Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Sóng gió trong quan hệ Việt Nam-Campuchia vì bất đồng biên giới

Thursday, January 24, 2019 // ,
VOA
25/01/2019

Thủ Tướng Campuchia Hun Sen tại cuộc họp báo với Thủ Tướng VN Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội ngày 7/12/2018. (AP Photo/Tran Van Minh)
Hơn 4 thập niên sau khi Việt Nam đánh bại và lật đổ chế độ Khmer Đỏ, rồi đưa đảng của ông Hun Sen, Đảng Nhân dân Campuchia- CPC, lên cầm quyền, quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em từng đồng hành với nhau qua giai đoạn lịch sử này, nay không còn gắn bó như trước.
Theo một bài phóng sự của Ban tiếng Khmer-Đài VOA, mối quan hệ đã trở nên phức tạp, phần lớn do Campuchia ngày càng xích lại gần Trung Quốc, nước đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ/ lãnh hải với Việt Nam và một số nước khác trong Biển Đông.
Trong bối cảnh Campuchia ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng vv…, các chuyên gia nhận định rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia đang có nguy cơ tan vỡ, tùy thuộc vào cách Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Pnom Penh và cách đáp ứng của Campuchia trước áp lực này.
Căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Campuchia càng tăng cao sau khi 3 tàu chiến Trung Quốc cập càng ở Sihanoukville. Thủ Tướng Hun Sen còn dự kiến đi thăm Bắc Kinh trong tháng này, 1 trong nhiều chuyến thăm Trung Quốc trong mấy năm gần đây, giữa lúc hai nước đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung mang tên “Rồng Vàng”, cuộc tập trận được cho là lớn nhất từ trước tới nay, sẽ diễn ra ở tỉnh Kampot vào tháng Ba sắp tới.
VOA trích dẫn một công hàm ngoại giao không được công bố mà Ban tiếng Khmer có được cho thấy hồi năm ngoái bất đồng đã nổ ra giữa hai nước vì những vấn đề biên giới sau khi quân đội Việt Nam đơn phương cắm mốc dọc theo biên giới chưa được phân định trên biển ở ngoài khơi Campuchia.
Theo công hàm ghi ngày 23/7/2018 gửi tới đại sứ quán Việt Nam, Bộ Ngoại giao Campuchia đòi Việt Nam phải hủy các cột mốc đã dựng lên vài tuần trước đó.
Công hàm cáo buộc “nhiều binh lính Việt Nam” và một cái phà chở công nhân xây dựng đã đặt “4 cột mốc bằng sắt và 3 cột bê tông” ngoài biển gần Koh Ses- còn gọi là Koh Seh, một đảo nhỏ của Campuchia nằm giữa bờ biển tây-nam Campuchia và đảo Phú Quốc, một hòn đảo mà trước đây Campuchia từng tuyên bố thuộc chủ quyền của nước này.
Pnom Penh “cực lực phản đối” hành động của Việt Nam, đòi phía Việt Nam gỡ các cột mốc, và lưu ý rằng động thái đó “đi ngược với thỏa thuận hợp tác” mà hai nước đã ký kết.
Đài VOA không liên lạc được với Bộ Ngoại giao Campuchia để yêu cầu bình luận về công hàm ngoại giao đó. Một giới chức tỉnh Kep, yêu cầu được dấu tên vì không được phép bình luận, nói rằng tình hình tại địa phương giờ đã yên ắng hơn nhờ Pnom Penh đang thảo luận với Hà nội về các cột mốc này.
Theo ban tiếng Khmer của Đài VOA, vụ bất đồng về các cột mốc biên giới do phía Việt Nam dựng lên, không được đề cập đến, và hiện vẫn không rõ liệu phía Việt Nam có đồng ý tháo dỡ chúng theo yêu cầu của Campuchia hay không.

