Đọc báo Pháp – 22/05/2020
Thái Anh Văn – Tập Cận Bình: Hiệp thứ hai bắt đầu – Tú Anh
Sống chung với siêu vi Covid-19, và tình hình eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Thái Anh Văn, vẫn là những chủ đề được bình luận rộng rãi trên báo Pháp ngày 22/05/2020.
Theo Le Monde, trên đỉnh cao uy tín, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ hai. Tái đắc cử với 57%, năm tháng sau, tỷ lệ ủng hộ đường lối của bà lên đến 73%. Trong thời gian đó, Hải Quân và Không Quân Trung Quốc xâm phạm hàng chục lần không phận và hải phận Đài Loan như muốn biểu dương sức mạnh sẵn sàng “thống nhất bằng vũ lực”.
Trong diễn văn nhậm chức hôm 20/05/2020, tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh đến bốn nguyên tắc trong quan hệ với Hoa Lục: hòa bình, có đi có lại, dân chủ và đối thoại.
Bà không một lời nhắc đến nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình. Bà cũng không nói đến viễn ảnh ” tuyên bố độc lập” vì biết rõ Trung Quốc xem đó là lời khiêu chiến nhưng nhấn mạnh là Bắc Kinh phải chấp nhận “nguyên trạng hoà bình và ổn định” trong quan hệ hai bờ eo biển.
Một kết quả thăm dò ý kiến cho thấy 70% dân Đài Loan cảm nhận họ có bản sắc Đài Loan, 2,7% nghĩ họ là người Trung Quốc, 25% còn lại thì “nửa này nửa kia”.
Được lòng dân, chính quyền đảng Dân Tiến của tổng thống còn chứng tỏ hiệu năng về y tế cộng đồng, quản lý đại dịch, ngăn chận siêu vi từ Vũ Hán. Nhờ đó, Thái Anh Văn bắt đầu nhiệm kỳ hai trong thế thuận lợi.
Về đối ngoại, bà phải đạt được một thế quân bình giữa một bên là người dân Đài Loan, ngày càng gắn bó với bản sắc dân tộc Đài Loan, hoàn toàn khác với Trung Quốc, và bên kia là thực tế tương quan lực lượng trên trường quốc tế, buộc bà phải kín đáo.
Trong mối tương quan này, Trung Quốc vượt trội về quân sự nhưng Đài Loan cũng có hệ thống phòng thủ vững chắc. Chuyên gia địa chiến lược Mathieu Duchâtel cho rằng dù sao, an ninh của Đài Loan ngày càng dựa lên đồng minh Hoa Kỳ.
Tuy vậy, cho dù Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa, hầu hết chuyên gia Tây phương đều cho rằng xác suất Trung Quốc đánh Đài Loan thật rất thấp. Bởi vì chiến cuộc sẽ lan rộng và làm hại cho hình ảnh của Trung Quốc trong mắt của thế giới. Trong nỗ lực hội nhập trở lại Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bộ Ngoại Giao Đài Loan cho biết đã được 29 nước hậu thuẫn trong đó có Mỹ, Canada, Nhật, Úc, New Zealand.
Trung Quốc, Đài Loan cũng là hai chủ đề trên Les Echos
Tờ báo kinh tế Pháp chú ý đến sự kiện Quốc Hội Trung Quốc khai mạc khóa thường niên bị dời lại từ tháng Ba vì đại dịch, và ghi nhận viêc Bắc Kinh đạo diễn màn vực dậy kinh tế vào lúc guồng máy sản xuất được khởi động nhưng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu còn yếu .
Theo nhận định của Les Echos, Trung Quốc bị thế giới lên án nhưng trong nước, uy tín Tập Cận Bình được củng cố. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, hai thách thức lớn nhất bây giờ là khủng hoảng kinh tế và xã hội.
Trong bối cảnh này, Bắc Kinh chuẩn bị tấn công vào quy chế tự trị của Hồng Kông. Còn tại Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn “từ khước” nhận lệnh của Bắc Kinh, Les Echos có cùng nhận định với các đồng nghiệp.
Covid-19 tại Pháp: Dân tin người thân hơn Nhà nước?
