Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 04/06/2020

Thursday, June 4, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 04/06/2020

Hồng Kông: Cấm tưởng niệm vụ Thiên An Môn, dấu hiệu tự do bị co hẹp – Anh Vũ

Nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ vì các cuộc biểu tình sôi sục chống kỳ thị chủng tộc từ sau vụ người đàn ông Mỹ da đen George Floyd ở Minneapolis bị đè chết dưới đầu gối của cảnh sát. Lần đầu tiên từ 30 năm qua người Hồng Kông không được tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn – Bắc Kinh,  vì dịch covid 19 hay dấu hiệu quyền tự do bị thắt lại?
Trên đây là 2 chủ đề quốc tế chính được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều.
Trước hết đến với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc nay là đặc khu hành chính của Trung Quốc. Nhật báo Libération khẳng định, các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn sẽ không diễn ra ngày hôm nay tại vùng đất thuộc địa cũ của Anh. Về mặt chính thức là vì dịch virus corona, nhưng giới đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông đều nhận thấy ở đây một bằng chứng cho thấy chế độ Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do của đặc khu, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh vừa thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông nhắm chủ yếu vào giới đấu tranh đòi dân chủ. Quyền tự trị ở vùng đất mang quy chế đặc khu hành chính này đang ngày thêm co hẹp dần, như các nhận xét của giới quan sát được Libération trích dẫn.
Như vậy là lần đầu tiên trong 30 năm qua, đã không diễn ra hoạt động thắp nến trong công viên Victoria ở trung tâm thành phố để tưởng niệm hàng nghìn người chết dưới làn đạn của quân đội Trung Quốc  đêm 3 rạng sáng 4 tháng 6 năm 1989, trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, tờ báo nhận xét. Cuộc tưởng niệm hàng năm này vẫn được coi như là chiếc phong vũ biểu đo tình hình chính trị ở đây. Nỗi lo các quyền tự trị của Hồng Kông bị Bắc Kinh trấn áp càng lớn thì cuộc huy động của người dân vào dịp này càng đông đảo.
Từ năm 2007 đến nay, hoạt động này vẫn tập hợp hơn 100 nghìn người tham dự. Chính nhờ quy chế đặc biệt, trên lý thuyết còn kéo dài đến năm 2047, mà người Hồng Kông vẫn có thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ mùa xuân Bắc Kinh.
Libération nhận thấy, « 31 năm sau sự kiện ở Bắc Kinh, những người đã từng chứng kiến, từng kinh sợ trước cuộc thảm sát giờ đang lo sợ mình cũng phải chịu số phận tương tự, nhưng theo cách ngấm ngầm không đổ máu ».
Nhân sự kiện này, trả lời phỏng vấn Libération, nhà nghiên cứu Trung Quốc Jean-Philippe Béja, thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) nhận định, việc cấm các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn tiếp theo sau luật an ninh quốc gia là một đe dọa mới cho quyền tự trị của Hồng Kông.
Nhưng lý do tại sao Bắc Kinh lại mạnh tay can thiệp vào các quyền tự do ở Hồng Kông vào lúc này ? Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích : Trước hết là quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ đang cực kỳ căng thẳng. Tiếp đó là thế giới đang tập trung vào đối phó với đại dịch virus corona. Sau cùng Bắc Kinh không còn tin cậy vào những người ủng hộ mình ở Hồng Kông, nhất là trưởng đặc khu hành chính bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau một loạt thất bại trước phong trào dân chủ ở Hồng Kông và không đáp ứng được chỉ đạo của Hoa Lục. Thêm vào đó chế độ Bắc Kinh lo sợ các cuộc biểu tình tưởng niệm như năm trước lại tái diễn, thấy cần phải ngăn chặn ngay. Rồi đến cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông vào ngày 06/09 tới đây có nguy cơ phe thân Bắc Kinh sẽ thất bại thê thảm. Luật an ninh mới sẽ góp phần ngăn chặn các lực lượng dân chủ tham gia tuyển cử ở Hồng Kông.
Tóm lại, theo chuyên gia Pháp, « đảng Cộng sản Trung Quốc làm những gì họ muốn với luật, vì chính họ viết ra luật ».
Anh sẽ mở cửa đón người Hồng Kông ?
Tuy nhiên phong trào đấu tranh đòi dân chủ của người Hồng Kông cũng được an ủi phần nào bởi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ và Anh Quốc.
Nhật báo Les Echos cho biết « Luân Đôn dọa Bắc Kinh là sẽ tạo điều kiện đón nhận người Hồng Kông ». Tiếp sau những phản ứng gay gắt của ngoại trưởng về luật an ninh quốc gia vừa được Bắc Kinh cho thông qua, hôm qua (03/06), thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ mở rộng cửa đón người dân Hồng Kông nếu Trung Quốc vẫn quyết giữ luật an ninh quốc gia. Lãnh đạo chính phủ Anh cảnh báo sẽ cho sửa đổi luật di trú cho phép người Hồng Kông được quyền mang « hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc ». Như vậy người dân Hồng Kông mang hộ chiếu này sẽ có quyền đến Anh không cần visa trong vòng 12 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay và được cấp phép làm việc. Thủ tướng Anh ước tính có 350 nghìn kiều dân Hồng Kông đang có hộ chiếu hải ngoại và 2,5 triệu người trên tổng số 7 triệu dân ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh có thể được cấp hộ chiếu hải ngoại.
Đây không phải lần đầu tiên Anh đe dọa Trung Quốc trên vấn đề tự trị của Hồng Kông, nhưng đích thân thủ tướng Anh lên tiếng thì quả là một sức ép không nhẹ đối với Bắc Kinh. Tất nhiên Trung Quốc phản công, coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ đồng thời không quên khẳng định, « Hồng Kông đã được trả lại cho Trung Quốc ».
Theo Les Echos, dù khả năng làm Bắc Kinh phải chùn bước là rất ít nhưng ông Boris Johnson biết là làm như vậy ông có thể lấy lòng được đảng Bảo Thủ Anh, đang ngày càng tỏ xu hướng chống Trung Quốc ra mặt.
Biểu tình bạo loạn Mỹ : Tổng thống Donald Trump lên tuyến đầu ?
Chuyển qua thời sự nóng đang làm náo động nước Mỹ, vụ George Floyd. Các báo Pháp đặt tổng thống Trump vào trung tâm của sự kiện.
Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : «  Hoa Kỳ : Những mầm mống của sự phẫn nộ ». Tờ báo ghi nhận, phải đối mặt liên tiếp với khủng hoảng y tế, kinh tế, và cuộc nổi dậy vì kỳ thị chủng tộc, trước kỳ bầu cử tổng thống 5 tháng, ông Donald Trump vẫn từ chối đóng vai trò một vị tổng thống biết đoàn kết tập hợp người dân. Bài viết liệt kê lại những hành động, những tuyên bố của tổng thống Mỹ mỗi khi xảy ra khủng hoảng ở trong nước, ông Trump luôn né tránh trách nhiệm chính của mình chỉ chăm chút cho hình ảnh của cá nhân. Điển hình là sự kiện cảnh sát thẳng tay dẹp người biểu tình để dọn đường cho ông Donald Trump tới nhà thờ đối diện Nhà Trắng chỉ để chụp tấm ảnh cầm cuốn kinh thánh trên tay. Một hình ảnh gây nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ và được xã luận báo Công giáo La Croix đánh giá là « lợi dụng đức tin » qua tựa bài xã luận. Theo la Croix, « đức tin phải đoàn kết con người với nhau, nhưng ở đây nó bị lợi dụng. Tổng thống Trump không phải là người duy nhất hành động như vậy ».
Trong khi đó Le Figaro có bài viết với hàng tựa : « Donald Trump trên tuyến đầu đối mặt với phẫn nộ ». Bài báo ghi nhận tâm chấn của phong trào phản kháng sôi sục sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd dưới bạo lực cảnh sát đã nhanh chóng chuyển từ Minneapolis về Washington. Chỉ cần 48 giờ đồng hồ, tổng thống Donald Trump đã thu hút được sự chú ý về mình, cho dù chắc chắn đó không phải theo tính toán trước. Ông Trump đã chứng tỏ được mình vị tổng thống sẵn sàng làm tất cả, kể cả những biện pháp cứng rắn nhất là điều động quân đội nhằm vãn hồi trật tự.
Tuy nhiên mệnh lệnh điều quân đội kiểm soát đường phố đã vấp phải thái độ dè dặt của nhiều giới, trong đó có cả bộ Quốc Phòng và lực lượng Cảnh vệ Quốc gia. Nhiều thống đốc bang đã không tuân theo chỉ thị của Donald Trump. Tổng thống chỉ còn lại khả năng vận dụng đạo luật chống nổi loạn để điều binh dẹp làn sóng biểu tình bạo động.
Trong một bài viết mang tiêu đề « Nước Mỹ vẫn ám ảnh bởi vết thương chủng tộc dai dẳng », Le Figaro nhận thấy : Hy vọng về một nước Mỹ hòa hợp từ khi bầu Barack Obama lên làm tổng thống đã nhanh chóng nhường chỗ cho bóng ma của một đất nước chia rẽ giữa hai màu da đen và trắng.
Bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, không chỉ có ở Mỹ
Trong dòng sự kiện đang diễn ra ở nước Mỹ, nhật báo Liberation nhìn rộng hơn vấn đề liên quan đến nước Pháp  với hàng tựa lớn trang nhất  : « Bạo lực cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp khác ».
Liberation cho biết : « Mười ngày sau cái chết của George Floyd tại Mỹ trong một vụ bắt giữ của cảnh sát Minneapolis, đã xuất hiện tại Pháp nhiều cuộc biểu tình lên án bạo lực cảnh sát và bày tỏ phẫn nộ với tình trạng bất công. Tại Paris, Marseille, Lyon hay Lille, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người vì dịch bệnh và nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp, hàng nghìn người vẫn tập hợp để gợi lại những phẫn nộ xung quan một vụ việc được cho là đã xảy ra tương tự ở Pháp từ năm 2016, liên quan đến cái chết của một thiếu niên Traoré Adama trong một vụ truy bắt tội phạm của cảnh sát ở ngoại ô Paris. Vụ án đã khép lại nhưng các kết luật điều tra và của tư pháp bị cho là bất công. Một phong trào mới đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang hình thành sau sự kiện George Floyd ở Mỹ. Xã luận tờ báo bình luận : « Không so sánh sơ sài giữa Pháp và Mỹ, nhưng các cuộc biểu tình phản kháng ở Pháp hôm 02/06 vừa rồi là hoàn toàn chính đáng ».
Bên cạnh đó tờ báo cũng ghi nhận, các cuộc biểu tình đó đang làm phân hóa chính trị thêm sâu sắc tại Pháp, nơi mà các vấn đề chủng tộc, tôn giáo luôn là chuyện hết sức nhạy cảm với chính quyền.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200604-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-c%E1%BA%A5m-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-ni%E1%BB%87m-v%E1%BB%A5-thi%C3%AAn-an-m%C3%B4n-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-t%E1%BB%B1-do-b%E1%BB%8B-co-h%E1%BA%B9p

Tin tổng hợp
(USNI News) – Tầu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đến đảo Guam đón thủy thủ đoàn chuẩn bị tác chiến. 
Ngày 03/06/2020, Hạm Đội 7 của Mỹ thông báo « tầu USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và sư đoàn không quân đã sẵn sàng hoạt động trở lại » sau hai tháng chống virus corona khiến 1.000 trên 4.800 nhân viên trên tầu bị nhiễm. Thủy thủ đoàn phải cho xét nghiệm âm tính hai lần với Covid-19 mới được trở lại làm việc trên tầu. Đây là bước quan trọng cuối cùng để tầu Theodore Roosevelt, hiện đang đậu ở cảng Apra, có thể trở lại hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tầu sân bay Theodore Roosevelt và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) từng ghé thăm cảng Đà Nẵng trong vòng 5 ngày vào đầu tháng 03/2020 để đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt Nam.
(RFI) – Ba Lan lùi ngày bầu cử đến 28/06/2020, tổng thống Andrzej Duda mất lợi thế. 
Lý do lùi ngày tổ chức bầu cử tổng thống là do virus corona. Cũng vì cách xử lý khủng hoảng dịch Covid-19, đặc biệt là tác động về kinh tế, khiến tỉ lệ được lòng dân của tổng thống đương nhiệm bị sụt giảm, từ hơn 50% vào đầu mùa dịch, hiện chỉ còn chưa đầy 40%. Đô trưởng Vácxava, Rafal Trzaskowski, trở thành đối thủ chính của tổng thống đương nhiệm, với lời hứa duy trì các biện pháp xã hội do đảng của tổng thống đương nhiệm ban hành và đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế.
(Inquirer) - ASEAN thách thức Covid-19, họp thượng đỉnh vào cuối tháng 6/2020 tại Đà Nẵng ? 
Theo lời một quan chức bộ Ngoại Giao Indonesia được báo Inquirer trích dẫn, Việt Nam trong cương vị chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á đề xuất khả năng mời lãnh đạo 10 nước ASEAN đến Đà Nẵng cùng nhau khai mạc một cuộc họp trực tiếp chứ không phải qua cầu truyền hình. Nếu kế hoạch được thực hiện đây sẽ là một tín hiệu mạnh cho thấy Việt Nam thực sự sang trang giai đoạn khủng hoảng y tế do virus corona gây nên.
(AFP) – Virus corona: Pháp vượt ngưỡng 29.000 người chết, chính phủ chuẩn bị các kế hoạch đối phó với khủng hoảng hậu Covid-19. 
Tại Pháp tính đến ngày 03/06/2020 virus corona gây tử vong cho 29.021 người, thêm 81 bệnh nhân qua đời vào hôm qua. Bốn vùng bị nặng nhất trong đó có Paris và vùng phụ cận, tập trung gần ¾ số bệnh nhân điều trị trong các khoa hồi sức đặc biệt. Chiều nay (04/06/2020) tổng thống và thủ tướng Pháp triệu tập đại diện của giới chủ và công đoàn tại điện Elysée để cùng tìm cách bảo vệ thị trường lao động trước tác hại về kinh tế do Covid-19 gây nên.
(AFP) - Tây Ban Nha mở cửa lại biên giới với Pháp và Bồ Đào Nha ngày 22/06/2020. 
Bộ trưởng Du Lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto ngày 04/06/2020 nói rõ trên nguyên tắc một khi mở cửa lại biên giới, công dân hai nước láng giềng là Pháp và Bồ Đào Nha không bị cách ly 2 tuần. Hôm qua, Quốc Hội Tây Ban Nha bật đèn xanh cho thủ tướng Pedro Sanchez triển hạn tình trạng báo động chống virus corona đến ngày 21/06/2020. Đây là lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng Tây Ban Nha triển hạn tình trạng báo động vì dịch bệnh.
(Reuters) - Trung Quốc nới lỏng các biện pháp giới hạn không lưu.
Cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc CAAC ngày 04/06/2020 thông báo kể từ 08/06/2020, các hãng hàng không quốc tế lại được phép khai thác nhiều chuyến bay đến Trung Quốc. Quy định này được áp dụng với toàn bộ 95 tập đoàn có các đường bay đến Trung Quốc. Từ tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19, mỗi hãng hàng không quốc tế chỉ được phép có một chuyến bay một tuần đến Trung Quốc. Trong khi đó tổng thống Donald Trump ngày 03/06/2020 thông báo ngừng cho phép các hãng hàng không Trung Quốc vào Mỹ kể từ ngày 16/06/2020. Trước mắt cơ quan hàng không dân dụng Mỹ chưa xác nhận tin trên.
(AFP) – Tấn công bằng dao tại một trường học ở Quảng Tây (Trung Quốc): 39 người bị thương. 
Theo chính quyền địa phương huyện Thương Ngô (Cangwu) tỉnh Quảng Tây, vụ tấn công diễn ra lúc 8g30 sáng, giờ địa phương ngày 04/06/2020. 37 học sinh và 2 người lớn bị thương, tất cả đã được đưa vào bệnh viện. Báo chí tại chỗ cho biết, hung thủ là một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Những vụ tấn công như trên thường xảy ra tại Trung Quốc. Năm 2017 một trường mẫu giáo tại tỉnh Quảng Tây đã bị tấn công, 11 học sinh bị thương.
(AFP) - Lực lượng Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia Libya (GNA) kiểm soát toàn bộ thủ đô Tripoli và vùng phụ cận. 
Phát ngôn viên của chính phủ Libya, Mohamad Gnounou cho biết như trên trong tin nhắn trên mạng xã hội Facebook ngày 04/06/2020. Một ngày trước, chính phủ Libya đã chiếm lại được phi trường quốc tế Tripoli. Từ hơn một năm nay lực lượng trong tay thống chế Khalifa Haftar khởi động chiến dịch chiếm Tripoli. Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia Libya được Liên Hiệp Quốc công nhận.
(Reuters) - Thêm một mạng xã hội tuyên chiến với Donald Trump. 
Ngày 03/06/2020 đến lượt mạng xã hội Snapchat cho biết tạm đình chỉ tài khoản của tổng thống Hoa Kỳ với lý do ông Trump đăng tải những thông tin “đổ thêm dầu vào lửa” vào tuần qua trong lúc nước Mỹ đang phải đối măt với bạo động về chủng tộc. Snapchat giải thích “bạo động mang màu sắc chủng tộc và bất công không có chỗ đứng trong tập đoàn của chúng tôi”. Hãng này luôn đứng về phía những người “hướng về hòa bình, công lý cho nước Mỹ”. Đọ sức với Donald Trump, cổ phiếu của Snapchat mất giá 2,4 %.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200604-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 4/6:

