Một vài hình ảnh nổi bật trong năm 2019
Wednesday, February 5, 2020 //
- Slider
,
- TinThế giới
Háo hức đón chờ thượng đỉnh Mỹ – Triều, phẫn nộ kẻ đốt rừng Amazon, đau lòng cho 39 người Việt ở Essex, tiếc cho Nhà thờ Đức Bà… năm cuối của thập niên để lại dư âm khó quên.
Báo chí thế giới nhận định thập niên 2010 là 10 năm của những đứt gãy, những “cơn địa chấn chính trị”, bất ổn và những niềm hy vọng bị dập tắt trên khắp thế giới. Năm 2019, năm được xem là cuối cùng của thập niên (dù về lý thuyết phải đến năm 2021 thì thập niên 2020 mới bắt đầu), đến trong niềm hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên – di sản cuối cùng của Chiến tranh Lạnh và là điểm nóng địa chính trị nguy hiểm nhất thế giới – có thể được giải quyết. Năm 2019 không cho chúng ta một kết thúc có hậu cho vấn đề Triều Tiên, thay vào đó là những “điểm nóng” mới, một cuộc khủng hoảng toàn cầu đe dọa tương lai nhân loại, những sự chia rẽ ở mọi nơi. Tất nhiên là có cả những niềm hy vọng mới (và cả một quả chuối trị giá 120.000 USD). Xin điểm lại những hình ảnh đáng nhớ trong năm 2019 của thế giới.
2019: The year in review
Cú bắt tay lịch sử TT Trump – Kim ở Hà Nội
Thượng đỉnh Mỹ – Triều ngày 27-28/2 tạo nên những cơn sốt trên đường phố Hà Nội dõi khi lãnh đạo hai nước đi qua. Người dân thủ đô vẫy cờ Mỹ và Triều Tiên, gửi gắm hy vọng hòa bình. Hai lãnh đạo còn gặp lại ngày 30/6 ở biên giới Hàn – Triều. Nhưng đến nay, đàm phán phi hạt nhân hóa chưa đạt kết quả, với việc Triều Tiên bóng gió đe dọa “món quà Giáng sinh” dành cho Mỹ những ngày cuối năm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập thi nhau áp thuế, đe dọa chiến tranh tiền tệ. Thị trường có nhiều ngày “tắm máu”. Huawei và CFO Mạnh Vãn Châu không thoát khỏi vòng xoáy. Nhưng trong ngày mở cửa siêu thị Costco (Mỹ) ở Tc, người dân vẫn xếp hàng dài, không mấy quan tâm tới thương chiến.
Giấc mơ ngàn dặm hóa ác mộng: 39 người Việt và 2 cha con El Salvador
“Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được”. Tin nhắn gây chấn động toàn thế giới, khởi đầu cho dòng câu chuyện bi thương của 39 người Việt tử nạn trên xe đông lạnh vào Essex, và của hàng nghìn số phận người Việt khác đã chịu vô vàn khổ ải, nguy hiểm trên đường vượt biên trái phép sang Anh.
Nhưng hành trình của những người Việt đến châu Âu chỉ là một phần nhỏ trong bức dòng chảy di cư chưa bao giờ ngừng lại trên thế giới. Những đoàn người vẫn lên đường, phần nhiều là từ những nơi nghèo đói, xung đột để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho gia đình và con cái họ. “Giấc mơ Mỹ” kết thúc ở dòng sông biên giới Mỹ – Mexico của hai cha con El Salvador có lẽ là hình ảnh lan truyền mạnh nhất của năm. Người cha 26 tuổi, Oscar Alberto Martinez Ramirez, chết trong cái ôm của con gái 2 tuổi Valeria. “Giấc mơ của chúng tôi chỉ là tìm cuộc sống tốt hơn. Con người ai cũng có giấc mơ”, vợ của Martinez, người chứng kiến hai cha con bị nước cuốn đi, kể về bi kịch của gia đình, cũng là nguy cơ của hàng chục nghìn gia đình Trung Mỹ khác vẫn cố vượt biên vào Mỹ mỗi năm.
Cô dâu Việt ở Hàn Quốc, Đoàn Thị Hương về nước
Video lan truyền viral về chồng Hàn đánh đập vợ người Việt dã man trước con trai tháng 7, và vụ cô dâu Việt bị chồng Hàn giết hại tháng 11, đã khiến dư luận cả hai nước phẫn nộ. Các bi kịch đặt ra dấu hỏi về sự kỳ thị ở Hàn đối với người nước ngoài, cũng như về “guồng máy” môi giới, rao bán cô dâu Việt trên YouTube và đưa hàng nghìn cô sang Hàn mỗi năm bằng sự dối trá.
Hai năm lao lý với Đoàn Thị Hương cuối cùng đã đi đến hồi kết. Tại phiên tòa tháng 3, cô bật khóc khi bị cáo người Indonesia Siti Aisyah được thả, còn mình tiếp tục bị truy tố. Nhưng tới phiên tòa ngày 1/4, Đoàn Thị Hương bước ra với nụ cười. Cô vẫn bị kết án, nhưng với tội danh nhẹ hơn, và nhờ giảm án nên đã được trả tự do vào tháng 5.
