Đảo chính Myanmar: 'Chiến thuật' dùng trong đàn áp biểu tình thế nào?
- Joshua Cheetham
- BBC News
Trên một con phố đông đúc ở Yangon, cảnh sát đang áp giải một người đàn ông khi tiếng súng nổ vang trời.
Người đàn ông dường như đang bị giam giữ và không có biểu hiện phản kháng - sau đó đột nhiên một sĩ quan bắn anh ta từ phía sau, đá anh ta khi anh ta nằm trên mặt đất.
Vụ việc, được ghi lại trên video, là một trong số hàng chục vụ đã được đưa tin kể từ khi một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vào ngày 01 tháng Hai xảy ra khiến những người biểu tình xuống đường.
Quân đội Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi 'nhận tiền, vàng' bất hợp pháp
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, các cuộc tấn công nhắm vào các cuộc biểu tình đã khiến hơn 70 người thiệt mạng.
Nhưng quân đội, hay Tatmadaw, khẳng định rằng các lực lượng an ninh đã hành động với sự kiềm chế đối với "những người biểu tình bạo loạn", những người mà họ cáo buộc đã tấn công cảnh sát.
'Là một điều hoàn toàn sai lầm'
Trong một báo cáo mới, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã xác minh hơn 50 video về các vụ bạo lực lan truyền trên mạng xã hội.
Dựa trên bằng chứng này, Ân xá Quốc tế nói rằng mặc dù lực lượng an ninh cũng đang sử dụng các chiến thuật phi sát thương chống lại người biểu tình, họ cũng đẩy mạnh việc sử dụng vũ khí chiến trường và vũ lực gây sát thương trong những tuần gần đây.
Một số trường hợp tử vong dưới bàn tay của lực lượng quân đội và cảnh sát có thể dẫn đến các vụ hành quyết không xét xử, theo lời của Tổ chức Ân xá.
Trong một đoạn video, một thành viên của Tatmadaw ở Dawei được trông thấy cho một sĩ quan cảnh sát mượn khẩu súng trường của mình. Sau đó, sĩ quan cúi xuống, nhắm và bắn, gây ra tiếng reo hò ăn mừng từ những nhân viên xung quanh sỹ quan này.
Một số người biểu tình ở Yangon, thành phố chính, đã xác nhận với BBC rằng họ đã nhìn thấy quân nhân bắn đạn thật vào đám đông người biểu tình, khiến nhiều người chết và bị thương.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết quân đội đã sử dụng nhiều loại vũ khí tại các cuộc biểu tình - từ súng trường bắn tỉa đến súng lục. Đôi khi các binh sỹ nổ súng một cách bừa bãi.
Một đoạn clip cho thấy lực lượng an ninh ở thị trấn Mawlamyine đi trên xe tải và được cho là đã nổ súng bắn đạn thật một cách ngẫu nhiên, kể cả vào nhà dân.
Một số cư dân Yangon, những người không tham gia vào các cuộc biểu tình, cũng nói với BBC rằng nhà của họ đã bị lực lượng an ninh bắn vào.
Ân xá Quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về việc triển khai các đơn vị quân đội trước đây vốn từng dính líu tới các tội ác chiến tranh chống lại các cộng đồng như người Rohingya.
Joanne Mariner, Giám đốc ứng phó khủng hoảng của Ân xá Quốc tế cho hay: "Đây là những binh sỹ và chỉ huy quân sự có thành tích nhân quyền cực kỳ tệ hại, đáng lo ngại. Việc triển khai họ tới các chiến dịch trị an này là điều hoàn toàn sai lầm".
"Rõ ràng quân đội không quan tâm đến những gì người biểu tình lên tiếng, nhưng theo luật pháp quốc tế, người biểu tình có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình", bà nói thêm.
Các sinh mạng phụ thuộc vào đâu?
Theo luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, lực lượng an ninh không được sử dụng súng chống lại người biểu tình trừ khi có nguy cơ tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng sắp xảy ra và không có sẵn giải pháp thay thế ít gây tổn hại hơn.
Thay vào đó, "quy tắc vũ lực tối thiểu" phải được áp dụng cho những người biểu tình, Ian Foxley, một nhà nghiên cứu tại một trung tâm về nhân quyền của Đại học York, nói.
Nhưng súng ống chỉ là một phần trong kho vũ khí của quân đội. Các tài liệu về ngân sách của chính phủ trong hai năm tài chính gần đây, được New York Times xem xét, cho thấy quân đội đã dành hàng triệu đô la cho công nghệ giám sát - bao gồm máy bay không người lái, phần mềm tấn công, đột nhập mạng và các công cụ để theo dõi vị trí của mọi người trong thời gian thực.
Quân đội cũng đã nhắm mục tiêu vào việc truy cập mạng Internet trong quá trình cuộc đảo chính, và tắt quyền truy cập vào các trang mạng và nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, bao gồm Facebook.
Giới chỉ trích cho rằng những khả năng công nghệ này đã mang lại cho quân đội quyền lực càn quét để giám sát dân thường và phối hợp hành động nhắm vào những người biểu tình.
Với số người chết gia tăng, các tổ chức vận động, như Công lý cho Myanmar, đang kêu gọi có các biện pháp trừng phạt có mục tiêu chống lại Tatmadaw và các lợi ích kinh doanh không rõ ràng, rộng rãi của tập đoàn quân sự này.
"Với những vụ giết người quá mức và có hệ thống, cũng như vũ khí đã được triển khai nhắm vào các cộng đồng dân tộc trong nhiều thập niên qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải ngay lập tức áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí toàn diện, tổng thể," tổ chức Công lý cho Myanmar phát biểu.
"Bởi vì các sinh mạng con người ở Myanmar đang phụ thuộc vào hành động đó," nhóm vận động này nói thêm.