Ngoại trưởng Mỹ

gặp nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Sáng nay, thứ Năm (4/6), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ gặp nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp gỡ những người còn sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Cuộc gặp được tổ chức hai ngày trước lễ kỷ niệm 31 năm (4/6/1989-4/6/2020) sự kiện đẫm máu diễn ra tại nơi có danh xưng “Cổng trời bình yên”, theo bản tin sáng thứ Năm của SCMP.
Ông Pompeo đã tiếp bốn người từng tham gia yêu cầu các quyền cơ bản của con người tại Thiên An Môn trong một cuộc họp kín tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đưa ra thông tin chi tiết về cuộc gặp này, nhưng trong một tuyên bố họ cho biết: “Chúng tôi thương tiếc các nạn nhân trong sự kiện diễn ra ngày 4/6/1989 và chúng tôi chia sẻ với người dân Trung Quốc về khát vọng có một chính phủ bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do thiết yếu và phẩm giá cơ bản của con người”.
Đại sứ Hàn: Hàn Quốc có thể chọn Mỹ hoặc Trung Quốc
Hôm thứ Tư, Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ, Lee Soo-hyuck, nói rằng đất nước của ông hiện đang ở tình huống “chọn” Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, theo Yonhap.
“Rõ ràng là trong trật tự quốc tế mới của thời kỳ hậu corona, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giữ một vị trí quan trọng”, ông Lee Soo-hyuck nói trong một cuộc họp báo trực tuyến với các phóng viên Hàn Quốc.
Ông Lee cho biết, ông cảm thấy tự hào về việc, hiện tại Hàn Quốc có thể lựa chọn (giữa Mỹ và Trung Quốc), nhưng không bị buộc phải lựa chọn.
“Như chúng tôi đã làm khi đối phó với dịch virus corona, nếu chúng tôi giải quyết một cách sáng suốt các vấn đề khác nhau phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi – dựa trên nền dân chủ, sự tham gia của công dân, quyền con người và sự cởi mở – tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể mở rộng không gian ngoại giao của mình trong các vấn đề quốc tế lớn”, Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ cho biết thêm.
Mỹ chế tài thêm hai cơ quan truyền thông Trung Quốc
Ba nguồn thạo tin của Reuters tiết lộ hôm thứ Tư rằng chính quyền Trump dự kiến tiếp tục thắt chặt kiểm soát các hoạt động tại Hoa Kỳ của ít nhất 4 cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc.
Các nguồn tin ẩn danh nói rằng, hai trong số 4 hãng truyền thông Trung Quốc bị nhắm mục tiêu là Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, và hãng thông tấn China News Service. Chính quyền Mỹ sẽ coi các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ như các đại sứ quán nước ngoài. Theo đó, sẽ yêu cầu các cơ quan này phải đăng ký nhân viên và tài sản với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Dự kiến động thái sẽ có hiệu lực ngay từ 4/6.
Hồi tháng Hai, Washington đã có động thái tương tự với 5 kênh truyền thông lớn của Trung Quốc bị cáo buộc là công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh.
Chính quyền Trump cấm hàng không Trung Quốc
Reuters đưa tin, chính quyền Trump hôm thứ Tư đã ra lệnh cấm tất cả các hãng hàng không Trung Quốc bay đến Hoa Kỳ bắt đầu từ 16/6.
“Các hãng hàng không Mỹ đã yêu cầu nối lại dịch vụ chở khách với Trung Quốc từ ngày 1/6. Việc chính phủ Trung Quốc không chấp thuận yêu cầu của họ là vi phạm Thỏa thuận Vận tải Hàng không giữa chúng tôi”, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ngày 3/6 ra tuyên bố.
Phát hiện thêm 2 bệnh nhân Ebola ở Congo
WHO cho biết, đã có thêm ít nhất 2 người ở tỉnh Equateur, cộng hòa Congo nhiễm virus Ebola. Trước đó Congo đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm loại virus chết người này ở tỉnh Mbandaka, trong đó 4 người đã chết, theo Reuters.
“Người mới nhất được xác nhận mắc bệnh Ebola đã tham dự lễ chôn cất một trong những ca bệnh đầu tiên [trong 6 ca đã được phát hiện]”, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết.
Congo dự kiến công bố hết dịch Ebola vào tháng này, sau khi trải qua dịch bệnh bùng phát từ năm 2018 làm chết 2.200 người. Tuy nhiên, với những trường hợp nhiễm bệnh mới khiến dịch Ebola tiếp tục kéo dài ở nước này, bên cạnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm 20 người Congo thiệt mạng.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-4-6-ngoai-truong-my-gap-nan-nhan-cua-vu-tham-sat-thien-an-mon.html

Điểm tin thế giới chiều 4/6:

Bà Thái nói Trung Quốc có 1 ngày ‘bị lãng quên’;

Hồng Kông thông qua luật quốc ca

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (4/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bà Thái nói Trung Quốc có một ngày ‘bị lãng quên’
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay viết trên Facebook rằng, một năm ở Trung Quốc chỉ có 364 ngày vì một ngày đã bị rơi vào lãng quên, kèm theo hình ảnh một tờ lịch chỉ ngày 4/6.
Bà không nêu rõ một ngày “bị lãng quên” đó là ngày nào, song hôm nay (4/6) là tròn 31 năm kể từ ngày quân đội Trung Quốc tàn sát hàng ngàn thanh niên ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, chỉ vì họ kêu gọi tự do dân chủ và giải quyết tham nhũng. Tuy nhiên, do sự bưng bít thông tin và đe dọa người dân của chính quyền Trung Quốc, nên ngày nay, không nhiều người ở đại lục biết đến sự kiện thảm sát Thiên An Môn, hoặc “có biết cũng không dám đề cập” đến.
“Ngày trước ở Đài Loan, chúng tôi cũng từng có nhiều ngày không thể xuất hiện trên lịch, nhưng mỗi người chúng tôi đều tìm chúng trở lại. Bởi vì chúng tôi vốn không cần phải che giấu lịch sử thêm nữa, chúng tôi có thể cùng nhau suy nghĩ về tương lai”.
“Hy vọng mỗi một ngóc ngách, mỗi một vùng đất trên thế giới này, sẽ không có những ngày bị biến mất. Tôi cũng cầu chúc cho Hồng Kông”, bà Thái viết.
Tờ SBS đưa tin, tối nay, người Hồng Kông sẽ thắp nến khắp thành phố để tưởng nhớ các nạn nhân Thiên An Môn.
Hồng Kông thông qua luật quốc ca
Tờ Hong Kong Free Press cho hay, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông chiều nay thông qua luật quốc ca với 41 phiếu thuận và một phiếu chống.
Luật yêu cầu “tất cả các cá nhân và tổ chức” thể hiện thái độ tôn trọng và trang nghiêm với quốc ca Trung Quốc và phải hát trong những “dịp thích hợp”. Những người xúc phạm quốc ca Trung Quốc sẽ đối mặt án tù tối đa ba năm hoặc bị phạt tiền lên tới 6.450 USD.
Các nhà hoạt động dân chủ cho rằng luật quốc ca Trung Quốc cho thấy sự can thiệp ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh đối với Hồng Kông.
Ông Trump hoàn thành đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ và ‘vẫn khỏe mạnh’
Nhà Trắng hôm 3/6 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã hoàn thành đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, ông vẫn có sức khỏe tốt và không bị tác dụng phụ do uống hydroxychloroquine để phòng Covid-19.
“Tổng thống vẫn khỏe mạnh”, Kayleigh McEnany, thư ký báo chí của Tổng thống Trump nói với các phóng viên.
Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley cho biết ông nặng khoảng 110 kg, cao 1,82 m, vượt ngưỡng nhẹ so với các chỉ số bệnh béo phì theo quy chuẩn Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia cung cấp.
Trung Quốc dỡ lệnh cấm với hàng không Mỹ
Trung Quốc hôm nay dỡ lệnh cấm đối với các hãng hàng không Mỹ, một ngày sau khi Washington ra lệnh đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách của Trung Quốc, theo AFP.
Trước đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) quyết định áp đặt giới hạn đối với các hãng hàng không nước ngoài từ ngày 12/3 do lo ngại dịch Covid-19. CAAC hôm nay cho biết tất cả hãng hàng không nước ngoài không được liệt kê trong lịch trình ngày 12/3 hiện có thể khai thác một tuyến quốc tế đến Trung Quốc mỗi tuần. Hành khách phải được xét nghiệm nCov trước khi đến Trung Quốc.
George Floyd nhiễm Covid-19 trước khi chết
ABC News đưa tin, cơ quan giám định y tế hạt Hennepin ngày 3/6 đã công bố một bản báo cáo dài 20 trang về kết quả khám nghiệm pháp y đối với George Floyd và cho biết người đàn ông da màu đã nhiễm Covid-19 trước khi chết.
Báo cáo cho biết, Floyd đã dương tính với nCov từ đầu tháng 4 và tiếp tục cho kết quả dương tính sau khi tử vong.
Đâm dao ở trường tiểu học Trung Quốc, 39 người bị thương
Một bảo vệ tại trường tiểu học ở huyện Thương Ngô, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sáng nay tấn công bằng dao, khiến 39 người, chủ yếu là các học sinh bị thương, theo Reuters.
Theo Paper, tờ báo của chính quyền Thượng Hải cho biết, vụ việc diễn ra vào khoảng 8h30 sáng nay (7h30 giờ Việt Nam). Nghi phạm là một người đàn ông 50 tuổi tên là Li, làm bảo vệ tại trường học và đã bị bắt.
Chính quyền huyện cho biết, không ai bị thương nghiêm trọng, hai người bị thương nặng và những người khác bị thương nhẹ. Một phụ huynh ở gần hiện trường vụ tấn công nói với tờ Paper rằng nhiều đứa trẻ bị thương chỉ khoảng 6 tuổi.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-4-6-ba-thai-noi-trung-quoc-co-1-ngay-bi-lang-quen-hong-kong-thong-qua-luat-quoc-ca.html

