Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 03/04/2020

Friday, April 3, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 03/04/2020

Covid-19: Thế giới gặp đại họa,

nhưng vẫn còn vài lãnh đạo ngoan cố

Tú Anh
Covid-19 vẫn là đề tài thời sự nổi bật hôm nay 03/04/2020 trên báo chí Pháp: Kịch bản nào sau biện pháp hạn chế đi lại ? Chính phủ Pháp tìm ngõ ra, Ý chuẩn bị bình thường hóa sinh hoạt, nhưng khó khăn là làm sao phối hợp 27 thành viên Liên Âu; Giải pháp Hàn Quốc, Đài Loan gây tranh luận. Trong toàn cảnh đó Le Monde đã có bài viết lý thú về một “bộ tứ” phản khoa học.
Trọng điểm các báo Pháp hôm nay là sinh hoạt hàng ngày của nhân viên cấp cứu trong các bệnh viện công: Trong bầu không khí căng thẳng âu lo và làm việc không ngừng nghỉ,  những người mặc áo blouse trắng lãnh trọn làn sóng siêu vi từ bệnh nhân.
Những người phản khoa học
Vừa âu lo  vừa mệt mỏi, đó là tâm trạng chung của các bác sĩ, y tá, y công, trong bệnh viện cũng như ở các phòng mạch tư trong cơn đại dịch thế kỷ. Trong lúc y giới ngày đêm nỗ lực cứu người trong bầu không khí tang tóc khắp thế giới thì cũng đó đây trên địa cầu vẫn có những người “không tin”.
Le Monde chỉ ra ít nhất là “bốn nhóm”: Phe bảo thủ chống khoa học ở Mỹ, một số mục sư Tin Lành Phúc Âm, tổng thống Brazil Jair Bolsonario và tổng thống Belarus Alexander Loukachenko, từng bị cựu ngoại trưởng Mỹ Codolizza Rice gọi là “nhà độc tài cuối cùng tại châu Âu”.
Tổng thống Brazil nay, gọi dịch Covid-19 là “tiểu cúm”  đã bị các thống đốc đồng minh bỏ rơi, với hàng loạt địa phương ban hành biện pháp hạn chế đi lại, người dân tự cách ly bất chấp chính sách trung ương. Đêm về, dân chúng mang chén bát, xoong chảo ra khua vang phản đối tổng thống.
Còn ở châu Âu, tổng thống Belarus xem siêu vi corona là hiện tượng, là “sản phẩm của kẻ tâm thần”. Một trong những hành động bất chấp lý trí của ông là đứng trước cửa một sân trượt băng và hỏi các nhà báo: “Các ông có thấy con siêu vi corona nào không, chỉ xem?”
Thế giới đang chờ xem ngày diễu binh kỷ niệm Thế Chiến II vẫn được duy trì tại Minks vào ngày 9 tháng 5 sắp đến. Không rõ tình hình dịch bệnh ở Belarus đến đâu nhưng Nga đã đóng cửa biên giới .
Trở lại Tây Âu, Le Monde giới thiệu những nỗ lực của quân đội Tây Ban Nha. Trên đất nước bị tang tóc đau thương này, với 10.000 người chết theo tổng kết ngày thứ Năm, quân đội phải lên tuyến đầu với các công tác nặng nề nhất, từ vận chuyển xác bệnh nhân, dựng bệnh viện dã chiến cho đến tẩy trùng các tòa công sở.
Từ Vũ Hán, virus đi toàn cầu
Vấn đề là đại dịch, như định nghĩa, đã lan rộng và còn lan rộng thêm. Trong bài phân tích “khó áp dụng cách ly ở các nước nghèo”, Le Monde đưa độc giả đi một vòng Ấn Độ và châu Phi. Làm sao giúp các nước này ?  Vấn nạn nằm ở điều mà người ta gọi là thế giới đa cực. Làm sao giúp các nước này ? Liên Hiệp Quốc quản lý nhưng tiền lại do các thành viên đóng góp.
Nước Mỹ của Donald Trump  co cụm, cắt giảm ngân sách nhân đạo, Trung Quốc của Tập Cận Bình chiếm khoảng trống Mỹ để lại để gây ảnh hưởng quốc tế, trong khi châu Âu chật vật duy trì vị thế của mình. Trong khi đó, virus không chờ ai cả, nó đang toàn cầu hóa.
Định vị người mang siêu vi để chận dịch, đừng hiểu lầm Đài Loan và Hàn Quốc
Pháp có nên áp dụng phuơng pháp phản tự do này không ? Đây là vấn đề đang được tranh luận trong bối cảnh sau hơn hai tuần hạn chế tự do đi lại mà số người bị lây nhiễm không giảm. Đây là chủ đề chính trên nhật báo Le Figaro.
Vào lúc chính phủ Pháp bị chỉ trích phản ứng kém, tựa của hầu hết các báo hôm nay, Le Figaro đặt vấn đề then chốt: có nên dùng biện pháp theo dõi đường đi nước bước của một người được xét nghiệm có nhiệm siêu vi Corona chủng mới hay không ?
Biện pháp này được tiến hành ngay từ đầu tại Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore song song với xét nghiệm đại trà và đã cho phép ngăn chận dịch lây lan.
