Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Hình thành các đảng chính trị chuyên nghiệp : một đòi hỏi của thực tế Việt Nam hiện nay

Saturday, October 22, 2016 // , ,
Cuộc đấu tranh ở Việt Nam, cho đến lúc này, thiên về hướng chống lại những bất cập và yếu kém của hệ thống điều hành đất nước và xã hội; một số cá nhân và tổ chức nói rõ là chống lại chế độ độc đảng, nguyên nhân của các bất cập. Như đã có lần nói, điều này là hết sức cần thiết, và luôn luôn cần thiết.
Giờ đây, có lẽ đã đến lúc cần có sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt trong tư duy của những người tranh đấu ở Việt Nam. Bên cạnh việc « chống » những sai lầm trong đường lối và chính sách lãnh đạo và những hậu quả của các sai lầm đó, cần đặt lên hàng đầu mục tiêu « xây dựng » một hệ thống chính trị có khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước.

Gần đây, nhiều người, thậm chí có cả những đảng viên đảng cộng sản vốn từng giữ những chức vụ cao cấp trong đảng như ông Vũ Ngọc Hoàng, đã nói đến khả năng sụp đổ của chế độ. Mặc dù cá nhân tôi, dựa trên các phân tích của mình, không có sự lạc quan về viễn cảnh thay đổi chế độ trong tương lai gần, nhưng tôi thấy các lý lẽ và bằng chứng (của những người đưa ra dự báo về khả năng sụp đổ của chế độ độc đảng) là đúng và có sức thuyết phục. Sức thuyết phục của các lý lẽ đó càng được củng cố khi mà người dân (định nghĩa về « người dân » của tôi là : những người không đứng trong hàng ngũ lãnh đạo thì đều được gọi là « dân », dù đó là trí thức, sinh viên, học sinh, công nhân, nông dân, thương gia, tiểu thương,hay các tầng lớp khác trong xã hội) càng ngày càng cung cấp nhiều bằng chứng về ý thức đạo lý của họ, về khát vọng sống và khả năng vượt qua nỗi sợ của họ.

Cũng vì thế mà chúng ta phải đối diện với câu hỏi này : nếu, vào một ngày nào đó, những cảnh báo về sự sụp đổ của chế độ trở thành hiện thực, thì lúc đó chúng ta sẽ phải làm như thế nào, chúng ta sẽ làm gì để có thể thay thế một chế độ độc tài bằng một chế độ dân chủ, chứ không lặp lại bi kịch lịch sử mà hiện nay chúng ta đang nếm trải : thay thế độc tài phong kiến bằng độc tài cộng sản ?
Hoặc đặt câu hỏi theo một cách khác : nếu giả sử chế độ này sụp đổ, chúng ta sẽ phải làm những gì cụ thể để khắc phục các hậu quả của nó ? Và kiến tạo một xã hội tương lai như thế nào ?
Câu hỏi này, các cá nhân không trả lời được. Các tổ chức xã hội dân sự cũng không trả lời được.
Vậy ai có thể trả lời câu hỏi ấy ? Đó chỉ có thể là các đảng chính trị chuyên nghiệp. Chỉ có các đảng chính trị chuyên nghiệp, với các chương trình hành động, ngắn hạn cũng như dài hạn, mới có thể đưa ra các đáp án cho việc giải quyết các hậu quả hiện nay và  kiến tạo một Việt Nam dân chủ.
Từ lâu nhiều người đã nhìn thấy vai trò của các đảng phái chính trị ngoài cộng sản đối với vận mệnh quốc gia. Trong đó có ông Lê Trung Tĩnh, người đã viết một bài để nêu lên sự cần thiết của các tổ chức lãnh đạo và chính trị mới ở Việt Nam, đăng trên trang BBC Việt ngữ, ngày 10/1/2016. Tôi rất đồng ý với cách đặt vấn đề của Lê Trung Tĩnh, mà tôi trích lại nguyên văn ở đây :
« Những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam nên nhận lấy trách nhiệm cũng như tên gọi của những nhà hoạt động chính trị, và tiến đến thành lập những đảng phái chính trị cho Việt Nam. Bằng cách đó, họ một mặt đấu tranh cho dân chủ, một mặt tập hợp được sự ủng hộ của người dân vì đã cho người dân cơ hội thấy rõ những lựa chọn chính trị trong tương lai. Ngoài ra việc tự tin nhận trách nhiệm như những người lãnh đạo hay hoạt động chính trị cho họ một tiếng nói đối lập rõ ràng, những kinh nghiệm tổ chức quý giá, và giúp họ phê phán hay tìm cách giải quyết vấn đề của Việt Nam khi được bầu chọn thành những lãnh đạo trong tương lai. »
Vấn đề là ở Việt Nam hiện nay không có một đảng chính trị chuyên nghiệp nào ngoài đảng cộng sản, mặc dầu Hiến pháp và luật pháp không hề (và không thể) cấm việc thành lập đảng. Có tồn tại một số đảng, nhưng hoàn toàn không chuyên nghiệp, và người ta cũng không biết mục tiêu chính trị và chương trình chính trị của các đảng ấy là gì.
Nhiều người lo lắng rằng khi chế độ này sụp đổ Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Những người này không phải là không có lý của họ, bởi vì họ không hình dung được xã hội sẽ như thế nào, và liệu có xuất hiện một hình thái độc tài khác hay không.
Những lo lắng này sẽ được giải toả khi ở Việt Nam hình thành được một số đảng, hoặc ít nhất là một đảng chính trị chuyên nghiệp đối lập với đảng cộng sản ; những đảng có khả năng đưa ra một mô hình xã hội ổn định hơn, phát triển hơn, và các quyền con người được đảm bảo hơn xã hội hiện nay. Thực ra chỉ số tối thiểu để đo một chế độ xem nó có dân chủ hay không chính là ở chỗ trong chế độ ấy phải có sự hiện diện của các đảng chính trị đối lập. Như truyền thống phương Tây là các đảng cánh tả và các đảng cánh hữu. Thậm chí ở Việt Nam thời thuộc địa cũng đã có vô số đảng, mặc dù lúc đó không thể nói là Việt Nam có chế độ dân chủ.
Khi có các đảng chính trị mới ra đời ở Việt Nam, thiết tưởng tất cả chúng ta đã hiểu rằng chúng ta cần tham gia và ủng hộ các đảng đó, dĩ nhiên, với điều kiện là các đảng ấy phải thuyết phục được chúng ta bằng mục đích chính trị và chương trình chính trị của họ.
Mục đích chính trị và chương trình hành động là những gì làm nên định nghĩa về một đảng chính trị.
Dĩ nhiên, nếu một đảng chính trị mới mà lấy việc chống đảng cộng sản làm mục đích chính trị của mình thì đảng ấy khó lòng thu phục người dân, bởi vì người dân sẽ e sợ rằng đảng ấy chống cộng sản để rồi lại lập ra một chính thể khác mà về mức độ độc tài vẫn có thể y chang như chính thể cộng sản.
Việc đưa ra một mô hình xã hội và những chương trình hành động cụ thể để xây dựng nên mô hình xã hội ấy là một điều không đơn giản, đòi hỏi phải có những chính trị gia chuyên nghiệp được đào tạo (hoặc tự đào tạo) để có khả năng làm chính trị một cách chuyên nghiệp trong bối cảnh của thế giới đương đại.
Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam đòi hỏi hai điều: thứ nhất, phải hình thành được một tầng lớp chính trị gia chuyên nghiệp như đã nói trên đây ; và thứ hai, người dân phải ủng hộ những người ấy khi họ xuất hiện, hoặc là chọn lấy một trong số các gương mặt đã xuất hiện và ủng hộ họ để đưa họ vào vị thế của một chính trị gia chuyên nghiệp (điều mà người Miến điện đã làm khi tạo ra chính trị gia Aung San Suu Kyi). Cả hai điều kiện ấy đều thiết yếu như nhau.
Paris, 21/10/2016
Nguyễn Thị Từ Huy