Tạp chí tiêu điểm

Luật an ninh quốc gia : Bắc Kinh

vi phạm Luật Cơ Bản (Hiến Pháp) Hồng Kông

Minh Anh
Ngày 28/05/2020, Quốc Hội Trung Quốc đã nhanh chóng thông qua luật an ninh quốc gia và sẽ cho áp dụng đối với Hồng Kông. Trước ngày bỏ phiếu, tại Hồng Kông, hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối dự luật, và 300 người đã bị bắt giữ. Tổng thống Mỹ ngay sau đó thông báo rút « quy chế ưu đãi thương mại » đối với Hồng Kông.
Nhiều câu hỏi được đặt ra : Bắc Kinh đã « thất hứa » với những cam kết đưa ra năm 1997 khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ? Phải chăng Trung Quốc đang tìm cách « bóp nghẹt » các quyền tự do ở ở Hồng Kông ? Đây có phải là một lời cảnh cáo dành cho Đài Loan ? Mỹ rút quy chế ưu đãi sẽ tác hại ra sao đến nền kinh tế của đặc khu ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Trung Quốc học, giáo sư Jean-Pierre Cabestan đại học Baptist Hồng Kông..
*****
RFI Tiếng Việt : RFI Tiếng Việt xin kính chào giáo sư. Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh quốc gia và đạo luật này sẽ được áp đặt cho Hồng Kông. Tại sao người dân Hồng Kông nổi dậy chống đạo luật này ? Liệu luật mới này có đi ngược với tinh thần công thức « Một quốc gia, hai thể chế » mà Bắc Kinh từng cam kết tôn trọng vào thời điểm nhượng địa được trao trả hay không ?
GS. Jean Pierre Cabestan  : Luật an ninh quốc gia quả thật là một cú sốc cho rất nhiều người Hồng Kông. Cách nay 17 năm đạo luật này đã từng bị phản đối vào năm 2003. Giờ đây, chúng ta thấy rõ là Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt gọng kềm đối với Hồng Kông, giảm bớt quyền tự trị của Hồng Kông.
Do vậy, luật an ninh này sẽ còn thu hẹp hơn nữa quyền tự trị đó, nhất là gây hại đến các quyền tự do của công dân hiện vẫn đang được tuân thủ ở Hồng Kông như đa đảng chính trị, tự do ngôn luận, tự do hội họp…
Ở đây, người dân cho rằng tiến triển này là nguy hiểm cho công thức « Một quốc gia, hai chế độ ». Đây không còn là chuyện hoang đường nữa bởi cho đến nay, Hồng Kông khác biệt hoàn toàn với các thành phố khác của Trung Quốc. Vẫn còn có biên giới giữa Hồng Kông và Trung Hoa lục địa. Hồng Kông có đồng tiền riêng của mình, quyền tự do dịch chuyển dòng vốn. Hồng Kông có cả hộ chiếu riêng cho phép người dân được quyền đến nhiều nước mà không cần có thị thực nhập cảnh.
Tóm lại, đây vẫn còn là một vùng riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng quyền tự trị chính trị của Hồng Kông giờ đang gặp nguy, bị giảm đi rất nhiều, chẳng còn lại bao nhiêu so với những gì được cam kết vào năm 1997.
RFI : Tại sao Trung Quốc thông qua đạo luật gây tranh cãi vào lúc này ? Liệu có một sự liên hệ nào với cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ở Hồng Kông hay không ? Hay là Bắc Kinh chỉ đơn giản lợi dụng tình hình dịch bệnh và lệnh cấm tụ tập hiện nay do dịch Covid-19 ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Cả hai. Việc chọn thời điểm là hiển nhiên rồi. Như đã thấy, vẫn còn có nhiều hạn chế, như giãn cách xã hội, cấm tụ tập biểu tình ở Hồng Kông … Đây là một thời điểm tốt để áp đặt một đạo luật như vậy.
Quyết định này được đưa ra khi chỉ còn có vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử lập pháp tháng 9. Người ta nghĩ rằng luật an ninh quốc gia này sẽ có hiệu lực trước kỳ bầu cử, vào tháng Tám nhằm áp đặt các hạn chế, nhất là đối với việc ra ứng cử. Những ứng cử viên nào tỏ ra quá ủng hộ độc lập, tự quyết cho Hồng Kông sẽ bị gạt ra. Người ta cũng có thể tự hỏi liệu những người không tỏ ra trung thành với luật an ninh quốc gia này có thể sẽ bị truất tư cách ứng viên hay không ?
Đạo luật này còn được quyết định sau làn sóng phản đối năm 2019 và làn sóng biểu tình cho thấy rõ người dân Hồng Kông đã bị chia rẽ ra sao khi phần lớn dân chúng phản đối cách thức mà Bắc Kinh muốn kiểm soát vùng lãnh thổ. Do vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định trực tiếp đưa ra đạo luật này, mà không thông qua Hội Đồng Lập Pháp, tức Nghị Viện Hồng Kông, và nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài từ 17 năm qua trong việc đưa ra luật an ninh quốc gia.
Luật Cơ Bản của Hồng Kông có đề cập đến việc xây dựng một đạo luật như vậy mà không đưa ra kỳ hạn. Và Luật Cơ Bản quy định là luật an ninh quốc gia phải do chính Nghị Viện Hồng Kông đưa ra và thông qua.
Lập luận mà Bắc Kinh đưa ra là không thể áp dụng quy định này do những chia rẽ, ngăn cản của phe đối lập mỗi khi cần thông qua các đạo luật vốn gây tranh cãi. Hiện nay, người ta thấy rõ điều này đối với luật về quốc ca. Luật này sẽ hình sự hóa mọi hành động phỉ báng quốc ca Trung Quốc ở Hồng Kông. Do vậy, Bắc Kinh quyết định nắm lại quyền kiểm soát mọi việc và tự soạn thảo luật an ninh quốc gia.
Đó là bối cảnh giải thích hành động không thể biện minh được của Bắc Kinh, hiển nhiên vi phạm điều 23 Luật Cơ Bản của Hồng Kông và cả điều 22 quy định giới hạn can thiệp của chính quyền trung ương, cụ thể là chỉ can thiệp trong hai lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng. Còn an ninh quốc gia lẽ ra là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Hồng Kông, chứ không phải của chính phủ trung ương.
RFI : Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo Les Echos, đăng ngày 28/5, ông có nói rằng « những ai cho đấy là sự chấm dứt nguyên tắc “Một quốc gia, hai thể chế” là chẳng hiểu rõ gì về thực tế nước Trung Quốc cộng sản ». Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về ý này ? Liệu sau khi thông qua luật, công dân Hồng Kông dù sao đi nữa có sẽ còn được hưởng một quyền tự do nhiều hơn so với công dân Trung Quốc ở lục địa ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Đương nhiên rồi. Tại một nước Trung Quốc cộng sản, có rất nhiều biện pháp hạn chế. Trước tiên là không có đa đảng mà chỉ có một đảng. Đó là một hệ thống chính trị độc đảng. Các cuộc bầu cử hoàn toàn do đảng Cộng sản chi phối, đấy không phải là một cuộc bầu cử thật sự vì cử tri chỉ có một chọn lựa.
Mạng Internet bị kiểm soát chặt chẽ bằng bức tường lửa Great Wall, cho phép chính phủ ngăn cấm một số trang mạng có thể truy cập được một số diễn đàn như Facebook, Twitter mà cư dân mạng Trung Quốc có thể sử dụng.
Hơn nữa đảng Cộng sản Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi, kiểm soát đến tận gốc rễ xã hội. Chúng ta thấy rõ điều này qua đợt khủng hoảng dịch tễ Covid-19. Chính các đảng viên của đảng tổ chức việc áp dụng lệnh phong tỏa.
Tình trạng này không tồn tại ở Hồng Kông hiện nay và cả trong tương lai. Đương nhiên, tôi nghĩ là sẽ có những biện pháp hạn chế hơn, áp đặt đối với một số nhà hoạt động, chẳng hạn, đối với những người mong muốn Hồng Kông độc lập; sẽ có những quy định hạn chế các hoạt động của Pháp Luân Công ; giáo phái này bị cấm tại Hoa lục, nhưng vẫn còn được phép hoạt động tại Hồng Kông. Cũng sẽ có những hạn chế đối với các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, nhất là đối với tờ Apple Daily News và chủ bút là Lê Trí Anh (Jimmy Lai).
Tôi cho rằng đấy có thể sẽ là những đích ngắm chính của luật an ninh quốc gia. Luật này có thể dẫn đến việc xóa bỏ sự hình thành những tổ chức, như nhóm ủng hộ dân chủ Demosito, và có thể đi đến việc bắt giữ, hay truy tố các chính khách địa phương với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Nhưng dẫu sao thì tình hình vẫn sẽ rất khác so với ở Hoa Lục.
RFI : Tình hình hiện nay ở Hồng Kông ít nhiều cũng phản ảnh rõ sự ngây thơ của phương Tây : Khi thiết lập Luật Cơ Bản năm 1990, một năm sau vụ trấn áp ở Thiên An Môn, người Anh đã không thể tính trước một cơ chế bổ sung để bảo vệ người dân Hồng Kông ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Đúng vậy. Đúng là có chút ngây thơ, hơi quá lạc quan. Bởi vì người ta nghĩ rằng, bất chấp sự kiện Thiên An Môn, chế độ sẽ dần mở cửa, tự do hóa, sẽ xích gần hơn với các chế độ dân chủ trên phương diện giá trị chính trị, tổ chức các định chế, chế độ dân chủ.
Giờ người ta thấy rõ là không đúng như thế. Nhất là vào năm 2012, Trung Quốc đã đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho quy chế của Hồng Kông. Làm thế nào Hồng Kông có thể tiếp tục quy chế này trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và phương Tây ? Chiến tranh hệ tư tưởng liên quan đến mô hình chính trị nào phải được chú trọng ? Rồi chiến tranh kinh tế và có cả chiến tranh địa chiến lược nữa, đối đầu giữa Trung Quốc với phương Tây, nhất là với Mỹ ?
Dĩ nhiên, trong bối cảnh này, thật là khó cho Hồng Kông vẫn là một chiếc cầu, chiếc gạch nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đây thật sự là một câu hỏi cho tương lai. Liệu rằng Hồng Kông có thể tiếp tục là thị trường tài chính quốc tế như hiện nay, trong khi mà Bắc Kinh bắt đầu tìm cách gậm mòn dần các quyền tự do chính trị, các quyền tự do của công dân đang có hiện nay ?
RFI : Theo quan điểm của ông, liệu việc thông qua luật an ninh quốc gia cũng có thể còn là một lời cảnh cáo Trung Quốc dành cho Đài Loan hay không ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Cũng có thể lắm. Đây đúng hơn là một lời cảnh cáo răn đe. Bởi vì người ta thấy rõ là người dân Đài Loan ngày càng khó chấp nhận công thức « Một quốc gia, hai chế độ », do Bắc Kinh ngày càng can thiệp nhiều vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính Hồng Kông, thậm chí còn nhiều hơn tại Macao. Người dân Đài Loan chống lại mọi ý‎ định thông qua, hay mọi ý tưởng đưa một công thức như thế vào Đài Loan.
Tôi muốn nói thêm, ngoài điều đó ra, còn có một vấn đề chủ chốt khác khó thể vượt qua trong trường hợp Đài Loan. Cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc là cuộc xung đột về chủ quyền. Đài Loan mà tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, sẽ không bao giờ chấp nhận nằm dưới sự bảo hộ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trừ phi có xung đột quân sự và Đài Loan bi thua.
Đài Bắc sẵn sàng bắt tay quan hệ với Bắc Kinh nhưng trên cơ sở bình đẳng và điều này không làm tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan cũng như nền độc lập trên thực tế của hòn đảo. Do vậy, tôi nghĩ rằng công thức « Một quốc gia, hai chế độ » không thể áp dụng đối với Đài Loan.
RFI : Ngày 30/5/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông. Đâu là những hậu quả kinh tế đối với đặc khu hành chính ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Thông báo của tổng thống Mỹ Donald Trump là hệ quả hợp lý của việc biến mất dần dần quyền tự chủ chính trị ở Hồng Kông. Hiện tại, người ta chưa biết chi tiết các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump sẽ đưa ra.
Người ta cho rằng những biện pháp trừng phạt đó chủ yếu sẽ nhắm vào các quan chức chính trị, những người bị nghi ngờ, bị cáo buộc gây hại cho các quyền tự do của công dân và tự do chính trị tại Hồng Kông. Người ta cũng nghĩ rằng sẽ có những biện pháp hạn chế đối với một số người trong việc cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Người ta cũng cho rằng sẽ có nhiều biện pháp cấm mới, và có thể điều này làm cho Trung Quốc lo ngại hơn, đó là khống chế các xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng (quân sự và dân sự) của Mỹ sang Hồng Kông.
Mỹ có thể làm điều này cho dù Hồng Kông vẫn là một khu vực thuế quan rất khác biệt so với Trung Quốc, và còn có những chương trình hợp tác giữa hải quan Hồng Kông với FBI, chống việc chuyển giao bất hợp pháp các công nghệ cao cho Trung Quốc, chống hiện tượng hàng nhái, hay vi phạm bản quyền. Chương trình hợp tác giữa FBI và hải quan Hồng Kông có thể sẽ khó khăn hơn một khi luật an ninh được áp dụng.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc học, trường đại học Baptist Hồng Kông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200604-hong-kong-trung-quoc-hoa-ky-luat-an-ninh

Tin Việt Nam – 04/06/2020

Tin Việt Nam – 04/06/2020

Cát Linh – Hà Đông: ‘Dư luận Việt Nam chê Trung Quốc, Trung Quốc trách Việt Nam’?