Nhưng theo dõi một công dân, xem họ tiếp xúc với ai, đi đâu, làm gì, đặt ra vấn đề đạo lý và luật pháp. Thủ tướng Pháp nói đến khả năng sử dụng biện pháp theo dõi nhưng phải được đương sự tự nguyện.
Giáo sư bác sĩ Antoine Falahault nhắc khéo đừng tưởng lầm là các chính quyền thực hiện những biện pháp trói buộc “hợp với văn hóa Á châu”. Trên thực tế, họ áp dụng “biện pháp ít xấu nhất” hầu “tránh gây đớn đau nhất cho kinh tế và con người qua biện pháp phong tỏa triệt để toàn quốc”.  Đã đến lúc nước Pháp phải lựa chọn. Thật ra, không phải các biện pháp chống dịch của Đài Loan hay Hàn Quốc làm dân Pháp do dự.
Đã đến lúc Pháp phải lựa chọn
Tính xa hơn nữa, không muốn các quyền tự do bị hạn chế một cách tùy tiện như chuyện giới hạn tốc độ trên các quốc lộ, triết gia Gaspard  Koenig, sáng lập viên Thế Hệ Tự Do, lên án xu hướng mà ông gọi là “hiện tượng hâm mộ chế độ độc đoán và độc quyền thông tin của Trung Quốc”. Nếu phải hy sinh một số quyền tự do để chống dịch thì các quyền này phải được tái lập “toàn vẹn” một khi khủng hoảng chấm dứt .
Bài xã luận “không nên ngăn cấm” của Le Figaro khuyến khích chính phủ can đảm: “Lãnh đạo là phải biết tiên liệu”. Bất cứ giải pháp nào được chọn, kể cả theo dõi bệnh nhân qua điện thoại di động có định vị, cũng cần phải được tính toán, dự phòng ngay bây giờ.
Trong bầu không khí tang tóc của dịch Covid-19, Liberation mô tả “Paris và vùng phụ cận là quần đảo đau thương”. Cho dù huy động các bác sĩ khắp nước về tiếp tay, các bệnh viện ở thủ đô thiếu giường đón tiếp các ca khẩn cấp. Thuốc men cũng bắt đầu khan hiếm. La Croix báo động “Châu Âu  lâm nạn lớn “. Trong cái rủi, có cái may vì “đây là cơ hội để Tây phương và cả thế giới rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hệ thống y tế cộng đồng.
Trước hết, một người Đức đã ý thức được rằng không một nước nào, đơn độc, có thể tự cứu được mình trong lúc đại dịch. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Layen đã lên tiếng xin lỗi dân Ý là không huy động các thành viên còn lại trợ giúp nước Ý trong lúc nguy nan. Bài học thứ hai là đem các cơ sở sản xuất dụng cụ y tế và thuốc men về châu Âu, không trao sinh mạng cho các hãng gia công Trung Quốc hay Ấn Độ.
Chung Nam Sơn: Con rối của Tập Cận Bình
Hôm nay, Le Figaro cũng dành một bài về nhà bác sĩ Chung Nam Sơn, người hùng Trung Quốc năm 2003, phát hiện siêu vi viêm phổi cấp tính SARS và công bố bất chấp lệnh cấm của Bắc Kinh.
Từ vài tháng gần đây, lập trường của Chung Nam Sơn “mềm nhũn” như bún, làm con rối cho chế độ Tập Cận Bình. Theo nhà phân tích độc lập Chen Dao Yin, ông Chung Nam Sơn không phải là một nhà khoa học đúng nghĩa. Ông  dùng uy tín trong vụ SARS để định hướng công luận nghi ngờ Hoa Kỳ là nơi phát xuất siêu vi corona chủng mới chứ không phải là từ Vũ Hán.
Nói chính xác, định mệnh của Chung Nam Sơn là số phận chung của các nhà khoa học trong thời Tập Cận Bình: “Một chuyên gia Trung Quốc tôn trọng bổn phận phải biết im lặng” theo lệnh chính quyền .
Đại dịch Covid-19 tác động đến địa chính trị như thế nào ?
Theo Les Echos, Nga và Ả Rập Xê Út không ngờ siêu vi đã phá hỏng kế hoạch thốnbg lĩnh thị trường quốc tế của hai nước. Cả hai cùng muốn tấn công vào các tập đoàn dầu hỏa Mỹ nhưng đại dịch làm kinh tế toàn cầu ngưng trệ, giá dầu giảm làm cho họ trở thành nạn nhân đầu tiên và gây khốn khổ cho một loạt quốc gia dầu khí khác ít thu nhập hơn trong đó có Venezuela và Iran, đồng minh của Nga.
Do vậy, theo Les Echos, sự kiện Donald Trump gây sức ép với Riyad và Matxcơva giảm sản xuất dầu sẽ có kết quả. Nga và Ả Rập Xê Út sẽ cứu được thu nhập, Donald Trump cứu hai đại tập đoàn ở Texas để có thể thu thêm phiếu.
Trong góc nhìn an ninh, Liberation dự báo phe thánh chiến ở Trung Đông sẽ hồi sinh vì các lực lượng quốc tế rút quân trên chiến trường Irak và Syria về cứu dịch để lại khoảng trống.