Phải chăng do nghe cải chính mãi nên nhàm? Dân Pháp tin người thân hơn Nhà nước? Hiệp hội DataCovid và viện thăm dò Ipsos thực hiện đợt khảo sát ý kiến công luận lần thứ năm từ khi đại dịch siêu vi corona chủng mới xuất hiện. Theo Le Monde, kết quả rất bất ngờ. Thành phần bị mất điểm nhiều nhất so với lần trước là chính phủ, truyền thông và đặc biêt là mạng xã hội.
Trên thang điểm uy tín từ 1 đến 10 thì lời nói của chính phủ đuọc chấm có 4 điểm. Điểm tin cậy ở truyền thông cũng không khá hơn, còn mạng xã hội thì rất thấp, chỉ có 2,7 điểm. Đa số dân Pháp tin vào thông tin từ những người mà họ thân thiết với 5,6 điểm, chỉ thấp hơn giới chuyên gia siêu vi học, dịch tể học 0,1 điểm.
Thái độ của dân Pháp đối với mối đe dọa siêu vi cũng thay đổi dần. Tỷ lệ lo âu từ 74% xuống còn 65%. Điều này mang ý nghĩa là đa số người dân, sau hai tháng sống phong tỏa, luôn ở trong tình trạng đề cao cảnh giác, nay như muốn quên đi để tìm lại lối sống bình thường.
Trong xu hướng này, ý muốn đề cao cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu một mét cũng giảm đến 5 điểm, từ 68% xuống 63%.
Một trong những hệ quả lý thú của biện pháp phong tỏa phải làm việc từ nhà, theo phần đông, là thời gian làm việc thật sự ít đi, có ngày chỉ làm có hơn 5 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích. Trên trang nhất, Le Monde giới thiệu một số khuôn mặt nghề nghiệp độc lập tiêu biểu bị khủng hoảng siêu vi làm cho thất nghiệp: Chuyên viên thẩm mỹ viện, văn phòng luật sư, tài xế taxi… gần như khánh tận.
Vì làm nghề độc lập, họ không có quyền lãnh thất nghiệp, phải sống bằng tiền tiết kiệm trong ba tháng ngưng trệ. Tuy nhiên, không ít nạn nhân bất đắc dĩ của Covid-19, do yêu nghề, vẫn giữ được tinh thần lạc quan, nhất định vượt qua thách thức và tiếp tục làm chủ.
Bầu cử tổng thống Mỹ và thông số Obama
Bước qua nước Mỹ mùa bầu cử: Thái độ thù nghịch giữa Donald Trump và tiền nhiệm Barack Obama đè nặng lên cuộc tranh cử, theo nhận định của Le Monde.
Khi thẳng tay đả kích cựu tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ, tổng thống Donald Trump làm nức lòng thành phần cử tri nòng cốt của ông. Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ trong phe Cộng Hoà không ủng hộ những lòi lẽ thái quá của chủ nhân Nhà Trắng. Bởi vì, công kích người tiền nhiệm là bất tài trong lúc kinh tế Mỹ lao dốc, đại dịch không biết bao giờ hết, phong tỏa kéo dài… sẽ làm lung lay tinh thần của thành phần cử tri thuộc xu hướng độc lập và cánh trung.
Đả kích Obama cũng sẽ động viên thành phần cử tri Mỹ gốc châu Phi tức giận đi bầu đông đảo cho Joe Biden. Bởi vì thành phần cử tri da đen này rất nhiệt tình ủng hộ vị tổng thống da đen đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc.
Libération: Tây Tạng vẫn bị đàn áp
Liên quan đến Tây Tạng, 25 năm sau khi bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật số hai lãnh đạo tinh thần xứ Phật Tây Tạng lúc mới 6 tuổi, Bắc Kinh mới tiết lộ một thông tin dưới sức ép của Washington.
Libération trở lại vụ việc với một bài báo dài về chính sách trấn áp chính trị, không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma có người kế vị, bắt cóc Ban Thiền của Tây Tạng và chỉ định một cậu bé khác làm Ban Thiền.
Ban Thiền của Tây Tạng vẫn còn sống, năm nay 31 tuổi, cư ngụ đâu đó tại Bắc Kinh cùng với gia đình và “không muốn bi ai quấy rầy”, theo cách trả lời của Trung Quốc.