Dư luận ở Trung Quốc “quy trách nhiệm” cho Việt Nam về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, theo một chuyên gia cho biết.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu đôla Mỹ
Tân Bí thư Hà Nội và câu hỏi về ‘lãnh đạo kỹ trị’
Quốc hội VN tái nhóm, cử tri quan tâm nhất điều gì?
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được Việt Nam phê duyệt đầu tư tháng 10/2008, dựa chủ yếu vào vốn vay ưu đãi của Trung Quốc.
Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu.
Truyền thông và dư luận ở Việt Nam đã chỉ trích nhà thầu Trung Quốc, bị chỉ trích là thiếu khả năng, gây ra mịt mù tiến độ.
Tuy vậy, một vấn đề khác đặt ra là dư luận ở Trung Quốc đánh giá thế nào về dự án này.
‘Phối hợp yếu kém của chính phủ’
BBC đặt câu hỏi cho Tiến sĩ Wu Shang-Su (Ngô Thượng Tô), công tác ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
Ông Wu Shang-Su cho biết sau khi nhận câu hỏi, ông đã tìm xem một số tường thuật và bình luận của người Trung Quốc về dự án đường sắt này.
“Không ngạc nhiên, họ chủ yếu quy việc chậm trễ cho các vấn đề ở Việt Nam.
“Ví dụ như sự phối hợp yếu kém của chính phủ, thiếu hoạch định, vấn đề giải tỏa mặt bằng, lạm dụng ngân quỹ, vân vân.”
Tiến sĩ Wu Shang-Su, nghiên cứu về an ninh khu vực, từng dạy ở Đại học Quốc phòng Đài Loan trước khi sang làm việc ở Singapore.
Là người Đài Loan, Tiến sĩ Wu Shang-Su từng đăng tải các bài phân tích về tuyến đường sắt Singapore-Côn Minh, và dự án của Trung Quốc trong ‘Vành đai và Con đường’ tại Thái Lan và Đông Nam Á.
Ông nói tiếp: “Không có cái nhìn công bằng từ một cuộc điều tra của bên thứ ba – điều này bất khả trong hoàn cảnh hiện nay – thì thật khó mà biết các yếu tố nào thật ra đang gây chậm trễ.”
Ông cũng chỉ ra rằng dự án đường sắt đô thị Hà Nội không phải là dự án đường sắt duy nhất của Trung Quốc gặp chậm trễ ở nước ngoài.
“Ví dụ, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung đang rất trễ hẹn, và đa số đổ tội cho việc giải tỏa mặt bằng của phía Indonesia.”
Công ty làm dự án này là PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC), liên doanh giữa công ty đường sắt Indonesia và Trung Quốc.
Bản tin tháng 11 năm 2019 của Tân Hoa Xã nói rằng việc đền bù đất đai đã hoàn tất 99% để tuyến tàu cao tốc có thể vận hành năm 2021.
Tân Hoa Xã nói tàu cao tốc sẽ giảm thời gian đi từ 3 tiếng xuống còn 46 phút giữa hai thành phố của Indonesia.
Indonesia sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có tàu cao tốc khi tuyến đường vận hành, theo hãng tin Trung Quốc.
Tiến sĩ Wu Shang-Su đưa ra nhận xét chung về các nhà thầu Trung Quốc khi làm ở nước ngoài:
“Các nhà thầu Trung Quốc có thể thiếu kinh nghiệm hoặc kỹ năng khi điều phối với các chính phủ nước ngoài, hay khi lên kế hoạch dự báo khả năng trễ hẹn hay đình trệ.”
“Nó cho thấy các thử thách thật sự chỉ bắt đầu sau lễ động thổ.”
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ngày 2/6 nói Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông “hiện đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị”.
“Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa 1 số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao Dự án.”
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của thành phố Hà Nội.
Bộ này cũng giải thích về thông tin tranh cãi trên báo chí rằng Tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cần 50 triệu USD trước khi bàn giao.
Theo đó, Tổng thầu, tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, kiến nghị: “Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án”.
Bộ Giao thông Việt Nam giải thích: “Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng.”
“Hiện nay, Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%.”
Bộ này nói thêm rằng tuy nhiên, việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là “chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký”.
“Ban QLDA Đường sắt sẽ thực hiện thanh toán cho Tổng thầu theo các quy định của Hợp đồng và các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời, Ban QLDA Đường sắt đề nghị các bên tiếp tục căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để tiếp tục trao đổi với Tổng thầu Dự án khẩn trương triển khai các công việc thực hiện tiếp theo.”
Trước đây, vào tháng Chín 2019, Bộ Giao thông Việt Nam cho hay nguồn vốn dự án này sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị là 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Giải thích của Việt Nam
Tháng Tám 2019, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam có giải thích trong công văn gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ này nói thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.
Dự án chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài.
Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là Cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện Dự án.
Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Dự án tổng thể theo hình thức họp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế.
Cách thức triển khai thực hiện Dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập Hồ sơ thiết kế, Hồ sơ nghiệm thu thanh toán; trong khi đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam dẫn đến công tác quản lý điều hành của Tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập.
Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý. Hiệp định vay bổ sung được ký từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án.
Các quy định và chế tài xử lý đối với họp đồng EPC còn chưa đầy đủ.
Về nguyên nhân khách quan, Bộ Giao thông nói công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm thành phố Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật
Do yếu tố khác biệt về quy định giữa hai quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.
Hệ thống quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự án (mất hơn 1 năm hạn chế các hoạt động xây dựng của Tổng thầu).
Lạm phát trong giai đoạn thực hiện năm 2008 (CPI là 19,9%) và giai đoạn 2010-2011 (CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%), tổng tỷ lệ lạm phát của riêng 3 năm này đã là 49,83% (ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng).
Tranh cãi ở Philippines
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc với quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam.
Tuy vậy, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng đang gây tranh cãi tại các nước láng giềng, trong đó có Philippines.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa gần đây nói Bắc Kinh muốn kết nối sáng kiến Vành đai, Con đường vào các mục tiêu hạ tầng của Philippines.
Nhưng những người chỉ trích Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đặt câu hỏi vì sao tới nay, các khoản cho vay và tài trợ của Bắc Kinh chỉ rất nhỏ so với con số 9 tỉ USD hứa hẹn năm 2016.
Tính tới cuối tháng 10 năm 2019, Trung Quốc và Philippines có các thỏa thuận đưa tiền tài trợ của Bắc Kinh cho Manila chỉ mới lên tới 924 triệu USD.
Aaron Rabena, nhà nghiên cứu ở viện Asia-Pacific Pathways to Progress đặt ở Manila, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Nước nào gây ra sự chậm trễ này, thì vẫn chưa có câu trả lời.”
“Một số nói Trung Quốc đang giữ tiền, người khác lại nói trở ngại là vì quá trình quan liêu của bộ máy Philippines.”
Năm 2012, tin tức nói Bắc Kinh dừng khoản vay 400 triệu USD cho một dự án đường sắt ở Philippines sau tranh chấp bãi cạn Scarborough.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52911932

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông thực sự là của nợ

Khi Tổng thầu TQ là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt TQ (CRSG) liên tục “lỡ hẹn” dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì nhiều nước đang lo ngại rơi vào bẫy nợ công ty mẹ của CRSG khi có nguy cơ chậm tiến độ.
1.ĐẮT VƯỢT NGOÀI MỌI SỰ TƯỞNG TƯỢNG
Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông dài 13,1 km có giá là 891,92 triệu USD. Bình quân 45 184 732 USD/km. Sự đắt đỏ có lẽ không kém sự nâng khống giá trong vụ AVG: từ 500 tỷ lên 8900 tỷ (gần 18 lần). Chúng ta hãy so sánh với đường sắt trên cao ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia từng xuất hiện trên báo Lao Động trong một bài viết của Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai.
Dự án này cũng từ Trung Quốc, dài 31,1km, 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ , vốn đầu tư chỉ 475 triệu USD và hoàn thành sau 38 tháng. Lạ chưa vì chiều dài hơn hai lần còn số tiền bỏ ra chỉ bằng một nửa của đường Cát Linh – Hà Đông?
Vấn đề đặt ra và những người ký kết hợp đồng với Trung Quốc phải trả lời minh bạch cho quốc dân đồng bào biết vì sao cũng với tiêu chuẩn tương tự, công nghệ tương tự, nguồn vốn tương tự so với đường trên cao ở Ethiopia…Cát Linh- Hà Đông chỉ dài bằng 1/3, nhưng delay cả thập kỷ, vốn đầu tư 891 triệu, tính theo km thì gấp 4 lần.
2. GÁNH NỢ KHỔNG LỒ
Được chỉ định thầu xây dựng tuyến đường sắt này, có chiều dài 13,05 km, khởi công từ năm 2011, nhưng gần 10 năm vẫn còn đắp chiếu. Tổng mức đầu tư ban đầu được thẩm định là 8.770 tỉ đồng nhưng tới nay đã đội lên 18.002 tỉ đồng, tức tăng hơn gấp đôi. Dự án này thực hiện bằng vay vốn ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng và vốn đối ứng là 4.134 tỉ đồng.
Theo công văn Bộ Tài chính gửi cho Bộ GTVT, hàng năm Bộ GTVT phải trả cho Trung Quốc 28,8 triệu USD cho khoản vay ưu đãi từ China EximBank (250 triệu USD), trong vòng 9 năm. Chưa tính khoản 419 triệu USD khác nữa đã vay trước đó của Trung Quốc. Như vậy, tính gộp thô khoản vay 419 triệu cùng điều kiện như khoản vay 250 triệu, thì hàng năm Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 77,0688 triệu USD liên tục trong 9 năm. Một gánh nợ khổng lồ.
3. QUÁ CỒNG KỀNH VÀ LẠC HẬU
Theo chủ đầu tư, tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 681 người, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga.
Quá cồng kềnh cho thời bao cấp. Đừng nói đến thời Công ngiệp 4.0. Chưa đi nên chưa biết tầu hiện đại ra sao, nhưng bằng mắt thường quan sát bên ngoài thì nó trông không được hiện đại, thậm chí trông rất tầm thường không tương xứng với thời đại ngày nay mà có cảm tưởng nó được sản xuất những năm 80 của thế kỷ trước.
4. QUÁ CHẬM
Tàu trên cao không có bất kỳ chướng ngại nào, có thể nói là một mình một đường mà thiết kế tốc độ tối đa có 80km/h đã là rất chậm. Thế mà vận tốc khai thác bình quân là 35km/h, từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh (dài 13km) trung bình hết 20 phút, lại càng quá chậm.
5. KHÔNG BAO GIỜ HÒA VỐN
Dự kiến sử dụng 10 đoàn tàu để khai thác. 5-6 phút một chuyến. Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80 m, dự kiến có 500 khách (120 khách/toa, có thông tin nói sức chứa lý thuyết 250 khách/toa là điều khó có thể). Giá vé 15000 đ/lượt. Vấn đề là không phải ai cũng hào hứng trèo lên cao một cách khó nhọc để đi vài km, người ta thà đi xe buýt, xe ôm hay taxi còn hơn.
Cộng với chi phí cho hơn 700 người phục vụ. Cộng chi phí bảo dưỡng và thay thế. Nhắm mắt cũng biết là nhiều thế kỷ cũng chưa hòa vốn.
Kết luận của Kiểm toán nhà nước: “Phân tích hiệu quả tài chính cho thấy tỉ lệ hoàn vốn nội bộ thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tài ròng âm. Tỉ số chi phí xét trên góc độ tài chính cho thấy sẽ phải bù lỗ” Đại khái là lỗ, cứ chạy là lỗ. Chả khác nào bô xit Tây Nguyên càng khai thác nhiều càng lỗ nhiều.
6. KHÔNG AN TOÀN
Trên tất cả – đắt đỏ, cồng kềnh, lạch hậu, chậm chạp, xấu mã… là không an toàn. Đây là điều liên quan đến tính mệnh hành khách, một nguy cơ thường trực treo trên đầu không chỉ người đi trên tàu, mà cả người đi dưới đường và cư dân sống dọc theo tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc nói rằng:”Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được coi là công trình mẫu mực về kết nối sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc với quy hoạch ‘Hai hành lang, một vành đai’ của Việt Nam, có lợi cho thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước”.
Nhưng với người dân thủ đô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung thì Đường sắt Cát Linh-Hà Đông có thể nói là khúc xương khó nuốt vì nó, nói chính xác hơn, chính là cái bẫy nợ mà người anh em bốn tốt bạn mười sáu vàng đã tặng chúngta.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35116-duong-sat-cat-linh-ha-dong-thuc-su-la-cua-no.html

Đề nghị bác kháng cáo

và giữ nguyên bản án sơ thẩm với lái xe container

Đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên đề nghị HĐXX bác kháng cáo của tài xế Lê Ngọc Hoàng và giữ nguyên tội danh, hình phạt 4 năm 6 tháng tù.
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 4/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Toyota Innova đi lùi khiến 5 người tử vong, kiểm sát viên Lưu Thế Hưng, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyển khẳng định bị cáo Hoàng đã không giảm tốc độ khi gặp biển báo nguy hiểm “đi chậm” và khi phát hiện xe của bị cáo Sơn đang bật đèn cảnh báo phía trước.
Trong khi đó, bị cáo Lê Ngọc Hoàng liên tục phản bác những cáo buộc của bản án sơ thẩm và cho biết đã chuyển chân ga sang rà phanh để chuẩn bị chuyển làn khi cách xe của Sơn khoảng 70m với tốc độ đang đi là 62km/h. Nhưng sau đó giữ nguyên làn khi phát hiện làn bên trái có xe đi sau. Khi khoảng cách còn khoảng 50m, Hoàng mới nhận ra xe của Sơn đang lùi và nháy đèn. Vụ va chạm sau đó khiến 5 người tử vong và nhiều người khác bị thương.
Nhân chứng là anh Phạm Xuân Trung, người nằm ngủ trong cabin xe đầu kéo của Hoàng, cho biết tại phiên tòa rằng khi đang ngủ thì bị ngã xuống sàn và nhìn lên thì vẫn chưa xảy ra va chạm.
Tại tòa sơ thẩm ngày 14/2, TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng 4 năm 6 tháng tù và Ngô Văn Sơn 9 năm tù, về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; buộc 2 tài xế bồi thường cho gia đình các bị hại tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Vụ án xảy ra vào năm 2016. Qua nhiều lần xét xử, HĐXX đều nhận định cả 2 tài xế có lỗi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-court-upholds-sentence-for-container-driver-who-faced-backing-car-on-the-highway-06042020090031.html

Thanh Hóa: Cựu Phó giám đốc Sở VH-TT-DL

 bị phạt 15 tháng tù

Ngày 4/6/2020, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt ông Lê Văn Nam, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) 15 tháng tù giam và phải bồi thường 585 triệu đồng vì để cấp dưới lập hồ sơ khống, gây thất thoát cho nhà nước hơn 1,3 tỉ đồng.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết thêm, riêng ông Phạm Hồng Minh, chủ mưu của vụ án bị tuyên 4 năm 6 tháng tù, và bồi thường hơn 1 tỉ đồng.
Tổng cộng có 6 bị cáo bị TAND tinh Thanh Hóa tuyên án sơ thẩm, trong vụ án hình sự ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, xảy ra tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa.
Theo cáo trạng, trong các năm 2018, 2019, các bị cáo đã lợi dụng sơ hở của quy định về công tác tuyển chọn, đào tạo, cử huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu… để trục lợi ngân sách nhà nước.
Điển hình là việc lập khống quyết định, danh sách vận động viên ở các bộ môn: Đấu kiếm, Golf, Khiêu vũ thể thao, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Ngoài ông Minh và ông Nam, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt các bị cáo khác mỗi bị cáo 12 tháng tù giam, bồi thường hơn 500 triệu đồng. Riêng bị cáo Nguyễn Thế Khánh bị phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-deputy-director-department-culture-sport-of-thanh-hoa-sentenced-15months-prison-06042020083634.html

Phó chủ tịch Nha Trang bị yêu cầu khai trừ Đảng

sau khi nhận bản án 9 tháng tù treo

Ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang bị đề nghị khai trừ Đảng, cách hết chức vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, ngày 4 tháng 6 cho truyền thông trong nước biết ông đã yêu cầu khai trừ Đảng, cách chức Phó chủ tịch UBND thành phố Nha Trang ông Lê Huy Toàn.
Động thái trên được đưa ra sau buổi tiếp xúc cử tri của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hoà vào cùng ngày. Tại đây, cử tri chất vấn lãnh đạo tỉnh tại sao ông Lê Huy Toàn bị khởi tố vì liên quan đến các sai phạm, kê khống hồ sơ tái định cư khu đô thị Hoàng Long, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà nước 278 triệu đồng mà vẫn không bị cách chức.
Cụ thể, ông Toàn vào ngày 28/2/2020 bị xét xử sơ thẩm với mức án 9 tháng tù giam. Mới đây vào ngày 29/5 TAND tại Đà Nẵng tuyên án phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông Toàn nên chuyển từ 9 tháng tù giam thành tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Giải thích cử tri vấn đề này, vị đại diện Hội Đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng sau khi toà sơ thẩm tuyên án, ông Toàn đã kháng cáo nên phải chờ cấp phúc thẩm. Tuy vậy, sau khi cấp phúc thẩm đã tuyên án, dù ông Toàn có bị tuyên tù giam, tù treo hay cải tạo không giam giữ thì ông Toàn sẽ bị khai trừ Đảng, cách hết chức vụ.
Hiện  thủ tục tiến hành các biện pháp cách chức ông Toàn đang được thực hiện.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vice-chairman-in-nha-trang-asked-tobe-expelled-from-party-after-sentenced-9-months-probation-06042020074132.html

