là huyện Thanh Oai 193 ca… Tuy nhiên số ca mắc sốt xuất huyết thời điểm hiện tại đã giảm 47,2% so với cùng kỳ của năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dengue-fever-increases-on-a-large-scale-in-hcm-and-hanoi-09112020082601.html
Formosa xả thải:
điển hình dẫn đến Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi
Thanh Trúc
Dự thảo Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi, được giải trình tại quốc hội mới đây, đã nêu nhiều điểm “bất cập và không khoa học” cần chỉnh sửa. Một trong những thí dụ điển hình là trường hợp xả thải của nhà máy Formosa.
Tại buổi họp báo cáo nội dung giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi trước quốc hội hôm 4/9, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Trần Hồng Hà đã lấy Formosa làm thí dụ điển hình cho những bất cập, thiếu cơ sở khoa học trong luật mà ông cho là cần tiếp thu và chỉnh sửa.
Bổ sung, sửa đổi luật là công việc bình thường nhưng cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế, là giải thích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam:
“Luật Bảo Vệ Môi Trường đầu tiên được quốc hội thông qua và được ban hành năm 1993. Từ đó đến nay đã qua một lần sửa đổi là 2003, một lần nữa vào năm 2014 và bây giờ là 2020, tức là lần thứ ba để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 1993 đó”.
“Vì thế cho nên việc điều chỉnh, bổ sung là việc rất bình thường, một nhu cầu thực tiễn, làm sao để luôn luôn hoàn thiện các qui định của Luật để khá thi hơn đồng thời có tác dụng tốt hơn với biến động cuộc sống, trong đó có nội dung về đánh giá tác động môi trường và các nội dung khác mà chúng tôi thấy cần phải cập nhật tình hình”.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, cho biết đây là một trong 2 hình thức sửa đổi Luật của Việt Nam:
“Một loại là sửa đổi, bổ sung một số Điều , tôi nói thí dụ như Luật Môi Trường, thì như vậy chỉ đưa ra một cái Luật là sửa một vài Điều. Thế còn loại thứ hai tức là Luật đã đến lúc lỗi thời rồi thì người ta phải đưa ra Luật Môi Trường sửa đổi, lúc đó là coi như ban hành Luật mới”.
Câu chuyện Formosa, mà ông Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường viện dẫn đến trong khi trình bày về Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi, chính là thảm họa ô nhiễm năm 2016 do hóa chất từ nhà máy Gang Thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh, xả trực tiếp ra biển. Chất thải độc hại này khiến cá chết hàng loạt, người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung điêu đứng suốt nhiều năm tháng.
Vụ việc Formosa cũng khiến Việt Nam bị chỉ trích là chỉ chú trọng đến đầu tư và phát triển hơn là lo bảo vệ môi trường.
Theo lời bộ trưởng Trần Hồng Hà, được báo chí trong nước trích dẫn lại, “Formosa có nguồn thải lớn nhưng lại không được đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư để chỉ ra bất cập trong quy định về vấn đề này”.
Đối với chuyên gia thì điều này cho thấy người đứng đầu Bộ Tài Nguyên Môi Trường, hay nói khác hơn là lãnh đạo Việt Nam, đã nhìn thấy việc đánh giá tác động môi trường trong Luật Bảo Vệ Môi Trường trước đây là bất cập, không khoa học, không đúng thời điểm mà hệ quả như Formosa gây ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung hồi 2016.
Đương kim Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cho rằng việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ, nghĩa là trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, là cần thiết, phù hợp kinh nghiệm quốc tế khi thực tế nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng khi đưa vào thì địa điểm bố trí dự án hoặc các điều kiện môi trường, khu dân cư không cho phép được đầu tư.
Kinh nghiệm và quy định chung trên thế giới, bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải tiếp, đánh giá tác động môi trường là một quá trình kéo dài từ khi xin chủ trương cho tới khi dự án xây dựng xong thì mới kết thúc. Ông nói nguyên văn “Ở ta mới có ý tưởng thôi cũng đưa ra đánh giá tác động môi trường”, vì thế cần coi đây là bước đầu tiên của đánh giá tác động môi trường chứ không nên coi là một thủ tục.
Formosa xả thải xuống biển của Formosa là chuyện sai của chủ đầu tư tức công ty Formosa. Thế nhưng cái rút ra ở đây là từ cái khiếm khuyết trong quản lý bảo vệ môi trường tại đó. Đáng lẽ ra khi đệ trình đề xuất dự án thì phải làm ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường để có thể quyết định là không để dự án luyện thép tại vùng bờ biển này. – Đặng Hùng Võ
Ý kiến của bộ trưởng Trần Hồng Hà được nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ đánh giá cao, nói rằng viên chức đầu ngành đã hiểu và đã nhìn thấy cái thực tế đang diễn ra là hiện có nhiều dự án quan trọng có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng không được đánh giá tác động môi trường từ khi đề xuất dự án:
“Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005 có nói rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện khi làm dự án tiền khả thi, làm báo cáo tiền khả thi. Nhưng mà lúc này là đang thảo luận về cái thời điểm nào là thời điểm cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường”.
“Formosa xả thải xuống biển của Formosa là chuyện sai của chủ đầu tư tức công ty Formosa. Thế nhưng cái rút ra ở đây là từ cái khiếm khuyết trong quản lý bảo vệ môi trường tại đó. Đáng lẽ ra khi đệ trình đề xuất dự án thì phải làm ngay báo cáo đánh giá tác động môi trường để có thể quyết định là không để dự án luyện thép tại vùng bờ biển này. Theo Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005 thì lúc đó báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa là có chứ không phải không, Bộ Tài Nguyên Môi Trường có duyệt, nhiều người duyệt cái đó đã bị cách chức này kia rồi”.
“Thế nhưng ở đây có một điều là để đến khi có báo cáo tiền khả thi mới gắn vào báo cáo đánh giá tác động môi trường thì nó quá chậm. Cái kinh nghiệm về Formosa nó nằm tại chỗ phải được quyết định ngay từ lúc đề xuất dự án, chứ để đến khi có dự án rồi, làm báo cáo tiền khả thi rồi mới có cái báo cáo đánh giá tác động môi trường thì như vậy là không phù hợp”.
Trong báo cáo nội dung chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng trình bày 17 loại lĩnh vực chắc chắn phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, trong đó có ngành thép, dệt, nhuộm và những ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
“Tôi nghĩ việc đó được xác định từ lâu rồi, bây giờ chỉ là việc hoàn thiện làm sao cho nó sát hơn với chủ trương phát triển bền vững 3 trụ cột hay nói là kinh tế, xã hội và môi trường. Điều chỉnh sao cho nó phù hợp hơn với thực tiễn thôi chứ còn chủ trương thì có từ lâu rồi”.
Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường Việt Nam.
Còn theo bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo Luật Đầu Tư chỉ quan tâm đến nguồn lực đầu tư của Nhà Nước và dựa trên thẩm quyền phê duyệt từ cấp cao nào đó. Đối với ông thì cách phân loại này có nhiều bất cập, không dựa trên cơ sở khoa học, thông lệ quốc tế.
Với tiến sĩ Đặng Hùng Võ, đường dài nhưng có đi thì có tới, Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi sẽ hoàn tất nay mai, nhưng vấn đề trước mắt là:
“Bên cạnh câu chuyện đổi mới về Pháp Luật, điều chỉnh Luật theo cách tiến bộ hơn thì còn nhân tố con người. Điều quan trọng nhất là có nhóm lợi ích nào chi phối dự án này không, có tham nhũng xảy ra tại dụ án này không. Đấy là nhân tố thậm chí mang tính quyết định cao hơn cả qui định của Pháp Luật”
Việt Nam, dưới cái nhìn từ bên ngoài, là nước chưa được nghiêm túc trong việc bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, là khẳng định của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ.
Như vậy, trong lúc giới kinh doanh cũng như người dân còn e ngại trước các dự án đầu tư bên ngoài như từ Trung Quốc chẳng hạn, Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi sẽ nâng cao nhận thức và tư duy về đầu tư phát triển gắn với môi trường thân thiện, để đón những ngọn gió lành thổi vào thị trường đầu tư phát triển của đất nước, ông Đặng Hùng Võ kết luận.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/formosa-toxic-waste-release-into-environment-a-need-for-law-on-environment-09112020095522.html
Tổ chức quốc tế INFOSAN
nói về nhiễm độc thực phẩm tại Việt Nam
Bùi Thư
Việt Nam còn khoảng 10 người ngộ độc botulinum nặng trong vụ pâté Minh Chay và đã cần đến sự hỗ trợ của WHO để xử lý khủng hoảng.