Nhớ ruộng rau muống Sơn Tây (Lộc Hưng)


Một khế ước thuê ruộng trước năm 1975 của người dân canh tác ở vườn rau Lộc Hưng (FB Hai Van Nguyen)
Bùi Văn Phú

Trong tuần lễ đầu năm 2019, nhà cầm quyền Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho xe múc đất xuống phá sập 112 căn nhà của người dân ở Phường 6, trong khu vực được biết đến là Vườn rau Lộc Hưng, nằm sau nhà giây thép gió và bưu điện Chí Hoà, trên đường Cách mạng Tháng 8.
Đợt ủi nhà diễn ra lần đầu vào ngày 4/1/2019 với hơn chục căn hộ bị phá sập và sau đó vào ngày 8/1 đã diễn ra đợt cưỡng chế thứ nhì, qui mô hơn, với cả trăm căn bị ủi sập.
Những nhà này được xây dựng không giấy phép trong vòng mười năm qua vì nhà nước đã không giải quyết quyền sử dụng đất ở đây, dù người dân đã khiếu nại suốt hai thập niên mà từ thành ủy đến trung ương đã không trả lời.
Quá trình tranh cãi về quyền sử dụng đất nằm trong một khu vực rộng gần 50 nghìn mét vuông, nơi những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 đã canh tác bằng nghề trồng rau từ đó đến nay, vì thế nơi này đã từng có tên là “ruộng rau muống Sơn Tây”, sau này gọi là “Vườn rau Lộc Hưng”.
Hành vi cưỡng chế của nhà nước trong những ngày qua đã khiến mấy trăm dân không còn chỗ ở. Họ là con cháu của những người đã sống ở đây từ năm 1954; là những người từ nơi khác mới về đây sinh sống, sang nhượng lại đất để xây dựng nơi cư trú chỉ qua những lời hứa miệng hay giấy tờ cam kết trao tay nhau, không có công chứng từ các cơ quan hành chánh vì là vùng đất còn đang có tranh chấp. Trong số những người bị cưỡng chế rời nơi cư trú có một số thương phế binh Việt Nam Cộng hoà đang tá túc trong một cơ sở do các linh mục công giáo tạo dựng nên để giúp đỡ họ có mái che thân.
Theo ông Cao Hà Trực trả lời phóng viên Amen.TV, gia đình ông đã canh tác trên những thửa ruộng này từ ngày bố mẹ ông di cư vào Nam và đất này thuộc Hội Thừa sai giao cho giáo hội công giáo Việt Nam quản lý. Gia đình ông vẫn canh tác, đóng thuế và tuân thủ những yêu cầu khác của chính quyền liên quan đến luật đất từ trước cũng như sau năm 1975 và cả những luật mới nhất. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn chưa cấp một thứ giấy tờ gì để chứng minh quyền sử dụng đất của dân trong khu vực.
Khi cơ quan chức năng thi hành lệnh cưỡng chế, ông Trực là người đại diện dân để mạnh mẽ phản đối chính quyền và trong ngày 8/1 ông đã bị bắt giam khi công an, cảnh sát và dân phòng phong toả khu vực trong khi xe múc phá tan nát những căn nhà mà nhà nước cho là được xây dựng trái phép trên đất công. Ông Trực chỉ được thả về sau khi việc phá sập hàng trăm căn nhà đã được thi hành.
Trên thực tế khu đất đó không phải đất công mà là đất của giáo hội công giáo từ trước năm 1954 và khi có người di cư từ bắc thì họ được giáo hội cho thuê canh tác và nhiều người còn giữ giấy chứng nhận thuê mướn đất của Họ Chí Hoà, thuộc giáo hội công giáo.