Tin tổng hợp
(AFP) – Mỹ bác thông tin ”phỗng tay trên” khẩu trang Pháp mua của Trung Quốc. 
Ngày 02/04/2020, một quan chức chính quyền Mỹ khẳng định: “Chính phủ Mỹ không mua bất kỳ khẩu trang nào lẽ ra được Trung Quốc giao cho Pháp”. Trong khi đó, trả lời đài France 2 ngày 03/04, phát ngôn viên chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye cho biết Pháp sẽ “chú ý” và làm “tất cả” để bảo đảm an toàn cho các chuyến giao khẩu trang.
(AFP) – Thêm nhiều chính trị gia trên thế giới là nạn nhân của virus corona. 
Nữ đại sứ Philippines tại Liban chết vì Covid-19 ngày 02/04/2020. Trong thời gian gần đây, bà Catalla đã liên tục tổ chức những chuyến hồi hương cho vài chục nghìn kiều dân làm việc tại Liban, nơi chính thức có 494 ca nhiễm. Tại Iran, chủ tịch Nghị Viện Ali Larijani là quan chức cấp cao tiếp theo nhiễm virus corona. Tương tự, bộ trưởng Y Tế Israel, trên tuyến đầu chống dịch, cũng bị nhiễm Covid-19.
(AFP) – Covid-19: Dân Nga được nghỉ việc 1 tháng mà vẫn lãnh lương. 
Quyết định được tổng thống Vladimir Putin thông báo ngày 02/04/2020 và áp dụng cho suốt tháng Tư để ngăn ngừa virus corona lây lan. Bản thân ông Putin cũng làm việc từ xa tại khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô Matxcơva. Thủ đô nước Nga hiện là ổ dịch lớn nhất nước, với gần 2.500 trên tổng số 3.548 ca nhiễm trên toàn quốc tính đến sáng 02/04.
(Reuters) – Nhật Bản lên kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế bị dịch Covid-19 tác động. 
Theo phát biểu của thủ tướng Shinzo Abe ngày 03/04/2020, kế hoạch trên, được chia là hai giai đoạn, có thể sẽ được triển khai vào tuần tới nhằm mua trang thiết bị y tế, ưu tiên giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, cũng như các hộ gia đình bị tác động mạnh nhất do áp dụng các biện pháp chống dịch (trong ngành du lịch, nhà hàng…). Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đề nghị các ngân hàng linh hoạt đáp ứng các yêu cầu giãn thời gian thanh toán nợ.
(AFP) – Trung Quốc cho phép điều trị Covid-19 bằng mật gấu. 
Thuốc Tan Re Qing có mật gấu, bột sừng dê và chiết xuất một số loại cây đã được bộ Y Tế Trung Quốc cho phép sử dụng điều trị cho các bệnh nhân nặng từ tháng 03/2020. Mật gấu vẫn được loan truyền là chữa được nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, quyết định trên đã gây tranh luận vì Trung Quốc vừa cấm buôn bán động vật hoang dã vì mục đích tiêu thụ.
(La Voix du Nord) – Bỉ có thể ngừng giải vô địch bóng đá 2020 (D1). 
Ngày 02/04/2020, Liên Đoàn Bóng Đá Bỉ đã khuyến cáo ngừng ngay lập tức giải vô địch quốc gia Bỉ Jupiler Pro League (D1A) và giải Proximus League (D1B), bị đình chỉ từ giữa tháng Ba. Trước đó 17 trên 24 CLB chuyên nghiệp đã yêu cầu ngừng mùa giải 2020. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố ngày 15/04.