Rodrigo Duterte muốn lập liên minh ma quỷ

Thứ Bảy, 10/22/2016 - 07:05 — nguyentuongthuy

Nguyễn Tường Thụy
Duterte phát biểu tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh
Ngày 20/10/2016, cả thế giới sửng sốt trước phát biểu của Rodrigo Duterte, tổng thống Philippine tại Bắc Kinh: “Tôi loan báo sẽ ly khai khỏi Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã thua. Tôi đổi lập trường để đi theo ý thức hệ của quý vị, và có thể tôi cũng sẽ sang Nga để thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin, và nói với ông rằng bây giờ có 3 nước chúng ta trên thế giới: Trung Quốc, Philippines và Nga.”
Cái sự lạ nằm ở tất cả các ý trong câu nói của một chính khách hàng đầu quốc gia quần đảo Philippines. Việc ly khai với Mỹ, thôi thì do chuyện thích hay không thích chứ không nhất thiết cứ phải kẻ mạnh mới chơi. Không hiểu vì sao Duterte lại lỗ mãng và ghét Mỹ đến như thế. Ông ta từng gọi Tổng thống Obama là “đồ khốn nạn”, chửi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là "đồ điên" và gọi đại sứ Mỹ tại Philippines là "tên khốn". Thậm chí đến Giáo hoàng Phanxicô cũng bị ông ta chửi là "đồ khốn".
Mỹ đã thua?
Tuy nhiên, cứ theo cú pháp mà suy thì lý do Duterte ly khai với Mỹ là vì Mỹ “đã thua”. Điều này không thể hiểu nổi tổng thống của một quốc gia lại có thể nhận thức về thế cuộc toàn cầu một cách mơ hồ đến như vậy. Nước Mỹ chưa bao giờ thôi vai trò dẫn dắt thế giới, ít nhất từ Thế chiến thứ hai. Sự kiện Liên Xô và một loạt nước XHCN ở Đông Âu đồng loạt sụp đổ đã chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh. Lúc này, Mỹ không còn đối trọng. Từ đó, càng không có nước nào có thể thay thế được Mỹ. Cũng may cho loài người, vị trí siêu cường số 1 không phải là Nga hay Trung Hoa cộng sản, nếu không, nhân loại khó tránh khỏi Thế chiến thứ ba nếu không nói là bị hủy diệt bởi những kẻ đầy tham vọng về lãnh thổ và say sưa với chiến tranh như hai quốc gia này.
Duterte đổi ý thức hệ
Điều kỳ lạ hơn là Duterte tự cho mình như một đứa trẻ mắc sai lầm, nay thành khẩn “đổi lập trường để đi theo ý thức hệ của quí vị”. Trời ơi, chẳng lẽ ông ta không biết cái ý thức hệ mà Duterte định trang bị cho nhân dân Philippines đã từng gây nên biết bao tai họa cho nhân dân những nước mà nó ngự trị. Cái khối mang ý thức hệ đó đã sụp đổ gần hết, chỉ còn mấy đứa con mồ côi đang thoi thóp được ngày nào hay ngày ấy. Nghĩa là, cái mà loài người đã rũ bỏ thì Duterte lại định rước nó về nhét vào đầu nhân dân Philipines. 
Ông George H. W. Bush, tổng thống thứ 41 của nước Mỹ có một nhận định rất đúng rằng “Chủ nghĩa cộng sản là sai lầm tạm thời của loài người”. Chính ông này từng hy vọng thập kỷ 90 (của thế kỷ 20) tách được hai nước là Ba Lan và Hunggary ra khỏi khối cộng sản. Hy vọng dè dặt thế nhưng thực tế diễn ra lại quá ngoạn mục như đã thấy.
Liên minh ma quỷ
Còn điều này nữa, nó gây ngạc nhiên thì ít mà nực cười thì nhiều. Duterte hào hứng với nhận thức mới của mình tới mức đang ở Trung Quốc ông ta đã công khai tính đến chuyện sang Nga thuyết khách, mưu toan thành lập một liên minh trung thành với ý thức hệ Marx-Lenin và nịnh thối: “Bây giờ có 3 nước CHÚNG TA trên thế giới: Trung Quốc, Philippines và Nga” 
Hình như không biết mình là ai, Duterte đòi đứng ra vận động hai cường quốc thứ hai và thứ ba trên thế giới thành lập liên minh “có ba chúng mình với nhau”. Mà Trung Quốc là ai, Nga với Putin là ai thì thế giới đều rõ. Cộng thêm độc tài Duterte nữa thì khác nào liên minh ma quỷ.
Về mặt này, Duterte lại còn khá vô duyên. Ông ta không hề nghĩ khi nói thế, có thể làm cho lãnh đạo các quốc gia như Việt Nam, Bắc Triều Tiên tự ái, thậm chí nổi ghen tuông vì những nước này gắn bó sâu nặng, chung hệ tư tưởng với Nga Xô, Trung Cộng trước Philippines những sáu, bảy mươi năm. Nay Duterte đòi gạt ra sao được.
Trong khi Trung Cộng đang cay cú về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực bác bỏ “quyền lịch sử” ở Biển Đông theo đòi hỏi của Trung Quốc thì Duterte lại tuyên bố đi theo Trung Cộng. Sự tráo trở của Duterte đã phản bội lại lợi ích của nhân dân và đất nước Philippines, phản bội lại người tiền nhiệm đã nỗ lực đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế và đã thắng kiện. Ông ta đã không tận dụng thành quả đó để bảo vệ chủ quyền cho đất nước đã sinh ra mình.
Trung Cộng tranh chấp với nhiều quốc gia Đông Nam Á về chủ quyền trên Biển Đông, trong đó, với Philippines, mức gay gắt chỉ sau Việt Nam. Vì vậy, sự trở cờ của Duterte, đương nhiên là Trung Cộng hài lòng hơn cả. 
Phát biểu của Duterte ở Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh khiến nhiều người sửng sốt. Không chỉ vì nước nào đó mất đi một đồng minh mà còn ở cách nói của ông ta. Nó thể hiện một tinh thần sám hối, hăng hái quá mức bình thường thường, chẳng khác nào một hồng vệ binh, ở đây lại là từ miệng một nguyên thủ quốc gia. Hay là Duterte có mưu sâu gì để lừa Trung Cộng? Hay ông ta có vấn đề về tâm thần dẫn đến lú lẫn. Kể cũng lạ. Nếu cứ nguyên thủ nước nào có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng lần lượt phát lú thì Tàu Cộng có tài yểm bùa ngải thật chăng?
22/10/2016