“Ngộ độc botulinum trong thực phẩm rất nguy hiểm, có khả năng gây tử vong. Tuy nhiên, loại ngộ độc này rất hiếm. Mức độ thành công của việc điều trị sẽ phụ thuộc vào phát hiện sớm và việc kháng độc nhanh”, tiến sĩ Peter K. Ben Embarek, Trưởng bộ phận Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm của INFOSAN, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
INFOSAN là mạng lưới về an toàn thực phẩm nằm dưới sự điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO). INFOSAN yêu cầu thành viên phải báo cáo các vụ việc khẩn cấp liên quan tới an toàn thực phẩm để từ đó có phương án đối phó trên phạm vi quốc tế.
INFOSAN nói gì?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Peter K. Ben Embarek cho biết văn phòng INFOSAN quốc tế đã được báo cáo về vụ việc.
“Báo cáo từ Việt Nam cung cấp một số kết quả điều tra ban đầu, chi tiết các sản phẩm được đề cập và các biện pháp kiểm soát nguy cơ đang được triển khai. Theo đó, sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam và không xuất khẩu cũng như không có trên các sàn trực tuyến quốc tế”.
Sau khi nhận được báo cáo, INFOSAN đã đưa lên cơ sở dữ liệu chia sẻ để từ đó các nước thành viên có thể triển khai biện pháp phòng ngừa cũng như đối phó hiệu quả một khi xảy ra khủng hoảng tương tự.
Ông Embarek nhấn mạnh vụ ngộ độc này một lần nữa nhắc nhở tất cả các quốc gia cần đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa.
“Phòng ngừa thực phẩm nhiễm độc botulinum dựa trên quy trình đúng về chế biến, đặc biệt là trong quá trình làm nóng và khử trùng cũng như các biện pháp đảm bảo vệ sinh”, ông nói.
Tiến sĩ Embarek cho biết INFOSAN cùng với đội hậu cần của WHO đã chuyển thuốc giải độc tới Việt Nam đồng thời “luôn sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp về kỹ thuật liên quan đến phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với các vụ ngộ độc thực phẩm tương tự”.
INFOSAN là một mạng lưới kiểm soát an toàn thực phẩm quốc tế. Một khi có sự cố liên quan tới an toàn thực phẩm, INFOSAN sẽ giúp trao đổi thông tin nhanh nhất giữa các nước thành viên, qua đó có thể triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó cũng như đảm bảo loại thực phẩm nhiễm độc được thu hồi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các loại thực phẩm được xuất khẩu tới nhiều nước.
“Việc chia sẻ thông tin có thể bao gồm dữ liệu các sản phẩm liên quan để truy vết và thu hồi. Nó cũng có thể bao gồm thông tin về vi khuẩn, virus gây ngộ độc để nhận biết hoặc mã gene của mầm bệnh”, tiến sĩ Embarek cho biết thêm.
Hơn ba tháng mới hồi phục
Ngộ độc botulinum trong thực phẩm rất ít gặp ở Việt Nam và vụ ngộ độc liên quan đến độc tố có trong pâté Minh Chay của Công ty Lối Sống Mới là vụ lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông tin từ ngành y tế, hiện đã có hàng chục người nhiễm độc trong khi việc thu hồi sản phẩm cũng chưa được thực hiện xong.
Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 8/9 cho biết đã có thêm 10 lọ thuốc giải độc botulinum, loại độc tố có trong pâté Minh Chay, được nhập về Việt Nam. Đây là số dược phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ.
Được biết, loại thuốc này rất đắt tiền, trị giá tới 8.000 USD/lọ và được nhập về để điều trị cho khoảng 10 người bị ngộ độc nặng chưa có thuốc giải. Trước đó, Việt Nam đã nhập hai lọ từ Thái Lan.
Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa đã ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum trong cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến việc sử dụng pâté có nhiễm độc.
Theo đó, thực phẩm gây ngộ độc botulinum có thể gặp trong thịt hộp, ngoài ra thế giới còn ghi nhận các vụ ngộ độc từ rau, quả, thịt cá được sản xuất không đảm bảo cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo, bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh độc tố gây ngộ độc.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết người ngộ độc có thể khởi phát bệnh trong vòng 12-36 giờ sau khi ăn, cũng có trường hợp tới 8 ngày mới phát bệnh. Các dấu hiệu phổ biến là buồn nôn, nôn; liệt đối xứng hai bên bắt đầu từ vùng đầu, mặt và cổ, lan dần xuống chân; nhìn đôi, nói khó, nhìn mờ, sụp mi, liệt vùng ngực và bụng; liệt hai chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất trong khi người bệnh vẫn tỉnh táo.
Người bị bệnh phải được điều trị trong thời gian dài, có thể phải thở máy hai tháng trước khi cai và cần 100 ngày điều trị mới bước vào giai đoạn phục hồi.
Vấn đề báo động
Vụ pâté Minh Chay nhiễm khuẩn cực độc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam.
Trong khi quy trình sản xuất, từ nuôi trồng tới chế biến, còn chưa được giám sát chặt chẽ và các tiêu chuẩn an toàn quốc tế chưa được áp dụng trên diện rộng, thì công tác quản lý, kiểm soát còn nhiều bất cập, lỏng lẻo và tiêu cực.
Việt Nam có nhiều cơ quan cùng tham gia công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an… Một sản phẩm ra được thị trường đòi hỏi có nhiều giấy phép. Tuy nhiên, do sự quản lý chồng chéo thiếu hiệu quả, dễ phát sinh tiêu cực nên an toàn thực phẩm vẫn là bài toán nhức nhối thâm niên, đặt sức khỏe và tính mạng người dân trước những nguy cơ thường trực.
Báo cáo đầu năm 2020 của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong.
Ngày 11/6, số liệu thống kê được công bố tại một hội thảo do Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế tổ chức cho thấy từ năm 2010 – 2019, trên cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, gần 40.190 người phải nhập viện.
Riêng năm 2020, tính đến ngày 31/5, toàn quốc ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong, tăng cao so với năm 2019.
Một điểm lưu ý là nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao tại các bếp ăn tập thể trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2019, cả nước ghi nhận 149 vụ với 10.847 người mắc, 9.889 người nhập viện. Trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với 1.135 người mắc và 1.084 người nhập viện.
Theo Bộ Y tế, với trên 8 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, kiểm soát an toàn thực phẩm đối mặt với thách thức cam go. Các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, không đúng quy trình.
Trong khi đó, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư, các cơ sở chế biến nhỏ không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn hết sức khó khăn.
“Tại Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia khác, các hệ thống quốc gia kiểm soát an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, tiến sĩ Embarek đánh giá.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54098467
Tiếp tục hoãn đối thoại
với dân Thủ Thiêm vì COVID-19
Tiếp tục trì hoãn đối thoại?
Tại buổi họp báo kinh tế xã hội tháng 9 tổ chức vào chiều ngày 9/9, khi trả lời truyền thông trong nước vấn đề chậm trễ tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm tại 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh ở quận 2, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành
phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian tổ chức sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho bà con.
Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ họp thứ VI khóa IX tháng 6/2002 xác định là một dự án công trình trọng điểm của thành phố trong đầu thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, những sai phạm về đất đai và đền bù trong khi thực hiện dự án đã khiến người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện ròng rã hơn 20 năm qua để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với RFA tối 10/9, ông Cao Thăng Ca, một người dân sống tại Thủ Thiêm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho biết ông hoàn toàn không lạ gì với việc dời lại buổi đối thoại lần này:
“Việc thành phố Hồ Chí Minh luôn trì hoãn, lùi hết thời gian này sang thời gian khác cho thấy vấn đề pháp lý cơ sở của họ không đúng theo pháp luật và người ta đang tìm cách, suy nghĩ mưu hèn kế bẩn đánh lừa dư luận và trung ương nhằm áp bức người dân Thủ Thiêm, việc này chúng tôi biết quá rõ. Tất cả những việc thành phố Hồ Chí Minh không đối thoại với người dân đi khiếu nại đã xảy ra từ năm 2016. Có văn bản của Ban Tiếp dân trung ương là (văn bản số) 119 năm 2016 đã yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh phải tổ chức đối thoại với người dân nhưng từ năm 2016 tới giờ người ta không dám đối thoại dân Thủ Thiêm mà chỉ mở ra những cuộc tiếp dân rồi lắng nghe, dân nói sao người ta ghi nhận rồi về nhà người ta đưa ra thông báo theo ý kiến của họ. Thực chất người ta không dám đối thoại, không dám tranh luận với người dân Thủ Thiêm.”