Một số văn bản, khế ước thuê đất và biên lai đóng thuế mà người dân ở đây đưa ra trong những ngày qua để chứng minh họ có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Các giấy tờ như Tờ Tá mướn đất của ông Vũ Lỗ ký ngày 1/1/1954 với cha sở Họ Chí Hoà; khế ước mướn đất của ông Nguyễn Văn Quyền ký ngày 1/1/1975 với Toà Tổng giám mục Sài Gòn; hay biên lai đóng thuế đất của ông Vũ Lỗ, của ông Nguyễn Văn Rơi sau ngày 30/4/1975 đã chứng minh họ là người đã sử dụng đất từ nhiều chục năm và theo luật mới về đất đai ban hành năm 1993 thì họ có đủ tư cách để được xác minh quyền sử dụng đất hợp pháp.
Tuy nhiên từ nhiều năm qua nhà nước đã không xác minh cho họ và lại tìm cách thu hồi đất. Để tiến hành việc cưỡng chế, các cơ quan chức năng đưa ra những giải thích và chứng cớ không thuyết phục, cho rằng đó là khu đất công, cần thu hồi theo chính sách đất thuộc về toàn dân do nhà nước quản lí.
Trong hai thập niên qua nhà nước đã và đang thực hiện chính sách thu hồi đất của dân để qui hoạch những dự án, công trình mà quan chức nhà nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi cho phép những công ty, nhà đầu tư xây nhà, chung cư hay xây khu thương mại còn người dân chỉ được bồi thường với giá rẻ.
Một người có nhiều kinh nghiệm đầu tư nhà đất cho biết việc nhà nước trợ giúp 7 triệu đồng một mét vuông cho những ai bị thiệt hại là một giá thấp vì đất khu vực này giá trung bình ít ra cũng 35 triệu đồng một mét vuông.
Nhiều khu đất trước nay thuộc về các giáo hội, nằm tại những trung tâm chính của các thành phố lớn, nhà nước muốn lấy lại không được thì tìm cách đập phá hoặc gây khó khăn cho tu sĩ đang trụ trì ở đó, như chùa Liên Trì hay dòng Mến Thánh Giá, như đất Toà Khâm sứ, đất dòng Chúa Cứu Thế.
Hơn một thập niên trước, sự kiện đất Toà Khâm sứ ở Thủ đô Hà Nội đã gây căng thẳng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó cũng đã đến tham quan xem hư thực thế nào, nhưng rồi cuối cùng nhà nước cũng đã cưỡng chế lấy mảnh đất này để nhanh chóng biến thành công viên.
Khu vực đất Lộc Hưng hiện nay cũng thế, sau nhiều năm nhà nước muốn chiếm đất để khai thác, nói là xây dựng chung cư, trường học, công viên nhưng không được, vì quyền sở hữu thuộc về giáo hội công giáo đã có từ lâu đời.
Văn thư ngày 31/8/2007 của linh mục Huỳnh Công Minh, đại diện Toà Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thích rất rõ, với các văn kiện chứng minh giáo hội công giáo là chủ đất, qua thư ngày 17/2/1955 của Đại úy Pháp Moinard, là người trông coi đài phát tín khi đó. Thư của linh mục giám quản tổng giáo phận cũng xác minh quyền sử dụng đất của người dân ở đây đã có từ năm 1954.
Năm 1954 thày u tôi cũng di cư vào nam. Tôi được sinh ra và lớn lên ở xứ Nghĩa Hoà, cạnh Lộc Hưng, biết cánh đồng trồng rau này là “Ruộng rau muống Sơn Tây” và nghe người lớn kể rằng người di cư vào đây là gốc Sơn Tây ngoài Bắc, nên tiếp tục trồng rau muống.