Duterte lập tức thanh minh

Ngô Nhân Dụng


 
Sau khi Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố tách khỏi nước Mỹ và chọn Trung Quốc với Nga làm bạn, nhiều người phụ tá và bộ trưởng trong chính phủ ông đã phải lên tiếng giải thích để giảm tầm quan trọng những lời ông nói. Bộ Trưởng Thương Mại Ramon Lopez, đang ở Bắc Kinh, đã nhấn mạnh với đài CNN rằng nước ông sẽ không cắt đứt quan hệ với Mỹ: “Ðể tôi nói rõ hơn, ông tổng thống không nói đến chuyện cắt đứt (The president did not talk about separation). Về quan hệ kinh tế chúng tôi sẽ không chấm dứt việc thương mại, đầu tư với nước Mỹ.” Hai bộ trưởng kinh tế và tài chánh ra một bản tuyên bố chung cũng nói tương tự, “Chúng tôi giữ các quan hệ với phương Tây nhưng cũng muốn tăng cường hợp tác với các lân bang.”
Tại thủ đô Manila, những lời tuyên bố “bỏ Mỹ” của ông Duterte bị nhiều người phản đối. Nghị Sĩ Leila De Lima giải thích, “Ông ta tự thổi phồng mình lên vì nuôi ảo tưởng cũng là một người hùng kiểu các ông lãnh đạo Tàu và Nga.” Có người dân ngỏ ý rằng “Chắc ông ấy nói đùa! Nước Mỹ rất thân thiện và từng là bạn thiết của người Filipinos từ lâu rồi.”
Trong dân chúng Philippines, hơn ba phần tư (76%) nói họ “rất tin tưởng” (much trust) vào nước Mỹ và chỉ có 22% tỏ ra tin tưởng Trung Quốc. Ngược lại, hơn một nửa (55%) nói họ ít tin tưởng vào Trung Cộng.
Giáo Sư Luật Khoa Jay Batongbacal, đại học University of the Philippines cho rằng “cắt đứt các quan hệ kinh tế với Mỹ là chuyện khó, vì nó cũng liên can đến các hiệp ước quốc phòng. Hành động đó có thể vi phạm Hiến Pháp, và trong thực tế, gần như không thể thực hiện.” Philippines đã ký hai hiệp ước quân sự với Mỹ, từ 1950 đến 2014. Muốn xóa bỏ, phải được Quốc Hội phê chuẩn.
Hiện nay Mỹ đứng hàng thứ ba về mua bán với Philippines, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2015, tổng số thương vụ hai bên lên từ 16.5 tỷ đến 18 tỷ Mỹ kim. Gần 3 triệu người Filipinos sống ở nước Mỹ, họ góp một phần ba trong số tiền gần 18 tỷ Mỹ kim mà người Phi ở nước ngoài gửi về nước trong năm ngoái.
Các xí nghiệp Mỹ đầu tư 4.7 tỷ vào Philippines. Hơn một triệu người Phi làm việc trong các trung tâm trả lời điện thoại và xử lý dữ kiện của các công ty Mỹ đặt tại Philippines, vì dân Phi nói thông thạo tiếng Anh. Riêng các dịch vụ này góp thêm 25 tỷ Mỹ kim cho nền kinh tế Philippines năm nay.
Ông Duterte đã công nhận là cháu ba đời một di dân Trung Hoa từ Phúc Kiến. Nhưng điều đó cũng không đặc biệt, vì cựu Tổng Thống Corazon Aquino cũng dòng dõi Phúc Kiến, đời thứ ba, và năm 1988 bà đã về thăm làng gốc của gia đình họ Tô, cũng như con bà sau đó, cựu Tổng Thống Benigno Aquino, năm 2011. Ông Benigno Aquino là người đã quyết định kiện Trung Cộng trước tòa án quốc tế. Ðức Hồng Y James Sin vốn gốc Trung Hoa, là người đóng vai quan trọng trong các cuộc biểu tình lật đổ hai tổng thống Ferdinand Marcos (1986) và Joseph Estrada (2001).
Ông Duterte không phải là vị tổng thống Phi đầu tiên muốn giao hảo với Trung Quốc, nhưng ý định đó luôn luôn vấp phải một chướng ngại là những hành động xâm lấn của chính quyền Trung Cộng tại bãi đá ngầm Scarborough Shoal mà người Trung Hoa gọi là đảo Hoàng Nham (Huangyan).
Nếu dân Filipinos thấy ông Duterte nhượng bộ cho Bắc Kinh về Scarborough thì họ sẽ phẫn nộ. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo, tiếng nói bán chính thức của chính quyền Trung Cộng, đã đề nghị Manila công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên đảo Hoàng Nham, đổi lại, các ngư dân Filipinos sẽ được vào đánh cá trong vùng đó. Nhưng vấn đề chủ quyền đã nằm trong tâm khảm người Filipinos, hàng triệu người đã biểu tình hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế xử cho Philippines thắng, vào Tháng Sáu.
Scarborough Shoal là một mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, vì những căn cứ quân sự trên các tảng đá ngầm này, cộng với các căn cứ đã lập trên các hòn đảo nhân tạo gần đây, sẽ tạo thành một vùng tam giác kiểm soát tất cả Ðường Lưỡi Bò và vùng biển Ðông Nam Á. Từ đó, Bắc Kinh sẽ khống chế Philippines và nhòm ngó các đảo Guam và Hawaii của Mỹ.
Nếu không được quân đội Mỹ bảo vệ với các hiệp ước an ninh hỗ tương, quân đội Philippines sẽ quá bé nhỏ so với Hải Quân Trung Cộng. Nếu ông Duterte “nhượng” Scarborough Shoal cho Tập Cận Bình, dân chúng sẽ coi ông không khác gì Phạm Văn Ðồng công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bởi vì các chính phủ sau này sẽ mất một điểm tựa quan trọng trong việc thương thuyết với Trung Cộng, hết cả quyền hiện cáo.