Cảnh trái ngược sau phiên tòa tháng 3.
Phiên tòa ngày 1/4 và lá thư cảm ơn “tất cả mọi người”.
Sự ổn định mong manh
Năm 2019 chứng kiến những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp thế giới, từ Đông Á đến Trung Đông, từ châu Âu đến Nam Mỹ. Các cuộc biểu tình – làm gián đoạn cả những thành phố vốn vận hành hoàn hảo như Hong Kong và Paris – phô bày sự bất mãn trong lòng những xã hội tưởng chừng ổn định và giàu có nhất. Từ Pháp, Venezuela, Hong Kong đến Chile, Bolivia, biểu tình kéo dài ngày này qua tháng khác. Ở một số nơi, người biểu tình buộc chính phủ chuyển khỏi thủ đô, tổng thống phải từ chức, và người dân rời bỏ quê hương. Vào đầu năm 2019, ít ai biết những cuộc biểu tình này sẽ nổ ra. Nhưng năm 2020 sẽ đến trong lúc nhiều người biểu tình tuyên bố họ sẽ không dừng lại cho đến khi yêu cầu được đáp ứng.
Phong trào áo khoác vàng ở Pháp.
6 tháng biểu tình ở Hong Kong.
Hỗn loạn ở Venezuela, khiến hàng triệu người rời bỏ đất nước.
Hàng nghìn người thương tật ở Iraq.
Cháy Nhà thờ Đức Bà
Du khách và người dân Paris kinh hoàng chứng kiến Nhà thờ Đức Bà bị biển lửa nuốt chửng trong nhiều giờ ngày 15/4. Giữa tiếng chuông đồng loạt của các nhà thờ khác tại Paris, họ không cầm được nước mắt và cầu nguyện: “Paris biến dạng rồi”. Cả thế giới tiếc thương cho “trái tim đang cháy của Paris”.
“Nhà chúng ta đang cháy”
Năm 2019 cũng là thời điểm người dân thế giới, được khởi xướng và dẫn đầu bởi người trẻ, lên tiếng yêu cầu những hành động cứng rắn hơn trước cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa tương lai của loài người. Nhưng ở hội nghị COP25 cuối năm, các lãnh đạo vẫn chưa thể cam kết mạnh hơn chống biến đổi khí hậu, dù Hiệp định Paris hiện vẫn chưa đủ để ngăn thảm họa tương lai. Người dân quan ngại xuống đường trên khắp thế giới, và thế hệ trẻ, nổi bật là cô gái Thụy Điển 16 tuổi Greta Thunberg, đã lên tiếng: “Chúng ta phải coi như nhà chúng ta đang cháy, vì thực sự đúng như vậy”.
Thời tiết , thiên tai có một năm hoành hành. Châu Âu, Nhật Bản, Tc, Ấn Độ, Australia đều chịu đợt nóng kỷ lục. Trong ảnh, Bahamas bị bão Dorian tàn phá, giới trẻ lên tiếng, diễn viên Jane Fonda biểu tình về biến đổi khí hậu. Venice ngập tệ nhất 50 năm, trong khi Chennai thiếu nước kỷ lục.
Cháy rừng, khói bụi “biến ngày thành đêm”
Năm 2019 chứng kiến cháy rừng kỷ lục ở nhiều nước, thậm chí ở Brazil khói bụi đã “biến ngày thành đêm”. Từ California, Amazon đến Indonesia, Australia, những hình ảnh chết chóc buộc thế giới suy ngẫm về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như cơn khát lợi nhuận của những kẻ đốt rừng lấy đất trồng trọt, rộng hơn là việc nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang ảnh hưởng ra sao đến Trái Đất.
Cháy rừng ở Amazon tháng 8-9.
Cháy rừng ở Indonesia (ảnh 1), làm Singapore, Malaysia khói mù mịt (ảnh 2).
Cháy rừng ở California (ảnh 1) làm 200.000 người di tản, và ở Australia (ảnh 2) làm khói bay sang New Zealand.
Luận tội Tổng thống Trump
Washington tiếp tục chia rẽ. Đầu năm, chính phủ phải đóng cửa 35 ngày, dài nhất trong lịch sử, và cuối năm, Tổng thống Trump bị luận tội vì ép buộc Ukraine điều tra đối thủ Joe Biden. Gần như chắc chắn, ông sẽ được Thượng viện xử trắng án. Bất trắc hơn cả, là khối cử tri Mỹ đang do dự sẽ nghiêng về phe Dân chủ, cho rằng tổng thống thực sự sai phạm, hay về phía Cộng hòa, cho rằng luận tội chỉ là chiêu trò chính trị. Họ sẽ định đoạt cục diện bầu cử 2020.