Điểm tin thế giới sáng 3/4:

Đã có hơn 1 triệu người

nhiễm virus Vũ Hán trên thế giới

Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (3/4), Mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ-Hàn vẫn đang đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng
Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mặc dù vẫn tiếp tục tham vấn “cấp cao”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết thông tin hôm thứ Năm, theo Yonhap.
Bộ này đưa ra tuyên bố trong bối cảnh có thông tin cho rằng Seoul và Washington đã tạm thời đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì hoạt động của lực lượng 28.500 quân nhân thuộc quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây đã có cuộc điện đàm nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng, một nguồn tin nói với Yonhap.
Đã có hơn 1 triệu người nhiễm virus Vũ Hán trên thế giới
Theo báo cáo của Đại học Johns Hopkins, số trường hợp nhiễm virus Vũ Hán trên toàn cầu đã vượt qua 1 triệu vào thứ Năm trong bối cảnh đại dịch bùng nổ ở Mỹ và số người chết tiếp tục gia tăng ở Ý và Tây Ban Nha, theo Reuters.
Virus Vũ Hán đã giết chết hơn 51.000 người trên toàn thế giới với số người chết nhiều nhất ở Ý, tiếp theo là Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, theo con số thống kê của Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hệ thống thuộc Đại học Baltimore.
Theo dữ liệu thống kê của Worldometers, nước Pháp hôm thứ Năm ghi nhận số ca tử vong mới vì virus Vũ Hán cao kỷ lục, với 1.355 ca, xếp phía dưới là Tây Ban Nha với thêm 961 người chết, kế nữa là Ý (760) và Mỹ (706).
Anh sẽ làm 100 nghìn xét nghiệm nCoV mỗi ngày
Bộ trưởng y tế của Vương quốc Anh, ông Matt Hancock, hứa sẽ tăng gấp 10 lần số lượng xét nghiệm hàng ngày đối với nCoV vào cuối tháng này. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Anh đối mặt với chỉ trích rằng họ không làm đủ các xét nghiệm virus Vũ Hán cho nhân viên y tế và người dân, theo Reuters.
“Tôi hiện đang đặt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày vào cuối tháng này”, ông Matt nói với các phóng viên ở lần xuất hiện đầu tiên sau thời gian bị cách ly vì nCoV.
Hiện Anh đang làm khoảng 10.000 xét nghiệm virus Vũ Hán mỗi ngày. Tính tới sáng thứ Năm, Anh có 33.718 người nhiễm virus Vũ Hán (tăng 4.244), trong đó có 2.921 người tử vong (tăng 569), 135 bệnh nhân đã phục hồi và 163 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch.
Mỹ tăng cường sản xuất máy thở cho bệnh nhân COVID-19
Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump đã áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để hỗ trợ các công ty sản xuất máy thở cho các bệnh nhân COVID-19, Reuters đưa tin.
Theo một biên bản ghi nhớ do Nhà Trắng phát hành, ông Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ sử dụng thẩm quyền của mình để giúp tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu sản xuất máy thở cho sáu công ty nhằm có thêm thiết bị hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán đang ở tình trạng nguy kịch.
“Mệnh lệnh hôm nay sẽ cứu sống các bệnh nhân bằng việc loại bỏ những trở ngại trong chuỗi cung ứng đe dọa tới tốc độ sản xuất máy thở”, ông Trump nói.
Các quan chức nhà nước và các chuyên gia y tế cho biết Hoa Kỳ sẽ có thể cần tới hàng chục nghìn máy thở dành cho các bệnh nhân COVID-19. Hiện Mỹ đang là vùng dịch viêm phổi Vũ Hán lớn nhất thế giới với 240.421 người nhiễm bệnh (tăng 25.418), và 5.808 bệnh nhân tử vong (tăng 706).
Châu Phi có thể là điểm nóng dịch bệnh vào cuối tháng
Một số quốc gia châu Phi sẽ có hơn 10.000 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán vào cuối tháng Tư, các quan chức y tế hôm thứ Năm đưa ra nhận định, làm dấy lên lo ngại rằng bệnh dịch có thể lây lan mạnh ở châu lục có điều kiện y tế khó khăn, theo AP.
Hiện châu Phi có khoảng trên 6000 ca nhiễm bệnh, đây là khoảng thời gian “bình minh” của dịch bệnh, “rất, rất gần” với điểm xuất phát bùng nổ dịch bệnh ở châu Âu cách nay khoảng 40 ngày, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, Tiến sĩ John Nkengasong, nói với các phóng viên.
Virus Vũ Hán “là mối đe dọa hiện tại đối với châu lục chúng ta”, ông John nói. Hiện đã có 50/54 quốc gia ở châu Phi đã xác nhận các trường hợp dương tính với nCoV, trong đó Malawi là quốc gia mới nhất ở châu lục này thông báo có bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.