Một điểm hài hước là đảng Cộng Sản Philippines cũng lên tiếng cảnh cáo ông Duterte, nói rằng họ chống hành động “Thay thế nước Mỹ bằng Trung Quốc đóng vai khai thác Philippines” là điều không thể chấp nhận! Cộng Sản Philippines đòi Trung Cộng phải bãi bỏ độc quyền đánh cá của họ tại nhiều vùng biển đang tranh chấp, chấm dứt quân sự hóa vùng biển Ðông Nam Á, và không được tiếp tục xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác trong vùng! Họ nói: Nếu quyền lợi của dân Phi không được tôn trọng thì những việc xây cầu, mở hải càng, làm xa lộ và đường xe lửa, mà Trung Cộng hứa hẹn không có ý nghĩa nào cả! Khó tin rằng đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nói lên được những lời như vậy!
Người Filipinos biết rằng nếu Trung Cộng thắng thế trên cả vùng biển Ðông Nam Á thì Philippines sẽ trở thành một chư hầu, cùng các nước khác trong vùng. Quyền tự do của người Phi sẽ biến mất. Người ta còn lo rằng ông Duterte sẽ bắt chước cựu Tổng Thống Ferdinand Marcos, người được dân chúng bầu lên nhưng sau tự biến thành một nhà độc tài; điều này chắc chắn sẽ bị chính phủ Mỹ chống nhưng sẽ được Trung Cộng hoan nghênh.
Trong vùng Châu Á, các nước đều tỏ ra dè dặt và lo ngại về những lời nói của ông Duterte. Báo Japan Times cho biết chính phủ Tokyo nhấn mạnh sẽ củng cố quan hệ với Philippines mạnh hơn, để đối đầu với ý định bành trướng của Trung Cộng. Japan Times thuật lại ý kiến của Giáo Sư Wataru Kusaka, Ðại Học Nagoya, nói rằng ông Duterte vẫn luôn luôn đề cao quan hệ với Nhật Bản, và đoán rằng ông ta sẽ thay đổi ý kiến về Mỹ vì lực lượng chính trị thân Mỹ ở Philippines rất mạnh.
Nhật báo Taipei Times tại Ðài Loan viết một bài quan điểm ví ông Duterte với ông Donald Trump ở Mỹ, về thái độ thân thiện với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, và các hành động với phụ nữ, nhưng chỉ khác là Duterte đã đắc cử. Tháng Hai năm 2016, ông Duterte đã công nhận ông có ba nhân tình và một bà vợ không cưới; nhưng ông vẫn kính trọng phụ nữ. Một điểm tương đồng khác là mỗi lần ông Trump phát biểu là nhiều chính khách đảng Cộng Hòa lại lên tiếng thanh minh, giống như các bộ trưởng của ông Duterte cũng đang làm. Báo Taipei Times cũng phản đối cuộc tàn sát hơn 3,000 người nhân danh chống ma túy, đặc biệt chú ý tới cái chết của một bé gái mới 5 tuổi khi cha em này bị bắn. Ðiều đáng quan ngại cho Ðài Loan là ông Duterte đang làm thay đổi thế cân bằng trong vùng biển Châu Á.
Tại Bắc Kinh, ông Duterte giải thích rằng ông bỏ nước Mỹ vì “Mỹ đã thua” trong vùng Ðông Nam Á. Nhưng nhiều người không đồng ý.
Nhật báo Straits Times tại Singapore nhắc lại lời cố Tổng Thống Lý Quang Diệu, nói rằng chỉ có nước Mỹ mới tạo được thế cân bằng với Trung Cộng trong vùng này. Tờ báo nhắc lại các nước Á Ðông đều đang tìm cách mở cửa cho sự hiện diện của Mỹ, để giúp các nhà lãnh đạo Mỹ dễ thuyết phục dân chúng nước họ, vì người Mỹ đang có khuynh hướng quay vào bên trong. Singapore đã cho hải quân Mỹ được sử dụng một căn cứ hải quân từ năm 1992. Nam Hàn và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ; kể cả việc đóng góp thêm vào chi phí của quân đội Mỹ đồn trú tại các nước này.
Tờ báo Straits Times phê bình Tổng Thống Duterte “vốn chỉ là thị trưởng một thành phố nhỏ ở một tỉnh xa xôi, và là một tay non trên trường ngoại giao.” Họ so sánh tổng sản lượng nội địa Philippines chỉ bằng của Singapore, 300 tỷ Mỹ kim, không thể đọ sức với Trung Cộng. Nếu không có nước Mỹ thì Trung Cộng sẽ làm chủ cả vùng Ðông Nam Á! Họ nhắc nhở rằng giới lãnh đạo quân sự Philippines rất thân Mỹ và cần Mỹ hỗ trợ, chắc chắn sẽ chống lại bất cứ nhượng bộ nào với Trung Cộng; và đa số giới chính trị ở nước này cũng chống. Straits Times kết luận Philippines không thể nào chấm dứt quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Ngày Thứ Bảy, 22 tháng 10, tại Davao ông Duterte đã “tự giải thích” sau khi từ Bắc Kinh trở về nước. Ông nói ông không hề muốn “chấm dứt” (sever) quan hệ đồng minh với Mỹ mà chỉ muốn “tách ra” (separate) thôi. Ông giải thích sever là cắt đứt liên lạc ngoại giao, và ông sẽ không làm điều đó, vì nó trái ngược với quyền lợi của nước ông! Ông nói separate chỉ là đặt ra một đường lối mới trong mối bang giao, bởi vì các đời tổng thống trước ông Mỹ bảo sao là làm theo!
Ông Rodrigo Duterte phải lập tức “thanh minh” cũng vì lo dân bất mãn. Ông đắc cử trong cuộc chạy đua năm ứng cử viên, nhờ những hứa hẹn chống ma túy và chống tham nhũng. Hiện nay ông mới đang thực hiện lời hứa thứ nhất, nhưng đã vội vàng tạo một bước ngoặt trên đường ngoại giao. Dân chúng Phillipines có thể chấp nhận cảnh tàn sát ngoài tầm kiểm soát của luật pháp trong một thời gian dài, một hoặc hai năm. Nhưng họ khó nhân nhượng cho ông Duterte xoay chiều cả nền tảng ngoại giao của đất nước. Cựu Ngoại Trưởng Albert Del Rosario nói ở Manila: “Gạt bỏ một đồng minh lâu đời đáng tin cậy để ôm lấy một nước láng giềng hung hãn từng bất chấp luật pháp quốc tế là điều dại dột và không hiểu nổi!”
Philippines đã sống năm thế kỷ dưới chế độ thực dân của Tây Ban Nha, sau đó 50 năm dưới chế độ bảo hộ của Mỹ. Năm 1944-45 quân đội Mỹ đã giải phóng Philippines thoát khỏi cuộc chiếm đóng tàn bạo của quân Nhật rồi trao trả độc lập, và điều này dân Phi còn nhớ.