Trong khi đó, ông Lê Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm từng trong nhóm khởi kiện về sai phạm ở Thủ Thiêm lại có nhận định khác:
“Qua cái trả lời này, nói đúng ra bà con số đông cho rằng thành phố cứ tránh né, hứa hoài cuộc đối thoại không có thật tâm xúc tiến đối thoại với bà con để làm rõ chuyện trong ranh, ngoài ranh. Dân hối thúc phải đối thoại, cho là chính quyền né tránh, tôi không nghĩ vậy đâu. Chẳng qua là họ chưa thuận tiện thời điểm để xúc tiến cuộc đối thoại này chứ không phải tránh né.”
Trên các diễn đàn, nhiều nhận định cho rằng tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 tại thành phố lớn nhất miền Nam đang được nới lỏng khi học sinh đã được đến trường, các quán bar được hoạt động trở lại, khu phố Tây Bùi Viện cũng đã được phép mở cửa trở lại, nên việc dời cuộc đối thoại vì lý do đảm bảo sức khỏe người dân chỉ là cách kéo thời gian của lãnh đạo thành phố.
Không đồng tình với quan điểm vừa nêu, ông Lê Văn Lung cho rằng lý do thành phố đưa ra có thể thông cảm được:
“Vấn đề giãn cách thì quán bar hay quán xá gì của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xả rồi, do đó lý do vì dịch COVID không nên tụ tập đông người, nhất là buổi đối thoại vì rất đông theo yêu cầu của bà con. Cá nhân tôi thì tôi thấy lý do này đúng ra cũng không thể xác định, không bắt bẻ được vì còn phụ thuộc vào thanh tra chính phủ và các Bộ tham gia buổi đối thoại thì theo thành phố là phụ thuộc ở ngoài (bắc) mà mấy ông cán bộ ngay dịch này cũng còn ngại mà mấy ông lại cho rằng do đảm bảo bà con, giữ sức khỏe bà con an toàn.”
Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1/2020 đã thống nhất tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân Thủ Thiêm từ ngày 17-22/2.
Tuy nhiên, hai cơ quan vừa nêu sau đó lại quyết định chưa tổ chức buổi đối thoại vì cho rằng các cơ quan, đơn vị đang tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tới tháng 5, lãnh đạo thành phố cho biết các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm, trong đó có buổi đối thoại phải hoàn tất trong tháng 6/2020.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 2 ngày 23/6 cho hay Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện việc đối thoại với người dân Thủ Thiêm về vấn đề trong ranh, ngoài ranh đang phát sinh vào tháng 7. Đồng thời khẳng định “Các cơ quan không có sự tránh né, vẫn thường xuyên lắng nghe cử tri và đang cố gắng sớm giải quyết”.
Hy vọng nào cho người dân Thủ Thiêm
Mãi đến ngày 9/9, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Phước Thắng mới cho báo giới trong nước biết Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm phải tập trung giải quyết trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khai mạc ngày 15/10.
Theo lời ông Thắng nói với báo quốc nội, các lãnh đạo thành phố cũng đưa ra đánh giá cho rằng giải quyết việc Thủ Thiêm quan trọng, cấp bách nên phải tập trung để xử lý. Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức đối thoại đã sẵn sàng, các nội dung đối thoại về cơ bản đã xong.
Theo ông Cao Thăng Ca, thông tin mà lãnh đạo thành phố cung cấp thực chất chỉ đang định hướng dư luận bằng cách mời các báo đài trong nước để định hướng xem trước khi đối thoại, trong khi đối thoại và sau khi đối thoại phải làm sao để đồng thuận với những chủ trương của thành phố.
“Hiện cơ sở pháp lý về việc khiếu nại của người dân Thủ Thiêm đã được Thanh tra chính phủ theo Kết luận 1483 nói rất rõ rồi. Mặc dù Kết luận kiểm tra 1483 đó chỉ mới kết luận 4,3 ha nằm ngoài nhưng người dân Thủ Thiêm hỏi căn cứ vào đâu để chỉ có 4,3 ha nằm ngoài thôi thì người ta không có căn cứ nào hết. Trong khi chúng tôi có đầy đủ chứng cứ một cách thuyết phục rằng việc chúng tôi khiếu nại ngoài ranh quy hoạch, ngoài ranh thu hồi đất là hoàn toàn có cơ sở. Thành ra bây giờ người ta đối thoại do chính phủ chủ trì mà một khi chúng tôi nêu được những chứng cứ chứng minh một cách thuyết phục như vậy chắc chắn người ta sẽ không biết cách nào đối phó.”
Với quan điểm cá nhân, ông Lê Văn Lung lại cho rằng với những lý do dịch bệnh mà phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra để dời lại cuộc đối thoại, người dân nên coi đây là một cơ hội tốt để chuẩn bị thêm. Ông đưa ra nguyên nhân:
“Xúc tiến ngay thời điểm này, với lý do thành phố đưa ra như vậy, mà miễn cưỡng tổ chức thì số lượng bà con chúng tôi vào cuộc đối thoại sẽ bị hạn chế. Cái thứ hai nó sẽ bị hạn chế các phóng viên báo đài. Còn bà con mỗi nhóm đại diện vô 5 người, 3 nhóm 15 người, cộng với các cán bộ các Sở, ngành thành phố và cán bộ cơ quan trung ương phải không quá 30 hay 50 người. Nên tôi nghĩ để chin chắn, bên góc độ bà con thì nên chậm lại thời điểm này một chút, chứ mấy ổng đã viện lý do do dịch thì bà con vô 15 người trong cuộc đối thoại không có báo đài, phóng viên, luật sư thì điều đó bất lợi cho bà con.”
Do đó, ông Lê Văn Lung cho rằng đối thoại với bối cảnh và thành phần như ông vừa nêu thì người dân không thể thắng mà chỉ có thua.
“Như vậy chính quyền mới tổ chức cho đối thoại chứ dân thắng thì họ không tổ chức đâu, vì nếu dân có đầy đủ chứng cứ mà chính quyền cảm thấy ngại thì họ giải quyết bằng một cách khác, một phương pháp khác. Khi chính quyền chấp nhận đối thoại có thanh tra chính phủ chủ trì thì điều bất lợi tôi biết chắc nó sẽ nằm ở phía bà con.”
Nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn từng ngày sống trong những khu tạm bợ chờ được đền bù thỏa đáng trong khi các quan chức đứng đầu thành phố liên tục gặp gỡ người dân, hứa sẽ sớm giải quyết dứt điểm cho người dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/keep-postponing-to-dialogue-with-thu-thiems-residents-due-to-covid-19-09102020154226.html
Đổ máu vô nghĩa vì đất: Chúng ta đáng lẽ
có thể phát triển ổn định và bền vững hơn
Bình luậnTrà Nguyễn
Các mâu thuẫn xã hội gay gắt, kéo dài do những quy định quản lý bất cập về đất đai đã tạo ra các bất ổn xã hội và sự mất niềm tin vào chính quyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí, máu đã đổ một cách vô nghĩa… vì đất. Thiết nghĩ, chúng ta đáng lẽ có thể phát triển ổn định và bền vững hơn thế…
Đất đai, không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của nền kinh tế, còn là nền tảng sinh kế của người dân. Khác với các tài nguyên hữu hạn khác, quản trị tốt tài nguyên đất còn quyết định sự ổn định xã hội, thịnh vượng quốc gia và bền vững môi trường. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ đất – một phần lớn – đã bị mất mát vào nhóm nhỏ có “thông tin và quyền quyết định”. Việc này không chỉ khiến nhà nước mất một nguồn thu lớn từ đất đai cho ngân sách mà còn tạo ra mâu thuẫn xã hội chồng chéo, ngày một gay gắt và khó giải quyết.
Thực tế, máu thực sự đã đổ một cách đầy cay đắng và đáng tiếc ở nhiều nơi, nhiều gia đình tan hoang, nhiều chính trị gia bị xét xử vì các lỗ hổng chính sách này. Gần đây nhất, bất ổn xã hội, mâu thuẫn dân – chính quyền tới mức máu phải đổ vô nghĩa vì đất như một số trường hợp ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Hải Phòng… đã trở nên nhức nhối.