Điểm tin thế giới chiều 3/4:

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ

kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (3/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Martha McSally đang kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới từ chức vì đã dùng vị thế của mình để bao che cho Trung Quốc giấu giếm dịch virus corona.
Đại diện tiểu bang Arizona thuộc đảng Cộng hòa cho biết trên Fox Business hôm thứ Năm (2/4) rằng Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cần phải từ chức vì việc xử lý virus có nguồn gốc Trung Quốc.
Giới chức Vũ Hán kêu gọi cư dân thận trọng dù mức ca nhiễm mới giảm
Hãng Reuters thông tin, các quan chức cấp cao ở Vũ Hán tâm chấn đại dịch virus corona ở Trung Quốc, cảnh báo cư dân hãy thận trọng và tránh ra ngoài, ngay cả khi dữ liệu mới nhất cho thấy các ca nhiễm mới ở nước này đã giảm, và Vũ Hán không có ca nhiễm mới nào.
Tổng số ca lây nhiễm ở Trung Quốc, chưa kể các bệnh nhân không triệu chứng, hiện ở mức 81.620, trong khi số ca tử vong tăng thêm 4 người lên đến 3.322. Trên toàn thế giới, số ca mắc bệnh đã lên tới hơn 1 triệu, 52.000 ca tử vong.
Đảng Dân chủ hoãn hội nghị đề cử ứng viên Tổng thống
Đảng Dân chủ Hoa Kỳ hôm thứ Năm (2/4) đã hoãn hội nghị đề cử ứng viên Tổng thống cho đến tháng Tám, viện lý do cuộc khủng hoảng sức khỏe virus corona đã đảo lộn cuộc sống thường ngày và khiến nhiều tiểu bang hoãn tổ chức những cuộc bầu chọn ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Đảng Dân chủ sẽ chính thức chọn ứng cử viên của họ trong hội nghị tại Milwaukee, dự kiến diễn ra vào ngày 17/8, người này sẽ thách thức Tổng thống Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11.
Pakistan, Banglades cố gắng ngăn ngừa sự lây lan của virus Vũ Hán
Cảnh sát Pakistan sẽ thi hành lệnh đóng cửa nhằm ngăn người dân đến nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện vào thứ Sáu bởi lo ngại gia tăng lây nhiễm virus corona, sau khi giới chức đã không ngăn chặn được các hội thánh lớn vào tuần trước, theo Reuters.
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo dịch bệnh ở Nam Á – nơi chiếm 1/5 dân số thế giới – có thể dễ dàng áp đảo các hệ thống y tế công cộng yếu kém tại khu vực.
Giới chức Pakistan và Bangladesh, một quốc gia đạo Hồi khác, thậm chí Ấn Độ đã gắng thuyết phục các nhóm tôn giáo duy trì giãn cách xã hội để ngăn ngừa virus Vũ Hán lây lan. Pakistan đã báo cáo 2.386 người nhiễm nCoV.
Mexico ngừng sản xuất bia Corona
Tập đoàn Grupo Modelo của Mexico hôm thứ Năm (2/4) cho biết họ sẽ tạm thời ngừng sản xuất bia Corona và các nhãn hiệu khác vốn xuất khẩu sang 180 quốc gia, sau khi hoạt động kinh doanh của tập đoàn này được đưa vào danh sách không thiết yếu theo lệnh chính phủ, nhằm ngăn chặn sự lây lan virus corona. 
Theo Reuters, chính phủ Mexico tuần này đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và lệnh đình chỉ các hoạt động không thiết yếu sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt trên 1.000.
Hôm thứ Năm, Mexico báo cáo 1.515 ca nhiễm và 50 ca tử vong.

Powered by Blogger.