Ngày còn nhỏ, vào mùa mưa tôi hay cùng đám bạn từ Nghĩa Hoà ra ruộng bắt cá rô, cá sặc và nhiều lần bị ngạnh cá trê đâm chảy máu tay. Con đường Chấn Hưng thường lụt nước tôi còn nhớ mãi. Con đường Hưng Hoá dẫn qua đường Nghĩa Hưng có nhà thờ Nghĩa Hoà, chợ Nghĩa Hoà; có nhà của anh em anh Phượng cụt chân may quần áo, anh Ti khiếm thị bán vé số. Có con hẻm dẫn ra tiệm giặt ủi An Nam, qua bên kia có nhà của ông trưởng ấp Lộc Hoà là Ngô Văn Bột.
Tôi nhớ ngay bên cánh đồng rau này, vài ngày trước 30/4/1975 tôi và hàng nghìn người đã ra đây đứng nghe Tướng Nguyễn Cao Kỳ kêu gọi ở lại, sống chết với quê hương.
Khu vực này trước năm 1975 khi các linh mục kêu gọi đi biểu tình là bà con tụ họp trước sân nhà thờ rồi hàng nghìn người kéo nhau đi bộ lên Bộ Tổng tham mưu, công trường Lam Sơn hay Bùng binh Bến Thành. Một lần có 6 người biểu tình trước Bộ Tổng Tham mưu bị tử thương vì đạn do lính gác bắn, anh Phượng bị trúng đạn và phải cưa chân.
Quanh đây là những xứ đạo, nơi định cư của hầu hết người công giáo di cư với những tên mang ý nghĩa an bình: Thái Hoà, Nam Hoà, An Lạc, Nghĩa Hoà, Chí Hoà, Nam Thái. Xứ Nghĩa Hoà có cha Đinh Huy Năng, cha Mai Chí Thành, có trường trung học Thánh Giuse. Lộc Hưng có cha già Hân làm hạt trưởng Chí Hoà, cha Thu làm hiệu trưởng trường Văn Đức. Nam Hoà có trường Khai Quang. Chí Hoà có trường Mai Khôi. Đầu đường Thánh Mẫu có toà soạn báo Xây Dựng của cha Nguyễn Quang Lãm.
Ngày học cấp hai trường Thánh Tâm Ngã Ba Ông Tạ, nay là Trung học cơ sở Tân Bình, tôi được biết đến những món ngon đất Bắc trong giờ Văn: “Dưa La, Cà Láng, Nem Báng, Tương Bần”, cùng với “Rau muống Sơn Tây, cá rô Đầm Sét.”
“Ruộng rau muống Sơn Tây” là cái tên gợi nhớ và chút thân thương của quê Bắc ngay giữa Sài Gòn trong hơn nửa thế kỷ qua nay không còn nữa.
Sau hai đợt san bình địa hơn trăm căn nhà khiến mấy trăm dân bỗng dưng trắng tay, trở thành kẻ không nhà và chính quyền đã treo lên sơ đồ phác hoạ dự án xây trường học và được canh gác an ninh chặt chẽ.
Một lần nữa, việc cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng cho thấy nhà nước cướp đất và không quan tâm đến việc giải quyết khiếu kiện của dân. Mà đã là đất ăn cướp thì có xây dựng cơ sở giáo dục, dù là cụm trường mang đẳng cấp quốc gia, những ngôi trường này sẽ có chuyên chở được ý nghĩa nhân bản của giáo dục hay không?
Tôi nhớ lần sau cùng Lộc Hưng tan hoang là khoảng năm 1970 khi có vụ hoả hoạn thiêu rụi mấy chục nóc gia trên con đường từ ngã tư quốc tế Nghĩa Hoà sang Lộc Hưng. Chỉ ít lâu sau, với sự giúp đỡ của chính quyền và giáo hội người dân đã có được nhà mới để ở.
Nhà cửa tan hoang lần này đến với Lộc Hưng là do lãnh đạo cộng sản gây nên. Không biết đến bao giờ người dân ở đây mới có cơ hội xây dựng lại nhà cửa hay đòi được công lý.