La Croix: Bài học đau thương qua đại dịch Covid-19
Cuối cùng, nhật báo Công giáo La Croix mời độc giả suy ngẫm “Bài học đau thương qua đại dịch Covid-19″. Người già trong các viện dưỡng lão của Pháp có được bảo vệ tốt hay không ? Sau hai tháng phong tỏa, cuộc tái ngộ với thân nhân trong niềm vui không trọn vẹn. Tại Vũ Hán, một tháng sau khi hết phong tỏa, người dân dường như vượt qua được đại dịch. Tuy nhiên, dáng vẻ bình thường bên ngoài che giấu những vết thương sâu thẳm bên trong nhưng không dám nói bởi vì bị chế độ kiểm soát gắt gao.
Đại dịch chậm lại
Để kết thúc, La Croix và Les Echos cho biết là trừ Châu Mỹ La Tinh, Nga và Nam Phi, nơi siêu vi còn trong tình trạng lây nhiễm mạnh và chưa đến đỉnh, các vùng khác đều ghi nhận vận tốc đại dịch Covid-19 chậm lại như đã hụt hơi. Theo đà này, một số người dự báo trong một tháng nữa, đại dịch sẽ “ngừng lại”. Thận trọng.
Điểm tin thế giới sáng 22/5:
Mỹ lên kế hoạch cùng đồng minh đẩy lùi Trung Quốc
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (22/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ lên kế hoạch cùng đồng minh đẩy lùi Trung Quốc
Hoa Kỳ đang xây dựng quan hệ đối tác với Hàn Quốc và các đồng minh khác nhằm chống lại những tác hại mà chính quyền Trung Quốc gây ra trên khắp thế giới, một báo cáo mới của chính phủ Hoa Kỳ cho hay, theo bản tin sáng thứ Sáu của hãng tin Hàn Quốc Yonhap.
Kế hoạch này được viết trong một báo cáo dài 16 trang với tiêu đề “Cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” mà Tổng thống Trump đã gửi Nghị viện Mỹ vào tuần này. Theo Nhà Trắng, báo cáo được viết theo yêu cầu của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho Năm tài khóa 2019.
Báo cáo nêu rõ những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước những thách thức về kinh tế và an ninh, cũng như những thách thức đối với các giá trị Mỹ từ phía chính quyền Trung Quốc.
Tình hình Hồng Kông xấu đi khi Bắc Kinh ra Luật an ninh
Chính quyền Trung Quốc đã lên kế hoạch thông qua Đạo luật An ninh quốc gia cho Hồng Kông tại cuộc họp quốc hội thường niên đang diễn ra. Các nhà phê bình cho rằng đạo luật này của Bắc Kinh sẽ kết thúc thời gian tự trị của Hồng Kông, theo The Guardian.
“Đây là sự kết thúc của Hồng Kông”, ông Dennis Kwok, một nghị sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ nhận định, và cho biết thêm, “Bắc Kinh, Chính phủ Trung ương, đã hoàn toàn vi phạm lời hứa với người dân Hồng Kông. Họ đã quay lại hoàn toàn với bản chất của mình”.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters cho hay, các nghị sĩ lưỡng đảng ở Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng họ sẽ trình một Đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc gây tổn hại tới quyền tự trị của người dân Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp Luật an ninh quốc gia cho hòn đảo này.
Mỹ sẽ đẩy kẻ thù ‘vào dĩ vãng’ trong cuộc đua vũ trang
Nhà đàm phán kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Marshall Billingslea, hôm thứ Năm, cho biết Hoa Kỳ đã sẵn sàng đẩy Nga và Trung Quốc “vào dĩ vãng” để giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, theo Reuters.
“Chúng tôi biết làm thế nào để chiến thắng trong cuộc đua này và chúng tôi biết làm thế nào để đẩy kẻ thù vào dĩ vãng. Nếu bị bắt buộc, chúng tôi sẽ làm, nhưng chắc chắn chúng tôi muốn tránh điều đó”, ông Marshall Billingslea nói.
Cập nhật thiệt hại do siêu bão Amphan gây ra tại Ấn Độ
Reuters đưa tin, những cơn lốc xoáy mạnh nhất trong hơn một thập kỷ tấn công miền đông Ấn Độ và Bangladesh những ngày qua đã làm chết ít nhất 82 người, phá hủy các ngôi làng ven biển vào thứ Năm. Lực lượng cứu hộ đã gặp khó khi di chuyển trên đường vì vướng các vật cản do siêu bão Amphan gây ra cùng với lũ lụt trên diện rộng.