Tin Hoa Kỳ – 22-10-2016

Trump nhắm vào Đệ nhất phu nhân Michelle Obama

trumpImage copyrightREUTERS
Image captionBà Michelle Obama đưa ra những bình luận thẳng thắn về Donald Trump trong những tuần gần đây

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump phát động cuộc tấn công hiếm hoi vào bà Michelle Obama khi nói rằng “tất cả những gì bà ấy muốn làm là vận động” cho đối thủ của ông.
Phát biểu tại cuộc vận động ở North Carolina, ông Trump cáo buộc Đệ nhất phu nhân từng tấn công Hillary Clinton năm 2007 khi nhắc lại lời bà nói về thể chất cần thiết của người chủ Nhà Trắng.
Chiến dịch của Obama bác thông tin này.
“Và bây giờ tôi thấy [Michelle Obama] lại thích Hillary quá”, ông Trump nói.
“Nhưng chẳng phải bà lúc đầu từng nói: “Nếu quý vị không thể chăm lo cho gia đình mình thì sẽ không thể chăm lo cho Nhà Trắng hay đất nước?”.
Doanh nhân New York nhắc lại lời bà Obama trong cuộc vận động tranh cử cho chồng trước đối thủ là bà Clinton năm 2007.
Một số nhà phê bình đặt câu hỏi liệu bình luận của bà Obama có phải nhắm vào mối quan hệ của bà Clinton với chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton.
Nhưng chiến dịch của Obama khẳng định bình luận đó không nhắm vào gia đình Clinton mà muốn đề cập đến thử thách của chính họ trong vai trò làm cha mẹ trong chiến dịch.
“Vì vậy, chúng tôi đã điều chỉnh lịch trình để đảm bảo rằng các con gái tôi được ưu tiên. Trong lúc chồng bận rộn đi vận động khắp nơi thì tôi chọn những chuyến đi về trong ngày. Điều đó nghĩa là tôi luôn sắp xếp công việc để kịp về nhà trước giờ đi ngủ của các con”, bà Obama tiếp tục trong bài phát biểu năm 2007.
Ông Trump tiếp tục chiến dịch một ngày sau khi ông và bà Clinton xuất hiện cùng nhau tại bữa tiệc tối từ thiện của quỹ Alfred E Smith ở thành phố New York.
Sự kiện này có tiết mục đặc biệt là các ứng viên tổng thống trổ tài chế giễu nhau trước cử tọa. – BBC
Nhưng chủ nhân bữa tiệc, Aflred E Smith V nói với CNN hôm 21/10 rằng ông Trump “đi quá xa những lời nói đùa”.
“Những người trong khán phòng có một chút khó chịu,” ông nói thêm.
Những gì xảy ra tiếp theo?
Hai ứng viên sẽ dành 18 ngày còn lại trước thời điểm bầu cử đi khắp Hoa Kỳ để thuyết phục những cử tri chưa quyết định sẽ ủng hộ ai. Những bang mà họ sẽ đến là Ohio, North Carolina, Florida và Pennsylvania.
Các cử tri sẽ đi bỏ phiếu hôm 8/11 để chọn ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ
Tổng thống mới sẽ nhậm chức ngày 20/1/2017.


Bầu cử Mỹ: Hoa Kỳ sẵn sàng nghênh đón quan sát viên Nga

Trọng NghĩaĐăng ngày 22-10-2016 Sửa đổi ngày 22-10-2016 15:37

media
Donald Trump và Hillary Clinton tăng tốc vận động tranh cử trước ngày bầu cử tổng thống 08/11/2016.REUTERS/Carlos Barria

Vào lúc tranh cãi đang bùng lên giữa Mátxcơva và Washington về việc nước Nga bị nghi ngờ cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 21/10/2016 xác định luôn hoan nghênh việc Nga cử quan sát viên qua Hoa Kỳ để theo dõi cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện sắp diễn ra.
Phát biểu với báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby khẳng định : « Chúng tôi đã nói với chính phủ Nga rằng họ được hoan nghênh khi tới giám sát các cuộc bầu cử của chúng tôi ».
Tuyên bố này được đưa ra nhằm phản bác cáo buộc từ phía Nga, theo đó các quan sát viên của họ bị từ chối, không được phép giám sát bầu cử Mỹ.
Theo ông Kirby, Mỹ không hề có chính sách từ chối các quan sát viên Nga, nhưng các quan sát viên phải nằm trong phái đoàn của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, OSCE, chuyên giám sát bầu cử tại mọi nước thành viên, trong đó có Hoa Kỳ.
Vấn đề là phía Nga đã từ chối tham gia phái đoàn OSCE, điều bị phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cho là một « chiêu trò quảng cáo và giao tế PR ».
Theo ông Kirby, quan sát viên Nga hoàn toàn có thể xin phép tại từng bang riêng lẻ mà không bị chính quyền liên bang cản trở. Đối với ông Kirby, nước Mỹ rất tin vào sự ổn định, an ninh và sức mạnh của tiến trình bầu cử của mình, do đó không có gì phải giấu.

Hillary Clinton và Donald Trump lao vào cuộc chạy đua nước rút

Vào hôm qua, chiến dịch tranh cử của hai ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa bước vào giai đoạn cuối. Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump sẽ đi khắp nước Mỹ với tốc độ chóng mặt, tăng cường các cuộc gặp gỡ với công chúng để thu hút thêm những cử tri còn lưỡng lự và để vận động những người ủng hộ họ đi bỏ phiếu ngày 08/11.
Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tường trình :
« Cả hai ứng viên ít nhiều đã tỏ ra thân thiện hơn trong bữa tối dạ tiệc từ thiện thứ Năm vừa qua, thậm chí còn bắt tay nhau. Thế nhưng, hôm qua (21/10), họ đã nhanh chóng chuyển sang phản công.
Tại bang Bắc Carolina, Donald Trump tố cáo : « Hillary Clinton là chính khách tham nhũng nhất từng ra ứng cử tổng thống từ trước đến nay ».
Còn cựu ngoại trưởng Mỹ lại có mặt ở Ohio, một bang quan trọng mà bà đang ở thế cân bằng với đối thủ Cộng Hòa. Bà nói : « Chúng ta đều biết sự khác biệt giữa quyền lãnh đạo và nền độc tài ».
Cả hai ứng viên đều bảo vệ những quan điểm rất khác nhau : Ông Trump tiếp tục khẳng định sẽ chiến thắng, nhưng có thể ông biết là đã thất bại. Chính vì vậy, nhà tỉ phú không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng cuộc bầu cử bị gian lận. Dù sao, ứng viên đảng Cộng Hòa sẽ tiếp tục hùng hồn diễn thuyết trước cử tọa mỗi ngày một đông đảo tham dự các buổi mit-tinh của ông và tạo cho ông ảo tưởng có thể giành chiến thắng. 
Theo thăm dò, bà Clinton đã thu được hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để được bầu, nhưng bà Hillary Clinton có tham vọng lớn hơn : đó là chiến thắng áp đảo. Vì vậy, bà đến các bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng Hòa. Cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ tập trung mọi nỗ lực để các bang này chuyển sang ủng hộ phe Dân Chủ và biến năm 2016 thành một năm đại bại cho đảng Cộng Hòa mà trong đó, ông Donald Trump góp phần không nhỏ » -VOA

Hàn Quốc và Mỹ cân nhắc bổ sung các biện pháp tăng cường chiến lược răn đe mở rộng

KBS
Đăng tải : 2016-10-21

Title

Tại Hội nghị an ninh thường niên Hàn-Mỹ (SCM) diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ) hôm 20/10 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhất trí về việc tăng cường năng lực răn đe mở rộng. Thỏa thuận đạt được giữa hai nước được xem là điều tất yếu trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang ngày càng lớn hơn từ Bình Nhưỡng, sau một loạt các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, và hai lần thử nghiệm hạt nhân chỉ riêng trong năm nay. Hai bên cũng quyết định sẽ tiếp tục xem xét đưa ra các biện pháp cụ thể và thiết thực cho vấn đề này.
Bổ sung biện pháp tăng cường răn đe mở rộng