Venezuela và ‘tâm trạng Việt Nam’

VOA blog
Mạnh Kim
25/01/2019


Một cuộc biểu tình tại Venezuela chống chính phủ Maduro.
Cuộc chính biến chấn động Venezuela dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao tức thì giữa các “ông lớn” cũng đang mang lại “ảnh hưởng” đến dư luận Việt Nam. Người Việt theo dõi sự kiện chính trị xảy ra ở một nước cách xa hơn 17 ngàn cây số với cái nhìn liên tưởng rất gần: Chừng nào đến lượt Việt Nam? Thậm chí có người viết: “Venezuela hôm nay, Việt Nam ngày mai!”… Tâm trạng này đủ để cho thấy người Việt khát khao thay đổi như thế nào. Viễn cảnh bùng nổ “cách mạng nhân dân” ở Việt Nam sẽ xảy ra, nếu những thực tế sau đây được xóa bỏ…
- Cuộc xuống đường rầm rộ phản đối chính phủ độc tài Nicolas Maduro hạ tuần tháng 1-2019 không phải là phản ứng tức thì và bột phát. Nó là kết quả của chuỗi phản kháng gần như chưa bao giờ ngừng kể từ khi Nicolas Maduro lên nắm quyền sau khi Hugo Chávez chết năm 2013. Yếu tố liên tục “giữ lửa” và “nuôi lửa” này gần như chưa bao giờ có ở Việt Nam. Các cuộc xuống đường ở Việt Nam, bất luận quy mô thế nào, cũng đều đi theo sự kiện và chúng nhanh chóng bị dập tắt ngay lúc đó. Đó là chưa kể hình thức biểu tình. Cách thức tổ chức, kêu gọi và hình thức xuống đường luôn tương tự. Lực lượng an ninh không khó khăn để lên kịch bản đàn áp nếu cách thức biểu tình và phương pháp “vận động nhân dân” không thay đổi.
- Việt Nam chưa có những tổ chức xã hội dân sự đủ mạnh để đánh động dư luận và kêu gọi sự đồng lòng ở số đông – theo cách mà chính những tổ chức cộng sản từng làm khi thực hiện “cách mạng nhân dân” lật đổ những “chính quyền thối nát”. Các tổ chức xã hội dân sự cũng chưa xây dựng được sự đoàn kết cần thiết để trở thành lực lượng tập hợp mạnh nhằm có thể trở thành đối trọng với đảng cầm quyền. Những cuộc trà trộn đánh phá nội bộ của an ninh chưa bao giờ bị phát hiện dẫn đến nghi kỵ càng khiến sự đoàn kết trở nên khó khăn. Sẽ rất khó hình thành nên phong trào một cách bền bỉ nếu việc xây dựng tổ chức vẫn tiếp tục loay hoay.
- Reuters (26-7-2018) cho biết, gần ¾ tờ báo ở Venezuela đã đóng cửa trong 5 năm (Venezuela xếp 143/180 quốc gia về tự do báo chí theo xếp hạng của Phóng viên không biên giới). Forbes (28-12-2017) cho biết thêm, chỉ trong hai tháng kể từ tháng 4-2017, chính quyền Maduro đã bắt và nhốt tù 66 nhà báo-biên tập viên liên quan các bài viết tường thuật biểu tình chống chính phủ; và ít nhất 49 đài phát thanh bị ngừng hoạt động trong năm 2017. Điều đó cho thấy tự do báo chí dưới thời Maduro là không tồn tại; tuy nhiên, nó cùng lúc cho thấy sự phản kháng trước tình trạng bóp nghẹt tự do báo chí của Venezuela là rất mạnh. Ở Việt Nam (hạng 175 về tự do báo chí), không có phóng viên nào có “thái độ chính trị” để khiến mình vào tù như đồng nghiệp Venezuela. Báo chí Việt Nam có vài tổng biên tập “xé rào” nhưng không có tổng biên tập nào dám xé toạc những “quy định báo chí” để thẳng thắn chỉ trích “đường lối và chủ trương của Đảng”. “Phong trào dân chủ” sẽ rất khó trở thành “phong trào” thật sự nếu hệ thống báo chí chính thống còn lấp ló sau những hàng rào sợ hãi, nếu những nhà báo đang ăn lương không đủ can đảm từ chức tập thể hoặc tuyên bố tự đóng cửa tòa soạn.
- Chính trường Việt Nam hoàn toàn không có chính trị gia chuyên nghiệp. Hệ thống “người của Đảng” kiểm soát mọi thứ, kể cả diễn đàn Quốc hội, nơi có những “đại biểu” vừa ngồi ghế hành pháp, vừa chiếm ghế lập pháp, vừa ôm ghế tư pháp (chưa kể “ghế” chủ doanh nghiệp). Không có chính trị chuyên nghiệp nên “ý kiến” “đại biểu” chỉ thể hiện “ý chí” của tổ chức đảng hơn là ý nguyện người dân. Không có chính trị gia chuyên nghiệp nên khả năng xây dựng lực lượng chính trị đối lập, dẫn đến phản kháng và đảo chính, là zero. Điều này chỉ có thể khác đi hoặc chấm dứt, khi người dân không bao giờ ngừng yêu cầu quyền bầu cử tự do và quyền thiết lập một nền chính trị đa nguyên.