Dưới góc độ kinh tế, đây không phải là lúc đổ lỗi cho các bên mà cần tìm nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột lợi ích ngày một gay gắt này. Các nhà hoạch định chính sách nên lắng nghe và điều chỉnh sớm các sai lầm chính sách đã tồn tại quá lâu.
Nguồn gốc giá trị gia tăng của đất đến từ quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Theo lý thuyết chênh lệch địa tô, một mảnh đất có giá trị cao hơn giá trị của chính nó trong quá khứ khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp sau:
(i)Địa tô chênh lệch loại 1: nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng do quy hoạch, thay đổi quy hoạch;
(ii) Địa tô chênh lệch loại 2: là lợi ích mang lại từ đất đai nhưng do người sử dụng biết cách đầu tư sử dụng một cách hợp lý hơn tạo ra. Như vậy, khi thực thi các dự án hạ tầng, nếu chủ đầu tư có năng lực tài chính, cũng như kinh nghiệm quản lý dự án phát triển đô thị, nhà ở và hạ tầng thì có thể làm tăng giá trị gia tăng của đất;
(iii) Địa tô chênh lệch loại 3 còn gọi là địa tô tuyệt đối. Địa tô tuyệt đối có được khi Nhà nước cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ như thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất đô thị.
Giá trị gia tăng từ đất bị mất đi do quy hoạch bị vi phạm trong khi chế tài giám sát tuân thủ, xử phạt yếu kém
Như vậy, việc quy hoạch, thay đổi quy hoạch, vi phạm hoặc làm sai quy hoạch, hay chỉ định nhà thầu thực hiện quy hoạch không có năng lực… đều dẫn đến việc làm thay đổi giá trị của đất đai.
Quy hoạch bị vi phạm, và thiếu công khai, minh bạch khiến những người có thông tin hoặc “có cơ hội vi phạm” có thể thâu tóm được mảnh đất có giá trị gia tăng cao với giá rẻ mạt trước khi “thay đổi mục đích sử dụng đất” (địa tô chênh lệch loại 3). Chưa kể, việc quản lý vi phạm quy hoạch lỏng lẻo khiến người dân, chủ đầu tư tùy ý vi phạm xây dựng sau đó “chạy giấy phép” cho các vi phạm này khiến giá trị gia tăng từ đất đai bị “mất mát” nghiêm trọng (địa tô chênh lệch loại 1).
Tình trạng chỉ định thầu xây dựng hạ tầng không phù hợp với quy định trong quản lý đầu tư công diễn ra ở nhiều địa phương khiến các dự án hạ tầng, nhà ở, đô thị có thể rơi vào tay các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính… Giá trị gia tăng loại 2 cũng vì thế mà “mất mát”.
Với cơ chế quản lý đất đai hiện tại, giá trị gia tăng từ đất bị “mất mát” một tỷ lệ lớn, ở mức nghiêm trọng. Phần “mất mát” này khiến nhà nước không thu được vào ngân sách, người dân không được đền bù thỏa đáng. Cơ chế tạo ra “mất mát” giá trị gia tăng từ đất không chỉ khiến tham nhũng chính sách bùng nổ, sai phạm cả quản lý chính quyền, nhà đầu tư và người dân gia tăng mà còn là nguyên nhân khiến thị trường đất đai méo mó, bị đầu cơ, tác động tiêu cực tới hiệu quả chính sách tiền tệ, tới nguồn thu ngân sách và an ninh tài chính quốc gia.
Đương nhiên, khi giá trị gia tăng từ đất không được định giá đúng, đủ và được phân phối công bằng, minh bạch cho các đối tượng liên quan (nhà nước, người dân, doanh nghiệp) thì mâu thuẫn xã hội sẽ ngày một gay gắt. Bất ổn an ninh, trật tự xã hội và quyền lực nhà nước bị xói mòn chính là tổn thất lớn nhất.
Lỗ hổng thể chế khiến giá trị gia tăng của đất đai bị “mất mát”, chảy vào một nhóm “quyền lực” nhỏ, có thể nảy sinh tham nhũng chính sách trầm trọng
Theo thể chế hiện hành, chính quyền địa phương (cấp tỉnh), trong quản lý nhà nước về đất đai, được phép vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa quyết định người chơi lại có thể kinh doanh kết quả trận đấu. Theo phân cấp ngân sách giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, Luật đất đai hiện hành, chính quyền địa phương có quyền hoặc có thể can thiệp vào bốn nhân tố sau:
Thứ nhất, chính quyền có thể can thiệp vào quyết định định giá đất. Việc định giá đất, theo Luật, có Hội đồng định giá, nhưng chính quyền tỉnh có thành phần nằm trong Hội đồng định giá. Thêm vào đó, kết cấu của Hội đồng định giá khiến ý kiến chuyên gia về định giá đất trở thành một ý kiến không có trọng lượng, và Hội đồng định giá đất không độc lập (về quyền lực, quản lý nhà nước) với chính quyền tỉnh. Trong khi đó, giá đất lại chênh lệch quá lớn sau thay đổi quy hoạch và/hoặc chuyển quyền sử dụng đất. Cũng theo Luật hiện hành, khung giá đất tham chiếu được áp dụng 5 năm, không phản ánh được hơi thở của thị trường nên thấp hơn so với giá thị trường nhiều chục phần trăm. Đây là lý do khiến cho việc đền bù giải phóng mặt bằng chỉ có thể áp dụng cho dân mức giá thấp, không đúng với giá thị trường, gây mâu thuẫn xã hội gay gắt.
Thứ hai, chính quyền tỉnh có thể đề xuất quy hoạch hoặc có thể thay đổi quy hoạch, thực thi quy hoạch thay đổi ngay trong cùng nhiệm kỳ. Điều này khiến “rủi ro nhiệm kỳ” gia tăng. Trường hợp có làm sai với Luật hoặc quy hoạch tổng thì chưa một tỉnh nào phải chịu trách nhiệm giải trình về những sai phạm này. Tại Hà Nội và TP. HCM, nhiều bài báo, nhiều bằng chứng về việc quy hoạch bị băm nát khiến dân sinh khốn khổ.
Bản thân các chủ đầu tư làm sai giấy phép xây dựng là tình trạng phổ biến. Điều này cho thấy sự tuân thủ của họ cũng như sự tuân thủ của chính quyền địa phương với quy hoạch, thay đổi quy hoạch không phải là “pháp lệnh”; không ai chịu trách nhiệm giải trình cá nhân, không ai phải trả giá bằng “tiền túi” của chính họ. Việc trong cùng nhiệm kỳ có thể vừa thay đổi quy hoạch vừa triển khai thực hiện quy hoạch thay đổi đã vô hiệu hóa tính công khai, minh bạch của quy hoạch (vì Luật không quy định thời gian thay đổi quy hoạch cho tới khi thực hiện thay đổi thì phải công khai trong bao lâu…).
Thứ ba, tồn tại các sai phạm quản lý nhà nước về lựa chọn nhà thầu ở các tỉnh: chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai minh bạch. Báo cáo kiểm toán đầu tư công của Kiểm toán nhà nước các năm gần đây đều chỉ ra sai phạm này còn tồn tại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sai phạm này khiến nhiều nhà thầu không có năng lực hoặc yếu kém về tài chính lại được giao tổ chức thi công, khiến dự án chất lượng kém, thời gian thi công kéo dài, gây tổn thất lớn cho ngân sách và dân sinh.
Cuối cùng, theo quy định về phân cấp thu ngân sách Trung ương và địa phương, các tỉnh được giữ lại 100% nguồn thu từ thuế, phí đất đai trong tỉnh để tái đầu tư công của tỉnh.
Cả 4 yếu tố trên tạo ra một lỗ hổng thể chế lớn. Chỉ xét về lý thuyết, khi một cá nhân/tổ chức có quyền vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa chọn người chơi bóng, vừa quyết định tỷ số thì tổ chức/cá nhân đó khó lòng không nảy sinh ham muốn trục lợi từ cuộc chơi này. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh quy định công khai minh bạch còn lỏng lẻo (dù đã được thiết kế bởi luật), trách nhiệm giải trình và chế tài kỷ luật, bồi thường còn nhiều hạn chế như hiện nay.