Giám đốc bệnh viện bị cách chức vì đầu cơ khẩu trang

 bán ra nước ngoài trong dịch COVID-19

Giám đốc bệnh viện quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vừa bị cách chức vì đã thu gom và bán khẩu trang với số lượng lớn ra nước ngoài để thu lợi cá nhân vào khi dịch bệnh COVID-19 đang lây lan.
Báo Tuổi Trẻ hôm 2/6 cho biết UBND quận Gò Vấp đã công bố quyết định cách chức đối với ông Phạm Hữu Quốc – Giám đốc bệnh viện quận Gò Vấp vào cùng ngày.
Theo truyền thông trong nước, hôm 27/2, ông Phạm Hữu Quốc bị tố cáo đã thu gom khẩu trang số lượng lớn bán ra nước ngoài để đầu cơ chuộc lợi cá nhân. UBND quận Gò Vấp đã giao thanh tra điều tra, xử lý. Hồ sơ của thanh tra quận sau đó đã được chuyển sang Công an điều tra – Công an quận Gò Vấp để làm rõ dấu hiệu sai phạm.
Căn cứ vào kết quả làm việc và báo cáo của công an, UBND quận Gò Vấp xác định hành vi của ông Phạm Hữu Quốc đã vi phạm khoản 1, điều 16 Luật Viên chức, đồng thời tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 20/4, Ban thường vụ Quận uỷ Gò Vấp đã ban hành quyết định cách chức chi uỷ viên chi bộ bệnh viện quận Gò Vấp đối với ông Phạm Hữu Quốc.
Thông tin về việc ông Phạm Hữu Quốc thu gom khẩu trang bán kiếm lời với giá cao được mạng xã hội lan truyền vào hồi tháng 2. Tuy nhiên, vào lúc đó ông Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này trong một phỏng vấn ngắn với báo Tuổi Trẻ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hospital-doctor-demoted-for-accumulating-and-exporting-masks-in-covid-19-pandemic-06042020073145.html

Nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn muốn thu tiền

người dân gần 4,000 đồng/m2 đất để chống ngập

Tin Vietnam.- Báo Giao thông ngày 3 tháng 6 năm 2020 loan tin, nhà cầm quyền Cộng sản tại Sài Gòn đang nghiên cứu đề án chống ngập cho toàn thành phố bằng việc “yêu cầu” người dân đóng tiền với mức 3,668 đồng/m2/tháng.
Theo một chuyên gia mà báo Giao thông không nêu tên giải thích, trong một miếng đất có diện tích 100m2, nếu có khoảng 60m2 đất trong miếng đất trên không thấm được nước thì chủ của miếng đất phải trả số tiền cho 60m2 đất này.
Vị chuyên gia cho rằng, 60m2 không thấm nước mưa này là đất gây ngập. Còn nếu gia đình nào mà điều tiết được nước mưa, sửa chữa từ đất gây ngập thành đất thấm nước thì sẽ không phải trả tiền. Không chỉ đất của riêng các gia đình, mà ngay đất của các công ty, các dự án cũng sẽ phải thực hiện đóng tiền như trên và chủ công ty phải trả tiền.
Chuyên gia giấu tên này còn lý luận rằng, các dịch vụ công khác mặc dù người dân Việt đã phải đóng tiền thuế, nhưng khi đi bệnh viện thì vẫn phải đóng tiền viện phí, đi học phải đóng học phí, đi trên đường bộ phải đóng phí đường bộ nên ngập nước thì phải đóng tiền phí chống ngập.
Hiện nhà cầm quyền Cộng sản tại Sài Gòn đã giao cho Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam phối hợp với sở Xây dựng thành phố để thực hiện phương án giá dịch vụ chống ngập. Theo báo Giao thông, nguyên nhân của việc người dân Sài Gòn phải đóng tiền chống ngập là do nhà cầm quyền thiếu tiền.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-tai-sai-gon-muon-thu-tien-nguoi-dan-gan-4000-dong-m2-dat-de-chong-ngap/

Dân muốn hết ngập thì phải đóng tiền chống ngập?

Diễm Thi, RFA
Thu sao cho hợp lý?
Cuối tháng 5 năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM trình Sở Tài chính phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông được Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, thuộc Bộ Xây dựng tính toán. Giá dịch vụ chống ngập được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng.
Theo Sở Xây dựng, nếu phương án được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới. Dự án này đang gây nhiều tranh cãi bởi xã hội hóa tức người dân sẽ phải đóng phí chống ngập.
Truyền thông trong nước dẫn lời KTS Ngô Viết Nam Sơn không đồng tình với việc yêu cầu người dân đóng khoản phí này vì tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), lại đồng tình với việc thu giá dịch vụ chống ngập. Trao đổi với RFA tối 3 tháng 6, ông phân tích:
“Phân tích chuyện chống ngập thì có hai vấn đề: Kỹ thuật và tài chính. Tranh cãi về vấn đề kỹ thuật thì hướng đi tương đối rõ. Còn vấn đề tài chính, tiền lấy từ đâu, thì lại không rõ ràng.
Bởi vì chuyện chống ngập hiện nay vẫn còn là bao cấp, mà bao cấp thì dẫn đến suy thoái sự phát triển và không lành mạnh về tài chính. Do vậy những nhà đầu tư tư nhân họ cũng không mặn mà tham gia, họ không thấy luồng tiền rõ ràng. Đó là điều trở ngại.
Rút kinh nghiệm từ những lãnh vực khác như y tế, giáo dục, giao thông, điện, nước…đều đã được xóa bao cấp, thu chi cân bằng. Chống ngập hiện nay là mất cân bằng thu chi nên tôi ủng hộ phương án thu phí chống ngập. Nhưng phải thu sao cho công bằng và phù hợp sức dân.”
Tiến sĩ Hồ Long Phi đặt câu hỏi, tại sao các dịch vụ công khác đã xóa bao cấp từ 20 năm rồi mà việc chống ngập nhà nước vẫn ‘ôm’ tới bây giờ?!
Ngoài việc không đồng tình việc yêu cầu dân đóng phí chống ngập với lý do lỗi không từ người dân, KTS Ngô Viết Nam Sơn còn nêu một bất hợp lý khác, đó là việc tính giá dịch vụ theo mét vuông. Theo ông, điều này là không hợp lý do mỗi nơi ngập mỗi khác, không thể áp dụng chung cho cả thành phố.
Khi trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, nêu quan điểm của mình:
“Theo tôi thì tính tiền phí chống ngập trên mét vuông là hợp lý. Đúng ra là phải tính từng vùng một. Nếu tính bình quân đổ đồng thì rất kẹt, vì có những vùng không ngập. Nhưng hầu như TP.HCM thì chỗ nào cũng ngập cho nên cách tính hiện nay là chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho những người dân vùng thấp, nếu không thì những vùng trũng sẽ phải đóng tiền rất cao.”
Với Tiến sĩ Hồ Long Phi, hiện những nơi ngập ít là do đã được đầu tư từ nguồn vốn vay. Những nơi chưa ngập cũng nên san sẻ trách nhiệm. Nhưng để công bằng thì những vùng cao chi phí thấp hơn, chỉ cần cống thoát nước thì sẽ thu phí ít, còn những vùng thấp phải ngăn triều, phải bơm nước phức tạp hơn thì phải thu phí nhiều hơn.
Ngân sách nhà nước không đủ
Từ năm 2001 thành phố đã có Chương trình chống ngập mùa mưa giai đoạn 2001-2005 với trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch thoát nước của thành phố, từ năm 2002, nhiều dự án lớn bắt đầu thi công và dự kiến năm 2005 sẽ giải quyết khoảng 70% số điểm ngập. Còn để đạt 100% thì phải đến năm 2020.
Cho đến hôm nay, tức 20 năm đã qua kể từ khi thành phố lập quy hoạch thoát nước đầu tiên, tình trạng ngập lụt không bớt, nếu không muốn nói là ngày càng nặng.
Tiến sĩ Hồ Long Phi giải thích:
“Một là mưa hồi xưa không dữ dội như bây giờ. Cách đây 20 năm, lúc lập quy hoạch thoát nước đầu tiên, mưa tầm 85mm thì khoảng 3 năm mới có một lần. Còn bây giờ mưa 100mm mỗi năm mỗi có. Có năm hai, ba lần.
Cái thứ hai là thủy triều. 20 năm trước thì triều 1,30 mét thì 5 năm mới xuất hiện một lần. Còn bây giờ, thủy triều đạt kỷ lục là 1,77 mét rồi. Thành ra cả mưa và triều đều tăng.
Cái thứ ba là đô thị hóa. Hồi xưa ngập người dân không kêu vì những chỗ ngập là những chỗ trữ nước, những chỗ không có dân ở. Bây giờ dân ở đó thì bị ngập ngay chỗ ở.”
Theo TS Hồ Long Phi, với ba yếu tố như vậy thì đầu tư cho hạ tầng thoát nước hiện nay là yếu nhất trong các cơ sở hạ tầng.
Chiều 26 tháng 9 năm 2016, lần đầu tiên người dân TP. HCM chứng kiến cảnh ngập lụt nặng toàn thành phố sau một trận mưa lớn. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ghi nhận đây là trận mưa lập kỷ lục số liệu của Đài từ ngày thành lập là năm 1976, tức 40 năm.
Kể từ trận ngập được cho là kỷ lục đó, hình ảnh “phố cũng như sông” không xa lạ gì với người dân thành phố sau mỗi trận mưa lớn. Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, không có tiền thì sẽ không giải quyết được vấn đề nên phải nghĩ ra nguồn thu. Ông nói:
“Từ trước đến nay cũng chống ngập mãi. Chi biết bao nhiêu tiền rồi nhưng ngân sách nhà nước thì có hạn. Nếu không có nguồn thu từ dân thì khó có khả năng ngân sách chịu được cho nên người ta nghĩ ra cách đó. Đã thu là đưa vào ngân sách hết để xử lý cho quỹ chống ngập.”
Dù rất khổ sở với tình trạng nước ngập triền miên sau mỗi cơn mưa lớn nhưng khi nghe đóng tiền chống ngập, người dân thành phố vẫn không đồng tình vì nhiều lý do. Cô Trần Kim Tuyết nêu ý kiến của mình:
Bắt người dân đóng tiền chống ngập đó thì em sẽ không đóng vì nhà nước phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của nhà nước thì mấy ổng phải tự giải quyết với nhau chứ. Nước ngập ngoài đường sao lại bắt dân đóng? Dân đã đóng đủ thứ tiền rồi. Mấy ổng thu, mấy ổng ăn thì mấy ổng phải chi ra để chống ngập. Không thể bắt dân đóng vì nhà nước thu đủ thứ tiền, từ tiền cầu đường, tiền cầu cống…cái gì cũng thu.”
Cô Tuyết cho biết đóng bao nhiêu loại phí mà không khí vẫn ô nhiễm, đường vẫn kẹt xe nên cô không tin chính quyền sẽ giải quyết được nạn nước ngập.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pp-want-to-stop-flooding-they-must-pay-money-against-flooding-dt-06032020134648.html