Chiến lược răn đe mở rộng là một khái niệm chỉ việc Mỹ áp dụng các biện pháp răn đe hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ các quốc gia có quan hệ đồng minh với Mỹ ở mức độ tương đương như đối với nước mình. Mối quan tâm của Hội nghị an ninh thường niên Hàn-Mỹ lần này không phải việc Washington sẽ áp dụng các biện pháp răn đe mở rộng hay không, mà là vấn đề hai bên sẽ bổ sung biện pháp xử lý như thế nào để tăng cường khả năng răn đe mở rộng. Sự việc này đang được phía Hàn Quốc đặc biệt quan tâm sau khi dư luận Hàn Quốc nảy sinh ý kiến cho rằng Seoul phải triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược hoặc thậm chí phải vũ trang hạt nhân để đối phó với đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc cho biết đây là lựa chọn bất khả kháng để trấn an sự lo lắng về an ninh quốc gia của người dân Hàn Quốc. Về phần mình, Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc giữa Hàn Quốc và Mỹ và các chiến lược mở rộng răn đe hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, những cam kết suông không thể ngăn chặn được Bắc Triều Tiên và làm dịu được những lo ngại về tình hình an ninh tại Hàn Quốc. Mặc dù Seoul và Washington đồng tình về việc cần phải tăng cường các biện pháp răn đe mở rộng, hai bên vẫn chưa đề ra được bất kỳ biện pháp cụ thể nào.
Triển khai thường xuyên vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc

Một trong những biện pháp bổ sung được nhắc đến trong hội nghị lần này là việc triển khai thường xuyên vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc. Theo đó, luôn có ít nhất một vũ khí chiến lược của Mỹ hoạt động trên hải phận hoặc không phận xung quanh bán đảo Hàn quốc. Các vũ khí chiến lược được nói đến ở đây bao gồm các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1, B-2, B-52, máy bay chiến đấu tàng hình F-22, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay hạt nhân. Một khi vũ khí chiến lược của Mỹ được triển khai thường xuyên tại bán đảo Hàn Quốc, Hàn Quốc sẽ có thể đáp trả quyết liệt ngay tức khắc khi Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích bằng hạt nhân và tên lửa. Điều này dự kiến sẽ tạo áp lực lớn cho chính quyền miền Bắc, có thể hạn chế được hành động khiêu khích của nước này. Vấn đề triển khai thường xuyên vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc dự kiến sẽ được Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng thảo luận trong tương lai.

Nạn nhân bom nguyên tử nói chuyện với học sinh cấp 3 Mỹ

Nạn nhân bom nguyên tử nói chuyện với học sinh cấp 3 Mỹ
Thứ Bảy, ngày 22 tháng 10 07:38

Các nạn nhân bom nguyên tử còn sống sót của Hiroshima và Nagasaki chia sẻ những gì họ đã trải qua với các học sinh cấp 3 ở New York.
Hôm thứ Sáu, 5 nạn nhân bom nguyên tử được gọi là hibakusha phát biểu tại một nhà hát thành phố New York trước sự có mặt của khoảng 130 người, trong đó có các học sinh cấp 3 của thành phố. Buổi gặp gỡ do một nhóm phi chính phủ có trụ sở ở Tokyo và các chuyên gia Mỹ về giáo dục giải trừ vũ khí hạt nhân tổ chức.
Bà Fukahori Toshiko mới 10 tuổi khi Nagasaki bị ném bom nguyên tử vào tháng 8/1945. Bà nói gần như tất cả mọi người được đưa đi trú ẩn gần đó đã bị bỏng nặng, và đến sáng hôm sau thì hơn một nửa đã qua đời. Bà bày tỏ hy vọng thế hệ trẻ sẽ có hành động ngăn chặn để các nhà lãnh đạo trên thế giới không sử dụng vũ khí hạt nhân, loại vũ khí hủy diệt nhân loại. – NHK World

Tin khắp nơi – 22 -10 -2016

Google xóa các nội dung ‘xúc phạm hoàng gia Thái’

Well-wishers hold a picture of Thailand"s King Bhumibol Adulyadej at the Siriraj hospital where he is residing, in Bangkok, Thailand, June 9, 2016.
Image copyrightREUTERS
Image captionThái Lan đang để tang Quốc vương Bhumibol

Google đồng ý hợp tác trong việc gỡ bỏ các nội dung online xúc phạm hoàng gia Thái Lan, phó thủ tướng nước này nói.
Ông Prajin Juntong nói rằng ông đã gặp đại diện hãng để khiếu nại về những nội dung có thể tìm được bằng công cụ tìm kiếm Google và trên YouTube, một công ty con của Google.
Google nói hãng tuân thủ các chính sách của mình trong việc xóa bỏ nội dung.
Thái Lan, quốc gia có những quy định nghiêm ngặt về luật khi quân trên thế giới, đang để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej.
Ông Juntong nói rằng hơn 100 nội dung xúc phạm đến hoàng gia đã được tìm thấy qua dịch vụ Google kể từ khi nhà vua băng hà hôm 13/10.
Phát ngôn viên Google nói với hãng tin Reuters rằng hãng tuân theo các quy định của mình về việc xử lý các đề nghị xóa bỏ nội dung.
“Khi chúng tôi được thông báo về nội dung có tính bất hợp pháp thông qua trình tự chính thức, chúng tôi sẽ hạn chế nội dung đó tại quốc gia nơi chúng bị coi là bất hợp pháp sau khi cân nhắc kỹ càng.”

Google LogoImage copyrightAFP
Image caption

Google nhận được hàng ngàn yêu cầu gỡ bỏ nội dung từ các cơ quan thực thi pháp luật và các chính phủ mỗi năm
Google thường công bố định kỳ số liệu về các yêu cầu đó, trong cái mà hãng gọi là “các phúc trình về tính minh bạch”.
Trong thời gian sáu tháng, từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai 2015, hãng nhận được 33 yêu cầu từ chính phủ Thái Lan, muốn gỡ bỏ nội dung.
Các yêu cầu nêu ra 1.566 nội dung riêng lẻ, trong đó 97% bị cho là “chỉ trích chính quyền”.
Goolge nói hãng đã thực hiện 85% các yêu cầu của chính phủ Thái – chừng 1.300 nội dung đơn lẻ – tuy nhiên không công bố chi tiết số lượng bao nhiêu nội dung là bị hạn chế không xem được tại Thái Lan, bao nhiêu là bị gỡ bỏ hoàn toàn.

‘Xúc phạm hoặc đe dọa’

Điều 112 Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định rằng bất kỳ ai “mạ lị, sỉ nhục hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người sẽ kế vị ngai vàng, hoặc quan nhiếp chính” sẽ bị trừng phạt tới 15 năm tù.