Gần đây, các nhà nghiên cứu chính sách, các nhà hoạch định chính sách, và Chính phủ đã ý thức được những tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai. Việc sửa đổi Luật đất đai 2014, sau 5 năm vận hành, lại được đề cập như một nhiệm vụ cấp thiết nhất trong quản lý nhà nước hiện nay. Việc có thể pháp lệnh hóa quy hoạch, giải trừ toàn bộ “rủi ro nhiệm kỳ”, đưa công tác định giá đất cho các bên thứ ba độc lập, uy tín, nâng cao trách nhiệm giải trình và thiết kế chế tài xử phạt nghiêm minh với mọi đối tượng vi phạm quy hoạch, khuôn khổ pháp lý về đất đai chính là then chốt để thiết lập lại trật tự xã hội, là nền tảng tăng trưởng và ổn định trong dài hạn.
Trà Nguyễn
https://www.ntdvn.com/kinh-te/chay-mau-dat-chung-ta-dang-le-co-the-phat-trien-on-dinh-va-ben-vung-hon-8124.html
Việt Nam chấp thuận dự án
khai thác dầu khí ngoài khơi của Pharos Energy
Thủ tướng Việt Nam đã chấp thuận cho Công ty thăm dò dầu khí Pharos Energy tiến hành kế hoạch phát triển mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam.
Pharos Energy –còn được biết dưới tên Soco International, một công ty thăm dò, khai thác dầu khí có trụ sở chính tại London hôm thứ 6 ngày 11/9 cho biết thông tin trên trên tờ Offshore Engineer (OE).
Theo OE, Soco International cho hay Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận Kế hoạch Phát triển toàn mỏ Tê Giác Trắng giai đoạn cuối theo qui trình bắt buộc.
Soco trước đó nói rằng kế hoạch phát triển toàn mỏ bao gồm việc khoan sáu giếng đã được tất cả các đối tác chấp thuận và đang chờ sự đồng ý của Thủ tướng Việt Nam. Sự chấp thuận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được công bố hôm thứ Sáu, được cho là động thái sau khi giấy phép Mỏ dầu TGT được gia hạn thêm 2 năm đến ngày 7 tháng 12 năm 2026.
Với sự chấp thuận đó, Soco cho rằng “Việc đặt hàng các hạng mục dài có thể được tiến hành ngay bây giờ để có thể bắt đầu khoan sáu giếng có trong Kế hoạch phát triển mỏ (FFDP) của quý 4 năm 2021”
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Soco Int’l, Ed Story, nói trên tờ OE rằng: “Chúng tôi rất vui mừng nhận được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đối với Kế hoạch Phát triển Toàn mỏ TGT. Sự phê duyệt cuối cùng này giúp chúng tôi đưa ra các kế hoạch để bắt đầu khoan sáu giếng mới tại mỏ TGT bắt đầu từ Quý 4 năm 2021”
Mỏ dầu Tê Giác Trắng (TGT) nằm tại Lô 16-1, cách Vũng Tàu 100km về phía Đông Nam, ngoài khơi, thềm lục địa Việt Nam, cách mỏ Bạch Hổ 20km và cách mỏ Rạng Đông 35km, được phát hiện vào tháng 8/2005 với giếng khoan thăm dò đầu tiên Tê Giác Trắng 1X.
Dự án khai thác này được điều hành chung bởi công ty Liên doanh Hoàng Long.
Dòng khí đầu tiên từ Giàn H1 thuộc mỏ TGT đã bắt đầu được khai thác vào năm 2011.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-approves-pharos-energy-offshore-oil-project-09112020081551.html
Hoa Kỳ khởi động Học viện YSEALI
tại Đại Học Fulbright TP HCM
Giang Nguyễn
Tại buổi sinh hoạt với chủ đề “Tương lai ASEAN: Vai trò của giới trẻ”, vào ngày 4/9 tuần qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell tham gia qua video được thu hình trước, cho biết ông có tin vui chia sẻ với các tham dự viên có mặt tại Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở TP HCM.
“Thật là niềm vui được gửi lời chào đến tất cả các bạn và tôi rất phấn khởi khi được thông báo về kế hoạch mở rộng mới đầy thú vị của YSEALI. Bộ Ngoại giao đang làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để cung cấp 5 triệu Mỹ kim cho một học viện YSEALI mới tại Đại Học Fulbright ở TP HCM. Mối quan hệ đối tác này sẽ mang chương trình nổi bật của chính phủ Hoa Kỳ đến với Đại Học Fulbright, để hỗ trợ các lãnh đạo tương lai của 10 quốc gia thành viên ASEAN cũng như Đông Timor.
Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập vào năm 2015. Đây là đại học phi lợi nhuận, độc lập đầu tiên tại Việt Nam do Mỹ tài trợ. Còn YSEALI- chương trình Sáng kiến Lãnh Đạo trẻ Đông Nam Á là chương trình nổi bật của Chính phủ Hoa Kỳ, được khởi xướng vào năm 2013. Thông qua nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm trao đổi giáo dục và văn hóa Hoa Kỳ, các chương trình của YSEALI nhằm phát triển nguồn nhân lực của thế hệ trẻ ở Đông Nam Á, xây dựng khả năng lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng ASEAN.
Ông David Stilwell chia sẻ thêm về kế hoạch mới, dự kiến sẽ khởi động trong năm 2021:
“Học viện YSEALI tại Đại Học Fulbright sẽ tổ chức các buổi hội thảo về xây dựng năng lực cho các chuyên gia trẻ từ sơ đến trung cấp có tuổi đời từ 25-40 từ khắp Đông Nam Á với các chủ đề về công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách công và khởi nghiệp. Các bạn trẻ được lựa chọn sẽ tham gia vào các hội thảo, các dự án nhóm và các chuyến tham quan thực tế. Các bạn trẻ cũng sẽ có nhiều cơ hội bổ ích để mở rộng mạng lưới nghề nghiệp và sẽ là thành viên của mạng lưới cựu sinh YSEALI và Đại Học Fulbright”.
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, một cựu sinh YSEALI, từ Hà Nội cho biết những kinh nghiệm đã thu nhập được thông qua các chương trình đào tạo, trao đổi của YSEALI là quý báu.
“Cái chương trình YSEALI mà chị tham gia là vào mùa Xuân năm 2015, là chương trình dành cho các các siêu thủ lĩnh trẻ thuộc các nước khu vực ĐNA. Với bọn chị Khóa 2015 thì rất may được gặp Tổng Thống Mỹ Barack Obama, tới Nhà Trắng, được diện kiến, được cùng trao đổi với cả Tổng Thống về sự phát triển trong tương lai của thế hệ trẻ như thế nào. Những điều gì là những điều các siêu thủ lĩnh trẻ nên quan tâm, và làm thế nào để tạo dựng được một sự kết nối trẻ trong khu vực Đông Nam Á”.
Ls Ngọc Lan năm đó được gửi qua tiểu bang Montana của Hoa Kỳ, sống với một gia đình người Mỹ trong 3 tuần. Sau đó thì chị cùng các nghiên cứu sinh khác từ nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đi tiếp đến Washington DC, thăm viếng Nhà Trắng.
“Chủ đề, khi chị chọn apply cho chương trình đó là civic engagement (hoạt động dân sự). Sau khoảng thời gian ở bên đó về, thì chị học hỏi được rất là nhiều. Điều đầu tiên mà chị học được là tự tin vào chính mình. Ngày xưa chị không nghĩ được rằng, bởi vì chị mất một thời gian rất dài vì sinh con, xong rồi gần như không có đi làm. Khi đi làm lại, chị chỉ làm cho Việt Nam thôi và chị rất lo ngại khi vốn ngoại ngữ của mình rất cơ bản. Thứ 2, với cái tự tin này chị thấy rằng là mình thấy mình cũng không kém người khác. Và nói chung là đặt mình vào môi trường thì mình khắc phục rồi mình cũng sẽ rèn được, và nó cũng tốt hơn cho chị trong việc điều hành tổ chức của chị cũng như là trao đổi với nhân viên của chị. Chị tìm nhiều cách khác nhau để cùng làm việc với các bạn ấy.”
Chị Lan nói, trải nghiệm về cách làm việc, đối xử với nhau của người Mỹ, đã giúp chị rất nhiều trong nghề nghiệp, là luật sư và là nhà Tư vấn độc lập cho các dự án phát triển.