Việt Nam: Hàng chục ngàn hội đoàn

 mà vẫn không giúp xã hội cởi mở

Võ Ngọc ÁnhGửi đến BBC từ tiểu bang Washington, Hoa Kỳ
Việt Nam đang có hàng chục ngàn hội khác nhau trong sự chi phối của các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước. Trong khi người dân không dễ để thành lập hội theo mong muốn của mình. Đây là vấn đề đến lúc cần một giải pháp.
Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có độ mở chỉ sau Singapore. Nhưng về mặt xã hội, Đảng Cộng sản vẫn muốn kiểm soát mọi việc.
Học hỏi từ chính mình
Ngày 16/4 vừa rồi, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng, Bộ Tư Pháp thông báo, luật về hội sẽ không được đưa ra thảo luận trong năm nay và cả năm đến. Chính quyền đã nợ người dân luật này từ hiến pháp đầu tiên của họ từ năm 1946 đến nay.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị vào năm 1982.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đang áp dụng, quy định, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, người dân vẫn không được tự do lập hội vì chưa có luật. Nhà cầm quyền cố tình nợ, đồng nghĩa với người dân bị cướp đi quyền lợi chính đáng của mình.
Việt Nam: Giải quốc tế cho NXB Tự Do ‘không chịu kiểm duyệt’
Việt Nam ‘thực ra đã có lực lượng đối lập’
‘Niềm hy vọng cho tự do sáng tạo’
Tôi không nghĩ là hiện nay Việt Nam “không có khả năng để soạn thảo luật này theo tiêu chuẩn tiến bộ. Lý do chính nằm ở chỗ, đảng Cộng sản lo sợ khi có luật sẽ thách thức sự độc quyền chi phối xã hội của bộ máy cầm quyền hiện nay.
Thế nhưng ta cần thấy Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, trở thành một nước có thu nhập trung bình nhờ bỏ cách nhà nước trói buộc, kiểm soát, chi phối mọi hoạt động kinh tế. Sự cởi mở trong quản lý giúp kinh tế Việt Nam phát triển trong hơn 30 năm qua. Mức tăng trưởng của nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ mở ở lĩnh vực này của chính quyền Việt Nam.
Việt Nam nên học hỏi chính mình từ việc mở cửa kinh tế để áp dụng mở cửa các lĩnh vực xã hội. Tạo điều kiện trên khung pháp luật cho người dân được quyền tham gia vào các hoạt động của cuộc sống, quản lý quốc gia. Mà trong đó luật về hội là vô cùng cần thiết.
Hội thực thụ sẽ giúp cân bằng quyền lợi
Việc người dân được phép lập hội độc lập tạo sự cân bằng quyền lợi, quyền lực giữa người dân với nhà nước, đảm bảo sự phát triển hài hòa của quốc gia.
Có luật về hội tiến bộ sẽ phá bỏ sự độc quyền của các hội được thành lập bởi nhà nước như hiện nay. Người dân được quyền chọn lựa tham gia vào hội thích hợp với mục đích, nguyện vọng của họ.
Vì chưa có luật, nên hội nào có tính cạnh tranh với các hội được thành lập bởi nhà nước, phản biện lại nhà cầm quyền phải hoạt động ngoài luật pháp, không được thừa nhận. Người dân không có sự tự do chọn lựa trong việc thành lập, tham gia vào hội, hoặc tổ chức thích hợp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Chẳng hạn, Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất của người lao động được phép hoạt động, có tổ chức từ trung ương đến cơ quan, công ty… Tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong nhiều năm qua, chưa có cuộc biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động, phúc lợi nào được tổ chức này phát động. Dù đa số các cuộc phản đối, biểu tình của công nhân sau đó đều cho thấy sự cần thiết, buộc bên sử dụng lao động phải đồng ý cải thiện toàn bộ, hoặc một phần.
Điều này cũng đúng tất cả các hội đang được chính quyền ưu ái, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Sinh viên, Hội Nhà báo, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em…
Đôi khi, các tổ chức hội, hiệp hội này được tham vấn trong các chính sách của chính quyền. Tuy nhiên, họ thường không thể phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của đối tượng mình đại diện, nhưng lại thỏa hiệp, phục vụ, trả ơn cho ý chí của đảng cộng sản.
Chính bởi sự độc quyền của các tổ chức mang danh dân sự, thực chất là cơ quan ngoại vi của giới cầm quyền dẫn đến các tổ chức này hoạt động không hiệu quả. Dù nhân sự, trụ sở, tiền bạc của các tổ chức này trong điều kiện Việt Nam không nhỏ.
Do đó, các tổ chức hội đang có, bị nhà nước chi phối có chức năng như một cơ quan trang trí hơn hoạt động thực tiễn. Kiểm soát hơn đảm bảo cho quyền lợi của đối tượng hướng đến.
Hội là ‘bãi đáp’ của cựu quan chức
Tờ trình dự án luật về hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, tháng 10/2015 cho thấy: “Đến cuối năm 2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động trên cả nước và 52.082 địa phương). Con số các hội hoạt động trên toàn quốc vào năm 1986 có 30 hội, năm 1990 có 100 hội, năm 2002 có 240 hội. Những năm gần đây mỗi năm có khoảng trên 10 hội, hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc được cấp phép thành lập”.
Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (viết tắt, Liên hiệp hội) hiện nay có 142 hội thành viên, 79 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tại các tỉnh, thành.
Một thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam là Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2019, có 48 hội thành viên, với gần 58 ngàn gần hội viên. Số lượng hội thành viên thuộc các liên hiệp hội tỉnh, thành thường không khác nhau nhiều.
Nghị định 45/2010/NĐ-CP đang quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội từ trung ương, đến địa phương, nhưng trên thực tế để có phép thành lập được hội, hiệp hội thường phải dựa vào các mối quan hệ cá nhân.
Bởi thế, hồi tháng 11/2019, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải than, “90% thứ trưởng của bộ này trước khi về hưu đều xin thành lập hội, hoặc hiệp hội và xung phong làm chủ tịch”.
Trước đó, năm 2016, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói lên thực tế, “Thứ trưởng cứ về hưu là xin thành lập hội, làm chủ tịch, rồi xin nhà, xin xe, thậm chí xin cả biên chế”.
Vì chưa có luật nên để thành lập được hội thường phải trực thuộc một cơ quan của nhà nước, phải có đơn vị chủ quản, dựa vào các mối quan hệ cá nhân. Vì thế những hội có tên gọi, hoạt động phản biện độc lập với chính quyền sẽ không dễ được thành lập.
Do đó, ở Việt Nam không khó để thành lập được Hiệp hội Bất động sản; Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ; hoặc về chính sách Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư; Hội Trí thức; Hiệp hội Nhà vệ sinh… Tuy nhiên, chính quyền sẽ không cho phép thành thành lập hội dân oan, hội nhân dân đấu tranh chống tham nhũng…
Việc Hội Nhà báo Độc Lập thành lập vào năm 2014, không cần sự cấp phép, lên tiếng nói phản biện độc lập, thách thức quyền lực… đã trở thành cái giai trong mắt của chính quyền. Dẫn đến trang web hoạt động của hội này liên tục bị đánh phá. Phó chủ tịch hội này nhà báo Nguyễn Tường Thụy, bị bắt giam ngày 23/5 vừa rồi. Sáu tháng trước, chủ tịch của hội này, nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đã bị bắt.
Ngoài những hội được cấp ngân sách trực tiếp bởi cơ quan chủ quản Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em… Nhiều hội hoạt động được qua sự chia việc từ cơ quan nhà nước có liên quan, hoặc phân việc để làm đầy hồ sơ trước khi trình ký duyệt, ban hành.
Từ năm 2014 – 2019, Liên hiệp hội thành phố Hồ Chí Minh cùng các hội thành viên trực thuộc đã tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho 638 dự án về lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải… tại địa bàn. Đây cũng là cách làm của các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp hội các tỉnh, thành để có kinh phí.
Theo tôi, chất lượng khoa học, chuyên môn trong các tư vấn, phản biện kiểu này thường không cao. Bởi họ không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu sâu hơn, hoặc phản biện quá căng để lần sau không được giao. Tôi đã từng tham dự nhiều hội đồng tư vấn, phản biện kiểu này để cảm nhận được điều đó.
Liên hiệp hội Việt Nam có chức năng tập hội đội ngũ trí thức, được giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tuy nhiên, ‘lớp sơn’ tôn trọng, đề cao kiến thức, chuyên môn qua việc cho thành lập các hội, thu hút nhiều hội viên không che được mục đích thật sự của nhà cầm quyền muốn kiểm soát trí thức. Mục đích sau cùng, kiểm soát trí thức lên tiếng nói phản biện độc lập khi các vị này đã về hưu.
Việc chậm trễ trong việc có luật về hội, gây khó khăn trong việc thành lập các hội độc lập chính quyền Việt Nam vẫn đang độc quyền trong cả xã hội dân sự.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Võ Ngọc Ánh, sinh năm 1978 ở Quảng Nam, hiện đang sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52865785

“Rút kinh nghiệm” -

Hình thức né tránh kỷ luật của quan chức Việt Nam

Cao Nguyên
Hôm 1/6/2020, ông Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể ký báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).
Theo mạng báo Tuổi Trẻ, kể từ tháng 10/2017, Quốc hội ban hành nghị quyết “Triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”.
Cả nước có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm.
Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 46 trạm có vận hành làn thu phí không dừng (ETC), tức là mới thực hiện được một nửa số trạm.
Vì tiến độ triển khai quá chậm, với tư cách là lãnh đạo ngành GTVT, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nghị quyết, “Bộ trưởng Bộ GTVT và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm”.
Ngoài ra, còn có 30 cá nhân làm bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ. Trong đó, có 9 người nhận hình thức rút kinh nghiệm, 6 người nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.
Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên nhóm Nhân sỹ trí thức yêu nước, nói với RFA rằng chúng ta cần nhìn nhận lại những hậu quả mà ngành GTVT đã để lại cho đất nước, gây ra bởi những người lãnh đạo có nặng lực yếu kém như ông Thể:
“Thử coi kết quả xem ổng làm được cái gì! Đường xe lửa Cát Linh-Hà Đông, rồi cho Trung Quốc thầu đường Quốc lộ. Hàng loạt bê bối rồi vừa rồi như là kiểm soát BOT  thu tiền tự động cũng không làm được. Tất cả những điều bê tha này đều gắn liền với quyền lợi của kẻ cầm quyền. Kiến thức thì họ nghèo nàn nhưng mà tính chất láu cá thì họ là bậc thầy.”
Đã nhiều lần “xin lỗi, rút kinh nghiệm”
Đây không phải là đầu tiên ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự “rút kinh nghiệm”. Vào năm 2018, chỉ trong một phiên trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội khoá XIV, ông Thể đã 3 lần nói lời “xin lỗi, nhận trách nhiệm và mong được thông cảm”.
Cụ thể, khi trả lời chất vấn liên quan đến các vị trí đặt BOT bị người dân phản đối, người đứng đầu Bộ GTVT nói rằng “ngành đã thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Bộ cố gắng giảm các chi phí cho người dân đi qua các trạm này một cách tốt nhất, giảm phí cho toàn bộ các xe của
bà con sống trong khu vực quanh các trạm thu BOT”. Để xảy ra tình trang người dân phản đối, ông Thể “mong đại biểu Quốc hội và người dân hết sức thông cảm”.
Bên cạnh đó, các Đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về chất lượng đường sắt và tình trạng tai nạn đường sắt liên tục xảy ra. Ông Bộ trưởng nói đã yêu cầu Tổng Công ty đường sắt nghiêm túc kiểm điểm và phải làm rõ nguyên nhân tai nạn. Ông lên tiếng “nhận trách nhiệm khi để ngành đường sắt xảy ra nhiều yếu kém, xin lỗi các gia đình có người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường sắt vừa qua.”
Ông Thể cũng thành thật “xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những yếu kém của ngành GTVT khi để cơ sở hạ tầng kém, tình hình tai nạn giao thông còn diễn ra rất nhiều.
Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần không hoàn thành nhiệm vụ, tự “nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm”, ông Bộ trưởng GTVT vẫn nghiễm nhiên tại vị, chưa thấy có bất kỳ hình thức kỷ luật nào dành cho ông Thể.
“Rút kinh nghiệm” là hình thức lấp liếm cho sai phạm
Ông Vũ Mạnh Hùng, từng giảng dạy tại trường Cao Đẳng Kinh Tế – Kỹ Thuật Thương Mại nói rằng cái văn hoá “rút kinh nghiệm” là một thói quen của các quan chức nhà nước, nhằm trốn tránh các hình phạt, mỗi khi làm điều sai hay không hoàn thành nhiệm vụ:
“Trong đảng Cộng sản này thì cứ làm cái gì mà không được, làm gì có hại cho dân cho nước thì cũng chỉ rút kinh nghiệm thôi chứ không chịu hình thức kỷ luật xử lý theo pháp luật gì cả.
Dân sai thì có rút kinh nghiệm được đâu, chỉ có quan sai là rút kinh nghiệm thôi!
Ông Bộ trưởng Giao thông Thể này nói vậy như là thói quen từ trước đến nay của các quan chức Cộng sản thôi.”
Ông Huỳnh Kim Báu khẳng định việc quan chức “rút kinh nghiệm sâu sắc” chỉ là trò hề để biện minh cho sai lầm của họ thôi:
“Chẳng qua những điều đó là trò hề của họ thôi. Quản trị nhà nước là phải trên cơ sở luật pháp, minh bạch. Đó là một việc lấp liếm, vô trách nhiệm, bất tài nhưng lại tham mê quyền lực.
Nó là cái để họ bám víu, để họ biện minh cho những điều sai lầm của họ. Đó chỉ là cái cớ thôi.
Thực tế ra, theo tôi, họ đang lừa bịp chính họ thôi chứ không lừa bịp được với nhân dân Việt Nam đâu.”
Không có cơ sở pháp lý
Theo quy định tại điều 79, Luật cán bộ, công chức, có 6 hình thức kỷ luật công chức bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Trong đó, việc giáng chức, cách chức chỉ được áp dụng với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Không hề có quy định, chế tài nào dành cho các cán bộ tự “nghiêm khắc kiểm điểm hay rút kinh nghiệm sâu sắc” cả.
Một giảng viên Đại học Luật ở Việt Nam không muốn nêu tên nói rằng theo luật công chức thì không có quy định nào về hình phạt dành cho các cán bộ tự kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm cả. Tuy nhiên, nếu sai phạm nhiều lần thì có thể cấp trên xem xét các hình thức kỷ luật nặng:
“Nếu vi phạm nhiều quá thì sẽ có hình thức kỷ luật đảng, cách chức hoặc xử lý hành chính theo luật xử lý vi phạm hành chính. Nếu có dấu hiệu tham nhũng thì sẽ bị xử theo luật hình sự hoặc luật phòng chống tham nhũng.”
Năm 2019, Đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Vân trả lời báo chí rằng do chưa có cơ sở pháp lý quy định thế nào là khiển trách, thế nào là cảnh cáo, buộc thôi việc… Các căn cứ phân biệt không rõ ràng, ranh giới giữa các mức kỷ luật trên còn mơ hồ nên đã nảy sinh những hình thức mới đó là “phê bình nghiêm khác và rút kinh nghiệm sâu sắc”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vn-official-avoid-discipline-06032020133520.html

“Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không giống ai”:

Câu chuyện không bao giờ có hồi kết!

Kết quả đạt được lạc quan?
Tại Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam.
Bộ Giáo dục-Đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.
Tiếp theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, vào tối hôm 3/6 xác nhận với RFA rằng quá trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian qua gặt hái được một số kết quả nhất định:
Ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ thì có ảnh hưởng quốc tế nhiều. Các thành viên đã được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu về thì họ có phong cách bị ảnh hưởng ở các nước Tây phương cho nên họ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thứ nhất họ có những đề tài hợp lý và thứ hai là họ có phong cách làm việc có giá trị thành ra tôi thấy có những đổi thay…Nhưng về mặt Khoa học Xã hội thì tôi nhận thấy không thay đổi bao nhiêu. Nhất là như Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam mà viện đó bị tai tiếng dữ dội, nghĩa là mỗi năm đào tạo 365 tiến sĩ, tức là mỗi ngày 1 tiến sĩ thì vẫn không thay đổi gì và nó vẫn chiếm cứ một thế thượng phong; mà từ đó nó có những đề tài rất buồn cười như đề tài ‘Phong cách nịnh tại Việt Nam’. Những đề tài như vậy mà cũng được cấp bằng tiến sĩ. Cách đào tạo này tôi thấy họ vẫn đang tiếp tục
-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng

“Ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ thì có ảnh hưởng quốc tế nhiều. Các thành viên đã được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu về thì họ có phong cách bị ảnh hưởng ở các nước Tây phương cho nên họ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thứ nhất họ có những đề tài hợp lý và thứ hai là họ có phong cách làm việc có giá trị thành ra tôi thấy có những đổi thay.”
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng khẳng định sự đổi thay tích cực đó không được đồng đều. Theo ghi nhận của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì có những nơi và có những người họ mang quan điểm khoa học theo quan niệm quốc tế về nước để làm việc. Nhưng vẫn có các trường mà có thể nói là không có tiếng tăm và ‘ăn xổi ở thì’ thì họ làm như cũ.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh:
“Nhưng về mặt Khoa học Xã hội thì tôi nhận thấy không thay đổi bao nhiêu. Nhất là như Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam mà viện đó bị tai tiếng dữ dội, nghĩa là mỗi năm đào tạo 365 tiến sĩ, tức là mỗi ngày 1 tiến sĩ thì vẫn không thay đổi gì và nó vẫn chiếm cứ một thế thượng phong; mà từ đó nó có những đề tài rất buồn cười như đề tài ‘Phong cách nịnh tại Việt Nam’. Những đề tài như vậy mà cũng được cấp bằng tiến sĩ. Cách đào tạo này tôi thấy họ vẫn đang tiếp tục.”
Thực tiễn đào tạo tiến sĩ
Phát biểu tại Hội thảo hôm 27/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tuy có đổi mới quy chế đào tạo tiến sĩ phải quốc tế hóa về mặt công nghệ, chuẩn về quy trình, đạt chuẩn có bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus…nhưng trên thực tế việc đào tạo tiến sĩ đang có nhiều điểm không giống ai. Tiến sĩ Đỗ Minh Cương nói rằng ngành giáo dục Việt Nam đang có sự lúng túng khi chưa có hình mẫu nào để học theo và do đó cần có một hình mẫu chuẩn phù hợp về đào tạo tiến sĩ để hướng tới.
Tiến sĩ Đỗ Minh Cương còn nêu lên vấn đề cần phải xem xét lại việc đào tạo tiến sĩ hiện nay mục đích để làm gì, cũng như mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đã phù hợp hay chưa.
Liên quan vấn đề vừa nêu, Báo mạng Giáo dục Việt Nam, vào ngày 1/6 dẫn nhận định của Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam rằng thực trạng đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua là không đạt yêu cầu và nặng về số lượng, nhẹ chất lượng, đua nhau làm tiến sĩ. Tiến sĩ Phan Hồng Giang khẳng định “nhiều vị khi có chức danh về quản lý Nhà nước thì lại cố kiếm bằng tiến sĩ để sang trọng hơn là để làm việc”. Tiến sĩ Phan Hồng Giang còn xác quyết rằng đào tạo là để có được những nhà khoa học chất lượng cao, trước tiên là để giảng dạy đại học và sau đó là nghiên cứu khoa học đóng góp cho trường, cho xã hội.
Vào ngày 3/6, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, ở Úc qua ứng dụng messenger chia sẻ ghi nhận của ông với RFA về thực tiễn đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học ở Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết:
“Theo tôi thấy cách làm hiện nay đã bị biến chất và nó có hiệu quả làm nhục nghiên cứu sinh hơn là giúp cho họ nghiên cứu tốt. Chẳng những thành viên hội đồng phản biện, mà ngay cả nhân viên hành chánh cũng có thể hành hạ và làm nhục nghiên cứu sinh. Trường không hề can thiệp, hay giả làm ngơ cho nhân viên hành chánh hành hạ nghiên cứu sinh ‘lên bờ xuống ruộng’. Học viên ai cũng chịu nhục để gọi là ‘nín thở qua sông’, sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM, người trực tiếp tham gia đào tạo tiến sĩ chỉ ra một vấn đề quan trọng liên quan chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam:
“Hiện tại Khoa học Xã hội Việt Nam chưa có một tạp chí nào được xếp hạng ISI-Scopus. Do đó, dẫn đến chuyện là những bài hay nhất thì người ta phải lo đi công bố ở nước ngoài và nếu ở Việt Nam mãi mãi không có một tạp chí khoa học nào được xếp vàp có tiếng tăm trên thế giới, bởi vì tạp chí xếp hạng có tiếng tăm trên thế giới đăng những bài hay, thì thực sự đe dọa khoa học Việt Nam. Tôi thấy rằng ông Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học đã nói rất mạnh mẽ về chuyện đó. Ngoài ra không thấy mấy ai nói và cho đến nay tiếng kêu của Giáo sư Phùng Hồ Hải là vô vọng.”
Thay đổi thế nào để được hiệu quả?
Đại diện của hơn 24 trường đại học tham dự Hội thảo hôm 27/5 thảo luận và đóng góp ý kiến về sửa đổi quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ với chú trọng đội ngũ hướng dẫn và nhóm nghiên cứu quyết định chất lượng tiến sĩ, đồng thời “phải làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”.
Là vị giáo sư từng từng tham gia hướng dẫn cho nghiên cứu sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn khẳng định rằng “các em ấy không hề thua kém sinh viên Mỹ, các em ấy tốt nghiệp với những công trình nghiên cứu đạt chuẩn mực khoa học quốc tế”. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng Việt Nam có thể đào tạo tiến sĩ tập trung vào cách chọn đề tài nghiên cứu, tài trợ, công bố khoa học và bình duyệt.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trình bày chi tiết qua messenger:
“Thứ nhứt là vấn đề chọn đề tài nghiên cứu thì cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho một luận án tiến sĩ, và bộ tiêu chuẩn này có thể tìm thấy đây đó của các hiệp hội khoa học quốc tế. Thứ hai, tài trợ cho nghiên cứu là tài trợ có thể đến từ labo của thầy hay của một quỹ khoa học. Thứ ba là công bố kết quả: hiện nay, đã có qui định nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Nhưng cần phải bổ sung là tập san phải ‘chánh thống’, chớ những tập san không thuộc một hiệp hội khoa học thì không nên công nhận. Nếu đã có 2 bài báo khoa học thì không có lí do gì để duy trì hội đồng cơ sở; chỉ 1 hội đồng cấp đại học là đủ. Và thứ tư là luận án và bình duyệt thì hãy bỏ qui định về số tài liệu tham khảo trong nước bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu; chỉ tham khảo những bài báo trên các tập san ISI đã qua bình duyệt. Cần sự bình duyệt từ các giáo sư ngoài trường và nước ngoài. Không cần gởi bản tóm tắt ra vài chục tiến sĩ như hiện nay.”
Riêng về ngành Khoa học Xã hội thì phải gỡ bỏ cái vòng kim cô chính trị đi thì mới được. Tôi nói một ví dụ cụ thể sau vụ Nhã Thuyên thì tất cả các trường đại học được lệnh phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo và danh sách ai hướng dẫn đề tài gì đều phải báo cáo với Bộ. Việc này gọi là một cuộc khủng bố vì những đề tài hơi nhạy cảm một chút là giáo sư phải rút bỏ. Nghiên cứu rồi lại sợ là không được nghiên cứu cái mảng mà mình cho là có vấn đề, mà có vấn đề thì mới nghiên cứu thì như vậy làm sao nghiên cứu cho tốt được? Việc nghiên cứu là phải có tự do học thuật. Tự do học thuật là mình muốn nghiên cứu đề tài gì thì phải được phép. Một khi không có tự do học thuật thì đừng nghĩ rằng Khoa học Xã hội giúp đỡ một cách căn bản cho đất nước
-Tiến sĩ Hoàng Dũng
Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu lên quan điểm của ông, với lưu ý quan trọng:
“Riêng về ngành Khoa học Xã hội thì phải gỡ bỏ cái vòng kim cô chính trị đi thì mới được. Tôi nói một ví dụ cụ thể sau vụ Nhã Thuyên thì tất cả các trường đại học được lệnh phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo và danh sách ai hướng dẫn đề tài gì đều phải báo cáo với Bộ. Việc này gọi là một cuộc khủng bố vì những đề tài hơi nhạy cảm một chút là giáo sư phải rút bỏ. Nghiên cứu rồi lại sợ là không được nghiên cứu cái mảng mà mình cho là có vấn đề, mà có vấn đề thì mới nghiên cứu thì như vậy làm sao nghiên cứu cho tốt được? Việc nghiên cứu là phải có tự do học thuật. Tự do học thuật là mình muốn nghiên cứu đề tài gì thì phải được phép. Một khi không có tự do học thuật thì đừng nghĩ rằng Khoa học Xã hội giúp đỡ một cách căn bản cho đất nước. Chẳng hạn một khi Nghị quyết ghi rằng ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì tất cả những nhà kinh tế chỉ được nói trong cái vòng kim cô đó thôi.”
Mặc dù đưa ra những ý kiến như vậy, nhưng cả ba Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Hoàng Dũng và Nguyễn Văn Tuấn đều khẳng định việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là một câu chuyện dài không có hồi kết, vì chủ trương giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì luôn là “hồng hơn chuyên”.
Đài RFA xin được kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này qua chia sẻ của một tiến sĩ Việt Nam chọn ở lại Anh quốc làm việc. Tiến sĩ An Hà nói với RFA rằng “Nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở Việt Nam, nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-vietnam-needs-to-do-to-gain-valuable-phds-06032020154527.html

Đại hội 13: Dự luật Đặc khu –

chính sách thất bại khi không dựa vào dân

TS. Phạm Quý Thọ
Hiếm khi có chính sách thất bại khi đảng cộng sản cầm quyền với chế độ toàn trị kiểm soát mọi hoạt động của người dân và nhà nước, đặc biệt về ban hành chính sách. Thế nhưng Dự luật Đặc khu Hành chính Kinh tế ven biển là một trường hợp điển hình hy hữu về sự thất bại chính sách ngay từ khi xây dựng.
Hai vấn đề lớn đối với các nhà hoạch định chính sách khi phân tích nguyên nhân sâu xa của sự thất bại chính sách trên: Một là, Dự luật đã trở nên ‘lạc hậu’ về thời điểm áp dụng. Hai là, quy trình chính sách đã không dựa vào dân và hướng tới người dân.
‘Chính sách lỗi thời’
Dự luật Đặc khu được vận dụng không đúng thời điểm, đã trở thành ‘chính sách lỗi thời’. Chính sách này đúng với Trung Quốc 30 năm trước, nhưng áp dụng cho Việt Nam 30 năm sau trong bối cảnh thế giới và trong nước đã hoàn toàn thay đổi đã không thích hợp. Đó là nguyên nhân của sự thất bại chính sách.
Tương đồng về ý thức hệ và ‘đổi mới’ sau nên Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm từ mô hình Trung Quốc, trong đó chính sách ‘đặc khu’ từng được đánh giá có ý nghĩa quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh.
Năm 1979, lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình đã quyết định thành lập Đặc khu kinh tế tại Thâm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên của Trung Quốc do lợi thế tiếp giáp với Hồng Kông (lúc đó còn là một thuộc địa của Vương quốc Anh). Việc thành lập đặc khu này được coi là sự thử nghiệm mô hình Cải cách và Mở cửa của Trung Quốc. Đặc khu Thâm Quyến đã có tỷ lệ tăng trưởng GDP rất cao, trung bình là 40% mỗi năm giữa năm 1981 và năm 1993. Từ năm 2001 đến năm 2005, tỷ lệ tăng chậm lại, còn 16,3% và giảm sút dần từ đó. Sản lượng kinh tế của Thâm Quyến với khoảng gần 340 tỷ USD hiện nay đứng thứ 3 sau Bắc Kinh, Thượng Hải.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị dự luật này của Việt Nam, về hình thức, là khá bài bản và thận trọng. Cơ sở hình thành nên Dự luật đặc khu đã có từ đầu năm 2013, khi một số chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc trường Đại học Thâm Quyến được mời đến tỉnh Quảng Ninh để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược hình thành phát triển cho dự án đặc khu kinh tế Vân Đồn. Các cuộc hội thảo và các chuyến nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm thực tế được tổ chức. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Dự luật.
Sự chuẩn bị và quy trình chính sách như trên khiến Chính phủ đã ‘tự tin’ trình Dự luật Đặc khu Hành chính – Kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14 vào tháng 6 năm 2018. Thông thường, một số nội dung có thể có nhiều ý kiến khác biệt trong quá trình thảo luận, tuy nhiên điều khoản có ‘thời hạn cho thuê đất 99 năm’ đã là ‘vấn đề lớn’ không chỉ tại nghị trường mà, hơn thế, từ phía công chúng. Trong tuần từ ngày 6 đến 11 tháng 6 năm 2018 làn sóng phản đối mạnh mẽ và lan rộng của người dân trong nhiều tỉnh thành khiến Dự luật đặc khu không thể được đưa ra bỏ phiếu thông qua. Và cho đến nay nó vẫn không đặt ra trong chương trình nghị sự của các kỳ họp Quốc hội.
Các nhà hoạch định chính sách đã không thể thuyết phục được dân chúng và đại biểu quốc hội về ý nghĩa, vai trò của các đặc khu kinh tế đối với tăng trưởng và phát triển, không thể nói với họ rằng đó là sự vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc hay tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đối với hình thức đặc khu trong bối cảnh hiện nay.
30 năm trước, các đặc khu hành chính kinh tế đã là chính sách mang tính ‘đột phá’ đối với Trung Quốc, hấp dẫn các luồng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá đang ở đỉnh cao. 30 năm sau, khi Việt Nam vận dụng kinh nghiệm ‘đặc khu’ thì quá trình toàn cầu hoá đã thoái trào. Bối cảnh chính sách đã hoàn toàn thay đổi và thời cơ đã bị bỏ lỡ. Đó là chưa kể đến ‘yếu tố cạnh tranh’ khi Trung Quốc luôn có lợi thế so sánh trước Việt Nam về thị trường, nhân công, năng lực quản trị và năng suất.
‘Tiếng nói của người dân’
Trong và ngoài nghị trường Quốc hội – cơ quan lập pháp tối cao của Việt Nam ít nhiều đều có ‘tiếng nói của dân’ phản đối Dự luật Đặc khu liên quan đến ‘yếu tố Trung Quốc’. Khi tương đồng ý thức hệ không còn là ‘bệ đỡ’ cho phát triển kinh tế thì ưu tiên được dành cho an ninh, chủ quyền quốc gia – vốn là phẩm chất từ ngàn đời tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Ưu tiên hàng đầu của chế độ đảng cộng sản toàn trị trong việc xây dựng chính sách là lợi ích và sự tồn vong của của đảng, trong khi quy trình chính sách công trong điều kiện thị trường phải dựa vào dân, hướng tới người dân, đối tượng thụ hưởng. Bởi vậy, một trong các bước của quy trình là lấy ý kiến của nhân dân thường bỏ qua hay chỉ làm hình thức. Với Dự luật Đặc khu cũng không là ngoại lệ, và sai lầm này đã dẫn đến thất bại.
Phía sau Dự luật Đặc khu là nguy cơ từ ‘yếu tố Trung Quốc’
Mô hình Trung Quốc ngày càng kém thích hợp với Việt Nam. Đặc khu kinh tế từng là ‘đột phá’ thành công của chính sách cải cách và mở cửa thực dụng do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, góp phần tạo nên ‘sự kỳ diệu’ tăng trưởng kinh tế. Nay ‘dư địa’ này không còn. Các nước tư bản phát triển, các tập đoàn đa quốc gia dường như đã ngộ ra rõ ràng hơn ‘tăng trưởng kinh tế không thể làm cho chế độ trở nên ‘dân chủ’, nghĩa là không thể làm thay đổi bản chất chuyên chế.
Sự đối đầu ý thức hệ giữa Trung Quốc và  Mỹ, Phương Tây ngày càng sâu sắc trong mọi quan hệ quốc tế. Đại dịch COVID-19 chính là lúc Trung Quốc bộc lộ rõ nhất bản chất chuyên chế. Ngày 28 tháng 5 năm 2020 Luật an ninh Hồng Kông đã được thông qua dường như đã phủ nhận cam kết ‘một quốc gia, hai chế độ’ tại đây.
Tham vọng thay đổi trật tự thế giới và địa chính trị của Bắc Kinh ngày càng hung hăng. Tự vẽ ‘đường chín đoạn’, quân sự hoá biển đảo, đe doạ tự do hàng hải và các nước có liên quan ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam làm gia tăng mức độ nguy cơ đối với chủ quyền biển đảo và quốc gia.
Ngoài ra, phần lớn các dự án đầu tư của Trung Quốc vào nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam như năng lượng, giao thông… kém hiệu quả, công nghệ lạc hậu, kéo dài làm tăng nợ xấu, gây ô nhiễm môi trường, thâm hụt nghiêm trọng cán cân thương mại… Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là ‘hình ảnh phản cảm’ trong mắt công chúng. Dự án kéo dài từ 2008 đến nay chưa hoàn thành, đội vốn lên gần gấp đôi. Mới đây, ngày 2 tháng 6 năm 2020 nhà thầu Trung Quốc đòi chi 50 triệu USD, sai với các điều khoản trong hợp đồng, để thử vận hành.
Trong bối cảnh như trên Dự luật Đặc khu ven biển được công luận coi là ‘mắt xích’ hay ‘cánh tay nối dài’ của chiến lược ‘Một vành đai, một con đường’ của Tập Cận Bình. Sức ép dư luận dường như đã tác động đến các nhà lập pháp. Một số đại biểu Quốc hội khoá 14 trong kỳ họp thứ 9 đang diễn ra tại Hà Nội đã yêu cầu Chính phủ giải trình về tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc ‘núp bóng’ dưới các hình thức khác nhau để thâu tóm đất đai tại các vị trí chiến lược trên biên giới và bờ biển.
Phía sau Dự luật Đặc khu đã lộ rõ hình ảnh của các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là Vân Đồn và Phú Quốc. Mới đây, Chính phủ có Quyết định số 544/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngày 25 tháng 5 năm 2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết số 80/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, cho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Dư luận quan tâm đến những sự kiện có liên quan như vậy. Một số nhà quan sát đã lên tiếng cảnh báo liệu đây có phải là những hình thức lách luật để đạt được mục đích của chính quyền cố gắng ‘cứu’ một chính sách thất bại – Dự luật Đặc khu. Liệu ‘tiếng nói của người dân’ có được duy trì và nhân lên để trở thành một nền tảng chính sách hay chỉ là tia hy vọng mong manh trong chế độ toàn trị?
Phạm Quý Thọ, gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congress-13-failure-of-sez-law-for-not-listening-to-people-06032020114035.html