Các quan chức địa phương cho biết, các cuộc di tản người hàng loạt trước khi Bão Amphan đổ bộ chắc chắn đã cứu được rất nhiều sinh mạng, nhưng toàn bộ thương vong và thiệt hại sẽ chỉ được biết đến khi thông tin liên lạc được khôi phục sau cơn bảo này.
Một quan chức cho hay, tại bang Tây Bengal của Ấn Độ có ít nhất 72 người đã thiệt mạng, hầu hết nạn nhân tử vong vì bị điện giật hoặc bị đè bởi những thân cây đổ gãy vì những cơn cuồng phong với sức gió lên tới 185 km/giờ.
Ấn Độ đã lên kế hoạch chi khoảng 130 triệu đô la để khôi phục hệ thống giao thông gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi siêu bão Amphan.
Nạn đói lan rộng ở Mỹ Latinh do phong tỏa chống Covid-19
Việc phong tỏa nghiêm ngặt để chống virus Vũ Hán ở Guatemala và El Salvador đã khiến nền kinh tế của hai nước này gặp khó khăn, hàng trăm gia đình ở hai quốc gia láng giềng đang treo cờ trắng bên ngoài nhà hoặc vẫy chúng trên đường để xin đồ ăn và tìm kiếm sự trợ giúp, theo Reuters.
“Tôi đi tìm [thức ăn] khắp các thùng rác”, bà Ana Orellana, 51 tuổi nói về tình trạng khó khăn sau 50 ngày San Salvador phong tỏa chống dịch. Không còn cách nào khác bà Orellana và hàng xóm đã mang cờ trắng ra bên đường vẫy để chông chờ sự cứu giúp.
Tình trạng khó khăn tương tự cũng đang diễn ra tại Guatemala, mặc dù chính phủ nước này thông bão đã phát 190.000 hộp thực phẩm cứu đói, nhưng con số này mới chỉ chiếm 7% dân số của một trong những quốc gia nghèo đói nhất khu vực.
Điểm tin thế giới chiều 22/5:
Trung Quốc bỏ từ ‘hòa bình’
khỏi đề cập ‘thống nhất’ Đài Loan
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (22/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc bỏ từ ‘hòa bình’ khỏi đề cập ‘thống nhất’ Đài Loan
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm nay (22/5) đã bỏ qua từ “hòa bình” khi đề cập đến mong mỏi của Bắc Kinh về việc “thống nhất” với Đài Loan. Điều này cho thấy có một sự thay đổi rõ rệt về chính sách khi mối quan hệ Bắc Kinh và Đài Bắc tiếp tục đi xuống.
Theo Reuters, từ “hòa bình” trong cụm từ “thống nhất hòa bình” vốn luôn xuất hiện trong các bài phát biểu của các lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan tại những kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong ít nhất 40 năm qua.
Học giả Trung Quốc kêu gọi đa dạng hóa nguồn cung đậu nành hạn chế phụ thuộc Mỹ
Trung Quốc nên đa dạng hóa nguồn cung đậu nành, nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc Mỹ quá mức về mặt hàng nông sản, tờ SCMP ngày 22/5 dẫn lời 2 học giả Trung Quốc nói.
Hai học giả Li Wei và Zhao Lan thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc từ lâu đã quá phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu từ Mỹ và Brazil, và mối quan hệ của Bắc Kinh với cả hai nước này đều đang xấu đi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc suy yếu sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh mới cho Hồng Kông
Theo Reuters, thị trường chứng khoán thế giới đã bị ảnh hưởng và đồng nhân dân tệ Trung Quốc suy yếu vào thứ Sáu (22/5) khi Bắc Kinh chuyển sang áp dụng một luật an ninh mới đối với Hồng Kông sau những bất ổn do các cuộc biểu tình vào năm ngoái ở đặc khu.
Nga báo cáo số người chết vì dịch Covid-19 tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ
Nga báo cáo thêm 150 người chết vì dịch Covid-19, mức tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ, nâng số ca tử vong tại nước này lên 3.249.
Nga đã xác nhận 8.894 ca nhiễm mới nCoV được ghi nhận một ngày qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của nước này lên 326.448, theo The Moscow Times ngày 22/5.
Hôm 21/5, thông tấn Interfax dẫn nguồn tin cho biết, nhà lãnh đạo Ramzan Kadyrov, người đứng đầu nước Cộng hòa Chechen thuộc Liên bang Nga đã phải nhập viện ở một cơ sở y tế ở thủ đô Moscow vì nghi nhiễm nCoV.