“Điều nữa khi mà ở bên đó, là những ý tưởng chia sẻ những điều của chị thì mọi người rất là ghi nhận. Không có một cái lời phê phán hoặc đặt câu hỏi ngược lại rằng liệu nó có thất bại hay không. Không hề có điều đó. Và điều này chị áp dụng khi chị về lại nước làm việc, chị thấy là nó khuyến khích cái sáng tạo của con người, rất là tốt. Vì không có gì là tuyệt đối, và chỉ có cái là cách mình ứng phó với nó như thế nào. Thứ 3, khi mình hiểu văn hóa, mình thấy bản chất con người rất là lương thiện với nhau. Và mình hiểu được là để có thể tồn tại được chúng ta cần phải sát cánh với nhau, cần phải tạo lực với nhau trên một khối liên kết, và hiểu rằng giới trẻ là một lực lượng rất là sáng tạo”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết trực tuyến tại sự kiện, kể từ khi chương trình YSEALI được khởi động, đã có hơn 150.000 thành viên trong mạng lưới YSEALI, trong đó có 30.000 thành viên đến từ Việt Nam.
Ông nói, “Chính phủ Hoa Kỳ tự hào góp phần cùng YSEALI và Đại học Fulbright Việt Nam tăng cường năng lực cho giới trẻ, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong cộng đồng ASEAN”.
Một cựu thành viên YSEALI được nhiều người biết đến, không đơn thuần vì thành tích nghề nghiệp của bản thân mà còn tinh thần dấn thân cho cộng đồng, là anh Trần Hoàng Phúc. Năm 2016 anh bị công an thẩm vấn khi đang cùng các thành viên YSEALI khác chờ đợi tham gia cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Obama khi ông viếng thăm Việt Nam.
Trần Hoàng Phúc bị tuyên án tù 6 năm tù giam và 4 năm quản thúc tại gia trong một phiên tòa vào ngày 31/1/2018 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Chị Trương Thị Hà, một chuyên gia tư vấn luật, nhận định về sinh hoạt của anh Phúc liên quan đến YSEALI:
“Nguyên nhân mà bạn Trần Hoàng Phúc bị bắt, không phải là do chương trình YSEALI. Mà bạn Phúc đã tham gia nhiều hoạt động khác. Chính quyền có thể viện cớ đề bắt bạn. Còn chương trình YSEALI em thấy là rất hay. Đây là một chương trình công khai bên phía Mỹ, họ tổ chức chương trình này và họ có nội dung đào tạo liên quan đến lãnh đạo cho các bạn trẻ, thì ít nhất khi mà các bạn trẻ tham gia thì em nghĩ là chính quyền Việt Nam, bước đầu thì họ có để ý đó.”
Theo chị Trương Thị Hà nhận định, chính quyền Việt Nam có khuyến khích các bạn trẻ học hỏi, đi ra nước ngoài để phát triển bản thân, nhưng chỉ đến một mức nào đó thôi.
“Nhưng nếu mà các bạn trẻ chỉ đơn thuần chỉ làm trong phát triển kinh tế hoặc cái chuyên môn của họ, thì được, còn nếu bất kể bạn trẻ nào mà họ quan tâm quá nhiều, hoặc hoạt động mà chính quyền cho rằng tuyên truyền chống phá nhà nước, thì em thấy là các bạn trẻ Việt Nam dù là học gì đi chăng nữa thì cũng bị chính quyền chú ý”.
Với sự tài trợ của Hoa Kỳ, thông qua Học viện YSEALI, nhiều người trẻ sẽ có thêm cơ hội dấn thân để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-launches-yseali-academy-at-fulbright-university-vietnam-09102020131103.html
CSVN ủng hộ vai trò của Mỹ tại biển Đông,
phản đối Bắc Kinh tại cuộc họp ASEAN
Tin từ Hà Nội, Việt Nam – Hôm thứ năm (10/9), trong một cuộc họp trực tuyến giữa các đại diện ASEAN và ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo, ông Pham Bình Minh, Ngoại trưởng cộng sản Việt Nam cho biết, các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh những đóng góp mang tính xây dựng và đáp ứng của Hoa Kỳ, trong nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, ông Minh cho hay, các quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng nắm bắt các cơ hội hợp tác thiết thực với Hoa Kỳ trong khu vực. Ngoài ra, phía cộng sản Việt Nam cũng phản đối bình luận của Bắc Kinh cho rằng các lực lượng Hoa Kỳ đang gây bất ổn trong khu vực.
Theo tờ Bloomberg đưa tin, trong cuộc họp trực tuyến một ngày trước đó, ông Wang Yi, ngoại trưởng Trung Cộng cho rằng, Hoa Kỳ đang can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ và tăng cường quân sự trong khu vực tranh chấp không vì mục đích chính trị của quốc gia này.
Ông gọi Hoa Kỳ là động lực lớn nhất cho quá trình quân sự hóa Biển Đông, và là nhân tố nguy hiểm nhất gây tổn hại đến hòa bình khu vực. Bên cạnh đó, tại một cuộc họp riêng hôm thứ tư (9/9), ngoại trưởng Pompeo đã lắng nghe một số quốc gia ASEAN chia sẻ về những lo lắng liên quan đến các hành động của Trung Cộng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng cộng sản Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ sự lo lắng về những gì đang diễn ra như quá trình quân sự hóa và các hoạt động vi phạm quyền hợp pháp của các nước nhỏ, đi ngược lại luật pháp quốc tế đối với Luật Biển. (BBT)
https://www.sbtn.tv/csvn-ung-ho-vai-tro-cua-my-tai-bien-dong-phan-doi-bac-kinh-tai-cuoc-hop-asean/
Việt Nam – Trung Quốc đàm phán
phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ
Vào ngày 9/9, Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán trực tuyến vòng XIII Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và vòng X Nhóm công tác trao đổi về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng trích nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết như vậy hôm 10/9.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, hai bên đã nhất trí trên cơ sở lộ trình đã thống nhất, nỗ lực thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo
đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Ngày 25 tháng 12 năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc bộ, và Hiệp định về Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ.
Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi ký kết đã gặp phải nhiều chỉ trích từ một số các nhân sĩ, trí thức trong nước vì họ cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ quá nhiều biển cho Trung Quốc. Tuy nhiên, những chuyên gia tham gia đàm phán từ phía Việt Nam cho rằng Hiệp định này phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý vì nó đảm bảo sự công bằng mà hai bên chấp nhận được.
Trong khi đó, Hiệp định về Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc bộ đã chính thức hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020.
Vịnh Bắc bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Vịnh có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí.
Đây cũng là nơi xảy ra sự kiện vào tháng 8 năm 2005 khi tuần duyên Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Việt Nam trên hai tàu cá của ngư dân Thanh Hoá. Phía Việt Nam nói, những ngư dân này đã bị bắn chết khi đang đánh bắt cá trong vùng biển của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc nói rằng các tàu cá này đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-push-forward-negotiation-on-the-tonkin-gulf-09112020081243.html
Việt Nam mua hệ thống giám sát của Israel
để trang bị cho tàu cảnh sát biển
Việt Nam vừa chọn công ty Controp của Israel làm nhà cung cấp hệ thống giám sát cho các tàu mới của lực lượng cảnh sát biển, truyền thông Israel dẫn thông báo từ công ty Controp cho biết hôm 11/9.
Controp là nhà sản xuất chuyên về hệ thống giám sát và điện quang. Công ty này đã trở thành nhà cung cấp tích cực cho Việt Nam trong vài năm qua khi Việt Nam bắt đầu đầu tư vào việc nâng cấp vũ khí, thiết bị cho quân đội giữa bối cảnh căng thẳng trong khu vực Biển Đông đang ngày càng gia tăng.
Tin cho hay hợp đồng mới nhất của Việt Nam với công ty Israel là hệ thống giám sát iSea-25HD, phiên bản đơn giản hơn của các bộ iSea30 và iSea50. Hệ thống này được đặt trong một bộ đơn nhất dành cho tàu thuyền cỡ trung bình.
Sẽ có 12 tàu cảnh sát biển được trang bị hệ thống mới, trong đó có 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hồng Hà tại Việt Nam đóng và số tàu còn lại được nhà máy L&T đóng tại Ấn Độ.