- Phong trào dân chủ Việt Nam gần như không có nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Những tiếng nói đơn lẻ xuất phát từ bức xúc cá nhân dù tạo ra những cơn sóng phẫn nộ gay gắt vẫn dường như chưa đủ mạnh để lay chuyển tận gốc rễ nhận thức xã hội. Việt Nam cần nhiều hơn những người có thể mang lại “cảm hứng” như Trần Huỳnh Duy Thức, những người không chỉ có thể phác họa “con đường mới” cho Việt Nam mà còn có thể lay tỉnh được cơn ngủ vùi của tầng lớp lao động lẫn sinh viên; những người không chỉ có thể giúp xóa được tâm lý sợ hãi của người dân mà còn lay chuyển được cả những ông nghị vốn quen gật hoặc viên chức chính quyền lẫn quân đội…
Thời điểm hiện tại, chính quyền vẫn rất mạnh, xét về khả năng duy trì và bảo vệ chế độ. Họ có một quân đội trung thành, một bộ máy an ninh khổng lồ, một mô hình chính trị cùng “một hệ” xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương. Tuy nhiên, chế độ chưa bao giờ hỗn loạn và suy yếu từ bên trong nghiêm trọng như lúc này. Chỉ là hoang tưởng nếu tin rằng chế độ “vững như bàn thạch” trong khi họ không bao giờ ngừng gây oán thán bằng các chính sách bất cận nhân tình. Ngòi nổ liên tục được chính quyền tạo ra. Rơm được chất đống. Chỉ thiếu mồi lửa. Dù chưa có cuộc biểu tình nào đủ sức lật đổ chế độ nhưng ngày càng nhiều có những vụ đơn lẻ mang màu sắc thậm chí tiêu cực hơn chẳng hạn các vụ đánh trả, giết chết công an hoặc các vụ đặt bom ám sát viên chức chính quyền. Tâm lý thù ghét, mất niềm tin, thậm chí khinh bỉ, đối với chính quyền, đang lan rộng, vô phương chặn đứng.
Những người “thuộc nằm lòng” lý thuyết cộng sản đều biết rằng mâu thuẫn xã hội là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa chế độ cầm quyền. Điều này đang diễn ra mỗi lúc mỗi gay gắt. Những tay “cộng sản trung kiên” cũng biết rõ rằng mâu thuẫn nội bộ là một “đại kỵ” có thể dẫn đến sụp đổ chế độ. Điều này cũng đang bùng nổ. Một cách tổng quát, Việt Nam đang hội đủ “điều kiện” ở giai đoạn “tiên khởi” dẫn đến sự vỡ bờ của một cuộc cách mạng, từ việc bầu cử phi dân chủ; sự thiếu vắng nền tư pháp độc lập; sự bưng bít thông tin và bịt miệng báo chí; sự trấn áp tàn bạo người dân; sự hình thành và bao che tầng lớp đặc quyền đặc lợi; sự tham nhũng hủ hóa cực kỳ nghiêm trọng; đến tình trạng vi phạm thô bạo quyền tư hữu đất đai…
Ở thời điểm này, không ai có thể nghĩ đến khả năng xảy ra chính biến ở Việt Nam. Cũng gần như không ai hình dung có một cuộc cách mạng “long trời, lở đất” lột xác diện mạo chính trị quốc gia. Hiện tại là những khó khăn cần nhiều nỗ lực để vượt qua cho một tương lai dân chủ. Hiện tại cũng đầy khó khăn và thách thức cho tương lai của chính chế độ. Nhà cầm quyền đang lâm vào tình thế bế tắc trong việc tìm chỗ đứng thuyết phục và xây dựng niềm tin người dân, vì họ cùng lúc tước đoạt chỗ đứng người dân và những quyền căn bản của họ. Chẳng ai tin chế độ có thể nhượng bộ thay đổi. Trong khi đó, người dân ngày càng thay đổi cái nhìn về chính quyền. Đó là điều căn bản để tạo ra “bào thai” cho một cuộc cách mạng, ít nhất là cách mạng nhận thức. Từ cách mạng nhận thức đến cách mạng hành động cần một thời gian “ấp ủ”. Vấn đề là sự khát khao thay đổi luôn cần được ấp ủ, luôn cần được nuôi nấng và duy trì, luôn cần được gieo hy vọng, kể cả khi đối mặt những thực tế hiện tại dường như bế tắc…
  • 16x9 Image

    Mạnh Kim

    Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt.

Powered by Blogger.