Tranh cử tổng thống Mỹ nóng dần
Cuộc đua giành vé đại diện đảng Dân chủ, từng rất đông với hơn 20 ứng viên, đang dần thu hẹp. Bầu cử sơ bộ ở các bang đầu tiên chỉ còn cách hơn 30 ngày. Bên kia chiến tuyến, Tổng thống Trump cho thấy ông vẫn sẽ tranh cử với phong cách riêng của mình đã giúp ông đắc cử năm 2016. Ảnh dưới cùng là cuộc “thăm dò bằng hạt ngô” không mang tính khoa học chút nào xem ai đang dẫn đầu bên phía đảng Dân chủ. Nếu có gì không thay đổi vào đầu và cuối năm 2019 chính là sự chia rẽ đảng phái trong lòng nước Mỹ.
Điểm nóng
Căng thẳng Mỹ – Iran lên cao nhất trong 30 năm, và “thùng thuốc súng” ở vùng Vịnh cận kề phát nổ. Tháng 6, Mỹ cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu, nhưng Iran phủ nhận. Sau đó, Iran bắn hạ drone của Mỹ, cáo buộc vi phạm không phận, còn Mỹ lại nói đó là không phận quốc tế. Tổng thống Trump nói đã hủy kế hoạch tấn công Iran “10 phút trước khi không kích… khi tôi hỏi bao nhiêu người sẽ chết” – cách giải thích gây tranh cãi. Đến tháng 9, hai cơ sở dầu trọng yếu của Saudi Arabia bị tấn công, gây gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung dầu. Saudi tố cáo Iran đứng đằng sau.
Biển Đông đã có một năm nhiều diễn biến, bao gồm hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8. Tháng 7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Tc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Bên cạnh Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ và giới chuyên gia đã lên tiếng phản đối. Ngày 7/8, nhóm tàu Hải Dương 8 dừng khảo sát và rút khỏi EEZ của Việt Nam. Đến ngày 13/8, nhóm tàu này trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ngày 12/9, nhóm tàu này “tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền đối với EEZ của Việt Nam”. Ngày 3/10, Bộ Ngoại giao cho biết nhóm tàu HD8 “tiếp tục mở rộng hoạt động tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam”, đồng thời phản đối các hành vi này.
Bi kịch và hy vọng
Năm 2019 nhiều bi kịch, thảm họa, chiến tranh đã thu hút sự chú ý của bạn đọc, để lại những hình ảnh đáng suy ngẫm. Người thân nạn nhân rơi máy bay ở Ehiopia đau đớn khi chỉ được trả lại 1 kg đất thay vì hài cốt, với lý do quá trình nhận dạng sẽ kéo dài. Xả súng ở Christchurch, New Zealand cướp đi 51 sinh mạng.
Mâm cỗ cưới bị khủng bố, 63 người chết ở Afghanistan ngày 17/8. Người Kurd ở Syria đốt lốp xe để giảm tầm nhìn của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/10. Tắc nghẽn đường leo Everest, đã có người chết vì rét do chờ quá lâu. Bạo lực súng đạn ở Mỹ tiếp tục bi thương, trong bức ảnh chồng khóc thương vợ là nạn nhân xả súng ở El Paso, Texas.
Nhưng không thiếu những câu chuyện của hy vọng và tiến bộ. Ảnh đầu tiên chụp được của hố đen giống bánh donut. Phụ nữ Iran và Saudi Arabia có thêm chút tự do đi xem bóng đá cũng như ở nơi công cộng. Hai phóng viên Reuters được trả tự do ở Myanmar, sau khi bị bắt trong quá trình lam viec. Đài Loan cho phép người đồng tính kết hôn. Cảnh tượng Brandt Jean ôm lấy Amber Guyger sau phiên tòa, dù Guyger, một cảnh sát ở Dallas, đã bắn chết anh hoặc em trai của Jean.
Chuyện lạ
Ngoài những khủng hoảng, thảm họa, thế giới 2019 vẫn muôn màu. Tên lửa Soyuz của Nga bay lên trạm vũ trụ để lại vệt khói uốn lượn kỳ lạ. Ở Mỹ, quả chuối nghệ thuật 120.000 USD bị bóc ăn một cách hồn nhiên. Tảo xanh bùng phát, gây hại cho sức khỏe. Bò bị rút cạn máu, do giáo phái hay người ngoài hành tinh?
Chưa hết, tù nhân Brazil dùng tóc giả, quần áo của con gái hòng trốn thoát. Cua bị kẹt trong cốc nhựa – ẩn dụ cho sự trói buộc, ảnh hưởng của con người lên thiên nhiên. Giới trẻ ở Seoul hay Tokyo liệu có cảm thấy trói buộc trong nhà siêu nhỏ? Khi thiên nhiên được tự do, có nguy cơ thiên nhiên (chim hải âu) sẽ xà xuống ăn bánh kẹp đặc sản mà một cô gái Mỹ chờ đợi rất lâu mới được nếm thử?
(tổng hợp)
Ảnh: Reuters, AFP, AP, New York Times, Tân Hoa xã