Giám đốc tiếp thị cấp cao khu vực châu Á của Controp, Dror Harari, cho biết hệ thống giám sát iSea-25HD được phát triển trong 2,5 năm qua, với hệ thống camera cả ngày và đêm, chế độ xem trực thị (LOS) liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo hình ảnh rõ nét ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt trên biển như sương mù, độ ẩm cao, nước bắn…, cho phép tàu thuyền phát hiện được các vật thể nhỏ và tàu cá ở khoảng cách xa lên đến 10 km và phát hiện các tàu lớn hơn lên đến 20 km. Thiết bị nặng 13 kg này cũng được trang bị công cụ tìm kiếm bằng laser.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán phiên bản này cho người Việt Nam”, Defense News dẫn lời ông Harari nói, đồng thời cho biết các hệ thống giám sát mới sẽ được giao cho Việt Nam sau vài tháng.
Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách hiện đại hoá quân đội, Israel đang trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho quân đội Việt Nam, chỉ sau đối tác truyền thống là Nga, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Ngược lại, với chi phí lên đến hàng tỷ đô la cho việc mua sắm vũ khí hiện đại từ Israel, Việt Nam cũng trở thành khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Israel trong khu vực Đông Nam Á.
Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế nói mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Israel không chỉ đơn thuần là mua bán vũ khí, mà còn phát triển theo chiều sâu thông qua các chương trình hợp tác quân sự, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-mua-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-c%E1%BB%A7a-israel-%C4%91%E1%BB%83-trang-b%E1%BB%8B-cho-t%C3%A0u-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-bi%E1%BB%83n/5579932.html
Kêu gọi mua báo Đảng:
“Lời thú nhận thất bại một cách gián tiếp!”
Vì sao phải kêu gọi mua báo Đảng lúc này?
Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 9 tháng 9 năm 2020, đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, và các tờ báo đảng như Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật… tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam ban hành trước đây. Trong đó yêu cầu tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng…
Đây không phải là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ thị tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng… Nhưng vì sao dù đã có chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã lâu, mà Ban Tuyên giáo lại phải tiếp tục kêu gọi như vậy?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Nếu chỉ thị đó có hiệu lực trong phạm vi đảng thì không có việc gì cả, một ban của đảng chỉ chị cho các đảng bộ địa phương mua báo của đảng thì không thành vấn đề, đó là chuyện nội bộ của đảng. Khó nhất là người ta lấy tiền ngân sách, tức là tiền thuế của người dân bình thường không phải đảng viên, như tôi chẳng hạn, tôi phải đóng thuế… để đi mua những tờ báo đó… thì mới thành vấn đề… tôi sợ rằng nó rơi vào trường hợp thứ hai, chứ không phải trong phạm vi đảng, dùng quỹ đảng để mua.”
Mua báo Đảng có là nhu cầu cần thiết?
Họ bắt các cơ quan khác lấy tiền ra mua thì tôi nghĩ đấy là một cách nhồi sọ rất trắng trợn, nó thể hiện một sự bất lực của họ là chẳng ai thèm đọc cả, nên mới phải ép buộc như vậy. Đó là một lời thú nhận thất bại một cách gián tiếp.
-TS. Nguyễn Quang A
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra chỉ thị đến tất cả các ban ngành ở các địa phương trên toàn quốc, cần nâng cao nhận thức, coi việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm, là nhu cầu cần thiết.(!?)
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, nói:
“Tôi nghĩ đối với đảng của họ thì chắc chắn họ nghĩ báo đảng là cần thiết, còn đối với người dân thì người ta coi cái đấy ra gì, và tôi nghĩ ngay cả các đảng viên thường thì cũng chẳng ai coi báo đấy ra cái gì cả.”
Liệu việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng có là nhu cầu cần thiết của người dân, hay công chức địa phương mà Ban Tuyên giáo Trung ương gắn nó với trách nhiệm? Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ đấy là một cách áp đặt cho bên dưới… nếu mà họ lưu hành nội bộ trong đảng của họ thì không nói làm gì. Còn nếu họ bắt các cơ quan khác lấy tiền ra mua thì tôi nghĩ đấy là một cách nhồi sọ rất trắng trợn, nó thể hiện một sự bất lực của họ là chẳng ai thèm đọc cả, nên mới phải ép buộc như vậy. Đó là một lời thú nhận thất bại một cách gián tiếp.”
Những ai làm về báo chí đều biết ngoài việc đưa tin xác thực, nói chung phải đánh đúng nhu cầu của người đọc, những cái người đọc đang quan tâm thì theo đúng. Vậy liệu có phải Ban Tuyên giáo Trung ương biết rõ báo đảng không đáp ứng được nhu cầu người dân nên phải ra chỉ thị, gắn trách nhiệm?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định dưới góc nhìn của mình:
“Họ quá lo lắng vậy thôi, chứ tôi nói ví dụ như cơ quan của tôi là một trường đại học, bao giờ tờ báo Nhân dân cũng có trong các tổ chức trong trường do ngân sách bỏ tiền mua… Ta thấy tình trạng buồn cười lắm, những tờ báo này nếu là kinh tế thị trường bình thường thì chắc đã chết từ lâu rồi… vì không ai mua cả. Bằng chứng rất là rõ và rất dễ kiểm chứng, chỉ cần ra phố hỏi người bán báo mua báo Nhân dân, thì người bán kinh ngạc lắm, tưởng mình nói đùa vì họ không bao giờ bán báo Nhân dân cả… lý do đơn giản vì không ai mua nên bán làm chi.”
Đối với các nước nói chung, báo chí là một sản phẩm của thị trường thì phải căn cứ vào nền kinh tế thị trường. Người ta hay gọi báo chí là một món ăn tinh thần, như vậy để thị trường quyết định. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì người ta sẽ chấp nhận và mua (xem) sản phẩm đó, và tờ báo sẽ sống được.
Vậy những tờ báo đảng như báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản… được tiêu thụ ở đâu? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng giải thích:
“Báo đảng được tiêu thụ ở các tổ chức nhà nước, người ta lấy tiền thuế của dân để đi mua báo. Ta thấy một tình trạng là tờ báo Nhân Dân lấy tiền thuế của dân làm ra báo, và tờ báo đó cũng được mua bằng tiền thuế của dân, vòng xoay cứ như thế nhưng không ai đọc. Nhưng theo tiêu chuẩn của đảng là rất quan trọng, được đánh giá rất cao, tổng biên tập tờ báo đó phải là ủy viên trung ương đảng, tờ báo
được đối xử như một bộ… Ví dụ lãnh đạo tổ chức nhân sự tờ báo được gọi là Vụ trưởng Vụ tổ chức nhân sự báo Nhân Dân, như một vụ của một bộ, thực tế là như vậy đó nhưng chả ai đọc cả.”
Không có tự do báo chí
Chỉ cần ra phố hỏi người bán báo mua báo Nhân dân, thì người bán kinh ngạc lắm, tưởng mình nói đùa vì họ không bao giờ bán báo Nhân dân cả… lý do đơn giản vì không ai mua nên bán làm chi.
-PGS. TS. Hoàng Dũng
Nếu có ai đọc báo của đảng như báo Nhân Dân, thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, họ chỉ muốn kiểm chứng chính sách của đảng như thế nào? Người đọc quá ít nên sự tồn tại của báo đảng như báo Nhân Dân là một sự mỉa ai cho nền báo chí. Ông nói tiếp:
“Nhưng ta biết đây kinh tế thị trường nhưng là kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa, các tờ báo đảng như tờ Nhân Dân thể hiện cái Xã hội Chủ nghĩa đó. Như tôi đã nói, chỉ thị đó là do họ quá lo vậy thôi, chứ lâu nay họ vẫn bỏ tiền nhà nước ra mua, vì tiền nhà nước chứ không phải tiền túi nên người ta có e ngại gì đâu? Mà cơ quan kiểm toán thấy dùng tiền thuế dân mua báo Nhân Dân thì đó cơ quan kiểm toán nào dám có ý kiến. Đối với mua báo đảng, chỉ là số tiền nhỏ đối với các cơ quan, mà lại bảo kê về mặt tư tưởng, nên không ai lại ngại ngần gì mà bỏ tiền ra mua. Chỉ thị như vậy là do họ quá lo lắng thôi chứ không có tác động gì lớn.”