Điểm tin trong nước sáng 4/6:

Thiếu úy công an Bình Dương cưỡng đoạt tài sản;

Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 4/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thiếu úy công an Bình Dương cưỡng đoạt tài sản
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt quả tang Võ Quốc Cường (sinh năm 1993, Thiếu úy, CSHS thuộc Công an TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đang nhận 15 triệu đồng của người vi phạm (anh H.) tại quán cà phê Mai Xuân thuộc phường Đông Hòa (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Báo PLVN dẫn kết quả điều tra, Thiếu úy Cường thừa nhận toàn bộ hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh H. Số tiền Cường yêu cầu anh H. đưa là 150 triệu đồng và đã nhận trước 100 triệu đồng của đối tượng này.
Khi bị bắt quả tang, Cường đã thừa nhận hành vi nhận tiền của anh H. nêu trên và bảo gia đình nộp 100 triệu đồng Cường đã chiếm đoạt trước đó để khắc phục hậu quả.
Cũng theo tờ BVPL, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định tạm giữ 3 ngày đối với Võ Quốc Cường để tiếp tục điều tra vụ việc.
Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong chuỗi cung ứng
Theo VOA, chính phủ Mỹ xác định Việt Nam là một đối tác hàng đầu trong các dự án tại khu vực sắp tới để sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách đưa các dây chuyền sản xuất của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Thông tin trên được Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC) Adam Boehler đưa ra trong buổi gặp mặt với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tại Washington DC ngày 2/6, theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Đánh giá về cơ hội này, Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020, cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.
Từ tháng 3, Apple và các công ty công nghệ khác của Mỹ như Microsoft và Google “đang tìm cách chuyển một số dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc tới các nơi khác, bao gồm Việt Nam và Thái Lan,” theo CNBC. Trong khi đó Asian Nikkei Review cho biết, khoảng 4 triệu tai nghe không dây AirPods của Apple sẽ được sản xuất ở Việt Nam trong quý II năm nay.
Campuchia triệu tập Đại sứ Việt Nam vì vấn đề biên giới
Trang mạng cambodianess.com cho biết Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 2/6 yêu cầu Đại sứ Vũ Quang Minh rút binh sĩ Việt Nam về và phá dỡ các lều trại đã được dựng gần biên giới Campuchia.
Bộ Ngoại giao Campuchia nói hiện vẫn còn một số lều trại của Việt Nam bên trong khu vực biên giới tỉnh Kandal. Bộ Ngoại giao cho biết ngày 1/6, Quốc Vụ Khanh Eath Sophea đã triệu tập Đại sứ Vũ Quang Minh để thảo luận về vấn đề này.
Việt Nam khẳng định việc dựng lều sát biên giới không có ý đồ xấu mà chỉ nhằm mục đích ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán.
Campuchia và Việt Nam chia chung một đường biên giới dài 1.270 km. Trong những năm gần đây, hai bên đã thúc đẩy tiến hành phân định ranh giới và đã phê chuẩn 86% đường biên giới chung. Việt Nam khẳng định dựng lều không tác động tới công tác phân định biên giới giữa hai nước.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng đã trở nên phức tạp, trong bối cảnh Campuchia ngày càng xích lại gần Trung Quốc, nước đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Việt Nam và một số nước khác trên Biển Đông.
Người Sài Gòn lội nước về nhà sau mưa lớn
Theo Vnexpress, cơn mưa nặng hạt kéo dài một giờ chiều 3/6 khiến nhiều tuyến đường ở TP. HCM ngập sâu, xe chết máy hàng loạt, giao thông rối loạn.
Mưa chủ yếu xảy ra tại khu vực quận 2, quận Bình Thạnh với lượng mưa lớn khiến đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng.
Mưa ngập khiến giao thông rối loạn, trong đó đường Điện Biên Phủ đoạn gần cầu Sài Gòn kẹt cứng gần 2 km.
Đặc biệt tại khu vực cầu Nguyễn Hữu Cảnh, điểm đang có đầu tư cải tạo để chống ngập đã bị ngập rất nặng. Có người dân chạy xe tới đây bị chết máy, té ngã giữa dòng nước.
Bệnh nhân số 91, phi công người Anh bỏ ECMO sau 57 ngày
Chiều 3/6, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện nay, sức khỏe nam phi công người Anh mắc viêm phổi Vũ Hán đã có những cải thiện đáng kể.
Theo Người Lao Động, trong 2 ngày qua, các thông số ECMO được giảm dần và đến 8 giờ 30 ngày 3-6, bệnh nhân đã ngừng sử dụng ECMO – phương pháp tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Đây được coi là sự cải thiện đáng kể về sức khỏe của bệnh nhân đặc biệt này.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-4-6-thieu-uy-cong-an-binh-duong-cuong-doat-tai-san-my-uu-tien-hop-tac-voi-viet-nam-trong-chuoi-cung-ung.html

Điểm tin trong nước chiều 4/6:

Xe Howo chở đá đè bẹp ôtô con, 3 người tử vong;

Tổng cục Du lịch rút lại văn bản

‘xin’ 400 vé máy bay miễn phí

Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước chiều ngày 4/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Xe Howo chở đất đá đè bẹp ôtô con, 3 người tử vong
Vụ việc xảy ra khoảng 10h30 ngày 4/6 trên tuyến đường Nghi Sơn – Sao Vàng, đoạn qua địa phận xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chiếc xe con bị bẹp dúm, biến dạng. CSGT huyện Triệu Sơn cho hay trên xe con chở 4 người, theo VnExpress.
Khi đó, ôtô con hiệu Toyota do Lê Ngọc Hoàn (29 tuổi, trú xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn) điều khiển thì gặp xe tải hiệu Howo do Lương Văn Lâm (35 tuổi, trú xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lái. Xe tải bất ngờ lật ngang, đổ cả thùng xe đầy đất đá lên ôtô con.
Vụ việc khiến 3 người tử vong. Họ gồm: tài xế Lê Ngọc Hoàn; bà Lê Thị Bình (72 tuổi) và chị Lê Thị Út Huệ (28 tuổi).
Người bị thương là bé trai Đỗ Minh Nhật (6 tuổi, cùng trú xã Vân Sơn, Triệu Sơn), đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Tổng cục Du lịch rút lại văn bản ‘xin’ 400 vé máy bay miễn phí
Sáng 4/6, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, Văn bản 167 xin 400 vé máy bay miễn phí là chưa phù hợp và sẽ thu hồi, mong 3 hãng hàng không thông cảm với Tổng cục Du lịch trong vụ việc này.
Ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, từ trước tới nay, Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không nội địa vẫn hợp tác chặt chẽ để cùng triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Tùy theo mục tiêu từng giai đoạn mà các đơn vị ký kết các biên bản hợp tác, trong đó có hỗ trợ cung cấp vé máy bay.
“Bản chất văn bản này là cơ sở để triển khai cụ thể các nội dung đã được thống nhất giữa Tổng cục Du lịch với các hãng hàng không, điều này đã được các hãng hàng không thống nhất và cũng xuất phát từ áp lực sớm đẩy nhanh thị trường du lịch nội địa”, ông Phúc nói.
Tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận về hình thức văn bản này là chưa phù hợp và sẽ thu hồi (Văn bản số 167) . Trong cuộc họp, ông Phúc gửi lời xin lỗi và mong muốn 3 hãng hàng không thông cảm, theo báo Thanh Niên.
Như đã đưa tin trước đó, trong văn bản do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký ngày 2/6/2020 gửi tới Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, phía Tổng cục Du lịch đã đề nghị các hãng hàng không cung cấp 400 vé máy bay miễn phí cho đoàn công tác thực hiện triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương từ tháng 6 đến tháng 12/2020.
Trong đó, Tổng cục Du lịch đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cung cấp 200 vé; đề nghị Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cung cấp 100 vé và Hãng hàng không Bamboo Airways cung cấp 100 vé.
Ngay sau khi văn bản được ban hành đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Vụ cháy phòng ngủ khiến cả gia đình bị bỏng: Hai bố đã con tử vong
Sáng 4/6, chị Trần Ngọc Thúy (35 tuổi, trú thôn Hòa Hợp, xã Thạch Kênh, Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, sau gần nửa tháng điều trị, hiện chồng và con nhỏ 9 tháng tuổi chị đã không qua khỏi, theo Thanh Niên.
Theo chị Thúy, vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 21/5 tại phòng ngủ gia đình. Sau vụ cháy, 4 người trong gia đình chị bị bỏng nặng gồm chị, chồng và 2 con nhỏ (5 tuổi và 9 tháng).
Sau khi vụ cháy xảy ra, cả 4 người được đưa vào viện điều trị. Riêng chị Thúy bị bỏng nhẹ hơn nên sớm hồi phục sức khỏe.
1 tuần trước, anh Nguyễn Chính Duẫn (37 tuổi; chồng chị Thúy) đã tử vong do vết thương quá nặng. Đến ngày 3/6, cháu Nguyễn Ngọc An Nhiên (9 tháng tuổi) cũng không thể qua khỏi.
Hiện con trai đầu của chị Thúy là cháu Nguyễn Chính Mạnh (5 tuổi) đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia với vết bỏng 54%,. Hiện sức khỏe cháu Mạnh đã tiến triển tốt, không còn lo ngại nguy hiểm đến tính mạng.
Nghệ An: Xà cừ cổ thụ ở trường bị đốn trụi không thương tiếc, có phải ‘mượn gió bẻ măng’?
Sau sự cố cây phượng vĩ bật gốc làm thiệt mạng 1 học sinh ở THCS Bạch Đằng, Tp HCM, không ít trường học trên cả nước đã đốn bỏ cây xanh. Trong đó cây xanh trong Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị cắt hết cành không thương tiếc, nhiều người tiếc nuối cho rằng đây là “mượn giò bẻ măng”.
Cụ thể, một đoạn clip chia sẻ trên MXH được cho là hình ảnh hai cây xà cừ lâu năm tại Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị chặt hết cành, chỉ còn thơ lơ ít lá bám trên cành nhỏ.
“Trời nắng thế này, cây bị chặt trơ trọi mất cảnh quan, tội các em học sinh mất một nơi râm mát để vui đùa. Bao nhiêu mùa mưa bão đi qua, kể cả trận bão năm 2010, nhà dân bị gió thổi tốc mái mà cây xà cừ này vẫn không sao, cũng không thấy cây có biểu hiện bị bệnh nhưng không hiểu sao đợt này nhà trường lại cho chặt trụi lủi.
Nếu để phòng rủi ro cũng nên cắt tỉa cành bị mục ruỗng, có nguy cơ đổ gãy chứ không nên chặt hết chỉ còn trơ thân cây như thế”, báo Dân Trí một người dân xã Nghi Mỹ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đối diện trường học cho hay.
“Trời thì nắng, bọn em giai đoạn ôn thi học cả ngày trên trường, ngồi trong phòng học nhìn ra sân chỉ thấy nắng nóng, tiếc bóng mát cây xà cừ quá”, một nữ sinh lớp 12 tâm sự.
Theo một số người dân, những cây xà cừ này đã được trồng những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước nên đường kính lớn và gỗ rất có giá trị. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng việc cắt tỉa cành xà cừ không phải mục đích chống gãy đổ, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Nhiều ý kiến xung quanh việc chặt tỉa cây xà cừ, phần lớn là không đồng tình, cảm thấy tiếc nuối. Trong có người dân bình luận rằng vụ việc này là “mượn gió bẻ măng”….
Liên quan đến vấn đề này, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Trọng Hoàn, chánh Văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cho biết, đã trực tiếp làm việc với nhà trường và khẳng định việc chặt cây lâu năm của nhà trường là chưa phù hợp, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành.
“Hiện chúng tôi cũng đề nghị nhà trường rút kinh nghiệm và sớm có giải pháp để lựa chọn cây trồng thay thế hợp lý trong khuôn viên sân trường”, ông Hoàn nói.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-4-6-xe-howo-cho-da-de-bep-oto-con-3-nguoi-tu-vong-tong-cuc-du-lich-rut-lai-van-ban-xin-400-ve-may-bay-mien-phi.html
Powered by Blogger.