Portrait for sale of Crown Prince VajiralongkornImage copyrightEPA
Nội dung này đã chưa hề thay đổi kể từ khi được ban hành trong Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước này, hồi 1908, tuy hình phạt đã trở nên cứng rắn hơn vào năm 1976.
Tuy nhiên, không có định nghĩa về việc thế nào là hành vi xúc phạm hoàng gia.
Các khiếu nại có thể được đưa ra bởi bất kỳ ai, và khiếu nại một khi được đưa ra bắt buộc phải được cảnh sát điều tra. – BBC

Nga cáo buộc Anh ‘thu hẹp’ sứ quán của họ ở London

ngaImage copyrightGETTY IMAGES
Image captionÔng Alexander Yakovenko chỉ trích thủ tướng và ngoại trưởng Anh

Đại sứ Nga tại Anh cáo buộc chính phủ Anh trì hoãn việc cấp visa cho nhân viên sứ quán Nga tại London.
Ông Alexander Yakovenko biết sứ quán đang “thu hẹp lại” và đặt câu hỏi liệu Anh quốc có muốn “sự hiện diện đầy đủ của ngoại giao Nga”.
Ông cũng chỉ trích thủ tướng và ngoại trưởng Anh về những gì ông nói là “những tuyên bố chống Nga”.
Bộ ngoại giao Anh cho biết không có chính sách trì hoãn cấp thị thực.
Ông Yakovenko nói Nga hiện không có đủ nhân viên ngoại giao ở London vì khi những người này về nước hoặc nhận nhiệm vụ mới, thị thực cho người thay thế họ không được cấp.
“Sứ quán đang thu hẹp lại và nếu tình trạng này tiếp diễn thì sứ quán sẽ còn ít nhân viên hơn nữa. Chúng tôi không thể thay người vì visa không được cấp”, ông nói.
“Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được chính phủ hiện nay giải quyết.”
Ông nói thêm: “Ở London, chúng tôi thật sự không hiểu được chiến lược của nước này về vấn đề thị thực.”
‘Quốc gia bị ruồng bỏ
Phát biểu của ông Yakovenko được đưa ra trong bối cảnh có xung đột giữa Anh và Nga về Syria, Ukraine và việc sát hại cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko tại London năm 2006.
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Boris Johnson nói với các nghị sĩ rằng Nga có nguy cơ trở thành một quốc gia bị ruồng bỏ do dính líu vào các chiến dịch oanh tạc thành phố Aleppo của Syria và kêu gọi người biểu tình diễu hành bên ngoài đại sứ quán Nga.
Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu gửi “thông điệp nhất quán mạnh mẽ” tới Moscow về chiến dịch oanh tạc của Nga.
Cũng trong ngày 21/10, Anh điều tàu ra theo dõi đội tàu hải quân Nga đang vượt qua eo biển giữa Anh quốc và Pháp trên đường tới Syria.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tranh luận về quá trình trao đổi thị thực với Nga ở cấp chính thức và việc này đòi hỏi cả Anh và Nga hợp tác để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các sứ quán tương ứng của chúng tôi.” – BBC

Ngoại trưởng Mỹ: Bắc Triều Tiên là một chế độ thiếu tính chính đáng

 
media
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) và đồng nhiệm Kuwait Sabah Al Khalid Al Sabah trước cuộc họp tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington, ngày 21/10/2016.REUTERS/Yuri Gripas

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 21/10/2016 đã gây ngạc nhiên khi
cho rằng chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay vừa phi pháp, vừa không có tính chính đáng. Quan chức Mỹ cao cấp hiếm khi công khai nói về tính chính đáng của chế độ cha truyền con nối của họ Kim tại Bắc Triều Tiên.
Ông John Kerry đã dùng lời lẽ cứng rắn bất thường như trên trong cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Kuwait Sabah Al Khalid Al Sabah, khi ông ca ngợi các nỗ lực của quốc gia vùng Trung Cận Đông này trong việc chống lại các hoạt động phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cụ thể là « gần đây đã tiến hành các bước nhằm hạn chế các chuyến bay và đảm bảo sao cho lợi tức của người lao động không bị dùng vào việc duy trì một chế độ bất hợp pháp và phi chính đáng ở Bắc Triều Tiên ».
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, các quan chức Mỹ cao cấp hiếm khi trực tiếp đặt vấn đề về tính chính đáng của tình trạng cha truyền con nối để lãnh đạo Bắc Triều Tiên của dòng họ Kim.
Sau phát biểu của ông John Kerry, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby lên tiếng giải thích rằng tuyên bố trên đây chỉ thể hiện mối quan ngại sâu sắc của Hoa Kỳ trước các hành vi bất hợp pháp và khiêu khích của chính phủ Kim Jong Un chứ không hề báo hiệu một sự thay đổi chính sách của Mỹ.
Ông Kirby đã từ chối trả lời một câu hỏi của phóng viên về liệu Kim Jong Un có mất tính chính đáng để lãnh đạo Bắc Triều Tiên hay không. – RFI

Quần đảo Kuril: Nhật cấp tín dụng cho Nga để thúc đẩy đàm phán


media
Núi lửa Tyatya nằm ở đông bắc đảo Kunashir, phía nam quần đảo Kuril đang có tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 14/09/2015.REUTERS/Thomas Peter

Trước thượng đỉnh Nhật-Nga vào tháng 12/2016, Tokyo quyết định cấp tín dụng cho Nga, vốn đang bị phương Tây trừng phạt kinh tế, nhằm thúc đẩy các đàm phán về quần đảo Kuril, hiện do Nga kiểm soát, mà Nhật Bản gọi là “các vùng lãnh thổ phương Bắc”.
Theo Reuters, Ngân hàng Nhật Bản vì Hợp tác Quốc tế JBIC sẽ cấp khoảng 4 tỉ yen, tương đương 354 triệu euro cho ngân hàng Nga Sberbank, ngân hàng lớn nhất của nước này. Sberbank sẽ dùng khoản tín dụng trên để hỗ trợ cảng biển Vostotchny, cảng lớn nhất của Nga tại vùng Viễn Đông. Ngân hàng Nhật JBIC dự kiến sẽ chuyển tiền cho Nga từ nay đến cuối năm.
Theo báo Nhật Nikkei, việc ngân hàng JBIC cấp vốn cho Nga nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán sắp diễn ra. Hiện tại, Reuters không liên lạc được với ngân hàng nói trên cũng như chính phủ Nhật Bản để phỏng vấn về chủ đề này.
Vẫn theo Reuters, khoản tín dụng 4 tỉ yen nằm trong chương trình hợp tác kinh tế 8 điểm, đã được thủ tướng Nhật Shinzo Abe gửi đến tổng thống Nga Vladimir Putin, với chủ trương phát triển “một cách tiếp cận mới” để giải quyết các bất đồng lãnh thổ từ khi Thế Chiến Hai kết thúc. Chính do bất đồng này mà Tokyo và Matxcơva không ký kết được hiệp định hòa bình.
Vào tháng 11 tới, thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp tổng thống Nga bên lề Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á-Thái Bình Dương, APEC, tại Peru và tháng 12 sau đó là Thượng đỉnh Nhật-Nga tại Nagato, Nhật Bản.
Ngân hàng Nga Sberbank nằm trong số các định chế tài chính Nga bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 và hậu thuẫn phe ly khai miền đông nước này.
Theo báo kinh tế Nikkei, cho dù các khoản tín dụng bằng yen không trực tiếp liên quan đến các trừng phạt nói trên, nhưng nhìn chung các ngân hàng Nhật Bản đều lưỡng lự trước việc cấp tín dụng cho Nga, do sợ Hoa Kỳ trả đũa.  - RFI

Tướng Ai Cập bị bắn chết

Bản đồ Ai Cập.
Bản đồ Ai Cập.