Không chỉ báo Đảng, báo chí tại Việt Nam nói chung phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin – Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình:
“Họ vẫn tư duy theo lối cũ, rõ ràng đây là một cách tư duy có từ những năm 60 thế kỷ trước, mà họ vẫn làm, không có gì thay đổi. Bây giờ là thời đại của internet, công nghệ thông tin, thì làm sao nó phù hợp được, trong khi hiện nay thông tin luôn luôn mới trong một thế giới đầy biến động. Bây giờ vẫn cứ nhìn nhận theo một cách áp đặt như thế thì không thể được.”
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, đã công bố phúc trình về Chỉ số Tự Bo Báo chí Thế giới năm 2020; theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia, được đánh giá là không có tự do báo chí.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/calling-to-buy-party-newspapers-a-confession-failed-indirectly-09102020140754.html
Điểm tin trong nước sáng 11/9:
Mỹ cấp 5 triệu đôla, lập học viện YSEALI tại Việt Nam;
TP.HCM mới thu hồi được 274 hộp pate Minh Chay
Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Năm (11/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
TP.HCM mới thu hồi được 274 hộp pate Minh Chay
Liên quan đến vụ ngộ độc do pate Minh Chay. Hôm 10/9, báo VOV đưa tin, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, qua rà soát trên địa bàn, đến nay ghi nhận có 1.920 khách mua sản phẩm pate Minh Chay của Công ty Lối sống mới (Hà Nội), trong đó chỉ liên hệ được 1.107 người mua.
Trong số này, 938 người cho biết đã sử dụng hết hoặc đã hủy sản phẩm khi biết thông tin cảnh báo nên không còn sản phẩm để giao nộp.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã thu hồi được 274 hộp sản phẩm pate Minh Chay của 156 khách hàng. Có 14 khách hàng cho biết sẽ tự giữ để gửi trả lại cho Công ty Lối sống mới…
Về tình hình điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay, hiện TP.HCM đang điều trị cho 4 bệnh nhân, trong đó 1 bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và 1 bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân dân 115.
Trong số này, chỉ có một bệnh nhân nữ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã cai được máy thở, còn lại các bệnh nhân khác mức độ phục hồi chưa có sự cải thiện, tiên lượng còn nặng, dự kiến phải thở máy trong thời gian dài.
CDC Mỹ đặt văn phòng ở Việt Nam để ứng phó virus Vũ Hán
Truyền thông trong nước dẫn tin cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa công bố sớm mở 1 văn phòng Đông Nam Á đóng tại Hà Nội, để cùng ứng phó tình hình bệnh dịch Covid-19.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố thông tin trên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ diễn ra trực tuyến vào sáng 10/9.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này hỗ trợ 87 triệu USD cho các nước Đông Nam Á nhằm ứng phó đại dịch Covid-19. Mỹ cam kết sát cánh cùng ASEAN trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó dịch bệnh.
CDC Mỹ sẽ thiết lập một văn phòng tại Hà Nội nhằm chung tay ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19, và xa hơn là hợp tác phát triển y tế cộng đồng ở khu vực. CDC Mỹ cũng đang hợp tác với phía Việt Nam và Thái Lan trong chương trình tài trợ các hệ thống giám sát dựa trên dữ kiện về Covid-19.
Mỹ cấp 5 triệu đôla, lập học viện YSEALI tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cấp 5 triệu USD để thành lập Học viện YSEALI ở Việt Nam, nhằm hỗ trợ các chuyên gia trẻ trên nhiều lĩnh vực, theo truyền thông trong nước.
Tại sự kiện “Tương lai của ASEAN: Vai trò của Giới trẻ” ở TP.HCM hôm 4/9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell công bố Học viện YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) sẽ được đặt tại Đại học Fulbright Việt Nam, TP.HCM, theo thông cáo của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cùng ngày.
Học viện YSEALI được thành lập với mục đích cung cấp các buổi hội thảo về xây dựng năng lực trên nhiều lĩnh vực cho các chuyên gia từ 25-40 tuổi khắp Đông Nam Á.
Chương trình của Học viện YSEALI cũng cung cấp cơ hội tham gia các hội thảo, dự án nhóm và tham quan thực tế. Những bạn trẻ còn có cơ hội bổ ích để mở rộng mạng lưới nghề nghiệp. Dự kiến các học giả, các nhà thực hành chính sách và diễn giả khách mời từ Mỹ, Đông Nam Á sẽ được mời để hướng dẫn và tư vấn cho hơn 400 chuyên gia trẻ từ tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN và Đông Timor.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-11-9-my-cap-5-trieu-dola-lap-hoc-vien-yseali-tai-viet-nam-tp-hcm-moi-thu-hoi-duoc-274-hop-pate-minh-chay.html
Điểm tin trong nước tối 11/9:
Nói trâu hoang phá rừng nhưng tìm không thấy;
26 trẻ ở chùa ‘Kỳ Quang 2’ nhập viện
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Năm (11/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
26 trẻ ở “chùa Kỳ Quang 2” nhập viện
Thanh Niên đưa tin, sáng 11/7, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, từ lúc 16 giờ ngày 10/9, khoa Cấp cứu tiếp nhận 26 bé từ mái ấm chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp) trong tình trạng ói, đau bụng, tiêu chảy, nghi ngộ độc thực phẩm.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h trưa 10/9, có 50 bé ở mái ấm chùa Kỳ Quang 2 ăn cơm với thịt kho trứng vịt, canh bầu nấu thịt. Sau ăn các bé có triệu chứng như trên nên được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Đến 22h cùng ngày (10.9), có 20 bé sức khỏe ổn định nên bác sĩ đã cho về. Nhà chức trách TP.HCM đã lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm làm rõ.
Nói trâu hoang phá rừng nhưng tìm không thấy
Cũng theo Thanh Niên, ngày 11/9, ông Nguyễn Anh Doãn, Chủ tịch UBND P.3 (TP. Đông Hà) xác nhận, có báo cáo về việc xử lý đàn trâu hoang phá 17 ha rừng trồng và tấn công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV lâm trường Đường 9 gửi UBND TP. Đông Hà.
Ông Doãn cho hay đã bố trí người của phường phối hợp kiểm lâm địa bàn, và Công ty Đường 9 kiểm tra. Tuy nhiên không phát hiện đàn trâu hoang như phản ánh của Công ty Đường 9. “UBND phường tiếp tục tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, nếu phát hiện có đàn trâu của bà con nhân dân Khe Lấp, P.3 phá rừng trồng của công ty thì sẽ có biện pháp phối hợp xử lý”, báo cáo nêu.
Theo lãnh đạo UBND P.3, trong quá trình kiểm tra, tại địa điểm Công ty Đường 9 báo cáo đàn trâu thường xuất hiện, ghi nhận có vết chân trâu nhưng khi đi tìm thì không thấy đàn trâu. Ông Doãn cho rằng đây là địa bàn giáp ranh xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ), xã Triệu Ái (H.Triệu Phong) nên đàn trâu có thể đi qua lại.
Quảng Nam: Bệnh nhân 624 liệt nửa người xuất viện
Theo Suckhoedoisong, sáng 11/9, cơ quan chức năng Quảng Nam đã thông báo về tình hình điều trị dịch viêm phổi Vũ Hán ở tỉnh này. Trong đó đáng chú ý có bệnh nhân số 624, 69 tuổi, bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người đã được xuất viện vào sáng cùng ngày.
Tỉnh Quảng Nam ghi nhận tất cả 96 ca viêm phổi Vũ Hán, trong đó 74 người đã khỏi bệnh, 3 ca tử vong và 18 ca đang được điều trị. Trong 18 ca còn lại thì có 2 ca có triệu chứng nhẹ, 16 ca bệnh không có triệu chứng.
Dỡ bỏ phong tỏa ổ dịch Thế giới bò tươi
Dân Trí thông tin, sau gần 1 tháng bị phong tỏa, cách ly, nhà hàng Thế giới Bò tươi ở địa chỉ 36 Ngô Quyền, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương và gần 50 hộ dân lân cận đã trở lại cuộc sống bình thường, bắt đầu từ 0 giờ ngày 11/9.
Theo các cơ quan chức năng TP. Hải Dương, đến hết ngày 10/9, ngoài bệnh nhân 867 còn 15 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch Thế giới bò tươi, trong đó có 11 người đã ra viện. Riêng trong khu vực cách ly có 3 bệnh nhân, 1 bệnh nhân đã ra viện.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-11-9-noi-trau-hoang-pha-rung-nhung-tim-khong-thay-26-tre-o-chua-ky-quang-2-nhap-vien.html