Một tướng lãnh Ai Cập vừa bị bắn chết gần nhà ở một khu ngoại ô phía Đông thủ đô Cairo.
Một tổ chức ít người biết đến tên Liwa al-Thawra đã nhận trách nhiệm trên trang Twitter.
Các giới chức yêu cầu giữ kín danh tính, tiết lộ rằng người bị bắn chết là Thiếu Tướng Adel Ragai, Tư Lệnh Sư đoàn 9 Thiết kỵ của quân đội Ai Cập, đóng quân tại căn cứ quân sự Dahshour, nằm về hướng Tây thủ đô Cairo.
Hiện chưa rõ động cơ dẫn tới cái chết của Tướng Ragai, nhưng các phần tử chủ chiến Hồi giáo trong quá khứ vẫn tìm cách sát hại các sĩ quan quân đội và cảnh sát trên bán đảo Sinai.
Những phần tử thánh chiến trung thành với Nhà nước Hồi giáo đang phát động một cuộc nổi dậy gây nhiều chết chóc trên bán đảo Sinai, giáp ranh với Israel và dải Gaza.
Vụ nổ súng giết tướng Ragai hôm thứ Bảy xảy ra giữa lúc bạo lực đang tăng tại khu vực có nhiều xáo trộn ở phía Bắc Sinai, nơi đang diễn ra các vụ không kích và các vụ truy quét các địa điểm bị nghi là nơi ẩn nấp của các phần tử chủ chiến.
Các lực lượng an ninh Ai Cập đã chống chọi với các phần tử chủ chiến ở Sinai trong nhiều năm qua, nhưng cuộc nổi dậy ngày càng gây nhiều chết chóc sau khi Tổng thống Ai Cập Mohammed Fattah el-Sissi dẫn đầu một cuộc đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống được dân bầu lên là ông Mohammed Morsi, thuộc tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo.
Một toà án Ai Cập hôm nay xác nhận bản án 20 năm tù dành cho ông Morsi. Đây là phán quyết cuối cùng đối với cựu Tổng thống Ai cập, bị truy tố về các cáo buộc xoay quanh vụ một số người biểu tình bị giết khi tham gia các cuộc biểu tình vào năm 2012.
Tháng 6, một toà án ra phán quyết tù chung thân đối với ông Morsi, về tội mà theo họ, là “cầm đầu một nhóm khủng bố”, ám chỉ tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo của ông Morsi, tổ chức này đã bị nhà chức trách Ai Cập đặt ra ngoài vòng pháp luật vào cuối năm 2013. – VOA

Máy bay trực thăng Nga rớt ở Siberia, 19 người chết

Tư Liệu - Một chiếc máy bay trực thăng Mi-8 của Nga.
Tư Liệu – Một chiếc máy bay trực thăng Mi-8 của Nga.

19 người đã thiệt mạng hôm thứ Bảy 22/10 khi một máy bay trực thăng vận chuyển công nhân dầu khí lâm nạn ở vùng tây-bắc Siberia. Cơ quan hàng không Nga nói nguyên nhân có thể là do thời tiết.
Các giới chức Nga cho hay chiếc máy bay trực thăng Mi-8 chở theo 22 người đang bay từ Vankor tới Staryi Yrengoi ở vùng Yamalo-Nenets thì lâm nạn cách điểm đến khoảng 45 km.
Theo một cuộc điều tra sơ khởi, phi hành đoàn gồm 3 người và 16 trong tổng cộng 19 hành khách trên khoang đã thiệt mạng.
Theo hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga, chiếc trực thăng lúc đó đang vận chuyển các công nhân của một nhà thầu phụ làm việc theo hợp đồng với Rosneft, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga.
Phải mất 1 tiếng đồng hồ toán cứu cấp mới tìm ra địa điểm máy bay lâm nạn vì sương mù dày đặc, giới hạn tầm nhìn.
Các nhân viên cứu cấp phát hiện chiếc máy bay trực thăng trong thế nằm nghiêng, nhưng vẫn cứu được 3 người ra khỏi xác máy bay.
Tin cho hay ba hành khách may mắn sống sót bị thương trầm trọng nhưng không bị đe doạ tính mạng. Gọi điện cho các nhân viên cứu cấp từ bên trong máy bay sau tai nạn, họ cho biết trước khi rơi, chiếc máy bay đã bay vào vùng có gió lớn.
Cơ quan đặc trách hàng không dân dụng Nga đã mở một cuộc điều tra, nhưng nói rằng dựa trên các dữ kiện sơ khởi, tai nạn này có thể là do “các điều kiện thời tiết không thuận lợi.”
Các giới chức cho biết một uỷ ban đặc biệt sẽ điều tra quyết định của phi hành đoàn thực hiện chuyến bay bất chấp thời tiết xấu.
Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã chia buồn với thân nhân của các nạn nhân. – VOA

BTQP Mỹ bất ngờ thăm Iraq, bàn chiến dịch tái chiếm Mosul

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đến Baghdad, Iraq thứ Bảy ngày 22 tháng 10 năm 2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đến Baghdad, Iraq thứ Bảy ngày 22 tháng 10 năm 2016.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến Iraq hôm nay, thứ Bảy 22/10, để gặp các vị tư lệnh liên quân và duyệt lại chiến dịch tái chiếm Mosul từ tay quân Nhà Nước Hồi giáo.
Đây là chuyến đi thứ 3 của Bộ trưởng Carter tới thăm Iraq trong năm nay. Ông đang giám sát chiến dịch quân sự được Mỹ hậu thuẫn nhưng do các lực lượng vũ trang Iraq lãnh đạo trong trận chiến nhằm đẩy bật các phần tử thánh chiến ra khỏi khu vực.
Chuyến đi thăm không báo trước của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được thực hiện sau khi một binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong khu vực một vài ngày trước.
Ông Carter theo chương trình sẽ gặp Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi. Hai nhà lãnh đạo có phần chắc sẽ thảo luận về thái độ miễn cưỡng của Baghdad, không muốn các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch Mosul.
Hôm thứ Sáu, ông Carter và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hội kiến ở Ankara để thảo luận về nhu cầu tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch đánh bại Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq và ở Syria.
Một thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói hai nhà lãnh đạo đồng ý liên lạc thường xuyên và phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong liên minh chống Nhà Nước Hồi giáo để bảo đảm nhóm khủng bố này sẽ bị thật sự đánh bại ‘trong lâu dài’.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong trận chiến tái chiếm thành phố lớn thứ nhì của Iraq, đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước Hồi giáo trong hơn 2 năm qua, nhưng chính phủ Iraq chống đối sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Mosul. Mỹ lo ngại căng thẳng giữa hai nước này có thể làm tan rã thoả thuận liên quan tới các lực lượng dân quân sắc tộc và các phe phái đối nghịch ở Mosul.
Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông sẽ nhấn mạnh với Ankara rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải tôn trọng quyền tự quyết của Iraq. – VOA
Powered by Blogger.